Thế giới nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử - Trương Mỹ Yến

Hàn Mặc Tử - vị chúa của Trường thơ loạn, người có cuộc đời đau khổ và bất hạnh nhất, nhưng ông lại có tài năng thơ kì diệu được các nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học cùng thời khâm phục, ngợi ca. Một trong những đề tài tạo nên sự kì diệu ấy phải kể đến là đề tài trăng. Có thể nói Nguyễn Trọng Trí đã gắn bó với trăng trong cuộc đời thực như gắn bó với một người bạn tri âm tri kỷ. Cho nên điều dễ nhận thấy là trong toàn bộ sự nghiệp thơ ca của ông, đề tài trăng chiếm một số lượng lớn. Có tới 15 bài thơ tiêu đề trăng, hàng chục bài viết về trăng và đặc biệt là cảm xúc dâng trào của nhà thơ khi đứng trước vẻ đẹp thơ mộng của trăng: “Trăng là ánh sáng? Nhất là trăng giữa mùa thu, ánh sáng càng thêm kì ảo, thơm thơm, (Chơi giữa mùa trăng). Nhờ trí tưởng tượng phi thường, Hàn Mặc Tử đã hư ảo hóa thực tại, tạo ra những ánh trăng khác thường, không giống bất cứ một thứ trăng nào có trước. Chúng ta từng yêu tha thiết những vần thơ trong sáng trau chuốt như ngọc ngà của Nguyễn Trãi khi ông viết về trăng: “Nước biếc non xanh thuyền gối bãi Đêm thanh nguyệt bạt khách lên lầu”

doc41 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 13270 | Lượt tải: 3download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Thế giới nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử - Trương Mỹ Yến, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
góp của Hàn Mặc Tủ cho nền văn học nước nhà. 5.3. Phương pháp hệ thống Người viết nhận thấy rằng sáng tác thơ của Hàn Mặc Tử là một chỉnh thể nghệ thuật trọn vẹn và mang tính hệ thống. Vì thế khi nghiên cứu người viết đặt nó trong một hệ thống chung theo một trật tự nhất định. 5.4. Phương pháp thống kê – phân loại Phương pháp này sẽ giúp cho việc phân tích những nhận xét về thơ Hàn Mặc Tử có chứng cứ cụ thể. Một mặt nào đó giúp cho việc so sánh đối chiếu có thêm sức thuyết phục. 6. Ý nghĩa khoa học Nghiên cứu đề tài “Thế giới nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử”, người viết chọn cách tiếp cận với thế giới nghệ thuật mới mẻ trong dòng văn học đương đại, khai thác tiếng lòng và những đặc trưng thẩm mỹ của một phong cách thơ độc đáo Người viết cũng hi vọng rằng sau khi nghiên cứu thành công đề tài này sẽ góp phần nhận diện thơ Hàn Mặc Tử sâu hơn, rộng hơn và đưa ra được cái nhìn đầy đủ có hệ thống về tác giả. 7. Kết cấu niên luận Chương 1 : Giới thiệu chung Chương 2 : Thế giới nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử Chương 3 : Sự pha trộn trong thế giới nghệ thuật Hàn Măc Tử Kết luận PHẦN NỘI DUNG CHƯƠNG 1: GIỚI THIỆU CHUNG 1.1. Khái niện chung về thế giới nghệ thuật 1.1.1. Thế giới nghệ thuật Khái niệm thế giới nghệ thuật xuất hiện từ yêu cầu muốn tiếp cận tác phẩm văn học trong dạng chỉnh thể (từ những năm 70/XX). Nó được tiếp cận ở các cấp độ khác nhau. Nội dung và hình thức của tác phẩm hài hòa với nhau nhưng người ta lại yêu cầu cụ thể, phải hài hòa như thế nào thì chưa thể trả lời ngay được. Do vậy, khi nghiên cứu tác giả thì ý niệm được chia thành từng mảnh. Chẳng hạn, hình tượng Bác Hồ, hình tượng người nông dân, hình tượng bà mẹ trong thơ Tố Hữu. Như thế thơ Tố Hữu chưa thành một chỉnh thể toàn vẹn. Chỉnh thể thường được quan niệm như là một tập hợp sáng tác của nhà văn nhưng lại được nhìn nhận là một tập hợp đơn giản. Thế giới nghệ thuật không phải là một tập hợp đơn giản mà là một hệ thống thống nhất, một chỉnh thể sống động, nó hiện diện trước mắt chúng ta như một sinh thể. Secnusepxki nói: “Cái đẹp là cái sống”. Tức cái đẹp có được khi và chỉ khi nó hiện ra trước mắt chúng ta như một sinh thể. Nhân hóa là hiện tượng phổ biến của nhận thức loài người, khi con người nhận thức vai trò của mình đối với thế giới thì thế giới bị người hóa, nhân hóa cái nhìn mang bản tính nhân văn. Đây còn là bản chất sâu xa của nghệ thuật. Đối với người nghệ sĩ, hơn bao giờ hết họ cũng muốn truyền cảm xúc chân thực vào đối tượng, truyền sự sống vào đối tượng. Cái “thần”, cái “hồn” của sự vật có được khi và chỉ khi sự vật ấy toát lên sự sống. Tức chủ thể đã truyền sự sống cho nó. Và lẽ cố nhiên cái đẹp ấy cũng phải đạt đến sự hài hòa. Trong thơ ta thường bắt gặp một hình ảnh mô típ về Hồ Chí Minh, là con người hòa hợp cái phi thường mà bình thường, vĩ đại mà giản dị. Tiêu biểu là thơ Tố Hữu. Từ thập niên 80 của thế kỉ XX cùng sự xuất hiện của chủ nghĩa Macxit sáng tác văn học được nhìn nhận như một chỉnh thể. Chúng ta đi vào hiện tượng đó như đi vào một thế giới riêng, đi vào một cõi sống riêng. Trong bài giảng “Thế giới nghệ thuật của một nhà thơ trữ tình” Chu Văn Sơn có cách định nghĩa như sau: “Xét đến cùng thế giới nghệ thuật của một nhà văn chính là một thế giới hình tượng hiện ra như một chỉnh thể sống động, chứa đựng một quan niệm nhân sinh và thẩm mĩ nào đó, được xây cắt bằng chất liệu ngôn từ. Như vậy, thế giới nghệ thuật vừa là con đẻ vừa là hiện thân của tư tưởng sáng tác. Đó không phải là một thế giới tĩnh mà là một thế giới động, vừa vận động, vừa phụ thuộc vừa phản ánh những biến chuyển trong tư tưởng của người nghệ sĩ”. Vậy, tư tưởng của nhà nghệ sĩ thực chất là gì? Khác với tư tưởng của các hoạt động trí tuệ khác ở chổ nào? Tư tưởng của nhà khoa học chính là sản phẩm của tư duy khoa học được vận hành chủ yếu bằng lí trí một cách trừu tượng hóa. Còn tư tưởng của người nghệ sĩ thì khác, đó là tư duy nghệ thuật, không chỉ vận hành bằng lí trí mà còn bằng tình cảm. “Người nghệ sĩ không chỉ tư duy bằng bộ óc mà còn tư duy bằng trái tim” (Leptonxtoi). Khi nhà nghệ sĩ tư duy thì lí trí và cảm xúc hòa quyện vào nhau. Vậy nên thao tác cơ bản của tư duy nghệ thuật không phải là trừu tượng hóa mà là hình tượng hóa. Sản phẩm cuối cùng của tư duy khoa học là các khái niệm trừu tượng, sản phẩm cuối cùng của tư duy nghệ thuật là hình tượng. Rõ ràng có sự khác biệt nhau. Tư tưởng của một nghệ sĩ bao giờ cũng là sự hòa điệu giữa quan niệm nhân sinh và quan niệm thẩm mĩ. Quan niệm nhân sinh trả lời câu hỏi về hạnh phúc, còn quan niệm thẩm mĩ trả lời câu hỏi về cái đẹp. Cả hai sẽ tạo ra một lực đẩy chung khiến nghệ sĩ suốt đời tìm kiếm những gì là tinh hoa của cuộc sống. Tư tưởng ấy cũng chi phối toàn bộ việc kiến tạo nên cái thế giới nghệ thuật của nghệ sĩ đó. Bởi vậy, muốn nắm được tư tưởng của một người nghệ sĩ không thể né tránh câu hỏi then chốt: Vẻ đẹp anh ta khao khát là gì? Kết quả anh ta ao ước là gì? Tinh hoa của sự sống theo quan niệm Hàn Mặc Tử đó là vẻ đẹp “Tinh Khiết mà Xuân Tình”. Suốt đời