Chất vấn là một trong những phương thức thiết yếu giúp nghị viện nhiều nước áp đặt trách nhiệm chính trị lên chính phủ. Điều này thể hiện qua việc các nghị sỹ đối lập sử dụng cơ hội này để buộc chính phủ phải giải trình, hoặc phê phán chính sách của chính phủ, thậm chí ra nghị quyết về việc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ. Để chính phủ có trách nhiệm hơn, một mục đích khác của chất vấn là kiểm tra năng lực của quan chức trong nắm bắt và điều chỉnh lĩnh vực được phân công. Để thực hiện mục đích này, Quốc hội nhiều nước, nhất là Quốc hội của các nước theo mô hình của Anh thường không cho biết trước các câu hỏi chất vấn. Một vị Bộ trưởng nắm vững công việc sẽ trả lời lưu loát các câu hỏi đặt ra, còn nếu ngược lại thì uy tín sẽ bị giảm sút.
I. Lời nói đầu
II. Nội dung
1. Hoạt động chất vấn
2. Thực trạng và giải pháp
III. Kết luận
11 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 2862 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thực trạng và giải pháp của hoạt động chất vấn Quốc hội, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
I. Đặt vấn đề.
Chất vấn là một trong những phương thức thiết yếu giúp nghị viện nhiều nước áp đặt trách nhiệm chính trị lên chính phủ. Điều này thể hiện qua việc các nghị sỹ đối lập sử dụng cơ hội này để buộc chính phủ phải giải trình, hoặc phê phán chính sách của chính phủ, thậm chí ra nghị quyết về việc bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ. Để chính phủ có trách nhiệm hơn, một mục đích khác của chất vấn là kiểm tra năng lực của quan chức trong nắm bắt và điều chỉnh lĩnh vực được phân công. Để thực hiện mục đích này, Quốc hội nhiều nước, nhất là Quốc hội của các nước theo mô hình của Anh thường không cho biết trước các câu hỏi chất vấn. Một vị Bộ trưởng nắm vững công việc sẽ trả lời lưu loát các câu hỏi đặt ra, còn nếu ngược lại thì uy tín sẽ bị giảm sút.
Có thể hình dung đường đi nước bước của áp đặt trách nhiệm trong chất vấn như sau: Đầu tiên là xác định phạm vi trách nhiệm của người trả lời chất vấn; tiếp theo, người trả lời cần phải giải trình trước nghị viện những vấn đề được hỏi đến, nếu nghị viện thỏa mãn, hài lòng với sự giải trình đó, coi như đã “trả bài” xong. Khi câu hỏi đã khoanh vùng trách nhiệm của từng người trả lời chất vấn, thì người chất vấn mong chờ ở các vị Bộ trưởng năng lực giải trình, thể hiện mức độ nắm bắt vấn đề, cũng như giải pháp và thời hạn khắc phục vấn đề. Nếu không, bước tiếp theo sẽ là quy trách nhiệm – có thể dưới hình thức một nghị quyết (mà bỏ phiếu tín nhiệm chỉ là một trong những hình thức quy trách nhiệm). Tuy nhiên, chế tài cao nhất mà hoạt động chất vấn có thể dẫn đến là bỏ phiếu tín nhiệm ít khi được áp dụng. Do đó, tác dụng lớn nhất của chất vấn là tạo nên một sức ép áp đặt trách nhiệm lên những người trả lời chất vấn. Chất vấn là nhằm để các bộ trưởng luôn cảm thấy áp lực đó mà làm việc tốt hơn.
Hoạt động chất vấn của Quốc hội nước ta vẫn chưa thực sự hoàn thiện vì vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Chính bởi vậy, ta cần liên tục nghiên cứu về thực trạng của hoạt động này để rút ra được giải pháp giúp hoạt động chính trị quan trọng này đem lại ý nghĩa và đạt tới hiệu quả tốt nhất có thể.
II. Giải quyết vấn đề.
1. Hệ quả của chất vấn.
Trước hết, chất vấn dẫn đến hệ quả chính trị. Chất vấn là công cụ giám sát mạnh nhất của nghị viện các nước, vì nó quy trách nhiệm, có khi buộc tội các thành viên Chính phủ. Chất vấn có thể dẫn đến việc đặt vấn đề ủng hộ hay phản đối hoạt động của Chính phủ. Thậm chí có thể có việc đưa ra nghị quyết bất tín nhiệm và dẫn đến sự từ chức của Chính phủ. Chẳng hạn, theo Khoản 2, Điều 111, Hiến pháp Tây Ban Nha, “Bất kỳ sự chất vấn nào cũng có thể là lý do để đưa ra nghị quyết, qua đó các viện phản ánh quan điểm của mình”.
