LỜI MỞ ĐẦU
Khuyến mại là một dạng hoạt động xúc tiến kinh doanh thông thường của các doanh nghiệp, được triển khai nhằm kích thích việc tiêu dùng, khuyến khích người tiêu dùng mua hàng hóa. Khuyến mại được tiến hành dưới nhiều hình thức và có thể thực hiện nhiều lần trong năm, nhất là giai đoạn sức mua giảm sút, cạnh tranh với chương trình khuyến mại của đối thủ hoặc để giải phóng sớm hàng tồn kho Một mặt, khuyến mại khá hữu ích với người tiêu dùng, giúp họ mua được hàng hóa giá rẻ hơn mức thông thường, thứ mà họ khó tiếp cận nếu không có khuyến mại.
Hình thức khuyến mại đã có từ hàng trăm năm nay, và những trục trặc, những bê bối hoặc lừa đảo cũng không hiếm, ngay cả ở nhiều quốc gia tiên tiến. Còn thực tế việc thực hiện các quy định của pháp luật về khuyến mại ở Việt Nam như thế nào?
15 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 4946 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thực tiến thực hiện các quy định của pháp luật về khuyến mại ở Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ TƯ PHÁP
TRƯỜNG ĐẠI HỌC LUẬT HÀ NỘI
=====o0o=====
BÀI TẬP HỌC KỲ
MÔN LUẬT THƯƠNG MẠI (MODUL 2)
ĐỀ BÀI
TÌM HIỂU THỰC TIỄN THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ KHUYẾN MẠI Ở VIỆT NAM
HỌ VÀ TÊN:
LỚP:
MSV:
KHOA:
HÀ NỘI - 2010
MỤC LỤC
LỜI MỞ ĐẦU
Khuyến mại là một dạng hoạt động xúc tiến kinh doanh thông thường của các doanh nghiệp, được triển khai nhằm kích thích việc tiêu dùng, khuyến khích người tiêu dùng mua hàng hóa. Khuyến mại được tiến hành dưới nhiều hình thức và có thể thực hiện nhiều lần trong năm, nhất là giai đoạn sức mua giảm sút, cạnh tranh với chương trình khuyến mại của đối thủ hoặc để giải phóng sớm hàng tồn kho…Một mặt, khuyến mại khá hữu ích với người tiêu dùng, giúp họ mua được hàng hóa giá rẻ hơn mức thông thường, thứ mà họ khó tiếp cận nếu không có khuyến mại.
Hình thức khuyến mại đã có từ hàng trăm năm nay, và những trục trặc, những bê bối hoặc lừa đảo cũng không hiếm, ngay cả ở nhiều quốc gia tiên tiến. Còn thực tế việc thực hiện các quy định của pháp luật về khuyến mại ở Việt Nam như thế nào?
NỘI DUNG
I. PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH VỀ KHUYẾN MẠI
1. Các hình thức khuyến mại.
“Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định” (khoản 1 Điều 88 Luật thương mại 2005).
Pháp luật thương mại quy định thương nhân được phép thực hiện các hoạt động khuyến mại sau đây:
Hàng mẫu
Thực hiện cách thức này, thương nhân đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền. Hàng mẫu đưa cho khách hàng dùng thử là hàng đang bán hoặc sẽ được bán trên thị trường.
Quà tặng
Tặng quà không thu tiền được thực hiện đối với khách hàng có hành vi mua sắm hàng hoá hoặc sử dụng dịch vụ của thương nhân. Hàng hoá, dịch vụ dùng làm quà tặng có thể là hàng hoá mà thương nhân đang kinh doanh hoặc là hàng hoá, dịch vụ của thương nhân khác. Quy định này của pháp luật đã khuyến khích sự liên kết xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm khai thác lợi ích tối đa.
