Tác động của sự thất bại vòng đàm phán Đô ha dến nền nông nghiệp Việt Nam

Nông nghiệp Việt Nam có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, số lượng lao động trong ngành này là rất lớn, và thu nhập tạo ra từ việc xuất khẩu nông sản cũng đóng vai trò không nhỏ trong nền kinh tế. Do đó, chúng ta không thể thụ động trong việc tham gia vòng đàm phán Đôha. Việc vận động đàm phán để tạo lợi thế cho kinh tế Việt Nam nói chung và nền Nông nghiệp Việt Nam nói riêng, cần được chú trọng hơn nữa. Bên cạnh đó chúng ta nên tăng cường đàm phán các hiệp định song phương, khu vực theo chiều hướng cùng hợp tác để phát triển hơn nữa kinh tế trong nhóm và trong khu vực. Nhìn nhận được những tác động của vòng đàm phán Doha đến kinh tế Việt Nam để chúng ta có những hướng đi phù hợp.

docx11 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 2610 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tác động của sự thất bại vòng đàm phán Đô ha dến nền nông nghiệp Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI MỞ ĐẦU  Ngày 11-1-2007, Việt Nam trở thành thành viên 150 của tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việc này đã đánh dấu một bước ngoặt lớn lao đối với nền kinh tế Việt Nam. Là một thành viên WTO, bên cạnh việc thực thi các nghĩa vụ cam kết, Việt Nam sẽ cùng các thành viên thực hiện nghĩa vụ của mình mà cụ thể là tham gia và đề xuất các ý kiến tại các vòng đàm phán tự do thương mại của WTO. Vòng đàm phán đầu tiên Việt Nam tham gia với tư cách thành viên WTO là Vòng đàm phán Doha.Hiện nay thì vòng đàm phán này đang rơi vào tình trạng bế tắc do một số xung đột giữa các nước, Và hầu như đó là những vấn đề liên quan đến nông nghiệp. Việt Nam là một thành viên trong WTO, cùng các nước tham gia vòng đàm phán Doha, do vậy dĩ nhiên sự thất bại hay thành công của vòng đàm phán này sẽ có những tác động và ảnh hưởng nhất định đến Việt Nam. Trong những lĩnh vực được đưa ra để đàm phán có thể nói nông nghiệp và trợ cấp nông nghiệp đang là những vấn đề chưa thể đi đến một kết quả chung. Hiện nay, Việt Nam vẫn được thế giới biết đến là một nước nông nghiệp, đây là ngành kinh tế quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Năm 2009, giá trị sản lượng của nông nghiệp đạt 71,473 nghìn tỷ đồng (giá so sánh với năm 1994), tăng 1,32% so với năm 2008 và chiếm 13,85% tổng sản phẩm trong nước. Lực lượng lao động, hoạt động sản xuất trong nghề này là rất lớn (69% lực lượng lao động Việt Nam nằm trong lĩnh vực nông nghiệp). Chính vì thế việc đàm phán những vấn đề liên quan đến lĩnh vực này sẽ có những ảnh hưởng không nhỏ đến ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Việt Nam cần có sự đánh giá đúng mức, từ đó có thể định hướng, xác định những hướng phát triển hợp lý. Bên cạnh đó việc xây dựng các hành lang pháp lý phù hợp cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Chương 1: Tổng quan về vòng đàm phán Doha Sự ra đời và ý nghĩa của vòng đàm phán: Vòng đàm phán Doha (hay còn được gọi là Chương trình nghị sự Đô-ha về Phát triển DDA) được khởi động tại Hội nghị Bộ trưởng WTO (MC) lần thứ 4, tổ chức tại Đô-ha, Quatar tháng 11 năm 2001. Mục tiêu ban đầu mà các Bộ trưởng đề ra là kết thúc Vòng Đô-ha vào năm 2005 nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện được. Các lĩnh vực được