Mở đầu
1. Tính cấp thiết của đề tài
Năm 2004, Bộ luật tố tụng dân sự đầu tiên ra đời đã đánh dấu một bước chuyển lớn trong lịch sử pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam, khẳng định sự nỗ lực của Việt Nam trong việc đổi mới, hội nhập. Với hệ thống những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động tố tụng; trình tự, thủ tục khởi kiện, xét xử; sự tham gia tố tụng dân sự của các chủ thể được BLTTDS quy định đều nhằm mục đích giải quyết các vụ việc dân sự được chính xác, công bằng và đúng pháp luật. Nhưng hoạt động xét xử là hoạt động của thẩm phán, là hoạt động của những con người cụ thể nên không tránh khỏi sai sót khiến những phán quyết của Toà án không đúng với sự thật khách quan hoặc trái pháp luật. Những sai sót này có thể xuất phát từ yếu tố chủ quan hoặc yếu tố khách quan nên dẫn đến việc có những bản án, quyết định dân sự đã trải qua hai cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, thậm chí qua nhiều vòng xét xử lặp đi, lặp lại mà vẫn không đúng pháp luật. Do đó, để khắc phục và sửa chữa những sai lầm, thiếu sót đó cần có một thủ tục xét lại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật.
Hiện nay, tình hình khiếu nại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật của người dân đang tăng. Công tác giải quyết đơn khiếu nại của Toà án các cấp cũng gặp nhiều vấn đề phức tạp, quá tải; nhiều vụ án kéo dài nên chưa đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và gây dư luận bức xúc.
Hơn nữa, sau hơn 5 năm thi hành BLTTDS đã cho thấy một số quy định về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế như: vấn đề khiếu nại, phát hiện bản án, quyết định đã có hiệu lực mà có sai sót; thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm; quyền hạn của Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm Chính những quy định chưa rõ ràng và đầy đủ trong BLTTDS đã gây ra những vướng mắc và giảm hiệu quả công tác xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của ngành Toà án.
Mặt khác, xuất phát từ yêu cầu của Cải cách Tư pháp, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 về “Chiến lược Cải cách Tư pháp đến năm 2020” nhằm “cải cách mạnh mẽ các thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, chặt chẽ” và “hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người” đòi hỏi các nhà lập pháp phải nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện các quy định về thủ tục còn chưa rõ ràng dẫn tới những cách hiểu và áp dụng không thống nhất trên thực tế.
Vì những lý dó trên, học viên đã chọn đề tài “ Thủ tục xét lại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật theo pháp luật tố tụng dân sự hiện hành” làm nội dung nghiên cứu trong luận văn tốt nghiệp của mình.
2. Tình hình nghiên cứu
Liên quan đến đề tài, trước đó đã có một số công trình nghiên cứu đến vấn đề này, hoặc có liên quan sau:
- Thủ tục xét lại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật theo pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam của Ngô Anh Dũng, Luận văn thạc sỹ Luật học năm 1996. Đề tài này đã nghiên cứu thủ tục xét lại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật theo Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự và đưa ra những kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện thủ tục xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, luận văn được thực hiện từ năm 1996, khi BLTTDS năm 2004 chưa ra đời.
- Tìm hiểu các quy định của pháp luật về thủ tục giám đốc thẩm vụ án dân sự, của Dương Thị Thanh Mai, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2000. Trong tác phẩm này, tác giả đã giải quyết một số vấn đề như: khái niệm, sự hình thành thủ tục giám đốc thẩm, thực trạng giải quyết án dân sự theo thủ tục giám đốc thẩm và đưa ra một số kiến nghị như: quy định theo hướng cấp xét xử cao nhất theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là Uỷ ban thẩm phán TANDTC, còn Hội đồng thẩm phán TANDTC là cơ quan tổng kết và hướng dẫn việc xét xử. Tuy nhiên, tác phẩm được viết trên cơ sở của PL TTGQCVADS nên nhiều vấn đề tác giả đề cập đã được giải quyết khi BLTTDS ra đời.
- Thủ tục giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự Việt Nam do Tiến sĩ Trần Văn Trung làm chủ nhiệm đề tài, Đề tài khoa học cấp bộ của Viện khoa học kiểm sát- Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2003. Đây là đề tài nghiên cứu chuyên sâu về giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự trong bối cảnh chưa có BLTTDS.
- Mố số suy nghĩ về cơ chế xét xử vụ án dân sự, của tiến sĩ Lê Thu Hà, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia năm 2003. Tác giả đã nghiên cứu tổng thể các cấp xét xử của Toà án các cấp bao gồm: sơ thẩm, phúc thẩm và thủ tục xét lại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, do phạm vi nghiên cứu của đề tài rộng nên tác giả chưa đưa ra các giải pháp toàn diện đối với thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm.
- Thủ tục xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật trong tố tụng kinh tế, dân sự ở Viết Nam, của Đào Xuân Tiến, Luận án tiến sĩ Luật học năm 2009. Tác giả đã đưa ra khái niệm về thủ tục xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật trong tố tụng kinh tế, dân sự, phân tích pháp luật tố tụng kinh tế, dân sự và thực trạng áp dụng thủ tục xét lại bản án, quyết định về kinh tế, dân sự của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Đồng thời, luận án cũng đưa ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện thủ tục xét lại bản án, quyết định về kinh tế, dân sự của Toà án như: tổ chức bộ phận giúp việc Hội đồng thẩm phán TANDTC; thống nhất thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục tái thẩm Tuy nhiên, các kiến nghị mà tác giả đưa ra chưa mang tính giải pháp tổng thể mà chủ yếu là một số kiến nghị mang tính chất hình thức, thủ tục.
- Giám đốc thẩm dân sự- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, của Mai Ngọc Dương, Luận án tiến sĩ Luật học năm 2010. Luận án giải quyết một số vấn đề lý luận về giám đốc thẩm trong tố tụng dân sự như: bản chất, khái niệm, đặc điểm pháp lý, ý nghĩa của giám đốc thẩm và nêu lên thực trạng công tác giám đốc thẩm của ngành Toà án. Từ đó, tác giả đề xuất những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự về phần quy định giám đốc thẩm. Tuy nhiên, luận án chưa đưa ra được sự so sánh giữa thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục tái thẩm.
Ngoài ra còn có các công trình nghiên cứu, các bài viết đăng trên các tạp chí của các tác giả như: Nguyễn Quang Lộc, Nguyễn Quang Tiến, Trần Anh Tuấn, Đinh Văn Quế được đăng trên các tạp chí Toà án nhân dân, Nhà nước và pháp luật, tạp chí Luật học.
3. Mục đích, nhiệm vụ và phạm vi nghiên cứu
Mục đích nghiên cứu của luận văn là nghiên cứu hệ thống những quy định của pháp luật về thủ tục xét lại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật theo BLTTDS, nhận diện những mặt tích cực, những mặt tồn tại trong thực tiễn công tác xét lại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật của ngành TAND nhằm hoàn thiệp các quy định của pháp luật về thủ tục này.
Để thực hiện được mục đích nghiên cứu trên, luận văn tập trung giải quyết những vấn đề cụ thể sau:
- Giải quyết một số vấn đề lý luận về thủ tục xét lại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật như: khái niệm, đặc điểm pháp lý, ý nghĩa, quá trình hình thành và phát triển của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam về thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
- Phân tích, đánh giá những quy định của pháp luật về thủ tục xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, trong đó phân tích những điểm giống và khác nhau giữa giám đốc thẩm với tái thẩm, những mặt hạn chế, tồn tại trong thực tiễn áp dụng của ngành TAND.
Để có thể hướng tới mục đích trên, luận văn nghiên cứu trong phạm vi các quy định trong BLTTDS 2004 về thủ tục xét lại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật; Thực tiễn công tác giám đốc thẩm, tái thẩm trên cả nước từ năm 2004 đến 2010 của ngành Toà án và đề xuất những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
4. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng phương pháp duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của Triết học Mác- Lênin về Nhà nước pháp quyền; tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật; học việc cũng sử dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học khác như: phương pháp phân tích tổng hợp, phương pháp đối chiếu so sánh, phương pháp thống kê và phương pháp lịch sử.
