MỞ ĐẦU
1. TÍNH CẤP THIẾT CỦA VIỆC NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀIDẩy mạnh và khuyến khích xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam một cách có hiệu quả ra các thị trường chiến lược luôn được Đảng và Nhà nước ta coi là một trong những phương hướng quan trọng phục vụ sự phát triển kinh tế của đất nước. Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ X đã xác định nhiệm vụ: “tăng nhanh xuất khẩu, nhập khẩu. Đẩy mạnh tự do hóa thương mại phù hợp các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế mà Việt Nam tham gia . khai thác có hiệu quả các cơ hội và giảm tối đa những thách thức, rủi ro khi nước ta là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)”. Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XI vừa qua tiếp tục nhấn mạnh: “đẩy mạnh và khuyến khích xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng mới, sản phẩm chế biến có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, giá trị gia tăng cao”. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam cũng gặp rất nhiều khó khăn do chính sách bảo hộ mậu dịch của các nước nhập khẩu. Trong số các biện pháp bảo hộ được áp dụng phổ biến và hợp pháp trong thương mại quốc tế hiện nay, chống bán phá giá (chống BPG) là biện pháp bảo hộ được các nước nhập khẩu áp dụng nhiều nhất để bảo hộ ngành sản xuất trong nước của mình. Có thể thấy, để thực hiện tốt những nhiệm vụ mà các Văn kiện của Đảng đã đề ra, một vấn đề quan trọng là phải hiểu một cách thấu đáo về chính sách và Pháp luật về chống BPG của những thị trường xuất khẩu chủ lực của hàng hóa Việt Nam, cụ thể là Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU), cũng như luật lệ về chống BPG của WTO để có những biện pháp ứng phó phù hợp và hiệu quả, giúp cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tránh được những thiệt hại vô lý do chính sách và pháp luật về chống BPG của các nước nhập khẩu gây ra.
Dưới góc độ thực tiễn của Việt Nam, cùng với việc hội nhập vào nền kinh tế thế giới, chúng ta phải đối mặt với ngày càng nhiều các vụ kiện chống BPG. Vụ kiện đầu tiên mà Việt Nam gặp phải là vào năm 1994 và đến nay tổng số vụ kiện chống BPG mà Việt Nam có liên quan đã lên tới con số 36 tính đến tháng 12 năm 2010, trong đó có 15 vụ kiện tại thị trường Hoa Kỳ và EU. Một số hàng hóa xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như xe đạp, cá tra, cá basa, giầy dép, quần áo .những mặt hàng sử dụng nhiều lao động, lại là những mặt hàng có nguy cơ bị kiện chống BPG cao, nhất là tại các thị trường Hoa Kỳ và EU. Có thể nói, cho đến nay thuế chống BPG đang là một trong những rào cản lớn nhất đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, kể cả khi đã gia nhập WTO. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa có đối sách hữu hiệu để ứng phó với các vụ kiện chống BPG. Doanh nghiệp Việt Nam thường ở vào thế thụ động, bất lợi trong các vụ kiện chống BPG. Mức thuế chống BPG đối với hàng hóa Việt Nam luôn ở mức cao, từ 70%-80%. Mỗi khi bị kiện, không những sản lượng của mặt hàng này bị suy giảm nghiêm trọng, các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam điêu đứng mà hàng trăm ngàn công nhân cũng có nguy cơ bị mất việc làm.
Về thực trạng pháp luật của Việt Nam, năm 2004, Pháp lệnh Chống bán phá giá đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XI ban hành để bảo vệ sản xuất trong nước trước luồng hàng hóa giá rẻ nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, Pháp lệnh chống BPG và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Vẫn có những bất cập nhất định trong các quy định của pháp luật và đặc biệt là trong thực tiễn áp dụng pháp luật về chống BPG của Việt Nam. Một minh chứng cụ thể là kể từ khi có Pháp lệnh Chống BPG đến nay vẫn chưa có một vụ kiện chống BPG nào được khởi kiện tại Việt Nam.
Thêm vào đó, một trong những điểm bất cập và cũng là thách thức lớn đối với quá trình hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới đó là sự thiếu hụt đội ngũ chuyên gia am tường về pháp luật thương mại quốc tế, trong đó có pháp luật về chống BPG của WTO cũng như các nước nhập khẩu lớn như Hoa Kỳ và EU. Nghị quyết số 08-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X tại Hội nghị lần thứ 4, năm 2007 đã chỉ rõ: “đặc biệt, chúng ta còn thiếu một đội ngũ luật sư giỏi, thông thạo luật pháp quốc tế và ngoại ngữ để giải quyết các tranh chấp thương mại và tư vấn cho các doanh nghiệp trong kinh doanh”. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân trực tiếp làm cho các doanh nghiệp Việt Nam thường rơi vào thế bất lợi trong các vụ kiện chống BPG. Tuy nhiên, đào tạo được đội ngũ chuyên gia giỏi không phải là công việc có thể làm trong một sớm một chiều. Công việc cần phải làm trước tiên là tiến hành nghiên cứu một cách thấu đáo luật lệ về chống BPG của WTO và của một số hệ thống pháp luật về chống BPG quốc gia lớn trên thế giới như Hoa Kỳ và EU để hình thành các tài liệu tham khảo đáng tin cậy phục vụ công tác đào tạo.
Thực hiện chủ trương mà Đảng đề ra, xuất phát từ thực tiễn các vụ kiện chống BPG mà Việt Nam có liên quan và thực trạng pháp luật của Việt Nam cũng như nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao .cho thấy tính cấp thiết cao, cả về lý luận và thực tiễn của việc nghiên cứu đề tài về Pháp luật về chống BPG trong thương mại quốc tế, đặc biệt là của WTO, Hoa Kỳ và EU. Về mặt lý luận, Pháp luật về chống BPG của WTO chi phối trực tiếp các quan hệ thương mại quốc tế, còn pháp luật về chống BPG của Hoa Kỳ và EU thường được coi là có ảnh hưởng lớn tới Pháp luật về chống BPG của các nước trên thế giới. Nghiên cứu sâu về Pháp luật về chống BPG của WTO sẽ giúp thấy được bức tranh tổng thể về Pháp luật về chống BPG toàn cầu. Trong khi đó nếu kết hợp với Pháp luật về chống BPG của Hoa Kỳ và EU sẽ giúp có được cái nhìn toàn diện hơn về nội dung hiện tại cũng như xu hướng phát triển của Pháp luật về chống BPG của các nền kinh tế lớn và qua đó là của thương mại quốc tế nói chung.
Về mặt thực tiễn, đề tài cũng có tính cấp thiết cao. Qua việc nghiên cứu sâu Pháp luật về chống BPG của WTO, Hoa Kỳ và EU, tác giả sẽ đưa ra được những khuyến nghị mang tính thực tế về việc cần phải chú trọng tới những yếu tố nào và cần phải làm gì để giúp cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tránh được một cách tốt nhất nguy cơ bị áp thuế chống BPG khi xuất khẩu sang các nước thành viên WTO mà trực tiếp là hai thị trường Hoa Kỳ và EU. Việc nghiên cứu kỹ hệ thống luật lệ của WTO, Hoa Kỳ và EU về chống BPG cũng góp phần cung cấp kinh nghiệm để hoàn thiện hệ thống Pháp luật về chống BPG của Việt Nam hiện nay.
2. TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI
2.1. Tình hình nghiên cứu trong nước
Kể từ khi chuẩn bị cho quá trình đàm phán gia nhập WTO và thực hiện chính sách chủ động hội nhập kinh tế quốc tế cho đến nay, đã có nhiều quan tâm nghiên cứu về pháp luật của WTO về chống BPG. Nổi bật nhất trong số các sách chuyên khảo về vấn đề này là công trình của tác giả Đoàn Văn Trường, BPG và biện pháp chống BPG hàng nhập khẩu (1998), Nguyễn Hữu Khải, Hàng rào phi thuế quan trong chính sách thương mại quốc tế (2007), Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ động ứng phó với những vụ kiện chống BPG trong thương mại quốc tế (2007).
Trong số các công trình nghiên cứu ở quy mô nhỏ hơn có các bài báo của các tác giả Bùi Thanh Hải, Thuế chống BPG, trợ cấp trong thương mại quốc tế, bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam, Đoàn Văn Trường, Những biện pháp đối phó với các vụ kiện chống BPG ở nước ngoài (Tạp chí nghiên cứu kinh tế, 2002), Hoàng Phước Hiệp, Tìm hiểu Pháp luật về chống BPG của Tổ chức thương mại thế giới và Hoa Kỳ (Tạp chí luật học, 2003), Vũ Kim Dũng, BPG và giải pháp chống BPG (Tạp chí hoạt động khoa học, 2003), Nguyễn Thanh Hà, Xung quanh việc hàng xuất khẩu Việt Nam bị kiện chống BPG (Tạp chí tài chính, 2004), Lê Huy Trọng, Thuế chống BPG, kinh nghiệm của một số nước Châu Á và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (Tạp chí nghiên cứu tài chính kế toán, 2004).
Bên cạnh đó, còn có một số công trình dưới dạng các bài báo nghiên cứu chuyên sâu về Pháp luật về chống BPG của Hoa Kỳ và EU như bài Quy trình chống BPG và áp dụng thuế chống phá giá ở EU (Tạp chí ngoại thương, 1998), Dương Nguyệt Nga, Luật chống BPG của Hoa Kỳ và EU với thực trạng các doanh nghiệp Việt Nam bị khởi kiện BPG (Tạp chí kinh tế và phát triển, 2002), Đoàn Tất Thắng, Những kinh nghiệm của EU về chống BPG, chống trợ cấp xuất khẩu và hoạt động tự vệ (Tạp chí nghiên cứu Châu Âu, 2003).
Gần đây trong số các tài liệu về chống BPG của WTO, Hoa Kỳ và EU còn có một số công trình dưới dạng cẩm nang kiến thức do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát hành như cuốn Hỏi đáp pháp luật về chống BPG WTO-Hoa Kỳ-EU (2009), Cẩm nang kháng kiện chống BPG và chống trợ cấp tại Liên minh châu Âu (2009), Cẩm nang kháng kiện chống BPG và chống trợ cấp tại Hoa Kỳ (2009). Những công trình này tuy không mang tính chất học thuật nhưng cũng cung cấp những thông tin và kiến thức phổ thông hữu ích đáng tham khảo về chống BPG.
