Tiểu truyện thiền sư Huyền Quang cũng có một chi tiết đậm màu sắc huyễn
ảo, kể việc nhà sư lên đàn tràng làm phép rửa oan cho mình nhân mối nghi
ngờ của vua Trần Anh Tông về gian tình của sư với người cung nữ tên là
Điểm Bích:
(Huyền Quang) Đứng ngay giữa đàng, vọng bái thánh hiền mười phương.
Tay trái cầm bình ngọc thạch, tay phải cầm nhánh dương xanh, mật niệm và
tẩy tịnh trên dưới và trong ngoài đàn tràng. Bỗng thấy một đám mây đen hiện
lên từ phía Đông Nam, bụi bay mù mịt ngất trời. Một lát liền dứt, các thứ tạp
vật cuốn bay đi hết, chỉ còn lại hương đăng lục cúng. Các đạo tràng, người
xem hội ai nấy thất sắc kinh hoàng. Vua thấy hạnh pháp của sư thấu đến trời
đất, liền rời chỗ ngồi, lạy xuống để tạ lỗi [57, tr.89].
47 trang |
Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 2309 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Sự hỗn dung thể loại trong Tam tổ thực lục, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ô tận, mặt trời xuất hiện trong
nhà là tướng ngươi vào đạo, ánh sáng chiếu khắp là trí tuệ siêu việt của ngươi
[76, tr.29].
Ngoài ra, ở nhiều tiểu truyện khác, tuy về chi tiết không trùng hợp với nhau
nhưng cũng lí giải sự ra đời của các thiền sư bằng giấc mộng. Có thể kể ra
một số truyện như thế: tiểu truyện về Bồ-tát Tu Bàn Đầu (Vasubandhu):
Ngài họ Tỳ Xá Khư ở nước La Duyệt, cha hiệu Quang Cái, mẹ là Nghiêm
Nhất. Nguyên gia đình ông Quang Cái giàu có mà không con. Hai ông bà
đồng đi lễ tháp Phật ở phía bắc thành La Duyệt để cầu con. Sau đó, bà mộng
thấy nuốt hai hạt châu một sáng một tối. Kế bà biết mình có thai [76, tr.99];
tiểu truyện về tổ Hặc Lặc Na (Haklena):
Ngài dòng Bà-la-môn sanh tại nước Nguyệt Chi, cha hiệu Thiên Thắng, mẹ là
Kim Quang. Ông Thiên Thắng đã lớn tuổi mà không con. Một hôm, ông đến
trước Kim Tràng thờ bảy đức Phật dâng hương lễ bái cầu con. Một hôm, bà
Kim Quang mộng thấy một vị thần đứng trên ngọn núi Tu Di, tay cầm vòng
ngọc, nói với bà: “Ta lại đây”. Khi thức giấc, bà biết có thai [76, tr.109];
tiểu truyện thiền sư Đức Thiều (881- 972): “Sư quê ở Long Tuyền, Xử Châu,
cha họ Trần, mẹ họ Diệp. Mẹ sư nằm mộng thấy một luồng sáng chạm vào
thân, nhân đó biết có thai. Đến khi sư ra đời, có nhiều điềm lạ” [73, tr.382];
tiểu truyện thiền sư Nghĩa Hoài: “Sư họ Trần, quê ở Lạc Thanh Vĩnh Gia,
ông cha chuyên nghề chài lưới. Mẹ nằm mộng thấy ngôi sao rơi trong nhà
liền có thai sư. Khi sư sinh ra có nhiều điềm lạ” [73, tr.422]; tiểu truyện thiền
sư Pháp Tú (? – 1090): “Sư họ Tân, quê ở Thành Lũng Tần Châu, mẹ mộng
thấy ông sư già đến ngủ nhờ, tỉnh mộng liền biết có thai” [73, tr.485]; tiểu
truyện thiền sư Chánh Giác (1069 – 1135):
Sư họ Lý, quê ở Thấp Châu, mẹ sư mộng thấy một vị tăng ở Ngũ Đài cởi
chiếc vòng mang vào cánh tay mặt bà. Sau đó, bà thọ thai sư. Trong lúc mang
thai, bà gìn giữ trai giới cẩn thận. Sư sinh ra, cánh tay mặt nổi quầng giống
chiếc vòng. Ông nội và cha sư tham thiền với Phật Đà Tôn đã lâu. Phật Đà
chỉ sư nói với cha sư rằng: Đứa bé này đạo vận rất tốt, chẳng phải là người ở
trong trần ai. Nếu xuất gia ắt làm pháp khí” [74, tr.57]…
Có thể thấy rằng việc lí giải sự ra đời của các vị tổ bằng điềm mộng là một
mô thức phổ biến và mang tính kế thừa trong các tiểu truyện thiền sư, ngoài
thực hiện chức năng tôn giáo còn thể hiện bản chất văn học với tư cách là
một yếu tố mang tính loại hình và tính hư cấu nghệ thuật trong tác động qua
lại với bộ phận truyện dân gian như sẽ trình bày ở phần sau của luận văn.
Đứa hài đồng kì lạ …
Một điểm chung đặc biệt nữa trong các tiểu truyện về ba vị tổ thiền phái Trúc
Lâm đó là khi các vị còn là một thai nhi nằm trong bụng mẹ đã được một thế
lực siêu nhiên phù trợ, đến khi sinh ra lại mang nhiều tướng tốt, đi kèm theo
đó là một số hiện tượng lạ.
Về quá trình thai sinh của các vị tổ, sách Tam tổ thực lục viết về Trần Nhân
Tông: “Những tháng dưỡng thai, thái hậu chẳng cần kiêng cữ, nhà bếp dâng
thức gì thái hậu cứ dùng như thường mà thai cũng chẳng sao, nên thái hậu
biết có nơi che chở” [57, tr.17]. Lại nói về Pháp Loa: “Trước đó, mẹ sư đã
sinh liên tiếp tám người con gái; vì sinh quá nhiều con gái, bà đâm ra chán
ngán, nên khi có thai sư, bà âm thầm tìm thuốc công hiệu uống để phá thai,
nhưng uống đến bốn lần mà thai vẫn còn nguyên. Do thế, khi sinh ra sư, bà
vô cùng mừng rỡ, bèn đặt tên là Kiên Cương” [57, tr.37-38]. Về Huyền
Quang cũng thế: “Lê Thị mang thai tổ đến mười hai tháng mà bụng bà không
chuyển động, bà nghi mắc bệnh nên uống nhiều thuốc phá thai mà thai không
hư. Khi tổ sinh ra lại là một đứa bé trai cứng cáp” [57, tr.79].
Dĩ nhiên thế lực phù trợ ở đây được cho là đức Thế Tôn (Phật Thích Ca Mâu
Ni). Những chi tiết này có thể có độ tin cậy xác thực hoặc không nhưng đã là
một cách thức lặp đi lặp lại thì nó phải có một ý nghĩa nhất định. Có thể giải
thích đây là kiểu motif “đứa trẻ được chọn” trong truyền thống các tôn giáo.
Cho nên, dù chịu đựng những hoàn cảnh khắc nghiệt nó vẫn có thể vượt qua
để thực hiện sứ mệnh cao cả của mình. Huống hồ, những bào thai này lại là
kiếp thác sinh của những bậc giác ngộ như Phật Thích Ca đối với Điều Ngự
Giác Hoàng Trần Nhân Tông (bản thân từ Điều Ngự là danh hiệu của Thích
Ca Mâu Ni), như A-nan tôn giả đối với Huyền Quang. Chính nguồn gốc thần
thánh đã giúp thai nhi “kiên cương” vượt qua những thử thách ấy.
Hình ảnh ba vị tổ khi vừa mới sinh ra cũng được các tác giả Tam tổ thực lục
ghi chép lại theo cách thức truyền thống của Phật giáo. Những đứa hài đồng
này khi mới lọt lòng mẹ đã mang những đặc điểm thể chất rất đặc biệt.
Tam tổ thực lục miêu tả Trần Nhân Tông: “Đến khi vua sinh ra, màu da
như vàng ròng, Thánh Tông đặt tên là Kim Phật. Vai phải vua có nốt ruồi đen
như hạt đậu lớn, người biết xem tướng nói: “Đứa bé này ngày sau có thể gánh
vác việc lớn”” [57, tr.17-18] (những chi tiết này có trong Đại Việt sử kí toàn
thư: vua “được tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng,
thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng (…) gọi là Kim Tiên đồng tử. Trên vai
trái có nốt ruồi đen nên có thể cáng đáng được việc lớn” [33, tr.235]). Về
phần Pháp Loa: “Khi sư ra đời, có mùi hương lạ bay khắp nhà, hồi lâu mới
hết” [57, tr.37]. Huyền Quang cũng vậy: “Năm ấy tổ sinh ra. Khi sinh có tia
sáng mờ ảo, mùi hương thơm phức. Người ta gọi đó là đứa hài đồng có mùi
hương thanh tịnh” [57, tr.79].