Ở các nước thuộc chính thể đại nghị hoặc chính thể hỗn hợp, hình thức chất vấn có thể dẫn đến việc đặt vấn đề ủng hộ hay phản đối hoạt động của Chính phủ. Thậm chí có thể có việc đưa ra nghị quyết bất tín nhiệm và dẫn đến sự từ chức của Chính phủ. “Bất kỳ sự chất vấn nào cũng có thể là lý do để đưa ra nghị quyết, qua đó các viện phản ánh quan điểm của mình” (Phần 2, Điều 111, Hiến pháp Tây Ban Nha). Do những hậu quả nghiêm trọng như vậy, qui tắc và qui chế của các viện có những qui định phức tạp về việc đưa ra và thảo luận chất vấn.
Ở một số nước, việc chất vấn có thể dẫn đến việc Quốc hội biểu quyết thông qua kiến nghị (motion) đưa ra thảo luận tại Quốc hội về trách nhiệm của một quan chức nào đó. Và cao hơn nữa, một số nước quy định khi kiến nghị thu được một số lượng chữ ký nhất định thì vị quan chức này phải điều trần trước Quốc hội và có thể bị cách chức, thậm chí Quốc hội có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với một chính sách của Chính phủ. Ví dụ ở Pháp có quy định: nếu một kiến nghị bất tín nhiệm Chính phủ thu nhận được chữ ký của ít nhất 10 nghị sĩ thì vấn đề đó sẽ được đưa ra thảo luận. Một số nước khác quy định cần có khoảng 20 hoặc 50 chữ ký…
Hệ quả chính trị của chất vấn cũng thể hiện ở chỗ, chất vấn xét về một khía cạnh nào đó là sự cảnh báo của Quốc hội về một vấn đề hay một tình trạng cần được lưu ý giải quyết. Sự cảnh báo này nhằm nâng cao tính dự đoán và trách nhiệm phải nhìn nhận trước vấn đề của các cơ quan quản lý.
Cuối cùng, trên phương diện hệ quả chính trị, chất vấn cũng có mục đích cung cấp thông tin và tạo cơ hội cho Quốc hội đánh giá, phê bình Chính phủ vì làm hay không làm điều gì đó. Bằng cách này các đại biểu có thể buộc các bộ trưởng chia sẻ thông tin. Ngay cả khi đơn thuần hỏi-đáp mà không biểu quyết về thái độ của nghị viện đối với trả lời của chính phủ, họat động này của nghị viện cũng đã buộc chính phủ phải giải trình đã được gì, chưa làm được gì, tại sao, và định làm gì trong tương lai.
Chất vấn cũng mang lại hệ quả xã hội to lớn, thường là có tác động rộng rãi hơn hệ quả chính trị. Chất vấn thu hút sự chú ý rộng rãi của công luận về vấn đề nào đó, do đó tạo sức ép lên Chính phủ để nó được giải quyết nhanh hơn. Chẳng hạn, mỗi năm Nghị viện Canada họp khoảng 150 ngày. Trong thời gian đó, hàng ngày Nghị viện đều có lịch chất vấn. Phần lớn ý kiến của cử tri về Chính phủ được hình thành trên cơ sở những gì họ thấy từ những buổi chất vấn này (và từ các hoạt động khác của Nghị viện) được phản ánh qua truyền hình và báo chí. Việc truyền hình hay truyền thanh trực tiếp và các bình luận của báo chí về những buổi trả lời chất vấn của các quan chức Chính phủ đã tạo nên một luồng công luận mạnh mẽ và gây áp lực xã hội to lớn. Vì vậy, ở một số nước đa số bộ trưởng phải từ chức do áp lực của công luận chứ không nhất thiết là áp lực từ phía nghị viện.
2. Thực trạng và giải pháp của hoạt động chất vấn Quốc hội.
a. Thực trạng.
