LỜI MỞ ĐẦU
Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng đối với mỗi đân tộc. Trong đó lãnh thổ và biên giới quốc gia lại là hai yếu tố gắn bó với nhau như hình với bóng do đó pháp luật quốc tế hiện đại và tập quán quốc tế đều thừa nhận tính bất khả xâm phạm của lãnh thổ quốc gia và biên giới quốc gia. Cho đến đầu thế kỷ 20, pháp luật quốc tế vẫn còn thừa nhận việc dùng vũ lực để xâm chiếm một bộ phận hay toàn bộ lãnh thổ của một nước là hợp pháp. Sau khi hai trận Thế chiến kết thúc, Liên hợp quốc được thành lập. Hiến chương Liên Hợp tại khoản 4, Điều 2 đã khẳng định nguyên tắc bất khả xâm phạm và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Nghị quyết 26/25 năm 1970 của Liên Hợp Quốc cũng ghi nhận: “Các quốc gia có nghĩa vụ không được dùng đe dọa hoặc dùng vũ lực để xâm phạm các đường biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác hoặc như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế kể cả các tranh chấp về lãnh thổ và các vấn đề liên quan đến các biên giới của các quốc gia”.“Mọi hành động thụ đắc lãnh thổ bằng đe dọa hoặc bằng sử dụng vũ lực không được thừa nhận là hợp pháp”.
MỤC LỤC
I. LỜI MỞ ĐẦU 1
II. NỘI DUNG 1
1. Cơ sở lí luận. 1
2. Thực tiễn áp dụng phương thức chiếm hữu thực sự để giải quyết các tranh chấp biên giới lãnh thổ giữa các quốc gia trong quan hệ quốc tế: 3
3. Thực tiễn áp dụng phương thức chiếm hữu thực sự để giải quyết các tranh chấp biên giới lãnh thổ giữa các quốc gia trong quan hệ quốc tế: 4
KẾT LUẬN 7
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 8
9 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 6746 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thực tiễn áp dụng phương thức chiếm hữu thực sự để giải quyết các tranh chấp biên giới lãnh thổ giữa các quốc gia trong quan hệ quốc tế, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
I. LỜI MỞ ĐẦU
Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là vấn đề thiêng liêng đối với mỗi đân tộc. Trong đó lãnh thổ và biên giới quốc gia lại là hai yếu tố gắn bó với nhau như hình với bóng do đó pháp luật quốc tế hiện đại và tập quán quốc tế đều thừa nhận tính bất khả xâm phạm của lãnh thổ quốc gia và biên giới quốc gia. Cho đến đầu thế kỷ 20, pháp luật quốc tế vẫn còn thừa nhận việc dùng vũ lực để xâm chiếm một bộ phận hay toàn bộ lãnh thổ của một nước là hợp pháp. Sau khi hai trận Thế chiến kết thúc, Liên hợp quốc được thành lập. Hiến chương Liên Hợp tại khoản 4, Điều 2 đã khẳng định nguyên tắc bất khả xâm phạm và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Nghị quyết 26/25 năm 1970 của Liên Hợp Quốc cũng ghi nhận: “Các quốc gia có nghĩa vụ không được dùng đe dọa hoặc dùng vũ lực để xâm phạm các đường biên giới quốc tế hiện có của một quốc gia khác hoặc như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế kể cả các tranh chấp về lãnh thổ và các vấn đề liên quan đến các biên giới của các quốc gia”.“Mọi hành động thụ đắc lãnh thổ bằng đe dọa hoặc bằng sử dụng vũ lực không được thừa nhận là hợp pháp”.
II. NỘI DUNG
1. Cơ sở lí luận
Xác lập chủ quyền của quốc gia đối với lãnh thổ là nhằm xác định danh nghĩa của quốc gia đối với lãnh thổ nói chung và các vùng lãnh thổ nói riêng. Lãnh thổ quốc gia là toàn vẹn và bất khả xâm phạm, vì vậy việc xác lập chủ quyền quốc gia đối với lãnh thổ phải dựa trên những cơ sở và phương thức do Luật Quốc tế qui định.
Khoa học pháp lý quốc tế đã từng ghi nhận 4 phương thức thụ đắc lãnh thổ: thụ đắc lãnh thổ do tác động tự nhiên (Acretion); Thụ đắc lãnh thổ do chuyển nhượng (Cession); Thụ đắc lãnh thổ theo thời hiệu (Acquisitiv Presciption); Thụ đắc lãnh thổ do chiếm cứ (Occupation). Ở đây nhóm chỉ xin tập trung phân tích nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ do chiếm hữu.