đưa ra đàm phán : tiếp cận thị trường hàng phi nông nghiệp (NAMA), nông nghiệp, dịch vụ, các vấn đề về quy tắc, sở hữu trí tuệ, thuận lợi hóa thương mại, thương mại – môi trường và thương mại phát triển. Mục tiêu đàm phán là gói cam kết tổng thể tất cả các lĩnh vực trên.Trong đó, NAMA và nông nghiệp được xem là hai lĩnh vực mang tính quyết định, đóng vai trò quan trọng trong việc mở đường cho đàm phán trong các lĩnh vực khác thành công. Tuy nhiên, gần đây dịch vụ đang dần trở nên quan trọng hơn với sự quan tâm của một số thành viên lớn của WTO như Hoa Kỳ, EU. Vòng Doha thường nhắc tới khía cạnh phát triển. Điều này được thể hiện khá rõ nét ngay ở tiêu đề của Vòng đàm phán: "Chương trình Nghị sự Phát triển Đô-ha” (Doha Development Agenda).Khía cạnh "phát triển" của hệ thống thương mại đa biên thường được gắn với khái niệm về “đối xử đặc biệt và khác biệt" (S&D). Khái niệm này ghi nhận rằng các nước đang phát triển, đặc biệt nếu so sánh với các nước phát triển, đang ở vào các giai đoạn phát triển kinh tế rất khác nhau. Do vậy, mục đích cơ bản của các điều khoản S&D nhắm tới là thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các thành viên đang và kém phát triển của WTO, giúp các thành viên này nâng cao khả năng hội nhập kinh tế và được hưởng lợi ích trọn vẹn hơn từ hệ thống thương mại đa biên vốn đang thay đổi nhanh chóng. Về cơ bản, các điều khoản S&D được phân loại thành 3 hình thức: các điều khoản tạo điều kiện gia tăng cơ hội thương mại cho các nước đang và kém phát triển; các điều khoản cho phép linh hoạt trong quá trình thực hiện những quy tắc và cam kết hiện hành của WTO và các điều khoản về hỗ trợ kỹ thuật do các nước phát triển dành cho các nước đang phát triển trên cơ sở song hoặc đa phương. Với tinh thần đó, mối quan tâm rất lớn từ phía các thành viên đang phát triển đã được giành cho S&D và khía cạnh phát triển trong quá trình đàm phán vòng Doha. Chính vì thế, vấn đề S&D có vai trò rất quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế, thương mại của Việt Nam. Như vậy đối với những nước đang phát triển, đây là một vòng đàm phán rất có ý nghĩa, vì nếu Doha kết thúc thì hàng hóa của các nước đang phát triển, chủ yếu là hàng nông sản, sẽ có cơ hội thâm nhập thị trường các nước phát triển do hàng rào thuế quan sẽ được giảm rất lớn.    Sơ lược diễn biến vòng đàm phán: Từ năm 2001 đến năm 2008 nhiều cuộc đàm phán đã được diễn ra, nhưng vẫn chưa thể đưa tiến trình vòng đàm phán đi được đến đích. Tháng 7/2008, hội nghị bộ trưởng WTO tại Giơ-ne-vơ tưởng chừng sẽ đi đến kết quả là kết thúc, nhưng do sự bất đồng của các thành viên quan trọng trong việc thỏa thuận các vấn đề chủ chốt của Nông nghiệp, lại đẩy vòng đàm phán đến bế tắc. Sau thất bại các thành viên tham gia vòng đàm phán thống nhất là đặt mục tiêu hoàn thành vòng đàm phán Đô ha vào năm 2010. Tuy nhiên, trong năm 2009 đã tồn tại những khó khăn nhất định khiến vòng đàm phán không thể có những tiến triển như các nước dự kiến.Đó là: Cuộc tổng tuyển cử của Mỹ và sự thay đổi trong bộ máy chính quyền, đã làm gián đoạn tiến trình, do Mỹ là một trong những nước đóng vai trò quan trọng trong vòng đàm phán. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, làm chao đảo nền kinh tế các nước, trong tình thế khó khăn của nền kinh tế, các nước tham gia vòng đàm phán phải ra sức chống đỡ và khắc phục những hệ quả của cuộc khủng hoảng này. Do vậy, vòng đàm phán lại bị trùng bước. Do vòng đàm phán đã bị kéo dài quá lâu, nhưng chưa đến hồi kết, cùng với sự gia tăng của các thảo thuận thương mại song phương và đa phương, khiến niềm tin của các nước vào hệ thống thương mại đa phương bị lung lay. Chính vì thế, vòng đàm phán cũng không gặt hái được kết quả như mong muốn. Sang năm 2010, tình hình chuyển biến theo hướng tích cực hơn: Kinh tế thế giới tiếp tục có dấu hiệu phục hồi, Hoa Kỳ tỏ ra quan tâm hơn đến vòng Doha đàm phán ,đã có những bước tiến nhất định về mặt kỹ thuật sau một thời gian áp dụng phương pháp vừa đàm phán kỹ thuật, vừa đàm phán phương thức. Tuy nhiên thì các nước vẫn còn lo ngại về Mỹ, chưa có những dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ cam kết đi đến kết thúc vòng đàm phán. Nhiều khả năng đàm phán sẽ kéo dài, Hoa Kỳ tiếp tục đòi các thành viên khác mở cửa thêm thị trường cả về hàng hóa và dịch vụ. Việt Nam chính thức gia nhập WTO vào tháng1/2007. Với tư cách là thành viên mới, VN được miễn trừ các cam kết mới về mở cửa thị trường (cắt giảm thuế) nhưng không được miễn trừ trong các lĩnh vực khác . Mặc dù, chưa có quy định cụ thể quy chế miễn trừ sẽ kéo dài trong thời gian bao lâu nhưng thực tiễn cho thấy điều này tùy thuộc vào: thời gian gia nhập và trình độ phát triển, quy mô của nền kinh tế. Do đó, có thể nói vòng đàm phán Đô-ha càng kéo dài thì càng bất lợi cho Việt Nam. Việt Nam có thể không còn được hưởng quy chế miễn trừ và nhiều vấn đề mới có thể xuất hiện, trách nhiệm tham gia đàm phán của ta cũng nặng nề hơn, khi đàm phán kéo dài. Một trong những vấn đề bế tắc và gây ra trì hoãn Vòng đàm phán Doha hiện nay là các vấn đề liên quan đến nông nghiệp. Đây là một lĩnh vực gây tranh cãi rất nhiều trong các vòng đàm phán. Sở dĩ đàm phán nông nghiệp diễn ra rất phức tạp, khó khăn và chậm chạp chủ yếu bởi tính chất nhạy cảm của lĩnh vực này đối với hầu hết tất cả các nền kinh tế liên quan nên quan điểm và lợi ích của các nước có rất nhiều khoảng cách. Tự do hóa hơn nữa thương mại nông sản sẽ có lợi cho những nước có khả năng cạnh tranh bằng chất lượng và giá thành nhưng rõ ràng bất lợi cho những nước vốn duy trì năng lực cạnh tranh dựa vào quy mô của trợ cấp. Chương 2: Sự thất bại của vòng đàm phán Doha ảnh hưởng đến thị trường nông sản Việt Nam Mong muốn của Việt Nam khi gia nhập vòng đàm phán Doha Đàm phán nông nghiệp có một số nhiệm vụ chính bao gồm: tăng cường các quy tắc thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp; cắt giảm trợ cấp xuất khẩu và các hình thức trợ cấp bóp méo thương mại; tăng cường mở cửa thị trường thông qua giảm thuế và hàng rào phi thuế và đối xử đặc biệt và khác biệt (S&D) cho các nước ĐPT và LDC. Một trong những mục tiêu quan tâm hàng đầu của các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam khi gia nhập WTO và vòng đàm phán Đô ha là hướng tới một thị trường nông sản toàn cầu mang tính công bằng hơn. Vì vậy, nếu các cuộc đàm phán về tự do hóa thương mại nông sản trong khuôn khổ Chương trình vòng Doha đạt được kết quả như mong muốn, một trong những lợi ích chủ yếu mà các nước đang phát triển như Việt Nam thu được chính là giá thế giới của các nông sản phẩm sẽ tăng lên, thúc