Giảm giá
Giảm giá là hành vi bán hàng, cung ứng dịch vụ trong thời gian khuyến mại với giá thấp hơn giá bán, cung ứng dịch vụ bình thường trước đó được áp dụng trong thời gian khuyến mại mà thương nhân đã đăng ký hoặc thông báo. Khi khuyến mại theo cách thức này, để đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, chống hành vi bán phá giá, luật pháp thường có quy định giới hạn mức độ giảm giá đối với từng đơn vị hàng hoá, dịch vụ. Mức độ giảm giá cụ thể do Chính phủ quy định.
Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kém phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ, phiếu dự thi
Theo các chương trình này, khách hàng có thể được hưởng những lợi ích nhất định theo những phương thức khác nhau. Phiếu mua hàng thường có ý nghĩa giảm giá hoặc có mệnh giá nhất định để thanh toán cho những lần mua sau trong hệ thống bán hàng của thương nhân. Phiếu sử dụng dịch vụ có thể cho phép sử dụng dịch vụ miễn phí, theo điều kiện do nhà cung ứng dịch vụ đưa ra. Còn phiếu dự thi có thể mang lại giải thưởng hoặc không mang lại lợi ích gì cho khách hàng, phụ thuộc vào kết quả dự thi của họ.
Tổ chức các sự kiện để thu hút khách hàng
Các sự kiện này được tổ chức gắn liền hoặc tách rời với việc mua hàng hoá, sử dụng dịch vụ của khách hàng. Ví dụ: các chương trình mang tính may rủi như bốc thăm, cào số trúng thưởng, bóc, mở sản phẩm trúng thưởng, vé số dự thưởng…Hay tổ chức cho khách hàng tham gia các chương trình văn hoá, nghệ thuật, giải trí… Thương nhân có thể tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên hoặc các sự kiện khác vì mục đích khuyến mại.
Ngoài ra, pháp luật không cấm thương nhân sử dụng các hình thức khác để khuyến mại nhưng khi tiến hành phải được cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp nhận.
Trong thực tế, các hình thức này được các doanh nghiệp áp dụng khá linh hoạt và có sự kết hợp giữa nhiều hình thức một lúc, như vừa giảm giá vừa tặng quà, vừa giảm giá vừa bốc thăm trúng thưởng, giảm giá hoặc tặng quà trong những "giờ vàng mua sắm" nhất định trong ngày (thường là giờ thấp điểm để kích thích tiêu dùng)... Giảm giá thường là hình thức được các doanh nghiệp áp dụng nhiều nhất.
2. Nguyên tắc khuyến mại.
- Trung thực, công khai, minh bạch: Chương trình khuyến mại phải được thực hiện hợp pháp, trung thực, công khai, minh bạch và không được xâm hại đến lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, của các thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân khác.
- Không phân biệt đối xử: Không được phân biệt đối xử giữa các khách hàng tham gia chương trình khuyến mại trong cùng một chương trình khuyến mại.
- Hỗ trợ khách hàng: Thương nhân thực hiện chương trình khuyến mại phải bảo đảm những điều kiện thuận lợi cho khách hàng trúng thưởng nhận giải thưởng và có nghĩa vụ giải quyết rõ ràng, nhanh chóng các khiếu nại liên quan đến chương trình khuyến mại (nếu có).
- Chất lượng hàng hóa, dịch vụ: Thương nhân thực hiện khuyến mại có trách nhiệm bảo đảm về chất lượng hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại và hàng hóa, dịch vụ dùng dùng để khuyến mại.
- Không lạm dụng lòng tin: Không được lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm của khách hàng để thực hiện khuyến mại nhằm phục vụ cho mục đích riêng của bất kỳ thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân nào.
- Cạnh tranh lành mạnh: Việc thực hiện khuyến mại không được tạo ra sự so sánh trực tiếp hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch và của thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân khác nhằm mục đích cạnh tranh không lành mạnh.
- Không khuyến mại thuốc chữa bệnh: Không dược dùng thuốc chữa bệnh cho người, kế cả các loại thuốc đã được phép lưu thông để khuyến mại.
3. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân hoạt động khuyến mại.
