Tâm lý học nhân cách người thầy giáo

Chương 1: Tìm hiểu chung về nhân cách Chương 2: Sự cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện nhân cách người thầy giáo Chương 3: Đặc điểm lao động của người thầy giáo Chương 4: Phẩm chất đạo đức năng lực uy tín người thầy giáo Chương 5: Tình huống cụ thể - Nhận xét – Kiến nghị Kết luận

doc21 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 19335 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tâm lý học nhân cách người thầy giáo, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Chương 1: Tìm hiểu chung về nhân cách 1.1 Quan niệm nhân cách ở Việt Nam  - Nhân cách được hiểu là con người có đức và tài hay là tính cách và năng lực hoặc là con người có các phẩm chất: Đức, trí, thể, mỹ, lao (lao động). - Nhân cách được hiểu như các phẩm chất và năng lực của con người - Nhân cách được hiểu như phẩm chất của con người mới: Làm chủ, yêu nước, tinh thần quốc tế vô sản, tinh thần lao động. - Nhân cách được hiểu như mặt đạo đức, giá trị làm người của con người. Nhân cách là tổ hợp những đặc điểm, những thuộc tính tâm lý của cá nhân, biểu hiện bản sắc và giá trị xã hội của con người. Nhân cách là sự tổng hoà không phải các đặc điểm cá thể của con người mà chỉ là những đặc điểm quy định con người như là một thành viên của xã hội, nói lên bộ mặt tâm lý - xã hội, giá trị và cốt cách làm người của mỗi cá nhân. 1.2 Những quan điểm cơ bản của các trường phái tâm lý học về nhân cách 1.2.1. Quan điểm sinh vật hoá bản chất nhân cách: Nhân cách được coi là bản năng tình dục (S.Phơrơt) là đặc điểm hình thể (Krestchmer), siêu đẳng, bù trừ (Atle), vô thức tập thể (K.Jung) là các kiểu hoạt động thần kinh cấp cao (những người qúa tôn sùng học thuyết Paplôp). Thực chất của các quan điểm trên dù hình thức biểu hiện ở mỗi người có khác nhau, nhưng đều sinh vật hoá bản chất nhân cách, đều mang quan điểm duy tâm siêu hình. 1.2.2. Bản chất nhân cách: là nhân tính con người đã được trường phái nhân văn nhấn mạnh. Đại diện của trường phái này là C.Rôgiơ, A.Matxlâu, G.Ônpooc…. Những người ở trường phái này đều quan tâm đến giá trị tiềm năng bẩm sinh của con người, đến những đặc tính riêng của mỗi người, kinh nghiệm của con người. A.Matxlâu cho rằng tính xã hội nằm trong bản năng con người. Những nhu cầu tiếp xúc, tình yêu, lòng kính trọng đều có tính chất bản năng, đặc trưng cho giống người. Nhân cách là động cơ tự điều hành (G. Ônpooc), là nhu cầu (A.Murây), là tương tác xã hội (G.H.Mít) là lo lắng (K.Hoocnây). Những quan điểm này đều đề cao tính chất tự nhiên sinh vật của con người, phủ nhận bản chất xã hội của nhân cách. 1.2.3. Nhân cách được hiểu là toàn bộ mối quan hệ xã hội của cá nhân: Các mối quan hệ xã hội của cá nhân như trong quan hệ gia đình, nhà trường, cơ quan công tác, nghề nghiệp, bạn bè… là chuẩn để đánh giá nhân cách. Về thực chất, quan điểm này đã xã hội hoá nhân cách một cách giản đơn. 1.2.4. Nhân cách theo Platônôp là con người có ý thức, có lý trí và ngôn ngữ, là con người lao động. 1.2.5. Nhân cách được hiểu như cá nhân của con người với tư cách là chủ thể của mối quan hệ và hoạt động có ý thức. Hiện nay quan điểm này được đa số các nhà tâm lý học xã hội chấp nhận, coi nhân cách là cá nhân là cá thể so với tập thể và xã hội. 1.2.6. Nhân cách được hiểu như là các thuộc tính nào đó tạo nên bản chất nhân cách như là các thuộc tính ổn định, các thuộc tính sinh vật hoặc thuộc tính xã hội. P.Buêva cho rằng nhân cách là con người với toàn bộ những phẩm chất xã hội của nó. Nhân cách là toàn bộ những đặc tính và những quy luật cá nhân (H.Hipsô, M.Phorvec), là tổng số những những đặc điểm cá nhân con người mà không người nào giống người nào (E.P.Hôlenđơ). Nhân cách là tâm thế (Uzơnatze) là thái độ (V.N.Miaxisev), là phương thức tồn tại của con người tong xã hội, trong điều kiện lịch sử cụ thể (L.I.Anxưphêrôva). Những quan điểm này chỉ chú ý đến cái đơn nhất trong nhân cách, chưa thể hiện tính toàn diện trong định nghĩa về nhân cách. 1.2.7. Nhân cách được hiểu như cấu trúc hệ thống tâm lý cá nhân. Trong hàng chục năm lại đây, nhiều nhà tâm lý học đều có xu hướng kiểu nhân cách là cấu trúc, hệ thống tâm lý (A.N.Lêônchiep, K. Obuchowxki). Nhân cách là cấu tạo tâm lý mới được hình thành trong mối quan hệ sống của cá nhân do kết quả hoạt động cải tạo của con người đó (A.N.Lêônchiep). Với quan niệm bản chất