đẩy thương mại nông sản toàn cầu. Đồng thời, nhiều nông sản mà các nước này có lợi ích xuất khẩu sẽ có điều kiện tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường của các nước phát triển cũng như nước đang phát triển khác một khi thuế quan mang tính bảo hộ của các nước này được hạ thấp xuống và trợ cấp được cắt giảm hoặc thu hẹp.Thị phần của các nước đang phát triển trong thương mại nông sản thế giới sẽ được mở rộng với việc hợp lý hóa và dịch chuyển sản xuất sang tập trung ở các nước đang phát triển nhờ môi trường cạnh tranh mới mang tính công bằng hơn và dựa trên lợi thế cạnh tranh tự nhiên hơn là lợi thế cạnh tranh nhân tạo. Giá trị xuất khẩu nông sản chia bình quân đầu nhân công trong nông nghiệp ở Việt Nam là khoảng 40 USD. Giá trị này cho biết sản xuất nông sản trong nước hướng tới phục vụ xuất khẩu là chủ yếu hay chỉ để đáp ứng nhu cầu trong nước. Tỷ lệ lao động tham gia sản xuất nông nghiệp và tỷ lệ dân cư nông thôn ở Việt Nam là tương đương, cho thấy ở Việt Nam sản xuất lương thực đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu nông sản. Việc xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu và hỗ trợ trong nước ở các thị trường xuất khẩu sẽ giúp các nước đang phát triển như Việt Nam gia tăng một cách đáng kể lợi thế cạnh tranh so sánh, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt nếu trợ cấp xuất khẩu tập trung ở những nông sản mà Việt Nam hiện đang có thế mạnh hoặc tiềm năng xuất khẩu như gạo, cà phê, điều, hạt tiêu, rau quả, v.v... Tuy nhiên, việc xoá bỏ trợ cấp xuất khẩu và hỗ trợ trong nước tại chính các nước xuất khẩu như Việt Nam cũng có thể làm tác động bất lợi tới xuất khẩu. Nếu vòng đàm phán thành công sớm: Có thể thấy nếu đàm phán nông nghiệp trong Vòng Doha thành công với nội dung chủ yếu các bên thỏa thuận trong tiến trình đàm phán hiện nay (2010), thì các kết quả đàm phán này khi được thông qua sẽ ành hưởng đến Nông nghiệp Việt Nam về các khía cạnh sau: Về xuất khẩu: Nông sản Việt Nam sẽ có điều kiện gia tăng khối lượng và mở rộng thị trường hơn nữa, vì thị trường các nước trước đây luôn có các chính sách duy trì hỗ trợ nông nghiệp trong nước thì nay tỉ lệ hỗ trợ này sẽ bị cắt giảm bớt, làm cho cánh cửa thị trường sẽ mở rộng hơn, tăng khả năng tiếp cận cho nông sản Việt Nam. Năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam tại thị trường thế giới cũng được cải thiện đáng kể khi các nước cam kết xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu, khi đó năng lực cạnh tranh của các nước trên thị trường thế giới sẽ phản ánh đúng bản chất của nó, tức là lợi thế so sánh của của mỗi nước sẽ thật sự được phát huy . Hơn thế, một khi hỗ trợ trong nước và trợ cấp xuất khẩu được cắt giảm, hạn chế và đi tới chấm dứt thì giá nông sản thế giới sẽ phản ánh đúng giá thành sản xuất thực tế và sẽ cao hơn trước đây. Nhờ đó, giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam cũng sẽ gia tăng tương ứng. Một nghiên cứu gần đây của UNCTAD (2005) sử dụng mô hình Phân tích Thương mại toàn cầu (Global Trade Analysis Project - GTAP) dự báo nếu các nước OECD cắt giảm hỗ trợ trong nước và xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu nông sản thì khối lượng thương mại nông sản toàn cầu sẽ tăng hơn 50%, còn giá thực tế sẽ tăng trung bình khoảng 