* Theo Điều 95 Luật Thương mại 2005, khi tổ chức hoạt động khuyến mại, thương nhân có quyền:
Lựa chọn hình thức, thời gian, địa điểm khuyến mại;
Quy định những lợi ích cụ thể mà khách hàng được hưởng;
Thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện việc khuyến mại cho mình;
Tự mình tổ chức thực hiện các hình thức khuyến mại theo quy định của pháp luật.
* Thương nhân tổ chức hoạt động khuyến mại có các nghĩa vụ cơ bản sau theo Điều 96 Luật thương mại 2005:
- Thực hiện đầy đủ các quy định về trình tự, thủ tục pháp lý cần thiết để thực hiện các hình thức khuyến mại. Trước khi thực hiện việc khuyến mại, thương nhân phải đăng kí tại cơ quan quản lý nhà nước về thương mại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương noi tổ chức khuyến mại về thời gian, hình thức khuyến mại. Kết thúc đợt khuyến mại, thương nhân phải thực hiện việc thông báo kết quả đợt khuyến mại tại các cơ quan này.
- Thông báo công khai các nội dung, thông tin về hoạt động khuyến mại cho khách hàng theo Điều 97 Luật thương mại 2005.
- Thực hiện đúng chương trình khuyến mại đã thông báo và cam kết với khách hàng.
- Nghĩa vụ trích 50% giá trị giải thưởng đã công bố vào ngân sách nhà nước trong trường hợp không có người trúng thưởng (đối với các hình thức trúng thưởng mang tính may rủi).
- Tuân thủ các thoả thuận trong hợp đồng dịch vụ khuyến mại đã ký kết.
4. Các hành vi bị cấm trong hoạt động khuyến mại.
Theo Điều 100 Luật Thương mại năm 2005 thì một số hoạt động khuyến mại sau đây bị Nhà nước cấm thực hiện:
Khuyến mại cho hàng hoá, dịch vụ bi cấm kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ bị hạn chế kinh doanh, hàng hoá chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép cung ứng;
Sử dụng hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại là hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh, hàng hoá dịch vụ bị hạn chế kinh doanh, hàng hóa chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép cung ứng;
Khuyến mại hoặc sử dụng rượu, bia để khuyến mại cho người dưới 18 tuổi;
Khuyến mại hoặc sử dụng thuốc lá, rượu có độ cồn từ 30 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức;
Khuyến mại thiếu trung thực hoặc gây hiểu lầm về hàng hoá, dịch vụ để lừa dối khách hàng;
Khuyến mại để tiêu thụ hàng hóa kém chất lượng, làm phương hại đến môi trường, sức khoẻ con người và lợi ích công cộng khác;
Khuyến mại tại trường học, bệnh viện, trụ sở của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân;
Hứa tặng, thưởng nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đúng;
Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh;
Thực hiện khuyến mại mà giá trị hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại vượt quá hạn mức tối đa hoặc giảm giá hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại quá mức tối đa theo quy định của pháp luật.
5. Một số quy định chủ yếu khác của pháp luật về khuyến mại.
- Thời hạn giảm giá
Nghị định 37 ngày 4/4/2006 của Việt Nam quy định: “Tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mại bằng cách giảm giá đối với một loại nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ không được vượt quá 90 (chín mươi) ngày trong một năm; một chương trình khuyến mại không được vượt quá 45 (bốn mười lăm) ngày.”
- Mức giảm giá
Để tránh việc doanh nghiệp lợi dụng hình thức khuyến mại này để bán phá giá hàng hóa, dịch vụ, pháp luật quy định:
“Mức giảm giá tối đa đối với hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá hàng hoá, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại.”
- Giá trị của hàng hoá khuyến mại và hàng hoá dùng để khuyến mại
Hàng hoá dùng để khuyến mại là "Hàng hoá, dịch vụ được thương nhân dùng để tặng, thưởng, cung ứng không thu tiền cho khách hàng", tức là hàng tặng kèm khách hàng khi mua hàng. Theo quy định, giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại, trừ các trường hợp giải thưởng trúng thưởng của các chương trình mang tính may rủi.
