Thẩm quyền của tòa án cấp phúc thẩm trong tố tụng hình sự

MỤC LỤC LỜI MỞ ĐẦU 3 NỘI DUNG. 3 1. Lý luận chung về thẩm quyền của tòa án cấp phúc thẩm.2 1.1 Xét xử phúc thẩm và cấp xét xử phúc thẩm,2 1.2 Thẩm quyền của tòa án.2 1.3 Tính chất của xét xử phúc thẩm.3 1.4 Thẩm quyền của tòa án cấp phúc thẩm.4 2. Quy định của pháp luật về thẩm quyền của tòa án cấp phúc thẩm.4 2.1 Thẩm quyền xét xử của tòa án cấp phúc thẩm.4 2.2Phạm vi xét xử phúc thẩm.5 2.3Thẩm quyền quyết định của tòa án cấp phúc thẩm.6 2.3.1Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm.6 2.3.2Sửa bản án sơ thẩm.7 2.3.3 Hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại9 2.3.4Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án.10 3. Thực tiễn thi hành và hướng hoàn thiện các quy định của pháp luật về thẩm quyền của tòa án cấp phúc thẩm.11 3.1 Thực tiễn thi hành những quy định của pháp luật về thẩm quyền của tòa án cấp phúc thẩm.11 3.1.1 Những mặt tích cực.11 3.1.2 Những mặt hạn chế và nguyên nhân gây ra hạn chế. 12 3.2 Hướng hoàn thiện các quy định của pháp luật về thẩm quyền xét xử của tòa án cấp phúc thẩm.14 3.2.1 Sửa đổi quy định về tính chất phúc thẩm.14 3.2.2 Hoàn thiện quy định về phạm vi xét xử phúc thẩm. 14 3.2.3 Hoàn thiện quy định về quyền quyết định sửa bản án sơ thẩm theo hướng không có lợi cho bị cáo của tòa án cấp phúc thẩm. 15 KẾT LUẬN16

doc17 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 5589 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thẩm quyền của tòa án cấp phúc thẩm trong tố tụng hình sự, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC LỜI MỞ ĐẦU Bộ máy nhà nước ta được tổ chức theo nguyên tắc quyền lực nhà nước thống nhất không phân chia, nhưng có phân công rành mạch giữa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong đó, tòa án là biểu hiện tập trung của quyền tư pháp, nơi đó phản ánh một cách đầy đủ và sâu sắc nhất bản chất nền công lý của chế độ Nhà nước Việt Nam. Để đảm bảo sự thận trọng trong việc xét xử và theo thông lệ chung của các quốc gia trên thế giới, Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) Việt Nam đã quy định nguyên tắc hai cấp xét xử. Theo đó, bản án, quyết định của tòa án sơ thẩm không có hiệu lực ngay mà có thể được kháng cáo, kháng nghị để xét xử lại ở tòa án phúc thẩm. Bản án, quyết định của tòa án phúc thẩm có hiệu lực ngay sau khi tuyên án. Vì thế em đã chọn đề tài: “ Quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thẩm quyền của tòa án cấp phúc thẩm, thực tiễn thi hành và hướng hoàn thiện” để nghiên cứu sau khi hoàn thành chương trình học luật tố tụng Hình sự. NỘI DUNG 1. Lý luận chung về thẩm quyền của tòa án cấp phúc thẩm. 1.1 Xét xử phúc thẩm và cấp xét xử phúc thẩm, Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án đã được xét xử tại Tòa án cấp sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng khi xét xử Tòa án cấp phúc thẩm xem xét, giải quyết vụ án theo nội dung kháng cáo, kháng nghị, bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay sau khi tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định. Cấp XXPT là hình thức tố tụng để xét xử lại vụ án hình sự mà bản án, quyết định của cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật, bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay. 1.2 Thẩm quyền của tòa án. Việc nghiên cứu để đưa ra khái niệm chính xác về thẩm quyền của tòa án có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phân định quyền hạn trong bộ máy nhà nước nói chung và ngành tòa án nói riêng. Trước khi đưa ra được thẩm quyền của tòa án, ta phải biết thẩm quyền nghĩa là gì. Theo định nghĩa của từ điển Luật học thì “thẩm quyền” được hiểu là “tổng hợp các quyền và nghĩa vụ hoạt động, quyết định của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống bộ máy nhà nước do pháp luật quy định”. Khái niệm này gồm hai nội dung chính là quyền hoạt động và quyền quyết định. Trong đó, quyền hoạt động là quyền được làm những công việc nhất định, còn quyền quyết định là quyền hạn giải quyết công việc đó trong phạm vi luật cho phép. Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của tòa án, cùng với việc ra bản án hoặc quyết định để giải quyết những vấn đề về nội dung vụ án, tòa án còn có quyền ra quyết định đảm bảo cho việc xét xử. Ngoài thẩm quyền ra quyết định giải quyết những vấn đề về nội dung vụ án hoặc đảm bảo cho việc xét xử, khi xét xử tòa án còn có quyền ra quyết định khởi tố vụ án, ra quyết định xử lý hành chính…Vì thế ta có thể đưa ra khái niệm thẩm quyền của tòa án như sau: “Thẩm quyền của tòa án là tổng thể các quyền mà pháp luật quy định cho tòa án trong việc xét xử và quyết định về những vụ án theo các quy định của pháp luật” 1.3 Tính chất của xét xử phúc thẩm. Tính chất của phúc thẩm có liên quan chặt chẽ tới thẩm quyền của tòa án cấp phúc thẩm. Để làm rõ thẩm quyền cảu tòa án cấp phúc thẩm cần nhận thức đúng về tính chất của phúc thẩm. Theo Điều 230 – BLTTHS năm 2003 quy định tính chất của xét xử phúc thẩm như sau: “Xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp trên trực tiếp xét lại vụ án hoặc xét lại quyết định sơ thẩm mà bản án, quyết định sơ thẩm đối với vụ án đó chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị”. Theo đó, tính chất của xét xử phúc thẩm là xét xử lại toàn bộ hay một phần của vụ án mà bản án hoặc quyết định sơ thẩm bị kháng cáo hoặc kháng nghị trong thời hạn pháp luật quy định, chứ không phải chỉ xét lại bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật. 1.4 Thẩm quyền của tòa án cấp phúc thẩm. Tòa án có quyền quyết định các vấn đề cụ thể của vụ án sau khi đã xem xét toàn bộ vụ án. Theo những phân tích ở trên, thẩm quyền của tòa án cấp phúc thẩm là toàn bộ các quyền hạn mà pháp luật dành cho tòa án cấp phúc thẩm trong việc xem xét và quyết định các vấn đề cụ thể về các vụ án hình sự đã được các tòa án cấp dưới trực tiếp xét xử sơ thẩm, nhưng bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật do bị kháng cáo, kháng nghị. Trong đó, thẩm quyền về hình thức của tòa án cấp phúc thẩm được thể hiện ở thẩm quyền xét xử phúc thẩm và phạm vi xét xử phúc thẩm. Còn thẩm quyền về nội dung của tòa án cấp phúc thẩm được thể hiện ở quyền quyết định của tòa án cấp phúc thẩm. Như vậy thẩm quyền của tòa án cấp phúc thẩm gồm thẩm quyền xét xử phúc thẩm, phạm vi xét xử phúc thẩm và thẩm quyền quyết định của tòa án cấp phúc thẩm. 2. Quy định của pháp luật về thẩm quyền của tòa án cấp phúc thẩm. 2.1 Thẩm quyền xét xử của tòa án cấp phúc thẩm. Về thẩm quyền xét xử phúc thẩm, theo Điều 20, Điều 28 Luật tổ chức tòa án nhân dân năm 2002, Pháp lệnh tổ chức tòa án quân sự năm 2002, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003 thì thẩm quyền xét xử phúc thẩm được quy định cho những tòa án sau: + Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền xét xử phúc thẩm các vụ án mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị. Về hình sự, thẩm quyền xét xử phúc thẩm được giao cho tòa chuyên trách hình sự của tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. + Tòa án cấp quân khu có thẩm quyền xét xử phúc thẩm các vụ án mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của tòa án quân sự khu vực bị kháng cáo, kháng nghị. + Các tòa phúc thẩm TANDTC có thẩm quyền xét xử phúc thẩm các vụ án mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bị kháng cáo, kháng nghị. Hiện nay, ở nước ta có ba tòa phúc thẩm thuộc tòa án nhân dân tối cáo đặt trụ sở tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. + Tòa án quân sự trung ương có thẩm quyền xét xử phúc thẩm các vụ án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của tòa án quân sự cấp quân khu bị kháng cáo, kháng nghị. 2.2Phạm vi xét xử phúc thẩm. Phạm vi xét xử có thể được hiểu là giới hạn mà pháp luật cho phép tòa án cấp phúc thẩm được xem xét và quyết định khi xét xử phúc thẩm. Nếu quyết định những vấn đề vượt ra ngoài giới hạn này thì được coi là trái pháp luật. Phạm vi xét xử phúc thẩm là một thành tố tạo nên thẩm quyền của tòa án cấp phúc thẩm. Việc Bộ luật tố tụng Hình sự quy định phạm vi xét xử phúc thẩm có ý nghĩa sau: Một là, để đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mà vẫn bảo đảm pháp chế. Hai là, làm cho việc xét xử phúc thẩm không quá nặng nề dẫn đến hệ quả có người cho rằng xét xử phúc thẩm là xét xử vụ án lần hai. Vì những lý do đó, BLTTHS quy đinh phạm vi xét xử phúc thẩm tại Điều 241 như sau: “Tòa án cấp phúc thẩm xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Nếu xét thấy cần thiết thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án”. Như vậy, tòa án cấp phúc thẩm chỉ xử lại toàn bộ vụ án nếu có yêu cầu xét xử lại tòan bộ bản án, về nguyên tắc Tòa án cấp phúc thẩm không xem xét lại phần bản án không có kháng cáo, kháng nghị. Bởi vì, phần đó của bản án đã có hiệu lực pháp luật và những người liên quan trong vụ án đã bằng lòng với phần đó, VKS các cấp qua công tác kiểm sát tư pháp không có kháng nghị. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của bị cáo có kháng cáo, kháng nghị và cho cả bị cáo không kháng cáo, hay không liên quan đến kháng nghị, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn có thể xem xét phần khác của bản án không bị kháng cáo,kháng nghị. 2.3Thẩm quyền quyết định của tòa án cấp phúc thẩm. Thẩm quyền quyết định của tòa án cấp phúc thẩm dường như là phần xương sống trong toàn bộ thẩm quyền của tòa án cấp phúc thẩm. Nếu như không phải là người nghiên cứu pháp luật, khi nhắc đến thẩm quyền của tòa án thì ta chỉ quan tâm đến phần này, phần này trả lời cho ta câu hỏi, tòa án cấp phúc thẩm được quyết định những vấn đề gì. Thẩm quyền quyết định của tòa án cấp phúc thẩm được quy định tại Khoản 2 Điều 248 – BLTTHS. Theo đó, tòa án cấp phúc thẩm có quyền quyết định: “a, Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm; b, Sửa bản án sơ thẩm; c, Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại; d, Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án”. 2.3.1Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm. BLTTHS năm 2003 hiện nay không quy định cụ thể trường hợp nào thì Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhân kháng cáo, kháng nghị, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Trên thực tế, các trường hợp tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị cũng không được xác định lý do cụ thể. Tuy nhiên, theo những quy định của bộ luật tố tụng hình sự hiện nay, việc tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị được chia làm hai trường hợp chính đó là không chấp nhận về hình thức và không chấp nhận về nội dung. Thứ nhất, kháng cáo, kháng nghị không được chấp nhận về mặt hình thức thường là kháng cáo, kháng nghị không đúng thẩm quyền, thủ tục, thời hạn do luật quy định. Trong thực tế, trường hợp này thường xảy ra đối với kháng cáo, vì Viện kiểm sát kháng nghị sai thẩm quyền hoặc quá thời hạn là rất ít xảy ra. Thứ hai, kháng cáo, kháng nghị không được chấp nhận về mặt nội dung khi các yêu cầu trong kháng cáo, kháng nghị không có căn cứ pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử chính xác, khách quan không có lý do gì để làm thay đổi bản án hoặc quyết định của tòa án. Theo nguyên tắc thì tòa án cấp phúc thẩm khi đã không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị thì phải giữ nguyên bản án. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có trường hợp tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị nhưng không ra quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm vì có lý do sửa hay hủy bản án này. Ví dụ, trong một vụ án đồng phạm, hội đồng xét xử bác kháng nghị tăng nặng hình phạt đối với bị cáo A (tức là A vẫn được giữ nguyên hình phạt như trong bản án của tòa sơ thẩm) nhưng lại giảm hình phạt đối với bị cáo B không có kháng cáo. Theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 248 thì tòa án cấp phúc thẩm khi không chấp nhận kháng cáo kháng nghị thì phải quyết định giữ nguyên bản án, nhưng theo quy định về phạm vi xét xử của tòa án cấp phúc thẩm tại Điều 241 – BLTTHS thì tòa án cấp phúc