Thực tiễn giải quyết tranh chấp về tài giữa vợ và chồng trong các án kiện ly hôn

Ly hôn là hiện tượng xã hội phổ biến và phức tạp đặc biệt trong tình hình hiện nay khi nó ảnh hưởng của cơ chế kinh tế thị trường. Không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của các đương sự mà ly hôn còn ảnh hưởng đến lợi ích của con họ, của gia đình và xã hội. Cùng với sự phát triển về kinh tế các án kiện ly hôn cũng như các tranh chấp về tài sản giữa vợ và chồng trong các án kiện ly hôn ngày càng tăng. Đồng thời sự phức tạp về tranh chấp cũng theo đó mà tăng lên. Các tranh chấp chủ yếu về xác định tài sản chung,tài sản riêng, giá trị tài sản chung, thanh toán nghĩa vụ tài sản, về quyền sử dụng đất và nhà ở, về xác định công sức của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình nếu vợ chồng sống chung với gia đình Với mong muốn tìm hiểu rõ hơn việc xét xử các vụ án ly hôn nói chung và việc phân chia tài sản (tài sản có xảy ra tranh chấp) nói riêng tại các bản án của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh - chủ yếu là các bản án phúc thẩm, em đã chọn đề tài " Thực tiễn giải quyết tranh chấp về tài giữa vợ và chồng trong các án kiện ly hôn" tại Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

doc22 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 5976 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Thực tiễn giải quyết tranh chấp về tài giữa vợ và chồng trong các án kiện ly hôn, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Phần I: Giới thiệu về chuyên đề Ly hôn là hiện tượng xã hội phổ biến và phức tạp đặc biệt trong tình hình hiện nay khi nó ảnh hưởng của cơ chế kinh tế thị trường. Không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của các đương sự mà ly hôn còn ảnh hưởng đến lợi ích của con họ, của gia đình và xã hội. Cùng với sự phát triển về kinh tế các án kiện ly hôn cũng như các tranh chấp về tài sản giữa vợ và chồng trong các án kiện ly hôn ngày càng tăng. Đồng thời sự phức tạp về tranh chấp cũng theo đó mà tăng lên. Các tranh chấp chủ yếu về xác định tài sản chung,tài sản riêng, giá trị tài sản chung, thanh toán nghĩa vụ tài sản, về quyền sử dụng đất và nhà ở, về xác định công sức của vợ chồng trong khối tài sản chung của gia đình nếu vợ chồng sống chung với gia đình… Với mong muốn tìm hiểu rõ hơn việc xét xử các vụ án ly hôn nói chung và việc phân chia tài sản (tài sản có xảy ra tranh chấp) nói riêng tại các bản án của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh - chủ yếu là các bản án phúc thẩm, em đã chọn đề tài " Thực tiễn giải quyết tranh chấp về tài giữa vợ và chồng trong các án kiện ly hôn" tại Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Chuyên đề được viết dựa trên những kiến thức mà em đã tiếp thu được tại trường Đại học Luật Hà Nội, quá trình tìm hiểu, nghiên cứu các bản án đã xét xử, qúa trình thụ lý, nghiên cứu hồ sơ và xét xử tại Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Với các phương pháp thống kê, phân tích tổng hợp, so sánh dữ liệu …em đã phân tích và làm rõ các căn cứ pháp luật để chia tài sản giữa vợ và chồng trong các án kiện ly hôn. Đồng thời cũng chỉ ra những vấn đề cần giải quyết tại địa phương, với hy vọng khắc phục được những hạn chế này trong thời gian tới. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng do thời gian thực tập ngắn, giữa lý thuyết được học tại nhà trường và thực tiễn xét xử có những điểm khác nhau và do quá trình nhận thức của bản thân còn hạn chế nên bản báo cáo thực tập chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót nhất định…Do đó, em rất mong được sự sự thông cảm, đóng góp, giúp đỡ của các thầy cô và các bạn để chuyên đề của em được hoàn thiện hơn. Em xin chân thành cảm ơn! phần II: quá trình thu thập thông tin Trong quá trình thực tập tại toà án tỉnh, cùng sự tìm hiểu thực tế tại địa phương từ ngày 7/01/2008 đến ngày 20/4/2008 đã thu thập được những thông tin về tình hình giải quyết tranh chấp về tài sản giữa vợ và chồng trong các án kiện ly hôn của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh như sau: 1. Tổng hợp công tác giải quyết tranh chấp về tài sản giữa vợ và chồng trong các án kiện ly hôn của toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh. (Số liệu từ Toà dân sự toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh) Bảng 1: Công tác giải quyết tranh chấp về tài sản giữa vợ và chồng trong các án kiện ly hôn trong năm 2005: CTXX Cấp XX Thụ lý Giải quyết Vụ án Đương sự Vụ án Đương sự Phúc thẩm 15 30 15 30 Bảng 2: Công tác giải quyết tranh chấp về tài sản giữa vợ và chồng trong các án kiện ly hôn trong năm 2006 CTXX Cấp XX Thụ lý Giải quyết Vụ án Đương sự Vụ án Đương sự Phúc thẩm 20 40 20 40 2. Tổng hợp số liệu về tranh chấp tài sản giữa vợ và chồng trong các án kiện ly hôn của tỉnh Quảng Ninh: Bảng 3: Năm Số vụ Nguyên đơn Bị đơn 2005 15 15 15 2006 20 20 20 ( Số liệu thống kê từ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh) 3. “Tạp chí toà án nhân dân” (số 4 và 5 năm 2000) Trang 26 “Phân định tài sản của vợ và chồng khi ly hôn” của tác giả Kiều Thanh Nghĩa. Trang 14 “Một số ý kiến về phân định tài sản của vợ chồng khi ly hôn” của tác giả Tưởng Duy Lượng ( Nghiên cứu tại phòng thẩm phán toà dân sự toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh). 