mình, cả trong hoạn nạn, trong đau đớn tuyệt vọng, ông hướng về vẻ đẹp đó như một cứu tinh “Tôi muốn trọn đời ngưỡng mộ vẻ trắng trong nguyên vẹn, nguồn tươi, ánh sáng, thơ vì đấy là hình tượng của linh hồn thanh khiết”. Hàn Mặc Tử - Chơi giữa mùa trăng, Nxb An Tiêm, Sài Gòn, 1969. Thế giới nghệ thuật của một nhà thơ trữ tình Bước vào giai đoạn của thơ ca hiện đại, việc xác định những thành tố cơ bản trong thế giới nghệ thuật của một nhà thơ trữ tình thời trung đại không còn phù hợp (theo Lê Quang Hưng, giai đoạn này thế giới nghệ thuật của một nhà thơ trữ tình chỉ gồm hai thành tố: “Cái tôi và thế giới”). Do cái tôi cá nhân ý thức trưởng thành trong mối quan hệ mật thiết với tha nhân, tha nhân gần gũi nhất là một mẫu hình lí tưởng của cái tôi. Hình ảnh đó của cái tôi trữ tình là một người tình tinh thần, người tình của hồn thơ. Nhà thơ Hoàng Cầm đã nói vấn đề này khá sớm: “Trong mỗi nhà thơ trữ tình đều sống một người đàn bà”, người đàn bà ấy hiện thân cho những nét đẹp, vẻ đẹp mà người nghệ sĩ mơ ước và tôn thờ, là cái đẹp bằng xương bằng thịt. Người ta gọi đó là nàng thơ, người tình lí tưởng của thi sĩ. Thế giới hình tượng thơ ca được xem là sản phẩm sinh ra từ cuộc hôn phối âm thầm của người thi sĩ và người đàn bà huyền diệu đó. Do vậy, thế giới nghệ thuật của một nhà thơ trữ tình hiện đại phải là một thế giới chứa đựng ba hình tượng cơ bản: Cái tôi – Người tình –Thế giới. Nói đến thơ trữ tình là nói đến cảm xúc của chủ thể, của cái tôi cá nhân, con người như thế nào thì cảm xúc thế ấy. Muốn tiếp cận được thế giới nghệ thuật của thơ trữ tình phải nhận diện được cái tôi trữ tình. Không phải nhà thơ xưng tôi thì cái tôi mới bộc lộ, thật ra nó bộc lộ khắp nơi. Vì qua tác phẩm người ta có thể hình dung ra con người ấy, chủ yếu là qua tư thế trữ tình, giọng điệu trữ tình hay chân dung diện mạo của cái tôi trữ tình đó. Chẳng hạn, ta thường bắt gặp tư thế trữ tình hay “đứng” của Xuân Diệu, hay “đi chậm” của Huy Cận, “bước nhanh” của Tố Hữu, hay “gào, hét, rên, hú” của Hàn Mặc Tử. Hình tượng người tình của hồn thơ chính là mẫu hình lí tưởng, chính là cái đẹp bằng xương bằng thịt mà hồn thơ ấy tôn thờ. Vì thế nó vừa cụ thể, vừa khái quát, vừa vô hình vừa hữu hình. Thường đối với nam thi sĩ người tình ấy là EM, còn nữ thi sĩ thì là ANH. Người tình ấy được thi sĩ khắc họa qua những hình tượng phụ nữ trong thơ mình. Như Hàn Mặc Tử ở tập thơ “Gái quê” người tình hiện lên là một cô gái trinh trắng, đoan trang. Nguyễn Bính xác định người tình trong bài “Chân quê” khá rõ, đó là cô gái còn giữ được những nền nếp của thôn quê. Và sau cùng hình tượng tạo nên thế giới nghệ thuật trong thơ trữ tình là Thế giới. Thế giới được hiểu như môi trường bao quanh nhân vật Tôi - Người tình, nó bao gồm: Thiên nhiên (không gian và thời gian), đời sống xã hội (cuộc sống của thi nhân và các nhân vật trong thơ). Thế giới bao quanh cặp nhân vật Tôi – Em trong thơ Xuân Diệu là trường tình, với Tố Hữu là một trường tranh đấu. Thông thường, từng kiểu nhà thơ lại có cá tính sáng tạo khác nhau. Trong thơ trung đại phần thiên nhiên đậm hơn phần cuộc sống. Thơ cách mạng thì nói nhiều về tình cảm lớn: đó là tình cảm cái tôi đối với cộng đồng, quê hương, hình tượng lãnh tụ, người mẹ, người chiến sĩ rất đậm. Hình tượng người yêu nhạt đi, nếu có hình tượng này phải nương vào tình cảm lớn: tình yêu lứa đôi lồng trong tình đồng chí (Đồi tím hoa sim - Hữu Loan, Núi đôi - Vũ Cao). Còn thơ lãng mạn chủ yếu nói về tình yêu cá nhân, những cảm xúc mà thi nhân gặp phải trong cuộc sống đời thường. Ví dụ như Tố Hữu – một nhà thơ trữ tình chính trị, cái tôi ông thể hiện là người chiến sĩ, người tình trong thơ là tình đồng chí, thế giới bao quanh nó là cả một trường tranh đấu. Ta thử đến với Hàn Mặc Tử - một nhà thơ lãng mạn, sẽ có sự khác biệt như thế nào? Cái tôi ông muốn thể hiện là chính bản thân mình, với những cảm xúc hết sức chân thật. Có khi vui vẻ, yêu đời, khi thì đau đớn đến tuyệt vọng. Ngoài ra, Hàn Mặc Tử còn hiện rõ là một tín đồ tôn giáo, một “con chiên ngoan đạo”, bởi thơ ông có sự hòa lẫn Thiên chúa giáo, Phật giáo, Đạo giáo. Tôn giáo ấy là thứ tôn giáo lãng mạn, nhà thơ chỉ mượn hình ảnh , từ ngữ của nó để nói lên niềm say mê khao khát, là tiếng nói hướng về đức tin. Có thể nhận thấy từ “Đau thương” trở về trước người tình trong thơ Hàn là những người phụ nữ với hình ảnh nổi trội, vẻ xuân tình được tô đậm, miêu tả bằng nhục cảm. Đó là những cảm xúc chân thực của một chàng trai khỏe mạnh khao khát chiêm ngưỡng, hưởng thụ vẻ đẹp nơi trần thế. Còn “Đau thương” trở về sau hình ảnh mang tính huyễn tưởng. Người thơ có vẻ đẹp trinh bạch, xuân tình nhưng thiên về màu sắc xuất thế, quan tâm nhiều đến vẻ đẹp tinh thần. Vì lúc này đây Hàn Mặc Tử đã mắc bệnh, cơ hội chiêm ngưỡng, tận hưởng vẻ đẹp trần thế không còn, nhà thơ hướng về vẻ đẹp đẹp huyễn tưởng nơi tiên giới như để được cứu rỗi. Như vậy, hai mô hình thế giới nghệ thuật của thơ cách mạng và thơ lãng mạn rất khác biệt, nó mang tính quy luật. Mỗi nhà thơ có cách sáng tạo thế giới nghệ thuật cho riêng mình đều đó còn phụ thuộc vào tư tưởng, vào phong cách ngôn ngữ của thi sĩ đó. Đồng thời phụ thuộc vào khuynh hướng trường phái mà người nghệ sĩ đó chịu ảnh hưởng. 1.2. Vài nét về Hàn Mặc Tử 1.2.1. Cuộc đời Hàn Mặc Tử (1912 – 1940) tên khai sinh là Nguyễn Trọng Trí, tên thánh là Pierre hay Francois. Sinh ở làng Lệ Mĩ, tổng Võ Xá, huyện Phong Lộc, tỉnh Đồng Hới (nay là Quảng Bình) trong một gia đình viên chức nghèo theo đạo Thiên Chúa. Cha là Nguyễn Văn Toản từng là chủ sự Thương Chánh Nhật Lệ và mẹ là Nguyễn Thị Duy, một người đàn bà xứ Huế hiền lành, trung hậu chịu thương chịu khó. Sau khi cha mất, gia đình Nguyễn Trọng Trí chuyển vào Quy Nhơn sống với người anh đầu đang làm việc tại đây. Do muốn con theo đuổi sự nghiệp công danh nên mẹ ông bàn với người anh gởi ông ra Huế theo học tại trường dòng Pellerin, một trong những trường nổi tiếng nhất tại Huế. Và tại đây Nguyễn Trọng Trí đã có hai năm học trung học (1928 – 1930). Hoàn cảnh kinh tế gia đình lúc này sa sút, Hàn Mặc Tử phải bỏ học. Ông làm viên chức tại sở Đạc Điền Quy Nhơn (1932 - 1933), rồi vào Sài Gòn làm báo (1934 -1935). Đến năm 1936, Hàn Mặc Tử mắc bệnh phong ông về hẳn Quy Nhơn chữa bệnh và mất đi tại trại phong Quy Hòa (11/11/1940). Chính đất Thần Kinh với non nước hữu tình, nơi quy tụ nhiều nhân tài và đặc biệt sinh ra trong gia đình có truyền thống Nho học đã ảnh hưởng và khai mở hồn thơ Trọng Trí để sau này ông trở thành nhà thơ thiên tài. 1.2.2. Sự nghiệp Nguyễn Trọng Trí mở đầu sự