Thực tiễn tổ chức bán tài sản kê biên và thanh toán tiền bán tài sản để thi hành án dân sự ở Tỉnh Hải Dương

PHẦN I. GIỚI THIỆU CHUYÊN ĐỀ Khi nhắc đến các cơ quan tư pháp người ta thường hay nhắc đến các cơ quan như Tòa án; Viện kiểm sát, trong khi đó cơ quan Thi hành án lại không hay được nhắc đến. Mặc dù không được nhắc đến nhiều nhưng cơ quan Thi hành án có vai trò rất quan trọng đến việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Thực tiễn cuộc sống cho thấy, việc Tòa án ban hành những bản án, quyết định công bằng đúng pháp luật có ý nghĩa quan trọng nhưng yêu cầu có tính quyết định là thực thi hiệu quả những bản án, quyết định đó theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, xã hội và công dân. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác thi hành án, qua quá trình thực tập ở địa phương em đã chọn đề tài “ Thực tiễn tổ chức bán tài sản kê biên và thanh toán tiền bán tài sản để thi hành án dân sự ở địa phương” làm đề tài nghiên cứu cho quá trình thực tập. Qua đó để có cái nhìn toàn diện nhất về công tác thi hành án dân sự tại địa phương. Chuyên đề thực tập của em được hoàn thành với sự giúp đỡ nhiệt tình của cơ quan Thi hành án tỉnh Hải Dương và đặc biệt sự giúp đỡ của các cô, các chú nơi em thực tập là Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản Tỉnh Hải Dương. PHẦN I. GIỚI THIỆU CHUYÊN ĐỀ PHẦN II: QUÁ TRÌNH TÌM HIỂU VÀ THU THẬP THÔNG TIN I. KHÁI QUÁT VỀ QUÁ TRÌNH TÌM HIỂU VÀ THU THẬP THÔNG TIN II. PHƯƠNG PHÁP VÀ NGUỒN THU THẬP THÔNG TIN 1. Phương pháp thu thập thông tin 2. Nguồn thu thập thông tin 3. Các thông tin thu được PHẦN III. KẾT QUẢ XỬ LÝ THÔNG TIN THU THẬP ĐƯỢC I. Nhận thức chung về Thi hành án dân sự và kê biên tài sản để THA 1. Thi hành án dân sự 2. Kê biên tài sản và bán tài sản kê biên II. THỰC TIỄN VIỆC BÁN TÀI SẢN KÊ BIÊN VÀ THANH TOÁN TIỀN BÁN TÀI SẢN KÊ BIÊN 1. Thực tiễn việc bán tài sản kê biên. 2. Thực tiễn việc thanh toán tiền bán tài sản kê biên. III. NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN TRONG CÔNG TÁC BÁN TÀI SẢN KÊ BIÊN VÀ THANH TOÁN TIỀN BÁN TÀI SẢN KÊ BIÊN 1. Thuận lợi 2. Khó khăn, vướng mắc trong việc bán tài sản kê biên và thanh toán tiền bán tài sản kê biên. PHẦN IV. NHẬN XÉT VÀ KIẾN NGHỊ 1. Việc bán tài sản kê biên và thanh toán tiền bán tài sản kê biên tại Thi hành án tỉnh Hải Dương – Bài học kinh nghiệm. 2. Các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác bán tài sản kê biên và thanh toán tiền bán tài sản kê biên. KẾT LUẬN DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

doc23 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 2978 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Thực tiễn tổ chức bán tài sản kê biên và thanh toán tiền bán tài sản để thi hành án dân sự ở Tỉnh Hải Dương, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHẦN I. GIỚI THIỆU CHUYÊN ĐỀ Khi nhắc đến các cơ quan tư pháp người ta thường hay nhắc đến các cơ quan như Tòa án; Viện kiểm sát, trong khi đó cơ quan Thi hành án lại không hay được nhắc đến. Mặc dù không được nhắc đến nhiều nhưng cơ quan Thi hành án có vai trò rất quan trọng đến việc thi hành các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Thực tiễn cuộc sống cho thấy, việc Tòa án ban hành những bản án, quyết định công bằng đúng pháp luật có ý nghĩa quan trọng nhưng yêu cầu có tính quyết định là thực thi hiệu quả những bản án, quyết định đó theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, xã hội và công dân. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác thi hành án, qua quá trình thực tập ở địa phương em đã chọn đề tài “ Thực tiễn tổ chức bán tài sản kê biên và thanh toán tiền bán tài sản để thi hành án dân sự ở địa phương” làm đề tài nghiên cứu cho quá trình thực tập. Qua đó để có cái nhìn toàn diện nhất về công tác thi hành án dân sự tại địa phương. Chuyên đề thực tập của em được hoàn thành với sự giúp đỡ nhiệt tình của cơ quan Thi hành án tỉnh Hải Dương và đặc biệt sự giúp đỡ của các cô, các chú nơi em thực tập là Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản Tỉnh Hải Dương. Do thời gian nghiên cứu hạn hẹp, giới hạn trang viết bị hạn chế, đặc biệt đây là một đề tài nghiên cứu rất mới mẻ ở cấp độ chuyên đề thực tập nên bài viết của em không thể tránh khỏi những hạn chế, thiếu xót nhất định. Em rất mong nhận được sự góp ý chân thành của các thầy cô giáo hướng dẫn, các bạn đọc và độc giả quan tâm. Em xin chân thành cảm ơn! Sinh viên thực tập Đinh Thị Thu PHẦN II: QUÁ TRÌNH TÌM HIỂU VÀ THU THẬP THÔNG TIN I. KHÁI QUÁT VỀ QUÁ TRÌNH TÌM HIỂU VÀ THU THẬP THÔNG TIN Quán triệt tinh thần và mục đích của kế hoạch thực tập, nhận thức rõ tầm quan trọng của khâu tìm hiểu và thu thập thông tin đối với việc viết chuyên đề thực tập, nên trong suốt quá trình thực tập tại Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Hải Dương em đã vạch ra cho mình những định hướng, yêu cầu cụ thể để tìm hiểu và thu thập được nhiều thông tin nhất, đảm bảo chất lượng viết chuyên đề. Được sự giúp đỡ của cơ quan nơi thực tập, đặc biệt sự giúp đỡ của Giám đốc Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Hải Dương, cơ quan Thi hành án tỉnh Hải Dương nên trong quá trình tìm hiểu và thu thập thông tin em đã gặp rất nhiều thuận lợi. Để có được một cái nhìn tương đối khái quát về vấn đề mình chọn làm đề tài viết báo cáo thực tập, cụ thể ở đây là đề tài “ Thực tiễn tổ chức bán tài sản kê biên và thanh toán tiền bán tài sản để thi hành án dân