Thực trạng và giải pháp đảm bảo tính khả thi của văn bản pháp luật
Quá trình phát triển kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế thế giới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đòi hỏi nhà nước ta phải hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật. Trong thời gian vừa qua, việc xây dựng hệ thống các văn bản pháp luật của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả. Một khối lượng lớn các văn bản pháp luật, nhất là trong lĩnh vực xây dựng thể chế kinh tế thị trường đã được ban hành. Các văn bản pháp luật đã bao quát một phạm vi rộng lớn các quan hệ xã hội cần điều chỉnh. Quy trình xây dựng được thực hiện đúng luật và dân chủ hơn. Chất lượng các văn bản được nâng cao hơn. Những kết quả đã đạt được trong việc xây dựng hệ thống văn bản pháp luật thời gian qua không chỉ đáp ứng những thông lệ quốc tế khi Việt Nam gia nhập WTO mà còn góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Do vậy, một văn bản pháp luật được ban hành mang tính khả thi có ý nghĩa rất quan trọng.
7 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 4078 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem nội dung tài liệu Thực trạng và giải pháp đảm bảo tính khả thi của văn bản pháp luật, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BÀI LÀM
MỞ ĐẦU
Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 3-6-2008, các văn bản quy phạm pháp luật trước khi được ban hành cần được thẩm định nghiêm túc và khách quan. Một trong những nội dung quan trọng phải được thẩm định quy định tại khoản 3, điều 36, Luật Ban hành văn bản pháp luật là “Tính khả thi của dự thảo văn bản, bao gồm sự phù hợp giữa quy định của dự thảo văn bản với yêu cầu thực tế, trình độ phát triển của xã hội và điều kiện bảo đảm để thực hiện”.Quy định nêu trên là hợp lý và cần thiết để những quy định của pháp luật đi vào cuộc sống. Sẽ là vô nghĩa và gây ra những tốn kém không cần thiết cả về thời gian và tiền bạc khi một văn bản quy phạm pháp luật được dự thảo, hội thảo, nghiên cứu, ban hành nhưng xa rời thực tế hoặc tạo ra những tác động ngược và các đối tượng thực thi không thể thi hành.
NỘI DUNG
Tính khả thi của văn bản pháp luật
1.1/ Khả thi là gì ?
“Khả thi” theo Từ điển Tiếng Việt có nghĩa là khả năng thực hiện. Như vậy, một văn bản pháp luật có tính khả thi là một văn bản pháp luật có khả năng thực hiện trên thực tế hay nói một cách khác là những quy định của văn bản pháp luật có khả năng đi vào cuộc sống mà không chỉ dừng lại trên giấy tờ lý thuyết. Việc bảo đảm tính khả thi của các văn bản pháp luật là một yêu cầu rất quan trọng được đặt ra trong suốt quá trình xây dựng văn bản. Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì trong giai đoạn soạn thảo dự án luật, cơ quan soạn thảo phải thực hiện rất nhiều hoạt động để bảo đảm chất lượng của dự án, đồng thời cơ quan thẩm định văn bản phải tiến hành thẩm định về tính khả thi của văn bản. Ví dụ : đối với văn bản luật, trong giai đoạn một dự án luật được chuyển sang các Ủy ban của Quốc hội để thẩm tra thì Ủy ban chủ trì thẩm tra phải tiến hành thẩm tra về tính khả thi của văn bản. Tất cả những quy định đó của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là nhằm đảm bảo cho văn bản pháp luật sau khi được thông qua sẽ có tính khả thi, có khả năng phát huy hiệu quả trong cuộc sống.
1.2/ Điều kiện để một văn bản pháp luật có tính khả thi
Một văn bản luật phải đáp ứng những yêu cầu nào để có thể có tính khả thi?
Thứ nhất, văn bản luật đó phải phản ánh đúng hiện thực khách quan. Văn bản pháp luật phải được xây dựng phù hợp với những điều kiện cụ thể của xã hội trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định để đảm bảo tính khả thi của nó. Tính khả thi của một văn bản pháp luật thể hiện ở sự phù hợp, sự tương thích giữa các quy định của pháp luật với trình độ phát triển kinh tế xã hội, chế độ chính trị, trình độ dân chủ, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống, đặc điểm, tâm lý dân tộc, trình độ dân trí..
Luật phải điều chỉnh và định hướng hành vi của con người phù hợp với quy luật của xã hội, phù hợp với lòng dân, phù hợp với trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật của nhân dân thì mới được xã hội chấp nhận, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và tự nguyện thực hiện (nhân dân ở đây được hiểu là đa số nhân dân chứ không phải một số ít người có hành vi vi phạm pháp luật).
