Đây là báo cao về Tập tục sinh đẻ và Nghi lễ đặt tên cho tre dân tộc Thái, ngành Thái đen tỉnh Điện Biên, qua đó sẽ giup cho nhiều ban có điều kiện tìm hiểu sâu hơn về một số nghi lễ, nghi thức của dân tộc Thái.
43 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 2809 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tập tục sinh đẻ và Nghi lễ đặt tên cho trẻ (dân tộc Thái, Ngành Thái đen tỉnh Điện Biên), để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
chiếm vai trò chủ đạo trong đời sống kinh tế của người Thái, mỗi năm người Thái làm 2 vụ: vụ chiêm thường gieo cấy vào cuối tháng 12 đầu tháng 1 dương lịch, vụ mùa thường vào tháng 6 đến tháng 9, gieo trồng thường là nơi có địa hình thung lũng, bằng phẳng, gần khe sông suối để cung cấp nước cho ruộng, giống thóc chủ yếu là: tám thơm, bao thai, sáu tư... Các khâu chăm sóc ruộng nước chủ yếu bằng thủ công, dùng sức trâu, bò để kéo, cày bừa đất, bằng sức người để chăm sóc lúa.
Ngoài trồng lúa nước ra người Thái còn canh tác nương rẫy, trồng lúa, xen kẽ các cây hoa màu như: Đậu tương, Ngô, Khoai, Sắn, mỗi năm một vụ thường trồng vào cuối tháng 1 đầu tháng 3 âm lịch. Hoạt động Nông nghiệp trồng trọt, nương rẫy là hoạt động canh tác truyền thống đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, là yếu tố có tác động lớn đến đời sống Kinh tế- Văn hóa... của người dân tộc thái.
b. Chăn nuôi.
Đối với người Thái chăn nuôi là một trong những hoạt động kinh tế chính trong các gia đình. Trước đây chăn nuôi không đem lại nhiều sản phẩm, chủ yếu chăn nuôi các loại gia súc gia cầm như lợn, gà, vịt để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng. Họ thường nuôi trâu, bò bằng cách thả rông trên nương, trên các sườn đồi. Ngày nay chăn nuôi đã phát triển hơn trước rất nhiều, họ đã biết làm trang trại nuôi trâu, bò để cày, kéo, nuôi gia cầm để thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt trong đời sống hàng ngày, ngoài ra còn đào ao thả cá.
Chăn nuôi là hoạt động kinh tế không thể thiếu đối với người Thái, chăn nuôi bổ trợ cho trồng trọt, cung cấp sức kéo cho nông nghiệp, cung cấp bữa ăn và cung cấp vật hiến tế cho các nghi lễ truyền thống, ngoài ra họ còn làm sản phẩm dùng để trao đổi buôn bán.
c. Thủ công gia đình.
Nghề thủ công là hoạt động kinh tế bổ trợ cho các hoạt động kinh tế khác, dân gian Thái đã đúc kết thành câu phân công lao động tự nhiên: Gái dệt vải trai đan chài (Nhinh dệt phải, trái xàn hè). trong hoạt động thủ công của họ đáng chú ý là nghề đan và thêu.
Đan là nghề thủ công cổ truyền của người Thái dựa trên nguyên liệu có sẵn trong địa bàn sinh sống là tre, nứa, giang...Người Thái có kỹ thuật đan lát độc đáo, mỗi loại sản phẩm đều có kỹ thuật đan khác nhau, mỗi sản phẩm đan đều có công dụng riêng, dùng trong vận chuyển: rổ, rá, bung, đếp dùng trong sinh hoạt hàng ngày.
Đàn ông Thái còn đan chài lưới để đánh bắt cá. Đối với người Thái đan lát, đan là công việc gắn liền với người đàn ông, còn phụ nữ quan tâm nhiều hơn đến việc trồng bông, chế biến sợi, dệt và thêu các hoa văn. Trước đây người Thái trồng bông dệt vải, ngày nay không còn trồng nhiều nữa mà mua vải công nghiệp để may vá thêu tạo ra các sản phẩm có hoa văn độc đáo như: khăn, túi, áo, mũ... dùng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, ngoài ra họ còn sử dụng làm sản phẩm để trao đổi buôn bán.
d. Hái lượm và Săn bắt.
Hoạt động săn bắt, hái lượm đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế của người Thái. Trước cuộc sống của họ phụ thuộc vào thiên nhiên là chính.
Hái lượm là công việc chính của phụ nữ và trẻ em nhằm cung cấp rau, măng, rêu cho các bữa ăn hàng ngày thì săn bắn là công việc gắn liền với đàn ông. Không chỉ cung cấp thực phẩm cải thiện đời sống mà còn bảo vệ mùa màng.
Ngày nay do nền kinh tế phát triển, rừng bị thu hẹp dần vai trò săn bắt ngày càng bị hạ thấp. Cho nên họ tự chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm vườn trồng rau. Cung cấp lương thực thực phẩm cải thiện bữa ăn trong gia đình. Song săn bắt hái lượm vẫn tồn tại trong đời sống của người Thái.
e. Trao đổi và buôn bán.
Hoạt động trao đổi buôn bán của người Thái được đánh giá là hoạt động phát triển ở Tây Bắc.
Trao đổi buôn bán là một hoạt động kinh tế bổ trợ không chỉ cung cấp đầy đủ vật chất hơn trong đời sống sinh hoạt mà còn giao lưu học hỏi những kinh nghiệm, tinh hoa văn hóa tiến bộ của các dân tộc khác trong và ngoài vùng
2. Thiết chế làng bản.
Thế kỷ XI cho đến thế kỷ XIII người Thái đã di cư mạnh mẽ khắp vùng Tây bắc và hùng mạnh dần lên. Bước sang thế kỷ XI - XIV các lãnh chúa Thái thần phục triều đình phong kiến trung ương (Lý, Trần...) và được phép thiết lập các lãnh địa phận phong thế tập cát cư. Mỗi vùng thường có một mường trung tâm do một lãnh chúa lớn, là bồi thần trực tiếp của triều đình trung ương đứng đầu, các mường phụ thuộc do con, cháu họ cai quản. Mỗi mường có một cơ sở Kinh tế - Xã hội tương đối độc lập (có luật tục riêng, chế độ tô thuế riêng...). Tất cả các khu vực thung lũng có điều kiện thuận tiện nhất cho các hoạt động kinh tế đều thuộc quyền kiểm soát của lãnh chúa Thái, các cư dân bản địa buộc phải lùi vào các khu vực hẻo lánh. Người thái chở thành chủ thể của Tây Bắc, các tộc khác bị biến thành cư dân lệ thuộc. Ngày nay người Thái vẫn sống theo phong tục tập quán cũ chỉ một đơn vị cư trú duy nhất là bản, các bản của người Thái thường ở các vùng bằng phẳng, thung lũng, ven sông suối, tên bản được đặt theo tiếng Thái ví dụ như:
Bản Huổi Phạ: Huổi (suối nguồn), Phạ (trời) cho nên tên bản còn có nghĩa là nguồn suối của trời.
Bản Him Lam (Hin Đăm): Hin(đất), Đăm (đen) nên tên bản còn có nghĩ là đất đen.
Xã Noong Luống: Noong (ao), Luống (rồng) tên xã còn có nghĩa là ao rồng.
3. Quan hệ gia đình dòng họ.
Quan hệ dòng họ là quan hệ tương trợ, giúp đỡ giữa các thành viên trong Bản của người Thái. Họ thường giúp đỡ lẫn nhau những lúc có công việc lớn như: Đám cưới, đám ma, làm nhà,... Hình thức giúp đỡ trước đây chủ yếu bằng công đổi công, bằng gạo, củi, rượu... Ngày nay ngoài các hình thức trên nếu có điều kiện họ có thể giúp đỡ bằng tiền.
Quan hệ tương trợ trong dòng họ còn thể hiện ở việc đổi công trong lúc mùa vụ, dựng nhà mới hoặc giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, rủi ro...
Người Thái ở Điên Biên chủ yếu là các Họ Lò, Lường, Vì, Khoàng, Quàng, Cầm...trong đó họ Lò Được chia làm 3 họ (Lò nọi, Lò căm, Lò Ngân). Mỗi dòng họ có những quan niệm quy định khác nhau.
4. Hôn nhân gia đình.
Trước đây, trong hôn nhân của người Thái thường làm rườm rà, mất thời gian, gây tốn kém tiền của cho gia đình tổ chức lễ thành hôn cho đôi vợ chồng trẻ. Ngày nay, xã hội phát triển, nhận thức được những điều đó, nên việc tổ chức hôn nhân cho đôi vợ chồng trẻ cũng được giản tiện đi rất nhiều, nhưng vẫn giữ được các sắc thái truyền thống riêng của dân tộc mình.
Để đôi bạn trẻ từ khi quen biết, nẩy sinh tình cảm cho tới lúc thành vợ thành chồng phải trải qua các bước như sau:
- Các bước ăn hỏi: Sang thăm dò (pay trám); sang ướm hỏi (pay mai); sang ăn hỏi đứt giá trầu cau (pay báy). Đặc biệt có nghi lễ gửi rể là nghi lễ rất quan trọng để gia đình nhà gái thử thách chàng rể tương lai, sau khi chàng rể trải qua các bước thử thách của gia đình nhà gái (chàng rể đã được gia đình nhà gái ưng ý), các bước tiếp theo sẽ được tiến hành tiếp.
