Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, để có thể phát triển được TTCK Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp trong nước nói riêng, rất cần thu hút sự tham gia của các NĐT nước ngoài. Tuy nhiên, để có thể thu hút được đối tượng này, việc minh bạch thông tin và trách nhiệm công bố thông tin cần phải được quán triệt thực hiện. Đó không phải là trách nhiệm riêng của UBCKNN mà cần có sự hợp tác và ý thức minh bạch thông tin chính xác của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, bên cạnh việc ban hành các văn bản luật, cần phải làm cho các doanh nghiệp thấy được lợi ích của việc công khai hóa thông tin, từ đó tiến hành việc công bố thông tin một cách tự nguyện. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng bất cân xứng thông tin.
16 trang |
Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 2466 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Bất cân xứng thông tin trên thị trường chứng khoán ở Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tiểu luận
Bất cân xứng thông tin trên thị trường chứng khoán ở Việt NamMục lục
LỜI MỞ ĐẦU
Thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời vào tháng 07/2000. Qua 13 năm hoạt động, TTCKVN đã có nhiều biến động, đã thu hút được ngày càng nhiều sự chú ý của những NĐT từ những NĐT nhỏ lẻ, đến những quỹ đầu tư tổ chức, NĐT trong nước và NĐT nước ngoài. TTCKVN đã và đang phát triển như một kênh sử dụng vốn nhàn rỗi của xã hội, góp phần tối đa hóa nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, vẫn còn tồn tại một số vấn đề bất cập. Một trong số đó là vấn đề bất cân xứng thông tin trong thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Vấn đề này có tác động không những lâu dài mà còn gây ra những ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý, niềm tin của NĐT vào thị trường chứng khoán và những cơ quan quản lý. Cùng với quá trình toàn cầu hóa thế giới và tiến trình hội nhập của Việt Nam với các nền kinh tế trong khu vực và cả thế giới, yêu cầu làm sao đề hạn chế bất cân xứng thông tin trong TTCK, nâng cao chất lượng công bố thông tin, đảm bảo cho TTCK vận hành công bằng, hiệu quả, công khai và minh bạch được đặt ra rất cấp thiết.
Từ những vấn đề trên, nhóm nghiên cứu sẽ làm sáng tỏ vấn đề “Bất cân xứng thông tin trên thị trường chứng khoán ở Việt Nam”.
I. Lý luận chung
1. Thông tin
1.1. Khái niệm:
Thông tin là những tin tức và dữ liệu giúp người tiếp nhận hiểu biết hơn về vấn đề quan tâm.
1.2. Vai trò của thông tin trên Thi trường chứng khoán:
Là cơ sở để quản lý Nhà nước về chứng khoán và TTCK, nhìn nhận những phản ánh của thị trường với cơ chế, chính sách, pháp luật hiện hành về chứng khoán và TTCK.
Là cơ sở để đánh giá tính hợp pháp hay không của chủ thể tham gia vào thị trường. Từ đó giúp Nhà nước ngăn chặn những hành vi bất hợp pháp diễn ra trên thị trường.
Trong đầu tư chứng khoán, rủi ro thông tin được coi là rủi ro lớn nhất và cũng là nguồn cội của mọi sự rủi ro. Do vậy, việc tìm kiếm được nguồn thông tin đáng tin cậy vẫn phải được coi là hành trang vững chắc nhất trong việc đầu tư kinh doanh chứng khoán.
2. Bất cân xứng thông tin
2.1. Khái niệm
Bất cân xứng thông tin là tình trạng xuất hiện trên thị trường khi một bên nào đó sở hữu một lượng thông tin đầy đủ hơn về đặc tính sản phẩm.
Ví dụ: người bán sở hữu một thông tin đặc biệt nào đó mà người mua không có, do đó người mua sẽ đưa ra một quyết định mà nếu có thông tin đó thì họ sẽ không đưa ra quyết định này.