- Xử lý giải thưởng không có người trúng
Pháp luật quy định:
Giải thưởng không có người trúng thưởng của chương trình khuyến mại mang tính may rủi phải được trích nộp 50% giá trị đã công bố vào ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp hạch toán khoản nộp 50% giá trị giải thưởng không có người trúng thưởng của chương trình khuyến mại vào chi phí giá thành của doanh nghiệp.
II. THỰC TIỄN THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ KHUYẾN MẠI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
1. Về hạn mức giảm giá
Về thời hạn giảm giá:
Nhiều doanh nghiệp khi niêm yết giá đề là giá được giảm 20% hay 30%, nhưng bảng đó được yết quanh năm, với mức giá là một con số tuyệt đối không thay đổi. Như vậy, giá đó là giá bán thật, không phải là giá giảm và hành vi này được coi là lừa dối khách hàng.
Thực tế, các doanh nghiệp vẫn có thể quanh năm thực hiện giảm giá, nhưng là sự giảm giá luân phiên từng nhóm mặt hàng mà mình kinh doanh vẫn không vi phạm quy định. Do pháp luật chỉ có quy định: “Tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mại bằng cách giảm giá đối với một loại nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ không được vượt quá 90 (chín mươi) ngày trong một năm; một chương trình khuyến mại không được vượt quá 45 (bốn mười lăm) ngày”. Hình thức giảm giá luân phiên thường được áp dụng ở các doanh nghiệp có số mặt hàng kinh doanh lớn như các siêu thị; đối với các doanh nghiệp chuyên doanh áp dụng ở mức hạn chế hơn.
Về mức giảm giá:
Mặc dù đã có những quy định cụ thể về hạn mức giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hoá, dịch vụ (là không quá 50% đơn giá của hàng hoá, dịch vụ trước thời gian khuyến mại). Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp, vì muốn bán hàng tồn kho hoặc hết thời trang, muốn thực hiện “đại hạ giá” ở mức 60-80%. Do giá bán khuyến mại chỉ so sánh với giá “ngay trước thời gian khuyến mại” nên để thực hiện được điều này, doanh nghiệp đã chia làm nhiều chặng thời gian giảm giá (mỗi chặng có thể ngắn, hết chặng đầu có thể nâng lên cao hơn một chút và sau đó lại giảm mạnh ở chặng thứ hai) mà vẫn không trái với quy định.
2. Về hình thức khuyến mại
Các hình thức khuyến mại được pháp luật quy định rất chi tiết và cụ thể. Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng các hình thức này còn có nhiều sự nhầm lẫn. Nhiều thương nhân đã lợi dụng những “ranh giới” mong manh giữa các hùnh thức này để thực hiện hoạt động khuyến mại bất hợp pháp.
Giữa hình thức “tặng quà” và hàng mẫu:
Mục đích của thương nhân là khi đưa hàng mẫu cho khách hàng là muốn giới thiệu với họ về hàng hoá, dịch vụ của mình, định hướng hành vi mua bán của họ sau khi kiểm nghiệm chất lượng của hàng hoá, dịch vụ của thương nhân. Bởi với hàng hoá có chất lượng tương đương, khách hàng sẽ có tâm lý muốn chọn mua hàng hoá đang được khuyến mại, khách hàng vì quà tặng mà mua hàng.
Ví dụ: tháng 6 – 2006, tại trung tâm thương mại Thăng Long Hà Nội (BigC Hà Nội), cồn ty trách nhiệm nước giải khát Cocacola tổ chức “phát tặng tại chỗ” số lượng lớn chai côcacola loại 300ml cho mọi đối tượng khách hàng (1). Đây thực chất là hình thức phát hàng mẫu chứ không phải tặng quà.