Thụ đắc lãnh thổ do chiếm hữu: Là hành động của một quốc gia thiết lập và thực hiện quyền lực của mình trên một lãnh thổ vốn chưa thuộc chủ quyền của bất kỳ một quốc gia nào khác hoặc một vùng lãnh thổ vốn đã có chủ sau đó bị bỏ rơi và trở lại trạng thái vô chủ ban đầu. Nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ bằng chiếm hữu được chia thành hai dạng là nguyên tắc chiếm hữu tượng trưng và nguyên tắc chiếm hữu thực sự.
1.1 Nguyên tắc chiếm hữu tượng trưng
Đối với nguyên tắc này , đòi hỏi phải có hai điều kiện:
Một là, điều kiện vật chất (corpus) nghĩa là phải có sự tiếp xúc vật chất giữa người chiếm hữu và đối tượng bị chiếm hữu.
Hai là, điều kiện tinh thần (animus remsibihabendi) nghĩa là người chiếm hữu phải biểu thị bằng hành động ý chí của mình muốn chiếm hữu lãnh thổ ấy.
Hai điều kiện đó là đủ để một vùng đất vô chủ được coi là thuộc chủ quyền lãnh thổ của quốc gia đã phát hiện ra nó mà không cần thiết lập sự kiểm soát trên thực tế.
Song cùng với sự phát triển của lịch sử, thuyết chiếm hữu tượng trưng ngày càng bộc lộ những thiếu sót và không còn được chấp nhận là cơ sở đầy đủ để thụ đắc chủ quyền lãnh thổ. Trước hết, một bằng chứng được lưu lại trên một vùng đất mới có thể chứng minh quyền khám phá trước tiên và ý chí thiết lập chủ quyền của một quốc gia đối với vùng đất đó, nhưng không thể xác định được phạm vi không gian của chủ quyền tới đâu. Còn những bằng chứng lưu lại như cờ, cây thập tự, cột gỗ v.v.. thì không phải bao giờ cũng giữ được nguyên vẹn trên những vùng đất mới phát hiện. Do đó đã xảy ra việc tái phát hiện và sáp nhập đi sáp nhập lại nhiều lần các vùng đất mới.
1.2. Nguyên tắc chiếm hữu thực sự trong luật pháp và tập quán quốc tế
Được khởi xướng và hình thành từ năm 1884, với sự kiện Hội nghị Berlin của mười ba quốc gia châu Âu và Hoa Kì và khóa họp của Viện Luật Lausanne, Thụy Sĩ năm 1888, nguyên tắc chiếm hữu thực sự đã trở thành nguyên tắc đặc biệt quan trong việc giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ giữa các quốc gia. Nguyên tắc là cơ sở lí luận để quốc gia chứng minh một vùng lãnh thổ là tranh chấp thuộc chủ quyền của mình nếu đáp ứng được các điều kiện sau:
1- Những vùng đất, đảo được quốc gia chiếm hữu phải là lãnh thổ vô chủ, không nằm trong hoặc không còn nằm trong hệ thống địa lí hành chính của quốc gia nào. Ở đây “vô chủ” cũng có nghĩa là vùng lãnh thổ này đã từng thuộc một quốc gia nhưng quốc gia này đã từ bỏ và không có ý định tiếp tục thực hiện chủ quyền tại đó. Có thể hiểu lãnh thổ vô chủ (terra nullius) là lãnh thổ chưa từng đặt dưới sự quản trị của quốc gia nhất định nào. Nói một cách khác, lãnh thổ đó chưa có một tổ chức quốc gia, có thể có cư dân sống trong vùng lãnh thổ đó nhưng chưa có một tổ chức nhà nước nào trên đó.
2- Việc chiếm hữu phải là hành động của Nhà nước. Đối với điều kiện thứ nhất ,trước hết, hành động được coi là chiếm hữu thực sự phải do Nhà nước thực hiện, thông qua người hoặc tổ chức có khả năng đại diện cho Nhà nước. Việc một hoặc nhiều cá nhân là công dân của một nước thực hiện hành vi chiếm hữu với tư cách cá nhân sẽ không tạo ra một danh nghĩa chủ quyền cho nhà nước đó. Ngay cả trong trường hợp có nhiều người dân của một nước đến cư trú, sinh sống, làm ăn, khai thác, trao đổi buôn bán… trên một vùng đất, điều đó cũng không thể hiện chủ quyền của nhà nước.
