Luật Thương mại 2005 (LTM 2005) không còn quy định: “quá thời hạn khiếu nại, bên có quyền lợi bị vi phạm mất quyền khởi kiện tại trọng tài, toà án có thẩm quyền” như khoản 1 Điều 241 Luật Thương mại 1997 (LTM 1997). Thực tế lập pháp đó làm nảy sinh vấn đề: tòa án hay trọng tài phải quyết định như thế nào trong trường hợp tương tự, khi không còn quy định rõ ràng về hậu quả pháp lý của việc bỏ qua thời hạn khiếu nại?
I. Thời hạn khiếu nại theo LTM 1997 và thực tiễn tài phán
1. Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 không quy định về thời hạn khiếu nại. Bởi vậy, vấn đề này không hề xuất hiện trong thực tiễn tài phán liên quan đến Pháp lệnh này. Thậm chí, Pháp lệnh này cũng không quy định thời hiệu khởi hiện như các văn bản pháp luật nội dung sau này. Tuy nhiên, các bên hợp đồng kinh tế cũng chỉ có quyền yêu cầu Trọng tài kinh tế giải quyết tranh chấp trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày xảy ra vi phạm hợp đồng kinh tế hoặc từ ngày một bên cho là đã có vi phạm xảy ra (1). Thời hạn sáu tháng này sau đó cũng được Pháp lệnh về thủ tục xét xử các vụ án kinh tế năm 1994 tiếp nhận dưới hình thức thời hiệu khởi kiện (2). Dường như cả hai pháp lệnh này đều đã thể hiện chức năng đặc thù của pháp luật thương mại là đòi hỏi các tranh chấp phát sinh phải sớm được các bên tìm cách giải quyết thông qua quy định về thời hạn yêu cầu giải quyết tranh chấp hay thời hiệu khởi kiện ngắn (3).
2. LTM 1997 không thay thế Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989, bởi vì phạm vi điều chỉnh của Luật này hẹp hơn, chỉ là hoạt động thương mại theo nghĩa hẹp, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thương mại và các hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân, được cụ thể hóa bằng 14 hành vi thương mại khác nhau (4), trong đó dịch vụ thương mại chỉ bao gồm các dịch vụ gắn với việc mua bán hàng hóa (5). Như vậy, xét từ góc độ pháp luật hợp đồng thì Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 là luật chung (lex generalis), còn các quy định về hợp đồng trong LTM 1997 là luật riêng (lex specialis). Bản thân LTM 1997 không quy định rõ mối quan hệ giữa Luật này với Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 (6), nhưng các cơ quan tài phán đều tuân theo nguyên tắc: Đối với các hoạt động thương mại thuộc phạm vi điều chỉnh của LTM 1997 thì áp dụng quy định của Luật này, chỉ khi Luật này không điều chỉnh một vấn đề nào đó liên quan đến hợp đồng thì mới áp dụng quy định của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế. Chẳng hạn, do LTM 1997 không điều chỉnh vấn đề hiệu lực của hợp đồng trong hoạt động thương mại, nên việc xem xét hợp đồng đó có vô hiệu hay không được căn cứ quy định tại Điều 8 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế (7).
14 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 2770 | Lượt tải: 0
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thời hạn khiếu nại trong hoạt động TM: Pháp luật, thực tiễn tài phán và các quan điểm, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
THỜI HẠN KHIẾU NẠI TRONG HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI:PHÁP LUẬT, THỰC TIỄN TÀI PHÁN VÀ CÁC QUAN ĐIỂM
Luật Thương mại 2005 (LTM 2005) không còn quy định: “quá thời hạn khiếu nại, bên có quyền lợi bị vi phạm mất quyền khởi kiện tại trọng tài, toà án có thẩm quyền” như khoản 1 Điều 241 Luật Thương mại 1997 (LTM 1997). Thực tế lập pháp đó làm nảy sinh vấn đề: tòa án hay trọng tài phải quyết định như thế nào trong trường hợp tương tự, khi không còn quy định rõ ràng về hậu quả pháp lý của việc bỏ qua thời hạn khiếu nại?I. Thời hạn khiếu nại theo LTM 1997 và thực tiễn tài phán1. Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 không quy định về thời hạn khiếu nại. Bởi vậy, vấn đề này không hề xuất hiện trong thực tiễn tài phán liên quan đến Pháp lệnh này. Thậm chí, Pháp lệnh này cũng không quy định thời hiệu khởi hiện như các văn bản pháp luật nội dung sau này. Tuy nhiên, các bên hợp đồng kinh tế cũng chỉ có quyền yêu cầu Trọng tài kinh tế giải quyết tranh chấp trong thời hạn sáu tháng, kể từ ngày xảy ra vi phạm hợp đồng kinh tế hoặc từ ngày một bên cho là đã có vi phạm xảy ra (1). Thời hạn sáu tháng này sau đó cũng được Pháp lệnh về thủ tục xét xử các vụ án kinh tế năm 1994 tiếp nhận dưới hình thức thời hiệu khởi kiện (2). Dường như cả hai pháp lệnh này đều đã thể hiện chức năng đặc thù của pháp luật thương mại là đòi hỏi các tranh chấp phát sinh phải sớm được các bên tìm cách giải quyết thông qua quy định về thời hạn yêu cầu giải quyết tranh chấp hay thời hiệu khởi kiện ngắn (3).2. LTM 1997 không thay thế Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989, bởi vì phạm vi điều chỉnh của Luật này