thẩm có thể được xem xét các phần khác không được kháng cáo kháng nghị của bản án. Vì thế, theo em, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn có quyền không chấp nhận kháng nghị, kháng cáo đồng thời vẫn có thể quyết định sửa bản án, hủy bản án để điều tra lại hoặc hủy bản án và đình chỉ vụ án đối với những phần khác của bản án không bị kháng nghị, kháng cáo nếu có căn cứ pháp luật. 2.3.2Sửa bản án sơ thẩm. Sửa bản án sơ thẩm là việc tòa án cấp phúc thẩm làm thay đổi nội dung của bản án sơ thẩm trong những trường hợp luật định. Theo quy định tại Điều 249 – BLTTHS năm 2003 thì tòa án cấp phúc thẩm có quyền sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi hoặc không có lợi cho bị cáo. 2.3.2.1 Sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo. Theo Khoản 1, 2 của Điều 249 BLTTHS năm 2003 thì khi sửa bản án theo hướng có lợi cho bị cáo, tòa án cấp phúc thẩm không bị phụ thuộc vào nội dung của kháng nghị, kháng cáo. Tòa án có quyền sửa bản án theo hướng có lợi cho bị cáo ngay cả khi kháng cáo, kháng nghị có yêu cầu tăng nặng hình phạt đối với bị cáo nhưng có căn cứ giảm hình phạt. Đối với bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị, nếu có căn cứ, tòa án cấp phúc thẩm vẫn có thể sửa bản án theo hướng giảm nhẹ hình phạt hoặc mức bồi thường thiệt hại cho bị cáo. Tuy nhiên, khi tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án theo hướng có lợi cho bị cáo thì không được làm ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng khác như người bị hại, nguyên đơn dân sự. 2.3.2.2 Sửa bản án theo hướng không có lợi cho bị cáo. Tại khoản 3 Điều 249 – BLTTHS quy định: “Trong trường hợp VKS kháng nghị hoặc người bị hại kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm có thể tăng hình phạt, áp dụng điều khoản Bộ luật Hình sự về tội nặng hơn, tăng mức bồi thường thiệt hại…Tòa án vẫn có thể giảm hình phạt, áp dụng điều khoản Bộ luật Hình sự về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo, giảm mức bồi thường thiệt hại”. Theo đó, tòa án cấp phúc thẩm có quyền tăng hình phạt, áp dụng hình phạt tội nặng hơn đối với bị cáo khi có kháng cáo của người bị hại, kháng nghị của VKS yêu cầu. Tòa án cấp phúc thẩm chỉ được sửa bản án theo hướng không có lợi cho bị cáo khi có kháng cáo của người bị hại, kháng nghị của Viện kiểm sát yêu cầu. Nếu chỉ có kháng cáo, kháng nghị theo hướng có lợi cho bị cáo, thì tòa án cấp phúc thẩm chỉ có thể y án sơ thẩm hoặc sửa bản án sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo. Việc tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án theo hướng không có lợi cho bị cáo chỉ áp dụng với những bị cáo bị kháng nghị, kháng cáo mà không áp dụng đối với bị cáo không bị kháng cáo, kháng nghị. BLTTHS quy định như trên để đảm bảo hiệu lực của chế định kháng cáo, kháng nghị, bảo đảm tính ổn định của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị cũng như quyền và lợi ích của bị cáo và thực hiện đúng nguyên tắc của Luật tố tụng hình sự là “không làm xấu hơn tình trạng của bị cáo”. 2.3.3 Hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại hoặc xét xử lại Hủy bản án sơ thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm quyết định phủ nhận hoàn toàn kết quả xét xử ở cấp sơ thẩm với các lý do khác nhau và vì những mục đích khác nhau. Trong quy định tại Điều 250 – BLTTHS thì việc hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại có những lý do sau đây: Thứ nhất, tòa án cấp phúc thẩm sẽ hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại nếu “nhận thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm không đầy đủ mà cấp phúc thẩm không thể bổ sung được”. Theo đó, tòa án cấp phúc thẩm có quyền hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại khi hội tụ đủ hai điều kiện là: Việc điều tra ở cấp phúc thẩm không đầy đủ và cấp phúc thẩm không thể bổ sung được. Song, các văn bản hướng dẫn hiện nay không giải thích rõ thế nào là điều tra không đầy đủ. Nên qua thực tiễn thi hành, ta có thể hiểu, điều tra không