- Các bước trong lễ thành hôn: Lễ trải chăn đệm (pù phả pù sứa); lễ búi tóc ngược (tẳng cảu); xướng lễ báo ma nhà (lau phi hướn).
Trong lễ thành hôn, bước xướng lễ báo ma nhà là bước cuối cùng, sau khi thủ tục báo các tổ tiên đã hoàn tất, cả hai bên gia đình nội ngoại, tất cả những khách mời tới dự lễ cùng nhau uống rượu mừng, chúc cho đôi bạn trẻ hạnh phúc, tới đây coi như lễ thành hôn đã hoàn tất các thủ tục và kết thúc lễ.
Trong tổ chức hôn nhân của dân tộc Thái đen đều phải trải qua các bước nghi lễ như trên, mỗi một bước đều có những nghi thức hát đối đáp giữa đại diện gia đình nhà trai và đại diện gia đình nhà gái, nội dung hát đối đáp chủ yếu là để thăm dò đi tới sự thống nhất cuối cùng là gia đình nhà gái có nhất trí hay không. Đối với trường hợp gia đình nhà gái không nhất trí, mọi công việc sẽ phải dừng lại ở bước sang ướm hỏi. Trong trường hợp còn lại mọi bước tiến hành vẫn diễn ra bình thường, Mỗi một bước lễ đều có những lời khấn, bùa chú do thầy mo được gia đình mời tới chủ trì.
5. Tang ma.
Từ xa xưa, dân tộc Thái đã có sự phân chia thứ bậc trong họ tộc gồm 02 họ chính: họ "Lò luông" và họ "Lò nọi". Trong đó, họ Lò luông gồm các họ như: Bạc; cầm...họ Lò nọi gồm các họ như: Lò; Lường...
Trong nghi thức tang ma phần lớn các thủ tục, nghi thức, nghi lễ gần giống nhau gồm các bước như:
- Túc trực khi hấp hối: trong nhà khi có người hấp hối, anh em ruột luôn túc trực ở bên cạnh. Lúc này, theo suy đoán của gia đình có thể người đang hấp hối sẽ không qua khỏi, người nhà sẽ lấy các loại lá thơm như lá khế, lá bưởi về đun nước để phòng khi người đó nhắm mắt, xuôi tay còn có nước thơm để lau chùi cho sạch sẽ.
- Sau khi tắt thở, lấy khăn mặt của người quá cố nhúng vào nước lá thơm, lau chùi thân thể, chải đầu tóc vừa chải tóc vừa nói vài câu với nội dung đại loại như: " tắm rửa cho sạch, tắm sạch đi theo ma, chải tóc mượt đi về với tổ tiên dòng họ". Tiếp đến là mặc quần (váy), áo cho người quá cố, sau đó tiến hành các bước tiếp theo như khâm liệm, chuẩn bị vải vóc, áo quan, tiến hành báo trời đất, báo tổ tiên và cử người đi xem này giờ để mở tang, chôn cất.
- trong việc chôn cất nhất thiết không được trùng những ngày như: ngày thờ cúng tổ tiên (vến túng), ngày sinh của những người trong gia đình (vến ók),ngày lên nhà mới của gia đình (xanh pháy hướn).
Trong tang lễ của người Thái còn có rất nhiều các nghi thức, thủ tục, nghi lễ liên quan như: làm nhà mồ cho người chết, làm cây cao, các vật dụng chia cho người chết, các con vật hiến tế...
Mỗi một tang lễ đều có sự đóng góp của anh em, họ hàng trong làng bản, thể hiện tính đoàn kết, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn.
Trong gia đình có tang lễ sẽ cử người đi nhờ thầy mo, là người biết xướng lễ, biết chỉ đường dẫn lối cho hồn người chết lên mường trời, về với tổ tiên.
Bài xướng lễ để tiễn đưa hồn người chết về mường trời trước đây thường rất dài, có thể kéo dài tới 5-6 ngày. Ngày nay trình độ nhận thức đã tiến bộ rất nhiều, các bài xướng lễ đã được cắt ngắn đi rất nhiều nhưng vẫn giữ được đầy đủ các bước chính của phần lễ.
Đối với họ Lò nọi, bài xướng lễ của thầy mo chỉ tiễn hồn người chết tới " liến pán nọi" là kết thúc lễ xướng tức là nơi hội tụ, làm ăn của các linh hồn dòng họ Lò nọi. Đối với họ Lò luông, bài xướng dài hơn một chút, tức là lời xướng lễ sẽ trải qua "liến pán nọi" lên tới "liến pán luông" mới kết thúc lễ xướng và chuẩn bị các thủ tục khác để đưa linh cữu người chết về nơi an nghỉ cuối cùng.
6. Trang phục.
Trang phục truyền thống của đồng bào Thái chứa đựng những nét văn hóa đặc trưng riêng của tộc người, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Gồm có trang phục nam và trang phục nữ, trong đó:
+ Trang phục nam dân tộc thái: Áo, quần, mũ, tất cả đều được làm bằng vải tự dệt nhuộm chàm của dân tộc Thái. Ngày nay, trong phong cách vận bộ đồ trang phục truyền thống nam dân tộc Thái gần như không còn nguyên vẹn, do phụ nữ đồng bào Thái đã không còn trú trọng tới việc thêu thùa, may vá nữa. Các trang phục nam ngày nay chủ yếu là mua các sản phẩm công nghiệp của dân tộc kinh có bán ngoài thị truờng.
+ Trang phục nữ dân tộc Thái: áo, váy, khăn piêu. Mỗi phụ nữ dân tộc Thái ngày nay gần như đều có một bộ áo, váy đầy đủ, đậm đà bản sắc văn hóa tộc người.
PHẦN II: TẬP TỤC SINH ĐẺ, NGHI LỄ ĐẶT TÊN CHO TRẺ
DÂN TỘC THÁI.
A- TẬP TỤC SINH ĐẺ.
I. Mục đích, ý nghĩa.
Dân tộc Thái canh tác chủ yếu trên ruộng nương trong điều kiện, trình độ hiểu biết về khoa học kỹ thuật ít, kinh tế chậm phát triển. Cuộc sống chủ yếu dựa vào yếu tố tự nhiên, các hiện tượng tự nhiên diễn ra trong năm như: gió bão, mưa, lũ lụt, hạn hán, trăng khuyết, trăng tròn, nguyệt thực, dịch bệnh, ốm đau…tác động đến họ mà không lý giải được, làm cho họ sợ hãi. Do vậy, họ tìm kiếm sự che trở từ các thế lực siêu nhiên giúp họ chống lại những tác động xấu từ ngoại cảnh. Người Thái tin vào số phận, tin vào trời (Then); mọi sự vật hiện tượng dưới trần gian đều do trời sắp đặt, trời đứng cai quản loài người và vạn vật.
Sinh đẻ của phụ nữ các dân tộc nói chung, dân tộc Thái nói riêng là theo quy luật phát triển của tự nhiên, đồng thời ở đó ta thấy được sự quan tâm của cộng đồng xã hội đối với một thành viên mới sắp ra đời như thế nào, từ lúc thai nghén, đến ở cữ, rồi hết ở cữ cho đến khi làm lễ nhập tổ tiên (nếp tạy).
Việc tìm hiểu, nghiên cứu, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái qua quá trình sinh đẻ của phụ nữ, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa tiêu biểu, góp phần làm phong phú hơn kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam.
II. Thời gian và địa điểm tổ chức.
Đối với dân tộc Thái, trước đây vấn đề sinh đẻ thường được diễn ra tại nhà, việc đỡ đẻ hoàn toàn phụ thuộc vào bà đỡ cùng những người trong gia đình.
Ngày nay, sự hiểu biết của người dân cũng được nâng cao, khi trong gia đình có người sắp trở dạ sinh con, người nhà sẽ chuyển thai phụ đến bệnh viện hoặc các trạm Y tế gần nhất để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con.
Trong quá trình điền dã Bảo tồn tập tục sinh đẻ dân tộc Thái ngành Thái đen bản Che Căn- xã Mường Phăng- huyện Điện Biên đoàn công tác Bảo tàng tỉnh tiến hành Bảo tồn tập tục sinh đẻ tại gia đình anh Lò Văn Định (sinh năm 1990) là chồng của thai phụ Lò Thị Thu (sinh năm 1992).
III. Các bước chuẩn bị.
Người phụ nữ Thái khi đã lập gia đình, sau một thời gian ngắn phát hiện ra mình đã có thai thông qua một số biểu hiện như: kén ăn, xanh xao, trạng thái không bình thường mệt mỏi đây là giai đoạn cần chú ý bồi bổ, dưỡng thai và giữ gìn sức khoẻ là chủ yếu. Người nhà ưu tiên không cho làm những công việc nặng nhọc như: Gánh vác, lên nương, cuốc rẫy…ưu tiên khẩu phần ăn uống, đảm bảo đầy đủ dưỡng chất cho thai nhi phát triển bình thường. Trong suốt quá trình mang thai, cùng sự quan tâm của gia đình, thai phụ cũng đã biết tự chuẩn bị những đồ dùng sinh hoạt cần thiết cho bản thân và tã lót cùng một số vật dụng cần thiết để chờ đón đứa trẻ chào đời.