Thực tế tại các kỳ họp Quốc hội cho thấy, 3 ngày chất vấn tại Hội trường vẫn nhắc lại nhiều những vấn đề đã nêu tại các lần chất vấn trước, thậm chí những “câu chuyện cũ” vẫn phải để lại đến kỳ họp sau. Một vài quan chức có thể không hài lòng và cho rằng sự việc nào đó đã được “hỏi” và đã được “trả lời”, nên không cần phải hỏi lại. Nhưng rõ ràng biết rồi không có nghĩa là đã giải quyết xong. Bởi vậy, các vị đại biểu Quốc hội có thể chất vấn nhiều lần về một vấn đề, cho đến khi nó được xử lý mới thôi. Thế nhưng, làm điều đó đối với đại biểu không dễ vì những nguyên nhân sau đây:
Trước hết là vì thời gian có hạn, mà vấn đề thì quá nhiều. Trong ba ngày chất vấn khoảng 6-7 thành viên Chính phủ sẽ đăng đàn, mỗi người trả lời đã trên dưới chục vấn đề lớn nhỏ; như vậy, sẽ có hàng chục vấn đề được đưa ra. Do đó, thường ngay sau khi Bộ trưởng trả lời xong một câu hỏi, nội dung chất vấn nhiều khả năng chuyển sang hướng khác với một câu hỏi khác của một đại biểu khác.
Thứ hai là vì đại biểu thường ít khi giành được quyền chất vấn vòng hai. Sau phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển ngày 14/11/2003, đại biểu Nguyễn Đức Dũng trả lời báo chí: “Rất tiếc là tôi đã đăng ký tranh luận, chất vấn tiếp nhưng không được phát biểu. Nếu chủ tọa cho phép nói thêm, tôi sẽ bày tỏ quan điểm của mình về phần trả lời của đồng chí bộ trưởng”.
Khi chất vấn về vấn đề tỷ lệ đầu tư công vào nông nghiệp hiện nay và hiệu quả chương trình đánh bắt xa bờ chưa cao, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII một đại biểu đã hỏi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Vậy quan điểm Bộ trưởng như thế nào và trách nhiệm của Bộ trưởng ra sao, giải pháp tới thì Bộ trưởng sẽ đề xuất với Chính phủ về việc phân bổ ngân sách này như thế nào? Bộ trưởng có giải pháp gì giúp cho ngư dân?...”.
Vị Bộ trưởng dễ dàng vượt qua với câu trả lời: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang phối hợp với các bộ ngành dự thảo cơ chế chính sách và trong ngày hôm nay đồng chí Thứ trưởng đã ký gửi để xin ý kiến chính thức của các bộ trước khi chúng tôi trình Chính phủ phê duyệt”.
Còn khi chất vấn về tình trạng cấp phép sân golf tràn lan, đại biểu đã đặt câu hỏi: “Tôi xin hỏi Bộ trưởng việc cấp phép như vậy có vi phạm Luật Đất đai hay không? Ai vi phạm? Xử lý như thế nào? Trách nhiệm thuộc về ai?”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời ngay: “Đừng nói rằng trách nhiệm ở ai, trách nhiệm chính là ở người cấp đất, ai cấp đất là trách nhiệm ở người đó… Anh nào cấp giấy phép đầu tư thì chịu trách nhiệm về cấp giấy phép đầu tư”.
Rất nhiều đại biểu đã chất vấn tương tự như vậy. Cách chất vấn và trả lời chất vấn trên tạo cho chúng ta cảm giác như đây là một cuộc họp của Chính phủ đúng hơn là một kỳ họp Quốc hội yêu cầu Chính phủ giải trình hoạt động điều hành của mình trước Quốc hội, trước nhân dân.
Với cơ chế giải trình trách nhiệm như trên, khoản 2, điều 84 Hiến pháp quy định: Quốc hội “thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo hoạt động của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao”.
Như vậy, đối tượng chất vấn của Quốc hội phải là Chính phủ chứ không thể là một ông bộ trưởng nào đó cho dù Quốc hội với quyền lực của mình có thể làm điều đó. Kể cả khi bộ trưởng thực hiện báo cáo, trả lời chất vấn trước Quốc hội thì cũng với tư cách là người được Chính phủ ủy quyền thay mặt chứ không phải với tư cách là người đứng đầu ngành mà mình quản lý.
Nếu chất vấn theo cách như vẫn thường làm thì Quốc hội một mặt đang làm thay vai trò của Thủ tướng Chính phủ, mặt khác, quan trọng hơn là không tạo điều kiện cho Chính phủ giải trình trách nhiệm của mình trước Quốc hội, trước toàn dân.