hẹp hơn, chỉ là hoạt động thương mại theo nghĩa hẹp, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thương mại và các hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân, được cụ thể hóa bằng 14 hành vi thương mại khác nhau (4), trong đó dịch vụ thương mại chỉ bao gồm các dịch vụ gắn với việc mua bán hàng hóa (5). Như vậy, xét từ góc độ pháp luật hợp đồng thì Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 là luật chung (lex generalis), còn các quy định về hợp đồng trong LTM 1997 là luật riêng (lex specialis). Bản thân LTM 1997 không quy định rõ mối quan hệ giữa Luật này với Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989 (6), nhưng các cơ quan tài phán đều tuân theo nguyên tắc: Đối với các hoạt động thương mại thuộc phạm vi điều chỉnh của LTM 1997 thì áp dụng quy định của Luật này, chỉ khi Luật này không điều chỉnh một vấn đề nào đó liên quan đến hợp đồng thì mới áp dụng quy định của Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế. Chẳng hạn, do LTM 1997 không điều chỉnh vấn đề hiệu lực của hợp đồng trong hoạt động thương mại, nên việc xem xét hợp đồng đó có vô hiệu hay không được căn cứ quy định tại Điều 8 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế (7).3. Theo LTM 1997, thời hiệu khởi kiện áp dụng cho tất cả các hành vi thương mại là hai năm, kể từ thời điểm phát sinh quyền khiếu nại (8). Như vậy, so với quy định của Pháp lệnh Trọng tài kinh tế năm 1990 và Pháp lệnh về Thủ tục xét xử các vụ án kinh tế năm 1994 (thời hiệu khởi kiện là 6 tháng) thì thời hiệu khởi kiện theo LTM 1997 dài gấp bốn lần. Phải chăng đã có sự thay đổi quan điểm của các nhà làm luật, theo đó không cần áp dụng thời hiệu khởi kiện ngắn đối với các tranh chấp phát sinh từ các hành vi thương mại? Hoàn toàn không phải như vậy. Bởi vì, bên cạnh quy định về thời hiệu khởi kiện, Luật này đã bổ sung quy định về thời hạn khiếu nại. Theo đó, thời hạn khiếu nại là thời hạn mà bên có quyền lợi bị vi phạm có quyền khiếu nại đối với bên vi phạm. Quá thời hạn khiếu nại, bên có quyền lợi bị vi phạm mất quyền khởi kiện tại Trọng tài, Toà án có thẩm quyền (9). Các bên được quyền thỏa thuận về thời hạn khiếu nại trong hợp đồng. Trường hợp các bên không thỏa thuận thì áp dụng các thời hạn khiếu nại luật định như sau (10):
Ba tháng kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về số lượng hàng hóa;
Sáu tháng kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về quy cách, chất lượng hàng hóa; trong trường hợp hàng hóa có bảo hành thì thời hạn khiếu nại là ba tháng kể từ ngày hết thời hạn bảo hành;
Ba tháng kể từ khi bên vi phạm phải hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng đối với khiếu nại về các hành vi thương mại khác. Riêng đối với dịch vụ giao nhận hàng hóa thì thời hạn khiếu nại chỉ là 14 ngày kể từ ngày giao hàng.
Với quy định về thời hạn khiếu nại như vậy, Luật này đã buộc bên bị vi phạm phải tiến hành khiếu nại trong thời hạn khiếu nại, nếu không sẽ bị mất quyền khởi kiện, cho dù thời hiệu khởi kiện chưa kết thúc (11). Như vậy, thông qua quy định về thời hạn khiếu nại, LTM 1997 vẫn giữ nguyên mục tiêu đặc thù của pháp luật thương mại là buộc các bên tranh chấp phát sinh phải sớm thực hiện việc giải quyết tranh chấp của họ, để các tranh chấp đó không tiếp tục gây trở ngại đến các quan hệ thương mại khác.4. Trọng tài, tòa án Việt Nam cũng đã từng phán quyết về thời hạn khiếu nại theo quy định tại Điều 241 LTM 1997. Tiêu biểu là ba phán quyết sau đây:4.1. Trong vụ kiện “Tranh chấp trong hợp đồng mua bán thiết bị”, ngày 17/01/2003 nguyên đơn là người bán Nhật Bản đã khởi kiện bị đơn là người mua Việt Nam trước Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIAC), theo đó, nguyên đơn yêu cầu Trọng tài buộc bị đơn thanh toán tiền mua một lô hàng thiết bị theo hợp đồng mua bán ký ngày 05/6/2002 với số tiền là 5.107.193 Yên Nhật (12). Thời hạn thanh toán theo hợp đồng là 60 ngày sau khi bị đơn nhận được B/L. Do đó, nguyên đơn cho rằng, thời hạn cuối cùng mà bị đơn phải thanh toán tiền hàng là ngày 06/10/2002. Tuy nhiên, bị đơn đã không thanh toán, mà khiếu nại nguyên đơn đòi trả lại hàng. Nguyên đơn không chấp nhận khiếu nại, nên bị đơn đã khởi kiện nguyên đơn trước trọng tài vào ngày 31/12/2002 yêu cầu được trả lại hàng.Trong vụ kiện theo đơn khởi kiện của nguyên đơn ngày 17/01/2003, bị đơn đã yêu cầu trọng tài bác bỏ yêu cầu của nguyên đơn với lập luận: Nguyên đơn đã không khiếu nại trong thời hạn quy định của LTM 1997, cụ thể thời hạn khiếu nại đã kết thúc trước khi nguyên đơn khởi kiện là 11 ngày. Do vậy, căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 241 Luật này, nguyên đơn đã mất quyền khởi kiện.Ngược lại, nguyên đơn cho rằng, tại thời điểm trọng tài nhận