nghiệp thơ văn của mình với bút hiệu Minh Duệ Thị bằng thể thơ Đường luật ngay khi tuổi đời chỉ mới 16. Trong khoảng thời gian này, cụ Phan Bội Châu mở thi xã Mộng Du, lên tiếng kêu gọi các thức giả xướng họa thơ văn. Nguyễn Trọng Trí cũng gởi bài đi với bút danh Phong Trần được cụ họa lại và hết lời khen ngợi. Tháng 10/1935, ông bỏ sở Đạc điền cùng với một số người bạn thơ văn vào Sài Gòn làm báo. Tại đây Nguyễn Trọng Trí lấy bút hiệu là Lệ Thanh (tên làng Lệ Mĩ, chánh quán Tân Thanh ghép lại), ông đoạt giải nhất cuộc thi thơ của một câu lạc bộ thơ, bút hiệu Lệ Thanh cũng nổi tiếng từ đó. Nguyễn Trọng Trí cộng tác với báo Trong Khuê Phòng, Đông Dương tuần báo, báo Người Mới. Năm 1936, khi phụ trách trang văn chương báo Sài Gòn, Nguyễn Trọng Trí mới đổi hiệu là Hàn Mạc Tử và sau này thành Hàn Mặc Tử nghĩa là “khách văn chương” theo lời khuyên của một vài người bạn. Tuy cuộc đời nhiều bi thương nhưng Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ có sức sáng tạo nhất trong phong trào thơ Mới. Bắt đầu bằng thơ cổ điển Đường luật rồi chuyển sang sáng tác với khuynh hướng thơ Mới lãng mạn và sau này tiến xa hơn là dòng thơ tượng trưng siêu thực. Với một diện mạo hết sức phức tạp và một hồn thơ bí ẩn của Hàn Mặc Tử người ta vẫn thấy rõ một tình yêu đau đớn hướng về cuộc đời trần trụi nơi ông. Hàn Mặc Tử đã để lại cho nền văn học nhiều tập thơ có giá trị như : “Gái quê” - xuất bản năm 1936 lúc nhà thơ còn sống. “ Đau thương : thơ Điên ” (1938), “ Xuân như ý ”, “Thượng thanh khí ”, “Cẩm châu duyên”,…”Duyên kì ngộ” (1939), “Quần tiên hội” là hai tác phẩm kịch thơ. Và thơ văn xuôi “Chơi giữa mùa trăng” (1940). Ngoài ra còn có một số tiểu luận, phỏng vấn, phóng sự. 1.2.3. Quan niệm về thơ Nếu như các nhà thơ trong phong trào thơ Mới đều tìm đến với một bậc thi nhân, một hồn thơ nào đó để học hỏi. Xuân Diệu thích Rimbaud và Verlaine, Chế Lan Viên mê Edgar Poe, còn Hàn Mặc Tử thì khác. Chàng tuyên bố mình không thích một nhà thơ phương Tây nào cả, chàng tiếp thu tất cả cái hay, cái đặc biệt của họ để xây dựng cho mình một lối thơ riêng mà ông thích. Mở đầu hành trình thơ bằng lối cổ điển Đường luật nhưng lại chuyển nhanh qua lãng mạn trong phong trào thơ Mới và tiếp tục tiến đến siêu thực, hồn thơ Hàn Mặc Tử như cơn lốc xoáy, ào ạt, hòa trộn tất cả nào là đau khổ và hạnh phúc, khát vọng và tình yêu, tình đời và người đời,… Đối với ông, thơ như người bạn để gởi gắm những gì đẹp nhất, hay nhất, khoái cảm nhất và những yêu thương si mê cuồng dại nhất. Thơ cũng có lúc như cứu cánh giúp ông bớt đau đớn trong những cơn hành hạ của bệnh tật. Vì thế Hàn Mặc Tử quan niệm về thơ rất rõ : “Thơ phải là sự ham muốn vô biên nguồn khoái lạc trong trắng của một cõi trời tách biệt” còn “Người thơ là khách lạ đi giữa nguồn thơ trong trẻo”. Và theo ông nói thì : “Tôi làm thơ là bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng”. (Quan niệm về thơ – Hàn Mặc Tử). Ở lời tựa tập Thơ Điên, Hàn Mặc Tử viết: “Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật ra tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú”. Như thế theo ông thơ phải xuất phát từ những cảm xúc chân thật không đem vào sự giả dối. Điều đó không có nghĩa trong quá trình sáng tạo nhà thơ không thể bịa ra, không thể tưởng tượng ra nhiều thứ, mà trái lại phải bịa phải tưởng tượng làm sao giống y như thật trên cơ sở của tình cảm., lúc đó mới hòng được đọc giả tiếp nhận. Ta thử nghe nhà thơ tiên đoán về cái chết của mình: “Một mai kia bên khe nước ngọc Với sương sao anh nằm chết như trăng Anh không thấy một nàng tiên mô đến khóc Đến hôn anh và rửa vết thương lòng”. (Duyên kì ngộ) Và sự thật là thế, khi nhà thơ qua đời không bóng dáng một người thân, bạn bè nào đến tiễn đưa. Ở Phan Thiết! Phan Thiết,! thi sĩ thả trí tưởng tượng của mình lên chính tầng trời: “Nhớ khi xưa ta là chim phượng hoàng Vỗ cánh bay lên chín tầng trời cao ngất”. Đây là tiếng kêu rên từ nội tâm của một linh hồn tuyệt vọng vì thế nó hết sức chân thật. Hay nỗi đau với giai nhân Mộng Cầm đã khiến cho Hàn Mặc Tử phải “hóa điên hóa dại”: “Người đi một nửa hồn tôi mất Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”. (Những giọt lệ) Trong trường Thơ mới, thơ Hàn Mặc Tử lạ hơn thơ mới và mới hơn những người làm ra nền thơ ấy. Ông không cắt lìa hồn thơ mình với hồn thơ dân tộc, mà giữ lại tinh hoa truyền thống nhưng lại có kiểu tư duy lạ. Nguồn thơ ấy không bao giờ vơi cạn vì Hàn Mặc Tử hiến dâng cho thơ tất cả đời mình: “Ta muốn hồn ta trào ra đầu ngọn bút Mỗi hồn thơ đều dính não cân ta”. (Rướm máu) 1.2.4. Quan niệm nghệ thuật vị nghệ thuật Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh? Đó là câu hỏi vẫn đang còn nhiều tranh cãi trong giới văn nghệ sĩ. Mặc dù chơi thân với các nhà thơ cách mạng như Chế Lan Viên, người tù cộng sản Nguyễn Minh Vỹ, từng tiếp xúc với chí sĩ Phan Bội Châu và từng ca ngợi các văn sĩ cách mạng nước ngoài như : Maxime Gorki, Romain Rolland, Henri Barbusse…, thế nhưng Hàn Mặc Tử vẫn nghiêng về khuynh hướng nghệ thuật vị nghệ thuật. Chủ trương của khuynh hướng này là người nghệ sĩ sáng tác chỉ phục vụ cho bản thân nghệ thuật, không vì một ai khác. Cũng giống như con người muốn yêu gia đình, yêu xóm làng, yêu quê hương đất nước,… trước hết phải yêu chính bản thân mình. Không một ai có thể nói thánh rằng yêu người này người kia, vì người này người khác,… mà không vì chính bản thân mình. Nghệ thuật cũng thế. Là người nghệ sĩ sáng tác theo khuynh hướng nghệ thuật vị nghệ thuật nên Hàn Mặc Tử ra sức bảo vệ quan điểm của mình. Trong bài “Thân oan cho Tố Tâm” thi sĩ viết: “…làm việc là làm việc mà văn chương là văn chương…khi quý trọng hay chê dè một quyển truyện nào ta nên đặt lòng tự ái và đảng phái ra ngoài…vì chỉ có văn chương mới là đáng kể mà thôi.” (1938). Mắc căn bệnh quái ác: bệnh phong, cả thế giới như sụp đổ trước mắt người thi sĩ 26 tuổi này. Chàng phải sống cô đơn trong sự hắt hủi xa lánh của người đời và tất nhiên nguồn cảm hứng của nhà thơ bất hạnh chỉ còn là “say trăng, say người thục nữ, say kinh cầu nguyện, say trường tương tư” (Tình – Chơi giữa mùa trăng). Nhà thơ kết luận rằng “trăng, hoa, nhạc, hương” mới chính là “yếu tố của thơ ca”: “Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ! Trăng sao đắm đuối trong sương nhạc Như đón từ xa một ý thơ” (Đà Lạt trăng mờ - Đau thương) Cũng dễ thông cảm cho nhà thơ, vì quá đau đớn trong bệnh tật, thi sĩ muốn mượn hình ảnh của thiên nhiên, âm thanh của tạo vật làm người bạn đồng hành trong hành trình chiến đấu với cái chết của mình để phần nào đó làm vơi