Những kết quả nghiên cứu của tập thể tác giả là
những bổ sung quan trọng vào khoa học pháp lý nói
chung, khoa học Luật Hiến pháp nước ngoài ở Việt
Nam nói riêng, góp phần nâng cao nhận thức lý luận
về thể chế chính trị và tổ chức bộ máy Nhà nước các
nước ASEAN. Công trình có thể làm tài liệu tham
khảo cho việc nghiên cứu và giảng dạy về Nhà nước
và pháp luật nói chung và nhất là Luật Hiến pháp
nước ngoài nói riêng.
16 trang |
Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 3027 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thể chế chính trị và tổ chức bộ máy nhà nước các nước ASEAN, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY
NHÀ NƯỚC CÁC NƯỚC ASEAN
PHONG LAN
Tổng thuật của phóng viên Tạp chí Khoa học pháp lý
Nay là tên đề tài khoa học cấp Bộ, mang mã số B 98-
26-04 được tập thể giảng viên Khoa luật Hành chính
Trường Đại học Luật TP. HCM cùng một số cán bộ
nghiên cứu Viện Đông Nam Á thuộc Trung tâm
Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia thực hiện do
Thạc sĩ Trương Đắc Linh, Phó Trưởng khoa làm chủ
nhiệm đề tài. Đề tài vừa được Hội đồng Khoa học
của Bộ giáo dục và Đào tạo tổ chức nghiệm thu với
kết quả đánh giá rất tốt.
Như tên gọi của đề tài, dưới giác độ Luật Hiến pháp,
các tác giả đã tập trung phân tích một số nội dung cơ
bản về thể chế chính trị và tổ chức bộ máy của 9
nước ASEAN (trừ Việt Nam). Nội dung đề tài được
chia thành hai phần rõ rệt. PHẦN CHUNG tập trung
nghiên cứu những vấn đề cơ bản của các nước
ASEAN như: Tổng quan về các nước ASEAN, chế
độ chính trị, hình thức chính thể và hình thức cấu trúc
nhà nước, nghị viện, nguyên thủ quốc gia, chính phủ,
cơ quan tư pháp và hệ thống chính quyền địa phương.
Từ những vấn đề chung đó, trong PHẦN RIÊNG, các
tác giả đi vào phân tích cụ thể 9 nước để tìm ra những
điểm đặc thù về thể chế chính trị và tổ chức bộ máy
Nhà nước của từng nước ASEAN.
1. Về thể chế chính trị các nước ASEAN, các tác giả
đã xác định được những đặc điểm chủ yếu sau :
Một là, thể chế chính trị của các nước ASEAN (trừ
Thái Lan) từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay
gắn liền với quá trình đấu tranh giành và giữ vững
nền độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
Sự lựa chọn con đường phát triển TBCN hay XHCN
là một trong những yếu tố quyết định tính chất và đặc
điểm của hình thức chính thể và tổ chức bộ máy Nhà
nước các nước ASEAN. Trong số 8 nước đi theo con
đường phát triển TBCN, có 4 nước theo hình thức
chính thể quân chủ lập hiến (Brunây, Campuchia,
Malaixia, Thái Lan); Xingapo có hình thức chính thể
cộng hòa đại nghị theo mô hình của nước Anh. Riêng
Mianma, theo Hiến pháp năm 1947 là chính thể cộng
hòa dân chủ đại nghị, nhưng từ sau các cuộc đảo
chính quân sự (năm 1962-1974 và năm 1988), thể chế
chính trị của Mianma đến nay vẫn đang là chế độ
quân sự. Nước Lào từ một nước thuộc địa nửa phong
kiến, sau khi giành được độc lập đã đi theo con
đường phát triển XHCN với hình thức chính thể cộng
hòa dân chủ nhân dân.
Hai là, ở các nước ASEAN phát triển theo con đường
TBCN, phải trải qua nhiều biến động, nhiều xung đột
gay gắt, giai cấp tư sản và địa chủ tại các nước này
mới dần dần giữ được vị trí thống trị của mình. Nền
dân chủ tư sản ở các nước ASEAN chịu ảnh hưởng
và mô phỏng dân chủ tư sản phương Tây, mức độ
nhiều ít khác nhau tùy thuộc vào điều kiện và hoàn
cảnh cụ thể của mỗi nước. Nhưng do đặc điểm lịch sử
và điều kiện kinh tế – xã hội của những nước này
không có sự tương đồng như các nước phương Tây,
nên không tạo ra nền tảng cho việc thực thi các thể
chế dân chủ tư sản, mà chỉ là “bức tranh biếm họa”
của mô hình dân chủ tư sản phương Tây. Điển hình là
chế độ cộng hòa tổng thống của Philippin, Inđônêxia
với sự thống trị độc tài, quân phiệt và nạn tham
nhũng nặng nề của giới chóp bu cầm quyền xung
quanh tổng thống (như thời kỳ cầm quyền của
Marcos với lệnh thiết quân luật hơn mười năm trời
trên toàn nước Philippin từ đêm 21/9/1972; cũng như
suốt 32 năm của cái gọi là “Trật tự mới” dưới thời
cầm quyền của Xuhactô ở Inđônêxia…).