đầy đủ mà tòa án cấp phúc thẩm không thể tự bổ sung là hồ sơ vụ án thiếu những yếu tố thuộc đối tượng chứng minh bắt buộc của vụ án như các chứng cứ có tình tiết định tội, gỡ tội, xác định các tình tiết ảnh hưởng đến hình phạt. Hiện nay, nếu phát hiện những trường hợp cơ quan điều tra vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra thì Tòa án phúc thẩm chỉ hủy án sơ thẩm để xét xử lại, để trong quá trình chuẩn bị xét xử Tòa án cấp sơ thẩm ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Thứ hai, tòa án cấp phúc thẩm sẽ hủy bản án của tòa án cấp sơ thẩm nếu như thành phần xét xử sơ thẩm không đúng luật quy định hay có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng (Khoản 2 Điều 250 – BLTTHS năm 2003). Theo đó, tòa án cấp phúc thẩm có quyền hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại trong hai trường hợp + Thành phần Hội đồng xét xử không đúng luật. Đây là trường hợp luật quy định thành phần HĐXX phải có hai thẩm phán và ba Hội thẩm khi xét xử bị cáo về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình nhưng HĐXX lại không đủ như thế. Hoặc trường hợp xét xử bị cáo là người chưa thành niên thì thành phần HĐXX bắt buộc phải có một Hội thẩm nhân dân là giáo viên hoặc cán bộ Đoàn mà HĐXX không thỏa mãn điều kiện đó thì cũng bị coi là không đúng luật và sẽ bị tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án. + Có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng, theo quy định tại mục 4.4 Chương I của Nghị quyết 04/2004/NQ – HĐTP của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần “Xét xử sơ thẩm” của BLTTHS thì: “Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là trường hợp BLTTHS quy định bắt buộc phải tiến hành hoặc tiến hành theo thủ tục tố tụng đó, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng bỏ qua hoặc thực hiện không đúng xâm phạm nghiêm trọng đến quyền lợi của bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc làm cho việc giải quyết vụ án thiếu khách quan toàn diện.”. Trên thực tế, những trường hợp tòa án cấp phúc thẩm cho là tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng có thể là: Xét xử sai thẩm quyền, không có người bào chữa trong những trường hợp luật quy định bắt buộc phải có, xét xử vắng mặt bị cáo không đúng các trường hợp luật định… 2.3.4Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Điều 251 – BLTTHS quy định: “Khi có một trong những căn cứ quy định tại điểm 1 và điểm 2 Điều 107 của Bộ luật này thì Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án, nếu có một trong những căn cứ quy định tại điểm 3, 4, 5, 6 và 7 của Điều 107 của Bộ luật này thì hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án”. Theo đó, tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự quy định tại Điều 107 – BLTTHS. Đó là những căn cứ: Không có sự việc phạm tội; hành vi phạm tội không cấu thành tội phạm; người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự; người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật; đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; tội phạm đã được đại xá; người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác. Trong những căn cứ trên, chỉ có căn cứ “không có sự việc phạm tội ” hoặc “hành vi không cấu thành tội phạm” thì tòa án cấp phúc thẩm mới hủy bản án sơ thẩm tuyên bố bị cáo vô tội và đình chỉ vụ án. Vì đối với hai căn cứ này, bị cáo đã bị kết tội oan vì không có sự việc phạm tội xảy ra hoặc tội có thực hiện nhưng hành vi đó không cấu thành tội phạm mà vẫn bị tòa án cấp sơ thẩm kết tội, nên cùng với việc hủy bản án sơ thẩm, tòa án cấp phúc thẩm phải tuyên bố bị cáo không có tội để minh oan cho họ. Còn các căn cứ còn lại, tòa án cấp phúc thẩm không tuyên bố bị cáo không có tội mà chỉ hủy bản án và đình chỉ vụ án, vì thực chất bị cáo đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, tòa án cấp sơ thẩm kết tội họ là không oan, nhưng do hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, tội phạm đã được đại xá… nên không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự ra bản án kết tội họ nữa. Trên thực tế, khi thực hiện quyền hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án, Tòa án cấp phúc thẩm cũng đồng thời giải quyết các hậu quả pháp lý của việc đình chỉ vụ án. Ví dụ như, tòa án cấp phúc thẩm phải giải quyết việc khôi phục quyền lợi, danh dự, nhân phẩm cho người được tuyên bố vô tội. 3. Thực tiễn thi hành và hướng hoàn thiện các quy định của pháp luật về thẩm quyền của tòa án cấp phúc thẩm. 3.1 Thực tiễn thi hành những quy định của pháp luật về thẩm quyền của tòa án cấp phúc thẩm. 3.1.1 Những mặt tích cực. Khi BLTTHS năm 2003 được ban hành thực sự đã mang lại một bộ mặt mới cho các hoạt động tố tụng hình sự nói chung và hoạt động của tòa án nói riêng. Bộ luật năm 2003 đã sửa đổi những điểm bất cập, không hợp lý của BLTTHS năm 1988 để luật tố tụng hình sự thực hiện một cách nhất quán hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt sau khi BLTTHS năm 2003 được ban hành thì những quy định về thẩm quyền của tòa án cấp phúc thẩm rõ ràng hơn, hợp lý hơn nhiều, tạo thuận lợi cho tòa án cấp phúc thẩm thực hiện nhiệm vụ của mình hiệu quả. Biểu hiện là: + Hàng năm số lượng vụ án mà tòa án cấp phúc thẩm phải thụ lý là rất lớn nhưng Tòa án cấp phúc thẩm vẫn cố gắng trong giải quyết, xét xử nhanh chóng, kịp thời, đúng hạn, hạn chế đến mức thấp nhất lượng án tồn đọng. Càng về đây tỷ lệ án được giải quyết xét xử càng cao. (xem bảng 3.1) Năm Số lượng án phải thụ lý Số án giải quyết, xét xử phúc thẩm (kể cả số rút kháng cáo, kháng nghị) Số vụ Tỷ lệ số vụ đã giải quyết/ số vụ thụ lý 2005 13498 12735 94,34% 2006 14285 13485 94,39% 2007 15127 14480 95,72% + Chất lượng xét xử ngày càng được nâng cao, nhìn chung việc xét xử ở cấp phúc thẩm ngày càng được nâng cao và bảo đảm, góp phần sửa chữa kịp thời những sai lầm, vi phạm của tòa án cấp sơ thẩm, bảo đảm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ xét xử tội phạm. Điều này thể hiện ở việc hàng năm số lượng án được xét xử phúc thẩm tuy rất lớn và có chiều hướng ra tăng nhưng số lượng án bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được thụ lý ở Tòa án nhân dân tối cao là giảm.Ví dụ năm 2005, tòa án cấp phúc thẩm đã giải quyết 12735 vụ án nhưng chỉ có 85 vụ án được thụ lý giám đốc thẩm; năm 2007 tòa án cấp phúc thẩm xét xử 12238 vụ án nhưng chỉ có 83 vụ án thụ lý giám đốc thẩm. Không kể các trường hợp có thể tiêu cực nhưng chúng ta phải thấy chất lượng xét xử của tòa án cấp phúc thẩm nhìn chung là bảo đảm. 3.1.2 Những mặt hạn chế và nguyên nhân gây ra hạn chế + Tình trạng tồn đọng án tại tòa án cấp phúc thẩm hàng năm vẫn còn tương đối cao. Theo số liệu thống kê hàng năm cho thấy tốc độ giải quyết, xét xử ở tòa án cấp phúc thẩm vẫn còn chậm, tình trạng tồn đọng án vẫn còn nhiều. + Vẫn còn nhiều vụ án đã xét xử phúc thẩm nhưng bản án bị tòa giám đốc thẩm hủy để điều tra lại. Nguyên nhân chủ yếu tòa giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm để điều tra lại là: -Có sai lầm trong việc định tội danh: Dù qua rất nhiều giai đoạn tố tụng, cho đến giai đoạn xét xử phúc thẩm mà tình trạng định tội danh sai không phải là hiếm. Lỗi này của tòa án cấp phúc thẩm là do những người tiến hành tố tụng không nắm chắc yếu tố cấu thành tội phạm. Ví dụ: bị cáo phạm tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (Điều 140 – Bộ luật Hình sự) thì lại xử thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ( Điều 139 – Bộ luật Hình sự ). -Áp dụng hình phạt quá nhẹ. -Áp dụng quy định về án treo không đúng những căn cứ của pháp luật. -Vi phạm thủ tục tố tụng hình sự. Hàng năm lượng đơn từ, khiếu nại đề xuất việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật gửi tới các cơ quan có thẩm quyền vẫn còn nhiều và xu hướng là năm sau cao hơn năm trước và thực tế là số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đối với bản án, quyết định phúc thẩm chiếm đa số và được gửi tới tòa án nhân dân tối cao để xem xét giải quyết. Ví dụ: năm 2006 số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà TANDTC phải giải quyết là 10900 đơn tăng hơn năm trước 1751 đơn, năm 2007 số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà TANDTC phải giải quyết là 11626 đơn tăng hơn năm trước 726 đơn. Điều đó cho thấy chất lượng xét xử phúc thẩm vẫn còn chưa thực sự đảm bảo trong nhiều trường hợp. Nguyên nhân việc xét xử phúc thẩm còn nhiều trường hợp chưa đảm bảo chất lượng về chủ quan là do trình độ chuyên môn của những người tiến hành tố tụng còn hạn chế dẫn đến nhận thức không đúng tinh thần của điều luật như không nắm vững lý luận về cấu thành tội phạm nên định tội sai, định khung hình phạt và quyết định hình phạt không chính xác. Việc hiểu và vận dụng các văn bản pháp luật và văn bản hướng dẫn không đúng và thống nhất nên tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm không có căn cứ. Về khách quan, do quy định của BLTTHS năm 2003 về thẩm quyền của tòa án cấp phúc thẩm vẫn chưa thực sự rõ rang cụ thể, hướng dẫn áp dụng pháp luật chưa kịp thời đầy đủ dẫn đến lúng túng trong nhận thức và khó khăn cho các tòa án cấp phúc thẩm áp dụng để xét xử. 3.2 Hướng hoàn thiện các quy định của pháp luật về thẩm quyền xét xử của tòa án cấp phúc thẩm. 3.2.1 Sửa đổi quy định về tính chất phúc thẩm. Thứ nhất, theo hướng cải cách tư pháp hiện nay, chúng ta không phân chia hệ thống tòa án theo nguyên tắc hành chính lãnh thổ nữa mà phân chia hệ thống tòa án theo cấp xét xử với tòa án cấp sơ thẩm và tòa án cấp phúc thẩm. Theo đó, quan hệ giữa các tòa án sẽ không còn là quan hệ mang nặng tính hành chính như hiện nay mà là quan hệ tố tụng. Vì thế để phù hợp với xu hướng cải cách tư pháp, Điều 230 – BLTTHS nên thay đổi việc xác định thẩm quyền xét xử phúc thẩm là “tòa án cấp trên trực tiếp ” thành “tòa án cấp phúc thẩm”. Thứ hai, theo Điều 230 – BLTTHS thì tính chất của phúc thẩm là việc tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại những bản án hoặc quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo kháng nghị. Nhưng không phải toàn bộ bản án, quyết định sơ thẩm cứ bị kháng cáo, kháng nghị là chưa có hiệu lực pháp luật. Mặt khác, theo quy định về hậu quả của việc kháng cáo, kháng nghị tại Điều 237 – BLTTHS năm 2003 thì chỉ phần của bản án bị kháng nghị, kháng cáo mới chưa được đưa ra thi hành. Vì thế phần bản án không bị kháng nghị, kháng cáo sẽ có hiệu lực pháp luật và thi hành bình thường. Việc quy định tính chất phúc thẩm như trên dễ gây cho người áp dụng nhầm lẫn là khi có kháng nghị, kháng cáo dù chỉ một phần của bản án sơ thẩm thì toàn bộ bản án sơ thẩm cũng chưa có hiệu lực pháp luật. Nên cần phải sửa đổi quy định này chỉ rõ tính chất của phúc thảm là việc tòa án cấp trên trực tiếp xét xử lại những phần bản án bị kháng cáo hoặc kháng nghị trong thời hạn pháp luật quy định. Như vậy, chúng ta nên sửa Điều 230 như sau: “Phúc thẩm là việc tòa án câos phúc thẩm xét xử lại toàn bộ hay một phần vụ án mà bản án hoặc quyết định sơ thẩm bị kháng cáo hoặc kháng nghị trong thời hạn pháp luật quy định”. 3.2.2 Hoàn thiện quy định về phạm vi xét xử phúc thẩm. Theo Điều 214 – BLTTHS thì tòa án cấp phúc thẩm có thể xem xét các phần khác không bị kháng cáo, kháng nghị của bản án nếu xét thấy cần thiết. Song “cần thiết ” là trường hợp nào thì chưa được quy định cụ thể trong Bộ luật tố tụng Hình sự. Vì thế, cụm từ “nếu xét thấy cần thiết” là không rõ ràng, chưa chặt chẽ cần phải được quy định cụ thể. Theo đó, cần phải quy định theo hướng ghi rõ trường hợp nào thì tòa án cấp phúc thẩm được quyền xét xử các phần khác không bị kháng cáo của bản án, quyết định sơ thẩm. Theo em đọc một số tài liệu và em cho là cũng hợp lý thì chúng ta cần quy định phạm vi xét xử phúc thẩm như sau: “Tòa án cấp phúc thẩm xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị. Nếu tòa án cấp phúc thẩm thấy có căn cứ để sửa hoặc hủy bản án theo hướng có lợi về mặt hình sự cho bị cáo không có kháng cáo, kháng nghị nhưng có liên quan đến kháng cáo, kháng nghị đang được giải quyết thì mới được xem xem xét đến phần bản