sự ở địa phương” thì công việc của em là tiếp xúc với hồ sơ vụ án mà cơ quan Thi hành án tỉnh đã thực hiện qua các năm. Việc nghiên cứu hồ sơ đòi hỏi phải thật cẩn thận, xem xét mọi góc độ, khía cạnh để tìm ra được bản chất của từng vụ việc cụ thể. Qua việc nghiên cứu hồ sơ cho em thấy được số liệu của các vụ mà cơ quan thi hành án tiếp nhận, trong đó số vụ việc phải tiến hành kê biên tài sản, số tài sản kê biên đã được bán và thanh toán tiền bán tài sản kê biên đó như thế nào. Song muốn việc nhìn nhận, đánh giá công tác tổ chức bán tài sản kê biên và thanh toán tiền bán tài sản kê biên được toàn diện thì còn phải cần đến những yếu tố thực tiễn. Mặc dù nơi em thực tập là Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Hải Dương nhưng rất may cho em là Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và cơ quan Thi hành án (THA) tỉnh Hải Dương có mối quan hệ hết sức mật thiết về công việc cho nên đã nhiều lần em được xem xét việc thi hành án của các cô chú, anh chị tại cơ quan Thi hành án. Qua quá trình thực tập và tìm hiểu, em đã được trực tiếp xem xét việc thi hành các bản án, quyết định của cơ quan thi hành án và trực tiếp được đến cơ sở để xem xét, giải quyết thi hành án. Đặc biệt em đã trực tiếp được xem việc kê biên tài sản để thi hành án và việc bán tài sản kê biên để thi hành án. Mặc dù vẫn chưa phải là nhiều nhưng những gì học hỏi được từ thực tiễn thì lại có ý nghĩa rất lớn và bổ ích. Được sự giúp đỡ của cơ quan nơi em thực tập là Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Hải Dương và cơ quan thi hành án tỉnh Hải Dương em đã được tiếp xúc với hồ sơ, trực tiếp tham gia gặp mặt đương sự đó là người phải thi hành án và người được thi hành án, được tham dự vào quá trình kê biên tài sản, tham dự vào quá trình bán đấu giá tài sản đã kê biên. Bên cạnh đó, để viết chuyên đề thực tập của mình thì việc tìm hiểu và thu thập thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua sách vở, báo chí cũng được chú trọng đến. Kết hợp với việc tiếp thu những ý kiến đóng góp về những kinh nghiệm thực tiễn của thủ trưởng cơ quan thi hành án, các chấp hành viên và của các anh chị của trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản để em hoàn thiện chuyên đề thực tập này. II. PHƯƠNG PHÁP VÀ NGUỒN THU THẬP THÔNG TIN Phương pháp thu thập thông tin Phương pháp thu thập thông tin là yếu tố quyết định đến hiệu quả của quá trình tìm hiểu và thu thập thông tin. Do đó, phải có phương pháp thu thập thông tin đúng đắn, hợp lý thì thông tin thu dược mới thực sự bổ ích. Trên cơ sở phương pháp luận Triết học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh lý luận chung về nhà nước và pháp luật, em đã sử dụng và kết hợp nhiều phương pháp khác nhau trong mỗi hoạt động thực tiễn của mình để việc thu thập thông tin đạt kết quả tốt. Các phương pháp được sử dụng như sau: Phương pháp quan sát kết hợp với phương pháp phân tích khi trực tiếp xuống cơ sở để thực hiện thi hành án, kê biên tài sản để thi hành án; phương pháp thống kê tổng hợp và phương pháp so sánh lại được dùng trong quá trình xem xét, nghiên cứu hồ sơ… tổng kết những gì đã thu thập được để rút ra được những kết luận chính xác. Đối với từng hoạt động cụ thể lại có những phương pháp thích hợp, nhưng việc áp dụng nó không cứng nhắc mà còn cần phải đòi hỏi những phương pháp khác để hỗ trợ cho việc tìm hiểu và thu thập thông tin. Qua đó cho em có cái nhìn khái quát nhất về việc bán tài sản kê biên và thanh toán tiền bán tài sản kê biên đó. Nguồn thu thập thông tin Công tác thi hành án dân sự tại cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Hải Dương nói riêng và các địa phương khác nói chung thường bao gồm nhiều công đoạn, nhiều phương pháp làm và tất nhiên các tài liệu ghi nhận các công đoạn đó luôn rất phong phú nếu không muốn nói là khá phức tạp. Chính vì vậy, để phục vụ cho việc viết chuyên để thực tập thì không phải mọi thông tin thu được đều có thể sử dụng mà cần phải có sự chọn lọc phù hợp cho đề tài. Vì vậy, xác định được đúng nguồn sẽ mang lại hiệu quả cho công tác thu thập thông tin, tránh được những nhầm lẫn cũng như là thiếu xót không đáng có. Những thông tin, số liệu trong chuyên đề này được em rút ra từ những nguồn chủ yếu sau đây: Báo cáo thi hành án năm 2008 của thi hành án tỉnh Hải Dương Hồ sơ thi hành án Báo cáo gửi sở tư pháp của thi hành án tỉnh Hải Dương Tạp chí Luật học, tạp chí Dân chủ và pháp luật Tin thi hành án dân sự của Cục thi hành án Bộ Tư pháp Báo cáo tổng kết công tác năm 2008 của trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Hải Dương Pháp lệnh thi hành án dân sự 2004 Một số website Các hoạt động cụ thể khác: + Xuống cơ sở xem xét khả năng thi hành án của đương sự + Bán tài sản kê biên, bán đấu giá tài sản kê biên. Các thông tin thu được Với yêu cầu của chuyên đề là thực tiễn việc bán tài sản đã kê biên và thanh toán tiền bán tài sản đã kê biên đó. Với các nguồn thông tin và phương pháp thu thập nêu trên thì các tư liệu mà em thu thập được như sau: ban đầu qua tìm hiểu sách báo, pháp lệnh thi hành án dân sự 2004 em đã có cái nhìn khái quát về công tác thi hành án dân sự và bán tài sản kê biên, việc thanh toán tiền bán tài sản kê biên. Qua quá trình tìm hiểu thực tiễn em được biết số các vụ phải tiến hành kê biên và thực tiễn việc thanh toán số tiền đó. Như vậy những kiến thức em thu nhận được đầu tiên có thể kể đến là cái nhìn khái quát về hoạt động thi hành án, về việc kê biên tài sản