Ví dụ như khi bị truy vấn về việc chia nhỏ các dự án trong dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trả lời: “Chúng tôi không có thẩm quyền mà đây là quy hoạch phát triển công nghiệp bauxite đã được Chính phủ phê duyệt”. Mặc dù ai cũng thấy rõ trách nhiệm được “chuyển giao” sang cho Chính phủ nhưng câu trả lời của ông Bộ trưởng là không sai vì đại biểu chỉ chất vấn trách nhiệm của Bộ trưởng chứ có truy trách nhiệm của Chính phủ đâu.
Rõ ràng, nếu đánh giá về mặt hiệu quả thì việc chất vấn như trên sẽ không đem lại kết quả vì mục đích chất vấn ở đây là nhằm yêu cầu giải trình trách nhiệm trong dự án bauxite đã không hề đạt được. Do vậy, để đạt chất lượng cao hơn, hoạt động chất vấn của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất cần thiết phải được thay đổi và việc thay đổi trước hết phải bắt đầu từ việc chất vấn ai và trong vai trò như thế nào?
Qua kì họp vừa rồi, có nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động chất vấn của Quốc hội đã có nhiểu tiến bộ so với trước đây, dân chủ hơn, thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm. Hoạt động hỏi và trả lời nhìn chung đã vào đúng trọng tâm, ngắn gọn hơn, có tranh luận khá liên tục, sôi nổi. Qua đó một số vấn đề lớn cơ bản đã được làm rõ thêm ở nhiều góc độ, giúp mọi người hiểu sâu hơn về thực chất, nguyên nhân của vấn đề, thấy rõ hơn trách nhiệm của người được chất vấn và cả người chất vấn. Nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nắm bắt sát thực tiễn, lắng nghe kiến nghị của cử tri và nghiên cứu khá sâu để nêu những câu hỏi sắc sảo và theo sát các vấn đề thảo luận để tranh luận, trao đổi đến cùng. Nhiều vị Bộ trưởng, trưởng ngành đã chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng để trả lời một cách nghiêm túc, chân thành, thẳng thắn nhận trách nhiệm không né tránh, đùn đẩy.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt được ấy, vẫn cần tiếp tục đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Nội dung một số câu hỏi vẫn chưa thật tập trung theo nhóm vấn đề đã xác định, một số vấn đề chưa được phân tích đến nơi đến chốn. Vẫn còn những trường hợp hỏi dài, hỏi không rõ ý, hỏi ra ngoài chủ đề đang tập trung hay vẫn còn những trường hợp trả lời theo kiểu giải thích chi tiết. Đó là điều các đại biểu cần rút kinh nghiệm, cải tiến để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động chất vấn.
Ta có thể khẳng định chất vấn là vấn đề cần thiết và quan trọng nhưng hậu chất vấn còn quan trọng hơn, bởi vì đây là khâu thực hiện và kiểm nghiệm hiệu quả của hoạt động chất vấn. Vì vậy, các thành viên Chính phủ nên nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, sớm triển khai thực hiện các giải pháp, các lời hứa, thực hiện tốt các nhiệm vụ thuộc chức trách của mình, tích cực khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, điều hành kinh tế, xã hội và báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp sau.
b. Giải pháp.
Khó khăn không có nghĩa là không làm được. Luật nước ta cho phép, nếu đại biểu không đồng ý với nội dung trả lời thì có quyền đề nghị Quốc hội tiếp thảo luận tại phiên họp đó hoặc tại phiên họp khác. Tiếc rằng, Luật không quy định cụ thể thủ tục thực hiện quyền này. Nhưng thủ tục nhiều khi xuất phát từ thực tiễn hoạt động của đại biểu, của Quốc hội. Bởi vậy, một khi đã được trao quyền, tại sao đại biểu không sử dụng quyền đó? Có thể hình dung, để không tuột mất cơ hội “chất vấn đến cùng”, đại biểu cần làm rõ sự cần thiết của chất vấn lại trong thời gian chất vấn trước đó nhằm tạo ra sự ủng hộ của Quốc hội khi biểu quyết về kiến nghị của mình.
