Khi Anh Thơ xuất hiện trên thi đàn, Thơ mới đã ổn định với khá nhiều tên tuổi nổi tiếng, nhưng nữ sĩ cũng tìm cho mình được tiếng nói riêng, độc đáo. Trong khi một số nhà Thơ mới đang thoát li hiện thực, trốn vào men rượu, vào ái tình hay vào tháp ngà nghệ thuật, vào cái tôi cô đơn để gặm nhắm tâm tư , Anh Thơ lại quay về với thiên nhiên thôn dã, cảnh vật bốn mùa, với các phong tục lễ hội ở miền Bắc qua bút pháp nghệ thuật đậm nét tả chân. Cùng với Nguyễn Bính, Bàng Bá Lân, Đoàn Văn Cừ , nữ sĩ Anh Thơ làm giàu thêm bức tranh quê hương làng cảnh Việt Nam. Những bài thơ viết về nông thôn của nữ sĩ thực sự đóng góp độc đáo cho bức tranh quê xứ Bắc tươi tắn, chân chất, sinh động, hồn nhiên. Bên cạnh Bức tranh quê, Anh Thơ say đắm dẫn dắt người đọc vào một thế giới hiện thực đầy nóng bỏng về hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mĩ của dân tộc ta, với hình ảnh những xóm làng bị giặc tàn phá, với hình ảnh những chiến sĩ đầy quả cảm, đầy tinh thần lạc quan cách mạng, với hình ảnh chân thực về người phụ nữ trong kháng chiến Với Anh Thơ, tinh thần dân tộc, nhà thơ và người chiến sĩ gắn bó với nhau như hình với bóng, đồng hành tạo nên một cốt cách nghệ thuật riêng, sinh động và đầy ắp hiện thực nóng bỏng. Có thể nói, từ khi xuất hiện, thơ Anh Thơ thực sự lôi cuốn sự quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu của không ít các thế hệ bạn đọc.
Tuy nhiên, việc nghiên cứu học tập thơ Anh Thơ vẫn còn khá ít ỏi, chưa xứng tầm với tên tuổi của một nhà thơ có vai trò to lớn lưu giữ hình ảnh bức tranh quê cùng những giá trị văn hoá cổ truyền của quê hương làng cảnh Việt Nam một cách chân thực đầy đủ, sinh động, hồn nhiên, tự nhiên Do vậy, chọn đề tài nghiên cứu về Thế giới nghệ thuật thơ Anh Thơ, chúng tôi mong muốn góp phần xác định vị trí của một nhà thơ mới đậm chất điệu hồn quê chân chất, mộc mạc, giữa hiện thực đất nước đầy sôi nổi, nóng bỏng lúc bấy giờ.
Thế giới nghệ thuật thơ Anh Thơ được nhìn nhận, nghiên cứu từ góc độ một chỉnh thể nghệ thuật với những quy luật vận động nội tại của nó, chứ không phải nhìn nhận trong sự riêng biệt tách rời giữa hình thức với nội dung, cũng không phải chỉ là một hiện tượng xã hội lịch sử đơn thuần Tìm hiểu thế giới nghệ thuật chính là đi vào tìm hiểu cấu trúc lô gíc bên trong, sự kết hợp hài hoà biện chứng giữa nội dung và hình thức nghệ thuật; từ đó góp phần xác định đúng vai trò vị trí và những đóng góp cho thi ca dân tộc của nữ sĩ Anh Thơ.
82 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 8620 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Thế giới nghệ thuật thơ Anh Thơ, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Thơ lại khác hẳn, quan hệ giữa các câu thơ là quan hệ đồng đẳng, kiểu diễn đạt song hành: “ Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác/ Lũ chuồn chuồn dỡn nắng ngẩn ngơ bay…” ( Sang thu ), “…Mây đi vắng, trời xanh buồn rộng rãi/ Sông im dòng đọng nắng đứng không trôi…” (Bức tranh quê), “ Chó lè lưỡi ngồi thừ nhìn cũi đóng/ Lợn trói nằm hồng hộc thở căng dây” (Trưa hè). Thiên nhiên, tạo vật cứ tầng tầng lớp lớp xuất hiện, rất đa dạng, phong phú. Với cú pháp câu, quan hệ đồng đẳng, diễn đạt song hành, đăng đối về ý nghĩa làm cho câu thơ có được âm hưởng thanh thoát, thoáng đãng, tự nhiên, tươi vui. Bên cạnh đó, Anh Thơ cũng sáng tạo những câu thơ tám chữ có quan hệ với nhau theo tầng bậc, logic, câu trước làm tiền đề cho câu sau:“ Lặng lẽ nhất có vài người thầy bói/ Bước gậy lần như những bước chiêm bao” (Bức tranh quê). Ông thầy bói lặng lẽ, mơ màng hư hư, thực thực, bước đi như chiêm bao, giữa chợ quê đông đúc ồn ào. Sự đối lập giữa yếu tố tĩnh và động, giữa hư và thực cũng xuất hiện trong thể thơ tám chữ này: “Trên đê vắng có vài cô tát nước/ Múc trăng lên theo tiếng hát mơ màng” (Bức tranh quê ), “ Trong chùa, điện hương đèn nghi ngút khói/ Tiếng mõ, chuông hòa nhịp trống bên đình” (Rằm tháng bảy). Cái thực tại của công việc đồng áng xen lẫn cái huyền ảo của ánh trăng, không gian lãng mạn, tình tứ. Không gian thực tại ẩn chứa không gian tâm linh…Các câu thơ có quan hệ tầng bậc và câu trên làm nền cho câu dưới xuất hiện, nó có thể bộc lộ tâm trạng của nhân vật trữ tình và cũng có thể tạo nên âm hưởng tù túng, ngột ngạt, gò bó.
Bên cạnh nét độc đáo về cú pháp, từ ngữ, hình ảnh, giọng điệu, thơ tám chữ của Anh Thơ có nét riêng, độc đáo về cảm hứng nghệ thuật. Không gian nghệ thuật thực sự khơi nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào cho nữ sĩ. Anh Thơ mê đắm cảnh vật, thiên nhiên, từ cánh đồng trải vàng lúa chín, dòng sông quê đỏ nặng phù sa, đến đường làng thôn xóm, đến các phong tục, lễ hội, các sinh hoạt đời thường…Tất cả làm mê đắm cuốn hút Anh Thơ. Vì thế Anh Thơ nhớ không gian, giao tiếp với không gian, khát vọng lớn nhất của chủ thể trữ tình Anh Thơ là chiếm lĩnh không gian, xem không gian như một đối tượng thẩm mĩ. Cho nên Anh Thơ tâm sự rằng: “ Tôi muốn tôi với cảnh vật là một. Cảnh vật vui, tôi vui, cảnh vật buồn, tôi buồn…”[52, 53]. Anh Thơ tìm ra được con đường kinh nghiệm để chiếm lĩnh không gian, đó là say đắm hòa nhập hết mình với thiên nhiên, cảnh sắc và phong tục, tập quán của làng Việt cổ. Đó không phải là không gian mơ mộng, không gian ảo giác mà là không gian cụ thể, hiện hữu.
Anh Thơ sử dụng thể thơ tám chữ để mô tả, phản ánh bức tranh làng quê, đồng quê một cách chân thực, sinh động, hồn nhiên. Ở đó, nhân vật trữ tình hòa nhập vào thiên nhiên, tạo vật bốn mùa. Tâm trạng của nhân vật trữ tình gắn liền với bức tranh phong cảnh đồng quê, làng quê. Tâm trạng vui buồn của nhân vật trữ tình gắn liền với những biến đổi từ cuộc mưa nắng, cùng vui với niềm vui của con người trong những ngày lễ hội, đình đám, trong bầu không khí đầy ắp xuân sắc, xuân tình, cùng buồn khi người nông dân phải gánh chịu thiên tai, địch họa, hạn hán, lụt lội.
Thơ tám chữ của Anh Thơ rất phong phú về chất liệu hiện thực. Cùng miêu tả về bức tranh làng Việt cổ truyền, ở mỗi mùa vụ khác nhau, thơ tám chữ của Anh Thơ lại mang những đặc trưng riêng về chất liệu nghệ thuật. Mùa xuân gắn liền với hoa xoan, mưa bụi, chim én…, cảnh vật mùa xuân non xanh làm nền cho mùa của lễ hội, đình đám, đậm chất phong tục. Như lễ hội đạp thanh, lễ hội múa lân, lễ hội hát trống quân, hát đối đáp, lễ chùa để mọi người hái lộc cầu may, lễ hội đêm rằm tháng giêng…, mùa hè gắn liền với lễ cúng cầu mát, mọi người cầu mong cho mùa màng bội thu, lễ chọi gà…, mùa thu có lễ hội tết trung thu… Như vậy trong các thể loại thơ của nữ sĩ, chỉ có thể thơ tám chữ phản ánh bức tranh làng quê trung thực gần gũi nhất, sinh động, phong phú nhất.
Thơ tám chữ của Anh Thơ không chỉ là bức tranh sinh động, hồn nhiên, chân chất, mộc mạc về làng quê, đồng quê mà hơn hết nó còn bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hóa cổ truyền người Việt.