Có thể thấy, các nhân vật ở đây đã được bao bọc trong bầu không khí huyền
nhiệm của Phật giáo. Từ lúc hoài thai đến khi ra đời là tập hợp của những
niềm linh dị. Đi sâu hơn, cách miêu tả những đứa trẻ đặc biệt này với những
đặc điểm kì lạ như “màu da như vàng ròng”, “mùi hương thơm phức”, “có tia
sáng mờ ảo” không phải là cách miêu tả tùy tiện mà có cơ sở của nó. Đó là
cách miêu tả theo 32 tướng tốt (lakkhana) và 80 vẻ đẹp (anuvyanjana) của
Phật Thích Ca, thể hiện một bậc đại nhân, đại quí. Trong đó có hai đặc điểm
thuộc 32 tướng tốt là “sắc thân sáng như vàng ròng”, “hào quang tỏa chung
quanh một trượng” và một đặc điểm thuộc 80 vẻ đẹp là “lỗ chân lông tỏa
hương” hoặc “miệng thoảng hương thơm, chúng sinh ngửi được vui suốt cả
ngày” [57, tr.92-95].
Tuy rằng các vị tổ không được miêu tả với đầy đủ những đặc điểm thuộc các
tướng trên, nhưng phần nào, cách miêu tả ấy cũng có một giá trị tượng trưng
về nguồn gốc siêu phàm của họ. Những đặc điểm xác thân ấy có giá trị tiên
tri về tương lai, về nguyên do cao thượng mà họ thác sinh vào cõi tục này.
Khi xem tướng cho ấu đồng Tất Đạt Đa, các vị Bà-la-môn đã khẳng định ngài
sẽ trở thành bậc vĩ nhân cao quí của nhân loại, thành vị Chuyển luân thánh
vương cai trị bốn châu thiên hạ. Nốt ruồi đen như hạt đậu lớn trên vai phải
của vua Trần Nhân Tông cũng tiên báo ông là người “ngày sau có thể gánh
vác việc lớn”.
Tóm lại, thông qua việc miêu tả các vị tổ qua hình ảnh đứa hài đồng kì lạ, các
tác giả Tam tổ thực lục một lần nữa lại nêu lên một xác tín rằng Trần Nhân
Tông, Pháp Loa, Huyền Quang là kiếp thác sinh của những nhân vật thần kì
Phật giáo, mang một trong những đặc điểm nhân dạng tương tự như đức Phật
và các vị tôn giả, A-la-hán. So sánh với một số tiểu truyện thiền sư khác, lại
thấy có nhiều điểm tương đồng đáng ghi nhận như trong tiểu truyện về tổ Ma
Ha Ca Diếp (Mahakasyapa) của Ấn Độ: “Thuở bé, ngài dung nghi trang nhã,
toàn thân màu vàng, ánh sáng chiếu rất xa. Thầy tướng xem tướng ngài nói:
“Đứa bé này đời trước có phước đức phù thắng, lẽ ưng xuất gia” [76, tr.7].
Trong các tiểu truyện thiền sư Trung Hoa, việc các nhà sư sinh ra gắn với
điềm lạ cũng rất phổ biến như tiểu truyện về Tổ Huệ Khả (494 – 601): “Sư họ
Cơ, quê ở Võ Lao, dòng tôn thất nhà Chu. Cha mẹ sư lớn tuổi không con, lắm
phen đến chùa cầu con, sau mẹ sư có thai sinh ra sư. Khi sư lọt lòng mẹ, có
hào quang lạ chiếu sáng trong nhà, nên đặt tên sư là Quang” [76, tr.149]; tiểu
truyện thiền sư Vô Nghiệp (760-821): “Sư họ Đỗ, quê ở Thượng Lạc,
Thương Châu. Mẹ sư họ Lý, một hôm bà nghe trong hư không có tiếng nói
“Cho ở nhờ được chăng?” bà liền biết có thai. Sư lọt lòng mẹ vào lúc ban
đêm, có hào quang sáng đầy nhà. Được bốn, năm tuổi sư đi thì nhìn thẳng,
ngồi thì tréo kiết già” [72, tr.181]; tiểu truyện thiền sư Tề An: “Sư họ Lý, quê
ở quận Hải Môn. Khi sư ra đời có hào quang chiếu đầy nhà, lại có vị tăng lạ
đến nói: “Sứ giả dựng cờ vô thắng, xoay mặt trời Phật soi trở lại, đâu không
phải người này”” [72, tr.204]; tiểu truyện thiền sư Quang Dũng: “Sư họ
Chương, quê ở Phong Thành, Dự Chương. Khi mẹ sinh sư có thần quang soi
sáng khắp sân, ngựa trong chuồng đều kinh hoảng, nhân đó đặt tên sư là
Quang Dũng” [73, tr.185]; tiểu truyện thiền sư Phật Ấn (? – 1098): “Sư họ
Lâm, quê ở Phù Lương Nhiêu Châu. Khi sư sinh, hào quang xông lên, tóc,
móng tay đều đầy đủ, dung mạo đẹp đẽ khác thường. Lúc còn bé, sư nói ra
câu nào cũng phù hợp kinh sử, mọi người đều gọi là thần đồng” [73, tr.434];
tiểu truyện thiền sư Thiệu Bổn: “Sư họ Đổng (…), mẹ sư không con, đến
trước tượng Phật cầu khấn, khấn rằng: Được con sẽ cho làm Phật sự. Sau đó
bà sinh được sư dung mạo trang nhã” [74, tr.44]. Ở Việt Nam có tiểu truyện
thiền sư Vân Phong (? – 956): “Khi mẹ (sư) mang thai, bà thường ăn chay
tụng kinh, lúc sinh có ánh sáng lạ chiếu khắp nhà” [64, tr.19]…
Việc bắt đầu các tiểu truyện thiền sư bằng sự ra đời thần kì đã giúp cho Tam
tổ thực lục mang đậm màu sắc tôn giáo, đầy huyễn ảo, vừa tạo sức hấp dẫn
riêng, vừa nhằm thực hiện chức năng tôn giáo. Các tác giả của Tam tổ thực
lục cũng đã vận dụng những mô thức truyền thống có tính lịch sử và kế thừa
trong kinh điển Phật giáo khi khắc họa hình ảnh của các vị tổ thiền phái Trúc
Lâm, điều đó đã phản ánh một đặc điểm cấu trúc cốt truyện của các tiểu
truyện thiền sư nói chung.
2.1.2.2. Quá trình giác ngộ
Tác giả của các tiểu truyện thiền sư trong Tam tổ thực lục đã giải thích con
đường đến với Phật pháp của ba vị tổ bằng một quá trình dài của những cơ
duyên để cuối cùng dẫn đến sự giác ngộ hoàn toàn. Các nhân vật thiền sư
Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đều được khắc họa là những con
người có thiên tư sáng suốt, có khả năng giác ngộ rất cao và đặc biệt là có
một mối duyên màu nhiệm với Phật giáo.
Thiên tư là tư chất con người có sẵn khi sinh ra, không phải qua quá trình học
tập, trau dồi hay tôi luyện. Người xưa có cách nói nôm na là những đặc tính
“trời phú”. Các nhân vật Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang được mô
tả tuy có mờ nhạt khác nhau chút ít về điểm này hoặc điểm khác nhưng vẫn
có được những tương đồng cơ bản.
Trần Nhân Tông được Tam tổ thực lục miêu tả là người có bẩm tính thông
minh hiếm có: “Điều Ngự thánh tánh (tính) sáng suốt, đa tài, hiếu học, đọc
khắp sách vở, thông hiểu cả nội và ngoại điển” [57, tr.19]. Về phần Pháp
Loa: “Lúc còn bé, sư đã có thiên tư đĩnh ngộ, không nói lời ác, không ăn chất
cay nồng và thịt cá” [57, tr.37]. Về điểm này, Huyền Quang được mô tả
tương đối tỉ mĩ hơn: “Đến tuổi đồng ấu, thể mạo tổ dị thường, có chí của bậc
trác việt vĩ nhân, cha mẹ hết lòng yêu thương dạy cho học nghề. Tổ nghe một
hiểu mười, có tài như Nhan Hồi Á Thánh, nên được gọi là Tải Đạo” [57,
tr.79]; “Năm 20 tuổi, tổ dự khoa thi Hương và đỗ đạt. Vì (triều đình) chọn
người đều dùng những bậc đại khoa, nên tổ phải đợi đến khoa thi lớn năm sau
(…) kết quả tổ đậu được thủ khoa” [57, tr.79]; “Được bổ vào chức quan Hàn
lâm, tổ phụng mệnh tiếp sứ giả phương Bắc, văn thư qua lại, trích dẫn kinh
nghĩa, ứng đối lưu loát. Văn chương ngôn ngữ hơn cả Trung Quốc và các
nước lân bang” [57, tr.80]; “Tổ đọc nhiều, học rộng, tinh thông Phật pháp”
[57, tr.81]; được Trần Nhân Tông đích thân khen ngợi: “phàm sách đã qua
tay Huyền Quang biên soạn thì không thể thêm hay bớt một chữ nào nữa”
[57, tr.81]. Đó là những phẩm chất cần có của những bậc đại giác. Trí là nền
tảng cơ bản, là phương tiện để đưa đến ngộ. Trí không đơn thuần là tri thức
mà là khả năng lĩnh hội tri thức. Câu chuyện về lục tổ Huệ Năng là một ví dụ.
