Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu và việc xử lí thỏa ước vô hiệu
Điều 44 Bộ luật lao động đã định nghĩa: “Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thỏa thuận giữa tập thể lao động và NSDLĐ về các điều kiện lao động và sử dụng lao động, quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động”.
Trên thực tế, khi kí kết thỏa ước tập thể, hầu hết các bên đều tuân thủ đúng các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo cho thỏa ước có hiệu lực pháp luật. Song cũng không tránh khỏi một số trường hợp thỏa ước được kí kết không đúng pháp luật về nội dung cũng như trình tự kí kết. Khi đó thỏa ước có thể bị vô hiệu.
4 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 2729 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu và việc xử lí thỏa ước vô hiệu, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề bài: Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu và việc xử lí thỏa ước vô hiệu.
Bài làm
Điều 44 Bộ luật lao động đã định nghĩa: “Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thỏa thuận giữa tập thể lao động và NSDLĐ về các điều kiện lao động và sử dụng lao động, quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên trong quan hệ lao động”.
Trên thực tế, khi kí kết thỏa ước tập thể, hầu hết các bên đều tuân thủ đúng các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo cho thỏa ước có hiệu lực pháp luật. Song cũng không tránh khỏi một số trường hợp thỏa ước được kí kết không đúng pháp luật về nội dung cũng như trình tự kí kết. Khi đó thỏa ước có thể bị vô hiệu.
Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu
Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu cũng bao gồm hai trường hợp là vô hiệu một phần và vô hiệu toàn bộ. Pháp luật của hầu hết các nước đều quy định thỏa ước tập thể bị coi là vô hiệu khi có một hoặc một số điều khoản của thỏa ước trái với quy định của pháp luật. Chẳng hạn như điều khoản tiền lương trong thỏa ước thấp hơn mức lương mà nhà nước quy định. Trong những trường hợp đó, quyền lợi của NLĐ thông thường được giải quyết theo quy định của pháp luật tương ứng. Đối với trường hợp thỏa ước vô hiệu toàn bộ, hầu hết pháp luật các nước đều xác định đó là những trường hợp chủ thể kí kết không đúng thẩm quyền, không đảm bảo các nguyên tắc cũng như trình tự kí kết và trường hợp thỏa ước trái quy định pháp luật. Riêng đối với những nước có quy định thỏa ước tập thể chỉ có hiệu lực khi đã được cơ quan có thẩm quyền cho đăng kí thì quy định thêm một trường hợp thỏa ước bị coi là vô hiệu nữa. Đó là trường hợp thỏa ước không đăng kí tại cơ quan có thẩm quyền.
Thỏa ước vô hiệu từng phần được quy định tại khoản 1 Điều 48 BLLĐ: “Thỏa ước tập thể bị coi là vô hiệu từng phần khi một hoặc một số điều khoản của thỏa ước trái với quy định của pháp luật”. Khoản 2 Điều 44 cũng quy định: “Nội dung thỏa ước tập thể không được trái với các quy định của pháp luật lao động và pháp luật khác”. Đây là một nguyên tắc khi kí kết thỏa ước lao động tập thể. Điều này xuất phát từ thực tế NLĐ luôn viện dẫn những quy định của pháp luật để đòi hỏi NSDLĐ đảm bảo quyền lợi cho mình nên nếu những thỏa thuận trong thỏa ước trái với pháp luật lao động, tranh chấp lao động sẽ thường xuyên phát sinh.
Thỏa ước lao động vô hiệu toàn bộ được quy định tại khoản 2 Điều 48 BLLĐ: “Thỏa ước thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là vô hiệu toàn bộ:
Toàn bộ nội dung thỏa ước trái pháp luật;
Người kí kết thỏa ước không đúng thẩm quyền;
Không tiến hành theo đúng trình tự kí kết.”
Toàn bộ nội dung thỏa ước trái pháp luật: toàn bộ điều khoản trong thỏa ước trái với quy định của pháp luật lao động và pháp luật khác.