4. Báo cáo công tác ngành toà án năm 2006 và phương hướng nhiệm vụ công tác toà án năm 2007của Toà án nhân dân tối cao. ( Thu thập tại phòng Chánh toà dân sự Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh) 5. Báo cáo tham luận về công tác xét xử án hôn dân sự năm 2005 và một số kiến nghị của toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh. ( Nghiên cứu tại Văn phòng Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh) 6. Báo cáo tổng kết công tác năm 2005 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2006 của toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh. - Báo cáo tổng kết công tác năm 2006 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2007 của toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh. ( Nghiên cứu tại Văn phòng Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh) 7. Bản án dân sự: - Bản án số 28/2005/LHPT ngày 08/11/2005, thụ lý số 25/2005/HNGĐ - PT ngày 06/11/2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh, giữa nguyên đơn là chị Trịnh Thị Sơn và bị đơn là anh Nịnh Văn Mạnh. - Bản án số 14/2006/LHPT ngày 22/05/2006, thụ lý số 11/LHPT ngày 26/04/2006 của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh, giữa nguyên đơn là chị Đàm Thị Hường và bị đơn là anh Trần Trung Tại. (Nghiên cứu tại phòng thư ký toà dân sự Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh) 8. Những nguyên nhân phát sinh tranh chấp về tài sản giữa vợ và chồng trong các án kiện ly hôn (Xin ý kiến của thẩm phán Đào Đình Trợi và Nguyễn Hồng Nam- phó Chánh án toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh) 9. Đánh giá, nhận xét, kiến nghị hoạt động của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong việc nâng cao hiệu quả giải quyết các tranh chấp về tài sản giữa vợ và chồng trong các án kiện xin ly hôn tại địa phương. (Xin ý kiến của thẩm phán Nguyễn Hồng Oánh-Chánh toà dân sự Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh và thẩm phán Trần Quang Cường-thẩm phán toà dân sự) Phần III. tình hình giải quyết tranh chấp về tài sản giữA vợ và chồng trong các án kiện ly hôn tại toà án nhân dân tỉnh quảng ninh I. những Căn cứ pháp luật để Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh chia tài sản của vợ chồng trong các án kiện ly hôn 1. Căn cứ Bộ luật Dân sự Trước hết để có thể chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn Toà án đã căn cứ vào các quy định của Bộ luật Dân sự về việc xác lập quyền sở hữu đối với khối tài sản đem ra phân chia. Theo Điều 233 Bộ luật Dân sự năm 1995 và nay là Điều 219 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về sở hữu chung của vợ chồng : "1. Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất. 2. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung bằng công sức của mỗi người; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. 3. Vợ chồng cùng bàn bạc, thoả thuận hoặc uỷ quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. 4. Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thoả thuận hoặc theo quyết định của Toà án." Theo qui định của pháp luật, khối tài sản chung của vợ chồng được tính là tài sản của hai vợ chồng cùng nhau tạo lập sau hôn nhân. Như vậy hai vợ chồng có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt một tài sản chung. Nếu khi vợ chồng ly hôn tại Toà án mà hai bên không thoả thuận phân chia được tài sản thì Toà án sẽ quyết định trên cơ sở quy định của pháp luật. 2. Căn cứ theo Luật Hôn nhân và Gia đình, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2000 và các văn bản hướng dẫn đã đặt ra nguyên tắc chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Theo điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 thì "Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết. Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó ". Như vậy, Điều luật này chỉ đặt ra vấn đề chia tài sản chung, còn không quy định việc phân chia tài sản riêng của hai vợ chồng. Tuy nhiên, trong quá trình chung sống có nhiều tài sản riêng đã được đưa vào sử dụng chung. Việc xác định đâu là tài sản riêng, đâu là tài sản chung đối với cơ quan xét xử là một công việc khó khăn. Đặc biệt là đối với động sản do các bên không có đủ căn cứ để chứng minh rằng đó là tài sản riêng của mình và tài sản riêng đó là bao nhiêu. Cũng theo nguyên tắc của Điều 95 tại khoản 2 Luật Hôn nhân và Gia Đình việc chia tài sản chung theo nguyên tắc là chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản này. Như vậy, trong trường hợp cả hai vợ chồng đều là lao động có thu nhập và thu nhập của hai vợ chồng tương đối ngang bằng nhau thì chỉ cần áp dụng nguyên tắc " tài sản chung của vợ chồng được chia đôi" . Tuy nhiên, trong thực tế có không ít trường hợp khối tài sản đó là do một bên tạo lập nên, vì vậy đặt ra vấn đề chia khối tài sản đó như thế nào để có thể đảm bảo quyền lợi của người tạo lập khối tài sản đó đồng thời cũng đảm bảo được quyền và lợi ích của bên kia. Trong trường hợp này đòi hỏi cơ quan xét xử phải nghiên cứu, xem xét hồ sơ và hỏi tại phiên toà để có thể làm rõ công sức đóng góp của các bên để có thể đưa ra quyết định đúng đắn, hợp tình hợp lý để hai bên sau khi ly hôn không có sự thù hằn, căm ghét, nó có thể là những nguyên nhân gây ra những hậu quả xấu sau khi ly hôn. Thông thường khi chia tài sản của vợ chồng các hội đồng xét xử thường áp dụng khá linh hoạt các điểm b, c, d khoản 2 Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình để có thể đảm bảo quyền lợi của các bên khi ly hôn. Vấn đề chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn sẽ phức tạp hơn nếu như trong thời kỳ hôn nhân hai vợ chồng chung sống với gia đình (sống cùng với cha, mẹ và các anh chị em), khi đó nếu khối tài sản chung đó có thể xác định theo phần thì phần tài sản của vợ chồng được trích ra từ khối tài sản chung đó để chia (theo khoản 2 Điều 96 Luật Hôn và Gia đình, còn nếu không xác định được theo phần và cũng không thoả thuận được với gia đình về phần tài sản của vợ chồng đóng góp thì sẽ yêu cầu Toà án giải quyết. Trong trường hợp này cũng đòi hỏi Toà án phải xác định rất cụ thể công sức đóng góp của từng thành viên trong gia đình để có thể tách phần tài sản của vợ chồng ra để phân chia. Vấn đề quyền sử dụng nhà, đất của vợ chồng khi ly