Cách miêu tả ba vị tổ gắn liền với những đặc điểm trí năng một lần nữa gợi
nhớ tới hình ảnh Phật Thích Ca. Theo giai thoại, năm cậu bé Tất Đạt Đa
(Siddhartha) lên bảy tuổi, cha cậu cho mời các vị thầy học nổi tiếng vào cung
dạy cậu và các vương nhưng trí tuệ của Tất Đạt Đa đã làm họ ngỡ ngàng và
thán phục.
Có thể thấy những nhân vật ở đây được ghi chép lại là những con người trác
việt, hơn nữa còn là những người có một mối duyên lành với Phật pháp. Trần
Nhân Tông là người đặc biệt hơn cả, nhất là do hoàn cảnh xuất thân của ông.
Thuộc dòng dõi hoàng tộc, vốn được chọn sẵn để kế thừa ngai vị nhưng điều
đó chẳng mảy may hấp dẫn gì đối với Trần Nhân Tông, trái lại, ông còn tỏ ra
thờ ơ: “Năm 16 tuổi được lập làm hoàng thái tử, Điều Ngự từ chối đến ba
phen, xin để em mình thay thế, nhưng đều không được chấp thuận. Vua kết
duyên với trưởng nữ của Nguyên Từ Quốc mẫu là Khâm Từ Thái hậu, tình
cầm sắc tuy cùng hòa hợp, nhưng lòng đạm bạc đối với nhà vàng” [57, tr.18].
Thậm chí, Trần Nhân Tông có khi còn trốn bỏ chốn cung cấm, chủ định xuất
gia cầu Phật: “Vào giờ Tý một đêm kia, vua vượt thành ra đi, định vào núi
Yên Tử, nhưng khi đến chùa Tháp, núi Đông Cứu thì trời vừa sáng, lại vì quá
mệt nên phải vào nghỉ trong tháp. Vị tăng chùa ấy thấy vua tướng mạo khác
thường, liền đem thức ăn đến mời (…). Thánh Tông sai quần thần đi tìm
khắp bốn phương, bất đắc dĩ vua phải trở về” [57, tr.18]. Nhưng cuối cùng,
như một căn duyên nào đó không thể cưỡng lại được, Trần Nhân Tông đã
nhường ngôi cho con từ rất sớm, lúc đó ông 41 tuổi, chuyên tâm học Phật.
“Sau khi truyền ngôi lại cho Anh Tông không bao lâu, khoảng tháng 10 năm
Kỷ Hợi, Điều Ngự vào thẳng núi Yên Tử, tinh cần tu 12 hạnh đầu đà, lấy
hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà” [57, tr.19]. Cuộc đời, xuất thân của Trần
Nhân Tông có những điểm tương tự như cuộc đời Phật Thích Ca, theo một
cách nào đó. Hoàng tử Tất Đạt Đa cũng được chọn làm người kế vị cha mình
nhưng do nhiều căn duyên chỉ muốn ra đi tìm lẽ giải thoát cho nỗi đau khổ
của thế gian. Tất Đạt Đa cũng lấy vợ, sinh con, sống trong cảnh nhung lụa.
Người cha vì muốn chống lại số phận trở thành “chuyển pháp luân” của đứa
con trai nên đã dốc hết tâm sức tạo cho con một cuộc sống không thiếu thốn
thứ gì, không phải nhìn thấy những cảnh đen tối của nhân gian. Ấy vậy mà,
do sự dẫn dắt của các thế lực siêu nhiên, Tất Đạt Đa thấy được bốn nỗi khổ
không thể cưỡng lại được của con người là sinh, già, bệnh, chết (sinh, lão,
bệnh, tử), rồi trốn đi trong một đêm khi mà người vợ vừa sinh đứa con trai
được bảy ngày.
Những điểm tương quan này làm nên nét độc đáo của Trần Nhân Tông. Cuộc
đời của Phật Thích Ca được kể lại với đầy những chi tiết huyền thoại như lời
kêu gọi, sự thần thông biến hóa của chư thiên, những cõi trời xa lạ…. Cuộc
đời của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông được miêu tả gần gũi hơn,
thật hơn. Những chi tiết hoang đường chỉ là những giấc mộng và đã là giấc
mộng thì hoang đường hay không lại không phải là vấn đề nữa. Theo cách
nhìn của tác giả tiểu truyện Trúc Lâm sơ tổ cũng như quan niệm của các tín
đồ thiền phái Trúc Lâm thì Trần Nhân Tông chính là kiếp thác sinh của Phật
Thích Ca. Tiểu truyện Trần Nhân Tông trong Tam tổ thực lục có đoạn:
Khi lên ngôi, tuy ở chốn cửu trùng cao sang mà vua vẫn sống thanh tịnh. Vua
thường ngủ trưa ở chùa Tư Phúc trong đại nội, một hôm thấy trên rún (rốn)
trổ một hoa sen vàng lớn như bánh xe, trên hoa có Phật vàng. Có người đứng
bên cạnh chỉ Điều Ngự hỏi: “Biết vị Phật này không? Đức Biến Chiếu Tôn
đấy” [57, tr.19].
Quả thực đây là giấc mơ có nhiều hình ảnh tượng trưng, yêu cầu phải được
giải thích bằng thứ tư duy hình tượng của Phật giáo. Dễ thấy giấc mơ này có
điểm tương tự như một trong năm giấc mơ điềm báo của Thích Ca trước ngày
thành đạo dưới gốc bồ đề, có ghi lại trong kinh Tăng chi bộ, đó là ngài mộng
thấy từ rốn mình mọc ra một loại cỏ vươn cao mấy tầng mây. Rốn là con
đường sinh. Trần Nhân Tông và Thích Ca đều mơ thấy từ rốn mình mọc ra
một loại cây, ấy là tượng trưng cho việc chính từ các ngài sẽ sản sinh ra
nghiệp lạ. Điềm báo của Thích Ca nói lên việc ngài tìm thấy con đường giải
thoát qua bát chính đạo và đem giáo hóa khắp nhân thiên. Trần Nhân Tông
mộng thấy từ rốn mình mọc lên một đóa sen vàng lớn như bánh xe. Đóa sen
này tượng trưng cho bánh xe pháp (pháp luân). Bánh xe pháp nếu có mười
hai nan hoa thì tượng trưng cho thập nhị nhân duyên, nếu có tám nan hoa thì
tượng trưng cho bát chính đạo, bánh xe pháp được xem là phương tiện đưa
chúng sinh ra khỏi trầm luân, khổ ải. Trên hoa sen lại có Phật vàng là đức
Biến Chiếu Tôn (cách gọi Phật Thích Ca của người theo Mật giáo) ngụ ý nhờ
ở thân Trần Nhân Tông mà Thích Ca được thác sinh, nói một cách khác, Trần
Nhân Tông chính là nhục thể của đức Phật. Căn duyên của Trần Nhân Tông
đối với đạo Phật còn thể hiện ở chỗ:
Do đó, vua thường dùng chay lạt, chẳng ăn thức mặn nên long nhan trở nên
gầy yếu. Thánh Tông thấy lạ hỏi thì Điều Ngự nói rõ nguyên nhân. Thánh
Tông khóc nói: ta nay già rồi, trông cậy một mình con, nếu con như vậy thì
thịnh nghiệp của tổ tông biết làm thế nào?” Điều Ngự cũng rơi nước mắt”
[57, tr.19].
So với Pháp Loa, Huyền Quang thì con đường xuất gia của Trần Nhân Tông
khó khăn hơn, phức tạp hơn vì ông bị trói buộc bởi trách nhiệm với dân, với
nước, với hoàng tộc. Nhưng cuối cùng, cũng vẫn không có gì ngăn cản được
một người quyết tâm xuất gia hành đạo.