5. Những đóng góp của luận văn
Luận văn đã tập trung nghiên cứu làm rõ bản chất của thủ tục xét lại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật, trong đó có các vấn đề như: khái niệm, đặc điểm pháp lý, ý nghĩa pháp lý. Trong luận văn, chúng tôi đã đưa ra khái niệm mới về thủ tục xét lại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật, cũng như khái niệm về giám đốc thẩm dân sự, tái thẩm dân sự. Luận văn cũng giúp người đọc hình dung được thực tiễn công tác giám đốc thẩm, tái thẩm của ngành Toà án trong những năm qua, những mặt còn tồn tại, nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giám đốc thẩm, tái thẩm.
6. Kết cấu của luận văn
Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, nội dung của luận văn gồm 3 chương.
77 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 5318 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Thủ tục xét lại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật theo pháp luật tố tụng dân sự hiện hành, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
uỷ hoặc bị sửa.
Theo Điều 298 BLTTDS, nếu kháng nghị có căn cứ, bản án, quyết định của toà án cấp dưới đã bị huỷ hoặc sửa không đúng thì Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định của toà án cấp dưới xét xử đúng pháp luật nhưng đã bị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị huỷ bỏ hoặc sửa đổi một phần hay toàn bộ. Tức là Hội đồng xét xử có quyền huỷ án phúc thẩm và giữ nguyên án sơ thẩm nếu án phúc thẩm huỷ án sơ thẩm là không đúng pháp luật. Hội đồng tái thẩm không có quyền hạn này.
- Huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại.
Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị để xét xử sơ thảm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại nếu việc kháng nghị có căn cứ. Theo quy định tại Điều 299 BLTTDS, Hội đồng giám đốc thẩm có quyền ra quyết định huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị để xét xử sơ thẩm lại hoặc xét xử phúc thẩm lại trong các trường hợp sau:
- Việc thu thập chứng cứ và chứng minh chưa thực hiện đầy đủ hoặc không theo đúng quy định tại BLTTDS;
- Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án hoặc có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật;
- Thành phần của hội đồng xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm không đúng quy định của BLTTDS hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng.
Khi xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, hội đồng giám đốc thẩm có thể huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị giao cho toà án cấp mình hoặc cấp dưới xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại vụ án. Đồng thời, hội đồng giám đốc thẩm có thể hướng dẫn toà án xử lại vụ án những vấn đề cần thiết như: việc đánh giá chứng cứ, việc vận dụng pháp luật để giải quyết vụ án…Nhưng hội đồng giám đốc thẩm không được chỉ rõ phải quyết định giải quyết vụ án như thế nào khi vụ án được xét lại. Toà án giải quyết vụ án căn cứ vào diễn biến của vụ án và pháp luật áp dụng giải quyết vụ án mà không bị ràng buộc vào ý kiến hướng dẫn của toà án cấp giám đốc thẩm.
Nếu như hội đồng giám đốc thẩm có quyền huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại hoặc phúc thẩm lại thì hội đồng tái thẩm chỉ có thẩm quyền hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật dể xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục chung.
Khi kháng nghị có căn cứ, nghĩa là quyết định của Toà án trong các bản án, quyết định bị kháng nghị giải quyết vụ án không phù hợp với thực tế khách quan của nó, không đúng pháp luật thì Hội đồng tái thẩm huỷ bản án, quyết định để xét xử lại vụ án. Toà án xử lại vụ án phải tiến hành giải quyết vụ án như đối với vụ án mới. Trong quá trình giải quyết lại vụ án, Toà án phải tuân thủ tất cả các quy định của pháp luật TTDS. Điều này lý giải tại sao Hội đồng tái thẩm phải huỷ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để xét xử sơ thẩm lại mà không thể xét xử phúc thẩm lại như thủ tục giám đốc thẩm. Còn ở thủ tục tái thẩm, nếu xác định có tình tiết mới làm thay đổi nội dung vụ án thì phải xử lại vụ án đó như đối với án mới nên phải xét xử sơ thẩm lại.
Khi huỷ bản án, quyết định để điều tra xét xử lại, Hội đồng tái thẩm có thể hướng dẫn toà án cấp dưới xử lại vụ án về những vấn đề cần thiết. Tuy nhiên, khi giải quyết lại vụ án toà án cấp dưới vẫn phải căn cứ vào pháp luật và thực tế khách quan của vụ án để quyết định. Bản án, quyết định của toà án xét xử lại vụ án cũng có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Như vậy, việc tách riêng thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm như hiện nay là hợp lý vì như đã phân tích ở trên, hai thủ tục này khác nhau về tính chất, dẫn đến các quy định về cơ chế xử lý và hậu quả pháp lý là khác nhau. BLTTDS đã có những quy định khá rõ ràng, và chi tiết về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng pháp lý là một ngành khoa học đặc thù nên xung quanh những vấn đề mà luật đã quy định còn có nhiều ý kiến trái chiều. Những quan điểm khác nhau cũng như những luận điểm mà các nhà nghiên cứu đưa ra sẽ góp phần xây dựng và hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật TTDS về hai thủ tục này.
Chương 3
THỰC TIỄN VÀ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC XÉT LẠI BẢN AN, QUYẾT ĐỊNH DÂN SỰ ĐÃ CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT
3.1. Thực tiễn công tác giám đốc thẩm, tái thẩm dân sự tại Toà án
3.1.1. Công tác giải quyết đơn khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm
Khi bản án, quyết định dân sự của Toà án đã có hiệu lực pháp luật thì đương sự không có quyền kháng cáo. Nếu phát hiện bản án, quyết định đó có những vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới thì đương sự hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác chỉ có quyền khiếu nại đến cấp Toà án có thẩm quyền để đề nghị được xem xét. Nhưng một thực trạng hiện nay đang diễn ra là người dân và các cơ quan tổ chức đang lạm dụng quyền khiếu nại này mà không hiểu đúng các quy định của pháp luật về khiếu nại bản án, quyết định đã có hiệu lực. Điều 284 BLTTDS đã quy định rõ: đương sự hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo bằng văn bản cho những người có quyền kháng nghị. Vì thế, những đơn thư khiếu nại này thực chất là thực hiện quyền phát hiện sai sót của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Nhưng với những quy định của pháp luật chưa chặt chẽ như hiện nay dẫn đến việc bản án, quyết định có hiệu lực nào của Toà án cũng có thể khiếu nại nên dẫn đến quá tải.
Hiện nay, số lượng đơn thư khiếu nại gửi đến Toà án chủ yếu là đơn đề nghị giám đốc thẩm, đơn đề nghị tái thẩm gần như không có. Số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm gửi tới các Toà án, đặc biệt là TANDTC nhiều và liên tục tăng qua các năm. Nếu như số lượng đơn thụ lý năm 2005 là 9.149 đơn; năm 2006 là 10.436 đơn; năm 2007 là 11.626 đơn; năm 2008 là 11.689 đơn; năm 2009 là 22.777 đơn; năm 2010 là 14.061 đơn. Có thể thấy, số lượng đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tăng liên tục. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này không nằm ngoài việc do số lượng các vụ việc dân sự mà ngành Toà án thụ lý để xét xử sơ thẩm, phúc thẩm cũng liên tục tăng, dẫn đến số lượng đơn khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm tăng.
Bảng 1: Số lượng các vụ việc dân sự đã giải quyết, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm từ năm 2005 đến 2010 (Nguồn tổng hợp từ số liệu của Vụ Thống kê, Tổng hợp - TANDTC)
Năm
Tổng số vụ đã giải quyết,
xét xử sơ thẩm
Tổng số vụ đã giải quyết,
xét xử phúc thẩm
2005
117.033
14.384
2006
129.875
16.329
2007
153.531
17.413
2008
157.096
16.825
2009
177.417
15.893
2010
180.022
13.032
Số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm tăng liên tục nhưng chất lượng đơn đề nghị, đơn khiếu nại rất hạn chế. Khi bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực là đương sự có thực hiện ngay việc khiếu nại, họ không cần biết đến việc Toà án cấp dưới ra bản án, quyết định có đúng pháp luật hay không? Mà hoàn toàn khiếu nại bằng cảm tính. Nếu như ở cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, đương sự muốn khởi kiện, hay kháng cáo phải nộp án phí và người thua kiện sẽ phải chịu án phí nên họ cân nhắc trước khi đi kiện. Nhưng việc khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm không ràng buộc bất cứ điều kiện gì với người đi khiếu nại nên họ khiếu nại theo tâm lý “cầu may”. Chính điều nay dẫn đến chất lượng đơn khiếu nại rất thấp, và gây sức ép, quá tải cho ngành Toà án.