Chưa bao giờ ta bắt gặp ở tác phẩm văn học nào đó có một bộ tranh tứ bình với chất liệu hoàn toàn mới mẻ mà cụ thể đến từng chi tiết như trong Bức tranh quê của Anh Thơ. Nữ sĩ rất đam mê, say sưa cảnh vật cho nên có người ví Anh Thơ như một nhiếp ảnh gia điêu luyện và “ phải là một nghệ sĩ thực tài mới khám phá được giữa cái hỗn độn tầm thường của sự vật, những dáng hình khêu gợi và truyền cảm. Khám phá được rồi lại phải lẹ mắt lanh tay mới ghi kịp, nếu là một cảnh hoạt động. Và lại phải có kĩ thuật và nghệ thuật vững chắc, già dặn mới có thể trong chớp mắt, vừa bố cục vừa điều khiển ánh sáng để làm ảnh linh động có tinh thần. Ấy là chỉ nói việc thâu hình, còn biết bao nhiêu công việc phải làm trong buồng tối đòi hỏi – ngoài kĩ thuật vững vàng – một nghệ thuật sâu sắc, một khiếu thẩm mĩ tế nhị mới tạo nên một tác phẩm mĩ thuật khả dĩ làm đẹp mắt và rung cảm được người xem…” [31; 1300]. Tài năng nghệ thuật của Anh Thơ qua thể thơ này cũng hiện lên khá rõ nét. Chỉ qua vài đường nét cơ bản, Anh Thơ mô tả được cái thần của sự vật, tạo vật.
Chi tiết mưa bụi, hoa xoan, chim én…cũng đủ để làm tái hiện không gian, thời gian của mùa xuân. Chỉ qua hình ảnh hoa lựu nở đỏ nắng, lúa vàng khô cháy xác…ai cũng có thể nhận biết đó là dấu hiệu báo mùa hè oi bức, nóng nực, ngột ngạt. Qua hình ảnh hoa mướp rụng từng đóa vàng, lũ chuồn chuồn nhớ nắng…Anh Thơ tái hiện bức tranh thu êm nhẹ, dịu vợi, không gian thu mênh mông, chơi vơi: “ Hoa mướp rụng từng đóa vàng rải rác/ Lũ chuồn chuồn nhớ nắng ngẩn ngơ bay/ ( Sang thu )
Cuộc đời con người như một dòng sông, có bên lở bến bồi, có bến trong bến đục. Bằng thơ tám chữ, Anh Thơ cũng phác họa lên bức tranh dòng sông ấy. Dòng sông quê hương gắn liền với cuộc đời mưa nắng của con người với biết bao thăng trầm biến đổi: “ Thuyền ghé bến người người chen chúc xuống/ Tiếng chó kêu, lợn hét nổi vang lừng/ Với tiếng người ồn lên trong luống cuống/ Đặt gánh gồng bồ bịch đổ lung tung…( Bến đò ngày phiên chợ ).
Với thể thơ tám chữ, Anh Thơ có đóng góp mới mẻ cho Thơ mới và đồng thời nhằm giới thiệu đến độc giả và đặc biệt là những người chốn thị thành hiểu biết được cảnh đẹp, được phong tục tập quán của người Việt sau lũy tre làng.
3.1.2 Thơ tự do
Thể thơ tự do là thể thơ không gò bó về niêm, luật, vần, điệu như thi ca cũ. Câu thơ, bài thơ có thể ngắn hay dài tùy ý và không quy định về số câu trong bài , số từ trong câu. Cho nên, ta thấy thể thơ tự do có lúc rất gần với văn xuôi. Lô gic bài thơ chủ yếu là lô gic về mạch cảm xúc, về tâm trạng của nhân vật trữ tình. Chính đặc điểm ấy đã tạo nên các thể thơ: Thơ văn xuôi, thơ vắt dòng, thơ cách luật...Ưu điểm của thể thơ này là có khả năng phản ánh cuộc sống một cách bao quát, trên diện rộng, râu.
Qua khảo sát thơ Anh Thơ, ta thấy Anh Thơ sử dụng khá nhiều thơ tự do và số chữ trong câu cũng rất linh hoạt phù hợp với cảm xúc, tâm trạng của nhân vật trữ tình của cuộc sống hiện thực vô cùng sinh động. So sánh số câu thơ tự do trong thơ Anh Thơ với Tuyển tập thơ Việt Nam 1945 – 1985, ta có kết quả như :
Câu Thơ
Tác phẩm
Số câu thơ
dưới 5 chữ
Số câu thơ
từ 5 đến
8 chữ
Số câu thơ
Từ 9 chữ trở lên
Tổng cộng
Ghi chú
Tuyển tập
Thơ Việt Nam 1945 -1985
729 câu
9 %
6.632 câu
82,5 %
680 câu
8,5 %
8041 câu
Tr. 139, luận án Tiến sĩ
Nguyễn Quốc Khánh
Thơ Anh Thơ
46
4,8 %
705
74,65 %
193
20,4 %
944 câu
Anh Thơ sử dụng nhiều câu từ 5 đến 8 chữ nhưng ít hơn so với các tác giả tuyển thơ Việt Nam 1945 – 1985. Anh Thơ sử dụng câu từ 9 chữ trở lên cao hơn 11,9 % so với các tác giả tuyển thơ Việt Nam 1945 – 1985. Lý giải cho sự chênh lệch ấy, chúng tôi nhận thấy tác giả sử dụng câu 9 chữ trở lên phù hợp với việc diễn tả hiện thực rộng lớn, vô cùng phong phú và sinh động lúc bấy giờ, đồng thời cũng chứng tỏ và khẳng định sự sáng tạo, tìm tòi thể nghiệm và cá tính của Anh Thơ rất cao.
Thơ tự do có số lượng khá lớn ( 26 bài ), chiếm tỉ lệ 29,21 % số lượng bài, Anh Thơ Anh Thơ dùng nhiều câu thơ bậc thang để kí thác vào đó nỗi lòng, tình cảm của mình và có sức thuyết phục, lắng sâu trong tâm thức bạn đọc nhiều thế hệ:
...Sum họp vợ chồng, quanh một mâm cơm
Ôi căn phòng ta
sáng nay vẫn như mọi sáng
.....................................................
Bỗng tiếng còi lên
xao xuyến...
Căn phòng ta khép cuộc đời riêng...
......................................
Như Hà Nội mùa thu hoa cúc nở
Vẫn in vàng tươi sáng giữa tim ta
( Căn phòng ta )
Câu thơ bậc thang trong thơ Anh Thơ làm cho ta thêm xao xuyến, ngân vang mãi. Nhân vật trữ tình cảm nhận cuộc đời hạnh phúc riêng tư trong hoàn cảnh chung của toàn dân tộc, cảm thấy mình sống trong căn phòng hạnh phúc nhưng bị bó hẹp, bị đóng kín giữa cuộc đời. Họ muốn gác lại căn phòng riêng, đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Bài thơ thể hiện niềm tin tưởng mãnh liệt vào chiến thắng của Thủ đô Hà Nội, niềm tự hào của con người Việt Nam, trí tuệ Việt Nam.
Anh Thơ ngợi ca những người phụ nữ trong kháng chiến. Họ xứng đáng với tám chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng. Họ là những gương mặt tiêu biểu, là bông hoa tươi thắm, ngát hương thơm giữa khu vườn xã hội chủ nghĩa:
Cô nào là cô Minh Phượng
Giọng Bác ấm sao
Vang giữa hội trường
Những cánh tay đồng chí yêu thương
Vội vã chỉ vào cô gái:
- Thưa Bác, Phượng đây !
Bác quay đầu lại
Cô giáo sao bé nhỏ dịu dàng!
Miệng cười e lệ hồn nhiên.
Bác nhìn cô một phút
.................................
Con sẽ đi đường rộng thương yêu
( Chiếc huy hiệu Bác )
Cô giáo nhỏ xinh xắn vừa tâm huyết giỏi việc nước, đảm việc nhà, chất phát, trung hậu. Câu thơ bậc thang ngân vang tiếng lòng tình cảm của Bác đối với con yêu, đối với đồng bào.
Anh Thơ dùng hình thức thơ tự do để nói về cuộc sống hạnh phúc của người em trai trong ngày cưới và hồi tưởng lại lúc hàn vi của em, mồ côi mẹ từ nhỏ, bơ vơ đói khát. Thành công, hạnh phúc của em hôm nay nhờ có Đảng soi đường, dẫn lối, nuôi dưỡng: “ Một sớm Đảng về/ Chị dắt em theo/ Buổi sớm đầu tiên cách mạng còn nghèo..., Nhưng mẹ chúng ta/ Đảng đã chăm lo/ giữa bom đạn quân thù/ Tiếng pháo cưới vượt lên tiếng súng ...’’(Tiếng pháo cưới). Đan xen vào tiếng pháo vui ngày cưới, nhân vật trữ tình hồi tưởng lại bao kỉ niệm đẹp về tình đồng đội, đồng chí, tình cảm cách mạng gắn bó thân thương. Bên cạnh đó, hình ảnh trời xanh trong, mướp leo vàng, bóng dáng bạn bè đi hỏa tuyến...tất cả hồi tưởng lại trong nỗi nhớ của nhân vật trữ tình. Hiện tại, cuộc chiến tranh đang càng ngày một ác liệt, tiếng còi tàu vang vọng về giống như một lời kêu gọi lên đường đánh giặc. Họ gác lại cuộc đời riêng tiếp tục lên đường ra trận, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đẹp của người con ưu tú đối với dân tộc. Với thể thơ tự do và dùng câu thơ vắt dòng độc đáo, bài thơ bộc lộ nỗi niềm cảm xúc của nhân vật trữ tình. Qua hình ảnh căn phòng, nữ sĩ đan xen nhiều câu chuyện: câu chuyện về triều đại cũ, về các địa danh, về cuộc sống gia đình hạnh phúc và cuộc chiến tranh cách mạng của dân tộc: .“..Bởi đời ta phải thực hiện ước mơ/ Nhà hạnh phúc mở cửa hồng trên đất mẹ/ Ta được vui sao khi nửa mình còn đau xé/ Em lại ra đi dẫu miền Bắc tiếng bom ngừng/ Thương biết bao nhiêu cả tấm tình chồng/ Trong lặng lẽ đảm đang thay vợ...’’. ( Em lại ra đi ). Tiếp nối truyền thống yêu nước thương nòi, sau khi phục hồi sức khỏe, niềm vui chỉ mới một nửa, một nửa đất nước đang bị quân thù dày xéo, tang thương, cô gái lên đường làm nhiệm vụ cách mạng.