Một công cụ khác thường được sử dụng ở Quốc hội các nước nhằm đẩy chất vấn đi xa hơn là ra nghị quyết tỏ thái độ của Quốc hội đối với nội dung trả lời chất vấn: Hoặc biểu quyết thỏa mãn; hoặc không thỏa mãn, điều này có thể đồng nghĩa với việc đặt vấn đề bất tín nhiệm; hoặc Quốc hội biểu quyết trung dung, có nghĩa là không tỏ thái độ tán thành hay không tán thành với nội dung trả lời chất vấn.
Ở Quốc hội nước ta, theo quy định của Luật, Quốc hội có thể ra nghị quyết về việc trả lời chất vấn và trách nhiệm của người trả lời chất vấn khi xét thấy cần thiết. Vấn đề là ở chữ “cần thiết” này: thế nào là cần thiết, Luật vẫn chưa làm rõ. Luật cũng không quy định thủ tục cụ thể, ai sẽ quyết định có ra nghị quyết hay không: Quốc hội hay UBTVQH, hay Chủ toạ; đại biểu muốn kiến nghị ra nghị quyết thì làm theo trình tự nào; nghị quyết sẽ ra vào thời điểm nào: sau khi từng Bộ trưởng trả lời hay sau ba ngày chất vấn…Sự thiếu vắng thủ tục đã cản trở đường đi của chất vấn như thế đấy.
Một cách khác để đưa chất vấn đi đến cùng là dùng quyền kiến nghị. Hiểu một cách chung nhất, kiến nghị là đề xuất của đại biểu hoặc nhóm đại biểu với toàn thể Quốc hội ra quyết định về một vấn đề thủ tục hoặc nội dung để tỏ thái độ của Quốc hội. Ở Quốc hội nước ta, cả hai dạng này đều có rất ít tiền lệ, mặc dù Luật cũng đã quy định về một số trường hợp có thể kiến nghị, trong đó có kiến nghị liên quan đến chất vấn, đặc biệt về việc bỏ phiếu tín nhiệm. Thế nhưng, các quy định về thủ tục kiến nghị hoặc sơ sài, hoặc khó cho đại biểu sử dụng. Trong một số trường hợp thậm chí luật pháp chưa quy định đại biểu có quyền kiến nghị hay không, chẳng hạn như về việc ra nghị quyết đối với nội dung trả lời chất vấn, hoặc ra nghị quyết về một vấn đề nào đó… Một lần nữa lại là chuyện thiếu thủ tục.
Nếu dừng lại ở hoạt động chất vấn như bây giờ thì dần dần, dân sẽ mệt mỏi, vì qua chất vấn cũng chưa xác định rõ được trách nhiệm của người đứng đầu, của bộ, ngành đó. Vậy nên dù chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội hay tại các phiên họp của UBTV Quốc hội thì cũng phải làm rõ trách nhiệm, có như vậy, hoạt động chất vấn mới đúng nghĩa, bởi chất vấn không phải là việc hỏi – đáp đơn thuần, mà nhằm để làm rõ trách nhiệm.
Cũng nên tổ chức chất vấn tại phiên họp của Hội đồng dân tộc và các UB của QH, có như vậy, các vấn đề chất vấn và trả lời sẽ được tập trung, chuyên sâu hơn, đi đến cùng của vấn đề.
Hiện UBTV Quốc hội đã thực hiện một số cuộc “điều trần” giữa 2 kỳ họp, nhưng các cuộc này chưa nhiều. Quốc hội nên mở rộng hình thức điều trần giữa các UB phụ trách các vấn đề và các bộ ngành có liên quan, sau đó đi đến giải pháp cuối cùng.
Chất vấn hội trường nên tiếp tục cải tiến, có đại biểu chất vấn nhiều khi đoạn đầu đã giải trình hết rồi, cuối cùng đưa ra một câu hỏi gần như trao đổi. Người trả lời chất vấn cũng nên đi thẳng vấn đề, tránh dài dòng.
Dưới đây là 1 bài phỏng vấn có đề cập đến giải pháp hoàn thiện cho hoạt động chất vấn của Quốc hội
Theo chương trình trong hai ngày rưỡi (chiều ngày 18, ngày 19 và 20/11), Quốc hội sẽ tiến hành phiên nghe chất vấn và trả lời chất vấn của các vị Đại biểu Quốc hội. Để tìm hiểu về những điểm mới trong phiên họp sắp tới, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Trần Đình Đàn - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Phóng viên: Xin đồng chí cho bết những điểm mới trong phiên nghe chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này?