*Người chồng của thai phụ chuẩn bị: Theo tính toán trước ngày thai phụ trở dạ khoảng một tuần, người chồng có trách nhiệm chuẩn bị cây tre hoặc cây nứa đem về để sẵn ở nhà, đến ngày vợ sinh con sẽ dựng nhà tắm cho vợ.
IV. Trình tự trong Tập tục sinh đẻ.
* Khi trở dạ sinh con:
Khi thai phụ sắp đẻ thường đau bụng dồn dập, buồn đại tiện, tiểu tiện và muốn rặn, cơn đau thưa bà đỡ làm động tác xoa bụng kích thích cho tử cung co bóp để đẩy trẻ ra ngoài. Khi thấy đầu trẻ thập thò thì bà đỡ tiến hành như sau:
- Nếu tay phải thuận thì tay trái bà đỡ giữ tầng sinh môn, tay phải bà đỡ ấn đầu trẻ cho trẻ cúi xuống tốt.
- Khi đầu trẻ đã cúi bà đỡ tiếp tục: tay trái giữ cho chặt tầng sinh môn, tay phải đẩy trán và mặt của trẻ sao cho cằm trẻ ra khỏi sinh môn người mẹ.
- Khi mặt đã ra khỏi tầng sinh môn bà đỡ lấy khăn sạch móc miệng trẻ cho nước ối ra hết khỏi miệng. Đồng thời đầu trẻ tự xoay nghiêng sau đó bà đỡ lấy 2 tay áp sát vào 2 má của trẻ kéo xuống phía hậu môn để cho vai trên của trẻ ra khỏi phía trên tầng sinh môn, sau đó tay phải của bà đỡ cho xuống dưới đỡ cổ và gáy của trẻ đẩy lên phía trên, tay trái bà đỡ giữ tầng sinh môn sao cho khỏi bị rách, khi vai sau đã ra khỏi tầng sinh môn, tay dưới bà đỡ ngửa lên trên để đón lấy mông và chân trẻ.
* Khi đứa trẻ chào đời:
Khi đứa bé lọt lòng "tốc phạk" bà đỡ nhanh tay đỡ trẻ, cắt rốn với những thao tác như sau:
- Lấy chỉ thắt chặt rốn, cách cuống rốn khoảng 2cm.
- Lấy cật thanh nứa nhỏ bằng hai ngón tay, lấy dao vót thật sắc rồi hơ qua lửa hoặc nhúng vào nước sôi để khử trùng cho cật nứa rồi cắt rốn trẻ, ngày nay chủ yếu là dùng kéo cắt.
- Lấy nước ấm lau cho trẻ rồi đưa cho bà đón trẻ (me hặp), bà đón bế bé trên tay rồi quấn tã cẩn thận, đưa bé nằm vào một cái mẹt và đặt trong gian bên sàn rửa (chán).
Để đầu bé quay ra hướng ngoài cửa, chân bé quay vào trong nhà. Bởi theo quan niệm: Giữa đứa trẻ và rau trong bụng người mẹ có liên quan đến nhau, khi rau trong bụng mẹ chưa ra thì có thể đe doạ đến tính mạng sản phụ bất cứ lúc nào. Đặt đứa trẻ như vậy có ý nghĩa như:
- Một là: Theo tư thế xuôi lúc bé lọt lòng chân vẫn quay về hướng mẹ để đợi rau trong bụng mẹ ra hết.
- Hai là: Để cho tổ tiên biết và phù hộ người mẹ thoát khỏi tai ương.
Trong thời gian sinh đẻ, người nhà phải đun nước thuốc để tắm cho sản phụ. Theo quan niệm của người Thái sản phụ sau khi sinh từ 6-7 ngày, kiêng không được tắm nước lã sẽ hại, sức khoẻ lâu hồi phục. Do vậy người chồng phải lo đun nước tắm hàng ngày cho vợ con. Trong khoảng từ 6-7 ngày đầu, cả hai mẹ con phải tắm lá thuốc mỗi ngày từ 5-6 lần (nước lá thuốc đun sôi để âm ấm tắm, không được pha thêm nước lã). Lượt tắm trong ngày tiếp theo giảm dần đến khi một ngày chỉ cần tắm nước lá thuốc từ 1- 2 lần cho đến hết tháng.
* Chăm sóc cho sản phụ:
Sau khi sinh xong hai mẹ con sẽ được tắm nước thuốc do người chồng đun sẵn, cùng với đó người nhà khẩn trương kê sạp, chải đệm, gối kê đầu, chăn đắp cho hai mẹ con nằm, đặt hai sọt phía cuối giường, một sọt để đựng tã sạch cho trẻ và một sọt đựng tã bẩn. Người chồng mang củi to vào nhóm lửa bếp cho hai mẹ con sưởi (bếp đã chuẩn bị trước). Khi sản phụ được tắm rửa vệ sinh sạch sẽ, các bà đưa sản phụ đến ngồi nơi bếp lửa, phía trên sà nhà nơi sản phụ ngồi có buộc khăn piêu thõng xuống để sản phụ ngồi vịn. Ngồi như vậy sẽ có tác dụng cho máu bẩn dồn ra hết mới mau sạch người. Nếu cho sản phụ vào nằm ngay thì sẽ không được tốt, vì máu sẽ dồn lên phía đầu, sẽ đau đầu và choáng. Khi sản phụ vào ngồi ghế rồi, trước tiên là đưa cho sản phụ bát nước thuốc đun từ lá cây phang (là một loại cây thân thảo mọc trong rừng) còn nóng, để sản phụ uống ngay, vừa uống vừa thổi "pấu sột". Đây là loại thuốc có tác dụng để hồi phục sức khỏe.
Bên cạnh sản phụ, đứa trẻ được chải chăn riêng (pái phả neo), mền bông chải xuống trước, lấy tã lót dầy phủ lên trên. Quấn tã cho bé rồi đặt bé nằm xuống, lấy chăn bông dầy đắp từ vai bé xuống. Lấy một chiếc chăn bông nữa quấn thành nửa vòng tròn từ vai bên phải của bé vòng qua đầu đến vai bên trái của bé, rồi lấy một mảnh vải xô đậy lên, đứa trẻ lúc nào cũng giữ được độ ấm, tránh con ruồi và bụi bay vào mắt trẻ. Cả hai mẹ con đều phải nằm quay đầu vào hướng trong nhà, chân quay ra ngoài cửa. Sản phụ chủ yếu ngồi ghế mây (tắng cắm bươn) trên mặt ghế lót váy cũ, dưới gầm ghế cho than nóng, lá thuốc phủ lên than để hơi thuốc bốc lên toả vào người sản phụ. ngồi mỏi thì vào nằm, nhưng vẫn phải quay lưng vào lửa hơ gọi là hơ người cho cứng cáp (xang tô xang kính, hẩư kính khanh) sưởi cho ấm đều khắp, kết hợp lá thuốc gầm ghế bốc lên và uống nước thuốc đun sôi (pấu sột) để khí huyết lưu thông chóng bình phục sức khoẻ.
- Bếp lửa của sản phụ không được ai dẫm lên nhất là khi sắc thuốc.
- Từ ngày đầu mới đẻ cho đến hết một tháng người sản phụ phải lấy khăn piêu thắt bụng, vì quá trình mang thai 8-9 tháng, bụng sản phụ đã bị giãn ra hết cỡ, do cho nên lấy khăn thắt bụng có tác dụng làm cho da bụng nhanh chóng co lại như trạng thái ban đầu, cũng chính việc thắt bụng đã giúp phụ nữ Thái sau khi sinh nở vẫn gọn gàng, cân đối không bị xồ xề .
- Đầu sản phụ bao giờ cũng cuốn khăn cho ấm.
Trong khoảng 6-7 ngày đầu người chồng không phải đi làm gì ngoài chăm lo cho vợ ăn, uống, đun nước cho vợ tắm.
* Ăn uống của sản phụ:
Ăn uống của sản phụ trong một, hai ngày đầu chủ yếu ăn cơm lam và uống nước thuốc. Uống nước lúc nóng vừa thổi vừa uống (pấu sột), đến ngày thứ ba sản phụ mới được ăn thêm xôi nếp (khẩu nửng). Thức ăn sản phụ chủ yếu là rau rừng, rau vả, rau sung, rau hoa ban, rau ngót, cỏ mần trầu và tất cả các loại rau có hoa trắng, là loại rau có tác dụng giải nhiệt, không hại bụng (pay tọng) còn giúp cho sản phụ có nhiều sữa.
- Cá chủ yếu ăn cá trê (pa đúc), cá diếc (pa phé), cá trôi, pa mọm, pa khính; riêng cá mè cá chép (pa phé), thịt trâu trắng (nhứa quái đón) kiêng không được ăn vì có chất tanh.
- Thịt và cá sát muối sấy khô, khi ăn đem ra rửa rồi cho vào gắp tre nướng kỹ (pỉng sang) cho thơm hoặc hấp trên chõ xôi.