Bài thơ Chúng ta không mất, Anh Thơ dùng thể thơ tự do và sử dụng nhiều câu thơ bậc thang để tái hiện về câu chuyện lịch sử rộng lớn:
Chị vẫn đi
Men theo sóng bể rì rào
Nắng nghiêng chao
Gió rạt !
Chuyện đã một năm qua
Chưa nguôi thương tiếc
Vì chiếc xe
Mang dấu vết
Tình yêu
Chiến đấu
Căm thù...
( Chúng ta không mất )
Tác giả lồng câu chuyện về cuộc đời nhà văn vào nhiều câu chuyện khác: về Hội nhà văn dân chủ Đức, kể về tội ác của bè lũ Giôn xơn, kể về người phụ nữ từ giã gia đình đi kháng chiến...Anh Thơ thể hiện tài năng trong việc sử dụng các câu thơ bậc thang, thơ vắt dòng để phản ánh hiện thực rộng lớn. Với thể thơ tự do, bài thơ được kết cấu theo hình thức bức thư gửi người em nơi tuyền tuyến.
Như vậy, Anh Thơ đã dùng thể thơ tự do trong thơ để phản ánh hiện thực cuộc sống, chiến tranh cách mạng của đồng bào ta trên cả bề rộng và chiều sâu một cách sôi nổi và đầy nóng bỏng, và thể thơ tự do còn đáp ứng được yêu cầu thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc của nhân vật trữ tình một cách tự nhiên, hồn nhiên. Thể thơ này thực sự làm phong phú thế giới nghệ thuật thơ Anh Thơ, phong phú về thế giới hình tượng nghệ thuật, về không gian, cảnh sắc, về con người trong cuộc sống, kháng chiến..., ưu điểm của thể thơ tự do đã giúp Anh Thơ tạo nên bức tranh cuộc sống, kháng chiến đẫm chất hiện thực, giàu tính sử thi, hùng tráng.
3.1.3 Một số thể thơ khác
Thơ lục bát là thể thơ truyền thống của dân tộc Việt Nam. Thể thơ lục bát trong thơ Anh Thơ chỉ có năm bài, chiếm tỉ lệ 5,61 %. Thơ lục bát của Anh Thơ viết về người chiến sĩ, người anh hùng cách mạng, người mẹ Việt Nam hay viết về hình ảnh của Hà Nội trong những tháng ngày chiến tranh ác liệt: “ Hàng hoa ngồi sát hàng rau/ Chợ vào vôi vữa quét sâu lối ngoài..., Tay ai muối cải dưa giòn/ Thúng cam bán hết đỏ son mặt hàng/ ( Ngõ chợ Khâm Thiên )
Với nhịp chẵn nhẹ nhàng, tha thiết kết hợp với việc sử dụng các hình ảnh hình ảnh: con lợn đất bom vùi, những vành khăn trắng, tay người xếp gạch chia ngăn, biển quân thù cắm bốn bên, thúng cam bán tết... tất cả khắc họa bức tranh Ngõ chợ Khâm Thiên trong những ngày mưa B52 xối xả dội xuống bầu trời Hà Nội vào cuối 1972. Qua bài thơ, tác giả vừa thể hiện niềm tự hào dân tộc vẫn xanh tươi, hiên ngang trong mưa bom bão đạn của kẻ thù vừa thể hiện lòng căm thù giặc sâu sắc của người dân đất Việt. Sau trận B52 càn quét dã man của địch, chợ Khâm Thiên – Hà Nội lại trở lại hoạt động buôn bán đông vui nhộn nhịp, đầy sức sống. Đó là hình ảnh tượng trưng cho sức sống bất diệt, bất khuất, kiên cường của nhân dân thủ đô Hà Nội.
Tác giả chọn hình thức thơ lục bát, hầu hết là vần bằng đó phù hợp với việc diễn tả tình cảm nhẹ nhàng, sâu lắng, rất mực thiết tha. Đó là tình cảm nhớ thương da diết, kính yêu người mẹ Việt Nam và pha lẫn cả niềm xót thương căm phẫn kẻ thù. Kẻ thù đã gây nên tội ác tày trời, tàn hại cả sinh linh bé nhỏ, cuộc sống của con người, người mẹ bị bom Mỹ sát hại: “…Mẹ là mẹ cả xóm thôn/ Mái đầu càng bạc, yêu thương càng giàu/ Giờ dây nắng chói tàu cau/ Tóc vương bay trắng cả bầu không gian/ ( Mái tóc mẹ bay). Bài thơ lục bát chứa đầy nước mắt, uất ức căm hờn. Người mẹ hiền che chở cho các con, là hiện thân của cuộc sống. Mái tóc dài đen óng của mẹ ôm các con trong vòng tay, cũng mái tóc ấy tiễn con lên đường nhập ngũ. Nhưng giờ đây, bom đạn giặc đã hòa lẫn máu xương mẹ vào đất. Mái tóc mẹ bay trắng cả bầu không gian, thời gian. Câu thơ với nhịp chẵn diễn tả được nỗi niềm trăn trở xúc động của mình trước hình mẹ. Cái chết của mẹ hóa thân vào dáng núi, hình sông, trở thành bất tử. Anh Thơ nhập vai vào chị Võ Thị Sáu để nói lên tâm sự của người nữ anh hùng với niềm kính yêu, trân trọng hết mực đối: “Dù gió chướng, dù cát trắng/ Cành dừa non nước, xanh tràn cỏ gai/ Mỏng manh vẫn nét hoa cười/ Nhớ người dưới mộ yêu đời năm nao/ (Hoa dừa ). Hình ảnh gió chướng và cát trắng là tượng trưng cho khó khăn gian khổ, khô cằn của đất và gió nhưng cây hoa dừa vẫn xanh tươi tràn đầy sức sống. Hoa dừa tuy mỏng manh nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp lạ thường, thanh thoát. Anh Thơ dùng hình ảnh hoa dừa ấy để nói về chị Võ Thị Sáu, một biểu tượng đẹp của người phụ nữ Việt Nam trung hậu bất khuất, kiên cường. Chị đã hóa thân cho dáng hình xứ sở.
Thơ lục bát của Anh Thơ chủ yếu là nhịp chẵn; sự vật, hiện tượng ở đây hiện lên nhẹ nhàng êm ái, bộc lộ cảm tình sâu nặng của nhà thơ trước hình ảnh quê hương bị tàn phá. Những vùng chiến khu, vùng mới giải phóng còn đầy thép gai, khét mùi thuốc súng trên chặng đường hồi hương nhân vật trữ tình cùng chiến sĩ lái xe trường sơn năm xưa: “ Qua cầu, em tiến về quê/ Một vùng cỏ lác, bốn bề thép gai/ Xe lên, xe xuống dặm dài/ Đèo cao, dốc thẳm, suối khơi gập ghềnh/ ..., Quê anh hai bảy năm trời / Biết bao máu lửa cho người bâng khuâng.(Đường về quê anh). Sau chiến trận, vùng quê hiện lên xác xơ, khét mùi thuốc súng, dây thép gai như cào xé nát cả bầu trời bình yên.
Cách sử dụng chi tiết, hình ảnh trong thơ lục bát của Anh Thơ cũng rất độc đáo. Hình ảnh, chi tiết trong thơ lục bát của Anh Thơ không hề khuôn sáo, hoa mĩ. Đó là những hình ảnh có thật ở ngoài đời, được nhà thơ lựa chọn kĩ, mang tính điển hình, mang được cái thần sắc của sự vật, tạo vật, cuộc sống.
Như vậy, với thể thơ lục bát, Anh Thơ thể hiện tâm tư tình cảm một cách nhẹ nhàng, đằm thắm của mình trước cảnh. Đấy là những tình cảm, niềm vui của nữ sĩ trước vùng giải phóng; nỗi đau xót, căm hờn trước hình ảnh một bà mẹ bị bom Mĩ sát hại chỉ còn mái tóc trắng bay trên nóc nhà; sự kính yêu, cảm thông, chia sẻ tình cảm với người chiến sĩ tuần tra, canh gác ở Đèo Ngang; đó là nỗi đau về sự mất mát hi sinh của đồng bào Hà Nội trong trận B52 vào những ngày cuối năm 1972..., Thơ lục bát của Anh Thơ nhẹ nhàng tình tứ góp một tiếng nói quan trọng khẳng định và ngợi ca những vùng đất và những con người cao đẹp, bất khất, kiên cường, trung hậu: người mẹ cách mạng, người em gái trong chiến tranh, người chiến sĩ cách mạng hay người phụ nữ anh hùng.