Việc này được thể hiện trong các báo cáo tổng kết ngành Toà án từ năm 2005 đến 2010 thì số lượng đơn khiếu nại và kết quả giải quyết đơn khiếu nại của TANDTC (xem Bảng 2)
Như vậy, tỷ lệ các bản án, quyết định bị kháng nghị so với số lượng đơn khiếu nại là nhỏ. Có thể thấy tình trạng số lượng đơn khiếu nại tuy nhiều nhưng chất lượng của đơn khiếu nại thì chưa cao, hầu hết là các đơn thư khiếu nại không có căn cứ kháng nghị, hoặc không đúng thẩm quyền, không đủ điều kiện thụ lý. Trong năm 2008, Toà Dân sự TANDTC nhận được 11.331 đơn khiếu nại thì có 480 đơn không đúng thẩm quyền; 923 đơn không đủ điều kiện thụ lý; Năm 2009 nhận được 19.627 đơn thì có 1.629 đơn không thuộc thẩm quyền, 1.365 đơn không đủ điều kiện thụ lý; Năm 2010 nhận được 13.061 đơn khiếu nại thì có 621 đơn không đúng thẩm quyền và 875 đơn không đủ điều kiện thụ lý. Hiện nay, BLTTDS chưa có những quy định chi tiết về thời hạn khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm và những yêu cầu đối với đơn khiếu nại nên người dân chưa thực hiện được quyền khiếu nại hiệu quả. Vì vậy, đòi hỏi pháp luật TTDS phải có những quy định cụ thể về vấn đề này.
Bảng 2: Tình hình giải quyết đơn khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm của TANDTC (Nguồn tổng hợp từ số liệu của Vụ Thống kê, Tổng hợp - TANDTC)
Năm
Số lượng đơn khiếu nại
Đã giải quyết
Trả lời đơn
Kháng nghị
Tỷ lệ kháng nghị
2005
9.139
7.071
6.827
214
3%
2006
10.436
7.615
7.314
301
4%
2007
11.626
5.355
5.032
323
6%
2008
11.689
8.258
7.736
522
6,3%
2009
22.777
6.907
6.085
822
11,9%
2010
14.061
6.366
5.621
745
11,7%
Một vấn đề luôn đặt ra hiện nay cho ngành Toà án nói chung và TANDTC nói riêng là việc giải quyết đơn khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm như thế nào để thoả đáng lòng dân, để không gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trong những năm qua, các Toà án đã thực hiện tốt việc tiếp công dân, tạo điều kiện để công dân được trình bày ý kiến hoặc bổ sung tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại. Bên cạnh việc các đơn vị chức năng tiếp công dân, lãnh đạo TAND các cấp đã dành nhiều thiều gian lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, giải đáp nhiều thắc mắc của công dân và gắn việc tiếp dân với việc xem xét giải quyết khiếu nại của công dân đối với các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Các Toà án đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc giải quyết đơn khiếu nại, đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp, kiến nghị của Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Hội đồng nhân dân, Uỷ ban tư pháp Quốc hội…hay các ý kiến đóng góp, chuyển đơn của các cơ quan báo chí nhằm khắc phục những sai sót và đề ra biện pháp nâng cao hiệu quả chất lượng của công tác này.
Tuy nhiên, do lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm quá nhiều đã gây sức ép rất nặng đến ngành Toà án, thêm vào đó biên chế cán bộ thì hạn hẹp nên việc giải quyết đơn khiếu nại còn chậm, gây tâm lý bức xúc cho người dân. Trong những năm gần đây, để giải quyết tình trạng thiếu cán bộ TANDTC đã tuyển dụng, bổ sung thêm nguồn cán bộ, thẩm tra viên nhưng họ đều là những cử nhận luật mới tốt nghiệp ra trường, chưa có kinh nghiệm xét xử thực tế, chưa được đào tạo nghiệp vụ xét xử mà lại có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất, phát hiện những sai lầm trong những bản án, quyết định của những thẩm phán đã qua nhiều năm xét xử, thậm chí thẩm phán TANDTC. Hay ở TAND cấp tỉnh thì những cán bộ công tác ở Phòng kiểm tra giám đốc là những thẩm phán bị kỷ luật không đủ điều kiện tái bổ nhiệm hoặc những người không có đủ điều kiện để bổ nhiệm thẩm phán. Họ là những người nghiên cứu hồ sơ khi có khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm, đưa ra đề xuất và báo cáo với Uỷ ban thẩm phán TAND tỉnh. Đây là một điều bất cập trong quy chế tổ chức cán bộ của ngành Toà án, và điều này ảnh hưởng xấu đến chất lượng công tác giám đốc thẩm, tái thẩm.
Vì vậy, để nâng cao chất lượng giải quyết đơn khiếu nại của nhân dân, đảm bảo được tính ổn định, trật tự, pháp chế XHCN thì cần có những giải pháp mang tính tổng thể về mặt pháp lý và con người.
3.1.2. Thực tiễn công tác kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm
Kháng nghị là bước đầu tiên làm phát sinh thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm nên khi có quyết định kháng nghị một bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật hay không thì người có thẩm quyền kháng nghị cần phải xem xét thận trọng. Bởi việc kháng nghị dẫn đến hậu quả là bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật có thể bị hủy. Tuy nhiên, chất lượng của những bản kháng nghị trong một số trường hợp chưa được đảm bảo. Điều này được thể hiện:
- Thứ nhất: Số lượng kháng nghị không được chấp nhận và số lượng kháng nghị bị rút khá cao
Theo thống kê số kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC không được Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm chấp nhận thì: năm 2005 là 1/28 vụ; năm 2006 là 14/121 vụ; năm 2007 là 11/156 vụ; năm 2008 là 10/146 vụ, năm 2009 là 4/207 vụ; năm 2010 là 3/176 vụ. Như vậy, tỷ lệ kháng nghị của Viện trưởng VKSNDTC không được chấp nhận trong năm 2005 là 3,6%; năm 2006 là 11,6%; năm 2007 là 7,1%; năm 2008 là 6,8%; năm 2009 là 1,9 %; năm 2010 là 1,7%. Tỷ lệ kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát không được chấp nhận là khá cao vào năm 2006 và đang giảm dần qua các năm.
Qua các năm thì chưa thấy kháng nghị nào của Chánh án TANDTC bị Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm không chấp nhận. Nhưng điều này không có nghĩa là mọi kháng nghị của Chánh án TANDTC đều đúng pháp luật vì nếu nhận thấy kháng nghị không có cơ sở thì trước khi mở phiên toà hoặc tại phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm người có thẩm quyền kháng nghị sẽ rút kháng nghị nên sẽ không có trường hợp kháng nghị của Chánh án bị Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm bác. Năm 2008, Chánh án TANDTC rút 2 kháng nghị; năm 2009 rút 3 kháng nghị; năm 2010 rút 2 kháng nghị.