Lại nói về Pháp Loa, căn duyên với đạo Phật được bộc lộ từ bé: “Lúc còn bé,
sư đã có thiên tư đĩnh ngộ không nói lời ác, không ăn chất cay nồng và thịt
cá” [57, tr.38]. Căn duyên đó còn biểu hiện trong cuộc gặp gỡ giữa Pháp Loa
và Trần Nhân Tông năm ông 21 tuổi, lúc Trần Nhân Tông đi khắp các miền
khuyên dân từ bỏ dâm từ, thuyết pháp và chữa bệnh:
Khi xa giá Điều Ngự đến bờ sông Nam Sách, thì sư đang đi chơi xa, bỗng
cảm thấy tâm thần phiền muộn nên quay về, vừa lúc ấy gặp Điều Ngự đến
thôn mình, sư bèn đãnh lễ xin xuất gia. Điều Ngự vừa trông thấy sư, lấy làm
lạ, bảo: “Đứa bé này có đạo nhãn, sau này hẳn là bậc pháp khí”. Lại thấy sư
tự đến (xin xuất gia), nên vui mừng đặt tên là Thiện Lai [57, tr.38].
Về phần Huyền Quang, căn duyên đến với ông vào lần gặp gỡ với Pháp Loa:
Lúc tổ theo vua tới chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Phượng Nhãn, nhìn thấy quốc
sư Pháp Loa đang hành đạo, liền nhớ lại duyên xưa, bùi ngùi than rằng: “Làm
quan lên Bồng Đảo, đắc đạo đến Phổ Đà, trên cõi nhân gian là tiên, cảnh giới
Tây phương là Phật. Phú quí vinh hoa nào khác lá vàng mùa thu, mây trắng
ngày hạ, há nên lưu luyến mãi!”. Nhân đó, dâng biểu đến ba lần xin từ chức
để xuất gia học đạo tu hành [57, tr.80].
Vua Trần Anh Tông từng có lời khen ông: “Tướng người này có đạo nhãn, có
thể là bậc pháp khí, bậc thánh tăng chân chánh (chính) vậy” [57, tr.80-81].
Khoảnh khắc và nhân duyên giác ngộ của Trần Nhân Tông, Pháp Loa và
Huyền Quang đều được giải thích như là kết quả của lòng mộ Phật. Khoảnh
khắc giác ngộ còn được gọi là “hoát nhiên khế hội”, “phát minh tâm địa”,
“đốn ngộ”, “đại ngộ”, “tỉnh ngộ” … theo các cách diễn đạt khác nhau trong
các tiểu truyện thiền sư. Truyện Trần Nhân Tông không thấy nói đến khoảnh
khắc này mà chỉ có chi tiết “lúc rảnh việc nước, vua mời các khách Thiền đến
giảng dạy tâm tông, lại tham vấn Tuệ Trung Thượng sĩ nhờ thế đạt được cốt
tủy của thiền, nên thờ Tuệ Trung theo lễ của bậc thầy” [57, tr.19].
Việc giác ngộ của Pháp Loa được ghi lại:
Điều Ngự thế phát, trao man y cho sư, rồi bảo đến Quỳnh Lâm học với hòa
thượng Tính Giác. Sư thưa hỏi trăm điều mà Tính Giác rốt cục vẫn chưa thể
khai thị cho sư, nên sư tìm đọc kinh Hải nhãn (kinh Lăng nghiêm), đến đoạn
“Bảy lần gạn hỏi tâm, cuối cùng đến ví dụ khách trần”, sư suy nghĩ giây lâu,
bỗng được thể nhập.
Một ngày kia, từ bên hòa thượng Tính Giác trở về để tham vấn Điều Ngự,
vừa được lúc Điều Ngự thượng đường đọc bài tụng Thái dương ô kê, sư liền
tỉnh ngộ [57, tr.38-39].
Một lần khác: “Một đêm nọ, nhân trình ba bài tụng cốt yếu, đều bị Điều Ngự
sổ toẹt, sư thưa hỏi đến bốn lần mà Điều Ngự vẫn bảo phải tự tham cứu lấy.
Trở về phòng, tâm thần rất xao xuyến, đến nửa đêm, nhân thấy hoa đèn rơi,
sư bỗng nhiên đại ngộ” [57, tr.39].
Ở thiền sư Huyền Quang, khoảnh khắc giác ngộ của ông cũng chính là lúc
chứng kiến Pháp Loa hành đạo ở chùa Vĩnh Nghiêm mà nhớ lại duyên cũ, đi
đến quyết định từ bỏ quan trường, chuyên tâm theo Phật.
Tính phổ biến của việc kể lại quá trình giác ngộ trong các tiểu truyện thiền sư
là rất lớn. Xin nêu ra đây hai ví dụ tiêu biểu trong các tiểu truyện về thiền sư
Hoài Nhượng (677 – 744) và về thiền sư Vô Ngôn Thông (759 – 826).
Thiền sư Hoài Nhượng trong một lần đến tham vấn lục tổ Huệ Năng:
Sư đến Tào Khê, tổ hỏi:
- Ở đâu đến?
Sư thưa:
- Ở Tung Sơn đến.
Tổ hỏi:
- Vật gì đến?
Sư thưa:
- Nói in tuồng (như là) một vật tức không trúng (đúng).
- Lại có thể tu chứng chăng?
- Tu chứng tức chẳng không, nhiễm ô tức chẳng được.
- Chính cái không nhiễm ô này là chỗ hộ mệnh của chư Phật, người đã như
thế, ta cũng như thế. Tổ Bát Nhã Đa La ở Tây Thiên có lời sấm rằng: “Dưới
chân ngươi sẽ xuất hiện nhất mã câu (con ngựa tơ) đạp chết người trong thiên
hạ. Ứng tại tâm ngươi chẳng cần nói sớm”.
Sư hoát nhiên khế hội. Từ đây, sư ở hầu hạ tổ ngót mười lăm năm [72, tr.20-
21].
Ví dụ thứ hai, về thiền sư Vô Ngôn Thông:
Một hôm, vào lúc sư lễ Phật, có một thiền khách đến hỏi: “Tọa chủ lễ cái gì
đó?”
Sư đáp: “Lễ Phật.”
Thiền khách chỉ tượng Phật hỏi: “Cái này là cái gì?”. Sư không đáp được.
Đêm đó, sư y phục nghiêm chỉnh đến lạy thiền khách, thưa rằng: “Điều ngài
hỏi khi nãy tôi chưa biết ý chỉ như thế nào?”
Thiền khách hỏi: “Tọa chủ xuất gia đến nay trải được mấy hạ?”
Sư thưa: “Mười hạ.”
Thiền khách hỏi: “Lại từng xuất gia chưa?”
Sư trở thành hoang mang.
Thiền khách bảo: “Nếu không hiểu điều đó, thì dù trăm hạ cũng chẳng ích
gì!”
Rồi đem sư cùng đến tham vấn Mã Tổ. Đi tới Giang Tây thì Mã Tổ tịch, bèn
đến yết kiến thiền sư Bách Trượng Hoài Hải.
Bấy giờ có vị tăng hỏi: “Thế nào là pháp môn đốn ngộ của Đại thừa?”
Bách Trượng đáp:
“Đất lòng nếu không,
Trời tuệ tự chiếu.”
Nghe xong, sư tỉnh ngộ [64, tr.11].
Như vậy, có thể thấy rằng “giác ngộ” ở đây không chỉ là sự biết mà là một
trạng thái bừng vỡ chân lí, thấu triệt hoàn toàn tinh thần của thiền, vứt bỏ hết
mọi tạp niệm, vô minh, không còn vọng động và bất cứ sự câu nệ nào vào các
pháp tướng … và đương nhiên, chỉ có những thiền sư đắc đạo mới đạt được
một trạng thái tinh thần như vậy. Đó cũng là lí do vì sao Tam tổ thực lục cũng
như nhiều tiểu truyện thiền sư ở những công trình khác nhất thiết phải dựng
lại cuộc đời của các thiền sư gắn với quá trình giác ngộ của các vị.
2.1.2.3. Công tích hành đạo – giáo hóa
Công tích hành đạo – giáo hóa được xem là một phần quan trọng trong kết
cấu của các tiểu truyện thiền sư, và thiết nghĩ, đó là mục đích biên soạn của
những bản “thực lục”, nhằm ghi nhớ công lao hoằng hóa và xiển dương Phật
giáo của các vị, được biểu hiện trên hai khía cạnh: về vật chất và về tinh thần.
Ở khía cạnh thứ nhất, tức ghi lại công tích của các vị về mặt phát triển giáo
hội qua những việc làm cụ thể như xây dựng chùa chiền, đúc tượng, sao in
kinh điển, độ tăng ni, phát triển tăng đoàn …, Tam tổ thực lục tỏ ra trung
thành với lối biên niên phổ biến trong các công trình ghi chép lịch sử. Tính
chính xác về sự kiện, nhân vật, thời gian được đề cao và kèm theo đó là sự
giảm sút của giá trị văn học.