3- Việc chiếm hữu phải thực sự, rõ ràng. Cơ sở của việc chiếm hữu thực sự phải có sự hiện diện của chính quyền nhà nước trong việc thiết lập, kiểm soát, quản lí, bảo vệ và thực hiện chủ quyền quốc gia trên vùng lãnh thổ mà quốc gia đã chiếm hữu và thực sự xác lập chủ quyền. Tuy nhiên có thể có những trường hợp không nhất thiết phải sử dụng phương tiện này. Đó chính là trường hợp một vùng đất, đảo hoàn toàn không có người cư trú.
4 - Việc chiếm hữu phải hòa bình được dư luận đương thời chấp nhận. Yêu cầu của điều kiện này là việc chiếm hữu và xác lập chủ quyền quốc gia đối với vùng lãnh thổ không phải là kết quả của hành vi tước đoạt chủ quyền của một quốc gia khác bằng việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Đồng thời việc chiếm hữu và xác lập chủ quyền đối với vùng lãnh thổ mới phải được thực hiện công khai và được dư luận đuơng thời chấp nhận.
2. Thực tiễn áp dụng phương thức chiếm hữu thực sự để giải quyết các tranh chấp biên giới lãnh thổ giữa các quốc gia trong quan hệ quốc tế:
Tính chất đặc biệt quan trọng của lãnh thổ quốc gia đã làm cho vấn đề này trở thành đối tượng trung tâm của hầu hết các tranh chấp quốc tế trong lịch sử. Những tranh chấp quốc tế về lãnh thổ đã châm ngòi cho những cuộc chiến tranh dai dẳng, đẫm máu: từ những cuộc chiến từ thời cổ xưa giữa các đế quốc La Mã, Ai Cập, ... tới vụ thôn tính lãnh thổ vùng Sudentenland (Tiệp Khắc) của Đức quốc xã vốn được coi là dấu hiệu đầu tiên của Thế chiến II, và cho đến ngày nay, những cuộc chiến tranh với nguyên nhân là tranh chấp lãnh thổ biên giới vẫn không ngừng đe dọa hòa bình thế giới: Tranh chấp lãnh thổ bang Samu – Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan, tranh chấp cao nguyên Goland giữa Israel và Syria, cuộc chiến tranh không quân – hải quân hiện đại lớn nhất giữa Anh và Agrentina cũng bắt nguồn từ tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Falkland. Gần đây, việc Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trỗi dậy thành một thế lực hùng mạnh cũng được đánh dấu bằng sự phát sinh và trầm trọng hóa một loạt tranh chấp chủ quyền đối với các đảo, quần đảo ở Hoàng Hải và đặc biệt là ở biển Đông, nơi những yêu sách ngang ngược về lãnh thổ của Trung Quốc đang thách thức công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta.