Nguyên nhân của chất lượng kháng nghị chưa cao dẫn đến tình trạng rút kháng nghị hoặc kháng nghị không được Toà án chấp nhận là do trong một số trường hợp chủ thể kháng nghị chưa nhận thức đúng về căn cứ kháng nghị tức là không nhất thiết phải kháng nghị nhưng người có thẩm quyền kháng nghị vẫn quyết định kháng nghị. Một nguyên nhân nữa dẫn đến thực trạng này là do hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, chưa quy định cụ thể về căn cứ kháng nghị dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau, đánh giá khác nhau về căn cứ kháng nghị. Vì vậy, đòi hỏi pháp luật cần có những quy định cụ thể hơn để nâng cáo chất lượng kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Thứ hai: Nhiều văn bản kháng nghị có sai sót nghiêm trọng
Trong thời gian qua, nhiều kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của ngành Toà án được ban hành có những sai sót nghiêm trọng khiến dư luận rất bức xúc. Những sai sót này tưởng chừng như không thể mắc phải bởi những người có thẩm quyền kháng nghị đều là những người có trình độ pháp luật, hiểu luật sâu sắc, cặn kẽ. Ví dụ vụ án sau:
Vụ án tranh chấp ở huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội: Bà Triệu Thị Mão có sử dụng 2.063m2 đất do bố mẹ chồng là cụ Nguyễn Văn Sụn và Nguyễn Thị Nghĩa để lại. Cụ Sụn có ba người con là ông Nguyễn Văn Kế, ông Nguyễn Văn Sáu, ông Nguyễn Văn Bón. Năm 1956, ông Kế và bà Mão chia cho người em ruột là ông Nguyễn Văn Sáu một nửa số đất. Bà Mão sử dụng diện tích đất còn lại (1.020m2) đến năm 2002 thì phát sinh tranh chấp. Chị Nguyễn Thị Bình, chị gái của anh Nguyễn Văn Chung đem sổ đỏ đứng tên anh Chung và yêu cầu trả lại thửa đất. Lúc đó, bà Mão mới biết thửa đất của bà đã bị con trai là Nguyễn Văn Tạo tự ý chia đôi và Uỷ ban nhân dân huyện Thanh Trì đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh Chung, anh Tạo. Bà Mão khởi kiện đòi lại đất và yêu cầu huỷ bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật.
Sau 8 lần xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm, ngày 23/9/2008, TAND thành phố Hà Nội đã xử phúc thẩm với nội dung: bà Mão là chủ sử dụng hợp pháp của thửa đất đang tranh chấp. Tháng 01/2009, cơ quan thi hành án đã cho thi hành xong bản án, giao đất cho các bên. Tuy nhiên, ngày 9/6/2010, Chánh án TANDTC lại ban hành quyết định kháng nghị với bản án phúc thẩm nêu trên. Điều đáng nói là lý do mà bản kháng nghị nêu ra là do năm 1968 đã có việc bàn bạc, chia đất của bà Mão và có 4 người làm chứng là anh Nguyễn Văn Khải sinh năm 1967 (khi làm chứng mới được 01 tuổi); chị Nguyễn Thị Thanh sinh năm 1961 (khi làm chứng được 7 tuổi); anh Nguyễn Văn Lợi sinh năm 1964 (khi làm chứng được 4 tuổi) và chị Nguyễn Thị Mai, sinh năm 1971 (khi làm chứng thì chưa sinh). Với lý do kháng nghị như vậy thì khiến dư luận rất bức xúc trước thái độ của người “cầm cân nảy mực” cho dân.
- Thứ ba: Tình trạng trả lời đơn rồi kháng nghị, thể hiện “tiền hậu bất nhất”
Phải thừa nhận chất lượng kháng nghị chưa được đảm bảo ngoài những nguyên nhân ở trình độ nhận thức hạn chế, hoặc sai sót trong công tác nghiệp vụ thì không thể né tránh tới sự tác động của những yếu tố tiêu cực hay những tác động bên ngoài để “được kháng nghị”. Chính điều này đã dẫn đến tình trạng “tiền hậu bất nhất” không phải là ít gặp của ngành TAND. Nghĩa là khi đương sự khiếu nại, sau khi nghiên cứu hồ sơ Toà án đã trả lời đương sự là “không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm” nhưng không hiểu vì lý do gì mà một thời gian sau chính vị Chánh án của Toà án đó lại ký quyết định kháng nghị và cả quyết định hoãn thi hành án.
Ví dụ vụ án như sau: nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Cẩn kiện ông Nguyễn Văn Chất về việc ông Chất phải di dời cổng vào phần đất của ông Chất để ông Cẩn được sử dụng lối đi chung. Tại bản án dân sự sơ thẩm số 08/2008/DSST ngày 27/6/2008 của Toà án nhân dân huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An và tại bản án dân sự phúc thẩm số 80/2008/DSPT ngày 06/10/2008, Toà án nhân dân tỉnh Nghệ An đều quyết định: không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn Cẩn về việc mở lối đi chung và yêu cầu ông Chất dời cổng, giữ nguyên hiên trạng con đường vào nhà ông Chất. Không đồng ý với bản án phúc thẩm nêu trên, ông Cẩn có đơn khiếu nại giám đốc thẩm. Ngày 23/7/2009, TANDTC có Công văn số 189/CV-TANDTC trả lời ông Cẩn là không có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Ngày 21/8/2009, Uỷ ban tư pháp quốc hội có Công văn số 3085/UBTP12 chuyển đơn khiếu nại của ông Cẩn. Và đến ngày 06/8/2010 thì TANDTC có Quyết định số 635/2010/DS-KN về việc kháng nghị bản án dân sự phúc thẩm số 80/2008/DSPT ngày 06/10/2008 của TAND tỉnh Nghệ An.
3.1.3. Thực tiễn hoạt động xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm
Có thể khẳng định, nhờ công tác giám đốc thẩm, tái thẩm dân sự trong những năm qua đã góp phần không nhỏ trong việc sửa sai, khắc phục những sai lầm trong những phán quyết của ngành Toà án. Từ đó, nâng cao ý thức của đội ngũ thẩm phán TAND các cấp và giúp TANDTC ban hành những văn bản hướng dẫn xét xử, thống nhất nhận thức, là kim chỉ nam để giúp các thẩm phán vận dụng trong quá trình xét xử. TANDTC, TAND các cấp đã sử dụng kết quả giám đốc thẩm, tái thẩm để làm tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ thẩm phán. Hàng năm các thẩm phán đều được đánh giá thông qua các vụ án bị Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ án, làm cơ sở để đánh giá khi quyết định tái bổ nhiệm thẩm phán.
- Thứ nhất: Về tình hình giải quyết các vụ án giám đốc thẩm, tái thẩm
Qua số liệu thụ lý, xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm của các năm, có thể nhận thấy số vụ việc giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án dân sự ở TANDTC và Uỷ ban thẩm phán TAND cấp tỉnh đều chiếm một tỷ lệ nhỏ trên tổng số vụ việc dân sự mà TAND các cấp giải quyết.
Bảng 3: Tỷ lệ án giám đốc thẩm, tái thẩm trên tổng số án đã xét xử sơ thẩm và phúc thẩm (Nguồn tổng hợp từ Vụ Thống kê, Tổng hợp - TANDTC)
Năm
Số vụ đã xét xử sơ thẩm
Số vụ đã xét xử phúc thẩm
Tổng số vụ đã xét xử sơ thẩm và phúc thẩm
Tổng số vụ giám đốc thẩm, tái thẩm
Tỷ lệ giám đốc thẩm, tái thẩm trên sơ thẩm, phúc thẩm
2005
117.033
14.384
131.417
708
0,5%
2006
129.875
16.329
146.204
619
0,4%
2007
153.531
17.413
170.944
791
0,5%
2008
157.096
16.825
173.921
811
0,5%
2009
177.417
15.893
193.310
1.048
0,6%
2010
180.022
13.032
193.054
1.318
0,7%
Qua các báo cáo tổng kết của ngành Toà án hay báo cáo tổng kết công tác giám đốc thẩm, tái thẩm của TANDTC thì chúng ta đều thấy số liệu gộp chung án giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng trên thực tế đó chủ yếu là số lượng án giám đốc thẩm, còn số vụ tái thẩm là rất ít. Theo Báo cáo tổng kết của Toà Dân sự TANDTC thì trong năm 2008, TANDTC xét xử tái thẩm 03 vụ; năm 2009 là 02 vụ và năm 2010 là 02 vụ. Như vậy, số vụ tái thẩm quá nhỏ so với số vụ giám đốc thẩm. Điều này cũng xuất phát từ tính chất của thủ tục tái thẩm.
Qua số liệu trên, có thể thấy rằng số lượng án giám đốc thẩm, tái thẩm chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số án đã xét xử sơ thẩm và xét xử phúc thẩm. Việc chiếm tỷ lệ nhỏ cho thấy chất lượng xét xử của ngành Toà án đã và đang được nâng cao; bản án, quyết định sơ thẩm, phúc thẩm đã đảm bảo chất lượng, có căn cứ, đúng pháp luật và ít sai sót. Ngoài ra, tỷ lệ án giám đốc thẩm, tái thẩm giữa các năm không có chênh lệch nhiều chứng tỏ ngành Toà án không ngừng chú trọng vào việc nâng cao chất lượng xét xử.