Cùng với thể thơ lục bát, Anh Thơ còn sử dụng thể thơ bảy chữ, tất cả có chín bài chiếm 10,11 % số lượng thơ Anh Thơ. Thơ bảy chữ trong thơ Anh Thơ có đặc điểm: một câu có bảy tiếng và một bài thường có ba khổ, mỗi khổ bốn câu. Đây là thể thơ được nhiều nhà thơ dùng để sáng tác. Riêng thơ Anh Thơ, thơ bảy chữ thường diễn tả nỗi niềm riêng tư và bức tranh cuộc sống hiện hình tươi nguyên sinh động, có hồn. Có những bài thơ bảy chữ của Anh Thơ là hồi tưởng lại kỉ niệm của một thời còn sum họp đại gia đình. Và nỗi ám ảnh của ngày mẹ mất, khi đó Ái Mai còn nhỏ, hai chị em đứng trước bàn thờ khóc mẹ. Anh Thơ hồi tưởng lại: “ …Đêm nay cũng lại đêm ba mươi/ Trước án thờ me chị ngậm ngùi/ Hương khói một mình, em sớm đã/ Theo chồng sum họp chốn xa xôi.(Đêm ba mươi tết gửi Ái Mai). Ái Mai đã xây dựng gia đình ở nơi xa, mỗi khi Anh Thơ thắp nhang cho mẹ, khóc mẹ, thì kỉ niệm ấy lại ùa về…Thơ bảy chữ của Anh Thơ vừa bộc lộ nét trang nghiêm cổ kính lại vừa bộc lộ sự thanh thoát. Trong thơ nữ sĩ, thiên nhiên, tạo vật hiện lên tươi tắn, sinh động. Bức tranh một buổi sớm mùa hè hiện lên với âm thanh tiếng chuông từ góc giáo đường vọng lại, mỗi hàng cây góc phố con đường, xe cộ qua lại ngày càng đông: “ …Trong lúc trên đường bao rộn rã/ Sen hồng từng gánh mát hương tươi/ Có cô trò nhỏ đi thong thả/ Nhớ một ao quê ngập nắng trời” ( Sớm hè – trích tập Thị thành ). Ta hình dung nhân vật trữ tình phải đang ở một căn nhà nhỏ nào đó trên phố ấy mới có thể quan sát cảnh vật một cách tỉ mỉ, tinh tế đến thế: các nhà mở cửa, đường rạng dần lên, những cô gái mới thức giấc uể oải ra trông em cho mẹ, cô hàng hoa gánh sen hồng đi bán… một buổi sáng mùa hè trong sáng, êm nhẹ, mát lành. Bài thơ Sớm hè là bức tranh thị thành hiện lên tươi sáng, với rất nhiều hoạt động tấp nập của con người; còn với bài Xuân quê, Anh Thơ say sưa giới thiệu, dẫn dắt độc giả đến không gian làng quê đầy tràn đầy sự sống và đầy ắp xuân tình: “ Pháo rụng còn vương ngô hững hờ/ Bên rào loáng thoáng khói bay mơ/ Có người qua xóm nhìn ngon mắt/ Xuân chín trên cành cam lẳng lơ”. ( Xuân quê, trích Hương xuân )
Với lối thơ bảy chữ, cách hiệp vần cách ở trong bài Xuân quê và cách gieo vần “ơ’’…, làm cho không gian mở rộng thêm, ý xuân đẹp hơn. Tạo vật đất trời như đang cuốn hút chúng ta vào cõi mộng, tươi sáng, êm dịu, đẹp, chín tới. Chỉ thoáng qua vài chi tiết: pháo rụng, khói mơ bay, cam chín vàng mộng…Mùa xuân quê hương căng tràn và no say sức sống.
Có lẽ sống trong cảnh mới có thể hiểu được cảnh tình, Anh Thơ cũng có những nỗi buồn riêng tư duyên phận. Khi chồng qua đời, nữ sĩ dường như khóc than người chồng xấu số của mình trong tập thơ Lệ sương: “ Thành phố quê anh trời vẫn mây thu/ Ngõ nhỏ em về lại lối xưa/ Rào hoa rơi mái, cây nghiêng đổ/ Cửa đóng, nhà im quạnh quạnh tờ” ( Ngõ cũ em về ). Nữ sĩ có khóc than, đau đớn bao nhiêu cũng chỉ tăng thêm cô đơn, buồn tuổi, cũng không níu kéo được người quá cố. Nàng thơ áo trắng sông Thương cứ lủi thủi trở về một mình lại lủi thủi ra đi. Câu thơ cất lên như những tiếng thở dài não ruột, thành tiếng khóc thầm của con người cô đơn bơ vơ trước cảnh. Tất cả hiện về trong hồi tâm trí nhân vật trữ tình nhưng có lẽ nó chỉ còn là ảo ảnh khi nhân vật trữ tình cảm nhận cuộc sống cô đơn, cô độc, lạc lõng. Câu thơ đọng đầy nước mắt, ai cũng xót thương tội nghiệp cho nàng. Cách ngắt nhịp trong thơ bảy chữ của Anh Thơ chủ yếu là nhịp 4/3 và 2/2/3 tạo nên sự uyển chuyển, linh hoạt, thanh thoát trong thơ Anh Thơ.
Như vậy, Anh Thơ cũng rất thành công trong việc sử dụng thể thơ bảy chữ. Thơ bảy chữ của Anh Thơ không chỉ tái hiện bức tranh đời sống sinh động, tươi nguyên mà đặc biệt hơn ở thể thơ này, có nhiều bài thơ được nữ sĩ kí thác vào đấy nỗi lòng khúc uẩn của mình.
Bên cạnh thơ bảy chữ, Anh Thơ sử dụng thơ năm chữ để phản ánh cuộc sống trong quan hệ riêng – chung. Thơ năm chữ là thể thơ có nguồn gốc từ thể hát dặm Nghệ Tĩnh, thể ngũ ngôn thường có nhịp 3/2 và vần không đổi, số câu tùy ý. Đây là thể quen thuộc của thơ cổ phong và thơ Đường. Đặc điểm của loại thơ này rất phù hợp với tự sự, lới nói nhanh, mạnh mẽ, ý gọn. Vần trong thơ ngũ ngôn có hai kiểu gieo vần: Liên vận và cách vận. Trong bài thơ này chủ yếu dùng lối cách vận, theo đúng niêm luật của thơ năm chữ. Vần cuối câu 1 cùng vần với cuối câu 3, vần cuối câu 2 vần với cuối câu 4.
Thể thơ này chiếm tỉ lệ: 5,61 % so với tổng số lượng tác phẩm thơ Anh Thơ. Quy luật về hiệp vần trong thơ năm chữ của nữ sĩ Anh Thơ là vần cách: Câu lẻ 1 – 3 – 5 – 7 – 9 …hiệp vần ở cuối câu là vần T, câu chẵn 2 – 4 – 6 – 8 – 10…hiệp vần với nhau ở cuối câu là vần B. Với thể thơ này, Anh Thơ phản ánh niềm vui của cặp vợ chồng sĩ quan tên lửa, mới cưới nhau có một hôm, hôm sau mỗi người mỗi ngả lên đường làm nhiệm vụ cách mạng: “ Cưới nhau đêm mười bảy/ Mười tám giặc gieo bom/…, B52 cháy đỏ/ Niềm vui bừng đêm đêm”( Chuyện vợ chồng người sĩ quan tên lửa quê Uy Nổ ). Nhịp điệu thơ nhanh mạnh, tươi vui, nhân vật thể hiện được sự nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm của người công dân đối với đất nước vừa thể hiện được niềm vui, tinh thần lạc quan cách mạnh của người lính.
Bên cạnh thể thơ 5 chữ, thể thơ bốn chữ có 1 bài chiếm tỉ lệ: 1,12 %. Anh Thơ cũng hóa thân vào hình ảnh người mẹ hiền để bộc lộ niềm khát khao tình mẫu tử. Mẹ chờ con thêm một mùa xuân nữa thôi, đối với lịch sử đất nước dù quá ngắn ngủi nhưng đối với mẹ già như chuối chín cây, những ngày tháng cuối đời thì thời gian ấy lại dài đằng đẵng: “ Khoảng trời của mẹ !/ Con gái thương ơi/ …, Dù còn gian khổ/ Mẹ sẽ vượt qua…”( Hôn con ). Anh Thơ đã hóa thân vào nhân vật người mẹ để nói lên tâm trạng khát khao tình cảm mẫu tử của mình. Nhịp thơ nhanh, vui vẻ như tâm hồn trẻ thơ vậy. Và ở đấy, đứa con sẽ là niềm tin, là động lực vươn lên trong cuộc sống nghèo khổ của mẹ. Anh Thơ cảm nhận rất tinh tế tình cảm mẹ con. Những khoảnh khắc tình cảm đâu đó cũng hiện lên trong thơ nữ sĩ thật đẹp.
Ngoài thơ tám chữ và thơ tự do, các thể thơ khác đều chiếm số lượng khá khiêm tốn trong thơ Anh Thơ. Mỗi thể loại thơ mang một diện mạo riêng, thành công riêng. Điều đó chứng tỏ tài năng nghệ thuật của Anh Thơ trên nhiều thể loại và không chỉ có thể thơ mà còn cả hồi kí, kịch, truyện ngắn…Tất cả đồng hành tạo nên một cốt cách nghệ thuật riêng, với chất liệu hoàn toàn mới mẻ. Anh Thơ đã vẽ lên bức tranh cuộc sống bằng chất liệu dân gian bình dị, bằng thiên nhiên – phong tục, bằng sự chiến đấu, mất mát hi sinh của một thời đại hào hùng trong lịch sử dân tộc.