Ba là, sau những biến động chính trị – xã hội sâu sắc
bởi sự thao túng của giới quân sự (Inđônêxia,
Philippin, Mianma) đã để lại hậu quả nặng nề về
nhiều mặt tại các quốc gia này nên những năm gần
đây, khuynh hướng dân chủ hóa đời sống chính trị
của đất nước và dân sự hóa bộ máy Nhà nước đang
thắng thế ở một loạt nước ASEAN. Ví dụ, năm 1986
đã chấm dứt 21 năm cầm quyền của Marcos, một
“Tổng thống có một bàn tay sắt” với chế độ độc tài
do ông ta tạo ra ở Philippin; sự ra đi của Tổng thống
Xuhactô sau 32 năm cầm quyền và sự lùi bước của
phe quân sự trước phe dân sự ở Inđônêxia; hoặc các
thế lực quan liêu, quân phiệt đã không ngăn cản và
đàn áp được các lực lượng dân sự và tiến bộ ở Thái
Lan (điển hình là “cuộc cách mạng của sinh viên”
vào những năm 1973 – 1976, cũng như xu hướng dân
sự hóa bộ máy Nhà nước ở Thái Lan hiện nay…).
Bốn là, do tính phức tạp, đa dạng về sắc tộc, tôn giáo,
cũng như sự phân hóa ngay trong nội bộ giai cấp tư
sản của các nước ASEAN và ảnh hưởng của nền dân
chủ phương Tây, nên các nước ASEAN (trừ Lào) đều
có rất nhiều đảng phái chính trị (ví dụ: Inđônêxia có
gần 100 đảng chính trị, Thái Lan có hàng trăm đảng
phái khác nhau…). Nhưng thực tế cho thấy, ở những
nước này chỉ có một hoặc liên minh một số đảng nhất
định cầm quyền. Ví dụ: Đảng Nhân dân hành động
(PAP) là đảng duy nhất cầm quyền ở Xingapo liên
tục từ năm 1959 đến nay; ở Malaixia, Đảng Dân tộc
Mã Lai thống nhất (UMNO) cầm quyền suốt 40 năm
qua,v.v.. Đây là điều kiện bảo đảm ổn định về chính
trị và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước ở những
nước này trong những năm vừa qua, nhất là Xingapo.
2. Về tổ chức bộ máy Nhà nước các nước ASEAN,
các tác giả cũng nêu rõ hai đặc điểm:
Thứ nhất, do ảnh hưởng nguyên mẫu Nhà nước của
các nước thực dân từng đô hộ ở các nước ASEAN,
nên bộ máy Nhà nước của các nước này (trừ Brunây,
Lào, Mianma), về cơ bản theo nguyên tắc phân
quyền. Tùy theo hình thức chính thể của các nước mà
nội dung, tính chất và mức độ của nguyên tắc phân
quyền được thể hiện khác nhau, thông qua các thiết
chế của bộ máy Nhà nước. Ví dụ, Philippin vốn là
thuộc địa kiểu mới của Mỹ nên “sao chép” mô hình
cộng hòa tổng thống của nước Mỹ; nguyên tắc phân
quyền của cộng hòa đại nghị Xingapo là theo chế độ
đại nghị của nước Anh, có sự cách tân phần nào chế
định nguyên thủ quốc gia bằng việc bầu cử trực tiếp
Tổng thống…
Thứ hai, về các thiết chế của bộ máy Nhà nước các
nước ASEAN cũng có một số đặc điểm khác với các
nước. Chẳng hạn, về cơ quan đại diện quyền lực Nhà
nước cao nhất của các nước ASEAN (nghị viện hay
Quốc hội) thì trừ Lào và Xingapo, Quốc hội chỉ có
một viện, còn đa số các nước như Campuchia,
Inđônêxia, Malaixia, Philippin, Thái Lan, Quốc hội
có hai viện, nhưng tên gọi, thẩm quyền của các viện
này không hoàn toàn giống nhau (riêng Mianma và
Brunây hiện nay không có Quốc hội hoặc Nghị viện).