Nhìn chung, những công trình nghiên cứu về Pháp luật về chống BPG của WTO, Hoa Kỳ và EU ở Việt Nam đã đề cập tới khái niệm và đặc điểm của hoạt động BPG và chống BPG trong thương mại quốc tế. Cụ thể, công trình nghiên cứu của tác giả NgAuyễn Hữu Khải (2007) đề cập tới chống BPG trong mối quan hệ với những biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước khác như hàng rào kỹ thuật, trợ cấp của nhà nước đối với các doanh nghiệp . Công trình nghiên cứu của tác giả Đinh Thị Mỹ Loan (2007) chú trọng tới khía cạnh thực tế của vấn đề là tác động của việc áp dụng các biện pháp chống BPG trong thương mại quốc tế đối với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Tác phẩm này cũng đưa ra một số đề xuất để ứng phó với các vụ kiện chống BPG hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Các bài báo trên các tạp chí đề cập tới chống BPG ở những khía cạnh cụ thể và thực tế. Phần lớn trong số đó tập trung đưa ra một số giải pháp nhằm cải thiện tình hình hàng hoá Việt Nam bị kiện chống BPG trong thương mại quốc tế. Có những bài báo chú trọng tới việc tham khảo kinh nghiệm có liên quan của các nước có điều kiện tương tự ở Việt Nam, ví dụ bài báo của Lê Huy Trọng (2004).
Chủ đề pháp luật về chống BPG của Việt Nam cũng đã có khá nhiều công trình nghiên cứu. Điển hình là các công trình của Nguyễn Đình Chiến, Để áp dụng thành công thuế đối kháng, thuế chống BPG ở Việt Nam (Tạp chí Tài chính, 2003), Thanh Tùng, Khung pháp lý về chống BPG đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam (Tạp chí Kế toán, 2004), Nội dung cơ bản của Pháp lệnh chống BPG hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam (NXB Tư Pháp, 2004), Nguyễn Ngọc Sơn, Pháp luật chống BPG hàng nhập khẩu tại Việt Nam – những vấn đề lý luận và thực tiễn (NXB Tư pháp, 2005). Gần đây nhất có hai luận án tiến sĩ của tác giả Đoàn Trung Kiên, Pháp luật về chống BPG hàng hóa nhập khẩu ở Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, bảo vệ năm 2010 tại Trường Đại học Luật Hà Nội, và Nguyễn Ngọc Sơn, Pháp luật chống BPG hàng hóa nhập khẩu và cơ chế thực thi tại Việt Nam, bảo vệ năm 2011 tại Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Nhìn chung các công trình này đã nghiên cứu một cách khá sâu sắc về pháp luật chống BPG của Việt Nam cũng như đã đưa ra một số kiến nghị đáng tham khảo.
Có thể nhận xét một cách khái quát về tình hình nghiên cứu trong nước là phần lớn các công trình nghiên cứu về chống BPG thường chú trọng vào việc giới thiệu pháp luật thực định của các nước và WTO về chống BPG. Khía cạnh lý luận của BPG và Pháp luật về chống BPG chưa được đề cập nhiều, do đó, các vấn đề liên quan tới xu hướng vận động của Pháp luật về chống BPG trong thương mại quốc tế cũng chưa được phân tích một cách khoa học. Đặc biệt, ở trình độ nghiên cứu sinh tiến sĩ chưa có công trình nào kết hợp nghiên cứu cả khía cạnh lý luận và thực tiễn của Pháp luật về chống BPG trong thương mại quốc tế của WTO, Hoa Kỳ và EU từ đó liên hệ tới các vấn đề của Việt Nam. Các công trình nghiên cứu về pháp luật về chống BPG của Việt Nam thường chỉ tiếp cận từ góc độ lý luận về chống BPG và thực tiễn của Việt Nam để đưa ra kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về chống BPG của Việt Nam. Rất hiếm các công trình đề xuất kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về chống BPG của Việt Nam dựa trên kinh nghiệm thực thi pháp luật chống BPG ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, EU và thực tiễn của WTO.
2.2. Tình hình nghiên cứu ở nước ngoài
Ở nước ngoài, nghiên cứu về Pháp luật về chống BPG rất phong phú và đã có từ rất lâu. Các nghiên cứu đó chủ yếu tập trung vào những hệ thống pháp luật chi phối hoạt động thương mại quốc tế hiện đại như WTO, Hoa Kỳ và EU. Điển hình trong những công trình nghiên cứu về Pháp luật về chống BPG của những hệ thống này có các tác phẩm của Clive Stanbrook và Philip Bentley, Dumping and subsidies: the law and procedures governing the imposition of anti-dumping and countervailing duties in the european community (1996), Keith Steele (editor), Anti-dumping under the WTO: a comparative review, (1996), Wolfgang Muller, EC anti-dumping law: a commentary on regulation 384/96, Nicholas Khan (1998), Sebastian Farr, EU anti-dumping law: pursuing and defending investigations (1998), Pierre Didier, WTO trade instruments in EU law: commercial policy instruments: dumping, subsidies, safeguards, public procurement (1999), Brink Lindsey, Antidumping Exposed: The Devilish Details of Unfair Trade Law, Cato Institute (2003), Wenxi Li, Anti-dumping law of the WTO/GATT and the EC: gradual evolution of anti-dumping law in global economic integration (2003), Aradhna Aggarwal, The Anti-Dumping Agreement and Developing Countries: An Introduction, Oxford University Press (2007), Yan Luo, Anti-dumping in the WTO, the EU and China: The Rise of Legalization in the Trade Regime and its Consequences, Kluwer Law International (2010).
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu ở nước ngoài thường trình bày, phân tích và bình luận rất chi tiết về quy định của WTO cũng như pháp luật của Hoa Kỳ và EU về chống BPG. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có các nghiên cứu mang tính học thuật của nước ngoài về tác động của Pháp luật về chống BPG của WTO, Hoa Kỳ và EU đối với hàng hóa của Việt Nam để từ đó đề xuất các định hướng, giải pháp thiết thực nhằm giúp Việt Nam ứng phó hiệu quả với các vụ kiện chống BPG ở các thị trường này.
3. ĐỐI TƯỢNG NGHIÊN CỨU VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI
Dối tượng nghiên cứu của luận án bao gồm các vấn đề: các quan điểm, tư tưởng luật học về BPG và chống BPG; các quy định trong pháp luật thực định về chống BPG của WTO, Hoa Kỳ và EU; pháp luật Việt Nam về chống BPG; và thực tiễn chống BPG đối với hàng hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ và EU; thực tiễn chống BPG hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam.
Về phạm vi nghiên cứu, luận án chỉ nghiên cứu về BPG và chống BPG trong thương mại quốc tế, tức là việc BPG hàng hóa qua biên giới quốc gia, được pháp luật thương mại quốc tế điều chỉnh. Luận án không nghiên cứu về BPG hàng hóa trong nước, tức là việc BPG hàng hóa trong thương mại nội địa, là lĩnh vực chỉ được quan tâm trong phạm vi của một quốc gia.
Trong thương mại quốc tế thời kỳ trước Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đặc biệt là trong quá trình đàm phán dẫn tới Hiến chương Havana, những nước tham gia đàm phán đã chia BPG thành bốn nhóm: BPG về giá, BPG dịch vụ, BPG hối đoái, BPG xã hội. Sau này, ba nhóm BPG sau không được điều chỉnh chi tiết thêm trong thương mại quốc tế mà chỉ có BPG về giá là tiếp tục được quy định trong Điều VI của GATT và trở thành khái niệm BPG trong thương mại quốc tế được sử dụng phổ biến ngày nay. Chính vì vậy, luận án này chỉ nghiên cứu về BPG về giá với ý nghĩa là khái niệm BPG trong thương mại quốc tế hiện đại mà không nghiên cứu về ba nhóm BPG còn lại.
Pháp luật thương mại quốc tế là một lĩnh vực hết sức rộng và đã có lịch sử phát triển tương đối lâu dài mà trong khuôn khổ thời gian và độ dài của một luận án nghiên cứu sinh không thể bao trùm hết được. Chính vì vậy, phạm vi nghiên cứu của luận án chỉ bao gồm các quy định hiện hành của pháp luật WTO, Hoa Kỳ, EU và Việt Nam về chống BPG cụ thể là các điều kiện xác định có BPG, xác định thiệt hại và mối quan hệ nhân quả giữa việc BPG và thiệt hại, các biện pháp chống BPG, các thủ tục xem xét lại thuế chống BPG; thực tiễn chống BPG đối với hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ và EU từ trước tới nay cũng như thực tiễn chống BPG hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam kể từ khi Pháp lệnh chống BPG được ban hành cho tới nay.
Lý do để tác giả lựa chọn các hệ thống luật lệ trên là vì WTO là tổ chức thương mại quốc tế lớn nhất toàn cầu, có số lượng thành viên là đại đa số các quốc gia trên thế giới. Luật lệ của WTO trong đó có luật lệ về chống BPG là hệ thống luật lệ về thương mại quốc tế điển hình nhất và có vai trò quan trọng nhất trong điều chỉnh các hoạt động thương mại quốc tế trên thế giới. Trong khi đó, Hoa Kỳ và EU là những thị trường và cũng là những đối tác lớn nhất trong thương mại quốc tế toàn cầu. Pháp luật về chống BPG trong thương mại quốc tế của Hoa Kỳ và EU đều có ảnh hưởng lớn trong thương mại quốc tế và đối với các nước trên thế giới. Mặt khác, đây cũng là hai thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam nơi mà hàng hóa Việt Nam luôn được coi là hàng hóa giá rẻ và thường có nguy cơ bị kiện chống BPG cao. Chính vì vậy việc chọn WTO, Hoa Kỳ và EU sẽ vừa giúp cho luận án có thể tập trung được vào những hệ thống luật lệ cốt lõi nhất và điển hình nhất của pháp luật về chống BPG trong thương mại quốc tế, đồng thời vừa có thể đưa ra được những khuyến nghị hữu ích, trực tiếp nâng cao hiệu quả của công tác xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ và EU.
4. PHƯƠNG PHÁP LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀIDể làm rõ các vấn đề cần nghiên cứu nêu trên, luận án sử dụng kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu khoa học khác nhau, như phương pháp tổng hợp và phân tích, phương pháp thống kê, phương pháp so sánh và đối chiếu, kết hợp nghiên cứu lý luận với thực tiễn . Các phương pháp nghiên cứu trong Luận án được thực hiện trên nền tảng của phương pháp duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của Chủ nghĩa Mác-Lê nin, trên cơ sở các quan điểm, đường lối về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Phương pháp so sánh là phương pháp chủ đạo được sử dụng trong hầu hết các chương của luận án, đặc biệt là Chương 2 khi so sánh các quy định tương ứng của pháp luật WTO, Hoa Kỳ và EU điều chỉnh các lĩnh vực của chống BPG. Tương tự, phương pháp kết hợp nghiên cứu lý luận với thực tiễn cũng được sử dụng xuyên suốt trong toàn bộ nội dung của luận án. Phương pháp tổng hợp và phân tích được sử dụng như những phương pháp bổ trợ cho phương pháp so sánh.
