1. Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam
Trước khi có Luật Thương mại 2005, hầu như pháp luật nước ta không đề cập đến hình thức kinh doanh mới mẻ này, các doanh nghiệp kinh doanh dưới hình thức nhượng quyền thương mại phải vận dụng các quy định trong pháp luật về dân sự, kinh tế, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ . do đó, mặc dù hình thức nhượng quyền thương mại đã xuất hiện ở nước ta từ những năm 1990 thế kỷ trước nhưng sự phát triển còn rất hạn chế; đa số công chúng chưa có được sự nhận thức đúng đắn về hình thức kinh doanh mới mẻ này; quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng nhượng quyền thương mại trong nhiều trường hợp không được tôn trọng . điều đó, đòi hỏi nhà nước phải xây dựng một khuôn khổ pháp lý cho hình thức kinh doanh mới mẻ này. Ngày 14 tháng 06 năm 2005, Luật Thương mại năm 2005 được ban hành trong đó có các quy định về nhượng quyền thương mại. Tiếp đến, Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31 tháng 03 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết hoạt động nhượng quyền thương mại; Thông tư số 09/2006/TT-BTM ngày 25 tháng 05 năm 2006 hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại. Đây là hai văn bản hướng dẫn khá chi tiết và đầy đủ với việc xác định các vấn đề cơ bản như khái niệm nhượng quyền thương mại, quyền thương mại, điều kiện nhượng quyền thương mại, hợp đồng nhượng quyền thương mại, đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại và các vấn đề tài chính liên quan đến nhượng quyền thương mại.
Theo dự báo, trong những năm tới, hoạt động nhượng quyền thương mại sẽ “bùng nổ” ở Việt Nam. Do đó, các bên trước khi thiết lập quan hệ này cần phải tìm hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau, trong đó có các quy định của pháp luật. Về mặt pháp lý, có những vấn đề cần phải được các bên lưu ý khi thiết lập quan hệ là:
(i) Đối với bên nhận quyền: Các quy định cứng nhắc trong các điều khoản về bí mật kinh doanh, sở hữu trí tuệ, thanh toán . sẽ làm hạn chế sự tư vấn, giúp đỡ từ bên ngoài khi gặp khó khăn, tranh chấp; Những điều khoản đơn phương thiếu tính cạnh tranh làm ảnh hưởng đến bên nhận quyền như các điều khoản về cung ứng hàng hoá, dịch vụ chẳng hạn. Điều này sẽ làm mất cơ hội tiếp cận với các hàng hoá, dịch vụ bên ngoài hệ thống nhượng quyền của bên nhận quyền.
(ii) Đối với bên nhượng quyền: Trước thực trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta hiện nay, các quy định về SHTT trong hợp đồng nhượng quyền thương mại thường nếu không được quy định chặt chẽ có thể bị vi phạm; Khó kiểm soát được hệ thống; Vi phạm cam kết trong hợp đồng.
2. Thực trạng hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam
8 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3714 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thực trạng hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Khuôn khổ pháp lý cho hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam
Trước khi có Luật Thương mại 2005, hầu như pháp luật nước ta không đề cập đến hình thức kinh doanh mới mẻ này, các doanh nghiệp kinh doanh dưới hình thức nhượng quyền thương mại phải vận dụng các quy định trong pháp luật về dân sự, kinh tế, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ... do đó, mặc dù hình thức nhượng quyền thương mại đã xuất hiện ở nước ta từ những năm 1990 thế kỷ trước nhưng sự phát triển còn rất hạn chế; đa số công chúng chưa có được sự nhận thức đúng đắn về hình thức kinh doanh mới mẻ này; quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ hợp đồng nhượng quyền thương mại trong nhiều trường hợp không được tôn trọng... điều đó, đòi hỏi nhà nước phải xây dựng một khuôn khổ pháp lý cho hình thức kinh doanh mới mẻ này. Ngày 14 tháng 06 năm 2005, Luật Thương mại năm 2005 được ban hành trong đó có các quy định về nhượng quyền thương mại. Tiếp đến, Nghị định số 35/2006/NĐ-CP ngày 31 tháng 03 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết hoạt động nhượng quyền thương mại; Thông tư số 09/2006/TT-BTM ngày 25 tháng 05 năm 2006 hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại. Đây là hai văn bản hướng dẫn khá chi tiết và đầy đủ với việc xác định các vấn đề cơ bản như khái niệm nhượng quyền thương mại, quyền thương mại, điều kiện nhượng quyền thương mại, hợp đồng nhượng quyền thương mại, đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại và các vấn đề tài chính liên quan đến nhượng quyền thương mại.