đơn kiện của bị đơn ngày 31/12/2002, “đồng hồ”tính thời hạn khiếu nại đối với các bên trong vụ tranh chấp này sẽ dừng lại, điều này cũng đồng nghĩa với việc phía nguyên đơn không còn bị chi phối bởi thời hạn khiếu nại và không bị mất quyền khởi kiện như Điều 241 LTM 1997 quy định. Mặt khác, nguyên đơn còn cho rằng, nguyên đơn có quyền yêu cầu bị đơn thanh toán trong bất kỳ thời gian nào mà không cần thiết phải trải qua giai đoạn khiếu nại. Thời hạn khiếu nại 3 tháng kể từ khi bên vi phạm nghĩa vụ đối với các hành vi thương mại khác quy định tại điểm c khoản 2 Điều 241 LTM 1997 không bao gồm nghĩa vụ thanh toán, bởi vì nghĩa vụ thanh toán không phải là một trong các hành vi thương mại đươc quy định tại Điều 45 LTM 1997. Mặc dù vậy, nguyên đơn khẳng định là đã thực hiện khiếu nại yêu cầu bị đơn thanh toán thông qua bản fax gửi bị đơn vào ngày 19/11/2002.Tuy nhiên, trong vụ kiện này, nguyên đơn đã không chứng minh được đã gửi bị đơn bản fax khiếu nại việc thanh toán vào ngày 19/11/2002 hay bị đơn đã nhận được bản fax như vậy. Mặt khác, nguyên đơn cũng đã không khiếu nại yêu cầu bị đơn thanh toán trong thời hạn khiếu nại 3 tháng kể từ ngày bị đơn phải hoàn thành nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 241 LTM 1997 (13). Bởi vậy, trọng tài đã bác đơn kiện của nguyên đơn do bị đơn đã mất quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 241 LTM 1997.Như vậy, vấn đề then chốt trong vụ kiện này là việc nguyên đơn có thực hiện quyền khiếu nại trong thời hạn luật định (do không có thỏa thuận khác của các bên về thời hạn khiếu nại) hay không? Và trọng tài đã phán quyết bác đơn kiện của nguyên đơn do nguyên đơn không chứng minh được đã thực hiện quyền khiếu nại trong thời hạn luật định và vì vậy đã mất quyền khởi kiện trước khi khởi kiện, mặc dù thời hiệu khởi kiện vẫn còn.4.2. Trong vụ án “Tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa” được phán quyết bởi Bản án sơ thẩm số 245/2005/KDTM-ST ngày 29/8/2005 của TAND TP. Hồ Chí Minh và Bản án phúc thẩm số 91/2005/KDTM-PT ngày 29/11/2005 của TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh; được xét lại bởi Quyết định giám đốc thẩm số 07/2007/KDTM-GĐT ngày 07/8/2007 của Hội đồng thẩm phán TANDTC, vấn đề thời hạn khiếu nại cũng có một vai trò quan trọng trong quyết định giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm và sơ thẩm (14).Trong vụ án này, bên cạnh lý do nội dung dẫn đến quyết định hủy bản án phúc thẩm và sơ thẩm, Hội đồng thẩm phán TANCTC còn viện dẫn “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” của các tòa án này. Theo đó, lẽ ra tòa án cấp sơ thẩm phải trả lại đơn kiện cho đương sự theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 168 BLTTDS, nhưng lại thụ lý vụ án và quyết định chấp nhận yêu cầu thanh toán tiền hàng của nguyên đơn. Trong khi đó trong hồ sơ vụ án không có tài liệu nào thể hiện kể từ ngày lập hóa đơn bán hàng cuối cùng là ngày 29/11/2001, theo đó, bị đơn phải thanh toán tiền hàng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày lập hóa đơn, đến khi khởi kiện (05/5/2005) nguyên đơn đã có khiếu nại hoặc đòi hỏi bị đơn thanh toán. Như vậy, nguyên đơn đã mất quyền khởi kiện theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 241 và khoản 1 Điều 241 LTM 1997 từ ngày 01/4/2002; đồng thời thời hiệu khởi kiện của vụ án cũng đã hết.4.3. Trong vụ án “Tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa” được phán quyết bởi Bản án sơ thẩm số 94/KTST ngày 10/5/2005 của TAND TP. Hồ Chí Minh và Bản án phúc thẩm số 86/2005/KTPT ngày 14/11/2005 của Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP. Hồ Chí Minh và được xét lại bởi Quyết định giám đốc thẩm số 07/2006/KDTM-GĐT ngày 06/7/2006, vấn đề khiếu nại cũng đóng một vai trò then chốt đối với cả ba tòa án này.Tuy nhiên, trong vụ án này, vấn đề thời hạn khiếu nại lại được xem xét từ góc độ của bị đơn. Vấn đề được tòa án các cấp xem xét là liệu bị đơn có khiếu nại về chất lượng hàng hóa được bán trong thời hạn khiếu nại hay không?Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm xác định khiếu nại về chất lượng hàng hóa (hệ thống thiết bị lạnh) của bị đơn đã quá thời gian luật định là sáu tháng, tính từ ngày đưa thiết bị vào hoạt động, nên không xem xét. Trong khi đó, tòa giám đốc thẩm xét thấy bị đơn đã khiếu nại trong thời hạn luật định (ba tháng kể từ ngày hết thời hạn bảo hành theo thỏa thuận là 12 tháng kể từ ngày nghiệm thu bàn giao) nên việc tòa án sơ thẩm và phúc thẩm “không xem xét và giải quyết tranh chấp về chất lượng máy theo yêu cầu của bị đơn là không đúng quy định của pháp luật, tước của bị đơn quyền được yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình – đây là quyền cơ bản được quy định tại Điều 4 BLTTDS”; và đã quyết định hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm.5. Từ các phán quyết của trọng tài và tòa án trên đây, có thể rút ra mấy nhận định như sau:Thứ nhất, vai trò của thời hạn khiếu nại trong quan hệ hợp đồng thương mại đã được nhận biết, tuy nhiên, không chỉ nhiều chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng thương mại, mà ngay cả một số luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự cũng như một số thẩm phán cũng đã “bỏ qua” đặc thù quan trọng này của pháp luật thương mại.Thứ hai, mặc dù theo quy định tại khoản 1 Điều 241 LTM 1997 thì “quá thời hạn khiếu nại, bên có quyền lợi bị vi phạm mất quyền khởi kiện tại Trọng tài, Toà án có thẩm quyền”, nhưng tòa án không xem xét vấn đề này như là điều kiện để thụ lý vụ án như đối với vấn đề thời hiệu khởi kiện. Khi tòa án xác định nguyên đơn đã không khiếu nại trong thời hạn khiếu nại và vì vậy mất quyền khởi kiện thì tòa án bác đơn kiện, thay vì đình chỉ vụ án như đối với trường hợp xét thấy hết thời hiệu khởi kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 192, điểm a khoản 1 Điều 168 BLTTDS. Điều đó cho thấy, tòa án không nhìn nhận nguyên đơn “mất quyền khởi kiện” mà chỉ mất quyền viện dẫn vi phạm của bị đơn để làm căn cứ cho yêu cầu của mình.Thứ ba, quy định tại khoản 1 Điều 241 LTM 1997 cũng áp dụng đối với trường hợp bị đơn là bên bị vi phạm. Nếu bị đơn là bên bị vi phạm nhưng đã không khiếu nại trong thời hạn khiếu nại thì mất quyền viện dẫn vi phạm của nguyên đơn, trong trường hợp đó tòa án, trọng tài chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn phải thực hiện nghĩa vụ tương ứng. Như vậy, việc bên bị vi phạm không khiếu nại trong thời hạn khiếu nại không chỉ dẫn đến hậu quả mất quyền khởi kiện và còn mất quyền viện dẫn vi phạm của bên vi phạm.II. Thời hạn khiếu nại theo LTM 2005 và thực tiễn tài phán1. Vấn đề thời hạn khiếu nại được quy định tại Điều 318 LTM 2005. Theo đó, trừ trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 237 của Luật này, thời hạn khiếu nại do các bên thỏa thuận, nếu các bên không có thoả thuận thì thời hạn khiếu nại là:
ba tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về số lượng hàng hóa;
sáu tháng, kể từ ngày giao hàng đối với khiếu nại về chất lượng hàng hóa; trong trường hợp hàng hóa có bảo hành thì thời hạn khiếu nại là ba tháng, kể từ ngày hết thời hạn bảo hành;
chín tháng, kể từ ngày bên vi phạm phải hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng hoặc trong trường hợp có bảo hành thì kể từ ngày hết thời hạn bảo hành đối với khiếu nại về các vi phạm khác.
2. Như vậy, Điều 318 LTM 2005 không còn quy định “quá thời hạn khiếu nại, bên có quyền lợi bị vi phạm mất quyền khởi kiện tại Trọng tài, Toà án có thẩm quyền” như Điều 241 LTM 1997 nữa. Điều đó lập tức làm phát sinh câu hỏi, vậy nếu bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không khiếu nại trong thời hạn khiếu nại thì có “mất quyền khởi kiện” hay không và tại sao LTM 2005 lược bỏ quy định này?3. Do các tài liệu lập pháp không thể hiện một cách cụ thể (15), nên chỉ có thể giả thiết một số quan điểm lập pháp về vấn đề này như sau (16):Giả thiết thứ nhất: Vì các nhà làm LTM 2005 cho rằng, việc quy định thời hạn khiếu nại chỉ tạo ra một thủ tục“tiền tố tụng” không bắt buộc, nhằm tạo điều kiện để cho các bên có thể tự giải quyết các bất đồng, tranh chấp trước khi phải khởi kiện trước tòa án, trọng tài. Như vậy, một mặt, bên có quyền lợi bị vi phạm vẫn có thể khởi kiện ngay khi thời hạn khiếu nại vẫn còn mà không cần phải khiếu nại trước khi khởi kiện. Mặt khác, khi thời hạn khiếu nại đã hết mà trước đó bên có quyền lợi bị vi phạm không khiếu nại thì bên đó vẫn có quyền khởi kiện trước tòa án, trọng tài trong thời hiệu khởi kiện. Bởi vậy, cần phải bỏ quy định việc bên có quyền lợi bị vi phạm mất quyền khởi kiện nếu không khiếu nại trong thời hạn khiếu nại như quy định tại khoản 1 Điều 241 LTM 1997.Giả thiết thứ hai: Vì quy định như khoản 1 Điều 241 LTM 1997 là không chính xác, bởi vì, khi bên có quyền lợi bị vi phạm khởi kiện tại tòa án hoặc trọng tài, mặc dù trước đó đã không khiếu nại trong thời hạn khiếu nại, thì tòa án, trọng tài vẫn thụ lý vụ án, chứ không trả lại đơn kiện như trường hợp hết thời hiệu khởi kiện quy định tại điểm a khoản 1 Điều 168 BLTTDS (trước đây: khoản 2 Điều 32 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế) (17). Tuy nhiên, tòa án, trọng tài sẽ phải bác yêu cầu của bên có quyền lợi bị vi phạm khi nhận xét thấy bên đó đã không thực hiện quyền khiếu nại trong thời hạn khiếu nại.Giả thiết thứ ba: Cũng vì lý do như nêu tại giả thiết thứ hai, nhưng ngoài ra còn vì các nhà làm LTM 2005 cho rằng, nếu bên có quyền lợi bị vi phạm