Thụ đắc lãnh thổ bằng phương thức chiếm cứ hữu hiệu đã trở thành nguyên tắc đặc biệt quan trọng để giải quyết các tranh chấp về biên giới giữa các quốc gia. Đánh giá tầm quan trọng của sự chiếm hữu thực sự so với các phương thức chiếm hữu khác, như chiếm hữu tượng trưng, luật gia Charles Rousseu viết: “Trong mọi trường hợp hiệu lực của quyền phát hiện chỉ là cung cấp sự khởi đầu của một danh nghĩa hoặc theo cách diễn đạt của người Anh, tạo nên một danh nghĩa ban đầu (inchoate title), có nghĩa là một danh nghĩa phôi thai và chỉ có giá trị tạm thời để gạt bỏ ngay lập tức, nhưng không phải là mãi mãi các tham vọng tranh đua của một nước thứ ba trên cùng một lãnh thổ… Vì luật pháp quốc tế không ấn định rõ khoảng thời gian trong đó quyền ưu tiên này có thể được viện dẫn, do đó chính quyền phát hiện này bản thân nó tác động chống đối các quốc gia thứ ba. Đó chỉ có thể là những hành vi tượng trưng mà các quốc gia thứ ba từ chối không công nhận hiệu lực pháp lý trừ phi chúng được củng cố tiếp theo bởi một sự chiếm cứ lâu dài”. Áp dụng nguyên tắc chiếm hữu thực sự, nhiều vụ tranh chấp đã được giải quyết, có thể kể tới:
Tranh chấp đảo Palmas giữa Tây Bân Nha và Hà Lan. Năm 1606, Tây Ban Nha đã chiếm hữu hòn đảo Palmas ở đông nam Philippineses cùng với các đảo khác trong quần đảo Philippines. Nhưng họ mới chỉ tuyên bố quyền chiếm hữu tượng trưng, chưa có tổ chức hành chính và biện pháp cai trị gì và đến cuối thế kỷ 17 thì rút bỏ hoàn toàn. Sau đó Hà Lan đã chiếm hữu đảo này và ký một loạt hiệp nghị và văn kiện với các tù trưởng địa phương. Sau khi cuộc chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha kết thúc, theo Hòa ước Paris ký năm 1898, Tây Ban Nha nhường cho Mỹ quần đảo Philippines, trong đó gồm cả đảo Palmas. Đầu năm 1906, khi Mỹ đã tiếp quản thì thấy đảo đang do chính quyền Hà Lan quản lý. Sự việc được đưa ra Tòa án quốc tế La Haye và Hà Lan đã thắng, vì sau khi Tây Ban Nha chấm dứt chủ quyền đối với đảo này, nó đã trở thành vô chủ. Hà Lan đã chiếm hữu đảo và tổ chức quản lý kiểm soát thực sự, công khai, liên tục.
Một vụ án tiêu biểu trong việc áp dụng phương thức chiếm cứ hữu hiệu của cơ quan tài phán quốc tế trong việc giải quyết tranh chấp về lãnh thổ, đó là tranh chấp giữa Anh và Pháp về chủ quyền trên các đảo nhỏ và đá thuộc nhóm đảo Minquier và Ecréhous.
Vì hai bên không yêu cầu xem xét việc áp dụng quy chế lãnh thổ vô chủ terra nullius cho các đảo Minquiers và Ecréhous, do đó Tòa cũng loại bỏ khả năng các nhóm đảo này là đất vô chủ hay được đặt dưới chế độ đồng quản lý condominium. Vì vậy, Tòa xem xét và so sánh danh nghĩa hai bên viện dẫn.
Bỏ qua những suy diễn từ thời phong kiến, với những cuộc chiến tranh liên miên và những mối quan hệ chư hầu, liên minh đan xen chằng chịt của các vua chúa hai quốc gia vốn có nhiều “xích mích” từ thời trung cổ này, xem xét thời điểm hiện tại lúc phát sinh tranh chấp và yêu cầu tòa giải quyết thì tòa cho rằng vào giai đoạn hiện tại chủ quyền trên các đảo này hoàn toàn thuộc về Anh. Các bản án hình sự, việc thu thuế bất động sản của chính quyền đảo jersey, các trạm hải quan hoạt đồng trên các đảo, việc thống kê dân số,… là các bằng chứng cho thấy ý chí thực thi chủ quyền của phía Anh. Trong khi đó thực tiễn quản lý các đảo này của phía Pháp là không đủ thuyết phục. Chỉ đến năm 1866 nước Pháp mới yêu sách chủ quyền trên các đảo này, mà trước đó họ coi hoặc như là đất vô chủ, terra nullius, hoặc thuộc Anh. Pháp chỉ tiến hành việc đặt phao phía ngoài các bãi đã ngầm nhằm mục đích đảm bảo an toàn hàng hải hơn là thực thi chủ quyền.
Để giải quyết các vụ tranh chấp trên Tòa đã áp dụng các điều kiện của phương thức chiếm cứ hữu hiệu để chứng minh các đảo Minquier và Ecréhous là lãnh thổ của Vương quốc Anh:
Thứ nhất, việc chiếm hữu quần đảo trên là hành động mang tính chất nhà nước và có ý nghĩa pháp lý – của Vương quốc Anh , được thực hiện bởi viên chức đại diện cho nhà nước – vua Anh.