đi nỗi đau đớn về tinh thần và thể xác. Trong quá trình sáng tác theo khuynh hướng nghệ thuật vị nghệ thuật, Hàn Mặc Tử đã phát huy hết tài năng, đem đến cho văn học Việt Nam những nguồn thơ mới lạ, trong trẻo, đôi lúc lại nhuốm màu huyền bí. Dù sáng tác theo khuynh hướng nào đi chăng nửa, thì sự thành công của tác phẩm cũng như đóng góp của tác giả là minh chứng cho yếu tố tích cực của khuynh hướng đó. Và chàng thi sĩ đau thương Hàn Mặc Tử chúng ta đã làm được! CHƯƠNG 2: THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT TRONG THƠ HÀN MẶC TỬ Trong phong trào thơ Mới, Hàn Mặc Tử là một tài năng lạ. Ông chỉ có mặt trên đời trong một khoảng thời gian ngắn nhưng ngay trong quãng đời ngắn ngủi ấy Hàn Mặc Tử lại phải sống một mình đối diện với căn bệnh hiểm nghèo. Nhưng nhà thơ đã sống hết mình để có được một sức sáng tạo lớn, một thế giới nghệ thuật độc đáo: “Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôi đã phát triển hết cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui, buồn, giận, hờn đến gần đứt cả sự sống” (Tựa Đau thương). Đây dường như là cường độ sống, cường độ cảm xúc: “phát triển hết”, “gần đứt cả sự sống” của người biết trước cái chết và người ấy đã chuyển tất cả thành nghệ thuật. Như vậy, “thế giới nghệ thuật của Hàn Mặc Tử chính là kinh nghiệm đau thương được hiển thị bằng ngôn từ, bằng nhạc, bằng hương” Nguyễn Đăng Điệp. Hàn Mặc Tử nước mắt giọng cười chen nhau, trong Hàn Mặc Tử tác phẩm và dư luận, tr.240 . 2.1. Ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh Trong khoảng 12 năm hiện diện trên bầu trời văn học, nhà thơ chúng ta đã in đậm dấu chân mình từ thơ Đường đến lãng mạn rồi tượng trưng siêu thực. Cái “tôi” trữ tình vì thế cũng biến hóa theo, khi gần gũi với con người qua những hình ảnh mộc mạc, giản dị; khi hòa nhập với thế giới trăng sao, khi chìm đắm trong nỗi buồn và có lúc hồn thơ muốn vượt mình ra ngoài vũ trụ bằng những vần thơ ghê gớm. 2.1.1. Trong sáng, ngọt ngào Thơ Hàn Mặc Tử là hành trình dài đi từ cuộc đời để đến cõi xa xôi. Chính vì thế dấu vết sự sống in đậm hơn cả là những miền quê. Ông dành cho miền quê ấy những lời thơ trong sáng như ca dao, ngọt lành như trái chín với cái nhìn trẻ trung lãng mạn và đầy bí ẩn. Ở cái tuổi “Hai mươi mốt tuổi, tuổi như hoa” chứa đựng bao hy vọng: “Ra đời thấy vui làm sao Đầy cả say sưa với ngọt ngào… Lúc ấy hồn ta như rạo rực Bâng khuâng thèm uống rượu Quỳnh Dao” (Chạy theo hạnh phúc) Không giống như Anh Thơ chỉ miêu tả những bức tranh quê, hay Đoàn Văn Cừ thích thú miêu tả trước những cảnh sinh hoạt hội hè, hoặc như Nguyễn Bính say đắm trong miêu tả tình yêu, Hàn Mặc Tử đến với quê hương trong những khoảnh khắc bừng sáng nhất của tâm hồn. Tình quê theo cách cảm của thi sĩ vì thế không phải chỉ là tình đời, tình người ở chốn quê hương mà sâu xa hơn là biểu hiện cả trong nhớ thương của thiên nhiên tạo vật. Những hình ảnh thôn quê mộc mạc, gần gũi từ đám mây, dòng nước, đến lũy tre, bờ liễu, ngàn lau,…tất cả đi vào thơ Hàn một cách êm ái. “Mây chiều còn phiêu bạt Lang thang trên đồi quê Gió chiều quên dừng lại Dòng nước luôn trôi đi Ngàn lau không tiếng nói Lòng anh dường đê mê…” (Tình quê) Hình ảnh thơ mộng của sông Hương, cầu Tràng Tiền, những cô gái áo tím thướt tha, những thôn xóm ven bờ sông như Vĩ Dạ, nổi tiếng bởi những cây trái xanh tươi bốn mùa, những ngôi nhà duyên dáng, vườn tược, sông nước: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ? Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên Vườn ai mướt quá xanh như ngọc Lá trúc che ngang mặt chữ điền.” (Đây thôn Vĩ Dạ) Như đã biết, nhà thơ Hàn Mặc Tử của chúng ta là một dân thành thị - lại có sống và làm báo ở Sài Gòn. Nhưng sao hồn thơ anh lại hướng về nông thôn và lời thơ anh viết về người nông dân lao động lại nhẹ nhàng, trong sáng gần như một lời ca dân gian: “Trong làn nắng ửng khói mơ tan Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng” (Mùa xuân chín) Hay: “Chị ấy năm nay còn gánh thóc Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?” (Mùa xuân chín) Thi sĩ miêu tả cảnh lao động nặng nhọc của cô thôn nữ sao mà thấy nhẹ nhàng, thánh thót như vậy? Và còn gì đẹp bằng những lời thơ: “Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời Bao cô thiếu nữ hát trên đồi Ngày mai trong đám xuân xanh ấy Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi” (Mùa xuân chín) Có thể nói “Mùa xuân chín” đã thâu tóm cái ý vị thanh tao và tươi tắn của “Gái quê”. Còn đây là thứ tình kín đáo của người con trai mới lớn lên, đang còn ngượng ngùng về niềm ân ái, ôm một thứ tình trong sạch thiêng liêng, hồn nhiên và ngây dại, nghe sao mà “dễ thương” quá: “Từ gió xuân đi, gió hạ về Anh thường gởi gắm mối tình quê. Bên em mỗi lúc trên đường cái Hóng mát cho lòng được thỏa thuê!” (Âm thầm) Anh thanh niên Nguyễn Trọng Trí yêu nông thôn, yêu quê hương tươi đẹp, cuộc sống thực của người lao động như thế và đang tuổi thanh xuân ắt nhìn trời đất, con người với một niềm tin lạc quan trong sáng. 2.1.2. Kì dị, lạ thường Đang lúc sức sống của người thanh niên 24 dạt dào dâng lên với mộng ước yêu đời, thì “định mệnh” tàn khốc bắt đầu vây lấy Hàn Mặc Tử . Bệnh phong đã gây nên vết rạn nứt thứ nhất vào đời chàng , căn nguyên cho những đổ vỡ khác. Nỗi đau chồng chất nỗi đau “Lòng thi sĩ chứa đầy trang máu lệ”, theo suốt cả đoạn đời anh. Nỗi đau ấy trở thành bi kịch: “Anh điên anh nói như người dại Van lạy không gian xóa những ngày” (Lưu luyến) Nhưng khác với các nhà thơ cùng thời, anh ý thức được cái bi kịch ấy, anh đương đầu với thảm kịch tâm trạng, sống với nó và hòa điệu thành sức sống thơ ca. Và trước mắt chúng ta là một giọng thơ độc đáo không chia xẻ âm hưởng với ai hết. Không còn đâu những lời thơ trong sáng ngọt ngào đầy ý vị như ngày nào. Một lối thơ bất bình thường dần lộ ra: “Thịt da tôi sượng sần và tê điếng Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên” (Hồn là ai) Trước mắt nhà thơ toàn hiện ra cái mùi của chết chốc, mùi của máu huyết: “Ta trút linh hồn giữa lúc đây Gió sầu vô hạn nuối trong cây” (Trút linh hồn) “Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết Trải niềm đau trên mảnh giấy mong manh” (Biển hồn ta) Theo quan niệm truyền thống Đông phương, thi sĩ bao giờ cũng hiện ra như một người tinh tế, dịu dàng, chỉ sợ mỗi cử động mạnh của mình làm kinh động cả đất trời. Ở Việt Nam ta bắt gặp Xuân Diệu, Huy Cận cũng như nhiều người khác. “Tôi với người yêu qua nhè nhẹ - Im lìm không nói năng chi” (Trăng – Xuân Diệu) hoặc “Chân bên chân hồn bên hồn yên lặng” (Đi giữa đường thơm – Huy