không khiếu nại trong thời hạn khiếu nại thì coi như chấp nhận vi phạm của bên vi phạm, và mất quyền viện dẫn các vi phạm của bên vi phạm. Trong trường hợp này, bên có quyền lợi bị vi phạm vẫn có quyền khởi kiện nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn. Tòa án không trả lại đơn kiện như trường hợp hết thời hiệu khởi kiện, nhưng phải bác yêu cầu của nguyên đơn do nguyên đơn không còn căn cứ pháp luật cho yêu cầu của mình.4. Có thể, chúng ta sẽ tìm được lời giải đáp xác đáng về vấn đề này trong LTM Việt Nam bằng cách đi tìm nguồn gốc cũng như hình thái của chế định khiếu nại trong pháp luật thương mại nước ngoài hay luật quốc tế mà pháp luật Việt Nam chịu ảnh hưởng, cũng như hướng tới để đạt mục tiêu “việc xây dựng LTM tất yếu cũng phải phù hợp với... nguyên tắc, chuẩn mực của pháp luật, tập quán thương mại quốc tế, từ đó tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia vào các chế định chung của thế giới trong lĩnh vực thương mại” (18).III. Khiếu nại trong pháp luật thương mại nước ngoài và quốc tế1. Để truy tìm nguồn gốc của chế định khiếu nại trong pháp luật thương mại, có lẽ điều người ta nghĩ đến trước hết là Bộ luật Thương mại của Pháp và Bộ luật Thương mại của Đức. Bởi vì Pháp và Đức đều là các quốc gia có hệ thống luật thành văn và đều có các Bộ luật Dân sự bên cạnh Bộ luật Thương mại. Các Bộ luật Thương mại này đều được xem là luật của thương nhân, bao gồm luật về tổ chức của thương nhân và luật về giao dịch giữa các thương nhân (19).Các Bộ luật Dân sự và Bộ luật Thương mại này đều quy về thời hiệu. Chế định thời hiệu có nguồn gốc từ luật La Mã. Luật La Mã hiểu thời hiệu là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó quyền yêu cầu chấm dứt hoặc được xác lập và qua đó phân biệt giữa thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ và thời hiệu xác lập quyền (20). Tuy nhiên, các Bộ luật Dân sự của Pháp và Đức đều không tiếp nhận khái niệm thời hiệu của Luật La Mã với nội hàm rộng như vậy. Thời hiệu theo các Bộ luật này là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó nghĩa vụ không chấm dứt, nhưng người có nghĩa vụ có quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ (21). Khác với thời hiệu khởi kiện theo Bộ luật Dân sự và Luật Thương mại của Việt Nam, thời hiệu theo các Bộ luật Dân sự và Bộ luật Thương mại của Pháp và Đức không cản trở người có quyền khởi kiện khi thời hiệu đã chấm dứt (22). Tòa án các nước này không trả lại đơn kiện trong trường hợp thời hiệu đã hết như tòa án Việt Nam trong trường hợp hết thời hiệu khởi kiện. Thậm chí, tòa án các nước này cũng chỉ xem xét vấn đề thời hiệu khi một bên đương sự viện dẫn việc hết thời hiệu khởi kiện mà thôi (23). Tuy nhiên, tòa án sẽ bác đơn kiện nếu thời hiệu đã chấm dứt. Như vậy, khác với Việt Nam, ở Pháp và Đức vấn đề thời hiệu đã chấm dứt hay chưa cũng phải được xét xử khi có một bên đương sự viện dẫn việc thời hiệu chấm dứt.2. Thời hiệu được quy định trong các Bộ luật Dân sự là rất dài hoặc tường đối dài. Thời hiệu thông thường theo Bộ luật Dân sự Đức là 3 năm, thời hiệu đối với các quyền yêu cầu liên quan đến bất động sản là 10 năm, bên cạnh đó còn có thời hiệu 30 năm đối với sáu nhóm quyền yêu cầu được quy định cụ thể (24). Bộ luật Dân sự Pháp cũng quy định các thời hiệu dài 10, 20 và 30 năm (25). Tuy nhiên, Bộ luật này cũng quy định một số thời hiệu đặc biệt, ngắn hơn (26). Chẳng hạn, thời hiệu quyền yêu cầu của thương nhân về việc thanh toán tiền bán hàng đối với người không phải là thương nhân chỉ là 02 năm.Các thời hiệu tương đối dài đó không phải lúc nào cũng phù hợp để đạt mục tiêu của pháp luật thương mại là các tranh chấp giữa các bên cần phải được giải quyết một cách nhanh chóng. Bởi vậy, pháp luật thương mại đã quy định nhiều thời hiệu ngắn hơn, nhưng thời hiệu ngắn nhất cũng là một năm. Nên việc bổ sung chế định khiếu nại trong pháp luật thương mại tỏ ra là cần thiết. Nội hàm của chế định khiếu nại là người có quyền và lợi ích bị vi phạm phải khiếu nại với bên vi phạm trong một thời hạn nhất định, nếu hết thời hạn đó mà không khiếu nại thì coi như người bị vi phạm chấp nhận sự vi phạm. Thời hạn khiếu nại có thể là một “thời hạn hợp lý” hay thời hạn được tính bằng ngày, tháng, năm và thông thường ngắn hơn nhiều so với thời hiệu.Tuy nhiên, chế định khiếu nại không áp dụng đối với mọi giao dịch thương mại. Bộ luật Thương mại của Đức chỉ quy định thời hạn khiếu nại đối với hoạt động mua bán hàng hóa. Theo Điều 377 Bộ luật này, trường hợp việc mua bán đối với hai bên đều là giao dịch thương mại, thì người mua phải kiểm tra hàng hóa sau khi được người bán giao hàng, trong chừng mực điều đó là cần thiết, và nếu phát hiện khiếm khuyết thì phải khiếu nại kịp thời cho người bán