Ở khía cạnh thứ hai, tức ghi lại tư tưởng của các thiền sư, vai trò của các vị
trong việc giáo hóa, giác ngộ tăng chúng, Phật tử, cách ghi chép của các tiểu
truyện thiền sư trong Tam tổ thực lục chủ yếu là những đoạn đối thoại, hỏi
đáp về Phật – pháp – tăng, về quá khứ - hiện tại – vị lai, về công án – giáo
điển, về nhân quả - hóa thân kèm theo đó là một số bài kệ theo kiểu ngữ lục
và công án thiền. Phần này chủ yếu mang giá trị tư tưởng, triết lí là nhiều,
riêng một số bài kệ tỏ ra có sự thống nhất, hòa quyện giữa nội dung tư tưởng
và giá trị nghệ thuật.
Để tránh sự trùng lặp về nội dung của các phần, chúng tôi xin được trình bày
sâu hơn những vấn đề vừa nêu ở các phần tiếp theo trong chương này của
luận văn.
2.1.2.4. Qui tịch
Qui tịch là giai đoạn cuối cùng trong chuỗi các sự kiện về cuộc đời của các
thiền sư trong Tam tổ thực lục. Trong số ba tiểu truyện thiền sư, duy chỉ có
truyện Huyền Quang là không kể lại cặn kẽ quá trình qui tịch của nhà sư.
Tâm thế chung của các vị chính là sự đón nhận cái chết một các an nhiên và
thanh thản, theo tinh thần “vô úy” của Phật giáo.
Trần Nhân Tông dường như là người tiên đoán được cái chết, đón nhận nó
một cách thanh thản và chuẩn bị cho sự “trở về” của mình kĩ càng nhất:
Ngày 17, Điều Ngự đang ở chùa Sùng Nghiêm núi Chí Linh, được Tuyên Từ
Hoàng thái hậu mời về am Bình Dương thọ trai. Điều Ngự vui vẻ nói: “Đây
là lần cúng dường cuối cùng”, rồi đến thọ trai [57, tr.31].
*
Ngày 21, Bảo Sát đến Ngọa Vân, Điều Ngự thấy ông về, mỉm cười bảo: “Ta
sắp đi rồi, ông về sao trễ vậy, đối với Phật pháp có điều gì chưa rõ hãy hỏi
gấp đi [57, tr.32].
*
Ngày mồng 1 tháng 11, lúc nửa đêm, sao trời tỏ rạng, Điều Ngự hỏi: “Bây
giờ là giờ gì?” Bảo Sát đáp: “Giờ Tý”. Điều Ngự đưa tay mở cửa sổ, ngắm
trời nói: “Đây là lúc ta đi”. Bảo Sát hỏi: “Tôn đức đi đâu?” Điều Ngự đáp:
“Tất cả pháp không sinh
Tất cả pháp không diệt
Nếu hiểu được như vậy
Chư Phật thường hiện tiền
Có chi là đi lại”.
Bảo Sát hỏi: “Nếu như không sanh, không diệt thì sao?” Điều Ngự đưa tay
bụm miệng Bảo Sát, nói: “Chớ nói mê”. Nói xong, liền nằm theo thế sư tử, an
nhiên viên tịch [57, tr.33].
Về quá trình qui tịch của Pháp Loa:
Ngày 19, vào lúc ban đêm, bệnh trở nặng, sư đem cà sa và tâm kệ của Điều
Ngự truyền lại giao cho Huyền Quang, bảo phải giữ gìn. Lại viết kệ giao cho
Cảnh Ngung, Cảnh Huy, Vô Tế …, các đệ tử lớn. Môn đồ, kẻ trước người
sau, ngày ngày vào xin kệ, sư đều viết giao cho tất cả, lại trả lời những câu
hỏi của họ không biết mỏi mệt [57, tr.56].
*
Đến giờ Hợi trong đêm, bệnh nguy kịch, Huyền Quang vào thăm hỏi: “Xưa
nay những người sắp lâm chung thì buông đi tốt hay giữ lại tốt?”
Sư đáp: “Đi hay ở đều chẳng liên can gì cả”.
Huyền Quang hỏi: “Chẳng liên can gì cả là thế nào?”
Sư đáp: “Tùy xứ tát-bà-ha”
Các môn đồ vào thưa: “Người xưa khi lâm chung đều có kệ dạy, vì sao thầy
không có?”
Sư quở trách họ; giây lâu bèn ngồi dậy, bảo đem bút đến, viết lớn bài kệ:
“Muôn duyên cắt đứt, tấm thân nhàn
Hơn bốn mươi năm cõi mộng tàn
Giã biệt! Xin đừng theo hỏi nữa
Bên kia trăng gió mặc thêng thang”
rồi quăng bút, an nhiên viên tịch [57, tr.56-57].
Thái độ an nhiên thanh thản của Trần Nhân Tông và Pháp Loa khi đối mặt
trước cái chết thể hiện dũng khí của những bậc đại giác, đại tuệ, đúng theo
cảm quan “sinh kí tử qui” của Phật giáo.
So sánh với 187 tiểu truyện thiền sư trong bộ Thiền sư Trung Hoa và 68 tiểu
truyện thiền sư trong Thiền uyển tập anh, chúng tôi nhận thấy đa số các tiểu
truyện đều có nói đến quá trình qui tịch của các thiền sư tuy mức độ khai thác
có khác nhau tùy theo mỗi truyện. Có những truyện chỉ ghi ngắn gọn thời
gian, địa điểm kèm theo một vài từ ngữ nói về việc làm hoặc tư thế, thái độ
của các thiền sư khi nhập diệt. Bên cạnh đó, cũng có những truyện được ghi
chép công phu, thông thường quá trình qui tịch của các vị sư sẽ gắn với một
vài sự kiện, một vài mẫu đối thoại về thiền và một bài kệ trước lúc tịch, cuối
cùng là một vài điềm lạ sau khi các vị qua đời. Đó là công thức chung, ở mỗi
truyện có thể có sự thêm bớt, gia giảm một số chi tiết. Nằm trong số này, có
thể kể đến những tiểu truyện về các thiền sư như Ẩn Phong, Vô Nghiệp, Linh
Mặc, Lượng Giới, Nghĩa Huyền, Tỉnh Niệm, Thiện Chiêu, Trùng Hiển,
Nghĩa Hoài, Ngộ, Pháp Tú, Khắc Văn Chơn Tịnh, Chánh Giác, Văn Chuẩn,
Pháp Diễn, Am chủ Diệu Phổ Tánh Không, Thanh Viễn Phật Nhãn, Đạo
Ninh, Nguyên Tĩnh, Tông Cảo Đại Huệ Diệu Hỷ, Tâm Đạo, Trí Tài, Thủ
Tuần Phật Đăng, Đạo Hạnh Tuyết Đường, Minh Biện Chánh Đường… trong
bộ Thiền sư Trung Hoa và các tiểu truyện về các thiền sư Vô Ngôn Thông,
Khuông Việt, Trưởng lão Định Hương, Viên Chiếu, Cứu Chỉ, Mãn Giác, Ngộ
Ấn, Đạo Huệ, Bảo Giám, Bản Tịnh, Minh Trí, Tín Học, Đại Xá, Tịnh Lực,
Trường Nguyên, Tịnh Giới, Giác Hải, Nguyện Học, Quảng Nghiêm, Thường
Chiếu, Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vạn Hạnh, Đạo Hạnh, Trí Bát, Thuần Chân, Tăng
thống Huệ Sinh, Giới Không, Trí Nhàn, Chân Không, Diệu Nhân, Y Sơn …
trong Thiền uyển tập anh. Sự phổ biến đó cho phép liên tưởng đến một motif
gọi là “motif qui tịch” trong các tiểu truyện thiền sư.
Điểm chung của các thiền sư khi tịch diệt đó chính là thái độ “an nhiên”, “vui
vẻ” của những người đã “liễu sinh tử”, nắm chắc qui luật tạo hóa, giác ngộ
hoàn toàn lẽ có – không của cuộc đời để có thể bình thản đến với cõi giải
thoát. Khí khái cao thượng và đẹp đẽ đó là sự thể hiện cao nhất của triết lí và
tinh thần Phật giáo, khiến các nhân vật thiền sư trở thành những tấm gương
sáng, những nhân cách cao cả, mang vẻ đẹp thoát thế, sáng trong, không chút
bụi mờ.
Tiểu truyện về Trần Nhân Tông phản ánh đầy đủ nhất “công thức” của motif
qui tịch ở loại tiểu truyện thiền sư khi gắn với một số hiện tượng lạ trước và
sau khi nhân vật tịch diệt. Trước khi Trần Nhân Tông qui tịch:
Ngày 20, Bảo Sát đang trên đường đi đến Doanh Tuyền, thấy một đám mây
đen từ Ngọa Vân kéo đến Lỗi Sơn, khi tới Doanh Tuyền, nước suối dâng cao
đến mấy trượng, trong giây lát mặt nước trở lại bình thường. Bảo Sát thấy hai
con rồng đầu lớn như đầu ngựa, ngẩng cao hơn một trượng, hai mắt như sao,
trong phút chốc lại biến mất. Đêm ấy Bảo Sát ngủ trọ trong sơn điếm, thấy
một điềm mộng chẳng lành.