3.2. Ngôn ngữ
3.2.1 Ngôn ngữ mộc mạc, bình dị, gần gũi với đời sống
Ngôn ngữ là phương tiện, chất liệu xây dựng hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm văn học. Theo Anh Thơ: "Thơ phải ngắn gọn, không nên rườm rà, phải nói ít viết ít mà người đọc lại hiểu nhiều. Thơ hay phải là những gì tinh túy, vĩnh cửu nhất từ trong tâm hồn con người. Người làm thơ cũng đừng cầu kỳ câu chữ quá mà khiến cho người đọc khi đọc rồi cứ phải suy luận…”.[51, 157]., Anh Thơ không cầu kì, gọt giũa câu chữ, mà giản dị lạ thường. Bởi vì, Anh Thơ tự học ở nhiều nơi chốn theo cách thức đa dạng, hòa đồng cùng lễ hội dân gian với nghệ thuật diễn xướng sân khấu dân gian, học thuộc cả Văn đàn bảo giám, học lỏm cả những lúc bố và các ông bạn cử, tú phê bình những bài thơ không đúng niêm luật, học truyện thơ lừng danh như Truyện Kiều, lẫn khuyết danh như Nhị độ mai, học tục ngữ, ca dao, dân ca qua Tái sinh duyên..., Anh Thơ ảnh hưởng sâu đậm tính giản dị, dân dã từ ca dao dân ca. Âm hưởng dân gian, chất liệu đời thường in đậm trong thơ Anh Thơ.
Trong hồi kí Từ bến sông Thương, Anh Thơ tâm sự: tôi thích những cảnh quê mùa thôn dã, thích ngắm nhìn những đàn gà, đàn chim câu…, tung tăng nô đùa, quấn quýt quanh chân và được thỏa thê đắm mình trong không khí ngát hương cau hương bưởi ấy. Vì vậy, ngôn ngữ thơ Anh Thơ giản dị, mộc mạc, hồn nhiên.
Đặc điểm lớp ngôn từ dân gian bình dị hiển hiện lên ở bề mặt ngôn từ nghệ thuật trong tác phẩm thơ ca của nữ sĩ mang âm hưởng của ca dao, dân ca. Đó là lớp từ bình dân, những lời nói, ngôn ngữ của những người trồng dâu nuôi tằm, chân quê mộc mạc, hồn hậu của cô thôn nữ gánh nước đêm trăng, của em bé nô đùa lấm lem trong bếp khói, của những cô gái quê với bàn tay nhẹ nhàng hồn hậu dệt nên những tấm lưới để đánh bắt cá tôm, của các cụ già say sưa nơi quán rượu trong những ngày phiên chợ làng quê.
Chất liệu ngôn từ dân gian, mộc mạc, bình dị hiển hiện qua thế giới hình ảnh phong phú đa dạng nhưng đậm chất đồng quê, làng quê Việt Nam. Một Bức tranh quê sinh động có hồn và tràn đầy sức sống với khung cảnh bốn mùa Xuân – Hạ - Thu – Đông, với dáng vẻ đường nét riêng rất nhẹ nhàng êm ái dịu vợi. Chất liệu nghệ thuật hiển hiện qua hình ảnh đa dạng phong phú về con người và cảnh vật bốn mùa. Những bức tranh cuộc sống khác nhau gắn liền với nghề nghiệp, mùa vụ, vùng miền. Mùa đông nổi bật với những hình ảnh đêm trăng đông, khí trới lạnh lẽo: “ Đêm lành lạnh sương mù bay nhè nhẹ/ Trời trong ao yên lặng ngập mây đầy/ Khắp vườn cải trăng vàng hoa lấp loáng/ Muôn cánh rờn nhè nhẹ sóng hương bay”( Đêm trăng đông ). Không gian đêm đông bàng bạc ánh trăng vàng trải khắp nơi, phảng phất trong hơi sương lành lạnh trên ao chuôm, đồng ruộng, cải hoa vàng.
Trong Bức tranh quê, những hình ảnh của đồng quê, thôn dã hiện lên thật đẹp, nhẹ nhàng, êm ái. Không gian thôn dã, xóm làng, ruộng đồng – không gian của cuộc sống đời thường, Anh Thơ lấy lời ăn tiếng nói của người bình dân để mô tả cuộc sống của họ.
Anh Thơ đã phản ánh bức tranh cuộc sống từ chính chất liệu dân gian mộc mạc, cuốn hút người đọc, mang âm hưởng du dương của hồn quê, tình quê, chất giản dị mộc mạc, chân chất, hồn hậu. Cái độc đáo trong thơ nữ sĩ chính là sự phong phú về chất liệu hiện thực mang tính mùa vụ, nghề nghiệp, vùng miền khác nhau chứ không bị lặp lại nhàm chán, cũng không sao chép. Anh Thơ là nhà thơ của hồn quê, đồng quê.
3.2.2 Ngôn ngữ mang tính cộng đồng
Thơ nữ sĩ gắn liền với những chặng đường lịch sử của dân tộc, những làng quê thanh bình hay những vùng biên giới, rừng núi hải đảo mà nữ sĩ đã từng cùng đồng bào chiến sĩ trải qua trong những ngày lao động chiến đấu gian khổ đượm mùi khói lửa chiến tranh sau cách mạng tháng Tám, Anh Thơ tham gia Việt Minh trong những ngày đầu kháng chiến, làm công tác dân vận, làm thanh niên xung phong rồi phụ trách hội phụ nữ, và đặc biệt là công tác văn nghệ tư tưởng quần chúng trong kháng chiến, rồi làm thư kí, ủy viên hội nhà văn...Cho nên ít nhiều nữ sĩ cũng có những kỉ niệm sâu sắc với những con người, vùng miền Tổ quốc mà mình đã trải qua.
Chất liệu ngôn ngữ trong thơ Anh Thơ mang tính cộng đồng thể hiện trong các bài thơ viết về đề tài phong tục, phản ánh các lễ hội, các sinh hoạt văn hóa cộng đồng người Việt. Lễ hội, sinh hoạt cộng đồng trong thơ Anh Thơ mang những nét đặc trưng riêng. Mùa xuân có mưa xoan hoa bụi, có tràng pháo chuột, có cây nêu: “ Trước cổng làng chòm nêu vừa thức gió/ Bụi mưa phùn đã đổ xuống sân vôi/ Tràng pháo chuột đua nhau đì đạch nổ/ Xác giấy hồng bắn cả cánh hoa rơi…( Ngày tết ). Những hình ảnh mưa bụi, hoa xoan, tràng pháo cùng không khí ấm áp làm nổi bật bức tranh xuân tươi vui, tràn đấy sức sống. Bức tranh ngày tết thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa cổ truyền ngườiViệt.
Chất liệu ngôn ngữ mang tính cộng đồng, sử thi trong thơ Anh Thơ còn được thể hiện trong mảng đề tài phản ánh về chiến tranh, cách mạng. Chính chất liệu ngôn ngữ thơ nữ sĩ mang hơi thở của núi rừng – chiến khu, mỗi bản làng, vùng miền mà người chiến sĩ – nữ sĩ từng đi qua, từng gắn bó với con người cuộc sống, chiến đấu của nơi này. Các bài thơ Tiếng chim tu hú, Đàn bầu, Sang thu, Gửi má miền Nam, Bài thơ tình qua cà Mau, Ngõ cũ em về, Ngõ chợ Khâm Thiên, hay chuyện thơ Kể chuyện Vũ Lăng… tất cả đều thể hiện tính cộng đồng rõ nét.
Ngôn ngữ mang tính cộng đồng là ngôn ngữ thể hiện đặc điểm chung của cộng đồng về lời ăn tiếng nói, về tâm lí xã hội, quan niệm đạo đức truyền thống, phong tục tập quán ...Ngôn ngữ cộng đồng ở đây ta xét trong mối quan hệ giữa công dân với cộng đồng dân tộc trong kháng chiến. Đó là ngôn ngữ biểu hiện của lòng yêu nước, của ý thức công dân với cộng đồng, dân tộc. Trong thơ Anh Thơ, ngôn ngữ của những cô gái dám hi sinh tuổi thanh xuân của mình, gác lại tình cảm gia đình, tình cảm riêng tư, lên đường làm nhiệm vụ cách mạng: “ Mười năm trong khói lửa/ Má con dù nhạt hồng/ Nhưng biết bao nhiêu em gái/ Đẹp lên mùa vải chín ven sông”( Tiếng chim tu hú ). Họ ra chiến trường, bỏ lại sau lưng hình bóng quê nhà với bao kỉ niệm, khắc khoải mong chờ ngày sum họp. Sự cống hiến hi sinh thầm lặng tuổi thanh xuân của các em gái làm đẹp thêm mùa vải chín ven sông, làm đẹp hơn cho quê hương đất nước.
Trong bức thư gửi một người em nơi tuyến lửa, cũng tiếp nối truyền thống yêu nước hào hùng ấy, người chị hồi tưởng lại những kỉ niệm đẹp về một thời gia đình sum họp, dưới hình thức một bức thư gửi em nơi tuyến lửa nhưng cũng là lời nhắn nhủ cùng em: chị sẽ đi chiến đấu, hẹn em ngày chiến thắng trở về:
Cửa phòng tạm khép
Chị lại ra đi
Để cùng em chiến đấu “Ngày về”
( Ngày về )
Họ ước mơ về cuộc đời độc lập, đất nước thanh bình. Cho nên, họ tạm gác cuộc đời riêng để phụng sự cho Tổ quốc. Ngôn ngữ ấy còn biểu hiện qua bài thơ Người nữ quân y, Người chiến sĩ và nhà thơ, Vợ chồng sĩ quan tên lửa quê Uy Nổ....Tất cả các nhân vật đều thể hiện được cái tôi công dân đầy tinh thần trách nhiệm với cộng đồng.