nhân cách là một hệ thống tổ chức K. Ôbuchôpxki đã định nghĩa như sau: “Nhân cách là sự tổ chức những thuộc tính tâm lý của con người có tính chất, điều kiện lịch sử xã hội, ý nghĩa của nó cho phép giải thích và dự đoán hành động cơ bản của con người” Từ bảy quan niệm trên, chúng ta thấy rằng cho đến nay vẫn chưa có một trường phái nào giải quyết một cách thoả đáng, một cách toàn diện về vấn đề bản chất nhân cách. Vấn đề nhân cách vẫn luôn luôn là vấn đề nóng bỏng và hết sức quan trọng trong các khoa học về con người nói chung và tâm lý học nói riêng. Chương 2: Sự cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện nhân cách người thầy giáo 2.1 Sản phẩm lao động của người thầy là nhân cách học sinh do những yêu cầu khách quan của xã hội qui định: Sản phẩm nhân cách học sinh là kết quả tổng thể của cà thầy lẫn trò nhằm biến những tinh hoa của nền văn minh xã hội thành tài sản riêng - sự phát triển tâm lí, của trò. Sự phù hợp giữa yêu cầu khách quan của nghề dạy học với những phẩm chất tương ứng trong nhân cách người thầy sẽ tạo nên chất lượng cao của sản phẩm giáo dục. 2.2. Thầy giáo là người quyết định trực tiếp chất lượng giáo dục: Trình độ tư tưởng, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn và sự phát triển tư duy độc lập, sáng tạo của học sinh không chỉ phụ thuộc vào chương trình và sách giáo khoa, cũng không chỉ phụ thuộc vào nhân cách học sinh, mà còn phụ thuộc vào người thầy, vào phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn và khả năng tay nghề của nhân vật chủ đạo trong nhà trường. 2.3. Thầy giáo là cái "dấu nối" giữa văn hóa nhân loại và dân tộc với việc tái tạo nền văn hóa đó chính trong thế hệ trẻ: - Nền văn hóa của nhân loại, của dân tộc chỉ được bảo tồn và phát triển thông qua sự lĩnh hội nền văn hóa của thế hệ trẻ. Tuổi trẻ không làm được việc đó mà phải huấn luyện theo phương thức đặc biệt là nhà trường thông qua vai trò của người thầy. - Tri thức khoa học là phương tiện hoạt động dạy của người thầy, đồng thời là mục đích hoạt động học của trò. Trò hoạt động theo sự tổ chức và điều khiển của thầy để tái sản xuất nền văn hóa của nhân loại, của dân tộc, tạo ra sự phát triển tâm lý của chính mình, tạo ra những năng lực mới mang tính con người . - Thầy đã biến quá trình giáo dục của mình thành quá trình tự giáo dục của trò. Vì thế giáo dục và tự giáo dục thống nhất với nhau trong việc làm nên sản phẩm giáo dục nhân cách. - Sứ mạng trên của người thầy thật vẻ vang, nhưng công việc không đơn giản, không mang tính lặp lại, nó phải dựa trên cơ sở nắm vững con đường mà loài người đã đi qua khi phát hiện ra những tri thức khoa học phải dựa trên cơ sở của những thành tựu tâm lý học, giáo dục học hiện đại, đồng thời phải am hiểu đầy đủ đặc điểm và trình độ phát triển về mọi mặt của trẻ nhất là trí tuệ và đạo đức. - Công việc đó đòi hỏi một quá trình học tập lí luận nghiêm túc, trau dồi chuyên môn, rèn luyện tay nghề...,nói chung là trau dồi nhân cách người thầy. Chương 3: Đặc điểm lao động của người thầy giáo 3.1.Nghề mà đối tượng quan hệ trực tiếp là con người: - Vì đối tượng quan hệ trực tiếp là con người, đòi hỏi người thầy phải có sự tôn trọng, lòng tin, tình thương, sự đối xử công bằng, thái độ ân cần, lịch sự, tế nhị... - Đối tượng của người thầy và con người đang trong thời kì chuẩn bị, đang ở buổi bình minh của cuộc đời. Xã hội tương lai mạnh hay yếu, phát triển hay trì trệ tùy thuộc vào nội dung và chất lượng của thời kì chuẩn bị này. 3.2.Nghề mà công cụ chủ yếu là nhân cách của chính mình: - Trong dạy học và giáo dục, thầy dùng nhân cách của chính mình để tác động vào học sinh. Đó là phẩm chất chính trị là sự giác ngộ về lý tưởng đào tạo thế hệ trẻ, là lòng yêu nghề mến trẻ, là trình độ học vấn, là sự thành thạo về nghề nghiệp, là lối sống, cách ứng xử và kỹ năng giao tiếp... - Nghề đào tạo con người lại là nghề lao động nghiêm túc, không được phép tạo ra thứ phẩm hay phế phẩm như ở một số nghề khác. - Để trở thành một người thầy tốt, trước hết cần phải sống một cuộc sống chân chính, vẹn toàn nhưng đồng thời phải có ý thức và kĩ năng tự hoàn thiện mình. Tâm hồn của nhà giáo phải được bồi bổ rất nhiều để có khả năng truyền lại gấp bội cho thế hệ trẻ. 3.3. Nghề tái sản xuất mở rộng sức lao động xã hội: - Sức lao động chính là toàn bộ sức mạnh vật chất hay tinh thần ở trong con người, nhân cách sinh động của cá nhân cần thiết để sản xuất ra sản phẩm vật chất hay tinh thần có ích cho xã hội. - Chức năng của giáo dục, mà thầy giáo là lực lượng chủ yếu, chính là bồi dưỡng và phát huy sức mạnh đó ở trong con người. 