Theo dự báo, trong những năm tới, hoạt động nhượng quyền thương mại sẽ “bùng nổ” ở Việt Nam. Do đó, các bên trước khi thiết lập quan hệ này cần phải tìm hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau, trong đó có các quy định của pháp luật. Về mặt pháp lý, có những vấn đề cần phải được các bên lưu ý khi thiết lập quan hệ là:
(i) Đối với bên nhận quyền: Các quy định cứng nhắc trong các điều khoản về bí mật kinh doanh, sở hữu trí tuệ, thanh toán... sẽ làm hạn chế sự tư vấn, giúp đỡ từ bên ngoài khi gặp khó khăn, tranh chấp; Những điều khoản đơn phương thiếu tính cạnh tranh làm ảnh hưởng đến bên nhận quyền như các điều khoản về cung ứng hàng hoá, dịch vụ chẳng hạn. Điều này sẽ làm mất cơ hội tiếp cận với các hàng hoá, dịch vụ bên ngoài hệ thống nhượng quyền của bên nhận quyền.
(ii) Đối với bên nhượng quyền: Trước thực trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta hiện nay, các quy định về SHTT trong hợp đồng nhượng quyền thương mại thường nếu không được quy định chặt chẽ có thể bị vi phạm; Khó kiểm soát được hệ thống; Vi phạm cam kết trong hợp đồng.
Thực trạng hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam
Tiềm năng phát triển nhượng quyền thương mại ở Việt Nam
Nhượng quyền thương mại đang được các công ty quốc tế đẩy mạnh xâm nhập vào Việt Nam như một kênh xuất khẩu hiệu quả. Theo sự phân tích của các chuyên gia kinh tế, thị trường Việt Nam có đầy đủ những điều kiện cần thiết để thu hút và phát triển mô hình nhượng quyền thương mại. Việt Nam đã xây dựng luật Đầu tư nước ngoài, luật Sở hữu trí tuệ và Luật Thương mại (2005) giúp thiết lập một khung pháp lý rõ ràng cho hoạt động nhượng quyền thương mại của các công ty nước ngoài ở Việt Nam và có hiệu quả hơn cho việc quản lý các hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam.
Mặt khác, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng cao và ổn định, nền chính trị ổn định, thị trường tiêu thụ “trẻ” với hơn 84 triệu dân, có mức thu nhập đầu người đang gia tăng nhanh chóng, xuất hiện tầng lớp tiêu thụ trẻ có thu nhập khá và cao; ngoài ra cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam tương đối lớn, điều này chứng tỏ sức mua lớn của thị trường Việt Nam.
Ở Việt Nam, các trung tâm mua sắm, đô thị, khu thương mại dịch vụ…còn phân bổ rải rác, điều này thích hợp để các thương hiệu mạnh phát triển chuỗi – hệ thống nhà hàng. Hơn nữa, tâm lý kinh doanh thích làm chủ của người Việt Nam trong điều kiện vốn và kinh nghiệm còn giới hạn thì nhượng quyền thương mại để phát triển kinh doanh là phương pháp thích hợp nhất.
Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), mở ra nhiều cơ hội cho các nhà kinh doanh cả trong và ngoài nước. Trong bối cảnh như vậy, rõ ràng việc quyết định lựa chọn hình thức kinh doanh nào đảm bảo cho nhà đầu tư có được hiệu quả tốt nhất về sử dụng vốn, phát triển nhanh thị trường, mở rộng nhanh thị phần và kiểm soát được hệ thống nhằm tạo tiếng nói đối với thị trường này là điều rất được quan tâm. Thống kê 90% doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức nhượng quyền thương mại trên 110 quốc gia đều làm ăn có lãi càng bảo chứng cho hiệu quả của mô hình đầu tư này. Khi Việt Nam thực hiện cam kết “mở rộng cửa” cho đầu tư 100% vốn nước ngoài trong các lĩnh vực dịch vụ thì nhiều tập đoàn quốc tế sẽ lựa chọn mô hình nhượng quyền thương mại là công cụ xâm nhập thị trường xuất khẩu hiệu quả nhất vào Việt Nam.
Về tương lai của hoạt động này tại Việt Nam, Hiệp hội Nhượng quyền quốc tế (IFA) cho biết, Việt Nam sẽ là thị trường phát triển nhanh nhất châu Á về mô hình nhượng quyền thương mại và các ngành tiềm năng sẽ phát triển mạnh nhượng quyền ở Việt Nam trong tương lai là dịch vụ ẩm thực, dịch vụ đào tạo, các mô hình kinh doanh phục vụ trẻ em và hàng bán lẻ.
Thực trạng hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam
Hoạt động nhượng quyền thương mại của các công ty quốc tế ở Việt Nam
Hình thức nhượng quyền thương mại có mặt ở Việt Nam từ trước năm 1975 thông qua một số hệ thống nhượng quyền các trạm xăng dầu của Mỹ như Mobil, Exxon (Esso), Shell, trong đó người chủ vận hành và người bán lẻ có thể là cá nhân hoặc pháp nhân không có liên hệ với những công ty xăng dầu này. Hoạt động kinh doanh này sau đó được xuất hiện lại ở Việt Nam vào những năm 1996, bắt đầu với sự tham gia của các tên tuổi quốc tế, đặc biệt trong ngành chế biến thức ăn nhanh và giải khát như Five Star Chicken qua hình thức liên doanh, Burger Khan chuyển nhượng cho một công ty ở Việt Nam, Carvel vào thị trường dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh, Texas Chicken qua hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài.
Kể từ năm 2007 có thêm Kentucky Fried Chicken (1997) và tiếp theo các năm sau xuất hiện hàng loại các tên tuổi khác bao gồm Dilmah, Qualitea (Sri lanka), KFC, Pizza Hut, New Horizons IT Center, The Coffee Bean, Leaf & Bean Coffee, Bud’s Ice Cream, Tuti Fruity, dịch vụ thuê xe Avis, tập đoàn Starwood (Mỹ), Lotteria (Nhật), Illy Café (Ý), Gloria Jeans Coffee (Úc, nhưng gốc Mỹ), Charles & Keith Shoes (Singapore) sau khi họ đã gặt hái được những thành công đáng kể tại các thị trường đang phát triển lân cận như: Nhật Bản, Indonesia, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Philippine.
Trong lĩnh vực bán lẻ lại có sự góp mặt của các đại gia như: Bourbon Group (Pháp, sau này là Big C), Parkson (Malaysia), Metro Cash & Carry (Đức), chuỗi Medicare (Anh), Dairy Farm (Hong Kong) và gần đây là Family Mart (Nhật) và Circle K (Canada). Ngành hàng tiêu dùng cũng “chứng kiến” sự thử nghiệm các mô hình nhượng quyền thương mại hay nhượng quyền thương hiệu (brand franchise hay trademark license) của đồng hồ Swatch (Thụy Sĩ), mỹ phẩm Clinique, thời trang Pierre Cardin (Pháp), các biểu tượng hoạt hình Walt Disney, thời trang Manhattan, nước giải khát Orangina (Mỹ), chuỗi cửa hàng ảnh Mini Lab của Fuji (Nhật), hệ thống cửa hàng mực in Cartridge (Úc), thiết bị chăm sóc sức khỏe OSIM (Singapore)…