biết (thời hạn khiếu nại ở đây là “kịp thời”). Nếu người mua không khiếu nại thì được coi là chấp nhận hàng hóa, trừ phi đó là khiếm khuyết không thể phát hiện được khi kiểm tra. Nếu sau đó người mua còn phát hiện khiếm khuyết thì cũng phải khiếu nại kịp thời cho người bán, nếu không cũng được coi là chấp nhận hàng hóa. Như vậy, nếu bên mua không thực hiện khiếu nại, thì được coi như bên đó đã chấp nhận hàng hóa. Bên mua mất quyền viện dẫn vi phạm của bên bán. Tuy nhiên, trong trường hợp này cũng không ai cản trở bên mua khởi kiện bên bán, chỉ có điều việc khởi kiện sẽ không đem lại kết quả mong muốn.Tương tự, Bộ luật Thương mại của Đức, Bộ luật Thương mại của pháp cũng có chế định khiếu nại, và không áp dụng cho mọi giao dịch thương mại, mà chỉ đối với một số giao dịch được quy định cụ thể. Trong hoạt động vận chuyển đường bộ và vận chuyển đường thủy (Điều L133 -5), “khi nhận vật chuyên chở, quyền yêu cầu đối với người vận chuyển đối với thiệt hại hoặc mất một phần vật đó chấm dứt nếu trong thời hạn 3 ngày, không kể ngày lễ, Tết, kể từ ngày nhận vật, người nhận không thông báo cho người vận chuyển... về việc từ chối nhận vật và lý do từ chối nhận vật” (Điều L133 -3). Trong hoạt động mua bán sản nghiệp thương mại, “bên bán có nghĩa vụ đảm bảo tính chính xác của các thông tin mà mình cung cấp theo quy định tại các điều 1644 và 1645 Bộ luật Dân sự, kể cả khi có thỏa thuận khác” (Điều L141 -3). “Quyền yêu cầu phát sinh theo quy định tại Điều 141-3 phải do bên mua thực hiện trong thời hạn 1 năm kể từ ngày tiếp nhận sản nghiệp thương mại" (Điều 141-4).3. Chế định khiếu nại trong LTM được tiếp nhận vào Công ước của Liên hiệp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG). Điều 39 Công ước này quy định, người mua mất quyền viện dẫn (right to rely) đối với vi phạm hợp đồng về hàng hóa, nếu người mua không khiếu nại và không nêu chính xác vi phạm với người bán trong một thời hạn hợp lý sau khi người mua biết được vi phạm đó hoặc nhẽ ra phải biết được vi phạm đó. Trong mọi trường hợp, người mua mất quyền viện dẫn vi phạm của người bán, nếu người mua không khiếu nại chậm nhất trong thời hạn 2 năm sau khi hàng hóa được thực tế chuyển giao cho người mua, trừ phi thời hạn này không phù hợp với thời hạn bảo hành theo hợp đồng. Và theo quy định tại khoản 2 Điều 46 Công ước này thì trường hợp hàng hóa không phù hợp với hợp đồng, người mua có thể yêu cầu giao hàng thay thế, nếu vi phạm hợp đồng là một vi phạm cơ bản và yêu cầu giao hàng thay thế được thực hiện cùng với khiếu nại theo Điều 39 hoặc trong một thời hạn hợp lý sau khi đã khiếu nại. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 3 Điều 46 Công ước này thì trường hợp hàng hóa không phù hợp hợp đồng, người mua có thể yêu cầu người bán khắc phục, trừ phi khi xem xét tới mọi hoàn cảnh điều đó tỏ ra không phù hợp. Yêu cầu khắc phục phải được thực hiện cùng với việc khiếu nại theo Điều 39 hoặc trong một thời hạn hợp lý sau khi đã khiếu nại.Như vậy, theo Công ước này việc không khiếu nại trong thời hạn khiếu nại (trong trường hợp này là “thời hạn hợp lý”) dẫn đến hậu quả người mua mất quyền viện dẫn vi phạm hợp đồng của bên bán. Và hậu quả pháp lý đó hoàn toàn tương tự hậu quả pháp lý của việc không khiếu nại theo LTM của Đức và Pháp.4. Các trình bày trên cho thấy, chế định khiếu nại và chế định thời hiệu là hai chế định độc lập với nhau. Thời hiệu chấm dứt không làm chấm dứt nghĩa vụ, nhưng làm phát sinh quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ và quyền viện dẫn thời hiệu đã chấm dứt của người có nghĩa vụ. Trong khi đó, thì việc không khiếu nại trong thời hạn khiếu nại làm mất quyền viện dẫn của bên bị vi phạm đối với vi phạm của bên vi phạm, hay nói cách khác là vi phạm coi như được chấp nhận, và nếu bên vi phạm phản đối việc viện dẫn của bên bị vi phạm thì coi như không tồn tại vi phạm và không phát sinh nghĩa vụ. Như vậy, chế định khiếu nại nhằm đòi hỏi bên bị vi phạm phải thực hiện khiếu nại để bảo toàn quyền viện dẫn tới vi phạm của bên vi phạm. Và thời hạn khiếu nại trong các luật nói trên thường là “kịp thời”, “thời hạn hợp lý”, nếu là thời hạn tính theo ngày, tháng, năm thì cũng thường rất ngắn. Điều đó thể hiện đòi hỏi cao hơn của pháp luật thương mại đối với thương nhân vì lợi ích của hoạt động thương mại, đặc biệt trong hoạt động mua bán hàng hóa, vì hàng hóa được mua bán ở đây không nhằm mục đích tiêu dùng, nên thường chỉ là một khâu trong quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa.5. Có lẽ chế định khiếu nại trong LTM Việt Nam cũng nhằm thực hiện chức năng tương tự. Một bằng chứng là, mặc dù quy định chung về thời hạn khiếu nại tại Điều 318 LTM 2005 không trực tiếp quy định về hậu quả pháp lý của việc