Như vậy, thơ Anh Thơ thể hiện ngôn ngữ rất đa dạng phong phú, nhưng chủ yếu tập trung ở chất liệu ngôn ngữ mang tính dân gian bình dị và chất liệu ngôn ngữ mang tính cộng đồng trong mối quan hệ với trách nhiệm chung của công dân đôi với cộng đồng, dân tộc. Xuất phát từ lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, lòng đam mê thơ ca, nghệ thuật, đồng hành tạo nên trong ngôn ngữ thơ Anh Thơ cái chất dân gian, bình dị, tiếng nói chung thống thiết. Điều ấy góp phần to lớn tạo nên chất liệu riêng phong phú trong thơ nữ sĩ, vừa thiên nhiên – phong tục vừa nóng bỏng hiện thực của một thời đại lịch sử hào hùng, ngợi ca lí tưởng cách mạng, ca ngợi Đảng và Bác Hồ kính yêu.
3. 3. Giọng điệu
3.3.1 Giọng êm đềm, trầm buồn và nhẹ nhàng sâu lắng
Việc lựa chọn giọng điệu để phản ánh hiện thực cuộc sống của người nghệ sĩ là vô cùng quan trọng. Nó thể hiện tài năng nghệ thuật của nghệ sĩ. Thơ nữ sĩ Anh Thơ, giọng điệu này chủ yếu thể hiện ở thể loại lục bát bộc lộ đó tâm tư tình cảm của nhân vật trữ tình qua bức tranh cuộc sống sinh động. Một nỗi niềm xót thương thầm kín của nhân vật trữ tình trước hình ảnh mái tóc trắng mẹ bay lên nóc nhà do bom đạn kẻ thù. Với giọng điệu êm đềm, nhẹ nhàng của và bút pháp tả thực về sự tàn khốc của chiến tranh: “ Khói bom tan rạng ánh ngày/ Nóc không treo mái tóc bay mẹ già / Đất nhào tung cả thịt da/ Mẹ ơi cuộc sống đã hòa nước non !..”( Mái tóc mẹ bay )
Bài thơ Mái tóc mẹ bay đã gợi lên niềm phẫn uất căm hờn sâu sắc trong lòng độc giả. Với cái nhịp điệu nhẹ nhàng mà sâu lắng ấy, cái chết của mẹ đã hóa thành bất tử hòa vào mây trời non nước, hoa lá cỏ cây và đốt cháy thành ngọn lửa căm hờn, soi sáng cho những người chiến sĩ quyết tâm giết giặc, bảo vệ non sông, gấm vóc. Cùng với hình ảnh mái tóc mẹ bay trắng cả không thời gian, nỗi nhớ; một sức sống bất diệt được tái hiện qua một hồn thơ nhẹ nhàng tình tứ.
Bên cạnh đó, một số bài thơ bảy chữ và tám chữ cũng có giọng trữ tình nhẹ nhàng sâu lắng. Cảnh vật của một ngày mùa xuân, một sáng hè, một trưa hè hiện lên rất nhẹ nhàng vui tươi hồn nhiên, trong sáng, nét đặc trưng cho cảnh sắc mùa vụ, thiên nhiên, đất trời, cỏ cây hoa lá: “Trời trong biếc không qua mây gợn sóng / Gió nam nồm lộng thổi cánh diều xa/ Hoa lựu nở đầy một vườn đỏ nắng/ Lũ bướm vàng lơ đãng lướt bay qua… (Trưa hè )
Với hình ảnh hoa lựu nở đỏ nắng, lũ bướm vàng, cánh diễu xa…cũng đủ cho ta thấy nét đặc trưng của đất trời mùa hè ở miền đồng bằng Bắc Bộ. Nhịp điệu nhẹ nhàng sâu lắng và cuối câu thơ kết thúc bằng âm tiết mở “ xa”, “qua” làm cho không gian cảnh vật được mở ra cả ba chiều trở nên mênh mông rợn ngợp hơn.
Như vậy, nhịp điệu nhẹ nhàng sâu lắng trong thơ Anh Thơ vừa thể hiện cái hồn nhiên, tươi vui, duyên dáng, đằm thắm, hồn hậu của con người, cảnh vật; vừa thể hiện niềm yêu thương kính trọng đối với những miền đất thân thương, chân chất mộc mạc; đối với những người con yêu quý của dân tộc ở một vùng quê thanh bình hay trong những tháng năm chiến tranh ác liệt. Chính giọng điệu êm đềm, nhẹ nhàng, sâu lắng, làm cho thơ Anh Thơ chiếm được cảm tình trong lòng độc giả.
Cùng với giọng êm đềm nhẹ nhàng sâu lắng, thơ Anh Thơ có giọng điệu đều đều trầm buồn bộc lộ tâm trạng nhân vật trữ tình trước cảnh, giọng nhẹ nhàng sâu lắng lại cũng có giọng nhanh, gấp gáp vui tươi và có giọng đều đều trầm buồn thể hiện cái tôi cô đơn của nữ sĩ.
Có người cho rằng cả tập thơ Bức tranh quê của nữ sĩ đều đều một giọng, thiếu hấp dẫn khiến người đọc chán nản. Khảo sát về nhịp điệu trong tập thơ Bức tranh quê của nữ sĩ đa số là nhịp 3/2/3 chiếm 96 %, thỉnh thoảng có đôi câu có nhịp điệu 3/3/2 xen vào nhưng vô cùng ít. Những vật bình dị đời thường trong cuộc sống khi vào thơ cũng mang những nét độc đáo riêng. Đó là những bức tranh khung cảnh thiên nhiên hoang vắng, cô quạnh được tái hiện lên trong thế giới nghệ thuật thơ nữ sĩ. Không gian của một bến đò vắng khách, của một buổi chiều đã vãn, của cảnh đại hạn hay lụt lội.., tất cả đều hiện lên với một giọng điệu đều đều buồn vắng, thể hiện tâm trạng cô đơn của nhân vật trữ tình trước cảnh: “ …Ngoài đê thẳm không người đi vắng vẻ/ Lũ chuồn chuồn giỡn nắng đuổi nhau bay/ Nhưng thỉnh thoảng tiếng nhạc đồng buồn tẻ/ Của vài người cỡi ngựa đến xua ngay” ( Trưa hè )
Hình ảnh lũ chuồn chuồn nhớ nắng, tiếng nhạc đồng đều đều buồn tẻ từ những cỗ xe tam mã đi qua..., càng làm cho không gian trưa hè trên đồng quê thêm thanh vắng, tiêu điều, buồn cô đơn. Cùng với không gian, khung cảnh tái hiện với nỗi buồn cô đơn xâm chiếm, âm thanh trong trẻo của tiếng đàn bầu cũng không kém phần lay động lòng người, gợi lên nỗi buồn cô đơn xa xứ. Có khi nghe tiếng đàn bầu du dương, lảnh lót, lành lạnh, lay động thức tỉnh tâm hồn từ cõi vô thức. Có khi là cái buồn vô cớ, cái buồn xâm nhập từ cảm giác không gian mênh mông, hiu quạnh vào tâm hồn thứ lữ đơn độc lạc loài trước đất trời, hay hoài vọng về quá khứ. Có khi cái buồn cô đơn gợi lên từ tâm trạng buồn lo của người nông dân những năm đại hạn mất mùa, thất bát: “…Rồi chiều đến khi mặt trời lặn đỏ/ Mây phương đoài tắm rực nắng bên sông/ Các cô gái đưa nhau thăm ruộng cỏ/ Cuốn dây gầu chán nản tát đồng không” ( Đại hạn ). Cái hoang vắng của cảnh cũng dần xâm chiếm vào tâm hồn con người thứ lữ.
Nữ sĩ vẽ lên Bức tranh quê bằng “cát bụi” và “ánh sáng mặt trời” đậm nét tả chân. Bởi, chính sự thật tạo nên sức sống lâu bền cho nghệ thuật. Anh Thơ mô tả những cảnh nghèo khổ, đói rét, lụt lội hay đại hạn…của con người. Cái khách quan của cảnh vật thiên nhiên trong thơ nữ sĩ chỉ là cái bề ngoài, để che dấu một tâm hồn nóng bỏng, nhân hậu, yêu nước thương nòi ở sâu bên trong sự vật khách thể ấy.
Với nhịp điệu đều đều, không gian trong thơ được dàn trải, mênh mông, vắng vẻ hơn. Đó là không gian mênh mông, vắng lặng của đồng quê, không gian thu hẹp của một ngõ tối làng quê…, không gian ấy dường như cũng lan tỏa cái hoang vắng cô liêu vào cảnh vật, lòng người. Người đọc nhận thấy nỗi buồn, cô đơn của nhân vật trữ tình trong thơ nữ sĩ được gợi lên chủ yếu từ cảm giác không gian.