- Gà: gà bé từ 6- 7 lạng mỗi ngày ăn một con, bỏ hết bộ lòng ra, đập củ gừng vào, một nhánh nghệ (hản pháy) và một chén rượu mạnh, một ít muối, đem hầm nhừ để sản phụ ăn khi nóng.
- Muối chấm của sản phụ cũng phải cho vào lá chuối nướng chín khử chất tanh mới được ăn.
- Mỗi loại rau giống như một vị thuốc rất tốt cho sản phụ như: giúp sản phụ chóng hồi phục sức khoẻ, có sữa nhiều.
Tóm lại: Thức ăn, uống của người mẹ có liên quan trực tiếp đến sữa mẹ và ảnh hưởng tốt hay xấu đến con bú, nên người mẹ phải ăn, uống đảm bảo đầy đủ dưỡng chất.
* Bài gội đầu cho trẻ:
Đối với bé vẫn tắm nước lá thuốc đun sôi để nguội, nhưng có nội dung gọi là lý: Mẹ vừa tắm gội cho con vừa có lời nói tình cảm thành bài với nội dung gạt bỏ những điều xấu xa bẩn thỉu, hôi tanh và cầu mong cho con mau lớn khôn:
Ón nọi chắng mí
Trái (nhính) đi chắng đảy
Xam mự ếm chí nhá pang pộc
Hốc mự ếm chí nhá pang pháy
Nặm khẩu má xák xik hua
Nặm bua ngấn, bua cắm xák xia cẩu
Xák xia mát cái ai hại nhấư xung ộ ộc nớ
Dịch
Bé nhỏ mới có
Trai (gái) nhỏ mới sinh
Ba ngày mẹ sẽ thôi nằm cạnh bếp
Sáu ngày mẹ sẽ thôi nằm cạnh lửa
Gội nước gạo gạt bỏ điều xấu
Nước hương bạc, hương vàng xoá bỏ hôi tanh dính trên đầu
Gạt bỏ những điều xấu xa bẩn thỉu
Để con mau lớn mau khôn .
* Mẹ dậy con sau tắm gội: Tắm gội xong lấy tã lót quấn vào cho bé rồi lấy lược chải đầu cho bé, vừa chải vừa ngắm con vừa nói :
" Bók…bók hók têm hua nhá chạn
Pay qua bản qua mướng nhá lặc
Nứa hay nhá lặc kin tẩu kin tanh
Kin tẩu kin tanh ải ếm púk thoi .
Dịch:
Tóc bạc đầy đầu đừng lười
Đi chu du thiên hạ đừng trộm
Đừng trộm ăn trứng
Lên nương đừng trộm ăn dưa ăn quả
ăn quả ăn dưa cha mẹ trồng thôi nhé)
* Tục cắm ta leo và ý nghĩa của nó:
Từ ngày đầu gia đình có người sinh nở là phải cắm Taleo. Do vậy ông nội, ông ngoại khẩn trương lấy tre về đan Taleo để cắm:
- Taleo một lớp cài thêm lá từ bi buộc vào cạnh cầu thang phía sàn (chán) nhằm xua đuổi, ngăn chặn không cho ma quỷ và hồn khách lạ vào quấy rối, làm hại đến sản phụ và đứa trẻ.
- Ta leo chín lớp (ta leo cẩu chặn) được đan trùng lên nhau thành 9 lớp, cài thêm lá từ bi (cây từ bi là " bề trên " của các ma " phi" đến gần rừng từ bi ma rất nể và sợ). Buộc vào ngưỡng cửa trên phía chán để ngăn chặn ma để ma không dám qua và chui vào trong nhà.
- " Ta leo cẩu chặn " cài lá từ bi buộc thêm tờ giấy, cái bút, vải vụn xanh đỏ, kim chỉ thành một chùm rồi buộc vào chỗ đầu dây thòng lọng phía trên, chỗ sản phụ ngồi vịn hơ lửa (Lụk nhính tắt phả khăn lái, lụk trái khiên sư san xấư mứ cằm vay, lả căm vạy mướng bản hắk hên)
Tức là: là con gái phải thông thạo dệt cửi thêu thùa.
- Ngay từ lúc mới sinh ra đã được ông bố viết những nét nghệch ngoặc tượng trưng vào lòng bàn tay, mong sao cho con mình lớn lên được bản mường quý, học hành chăm chỉ, thông minh, thành đạt.
Bài bùa cắm "Ta leo"
" Leo cu pắc
Phi chí khảm pên heo
Phi chí téo pên phắng
Phí chí dắng hók cu téng
Leo cu sắc
Dịch:
Leo ta cắm
Ma muốn qua thành hố
Ma định nhảy thành vực
Ma thò chân xuống mác ta đâm .
Leo ta chọc
Lời ta chặn
Mồm ta thiêng
- Phong tục Thái và cả một số dân tộc khác cũng vậy, khi ta đi bất cứ nơi nào thấy nhà người ta đã cắm hoặc buộc Ta leo thì chớ nên vào, vì gia đình ấy đang có điều kiêng kỵ.
- Bà nội, bà ngoại hoặc cô, dì phục vụ giặt tã, váy tắm rửa cho hai mẹ con (đàn ông kiêng không làm việc này).
* Giai đoạn ở cữ (năng pháy) và những điều kiêng kỵ.
Phụ nữ sau khi sinh nở được (mẹ tròn con vuông) phải nằm bên bếp lửa 4-5 ngày và được gọi là "tạm sạch sẽ" mới được chuyển lên nằm ngủ chỗ buồng của hai vợ chồng phía trên và ban ngày vẫn phải xuống ngồi sưởi lửa đến hết một tháng mới được làm thủ tục chuyển lên nhà chính vào nằm phòng hạnh phúc của vợ chồng. Sự quan tâm của gia đình và cộng đồng đối với sản phụ khi ở cữ trên tinh thần phấn khởi mừng cho sản phụ mẹ tròn con vuông, đồng thời để đảm bảo cho sức khoẻ sản phụ chóng hồi phục và đứa trẻ bú sữa mẹ tốt, do vậy sản phụ phải ăn kiêng khem nhiều, không được ăn uống theo ý muốn như thời kỳ thai nghén. Thức ăn, uống của sản phụ phải có chất bổ, có công thức chế biến riêng (có quy định lịch sử để lại), tắm gội cũng phải tắm gội bằng nước lá thuốc đun sôi để nguội và qua rất nhiều thủ tục nghi lễ, nhất là nghi lễ, nghi thức cầu mong đứa trẻ chóng lớn khoẻ mạnh, thông minh và chăm chỉ …
Tháng sản phụ ở cữ gọi là tháng lửa, tháng kiêng (bươn pháy hay cắm bươn). Tháng sản phụ chưa được sạch sẽ và người yếu ( kính ón )nên sản phụ phải kiêng một số thứ sau:
1- Không được đi phía quản có bàn thờ (cọ lọ hóng) sản phụ chỉ được đi lại và sinh hoạt từ phạm vi gian ở cữ hất về phía chán (sàn ngoài phơi phóng).
2- Không được lên nhà người khác, kể cả gia đình bố mẹ, anh chị em ruột thịt .Nếu vi phạm vào 2 điều này coi như sai luật nghiêm trọng (vì sản phụ còn trong thời gian bẩn) gia đình sản phụ phải mất lợn, rượu đến cúng ma nhà người ta tạ tội và ngược lại khi thấy gia đình sản phụ đã cắm "ta leo" người ngoài muốn lên thì khi đến sân phải gọi hỏi chủ nhà:
Khửn hướn bấu cắm xăng quá chẩu hướn hới ?
(Chủ nhà ơi, gia đình không kiêng kỵ gì chứ ?)
Nếu chủ nhà chả lời:
Ơ…bấu cắm xăng khửn má í
(Ơ…không kiêng kỵ gì đâu, xin mời cứ lên)
Lúc bấy giờ khách mới được lên.
Khách lên đến nhà đứng trước sản phụ và đứa trẻ khách lại nói: xấu xí đừng giống, đừng lây nhé (nhá chắp nhá pét nớ é nọi nớ).
Người biết ăn, biết nói, biết cư xử như trên, chứng tỏ con người đó biết phong tục, phép tắc tối thiểu của dân tộc Thái.
3- Sản phụ không được dùng chung với gia đình:
- Ăn uống riêng, ghế riêng, chậu giặt riêng, sào phơi tã lót, váy áo riêng. Riêng ghế khi sản phụ hết ở cữ không ngồi nữa thì mang cất đi hoặc vứt đi vì sợ khách ngồi (nhất là đàn ông không được ngồi vì ghế bẩn). Ngoài ra còn rất nhiều điều kiêng kỵ khác...
* Lễ rời bếp lửa (nhá pháy):
Sản phụ bên bếp lửa "năng pháy" 5, 6 ngày thì phải rời bếp lửa và sụm đẻ cũng là nơi để tắm thường ngày. Quan niệm của người Thái chỗ nào cũng có thần linh cai quản và phù trợ cho mình, do vậy trước khi rời bếp lửa gia đình phải làm mâm lễ nhỏ cho sản phụ để tạ ơn thần bếp, hay nói cách khác là lời xin rời bếp lửa. Gia đình đi mời thầy mo đến làm lễ rời bếp lửa (nhá pháy) và nơi đẻ, sau đó tận dụng để làm nơi tắm cho sản phụ (sụm đẻ).