Thứ hai, hành vi chiếm cứ của Anh là thực sự, được thực hiện bằng các biện pháp hòa bình, một cách liên tục và trong một thời gian dài và không có tranh chấp. Anh đã thiết lập một cơ chế nhà nước cần thiết nhằm mục đích quản lý, bảo vệ vùng lãnh thổ đã chiếm hữu và thực hiện quyền tài phán ở đó. Qua một loạt bằng chứng: những biện pháp pháp lý đối với những vụ phạm pháp hình sự trên quần đảo trong các năm 1881, 1883, 1891, 1913 và 1921; việc đặt quần đảo này thành một hải cảng ở biển Manche; việc thu thuế bất động sản của chính quyền đảo Jersey, các trạm hải quan hoạt động trên các đảo, việc thống kê dân số... Trong khi nước Pháp, đến năm 1866 mới tiến hành việc đặt phao phía ngoài các bãi đá ngầm nhằm mục đích bảo đảm an toàn hàng hải, không có ý nghĩa là thực thi chủ quyền. Hơn nữa, hành động của Anh hoàn toàn công khai và không hề sử dụng vũ lực.
3. Thực tiễn áp dụng phương thức chiếm hữu thực sự để giải quyết các tranh chấp biên giới lãnh thổ giữa các quốc gia trong quan hệ quốc tế:
Việt Nam nằm trên bờ Biển Đông, có bờ biển dài hơn 3260km với hàng ngàn hòn đảo và quần đảo gần bờ, xa bờ, trong đó có những quần đảo như quần đảo Hoàng Sa cách bờ biển tới trên 150 hải lý, quần đảo Trường Sa cách bơ khoảng 250 hải lý. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về lãnh thổ Việt Nam từ lâu đời. Tuy nhiên, vấn đề tranh chấp chủ yếu về biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và các quốc gia láng giềng đang được dư luận trong nước và quốc tế hết sức quan tâm chính là việc xác lập chủ quyền của quốc gia trên biển Đông. Việt Nam và các quốc gia láng giềng bao gồm Trung Quốc, Philippin, Malaysia, Brunei đều tuyên bố chủ quyền của mình đối với biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, vấn đề này đã làm phức tạp hóa trong quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia có liên quan, gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực và trên thế giới. Trong luật quốc tế có phương thức xác lập chủ quyền bằng phương thức chiếm cứ hữu hiệu, vậy thực tiễn áp dụng phương thức này trong giải quyết các bất đồng trên biển Đông và hai quần đảo giữa Việt Nam và các quốc gia láng giềng có đạt được hiệu quả không?
Các quốc gia liên quan đều mong muốn xác lập chủ quyền của mình đối với vùng biển này nhưng quốc gia nào mới thật sự là chiếm hữu thực sự, xác lập chủ quyền đầu tiên? Về phía Việt Nam:
Việt Nam có đưa ra nhiều tài liệu chứng minh sự chiếm hữu thật sự và đầu tiên của mình đối với hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa, các tài liệu sử sách có ghi lại việc các chính quyền phong kiến Việt Nam đã dựng bia chủ quyền, sáp nhập hai quần đảo Hoàng sa và Trường sa (khi đó được gọi bằng nhiều tên như Bãi Cát Vàng, Vạn lý Hoàng Sa, Đại Trường Sa…) vào lãnh thổ của mình, thiết lập bộ máy quản lý và khai thác (đó là các đội Hoàng Sa, Bắc Hải). Mặt khác tiến hành nhiều cuộc đo đạc, lập hải trình, cắm mốc, đánh dấu, lập bia, xây miếu, trồng cây cối trên hai quần đảo này… Đây chính là những biểu hiện cụ thể cho một sự chiếm cứ thực sự của Việt Nam. Việc chiếm cứ của Việt Nam được sự thừa nhận của các quốc gia, bằng những chứng cứ cụ thể: nhiều tài liệu, sách vở, bản đồ của các quốc gia khác, kể cả Trung Quốc như Hải ngoại ký sự (1696), An Nam đại quốc họa đồ (1838)… đã trực tiếp hoặc gián tiếp thừa nhận điều đó như cuốn Hải lục (1842) viết: “Vạn lý Trường Sa là đất nối giữa biển, dài vài ngàn dặm, là phên dậu của An Nam”. Trong các hội nghị quốc tế về sau này, như hội nghị tại San Francisco (Mỹ) năm 1951, khi Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa, không có một quốc gia nào phản đối. Mà theo luật quốc tế, điều đó thể hiện sự thừa nhận hoàn toàn.