5. MỤC ĐÍCH, NHIỆM VỤ CỦA VIỆC NGHIÊN CỨU ĐỀ TÀI
Nhận thức rõ về tính cấp thiết cũng như tình hình nghiên cứu đề tài, mục đích trực tiếp của luận án được xác định là làm sáng tỏ cơ sở lý luận và nội dung luật thực định của Pháp luật về chống BPG của WTO, Hoa Kỳ và EU, rút ra được những nội dung thống nhất trong Pháp luật về chống BPG chi phối các luồng thương mại quốc tế và xu hướng vận động, phát triển chung của Pháp luật về chống BPG trên quy mô toàn cầu. Trên cơ sở đó, mục đích cuối cùng của đề tài là đưa ra được những khuyến nghị mang tính thực tế và khả thi để giúp cho hàng hóa Việt Nam hạn chế được nguy cơ bị kiện chống BPG khi xuất khẩu sang các nước khác mà trước tiên là Hoa Kỳ và EU.
Thông qua việc nghiên cứu hệ thống luật lệ chống BPG của WTO, Hoa Kỳ và EU, luận án cũng nhằm mục đích đưa ra những khuyến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật và thực tiễn chống BPG hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng đây không phải là một trong số các mục đích chính của luận án như đã nêu ở trên đây. Bởi lẽ thời gian và độ dài của luận án không cho phép đi sâu phân tích và nhận xét về hệ thống pháp luật chống BPG của Việt Nam để rồi từ đó đưa ra được những kiến nghị thật sự toàn diện để hoàn thiện hệ thống pháp luật chống BPG của Việt Nam.
Để thực hiện mục đích trên, luận án đề ra các nhiệm vụ nghiên cứu sau:
- Phân tích, làm rõ những vấn đề lý luận, đặc điểm và nội dung pháp luật thực định về chống BPG của WTO, Hoa Kỳ và EU;
- Phân tích và làm rõ được xu hướng phát triển của pháp luật về chống BPG hiện đại trên phạm vi quốc tế;
- Đề xuất các kiến nghị thực tiễn và mang tính khả thi phù hợp với tình hình hoạt động xuất khẩu của Việt Nam để giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hạn chế được rủi ro bị áp thuế chống BPG.
- Đề xuất các kiến nghị thực tiễn nhằm hoàn thiện pháp luật về chống BPG hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam, tạo sự phát triển bền vững và lâu dài cho các doanh nghiệp trong một môi trường cạnh tranh lành mạnh.
6. NHỮNG KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU MỚI CỦA LUẬN ÁN
Luận án có những đóng góp mới về lý luận và thực tiễn cơ bản như sau:
- Làm rõ được cơ sở lý luận của Pháp luật về chống BPG trong thương mại quốc tế cũng như quá trình và xu hướng phát triển của nó.
- Cung cấp những kiến thức cập nhật về nội dung và bản chất của Pháp luật về chống BPG của WTO, Hoa Kỳ và EU.
- Phân tích và đưa ra những kiến nghị phù hợp để doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam và Chính phủ Việt Nam phòng tránh và ứng phó một cách có hiệu quả các vụ kiện chống BPG tại Hoa Kỳ và EU.
- Phân tích đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật và việc thực thi Pháp luật về chống BPG của Việt Nam từ góc độ kinh nghiệm của Pháp luật về chống BPG và thực thi Pháp luật về chống BPG của Hoa Kỳ và EU.
- Phân tích và đưa ra những kiến nghị để Việt Nam hội nhập một cách chủ động và có hiệu quả hơn vào WTO trong lĩnh vực chống BPG.
7. CẤU TRÚC CỦA LUẬN ÁN
Luận án bao gồm phần mở đầu, nội dung, phần kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, phần phụ lục. Nội dung luận án được bố cục thành ba chương, có kết luận của từng chương:
Chương 1: Các vấn đề lý luận về chống bán phá giá và pháp luật về chống bán phá giá trong thương mại quốc tế.
Chương 2: Pháp luật về chống bán phá giá của WTO, Hoa Kỳ và EU
Chương 3: Thực tiễn chống bán phá giá trong thương mại quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với Việt nam.
200 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3804 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Thực tiễn chống bán phá giá trong thương mại quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với Việt nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
một thị trường là Hoa Kỳ hay EU mà còn nhiều thị trường khác nữa, doanh nghiệp sẽ bớt phụ thuộc vào hai thị trường này. Do đó khi bị áp thuế chống BPG ở hai thị trường này cũng không phải là thảm họa đối với doanh nghiệp. Đây có thể nói là biện pháp khá triệt để và bền vững để đối phó với vấn đề bị kiện chống BPG ở Hoa Kỳ và EU. Thực tế các doanh nghiệp, điển hình là các doanh nghiệp chế biến phi-lê cá tra đông lạnh, đã dần thành công trong việc áp dụng bài học này. Sau khi toàn ngành bị điêu đứng do bị áp thuế chống BPG tại thị trường Hoa Kỳ vào năm 2002, các doanh nghiệp đã quyết định tìm đến những thị trường xuất khẩu khác. Ba tháng sau, sản xuất bắt đầu trở lại bình thường. Sáu tháng sau nhu cầu với nguyên liệu tăng. Chín tháng sau vụ kiện, các doanh nghiệp đã phát triển thêm và có chỗ đứng tại các thị trường chiến lược khác như EU, Nhật Bản .v.v. Sản xuất bắt đầu không đủ phục vụ nhu cầu. Một năm sau vụ kiện, sản lượng tăng gần gấp đôi và có xu hướng tăng liên tục. Bốn năm sau vụ kiện, sản lượng sản xuất cá tra tăng bảy lần, kim ngạch xuất khẩu năm tăng lên hơn 1 tỷ đô la. Cho đến cuối năm 2009, kim ngạch xuất khẩu cá tra vào Hoa Kỳ chỉ còn chiếm 10% tổng sản lượng xuất khẩu. Chính vì vậy khi Hoa Kỳ tuyên bố chọn Philippines làm nước thay thế và quyết định sơ bộ áp thuế chống BPG 100% cho cá tra của Việt Nam, toàn ngành cá tra cho dù hết sức phản đối song vẫn không bị lâm vào tình trạng điêu đứng như thời kỳ 2002 [53,45].
Phương hướng thứ sáu: Các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, chuyển dần từ cạnh tranh chủ yếu dựa trên giá sản phẩm sang cạnh tranh dựa trên chất lượng và uy tín sản phẩm. Thị trường Hoa Kỳ và EU là những thị trường khó tính, song một khi chất lượng và uy tín của sản phẩm được khẳng định thì sản phẩm sẽ có chỗ đứng vững chắc ở hai thị trường này. Nguyên nhân kinh điển của các vụ kiện chống BPG là giá xuất khẩu của sản phẩm thấp. Khi sản phẩm có chất lượng không cao thì giá bán thấp là công cụ cạnh tranh duy nhất. Song, một khi chất lượng và uy tín sản phẩm được khẳng định thì doanh nghiệp sẽ đủ tư thế để không bị đối tác nhập khẩu ép về giá nữa và qua đó giá xuất khẩu sản phẩm sẽ không bị thấp ở mức có thể bị kiện chống BPG nữa.
Phương hướng thứ bảy: Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam cần chuẩn hóa và duy trì hệ thống sổ sách kế toán minh bạch, theo tiêu chuẩn quốc tế. Lưu giữ tất cả các văn bản, dữ liệu trong quá trình hoạt động và quản trị công ty để làm bằng chứng chứng minh không BPG hoặc chứng minh có đủ tiêu chuẩn hưởng quy chế thị trường. Đây cần phải trở thành công việc được thực hiện thường xuyên, hàng ngày, theo sát với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Như đã đề cập, quá trình theo kiện chống BPG tại cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ và EU cũng giống như quá trình theo kiện tại tòa án: thủ tục tố tụng mang tính chất tranh tụng và khả năng chứng minh của chính bản thân đương sự là vô cùng quan trọng. Hai thị trường này cũng là nơi giới doanh nghiệp có văn hóa kinh tế thị trường và truyền thống giải quyết tranh chấp theo kiểu tranh tụng rất lâu đời và chuyên nghiệp. Nếu không có sự chuẩn bị cơ sở lưu trữ, thống kê từ trước thì doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chắc chắn sẽ rơi vào thế bất lợi khi theo kiện với các doanh nghiệp bản địa. Cũng cần lưu ý rằng trong bối cảnh Việt Nam chưa được công nhận có nền kinh tế thị trường thì doanh nghiệp càng minh bạch bao nhiêu càng có cơ hội có được quy chế thị trường cá nhân bấy nhiêu. Nếu sổ sách không minh bạch, quá trình khai báo thông tin sẽ dễ bị đánh giá là gian dối và như vậy sẽ bị rất bất lợi do khi đó cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu sẽ chuyển hoàn toàn sang phương án mà ngành sản xuất nội địa đề xuất.
3.4.2. Giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó với vấn đề chống bán phá giá đối với hàng hóa của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ và EU
Các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó với vấn đề chống BPG của Việt nam tại thị trường Hoa Kỳ và EU có thể được chia thành hai nhóm: các giải pháp nhằm hạn chế khả năng bị kiện và các giải pháp nhằm giảm thiểu tổn thất khi đã bị kiện.
Các giải pháp nhằm hạn chế khả năng bị kiện:
Giải pháp thứ nhất: Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện và mở rộng hệ thống cảnh báo sớm đối với nguy cơ bị kiện chống BPG ở các thị trường xuất khẩu. Trước khi mỗi vụ kiện xảy ra bao giờ cũng có những dấu hiệu trong nền kinh tế của nước nhập khẩu báo hiệu có thể có kiện chống BPG, ví dụ như thông tin về các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất nội địa gặp khó khăn, các doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, chênh lệch giá giữa sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam với sản phẩm nội địa quá lớn .v.v. Những dấu hiệu đó thông thường rất dễ nhận biết nếu quan tâm theo dõi. Phát hiện, phân tích và dự báo từ những dấu hiệu này có thể giúp đưa ra khuyến nghị mang tính chất cảnh báo cho doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam để tránh tình trạng đẩy thực tiễn BPG của mình đi quá xa có thể dẫn tới bị kiện chống BPG. Những dự báo sớm và chính xác cũng có thể giúp doanh nghiệp chủ động hơn khi vụ kiện chống BPG xảy ra. Vì vậy việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống cảnh báo sớm đối với nguy cơ bị kiện chống BPG là hoàn toàn cần thiết. Chỉ có nhà nước mới có đủ nguồn lực thực hiện công việc này một cách có hiệu quả. Hiện nay Cục quản lý cạnh tranh Bộ Công thương đang chủ trì xây dựng đề án cảnh báo sớm trong đó Hoa Kỳ và EU là hai thị trường được chú trọng đầu tiên. Để hệ thống cảnh báo hoạt động hiệu quả, vấn đề thông tin về thị trường xuất khẩu là vấn đề mấu chốt. Hệ thống cảnh báo cần phải liên kết được với các thương vụ và tham tán thương mại của Việt Nam ở Hoa Kỳ và EU để thu thập thông tin. Sau đó thông tin cần được phân tích bởi các nhà tư vấn chuyên nghiệp để dự báo đưa ra được chính xác và có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam giảm được nguy cơ bị kiện chống BPG một cách hiệu quả nhất [47,53].