- Lễ nơi sụm đẻ và cách thức làm: Lấy đĩa rau đồ, ống cơm lam, ống nước thuốc cho vào một cái mâm nhỏ đến nơi (sụm) làm lễ.
BÀI XƯỚNG LỄ
Chẩu xửa nàng (x)
Mốc luông mí lụk tạo
tọng nọi mí lục cốn phủ mâứ
Đảy xíp bươn tậu
Cẩu bươn cóng
Pộc khuẩm thương chứa hai
Pộc lái thương chứa kê
Tốc cỏng keng a khá
Tốc cỏng kha ỏm xỏm
Lụk phủ nhính đảy ngai
Lụk phủ chái đảy đi
Đảy nả lẹo đảy lăng
Đảy xăng lẹo đảy nẳng
Chắng pên cốn tan hụ
Pên phủ tan hên
Đảy kin lẹo bấu lứm thú
Đảy dú bấu lứm công cánh ơn
Chắng ngắm họt
Po co lọ, me co lộc
Xam mự nhá pang pộc
Hốc mự nhá pang pháy kháy chắng mí nậm da
Khẩu lam, phắc dố dá pai mạy má hẩư chẩu
Po cang hao (phi luông) má phẩu
Me dáo mók (me phi luông) má phẩu
Mí nặm da, khẩu lam má xống hẩư chẩu kin chắng coi
thúc mứa
cứ bun quảng
Nhang mứa cứ bun xung le nớ.
Kháy ón noi hẩư mắn nhâứ hào hôn
Pên tổn nhá hẩư mụt
Pên thút pên co nhá huội
Hẩư mí chư tậu liếng
Hẩư mí xiêng tậu púa
Dịch
Chủ áo nàng (x)
Bụng to đang có bầu
Bụng nhỏ đang mang thai
Đã qua chín tháng tròn
Gần đủ mười tháng mong
Bụng đẹp đến ngày sinh
Bụng to đến lúc nở
Rơi dưới đùi "a khá"
Rơi dưới chân "ỏm xỏm"
Là con gái dễ đẻ
Là con trai dễ lọt
Được cả trước lẫn sau
Được cái gì được cùng
Mới thành người mường bản cùng biết
Mới có tiếng mường bản cùng hay
Được ăn không quên đũa
Được ở không quên công ơn
Nghĩ đến
Ông nơi sinh
Bà nơi để
Ba ngày thôi nằm cạnh bếp
Sáu ngày thôi nằm cạnh lửa
Có ống nước thuốc
Ống cơm lam ,rau non đồ đến cho
Ông ở trên trời (ông ma to) đến trông
Bà ở tầng mây (bà ma to) đến gác
Hôm nay có nước thuốc, cơm lam đến bếu ông, ông bà
ăn xong
Hãy bay lên tận trời cao
Bay đến nơi mây mù
Hãy phù hộ cho bé nhỏ cho chóng chóng khôn
Thành chùm không héo
Thành cây thành bụi không lụi
Cho thành người mường bản cùng biết
Để có tiếng mường bản cùng hay
- Lễ xong đổ hết rau, nước thuốc, khẩu lam xuống lỗ sàn chỗ xụm đẻ, sau đó tháo dỡ xụm đẻ dọn sạch (cũng có gia đình tận dụng xụm để làm nơi tắm cho sản phụ).
* Làm lễ nơi bếp sản phụ: Lấy một đĩa rau, một ống nước thuốc, một ống cơm lam cho vào mâm đặt xuống góc bếp sản phụ làm lễ.
Bài xướng lễ
Xam che xí chók
Pên bók tắn cang
Kháy cu bấu hiêm bấu cắm đảy lọ
Xí mự cu chí mứa nón nả
Hả mự cu chí mứa nón nưa
Đảy kin bấu lứm thú
Đảy dú bấu lứm công cánh ơn
Kháy cu nhắng mí phắc nửng,nặm da, lam kháo xu
Kin lẹo lọ
Hẩư é nọi lắp nẳng mon
Nón nẳng xứa
Nhá tản na tá thí xăng nớ
Dịch
Ba cạnh bốn góc
Hoa nở chính tâm
Bay giờ ta không kiêng kỵ được nữa
Bốn ngày ta sẽ lên ngủ trên gác
Năm ngày ta sẽ lên ngủ trên sạp
Được ăn không quên đũa
Được ở không quên công ơn
Bay giờ ta có rau đồ, nước thuốc, đến biếu
Ăn xong hãy phù hộ cho bé
Cho bé luôn ngủ ngon nơi gối .
Luôn ngủ say nơi đệm
Đừng phật ý giận hờn
Lễ xong đổ cả mâm xuống sàn bếp, quét dọn bếp lửa sạch sẽ, phơi đệm, giặt chăn, chuyển chỗ cho sản phụ lên nằm gian buồng cũ của hai vợ chồng.
Đối với người Thái sau khi sản phụ làm nghi thức rời bếp lửa là coi như kết thúc tập tục sinh đẻ, tiếp đến ra đình sẽ làm thêm một chút thủ tục khác với mong muốn cho trẻ nhỏ ngoan, ăn nhiều và mau lớn...
Theo tục lệ dân tộc Thái sau khi chuyển hai mẹ con lên nằm ở gian buồng của vợ chồng thì việc sinh đẻ đến đây là kết thúc. Gia đình sẽ làm thêm một số thủ tục mới cầu mong cho đứa trẻ ngoan, không quấy mẹ và ăn nhiều mau lớn. Một số nghi lễ như: Cúng vía chăn vía đệm, cũng vía võng vía địu và vía vú...
B-NGHI LỄ ĐẶT TÊN CHO TRẺ.
I- Mục đích, ý nghĩa.
Dân tộc Thái cũng giống như nhiều tộc người khác, cũng theo qui luật tự nhiên trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng, tạo dựng cuộc sống mới sinh sôi phát triển. Người phụ nữ sau khi thành lập gia đình sẽ thực hiện thiên chức làm mẹ và chăm lo cuộc sống gia đình. Việc nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các thủ tục trong nghi lễ đặt tên cho trẻ em của dân tộc Thái nhằm mục đích giữ gìn những yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngoài ra còn làm sáng tỏ những quan niệm sống phát sinh trong quá trình đấu tranh, sinh tồn giữa một bên là chủ thể sống- con người, với một bên là các thế lực ngoại cảnh như: mưa, gió, bão, sấm, sét, cho đến các loại ma tà...Theo họ con người muốn tồn tại và phát triển được phải biết chế ngự các yếu tố tự nhiên và điều hòa mối quan hệ với các thế lực ma quỉ.
Thông qua công tác tìm hiểu, nghiên cứu Nghi lễ đặt tên cho trẻ của dân tộc Thái đen bản che Căn xã Mường Phăng, huyện Điện Biên thể hiện được nhiều yếu tố văn hóa riêng tộc người mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần xây dựng bản Văn hóa truyền thống của người Thái đen tại Che Căn theo chủ trương của nhà nước. Thúc đẩy kinh tế trong vùng phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên về mọi mặt.
II- Thời gian và địa điểm tổ chức.
Trong quá trình điền dã Bảo tồn Nghi lễ đặt tên cho trẻ dân tộc Thái ngành Thái đen bản Che Căn, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên đoàn công tác Bảo tàng tỉnh tiến hành Bảo tồn lễ tại gia đình anh Lò Văn Sương và chị Cà Thị Ọi khi con của anh chị đã đầy tháng.
III- Các bước chuẩn bị cho lễ.
Đối với người Thái khi trong nhà có trẻ nhỏ đầy tháng, gia đình sẽ tiến hành làm lễ đặt tên cho trẻ và phải chuẩn bị các lễ vật cần thiết để làm lễ như: Lợn, gà hoặc trứng gà, xôi, rau luộc, cơm lam, lá trầu cau và vôi, đĩa muối, bánh trưng...
Trước khi diễn ra lễ khoảng 01 tuần, gia đình sẽ cử người đi nhờ thầy cúng và xem hộ ngày tốt để làm lễ đặt tên cho con trẻ. Thầy cúng mâm lễ này thường là các bà mo, ít khi người ta nhờ mo là đàn ông.
Trong lễ đặt tên cho trẻ, gia đình sẽ mời anh em, họ hàng tới dự góp vui cùng gia đình, chúc mừng cho gia đình và chúc cho em bé ngoan, ăn nhiều mau lớn...
IV. Trình tự trong Nghi lễ đặt tên cho trẻ (Phún ha chư).
Quan niệm xưa của người Thái cho rằng: mỗi một con người đều do me bẩu me náng nặn ra và ban xuống, hơn nữa đứa trẻ tuy con mình nhưng lại là cháu của các cụ, kỵ, tổ tiên. Để tỏ lòng biết ơn, kính trọng bề trên, cầu mong đứa trẻ lớn khôn khoẻ mạnh đến đầu bạc răng long, do đó phải mời mo đến làm lễ xin "me bẩu me náng" tổ tiên và các then trên trời ban cho một tên, tên này do mo đặt cho (chư một), cúng cầu hồn, cầu phúc, cầu sức khoẻ, cầu cho bản thân, cầu cho con cái tất cả thành đạt như mong muốn.