hôn. Vẫn theo nguyên tắc tài sản riêng của bên nào thì khi ly hôn vẫn thuộc bên đó, vì vậy khi ly hôn quyền sử dụng đất riêng của bên nào vẫn thuộc về bên đó theo Điều 97 Luật Hôn Nhân và Gia Đình năm 2000. Tuy nhiên việc xác lập quyền sử dụng đất của cá nhân ở Việt Nam trước năm 2003 (trước khi ban hành luật đất đai hiện hành) có nhiều bất cập, các văn bản chồng chéo không rõ ràng minh bạch vì vậy để xác định ai có quyền sử dụng một lô đất nào đó là rất khó khăn mà các cơ quan xét xử đã gặp phải không chỉ trong việc chia tài sản là quyền sử dụng đất khi ly hôn mà cả trong các vụ việc dân sự khác có liên quan đến quyền sử dụng đất. Thông thường để căn cứ vào các điều 95, 96, 97,98,99 của Luật Hôn Nhân Và Gia Đình và các văn bản hướng dẫn thì sẽ không giải quyết được thấu đáo và triệt để các vấn đề liên quan đến quyền sử dụng đất khi ly hôn. Vì vậy, các cơ quan xét xử thường phải căn cứ vào các quy định của Luật Đất đai và Luật Dân sự để giải quyết, để xác định ai có quyền sử dụng đất và quyền sử dụng đất đó là tài sản chung hay tài sản riêng, công sức đóng góp của mỗi bên vào tài sản đó như thế nào (trong trường hợp đó là nhà thuộc sở hữu riêng của một bên). II. Thực tiễn giảI quyết tranh chấp về tài sản của vợ chồng Trong các án kiện ly hôn tại Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Khái quát về tình hình ly hôn tại Quảng Ninh. Quảng Ninh là một tỉnh lớn, mật độ dân cư đông, điều kiện kinh tế xã hội phát triển so với cả nước. Cùng với sự phát triển kinh tế, các vấn đề xã hội cũng được đặt ra trong đó có vấn đề quan hệ hôn nhân và gia đình. Quan hệ giữa các thành viên trong gia đình như con đối với bố mẹ, vợ chồng với nhau có phần xuống cấp trong một bộ phận không nhỏ của dân cư. Trong xã hội ngày nay, khi mà mọi người đều quan tâm tới yếu tố kinh tế và không còn chăm lo nhiều tới gia đình mình nữa. Sự quan tâm, chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình giờ đây được thay thế bằng việc tính toán làm ăn kinh tế, đôi khi là chơi bời truỵ lạc …đã làm cho mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình không còn chặt chẽ. Sự cách biệt giữa thu nhập của vợ và chồng, sự ảnh hưởng của yếu tố văn hoá ngoại lai, sự xâm nhập của những quan niệm không đúng đắn, sự nhận thức chưa đầy đủ và không thấu đáo về hậu quả của việc ly hôn của các cặp vợ chồng trẻ…đó là một số các nguyên nhân trong rất nhiều các nguyên nhân làm tình trạng ly hôn ở Việt Nam nói chung và ở Quảng Ninh nói riêng gia tăng. Việc mâu thuẫn trong gia đình hiện nay ngày càng gia tăng, và ngày càng có nhiều cặp vợ chồng muốn ly hôn. Sau khi Toà án thụ lý đơn yêu cầu ly hôn nếu xét thấy tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì Toà án quyết định cho ly hôn. Khi hai vợ chồng đã ly hôn sẽ đặt ra một số vấn đề như nuôi con chung, vấn đề cấp dưỡng cho con, và một vấn đề quan trọng được đặt ra là chia khối tài sản chung của vợ chồng tạo lập được trong thời kỳ chung sống với nhau. Sau khi xem xét các đơn kháng cáo, kháng nghị mà Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh nhận được về việc yêu cầu xét xử phúc thẩm các vụ án hôn nhân và gia đình em nhận thấy lý do kháng cáo của các bên chủ yếu là cho rằng bản án, quyết định của Toà án nhân dân cấp dưới về việc chia tài sản là chưa hợp lý và yêu cầu Toà án nhân dân tỉnh xem xét lại phần quyết định chia tài sản của vợ chồng. Vì vậy có thể thấy rằng việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân là rất phức tạp và đó là mối quan tâm hàng đầu của các cặp vợ chồng khi ly hôn. Thực tiễn giải quyết tranh chấp về tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Năm 2005, Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã nhận đơn kháng cáo của 40 vụ án xin ly hôn được giải quyết tại các Toà cấp huyện trong tỉnh, trong đó có 15 đơn kháng cáo yêu cầu Toà án nhân dân tỉnh xem xét lại phần chia tài sản của bản án sơ thẩm. Toà án nhân dân tỉnh đã giải quyết và ra quyết định phúc thẩm 40 vụ trong đó có 15 vụ Toà án nhân dân tỉnh phải sửa phần nội dung về tài sản và công nợ so với bản án sơ thẩm. Năm 2006 Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh nhận được 42 đơn kháng cáo của các bên trong vụ án xin ly hôn. Trong đó có 20 đơn kháng cáo yêu cầu Toà án xem xét lại phần chia tài sản của bản án sơ thẩm. Toà án nhân dân tỉnh đã giải quyết và ra quyết định phúc thẩm 42 vụ trong đó có 20 vụ Toà án nhân dân tỉnh phải sửa phần nội dung về tài sản và công nợ so với bản án sơ thẩm. - Đối với động sản: qua việc tìm hiểu các bản án phúc thẩm của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh, qua các buổi tham dự các phiên Toà phúc thẩm tại Toà án em nhận thấy có một số nguyên nhân dẫn tới việc tranh chấp về tài sản là động sản của các cặp vợ chồng khi ly hôn như sau: Thứ nhất: Khi mới xây dựng gia đình các cặp vợ chồng trẻ thường khó khăn về kinh tế nên khi cần vốn để xây dựng kinh tế họ thường vay mượn khá nhiều, vay của bạn bè, bố mẹ, anh chị của cả vợ và chồng. Do đặc điểm của Việt Nam, việc vay mượn thường dựa vào các mối quan hệ thân thiết nên thường không có giấy tờ chứng minh, khi xảy ra tranh chấp họ không thừa nhận việc vay mượn đó là có thực. Thứ hai: Khi xã hội phát triển việc làm kinh tế của vợ và chồng đôi khi tach biệt nhau, chồng làm kinh tế riêng và vợ làm kinh tế riêng vì vậy mà trong gia đình thường có tình trạng vốn làm ăn của vợ, vốn làm ăn của chồng. Khi làm kinh tế độc lập như vậy họ cũng thường huy động vốn từ rất nhiều nguồn khác nhau và chỉ có một bên vợ, chồng biết. Trong trường hợp này nếu làm ăn thua lỗ và một bên mắc nợ họ cũng thường không thừa nhận. Thứ ba: đối với tài sản riêng của mỗi bên trước khi kết hôn cũng rất khó xác định bởi do tập quán người việt khi xây dựng gia đình họ đều mong muốn là được