Giải pháp thứ hai: Tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tương tự trong nước và cả nước ngoài nhằm tìm kiếm liên minh tạo vị thế đàm phán giá xuất khẩu với đối tác nhập khẩu, qua đó đối phó hiệu quả với vấn đề chống BPG. Trong vấn đề chống BPG luôn có hai mặt trận. Mặt trận thứ nhất rất dễ nhận ra và thường xuyên được nói đến, diễn ra giữa một bên là doanh nghiệp xuất khẩu và một bên là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tương tự của nước nhập khẩu. Đây là mặt trận chính. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn mặt trận thứ hai nữa diễn ra giữa các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp nhập khẩu của nước nhập khẩu. Ở mặt trận này, doanh nghiệp nhập khẩu luôn muốn ép doanh nghiệp xuất khẩu phải bán sản phẩm với giá thấp nhất để họ thu lời một cách cao nhất. Thực chất, chính kết quả của mặt trận này là lý do xảy ra mặt trận thứ nhất. Vì vậy, giải quyết tốt mặt trận thứ hai là cách ngăn ngừa các vụ kiện chống BPG một cách triệt để nhất. Vấn đề chống BPG chỉ phát sinh khi giá xuất khẩu của hàng hóa quá thấp. Vậy cách triệt để nhất để tránh bị kiện BPG là không bán hàng hóa với giá quá thấp nữa. Một trong những giải pháp có thể thực hiện được là khảo sát kỹ mức giá sản phẩm tương tự ở thị trường xuất khẩu để đưa ra mức giá xuất khẩu hợp lý nhất, làm sao không quá thấp để tránh có thể bị kiện chống BPG. Tất nhiên, đối với điều này, thực hiện được là không đơn giản. Một doanh nghiệp đơn lẻ chắc chắn không thể làm được như vậy vì doanh nghiệp nhập khẩu luôn muốn mua với giá càng thấp càng tốt và họ luôn có những lựa chọn là những nhà cung cấp khác để mua. Vì vậy, doanh nghiệp có thể khởi xướng việc liên kết với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tương tự ở Việt Nam hay cả ở các nước khác nữa để cùng nhau điều tiết mức giá theo nguyên tắc tất cả các bên cùng có lợi và không để giá xuất khẩu ở mức quá thấp để có thể bị kiện chống BPG. Đây là giải pháp có thể áp dụng ngay cả khi hàng hóa của Việt Nam vẫn chỉ dựa vào cạnh tranh bằng giá rẻ là chủ yếu.
Các giải pháp nhằm giảm thiểu tổn thất khi đã bị kiện:
Thực hiện hai giải pháp trên có thể giúp doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tránh bị kiện chống BPG ở thị trường Hoa Kỳ và EU. Tuy nhiên, những giải pháp đó sẽ không có tác dụng một khi doanh nghiệp vẫn bị kiện. Các giải pháp sau có thể giúp doanh nghiệp giảm thiểu tổn thất khi đã bị kiện.
Thứ nhất, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, thông qua hiệp hội đại diện của mình, cần xây dựng cho mình một chiến lược ứng phó với các vụ kiện chống BPG một khi các vụ kiện đó xảy ra. Những phân tích ở Chương II trên đây cho thấy rất rõ quá trình kiện chống BPG theo quy định của WTO cũng như pháp luật của Hoa Kỳ và EU đều tiến hành theo một quy trình gồm những giai đoạn khác nhau. Mỗi giai đoạn trong quy trình này có một nhiệm vụ và nội dung công việc cần làm khác nhau. Vì vậy các doanh nghiệp cần có một chiến lược đối phó phân định ra được mục tiêu tranh tụng của từng giai đoạn là gì và chiến thuật cụ thể để đạt được mục tiêu trong từng giai đoạn, được như vậy thì việc đối phó với các vụ kiện chống BPG của chúng ta sẽ hiệu quả hơn. Ví dụ khi đơn kiện mới được nộp cho cơ quan có thẩm quyền thì cần áp dụng các biện pháp vận động hành lang để thuyết phục cơ quan có thẩm quyền rằng hiển nhiên không có hành vi BPG hoặc có hành vi BPG nhưng số lượng rất nhỏ, dưới tỷ lệ tối thiểu 2% hoặc thị phần của sản phẩm nhập khẩu rất nhỏ, dưới tỷ lệ được coi là đáng kể của pháp luật nước sở tại. Khi đã bị coi là có BPG gây hại thì cần tranh tụng theo hướng chứng minh không nên áp dụng biện pháp tạm thời, căn cứ vào những lý do như sản phẩm nhập khẩu chưa gây thiệt hại vật chất cho ngành sản xuất trong nước. Khi khả năng bị áp thuế chống BPG là khó tránh khỏi thì cần vận động để mức thuế là thấp nhất có thể. Lúc này điều cần làm là vận động những doanh nghiệp nhập khẩu nội địa tác động, gây sức ép tới cơ quan có thẩm quyền để có được mức thuế chống BPG hợp lý nhất.
Chỉ khi nào có được một chiến lược đúng đắn thì công tác đối phó với các vụ kiện chống BPG mới tập trung được vào đúng vấn đề trọng tâm và những công việc cần phải làm, tránh lạc đề vào những nội dung không đem lại hiệu quả. Trong một số vụ kiện thời gian vừa qua như vụ BPG tôm, cá basa, các cơ quan thông tin đại chúng của Việt Nam thường chú trọng vào việc giải thích nguyên nhân tại sao giá xuất khẩu của những mặt hàng đó lại rẻ như vậy, ví dụ do lợi thế tự nhiên, nhân công lao động rẻ .v.v. Chúng ta cũng hay lên án nước nhập khẩu áp thuế BPG sẽ làm cho doanh thu trong nước giảm, hàng chục ngàn lao động Việt Nam mất việc .v.v. Những nội dung này tuy đúng, song phần nào đó là lạc đề. Bởi vì cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ không bao giờ quan tâm tới việc tại sao hàng hóa lại rẻ và liệu nền kinh tế nước xuất khẩu sẽ bị thiệt hại như thế nào. Khi điều tra chống BPG, cơ quan có thẩm quyền chỉ quan tâm tới một điều là những yếu tố nào đã cấu thành nên giá và từ đó giá thông thường sẽ là như thế nào. Còn về động cơ thì bản chất của kiện chống BPG đã cho thấy rằng động cơ của cơ quan có thẩm quyền là bảo hộ nền sản xuất trong nước chứ không phải là đi tìm sự công bằng cho doanh nghiệp xuất khẩu. Vì vậy, điều nên làm là cung cấp mọi thông tin một cách minh bạch, có cơ sở rõ ràng và đưa ra lập luận, quan điểm mỗi khi có yêu cầu chứ không phải là lên án bản chất bảo hộ của Pháp luật về chống BPG của nước nhập khẩu.
Thứ hai, cần chuẩn bị tốt cho tình huống phải đề xuất nước thay thế để tính biên độ BPG. Hiện nay Hoa Kỳ và EU vẫn chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Do vậy, trong quá trình kiện chống BPG luôn có công đoạn các bên phải đề xuất nước thay thế của nước xuất khẩu. Trong trường hợp này điều doanh nghiệp Việt Nam cần làm là (1) đưa ra lập luận phản bác lựa chọn nước thay thế của nước nhập khẩu (thường là do ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu đưa ra); (2) đề xuất nước mới và thuyết phục áp dụng nước mới bằng những lập luận vững chắc. Phục vụ mục đích này, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động thu thập và lưu trữ các thông số về các nước khác ngay cả khi chưa đối mặt với nguy cơ bị kiện. Mục đích là dự phòng trường hợp cần dùng tới. Nếu chỉ đợi đến khi bị kiện mới tiến hành thu thập số liệu thì sẽ không kịp bởi vì EU và đặc biệt là Hoa Kỳ chỉ cho các bên trong vụ kiện một thời hạn rất ngắn để cung cấp thông tin và đưa ra lập luận. Thời điểm muộn nhất để quan tâm tới việc thu thập thông tin dạng này là khi bắt đầu có cảnh báo nguy cơ bị kiện chống BPG. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên lưu tâm tới việc thuê chuyên gia hoặc công ty tư vấn độc lập tiến hành khảo sát thu thập số liệu về thị trường các nước có ngành sản xuất với trình độ tương tự. Kết quả điều tra của các công ty tư vấn độc lập luôn có tính thuyết phục cao đối với các cơ quan có thẩm quyền ở Hoa Kỳ và EU. Cần hết sức tránh trường hợp để bên nguyên thuyết phục được cơ quan có thẩm quyền chọn nước thay thế theo đề xuất của họ. Bởi vì khi đó khả năng bị áp thuế chống BPG cao là rất lớn. Trường hợp Hoa Kỳ lấy Philippines làm nước thay thế để tính thuế chống BPG cho sản phẩm phi-lê cá tra đông lạnh thời gian vừa qua là minh chứng điển hình.
Thứ ba, các doanh nghiệp Việt Nam trong một ngành sản xuất cần liên kết lại với nhau thành các hiệp hội vừa hỗ trợ cho sự phát triển chung, vừa tương trợ cho nhau trong các vụ kiện chống BPG. Đây là điều hết sức cần thiết bởi vì các vụ kiện chống BPG ở nước ngoài thường rất tốn kém, doanh nghiệp ở nước xuất khẩu cũng thường bị kiện với số lượng lớn, có khi là cả ngành sản xuất nội địa, đặc biệt là đối với nước đang phát triển hướng vào xuất khẩu như Việt Nam. Sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cũng giúp chia sẻ thông tin về chống BPG giữa các doanh nghiệp, giúp định hướng đối phó với những rủi ro có thể bị kiện chống BPG. Trong thực tiễn chống BPG của Việt Nam thời gian vừa qua đã có những hiệp hội doanh nghiệp thể hiện tốt vai trò của mình, ví dụ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP). Tuy nhiên, trong phần lớn các vụ kiện khác, khi doanh nghiệp Việt Nam bị kiện đại diện cho những ngành sản xuất nhỏ hơn, thì vai trò của các hiệp hội chưa thể hiện được rõ.