Cận). Đến Hàn Mặc Tử, thì cách nói, cách tiếp cận đời sống khác hẳn, người làm thơ không có thì giờ nghĩ về mình nên cách bộc lộ có sỗ sàng, sống sượng thậm chí bệnh hoạn cũng không quản ngại. Đi ngược với quan niệm thi ca truyền thống, trong thơ Hàn Mặc Tử những từ liên quan tới động tác của cái miệng luôn được sử dụng: - Ta cắn lời thơ để máu trào Ta há miệng cho hồn thơ trào vọt - Ta khạc hồn ra ngoài cửa miệng - Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra. Có thể nói đó là cả một cuộc nổi loạn trong cảm giác của thi ca. Dường như, ở Hàn Mặc Tử cái tư chất làm những câu thơ kì dị, lạ thường này đã dần hé mở ngay trong thời kì đầu còn là nhà thơ cổ điển. Với quan niệm cứng nhắc, nhưng thi tài Hàn Mặc Tử vẫn có dịp bộc lộ: “Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối Gió thu lọt cửa cọ mài chăn” (Thức khuya) Và sau này là nhà thơ lãng mạn, tư tưởng ấy lại càng phát triển: “Ống quần vo xắn trên đầu gối Da thịt, trời ơi! Ttrắng rợn mình” (Nụ cười) Ở vào ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, vẻ đẹp trong thơ Hàn Mặc Tử hiện lên vẻ đẹp lạnh, ma quái nhưng lại hết sức quyến rũ. Nó làm cho người đọc bất giác rợn người vì những viễn cảnh mà thi sĩ vẽ ra, thật kì dị! 2.2. Âm nhạc trong thơ Sinh ra và lớn lên tại vùng đất miền Trung đầy nắng và gió, nơi có các làn điệu dân ca ngọt ngào, ít nhiều đã ăn sâu vào tiềm thức của chàng thiếu niên Nguyễn Trọng Trí. Với tâm hồn lãng mạn của người thi sĩ trẻ tuổi, Hàn Mặc Tử không khỏi mê đắm trước âm thanh huyền hoặc ấy. Bị âm nhạc quyến rũ nên “ngôn ngữ thơ Hàn Mặc Tử rất giàu tính âm nhạc, có lúc phảng phất nhạc điệu của cung văn đồng bóng” (Yến Lan). Nguyễn Bá Tín còn cho hay “Hàn Mặc Tử rất mê đắm âm nhạc, nhất là các điệu Nam bằng, Nam ai, hai bản nhạc cổ Huế được ưa chuộng ở miền Trung”: “Đây vườn trăng, tình căng lên muốn đứt Thương toàn thương, đương vây muôn dây hường” (Quần tiên hội) Nhạc điệu của thơ tượng trưng Pháp dường như đã có ảnh hưởng ở mức độ đậm nhạt khác nhau đến thơ Lưu Trọng Lư, Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Xuân Sanh. Nhiều câu thơ của Bích Khê, Hàn Mặc Tử nghiêng về thanh bằng: “Ôi! Đêm nay trời trong như gương Không làn mây vương không hơi sương Tơ trăng buông rèm trên muôn cành Tơ trăng vàng rung như âm thanh” (Tiêu sầu) “Ô hay! Buồn vương cây ngô đồng Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông” (Tỳ bà – Bích Khê) Và trong nhiều bài thơ tượng trưng của Hàn Mặc Tử đều mang cái “tinh thần âm nhạc” vào thơ ca để thể hiện thế giới chiêm bao và tiềm thức. Ông quan niệm giống như Verlanine, cho rằng nhạc điệu là trước hết. Trong bài “Ảnh hưởng của đạo Phật trong thơ Hàn Mặc Tử” Quách Tấn nhận xét: “Hàn Mặc Tử rất chú trọng về âm nhạc và màu sắc. Đó chính là vì tâm hồn Tử có nhiều trạng thái cá biệt, nhiều khi rất bí ẩn u huyền, để diễn tả phải dùng màu sắc, hình ảnh và âm nhạc, vì chỉ có âm nhạc mới diễn tả nổi những cái sâu xa thầm kín, những cái tế nhị của tâm hồn”. Từ cái chết của cô gái có tiếng đàn tranh nỉ non như than thở bơ vơ trong đêm thanh vắng, Hàn Mặc Tử sững sờ, ngơ ngác viết bài “Cô gái đồng trinh”: “Đàn ngọc rít lên chiều mưa nả nớt Tôi kêu rên vang khóc lạy nàng thôi Nàng lạy nàng hãy nghe tôi cầu khẩn Hãy khoan tay cầm lại trí tương tư…” Sức quyến rũ của của âm nhạc trong thơ làm ta có cảm tưởng như thi sĩ đang ở trạng thái thăng hoa lên đồng, còn người cảm thụ như đang bị thôi miên đến khờ dại: “Đã mê rồi! Tư Mã chàng ơi Người thiếp lao đao sượng cả người Ôi! Ôi! Hãm bớt cung cầm lại Lòng say đôi má cũng say theo….” (Cẩm châu duyên) Tương tự với kĩ thuật tạo nhạc trong các bài thơ “Giai điệu buổi chiều” (Harmonie du soir) và “Thuận nghịch” (Revesibilite) của Baudelaire hay bài “Cảnh thần tiên” (Feerie) của Valery, Hàn Mặc Tử cũng tạo cho mình một khúc nhạc khiêu vũ du dương: “Vàng bay theo vàng đuổi theo vàng bay Tiếng vàng này vừa mê này vừa say Dồn qua phương Đông mặt trời chưa nóng Dồn qua phương Tây màu sắc hây hây” (Duyên kì ngộ) Đọc những bài thơ như “Tình quê”, “Đây thôn Vĩ Dạ”, “Đà Lạt trăng mờ”,…chúng ta không khỏi bị mê đắm cuốn hút trước hết bởi âm nhạc, ta có cảm giác êm như tiếng chim kêu ríu rít trong một buổi sớm mai tốt trời và mát dịu như cơn mưa xuân lất phất. Quả thật, Trần Thanh Mại không nói quá khi khẳng định rằng: “Hàn Mặc Tử là nhà thi sĩ Việt Nam có cái nghệ thuật âm nhạc tài tình nhất”. 2.3. Hình tượng: Trăng Hàn Mặc Tử - vị chúa của Trường thơ loạn, người có cuộc đời đau khổ và bất hạnh nhất, nhưng ông lại có tài năng thơ kì diệu được các nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học cùng thời khâm phục, ngợi ca. Một trong những đề tài tạo nên sự kì diệu ấy phải kể đến là đề tài trăng. Có thể nói Nguyễn Trọng Trí đã gắn bó với trăng trong cuộc đời thực như gắn bó với một người bạn tri âm tri kỷ. Cho nên điều dễ nhận thấy là trong toàn bộ sự nghiệp thơ ca của ông, đề tài trăng chiếm một số lượng lớn. Có tới 15 bài thơ tiêu đề trăng, hàng chục bài viết về trăng và đặc biệt là cảm xúc dâng trào của nhà thơ khi đứng trước vẻ đẹp thơ mộng của trăng: “Trăng là ánh sáng? Nhất là trăng giữa mùa thu, ánh sáng càng thêm kì ảo, thơm thơm,…(Chơi giữa mùa trăng). Nhờ trí tưởng tượng phi thường, Hàn Mặc Tử đã hư ảo hóa thực tại, tạo ra những ánh trăng khác thường, không giống bất cứ một thứ trăng nào có trước. Chúng ta từng yêu tha thiết những vần thơ trong sáng trau chuốt như ngọc ngà của Nguyễn Trãi khi ông viết về trăng: “Nước biếc non xanh thuyền gối bãi Đêm thanh nguyệt bạt khách lên lầu” Càng không khỏi trân trọng những sáng tạo của thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều, hình ảnh trăng thơ mộng gắn bó với tâm trạng và cảm xúc của con người: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường” Hay: “Vầng trăng vằng vặc giữa trời Đinh ninh hai miệng một lời song song” Trăng trong thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du cho dù mang ít nhiều cái tôi riêng nhưng nói chung vẫn nằm trong phạm trù ý thức hệ phong kiến trung đại, chưa đi vào cõi hư ảo. Và đó cũng là tính chất chung của thơ cổ điển, bởi trong nghệ thuật cổ điển, tưởng tượng chưa đóng một vai trò quan trọng. Thơ Mới cũng nhìn trăng trong vị trí cố định như chúng ta, nhưng nhà thơ chiếu những cái nhìn khác nhau vào vầng trăng để tìm ra những khía cạnh mới, những lối nói mới: “Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá Ánh sáng tuôn đầy các lối đi” (Trăng – Xuân Diệu) Xuân Diệu đã nhân trăng lên nhiều lần: nhiều trăng quá. Song, trăng vẫn là trăng, cảnh vẫn là cảnh thật