cùng nhau xây dựng hạnh phúc nên chưa có một trường hợp nào xác định số tiền của mình trước khi kết hôn là bao nhiêu để đóng góp vào xây dựng kinh tế chung – ngoại trừ một số trường hợp tài sản đó do ngân hàng quản lý và có chứng từ đầy đủ. Khi ly hôn thì các bên đều biện minh cho mình và chối đẩy trách nhiệm nhưng lại không có những chứng cứ rõ ràng để chứng minh. Thứ tư: cũng có những cặp vợ chồng đã kết hôn tương đối lâu, kinh tế khá giả và có những giao dịch dân sự như vay và cho vay, như trên đã trình bày do đặc điểm của Việt Nam là các giao dịch thường không có giấy tờ kèm theo nên khi xảy ra tranh chấp đều không chứng minh được. Thứ năm: việc phân chia các tài sản khác trong gia đình có nhiều trường hợp các bên đương sự cũng không chấp nhận theo quyết định của Toà án sơ thẩm do các bên cho rằng hội đồng định giá thường định giá quá thấp tài sản và khi chia loại tài sản này, Toà án thường căn cứ vào nhu cầu của các bên về “ điều kiện sản xuất kinh doanhvà nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập “. Vì vậy khi bên không có nhu cầu sẽ yêu cầu Toà án định giá lại tài sản. Thứ sáu: về công sức đóng góp của mỗi bên vào khối tài sản chung cũng có những bất đồng. Khi Toà án cấp sơ thẩm căn cứ vào công sức đóng góp của mỗi bên để có thể phân chia tài sản thường sẽ bị bên còn lại phản ứng không tốt và cho rằng mình cần phải được hưởng sự công bằng (chia đôi) khối tài sản đó. - Đối với bất động sản: Do việc quản lý đất đai của các cấp chính quyền trước khi luật đất đai năm 2003 được ban hành là không tốt vì vậy cũng xảy ra việc tranh chấp quyền sử dụng đất rất nhiều. Mặt khác nữa do quyền sử dụng đất hiện nay cũng rất có giá trị, nó thực sự lớn so với tài sản là động sản vì vậy việc phân chia tài sản là bất động sản cũng gặp khó khăn. Có một số nguyên nhân dẫn tới việc tranh chấp tài sản là bất động sản: Thứ nhất: do nguồn gốc của lô đất là không rõ ràng. ở địa phương đặc biệt là các vùng nông thôn trước kia thường có việc chia đất cho các gia đình có con trai khi họ chưa lập gia đình (tức là chia đất theo số khẩu trong gia đình dặc biệt là các gia đình có con đi bộ đội) khi xây dựng gia đình sẽ được bố mẹ cho ra ở riêng và sử dụng lô đất đó và khi đó việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa được đặt ra. Khi họ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì sẽ đứng tên hai vợ chồng. Vì vậy khi ly hôn người vợ sẽ có lý lẽ chứng minh rằng đó là lô đất nhà nước cấp cho hai vợ chồng còn người chồng sẽ chứng minh đó là lô đất do bố mẹ mình để lại. Thứ hai: việc xác định công sức đóng góp của mỗi bên vào việc xác lập các công trình trên lô đất đó, việc định giá lô đất không phù hợp với thị trường thực tế. Thứ ba: có nhiều người thực hiện các giao dịch bất động sản không qua sự kiểm soát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khi vợ chồng ly hôn họ không thừa nhận là đã tham gia các giao dịch đó, vì vậy Toà án đã quyết định lô đất đó là bất hợp pháp vì theo luật đất đai 2003, Toà án chỉ giải quyết các tranh chấp đất đai khi lô đất đó có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các giấy tờ khác theo quy định của luật đất đai. 2.2. Một số vụ án điển hình: Vấn đề chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn đã được các văn bản luật và văn bản dưới luật quy định một cách khá cụ thể và chi tiết, tuy nhiên trong thực tế nhiều khi các cơ quan chức năng cũng đã lúng túng trước các vụ việc thực tế xẩy ra do các sự việc này thường rất phức tạp, nhiều khi nó không trùng khớp với các quy định của pháp luật. Sau đây em xin nêu một số vụ việc củ thể tại nơi thực tập để thấy rõ điều này. a. Trích án số 28/LHPT ngày 08/11/2005. Nguyên đơn: Chị Trịnh Thị Sơn – sinh năm 1970 Trú quán: Tổ 2 - khu II – phường Ka Long – TX Móng Cái – Quảng Ninh Bị đơn: Anh Nịnh Văn Mạnh – sinh năm 1971 ĐKHK: Tổ 2 – khu II – phường Ka Long – TX Móng Cái – Quảng Ninh Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Vũ Mạnh Khôi là Luật sư của văn phòng luật sư Minh Thành thuộc Đoàn luật tỉnh Quảng Ninh. Người có quyền lợi liên quan: Chị Hoàng Thị Đông - sinh năm 1955; Chị Vũ Thuý An - sinh năm 1950; Chị Bùi Thị Thanh (tức Bùi Thị Đanh) - sinh năm 1975; Ông Lê Đức Ngọc - sinh năm 1952; Anh Phạm Văn Tùng - sinh năm 1974; Anh Nguyễn Đức Dũng - sinh năm 1962. Phần tài sản của hai người như sau: Hai người có một khối tài sản chung trị giá khoảng hơn 300.000.000đ, ngoài số tài sản hai người đã thống nhất, anh Mạnh chị Sơn còn chưa thống nhất được số tài sản sau: - Theo chị Sơn, vợ chồng chị còn một thửa đất số 39 - lô 4 - xã Hải Hoà - Móng Cái. Hội đồng định giá là 162.000.000đ. Và hiện vợ chồng chị còn nợ Ngân hàng Nông Nghiệp Móng Cái 63.620.000đ, nợ anh Nguyễn Đức Dũng 110.000.000đ. - Anh Mạnh thì lại cho rằng thửa đất số 39 – lô 4 – xã Hải Hoà vợ chồng anh đã bán cho anh Dũng từ cuối năm 2003, giá bán 248.000.000đ, vợ chồng anh Dũng đã trả được 158.000.000đ , hiện vợ chồng anh Dung còn nợ vợ chồng anh 90.000.000đ. Về số tiền 63.620.000đ nợ Ngân hàng Nông Nghiệp, theo anh Mạnh Khai trong số này có 50.000.000đ là vay hộ anh Dũng, còn 10.000.000đ là vợ chồng anh sử dụng. Căn cứ khoản 1 điều 89, điều 95 Luật hôn nhân và gia đình; điều 467,468,471 khoản 1 Bộ luật Dân sự Toà án nhân dân TX Móng Cái quyết định: - Chấp nhận đơn xin ly hôn của chị Sơn. Cho chị Sơn ly hôn anh Mạnh. - Về tài sản chung: + Giao anh Mạnh sở hữu một ngôi nhà cấp 4 có diện tích 58,50 m2 tại tổ 2 - khu II - phường Ka Long - TX Móng Cái. (Xây trên đất của ông Nịnh Trọng Tiến là bố của anh Mạnh) trị giá76.328.000đ và 10.000.000đ tiền bán xe máy tổng cộng là 86.328.000đ. Anh Mạnh có nghã vụ thanh toán các khoản nợ sau: Trả chị Đông 9.600.000đ, chị An 3.800.000đ, anh Ngọc 743.000đ, anh Tùng 1.594.000đ, chị Thanh (tức Đanh) 1.500.000đ, trả tiền chênh lệch tài sản, chi phí định giá tài sản, tiền chênh lệch giữa số nợ và tài sản cho chị Sơn 41.848.000đ + Giao chị Sơn được quyền sử dụng lô đất số 39 lô 4 - khu Hải Hoà - TX Móng Cái diện tích 90m2 trị giá 162.000.000đ. Chị Sơn có nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ sau: Trả anh Dũng 110.000.000đ, trả khoản tiền chị Sơn phải vay để thanh toán nợ đến hạn của Ngân hàng Nông Nghiệp cả gốc lẫn lãi là 63.620.000đ. Ngày 27/09/2005 anh Nịnh Văn Mạnh kháng cáo với nội dung: ô đất số 39 lô 4 - Hải Hoà - TX Móng Cái diện tích 90m2 anh và chị Sơn đã bán cho anh Dũng từ cuối năm 2003 với giá bán là 248.000.000đ, anh Dũng đã trả cho anh chị 158.000.000đ hiện anh Dũng còn nợ vợ chồng anh 90.000.000đ nhưng Toà án sơ thẩm lại bác bỏ bản hợp đồng mua bán đất này vì cho rằng hợp đồng không có có công chứng và giao cho chị Sơn sử dụng và buộc chi Sơn thanh toán cho anh Dũng 110.000.000đ là vô lý. Ngoài ra anh Mạnh còn kháng cáo không chấp nhận việc chia tài sản chung như quyết định của bản án sơ thẩm. Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà. Sau khi thảo luận và nghị án, Hội đồng xét xử xét thấy: Phần tài sản: Tại phiên toà phúc thẩm anh Mạnh vẫn giữ nguyên quan điểm kháng cáo là thửa đất số 39 lô 4 – Hải Hoà - TX Móng Cái vợ chồng anh đã bán cho anh vợ chồng anh Dũng chị Thoa vào cuối năm 2003 giá bán 248.000.000đ, vợ chồng anh Dũng chị Thoa đã trả 158.000.000đ hiện còn nợ 90.000.000đ, nay anh Mạnh yêu cầu vợ chồng anh Dũng chị Thoa trả nốt anh 90.000.000đ thì anh se giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và làm thủ tục chuyển nhượng quyền quyền sử dụng đất cho vợ chồng anh Dũng chị Thoa. Chị Sơn thì cho rằng, vợ chồng chị có vay của vợ chồng anh Dũng chị Thoa 110.000.000đ, để làm tin chị có viết giấy bán thửa đất mà anh Mạnh nói trên cho anh Dũng chị Thoa giá bán là 248.000.000đ, chị Thoa anh Dũng có ký vào giấy bán đất. Nay chị chấp nhận trả lại 110.000.000đ cho anh Dũng chị Thoa. Anh Dũng thì trình bày, vợ chồng anh không mua bán đất với vợ chồng chị Sơn anh Mạnh mà chỉ cho chị Sơn anh Mạnh vay 110.000.000đ nay anh đòi lại 110.000.000đ. Tuy nhiên anh Dũng không đưa ra được các chứng cứ nào chứng minh cho việc vay mượn này, đồng thời tại buổi hoà giải ngày 17/08/2005 ở Toà án nhân dân TX Móng Cái anh Dũng thừa nhận có mua bán đất với vợ chồng chị Sơn anh Mạnh với giá 248.000.000đ chưa làm thủ tục mà mới viết tay với nhau, hiện anh còn nợ 90.000.000đ. Trong hồ sơ có một tờ giấy bán đất có đầy đủ chữ ký của anh Dũng chị Thoa và anh Mạnh chị Sơn, anh Dũng cũng thừa nhận chữ ký trong giấy bán đấ là chữ ký của anh. Như vậy chứng tỏ việc chuyển nhượng quyền sử dụng thửa đất số 39 giữa vợ chồng chị Sơn anh Mạnh với vợ chồng anh Dũng chị Thoa là có xảy ra nhưng hợp đồng chuyển nhượng này chưa đúng với quy định của điều 691,707,708 Bộ luật dân sự. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy: Việc chứng minh và thu thập chứng cứ không thể thực hiện bổ sung được tại phiên toà. Bởi các lẽ trên, Hội đồng xét xử quyết định huỷ phần phân chia tài sản của bản án ly hôn số 20/HN&GĐ - ST ngày 20/09/2005 của Toà án nhân dân thị xã Móng Cái. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo kháng nghị có hiệu lực pháp luật. Chuyển hồ sơ cho Toà án nhân dân thị xã Móng Cái giải quyết lại phần tài sản. Như vậy qua đây có thể thấy, việc xác định phần tài sản của mỗi người khi ly hôn là rất khó khăn và phức tạp do không xác định được chính xác các giao dịch của vợ chồng trong việc vay nợ từ những người khác có vi phạm các quy định của pháp luật hay không? Các giao dịch đó có vô hiệu hay không? b. Trích án số 14/2006/LHPT ngày 22/05/2006 Nguyên đơn: Chị Đàm Thị Hường - sinh năm 1964 Trú tại: Tổ 3 - khu Vĩnh Tuy 2 - Mạo Khê - Đông Triều - Quảng Ninh. Bị đơn: Anh Trần Trung Tại - sinh năm 1959 Tạm trú: Tổ 3 - khu Vĩnh Tuy 2 - Mạo Khê - Đông Triều - Quảng Ninh. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Chi nhánh ngân hàng Công thương Nhị Chiểu – Kinh Môn – Hải Dương. Phần tài sản của các đương sự như sau: Chị Hường và anh Tại xác nhận có những tài sản chung sau: - 01 ngôi nhà ba tầng xây trên diện tích 115m2 đất ở tổ 3- khu Vĩnh Tuy 2 - Mạo Khê - Đông Triều. Giá trị cả nhà và đất là 800.000.000 đ. Đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hiện Ngân hàng Công thương Nhị Chiểu đang giữ); 01 thửa đất có diện tích 100m2 tại xóm Làng Trong-Tân Dương-Thuỷ Nguyên-Hải Phòng, giá trị 450.000.000đ. Đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (hiện Ngân hàng Công thương Nhị Chiểu đang giữ); 01 máy xúc cũ nhãn hiệu SOLAR200W, giá trị 150.000.000 đ; 116.000.000đ tiền cổ phiếu tại Công ty cổ phần bao bì Hoàng Thạch (số cổ phiếu này chị Hường đang giữ). Về các khoản nợ: chị Hường anh Tại xác nhận có các khoản nợ chung với tổng các khoản nợ là 838.307.500đ (tám trăm ba tám triệu ba trăm linh bảy ngàn năm trăm đồng). Nợ chi nhánh Ngân hàng Công thương Nhị Chiểu 361.507.000đ (cả hai hợp đồng); anh Hoàng Thế Linh 260.000.000đ; anh Trần Văn Viển 100.000.000đ; chị Bùi Thị Linh Năm 15.500.000đ; Công ty sản xuất vật liệu xây dựng Quyết Tiến 20.000.000đ; anh Phan Tiến Dũng 2.194.500đ; chị Hoàng Thị Thu Hà 12.000.000đ; anh Nguyễn Mạnh Hà 4.200.000đ; vợ chồng chị Bùi Thị Điệp anh Phạm Đình Ninh 11.900.000 đ; anh Ngô Quang Trí 2.870.000đ; chị Bùi Thị Kim Oanh 3.636.000đ; chị Ngô Thị Minh 23.000.000đ; anh Nguyễn Đình Khôi 7.000.000đ; anh Trần Văn Hùng 7.000.000đ và nợ vợ chồng chị Nguyễn Thị Hương anh Nguyễn Đình Tám 7.500.000đ. Quan điểm của Ngân hàng tại văn bản đề nghị ngày 19/12/2005, nhất trí để anh Tại trả nợ gốc và lãi của hợp đồng tín dụng số 04050046/HĐTD ngày 29/03/2004; chị Hường trả gốc và lãi của hợp đồng tín dụng số 04050119/HĐTD