Để mừng đứa cháu ngoại ra đời, nhân dịp lễ đặt tên (phún ha chư) ông bà ngoại cho bé vòng vía (bỏong khoăn), địu (đa), vải trắng (phải cọn) tự dệt để làm tã trẻ.
Thầy mo, ông bà nội, ông bà ngoại, anh em, cô bác ruột, lấy chỉ buộc cổ tay cho bé nên có câu:
May đón tang cắm
May đăm tang kẻo
(Phúk khuân chẩu xửa vạy bấu hẩư pai hẩư ni).
Dịch:
Chỉ trắng thay vàng
Chỉ đen thay ngọc
(Buộc linh hồn bé luôn gắn với thể xác và tên tuổi của mình).
Nuôi đứa trẻ sơ sinh là cả quá trình gian nan vất vả, cha mẹ, ông bà, đặt tất cả tình thương yêu trìu mến vào đứa trẻ, nâng niu chăm sóc, lo lắng và dõi theo từng bước trưởng thành của trẻ nên có câu:
Pom hua to nối mák ngoa
Phá tin to me mứ xong nịu
Dịch:
Từ lúc Cái đầu bằng quả vả
Bàn chân bằng hai ngón tay nhỏ xíu
Thật là nhỏ bé, cha mẹ lo lắng.
Người Thái còn có câu:
Khuẩm chấu tai
Hai chấu bót
(Để nằm úp sợ ngạt thở chết, để nằm ngửa sợ bụi bay vào làm mù mắt).
Khi con ốm đau chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, các bài thuốc nam cha truyền con nối hoặc mời thầy mo đến cúng, trừ khử ma tà.
* Ngày lễ diễn ra: Gia đình cử người chế biến đồ vật để làm lễ như: Lợn, gà hoặc trứng gà, rau...sau đó bầy lễ và mang lên nhà, đặt mâm ở vị trí chân giường của vợ chồng (cha mẹ đứa bé). Tiếp đến mời bà mo làm lễ cho trẻ, trước khi làm lễ mo phải làm một số thủ tục để hai mẹ con chuyển lên ngủ ở buồng vợ chồng, với lời cúng như sau:
Lời cúng rời bếp lửa:
Ơh...tứn pay hay cón ah, pay ná cón ải, kếp phải choi ếm, hảư mắn nháư hao húm xum hao huôm. Ơh...nháư pên tổn lắm một, nháư pên tổn pên tút nhá huội nớk lả nớk. Khách náy táo mứa nón táng nưa đọ, nhá hảy lí lók, nhá hon li liên nớk lả nớk.
Dịch:
Ơh...dậy đi nương trước cô, đi ruộng trước bố, nhặt bông giúp mẹ cho mau lớn. Lớn theo lời mo rặn, lớn thành người khỏe mạnh con nhé. Ơh...từ nay chuyển lên ngủ trên nhà, đừng khóc quẫy mẹ con nhé.
Sau khi làm xong thủ tục rời bếp lửa, mo tiến hành làm lý ở gian thờ cúng của tổ tiên chủ nhà, với ý nghĩa mời tổ tiên chủ nhà về chứng kiến và phù hộ cho gia đình và cháu nhỏ khỏe mạnh, mau lớn...
Lời cúng báo tổ tiên:
Ơh...pú đẳm gia đẳm ới, đính nọi té nọi hế mí phôm, cốn nọi hế mí chư, nhá nả ta tá thí, chaư ón pé nặm tan, chaư van pé nặm ỏi, pảư pú lạn cắm ới, cuộm cuôm lụ tảu, lụ lan nớ.
Dịch:
Ơh...tổ tiên ơi, trẻ nhỏ chưa mọc tóc, con nhỏ chưa có tên, hôm nay gia đình xin làm lễ đặt tên cho con nhỏ. Mong tổ tiên đừng so đo và rộng lượng, bỏ qua những việc làm sơ xuất của con cháu và mong tổ tiên gạt bỏ những điều không phải tan đi theo dòng nước trong, rộng lượng như nước đường ngọt, tổ tiên nhé, phù hộ cho con cháu nhé.
Tiếp đến gia đình bầy mâm cúng trứng gà luộc (pán khoăn xáy) để tụ hồn cho trẻ và gạt bỏ những điều không may mắn đi.
Mâm lễ:
+ Quả trứng gà luộc chín bẻ đôi cho vào đĩa.
+ 01 đĩa rau luộc.
+ 01 bát con đựng nước rau luộc.
+ 01 chiếc bánh trưng xẻ dọc cho vào đĩa.
+ 01 đĩa cơm lam.
+ 01 chai và 02 chén đựng rượu.
+ 02 ép đựng xôi.
Tiếp đến mo làm một số thủ tục như: lấy một ít trứng, ít xôi, cơm lam, rau (mỗi thứ một ít) chấm vào đầu, 02 thái dương, miệng, cằm, cổ bé vừa làm vừa khấn với ý nghĩa tụ hồn cho trẻ.
Lời khấn như sau:
Cắm bang náng ọi, ơh...rú pộc náng khoa rú pá nang sại, xíp bươn tạu cảu bươn têm, xíp bươn chắng ók kin khảu, cảu bươn chắng ók kin nốm. Chắng phử nhính đảy ngai phử trái đảy đi, ơh...chắng tắt sảy mák tứ, tắt bư mák liệng, khay máư ếm cỏ so mák ha đảy, khảu cáy mák tám khỏ tám khoăn đẻ hảo hăn nháư ộh nớ é nọi nớ.
khoăn hua khoăn cả mang cóp kin đe chảu khoăn ới lan khoăn ới, khoăn tóng có cỏ lé kin đe, khoăn co ke cỏ lé đểm cáy cỏ kin đe, khoăn đáy nọi tắp ty inh mon cỏ kin đe, khoăn phái mít xổm lốm cỏ kin đe, khoăn tim phôm xổm lứa cỏ kin đe, xửa hứa họn bươn chết khong chệt lẹo lý kéng, móng méng phôm hua lẹo tánh táng khoăn nả đẹo téng táng khoăn lăng sạt khẻo nhọm đăm đẻ chi, khẻo phắn thí ôm phén. Khoăn ới kin lẹo nuối xáy lương háng hạ, xáy cáy cả mạ khướng háng cang. Ơh...khảu tủm kịp hong khóng mí đe, khảu lam nặm chú nặm che, ơh...khay pắc nhống hảu tin đán, pắc nhán hảu tin đông, kin đẹo chắng coi hảu tin đông, kin đẹo chắng coi hảư mắn nháư hao húm xum hao huôn, nháư pên tủm pên túm lắm một nhá huội, pên nó ỏ púk, lụ nhính tẳng cang hướn púk chư pên lụ ưởi lụ ý chu hướn. hảư mắn mí chư tạo liếng mí siêng tạo khuốp, đảy pi nọong tham ha, lúng ta tham kháo. Ơh...chu ruôn xi pó mí, chu ruôn xi pó đảy.
Dịch:
Ơh...con nhỏ ơi, chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, được mẹ đứt ruột đẻ ra, cắt rốn để nuôi con mau lớn. Hôm nay bố mẹ đã có điều kiện, đã kiếm được đủ cơm gạo, lợn gà...để làm lễ đặt tên cho con và mong con ngoan mau lớn nhé.
Hỡi các hồn ngự ở con nhỏ hãy vào ăn nơi mâm lễ, hồn ngự ở hai thái dương hãy vào ăn nơi mâm lễ, hồn khôn ngoan của con nhỏ hãy vào ăn cùng, để mo xướng lễ bảo vệ hồn con nhỏ, chúc con nhỏ mau lớn con nhé...
Tiết trời tháng 7 nóng hanh, mồ hôi ra ướt đẫm áo con thì lấy áo lau mồ hôi rồi vứt đi con nhé, hồn bảo vệ con nhỏ cả trước lẫn sau, hồn con nhỏ ăn hết quả trứng gà lòng đỏ cho khỏe, con nhỏ hãy ăn cả bánh trưng, cơm lam của hiếm và uống nước canh ngọt con nhé. Ăn rồi thì mau lớn theo lời mo xướng, từ nay con nhỏ đã trở thành thành viên chính thức trong gia đình, bố mẹ làm lễ đặt tên cho con, để con nhỏ có tên có tuổi, là con ngoan của bố mẹ, ông bà và tổ tiên... Được anh em, họ hàng, làng xóm quí mến thăm hỏi, được ông cậu đến thăm cho quà và chúc cháu khôn lớn thành người con nhé...
Sau khi mo khấn xong nghi thức tụ hồn cho trẻ, mo tiếp tục làm lễ cúng vía võng, vía địu, vía chăn, vía đệm và vía vú...