2.2. Hệ quả của bất cân xứng thông tin trên TTCK
Lựa chọn đối nghịch: Do thông tin bất cân xứng tạo ra trước khi giao dịch. Hiện tượng thiếu thông tin của một trong hai bên sẽ dẫn đến các quyết định kinh tế trái ngược nhau.
Rủi ro đạo đức do thông tin bất cân xứng. Đây là hậu quả của một bên sau khi xảy ra giao dịch.
2.3. Tác động của bất cân xứng thông tin trên TTCK
2.3.1. Tác động đến doanh nghiệp
Do tác động của bất cân xứng thông tin, các NĐT hạn chế tham gia TTCK, làm cho việc huy động vốn thông qua cổ phần hóa của các doanh nghiệp trở nên khó khăn, họ phải chuyển sang những hình thức huy động vốn khác như vay vốn ngân hàng hay phát hành trái phiếu… Những hình thức này làm tăng chi phí huy động vốn của doanh nghiệp và tác động đến sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Ngoài ra, các doanh nghiệp sẽ không còn động lực tham gia TTTC nói chung và TTCK nói riêng.
2.3.2. Tác động đến các NĐT
Do bất cân xứng thông tin khiến giá cổ phiếu không phản ánh được đầy đủ và tức thời tình hình hoạt động của doanh nghiệp nên các NĐT không thể xác định được lợi nhuận kì vọng một cách chính xác. Điều này làm cho một số NĐT nắm được thông tin sẽ thu được lợi nhuận cá biệt cao hơn lợi nhuận thị trường và một số NĐT nắm được ít thông tin sẽ phải bỏ ra chi phí cá biệt cao hơn chi phí thị trường.
2.3.3. Tác động đến sự phát triển của TTCK
Thứ nhất, do những tác động của bất cân xứng thông tin đến NĐT và doanh nghiệp khiến các thành phần kinh tế không còn niềm tin và động lực tham gia TTCK. Điều này ngăn cản sự phát triển của TTCK.
Thứ hai, nhiều NĐT có thể lợi dụng lợi thế về thông tin của mình để là giá một số loại cổ phiếu, tạo cung cầu ảo trên thị trường, tạo bong bóng và khiến thị trường tiềm ẩn nguy cơ sụp đổ.
II. Thực trạng về bất cân xứng thông tin trên TTCK Việt Nam
Hành lang pháp lý về công bố thông tin trên TTCK Việt Nam hiện nay
Ngày 29/6/2006, Quốc hội đã ban hành Luật Chứng Khoán và Luật này chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2007. Ngày 24/11/2010 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán được ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/07/2011.
Ngày 5/4/2012, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 52/2012/TT-BTC hướng dẫn về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Thông tư 52 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2012 và thay thế Thông tư số 09/2010/TT-BTC ngày 15/1/2010 của Bộ Tài chính về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Những quy định về công bố thông tin tại các văn bản khác do Bộ Tài chính ban hành trái với quy định tại Thông tư này sẽ bị hủy bỏ và áp dụng theo quy định của Thông tư này.
Về cơ bản môi trường pháp lý đã được chuẩn bị khá đầy đủ nhằm đảm bảo môi trường đầu tư minh bạch, đầy đủ thông tin và công bằng cho các NĐT. Việc công bố thông tin của các tổ chức niêm yết, công ty chứng khoán, Sở GDCK… đến NĐT là một khâu quan trọng giúp cho thị trường minh bạch, đồng thời giúp cho quá trình mua bán diễn ra công bằng, đồng vốn được sử dụng hiệu quả nhất.
Mặc dù, luật pháp quy định về công bố thông tin đã có, nhưng người có trách nhiệm thì vẫn chưa thực hiện nghiêm túc nên TTCK Việt Nam chưa thực sự minh bạch và công bằng, môi trường đầu tư chưa thực sự tốt để thu hút thêm nguồn vốn từ xã hội. Thông tin được công bố thường có chất lượng thấp, thiếu sót, không đồng đều và chậm trễ. Do đó xuất hiện những biến động bất thường đến giá cổ phiếu bởi những “tin đồn” chưa được kiểm soát, xác minh bởi cơ quan nhà nước.Trong khi đó, đối với những doanh nghiệp chưa niêm yết, việc công bố thông tin chưa được kiểm soát chặt chẽ. Sự phát triển của TTCK tập trung và TTCK phi tập trung liên quan mật thiết với nhau. Do đó, những tin tức sai lệch trên thị trường nào cũng sẽ tác động mạnh mẽ đến giá chứng khoán.