bỏ qua thời hạn khiếu nại, nhưng theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 237 Luật này thì thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics được miễn trách nhiệm nếu thương nhân đó không nhận được thông báo về khiếu nại trong thời hạn 14 ngày, kể từ ngày giao hàng cho người nhận (27).Tuy nhiên, nếu chế định khiếu nại trong LTM Việt Nam là sự tiếp nhận luật nước ngoài và luật quốc tế thì đó là sự tiếp nhận không hoàn hảo. Chính vì vậy mà LTM 2005 đã sửa đổi quy định tương ứng của LTM 1997 về thời hạn khiếu nại. Nhưng cũng chính sửa đổi này lại tạo ra sự không rõ ràng về mặt ý nghĩa và gây khó khăn cho việc áp dụng.IV. Chế định khiếu nại theo LTM 2005 cần áp dụng như thế nào?1. Căn cứ thực tiễn tài phán như đã trình bày tại mục I, quy định “quá thời hạn khiếu nại, bên có quyền lợi bị vi phạm mất quyền khởi kiện tại Trọng tài, Toà án có thẩm quyền” tại khoản 1 Điều 241 LTM 1997 đã không được các tòa án áp dụng đúng như câu chữ. Một mặt, trên thực tế không một tòa án nào trả lại đơn kiện do nguyên đơn đã mất quyền khởi kiện vì không khiếu nại trong thời hạn khiếu nại. Mặt khác, tòa án cũng không thể trả lại đơn kiện vì không thuộc một trong các trường hợp trả lại đơn kiện theo pháp luật tố tụng (Điều 168 BLTTDS). Các tòa án hay trọng tài chỉ bác đơn kiện thông qua bản án hay quyết định trọng tài.2. Việc LTM 2005 lược bỏ quy định này trong quy định tương ứng về thời hạn khiếu nại cũng có thể cho thấy các nhà làm luật đã nhận thức rằng quy định như vậy là bất hợp lý. Bởi vì quy định như khoản 1 Điều 241 LTM 1997, sẽ làm chế định khiếu nại có chức năng tương tự như chế định thời hiệu khởi kiện, nghĩa là đều tước quyền khởi kiện của bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm nếu bỏ qua thời hạn hay thời hiệu.3. Nhưng quy định tại Điều 318 LTM 2005 lại chỉ thuần túy quy định về các thời hạn khiếu nại, mà không hề quy định về hậu quả của việc bỏ qua thời hạn khiếu nại. Do các tài liệu lập pháp không cho thấy rõ chủ ý của nhà lập pháp nên mới có các giả thiết trình bày tại mục II.3 về việc lược bỏ quy định về hậu quả như trong LTM 1997.4. Trong đó, tỏ ra hợp lý hơn cả là giả thiết, theo đó các nhà làm LTM 2005 cho rằng, nếu bên có quyền lợi bị vi phạm không khiếu nại trong thời hạn khiếu nại thì coi như chấp nhận vi phạm của bên vi phạm, và mất quyền viện dẫn các vi phạm của bên vi phạm. Trong trường hợp này, bên có quyền lợi bị vi phạm vẫn có quyền khởi kiện nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn. Tòa án không trả lại đơn kiện như trường hợp hết thời hiệu khởi kiện, nhưng phải bác (bằng bản án) yêu cầu của bên bị vi phạm nếu bên vi phạm phản đối việc viện dẫn vi phạm. áp dụng pháp luật như vậy trước hết là phù hợp với lôgíc pháp lý, bên cạnh đó cũng phù hợp với chế định khiếu nại trong các Bộ luật Thương mại lớn kể trên, và với luật mua bán hàng hóa quốc tế (CISG). Như vậy, mặc dù quy định tại Điều 318 LTM 2005 về mặt kỹ thuật lập pháp là không hoàn hảo, nhưng hoàn toàn có thể được áp dụng theo ý nghĩa nêu trên./.========================CHÚ THÍCH(1) Điều 23 Pháp lệnh Trọng tài kinh tế năm 1990.(2) Khoản 1 Điều 31 Pháp lệnh Thủ tục xét xử các vụ án kinh tế.(3) Vào thời điểm này, do một thiếu sót về mặt kỹ thuật, Bộ luật Dân sự 1995 thậm chí không quy định thời hiệu khởi kiện chung cho các tranh chấp dân sự, mà chỉ quy định thời hiệu khởi kiện đối với các tranh chấp về thừa kế (Điều 648) cũng như việc không áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với một số trường hợp (Điều 169). Do đó, theo Thông tư liên ngành số 03/TTLN của TANDTC và VKSNDTC ngày 10/08/1996, thì “các hợp đồng dân sự được xác lập từ ngày 1/7/1996 mà có vi phạm, thì bên bị vi phạm không bị hạn chế thời gian khởi kiện trước Tòa án, nếu pháp luật không có quy định khác” (mục III.1.a). Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 cũng không quy định thời hiệu khởi kiện.(4) Điều 1, khoản 2 Điều 5 và Điều 45 LTM 1997.(5) Khoản 4 Điều 5 LTM 1997.(6) Điều 3 LTM 1997 chỉ quy định: “Các hoạt động thương mại phải tuân theo các quy định của Luật này và các quy định pháp luật khác có liên quan”.(7) LTM 1997 chỉ có một quy định duy nhất liên quan đến hợp đồng vô hiệu, đó là khoản 3 Điều 126, theo đó hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa chấm dứt trong trường hợp hợp đồng vô hiệu khi nội dung hợp đồng hoặc việc thực hiện hợp đồng trái với quy định của pháp luật. Xét từ bản chất của chế định hợp đồng vô hiệu thì quy định này là không chính xác, vì khi hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu thì nó được xem là không tồn tại chứ không “chấm dứt”.(8) Điều 242 LTM 1997. Tuy nhiên, Luật này sử dụng thuật ngữ không chính xác là “thời hiệu tố tụng”. Bởi vậy, các tòa án, trọng tài khi căn cứ điều khoản này đều sử dụng thuật ngữ “thời hiệu khởi kiện”.