Thứ tư, các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức quan tâm tới yếu tố vận động hành lang, tìm kiếm sự ủng hộ của các tổ chức phi chính phủ, các chính khách để tác động lên các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực chống BPG ở nước nhập khẩu, đặc biệt là Hoa Kỳ. Bộ Thương mại và Ủy ban Thương mại quốc tế của Hoa Kỳ hay Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu đều là những cơ quan hành chính nhà nước, không phải cơ quan tư pháp. Mục tiêu hoạt động của họ luôn là bảo hộ kinh tế nội địa. Tuy nhiên, là những cơ quan hành chính họ cũng phải chịu sức ép chính trị, tức là sức ép từ lợi ích của các nhóm trong lãnh thổ của họ bị xâm phạm nếu áp dụng biện pháp chống BPG. Trong một vụ kiện BPG một bên luôn là ngành sản xuất trong nước, còn bên còn lại là doanh nghiệp xuất khẩu và cả doanh nghiệp nhập khẩu, nhiều khi là hiệp hội doanh nghiệp nhập khẩu. Chính các doanh nghiệp nhập khẩu cũng là bộ phận của kinh tế Hoa Kỳ. Kiện chống BPG cũng ảnh hưởng tới lợi ích của họ và của khách hàng của họ, tức là của người tiêu dùng. Vì vậy có cơ sở chính đáng để doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vận động và kết hợp với các doanh nghiệp nhập khẩu, các tổ chức hiệp hội người tiêu dùng tác động lên các cơ quan có thẩm quyền thông qua vận động hành lang. Vụ kiện tôm ở Hoa Kỳ năm 2007 là một ví dụ điển hình. Trong vụ kiện này, tuy ngành công nghiệp nuôi tôm của Việt Nam bị thiệt hại không nhỏ song mức thuế chống BPG bình quân cho Việt Nam khi đó chỉ là 4,57%. Trong khi đó mức thuế dành cho Thái Lan và Ấn Độ, hai nền kinh tế được Hoa Kỳ công nhận là kinh tế thị trường, phải chịu mức thuế lần lượt là 5,95% và 10,17%. Trong cùng vụ kiện này, ngành công nghiệp nuôi tôm của Trung quốc phải chịu mức thuế từ 27% tới 113%. Một trong những nguyên nhân đằng sau thành công đạt được mức thuế chống BPG thấp cho tôm Việt Nam là doanh nghiệp nuôi tôm Việt Nam đã biết tìm kiếm sự ủng hộ của các tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội người tiêu dùng và đặc biệt là đã biết sử dụng vận động hành lang để vận động các chính khách Hoa Kỳ tác động tới quyết định cuối cùng của Bộ Thương mại nước này [53].
Thứ năm, Nhà nước Việt Nam cần sẵn sàng sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO để kiện những quy định và quyết định sai trái của Hoa Kỳ và EU, đặc biệt là Hoa Kỳ. Nếu như thực tiễn chống BPG của chúng ta cả ở trong nước và quốc tế vẫn còn ít thì thực tiễn chống BPG ở Hoa Kỳ và EU đã có lịch sử lâu dài và rất phong phú. Các biện pháp, các cách thức đối phó với BPG đã được Hoa Kỳ và EU áp dụng rất nhuần nhuyễn trong nhiều thập kỷ qua. Phần lớn các biện pháp, cách thức áp dụng là phù hợp với quy định của WTO, trong khi đó có không ít biện pháp, cách thức không phù hợp và đã bị nhiều nước kiện ra WTO. Đối với Việt Nam là một nước mới, ít kinh nghiệm, chắc chắn Hoa Kỳ và EU sẽ áp dụng tất cả những cách thức, biện pháp mà họ đã từng có kể cả những cách thức, biện pháp đã từng bị tuyên trái với luật lệ của WTO. Vì vậy, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm nước khác từ những vụ việc mà họ đã khởi kiện thành công Hoa Kỳ và EU và sẵn sàng khởi kiện những vụ tương tự xảy đến với hàng hóa của Việt Nam. Chỉ có như vậy thì các cơ quan có thẩm quyền ở hai thị trường này mới biết rằng chúng ta cũng am hiểu pháp luật thương mại quốc tế và sẵn sàng sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO để kiện những quyết định, quy định rõ ràng là trái với luật lệ của WTO, bảo vệ lợi ích của mình. Đầu năm 2010, theo đề nghị của VASEP, Chính phủ Việt Nam đã kiện Hoa Kỳ ra WTO vì đã áp dụng những cách thức trái với pháp luật của WTO để chống BPG đối với sản phẩm tôm của Việt Nam. Trong vụ kiện này, Việt Nam dự định kiện Hoa Kỳ về ba vấn đề:
- Phương pháp quy về 0: đây là phương pháp đã bị cấm theo pháp luật của WTO song Hoa Kỳ vẫn đem ra áp dụng với Việt Nam do Việt Nam là nước mới trong WTO. Hoa Kỳ đã từng bị nhiều nước kiện ra WTO vì áp dụng phương pháp này và đã bị thua kiện.
- Phương pháp ký quỹ liên tục: phương pháp này yêu cầu nhà nhập khẩu phải đặt cọc toàn bộ số tiền tương ứng với thuế chống BPG tạm tính trong cả năm ngay từ đầu năm. Điều này là hết sức phi lý bởi vì như trên đã phân tích Hoa Kỳ áp dụng phương pháp tính thuế sau, có nghĩa là đến cuối năm mới xác định mức thuế suất và mức thuế đóng chính xác dựa trên số liệu xuất khẩu của doanh nghiệp bị kiện trong cả năm đó. Điều này có nghĩa rằng khi tính toán vào cuối năm, doanh nghiệp bị kiện rất có thể không còn BPG nữa, lúc đó thuế suất thuế chống BPG sẽ bằng 0 và doanh nghiệp không phải đóng thuế chống BPG. Việc yêu cầu ký quỹ trước khi tính thuế của Hoa Kỳ vì vậy là một hình thức chiếm dụng vốn và hết sức phi lý. Ấn Độ và Thái Lan đã từng kiện Hoa Kỳ lên WTO về vấn đề này và đã thắng kiện.
- Phương pháp xác định thuế suất chống BPG trên toàn quốc và thuế suất cho các đơn vị tự nguyện không được lựa chọn điều tra: đây cũng là phương pháp tính đã từng bị coi là trái luật lệ của WTO.
Các vấn đề Việt Nam chọn để kiện Hoa Kỳ đã từng được một số nước đưa ra kiện Hoa Kỳ và đã thành công. Đầu tháng 3 năm 2010, Việt Nam đã gửi yêu cầu tham vấn chính thức tới Hoa Kỳ để thảo luận về các vấn đề của vụ kiện. Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico, Thái Lan và EU cũng đã yêu cầu tham dự cùng với Việt Nam với tư cách là bên thứ ba. Cuối tháng 3 năm 2010, phiên tham vấn chính thức trong khuôn khổ WTO giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về vụ kiện này đã được tiến hành ở Geneva (Thụy Sĩ) và Hoa Kỳ đã không công nhận các phương pháp tính của mình là trái pháp luật WTO. Sau đó, thủ tục giải quyết tranh chấp của WTO đối với vụ kiện này đã chính thức được khởi động và ngày 15/12/2010 phiên điều trần thứ hai đã được tiến hành. Cuối cùng ngày 11/7/2011, WTO đã ra phán quyết ủng hộ hai trong ba nội dung khiếu kiện của Việt Nam, trong đó có nội dung về phương pháp “Quy về 0”. Việc Việt Nam chủ động khởi kiện Hoa Kỳ ra WTO như vụ kiện tôm này là một việc làm đúng và rất đáng khích lệ trong quá trình Việt Nam hội nhập sâu hơn trong khuôn khổ WTO.
Thứ sáu, từng doanh nghiệp khi bị kiện BPG ở thị trường EU cần lưu ý tới khả năng được hưởng quy chế kinh tế thị trường cá nhân. Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam vẫn chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường, song quy định của EU vẫn cho phép các doanh nghiệp có thể chứng minh và qua đó được công nhận quy chế kinh tế thị trường. Mà vấn đề kinh tế thị trường hay phi thị trường cũng chính là vấn đề mức thuế chống BPG thấp hay cao. Vì vậy, các doanh nghiệp cần hết sức lưu ý tới những tiêu chí mà EU sử dụng để xác định quy chế kinh tế thị trường cho doanh nghiệp như phân tích trên đây. Về cơ bản, doanh nghiệp cần phải chứng minh được rằng việc bán hàng được thực hiện dựa trên cơ sở tự do thỏa thuận; doanh nghiệp hoạt động độc lập, không chịu sự can thiệp của nhà nước; tỷ giá chuyển đổi được doanh nghiệp sử dụng theo tỷ giá thị trường; nếu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì lợi nhuận hoặc vốn được tự do chuyển về nước của nhà đầu tư.
Thứ bảy, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý tới yếu tố lợi ích công cộng để giành thuận lợi cho mình trong các vụ kiện chống BPG ở EU. Như đã đề cập, pháp luật về chống BPG của EU khác với Hoa Kỳ ở chỗ coi lợi ích công cộng như một yếu tố phải tính đến khi quyết định áp dụng thuế chống BPG. EU sẽ không áp dụng biện pháp chống BPG nếu nó đi ngược lại với lợi ích công cộng. Do đó, sẽ có những trường hợp doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được yếu tố này. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tuy có hàm lượng tri thức không cao nhưng lại có một đặc điểm là đối tượng khách hàng là đông đảo người tiêu dùng. Do đó khả năng lập luận trên cơ sở lợi ích người tiêu dùng để thuyết phục UBCA không áp dụng thuế chống BPG là có thể xảy ra trong một số vụ kiện. Ví dụ, vụ giầy mũ da của Việt Nam đã bị áp thuế chống BPG trong thời hạn hai năm kể từ 2007. Sau đó thuế chống BPG lại được quyết định sơ bộ gia hạn 15 tháng nữa. Không chỉ doanh nghiệp giầy da của Việt Nam mà cả các hiệp hội nhập khẩu và bán lẻ của EU đều phản đối quyết định này, cho rằng quyết định đó đi ngược lại với lợi ích cộng đồng. Nếu tập trung vào điểm này, có thể doanh nghiệp Việt Nam sẽ thuyết phục được UBCA không gia hạn thuế chống BPG đối với giày mũ da [44].
3.5. Những vấn đề Việt Nam có thể đề xuất trong Vòng đàm phán Doha liên quan tới luật lệ của WTO về chống bán phá giá
Việt Nam mới gia nhập WTO chưa lâu, song chắc chắn sẽ ngày càng phải tham gia sâu hơn vào thương mại quốc tế. Việc chủ động hơn trong hội nhập quốc tế sẽ làm cho quá trình hội nhập của Việt Nam ngày càng hiệu quả hơn. Trong lĩnh vực chống BPG cũng vậy. Đây là lĩnh vực đã được hình thành từ lâu trong hệ thống thể chế của WTO, Tuy nhiên, nó cũng là lĩnh vực còn đang tiếp tục phát triển. Nắm bắt được những điểm bất cập hiện tại của luật lệ quốc tế về vấn đề này và xu hướng phát triển cần phải có của luật lệ quốc tế về chống BPG sẽ giúp cho Việt Nam có thể ngày càng khẳng định vị thế của mình trong WTO, tăng cường hơn sự chủ động trong hội nhập quốc tế. Qua trình bày trên đây có thể nhận thấy một số xu hướng tích cực mà Việt Nam nên cổ vũ cho sự phát triển của luật lệ chống BPG trong thương mại quốc tế trong thời gian tới như:
- Sự phát triển của Pháp luật về chống BPG nói chung và luật lệ chống BPG của WTO cần được xác định theo xu hướng nhập với pháp luật về cạnh tranh. Đây là xu hướng phát triển vừa là tất yếu, vừa là cần thiết. Chỉ khi hướng theo sự phát triển của pháp luật canh tranh thì tính công bằng của Pháp luật về chống BPG mới được nâng lên và tính bảo hộ của nó mới dần mất đi. Cũng chỉ theo định hướng này thì Pháp luật về chống BPG mới góp phần xây dựng được môi trường kinh doanh lành mạnh và công bằng chung trên phạm vi quốc tế, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa.
- Việc pháp luật EU coi lợi ích công cộng như một điều kiện áp dụng thuế chống BPG là một xu hướng tiến bộ. Xu hướng này sẽ làm bớt đi tính chất bảo hộ bó hẹp trong phạm vi các doanh nghiệp, các nhà tư bản của luật lệ chống BPG hiện hành của WTO. Nếu Pháp luật về chống BPG được áp dụng vì lợi ích công cộng thì bản chất của Pháp luật về chống BPG cũng sẽ trở nên tiến bộ hơn, ưu việt hơn. Chính vì vậy, trong tương lai, lợi ích công cộng cần được đưa vào luật lệ của WTO như một điều kiện quyết định áp dụng biện pháp chống BPG, tương tự như pháp luật EU hiện giờ.
- Các quy định của WTO về tiêu chí xác định mối quan hệ nhân quả giữa BPG và thiệt hại gây ra cho ngành sản xuất nội địa cần được quy định cụ thể hơn. Hiện tại, mối quan hệ nhân quả này được coi là một trong ba điều kiện để áp dụng biện pháp chống BPG. Tuy nhiên, luật lệ hiện hành của WTO chưa quy định cụ thể về tiêu chí mà các nước thành viên cần tuân thủ khi xác định mối quan hệ đó. Vì vậy mà trong thực tiễn tồn tại quy tắc “song hành” để xác định mối quan hệ nhân quả giữa BPG và thiệt hại vật chất. Như đã trình bày ở Chương 2, đây là quy tắc không hợp lý. Theo quy tắc này, thay vì yêu cầu bên nguyên đơn phải chứng minh có mối quan hệ nhân quả dựa trên giả định không có mối quan hệ này thì trên thực tế cơ quan có thẩm quyền đó sẽ yêu cầu bị đơn chứng minh không có mối quan hệ nhân quả dựa trên giả định là đã tồn tại mối quan hệ đó. Đây là nhược điểm cần được khắc phục trong quá trình phát triển của luật lệ của WTO về chống BPG.
- Cần quy định cụ thể trong luật lệ của WTO về các tiêu chí xác định nước thay thế trong trường hợp nước xuất khẩu không được công nhận có nền kinh tế thị trường. Luật lệ hiện hành của WTO về vấn đề này rất chung chung, dẫn tới tình trạng các nước, như Hoa Kỳ và EU, rất tùy tiện trong việc chọn nước thay thế và doanh nghiệp xuất khẩu bị áp mức thuế chống BPG cao một cách vô lý. Trường hợp gần đây ngành nuôi cá tra nhỏ bé của Philippines được Hoa Kỳ chọn thay thế cho ngành công nghiệp nuôi cá tra của Việt Nam dẫn tới mức thuế chống BPG quá cao là một ví dụ điển hình. Chỉ khi nào luật lệ của WTO quy định một cách cụ thể về các tiêu chí xác định nước thay thế thì tình trạng bất công đối với doanh nghiệp xuất khẩu như trên mới có thể được chấp dứt.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 3
1. Chống BPG vẫn còn đang là một lĩnh vực rất mới của pháp luật Việt Nam. Văn bản đầu tiên điều chỉnh về chống BPG ra đời mới được năm năm. Bối cảnh ra đời của pháp luật hiện hành về chống BPG của Việt Nam cũng cho thấy nó chịu ảnh hưởng nhiều từ nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế hơn là nhu cầu tự thân. Chính vì vậy Pháp luật về chống BPG hiện hành của Việt Nam chưa thể hiện được vai trò của mình trong thực tiễn. Nguyên nhân này cùng với một số nguyên nhân khác nữa đã góp phần làm cho thực tiễn về chống BPG ở Việt Nam trong thời gian qua chưa được phong phú.
2. Pháp luật nội dung về chống BPG của Việt Nam chủ yếu tập trung trong hai văn bản là Pháp lệnh chống BPG và Nghị định số 90/2005/NĐ-CP cụ thể hóa pháp lệnh, các văn bản quy phạm pháp luật khác đều chỉ quy định mang tính ghi nhận về thuế chống BPG. Các quy định của pháp luật Việt Nam còn khá chung chung và thiếu những quy định cụ thể giúp các doanh nghiệp có thể áp dụng được một cách trực tiếp và ngay lập tức.
3. Thực tiễn chống BPG ở Việt nam hiện nay có một sự thật là chưa từng có một vụ việc nào được khởi kiện và giải quyết, song điều đó không có nghĩa là không có hiện tượng BPG ở Việt Nam. Thực tiễn đó có thể có nhiều nguyên nhân từ phía luật pháp như pháp luật thực định chưa phát triển, còn thiếu cụ thể...và các nguyên nhân ngoài pháp luật như sự nhận thức của doanh nghiệp còn hạn chế, các thiết chế chống BPG đã được thành lập, song hoạt động thụ động, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, vai trò của các hiệp hội sản xuất nội địa trong việc đại diện cho lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất nội địa còn quá thấp...
4. Trái với thực tiễn chống BPG hàng hóa nước ngoài ở Việt Nam, thực tiễn chống BPG hàng hóa của Việt Nam ở thị trường Hoa Kỳ và EU lại vô cùng phức tạp và phong phú. Số vụ kiện ngày càng nhiều, tần suất các vụ kiện diễn ra khá dày đặc, quy mô của các vụ kiện đều lớn, tỷ lệ bị áp dụng thuế chống BPG cao, mức thuế cũng rất cao, tỉ lệ bị gia hạn thời gian áp thuế cao, xu hướng được dự báo về việc hàng hóa bị kiện trong thời gian sắp tới sẽ tiếp tục tăng lên. Khi tham gia các vụ kiện vị thế của doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thường thấp do rơi vào thế bất lợi khi bị lấy nước thứ ba làm nước thay thế. Trong khi đó cả nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam nói chung còn rất thiếu kinh nghiệm tranh tụng thương mại quốc tế. Nguyên nhân của thực trạng này có nhiều như hàng hóa của Việt Nam có giá rẻ, tính cạnh tranh cao, xu hướng bảo hộ thương mại trên thế giới ngày càng tăng.
5. Phương hướng hoàn thiện pháp luật và thực thi Pháp luật về chống BPG của Việt Nam là cần tiến hành tuyên truyền phổ biến Pháp luật về chống BPG rộng rãi để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhận thức được rõ bản chất của Pháp luật về chống BPG của Việt Nam và sử dụng nó như công cụ bảo vệ lợi ích của mình trong bối cảnh kinh tế hội nhập; cần xây dựng các hiệp hội để đại diện và bảo vệ lợi ích của ngành sản xuất của mình trên thị trường trong nước; cần chuẩn bị các thiết chế đủ mạnh để thụ lý và giải quyết một cách thuyết phục các vụ kiện chống BPG ở Việt Nam.
6. Cần thực hiện đồng bộ nhiều phương hướng và giải pháp để hạn chế bớt khả năng bị kiện chống BPG ở Hoa Kỳ và EU cũng như giảm thiểu thiệt hại một khi các vụ kiện chống BPG đã xảy ra. Trong số đó cần lưu ý tới một số phương hướng và giải pháp cơ bản sau đây:
Về phía nhà nước: cần phải có chiến lược đối phó với vấn đề chống BPG trong thương mại quốc tế nói chung và ở thị trường Hoa Kỳ và EU nói riêng; chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng pháp luật cho doanh nghiệp, và giảm bớt sự tham gia trực tiếp vào các vụ kiện chống BPG tại các thị trường nước ngoài.
Đối với doanh nghiệp: trước hết nên đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sản phẩm của mình, cần nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa chuyển dần từ cạnh tranh chủ yếu dựa trên giá rẻ sang cạnh tranh dựa trên chất lượng và uy tín sản phẩm, cần chuẩn hóa và duy trì hệ thống sổ sách kế toán minh bạch, theo tiêu chuẩn quốc tế...
7. Các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả đối phó với vấn đề chống BPG của Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ và EU: Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện và mở rộng hệ thống cảnh báo sớm đối với nguy cơ bị kiện chống BPG ở các thị trường xuất khẩu, tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm tìm kiếm liên minh tạo vị thế đàm phán giá xuất khẩu với đối tác nhập khẩu. Các doanh nghiệp xuất khẩu thông qua hiệp hội đại diện của mình, cần xây dựng cho mình một chiến lược ứng phó với các vụ kiện chống BPG một khi các vụ kiện đó xảy ra, cần chuẩn bị tốt cho tình huống phải đề xuất nước thay thế để tính biên độ BPG, cần hết sức quan tâm tới yếu tố vận động hành lang, tìm kiếm sự ủng hộ của các tổ chức phi chính phủ, các chính khách để tác động lên các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực chống BPG ở nước nhập khẩu và cuối cùng, Nhà nước Việt Nam cần sẵn sàng sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO để khởi kiện những quy định và quyết định sai trái của Hoa Kỳ và EU.