Thực trạng bất cân xứng thông tin trên TTCK Việt Nam
Công bố thông tin không đầy đủ, sai lệch, chậm trễ
Ngoài các thông tin bắt buộc theo luật định phải công bố thì các doanh nghiệp không chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời đã tác động bất lợi cho NĐT. NĐT hầu như mù mờ về tình hình hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính và các khoản nợ vay của công ty. Các thông tin mà NĐT tìm chủ yếu qua nguồn tin riêng, trên các diễn đàn chứng khoán hoặc tin đồn…không có cơ sở, không được kiểm soát. Nhiều bản cáo bạch còn sơ sài, thông tin vừa nghèo nàn vừa không chuẩn mực. Hơn nữa, nhiều công ty kiếm cớ thoái thác cung cấp bản cáo bạch cho NĐT, chậm nộp báo cáo tài chính, báo cáo số liệu thiếu chính xác hoặc lợi dụng sự linh hoạt của pháp luật để lập những báo cáo tài chính thiếu chính xác. Để che giấu thông tin, nhiều công ty đã “lách” bằng cách đăng thông báo trên những tờ báo rất ít người theo dõi.
Ngoài ra, những thông tin, những bản cáo bạch, BCTC trước khi được công bố ra thì vẫn chưa được kiểm tra kỹ lưỡng, vẫn còn nhiều sai lệch, không rõ ràng, thậm chí còn nhiều sai lệch trọng yếu, những sai lệch chưa được các công ty kiểm toán chấp nhận.
Trong năm 2012, UBCK đã ban hành 180 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 11 tỷ đồng. Trong 6 tháng qua, UBCK đã ban hành 40 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 2,9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, những quyết định xử phạt các đối tượng trên TTCK trong nhiều năm gần đây hầu hết là xử lý hành chính với mức phạt vài chục cho tới vài trăm triệu cho các lỗi: chậm công bố thông tin, công bố thông tin sai, tạo cung cầu cổ phiếu ảo… dường như việc xử phạt hành chính không đủ sức răn đe trên một thị trường dễ kiếm lợi khổng lồ này.
Mặc dù, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự có hiệu lực từ đầu năm 2010 đã bổ sung 3 tội danh trong lĩnh vực chứng khoán gồm: công bố thông tin sai lệch, giao dịch nội gián và tội thao túng giá chứng khoán, nhưng trong 4 năm qua mới có 1 trường hợp bị xử lý hình sự là vụ Lê Văn Dũng - Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Dược Viễn Đông cùng đồng bọn vì hành động thao túng.
Có hiện tượng rò rỉ thông tin hay giao dịch nội gián
Theo quy định của Luật chứng khoán: Giao dịch nội gián là hành vi của NĐT cá nhân hoặc NĐT tổ chức có được thông tin nội bộ có giá trị và sử dụng thông tin đó trước khi thông tin được công bố công khai nhằm mua - bán cho chính mình hoặc cung cấp cho bên thứ ba để hưởng lợi. Trách nhiệm của cơ chế giám sát thị trường chứng khoán sẽ phải làm rõ ai là người để lộ thông tin và ai là người được hưởng lợi. Cũng theo các quy định pháp luật: Quy định về xử phạt đối với trường hợp vi phạm (theo Điều 27, 28 Nghị định 36/2007/NĐ-CP ngày 8/3/2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK): Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với cá nhân và phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm. Tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật của cá nhân, tổ chức đầu tư chứng khoán do có hành vi vi phạm.