trước mắt, rất nên thơ nhưng chưa hư ảo. Còn Hàn Mặc Tử thì không nhìn trăng như những nhà thơ cổ điển, và cũng không nhìn trăng như những nhà thơ mới. Trong thơ chàng, trăng không còn là trăng nữa. Hàn Mặc Tử đã người hóa, vật hóa trăng, biến cái tĩnh, lạnh, xa lạ của trăng trở nên nồng nàn, rạo rực, gần gũi. Từ “Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối – Gió thu lọt cửa cọ mài chăn” (Thức khuya) đến “Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm – Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe” (Bẽn lẽn). Hàn Mặc Tử lại trăng hóa người “Gió rít từng cơn trăng ngã ngửa – Vỡ tan thành vũng đọng vàng khô” hoặc “Mới lên trăng đã thẹn thò – Thơm như tình ái của ni cô”. Giữa trăng và người có sự giao thoa, hòa hợp: “Tiên đưa tôi bay lên cung trăng Tôi phiêu diêu cùng ngàn sao băng A ha! Lòng tôi trăng là trăng! A ha! Trăng tràn đầy châu thân!” (Tiêu sầu) Hơn thế, nhà thơ còn hóa thân vào trăng, biến thành trăng: “Không gian dày đặc toàn trăng cả Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng.” (Huyền ảo) Thậm chí còn rao bán cả trăng: “Trăng, trăng, trăng. Là trăng, trăng, trăng! Ai mua trăng tôi bán trăng cho” (Trăng vàng, trăng ngọc) Trong “Gái quê”, mảnh trăng lưỡi liềm chỉ khiến thi sĩ bực bội muốn “chặt khóm thùy dương nghiêng ngả trước gió chiều lơi lả” và “chặt hồn ta dứt nỗi niềm” nhưng khi bệnh tật dày vò, thi nhân thấy trăng lưỡi liềm là trăng đã… bị “cắn”: “Hôm nay có một nửa trăng thôi, Một nửa kia ai cắn vỡ rồi” (Em nhớ mình xa) Thi nhân đã ký thác vào trong thơ sự vật vã đau đớn qua những hình ảnh tạo ảo giác quái dị: “Cả miệng ta là trăng, là trăng, trăng, Cả hồn ta vô số gái hồng nhan, Ta nhả ra đây một nàng…” (Một miệng trăng) Hàn Mặc Tử không nhìn trăng như một thực thể cố định trên bầu trời, mà ông cho trăng một nội dung, một ngoại hình khác hẳn. Trí tưởng tượng đã giúp ông thoát khỏi hình ảnh đầu tiên tiếp nhận được về trăng. Vì vậy, trăng của Hàn luôn thay đổi hình hài, luôn luôn di chuyển, hành động chứ không bất động như trăng thật. Chỉ qua đề tài trăng trong thơ Hàn Mặc Tử có thể thấy rõ sự phát triển tư duy nghệ thuật của nhà thơ đầy tài năng nhưng bất hạnh này. Trong “đau thương” mà sáng tạo, Hàn Mặc Tử chàng trai trẻ đa sầu, đa cảm mượn ánh trăng huyền ảo để thỏa sức thổ lộ, nói lên nỗi lòng mình: Cô đơn, lẻ loi, trước cảnh đời nhộn nhịp, yên vui. Thực tế là vậy, nhưng thế giới của Hàn Mặc Từ chỉ đầy máu, đầy hồn, và đầy Trăng. “ Nghĩ thế ta lại thương con người cô độc. Đã cô độc kiếp này và còn cô độc đến muôn kiếp” (Thi nhân Việt Nam). Với tinh thần “đãi cát tìm vàng” chúng ta trân trọng những bước đi sáng tạo nghệ thuật thơ ca của Hàn Mặc Tử, bởi ông đã tìm ra những cái mới lạ trong đề tài trăng – một đề tài khá quen thuộc nếu không nói đã xáo mòn trong thơ xưa nay. Và chúng ta càng hiểu thêm vì sao chàng thi sĩ này cho rằng: “Chỉ có trăng sao là bất diệt Cái gì khác nữa thảy đi qua”. CHƯƠNG 3 : SỰ PHA TRỘN TRONG THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT HÀN MẶC TỬ 3.1. Giữa cổ điển và hiện đại 3.1.1. Thơ Đường luật Thiên tài thơ Hàn Mặc Tử bộc lộ khá sớm, nhất là trong khoảng thời gian theo học tại trường Pellerin Huế. Chính miền núi Ngự sông Hương này đã tạo cho nhà thơ chúng ta nguồn cảm hứng vô bờ bến. Cậu bé 15 tuổi với bút danh rất người lớn Minh Duệ Thị đã chọn lối thơ cổ điển Đường luật để mở đầu cho hành trang bước vào thế giới thi sĩ. Bài thơ Đường luật đầu tiên mà Minh Duệ Thị làm có lẽ là bài họa bài thơ “Gởi nhạn” của ông Mộng Châu Nguyễn Bá Nhân, anh ruột nhà thơ. Bài họa như sau : “Vội vàng chi lắm nhạn lưng mây! Chầm chậm cho mình gởi mối dây. Về đến Thần Kinh khoan nghĩ đã, Ghé miền Gia Hội tỏ tình ngay. Suốt năm canh mộng hồn mê mỏi, Chỉ một lòng son muốn giải bày. Này nhạn, ta còn quên chút nữa, Trái tim non nớt tặng nàng đây.” Không thể nào tin nổi đây là bài thơ của cậu bé 15! Nhiều người còn nhận xét bài họa này hay hơn bài xướng nhiều. Thi tài Nguyễn Trọng Trí đã dần lộ ra từ đây nhưng phải đợi sau khi trở về Quy Nhơn ông mới thật sự chọn cho mình một con đường. Tại Quy Nhơn, đúng lúc Phan Sào Nam mở Mộng Du thi xã. Nguyễn Trọng Trí với bút hiệu mới là Phong Trần, đã gởi ba bài thơ Đường luật cho cụ Phan. Như bài “Thức khuya”: “Non sông bốn mặt ngủ mơ màng. Thức chỉ mình ta dạ chẳng an. Bóng nguyệt leo song rờ rẫm gối, Gió thu lọt cửa cọ mài chăn. Khóc giùm nhân thế hoa rơi lệ, Buồn giúp công danh dế dạo đàn. Trỗi dậy nôm na vài điệu cũ, Năm canh tâm sự vẫn chưa tàn.” Và “Gái ở chùa”, “Chùa hoang”. Thật bất ngờ cả ba bài đều được cụ họa vận lại cả ba, cụ hết lời ngợi khen : “Từ về nước đến nay, được xem nhiều thơ văn quốc âm, song chưa gặp được bài thơ nào hay đến thế. Hồng Nam nhạn Bắc, ước ao có ngày gặp gỡ để bắt tay nhau cười to một tiếng, ấy là thỏa hồn tôi đó”. Ngoài mấy bài thơ kể trên, Hàn Mặc Tử còn nhiều bài truyền tụng như bài “Buồn thu”: “Ấp úng không ra được nữa lời, Tình thu tha thiết lắm thu ơi! Vội vàng chiếc nhạn bay qua trớt, Buồn bã hơi mây thoáng lại rồi… Nằm gắng mà không thành mộng được, Ngâm tràn cho đỡ chút buồn thôi. Ngàn tầm bóng liễu trông xanh ngắt, Cảnh sắp về đông, mắt sẽ vơi.” Nhìn chung số lượng sáng tác ở thơ Đường luật của Hàn Mặc Tử không nhiều, nhưng đây lại là mốc đánh dấu con đường thơ đưa anh tiến gần hơn với bầu trời văn học. Và đúng như lời Quách Tấn nhận xét “Thân ấy yếu mà danh ấy thọ” (Hàn Mặc Tử với thơ Đường luật). 3.1.2. Thơ Mới - Lãng mạn, trữ tình Đang thăng hoa ở đỉnh cao sáng tác thơ Đường với bút hiệu Phong Trần, Nguyễn Trọng Trí đột ngột rẽ ngoặt hành trình thơ của mình để sang một thể loại mới – thơ Mới. Và từ đây bút danh Hàn Mặc Tử ra đời. Cũng như mọi thanh niên đương thời, phong trào thơ Mới do cụ Phan Khôi khởi xướng (năm 1932) như một cơn bão thổi mạnh vào tâm hồn thơ của người thanh niên xứ biển này, một chân trời mới mở ra trước mắt nhà thơ. Khuôn khổ gò bó, chật hẹp của thơ Đường hẳn không thể nào giam giữ nổi một hồn thơ ưa thích sự mới lạ, tự do như Hàn Mặc Tử. Và lẽ cố nhiên, tâm hồn dào dạt ấy hứng đón ngọn gió mới với một sức bồng bột mãnh liệt. Ở thời gian này, sự thành công của Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Lưu Trọng Lư, Phạm Huy Thông,...càng làm cho Hàn Mặc Tử rạo rực thay đổi khuynh hướng sáng tác. Năm 1936, Hàn Mặc Tử chính thức gia nhập vào làng thơ Mới với việc xuất bản tập thơ “Gái quê”. Đây là quyển sách đầu tiên đánh dấu một cuộc thay đổi trong phong cách thơ Hàn Mặc Tử. Phần lớn những bài trong tập thơ này đều mang tính chất lãng mạn của người thanh niên mới lớn trong buổi đương thời. Cảnh mà thi nhân tả là cảnh ở miền quê, êm ả nhẹ nhàng, lột tả được tinh thần Đông phương. Chúng ta có thể cảm nhận một vài câu trong bài “Tình quê” sau : “Trước sân anh thơ thẩn Đăm đăm trông nhạn về Mây chiều còn phiêu bạt Lang thang trên đồi quê Dòng nước luôn trôi đi Ngàn lau không tiếng nói Lòng anh dường đê mê…” Tuy êm ả, nhẹ nhàng nhưng không tĩnh lặng như thơ Nguyễn Khuyến: “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao Cành trúc lơ phơ gió hắt hiu” (Thu vịnh) Ngược lại nó tạo cho người đọc cảm giác rạo rực, sôi động đầy khiêu gợi. “Mây hờ không phủ đồi cao nữa Vì cả trời xuân tắm nắng tươi Hơi nắng dịu dàng đầy nũng nịu, Sau rào khẽ liếm cặp môi tươi…” (Nắng tươi) “Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe” (Bẽn lẽn) Đây là lối thơ trữ tình gợi cảm chứ không truyền cảm như Xuân Diệu “Hãy sát đôi đầu! Hãy kề đôi ngực! Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài…”. Màu sắc trữ tình lãng mạn của Hàn Mặc Tử chân quê đến đây đã phần nào nhuốm màu bí ẩn, không còn chất giọng trong sáng như ngày nào: “Uống đi cho bớt khô bầu Uống đi cho bớt cái sầu miên man. Có ai nuốt ánh trăng ngàn Có ai nuốt cả bóng nàng tiên nga” (Uống trăng) Một tâm hồn đau thương, một nội tâm cuồng nhiệt, chắn chắn phải sáng tạo ra cái gì ghê gớm? Khi đó nhà thơ mới có thể thỏa mãn. 3.1.3. Thơ siêu thực Trong các nhà thơ của phong trào thơ Mới (1932 - 1945), nếu như Xuân Diệu được coi là mới nhất, Nguyễn Bính là quen nhất, thì Hàn Mặc Tử được biết đến là nhà thơ lạ nhất. Dường như chất “lạ” ấy xuất phát từ một trong “Tứ chứng nan y” – căn bệnh hủi đáng nguyền rủa! Cả thế giới như sụp đổ trước mắt chàng thi sĩ 26 tuổi này. Tinh thần nhà thơ dao động mãnh liệt. Một con người yêu đời, yêu người là thế, bỗng nhiên phải vướng vào căn bệnh mà người đời hầu như ghê tởm, xa lánh, hắt hủi thì thử hỏi phải sống làm sao? Và phải chăng có qui luật bù trừ? Càng đau đớn bao nhiêu thì thơ Hàn Mặc Tử trong giai đoạn này lại càng lạ lùng bấy nhiêu, chàng đã đuổi theo lối thơ siêu thực. Những tứ thơ bình dị, những câu thơ nhẹ nhàng, lãng mạn đậm chất trữ tình khi miêu tả khung cảnh miền quê êm ả không còn nữa. Mà thay vào đó là những vần thơ quằn quại, “rên xiết”, nhuốm màu huyền bí. Nào “Hương thơm”, “Mật đắng”, nào “Máu cuồng” và “Hồn điên” vang vọng trong tâm hồn của một con người ham sống đang phải đối diện với tử thần, với hư vô. “Trời hỡi bao giờ tôi chết đi Bao giờ tôi hết được yêu vì Bao giờ mặt nhật tan thành máu Và khối lòng tôi cứng tợ si” (Những giọt lệ) Thi nhân thấy bầu vũ trụ trước mắt mình không còn cần thiết nữa, ông ước ao “mặt nhật” tan thành máu và tất cả đều tan biến hết: “Cứ nhắm mắt, cứ yêu nhau như chết Cứ sảng sốt, tê mê và rũ liệt Đừng nghe chi âm hưởng địa cầu đang Vỡ toang ra từng mảnh, cả không gian…” (Đôi ta) Trong các nhà thơ mới có lẽ Hàn Mặc Tử ở vào tình thế ngột ngạt nhất. Cũng vì thế mà tác giả luôn mơ ước một điều gì mới mẻ, nguyên vẹn, chưa bị cuộc đời chia sẻ. Trí tưởng tượng phong phú, đức tin ở Chúa Trời, thế giới linh thiêng của tôn giáo đã tạo cho Hàn Mặc Tử những hình tượng thơ như thoát ra từ đời để đến cõi xa xôi nào đó: “Mai sáng mai, trời cao rộng qúa Gió căng hơi và nhạc lên mây Đôi lòng cũng ấm như xuân ấm Chỉ có áo xuân trắng trẻo thay!” (Xuân đầu tiên) Cuộc đời chật chội gò bó không dung túng cho một tâm hồn đầy ước mơ và ảo mộng nên hồn phải thoát xác: “Anh đã thoát hồn ngoài xác thịt Để chập chờn trong ánh sáng mông lung” (Rượt trăng) Chính nhà thơ thừa nhận đã lấy hồn làm điểm tựa ở cõi hư linh với cuộc sống cụ thể: “Tôi không thở bằng phổi nữa, tôi thở bằng hơi thơ tinh sạch của hồn tôi…”. Tâm hồn ấy còn thèm thuồng khao khát với những hiện tượng thiên nhiên ngoài vũ trụ, đặc biệt là trăng, sao. Chúng nhập vào ngay chính bản thân tác giả: -“Cả miệng ta là trăng là trăng Cả lòng ta vô số gái hồng nhan” (Một miệng trăng) -“A ha lòng tôi trăng là trăng” Hàn Mặc Tử đã xáo trộn mọi quan hệ trong cuộc sống và thi ca. Lôgíc thơ ca của chàng không tuân theo một trật tự bình thường, một hiện thực quen thuộc mà là siêu thực. Cái siêu thực ấy nhiều lúc ta không hiểu. “Cho nên để hiểu thấu được thơ anh, ta cố làm sao hiểu hết được lòng anh, hiểu thấu được con người anh trong cái đau thương, vô hạn của anh, không phải vì anh là “lãng mạn, là siêu thực” mà vì anh là một con người đau thương vô hạn”. (Nguyễn Minh Vỹ) 3.2. Màu sắc tôn giáo 3.2.1. Thiên Chúa giáo Sinh ra trong gia đình theo đạo Thiên Chúa, sự tín ngưỡng ấy đã giúp sức cho Hàn Mặc Tử rất nhiều trong quá trình sáng tác của mình cũng như tạo cho ông niềm tin để đối diện với bệnh tật. Chính trong cơn bệnh hoạn của chàng, mỗi lần chết đi sống lại là chàng đều cảm thấy có sự hiện diện của bà Thánh nữ đồng trinh Maria đến cứu. Cho nên hơn hết tất cả vị thần thánh, Thánh mẫu Maria là đấng đáng cho chàng ca ngợi. Và có lẽ, ở Việt Nam Hàn Mặc Tử là người đầu tiên ca ngợi Thánh nữ đồng trinh Maria và Chúa Jesus bằng thơ. Những câu thơ trong bài “Nguồn thơm”, là lời tạ ơn Đức Mẹ hằng cứu giúp: “Toan ngất đi trong cơn mê khoái lạc, Mẹ dấu yêu liền vội đến tay nâng…” (Câu 26 - 27) Nhưng chính trong bài thơ “Ave Maria” Hàn Mặc Tử đã tiết lộ một tư tưởng huyền bí, đánh dấu một chặng đường quan trọng trong hành trình tinh thần của tác giả: “Như song lộc triều nguyên: ơn phước cả, Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng. Thơm tho bay cho đến cõi Thiên đàng, Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể”. Nhờ những tư tưởng cao siêu thanh khiết của Thiên Chúa đã tạo ra những lời thơ cũng cao siêu thanh khiết: “Trí đương no và khi xuân đương khỏe Nhạc đương say và rượu vẫn còn thơm Nên muôn cánh thủy tiên chưa dám hé Trong phút giây trang trọng của linh hồn.” Thi sĩ đang ca tụng giờ xuân nở, giờ đầu tiên của năm mới. Và chàng đã tưởng tượng cái mùa xuân đầu tiên, mùa xuân thứ nhất khi mới có Quả đất: “Mai này thiên địa mới tinh khôi, Gió căng hơi và nhac lên trời. Chim khuyên hót tiếng đầu tiên hết, Hoa lá hồ nghi sự lạ đời…” (Xuân đầu tiên) Chính tư duy Thiên Chúa giáo đã làm cho sáng tác của Hàn Mặc Tử có sự thống nhất và hoàn chỉnh trong từng bài thơ và toàn bộ tác phẩm. Theo nhà nghiên cứu Đặng Tiến thì “Gái quê” là thế giới đợi chờ “điềm lạ”, đợi chờ Thiên Chúa ra đời, “Đau thương” là tâm hồn mong mỏi Chúa trở lại. Trong “Đau thương”, Hàn Mặc Tử chấp nhận bệnh tật như là nguyên tội, là “phương tiện thân xác” mà Chúa đã dùng cứu thế. Bệnh tật đã tham gia vào công đức cứu rỗi, làm nối liền người bệnh và bản thân Chúa hiện làm người. Còn “Xuân như ý” là thế giới khải huyền; con người rũ sạch được tội lỗi đau thương Đỗ Lai Thúy, Hàn Mặc Tử một tư duy thơ độc đáo, đăng trên tạp chí Văn nghệ, số 179, năm 1971. . Như vậy, sáng tác của Hàn Mặc Tử như thuyết giáo cho con đường cứu rỗi của đạo Thiên Chúa. Chẳng thế mà nhà thơ chúng ta quan niệm: “Tất cả thi si trong đời phải quy tụ, phải khơi mạch thơ ở Đức Chúa trời,… thi sĩ phải biết đem tài năng ra ca ngợi Đấng Trí Tôn và làm cho người thấy rõ vẻ đẹp của thơ để đưa nhau nhìn nhận và tận hưởng”. 