Áp dụng nguyên tắc nói trên của pháp luật quốc tế vào trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý đều cho thấy rằng các Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu thực sự hai quần đảo này hàng trăm năm qua. Nói chính xác là các Nhà nước Việt Nam trong lịch sử và cho tới nay đã thực thi chủ quyền ở đây ít ra từ thế kỷ XVII khi hai quần đảo chưa hề thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào.
Về phía Trung Quốc, Trung Quốc cũng cho rằng họ đã phát hiện ra hai quần đảo này và chiếm hữu, khai thác từ lâu đời. Tuy nhiên phần lớn bằng chứng đưa ra thiếu thuyết phục, chỉ đủ để khẳng định đã có một số hoạt động kinh doanh nhỏ, tránh bão, cứu hộ, ... của ngư dân và thương nhân, chứ hoàn toàn không đề cập đến sự hiện diện và cai quản của các triều đại Trung Quốc. Các lập luận như lập luận về "sự tiếp nhận hai quần đảo từ tay quân đội Nhật Bản" hoàn toàn không đúng sự thật và không có cơ sở pháp lí.
Để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo này, Trung Quốc đã thực hiện nhiều hoạt động như: Ngày 14 tháng 3 năm 1988, hải quân Trung Quốc dùng vũ lực để chiếm các đảo ở Trường Sa. Họ đã bắn chìm ba tàu vận tải của hải quân Việt Nam. Kết quả 74 chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam tử nạn giữa biển khơi, sau đó Trung Quốc chiếm giữ sáu đảo nhỏ trong một vùng từng nằm dưới sự quản lý của Việt Nam; vào tháng 4 năm 1988, một tháng sau vụ tấn công chiếm đóng, Trung Quốc đã thông qua một nghị quyết thành lập tỉnh Hải Nam, trong đó bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa; cũng năm này, Việt Nam và Trung Quốc một lần nữa lại đụng độ ở biển về quyền sở hữu đảo ngầm Johnson thuộc Trường Sa. Tàu chiến Trung Quốc đánh đắm các tàu chở đội quân đổ bộ Việt Nam. Tới năm 1998, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tiếp tục sự sáp nhập các đảo của mình, đặt các cột mốc lãnh thổ hay phao trên bãi cát Thomas thứ nhất và thứ hai, bãi cát Pennsylvania, bãi cát Half Moon và đảo san hô vòng Sabina cùng đảo Jackson, vùng quần đảo Trường Sa được đưa vào danh sách một trong tám điểm nóng xung đột trên thế giới. Vào năm 2007, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lão Tần Cương nói trong buổi họp báo thường kỳ "Việt Nam áp dụng hàng loạt hành động mới trên quần đảo Nam Sa đã đi ngược với nhận thức chung quan trọng về các vấn đề trên biển" mà hai bên đã đạt được. Trung Quốc ngày càng gây hấn bằng vũ lực trên quần đảo Trường Sa. Vào tháng 4 năm 2007 đã bắt 41 ngư dân Việt Nam và chỉ trả tự do cho họ sau khi những người này nộp phạt. Đến ngày 9 tháng 7 tàu Hải quân Trung Quốc đã nã súng vào một số thuyền đánh cá của ngư dân Việt Nam trong vùng biển gần Trường Sa, cách Thành phố Hồ Chí Minh 350 km làm chìm một thuyền đánh cá của Việt Nam, ít nhất một ngư dân thiệt mạng và một số người khác bị thương. Nguyên nhân chính dẫn tới các mâu thuẫn gữa hai nước là trữ lượng trên 600 triệu thùng của Việt Nam mà Trung Quốc tuyên bố nằm trong vùng biển chủ quyền trong khi giá dầu thô có thể tăng lên đến 100 USD vào cuối năm 2007; Ngày 26/05/2011, ba tàu Hải giám Trung Quốc đã xâm phạm vùng lãnh hải của Việt Nam và thực hiện hành vi cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) trong khi đang làm nhiệm vụ thăm dò địa chấn tại vị trí cách mũi Đại Lãnh, tỉnh Phú Yên 120 hải lý nằm trong khu vực thềm lục địa của Việt Nam; Vào hồi 6h sáng ngày 9/6, Tàu thăm dò địa chấn 3D Viking II do liên doanh CGG Veritas (Pháp) được Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) thuê trong khi đang thu nổ địa chấn tại lô 136.03, tại tọa độ 6 độ 47,5 phút bắc; 109 độ 17,5 phút kinh đông thuộc phạm vi 200 hải lý trên thềm lục địa Việt Nam thì một tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 6226 được sự yểm trợ của hai tàu ngư chính Trung Quốc mang số hiệu 311 và 303 đã cố tình chạy cắt ngang phần dây kéo giữ thiết bị dàn trải cáp thu và phá hoại 4 đường cáp thu phía bên trái tàu. Căn cứ vào Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa chính phủ các nước thành viên ASEAN và nước CHND Trung Hoa, các hành động nêu trên của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Về phía Philippin thì tuyên bố chủ quyền của mình đối với Hoàng sa và Trường sa dựa trên sự phát hiện của một nhà thám hiểm vào năm 1956, còn Malaysia, Brunei tuyên bố chủ quyền của mình dựa trên cơ sở thềm lục địa.