- Thứ hai: Công tác giám đốc thẩm, tái thẩm của TAND cấp tỉnh chưa thực sự hiệu quả.
Theo số liệu thống kê của Vụ Thống kê tổng hợp TANDTC thì trong năm 2006, Toà án cấp tỉnh chỉ giải quyết được 243/619 tổng số vụ khiếu nại, chiếm tỷ lệ 39,3%; năm 2007, số lượng là 306/791 vụ, chiếm tỷ lệ 38,7%; năm 2008 là 343/811 chiếm tỷ lệ 42,2%; năm 2009 là 357/872 vụ chiếm 40,9%; năm 2010 là 423/976 chiếm 43,3%. Như vậy, nếu tính trung bình theo từng năm, từng tỉnh thì mỗi TAND tỉnh chỉ giải quyết khoảng 4 vụ giám đốc thẩm, tái thẩm/ năm. Do đó, trong thời gian tới, TAND cấp tỉnh cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Toà án, đảm bảo công tác giám đốc thẩm, tái thẩm dân sự được hiệu quả nếu tiếp tục có vai trò giám đốc thẩm, tái thẩm; từ đó giảm bớt gánh nặng cho TANDTC.
- Thứ ba: Với thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm như hiện nay không khắc phục được tình trạng xét xử nhiều lần, án kéo dài.
Theo quy định của pháp luật, chức năng giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc về TAND cấp tỉnh và TANDTC nhưng có tới 3 cơ quan có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm là: Uỷ ban thẩm phán TAND cấp tỉnh, Toà chuyên trách thuộc TANDTC và Hội đồng thẩm phán TANDTC. Với trường hợp tái thẩm thì không, nhưng với giám đốc thẩm thì đã dẫn tới thực tế là một vụ án có thể xét xử giám đốc thẩm tới 3 lần: tức là một bản án sơ thẩm có hiệu lực của TAND cấp huyện bị kháng nghị thì Uỷ ban thẩm phán TAND cấp tỉnh giám đốc thẩm; nếu quyết định giám đốc thẩm này bị kháng nghị thì Toà chuyên trách TANDTC sẽ giám đốc thẩm, và sau đó tiếp tục bị kháng nghị thì Hội đồng thẩm phán TANDTC sẽ giám đốc thẩm.
Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm không có quyền sửa bản án, quyết định bị kháng nghị, tức là không có quyền ra quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các bên đương sự mà chỉ có quyền huỷ án để xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại nên đã tình trạng án kéo dài mà không có điểm dừng, xử rồi bị huỷ, rồi lại xử lại, rồi lại huỷ…Điều này đã gây hoang mang cho người dân trong hành trình đi tìm công lý.
Ví dụ vụ án sau: nguyên đơn bà Nguyễn Thị Xuyên và bị đơn ông Đỗ Văn Căn tranh chấp diện tích đất 59m2 tại xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 23/2002/DSST ngày 16/9/2002, TAND huyện Tam Dương và Bản án dân sự phúc thẩm số 65/2003/DSPT ngày 12/3/2003 của TAND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định: bác đơn khởi kiện của bà Xuyên, công nhận quyền sử dụng 59m2 đất của ông Căn.
Ngày 16/9/2005, Chánh án TANDTC có Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 324/KN-DS đối với bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Phúc vì chưa có đầy đủ hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Căn.
Ngày 26/4/2006, Toà Dân sự TANDTC có Quyết định giám đốc thẩm số 128/GĐT-DS huỷ quyết định của bản án phúc thẩm, sơ thẩm; giao hồ sơ cho TAND huyện Tam Dương xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Sau khi có Quyết định giám đốc thẩm, TAND huyện Tam Dương và TAND tỉnh Vĩnh Phúc xét xử vẫn bác yêu cầu khởi kiện của bà Xuyên.
Ngày 22/8/2008, Chánh án TANDTC lại có quyết định kháng nghị số 289/KN-DS kháng nghị giám đốc thẩm với bản án phúc thẩm lần 2 của TAND tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngày 05/01/2009, Toà Dân sự TANDTC có Quyết định giám đốc thẩm số 02/GĐT- DS quyết định huỷ bản án phúc thẩm, sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại theo thủ tục sơ thẩm.
Sau khi có bản án sơ thẩm, phúc thẩm lần 3, đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm và hiện TANDTC đang xem xét đơn khiếu nại.
Như vậy, một vụ án kéo dài hàng chục năm chưa có hồi kết và việc xét xử được theo một quy trình lặp đi lặp lại: sơ thẩm. phúc thẩm, kháng nghị giám đốc thẩm, xét xử giám đốc thẩm, huỷ án, xét xử sơ thẩm lại, phúc thẩm lại rồi lại kháng nghị…nếu như vậy thì không biết đên bao giờ mới chấm dứt.
- Thứ tư: Vướng mắc trong thi hành bản án, quyết định đối với bản án, quyết định bị huỷ theo quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm.
Theo quy định của pháp luật, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì phải được thi hành. Người được thi hành án và cả người bị thi hành án đều có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án cho thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án. Trong khi đó, thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm là 3 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, thời hạn kháng nghị tái thẩm là 01 năm kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ kháng nghị. Như vậy, có thể xảy ra trường hợp khi đương sự thi hành xong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật thì mới có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm xử huỷ án. Việc xử lý “hậu thi hành án” trong những trường hợp trên sẽ rất khó khăn. Nếu là các quan hệ tranh chấp như: vay, mượn, hay bồi thường thường thiệt hại…thì khắc phục hậu quả của việc đã thi hành bản án, quyết định mà bị huỷ theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì có phần đơn giản hơn nhưng đối với những tranh chấp liên quan đến nhà đất thì rất khó giải quyết, gây thiệt hại cho lợi ích chính đáng của các bên đương sự. Do đó, vấn đề đặt ra là pháp luật cần có những quy định để giải quyết những vướng mắc này.
3.2. Giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác xét lại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật
3.2.1. Một số kiến nghị về mặt lập pháp
- Thứ nhất: Về thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm
Theo chúng tôi nên bỏ thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của Toà án cấp tỉnh mà nên tập trung thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm vào TANDTC vì:
+ Do tính chất đặc biệt của giám đốc thẩm, tái thẩm là xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, đã được thi hành nên việc xét lại phải hết sức thận trọng và đảm bảo chất lượng. Khi thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm được tập trung ở TANDTC với những thẩm phán chuyên ngành có trình độ cao sẽ đảm bảo tốt hơn chất lượng của hoạt động này.
+ Việc giảm bớt một cấp giám đốc thẩm làm cho thủ tục bớt phiền hà, kéo dài, đáp ứng được yêu cầu xử lý nhanh chóng, kịp thời tránh tình trạng một vụ việc qua nhiều cấp giám đốc thẩm.
+ Theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đền năm 2020 thì TANDTC sẽ tập trung vào công tác giám đốc thẩm, tái thẩm nên theo chúng tôi cần phải bỏ thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của Uỷ ban thẩm phán TAND cấp tỉnh. Thực tế, công tác giám đốc thẩm, tái thẩm của Uỷ ban thẩm phán TAND cấp tỉnh không hiệu quả và cũng theo mô hình tổ chức lại hệ thống toà án thì Toà án tỉnh sẽ trở thành các toà phúc thẩm nên việc bỏ thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm của Uỷ ban thẩm phán TAND cấp tỉnh hiện nay là cần thiết.
Theo chúng tôi cũng nên xem xét lại các quy định về thẩm quyền giám đốc thẩm và tái thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC.
Hội đồng thẩm phán TANDTC là cơ quan xét xử cao nhất, có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các Toà thuộc TANDTC, về tất cả các chuyên ngành hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính. Quy định này không phù hợp vì: việc xét lại những bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật ở Hội đồng thẩm phán TANDTC đòi hỏi những người tham gia Hội đồng phải là những thẩm phán có trình độ chuyên môn rất cao. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật hiện hành, Hội đồng thẩm phán TANDTC không phải là một hội đồng chuyên ngành, thành viên Hội đồng thẩm phán TANDTC gồm Chánh án, các Phó Chánh án, một số thẩm phán thuộc TANDTC. Có thể nói rằng, rất hiếm có một thẩm phán nào giỏi tất cả các chuyên môn để có thể đưa ra phán xét đúng đắn về tất cả các loại án khác nhau. Cơ chế xét xử của Hội đồng thẩm phán TANDTC là nghe và biểu quyết nên cũng không thể đảm bảo các vụ án được xét xử đúng pháp luật, khách quan.