Trong tổng số đại biểu Quốc hội của một số nước
ASEAN có những đại biểu không qua con đường bầu
cử mà do được bổ nhiệm hoặc chỉ định. Ví dụ, Nghị
viện Malaixia có 40 Thượng Nghị sĩ do Quốc vương
chỉ định; Quốc hội Inđônêxia có 38 đại biểu do quân
đội cử, còn 425 đại biểu do dân bầu. Nhiệm kỳ Quốc
hội của các nước ASEAN thường là 5 năm, riêng
Philippin, Hạ nghị viện có nhiệm kỳ 3 năm, Thượng
Nghị viện nhiệm kỳ là 6 năm, nhưng cứ 3 năm có
một nửa số Thượng nghị sĩ (12/24) được bầu lại.
3. Về nguyên thủ quốc gia ở các nước ASEAN, theo
các tác giả, ở những nước theo chính thể cộng hòa
tổng thống (Philippin, Inđônêxia), do sự tồn tại của
chủ nghĩa tư bản gia đình (hay còn gọi là chủ nghĩa
tư bản thân tín – “Crony – Capitalism” ), Tổng thống
là trung tâm quyền lực tập trung xung quanh mình
những người thân trong gia đình Tổng thống, bạn bè
cũng như những thân hữu là các quan chức địa
phương, cảnh sát, quân đội và các nhà kinh doanh…
Dựa vào mối quan hệ này mà Tổng thống duy trì địa
vị của mình, ngược lại, tầng lớp thân thuộc này của
Tổng thống cũng lại dựa vào quyền lực của Tổng
thống để tồn tại, tham nhũng, kiếm lời bất chính. Ví
dụ, thời kỳ Tổng thống Marcos cầm quyền từ 1967 –
1983, hàng trăm nhân vật nhờ sự bảo trợ của Tổng
thống trở nên giàu có, ngay cả cận vệ của Marcos là
tướng Ver cũng được cất nhắc lên Bộ trưởng Bộ
Quốc phòng, trở thành nhà tỉ phú ở Philippin. Hoặc
Xuhactô đã sử dụng quyền lực tối cao của Tổng
thống để ban phát cho con cháu và các thuộc hạ thân
tín nắm giữ nhiều tổ hợp công nghiệp, chi phối và
kiểm soát các ngành kinh tế then chốt của đất nước
(như: khai thác dầu mỏ, khí đốt, xe hơi, máy bay,
ngân hàng, kinh doanh bất động sản…). Tài sản của
Xuhactô và 6 người con hiện nay được ước tính
khoảng 50 tỷ USD, 10 người cháu của Xuhactô cũng
đang kiểm soát nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng với
giá trị tài sản hàng chục triệu USD. Các tướng lĩnh và
thuộc hạ thân tín của Xuhactô cũng được ban phát
nhiều đặc quyền, đặc lợi, v.v... Trong khi đó
Inđônêxia hiện đang nợ nước ngoài khoảng 140 tỷ
USD, nợ trong nước khoảng 60 tỷ USD.
Ở những nước theo hình thức chính thể quân chủ lập
hiến (Thái Lan, Malaixia, Campuchia, Mianma),
khác với Vua các nước trên thế giới “trị vì nhưng
không cai trị”, Vua hay Quốc vương của các nước
này vẫn là “trung tâm quyền lực”. Ví dụ, Quốc vương
Brunây kiêm cả Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng
và kiêm cả Bộ trưởng Tài chính (từ năm 1998); hoặc
vai trò và quyền lực thực tế của Vua Thái Lan là rất
lớn, lớn hơn nhiều so với quy định của Hiến pháp.
Cuộc khủng hoảng chính trị tháng 5/1992 và cuối
năm 1997 cho thấy các phe phái đều phải “nghe theo
lời khuyên của Vua”. Việc nối ngôi ở các nước này
cũng không theo nguyên tắc “cha truyền con nối”
như các nước khác trên thế giới mà có thể do bầu
theo nhiệm kỳ (Malaixia), hoặc do Hội đồng Hoàng
gia cử chọn Quốc vương (Campuchia); hoặc “vĩnh
hằng” theo quy định của Hiến pháp (khoản 1, Điều
313 Hiến pháp 1997 của Thái Lan).
4. Về cơ quan hành pháp các nước ASEAN, các tác
giả cho rằng, dù theo hình thức chính thể nào thì ở
các nước ASEAN, hành pháp vẫn là trung tâm của
quyền lực Nhà nước và thuộc về Chính phủ. Hành
pháp có thể do Tổng thống đứng đầu (Inđônêxia,
Philippin), có thể do Thủ tướng đứng đầu (Thái Lan,
Malaixia, Campuchia, Lào). Thực tiễn những năm
gần đây cho thấy, mô hình hành pháp của chế độ
cộng hòa đại nghị hay quân chủ đại nghị (Malaixia,
Xingapo) có khả năng ổn định và phát triển đất nước
hơn, tránh được sự đối đầu giữa hành pháp với lập
pháp như tại Inđônêxia, Philippin.