Có thể thấy rằng mỗi quốc gia đều có quan điểm riêng của mình, đều đưa ra những căn cứ để khẳng định chủ quyền của mình đối với các quần đảo trên biển Đông. Như vậy các quốc gia chưa thừa nhận cho một quốc gia nào là chủ thể đã chiếm cứ hữu hiệu (ngoài việc các quốc gia đã tự mình đưa ra các chứng cứ để khẳng định với quốc gia khác là mình đã chiếm cứ hữu hiệu nhưng chưa có sự công nhận nào từ phía các quốc gia hữu quan), các quốc gia do chưa thống nhất quan điểm do đó chưa ngồi vào bàn đàm phán đa phương liên quan đến xác định biên giới trên biển để thừa nhận cho một quốc gia trong số họ là chủ thể thật sự đã chiếm cứ hữu hiệu phù hợp với luật pháp quốc tế.
Từ những vấn đề nêu trên, thấy rằng: thực tiễn áp dụng phương thức thụ đắc lãnh thổ bằng chiếm cứ hữu hiệu để giải quyết những tranh chấp về biên giới quốc gia trên biển Đông giữa Việt Nam và các quốc gia láng giềng vẫn chưa đạt được những bước tiến quan trọng nào, bởi lẽ mặc dù các quốc gia có đưa ra những chứng cứ chứng minh rằng mình đã chiếm cứ hợp pháp và lần đầu tiên nhưng lại gặp phải sự phản đối của các nước láng giềng, như Việt Nam bị Trung Quốc phản bác về vấn đề cho rằng Việt Nam đã xác lập hai quần đảo này vào lãnh thổ của mình bằng hàng loạt các hành động, mới đây nhất Trung Quốc cũng xử xự như vậy đối với bên Philippin.
KẾT LUẬN
Có thể nói, phương thức thụ đắc lãnh thổ bằng phương pháp chiếm hữu thực sự được hình thành là một dấu mốc quan trong trong lịch sử pháp luật quốc tế. Như một phần của thế giới hiện đại, nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ bằng chiếm hữu thực sự đã có những tác dụng to lớn trong việc phân chia biên giới lãnh thổ giữa các quốc gia, điều mà trước đây từ những tranh chấp nhỏ nhất có thể phát triển thành cuộc chiến đe dọa hòa bình thế giới. Thực tiễn đời sống quốc tế hết sức đa dạng và chịu ảnh hưởng lớn của các yếu tố chính trị, kinh tế - xã hội, tranh chấp lãnh thổ giữa các quốc gia là không thể nào tránh khỏi. Trong một tương lai xa, chúng ta có quyền hi vọng rằng với những chế định luật quốc tế ngày càng hoàn thiện, những tranh chấp đó sẽ được các bên giải quyết một cách thiện chí hòa bình trên bàn đàm phán, tránh sự lặp lại một cách đầy đau thương của lịch sử.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Hiến chươnng Liên hợp quốc
Giáo trình Luật Quốc tế, Ths. Nguyễn Thị Kim Ngân – Ths. Chu Mạnh Hùng, NXBGD, 2010
Luật Quốc tế, Sách chuyên khảo, Ths. Ngô Hữu Phước, NXBCTQG, 2010.
MỤC LỤC
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Bài tập công pháp-Thực tiễn áp dụng phương thức chiếm hữu thực sự để giải quyết các tranh chấp biên giới lãnh thổ giữa các quốc gia trong quan hệ quốc.doc