5%. Cũng theo tài liệu này của UNCTAD, một nghiên cứu khác của Ngân hàng Thế giới cho thấy nếu tất cả các nước thành viên WTO dỡ bỏ thuế nhập khẩu và trợ cấp thì xuất khẩu nông sản của các nước đang phát triển có thể tăng thêm 15% còn nhập khẩu tăng 12%. Giá gạo thế giới theo nghiên cứu này dự kiến có thể tăng thêm tới 16%. Như vậy, nguồn thu hàng năm từ xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ được cải thiện hơn nữa nhờ vào sự thay đổi có lợi của tỷ lệ thương mại. Xét về dài hạn, việc cắt giảm hỗ trợ gây bóp méo sản xuất và thương mại sẽ góp phần tạo ra một thị trường nông sản toàn cầu ổn định hơn, ít biến động hơn và ít bị bóp méo hơn. Tuy nhiên, trước mắt chưa đủ điều kiện xác định hay ước tính dù chỉ sơ bộ mức độ gia tăng cả về lượng và giá trị của nông sản xuất khẩu của Việt Nam vì cần phải thấy rằng không phải tất cả các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam hiện nay đều là đối tượng hỗ trợ hay trợ cấp phổ biến trong thương mại nông sản thế giới. Hơn nữa, cũng không phải tất cả các đối tác nhập khẩu nông sản chủ yếu của Việt Nam đều là những nước đang sử dụng công cụ hỗ trợ trong nước và trợ cấp xuất khẩu, hoặc nếu có sử dụng thì giá trị không lớn nên tác động bóp méo thương mại (nếu có) cũng không quá quan trọng. Chẳng hạn như theo ITC (2004), Indonesia và Philippin mới là hai thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam và hỗ trợ nông nghiệp của các nước này cũng không đáng kể để có thể tạo ra thay đổi lớn trong luồng xuất khẩu từ Việt Nam. Vì vậy, về mặt lý thuyết mặc dù có thể khẳng định xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ tăng nhưng về mặt thực tế, cần phải có những nghiên cứu cụ thể hơn cho từng ngành hàng, từng mặt hàng và từng thị trường xuất khẩu chính. Mặc dù triển vọng cho xuất khẩu nông sản trong thời gian hậu Doha (khi Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của WTO) là khá sáng sủa nhưng phương hướng dài hạn trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam cần phải vượt lên các tầng cao hơn, hướng tới những sản phẩm công nghiệp chế biến hoặc có hàm lượng giá trị gia tăng nội địa nhiều hơn để đạt được năng lực cạnh tranh bền vững và giá trị xuất khẩu cao chứ không quá tập trung dựa vào khai thác lợi thế tự nhiên, tiềm năng sẵn có của nông nghiệp, tránh tác động bất lợi do phụ thuộc vào biến động giá cả mang tính thời vụ, chu kỳ. Về nhập khẩu: Do các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp đã ở mức rất cao so với hiện trạng các nước thành viên WTO, thậm chí trong lĩnh vực trợ cấp xuất khẩu ta còn cam kết chấm dứt ngay từ khi gia nhập, tức là còn sớm hơn và ở mức cao hơn kết quả dự kiến của vòng Doha nên tác động của một Hiệp định Nông nghiệp mới đến nền nông nghiệp Việt Nam sẽ không lớn. Giới hạn trần của hỗ trợ trong nước thuộc Hộp Hổ phách vẫn còn khá rộng rãi để ta có thể tiếp tục duy trì trợ cấp, mặc dù có thể không dễ dàng chuyển đổi giá trị hỗ trợ từ sản phẩm này sang sản phẩm khác nếu Vòng Doha phê chuẩn phương pháp tiếp cận của Khuôn khổ về thiết lập các nguyên tắc đàm phán nông nghiệp tháng 7/2004. Tuy nhiên, nhập khẩu nông sản vào Việt Nam có thể sẽ chịu ảnh hưởng do giá tăng (khi các nước xuất khẩu cắt giảm hỗ trợ và trợ cấp) dẫn tới lượng nhập khẩu vào trong nước có thể giảm sút. Quan