(9) Khoản 1 Điều 241 LTM 1997.(10) Khoản 2 Điều 241 LTM 1997.(11) Quy định về thời hạn khiếu nại làm phát sinh vấn đề: Liệu bên bị vi phạm có thể khởi kiện ngay trong thời hạn khiếu nại mà không cần phải thực hiện khiếu nại trước khi khởi kiện hay không? Về vấn đề này có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, bài viết này không nhằm giải quyết vấn đề này.(12) Xem: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp DANIDA, Các quyết định trọng tài quốc tế chọn lọc, Nxb Tư pháp, Hà Nội 2007: Quyết định số 10, “Tranh chấp trong hợp đồng mua bán thiết bị”, tr.72-77.(13) Trong vụ kiện này, Hội đồng trọng tài đã đề nghị UBTVQH giải thích về nội dung điểm c khoản 2 Điều 241 LTM 1997. Trên cơ sở yêu cầu đó, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết số 746/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 28/01/2005 về việc giải thích điểm c khoản 2 Điều 241 LTM. Theo đó: “Đối với khiếu nại về vi phạm các nghĩa vụ khác trong việc thực hiện các hành vi thương mại thì thời hạn khiếu nại là ba tháng kể từ khi bên vi phạm phải hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 170 của LTM. Như vậy, trừ khiếu nại về số lượng hàng hóa quy định tại điểm a khoản 2 Điều 241 và khiếu nại về quy cách, chất lượng hàng hóa quy định tại điểm b khoản 2 Điều 241 của LTM thì thời hạn khiếu nại đối với các vi phạm nghĩa vụ về thanh toán, thời hạn giao hàng và các vi phạm khác trong mua bán hàng hóa, đại lý mua bán hàng hóa, môi giới thương mại và trong các hành vi thương mại khác được qui định tại Điều 45 của LTM là ba tháng, kể từ khi bên vi phạm phải hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 170 của LTM”.(14) Xem Quyết định giám đốc thẩm số 07/2007/KDTM-GĐT ngày 07/8/2007 của Hội đồng thẩm phán TANDTC tại: Tạp chí Tòa án nhân dân, số 13 kỳ I tháng 7/2008, tr. 45-48.(15) Tờ trình của Chính phủ về Dự án LTM (sửa đổi) ngày 05/10/2004 cũng không đề cập vấn đề này trong Mục B.5 về nội dung cơ bản của Chương V “Chế tài trong thương mại và giải quyết tranh chấp trong thương mại”.(16) Trong quá trình thu thập tư liệu, tác giả chưa tìm thấy một bản án hay phán quyết trọng tài nào có liên quan đến Điều 318 LTM 2005, nên chưa thể nêu quan điểm của tòa án hay trọng tài về vấn đề này.(17) Mặc dù theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 168 BLTTDS, khoản 1 Điều 32 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế thì việc "người khởi kiện không có quyền khởi kiện" cũng là căn cứ để tòa án, trọng tài trả lại đơn kiện, nhưng thực tế tòa án, trọng tài chưa hề trả lại đơn kiện theo các quy định này bằng cách viện dẫn bên khởi kiện đã mất quyền khởi kiện do không thực hiện khiếu nại trong thời hạn khiếu nại theo quy định tại khoản 1 Điều 241 LTM 1997.(18) Tờ trình của Chính phủ về Dự án LTM (sửa đổi) ngày 05/10/2004, mục II.5.(19) Về sau luật về tổ chức thương nhân được tách dần ra khỏi các Bộ luật Thương mại này, hình thành nên Luật công ty.(20) Luật La Mã không biết đến thời hiệu khởi kiện và thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự như quy định tại khoản 3, 4 Điều 155 BLDS 2005 của Việt Nam.(21) Xem: Palandt, Bình luận Bộ luật Dân sự (Beck’sche Kurzkommentare B#rgerliches Gesetzbuch), 68. Auflage, Verlag C.H.Beck, M#nchen 2008: #berblick von # 194. Xem thêm: Đỗ Văn Đại, Đỗ Văn Hữu, Hậu quả của hết thời hiệu khởi kiện trong lĩnh vực hợp đồng, Tạp chí NCLP, Hiến kế lập pháp số 3/2006 (70), tr. 17-19.(22) Xem thêm nhận định tương tự trong: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp DANIDA, Cẩm nang hợp đồng thương mại, Hà Nội 2007, tr. 46: "Hầu hết pháp luật các nước không quy định thời hiệu khởi kiện, mà chỉ quy định thời hiệu. Điều đó có nghĩa là không ai bị mất quyền khởi kiện. Tuy nhiên, bên có nghĩa vụ có quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ khi hết thời hiệu".(23) Xem thêm: Đỗ Văn Đại, Đỗ Văn Hữu, tlđd.(24) Điều 195-197 Bộ luật Dân sự Đức.(25) Điều 2262 đến 2270-1 Bộ luật Dân sự Pháp.(26) Điều 2271 đến 2281 Bộ luật Dân sự Pháp.(26) Một bằng chứng cho thấy điều đó là, mặc dù quy định chung về thời hạn khiếu nại tại Điều 318 LTM 2005 không trực tiếp quy định về hậu quả pháp lý của việc bỏ qua thời hạn khiếu nại, nhưng theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 237 Luật này thì thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics được miễn trách nhiệm nếu thương nhân đó không được thông báo về khiếu nại trong thời hạn 14 ngày, kể từ ngày giao hàng cho người nhận.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Thời hạn khiếu nại trong hoạt động TM- Pháp luật, thực tiễn tài phán và các quan điểm.doc