Người kí kết thỏa ước không đúng thẩm quyền: Theo quy định tại khoản 2 Điều 45 BLLĐ: “Đại diện kí kết của bên tập thể lao động là Chủ tịch Ban Chấp hành công đoàn cơ sở hoặc người có giấy ủy quyền của Ban Chấp hành công đoàn. Đại diện kí kết của bên NSDLĐ là Giám đốc doanh nghiệp hoặc người có giấy ủy quyền của Giám đốc doanh nghiệp”. Theo đó, việc kí kết thỏa ước lao động tập thể không phải do các chủ thể này tiến hành thì được xác định là không đúng thẩm quyền.
Không tiến hành theo đúng trình tự kí kết: Việc kí kết thỏa ước được tiến hành khi có trên 50% số lao động trong doanh nghiệp tán thành nội dung thỏa ước. Nếu không đảm bảo nguyên tắc bình đẳng khi kí kết này thì thỏa ước cũng bị coi là vô hiệu toàn bộ.
Trước đây, pháp luật Việt Nam còn quy định trường hợp thỏa ước lao động không được đăng kí tại cơ quan có thẩm quyền cũng sẽ bị coi là vô hiệu toàn bộ. Song hiện nay theo quy định của pháp luật, việc đăng kí thỏa ước tại cơ quan có thẩm quyền chỉ để quản lý lao động, không liên quan đến thỏa ước. Bởi vậy nếu thỏa ước không đăng kí tại cơ quan có thẩm quyền cũng sẽ không bị coi là vô hiệu toàn bộ.
Việc xử lí thỏa ước vô hiệu
Thỏa ước tập thể lao động khi vi phạm pháp luật về nội dung, thẩm quyền, trình tự kí kết thì bị tuyên vô hiệu. Thẩm quyền tuyên vô hiệu được quy định trong khoản 3 Điều 48 BLLĐ: “Cơ quan quản lý nhà nước về lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có quyền tuyên bố thỏa ước tập thể vô hiệu từng phần hoặc vô hiệu toàn bộ theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này”. Ngoài ra khoản 4 Điều 166 BLLĐ còn quy định thêm: “Khi xét xử, nếu Tòa án nhân dân phát hiện thỏa ước lao động tập thể trái với pháp luật lao động thì tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu từng phần hoặc toàn bộ”.
Trường hợp thỏa ước lao động tập thể vô hiệu từng phần: Cách thức xử lí được quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định của Chính phủ số 196/CP ngày 31/12/1994: “...Nếu trong thỏa ước lao động tập thể có những điều khoản trái pháp luật thì Sở Lao động – Thương binh và xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ rõ và hướng dẫn cho hai bên sửa đổi để đăng kí lại”.
Trường hợp thỏa ước lao động tập thể vô hiệu toàn bộ:
Vô hiệu do toàn bộ nội dung thỏa ước trái pháp luật: Cơ quan quản lý nhà nước về lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tuyên bố vô hiệu ngay, không có giá trị pháp lý trên thực tế.
Vô hiệu do người kí kết không đúng thẩm quyền hoặc không tiến hành theo trình tự kí kết: nếu nội dung đã kí kết có lợi cho NLĐ thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn để các bên làm lại cho đúng quy định trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hướng dẫn, nếu không làm lại thì bị tuyên bố vô hiệu. Những nội dung nào trong thỏa ước bị tuyên bố vô hiệu thì quyền, nghĩa vụ, lợi ích của các bên được giải quyết theo các nội dung tương ứng quy định trong pháp luật hiện hành và theo các thỏa thuận hợp pháp trong HĐLĐ cá nhân (nếu có) (khoản 4 Điều 1 Nghị định số 93/2002/NĐ-CP).
Danh mục tài liệu tham khảo:
1. Giáo trình Luật Lao động Việt Nam – NXB Công an nhân dân – Hà Nội 2009
2. Bộ luật lao động năm 1994, được sửa đổi, bổ sung các năm 2002, 2006 và 2007.
Nghị định của Chính phủ số 196/CP ngày 31/12/1994 hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về thỏa ước lao động tập thể.
Nghị định của Chính phủ số 93/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 sửa đổi, bổ sung Nghị định 196/CP ngày 31/12/1994.
Đỗ Năng Khánh, “Hiệu lực của thỏa ước lao động tập thể”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 2/2008.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Thỏa ước lao động tập thể vô hiệu và việc xử lí thỏa ước vô hiệu.doc