Ví dụ: Hiến pháp năm 1980 của nước ta ra đời trong hoàn cảnh đất nước hoàn toàn độc lập,tự do, là điều kiện thuận lợi để đưa cả nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Do vậy, bản Hiến pháp này mang đậm nét bản chất xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở đó, Hiến pháp đã quy định cho công dân Việt Nam có rất nhiều quyền lợi như: khám chữa bệnh không phải trả tiền, đi học không phải trả học phí… Việc quy định thực hiện chế độ học không phải trả tiền đã không phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội Việt Nam vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước nên việc áp dụng những quy định trên của Hiến pháp đã tạo ra nhiều bất cập trong xã hội. Để khắc phục những hạn chế này của Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 ra đời đã có nhiều quy định mới về chính sách xã hội, giáo dục của nước ta, đảm bảo tính khả thi của Hiến pháp- đạo luật cơ bản của nhà nước, như : quy định công dân có quyền học tập, thay “chế độ học không phải trả tiền” bằng quy định chỉ có “bậc tiểu học là bắt buộc và không phải trả tiền”, còn các cấp bậc khác đều có chế độ học phí. Quy đinh này là hoàn toàn phù hợp và đang được thực thi rất hiệu quả trên thực tế.
Thứ hai, các quy định của luật phải có bộ máy thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc kiểm tra, giám sát việc thực hiện, xử lý hành vi vi phạm và có đủ ngân sách, kinh phí để thực hiện.
Thứ ba, cần có những quy định rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan trong thực hiện các quy định của luật. Biểu hiện của yêu cần này là biện pháp chế tài của nhà nước đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm những quy định của văn bản pháp luật. Biện pháp chế tài phải phù hợp với mức độ, tính chất lỗi, thiệt hại gây ra… mới có sức răn đe và đảm bảo cho văn bản pháp luật được tuân thủ triệt để. Ví dụ: hiện nay trong lĩnh vực môi trường, các hành vi gây ô nhiễm môi trường vẫn đang ngày ngày diễn ra với thiệt hại gây ra cho xã hội là rất lớn. Nhưng nhà nước ta vẫn chưa có một quy định phù hợp với những thiệt hại đó, mức tiền phạt còn thấp và chưa tương xứng, dẫn tới tình trạng các doanh nghiệp lớn “cứ vi phạm rồi bồi thường sau”
Cuối cùng, một trong những yêu cầu cũng rất quan trọng để bảo đảm tính khả thi của luật là các quy định của luật phải minh bạch, cụ thể, rõ ràng, chi tiết, có khả năng thi hành ngay mà không cần phải chờ quá nhiều văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành; luật phải bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Thực tế cho thấy có những văn bản quy định nguyên tắc, chung chung, hoàn toàn phụ thuộc vào các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành do đó chậm đi vào cuộc sống. Những văn bản chồng chéo, mâu thuẫn, không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật cũng gây ra rất nhiều vướng mắc trong tổ chức thực hiện và trong thực tế cũng rất khó đi vào cuộc sống.
2. Thực trạng và giải pháp đảm bảo tính khả thi của văn bản pháp luật
2.1/ Thực trạng:
Thứ nhất, việc soạn thảo luật thiếu khoa học, không dựa trên sự khảo cứu thấu đáo và lắng nghe nghiêm túc ý kiến đóng góp từ giới chuyên môn.
Có thể thấy điều này ở các luật về thuế. Chẳng hạn, luật cần phải quy định một hệ thống thu thuế hợp lý và công bằng để người dân vui lòng nộp thuế và luôn cân nhắc giữa cái giá phải trả cho rủi ro từ việc trốn thuế với số tiền bỏ ra để nộp thuế.
Tất nhiên, trốn thuế sẽ bị trừng phạt, nhưng nếu người dân cảm thấy nộp thuế theo cách luật ấn định là bất hợp lý hoặc bất công, thì họ thà chọn rủi ro còn hơn phải nộp thuế vì không muốn mất tiền cho sự bất hợp lý. Ngày nào người dân, sau khi cân nhắc thiệt hơn, vẫn chọn giải pháp trốn thuế, thì Nhà nước cần phải xem xét lại cách làm luật của mình.
Thứ hai, hầu hết cơ quan chấp bút soạn thảo luật đều tập trung vào khía cạnh thủ tục thực hiện luật sao cho tiện lợi đối với cơ quan công quyền, hơn là tính đến quyền lợi hoặc những khó khăn của đối tượng mà luật áp dụng. Luật do vậy thường quy định nhiều thủ tục rườm rà cùng với những biện pháp chế tài khi người dân vi phạm hơn là giúp người dân dễ dàng áp dụng luật mà không vi phạm.