3.4. Nghề đòi hỏi tính khoa học, tính nghệ thuật và tính sang tạo cao: - Ai có ở trong nghề thầy giáo, ai có làm việc với đầy đủ tinh thần trách nhiệm, với lương tâm nghề nghiệp cao thượng thì mới cảm thấy lao động sư phạm là một loại lao động căng thẳng, tinh tế, không rập khuôn, không đóng khung trong một giờ giảng, trong khuôn khổ nhà trường. - Dạy học đòi hỏi người thầy phải dựa trên nền tảng khoa học xác định, khoa học bộ môn cũng như khoa học giáo dục và có những kĩ năng sử dụng chúng vào từng tình huống sư phạm cụ thể, thích ứng với từng cá nhân sinh động. Chương 4: Phẩm chất đạo đức năng lực uy tín người thầy giáo 4.1 Phẩm chất đạo đức của người thầy giáo: - Công bằng, không thiên vị, phân biệt đối xử với SV - Không đe nẹt, thành kiến, trù dập SV - Gần gũi cảm thông với SV - Khuyến khích nâng đỡ SV học tập rèn luyện - Không tính toán so đo hơn thiệt - Dạy tốt bộ môn - Có hiểu biết rộng rãi - Luôn vui vẻ hòa nhã - Không nên tăng thu nhập bằng những việc làm không phù hợp với nghề nghiệp và danh hiệu nhà giáo - Vị tha, hết lòng vì SV - Thương yêu học sinh - Chăm sóc, giúp đỡ tận tình đối với học sinh. - Có tinh thần trách nhiệm trong công tác. - Cần cù lao động. - Mẫu mực trong cuộc sống. Dân tộc Việt Nam - một dân tộc có nền văn hiến hàng ngàn năm với truyền thống “ tôn sư trọng đạo”, một dân tộc rất coi trọng bản sắc văn hoá của mình và không xem nhẹ tinh hoa văn hoá của nhân loại. Vì vậy, dân tộc ấy rất coi trọng lớp người đem lại tinh hoa đó, làm giàu cho tâm hồn mình và nhất là con em mình - thế hệ trẻ, tương lai của dân tộc. Lịch sử dân tộc Việt Nam đã sản sinh và nuôi dưỡng nhiều tấm gương nhà giáo ngời sáng cả cốt cách và tâm hồn. Những con người đó đã tạo nên phẩm chất đạo đức cao đẹp của người thầy trong truyền thống. Trước hết, người thầy giáo Việt Nam trong truyền thống là những con người đã vắt trọn công sức và tâm huyết để trao lại cho học trò của mình một thứ tài sản vô giá: “đạo làm người”. Ông thầy là người dẫn dắt con người trở thành con người có đạo đức cao đẹp, có trí tuệ sâu rộng. Học trò nào cũng có thể tìm thấy trong nhân cách của mình dấu ấn của người thầy. Trên con đường đời của mình, ai cũng có thể tìm thấy trong sự dạy bảo của thầy những lời khuyên cần thiết cho một cuộc sống có ý nghĩa. Thứ hai, người thầy giáo trong truyền thống Việt Nam là những con người có lòng yêu nghề tha thiết, vì tương lai của thế hệ trẻ mà “hành nghề”. Hành nghề vì sự nghiệp giáo hoá chứ không phải vì danh lợi. Thứ ba, họ là những người rất coi trọng tri thức, tôn vinh đạo thánh hiền,  lấy “dạy chữ, dạy người” làm lẽ sống. Thứ tư, họ là những người coi trọng danh dự, lương tâm, giữ gìn khí tiết; xác lập vị trí của mình trong xã hội bằng tài năng và đức độ, bằng học vấn và cống hiến. Ai sinh ra trên đời này cũng đều có cha mẹ, sự trưởng thành cũng đều có công lao to lớn của người thầy. Người thầy không chỉ dạy ta chữ nghĩa, kiến thức mà còn dạy ta biết làm người cho đúng nghĩa. Nhìn lại những thời kỳ xa xưa nền văn hiến của dân tộc, chúng ta sẽ gặp biết bao nhà giáo dục mẫu mực, lỗi lạc. Từ triều Lê, giáo dục nho học ở nước ta đã phát triển rộng rãi, hầu như không có làng xã nào ở đồng bằng mà không có các lớp học chữ Hán ở trình độ nhập môn. Dường như tất cả mọi người đã theo Nho học đều là thầy dạy, dân ta quen gọi là thầy đồ. Thầy vừa dạy, vừa học, dạy hết chữ thì để học sinh đi học thầy đồ khác. Đó là tình trạng phổ biến của trường lớp Nho học thời xưa. Lịch sử giáo dục dân tộc dưới thời phong kiến vẫn còn lưu lại nhiều tên tuổi các thầy giáo nổi tiếng về đạo đức, khí tiết, học vấn uyên thâm, về thành tựu đã đào tạo, rèn luyện được nhiều người thành đạt, đóng góp cho việc xây dựng đất nước trong các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao và văn hoá. Có thể nêu tên một số nhà giáo tiêu biểu ấy: Chu Văn An (1292 – 1370): Là người tài giỏi, đức độ nên được nhiều người kính trọng. Đời vua Trần Minh Tông ông được giao chức Tư nghiệp Quốc Tử  Giám và phụ trách việc dạy dỗ các Hoàng tử, Vương tôn. Đến đời vua Trần Dụ Tông, ông dâng sớ xin chém đầu bảy tên nịnh thần nhưng không được chấp nhận nên cáo quan