để thi hành án và việc bán tài sản kê biên. Sau đó, qua quá trình tìm hiểu cả lý luận và thực tiễn em có những số liệu, những kiến thức thực tiễn về việc bán tài sản kê biên và thanh toán tiền bán tài sản kê biên. PHẦN III. KẾT QUẢ XỬ LÝ THÔNG TIN THU THẬP ĐƯỢC Qua việc tìm hiểu và xem xét thực tế, em đã có cái nhìn ban đầu, khái quát về công tác THA và kê biên tài sản, sau đó là cái nhìn cụ thể về thực tiễn việc bán tài sản kê biên và thanh toán tiền bán tài sản kê biên. I. Nhận thức chung về Thi hành án dân sự và kê biên tài sản để THA Thi hành án dân sự Thi hành án là hoạt động tiếp theo của hoạt động nhằm thực thi các bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực. Thực tiễn cuộc sống cho thấy, việc thi hành những bản án, quyết định công bằng, đúng pháp luật có ý nghĩa quan trọng nhưng yêu cầu có tính quyết định là thực thi hiệu quả những bản án, quyết định đó theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật để đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, xã hội và công dân. Nhìn lại lịch sử phát triển pháp luật thi hành án dân sự ở nước ta thì trước năm 1992 hoạt động thi hành án pháp luật được quy định tại Pháp lệnh Thi hành án năm 1989. Theo pháp lệnh này, ngoài chức năng xét xử tòa án còn được giao nhiệm vụ tổ chức thi hành các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, việc tòa án vừa có chức năng xét xử vừa tổ chức thi hành những bản án, quyết định làm cho tòa án bị quá tải trong công việc. Trên cơ sở Hiến pháp 1992, đã ghi nhận sự ra đời vai trò của cơ quan thi hành án “Các bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành” điều 136 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1992. Vì vậy Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1993 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng hệ thống cơ quan thi hành án độc lập với hệ thống tòa án nhân dân. Tuy nhiên, qua hơn 10 năm thi hành pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 đã bộc lộ những bất cập trước những đòi hỏi của quá trình đổi mới, để đáp ứng yêu cầu bức xúc của thực tiễn và yêu cầu của quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN sửa đổi của pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 đã thực sự tạo được những đổi mới đáng kể trong công tác thi hành án dân sự. Theo pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004, những bản án, quyết định dân sự được thi hành bao gồm: “1. Những bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật là: a) Bản án, quyết định hoặc phần bản án quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; b) Bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm; c) Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Tòa án; d) Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam; đ) Quyết định của Trọng tài thương mại Việt Nam có hiệu lực thi hành; 2. Những bản án, quyết định dân sự chưa có hiệu lực pháp luật: a) Bản án, quyết định của tòa án cấp sơ thẩm về cấp dưỡng, trả lương, trả công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm xã hội hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, nhận người lao động trở lại làm việc; b) Quyết định về biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án để đảm bảo cho việc xét xử và thi hành án.” Khi những bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì cũng sẽ xảy ra hai trường hợp: thứ nhất, người phải thi hành án sẽ tự nguyện thi hành án theo điều 7 Pháp lệnh thi hành án dân sự 2004; thứ hai, người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án. Đối với những trường hợp không tự nguyện thi hành án, cơ quan thi hành án có quyền cưỡng chế thi hành theo Điều 7 của pháp lệnh thi hành án dân sự. Pháp luật quy định rất cụ thể các biện pháp cưỡng chế thi hành, theo Điều 37 Pháp lệnh thi hành án dân sự 2004 Chấp hành viên có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án sau đây: 1. Khấu trừ vào tài khoản, trừ vào tiền, thu hồi giấy tờ có giá của người phải thi hành án; 2. Trừ vào thu nhập của người thi hành án; 3. Phong tỏa tài khoản, tài sản của người thi hành án tại ngân hàng, tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước; 4. Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ; 5. Buộc giao nhà, chuyển quyền sử dụng đất hoặc giao vật, tài sản khác; 6. Cấm hoặc buộc người phải thi hành án không làm hoặc làm công việc nhất định.” 2. Kê biên tài sản và bán tài sản kê biên Trước đây theo Pháp lệnh thi hành án 1993, biện pháp biện pháp kê biên tài sản là biện pháp đầu tiên trong số các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước. Nhưng hiện nay, theo pháp lệnh thi hành án dân sự 2004, biện pháp kê biên đứng thứ ba sau biện pháp: Khấu trừ tài khoản, trừ vào tiền, thu hồi giấy tờ có giá của người thi hành án (điều 39) và biện pháp trừ vào thu nhập của người phải thi hành án (điều 40). Sở dĩ pháp luật quy định như vậy bởi vì hiện nay đời sống người dân của chúng ta không ngừng được cải thiện, rất nhiều người có tiền gửi vào tài khoản, thu nhập của người dân được nâng cao nên áp dụng các biện pháp này trước tiên là hoàn toàn đúng đắn. Hơn nữa biện pháp kê biên tài sản thường phức tạp hơn các biện pháp kia. Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án là một trong 6 loại biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định cụ thể tại điều 41 pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004. Theo quy định của Pháp lệnh thi hành án dân sự 2004 thì quá trình kê biên tài sản như sau: “1. Chấp hành viên có quyền kê biên tài sản nếu có căn cứ cho rằng tài sản đó là của người phải thi hành án kể cả quyền sử dụng đất hoặc tài sản đang do người thứ ba giữ, trừ trường hợp quy định tại Điều 42 của Pháp lệnh này” Giai đoạn tiếp theo của biện pháp này là định giá tài sản kê biên, được quy định tại điều 43 Pháp lệnh thi hành án dân sự 2004; bán tài sản kê biên được quy định tại điều 47 pháp lệnh. Theo đó, việc bán tài sản kê biên dược quy định rất rõ ràng cụ thể như sau: Cơ quan THA sẽ kí hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, đối với các loại tài sản kê biên là bất động sản, bao gồm cả quyền sử dụng đất hoặc động sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên. Chấp hành viên bán động sản có giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống, trường hợp tài sản có giá trị dưới 500.000 đồng hoặc tài sản thuộc diện mau hỏng, chấp hành viên có thể tổ chức bán trong thời gian 5 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên. Giai đoạn cuối cùng của biện pháp này là thanh toán tiền bán tài sản để thi hành án. Theo điều 52 Pháp lệnh thi hành án dân sự 2004 ta thấy : Thứ tự ưu tiên thanh toán áp dụng chung đối với số tiền thu được để thi hành án (tiền bán tài sản, tiền thu được của người phải thi hành án, tiền tạm giữ do cơ quan tố tụng chuyển sang…). Số tiền thi hành án, sau khi trừ các chi phí về thi hành án, trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày thu được, được thanh toán theo thứ tự quy định. II. THỰC TIỄN VIỆC BÁN TÀI SẢN KÊ BIÊN VÀ THANH TOÁN TIỀN BÁN TÀI SẢN KÊ BIÊN 1. Thực tiễn việc bán tài sản kê biên. Sau một thời gian làm việc với tinh thần nghiêm túc, xem khâu thu thập thông tin, số liệu là tiền đề quan trọng để có thể tìm hiểu, nhìn nhận, đánh giá một cách sâu sắc, toàn diện về việc bán tài sản kê biên và thanh toán tiền bán tài sản kê biên, kết quả thu được là rất tốt, bao gồm: Nội dung Năm VỤ VIỆC TÀI SẢN Tổng số thụ lý thi hành án Đã thi hành xong Tổng số cưỡng chế Cưỡng chế kê biên tài sản Số tài sản đã kê biên Số bán được 2007 405 311 6 4 5 4 2008 343 196 5 4 4 3 Bảng số liệu về tình hình cưỡng chế và bán tài sản kê biên (số vụ việc) Như vậy, qua bảng số liệu trên em thấy tình hình bán tài sản kê biên tại cơ quan THA tỉnh Hải Dương như sau: Năm 2007: Theo thống kê của cơ quan thi hành án: - Có 6 vụ việc phải tiến hành cưỡng chế Thi hành án trong đó 4 vụ phải tiến hành kê biên tài sản để THA. Số tài sản phải kê biên để THA là 5 tài sản (trong đó, có 3 tài sản là động sản và 2 tài sản là bất động sản ) + Trong đó, số tài sản phải bán là 4 tài sản ( trong đó có 2 tài sản là động sản, 2tài sản là bất động sản) chiếm 80% so với tổng số tài sản kê biên để THA. + Số tài sản phải bán đấu giá là 2 tài sản. Trong đó có 2 tài sản là bất động sản động sản) Năm 2008: Theo thống kê của cơ quan thi hành án - Có 5 vụ việc phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế để THA trong đó có 4 vụ việc phải áp dụng biện pháp kê biên để THA. Số tài sản phải kê biên để THA là 4 tài sản + Trong đó, số tài sản phải bán là 3 tài sản (trong đó có 1 tài sản là động sản và 2 là bất động sản ) chiếm trên 70% so với tổng số tài sản kê biên để THA. + Số tài sản phải tiến hành bán đấu giá là 2 tài sản. Trong đó, có 2 tài sản là bất động sản Qua quá trình tìm hiểu tại cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Hải Dương, em nhận thấy thực tiễn việc cưỡng chế kê biên tài sản thường ít được tiến hành. Sở dĩ có điều đó bởi vì theo thẩm quyền thi hành án dân sự tỉnh việc thi hành các bản án, quyết định dân sự cũng ít hơn thành phố và các huyện trong tỉnh. Hầu như các vụ việc thường được giải quyết tại cơ quan THA của các huyện và thành phố Hải Dương chứ cơ quan THA tỉnh có ít vụ việc để giải quyết. Điều này có thể thấy qua quy định tại khoản 1 điều 21 Pháp lệnh thi hành án dân sự 2004 về thẩm quyền ra quyết định thi hành án của thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp tỉnh như sau: “Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp tỉnh ra quyết định thi hành các bản án, quyết định sau đây: a) Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; b) Bản án, quyết định thuộc thẩm quyền ra quyết định thi hành án của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cấp huyện nhưng do tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều huyện mà xét thấy cần thiết lấy lên để thi hành; c) Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân Tối cao gửi cho cơ quan Thi hành án cấp Tỉnh; d) Bản án, quyết định do cơ quan thi hành án nơi khác ủy thác; đ) Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam”( khoản 1 điều 21, pháp lệnh Thi hành án năm 2004) Một số nguyên nhân nữa khiến cho việc kê biên tài sản ít được thực hiện kéo theo việc bán tài sản kê biên ít xảy ra là do các bên đương sự thỏa thuận được việc thi hành án, áp dụng biện pháp cưỡng chế khác ví dụ như các biện pháp:khấu trừ vào tài sản, trừ vào thu nhập của người phải THA…hoặc trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản hoặc còn nhưng không thuộc diện phải thi hành án nên không thể áp dụng biện pháp cưỡng chế THA. Thực tiễn việc tổ chức bán tài sản kê biên của cơ quan THA tỉnh Hải Dương như sau: Trên cơ sở các quy định hiện hành của pháp luật về việc bán tài sản kê biên, quy định về bán đấu giá tài sản và hệ thống bổ trợ tư pháp ( các trung tâm bán đấu giá), để đảm bảo sự khách quan trong việc bán tài