ngày 23/09/2004. Và Ngân hàng không tham gia tố tụng tại toà án nhân dân huyện Đông Triều. Quan điểm của các chủ nợ còn lại đều thừa nhận anh Tại chị Hường có nợ họ số tiền như trên. Và các người này đều xác định đây là việc nợ cá nhân tự đòi không yêu cầu toà án giải quyết. Với nội dung trên toà án nhân dân huyện Đông Triều căn cứ Luật hôn nhân và gia đình, Bộ luật tố tụng dân sự quyết định về phần tài sản như sau: - Chị Hường được quyền sở hữu toàn bộ cổ phiếu tại Công ty cổ phần bao bì Hoàng Thạch trị giá 116.000.000đ và được quyền sử dụng thửa đất 100m2 tại xóm Làng Trong-xã Tân Dương-Thuỷ Nguyên-TP.Hải Phòng. - Anh Tại được quyền sở hữu ngôi nhà ba tầng xây dựng trên diện tích đất ở 115m2 tại khu Vĩnh Tuy 2- Mạo Khê-Đông Triều-Quảng Ninh và 01 máy xúc SOLAR200W. Công nhận sự thoả thuận của các đương sự về nghĩa vụ trả nợ như sau: - Chị Hường chịu trách nhiệm tự trả nợ Chi Nhánh Ngân hàng Công thương Nhị Chiểu là 172.820.000đ tiền gốc và số tiền lãi tương ứng tính đến thời điểm trả hết nợ. - Anh Tại chịu trách nhiệm trả nợ toàn bộ số nợ còn lại gồm nợ của chi nhánh Ngân hàng Công thương Nhị Chiểu là 188.687.000đ tiền gốc và số tiền lãi tương ứng tính đến thời điểm trả hết nợ. Và nợ của anh Hoàng Thế Linh, anh Trần Văn Viển, chị Bùi Thị Linh Năm, Công ty sản xuất vật liệu xây dựng Quyết Tiến, anh Phan Tiến Dũng, chị Hoàng Thị Thu Hà, anh Nguyễn Mạnh Hà, vợ chồng chị Điệp anh Ninh, anh Ngô Quang Trí, chị Bùi Thị Kim Oanh, anh Nguyễn Đình Khôi, chị Ngô Thị Minh, anh Trần Văn Hùng, vợ chồng chị Hương anh Tám. Ngày 28/03/2006 , anh Trần Trung Tại kháng cáo với nội dung: chị Hường được sở hữu phần tài sản có giá trị lớn hơn anh được sở hữu là 100.000.000đ, do vậy anh yêu cầu chia đôi số tiền này, anh phải được sở hữu tiếp 50.000.000 đồng. Ngày 08/05/2006, anh Tại có đơn bổ sung xin được chia đôi số tiền cổ phiếu. Về phần lãi cổ phiếu năm 2005 trên số tiền gốc cổ phần 116.000.000đ là 17.400.000đ (lãi 15%/năm) anh yêu cầu chia đôi, anh được sở hữu 8.700.000đ. Anh đề nghị toà án buộc chị Hường phải thanh toán 02 khoản tiền trên như sau: Chị Hường phải thanh toán cho anh Nguyễn Đình Khôi 7.000.000đ và chị Ngô Thị Minh 23.000.000đ, thanh toán tiền chênh lệch cho anh là 20.000.000đ. Và phải thanh toán cho anh số tiền lãi cổ phiếu là 8.700.000đ. Như vậy các bên đã thoả thuận được nghĩa vụ thanh toán về một số khoản công nợ với nhau. Tuy nhiên họ lại không thống nhất về việc chia tài sản chung của vợ và chồng do giá trị tài sản là rất lớn ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích kinh tế của các bên đặc biệt là phần nhà đất. Do vậy, đã dẫn đến tranh chấp về tài sản giữa vợ và chồng. Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà. Sau khi thảo luận và nghị án Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh quyết định: Chấp nhận một phần kháng cáo của anh Trần Trung Tại và sửa bản án sơ thẩm về tài sản như sau: Chia đôi số tiền cổ phiếu mà chị Hường đang quản lý. Chị Hường phải có nghĩa vụ giao cho anh Tại 58.000.000 đ tiền cổ phiếu ứng với từng loại cổ phiếu. - Anh Tại được quyền sở hữu ngôi nhà ba tầng gắn liền với thửa đất 115m2 đất ở tại khu Vĩnh Tuy 2-Mạo Khê-Đông Triều-Quảng Ninh theo như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà UBND huyện Đông Triều cấp cho hộ anh Tại chị Hường ngày 19/07/2004. Và anh Tại còn được sở hữu chiếc máy xúc bánh lốp biển kiểm soát 29LA-0060 nhãn hiệu SOLAR và 58.000.000đ tiền cổ phiếu. Tổng cộng anh Tại được sở hữu 1.008.000.000đ. Anh Tại chịu trách nhiệm trả nợ toàn bộ số nợ gồm nợ của chi nhánh Ngân hàng Công thương Nhị Chiểu là 188.687.000 đ tiền gốc và số tiền lãi tương ứng tính đến thời điểm trả hết nợ. Và nợ của những người như án sơ thẩm đã tuyên. Anh Tại phải thanh toán cho chị Hường 40.000.000đ tiền mặt. - Chị Hường được quyền sử dụng thửa đất 100m2 tại xóm Làng Trong-xã Tân Dương-Thuỷ Nguyên-TP.Hải Phòng và được quyền sở hữu 58.000.000đ cổ phiếu tại Công ty cổ phần bao bì Hoàng Thạch, cùng với 40.000.000đ anh Tại thanh toán. Chị Hường chịu trách nhiệm trả nợ Chi Nhánh Ngân hàng Công thương Nhị Chiểu là 172.820.000đ tiền gốc và số tiền lãi tương ứng tính đến thời điểm trả hết nợ. Trong vụ án này anh Tại và chị Hường đều không đưa ra một chứng cứ nào chứng minh ai có nhiều công sức đóng góp hơn trong khối tài sản chung do vậy đã dẫn đến việc kháng cáo của anh Tại về việc chị Hường được sở hữu khối tài sản lớn hơn của anh. Qua đó cho chúng ta thấy việc xác định công sức đóng góp của các bên trong khối tài sản chung của vợ chồng là rất khó khăn. Bởi không bên nào đưa ra được chứng cứ chứng minh mình đóng góp nhiều hơn vào khối tài sản chung. Mặt khác do khối tài sản chung là rất lớn nên các bên đều muốn sở hữu phần nhiều nhằm đảm bảo về mặt kinh tế sau khi ly hôn. phần IV: nhận xét và kiến nghị I.Nhận xét chung. 1.Về ưu điểm. 1.1.Đối với công tác xét xử dân sự. Nhìn chung, công tác giải quyết các loại án của toà án tỉnh đạt kết quả tốt. Các đồng chí thẩm phán, thư ký đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ tạo ra những chuyển biến tích cực trong các mặt công tác: như trong quá trình thụ lý, giải quyết các vụ án, thực hiện các thủ tục tố tụng, coi trọng việc tranh tụng tại phiên toà. Các chỉ tiêu công tác xét xử đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Chất lượng xét xử được nâng lên rõ rệt, quyền của các đương sự được đảm bảo, tỷ lệ các bản án, quyết định bị huỷ, sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán đã giảm so với năm trước. Nhìn chung việc đổi mới thủ tục xét hỏi và tranh luận tại các phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm trên cơ sở pháp luật tố tụng và theo tinh thần cải cách tư pháp được triển khai sâu rộng và thực hiện nghiêm túc. Công tác tổng kết thực tiễn