Cùng với việc mở cửa thị trường bán lẻ và tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nó (gần 25% năm 2010, mức doanh thu trung bình tăng 50%/năm), đến năm 2011, mô hình nhượng quyền thương mại ở Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh chóng và xu hướng này dự kiến tiếp tục cho đến năm 2012. Theo Ủy ban Nhượng quyền quốc tế, đã có hơn 120 thương hiệu nước ngoài có mặt tại Việt Nam. Trung tâm Giao dịch và tìm kiếm các cơ hội nhượng quyền (Vietnamfranmart.com) cũng cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2011, trung tâm đã tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ tìm đối tác nhượng quyền trong nước của hơn 30 thương hiệu nước ngoài, nhiều nhất ở lĩnh vực đồ ăn, mỹ phẩm, quần áo như Math Monkey, Nelson’s, Chocolate Graphics, Burger King, Foot Solutions, Tousles Jours, Villa&hut, MamaFu”s, Pizza Hut, Andersen’s Ice Cream, Glamour Becrets… Cũng trong 3 tháng đầu năm 2011, mỗi tháng trung tâm tiếp nhận hơn 200 yêu cầu hỗ trợ thông tin các thương hiệu nhượng quyền của các cá nhân và doanh nghiệp trong nước muốn mua nhượng quyền. Trong 3 tháng đầu năm 2011, có 15 thương hiệu nước ngoài thuộc lĩnh vực đồ ăn, trường mẫu giáo… đăng ký hoạt động tại Việt Nam và giá nhượng quyền cũng đã giảm xuống còn từ 3.000-5.000 USD, thích hợp với tiềm lực tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước.
Gần đây, việc xuất hiện một loạt tập đoàn lớn trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản như Parkson (Malaysia), Metro (Đức), CBRE...hoạt động thông qua hình thức nhượng quyền thương mại với các hệ thống siêu thị địa ốc, cửa hàng, đại lý bán lẻ giúp "hâm nóng" thị trường BĐS tại Việt Nam
Hoạt động nhượng quyền thương mại của các công ty nội địa
Đối với các công ty trong nước, nhượng quyền thương mại là lĩnh vực còn khá mới, chưa được nhiều công ty hiểu biết sâu sắc và áp dụng mô hình này một cách toàn diện vào thực tế doanh nghiệp. Cà phê Trung Nguyên là thương hiệu đầu tiên nắm bắt hình thức kinh doanh nhượng quyền thương mại và đã có mặt tại các thị trường Nhật Bản, Campuchia, Thái Lan, đặc biệt ở các nước Australia, Mỹ, Pháp, Canada…cũng có quán Trung Nguyên. Hiện nay, mô hình G7 Mart của Trung Nguyên được xem là bước đột phá trong việc thực hiện nhượng quyền thương mại, nhằm cạnh tranh với các nhà phân phối nước ngoài để chiếm lĩnh thị trường bán lẻ. Một thương hiệu khác cũng rất thành công ở Việt Nam là Phở 24, ra đời từ tháng 7/2005, chỉ sau 3 năm, thương hiệu Phở 24 đã xây dựng được hơn 100 cửa hàng, trong đó đã nhượng quyền thương mại 8 cửa hàng. Phở 24 tại Tp. Hồ Chí Minh đã thành công với phương thức nhượng quyền thương mại khi tiếp thị thương hiệu ra nước ngoài với các cửa hàng ở Indonesia, Philipines, Mỹ, Hàn Quốc, Australia, dự định mở rộng thương hiệu đến Singapore, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Hongkong và Nhật Bản trong thời gian tới. Công ty Cổ phần Kinh Đô cũng là một trong những doanh nghiệp rất thành công với mô hình chuyển nhượng thương mại, với mạng lưới 150 nhà phân phối và trên 30.000 điểm bán lẻ rộng khắp trên cả nước. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm đang có kế hoạch mở cửa hàng thức ăn nhanh, sau đó sẽ nhượng quyền, mà hai đơn vị tiên phong sẽ là Kinh Đô và Vissan. Ngoài ra, thương hiệu thời trang Foci đã xây dựng được hơn 100 cửa hiệu trên toàn quốc, có hơn 50 cửa hiệu nhượng quyền thương mại. Mục tiêu lâu dài của Foci là xây dựng một thượng hiệu thời trang đẳng cấp quốc tế và đưa Foci ra thế giới bằng con đường nhượng quyền thương mại.