điểm của Việt Nam đối với những chủ đề nông nghiệp đang đàm phán tại WTO là ủng hộ việc sớm chấm dứt toàn bộ trợ cấp xuất khẩu và siết chặt lại các quy định về sử dụng hỗ trợ trong nước và xóa bỏ những hỗ trợ gây bóp méo thương mại, đặc biệt là trợ cấp và hỗ trợ của các nước phát triển. Những lợi ích tiềm năng mà kết quả đàm phán nông nghiệp của vòng Doha mang lại như kể trên sẽ giúp nông dân Việt Nam có cơ hội khai thác tối đa năng lực sản xuất và xuất khẩu dựa trên lợi thế tự nhiên sẵn có, đảm bảo thu nhập ổn định cho dân sống bằng nghề nông. Sự ảnh hưởng của vòng đàm phán Doha đến Việt Nam trong bối cảnh thất bại của vòng đàm phán này. Khi vòng đàm phán kéo dài mà chưa có hồi kết: Khi vòng đàm phán vẫn kéo dài như hiện nay thì Việt Nam sẽ đứng trước những khả năng sau: Sau năm 2012 nếu Vòng Đôha chưa kết thúc, Việt Nam sẽ phải mở cửa thị trường vì các đàm phán Đôha đều có tính chất hai chiều Để hạn chế được những bất lợi khi mở cửa thị trường, ngoài việc nâng cao khả năng cạnh tranh, việc chủ động tham gia các Vòng Đàm phán Đôha nhằm đề xuất các quyền lợi của mình là một giải pháp rất quan trọng mà Việt Nam không nên bỏ qua. Bà Nguyễn Thị Hồng - Bộ NN&PTNT đã đưa ra một cảnh báo rất đáng lo, chúng tôi đang băn khoăn, liệu với Vòng đàm phán Doha, Việt Nam có phải trả giá hai lần không. Bởi vì, Việt Nam là nước gia nhập WTO muộn hơn nhiều nước khác nên buộc phải cam kết nhiều hơn trong WTO và liệu chúng ta có phải tiếp tục cam kết cắt giảm nhiều hơn nữa trong Doha hay không đang là một câu hỏi. Hiện nay, ngành nông nghiệp đang là một trong những lĩnh vực đàm phán then chốt của vòng Doha. Vòng đàm phán vẫn tiếp tục và có thể xảy ra hai kịch bản đối với nông nghiệp Việt Nam. Một là, Việt Nam sẽ không phải cắt giảm tiếp theo kết quả của Doha dựa vào các điều khoản dành cho các thành viên mới, điều khoản ưu đãi dành cho các nước đang phát triển và các nền kinh tế chuyển đổi. Thứ hai, nếu không đàm phán thành công theo hướng trên, Việt Nam sẽ phải tiếp tục cắt giảm theo Doha. Khi đó, khó khăn nhất đối với VN sẽ là phải tiếp tục giảm thuế để mở cửa thị trường. Điều bất lợi của Việt Nam là mức độ cam kết của VN trong nông nghiệp hiện khá cao. Theo cam kết WTO, Việt Nam đã phải cam kết bãi bỏ hoàn toàn trợ cấp xuất khẩu ngay khi gia nhập trong khi các nước thành viên khác đến 2013 mới phải cắt giảm; mức thuế mà Việt Nam cam kết cao hơn và cũng không được áp dụng các biện pháp tự vệ đặc biệt như nhiều nước khác. Đây chính là thực tế gây lo ngại cho các chuyên gia, trên nhiều lĩnh vực khác. Ví dụ, trong công nghiệp, theo cam kết WTO, Việt Nam phải cắt giảm 9.400 dòng thuế với mức cắt giảm khoảng 24% so với hiện hành. Nếu tiếp tục cắt giảm thuế quan theo mô hình cắt giảm của vòng đàm phán Doha, ngành công nghiệp VN sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trước sức ép cạnh tranh của hàng nhập khẩu. Cụ thể, nhóm các sản phẩm điện tử dân dụng hiện đang được bảo hộ ở mức cao với mức thuế suất trung bình từ 30 – 50% là nhóm các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng thấp do chủ yếu là gia công và lắp ráp; do đó, năng lực cạnh tranh sẽ bị giảm khi thực hiện lộ trình giảm thuế. Bên cạnh đó, nhóm các sản phẩm dệt may và da giày, nông thuỷ sản chế biến cũng sẽ có những khó khăn khi sự cạnh tranh