Hình thức khuyến mại mà các hãng viễn thông rất hay sử dụng hiện nay là “mua 1 tặng 1 hay “nạp thẻ nhân đôi tài khoản”…
Hình thức này có phần giống với hình thức “giảm giá” nhưng thực ra về bản chất thì không phải như vậy. Khi giảm giá, khách hàng sẽ được mua sản phẩm với giá bán thấp hơn lúc chưa khuyến mại, còn với hình thức “mua 1 tặng 1” khách hàng sẽ được tặng 100% giá trị của hàng hoá đã mua. Trong 8 hình thức khuyến mại mà Luật Thương mại 2005 đã quy định thì không có hình thức nào gọi là “mua 1 tặng 1”. Nếu các doanh nghiệp muốn áp dụng hình thức khác ngoài 8 hình thức đó thì phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về thương mại tại địa phương. Nhưng nếu các doanh nghiệp sử dụng hình thức “mua 1 tặng 1” với việc tặng 100% giá trị của hàng hoá như vậy cũng vi phạm quy định hạn mức tối đa về giá trị hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại. Qua đó, cho thấy việc áp dụng các quy định về hình thức khuyến mại còn rất nhiều bất cập.
Về hình thức bán hàng, cung ứng dịch vụ kém theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi.
Có những doanh nghiệp khi thực hiện các chương trình may rủi chưa trung thực và minh bạch, như yêu cầu khách hàng sưu tập đủ số nắp chai có in hình các bộ phận chiếc xe đạp để ghép thành chiếc xe sẽ có giải cao nhưng trên thực tế không phát hành đủ các nắp chai có in hết các bộ phận; hoặc thẻ cào trúng thưởng nhưng không phát hành thẻ có giải đặc biệt...
Do dó, có những chương trình khuyến mại được quảng cáo với giải thưởng rất cao nhưng không có người trúng. Doanh nghiệp "câu" người tiêu dùng mua nhiều hàng để hy vọng trúng giải nhưng cuối cùng không mất chi phí giải thưởng cho khách hàng.
Tuy nhiên, các hình thức cụ thể của khuyến mại mang tính may rủi khá đa dạng. Do đó, một doanh nghiệp thực hiện chương trình một cách trung thực và minh bạch vẫn có thể xảy ra việc không có người trúng giải (giải cao hoặc thấp) và phải thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách.
Về chất lượng hàng hoá, dịch vụ dùng cho khuyến mại.
Theo quy định của pháp luật thì việc khuyến mại để tiêu thụ hàng hoá kém chất lượng, làm phương hại đến môi trường, sức khoẻ con người và lợi ích công cộng khác là hoàn toàn bị cấm. Tuy nhiên, trên thực tế thì quy định này hầu như không được các donh nghiệp áp dụng khi thực hiện hoạt động khuyến mại.
Ví dụ như chương trình khuyến mại của Tứ gia Computer dành cho khách hàng thuộc 30 tỉnh miền Bắc và miền Trung từ ngày 20/9 đến ngày 19/10/2008. Theo đó, khách hàng thuộc tỉnh được mua hàng khuyến mãi hàng ngày sẽ được mua các sản phẩm trong danh sách với giá ưu đãi (VD: Ram 512, loa…). Nhưng khi khách hàng đến mua thì nhận được các sản phẩm không đúng với thông tin mà công ty đã đưa ra, phần lớn các sản phẩm bán cho khách hàng là hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc hoặc hàng cũ, đã qua sử dụng…(1).
3. Về quy định thông báo khuyến mại
Theo Điều 96 Luật Thương mại, trước khi tiến hành hoạt động khuyến mại, thương nhân phải đăng ký và gửi thông báo bằng văn bản đến cơ quan quản lý nhà nước về thương mại tại địa phương nơi tổ chức khuyến mại. Nhưng qua các dấu hiệu khảo sát cho thấy, hầu như các thương nhân thực hiện khuyến mại đều không thực hiện quy định này của pháp luật (2).