về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng. Khi ông mất Trần Nghệ Tông truy phong là Văn Trịnh Công rồi cho thờ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ngay từ khi còn sống nhân dân luôn ca ngợi phẩm chất thanh cao tuyệt vời của ông và coi ông là người thầy vĩ đại. Cuộc đời của ông dù có trải qua bao nhiêu thăng trầm thì bản chất luôn là một thầy giáo mẫu mực. Ông được đánh giá là nhà sư phạm toàn diện nhất trong lịch sử đất nước. Trong suốt cuộc đời hành nghề giáo dục, Chu Văn An đã dạy hầu hết các học sinh từ thấp đến cao, từ bình dân đến quý tộc. Ông nỗ lực giảng giải các học thuyết kinh điển của Nho gia, tạo điều kiện để đưa lý thuyết Khổng Mạnh đi dần đến chỗ độc tôn. Ông có một phương pháp giảng dạy rất đặc biệt nên hấp dẫn được học trò và làm cho mọi người phải tôn kính. Tài, đức của ông làm cho quỷ thần cũng phải kính phục và đến để học tập. Phan Huy Chú đã ca ngợi: Học nghiệp thuần tuý, tiết tháo cao thượng, làng Nho nước Việt trước sau chỉ có một ông, các ông khác không thể nào so sánh được. Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585): Trong hoàn cảnh lịch sử thế kỷ XVI, có thể nhận thấy rằng nhân dân Việt Nam đang có một sự trông ngóng về một con người có tài năng siêu việt và là chỗ dựa tinh thần cho mọi người. Trong bối cảnh đó, Nguyễn Bỉnh Khiêm xuất hiện và ngay lập tức được đón nhận. Người ta thấy rằng ông quả là bậc hiền tài mà họ trông chờ, ông mang đủ tư cách của một ông thầy đáng để cho họ quý trọng. Bằng vốn văn hoá phong phú của mình, ông đã cô đúc được rất nhiều triết lý của cuộc sống. Ông nêu ra được những phạm trù biện chứng, ông giáo dục đạo đức làm người và phê phán những thói hư tật xấu. Nhưng dù khen, chê hay dạy dỗ thì ngôn ngữ, phong cách và tư tưởng của ông vẫn rất bình dị, gần gũi. Đó cũng là một khía cạnh đáng quý trong con người ông. Thực ra những điều ông nói vẫn là sự thực mà ai cũng biết, ông chỉ là người cô đúc, hệ thống lại các triết lý đó rồi dựa vào đó để đi sâu phân tích, để triết lý được đầy đủ hơn. Nhờ vậy, ông đã làm nổi bật thực trạng xã hội và thức tỉnh được lương tri cao đẹp của con người trong cuộc sống xô bồ. Nhân dân luôn coi ông là một người thầy xuất sắc, một học giả uyên bác đã có công cảnh tỉnh họ, đã bày cho họ một lối ứng xử thích hợp với từng hoàn cảnh cụ thể. Biết được những cách xử thế đó, nhân dân lao động có thể tồn tại vững vàng giữa bao nhiêu chuyện mất còn thị phi của chế độ phong kiến đang ở bước suy vong. Lê Quý Đôn (1726 -1784): Ông được mọi người biết đến với những công trình văn hoá, văn học xuất sắc và ông còn nổi tiếng là một nhà nho, một nhà giáo dục có đức độ, tài năng. Ông mở trường lớp, thu nhận học trò và dạy họ những kiến thức, những đạo đức làm người nên tình cảm của học trò đối với ông rất sâu sắc. Khi Lê Quý Đôn mất, Bùi Huy Bích – một học trò rất thành đạt của ông đã làm bốn bài văn tế thầy đã nói “Thông minh nhất đời, đọc rộng các sách, trước thuật văn chương đủ dạng đời và lưu truyền về sau. Nước ta trong vài trăm năm nay mới có người như vậy”, “Sự dạy bảo của thầy không liệt vào năm bậc luân thường nhưng năm bậc luân thường cũng từ đó mà sắp đặt. Trang phục của học trò không ghi trong tang lễ nhưng không phải tang lễ có thể ra trang phục…ơn dạy bảo sâu dày mà không thể báo đền, tình mến cảm triền miên mà không bao giờ hết được”(4). Sang thế kỷ XX, dân tộc ta lại có biết bao nhà giáo lỗi lạc, đã tiếp bước những thế hệ đi trước, làm rạng danh thêm nét đẹp của nhà giáo Việt Nam. Như thầy giáo Nguyễn Tất Thành- Hồ Chí Minh, một nhà cách mạng kiệt xuất, một nhà giáo tiêu biểu. Người ta cho rằng, cả Việt Nam hội tụ trong Người, cả Việt Nam tự nguyện sống và học tập theo gương Người, trung thành đi theo con đường mà Người đã chọn… Chỉ những điều đó cũng đủ nói lên tư cách thầy giáo của Người. Và Người không chỉ là người thầy của thế kỷ XX mà còn là ngọn lửa sáng soi cho các thế kỷ sau. Các thầy giáo Đặng Thai Mai, Hoàng Như Mai, Phạm Huy Thông, Nguyễn Lân… cũng đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong lòng mỗi người dân nước Việt. Nhìn lại quá khứ, hiện tại, tương lai có những người đã từ lâu an nghỉ trong lòng đất, có những người tóc đã bạc trắng, có những người đang cùng học trò tíêp tục cuộc hành trình kiếm tìm chân lý mà các thế hệ trước còn dang dở. Nhưng, những con người đó đã tạo nên những nét đẹp về nhân cách, phẩm