Anh Thơ sử dụng kiểu câu thơ có giọng điệu đều đều trầm buồn, nhẹ nhàng sâu lắng góp phần làm nổi bật cái mênh mông, yên tĩnh của bức tranh làng quê xứ Bắc vừa thể hiện tâm trạng cô đơn của con người trước cảnh, cái cô đơn rợn ngợp gợi lên từ không gian non nước mênh mông vừa diễn tả tâm trạng nhẹ nhàng thư thái, hay sự đồng cảm, sẻ chia vui buồn cùng với cảnh vật, cuộc sống. Và mỗi cung bậc tâm trạng, nhân vật trữ tình hiện lên trong những hoàn cảnh cụ thể.
3.3.2 Giọng điệu nhanh, gấp gáp, vui tươi
Mỗi thể thơ có một đặc trưng riêng về thanh điệu, nhịp điệu. Thơ lục bát thì thường nhẹ nhàng êm đềm như lời ru của bà của mẹ thưở nào, thơ năm chữ lại thể hiện không khí gấp gáp tươi vui, nhí nhảnh…, tuy nhiên cũng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bên cạnh đặc điểm thể loại thơ. Cho dù hồi tưởng lại những gian khổ, hi sinh trong chiến tranh hay phản ánh cuộc sống hiện tại, thơ vẫn hiện lên nét đẹp thanh thoát tươi vui, lạc quan của con người trong cuộc sống: “ Cưới nhau đêm mười bảy/ Mười tám giặc gieo bom/ Từ phòng hạnh phúc dậy/ Chồng vợ hai tuyến đường/ ...,Niềm vui bừng đêm đêm”.( Chuyện vợ chồng sĩ quan tên lửa quê Uy Nổ). Mỗi con người đều có lòng yêu thương gia đình, lòng căm thù giặc xâm lăng và tinh thần yêu nước. Nhịp thơ chủ yếu 2/3, nhanh mạnh gấp gáp, khẩn trương, nhưng cũng đầy niềm vui, tin tưởng. Trong chuyện Vợ chồng sĩ quan tên lửa quê Uy Nổ mới cưới nhau hôm mười bảy, mười tám đã bị giặc gieo bom, cả hai người lên đường làm nhiệm vụ cho đất nước nhưng vẫn phơi phới tinh thần lạc quan cách mạng. Hình ảnh quê hương anh vẫn tay súng tay cày…, vẫn cấy hái, cày bừa dưới mưa bom bão đạn của địch luôn hiện hình sức sống bất diệt.
Bài thơ Phòng vắng tặng anh yêu…, Tình yêu như ngọn lửa luôn im ỉ cháy, sưởi ấm tâm hồn nhân vật trữ tình nhất là lúc trống vắng cô đơn. Vì vậy, nhân vật trữ tình trước căn phòng vắng, những công việc và sự vật bình thường trong cuộc sống được tái hiện: “ Con thích tôm to nhất/ Chồng ưa đậu rán này/ Phòng vắng mà không vắng/ Tình yêu vẫn từ đây.” ( Phòng vắng ). Với nhịp điệu ấy, nhân vật trữ tình bộc lộ niềm vui hân hoan trong qua hồi tưởng về một thời gia đình sum họp, hạnh phúc. Hình ảnh hiện tại của căn phòng lại thôi thúc tinh thần yêu nước, cống hiến cho cách mạng của nhân vật trong bài thơ này. Bên cạnh đó, nhân vật trữ tình cũng bộc lộ niềm vui, hân hoan, lạc quan đầy cảm xúc trước cảnh: “ Con chim nho nhỏ/ Sa trước gió…, Vì đôi cánh non/ Mẹ ra trận địa/ Giữ bầu trời son/ Cho con chim con/ Cho con của mẹ” (Con chim nhỏ). Với nhịp điệu nhanh, khẩn trương, âm hưởng vui tươi, người mẹ thể hiện niềm vui tươi trò chuyện với đứa con mình, qua hình ảnh chú chim non, bị mất tổ sau trận bom thù. Người mẹ ra trận để giữ bầu trời son, cho cảnh vật muôn loài, cho con của mẹ được yên bình, hạnh phúc. Từ hình ảnh con chim non, Anh Thơ liên hệ đến cuộc sống gia đình hết sức tự nhiên vui tươi như tâm hồn trẻ thơ và rộng lớn hơn chính là tình yêu đồng loại, yêu cảnh vật, thiên nhiên, yêu đồng bào: “ …Rơm mới đầy đầy sân hương lúa/ Thoảng trong khói đạn mịt mù/ Sông nước êm ru/ Dừa tươi xóm nhỏ/ Anh lại nghe vang giọng hò sông Mã/ Yêu sao người giữ bến quê em” ( Mời anh ghé bến quê em ). Với nhịp điệu nhanh mạnh, câu thơ ngắn dài phù hợp với diễn biến tâm trạng của người con gái, nhân vật trữ tình thể hiện niềm tự hào trước chiến công của người lính qua. Sau mỗi trận đánh, quê hương lại hồi sinh, dừa lại xanh xóm nhỏ, vẫn hát ngân vang giọng hò sông Mã.
Say đắm, nhập tâm vào cảnh vật, cuộc sống, Anh Thơ phân thân, nhập vai vào nhân vật để nói lên niềm vui sum họp gia đình, niềm hạnh phúc riêng tư cá nhân trong quan hệ với trách nhiệm chung, niềm vui chung của dân tộc. Thơ Anh Thơ vừa có đều đều trầm buồn thể hiện cái tôi cô đơn, chan hòa cùng thiên nhiên, tạo vật, cuộc sống, vừa có âm điệu, nhịp điệu nhẹ nhàng, vui tươi hồn nhiên tự nhiên để diễn tả niềm lạc quan của con người trong lao động hay của người chiến sĩ cách mạng, tâm trạng của nhân vật trữ tình trong thời khắc giao mùa. Nhưng niềm vui lớn nhất của nhân vật trữ tình vẫn là niềm vui được cống hiến, hi sinh cao đẹp và trọn vẹn cho Tổ quốc. Chính nhịp điệu này đã tạo nên cho thơ Anh Thơ một diện mạo mới mẻ lôi cuốn độc giả, mang tâm thế một người con ưu tú của dân tộc trong thời đại hào hùng.
KẾT LUẬN
1. Là nhà thơ của đồng quê, hồn quê, Anh Thơ tượng trưng cho núi sông hùng vĩ, cho cánh đồng thơm mát, phù sa màu mỡ của đất Việt. Đọc thơ Anh Thơ, chúng ta càng được bồi đắp thêm lòng yêu thiên nhiên, lòng yêu quê hương đất nước. Với hành trình sáng tạo nghệ thuật trong sáu mươi năm đầy đam mê, không mệt mỏi và yêu thơ như yêu chính cuộc đời mình, Anh Thơ để lại một sự nghiệp văn chương lớn với những đóng góp riêng, độc đáo được bạn bè, đồng nghiệp và độc giả mến mộ, ngợi ca, khẳng định. Anh Thơ được trao tặng giải thưởng nhà nước đợt I, đây là giải thưởng có ý nghĩa lớn nhất trong cuộc đời sự nghiệp Anh Thơ, và là sự khẳng định vai trò vị trí của Anh Thơ trong nền thi ca dân tộc. Nghiên cứu, khám phá thế giới nghệ thuật thơ Anh Thơ, chúng ta khám phá hình tượng nghệ thuật, với những đặc sắc nghệ thuật trong tính chỉnh thể toàn vẹn theo quy luật tổ chức nội tại chung và riêng của nó.
2. Thế giới nghệ thuật thơ Anh Thơ là một chỉnh thể nghệ thuật toàn vẹn, đa dạng, phong phú, độc đáo. Ở đó, con người thơ, sự nghiệp cách mạng, tinh thần dân tộc gắn bó máu thịt đồng hành tạo nên một cốt cách nghệ thuật riêng, tiếng nói riêng. Thế giới nghệ thuật thơ Anh Thơ không chỉ thể hiện ở cuộc đời và quan niệm nghệ thuật của nữ sĩ. Đó là cuộc đời thơ đầy những chông gai, trắc trở. Bằng lòng yêu thơ như yêu chính bản thân mình, bằng nghị lực vươn lên và tinh thần tự học hỏi không ngừng, Anh Thơ gặt hái được thành quả to lớn trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình. Bên cạnh đó, thế giới nghệ thuật thơ Anh Thơ còn thể hiện ở cái tôi cá nhân giao cảm, chan hòa với thiên nhiên, tạo vật bốn mùa Xuân – Hạ - Thu – Đông gắn liền với bản sắc văn hóa làng Việt cổ và cái tôi trữ tình gắn bó với đời sống kháng chiến. Anh Thơ nhập vai vào chị dân công, người lái xe, anh phi công, cô thanh niên xung phong, người mẹ cách mạng, người dân lao động, đứa bé…, để nói lên tâm sự của họ và cùng cảm thông và chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với họ. Cái tôi trữ tình ấy thể hiện ở không gian nghệ thuật, không gian làng quê gắn với phong tục cổ truyền và không gian kháng chiến gắn liền với hình ảnh núi rừng chiến khu, với hình ảnh con đường, cánh đồng thơm mát, hình ảnh vùng trời , vùng biển…; và thời gian nghệ thuật với những quan hệ xã hội riêng, đó là kiểu thời gian tuyến tính theo ngày, mùa, theo quy luật tuần hoàn của tạo hóa và sự vận động của các vì tinh tú… Bên cạnh đó, thơ Anh Thơ có thời gian hoài niệm và hướng về tương lai với những ước mơ khát vọng cao đẹp, mang tính nhân văn sâu sắc. Thế giới nghệ thuật thơ Anh Thơ thể hiện qua phương thức nghệ thuật thơ độc đáo, qua sự đa dạng về thể thơ, qua chất liệu ngôn từ nghệ thuật vừa mang tính bình dị đời thường vừa đậm tính cộng đồng, qua sự đa dạng về giọng điệu có giọng trầm buồn, nhẹ nhàng sâu lắng, có giọng nhanh – gấp gáp – vui tươi, qua cú pháp đảo lộn độc đáo, giàu chất thơ… Như vậy, đến với thế giới nghệ thuật thơ Anh Thơ, chúng ta thỏa thích chiêm ngưỡng hai bức tranh cuộc sống nóng bỏng, đầy chất liệu hiện thực: một bức tranh về đồng quê, làng quê Việt xưa với cảnh sắc bốn mùa Xuân – Hạ - Thu - Đông, với phong tục, tập quán trong sinh hoạt văn hóa cổ truyền của người Việt và một bức tranh toàn cảnh về cuộc sống sống – kháng chiến của dân tộc ta với những vùng miền khác nhau của Tổ quốc từ Bắc – Trung – Nam. Hai bức tranh đời sống ấy phản ánh hiện thực lịch sử trước và sau Cách mạng tháng Tám 1945 của dân tộc với chất liệu khách quan, đầy nóng bỏng, thấm đẫm hơi thở thời đại.