án không bị kháng cáo, kháng nghị” 3.2.3 Hoàn thiện quy định về quyền quyết định sửa bản án sơ thẩm theo hướng không có lợi cho bị cáo của tòa án cấp phúc thẩm. Thứ nhất, theo quy định tại Điều 249 – BLTTHS năm 2003 thì cơ sở để tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng tăng hình phạt, áp dụng điều khoản BLHS về tội nặng hơn, tăng mức bồi thường thiệt hại chỉ khi có yêu cầu trong kháng nghị của VKS hoặc kháng cáo của người bị hại.Theo đó, nếu đại diện hợp pháp của người bị hại, người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự có kháng cáo yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm giải quyết theo hướng không có lợi cho bị cáo thì không được chấp nhận. Trên thực tế, không phải người bị hại nào, nguyên đơn dân sự nào cũng có khả năng làm kháng cáo (người bị hại đang phải nằm trong bệnh viện trong tình trạng bất tỉnh, người bị hại chưa thành niên). Như vậy, hiệu lực của kháng cáo quy định cho những người này tại BLTTHS năm 2003 chưa đầy đủ và chưa đảm bảo quyền kháng cáo những người tham gia tố tụng. Vì thế, theo em ta phải bổ sung vào Khoản 3 Điều 249 những điều sau: Bổ sung cơ sở để tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng tăng nặng về mặt hình sự và dân sự đó là khi có kháng cáo có căn cứ của người đại diện hợp pháp của người bị hại; bổ sung thêm cơ sở để tòa án cấp phúc thẩm tăng mức bồi thường thiệt hại khi có kháng cáo của nguyên đơn dân sự, người đại diện hợp pháp của họ hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự là người bị hại, nguyên đơn dân sự là người chưa thành niên, có nhược điểm về tâm thần, thể chất. Thứ hai, hiện nay, trong BLTTHS chưa quy định những trường hợp khi tòa án cấp phúc thẩm quyết định sửa bản án theo hướng tăng nặng tội, áp dụng các điều khoản BLHS về tội nặng hơn mà có thể vi phạm đến quyền được bào chữa của bị cáo (quy định tại khoản 2 Điều 57 - BLTTHS) hoặc thành phần Hội đồng xét xử. Ví dụ, nếu tòa án cấp phúc thẩm tăng nặng hình phạt đối với bị cáo đến mức tử hình thì hội đồng xét xử phải là năm thành viên, và bị cáo bắt buộc phải có người bào chữa. Vì thế, trong khoản 3 Điều 249 phải quy định thêm trường hợp: “Nếu trường hợp tăng nặng khung hình phạt tòa án cấp phúc thẩm cần phải đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo, đảm bảo quy định về thành phần Hội đồng xét xử .” KẾT LUẬN Với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, nền tư pháp của chúng ta cũng phải chuyển mình theo. Phải nói rằng, với sự ra đời của BLTTHS năm 2003 thay thế cho BLTTHS năm 1988 đã làm cho các thủ tục tố tụng hình sự thêm rõ ràng, chính xác góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động xét xử của tòa án nói chung và tòa án cấp phúc thẩm nói riêng. Tuy những quy định của pháp luật về thẩm quyền tòa án cấp phúc thẩm vẫn còn nhiều bất cập, việc áp dụng các quy định của pháp luật trong nội dung này vẫn chưa được hoàn thiện. Nhưng trong thời gian tới, với cơn gió cải cách tư pháp, hy vọng rằng pháp luật của chúng ta sẽ hoàn thiện để tòa án cấp phúc thẩm hoạt động có hiệu quả hơn. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1.Giáo trình Luật Tố tụng hình sự - Đại học Luật Hà Nội – Nxb Tư pháp 2.Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. 3.Vũ Văn Huyên – thẩm quyền của các cấp tòa án trong Tố tụng Hình sự - Luận án tiến sĩ – năm 2003. 4.Vũ Gia Lâm – Nguyên tắc hai cấp xét xử trong Tố tụng hình sự Việt Nam – Luận án tiến sĩ – năm 2008. 5.Tòa án nhân dân tối cao (2005), Báo cáo tổng kết công tác năm 2005 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2006 của ngành tòa án nhân dân Hà Nội. 6.Tòa án nhân dân tối cao (2006), Báo cáo tổng kết 4 năm thực hiện Nghị quyết 08/NQ- TW của Bộ chính trị- Tòa án nhân dân Hà Nội. 7.Báo cáo tổng kết công tác năm 2007 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2008 của ngành tòa án nhân dân Hà Nội.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docThẩm quyền của tòa án cấp phúc thẩm trong tố tụng hình sự.doc
Luận văn liên quan