Ngoài các mô hình nhượng quyền tiên phong đã xác lập tên tuổi như trên, gần đây cũng xuất hiện thêm các mô hình nhượng quyền như cafe Passio với cách thức kinh doanh khá mới là “café to go” (tạm dịch là mua café và xách đi ngay) sẽ nhanh chóng xây dựng chuỗi café nhượng quyền thương mại của Việt Nam, đi trước Starbucks một bước; bánh mì Bamizon; Buncamita; cơm tấm Thuận Kiều; giầy T&T; IDJ – một thương hiệu nhượng quyền dịch vụ tư vấn. Đặc biệt khái niệm nhượng quyền thương mại cũng được triển khai lần đầu tiên ở Việt Nam thông qua mô hình cổng dịch vụ du lịch trên mạng (Hotel Link) của Chương trình phát triển kinh tế tư nhân (MPDF) do Công ty Tài chính quốc tế (IFC) đầu tư.
Trong các năm tới, thị trường có thể sẽ ghi nhận sự ra mắt các thương hiệu kinh doanh theo hình thức nhượng quyền hoặc ít nhất từ mong muốn chủ quan của người sở hữu mong muốn có mô hình nhượng quyền thương mại như nước trái cây Tapiocup, Y5, Mía Siêu sạch Shake, Nhà Vui, Regina Café, kem Monte Rosa, siêu thị điện thoại thegioididong, tranh thêu tay XQ…
Bên cạnh ngành hàng truyền thống cho nhượng quyền là thực phẩm và giải khát, dịch vụ kinh doanh, thời trang, mỹ phẩm, cơ hội tiềm năng có thể xuất phát từ các lĩnh vực dịch vụ du lịch, khách sạn, bất động sản… . Tại Việt Nam, sự ra đời của hàng loạt Công ty quản lý, tư vấn bất động sản như Hoàng Quân, Nhà Đất-Đô Thị Mới, Vinaland, Phú Mỹ Hưng... được xem là mảnh đất "màu mỡ” cho kinh doanh nhượng quyền thương hiệu. Đại diện Công ty Hoàng Quân cho biết, gần đây, Công ty nhận rất nhiều lời đề nghị được nhượng quyền kinh doanh bất động sản từ một số doanh nghiệp.
Giải pháp thúc đẩy hoạt động nhượng quyền thương mại cho các doanh nghiệp Việt Nam
Những trở ngại trong hoạt động nhượng quyền thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam
Lĩnh vực nhượng quyền thương mại tại Việt Nam có cung và cầu ngày càng tăng, thời gian gần đây các thương hiệu nước ngoài ngày càng xuất hiện dày đặc trên đường phố. Có thể cho rằng, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tiếp cận mô hình kinh doanh mới, học tập công nghệ, bí quyết của một mô hình kinh doanh với tỷ lệ thành công cao.
Tuy nhiên, theo các nhà chuyên môn, sự phát triển ồ ạt của các thương hiệu nhượng quyền nước ngoài đang tạo áp lực cạnh tranh lên hàng loạt thương hiệu trong nước đang và sẽ phát triển theo mô hình nhượng quyền. Hiện có rất ít thương hiệu trong nước phát triển theo mô hình nhượng quyền, chỉ đang phát triển theo mô hình chuỗi cửa hàng (cà phê, phở, điện thoại di động, bánh mì - bánh ngọt…). Nguyên nhân là doanh nghiệp trong nước chưa mạnh dạn đầu tư vào nhượng quyền, chưa nắm rõ kỹ thuật nhượng quyền, thiếu nhân sự chuyên môn, chưa có một kế hoạch - chiến lược toàn diện cho mô hình nhượng quyền. Hầu hết các doanh nghiệp trong nước chỉ đang tập trung vào mặt kỹ thuật là làm thế nào để có chất lượng cao, ngon, sản lượng nhiều nhưng lại thiếu kiến thức phát triển thêm cửa hàng phân phối.