- Thứ hai: Về thời hạn khiếu nại giám đốc thẩm, yêu cầu với đơn khiếu nại và việc giải quyết đơn khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm.
BLTTDS hiện nay chưa có quy định về thời hạn khiếu nại giám đốc thẩm cũng như quy định về việc giải quyết đơn khiếu nại giám đốc thẩm. Do đó, dẫn đến tình trạng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng đã hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm thì đương sự mới gửi đơn khiếu nại hoặc khi gần hết thời hạn kháng nghị mới gửi đơn khiếu nại khiến Toà án có thẩm quyền không đủ thời gian để xem xét, kiến nghị, làm giảm chất lượng của kháng nghị.
Vì vậy, pháp luật cần có quy định về thời hạn gửi đơn khiếu nại giám đốc thẩm. Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS đã bổ sung thêm quy định về thời hạn khiếu nại giám đốc thẩm là 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật. Nhưng trong dự thảo luật lại chưa có quy định về nội dung đơn khiếu nại cũng như các tài liệu để chứng minh việc khiếu nại là có căn cứ. Theo chúng tôi, cần đưa thêm quy định về nội dung đơn khiếu nại và các tài liệu gửi kèm theo để người dân dễ hiểu, dễ áp dụng thống nhất được mẫu đơn và khắc phục tình trạng đơn không đủ điều kiện thụ lý…Theo đó, nội dung đơn khiếu nại gồm:
+ Ngày, tháng, năm làm đơn khiếu nại;
+ Tên, đại chỉ người khiếu nại;
+ Tên bản án, quyết định dân sự bị khiếu nại;
+ Lý do khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại;
+ Chữ ký của người khiếu nại.
Ngoài ra, người khiếu nại cần phải gửi các tài liệu kèm theo để chứng minh cho yêu cầu khiếu nại của mình.
Để nâng cao chất lượng giải quyết đơn khiếu nại thì BLTTDS cần có những quy định minh bạch hoá quá trình giải quyết đơn khiếu nại chứ không chỉ dừng lại ở việc quy định về thủ tục kháng nghị và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm như hiện nay. Có thể quy định như sau: sau khi nhận được đơn khiếu nại, phải vào sổ theo dõi đơn và trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thì TAND, VKSND nhận được đơn khiếu nại phải xử lý đơn khiếu nại đó và ra một trong những thông báo sau để người khiếu nại biết:
+ Yêu cầu người khiếu nại cung cấp tài liệu;
+ Nếu đơn khiếu nại không thuộc thẩm quyền thì chuyển đến cơ quan có thẩm quyền và thông báo cho người khiếu nại biết;
+ Thụ lý đơn khiếu nại.
- Thứ ba: Về thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Theo Điều 288 và Điều 308 BLTTDS thì thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm là 3 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật, thời hạn kháng nghị tái thẩm là 01 năm kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ kháng nghị. Nhưng BLTTDS lại không có những quy định về thời gian không tính vào thời hạn kháng nghị trên, hoặc quy định về việc khôi phục lại thời hạn kháng nghị là thiếu sót và không đảm bảo được quyền lợi chính đáng của đương sự. Vì vậy, pháp luật TTDS cần bổ sung những quy định về việc tính thời hạn kháng nghị, những thời gian không được tính vào thời hạn kháng nghị, ví dụ như: do trở ngại khách quan mà người có thẩm quyền kháng nghị không thể tiến hành kháng nghị hoặc do lỗi của người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ kháng nghị mà cố tình không kháng nghị để dẫn đến quá thời hạn.
- Thứ tư: Việc rút quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
Hiện nay, BLTTDS chưa có quy định về việc trình tự, thủ tục giải quyết trong trường hợp người có thẩm quyền kháng nghị rút kháng nghị trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm. Khi người có thẩm quyền kháng nghị rút quyết định kháng nghị thì có phải ra quyết định đình chỉ xét xử hay không? Trong thực tiễn công tác thì thấy rằng khi người có thẩm quyền kháng nghị rút quyết định kháng nghị trước hoặc tại phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm thì họ sẽ làm “Quyết định rút kháng nghị” mà hội đồng xét xử không cần phải đưa ra một quyết định nào cả. Theo chúng tôi, thực tế làm như vậy là chưa phù hợp và không thống nhất được trong toàn ngành Tòa án, nên BLTTDS cần có những quy định điều chỉnh nội dung này. Theo đó, nếu người có thẩm quyền kháng nghị rút toàn bộ kháng nghị trước khi mở tòa giám đốc thẩm, tái thẩm thì chỉ cần ban hành “Quyết định rút kháng nghị”; nếu tại phiên tòa người có thẩm quyền kháng nghị rút kháng nghị thì hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm ra “Quyết định đình chỉ xét xử”; nếu việc rút kháng nghị xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người thứ ba không phải là đương sự thì không có quyền rút kháng nghị.
- Thứ năm: Về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm
Theo quy định tại Điều 283 BLTTDS thì căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm gồm: kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng; có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật. Quy định như vậy mang tính chung chung, chưa cụ thể, dẫn đến sai lầm trong việc áp dụng pháp luật. Do đó, pháp luật cần có những quy định cụ thể giải thích “vi phạm nghiêm trọng”, “sai lầm nghiêm trọng” là căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm. Theo chúng tôi cụm từ này có thể được giải thích là những vi phạm pháp luật hoặc sai lầm trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án như: việc thu thập chứng cứ và chứng minh chưa thực hiện đầy đủ hoặc không thực hiện đúng theo Chương VII của BLTTDS, vi phạm nguyên tắc cơ bản của TTDS như nguyên tắc hòa giải, nguyên tắc xét xử công khai…hoặc vi phạm các quyền tố tụng cơ bản của đương sự như quyền tham gia phiên tòa; xác định sai thẩm quyền của tòa án, xác định sai tư cách đương sự…
Về căn cứ kháng nghị tái thẩm thì tại khoản 1 Điều 305 BLTTDS quy định là “mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án”, nhưng tại Điều 304 BLTTDS quy định tính chất của tái thẩm thì lại dùng cụm từ “đương sự không biết được”. Như đã phân tích ở Chương 2 thì hai cụm từ này khác nhau về nghĩa nên cách dùng không thống nhất như vậy sẽ dẫn đến những cách hiểu khác nhau. Do đó, cần phải sửa lại cụm từ “đương sự không biết được” thành “đương sự không thể biết được” ở Điều 304 BLTTDS.
Theo Điều 305 BLTTDS quy định bốn căn cứ kháng nghị tái thẩm thì thấy rằng chỉ có căn cứ “mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án” và căn cứ “ bản án, quyết định hình sự, hành chính, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước mà Tòa án đã căn cứ vào đó để giải quyết vụ án đã bị hủy” là những căn cứ kháng nghị xuất phát từ nguyên nhân khách quan, không phải do lỗi của đương sự hay nhưng người tiến hành tiến tụng và phù hợp với tính chất của thủ tục tái thẩm. Còn hai căn cứ “có cơ sở chứng minh kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch rõ ràng không đúng sự thật hoặc có giả mạo chứng cứ” và căn cứ “Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án hoặc cố tình kết luận trái pháp luật” thì thấy rằng đây là do lỗi chủ quan của những người tiến hành tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng khiến việc giải quyết vụ án không đúng với sự thật khách quan. Hai căn cứ kháng nghị tái thẩm này hoàn toàn không đúng với tính chất của tái thẩm theo quy định của pháp luật TTDS. Vì vậy, theo chúng tôi cần phải bỏ hai căn cứ này ra khỏi căn cứ kháng nghị tái thẩm và chuyển sang làm căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm sẽ phù hợp hơn với tính chất của giám đốc thẩm.