Những giao dịch bất thường của thị trường chứng khoán mang lại những khoản lợi nhuận lớn cho một số NĐT. Năm 2012, báo chí từng đặt câu hỏi khi quan sát sự việc nhóm NĐT, trong đó có Eximbank, đã mua gom cổ phiếu STB của Sacombank để đạt đến tỷ lệ sở hữu lớn, nhưng Ủy ban chứng khoán đã xử phạt khá muộn các giao dịch chạm ngưỡng phải công bố (sở hữu đến 5%), mà người mua không công bố thông tin.
Phiên giao dịch chứng khoán ngày 11/9/2013 chứng kiến một sự kiện bất ngờ. Giao dịch đợt đóng cửa của phiên cổ phiếu PVF (Công ty Tài chính dầu khí) bị xả ATC trên 1,1 triệu, cộng với 539.000 đơn vị nữa giá sàn, nhưng hoàn toàn là do NĐT trong nước. Cổ phiếu này đã ở mức thấp chưa từng có trong lịch sử... Tổng cộng 1,6 triệu cổ phiếu đã được bán thành công trên thị trường. Nhưng chỉ vài giờ sau phiên giao dịch, câu trả lời đã được đưa ra: Công ty chứng khoán FPT (FPTS) công bố loại cổ phiếu PVF ra khỏi danh mục được ký quỹ kể từ ngày 12-9. Và một cơn bán tháo PVF xảy ra vào ngày 12/9 với gần 2 triệu cổ phiếu rao bán với giá sàn và chỉ đến 11 giờ PVF thật sự đã mất thanh khoản. Tại sao một số NĐT lại biết trước thông tin của FPTS trước khi nó được công bố, thậm chí biết rõ lượng cổ phiếu PVF đang cầm cố tại FPTS đủ lớn để có thể gây một cơn bán tháo sốc trên thị trường? Như vậy thông tin nội bộ lọt ra ngoài đã giúp một số NĐT “thoát” được 1,6 triệu cổ phiếu sắp mất thanh khoản.
Doanh nghiệp công bố thông tin không công bằng đối với các NĐT
Doanh nghiệp ưu tiên cung cấp thông tin cho các NĐT chiến lược, các NĐT tổ chức mà không công bố rộng rãi. Đến nay một hiện tượng phổ biến cho thấy trong các cuộc đấu giá thì người đấu giá thành công chủ yếu là NĐT tổ chức. Loại trừ khả năng các NĐT tổ chức có kinh nghiệm, kỹ năng phân tích thì người ta cũng nghi ngờ các NĐT tổ chức nhận được nhiều thông tin chất lượng hơn so với các NĐT cá thể.
Hiện tượng tung tin đồn
Hiện nay, hiện tượng này xảy ra khá phổ biến. Việc tung tin đồn thất thiệt, gây ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường.
Mới đây nhất, tháng 7/2013, có vụ 3 đối tượng vì những động cơ khác nhau, đã đưa ra thông tin sai lệch lên mạng internet với nội dung ông Trần Bắc Hà-chủ tịch HĐQT BIDV bị bắt, gây tác động tiêu cực đến thị trường tài chính nói riêng và đến TTCK nói riêng.
Hiện tượng các cơ quan truyền thông cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ.
Các cơ quan truyền thông là một kênh cung cấp thông tin quan trọng giữa các doanh nghiệp và các NĐT, sự phản ánh thông tin của các cơ quan này có ảnh hưởng rất lớn tới các NĐT. Tuy nhiên, hiện nay vì lợi ích của mình mà các doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông thường câu kết với nhau để đưa ra những thông tin thiếu trung thực, nhằm đánh bóng công ty để thu hút các NĐT và trục lợi. Các NĐT thiếu sự theo dõi, tìm hiểu rất dễ tin theo những thông tin được công bố này.
III. Một số giải pháp nhằm nâng cao tính hiệu quả thông tin trên TTCK Việt Nam
1. Hoàn thiện khung pháp lý về công bố thông tin. Tăng cường cơ chế giám sát và xử lý vi phạm công bố thông tin:
1.1. Hoàn thiện khung pháp lý về công bố thông tin:
Các văn bản cần phải quy định cụ thể, rõ ràng nghĩa vụ và nội dung thông tin cần công bố, tránh chồng chéo nhằm đảm bảo hiệu quả thực thi cao.