Đồng chí Trần Đình Đàn: Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ dành 2 ngày rưỡi để Chính phủ và một số Bộ trưởng nghe chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Trong đó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ có 1 buổi để trực tiếp nghe chất vấn và trả lời chất vấn, còn lại 4 buổi sẽ dành cho 4 Bộ trưởng. Trong quá trình nghe chất vấn và trả lời chất vấn, nếu vấn đề có liên quan đến các bộ, ngành khác thì người điều hành phiên chất vấn sẽ mời lãnh đạo bộ, ngành có liên quan cùng tham gia trả lời chất vấn đối với những vấn đề thuộc trách nhiệm bộ, ngành mình phụ trách. Có một điều đặc biệt là tại kỳ họp này, theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất sẽ mời tất cả những vị Bộ trưởng không phải đại biểu Quốc hội cũng sẽ đến dự. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết là cả tập thể Chính phủ và tất cả các vị Bộ trưởng (kể cả các vị Bộ trưởng không phải là Đại biểu Quốc hội) cũng đều phải chuẩn bị tinh thần sẵn sàng có thể sẽ tham gia trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.
Phóng viên: Ngoài hình thức gửi câu hỏi trước và đặt câu hỏi chất vấn ngay tại phiên họp, Đại biểu Quốc hội có hình thức chất vấn nào khác hay không ?Đồng chí Trần Đình Đàn: Cách thức vẫn như những kỳ họp trước. Các câu hỏi đã được gửi trước, Văn phòng Quốc hội đã nhóm các câu hỏi theo từng vấn đề để gửi trước cho Chính phủ và các bộ, Nnành liên quan để trả lời. Và theo thông lệ mỗi vị Bộ trưởng chỉ có 5 - 7 phút để nói vắn tắt về những vấn đề đã giải quyết từ kỳ họp trước, sau đó có khoảng 10 - 15 phút để trả lời những vấn đề mà Văn phòng Quốc hội đã tổng hợp trong những câu hỏi được gửi trước, toàn bộ thời gian còn lại sẽ trả lời những câu hỏi trực tiếp của đại biểu. Văn phòng Quốc hội vẫn đang tiếp tục tổng hợp các câu hỏi cho đến tận hôm trước phiên chất vấn. Những câu hỏi hoặc vấn đề xét thấy chưa thể trả lời ngay tại kỳ họp này, Văn phòng Quốc hội sẽ tổng hợp để báo cáo và trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn tiếp.
Phóng viên: Trong kỳ họp trước nhiều đại biểu Quốc hội đã có ý kiến, đến hôm chất vấn thì người điều hành mới thông báo nhóm vấn đề cần hỏi nên nhiều vị đại biểu đã không kịp chuẩn bị các câu hỏi theo đúng nhóm. Vậy tại phiên chất vấn lần này nhóm vấn đề cần hỏi có được thông báo trước hay không ?
Đồng chí Trần Đình Đàn: Rút kinh nghiệm từ kỳ họp trước, lần này, trong 1 đến 2 ngày trước phiên chất vấn, Quốc hội sẽ thông báo về nhóm vấn đề để các đại biểu chuẩn bị câu hỏi. Đồng thời cũng sẽ tiến hành thông báo luôn danh sách các vị Bộ trưởng sẽ tham gia trả lời chất vấn.
Phóng viên: Nếu có câu hỏi không thuộc nhóm vấn đề, nhưng đại biểu và cử tri thấy rằng rất bức xúc và rất quan tâm thì sẽ được giải quyết như thế nào?
Đồng chí Trần Đình Đàn: Đúng là sẽ có trường hợp như vậy. Nhưng chúng ta cũng biết tại diễn đàn Quốc hội chắc chắn sẽ không giải quyết được hết các vấn đề mà cử tri cũng như đại biểu Quốc hội quan tâm. Vì vậy trước và sau các kỳ họp, các vị đại biểu nếu thấy chưa thoả đáng hoặc cần hỏi thêm thì vẫn có quyền gửi thư yêu cầu đến Chính phủ hay các bộ, ngành có liên quan. Không những vậy, Đại biểu Quốc hội còn có quyền yêu cầu giám sát việc thực hiện trả lời các câu hỏi đó, cũng như giải quyết các vấn đề mà cử tri quan tâm. Tôi xin nói thêm là Quốc hội đã và đang chủ trương tăng cường tính phản biện, tranh luận ngay trong khi nghe chất vấn và trả lời chất vấn. Đó cũng chính là phát huy tính dân chủ trong sinh hoạt Quốc hội. Ngoài ra cũng còn rất nhiều kênh thông tin khác (ví dụ như qua truyền thông, báo chí) để chuyển tải những ý kiến kiến nghị của Đại biểu Quốc hội và cử tri đến Chính phủ, cũng như các bộ, ngành chức năng.