3.2.2. Một số kiến nghị khác
Như chúng tôi đã nêu lên hiện trạng đơn thư khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm có chất lượng thấp tại mục 3.1 trên gây lãng phí rất lớn về mặt thời gian, công sức và tiền bạc của Nhà nước và nhân dân. Hiện tượng khiếu nại tràn lan, không có căn cứ, lạc danh, khiếu nại theo tâm lý “cầu may” đã khiến công tác giám đốc thẩm, tái thẩm trở lên quá tải. Do đó, theo chúng tôi cần phải điều chỉnh lại cơ chế khiếu nại hay nói đúng hơn là ràng buộc một số điều kiện khiếu nại, ví dụ như chúng ta có thể quy định khi khiếu nại, người khiếu nại phải chịu lệ phí đối với việc họ khiếu nại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Với quy định này sẽ tránh được những khiếu nại không có cơ sở, hay những khiếu nại chỉ dựa trên sai sót đơn thuần về mặt câu chữ mà không ảnh hưởng gì đến quyền lợi chính đáng của các bên.
Để nâng cao chất lượng công tác giám đốc thẩm, tái thẩm thì việc hoàn thiện hệ thống pháp luật là quan trọng nhưng một yếu tố quan trọng không kém đó là yếu tố con người. Việc kiểm tra, nghiên cứu hồ sơ theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đòi hỏi những người làm công tác này phải là những người có trình độ pháp lý cao, có kinh nghiệm xét xử và tâm huyết… thì mới có thể hoàn thành tốt công việc. Nhưng hiện nay, ngành Tòa án có rất nhiều bất cập trong việc tổ chức, sắp xếp cán bộ làm công tác này, đó là những cử nhân luật non trẻ, chưa được đào tạo nghiệp vụ xét xử và thực tế chưa trải qua công tác xét xử hay những cán bộ yếu kém không đủ điều kiện bổ nhiệm, tái bổ nhiệm thẩm phán. Do đó, ngành Tòa án cần phải tổ chức lại hệ thống, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ nghiên cứu án giám đốc thẩm, tái thẩm. Theo đó, những cán bộ công tác ở Phòng kiểm tra giám đốc của TAND cấp tỉnh, đặc biệt là cán bộ của các tòa chuyên trách thuộc TANDTC phải là những thẩm phán giỏi, có kinh nghiệm xét xử lâu năm trong từng lĩnh vực chuyên môn. Thêm vào đó là xây dựng chế độ đãi ngộ đối với họ, đảm bảo lương của những người này phải bằng hoặc cao hơn chế độ đãi ngộ với thẩm phán cùng cấp. Có như vậy, họ mới yên tâm công tác và nâng cao chất lượng công tác giám đốc thẩm, tái thẩm nói riêng cũng như nâng cao chất lượng công tác của toàn ngành Tòa án nói chung.
Hoạt động giám đốc thẩm, tái thẩm là nhằm sửa chữa, khắc phục những sai sót trong các phán quyết của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, là cơ chế tự kiểm tra từ bên trong của ngành Tòa án. Nhưng từ chính những quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm ấy không phải là không có sai sót, có thể là sai sót về mặt pháp luật hay đơn thuần chỉ là sai sót về câu chữ, chính tả, lỗi đánh máy... Dù là sai sót lớn hay nhỏ, nghiêm trọng hay không nghiêm trọng thì cũng làm giảm đi tính chất, mục đích của hoạt động này và khiến nhân dân cũng như dư luận bức xúc, mất lòng tin. Vì vậy, theo chúng tôi, một giải pháp mang tính chiến lược lâu dài là cần phải tổ chức lại hệ thống Toà án theo thẩm quyền xét xử chứ không theo địa giới hành chính như hiện nay để thuận lợi cho việc tập trung thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm vào TANDTC. Theo mô hình tổ chức ngành Toà án như hiện nay thì một cấp Toà án vừa thực hiện cả xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và cả giám đốc thẩm, tái thẩm. Việc tổ chức như vậy là không hợp lý, hiệu quả hoạt động của Toà án thấp. Do đó, chúng ta phải đẩy nhanh tiến độ cải cách tư pháp, trong đó có việc tổ chức lại hệ thống Toà án theo thẩm quyền xét xử để phù hợp với xu thế chung của thế giới, cũng như nâng cao chất lượng xét xử.
Trên đây là một số kiến nghị mà chúng tôi đề xuất với mong muốn có thể đóng góp phần nào để những nhà lập pháp, những nhà lãnh đạo nhìn nhận đúng đắn về công tác giám đốc thẩm, tái thẩm dân sự hiện nay và có những thay đổi phù hợp với thực tiễn.
Kết luận
Thủ tục xét lại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật có ý nghĩa rất lớn trong việc khắc phục những sai sót của các cấp Toà án trong việc xét xử, giải quyết các vụ việc dân sự, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho các đương sự. Thông qua việc xét lại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật, ngành Toà án sẽ tự đánh giá được chất lượng xét xử và có ý thức nâng cao xét xử trong toàn ngành, góp phần vào việc củng cố nguyên tắc pháp chế XHCN. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, chất lượng xét xử của ngành Toà án và đặc biệt là công tác giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, sự tin tưởng của người dân và sự quan tâm của dư luận. Tình trạng đơn khiếu nại ngày càng gia tăng, số vụ việc khiếu nại đông người, kéo dài, bức xúc ngày càng nhiều và phức tạp hơn; các quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm ban hành có nhiều sai sót, trái pháp luật, Toà án các cấp chưa thực sự tôn trọng quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Toà án cấp trên…Mặt khác, cũng có nhiều trường hợp đương sự lợi dụng khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm để trì hoãn, né tránh việc thi hành án gây khó khăn rất lớn cho công tác thi hành án.
Để giải quyết được thực trạng trên đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ các giải pháp: các giải pháp về mặt pháp luật như hoàn thiện hệ thống pháp luật tố tụng; cải tổ về mặt tổ chức bộ máy làm việc của ngành Toà án; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng đạo đức cho đội ngũ thẩm phán, thẩm tra viên; tuyên truyền và phổ biến pháp luật hiệu quả hơn nữa để nâng cao khả năng hiểu biết pháp luật của nhân dân.
Qua đề tài này, chúng tôi đã nghiên cứu một cách hệ thống các quy định của pháp luật hiện hành về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, phân tích, đưa ra những đánh giá về những điểm hợp lý, những điểm còn hạn chế, bất cập trong các quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Đồng thời, chúng tôi đưa ra một số kiến nghị về mặt lập pháp, về tổ chức, con người như quy định lại thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm tập trung vào TANDTC, sửa đổi những quy định của pháp luật tố tụng về thời hạn kháng nghị, bổ sung quy định về quyền khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm của đương sự…
Việc phát huy vai trò quan trọng của việc xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trong TTDS không chỉ nhằm khắc phục những sai sót mà còn là một công cụ chính trong việc nâng cao chất lượng xét xử của ngành TAND. Phải coi công tác giám đốc thẩm, tái thẩm là chức năng chính của TANDTC bên cạnh chức năng hướng dẫn áp dụng pháp luật trong nghiệp vụ xét xử toàn ngành.
Nếu công tác giám đốc thẩm, tái thẩm được làm tốt thì đó là một bảo đảm vững chắc của việc nghiêm chỉnh thình hành pháp luật, củng cố tăng cường pháp chế XHCN, đem lại công bằng cho mọi tầng lớp nhân dân, nâng cao uy tín của chính quyền và chế độ, thúc đẩy giao lưu dân sự và góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, quá trình hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hoá của đất nước ta.
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Trương Hòa Bình (2009), “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền”, Tạp chí nghiên cứu lập pháp, (2+3).
2. Lê Cảm và Nguyễn Ngọc Chí (2004), Cải cách tư pháp ở Việt Nam trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
3. Mai Ngọc Dương (2005), “Bàn thêm về giám đốc thẩm theo quy định của
Bộ luật tố tụng dân sự”, Tập chí Nhà nước và pháp luật (6).
4. Mai Ngọc Dương (2010), Giám đốc thẩm dân sự, một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Luận án Tiến sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội.
5. Ngô Anh Dũng (1996), Thủ tục xét lại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật theo pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam, Luận văn Thạc sỹ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội.