* Cúng vía võng vía địu (tám khuân ú khuân đa): Ngay từ khi đứa trẻ lọt lòng mẹ (mẹ tròn con vuông), ông nội, ông ngoại đã chuẩn bị đan võng tre (nôi), còn địu đã được chuẩn bị trước, để đón bé nằm võng ru, địu cõng. Trước khi cho bé tiếp xúc với võng, với địu (nơi mới lạ chưa quen), người Thái thường làm thủ tục cúng vía võng, vía địu "tám khuân ú, khuân đa". Cầu mong sự tốt lành cho bé, mong bé khoẻ, bé ngoan, không khó nuôi, không hờn, không giật mình…
Cách thức làm như sau: Cho chiếc địu vào trong võng rồi đặt bé nằm vào. Lấy nắm xôi, quả trứng gà luộc bóc vỏ, thầy mo đứng bên cạnh làm lễ với lời xướng như sau:
Bài xướng lễ:
Chẩu me ú chang pá
Chẩu me đa chang ủm chang xía
ón nọi chắng mí
Chái đì chắng đảy
Vứa hính đảy mự cấu ngoá xứn
Chí âu ón nọi khẩu mứa nón ú
Xai ú mẳn chắng pá
Xai đa mẳn chắng xía
Xai ú nhá hẩư tốc pá cá
Xai đa nhá hẩư tốc pá mạy
Hâử mí chư tậu liếng
Hâử mí xiêng tậu púa
Dịch:
Bà chủ võng khéo đưa
Bà chủ địu khéo ôm khéo cõng
Bé nhỏ mới sinh
Trai nhỏ mới lọt
Vừa mới được ngày cũ qua kia
Đưa bé vào nằm võng
Dây võng chắc mới đu
Dây địu to mới cõng
Dây võng đừng để rơi nơi rừng gianh
Dây địu đừng để rơi nơi rừng già
Để thành người mường bản cùng biết
Để có tiếng mường bản cùng hay
Từ khi cúng hồn võng, hồn địu xong ngoài nằm cạnh mẹ, bé còn được nằm trong nôi ru ngủ, câu hát, câu ru thiết tha, tình cảm lắng đọng vào giấc ngủ của bé và cứ thế lặp đi lặp lại cho đến khi đứa trẻ 2-3 tuổi vẫn được nghe những câu ru của mẹ, của bà...
* Cúng vía chăn, vía đệm (tám khuân xứa khuân phá)
Bài xướng lễ
Chí âu ón nọi khẩu nón xứa cóp lương
Khẩu nón xứa cóp đăm
Khẩu nón pheng me chẩu
É lắp lò lắp nẳng mon
É nón lò nón nẳng xứa
Kin xáy cáy lương háng hạ
Kin cắm khẩu hay khẩu ná
Cắm khẩu ná khẩu ón
Nhá hâử ón nọi hảy cuông xút khi khoa
Nhá hâử hảy cuông phá đủng tứn
Me khéc chắng lục
Me púc chắng tứn
Me pay ứn hák má
Dịch:
Đưa bé vào nằm đệm viền vàng
Vào nằm đệm viền đen
Vào nằm đôi cùng mẹ
Cho bé ngủ say nơi gối
Bé ngủ tốt nơi đệm
Hãy ăn trứng gà lòng đỏ
Ăn cả miếng xôi nương nếp dẻo
Miếng xôi ruộng nếp ngon
Đừng để bé khóc hờn trong màn
Đừng để bé khóc dai trong chăn
Mẹ đến thức mới dậy
Mẹ đến gọi mới tỉnh
Mẹ đi đâu khác về
* Cúng vía vú (tám khuân ú khuân nốm)
Theo quan niệm của người Thái mỗi con người có 80 hồn bảo vệ gồm: 30 hồn phía trước- 50 hốn phía sau (xam xíp khuân mang nả- hả xíp khuân mang lăng do vậy mới có thủ tục cúng vía vú.
Cách làm như sau: Người mẹ bế đứa con ngồi tại chân giường mình ngủ, bà mo đưa mâm lễ đặt nơi hai mẹ con ngồi. Trong mâm có: nắm xôi, cá nướng, trứng gà luộc bóc vỏ. Ngoài ra còn chuẩn bị cho mo 01 cái kéo, một ít lá chuối xanh bằng bàn tay .
Bài xướng lễ:
Xửa cắm bang nàng (x)
Mí phôm chắng mí cẩu
Mí nốm chắng mí lụk
Đảy xíp bươn tậu
Cẩu bươn cóng
Chắng đảy ón nọi khẩu má pặk má phanh
É hảư đi xong phạc
É hẩư mạk xong táng
Chắng mí khẩu mí xáy mí pa
Mọm hua hát
Chát hua vắng
Mí pú má peng
Nốm mang sại kin pa
(lấy ít cá bôi vào đầu vú)
Nốm mang khoa kin xáy
(lấy ít trứng bôi vào đầu vú)
ủm lụk khẩu má tắc
Hạc lụk khẩu má pắu
Nốm pên nguống xắc ta tắt xia
(lấy kéo cắt một nhát vào lá chuối rồi vứt đi)
Nốm pên ngá xắc nả tắt xia
Nịu cỏi nhá xay lụk ók
Xók cỏi nhá xay lụk xia
ủm lụk khẩu má tắc
Hặc lụk khẩu má pấu
Nốm mang xại hẩư dọi dang đứa căm ngoá
Nốm mang khoa dọi dang hu dang xa căm nị
Keng dệt chọng chá
Kha dệt bẳng khỉ bẳng neo
Lụk hảy coi nhó
Coi cót có lụk vạy
Coi tói mạy khắp khíng lụk phắng
Lụk hảy bấu pên chăm lụk tai
Lụk tai bấu âu héng đâư má đảy
Bấu mí méo nu chí cắt húk
Bấu mí lụk tẩu lụk tan đu kén
Cóng kin hánh lụk tan cóng lạ
Thả kin hánh lụk tan thả đai
Phắng quám thẩu láng mo cu bóc
Phắng quám phủ mo thẩu mo ké cu xon
Ủm lụk khẩu tó nốm
Chốm lụk khẩu tó hẹ
ủm bấu pẹ đa hía khen có
Dịch:
Chủ áo nàng (x)
Có tóc mới búi tó
Có vú mới có con
Được chín tháng đợi
Được mười tháng mong
Mới được bé nhỏ vào ẵm, vào bế
Muốn cho tốt hai đằng
Muốn cho lành hai bên
Mới có xôi có trứng, có cá
Cá "mọm" nơi đầu thác
Cá "chát" nơi vũng sâu
Có cả đĩa trầu cau đến lễ
Vú bên trái ăn cá
(lấy ít cá cơm bôi vào đầu vú)
Vú bên phải ăn trứng
(lấy ít trứng cơm bôi vào đầu vú)
Bế con vào sát người
Yêu con ôm sát nách
Vú có gai chọc mắt mo cắt
(lấy kéo cắt một nhát vào lá chuối)
Vú mọc sừng chọc má mo cắt
Ngón út đừng đẩy con ra
Khửu tay đừng buông con xuống
Bế con yêu cho chặt
Thương con ôm sát mình
Vú bên trái cho sữa chảy như nhựa cây sung
Vú bên phải cho sữa chảy như nhựa vả cây dưỡng
Cha mẹ.
Dùng đùi thay đu quay
Dùng chân thay gác ỉa gác đái
Nâng niu khi con khóc
Dỗ yêu lúc con hờn
Gõ vào cây thay tiếng hát con nghe
Con khóc chớ rủa con chết
Con chết không có sức nào bù được
Không có mèo, chuột cắn nát khung cửi
Không có con người đời khinh thường
Mong ăn với con người, mong xuông
Đợi ăn với con người, đợi phí
Hãy nghe lời mo lớn tôi bảo
Hãy nghe lời mo già tôi khuyên
Bế con vào gần vú
Nựng con ôm gần nách
Bế không nổi lấy địu cõng trên vai
Sau khi làm làm xong các thủ tục trên, gia đình tiếp tục bầy mâm thịt lợn ( khoăn mu) đã chế biến chín, mâm lễ được trải lá chuối hoặc lá dong.
Mâm lễ:
+ Lợn (lòng được chế thành món nộm).
+ 02 bát nước canh luộc lợn.
+ Đũa 7-8 đôi.
+ 01 chai rượu và 7-8 chén rót rượu.
+ 01 đĩa trầu cau và một ít vôi.
Sau khi đã bầy xong mâm cúng, gia đình bưng mâm lên trên nhà và đặt nơi chân giường của đôi vợ chồng có con nhỏ để mo tiếp tục làm lễ. Đôi vợ chồng bế con nhỏ ngồi nơi chân giường, mọi người trong gia dình cũng như một số anh em ngồi quây quần xung quanh mâm cúng để làm lý cho cháu nhỏ (mỗi người một tay chạm vào mâm cúng, rôi nhấc nhẹ mâm về phía đôi vợ chồng cùng con nhỏ với lời chúc bé mau lớn, ngoan và gặp được nhiều điều may mắn. Tùy theo điều kiện, mỗi người sẽ đặt vào mâm cúng ít tiền để cho cháu bé...) Đồng thời đây cũng là mâm cúng tụ hồn cho cả gia đình, sau khi xong thủ tục chúc bé mau lớn, mo tiens hành xướng lễ cúng tụ hồn cho cả gia đình.