Một trở ngại nữa cho phát triển nhượng quyền tại Việt Nam là do chưa quen với mô hình kinh doanh mới nên doanh nghiệp trong nước thích kinh doanh theo ý riêng, khi gặp sự cố thường đưa ra cách khắc phục khác với nhà nhượng quyền. Việc phát triển ồ ạt các cửa hàng nhượng quyền cũng đang khiến giá thuê mặt bằng ở các đô thị, đường phố lớn, những vị trí “đắc địa” liên tục tăng, vì thế tạo thêm khó khăn cho lĩnh vực nhượng quyền phát triển. Theo các nhà nhượng quyền quốc tế, việc chưa được bảo vệ triệt để về mặt pháp lý trong bảo vệ thương hiệu cũng đang gây khó khăn cho phát triển nhượng quyền tại Việt Nam. Theo họ, việc nhượng quyền ở Việt Nam nên phát triển thận trọng và từng bước, phát triển quá nhanh sẽ có độ rủi ro cao.
Liên quan đến hình thức nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhiều tập đoàn Mỹ, Hàn Quốc...cho biết, họ rất quan tâm đến thị trường bất động sản ở Việt Nam, trong đó có cả kế hoạch của một doanh nghiệp Mỹ muốn biến khu cảng Ba Son cũ thành một đô thị mới kiểu phố Đông của Thượng Hải (Trung Quốc). Tuy nhiên, vấn đề nhượng quyền thương mại bất động sản phức tạp hơn so với các loại hình dịch vụ khác ở chỗ đồng vốn và cơ sở luật pháp. Công ty nhượng quyền rất chú trọng đến tư cách pháp nhân, tiềm lực tài chính, cũng như uy tín trên thương trường của bên muốn nhận nhượng quyền, tại Việt Nam vẫn chưa có một điều khoản hay bộ luật rõ ràng về vấn đề nhượng quyền trong lĩnh vực bất động sản.
Ngoài ra, nhượng quyền thương mại ra nước ngoài gặp nhiều khó khăn so với trong nước. Thị hiếu tiêu dùng có nhiều khác biệt nên làm sao giữ được bản sắc riêng của doanh nghiệp nhưng vẫn phù hợp với thị hiếu, văn hóa, tranh thủ thiện cảm và có sự chấp nhận của người tiêu dùng nước sở tại? Chi nhánh được nhượng quyền thương mại làm sao hoạt động tốt, mang đến những sản phẩm và dịch vụ tương đương với chi nhánh chính thức của doanh nghiệp để đảm bảo uy tín và sự bền vững trong hoạt động? Đây là những vấn đề phức tạp tạo nên trở ngại cho các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện nhượng quyền thương mại ở nước ngoài.
Giải pháp thúc đẩy hoạt động nhượng quyền thương mại cho các doanh nghiệp Việt Nam
Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức của WTO, bên cạnh những lợi ích đạt được thì sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng trở nên gay gắt hơn. Trong bối cảnh ấy, xây dựng và phát triển hệ thống nhượng quyền thương mại của các doanh nghiệp Việt Nam là một cách thức phát triển thương hiệu, xâm nhập thị trường, bảo vệ thị phần và mở rộng thị trường tốt. Với phương thức liên kết chặt chẽ, cả bên nhượng quyền và bên nhận nhượng quyền đều có lợi và quan trọng hơn là có thể cùng hợp sức cạnh tranh với các công ty lớn trong cùng lĩnh vực hoạt động. Do đó, hình thức này rất phù hợp với chúng ta trong giai đoạn Việt Nam đang rất cần tập hợp nguồn lực từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Với những trở ngại đã đề cập ở trên, để phát triển hoạt động chuyển nhượng thương mại cho các doanh nghiệp Việt Nam, nên chăng xem xét và vận dụng các giải pháp như sau:
Thứ nhất, hiện tại, Bộ Công thương là cơ quan quản lý hoạt động kinh doanh nhượng quyền thương mại, tuy nhiên sự quản lý và hỗ trợ của Bộ chưa thực sự thiết thực và có hiệu quả đối với sự phát triển của mô hình này ở nước ta, cần thành lập một tổ chức chuyên sâu để hỗ trợ lĩnh vực này. Vì vậy, cuối năm 2010, dưới sự hỗ trợ của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam và Bộ Công thương, cùng với sự hưởng ứng của nhiều doanh nghiệp, Hiệp hội nhượng quyền thương mại Việt Nam (ViFA) đã được thành lập với mục đích liên kết các thương hiệu lớn của Việt Nam, quảng bá cho thương hiệu quốc gia và hỗ trợ cho các thương hiệu Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ, phát triển thương hiệu và nhượng quyền thương hiệu trên phạm vi quốc tế. Có thể nói việc tham gia vào Hiệp hội sẽ đem lại những lợi ích lớn cho doanh nghiệp muốn phát triển kinh doanh theo mô hình nhượng quyền thương mại nhờ những tư vấn xác đáng của các chuyên gia trong ngành cùng cơ hội hợp tác trực tiếp với các Hiệp hội, doanh nghiệp lớn liên quan đến ngành.