từ hàng hoá các nước ngày càng mạnh nếu các nước tiếp tục có yêu cầu mở cửa và đạt được kết quả này qua Vòng đàm phán Doha. Khi vòng đàm phán Doha thất bại hoàn toàn : Mục đích của vòng đàm phán là hướng đến sự công bằng lợi ích giữa các nước có nền kinh tế kém phát triển, đang phát triển với những nước có nền kinh tế phát triển. Như vậy nếu vòng đàm phán thành công thì nó sẽ mở ra những điều kiện thuận lợi cho các nước tiếp cận với các thị trường của các nước lớn, thông qua cơ chế lợi thế so sánh trong cạnh tranh, một khi các hàng rào được cắt giảm. Trường hợp vòng đàm phán không thể thành công, thì mục tiêu trên cũng không thể đạt được. Tuy nhiên theo nhận định của các nhà kinh tế thì các đàm phán song phương sẽ lên ngôi. Việt Nam nằm trong nhóm nước đang phát triển, mới gia nhập WTO nên ttrong thời gian này Việt Nam còn được hưởng một số chế độ miễn trừ và các thỏa thuận cắt giảm theo tiến trình. Do vậy mà khi vòng đàm phán không thể thành công theo hướng các nhà hoạch định chính sách WTO đã đặt ra thì Việt nam cũng vẫn phải thực hiện các cam kết của mình khi kí kết tham gia WTO, và khi các chế độ này hết hạn thì Việt Nam phải mở cửa thị trường như đã cam kết. Nông Nghiệp cũng vậy, Doha thất bại có thể sẽ không tạo ra được những lợi thế cho Việt Nam như các nhà kinh tế nhình nhận khi Việt Nam mới tham gia vòng đàm phán này. Nhưng việc thất bại vòng đàm phán này cũng không phải là sẽ để lại những hậu quả tiêu cực cho kinh tế Việt Nam, bới lẽ trước đây như thế nào thì bây giờ chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện như vậy. Bên cạnh đó,việc thất bại này khiến ta không thể đạt được những kết quả như mong muốn thì chúng ta có thể tìm kiếm các đối tác cùng kí kết và thông qua các hiệp định song phương và khu vực để đi đến một lợi ích chung nhất cho các nước mong muốn có được sự công bằng khi gia nhập thị trường thế giới. Viễn cảnh vòng Đôha và nền kinh tế Việt Nam Nguồn:tài liệu hội thảo: “Hội thảo hỗ rợ Việt Nam tham gia vòng đàm phán Đô ha (7/9/2009)” Kết Luận Nông nghiệp Việt Nam có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, số lượng lao động trong ngành này là rất lớn, và thu nhập tạo ra từ việc xuất khẩu nông sản cũng đóng vai trò không nhỏ trong nền kinh tế. Do đó, chúng ta không thể thụ động trong việc tham gia vòng đàm phán Đôha. Việc vận động đàm phán để tạo lợi thế cho kinh tế Việt Nam nói chung và nền Nông nghiệp Việt Nam nói riêng, cần được chú trọng hơn nữa. Bên cạnh đó chúng ta nên tăng cường đàm phán các hiệp định song phương, khu vực theo chiều hướng cùng hợp tác để phát triển hơn nữa kinh tế trong nhóm và trong khu vực. Nhìn nhận được những tác động của vòng đàm phán Doha đến kinh tế Việt Nam để chúng ta có những hướng đi phù hợp. Danh mục tài liệu tham khảo: 1. Dự án Mutrap III, Vấn đề Trợ cấp trong Nông nghiệp trong Vòng Doha và Tác động tới Việt Nam, (08/09/2010) 2. Dự án Mutrap III, Diễn biến Vòng Doha và Sự tham gia của Việt Nam, (08/09/2010) 3. Mrs.Trịnh Tuyết Mai, Tình hình đàm phán nông nghiệp Vòng Đôha và ảnh hưởng đến quyền lợi của Việt Nam. 4.Và các bài viết khác từ : www.mutrap.org.vn wto.nciec.gov.vn

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docxTác động của sự thất bại vòng đàm phán Đô ha dến nền nông nghiệp Việt Nam.docx
Luận văn liên quan