KẾT LUẬN
1. BPG là một thực tiễn thương mại có lịch sử lâu đời. BPG có thể có tác động tích cực hoặc tiêu cực đối với nền kinh tế nước nhập khẩu. Tuy nhiên, chống BPG mà trực tiếp nhất là Pháp luật về chống BPG luôn mang bản chất bảo hộ nền sản xuất nội địa của nước nhập khẩu. Điều này gắn liền với xu hướng bảo hộ kinh tế nội địa khi các nước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Các biện pháp chống BPG, Pháp luật về chống BPG luôn xem trọng lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất thuộc ngành sản xuất nội địa nước mình hơn là lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu, thậm chí kể cả lợi ích của người tiêu dùng của nước nhập khẩu. Pháp luật của Hoa Kỳ và EU đều thể hiện rõ điều này qua các quy định của mình.
2. Quy trình điều tra và áp dụng thuế chống BPG theo luật lệ của WTO, Hoa Kỳ và EU đều rất phức tạp. Mỗi quy trình đều phải trải qua các công đoạn như: điều tra xác minh việc BPG, xác định thiệt hại vật chất xảy ra đối với ngành sản xuất nội địa, mối quan hệ nhân quả giữa hai yếu tố đó, xác định các biện pháp chống BPG, rà soát thuế chống BPG. Mỗi công đoạn đều có rất nhiều yêu cầu pháp lý và thực tiễn mang tính kỹ thuật cao đòi hỏi các bên phải luôn theo sát và bỏ rất nhiều công sức để tham gia vào các quá trình đó thì mới có thể bảo vệ được lợi ích của mình.
3. Mặc dù về cơ bản được xây dựng phù hợp với luật lệ WTO song pháp luật Hoa Kỳ và EU vẫn có những nội dung nhất định chưa phù hợp với nội dung và tinh thần quy định của WTO. Nguyên nhân căn bản là Pháp luật về chống BPG của Hoa Kỳ và EU vẫn còn tinh thần bảo hộ rất cao. Trong đó, pháp luật của Hoa Kỳ mang tính bảo hộ nặng nề hơn rất nhiều. Pháp luật EU tuy cũng mang tính chất bảo hộ và có nhiều quy định phức tạp về mặt kỹ thuật nhưng nhìn chung được áp dụng một cách linh hoạt hơn và có nhiều yếu tố mà các doanh nghiệp xuất khẩu có thể sử dụng theo cách có lợi cho mình khi bị kiện chống BPG.
4. Chống BPG vẫn còn đang là một lĩnh vực rất mới của pháp luật Việt Nam. Pháp luật về chống BPG hiện hành của Việt Nam chưa thể hiện được vai trò của mình trong thực tiễn. Thực tiễn về chống BPG ở Việt Nam trong thời gian qua chưa được phong phú. Trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phải đối mặt với nhiều vụ kiện chống BPG ở các thị trường xuất khẩu, trong đó hai thị trường chủ chốt là Hoa Kỳ và EU.
5. Để Pháp luật về chống BPG của Việt Nam thực sự phát huy được vai trò của mình trong việc bảo hộ sản xuất trong nước, qua đó tạo điều kiện cho các ngành sản xuất trong nước phát triển một cách nhanh chóng và vững mạnh nhà nước cần tổng kết, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chống BPG hiện có theo hướng cụ thể hơn, gần gũi hơn với thực tiễn kinh doanh của các doanh nghiệp, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về Pháp luật về chống BPG của Việt Nam.
6. Để nâng cao hiệu quả ứng phó với vấn đề bị kiện chống BPG của doanh nghiệp Việt Nam tại Hoa Kỳ và EU nói riêng cũng như các thị trường xuất khẩu khác trong WTO nói chung, cần chú trọng tới một số phương hướng, giải pháp như:
- Nhà nước cần có chiến lược đối phó với vấn đề chống BPG trong thương mại quốc tế nói chung và ở thị trường Hoa Kỳ và EU nói riêng.
- Chú trọng tới việc giành được quy chế thị trường cho nền kinh tế Việt Nam trong các đàm phán thương mại song phương và khu vực.
- Các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan hành chính nhà nước cần giảm bớt sự tham gia trực tiếp vào các vụ kiện chống BPG tại các thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ và EU.
- Nhà nước nên chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng pháp luật cho doanh nghiệp, đặc biệt là cho hiệp hội các doanh nghiệp, những người đại diện chính đáng nhất cho doanh nghiệp khi bị kiện chống BPG.
- Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện và mở rộng hệ thống cảnh báo sớm đối với nguy cơ bị kiện chống BPG ở các thị trường xuất khẩu.
- Nhà nước Việt Nam cần sẵn sàng sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO để kiện những quy định và quyết định sai trái của Hoa Kỳ và EU, đặc biệt là Hoa Kỳ.
- Các doanh nghiệp Việt Nam trong một ngành sản xuất cần liên kết lại với nhau thành các hiệp hội vừa hỗ trợ cho sự phát triển chung, vừa tương trợ cho nhau về mặt pháp lý trong các vụ kiện chống BPG.
- Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam cần chuẩn hóa và duy trì hệ thống sổ sách kế toán minh bạch, theo tiêu chuẩn quốc tế.
- Các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức quan tâm tới yếu tố vận động hành lang, tìm kiếm sự ủng hộ của các tổ chức phi chính phủ, các chính khách để tác động lên các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực chống BPG ở nước nhập khẩu, đặc biệt là Hoa Kỳ.
- Từng doanh nghiệp khi bị kiện BPG ở thị trường EU cần lưu ý tới khả năng được hưởng quy chế kinh tế thị trường cá nhân.
7. Bản thân hệ thống quy định của WTO về chống BPG cũng đang trong quá trình phát triển với những xu hướng nhất định. Nắm bắt được những xu hướng này sẽ giúp Việt Nam chủ động hơn trong việc phát huy vai trò của mình, đóng góp cho sự phát triển chung của WTO vì một nền thương mại toàn cầu tự do và công bằng cho tất cả thành viên.
DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ
LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN ĐÃ ĐƯỢC CÔNG BỐ
1. Vũ Thị Phương Lan (2007), “Các quy định về chống bán phá giá trong khuôn khổ WTO”, Tạp chí Luật học, số 7/2007, tr. 38-42.
2. Vũ Thị Phương Lan (2009), “Lịch sử pháp luật chống bán phá giá trong thương mại quốc tế”, Tạp chí Luật học, số 11/2009, tr. 35-40.
3. Vũ Thị Phương Lan (2010), “Xác định giá trị thông thường của hàng hóa bị kiện bán phá giá theo pháp luật WTO”, Tạp chí Luật học, số 5/2010, tr. 40-45.
4. Vũ Thị Phương Lan (2010), “Quy về 0 (zeroing) trong tính toán biên độ phá giá đối với các vụ kiện chống bán phá giá tại Mỹ”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 13/2010, tr. 56-59, 62.
5. Vũ Thị Phương Lan (2010), “Xác định biên độ bán phá giá đối với hàng hóa bị kiện bán phá giá theo quy định của Tổ chức thương mại thế giới và Hoa Kỳ”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 11/2010, tr. 53-59.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
A. TIẾNG VIỆT
I. VĂN KIỆN ĐẢNG VÀ VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Bộ tài chính (2005), Thông tư hướng dẫn thu, nộp, hoàn trả thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp và các khoản bảo đảm thanh toán thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, (106/2005/TT-BTC), ngày 5/12/2005.
Bộ Thương mại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2001), Công văn về việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá (3843/TM-ĐB), ngày 27/9/2001.
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2005), Nghị định cụ thể hóa một số điều của Pháp lệnh chống bán phá giá, (90/2005/NĐ-CP).
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2006), Nghị định về việc thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Hội đồng xử lý vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, (04/2006/NĐ-CP), ngày 9/1/2006.
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2006), Nghị định về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục quản lý cạnh tranh, (06/2006/NĐ-CP), ngày 9/1/2006.
Cục quản lý cạnh tranh Bộ Công thương (2008), Quyết định ban hành Mẫu hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, (32/QĐ-QLCT), ngày 15/5/2008.
Đảng cộng sản Việt Nam (2011), Cương lĩnh phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ.
Đảng cộng sản Việt nam (2001), Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt nam Khóa VIII tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, ngày 19/4/2001.
Đảng cộng sản Việt nam (2006), Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt nam Khóa IX tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, ngày 18/4/2006.
Đảng cộng sản Việt nam (2011), Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt nam Khóa X tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, diễn ra từ ngày 12 tháng 1 năm 2011 đến ngày 19 tháng 1 năm 2011.
Đảng cộng sản Việt Nam, Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020.
Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2005), Luật thuế xuất khẩu (45/2005/QH11).
Ủy ban thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2004), Pháp lệnh chống bán phá giá, (20/2004/PL-UBTVQH11).
II. SÁCH, BÁO, TẠP CHÍ
Lý Vân Anh (2009), “Phương pháp quy về không (zeroing) trong điều tra về bán phá giá: sửa đổi các quy định của WTO và tác động đối với Việt Nam”, Tạp chí nhà nước và pháp luật, (3), tr.38 – 46.
Ban Công tác của WTO về việc Việt Nam gia nhập WTO, Báo cáo WT/ACC/VNM/48.
TS.Trần Việt Dũng (2009), “Thực trạng áp dụng quy chế nền kinh tế phi thị trường đối với Việt Nam trong thủ tục chống bán phá giá”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (10), tr. 29 – 35.
Nguyễn Linh Giang (2008), “Giải quyết tranh chấp về chống bán phá giá trong khuôn khổ WTO”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (3), tr. 46 – 51.
TS. Hoàng Phước Hiệp (2003), “Tìm hiểu pháp luật chống bán phá giá của tổ chức thương mại thế giới và Hoa Kì”, Tạp chí Luật học, (1), tr. 26 – 29.
Nguyễn Ngọc Khánh (2005), “Pháp lệnh chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam và một số suy nghĩ về việc thực hiện trong mối liên hệ với toà án”, Tạp chí Toà án, (10), tr. 02 – 10.
Đoàn Trung Kiên (2005), Pháp luật chống bán phá giá ở Việt Nam, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường đại học Luật Hà nội, Hà nội.
Đoàn Trung Kiên (2010), Pháp luật chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu ở Việt Nam-những vấn đề lý luận và thực tiễn, Luận án tiến sĩ luật học, Trường đại học Luật Hà nội, Hà nội.
Vũ Thị Phương Lan (2007), “Các quy định về chống bán phá giá trong khuôn khổ WTO”, Tạp chí Luật Học, (7), tr: 38-42.
Vũ Thị Phương Lan (2009), “Lịch sử pháp luật chống bán phá giá trong thương mại quốc tế”, Tạp chí Luật học, (11), tr.35 – 40.
Vũ Thị Phương Lan (2010), “Xác định giá trị thông thường của hàng hóa bị kiện bán phá giá theo pháp luật WTO”, Tạp chí Luật học, số 5/2010, tr. 40-45.