Hệ thống các văn bản điều chỉnh hoạt động công bố thông tin đối với các công ty đại chúng phải linh hoạt, có dự trù đến phát sinh trong tương lai của TTCK.
Làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng chủ thể liên quan đến việc công khai, minh bạch thông tin trên TTCK nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của NĐT.
Các dự thảo luật liên quan mới cần phải được công khai, minh bạch, lấy ý kiến rộng rãi của các bên liên quan và ý kiến đóng góp của giới đầu tư.
1.2. Tăng cường cơ chế giám sát
Có thể thấy cơ chế giám sát hoạt động công bố thông tin hiện nay tại Việt Nam khá chồng chéo; các cơ quan chức năng chưa có sự phân quyền cụ thể; các quy định giám sát chưa đồng bộ khiến cho hoạt động giám sát trên TTCK vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Do đó, để tăng cường và hoàn thiện công tác giám sát, cần:
Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị có chức năng giám sát hoạt động công bố thông tin trên thị trường.
Xây dựng một quy trình và các tiêu chí giám sát một cách cụ thể rõ ràng.
Thành lập một cơ quan chịu trách nhiệm về việc giám sát thông tin.
1.3. Xử phạt nghiêm khắc các vi phạm về công bố thông tin
Để ngăn chặn và răn đe việc vi phạm công bố thông tin nhằm trục lợi, khung xử phạt trong lĩnh vực cần được nâng cao hơn.
2. Tăng cường nhận thức và tính tự giác minh bạch thông tin của các công ty đại chúng
Để tăng cường nhận thức và tính tự giác minh bạch thông tin của các công ty đại chúng, nên:
Quy định rõ ràng trong các văn bản pháp luật trách nhiệm liên đới của TGĐ, Chủ tịch HĐQT trong các sự việc vi phạm quy định về công bố thông tin của công ty. Khi đó, những người đứng đầu doanh nghiệp vì quyền lợi của mình sẽ phải thắt chặt hơn những quy định về công bố thông tin trong nội bộ doanh nghiệp.
Có những chế độ khen thưởng thích hợp với những công ty đại chúng công bố thông tin đầy đủ, đúng hạn… nhằm khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tốt những quy định công bố thông tin.
3. Nâng cao chất lượng thông tin trên TTCK
Thông tin chính thức trên TTCK được công bố rộng rãi, chính xác, có chất lượng sẽ làm giảm rủi ro lựa chọn đối nghịch, từ đó sẽ cải thiện chức năng phân bổ nguồn lực của thị trường và khiến tính thanh khoản cổ phiếu tăng cao, đem lại lợi ích cho các công ty đại chúng và cả những NĐT. Để thực hiện điều đó, một số giải pháp có thể áp dụng như:
Cho phép thành lập những công ty chuyên tìm kiếm và bán thông tin về thị trường. Kèm theo đó, cần thiết lập một cơ chế giám sát những công ty này nhằm tránh những gian lận trong việc cung cấp tin.
Tăng cường công tác giám sát thông tin trước và sau khi công bố.
Đặt ra quy định nghiêm ngặt về hệ thống công bố thông tin của các công ty đại chúng
Nâng cấp hệ thống thông tin của các thể chế trung gian hiện có, các Công ty Chứng khoán và UBCKNN.
4. Hoàn thiện cơ chế kế toán, kiểm toán
Báo cáo tài chính luôn là nguồn thông tin quan trọng nhất trong những quyết định đầu tư của thị trường. Để tăng cường vai trò của thông tin báo cáo tài chính, hệ thống kế toán và kiểm toán cần được hoàn thiện hơn và cải tiến không ngừng.
Nhằm đạt được những mục đích này, cần có những giải pháp hiệu quả và khả thi.