6. Lê Thu Hà (2003), Một số suy nghĩ về cơ chế xét xử vụ án dân sự, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
7. Nguyễn Thái Phúc (2005), “Những chức năng cơ bản của Toà án”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (12).
8. Khuất Văn Nga (2003), “Thủ tục giám đốc thẩm trong Bộ luật tố tụng dân sự”, Tạp chí Kiểm sát (12).
9. Đinh Văn Quế (1997), Giám đốc thẩm, tái thẩm về hình sự, Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
10. Trần Anh Tuấn (2004), “Chế định giám đốc thẩm, tái thẩm và những vấn đề đặt ra cho việc thi hành”, Tạp chí Luật học số đặc san về Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội.
11. Trần Anh Tuấn (2009), Tố tụng dân sự Việt Nam trước yêu cầu của cải cách tư pháp, Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội.
12. Phan Hữu Thư (2000), “Nhận thức lý luận về việc ban hành Bộ luật tố tụng dân sự”, Tạp chí dân chủ và pháp luật, (11).
13. Đào Xuân Tiến, Thủ tục xét lại bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật trong tố tụng kinh tế, dân sự Việt Nam, Luận án tiến sĩ Luật học năm 2009.
14. Đào Trí úc (1997), Nhà nước và pháp quyền của chúng ta trong sự nghiệp đổi mới, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
15. Đào Trí úc (2003), “Cải cách tư pháp: ý nghĩa, mục đích và trọng tâm”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật.
16. Một số vấn đề về Luật tố tụng dân sự nước CHND Trung Hoa (2004), Thông tin khoa học pháp lý, (3).
17. Nhà pháp luật Việt Pháp (1998), Tài liệu hội thảo pháp luật tố tụng dân sự, Hà Nội.
18. Nhà pháp luật Việt Pháp (1999), Tài liệu hội thảo pháp luật tố tụng dân sự, Hà Nội.
19. Nhà pháp luật Việt Pháp (2004), Tài liệu hội thảo pháp luật tố tụng dân sự, Hà Nội.
20. Nhà pháp luật Việt - Pháp (1999), Bộ luật tố tụng dân sự của nước Cộng hoà Pháp, bản dịch Tiếng Việt, Nxb Chính trị quốc gia.
21. Quốc Hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
Hiến pháp năm 1946.
22. Quốc Hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
Hiến pháp năm 1959
23. Quốc Hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
Hiến pháp năm 1980.
24. Quốc Hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam,
Hiến pháp năm 1992.
25. Quốc Hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1960.
26. Quốc Hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1981.
27. Quốc Hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 1992.
28. Quốc Hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật tổ chức Toà án nhân dân năm 2002.
29. Quốc Hội nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Bộ luật Tố tụng dân sự của nước CHXNCN Việt Nam năm 2004, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
30. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật tố tụng dân sự Việt Nam (2005), Nxb Tư pháp, Hà Nội.
31. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Lý luận Nhà nước và pháp luật (2005), Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội.
32. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Lịch sử Nhà nước và pháp luật Việt Nam (2005), Nhà xuất bản Tư pháp, Hà Nội.
33. Toà án nhân dân tối cao, Báo cáo tổng kết công tác ngành và phương hướng nhiệm vụ công tác ngành Toà án năm 2006.
34. Toà án nhân dân tối cao, Báo cáo tổng kết công tác ngành và phương hướng nhiệm vụ công tác ngành Toà án năm 2007.
35. Toà án nhân dân tối cao, Báo cáo tổng kết công tác ngành và phương hướng nhiệm vụ công tác ngành Toà án năm 2008.
36. Toà án nhân dân tối cao, Báo cáo tổng kết công tác ngành và phương hướng nhiệm vụ công tác ngành Toà án năm 2009.
37. Toà án nhân dân tối cao, Báo cáo tổng kết công tác ngành và phương hướng nhiệm vụ công tác ngành Toà án năm 2010.
38. Toà án nhân dân tối cao, Báo cáo tổng kết công tác ngành và phương hướng nhiệm vụ công tác ngành Toà án năm 2011.
39. Toà án nhân dân tối cao (2010), Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Bộ luật tố tụng dân sự.
40. Toà án nhân dân tối cao, Viện Khoa học xét xử (1995), Bộ luật tố tụng dân sự Nhật Bản, bản dịch Tiếng Việt, Hà Nội.
41. Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989.
42. Uỷ ban thường vụ Quốc Hội, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế năm 1994.
43. Uỷ ban thường vụ Quốc Hội, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động năm 1996.
44. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Khoa học kiểm sát (1998), Tố tụng hình sự Hàn Quốc, bản dịch Tiếng Việt, Hà Nội.
45. Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện Khoa học kiểm sát (2002), Bộ luật tố tụng dân sự liên bang Nga, bản dịch Tiếng Việt, Hà Nội
46. Viện ngôn ngữ học (1998), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, TP Đà Nẵng
47. Từ điển Pháp- Việt (1997), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
48. Viện ngôn ngữ học (1998), Từ điển Anh- Việt, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
49. I. A. Zovkin và tập thể tác giả (1987), Thuật ngữ pháp lý phổ thông. Tập 2. Bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Quốc Việt, Đinh Thế Công, Nguyễn Bình, Nxb Pháp lý, Hà Nội.
Danh mục từ viết tắt
1. BLTTDS: Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
2. CHXHCN: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
3. PLTTGQCVADS: Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án dân sự
4. PLTTGQCVAKT: Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế
5. PLTTGQCTCLĐ: Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động
6. TANDTC: Tòa án nhân dân tối cao
7. TAND: Tòa án nhân dân
8. TTDS: Tố tụng dân sự
9. VKSND: Viện kiểm sát nhân dân
10. VKSNDTC: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
11. XHCN: Xã hội chủ nghĩa
Mục lục
Trang
Mở đầu
01
Chương 1:MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ THỦ TỤC XÉT LẠI BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH DÂN SỰ ĐÃ CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT
06
1.1. Khái niệm
06
1.1.1. Khái niệm thủ tục xét lại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật
06
1.1.2. Khái niệm giám đốc thẩm dân sự
11
1.1.3. Khái niệm tái thẩm dân sự
15
1.2. Ý nghĩa của thủ tục xét lại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật
17
1.2.1. Ý nghĩa chính trị xã hội
17
1.2.2. Ý nghĩa pháp lý
19
1.3. Lược sử những quy định của pháp luật Việt Nam về thủ tục xét lại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật
19
1.3.1. Giai đoạn từ năm 1945 đến 1989
19
1.3.2. Giai đoạn từ năm 1989 đến năm 2004
22
1.3.3. Giai đoạn từ năm 2004 đến nay
23
Chương 2: QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ HIỆN HÀNH VỀ THỦ TỤC GIÁM ĐỐC THẨM, TÁI THẨM
24
2.1. Giống nhau
24
2.1.1. Đối tượng kháng nghị
24
2.1.2. Chủ thể có quyền kháng nghị
25
2.1.3. Hậu quả khi bị kháng nghị
26
2.1.4. Văn bản kháng nghị
27
2.1.5. Thẩm quyền xét xử
29
2.1.6. Hội đồng xét xử và những người tham gia phiên tòa
30
2.1.7. Phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm
32
2.1.8. Phạm vi xét xử
34
2.1.9. Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm
36
2.2. Khác nhau
37
2.2.1. Căn cứ kháng nghị
37
2.2.2. Thời hạn kháng nghị
44
2.2.3. Quyền hạn của hội đồng xét xử
47
Chương 3: THỰC TIỄN VÀ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC XÉT LẠI BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH DÂN SỰ ĐÃ CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT
51
3.1. Thực tiễn công tác giám đốc thẩm, tái thẩm dân sự tại Tòa án
51
3.1.1. Công tác giải quyết đơn khiếu nại giám đốc thẩm, tái thẩm
51
3.1.2. Thực tiễn công tác kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm
54
3.1.3. Thực tiễn hoạt động xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm
58
3.2. Giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác xét lại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật
62
3.2.1. Một số kiến nghị về mặt lập pháp
62
3.2.2. Một số kiến nghị khác
67
Kết luận
69
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Thủ tục xét lại bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật theo pháp luật tố tụng dân sự hiện hành.doc