Riêng ở Thái Lan, do có quá nhiều đảng phái chính
trị (hàng trăm đảng phái) và do thế lực quân phiệt
Thái Lan cố tình dùng quyền lực của mình để đàn áp
phong trào dân chủ và thanh trừng lẫn nhau, nên
trong 66 năm (từ sau Cách mạng tư sản năm 1932 –
1998), Thái Lan đã trải qua 33 cuộc đảo chính, bình
quân cứ 2 năm lại có một cuộc đảo chính thay đổi
chính phủ.
5. Về cơ quan tư pháp các nước ASEAN, các tác giả
cho biết Tòa án các nước ASEAN tổ chức và hoạt
động theo nguyên tắc tư pháp độc lập khi xét xử, áp
dụng chế độ thẩm phán chuyên nghiệp và bổ nhiệm
Thẩm phán theo nhiệm kỳ dài. Hầu hết các nước
ASEAN (trừ Lào), Tòa án tổ chức theo nguyên tắc
thẩm quyền xét xử chứ không theo đơn vị hành chính
– lãnh thổ tương ứng với cấp chính quyền địa
phương. Một số nước (Malaixia), Tòa án tối cao có
thẩm quyền của Tòa án Hiến pháp theo mô hình tòa
án tối cao của Nhật Bản, Mỹ… Ở một số nước, đạo
Hồi được coi là Quốc giáo (Malaixia, Inđônêxia),
ngoài Tòa án tư pháp, thường còn có Tòa án tôn giáo
xét xử theo Luật Hồi giáo.
6. Về chính quyền địa phương của các nước ASEAN,
cơ bản được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc
kết hợp giữa tập quyền và tản quyền, giữa tập trung
với phi tập trung và tự quản. Xuất phát từ đặc điểm
địa lý, sắc tộc và diện tích quá rộng với hơn chục
nghìn hòn đảo…, nên Nhà nước Inđônêxia tổ chức
chính quyền trung ương theo nguyên tắc tập trung
cao độ trong mối quan hệ với chính quyền các địa
phương. Phần lớn các nước ASEAN, cơ quan hành
chính ở cấp tỉnh, cấp huyện do chính quyền trung
ương và cấp trên bổ nhiệm. Ở cấp xã, làng áp dụng
chế độ tự quản, có Hội đồng và Xã trưởng, Làng
trưởng do dân bầu trực tiếp hoặc gián tiếp. Malaixia
có Hội đồng địa phương nhưng không áp dụng chế
độ bầu cử mà do chính quyền cấp trên bổ nhiệm. Ở
Lào, chính quyền địa phương chỉ có cơ quan hành
chính do cấp trên bổ nhiệm, không có cơ quan dân cử
ở tất cả các cấp. Xingapo do diện tích nhỏ nên cả
nước chia làm 4 khu nhưng không tổ chức chính
quyền địa phương như các nước khác.
Ở nước ta, những năm qua có khá nhiều công trình
nghiên cứu về các nước ASEAN của các ngành khoa
học dưới các khía cạnh và mức độ khác nhau. Nhưng
có thể nói rằng, cho đến nay, ở Việt Nam chưa có
một công trình khoa học nào nghiên cứu một cách cơ
bản, có tính hệ thống Luật Hiến pháp các nước
ASEAN nói chung và thể chế chính trị và tổ chức bộ
máy Nhà nước của các nước ASEAN nói riêng. Vì
vậy, có thể nói rằng, đây là chuyên khảo đầu tiên ở
Việt Nam nghiên cứu một cách cơ bản, bao quát và
cụ thể về thể chế chính trị và tổ chức bộ máy Nhà
nước các nước ASEAN dưới giác độ và phương pháp
nghiên cứu của Luật hiến pháp nước ngoài.
Những kết quả nghiên cứu của tập thể tác giả là
những bổ sung quan trọng vào khoa học pháp lý nói
chung, khoa học Luật Hiến pháp nước ngoài ở Việt
Nam nói riêng, góp phần nâng cao nhận thức lý luận
về thể chế chính trị và tổ chức bộ máy Nhà nước các
nước ASEAN. Công trình có thể làm tài liệu tham
khảo cho việc nghiên cứu và giảng dạy về Nhà nước
và pháp luật nói chung và nhất là Luật Hiến pháp
nước ngoài nói riêng. Từ kết quả nghiên cứu này, có
thể xây dựng môn học chuyên ngành cho sinh viên
luật, môn Luật Hiến pháp các nước ASEAN, để bổ
sung, so sánh đối chiếu với hai môn học Luật Hiến
pháp Việt Nam và Luật Hiến pháp nước ngoài (các
nước phát triển) hiện có trong chương trình đào tạo
cử nhân luật ở nước ta hiện nay
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- 42_8368.pdf