Để có được điều này, cần:
- Đưa ra những tiêu chí chi tiết và đầy đủ để đánh giá các công ty kiểm toán trên thị trường và được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Các công ty đại chúng cần nâng cao hơn chất lượng kiểm toán nội bộ của mình.
- Các doanh nghiệp kiểm toán cần nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm toán viên.
5. Hoàn thiện các nguyên tắc về quản trị công ty trong các công ty đại chúng nhằm tăng cường minh bạch thông tin
Dựa trên kinh nghiệm áp dụng các cơ chế quản trị công ty nhằm bảo vệ NĐT ở các Thị trường phát triển trên thế giới, Việt Nam có thể áp dụng một số biện pháp sau:
Cần luật hóa các quy định, chế tài về quản trị công ty cho các công ty đại chúng, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết. Các doanh nghiệp muốn niêm yết trên sàn cần có những quy chế quản trị công ty riêng như là một điều kiện bắt buộc.
Đối với những doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn Chứng khoán, cần bắt buộc phải lập ra quy chế quản trị công ty riêng của mình trong vòng một thời gian nhất định (có thể là từ 6 tháng đến 1 năm) nhằm duy trì việc niêm yết.
Các quy định về Đại hội Cổ đông cần chặt chẽ và rõ ràng hơn. Đồng thời, ĐHCĐ của các công ty đại chúng cần được công khai và minh bạch hơn. Hiện tại việc các phóng viên tham gia ĐHCĐ của các công ty đại chúng, đặc biệt là các tập đoàn Nhà nước là rất khó khăn (trên thực tế, điều này đã vi phạm Luật Báo chí), họ thường phải bằng cách này hoặc cách khác kiếm/làm giả một tấm thẻ cổ đông để tham gia. Điều này do nhiều công ty đại chúng muốn che giấu những mặt chưa tốt trong hoạt động của mình và nó đã phần nào ngăn cản các thông tin về tình hình doanh nghiệp đến với toàn thể giới đầu tư, khiến thông tin trên TTCK trở nên bất cân xứng hơn.
Ban kiểm soát cần phải có vai trò thực tế và rõ ràng hơn nhằm đảm bảo Ban lãnh đạo các doanh nghiệp không vì mục tiêu lợi nhuận mà thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Việc này sẽ làm giảm rủi ro đạo đức trên TTCK và sẽ đem lại lợi ích về lâu dài cho NĐT và bản thân doanh nghiệp.
6. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và kiến thức NĐT
Nhằm nâng cao chất lượng thông tin trên TTCK, NĐT cần phải biết rõ những quyền lợi của mình trong việc nhận được những thông tin minh bạch, chính xác. Muốn vậy, trước hết NĐT cần phải có kiến thức và hiểu biết sâu rộng về TTCK Việt Nam nói riêng và TTCK Thế giới nói chung nhằm sử dụng thông tin một cách hiệu quả nhằm đưa ra những quyết định đầu tư chính xác. Việt này sẽ đem lại lợi nhuận cho các NĐT, qua đó thúc đẩy sự phát triển của TTCK Việt Nam.
Xét trong trường hợp Việt Nam, công tác này có thể tập trung vào những nội dung sau:
Thực hiện những chương trình phổ cập kiến thức cơ bản về chứng khoán và TTCK cho toàn dân trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Tăng cường việc minh bạch và công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Cập nhật và chuẩn hóa các chương trình đào tạo về chứng khoán ngắn hạn và các chương trình giảng dạy trong các trường ĐH khối Kinh tế theo những chuẩn mực quốc tế.
Tận dụng, khai thác có hiệu quả sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và những kinh nghiệm của các nước phát triển nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực TCCK và nâng cao kiến thức NĐT.