Lời xướng lễ:
Ơh...xửa cắm bang náng ỉnh ới, dú đi nhắng pên da pả da náng nhắng pên, ơh...xảy lua tỉn lua đi, xảy lua hý mứa hóng, khay mứ sại chắng ha má, mứ khoa chắng ha đảy. Ơh...nhắng đảy mu nháư to chuông, mu luông to đủng chắng phắn xáư xạ, chắng khả dệt bôm kéng pán, chắng má xáư hổ pán luông, má vạy lẳng pán luông kính ký, má hý lẳng pán thí ti nón, ti tóng pạt tóng táy long dú, má khảu ti ón léng ngái. Nhá bẻo nả xáư pán một xốp qua đe xửa cắm bang náng ỉnh ới, ngoại nả xáư pán một xu hối đe, khen đới hý diễn điệu. Sặt khảu chắng coi hia lảu po chảu me chảu kin pọm, thú têm bôm têm pán chắng coi păn căn kịp, pắư kin đảy kin đe mu nháư, mu luông hảu kin teengs hua teengs hàng kin tiếng cáng tiếng lịn, kin đi đe puống hản, kin đi đe puống bi kin ón van mắn, chảu khoăn ới lan khoăn ới, kin tếng cắm khảu hay khảu ná, nhá bẻo nẻ xáư pán mu xốp qua đe, mí mu nháư má keng đe, kin nặm tổm ăn khong péng đe, khóp kin đe kin đảy kin nháư, đính kin lai đe chảu khoăn ới, khoăn tim phôm xổm lứa cỏ kin đe, xửa hứa họn bươn chết khong chệt lẹo lý kéng, móng méng phôm hua lẹo tánh táng khoăn nả đẹo téng táng khoăn lăng sạt khẻo nhọm đăm đẻ chi, khẻo phắn thí ôm phén, xửa cắm bang náng ọi cỏ kin, khoăn po chảu liệng hướn cỏ kin, khoăn tẻng ngúa tẻng quái bứ lót cỏ kin, khoăn xót xửa té khắm mun hua cỏ kin đe chảu khoăn ới lan khoăn ới, kin chu ăn, xảy mu pỉnh pó mí đe, sảng chí chụp khinh hom pó mí đe, hản puống tắp puống xảy khong kin đi chảu khoăn ới lan khoăn ới. Khoăn ó nứng ó nả, khoăn dú sảng dú đáy đay hiếu, đay hiếu tứn ma tẳng ơc ẳng tứn lượn món pèn cốn púc chư đe, mí chứ lắng me liếng đe, mí siêng lẳng me khuôp đe chảu khoăn ới. Pi noong đảy tham ha, lúng ta đảy tham kháo hảu mắn pin pử pin cốn đe chảu khoăn ới...
Xam xíp khoăn xí xíp khoăn, hỏm khoăn hảu khoăn rú, xú khoăn hảu khoăn héng, hảu khoăn mẳn khoăn rứn đe nớ. Chướng căn kin xụp xụp pé nộc kin má đe, chướng căn kin xa xa pé nạ kin pa đe, chướng căn kin pé pua pé náng kin khảu đe...
Ăn đau hại chắng coi pít xia đom pán má đe, pứng ăn hại xia mo kings nay đe chảu khoăn ới, lan khoăn ới cỏ kin, pắc kin đảy kin nháu đe, mu nháu đẹo má bảy, mí mu nháu má peng đe. Xíp pi đẹo chắng coi xú, cảu phạo đẹo chắng coi xú mu điêu, xú mu điêu đẹo chắng chí thảu, xú lảu đẹo chắng chí mẳn chí rứn, khoăn téng xong téng xam lé pọm, khoăn téng cảu téng xíp phắng đom, chu minh chu peng pán đe, chu ý rứn peng pọm đe chảu khoăn ới lan khoăn ới, ha khoăn hảu khoăn rú, xú khoăn hảu khoăn mẳn khoăn rứn...
Dịch:
Hỡi chủ hồn ơi! Hôm nay gia đình đã có đủ điều kiện, đã kiếm được lợn, gà để làm lễ đặt tên cho con nhỏ, mới chế biến để bày vào mâm lễ. Mâm lễ xin được bày ở nơi bé ngủ, để mo làm lễ xua đuổi những điều không hay muốn làm hại bé, để bé được an lành, bé không được phép ngoảnh mặt ra khỏi mâm cúng của mo, mo khấn gọi các hồn tốt về bảo vệ cho bé, nếu ngoảnh mặt ra khỏi mâm mo thì sẽ phạm lỗi với mo. Mọi người quây quần đủ bên mâm mo rồi nghe mo khấn, mọi người cùng nâng chén và đổ ít rượu ra để cho các hồn về phù hộ cho cháu bé cùng được hưởng, cùng chia nhau bát đũa để gắp ăn, ăn cả đầu lợn, ăn cả lưỡi lợn, ăn cả đuôi lợn, ăn cả nếp trên nương, ăn cả cơm trồng ở ruộng, ăn tất cả mọi thứ được bày trên mâm mo chủ hồn nhé, không được ngoảnh mặt ra khỏi mâm mo xướng lễ, mâm lễ của mo có lợn to, canh ngọt, hãy dùng cả nước canh ngon của hiếm, hãy ăn nhé chủ hồn nhé, ăn nhiều cho mau lớn, chủ hồn nào cũng phải ăn nhé, hồn đằng trước cũng ăn nhé, hồn đằng sau cũng ăn nhé chủ hồn nhé, hồn phù hộ cũng cùng ăn nhé, hồn của bố mẹ cũng ăn cùng và phù hộ cho cháu bé nhé, những hồn chăn nuôi trâu bò tốt cũng cùng ăn nhé, ăn cả đầu lợn, đuôi lợn, cằm lợn, lưỡi lợn luộc, sườn lợn nướng, nộm thịt lợn là của hiếm các hồn cùng ăn nhé, mọi người cùng ăn nhé. Con nhỏ đã có hồn, bé nhỏ đã được đặt tên nhé, bố mẹ đặt tên cho con mau lớn, được làng xóm họ hàng đến thăm hỏi, được ông cậu đến thăm chúc phúc cho con mau lớn, khôn ngoan, biết làm ăn nên người...
Hỡi 30 hồn - 40 hồn cùng về chứng kiến lễ đặt tên cho cháu bé nhé, để cháu nhỏ không khóc, các hồn xấu rủ đi không đi. Các hồn xấu rủ đi mà đi thì không thể quay trở lại nữa.
Chủ hồn ơi ăn nhé, rủ nhau như chim ăn quả, như dái cá ăn cá, như vua chúa ăn cơm nhé. Hồn đi theo ra ruộng theo đi thì phải theo về bản nhé, mạnh khỏe nhé chủ hồn nhé, ma xấu rủ đi không được đi theo chủ hồn nhé, đã đi rồi sẽ không quay trở lại được nữa đâu. Nếu thành ma rồi sẽ bị người ta lấy súng đuổi bắn, lấy nỏ ngắm bắn đấy...Hỡi chủ hồn ăn nhiều cho mau lớn thành con ngoan của bố mẹ, ông bà. Đặt tên cho con để con có tên đẹp, có lời nói hay và được anh em họ hàng quý mến, ăn nhiều nhé chủ hồn nhé, lớn nhanh và ngoan con nhỏ nhé.
Mâm lễ Tụ Hồn (xú khoăn) là mâm lễ bắt buộc để tụ hồn cho cả gia đình với mong muốn tổ tiên thông cảm cho và phù hộ cho gia đình luôn luôn khỏe mạnh.
C- KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ.
Qua công tác điền dã và đi sâu tìm hiểu khai thác thông tin cũng như nghiên cứu những sắc thái văn hóa đặc trưng về dân tộc Thái. Đặc biệt là việc Nghiên cứu Bảo tồn Văn hóa Thái ngành Thái đen bản che căn, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên.
Ở Điện Biên, dân tộc Thái phân bố ở khắp các huyện, thị trong tỉnh tập trung nhiều nhất ở thị xã Mường Lay, huyện Điện Biên, huyện Tuần Giáo.
Dân tộc Thái là một trong những dân tộc thiểu số có lịch sử cư trú từ lâu đời ở tỉnh Điện Biên góp phần làm phong phú, đa dạng thêm bản sắc văn hoá của một tỉnh đa dân tộc.
Là dân tộc nằm trong nhóm tộc người nói tiếng Tày - Thái thuộc Ngữ hệ Nam á. Dân tộc Thái ở tỉnh Điện Biên là dân tộc còn lưu truyền được rất nhiều phong tục tập quán, lối sống, nếp sống, nghi lễ truyền thống, đặc trưng của dân tộc như: Đám cưới, Ma chay, lễ hội truyền thống như: lễ Xên Bản, Xên Mường, lễ Xên phắn bẻ, lễ cầu Mưa...thông qua những nghi lễ này thể hiện được những mong muốn, ước vọng đơn sơ trong tư duy của Người dân tộc thiểu số, song những yếu tố văn hoá truyền thống này rất cần được nghiên cứu để hoạch định được những yếu tố văn hoá tích cực giúp dân tộc phát huy tốt, nhằm tôn lên được những bản sắc văn hoá riêng của dân tộc mình.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Tập tục sinh đẻ và Nghi lễ đặt tên cho trẻ (dân tộc Thái, Ngành Thái đen tỉnh Điện Biên).doc