chất đạo đức cao cả của người thầy, được nhân dân tôn vinh và quý trọng từ xưa đến nay trong truyền thống dân tộc. Giáo sư Bùi Duy Tân viết về thầy Cao Xuân Huy: Chỉ với kiến thức văn chương còn hạn hẹp, chúng con đã thấy thầy là một trong số ít những danh nhân văn hoá lớn của thời đại. Thầy thuộc lớp người xưa nay cực hiếm, với trước hết là một nhân cách thường thấy ở những bậc vĩ nhân. Giáo sư Nguyễn Trường Lịch viết về thầy Hoài Thanh: Ai đã học với thầy năm đó chắc không thể quên thầy dặn cả hai lớp đến trăm người rằng: Các anh, các chị làm nghề văn phải thuộc cuộc đời, phải am hiểu cuộc sống. Tôi cảm nhận được “vị nghệ thuật” của thầy vẫn là bắt nguồn từ cuộc sống, sống phải hiểu đặc trưng nghệ thuật …. Ngày nay với sự biến đổi của điều kiện kinh tế - xã hội đã tác động không nhỏ tới đời sống đạo đức nói chung, đạo đức người thầy nói riêng. Sự tác động hai mặt của kinh tế thị trường đang làm cho đạo đức xã hội biến đổi theo hai chiều hướng: tích cực và tiêu cực. Vì vậy, mỗi người thầy giáo Việt Nam trong điều kiện hiện nay, để tiếp nối được truyền thống đạo đức cao đẹp của người thầy giáo; để xứng đáng với lòng mong đợi của toàn xã hội; để đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển thì phải không ngừng trau dồi, hoàn thiện bản thân cả đức lẫn tài để đáp ứng được những đòi hỏi và kỳ vọng của xã hội. Mỗi người thầy giáo cần phát huy những phẩm chất cao đẹp của người thầy giáo trong truyền thống dân tộc. Mỗi người thầy giáo hôm nay cũng luôn phải là người có lòng yêu nghề tha thiết, vì tương lai của thế hệ trẻ mà hành động, phấn đấu. Hành nghề vì sự nghiệp giáo dục chứ không phải vì quyền lợi vật chất. Họ cũng luôn luôn phải là người coi trọng danh dự, lương tâm, giữ gìn khí tiết, xác lập vị trí của mình trong xã hội bằng tài năng và đức độ chứ không phải bằng quyền lực chính trị, bằng tiền bạc… Họ phải là những người rất coi trọng tri thức, coi trọng chữ nghĩa, tôn thờ đạo thánh hiền. Ông thầy ngày nay vừa phải chú trọng tri thức khoa học vừa phải biết kết hợp với thực tiễn, phải thấm nhuần nguyên tắc về “sự thống nhất giữa lý luận và thực tiễn”, nói đi đôi với làm, học đi đôi với hành. Mỗi người thầy  không những phải trang bị cho học sinh tri thức mà còn phải giúp họ tìm được phương pháp học tập và làm việc có hiệu quả cao. Thực tiễn phát triển xã hội đòi hỏi phải đẩy mạnh xây dựng đạo đức mới, trong đó có đạo đức nghề nghiệp, đạo đức người thầy, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đang đặt ra những yêu cầu bức thiết đối với nền đạo đức xã hội nói chung và việc lưu giữ, phát huy những giá trị cao đẹp của đạo đức người thầy trong truyền thống nói riêng; Để tạo ra một lớp người Việt Nam cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trí tuệ, đủ năng lực đưa nước ta hội nhập với văn minh nhân loại mà bản sắc dân tộc vẫn được giữ vững, là nhiệm vụ của toàn xã hội nhưng trong đó người thầy giữ vai trò không nhỏ. Để hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình, mỗi người thầy phải không ngừng tự đổi mới, hoàn thiện bản thân để đáp ứng yêu cầu mới, phải có ý thức quyết tâm đi vào khoa học kỹ thuật, nhất là khoa học giáo dục, làm tốt công tác “dạy chữ, dạy nghề, dạy người”. Tập thể người thầy, cá nhân người thầy không ngừng nêu cao đạo đức, tác phong mẫu mực của nhà giáo xã hội chủ nghĩa. Phải làm sao để mỗi người thầy không những là nhà sư phạm mà còn là nhà mô phạm. Say mê, bền bỉ, cần cù, nghiêm túc và sáng tạo trong lao động sư phạm, thành công không kiêu căng, thất bại không nản chí, thương yêu, gần gũi học sinh, đoàn kết với đồng nghiệp, gắn bó với nhân dân, thực sự là những “tấm gương sáng cho học sinh noi theo”. Sản phẩm lao động của người thầy giáo là nhân cách của học sinh- đó là nguồn gốc tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội. Đó là giá trị gốc “giá trị sinh ra mọi giá trị”. Những người thầy giáo của hôm nay và mai sau hãy tự hào với truyền thống vẻ vang của nghề mình và cùng chung sức để làm cho truyền thống đó ngày càng được tiếp thêm sức mạnh, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh. 4.2 Năng lực, uy tín người thầy giáo -   Phẩm chất và năng lực trí tuệ. + Có trình độ văn hoá cao. + Hiểu biết rộng + Giảng dạy có nội dung phong phú, dễ hiểu. + Luôn luôn suy nghĩ sáng tạo trong công việc. -   Các phẩm chất và năng lực khác. + Cương quyết, thẳng