xét xử, xây dựng và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật đạt hiệu quả cao hơn so với năm trước. Toà án tỉnh đã tích cực phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật cho nhân dân, góp phần phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương. 1.2. Trong tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức Tình trạng thiếu thẩm phán ở toà án các cấp đặc biệt là cấp huyện đã được khắc phục từng bước. Việc tăng thẩm quyền cho toà án cấp huyện được thực hiện đúng kế hoạnh lộ trình đề ra. Công tác đào tạo, bồi dưỡng tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, thẩm phán, hội thẩm toà án tiếp tục được đẩy mạnh. Việc điều động biệt phái thẩm phán để giải quyết tình trạng quá tải các vụ án ở một số toà án cấp huyện thị và ở các tỉnh vùng sâu vùng xa khác được thực hiện khá kịp thời. Công tác thi đua khen thưởng, kiểm tra, thanh tra và các mặt công tác khác được quan tâm thực hiện có hiệu quả hơn. 1.3.Đối với công tác giám đốc kiểm tra và thi hành án dân sự. Trong các năm 2005-2006 toà án tỉnh tổ chức kiểm tra công tác xét xử và thi hành án dân sự đạt 100% kế hoạch đề ra. Qua kiểm tra đã kết luận đánh giá nhữnh ưu điểm, khuyết điểm của từng đơn vị có tác dụng khắc phục những thiếu sót, vi phạm, đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, thẩm phán toà án các cấp. Việc thực hiện uỷ thác tư pháp đã được làm chặt chẽ hơn và đúng với hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp. 2. Về những tồn tại và nguyên nhân 2.1. Những tồn tại. Trong các năm 2005-2006 còn tồn tại ngững thiếu sót như: vi phạm thủ tục tố tụng, nghiên cứu hồ sơ đánh giá chứng cứ chưa toàn diện… việc cải sửa của cấp phúc thẩm đối với cấp sơ thẩm có trường hợp chưa chuẩn xác. Tỷ lệ các bản án, quyết định của toà án bị huỷ, sửa đổi do lỗi chủ quan của thẩm phán vẫn còn. Chất lượng một số phiên toà còn thấp, việc tổ chức phiên toà tuy có đổi mới nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp, đặc biệt là trong phần tranh tụng tại phiên toà. Trình độ năng lực và tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ công chức toà án còn hạn chế. 2.2. Nguyên nhân của những tồn tại: Công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ xét xử chưa chủ động đề ra các biện pháp đủ mạnh và kiên quyết hoặc đề xuất với toà án cấp trên để nâng cao chất lượng xét xử. Công tác tổng kết thực tiễn xét xử và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn xét xử. Những quy định mới trong các văn bản pháp luật liên quan đến công tác xét xử chưa được hướng dẫn kịp thời. Trình độ năng lực chuyên môn nghiệp vụ và tinh thần trách nhiệm trong công tác của một bộ phận cán bộ công chức tòa án còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác xét xử và cải cách tư pháp. Công tác tổ chức cán bộ ở toà án tỉnh thực hiện chưa tốt nên không xử lý kịp thời các vấn đề. Về kiến thức pháp luật của một số hội thẩm nhân dân tham gia xét xử vẫn còn hạn chế, tác phong trong khi xét xử chưa nghiêm túc. Hệ thống pháp luật của Nhà nước ta đang trong quá trình hoàn thiện nên thường xuyên có sự sửa đổi, bổ sung. Một số quy định trong một số văn bản pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn nên rất khó khăn trong việc áp dụng. Trong cơ chế quản lý cũng đã xuất hiện tình trạng buông lỏng quản lý và giảm sút về ý thức tổ chức kỷ luật. Việc xử lý đối với cán bộ, thẩm phán yếu kém hoặc có sai phạm trong công tác nghiệp vụ chưa nghiêm, chưa chính xác. ý thức tôn trọng pháp luật, phối hợp công tác với toà án của một số cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội và công dân chưa cao nên chậm trả lời yêu cầu cung cấp tài liệu hoặc trả lời yêu cầu xác minh của toà án nên cũng làm kéo dài việc giải quyết vụ án. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khách quan về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc. Mặc dù đây không phải là những nguyên nhân chủ yếu nên cũng góp phần hạn chế đến kết quả, chất lượng công tác của toà án tỉnh. II. Kiến nghị, đề xuất. Việc chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn là vấn đề phức tạp, thường có nhiều tranh chấp xảy ra giữa vợ chồng khi ly hôn và gặp nhiều vướng mắc khi xét xử những năm qua ở nước ta. Cùng với sự phát triển đi lên của xã hội, kéo theo những quan niệm về lối sống dẫn tới mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình là một trong những nguyên nhân về số vụ án ly hôn trong thời gian vừa qua tăng nhanh. Cũng tại toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua các vụ án ly hôn ngày càng tăng. Qua thực tế nghiên cứu việc giải quyết tranh chấp về tài sản giữa vợ và chồng trong các án kiện ly hôn ở địa phương và những tồn tại nêu trên, cá nhân em xin được đề xuất những kiến nghị như sau: 1.Một số kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng xét xử của toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong giải quyết các tranh chấp về tài sản giữa vợ và chồng. Trong thời gian, hoạt động xét xử các vụ án hôn nhân và gia đình cũng như các tranh chấp về tài sản giữa vợ và chồng của toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh và các toà án cấp huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đã có sự tiến bộ vượt bậc, chất lượng xét xử ngày một nâng cao. Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử của toà án tỉnh cũng như các toà án cấp huyện vẫn còn những khó khăn vướng mắc và thiếu sót mang tính khách quan hoặc chủ quan. Để khắc phục hiện tượng này, theo em cần tiến hành đồng bộ các giải pháp sau: - Tăng cường đội ngũ thẩm phán chuyên trách giải quyết các tranh chấp về hôn nhân và gia đình. - Cần đặc biệt chú trọng đến hoạt động đến hoạt động xét xử và chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ thẩm phán ở toà án nhân dân cấp huyện. Kiên quyết khắc phục các yếu kém khuyết điểm, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác xét xử, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức tòa án trong sạch, đủ năng lực trình độ chuyên môn. Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ thị 01 ngày 7/2/2003 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao về việc nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức tòa án đặc biệt là thẩm phán và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác xét xử, gắn quyền hạn với trách nhiệm của thẩm phán và lãnh đạo toà án các cấp. - Trong công tác xét xử các vụ án về tranh chấp tài sản giữa vợ và chồng toà án cần có sự phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát, Công an và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ giúp đỡ của chính quyền địa phương để có những bản án công bằng đảm bảo về mặt quyền lợi cho các đương sự. Thông qua đó tuyên truyền phổ biến pháp luật và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân. - Toà án nhân dân tối cao cần định kỳ ban hành các tập hợp án điển hình để toà án cấp dưới học tập và rút kinh nghiệm trong hoạt động xét xử, cũng như phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, tiến tới xây dựng các tập án lệ về hôn nhân và gia đình. - Cần thành lập một tổ chức định giá tài sản thống nhất. - Cần tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giúp đỡ, hỗ trợ toà án nhân dân tỉnh cũng như toà án nhân dân cấp huyện về chuyên môn, cung cấp thông tin chứng cứ, tài liệu liên quan đến công tác giải quyết án, đảm bảo việc xét xử đúng pháp luật, kịp thời. Toà án cần phải hết sức thận trọng, tỉ mỉ khi áp dụng các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo bản án của toà án đưa ra là công bằng hợp tình hợp lý đảm bảo quyền lợi của các đương sự . Cần phải kiểm điểm rút kinh nghiệm kịp thời đối với những bản án xử không đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Toà án nhân dân tối cao. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác xét xử cần được ban hành hướng dẫn kịp thời trong đó có các văn bản phục vụ cho công tác hội nhập quốc tế. Cần phổ biến cho các thẩm phán biết rõ về các văn bản đó nhất là các vấn đề liên quan đến WTO, luật pháp quốc tế tạo điều kiện tốt trong việc xét xử các vụ án về tranh chấp tài sản giữa vợ và chồng có yếu tố nước ngoài. 2. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng chế định tài sản giữa vợ và chồng trong đời sống xã hội tại tỉnh Quảng Ninh. Chế định tài sản của vợ và chồng trong luật hôn nhân và gia đình đã góp phần thực hiện mục tiêu: Xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ hạnh phúc, bền vững. Tuy nhiên, việc áp dụng chế định này trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn mà một trong những nguyên nhân cơ bản là sự hiểu biết của nhân dân về chế định này và vai trò của người phụ nữ trong gia đình còn hạn chế. Để nâng cao hiệu quả áp dụng chế định tài sản của vợ và chồng trong đời sống xã hội theo em cần chú ý đến các vấn đề sau: - Tạo các cơ sở kinh tế, xã hội đảm bảo người vợ bình đẳng với ngưòi chồng về quyền sở hữu tài sản trong gia đình. - Kết hợp chặt chẽ các biện pháp tuyên truyền, giáo dục về pháp luật để xoá bỏ thói quen của vợ chồng không làm bằng chứng hoặc không coi trọng các điều kiện về nội dung, hình thức của các văn bản làm bàng chứng đó trong việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản có giá trị lớn của gia đình. - Tăng cường và đổi mới công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục, pháp luật hôn nhân và gia đình của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể./. danh mục Tài liệu tham khảo Văn bản pháp luật: - Bộ luật dân sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. - Bộ luật tố tụng dân sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. - Luật hôn nhân và gia đình của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. - Nghị định số 70/2001/NĐ - CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2000. - Nghị quyết số 02/2000/NQ – HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000. - Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 của UBTVQH ngày 14 tháng 01 năm 2004. - Chỉ thị số 69 ngày 24 tháng 12 năm 1979 của TANDTC về việc đảm bảo chỗ ở cho các đương sự sau khi ly hôn. Tư liệu tham khảo: - Giáo trình Luật dân sự của trường Đại học Luật Hà Nội. - Giáo trình Luật tố tụng dân sự của trường Đại học Luật Hà Nội. - Giáo trình Luật hôn nhân và gia đình của trường Đại học Luật Hà Nội. Tư liệu thực tiễn: - Báo cáo tham luận về công tác xét xử án dân sự năm 2005 và một số kiến nghị của toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh. - Báo cáo tổng kết công tác năm 2005 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2006 của toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh. - Báo cáo tổng kết công tác năm 2006 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2007 của toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh. - Bản án số 28/2005/LHPT ngày 08/11/2005, thụ lý số 25/2005/HNGĐ - PT ngày 06/11/2005 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh, giữa nguyên đơn là chị Trịnh Thị Sơn và bị đơn là anh Nịnh Văn Mạnh. - Bản án số 14/2006/LHPT ngày 22/05/2006, thụ lý số 11/LHPT ngày 26/04/2006 của Toà án nhân dân tỉnh Quảng Ninh, giữa nguyên đơn là chị Đàm Thị Hường và bị đơn anh Trần Trung Tại. Các tài liệu khác: - Tạp chí toà án nhân dân; tạp chí luật học; tạp chí khoa học pháp luật, tạp chí dân chủ và pháp luật; tạp chí nhà nước và pháp luật; báo hạnh phúc gia đình; báo gia đình và xã hội…

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docThực tiễn giải quyết tranh chấp về tài giữa vợ và chồng trong các án kiện ly hôn.doc
Luận văn liên quan