4. Thực trạng khác
Hiện nay, hiện tượng khuyến mại không rõ ràng, mập mờ gây hiểu nhầm cho khách hàng xảy ra khá thường xuyên
Năm 2009, tại Việt Nam xảy ra nhiều trường hợp khuyến mại của các doanh nghiệp lớn đã khiến khách hàng rất bất bình. Ví dụ, hãng sữa Abbott không đáp ứng hàng khuyến mại cho khách hàng tham gia chương trình như cam kết ban đầu. Hay cũng năm 2009, được quảng cáo là tặng đến 150% cho các loại thẻ cào, thuê bao di động Viettel vô tư nạp tiền vào tài khoản. Nhưng sau mới vỡ ra, số tiền khuyến mãi đó bị ràng buộc nhiều điều kiện oái oăm. Câu chuyện này cũng rầm rĩ một thời gian gây bất bình cho khách hàng. Hay gần đây nhất là đợt khuyến mại tặng 170% giá trị thẻ nạp của Mobifone đã gây sốc cho nhiều khách hàng, rất nhiều khách hàng đã mua thẻ trông đợi được hưởng khuyến mại lớn, có người mua tới hàng triệu đồng. Tuy nhiên, do việc thông báo không rõ nên đã gây hiểu nhầm, đồng thời, việc thực hiện cam kết tặng 170% trị giá đã không diễn ra ngay khiến nhiều khách hàng bất bình (3). Những trường hợp khuyến mại như vậy không ít, không kể đến hàng trăm vụ lừa đảo thực sự của nhiều cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp nhỏ khác.
* Nguyên nhân của thực trạng
Nguyên nhân trực tiếp của thực trạng trên trước hết là do pháp luật hiện hành còn nhiều kẽ hở khiến các chủ thể kinh doanh lợi dụng để “lách luật”, gian lần trong thương mại. Đồng thời, pháp luật hiện hành còn thiếu các chế tài xử phạt nghiêm khắc đã làm giảm đi tính răn đe của pháp luật. Mức xử phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm các quy định về khuyến mại chỉ là 25 – 30 triệu đồng. Mức phạt này là quá nhỏ so với khoản lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được sau chương trình khuyến mại.
Nguyên nhân thứ hai là do bản thân người tiêu dùng. Người tiêu dùng có thể do “nhẹ dạ cả tin”, có thể do không nắm bắt được hết các thông tin từ nhà sản xuất, hay có thể một phần không hiểu hết được các quy định của pháp luật… Vì vậy, khi tham gia mua bán hàng hoá, sử dụng dịch vụ trên thị trường họ rất dễ bị lợi dụng. Các doanh nghiệp sẽ đánh vào tâm lý ham rẻ, muốn thử vận may của người tiêu dùng để đưa ra các chương trình khuyến mại “trá hình” với mục đích tiêu thụ sản phẩm, thu lợi nhuận lớn từ thị trường… Do đó, người tiêu dùng hiện nay cũng cần tự bảo vệ mình bằng cách trang bị cho mình những kiến thức pháp luật tối thiểu…
III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM GIẢM THIỂU THỰC TRẠNG TRÊN
1. Hoàn thiện các quy định của pháp luật về khuyến mại
- Đối với các hình thức khuyến mại chắc chắn có người tiêu dùng trúng thưởng (như bốc thăm trúng thưởng, quay số trúng thưởng…): ban hành áp dụng các quy định quy chế kiểm tra, giám sát đối với quy trình thực hiện khuyến mại, các hoạt động xác định người tiêu dùng trúng thưởng để đảm bảo tính minh bạch, công bằng, công khai của hoạt động khuyến mại;
- Đối với các hình thức khuyến mại không chắc chắn có người trúng thưởng như (giật nắp lon, tem trúng thưởng trong hàng hoá…): ban hành các quy định về kiểm tra, giám sát đối với việc đưa giải thưởng vào hàng hoá và việc lưu thông hàng hoá trên thị trường;
- Giảm bớt thủ tục hành chính trong quá trình thương nhân tiến hành hoạt động khuyến mại như bãi bỏ quy định về việc thương nhân phải tiến hành thông báo cho các Sở thương mại cấp tỉnh về hoạt động khuyến mại đối với các loại hình khuyến mại đã áp dụng hình thức cấp phép;
- Bổ sung các hình thức khuyến mại và xác định rõ chỉ tiêu phân loại các hình thức khuyến mại;
- Quy định chi tiết, rõ ràng về các hình thức khuyến mại và các yêu cầu đối với thương nhân khi thực hiện các hình thức này để thương nhân có thể chủ động trong hoạt động kinh doanh nói chung và khuyến mại nói riêng, tránh được các rủi ro về mặt pháp lý.