(…)
Từ đó trở đi bốn ngày liền, trời đất u ám, gió trốt thổi mạnh, mưa tuyết phủ
đầy cây, vượn khỉ vây quanh am gào khóc, chim rừng kêu bi thảm [57, tr.31-
32].
Sau khi Trần Nhân Tông qui tịch cũng có những điềm lạ: “Khi thiêu, hương
lạ bay xa, nhạc trời vang hư không, mây năm sắc phủ trên giàn hỏa (…) lượm
được xá lị năm màu” [57, tr.33].
Ở một số tiểu truyện thiền sư khác cũng có sự tương đồng đáng chú ý. Chẳng
hạn về quá trình qui tịch của thiền sư Vô Nghiệp trong Thiền sư Trung Hoa:
Vua Hiến Tông nhà Đường nhiều phen thỉnh sư. Sư đều lấy lí do bệnh từ chối
không đến. Đến Mục Tông lên ngôi lại sai Lượng nhai tăng lục là Linh Phụ
v.v … đến thỉnh sư, những vị này đến làm lễ thưa:
- Hoàng thượng ân chỉ phen này chẳng giống lúc thường, xin hòa thượng hãy
thuận thiên tâm, không nên nói bệnh.
Sư cười chúm chím nói:
- Bần đạo có đức gì làm phiền thế chủ. Mời các ngài đi trước, tôi sẽ đi đường
riêng.
Sư bèn tắm gội, đến nửa đêm, bảo đệ tử Huệ Âm v.v …
- Các ngươi! Tính thấy nghe hiểu biết cùng hư không đồng tuổi, chẳng sinh
chẳng diệt, tất cả cảnh giới vốn tự không lặng, không một pháp có thật, người
mê không hiểu bị cảnh làm lầm, trôi lăn không cùng. Các ngươi phải biết tâm
tính vốn tự có, chẳng phải do tạo tác, ví như kim cương không thể phá hoại.
Tất cả pháp như bóng như vang không có thật. Cho nên kinh nói: “Chỉ đây
một việc thật, ngoài hai thì chẳng chân”. Thường hiểu tất cả không, không
một vật hợp tình. Là chỗ chư Phật dụng tâm. Các ngươi cố gắng thực hành!
Nói xong, sư ngồi kiết già thị tịch. Ngày thiêu sư có mây lành ngũ sắc, mùi
hương lạ khắp bốn phương, được xá lợi như ngọc sáng [72, tr.184-185].
Hay một số điềm lạ khi nhà sư Giác Hải qui tịch được ghi lại trong Thiền
uyển tập anh: “Lúc sắp tịch, sư gọi chúng đến dạy kệ (…) Đêm ấy, có ngôi
sao lớn rớt ngay góc đông nam phương trượng của sư. Nói xong, sư ngồi
ngay ngắn mà mất” [64, tr.79]. Một trường hợp khác là ở tiểu truyện thiền sư
Y Sơn, cũng trong Thiền uyển tập anh: “Khi sắp tịch, sư gọi môn đồ dạy: “Ta
không trở lại đây nữa”. Bấy giờ hoa trên cây trước chùa tự nhiên rơi rụng,
chim sẻ kêu bi thương suốt ba tuần không dứt” [64, tr.152]
Những chi tiết trên một phần cho thấy khả năng hư cấu của các tiểu truyện
thiền sư nhưng trái lại, hoàn toàn phù hợp với tâm thức tiếp nhận của các tín
đồ Phật giáo, phản ánh niềm tin vào sự tương thông giữa trời, người và vạn
vật. Ngoài thực hiện chức năng tôn giáo, tức nhằm thể hiện chiều sâu tư
tưởng, triết lí theo tinh thần thiền học, motif qui tịch trong các tiểu truyện
thiền sư còn đóng một vai trò quan trọng khi đi xem xét các điểm tương
đồng, mối liên hệ giữa các hình thức ghi chép cùng loại, tức được xem như
một yếu tố mang tính cấu trúc loại hình.
2.2. THỦ PHÁP HUYỀN THOẠI HÓA NHƯ LÀ SỰ ẢNH
HƯỞNG CỦA VĂN HỌC DÂN GIAN
Thủ pháp huyền thoại hóa, hay nói khác hơn và việc sử dụng các yếu tố
hoang đường kì ảo, bao gồm các chi tiết và các motif thần kì, là thủ pháp
được dùng phổ biến trong các truyện kể dân gian, nhất là cổ tích thần kì và
truyền thuyết (chúng tôi loại trừ bộ phận thần thoại khi khảo sát vì vẫn còn
nhiều vấn đề tranh luận về tính nghệ thuật của nó). Khi được sử dụng trong
những thể loại khác, thủ pháp này biểu hiện dưới dạng sự giao thoa, ảnh
hưởng và hoàn toàn không mang tính chất đặc trưng thể loại như trong các
loại hình truyện kể dân gian. Tam tổ thực lục đã thể hiện một cách sâu sắc và
sinh động mối quan hệ, ảnh hưởng này qua việc sử dụng một motif quen
thuộc đối với truyện kể dân gian là “motif sinh đẻ thần kì” cùng với một số
chi tiết hoang đường kì ảo. Điều này đã tạo sức hấp dẫn riêng cho các tiểu
truyện thiền sư nhưng đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân khiến
chúng tỏ ra xa rời mục đích biên soạn ban đầu như ý kiến của Nguyễn Đăng
Na: “Song, để phục vụ cho chức năng tôn giáo – đề cao phẩm hạnh nhân vật
– tác giả lại “vi phạm” mục đích biên soạn “thực lục” – chép đúng sự thực.
Người viết đã thần thánh hóa nhân vật bằng những yếu tố kì ảo” [40, tr.97]
2.2.1. Từ một motif phổ biến trong truyện kể dân gian – motif sinh đẻ
thần kì
Theo như lời nhận xét của V.Ia.Propp, “motif nhân vật sinh ra một cách thần
kì là một trong những motif rất phổ biến trong folklore thế giới và trong
truyện cổ tích nói riêng. Nhưng motif này không phải chỉ thấy có trong
truyện cổ tích. Theo sự phán đoán hiện nay thì quan niệm về sự thụ thai trinh
khiết phổ biến trong mọi tôn giáo trên thế giới – từ những tôn giáo nguyên
thủy và xưa nhất cho tới những tôn giáo sau này, kể cả đạo thiên Chúa” [12,
tr.655]. Và dĩ nhiên, Phật giáo cũng không nằm ngoài số đó. Do vậy mà việc
sử dụng motif này trong một tiểu truyện thiền sư, nhằm thực hiện chức năng
tôn giáo, là một điều hoàn toàn có thể lí giải được.
Nằm trong nguồn chung đó, phải khẳng định, Tam tổ thực lục chỉ là một hiện
tượng trong vô số những công trình cùng loại. Sự “giao thoa”, “ảnh hưởng”,
“tiếp nhận” này phải xét trên hai khía cạnh: về văn hóa (các mô thức thể hiện
theo truyền thống Phật giáo) và về văn học (sự thâm nhập vào nhau của các
thể loại phát triển song hành) tức dựa trên hai cơ sở: lịch đại và đồng đại. Ở
phần trên của chương này, chúng tôi đã tìm hiểu sự ra đời thần kì của các
thiền sư trên cơ sở thứ nhất. Ở đây, chúng tôi sẽ trình bày hiện tượng này trên
cơ sở thứ hai với tư cách là một motif văn học.
Motif sinh đẻ thần kì có cơ sở dựa trên niềm tin vào sự thụ thai trinh khiết
của người phụ nữ mà không cần đến mối quan hệ tính giao với người đàn
ông. Niềm tin này phát sinh trong giai đoạn con người còn ở trình độ nhận
thức thấp và nó được bảo lưu trong quá trình phát triển tư duy duy lí của con
người, đương nhiên kèm theo đó còn có cả quá trình phai nhạt dần tính đáng
tin cậy của nó nữa. Sau này, “cùng với sự xuất hiện của vua chúa và thần
thánh, sự ra đời thần kì cũng trở thành đặc quyền của tầng lớp thượng đẳng
ấy” [12, tr.660]. Nhiều nhân vật lịch sử có thật đã được thần thánh hóa theo
cách này như Đinh Bộ Lĩnh, Triệu Quang Phục, Lý Thái Tổ, Ỷ Lan phu
nhân…. Qua quá trình dân gian hóa, các nhân vật trên đã được phủ cho một
lớp vỏ bọc màu nhiệm nhằm đạt đến sự thống nhất giữa thần quyền và vương
quyền. Sự ra đời của các nhân vật trong Tam tổ thực lục cũng đã được hư cấu
theo cách này, nhằm ngụ ý về nguồn gốc siêu nhiên của các thiền sư theo
đúng cảm quan tôn giáo, qua đó có thể nhận ra nhiều điểm tương đồng với
các truyện kể dân gian.