sản, đồng thời tạo sự chủ động cho Chấp hành viên, Điều 47 Pháp lệnh thi hành án dân sự 2004 quy định hai phương thức bán tài sản kê biên. Theo đó, các chấp hành viên tại THA tỉnh Hải Dương tiến hành bán tài sản kê biên theo những phương thức sau: + Thứ nhất: Kí hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, đối với các loại tài sản kê biên là bất động sản, bao gồm cả quyền sử dụng đất hoặc động sản có giá trị từ mười triệu đồng trở lên. Thực tiễn trong thời gian qua, cơ quan THA tỉnh Hải Dương và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản có nhiều hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản. Năm 2007, cơ quan THA kí 2 hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản. Trong đó có 2 tài sản là bất động sản Năm 2008, cơ quan THA kí 2 hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản. Trong đó có 2 tài sản là bất động sản Trong trường hợp này, cơ quan dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Hải Dương đã tiến hành bán tài sản kê biên theo quy định của NĐ 05/ 2005 / NĐ-CP. Theo đó, phải thực hiện các thủ tục bán đấu giá tài sản theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể là các thủ tục như: định giá tài sản, lập kế hoạch bán đấu giá tài sản, thông báo việc bán đấu giá tài sản, bán hồ sơ BĐG tài sản, tổ chức BĐG tài sản và cuối cùng là chuyển quyền sở hữu cho người mua được tài sản đó + Thứ hai: Chấp hành viên bán động sản có giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống, trường hợp tài sản có giá trị dưới 500.000 đồng hoặc tài sản thuộc diện mau hỏng, chấp hành viên có thể tổ chức bán trong thời gian 5 ngày làm việc, kể từ ngày kê biên. Trong trường hợp này các Chấp hành viên tại cơ quan THA thực hiện bán đấu giá tài sản tại ngay trụ sở của cơ quan THA. Việc bán tài sản đó cũng được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Ví dụ như theo quyết định số 57/2006/QĐST-DS ngày 20/5/2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Dương quyết định bà Nguyễn Thị Ngọc còn nợ và có nghĩa vụ trả nợ cho bà Lê Thị Thủy số tiền là 5 triệu đồng và phải nộp 570.000 tiền án phí sơ thẩm. Bà Thủy có đơn yêu cầu thi hành khoản tiền trên, THA dân sự đã thụ lý và tổ chức thi hành. Do bà Ngọc không tự nguyện thi hành quyết định trả tiền nên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế THA. Khi họp bàn cưỡng chế, do bà Ngọc trồng dưa hấu, đến thời kì thu hoạch dưa nên bà quyết định đưa 2 tấn dưa hấu với trị giá trên 6 triệu đồng để cơ quan THA tiến hành kê biên tài sản. Trước tình hình đó, để tránh tình trạng hư hỏng, chấp hành viên phải tiến hành bán số dưa trên để nhanh chóng THA. Tuy có quy định về bán tài sản kê biên như vậy nhưng người phải THA vẫn có quyền chuộc lại tài sản kê biên trước khi bán đấu giá 1 ngày với điều kiện phải nộp đủ tiền THA, bồi hoàn các chi phí thực tế, hợp lí cho người đăng kí mua tài sản và thanh toán chi phí cưỡng chế THA. Quy định này đã giải quyết vướng mắc lâu nay trong vận dụng các quy định về thủ tục THA và các quy định về bán đấu giá. Thực tế có nhiều trường hợp người bị kê biên tài sản không muốn mất tài sản của mình nên họ sẽ được lấy lại tài sản của mình nếu đáp ứng đủ các điều kiện trên. Ví dụ như năm 2008 vừa qua, có 2 trường hợp người bị kê biên tài sản để THA đã nộp đủ tiền phải THA để nhận lại tài sản của mình. Như vậy em thấy được rằng, hầu như các tài sản kê biên để THA, qua quá trình định giá tài sản, hầu như chúng có giá trị lớn hơn 10 triệu đồng nên hầu như các tài sản đó đều được ủy quyền cho trung tâm dịch vụ Bán đấu giá tỉnh Hải Dương bán. Còn lại các tài sản có giá trị nhỏ, dưới 10 triệu đồng thì bán tại cơ quan THA. Do có giá trị sử dụng khác nhau và do nhu cầu của người dân khác nhau nên việc bán các tài sản cũng rất khác nhau. Có tài sản bán rất nhanh chóng, có rất nhiều người đăng kí mua. Ví đụ như trường hợp Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản bán ngôi nhà tọa lạc tại số 7 phố Phạm Hồng Thái thành phố Hải Dương, có rất nhiều người đăng kí tham gia đấu giá và cuối cùng ngôi nhà được bán với số tiền lớn hơn rất nhiều giá khởi điểm. Bên cạnh đó, một số tài sản như ô tô, máy xúc do có giá trị sử dụng lớn nên việc bán những tài sản đó cũng thuận lợi và nhanh chóng hơn. Tuy nhiên có một số tài sản, việc bán chúng rất khó khăn, có thể phải tổ chức bán đấu giá mấy làn mới bán được, và tất nhiên, giá của chúng cũng không được cao. Ví dụ như những chiếc xe máy cũ nát, hngr hóc, những chiếc điện thoại di động cũ rất khó bán… 2. Thực tiễn việc thanh toán tiền bán tài sản kê biên. Do số vụ phải kê biên tài sản là không lớn, việc bán tài sản kê biên không nhiều cho nên số tiền bán tài sản kê biên cũng không phải là nhiều. Nội dung Năm TỔNG SỐ TIỀN BÁN TÀI SẢN THANH TOÁN CHO Phí thi hành án Phí cưỡng chế và bán tài sản Lệ phí và án phí tòa án Thi hành trách nhiệm dân sự Trả lại cho người phải THA 2007 3480 81 32 94 3196 77 2008 2710 65 19 57 2530 39 Bảng số liệu về thanh toán tiền bán tài sản kê biên ( Đơn vị: triệu VNĐ) Khi bán được tài sản kê biên, việc thanh toán tiền THA được thực hiện theo thứ tự pháp luật quy định( điều 51, 52 pháp lệnh THA dân sự năm 2004), theo đó: - Số tiền THA, sau khi trừ đi các chi phí về THA, trong thời hạn không quá mười ngày làm việc kể từ ngày thu được, được thanh toán theo thứ tự sau: + Tiền cấp dưỡng + Tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, BHXH + Tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe + Án phí, lệ phí tòa án + Tiền phạt, tiền tịch thu, tiền truy thu thuế, truy thu trên thu lợi bất chính + Các khoản phải trả khác + Số tiền còn lại phải trả cho người thi hành án Các chi phí về THA trong trường hợp kê biên, bán tài sản kê biên được quy định tại điều 28 Nghị Định 173/2004/NĐ-CP và thông tư liên tịch số 68/2006/TTLT-BTC-BTP ngày 26/7/2006 của Bộ Tài chính và Bộ Tư Pháp là các khoản sau đây: + Phí thi hành án + Các phí cho việc kê biên tài sản + Chi phí cho việc định giá tài sản, chi phí cho bán đấu giá tài sản + Chi phí cho việc thuê trông coi, vận chuyển tài sản + Chi phí thông báo cưỡng chế + Các khoản chi phí khác (nếu có) Trong các khoản chi phí này, người phải thi hành án chịu các khoản chi phí cho cưỡng chế ( bao gồm nhiều khoản như trên ), án phí, lệ phí tòa án, khoản bồi thường trách nhiệm dân sự liên quan. Người được thi hành án chịu phí thi hành án, phí cho định giá, định giá lại tài sản. Số tiền bán tài sản sau khi trừ các chi phí trên, nếu còn thừa sẽ trả lại cho người phải thi hành án. Bên cạnh đó, pháp luật quy định rất cụ thể các trường hợp đặc biệt như trường hợp kê biên tài sản cầm cố, thế chấp. Đối với những tài sản này thì thứ tự thanh toán có quy định khác. Qua đó, tạo điều kiện rất thuận lợi cho các chấp hành viên khi thi hành án. Điều 52 pháp lệnh quy định: Số tiền thu được từ bán tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm sau khi trừ đi các chi phí về thi hành án.. Nhờ những quy định cụ thể của luật mà các chấp hành viên khi thực hiện việc thanh toán tiền bán tài sản kê biên cũng được thuận lợi hơn nhiều. Do đó làm cho công tác thi hành án diễn ra nhanh chóng, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những người phải thi hành án. Ví dụ như năm 2006 vừa qua, cơ quan Thi hành án tỉnh Hải Dương, thực hiện thi hành bản án số 43/2006/DSST ngày 14/6/2006 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Dương, quyết định buộc bà Hồ Thị M phải trả cho bà Trần Thị N số tiền 253 triệu đồng và phải nộp 6.322.000 đồng tiền án phí. Hết thời hạn tự nguyện, bà M không trả được cho bà N, cơ quan Thi hành án phải kê biên tài sản của bà M là 1 ngôi nhà tọa lạc trên diện tích đất 208m2 trị giá 300 triệu đồng. Sau khi tiến hành bán đấu giá ngôi nhà được 315 triệu đồng, các chấp hành viên đã tiến hành thanh toán tiền như quy định của pháp luật và số tiền còn thừa lại là 35 triệu đồng được trả lại cho bà M. III. NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN TRONG CÔNG TÁC BÁN TÀI SẢN KÊ BIÊN VÀ THANH TOÁN TIỀN BÁN TÀI SẢN KÊ BIÊN Thuận lợi Hiện nay, pháp lệnh THA dân sự năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo ra một hành lang pháp lý hoàn chỉnh và chặt chẽ cho công tác THA dân sự đặc biệt là với việc kê biên tài sản và bán tài sản kê biên. Đặc biệt hiện nay Luật Thi hành án dân sự năm 2008, có hiệu lực thi hành vào năm 2009 lại càng tạo ra hành lang pháp lý cho việc bán tài sản kê biên. Hơn nữa hiện nay trình độ dân trí của người dân ngày càng được nâng cao, người dân hiểu biết pháp luật hơn. Vì vậy, họ thường tự nguyện thi hành các bản án, quyết định của Tòa án nên việc kê biên tài sản cũng ít xảy ra. Hoặc có xảy ra thì họ cũng tự nguyện cho các chấp hành viên kê biên tài sản, tạo điều kiện giải quyết nhanh chóng, đúng đắn vụ việc đó. Vì vậy công tác THA được giải quyết nhanh chóng hơn. Đặc biệt phải kể đến vai trò của cơ quan THA dân sự tỉnh Hải Dương, với hơn 20 cán bộ nhân viên trong đó phần lớn trình độ Đại học, cao đẳng trở lên vì vậy đội ngũ chấp hành viên có trình độ cao, có khả năng xử lý tình huống nhanh nhạy nên tiến hành kê biên tài sản và bán tài sản kê biên cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Khó khăn, vướng mắc trong việc bán tài sản kê biên và thanh toán tiền bán tài sản kê biên. Mặc dù có nhiều thuận lợi như vậy nhưng việc bán tài sản kê biên và thanh toán tiền bán tài sản kê biên cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc sau: - Thứ nhất, vướng mắc đầu tiên phải kể đến đó là hiện nay, các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục về việc bán tài sản kê biên và thanh toán tiền bán tài sản kê biên còn có một số bất cập như sau: + Hiện nay, các quy định về thủ tục kê biên, bán đấu giá tài sản kê biên là quyền sử dụng đất và quyền tài sản khác như quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng bất động sản liền kề, quyền thuê nhà của Nhà nước được quy định như hiện nay còn rất chung chung, gây khó khăn cho việc áp dụng. + Hơn nữa, chưa có những quy định chi tiết về thủ tục đăng ký về quyền sở hữu, sử dụng tài sản cho người trúng đấu giá; thủ tục đăng ký tài sản đã bán đấu giá trong một số trường hợp còn có sự chồng chéo về quy định của pháp luật nên cơ quan Thi hành án không hoàn thành được thủ tục chuyển quyền sở hữu cho người trúng đấu giá. (Ví dụ, trong việc đăng kí tài sản đã bán đấu giá là các phương tiện giao thông đường bộ, sau khi bán đấu giá thành tài sản, do không thu hồi được giấy tờ đăng kí của chủ sở hữu cũ đối với phương tiện đó nên việc chuyển quyền sở hữu gặp nhiều khó khăn) - Thứ hai, công tác định giá tài sản của chúng ta hiện nay chưa được thực hiện tốt, việc định giá thường được thực hiện thông qua một hội đồng định giá. Hoạt động định giá tài sản tưởng chừng đơn giản nhưng nó thực sự rất phức tạp. Nếu không có những kinh nghiệm, kiến thức về đánh giá tài sản thì có thể sẽ định giá sai về tài sản đó, gây khó khăn cho việc bán tài sản. - Thứ ba, hiện nay việc bán tài sản kê biên gặp phải khó khăn đó là thông thường tài sản kê biên gặp phải tình trạng khó bán được. Sở dĩ có tình trạng ấy bởi vì do tâm lý của người mua, họ không muốn mua tài sản bị kê biên để THA hoặc nếu muốn mua thì họ cũng không trả giá cao, trả giá xuống thấp, ép giá làm việc bán tài sản khó khăn, ảnh hưởng đến quyền lợi của người THA. Đặc biệt là vướng mắc trong việc bán tài sản kê biên của doanh nghiệp là các dây chuyền sản xuất. Đối với doanh nghiệp phải THA đã ngừng sản xuất kinh doanh, trường hợp phổ biến là tài sản kê biên không bán được. Do doanh nghiệp phải trải qua thời gian dài làm ăn thua lỗ, dây chuyền sản xuất, máy móc cũ kĩ, lạc hậu…hơn nữa lại do tâm lý của người dân vì vậy việc bán tài sản này gặp nhiều khó khăn, thậm chí nhiều vụ còn không bán được. Ví dụ như, năm 2007 vừa qua, TTDVBĐG tài sản tỉnh Hải Dương nhận một hợp đồng BĐG tài sản là hệ thống nhà xưởng và quyền sử dụng đất của công ty Thiên Thanh có trụ sở tại số 7 phố Lê Thanh Nghị thành phố Hải Dương. Ngày 27/3/2007 TTDVBĐG tài sản đã tổ chức BĐG, giá khởi điểm là 1 tỷ đồng giá trị quyền sử dụng đất và 100 triệu tiền cơ sở hạ tầng trên đất.Tuy nhiên cuộc đấu giá đã không thành công do không có ai trả cao hơn giá khởi điểm. Cuối cùng sau 3 lần tổ chức BĐG ngày 2/4/2007 trung tâm đã bán được lô đất trên và tài sản trên đất với giá chênh lệch là không đáng kể. Đối với trường hợp doanh nghiệp phải THA đang sản xuất kinh doanh thì việc kê biên càng khó khăn bởi lẽ vướng mắc đầu tiên sẽ là xử lý tài sản kê biên đó như thế nào bởi vì tài sản đó hiện vẫn đang trong quá trình sản xuất. Và vấn đề là giải quyết vấn đề BHXH, tiền lương, và giải quyết vấn đề lao động của công ty. Vì vậy, đó là điều rất khó khăn cho công tác kê biên tài sản. - Thứ tư, vướng mắc trong việc bán tài sản kê biên là tài sản đang cầm cố, thế chấp do phấp luật chưa có những quy định cụ thể về vấn đề này nên thực tiễn giải quyết còn gặp nhiều khó khăn. - Thứ năm, vướng mắc trong việc bán một số tài sản như cổ phiếu. Do thời gian gần đây nhiều công ty cổ phần được thành lập nên nhiều người dân có cổ phiếu. Mà đây cũng là một loại tài sản mới nên việc kê biên, định giá và bán chúng cũng rất khó khăn. Ví dụ có trường hợp người phải THA tự nguyện nộp số cổ phiếu mình có để trả nợ. Cổ phiếu là 1 loại giấy tờ có giá nên điều đó hoàn toàn được phép. Tuy nhiên hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể về vấn đề này cho nên việc bán tài sản là cổ phiếu gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, khi bán cổ phiếu, cơ quan THA không thể xác định được giá trị cổ phiếu mà chỉ có ngân hàng mới xác định được bằng cách thuê kiểm toán. Những vấn đề này do Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Ngân hàng Nhà nước mới có quyền quyết định. Do đó, rất khó khăn cho việc thực hiện. Việc thanh toán tiền bán tài sản kê biên cũng gặp một số những khó khăn như sau: -Thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp việc bán tài sản kê biên không được như giá đã định trước cho nên ảnh hưởng rất lớn đến việc thanh toán tiền để THA. Ví dụ trường hợp sau: Theo Quyết định số 350/ QĐ- DSST của Tòa án Nhân dân Thành phố Hải Dương quyết định anh Nguyễn Văn An còn nợ và có nghĩa vụ trả nợ cho bà Nguyễn Hoài Linh số tiền 10 triệu đồng và phải nộp 600.000 tiền án phí sơ thẩm. Hết thời hạn tự nguyện THA, An không trả tiền được, CQTHA buộc phải kê biên tài sản. An không có gì ngoài chiếc xe máy Jupiter trị giá khoảng 12 triệu đồng. Tuy nhiên, khi cơ quan THA tiến hành bán chiếc xe đấy thi chỉ bán được với giá 10 triệu đồng. Do đó ảnh hưởng rất lớn đến việc thanh toán tiền THA. - Việc thanh toán tiền bán tài sản kê biên đặc biệt với tài sản cầm cố, thế chấp càng phát sinh nhiều vướng mắc. Theo luật thì chúng ta ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ được bảo đảm tuy nhiên hiện nay không ưu tiên thanh toán cho trường hợp bảo lãnh tài sản. PHẦN IV. NHẬN XÉT VÀ KIẾN NGHỊ 1. Việc bán tài sản kê biên và thanh toán tiền bán tài sản kê biên tại Thi hành án tỉnh Hải Dương – Bài học kinh nghiệm. Trước tình trạng người dân không tự giác thực hiện THA, cơ quan THA tỉnh Hải Dương đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình với tư cách là người thay mặt Nhà nước bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên đương sự. Để nhân dân tin tưởng vào những quyết định của mình, các chấp hành viên đã không ngừng học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, cũng như kinh nghiệm thực tế để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Quán triệt chủ trương cải cách Tư pháp, xuất phát từ vai trò của cơ quan THA có thẩm quyền thực thi các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Trong quá trình bán tài sản kê biên và thanh toán tiền bán tài sản kê biên, các chấp hành viên luôn cố gắng thực hiện đúng các quy định của pháp luật, vận dụng chính xác các quy phạm pháp luật liên quan để đảm bảo THA một cách khách quan và công bằng. Khi tiến hành kê biên tài sản, bao giờ các chấp hành viên cũng tạo điều kiện cho người bị THA được quyền đưa ra tài sản để kê biên, đảm bảo quyền lợi cho họ. Trước khi tài sản kê biên bị bán, các chấp hành viên cũng tạo điều kiện cho người phải THA được quyền lấy lại tài sản của mình nếu như hoàn trả mọi chi phí THA. 2. Các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác bán tài sản kê biên và thanh toán tiền bán tài sản kê biên. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc giải quyết THA, đặc biệt là việc bán tài sản kê biên và thanh toán tiền bán tài sản kê biên, cần tập trung giải quyết tốt các vấn đề sau: * Đối với cơ quan Thi hành án Một là, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ THA đặc biệt là các chấp hành viên. Đây là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của việc nâng cao, đẩy mạnh việc thực hiện công tác kê biên tài sản. Các chấp hành viên có năng lực, trình độ cao thì sẽ giải quyết vụ việc nhanh chóng và thuận lợi hơn, làm cho người dân tin tưởng hơn vào cơ quan THA. Hai là, Cơ quan THA phải phối hợp với các cấp, các ngành trong việc nâng cao trình độ hiểu biết về pháp luật nói chung, về biện pháp cưỡng chế THA nói riêng cho người dân để họ biết rõ được các quyền lợi và nghĩa vụ của họ trong quan hệ kê biên tài sản để THA. Ví dụ như, cơ quan THA kết hợp với các cấp, các ngành, đặc biệt là bên tuyên truyền pháp luật để tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về việc THA, các biện pháp cưỡng chế để THA, từ đó ý thức tự giác THA của người dân được nâng cao. Nếu công tác tuyên truyền pháp luật được thực hiện tốt, người dân sẽ chấp hành pháp luật tốt hơn, không còn tình trạng người dân giấu diếm tài sản để không bị kê biên… Ba là: Tổ chức tốt công tác tiếp dân. Do trình độ hiểu biết pháp luật của người dân chưa được cao nên họ còn nhiều lung túng khi làm việc với cơ quan pháp luật. Vì vậy, các cán bộ THA cần có cách cư xử nhẹ nhàng, cởi mở, tạo tâm lý tin tưởng cho người dân và các bên khi họ tới làm việc. Nếu công tác tiếp dân được tổ chức tốt sẽ giúp cho việc giải quyết THA thuận lợi hơn. Thứ tư, đối với việc định giá tài sản, theo em nên giao cho các cơ quan có chuyên môn, có thẩm quyền định giá, từ đó sẽ khắc phục được thiếu sót, hạn chế trong việc định giá tài sản như hiện nay. Qua đó công tác định giá tài sản sẽ được nhanh chóng thực hiện và tạo thuận lợi cho việc bán tài sản đó. * Đứng ở góc độ quản lý Nhà nước Để nâng cao hiệu quả công tác bán tài sản kê biên và thanh toán tiền bán tài sản kê biên nếu chỉ có sự nỗ lực của cơ quan THA thì chưa đủ mà còn cần đến sự phối hợp, vào cuộc của Nhà nước và các cơ quan liên quan. Cụ thể là: Thứ nhất, việc xây dựng và hoàn thiện những chính sách pháp luật về THA cần phải được chú trọng đặc biệt là hoàn thiện pháp luật về kê biên tài sản. Từ đó mới tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc để cơ quan THA thực hiện tốt các biện pháp kê biên. Chẳng hạn như, Nhà nước phải có thêm các quy định về một số tài sản đặc biệt như là: cổ phiếu, quyền sử dụng đất… Thứ hai, các quy định về thủ tục bán tài sản kê biên và bán đấu giá tài sản cần phải được rút gọn theo hướng tăng cường tính chủ động của các chấp hành viên để họ xử lý vụ việc nhanh chóng hơn. Cần có các quy định chi tiết về thủ tục đăng ký về quyền sở hữu, sử dụng tài sản cho người trúng đấu giá; thủ tục đăng ký tài sản đã bán đấu giá để cho người mua tài sản tin tưởng hơn… Thứ ba, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Hải Dương là trung tâm có quan hệ mật thiết với cơ quan THA. Do đó cần phải đẩy mạnh hoạt động của trung tâm để nâng cao hiệu quả của việc bán tài sản kê biên và thanh toán tiền bán tài sản kê biên KẾT LUẬN Qua việc nghiên cứu và xem xét tình hình thực tế, em thấy rằng, biện pháp kê biên tài sản để THA ngày càng trở thành biện pháp quan trọng để công tác THA được tiến hành thuận lợi hơn. Song việc sử dụng như thế nào cho hiệu quả biện pháp này thực sự cũng là những điều khó khăn. Một trong những khó khăn đó là làm thế nào để sử dụng biện pháp đó đúng đắn nhất, không gây thiệt hại cho người bị áp dụng biên pháp đó. Quán triệt chủ trương cải cách Tư pháp, và xuất phát từ nhiệm vụ của cơ quan THA cấp tỉnh, trong những năm qua, cơ quan THA tỉnh Hải Dương đã cố gắng trong việc bán tài sản kê biên và thanh toán tiền bán tài sản đó, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, giảm thiểu tình trạng án tồn đọng. Song từ thực tiễn cho thấy công tác này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chất lượng, hiệu quả còn chưa cao, là do nhiều nguyên nhân khác nhau mà bản thân mình cơ quan THA không thể tự mình khắc phục được, đòi hỏi phải có sự giúp đỡ, phối hợp từ phía Nhà nước và các cơ quan liên quan. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản, đặc biệt là việc bán tài sản kê biên, thiết nghĩ cần phải có những biện pháp cụ thể cho cả cơ quan THA, Nhà nước và các cơ quan liên quan. Bằng những kiến thức được truyền thụ trên giảng đường và những bài học thực tiễn có được qua quá trình thực tập, em hi vọng những ý kiến nêu trong chuyên đề thực tập sẽ góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác bán tài sản kê biên và thanh toán tiền bán tài sản kê biên tại cơ quan THA. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Pháp lệnh thi hành án dân sự 2004 Nghị định 173/2004/NĐ-CP Báo cáo gửi sở tư pháp của thi hành án tỉnh Hải Dương Báo cáo thi hành án năm 2008 của thi hành án tỉnh Hải Dương Báo cáo tổng kết công tác năm 2008 của trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Hải Dương Hồ sơ thi hành án Pháp lệnh thi hành án dân sự 2004 Tin thi hành án dân sự của Cục thi hành án Bộ Tư pháp Tạp chí Dân chủ và pháp luật Tạp chí Luật học Một số website

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docThực tiễn tổ chức bán tài sản kê biên và thanh toán tiền bán tài sản để thi hành án dân sự ở Tỉnh Hải Dương.doc