3. Tìm hiểu, khám phá nghệ thuật thơ Anh Thơ, chúng ta nhận thức sâu sắc tính phong phú độc đáo trong phong cách nghệ thuật thơ, một quan niệm nghệ thuật rất chân thật gần gũi đến lạ thường và cá tính sáng tạo của nữ sĩ Anh Thơ. Khám phá, tìm hiểu những vấn đề này, chúng ta có một cái nhìn toàn vẹn hơn về thế giới nghệ thuật thơ Anh Thơ; Từ đó, khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của nữ sĩ Anh Thơ trong phong trào Thơ mới nói riêng và thơ ca Việt Nam hiện đại nói chung. Những khám phá về thế giới nghệ thuật thơ Anh Thơ đem lại cho chúng ta cái nhìn hệ thống, toàn diện về thế giới hình tượng cùng với những đặc sắc về nghệ thuật trong sáng tác của Anh Thơ. Tiếp cận với hướng nghiên cứu này, chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn, toàn diện hơn giá trị của thơ ca Việt Nam hiện đại, cùng những thành tựu của nó trong lịch sử thơ ca dân tộc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Aristotle, Nghệ thuật thi ca, Nxb Lao động, Hà Nội, 2007.
Lại Nguyên Ân, Cuộc cải cách thơ của phong trào Thơ mới và tiến trình thơ tiếng Việt, Tạp chí Văn học, số 1- 1993.
Nguyễn Duy Bắc, Bản sắc dân tộc trong thơ ca Việt Nam hiện đại, Nxb Văn hoá dân tộc, 1998.
Bakhtin, Những vấn đề thi pháp Đôtxtôiepxki, Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn dịch. Nxb Giáo dục, Hà Nội 1993.
Phan Văn Cảnh, Ngôn ngữ thơ, Nxb Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp, Hà Nội 1984.
Nguyễn Văn Dân, Phương pháp nghiên cứu văn học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội , 2006.
Chu Xuân Diên, Cơ sở văn hoá Việt Nam, Nxb Quốc gia, TP Hồ Chí Minh, 2002.
Lê Tiến Dũng, Thể thơ tám tiếng trong thơ Việt Nam,Tạp chí Văn học số 3, năm 2000.
Phan Huy Dũng, Một đặc điểm của loại hình kết cấu của nhiều bài Thơ mới (1932 – 1945 ), Tạp chí Văn học, số 2, năm 1999.
Phan Cự Đệ, Phong trào Thơ Mới 1932 – 1945, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1992.
Phan Cự Đệ, Trần Đình Hựơu, Nguyễn Trác, Nguyễn Hoành Khung, Hà Văn Đức, Văn học Việt Nam 1900 – 1945, Nxb Giáo dục, 2000.
Nguyễn Đăng Điệp, Giọng điệu thơ trữ tình, Nxb Văn học, Hà Nội 2002.
Hà Minh Đức, Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội 1998.
Hà Minh Đức, Lí luận văn học và báo chí, Tập 1,2,3, Nxb Giáo dục,Hà Nội 2004.
Hà Minh Đức, Một thời đại thi ca - về phong trào Thơ mới 1932 – 1945, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1999.
Nhiều tác giả, Thơ mới 1932 – 1945, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội 2004.
Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Từ điển văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội 1992.
Hồ Thế Hà, Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên, Nxb Văn học, 2004.
Như Hiên - Nguyễn Ngọc Hiền, Nữ sĩ Việt Nam cổ - cận - hiện đại, Nxb văn học, TP. Hồ Chí Minh 2006.
Lưu Hiệp, Văn tâm điêu long, Nxb Văn học, Hà Nội 1999.
Đỗ Đức Hiểu, Từ điển văn học (Bộ mới), Nxb Thế giới 2004.
Bùi Công Hùng, Tiếp cận nghệ thuật thi ca, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội 2000.
Nguyễn Kim Hồng, Sự thể hiện làng quê Việt Nam trong văn xuôi hiện thực trước Cách mạng tháng Tám – 1945, Luận án Tiến sĩ, Hà Nội 2002.
Nguyễn Quốc Khánh (1999), Thi pháp thơ Chế Lan Viên (luận án), ĐH Quốc gia, Thành phố Hồ Chí Minh.
Nguyễn Hoành Khung, Lịch sử văn học Việt Nam 1930 – 1945, Tập 5, Phần 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội 1978.
Nguyễn Hoành Khung, Hợp tuyển thơ văn Việt Nam 1932 – 1945, Nxb Giáo dục, Hà Nội 1986.
Lê Đình Kị, Thơ Mới - Những bước thăng trầm, Nxb trẻ, TP. Hồ Chí Minh 1993.
Mã Giang Lân, Chữ Quốc ngữ và sự phát triển thơ ca Việt Nam đầu thế kỉ XX - Tạp chí Văn học, Số 8 – 1998.
Mã Giang Lân, Qúa trình hiện đại hoá văn học Việt Nam 1900 – 1945, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội 2000.
Phong Lê, Vũ Văn Sĩ, Bích Thu, Lưu Khánh Thơ, Thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Lao động, Hà Nội 2002.
Nguyễn Tấn Long, Việt Nam Thi nhân tiền chiến (Tái bản có sửa chữa), Toàn tập, Nxb Văn học, TP. Hồ Chí Minh 2000.
Nguyễn Văn Long, Văn học Việt Nam trong thời đại mới ( Từ sau cách mạng tháng Tám 1945), Nxb Giáo dục, Hà Nội 2003
Phương Lựu, Trần Đình Sử, Nguyễn Xuân Nam, Lê Ngọc Trà, Lý luận văn học, Tập 1, 2,3 Nxb Giáo dục 1986 - 1988
Nguyễn Đăng Mạnh, Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, Nxb Giáo dục 2000.
Lạc Nam, Tìm hiểu các thể thơ, Nxb Văn học, Hà Nội 1992.
Bùi Văn Nguyên, Các thể thơ và sự phát triển của hình thức thơ ca trong văn học Việt Nam, In lần thứ 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội 1971.
Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, Tập 2, Nxb Khoa học xã hội 1989.
Nguyễn Hưng Quốc, Tìm hiểu nghệ thuật thơ Việt Nam, Nxb Quê mẹ, Pari 1988.
Chu Văn Sơn, Về bản sắc dân tộc và một hướng kiếm tìm trong thơ, Tạp chí Văn học, số 10 – 1994.
Chu Văn Sơn, Thế giới nghệ thuật thơ Hàn Mạc Tử - Luận án Tiến sĩ, Hà Nội 2001.
Chu Văn Sơn, Ba đỉnh cao thơ mới, Nxb Giáo dục (Tái bản) 2006.
Trần Đình Sử, Những thế giới nghệ thuật thơ (Tái bản lần thứ nhất), Nxb Giáo dục 1997.
Trần Đình Sử, Thi pháp học hiện đại, Trường Đại học sư phạm TP. Hồ Chí Minh 1993.
Trần Đình Sử, Thi pháp truyện Kiều, Tái bản, Nxb Giáo dục, 2005
Văn Tâm, Góp lời thiên cổ sự, Nxb Văn học, Hà Nội 1991
Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, in lần thứ 5, Nxb Văn học, Hà Nội 1998.
Hoàng Trung Thông (Giới thiệu), Ngọc Trai (Sưu tầm và tuyển chọn), Tuyển tập Anh Thơ, Nxb Văn học, Hà Nội 1987.
Đỗ Lai Thuý, Mắt thơ 1, tái bản có bổ sung, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội 2000.
Hoàng Trinh, Bản sắc văn hóa Việt Nam trong tiến trình lịch sử, Tạp chí Văn học, Số 8 – 1998.
Nguyễn Quốc Tuý, Thơ mới – Bình minh thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Văn học , Hà Nội 1995.
Uyên Thao, Thơ Việt Nam hiện đại 1900 – 1960, Nhận định, Nxb Hồng Lĩnh, Sài Gòn 1969.
Anh Thơ, Từ bến sông Thương (Hồi kí ), Nxb Văn học, Hà Nội 1986.
Thơ Anh Thơ, (Tác phẩm được giải thưởng nhà nước đợt I, năm 2001), Hội văn học nghệ thuật Bắc Giang xuất bản năm 2002.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Thế giới nghệ thuật thơ Anh Thơ.doc