Phóng viên: Đã từng có những vị đại biểu Quốc hội là lãnh đạo ở địa phương, lẽ ra những vấn đề thuộc về trách nhiệm mình phải xử lý thì lại đem lên Quốc hội để chất vấn các Bộ trưởng theo kiểu đùn đẩy trách nhiệm lên trên. Liệu tại kỳ họp này có còn xảy ra tình trạng đó không và nếu có thì làm cách nào để ngăn chặn ?
Đồng chí Trần Đình Đàn: Đúng là trước đây cũng có trường hợp như vậy. Nhưng giờ thì chắc chắn là không. Vả lại, vì tăng cường tính phản biện và tranh luận ngay tại diễn đàn Quốc hội nên nếu có vị Đại biểu Quốc hội nào mà hỏi như vậy, thì chắc cũng sẽ bị hỏi lại ngay thôi!
III. Kết thúc vấn đề.
Thực chất, hoạt động chất vấn thể hiện mối quan hệ mật thiết giữa đại biểu, cử tri và nội dung hoạt động giám sát của QH, UBTVQH. Cử tri mong đợi hoạt động chất vấn được đẩy mạnh, thương xuyên, đáp ứng yêu cầu phát triển sôi động của cuộc sống, của hoạt động quản lý nhà nước. Sự kỳ vọng của cử tri vào hoạt động chất vấn chính là yêu cầu nâng cao hiệu quả giám sát của đại biểu Quốc hội - những người thay mặt nhân dân giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước. Những vấn đề kinh tế, văn hoá, xã hội bức xúc tác động đến đời sống vất chất, tinh thần của nhân dân phải là những vấn đề cần được giám sát, chất vấn kịp thời giữa hai kỳ họp Quốc hội.
Những câu hỏi đạt ra từ hoạt động quản lý nhà nước, từ mối quan tâm, kỳ vọng của cử tri… phải được các cơ quan chuyên môn của QH thẩm định và cung cấp thông tin cho đại biểu. Có như vây việc chất vấn mới tập trung, tranh trùng lặp hoặc chất vấn chỉ để biết thêm thông tin. Mặt khác, người trả lời chất vấn chủ động chuẩn bị trả lời thoả đáng và cũng là bước thông tin đến cử tri kịp thời các chính sách, giải pháp thực hiện trong thực tế
Có thẻ nói, hoạt động chất vấn của Quốc hội nước ta bên cạnh những hạn chế cũng có nhiều điều tiến bộ hơn rất nhiều so với những kì họp trước đây. Rõ ràng chúng ta đã biết nhìn nhận và phát huy những ưu điểm vốn có của mình. Trên đây là một số thực trạng về thiếu sót của những phiên chất vấn mà ta vẫn còn phạm phải. Với việc chỉ ra được những hạn chế còn tồn tại của mình, chắc chắn trong thời gian tới, hoạt động chất vấn của Quốc hội nói riêng hay bất kì hoạt động mang tính chính trị của Quốc hội hay cũng như Chính phủ nói chung sẽ có được những đổi mới để dần đi đến hoàn thiện, đầy mạnh sự phat triển của xã hội và đất nước ta.
Tài liệu tham khảo:
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hiến pháp Việt Nam, Nxb.CAND, Hà Nội, 2008.
Khoa Luật – Đại học quốc gia Hà Nội, Giáo trình luật hiến pháp Việt Nam, Nxb. ĐHQG, Hà Nội, 2005.
Hiến pháp Việt Nam 1992 (sửa đổi 2001).
Luật tổ chức Quốc hội.
5. www.hanoimoi.com.vn
6. www.chinhphu.vn
7. www.na.gov.vn
8. www.cpv.org.vn
9. www.nguoidaibieu.com.vn
10. www.dangcongsan.vn
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Thực trạng và giải pháp của hoạt động chất vấn Quốc hội.doc