Có nhiều ví dụ như vậy trong luật lệ về kinh doanh. Chẳng hạn lĩnh vực xuất nhập khẩu, các loại giấy tờ và chứng thực mà hải quan yêu cầu luôn là nỗi ám ảnh đối với nhân viên phụ trách xuất nhập khẩu ở các doanh nghiệp. Thời gian và công sức của họ lẽ ra nên được khuyến khích tập trung vào những công việc làm ra nhiều lợi nhuận hơn để đóng thuế cho Nhà nước, chứ không phải để chạy theo quy trình phức tạp của nền hành chính nặng nề.
Có thể thấy, Quy định của pháp luật và ý nghĩa của việc đảm bảo tính khả thi của văn bản là đã rõ và về mặt lý thuyết không có ai phản đối. Tiếc thay, hiện nay đã và đang xuất hiện khá nhiều văn bản không có tính khả thi hoặc tính khả thi rất thấp.
Trước hết phải kể đến một số nghị định của Chính phủ, bao gồm cả những văn bản đã được ban hành và những văn bản đang là dự thảo.
Xuất hiện nhiều quy định xa rời thực tế hơn cả là Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2-4-2010 của Chính phủ (NĐ 34) “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ”. Trong nghị định này, ít nhất cũng có ba điều xa thực tế, đó là: quy định xử phạt vi phạm Luật Giao thông đối với người đi bộ; quy định xử phạt những người hành nghề xe ôm không đeo biển hiệu và không có trang phục do cấp tỉnh quy định để phân biệt với những người tham gia giao thông khác; quy định xử phạt với những lái xe vận chuyển container không có bằng FC.
Ví dụ như với việc xử phạt vi phạm Luật Giao thông đối với người đi bộ, đại diện CSGT Công an thành phố Hà Nội cho biết, “đối với những người đi bộ, đặc biệt là những người không mang theo giấy tờ tùy thân, tiền thì biết phạt bằng cách nào. Mà dù có mang theo giấy tờ hoặc tiền mà họ không tự giác nộp phạt thì CSGT cũng... bó tay, không thể khám người hoặc tạm giữ người vi phạm...”. Chính vì lý do này mà dường như từ ngày NĐ 34 có hiệu lực đến nay, chưa có người đi bộ nào bị phạt vi phạm Luật Giao thông.
2.2/ Giải pháp:
Vậy, cần phải làm gì để xây dựng được một văn bản luật bảo đảm tính khả thi?
Để luật bảo đảm tính khả thi thì việc xây dựng luật phải bảo đảm tính khách quan, không được chủ quan, duy ý chí, thoát ly thực tiễn kinh tế – xã hội, coi thường quy luật của xã hội, áp đặt lên xã hội những quy định mà nó không cần, không muốn, không thể thực hiện được.
Muốn làm được như vậy, thì đòi hỏi các cơ quan xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn xã hội, thực tiễn và yêu cầu quản lý nhà nước, tổng kết tình hình thi hành pháp luật, đánh giá thực trạng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến dự án, khảo sát đánh giá thực trạng quan hệ xã hội, tổ chức lấy ý kiến, đánh giá thực trạng phản ứng của dư luận xã hội, của nhân dân, các ngành, các cấp đối với những nội dung cơ bản của dự án.
Tính khả thi trong xây dựng luật cũng đòi hỏi phải khắc phục tình trạng cục bộ, địa phương, cục bộ ngành, coi thường lợi ích chung chính đáng của xã hội, ngành, địa phương khác. Đó cũng chính là những công việc, những yêu cầu mà Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã đặt ra cho cơ quan soạn thảo.
KẾT BÀI
Quá trình phát triển kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế thế giới, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đòi hỏi nhà nước ta phải hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật. Trong thời gian vừa qua, việc xây dựng hệ thống các văn bản pháp luật của Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả. Một khối lượng lớn các văn bản pháp luật, nhất là trong lĩnh vực xây dựng thể chế kinh tế thị trường đã được ban hành. Các văn bản pháp luật đã bao quát một phạm vi rộng lớn các quan hệ xã hội cần điều chỉnh. Quy trình xây dựng được thực hiện đúng luật và dân chủ hơn. Chất lượng các văn bản được nâng cao hơn. Những kết quả đã đạt được trong việc xây dựng hệ thống văn bản pháp luật thời gian qua không chỉ đáp ứng những thông lệ quốc tế khi Việt Nam gia nhập WTO mà còn góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Do vậy, một văn bản pháp luật được ban hành mang tính khả thi có ý nghĩa rất quan trọng.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Thực trạng và giải pháp đảm bảo tính khả thi của văn bản pháp luật.doc