7. Khắc phục về cơ sở hạ tầng
7.1. Xây dựng và phát triển hệ thống công bố thông tin số hóa
SGDCK cần nhanh chóng xúc tiến áp dụng công nghệ thông tin một cách thật chủ động vào hệ thống công bố thông tin. Việc hướng tới việc xây dựng và phát triển 1 hệ thống công bố thông tin sử dụng XML là hết sức cần thiết bởi vì đây là 1 giải pháp lớn có thể giải quyết các tồn tại trên. Đặt vấn đề xây dựng hệ thống thông tin số hóa trên TTCK trong mối liên hệ với dự án tổng thể xây dựng Chính phủ điện tử nước ta. Điều đó giúp thống nhất được các điều kiện kĩ thuật, công nghệ và tạo ra sự liên kết thông tin giữa các cơ quan quản lí TTCK với các cơ quan nhà nước khác, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lí lĩnh vực công bố thông tin trên TTCK.
7.2. Nâng cấp và phát triển hệ thống công nghệ thông tin trong hệ thống giao dịch
Hệ thống kĩ thuật giao dịch tại SGD và TTGDCk hiện nay còn mang tính thủ công và chậm chạp. Đây cũng là nguyên nhân chính làm cho tính thanh khoản của cổ phiếu kém đi. TTGDCK chưa xây dựng một chương trình phần mềm thống nhất, hệ thống còn mang tính lắp ghép rời rạc dễ phát sinh sự cố trong giao dịch. Vì thế SGD và TTGDCK cần phải đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại để cải tiến hệ thống kĩ thuật giao dịch. Trước hết là giải quyết được tình trạng quá tải tại sàn giao dịch, thứ 2 là hệ thống giao dịch hoàn toàn sẽ tự động sàn lọc những lệnh được chấp nhận để chuyển thẳng về SGD và TTGDCK. Như vậy không còn hiện tượng đũa lệnh đảm bảo công bằng cho các NĐT tham gia đặt lệnh.
7.3. Nâng cao chất lượng các bản tin thị trường chứng khoán, các website của SGDCK, TTSGCK và UBCKNN
Việc nâng cao chất lượng bản tin TTCK vẫn luôn là yêu cầu của giới đầu tư đặt lệnh cho TTGDCK. Cần bổ sung thêm nội dung và bỏ đi các nội dung ko cần thiết, tránh đưa thông tin sai, thường xuyên cập nhật thông tin để đưa ra thông tin kịp thời. Các website của các TTGDCK và UBCKNN cần đưa thêm thông tin về chính sách và giao dịch, tình hình tài chính quốc tế, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước… để các NĐT tham khảo.
7.4. Nâng cao năng lực của giới truyền thông
Cần cung cấp cho các nhà báo, nhân viên làm các chuyên mục trên các phương tiện truyền thông về chứng khoán những nghiệp vụ sâu hơn để phân tích chứng khoán. Các cơ quan quản lí cần mở lớp đào tạo chứng khoán cho nhóm đối tượng trên, cung cấp cho học chuyên môn các nhận định đánh giá về TTCK một cách chính xác hợp lí. Cần có biện pháp quản lí đối với các diễn đàn điện tử về CK.KẾT LUẬN
Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế, để có thể phát triển được TTCK Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp trong nước nói riêng, rất cần thu hút sự tham gia của các NĐT nước ngoài. Tuy nhiên, để có thể thu hút được đối tượng này, việc minh bạch thông tin và trách nhiệm công bố thông tin cần phải được quán triệt thực hiện. Đó không phải là trách nhiệm riêng của UBCKNN mà cần có sự hợp tác và ý thức minh bạch thông tin chính xác của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, bên cạnh việc ban hành các văn bản luật, cần phải làm cho các doanh nghiệp thấy được lợi ích của việc công khai hóa thông tin, từ đó tiến hành việc công bố thông tin một cách tự nguyện. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng bất cân xứng thông tin.
________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Các văn bản luật:
Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 ngày 29 tháng 06 năm 2006;
Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung số 62/2010/QH12 ngày 24 tháng 11 năm 2010;
Thông tư số 52/2012/TT-BTC hướng dẫn về việc công bố thông tin trên TTCK
Một số website liên quan đến đề tài
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- thi_truong_chung_khoan_2034.doc