V.Ia.Propp đã tổng kết những hình thức sinh đẻ thần kì phổ biến trên thế giới
như sau: (1) thụ thai do ăn trái cây, (2) sinh đẻ do cầu nguyện, (3) sinh đẻ do
uống nước, (4) sinh đẻ do người chết đầu thai lại, (5) sinh ra từ bếp lò, (6)
sinh ra từ thức ăn dư, (7) sinh ra từ cá, (8) những con người được tạo ra, (9)
nhân vật lớn nhanh như thổi [12]. Tuy nhiên, do đặc trưng văn hóa và vùng
lãnh thổ, chúng tôi thấy cần thiết phải bổ sung một số hình thức sinh đẻ thần
kì khác vốn rất phổ biến trong truyện kể dân gian người Việt như thụ thai do
ứng mộng, thụ thai do ướm vết chân, thụ thai do tiếp xúc với vật lạ, thụ thai
do giao cấu với một con vật, sinh ra bọc, trứng hoặc bọc trứng. Các tiểu
truyện thiền sư trong Tam tổ thực lục không nằm ngoài phạm vi các hình
thức phổ biến này.
Sự ra đời của các thiền sư Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang có một
điểm chung là cùng sử dụng một motif sinh đẻ thần kì: thụ thai do ứng mộng.
Đây là hình thức sinh đẻ thần kì phổ biến nhất trong các truyện kể dân gian,
cụ thể là trong các truyền thuyết là thần tích của các địa phương. Mộng triệu
thường có điểm chung là mơ thấy cầu vồng, hào quang sáng ngời, nuốt phải
sao, ngọc hoặc mặt trăng, được thần nhân giao cho cất giữ những vật quí như
râu rồng hay minh châu, giao long (rồng, ngô công, hổ) diễu quanh người, có
người (thần) đến xin đầu thai …. Tam tổ thực lục lí giải sự ra đời của Trần
Nhân Tông bằng giấc mộng của Nguyên Thánh Hoàng thái hậu: “Trước đó,
Nguyên Thánh Hoàng thái hậu nằm mộng thấy thần nhân đưa cho hai lưỡi
kiếm, bảo: “Có lệnh của thượng đế, cho phép ngươi được chọn lấy”. Vì ngẫu
nhiên được cây kiếm ngắn, thái hậu bất giác mất vui, do đó có thai” [57,
tr.17]. Sự ra đời của Pháp Loa cũng bằng giấc mộng tương tự: “Trước đó, vào
tháng 8 năm Quý Mùi (1283), mẹ sư là Vũ Thị, đêm nằm mộng thấy dị nhân
giao cho kiếm thần, bà vui mừng ôm vào lòng, đến khi thức giấc, bà biết có
thai” [57, tr.37]. Về phần Huyền Quang, giấc mộng lí giải cho sự ra đời của
sư cũng là giấc mộng của người mẹ: “Một hôm, Lê Thị đến núi Chu Sơn hái
thuốc, vừa tới chùa Ma Cô Tiên thì gặp lúc trời hè nắng gắt, bà liền nghỉ dưới
bóng chùa. Gió đông phe phẩy, nhật gác non tây, chợp mắt mơ màng, bà
bỗng thấy một con khỉ lớn, đầu đội mũ triều thiên, mình mặc áo hoàng bào,
ôm mặt trời hồng ném vào lòng bà” [57, tr.78].
Cần nhận thấy, theo quan niệm của người viết truyện, việc nằm mộng của
những người mẹ có liên hệ trực tiếp đến việc họ mang thai. Những cụm từ
“thái hậu bất giác mất vui, do đó có thai” (tiểu truyện Trần Nhân Tông), “đến
khi thức giấc, bà biết có thai” (tiểu truyện thiền sư Pháp Loa) đã cho thấy rõ
điều đó.
Thông thường, trong các truyện kể dân gian, hình thức thụ thai do ứng mộng
thường kết hợp với việc cầu nguyện. Đối tượng hướng tới của sự cầu nguyện
đó là trời, ngọc hoàng, tiên, Phật, bụt hoặc một vị thần ở địa phương. Đơn cử
như thần tích xã Hạ Cát, Phù Cừ, Hưng Yên “Ba vị đại vương xã Đào Tùng”
[63, tr.67-70] kể ở xã Đào Tùng (Hải Dương) có gia đình họ Nguyễn phúc
đức nhưng hiếm muộn. Họ lên núi Yên Tử mật đảo cầu con. Nhờ Phật vàng
mách bảo, họ về nhà lập đàn tràng giữa sân mà cầu đảo. Ngọc hoàng thấy thế
cho ba người con trai xuống đầu thai. Người vợ có mang và sinh một bọc có
ba con trai. Ở tiểu truyện thiền sư Huyền Quang cũng thấy có sự kết hợp giữa
việc cầu nguyện và sự ứng mộng: “Mẹ tổ là Lê Thị, vốn là người đàn bà hiền
đức, chiều chuộng chồng con, kính thờ cha mẹ chồng. Năm 30 tuổi mà chưa
có con trai nối dõi, nên thường đến cầu nguyện tại chùa Ngọc Hoàng. Chùa
này cầu nguyện thường được linh ứng” [57, tr.78].
Cũng trong truyện Huyền Quang, lại thấy xuất hiện một hình thức sinh đẻ
thần kì nữa là sinh đẻ do đầu thai qua giấc mộng của thiền sư Tuệ Nghĩa
“thầy trụ trì chùa Ngọc Hoàng là thiền sư Tuệ Nghĩa, sau khi lên chùa tụng
kinh trở về liêu phòng, tựa ghế thiền định, ông bỗng mơ thấy các tòa trong
chùa đèn chong sáng rực, chư Phật tôn nghiêm, kim cang long thần la liệt
đông đúc. Đức Phật chỉ tôn giả A-nan bảo: “Ngươi hãy tái sinh làm pháp khí
Đông đô, và phải nhớ duyên xưa” [57, tr.77-79] và trong năm ấy, Huyền
Quang ra đời.
Đối với các truyện kể dân gian, những linh hồn đầu thai thành đứa trẻ thường
là các vị thủy thần, sơn thần địa phương, hoặc cũng có thể là tiên đồng, ngọc
nữ trên trời, riêng về hình thức sinh đẻ do người chết đầu thai lại thì tương
đối hiếm, độ vài ba truyện. Ở trường hợp Huyền Quang là A-nan Tôn giả.
Trong các truyền thuyết, số phận những đứa trẻ sinh ra theo motif sinh đẻ
thần kì thường trở thành nhân thần địa phương, là người anh hùng giúp nước.
Người mẹ chỉ là trung gian để các thế lực siêu nhiên hiện hữu dưới dạng con
người và can thiệp vào cuộc đời. Các nhân vật trong Tam tổ thực lục cũng
vậy, họ đã trở thành những thiền sư danh tiếng, những vị tổ đứng đầu một
dòng thiền và trở thành những đối tượng “thượng đẳng”, nhận được “đặc
quyền” sở hữu một nguồn gốc thần kì qua một motif rất quen thuộc trong văn
học dân gian.
(Cần lưu ý, trong Tam tổ thực lục, chỉ có những thiền sư mới có “đặc quyền”
ra đời theo cách này. Một nhân vật khác trong truyện Huyền Quang là nàng
Điểm Bích, vì là con người thế tục nên không nhận được “đặc quyền” ấy. Sự
ra đời của nhân vật này tuy đôi chỗ có thể làm cho người ta hiếu kì nhưng
vẫn đậm tính chất trần tục:
Mẹ nàng người Đường An, nhà nghèo, sống một mình, gặp năm hạn hán, đi
ăn xin đến huyện Đông Triều, chùa Quỳnh Lâm, dừng chân một đêm tại đó.
Đến canh ba, bầu trời quang đãng, sao sáng, trăng trong, bà thấy một thanh
niên không biết tên họ là gì, cũng không rõ diện mạo, tới chỗ bà, xin cùng ân
ái, xong rồi liền đi. Nhân đó bà có thai, đủ tháng liền sinh một bé gái [57,
tr.84].)
2.2.2. Những chi tiết hoang đường, kì ảo
Sự ảnh hưởng của văn học dân gian đến Tam tổ thực lục còn được thể hiện ở
chỗ vài chi tiết trong truyện mang tính chất hoang đường, kì ảo. Tuy hiếm hoi
nhưng những chi tiết này phần nào đã bộc lộ khả năng hư cấu nghệ thuật theo
kiểu tư duy dân gian như trong các thể loại cổ tích thần kì và truyền thuyết.