Vũ Thị Phương Lan (2010), “Quy về 0 (zeroing) trong tính toán biên độ phá giá đối với các vụ kiện chống bán phá giá tại Mỹ”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 13/2010, tr. 56-59, 62.
Vũ Thị Phương Lan (2010), “Xác định biên độ bán phá giá đối với hàng hóa bị kiện bán phá giá theo quy định của Tổ chức thương mại thế giới và Hoa Kỳ”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, số 11/2010, tr. 53-59.
GS.TS. Bùi Xuân Lưu (2002), “Bán phá giá hàng hoá biện pháp chống phá giá trong thương mại quốc tế”, Tạp chí Kinh tế đối ngoại, (2), tr.9 – 17.
Lưu Hương Ly (2007), “Địa vị kinh tế phi thị trường và tác động đối với doanh nghiệp Việt Nam trong các cuộc điều tra chống bán phá giá”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, (2), tr. 19 – 23.
Lê Như Phong (2004), Pháp luật chống bán phá giá của tổ chức thương mại thế giới (WTO) và vấn đề hoàn thiện pháp luật của Việt Nam về chống bán phá giá, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường đại học Luật Hà nội, Hà nội.
Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (2004), Pháp luật về chống bán phá giá - những điều cần biết, Hà Nội.
Phòng thương mại và công nghiệp Việt nam (2009), Hỏi đáp pháp luật về chống bán phá giá WTO-Hoa Kỳ-EU, Hà nội.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Công ty Winston & Strawn LLP (2010), Tài liệu Tòa đàm “Hoa Kỳ thắt chặt pháp luật về chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với nền kinh tế phi thị trường - ảnh hưởng tới doanh nghiệp Việt Nam”, Hà Nội.
Phòng thương mại và công nghiệp Việt nam, Hội đồng tư vấn về các biện pháp phòng vệ thương mại (2010), Cẩm nang kháng kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp tại Liên minh châu Âu, Hà nội.
Phạm Văn Thiệu (2005), “Pháp lệnh chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam và thẩm quyền mới của toà án”, Tạp chí Toà án, (1), tr. 15 – 16.
Bùi Anh Thuỷ (2007), “Doanh nghiệp Việt Nam và cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO”, Tạp chí dân chủ & pháp luật, (2), tr. 31 – 35.
Bùi Anh Thuỷ (2007), “Các vụ kiện chống bán phá giá và cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (2), tr. 29 – 34.
Phạm Thị Trang (2009), Pháp luật của liên minh châu Âu về chống bán phá giá và thực tiễn việc chống bán phá giá của liên minh châu Âu với hàng hoá Việt Nam, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường đại học Luật Hà nội, Hà nội.
Đoàn Văn Trường (2002), “Những biện pháp đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá ở nước ngoài”, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế, (12), tr.49 – 54.
Nguyễn Thị Quỳnh Vân (2004), Pháp luật về chống bán phá giá trong thương mại quốc tế - một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Luận văn thạc sĩ Luật học, Trường đại học Luật Hà nội, Hà nội.
Trịnh Hải Yến (2008), “Sự đối xử đặc biệt và khác biệt của WTO dành cho các nước đang phát triển và những đề xuất sửa đổi hiệp định về chống bán phá giá hiện nay”, Tạp chí Nhà nước và pháp luật, (11), tr. 75 – 83.
III. WEBSITES VÀ CÁC TÀI LIỆU TỪ NGUỒN INTERNET
Bãi bỏ thuế chống bán phá giá với xe đạp Việt Nam từ 15/7,
Các vụ kiện chống bán phá giá sẽ không dừng lại ở con số 42,
Cảnh giác làn sóng kiện chống bán phá giá mới, /home/95_23485_news_Canh-giac-lan-song-kien-chong-ban-pha-gia-moi.html.
Để kháng kiện chống bán phá giá ở thị trường Mỹ,
Kiện chống bán phá giá: doanh nghiệp được cảnh báo sớm,
Kiện chống bán phá giá: Đừng để gỡ chân này lại mắc chân kia,
Mỹ áp thuế chống bán phá giá cá tra: Việt Nam sẽ tìm “đồng minh” tại Mỹ,
Phòng chống các vụ kiện chống bán phá giá từ xa,
Thông cáo báo chí của VASEP ngày 16 tháng 9 năm 2010,
Trợ cấp và bán phá giá: Kiện chống bán phá giá đối với hàng hóa Việt Nam ở nước ngoài sau hai năm gia nhập WTO,
Xuất khẩu: đừng lạ với chuyện bị kiện,
B. TIẾNG ANH
I. VĂN BẢN PHÁP LUẬT
Antidumping Agreement (ADA) 1994.
Council Regulation (EC) No 3017/79 on protection against dumped imports from countries not members of the the European Community.
Council Regulation (EC) 2176/84 on protection against dumped imports from countries not members of the the European Community.
Council Regulation (EC) 2423/88 on protection against dumped imports from countries not members of the the European Community.
Council Regulation (EC) 384/96 on protection against dumped imports from countries not members of the the European Community, as consolidated all amendments until 2010..
Council Regulation (EC) 2331/96 amending Regulation 384/96 on protection against dumped imports from countries not members of the the European Community.
Council Regulation (EC) 905/98 ngày 27/4/1998 amending Regulation 384/96 on protection against dumped imports from countries not members of the the European Community.
Council Regulation (EC) 2238/2000 amending Regulation 384/96 on protection against dumped imports from countries not members of the the European Community.
Council Regulation (EC) 1972/2002 amending Regulation 384/96 on protection against dumped imports from countries not members of the the European Community.
Council Regulation (EC) 464/2004 amending Regulation 384/96 on protection against dumped imports from countries not members of the the European Community.
Council Regulation (EC) 2117/2005 amending Regulation 384/96 on protection against dumped imports from countries not members of the the European Community.
General Agreement on Tariffs and Trade (GATT) 1994.
Marrakesh Agreement establishing WTO (1994).
19 U.S.C. (United States Code) updated 2009.
II. SÁCH, BÁO, TẠP CHÍ
R. Baldwin và J. Steagall (1991), An analysis of factors influencing ITC decisions in antidumping, countervailing and safeguards cases, Carleton University – University of Wiscosin, Ottawa, Canada.
P.Conway and S. Dhar (1991), The widespread application of antidumping duties to import pricing , WB, (WPS 782).
Richard Dale (1981), Antidumping law in a liberal trade order, Palgrave Macmillan.
Michael Finger (1991), The origins and evolution of antidumping regulation, World Bank, WPS 783.
Alexnder Hamilton (1971), Report on Manufactures, London.
Brian Hindley (1991), The economicsof dumping and anti-dumping action: is there a baby in the bath water? Tharakan, P.K.M, Elsevier Science Publishers B.V., Amsterdam.
Dan Inkenson (2004), “Zeroing In: Antidumping’s Flawed Methodology under Fire”, Center for Trade Policy Studies, Free Trade Bulletin, (11).
Douglas Irwin, The rise of U.S. antidumping actions in historical perspective, NBER Working paper series.
Douglas Irwin (2004), The rise of U.S. antidumping actions in historical perspective, NBER Working paper series.
ITC (1995), The Economic effects of antidumping and countervailing duty orders and suspension agreements.
ITC (2009), AD manual.
Raj Krishna (1997), Antidumping in Law and Practice, WB, (WPS 1823).
Law Reform Commission (1979), The antidumping tribunal, Ottawa.
Wenxi Li (2003), Anti-dumping law of the WTO/GATT and the EC, Juristförlaget i Lund.
Gabrielle Marceau (1994), Antidumping and antitrust issues in free trade areas, Jurisfölaget.
Michael Moore (1990), Rules or politics?: an empirical analysis of ITC antidumping decisions, George Washington University.
Prakash Narayanan (2004-2005), Injury investigations in ”material retardation” antidumping cases, 25 Nw. J. Int’l L. & Bus. 37.
Clive Stanbrook and Philip Bentley (1996), Dumping and subsidies – the law and procedures governing the imposition of anti-dumping and countervailing duties in the European Community, Kluwer Law International.
Cliff Stevenson (2005), Evaluation of EC Trade Defense Instruments, Annex 5: Basic description of US trade defence instruments, Mayer, Brown, Rowe & Maw LLP, tháng 12, 2005.
Cliff Stevenson (2005), Evaluation of EC Trade Defense Instruments, Annex 1: Basic description of EC trade defence instruments, Mayer, Brown, Rowe & Maw LLP, tháng 12, 2005.
Cliff Stevenson (2005), Evaluation of EC Trade Defense Instruments, Annex 6: Technical analysis of differences between EC and US TDI, Mayer, Brown, Rowe & Maw LLP.
Michael J. Trebilcock và Robert Howse (2005), The regulation of international trade, Routledge, London.
Jacob Viner (1923), Dumping: a problem in International Trade, Chicago.
Marc Wellhausen (2000 – 2001), The Community interest test in antidumping proceedings of the European Union, 16 Am. U. Int’l L. Rev, (1050-1077).
III. WEBSITES VÀ CÁC TÀI LIỆU TỪ INTERNET
www.wto.org
Brittany Eck, WTO Panel Finds for United States in "Zeroing" Dispute withMexico,
IV. CÁC ÁN LỆ
Argentina – Poultry Anti-dumping Duties, WT/DS241/R, 2003.
Canon v. European Council C-171/87 [1992] ECR I-1237.
Dot-matrix printer, European Council, OJ 1988 L 130/17.
EU – Bed Linen, WT/DS141/AB/R, 2001.
Egypt – Steel Rebar from Turkey, WT/DS211/R, 8 August 2020.
Ethanolamine, European Council, OJ 1994 L 28/40.
Guatemala – Cement II, WT/DS156/R, 24 October 2000.
Japan Hot Rolled Steel, WT/DS184/AB/R, 2001.
Large aluminium electronytic capacitors, European Council, OJ 1994L152/1.
Mexico – Corn Syrup, DS132, 24 February 2000.
Minebea v. European Council 260/84 [1987] ECR 1975.
Monolium glutamate, European Council, OJ 1996 L 15/20.
Oxalic acid, European Council, OJ 1988 L72/13
Oxalic acid, European Council, OJ 1991 L 276/11.
Ring binder mechanism, European Council, OJ 1997 L 22/1.
Seamless pipes and tubes, European Council, OJ 1997 L141/36.
TV camera system, European Council, OJ 1994 L111/106.
U.S. – Japan Hot Rolled Steel, WT/DS184/AB/R, 24 July2001.
US –Softwood Lumber V, DS264, 2004.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Thực tiễn chống bán phá giá trong thương mại quốc tế và những vấn đề đặt ra đối với Việt nam.doc