thắn, khiêm tốn, giản dị. + Không ngại khó, ngại khổ. + Tác phong làm việc chu đáo, tỉ mỉ, thận trọng. + Biết khuyến khích, động viên học sinh. + Biết yêu cầu và tha thứ những lỗi lầm của học sinh. -   Công bằng trong cách đánh giá và cho điểm. -   Hiểu học sinh và thương yêu học sinh. -   Nghiêm khắc và có yêu cầu cao đối với học sinh. -   Nhiệt tình giảng dạy. -   Ân cần, chăm sóc dạy bảo học sinh. -   Tế nhị trong cách đối xử. -   Tôn trọng nhân cách học sinh. -   Khuyên bảo nhẹ nhàng. -   Thẳng thắn phê bình, giúp đỡ học sinh sửa chữa khuyết điểm. -   Vui vẻ, hoà nhã, dịu dàng, hiền hoà. -   Động viên khuyến khích học sinh học tập cũng như tu dưỡng đạo đức. -   Năng lực sư phạm: + Nắm vững chuyên môn nghiệp vụ, có hiểu biết chung phong phú, giảng bài rõ ràng, hấp dẫn, nắm vững phương pháp giảng dạy, tác phong mẫu mực. + Có khả năng tổ chức hoạt động sư phạm. + Có năng lực tạo ra mối quan hệ tốt đẹp: đoàn kết, thân ái với đồng nghiệp, gần gũi, công bằng đúng mực đối với học sinh, được học sinh tin mến. + Có năng lực tự đánh giá, tự rèn luyện bản thân. Ngoài ra tác giả còn nhận định khái quát một số yếu tố khách quan của uy tín giáo viên như: -   Trình độ phát triển của tập thể có liên quan đến chủ thể uy tín. -   Quá trình đào tạo, bồi dưỡng có ảnh hưởng đến uy tín giáo viên. -   Quan hệ giữa người đánh giá và người được đánh giá trong lựa chọn người có uy tín. Trong luận văn thạc sĩ về “uy tín và ảnh hưởng của nó đối với năng lực cảm hoá học sinh dân tộc của người thầy giáo XHCN Tây Nguyên”, Trần Đình Thái đã đưa ra 14 phẩm chất và năng lực tạo nên uy tín của người thầy giáo xếp theo thứ tự từ cao đến thấp như sau: - Thương yêu học sinh. - Biết tổ chức hoạt động sư phạm. - Yêu nghề. - Kiên định. - Ngăn ngừa khuyết điểm. - Trình độ học vấn cao. - Gần gũi với học sinh, thận trọng trong đánh giá học sinh. - Gương mẫu. - Có trình độ chính trị - Ứng xử  khéo léo sư phạm. - Có biệt tài thuyết phục. - Giảng dạy rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu. - Tự chủ. Giản dị trong giao tiếp. -   Uy tín về nghề nghiệp. + Hiểu biết học sinh. + Có thái độ tôn trọng học sinh. + Giảng dạy rõ ràng, dễ hiểu. + Giảng dạy một cách hấp dẫn. -   Uy tín về tính cách: + Độ lượng + Tận tâm + Khiêm tốn + Chân thành + Yêu cầu cao + Kiên quyết + Tự kiềm chế + Có tinh thần trách nhiệm + Hiền hậu. -   Uy tín về quan hệ với học sinh: + Ân cần, quan tâm đến học sinh + Công bằng + Giản dị trong giao tiếp. + Chan hoà -   Uy tín về kiến thức: + Có kiến thức sâu sắc về bộ môn dạy. + Có kiến thức rộng về bộ môn dạy. + Có kiến thức văn hoá chung phong phú. -   Phẩm chất trí tuệ: + Có năng lực giảng dạy, + Truyền đạt tri thức dễ hiểu + Lời nói gọn gàng, mạch lạc, rõ ràng. + Nhiệt tình giảng dạy. + Trình độ chuyên môn vững vàng. -   Tình cảm nghề nghiệp: + Thương yêu học sinh, yêu nghề dạy học. + Quan tâm đến học sinh. + Gần gũi, thông cảm, tôn trọng và yêu cầu cao đối với học sinh. + Nhiệt tình công tác. -   Khả năng hoạt động sư phạm: + Sự khéo léo đối xử với học sinh. + Cởi mở, thân mật với học sinh. + Có khả năng tổ chức tốt hoạt động của học sinh. Chương 5: Tình huống cụ thể - Nhận xét – Kiến nghị * Tấm gương tốt cần noi theo: Trong những năm ngồi trên ghế nhà trường có những người thầy mà mãi mãi chúng ta coi là những tấm gương sáng để cho mình luôn gắng noi theo. Trong số này có cố GS Lê Bá Thảo. Đó là vào năm 1950 tại Thái Nguyên, nơi đặt cơ sở của Trường Sư phạm Việt Bắc. Ông không phải là người được chuẩn bị để làm thầy giáo nhưng là một trí thức tình nguyện đi theo tiếng gọi của cuộc kháng chiến thần thánh và sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được phân công. Từ một hướng đạo sinh, một cậu Tú Triết học, rồi một sinh viên Y khoa nhưng khi cuộc chiến chống thực dân Pháp bùng nổ ông đã gia nhập chi đội Giải phóng quân đầu tiên ở Huế và tham gia cướp chính quyền tại Huế. Ông từng làm Trưởng ban thông tin liên lạc quân sự thành phố Huế, sau đó là Trưởng ban thông tin quân sự khu IV và mặt trận Lào. Ông trực tiếp tham gia chiến đấu tại các mặt trận ác liệt nhất ở Huế, ở Lào. Cuối năm 1946 ông được lệnh của Bộ Quốc phòng tham gia mở đường liên lạc từ Yên Lạc đi Phố Cát để sau này trở thành con đường huyết mạch trong kháng chiến. Từ năm 1948 ông được điều sang làm Tham chính Văn phòng Bộ Quốc phòng và sau đó trực tiếp tham gia chiến dịch Cao Bắc