2. Một số kiến nghị khác
- Đưa ra các cơ chế để hỗ trợ các doanh nghiệp đồng loạt thực hiện khuyến mại trong thời gian dài, phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng và thu hút du lịch ngoài nước như “mùa mua sắm” hoặc “tháng khuyến mại”. Tại Việt Nam trong những năm gần đây bắt đầu tổ chức Tháng bán hàng khuyến mại. Sở Thương mại (nay là Sở Công Thương) và Sở Du lịch (nay là Sở Văn hóa thể thao du lịch) Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện lần đầu tiên năm 2005 vào tháng 9 và từ đó tổ chức đều đặn hàng năm; Sở Thương mại (nay là Sở Công Thương) Hà Nội thí điểm Tuần bán hàng khuyến mại cuối năm 2006 và sang năm 2007 cũng tổ chức Tháng khuyến mại lần đầu vào tháng 10; năm 2009, Tháng khuyến mại Hà Nội lần thứ 2 được tổ chức vào tháng 11.
- “Thắt chặt quy định khuyến mại” đối với hoạt động khuyến mại của các hãng viễn thông bởi hiện nay, các công ty viễn thông đang “lách luật” rất nhiều.
- Thiết lập một cơ chế hữu hiệu để bảo vệ người tiêu dùng: xây dựng khung pháp lý chặt chẽ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Hiện nay, pháp luật thương mại về khuyến mại đã có các thiết chế bảo vệ người tiêu dùng nhưng mới chỉ dừng lại ở mức các quy định chung, không cụ thể, gây khó khăn cho việc áp dụng vào thực tiễn.
- Người tiêu dùng cũng cần tự bảo vệ chính bản thân mình bằng cách trang bị những kiến thức pháp luật cơ bản.
KẾT LUẬN
Mục đích của khuyến mại là xúc tiến việc bán hàng và cung ứng dịch vụ. Để thực hiện mục đích mày, các đợt khuyến mại có thể hướng tới mục tiêu lôi kéo hành vi mua sắm, sử dụng dịch vụ của khách hàng… Cách thức thực hiện khuyến mại của các thương nhân hiện nay rất phong phú. Tuy nhiên, hệ quả của hoạt động khuyến mại mang lại cho thương nhân cũng như cho khách hàng mới là cái được mọi người quan tâm. Việc khuyến mại đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng đồng thời tăng doanh thu cho doanh nghiệp có lẽ luôn luôn là mục đích mà các thương nhân hướng tới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Giáo trình Luật thương mại, tập II, Trường Đại học Luật Hà Nội, NXB CAND – 2008;
Luật thương mại năm 2005;
Luận văn thạc sĩ - Trần Dũng Hải, Pháp luật thương mại về hoạt động quảng cáo và khuyến mại – Thực trạng và giải pháp;
Pháp luật về khuyến mại - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn: Khóa luận tốt nghiệp - Nguyễn Thị Thu Hồng; Người hướng dẫn: TS. Nguyễn Thị Dung, 2007;
Tìm hiểu pháp luật về khuyến mại ở Việt Nam: Khoá luận tốt nghiệp - Bùi Thanh Tú; Người hướng dẫn: ThS. Đoàn Trung Kiên, 2009
Và một số tài liệu tham khảo khác.
Ghi chú:
(1): xem: Tìm hiểu pháp luật về khuyến mại ở Việt Nam, Bùi Anh Tú
(2): xem: Pháp luật thương mại về hoạt động quảng cáo và khuyến mại – Thực trạng và giải pháp, tài liệu đã dẫn
(3): xem:
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Thực tiến thực hiện các quy định của pháp luật về khuyến mại ở Việt Nam.doc