Thứ hai, chúng ta nên từng bước đưa những kiến thức về thương hiệu và nhượng quyền thương mại vào các trường đại học thông qua giáo trình giảng dạy, tài liệu nghiên cứu cho sinh viên để nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển thương hiệu. Nhà nước cần tạo điều kiện hơn nữa để tổ chức các chương trình, hội chợ triển lãm, hội thảo về nhượng quyền thương mại để nâng cao hiểu biết và phát huy các cơ hội hợp tác của các doanh nghiệp mong muốn kinh doanh theo mô hình này. Thêm vào đó, Chính phủ cũng cần có Ngân sách trợ giúp phát triển bước đầu nhằm đảm bảo và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mạnh dạn triển khai mô hình nhượng quyền thương mại ra thị trường nước ngoài.
Thứ ba, phát triển hệ thống nhượng quyền thương mại của doanh nghiệp Việt Nam không nên làm theo kiểu phong trào, mà cần một sự phân tích kỹ càng mọi vấn đề và làm ăn bài bản để tạo ra sự khác biệt trong tâm trí khách hàng nhằm cạnh tranh bền vững với hệ thống chuyển nhượng thương mại của nước ngoài: vị trí cửa hàng, trang trí cửa hiệu, tính đồng nhất của sản phẩm, dịch vụ, phong cách phục vụ hay các yếu tố khác góp phần tạo nên đặc tính riêng của thương hiệu. Đồng thời, doanh nghiệp cần hết sức chú trọng đến việc giám sát các cửa hàng nhượng quyền của mình, duy trì văn hóa chia sẻ khó khăn và thành công với hệ thống cửa hàng này để đảm bảo giữ vững thương hiệu trong quá trình kinh doanh.
Thứ tư, việc duy trì thành công mô hình kinh doanh nhượng quyền thương mại đòi hỏi các doanh nghiệp phải có nội lực khá mạnh, đặc biệt là đội ngũ nhân viên làm công tác huấn luyện, công tác phục vụ và hỗ trợ kinh doanh cho đối tác. Ngoài ra, việc kiểm soát và chế độ đãi ngộ làm sao cho đối tác hợp tác trung thành, gắn bó với công ty cũng là một vấn đề, trong nhượng quyền thương mại, có sự chuyển giao công nghệ và kỹ thuật chế biến sản phẩm, nếu sau một thời gian đối tác nắm vững kỹ thuật, công nghệ…mà “quay lưng” với doanh nghiệp nhượng quyền thì thiệt hại của doanh nghiệp là không thể tính được.
Thứ năm, các doanh nghiệp Việt Nam khi có ý định mở rộng thương hiệu ra nước ngoài thông qua hình thức nhượng quyền thương mại thì cần tìm hiểu về phong tục, tập quán, địa hình, nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật của nước sở tại. Hiện nay, các doanh nghiệp không dám nhượng quyền ồ ạt do nền tảng pháp luật về nhượng quyền của Việt Nam chưa thật vững chắc nên dễ phát sinh các tranh chấp về phân chia lợi nhuận, về ý tưởng, chính vì vậy, xây dựng một cơ sở pháp lý vững chắc cho nhượng quyền thương mại là một yêu cầu cấp bách hiện nay.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Thực trạng hoạt động nhượng quyền thương mại ở Việt Nam.doc