Lạng với tư cách là phái viên tham mưu của Sư đoàn 308. Đó là thời gian ông có mặt bên cạnh các nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc Võ Nguyên Giáp, Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Vương Thừa Vũ.. Khi biên giới phía Bắc được mở cửa Đảng và Nhà nước ta nghĩ ngay đến việc đào tạo gấp một đội ngũ thầy cô giáo để chuẩn bị cho công cuộc khôi phục đất nước sau ngày giải phóng. Ông được nhận một sứ mạng mới- trở thành người giáo viên nhân dân lớp đầu tiên ông lên lớp với tư cách thầy giáo môn Địa lý học. Đây là chuyện đáng vô cùng khâm phục. Ông chưa hề chuẩn bị gì cho công việc này nhưng với tinh thần nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua ông đã vui vẻ nhận nhiệm vụ. Với thiên bẩm thông thạo nhiều ngoại ngữ và với lòng yêu thiên nhiên đất nước ông đã trở thành người thầy giáo địa lý đầu tiên. Trước hết là tài năng của Thầy, một người vẽ bản đồ bằng cả hai tay một lúc, một người làm cho học sinh thật sự xúc động khi được học về thiên nhiên đất nước, một tấm gương tự học để trở thành giáo sư đầu ngành Địa lý học của cả nước, một thầy giáo thông thạo 5 ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nga, La Tinh, Cổ Hy Lạp), một nhà khoa học lặn lộn trên mọi miền đất nước để có những tác phẩm để đời về hai lĩnh vực quan trọng nhất trong địa lý học là Nghiên cứu địa mạo và Nghiên cứu địa lý phân vùng. Đây là một tấm gương về nhân cách, tài năng… của người thầy mà chúng ta cần học hỏi * Bên cạnh đó cũng còn có những nhân cách thầy giáo cần lên án cụ thể: Dư luận cả nước lúc này đang bị một cú đánh trúng đỉnh đầu bởi vụ một thầy hiệu trưởng mua dâm học sinh ở tuổi vị thành niên. Nhưng không vì cú đánh quá “khủng khiếp” này vào lương tâm xã hội mà chúng ta không nhắc đến những chuyện xẩy ra trước đấy. Đó là những ông thầy gạ học sinh đổi tình lấy điểm. Đó là những cô giáo bắt học sinh liếm ghế. Đó là những thầy bắt các học sinh trong lớp tát vào mặt bạn mình. Và trở lại xa hơn một chút là một cô giáo trường mầm non vì thù oán đồng nghiệp mà bỏ thuốc sâu vào nồi canh của các em nhỏ. Những hành động như vậy của một số thầy cô đã làm cho tinh thần xã hội choáng váng và lòng tin của xã hội nhiều phen tưởng chừng gục ngã.  Có phải vì những lý do như thế mà bây giờ truyền thống hiếu học và cái lễ trọng thầy của người Việt Nam đang bị xói lở từng mảng lớn(?). Có phải vì thế mà học sinh dùng cả một chậu axit tạt vào thầy, dùng dao đuổi thầy chạy vòng quanh trường, dùng những từ ngữ lưu manh chửi thầy cô… Rồi đến phụ huynh cũng dìm đầu thầy cô xuống mà đấm đá cho hả cơn giận mù loà.  Một hiện thực rõ ràng như chúng ta đang xoè bàn tay của chính mình trước mắt mình là nhân cách của một số thầy cô bị ố nhục không còn là những trường hợp cá biệt nữa. Nó đã và đang trở thành những vết hoại tử trên cơ thể của một nền giáo dục. Lâu nay, chúng ta vẫn đôi khi tự nguỵ biện cho việc ăn tiền của một số thầy cô với học sinh và phụ huynh là do đời sống thầy cô quá thiếu thốn. Và Nhà nước đã tìm mọi cách để nâng lương nhằm ổn định đời sống cho thầy cô với hy vọng không để cho những hành động phi giáo dục nuốt chửng những mái trường. Nhưng việc những thầy cô có những hành động thô bạo với học sinh và những ông thầy tìm mọi cách để dụ dỗ hay bắt ép học sinh thoả mãn sắc dục của mình thì không có một lý do nào để bênh vực được. Chúng ta không còn cách nào để nói về những thầy cô như thế ngoài việc gọi đó là sự suy đồi nhân cách. Và chúng ta không thể đưa ra bất cứ lý do nào để chôn vùi những sự thật đau đớn và hổ nhục kia. Bởi chôn vùi những sự thật đau đớn và hổ nhục đó giống như việc chúng ta tìm cách che giấu những "ổ dịch hạch nhân cách" đang nằm trong cơ thể của nền giáo dục chúng ta.  Chúng ta phải gọi đúng tên con đường đã sinh ra những "ổ dịch hạch nhân cách" này trong nhà trường. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể ngăn chặn sự lây lan của cơn dịch hạch nhân cách và bảo vệ sự trong sạch và thiêng liêng của những mái trường, nơi chúng ta phải thực hiện những thao tác tuyệt đối chính xác trong một môi trường hoàn toàn vô trùng để làm ra những sản phẩm kỳ vĩ nhất cho xã hội: đó là Con Người. Kết luận Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, nguồn nhân lực có vai trò quyết định so với mọi nguồn lực khác. Bởi mọi nguồn lực khác như vốn, khoa học công nghệ, tài nguyên thiên nhiên… chỉ phát huy được tác dụng, khi có sự tác động của nguồn nhân lực. Vả lại, các nguồn lực khác sẽ cạn kiệt, nhưng nguồn nhân lực là vô tận. Trong nguồn nhân lực, sinh viên sẽ là một nguồn lực cao cấp.Việc đào tạo sinh viên đạt chuẩn để tạo ra một nguồn nhân lực cao cấp, đáp ứng được nhu cầu xã hội (nghĩa là yêu cầu cả chất và lượng của nguồn nhân lực) có liên quan chặt chẽ với vấn đề “nhân cách sinh viên”. Bởi vậy, “Vai trò người thầy trong việc giúp sinh viên rèn luyện nhân cách” là rất quan trọng. Và trước hết dể giúp sinh viên rèn luyện nhân cách thì người thầy giáo phải rèn luyện nhân cách của mình trước. Đã quá lâu rồi, dường như người thầy chỉ nặng về dạy chữ (truyền đạt tri thức), mà chưa quan tâm đúng mức việc dạy nghề, và coi nhẹ hoặc bỏ quên việc dạy người (dạy làm người). Trước thực trạng đạo đức xã hội đang xuống cấp nghiêm trọng, việc dạy làm người lại càng trở nên cấp thiết. Để dạy người học làm người, đương nhiên phải thông qua kênh hình thành tri thức. Song, như vậy chưa đủ, mà còn phải thông qua sự mẫu mực sư phạm của người thầy, và điều cực kì quan trọng là thông qua chính nhân cách người thầy. Mẫu nhân cách của sinh viên phải là: - Sống có lý tưởng XHCN, có trách nhiệm với công việc, với xã hội, với mọi người và với chính mình. - Sống trong “lẽ phải và tình thương”, dám đấu tranh cho lẽ phải, cho chân lý, cho sự tiến bộ và công bằng xã hội; dám tự khẳng định mình và nuôi chí lớn để rửa “nỗi nhục đói nghèo và lạc hậu” cho đất nước. - Có sức khỏe, có học thức, có năng lực làm việc sáng tạo, có ý thức tổ chức kỷ luật. - Có sự phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn. Để đạt được yêu cầu của những tiêu chí trên, bên cạnh sự nỗ lực tự thân của sinh viên là chính, không thể không có vai trò của tập thể sư phạm, trong đó có tầm quan trọng rất mực của đội ngũ những người thầy. Vai trò của người thầy đối với việc rèn luyện nhân cách của sinh viên Chúng ta đã quá quen thuộc với những câu nói, chẳng hạn: “Không thầy đố mày làm nên”, “Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục và được xã hội tôn vinh”. Vấn đề hiện nay là cần hiện thực hóa chúng trong cuộc sống. Vai trò của người thầy tác động vào nhân cách người học, ở tầm nhân tố quyết định chất lượng giáo dục, phải được thể hiện đồng bộ trên cả 3 mặt: - Hình thành tri thức mới (mới đối với người học). - Rèn luyện phương pháp tư duy (tư duy độc lập, tư duy phê phán và tư duy sáng tạo - một điểm đang yếu trong giảng dạy hiện nay). - Bồi dưỡng tâm hồn trong sáng (bao hàm cả việc giáo dục lý tưởng, lẽ sống, đạo đức) cho các em. Phải “chắp cánh” ước mơ cho các em bay cao, bay xa... Trong ba mặt này, thực hiện yêu cầu của mặt thứ ba là khó nhất, nó đòi hỏi người thầy phải thực sự là thầy, bởi “chỉ bằng nhân cách người thầy tác động vào nhân cách người học mới là bản chất đích thực của quá trình giáo dục”. Người thầy không được phép khuyên nhủ học trò “Hãy làm những điều thầy nói, chớ làm những điều thầy làm” . Nói đúng và làm đúng là điều kiện cần và đủ của người thầy. Nếu chỉ nói mà không làm, nghĩa là chỉ “rao giảng” đạo đức mà bản thân người thầy không “hành” đạo đức (nghĩa là ông thầy chỉ là kẻ đạo đức giả) và không “tổ chức” cho sinh viên rèn đạo đức (“trăm năm tụng niệm Như Lai, Không bằng lượm một cành gai giữa đàng”) thì chẳng khác nào “đem cái bất lực ra mà hành động” . Victor Hugo đã nói: “Trước trí tuệ siêu việt, ta cúi đầu bái phục; trước lòng tốt cao cả, ta quỳ gối tôn thờ”. Để có thể tác động tích cực tới nhân cách của trò, để trò có thể coi thầy như “thần tượng”, thì - theo lời chỉ dẫn của Victor Hugo - người thầy vừa phải có trí tuệ, vừa phải có tấm lòng, bởi: “Trong giáo dục, tất cả phải dựa vào nhân cách của nhà giáo dục” . Trong tiến trình giúp các em rèn luyện nhân cách, có lẽ lời khuyên của đương kim Tổng thống Pháp là có ích đối với mỗi thầy, cô giáo chúng ta: “Giáo dục, tức là tìm cách dung hòa hai vận động trái chiều nhau: một đằng là giúp cho từng em tìm ra con đường riêng thích hợp, và một đằng là dạy cho các em những điều mà mỗi chúng ta tin là chân, thiện, mỹ. Có một điều bắt buộc đối với người lớn khi đối diện với đứa trẻ đang trưởng thành, ấy là không bóp nghẹt nhân cách các em, song vẫn không khước từ sứ mệnh dạy dỗ các em”

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docTâm lý học nhân cách người thầy giáo.doc
Luận văn liên quan