Khi nghiên cứu vấn đề này, chúng tôi loại trừ trường hợp những giấc mơ vì
suy cho cùng, mộng mị vốn là huyễn hoặc, dù có nhiều tính chất hoang
đường kì ảo nhưng lại không thể xem là yếu tố thần kì trong các tiểu truyện
thiền sư.
Ở Tam tổ thực lục có một số tín hiệu cho thấy sự ảnh hưởng này, riêng trong
truyện Trần Nhân Tông là nhiều hơn cả. Có thể kể đến những chi tiết như
việc Bảo Sát đang trên đường đi đến Doanh Tuyền, “thấy một đám mây đen
từ Ngọa Vân kéo đến Lỗi Sơn, khi tới Doanh Tuyền, nước suối dâng cao đến
mấy trượng, trong giây lát mặt nước trở lại bình thường. Bảo Sát thấy hai con
rồng đầu lớn như đầu ngựa, ngẩng cao hơn một trượng, hai mắt như sao,
trong phút chốc lại biến mất” [57, tr.31-32]; một vài chi tiết khác nói về điềm
lạ sau khi Trần Nhân Tông viên tịch: “Khi thiêu, hương lạ bay xa, nhạc trời
vang hư không, mây năm sắc phủ trên giàn hỏa” [57, tr.33]; “Pháp Loa đem
thiêu (Điều Ngự), nhặt được hơn 3000 viên xá-lợi, đưa về chùa Tư Phúc tại
kinh đô. Vua nghi ngờ, quần thần nhiều người hỏi tội Pháp Loa. Bấy giờ, thái
tử mới chín tuổi, đang đứng hầu một bên, bỗng nhiên trong mình có một số
hạt xá-lợi liền đưa ra xem. Kiểm soát lại trong hộp thì thấy mất đúng số đó”
[57, tr.34]. Rõ ràng, những chi tiết như “nước suối dâng cao đến mấy trượng,
trong giây lát mặt nước trở lại bình thường”, “hai con rồng đầu lớn như đầu
ngựa, ngẩng cao hơn một trượng, hai mắt như sao, trong phút chốc lại biến
mất”, “nhạc trời vang hư không, mây năm sắc phủ trên giàn hỏa” là sản phẩm
của một trí tưởng tượng phong phú, có thể phù hợp với quan niệm và tâm thế
tiếp nhận của các thành phần tôn giáo nhưng tuyệt nhiên không thể xem là
được “ghi chép đúng theo sự thực” được. Chi tiết thái tử “đang đứng hầu một
bên, bỗng nhiên trong mình có một số hạt xá-lợi” lại là một sự hư cấu khác
có liên quan mật thiết với motif biến hóa trong truyện kể dân gian.
Tiểu truyện thiền sư Huyền Quang cũng có một chi tiết đậm màu sắc huyễn
ảo, kể việc nhà sư lên đàn tràng làm phép rửa oan cho mình nhân mối nghi
ngờ của vua Trần Anh Tông về gian tình của sư với người cung nữ tên là
Điểm Bích:
(Huyền Quang) Đứng ngay giữa đàng, vọng bái thánh hiền mười phương.
Tay trái cầm bình ngọc thạch, tay phải cầm nhánh dương xanh, mật niệm và
tẩy tịnh trên dưới và trong ngoài đàn tràng. Bỗng thấy một đám mây đen hiện
lên từ phía Đông Nam, bụi bay mù mịt ngất trời. Một lát liền dứt, các thứ tạp
vật cuốn bay đi hết, chỉ còn lại hương đăng lục cúng. Các đạo tràng, người
xem hội ai nấy thất sắc kinh hoàng. Vua thấy hạnh pháp của sư thấu đến trời
đất, liền rời chỗ ngồi, lạy xuống để tạ lỗi [57, tr.89].
Tuy nhiên, “những chi tiết hoang đường về pháp thuật cao cường của
thiền sư không có ý nghĩa thuyết phục. Người ta khó tin có việc trời đất rung
động vì pháp thuật của thiền sư để rồi tạo nên các hiện tượng kì quái như
được miêu tả” [26, tr.128] như lời nhận xét của các tác giả Văn học Việt Nam
(thế kỷ X – nửa đầu thế kỷ XVIII). Những chi tiết hoang đường này chỉ có
một mục đích duy nhất là “rửa mối ngờ của người đời” [26, tr.128] và tán
tụng giới hạnh của thiền sư Huyền Quang theo đúng quan điểm của nhà chùa.
Các chi tiết nghệ thuật kể trên, dù là hư cấu của người chép truyện hay nhân
vật trong truyện (trường hợp Bảo Sát nhìn thấy nước dâng cao và hai con
rồng lớn) thì cũng đều nhằm một mục đích chung là ca ngợi đức hạnh của các
vị thiền sư danh tiếng. Qua đó cũng làm cho câu chuyện về cuộc đời của các
vị tổ thêm lung linh sắc màu, đậm đà chất linh diệu.
MỤC LỤC
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài......................................................................... 5
2. Lịch sử vấn đề............................................................................. 6
3. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi đề tài...................................... 10
4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu.............................................. 11
5. Phương pháp nghiên cứu............................................................ 12
6. Kết cấu luận văn........................................................................ 13
Chương 1:
TAM TỔ THỰC LỤC VÀ THIỀN PHÁI TRÚC LÂM
1.1. SÁCH TAM TỔ THỰC LỤC.................................................. 15
1.2. THIỀN PHÁI TRÚC LÂM..................................................... 20
1.2.1. Tiền đề cho sự ra đời và phát triển
của thiền phái Trúc Lâm ............................................................ 20
1.2.2. Vai trò của thiền phái Trúc Lâm
trong đời sống Phật giáo.............................................................. 29
1.3. TRÚC LÂM TAM TỔ............................................................ 33
1.3.1. Trần Nhân Tông................................................................. 33
1.3.2. Pháp Loa .......................................................................... 36
1.3.3. Huyền Quang .................................................................... 38
Chương 2
SỰ HỖN DUNG THỂ LOẠI TRONG
TAM TỔ THỰC LỤC
2.1. KIỂU KẾT CẤU BỐN GIAI ĐOẠN NHƯ LÀ
ĐẶC TRƯNG CỦA LOẠI TIỂU TRUYỆN THIỀN SƯ................ 41
2.1.1. Về khái niệm “tiểu truyện thiền sư”.................................... 41
2.1.2. Kết cấu chung của ba truyện tổ.......................................... 41
2.1.2.1. Sự ra đời thần kì.............................................................. 42
2.1.2.2. Quá trình giác ngộ.......................................................... 52
2.1.2.3. Công tích hành đạo – giáo hóa....................................... 60
2.1.2.4. Qui tịch........................................................................... 61
2.2. THỦ PHÁP HUYỀN THOẠI HÓA NHƯ LÀ SỰ
ẢNH HƯỞNG CỦA VĂN HỌC DÂN GIAN................................. 66
2.2.1. Từ một motif phổ biến trong truyện kể
dân gian – motif sinh đẻ thần kì.................................................... 67
2.2.2. Những chi tiết hoang đường, kì ảo...................................... 71
2.3. LỐI GHI CHÉP THEO TRÌNH TỰ THỜI GIAN TUYẾN TÍNH
NHƯ LÀ SỰ GIAO THOA GIỮA TRUYỆN
VÀ THỂ LOẠI SỬ BIÊN NIÊN.................................................... 73
2.4. SỰ TÍCH HỢP CÁC YẾU TỐ THI CA VÀ HÌNH THỨC
ĐỐI ĐÁP CỦA NGỮ LỤC VÀ CÔNG ÁN THIỀN....................... 78
2.4.1. Sự tích hợp các yếu tố thi ca............................................... 78
2.4.2. Sự tích hợp hình thức đối đáp của ngữ lục
và công án thiền........................................................................... 93
Chương 3
TỪ CHỨC NĂNG TÔN GIÁO ĐẾN GIÁ TRỊ VĂN HỌC
CỦA TAM TỔ THỰC LỤC
3.1. DẤU ẤN VĂN HỌC CHỨC NĂNG
VÀ TÍNH THUYẾT GIÁO.......................................................... 101
3.1.1. Dấu ấn văn học chức năng............................................... 101
3.1.2. Tính thuyết giáo................................................................ 103
3.2. TÍNH VĂN HỌC VÀ GIÁ TRỊ VĂN HỌC........................... 107
3.2.1. Tính văn học..................................................................... 107
3.2.2. Đề tài Huyền Quang – Điểm Bích
trong văn chương của các nhà nho............................................. 110
PHẦN KẾT LUẬN.................................................................... 121
THƯ MỤC THAM KHẢO........................................................ 123
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- lv_ngon_ngu_hoc_24__144.pdf