3.2.2. Phật giáo ‎Mặc dù Hàn Mặc Tử tự xưng mình là “Thi sĩ của đạo quân Thánh Giá”, nhưng tâm hồn của nhà thơ trẻ tuổi này dường như không có sự ngăn cách giữa tôn giáo mình và tôn giáo người. “Vườn thơ rộng rinh không bờ bến” (Hoài Thanh) ấy luôn muốn tìm những nguồn cảm hứng sáng tác mới mẻ, chàng đã đến với triết lí “Từ bi, hỉ xả” trong Đạo Bồ Đề. Và tất nhiên, những hình ảnh, từ ngữ của Phật giáo phải được nhà thơ đưa vào sử dụng. Những từ như “hằng hà sa số”, “mười phương”, “từ bi”, “ba ngàn thế giới”,…vốn là ngôn ngữ nhà Phật nhưng ở Hàn Mặc Tử ta vẫn bắt gặp: “Mây vẽ hằng hà sa số lệ Là nguồn li biệt giữa cô đơn” (Cuối thu) “Đóng cửa mười phương lại Dồn ánh sáng vào đây” (Điềm lạ) “Trời như hớp phải hơi men ngan ngát Đắm muôn nghìn tinh lạc xuống mười phương” (Nguồn thơm) Còn đây là triết lí “từ bi” của nhà thơ: “Thơ tôi thường huyền diệu Mọc lên từ đạo từ bi” (Cao hứng) “Trời từ bi cảm động ứa sương mờ Say gió lại lay hồn trong kẻ lá” (Hãy nhập hồn em) Và ngay trong những bài ca ngợi Đức Mẹ Maria, cũng thấp thoáng bóng dáng nhà Phật: “từ bi”, “ba ngàn thế giới”: “Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn, Giàu nhân đức, giàu muôn lộc từ bi Tôi ưa nhìn Bắc đẩu rạng bình minh Chiếu cùng hết ba ngàn thế giới” (Avie Maria) Sống trong cõi đời đầy khổ lụy, nhà thơ nhận thấy cõi đời ấy chỉ là giả tạo nên muốn giải thoát, chạy càng xa càng tốt. Và Hàn Mặc Tử đã tìm thấy tia sáng ở Phật A Di Đà: “Sáng vô cùng, sáng láng cả mọi miền” (Ngoài vũ trụ) “Vì muôn kinh dồn dập cõi thơm tho Thêm nghĩa lí sáng trưng như thất bảo” (Đêm xuân cầu nguyện) Quách Tấn cho rằng: “Trong thơ Hàn Mặc Tử có nhiều bài ảnh hưởng cả hình thức lẫn tinh thần Phật giáo. Ví dụ bài “Phan Thiết! Phan Thiết!”: “Nhớ khi xưa ta là chim phượng hoàng Vỗ cánh bay cao chín tầng trời cao ngất Bay từ Đao Ly đến trời Đâu Suất” Ngoài những ngôn ngữ phổ thông của nhà Phật như “thành chánh quả”, “sông Hằng”, ngoài những hình ảnh đẹp đẽ của trời “Đao Ly”, trời “Đâu Suất”. Những cõi Phật xa xăm đầy nhạc, đầy hương, đầy ánh sáng - chúng ta đều nhận thấy trong bài “Phan Thiết! Phan Thiết!” Phạm Xuân Sanh dường như cùng một quan điểm với Quách Tấn khi nhận xét bài “Phan Thiết! Phan Thiết!”: “Thế giới cực lạc của Phật A Di Đà là một nơi chim cùng với người tấp nập trong chính quả. Không gian và thời gian tính trong Phật giáo rất giống với không gian và thời gian tính của thế giới thi văn, nhất là khung cảnh thơ của Hàn Mặc Tử”. Vậy, nhà thơ Hàn Mặc Tử là tín đồ của đạo Thiên Chúa hay đạo Phật? Cũng khó có thể lí giải được vì chàng thường nói: “Tôi lợi dụng văn chương và triết lí nhà Phật để làm thơ mà thôi. Tôi dung hòa cả hai thơ văn và tôn giáo: Thiên Chúa và nhà Phật. Đó chính là muốn làm giàu cho nền văn chương chung”. Thế thì nhà thơ chúng ta tìm vào triết lí Thiên Chúa cũng như đạo Phật chỉ để có nguồn cảm hứng và nguồn an ủi khi bị tình đời phụ rẫy, ruồng bỏ, nỗi đau bị thể xác dày vò. Khi đọc thơ Hàn Mặc Tử chúng ta nên mở rộng tấm lòng rộng rãi để tiếp nhận nguồn tư tưởng, những ngôn từ của chàng, đừng phân biệt “tôn giáo mình và tôn giáo người” như Hàn Mặc Tử. Như thế mới có thể cảm nhận hết ý tưởng độc đáo, tâm hồn ẩn kín của con người phức tạp này. PHẦN KẾT LUẬN Trong cuộc đời 28 năm ngắn ngủi, chỉ 12 năm đi với nàng thơ nhưng Hàn Mặc Tử đã đưa được nàng thơ lên đến tuyệt đỉnh của nghệ thuật. So với những thi sĩ cùng thời, ông đã trở thành ngọn núi khổng lồ cao sừng sững trên bầu trời rực rỡ của thi ca và để lại cho đời những kiệt tác rung động lòng người. Một chặng đường dài từ thơ Đường cổ điển chuyển nhanh sang lãng mạn, tượng trưng và chớm đến bờ siêu thực. “Hàn Mặc Tử đã cố gắng tổng hợp vào bản thân mình những truyền thống văn học xưa và nay, dân gian và hiện đại, phương Đông và phương Tây, Thiên Chúa giáo và Phật giáo…” Phan Cự Đệ. Thế giới nghệ thuật độc đáo của Hàn Mặc Tử, in trong Hàn Mặc Tử - tác phẩm phê bình và tưởng niệm. NXB. Giáo dục, 1998 . Người ta cũng nói nhiều đến một thứ ngôn ngữ giàu hình ảnh, giàu âm nhạc biến hóa khôn cùng trong thơ ông, tất cả như hòa quyện vào nhau, vào thân xác con người bệnh hoạn nhưng nội tâm lại rất dạt dào. Tiếc thay! “Chữ tài liền với chữ tai một vần”!, Người ra đi theo tiếng gọi của tử thần , nhưng ông để lại cho hậu thế số lượng thơ khá lớn cùng nỗi niềm cảm thương vô hạn. Ông như một ngôi sao đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng ánh sáng của nó vẫn lung linh huyền ảo, và để lại sức mê hoặc, quyến rũ kì lạ. Thơ ông đã vượt qua bao dư luận và lớp bụi thời gian để hôm nay thế hệ trẻ chúng tôi được biết đến, để cảm thương mà tự hào về Người biết bao. Và chúng ta tin rằng hôm nay cũng như mai sau: “Thơ anh sẽ như trầm hương ngào ngạt Tỏa lên cao lồng lộng giữa trời xanh”. (Duyên kì ngộ) TÀI LIỆU THAM KHẢO Lại Nguyên Ân (tập hợp và biên soạn), Thơ Mới 1932 – 1945 tác gia và tác phẩm, Nxb Hội nhà văn Việt Nam (1998). Phan Cự Đệ, Thơ Hàn Mặc Tử- Phê bình và tưởng niệm, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1969. Phan Cự Đệ và Nguyễn Toàn Thắng (tuyển chọn và giới thiệu), Hàn Mặc Tử về tác gia và tác phẩm, Nxb Giaó dục, 2002. Nguyễn Đăng Mạnh, Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1996. Tôn Thảo Miên, Hàn Mặc Tử tác phẩm và dư luận, Nxb Văn học, 2002. Chu Văn Sơn (biên soạn), Hàn Mặc Tử một hành trình sáng tạo, Nxb Trẻ, Tp.HCM, 2004. Hoài Thanh, Hoài Chân. Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học Hà Nội (tái bản 2000). Trần Thị Huyền Trang (biên soạn), Hàn Mặc Tử - Hương thơm và mật đắng, Nxb Hội nhà văn, 1990. Hàn Mặc Tử, Tuyển tập thơ Hàn Mặc Tử, Nxb Văn học, Hà Nội, 1987. Từ điển Việt Nam năm 2005, Viện Ngôn Ngữ học Việt Nam. Chế Lan Viên (tuyển chọn và giới thiệu), Thơ Hàn Mặc Tử, Nxb Văn học, Hà Nội, 1991 (tái bản). Hà Vinh – Mã Giang Lâm (sưu tầm và biên soạn), Hàn Mặc Tử thơ và giai thoại, Nxb Văn hóa – Thông tin, Hà Nội, 1998.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docThế giới nghệ thuật trong thơ Hàn Mặc Tử - Trương Mỹ Yến.doc
Luận văn liên quan