Tiểu luận Kỹ năng của luật sư trong các vụ án về thừa kế

Đặc điểm thứ tư: Quan hệ tranh chấp về thừa kế, bao giờ cũng liên quan đến tài sản và quy ền tài sản, thường di sản là những tài sản có giá trị lớn hoặc di sản có ý nghĩa về tinh thần . Di sản càng có giá trị lớn về kinh tế, có ý nghĩa lớn về mặt tinh thần thì tranh chấp càng gay gắt và đó là quy luật. Hơn nữa, do những hạn chế của hệ thống pháp luật nước ta trước đây còn thiếu hoặc chưa quy định đầy đủ về thủ tục đăng ký, quản lý tài sản của công dân (đặc biệt là bất động sản), nên việc xác định nguồn gốc của di sản thừa kế trở nên khá phức tạp, khó khăn. Vấn đề khó khăn nan giải của Luật sư là xác định đúng, chính xác có phải người để lại thừa kế là chủ sở hữu đích thực tài sản đó hay không, đặc biệt là liên quan đến bất động sản.

pdf15 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3476 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Kỹ năng của luật sư trong các vụ án về thừa kế, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tiểu luận KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ TRONG CÁC VỤ ÁN VỀ THỪA KẾ Để thành công trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của thân chủ trong các vụ tranh chấp thừa kế, Luật sư cần chú ý một số đặc thù riêng biệt trong tranh chấp thừa kế. 1. ĐẶC ĐIỂM VỀ CÁC VỤ VIỆC TRANH CHẤP THỪA KẾ : Đặc điểm thứ nhất: Đây là quan hệ tranh chấp liên quan đến những người thân thích, ruột thịt trong gia đình, dòng tộc. Tranh chấp xung quanh thừa kế di sản là loại tranh chấp nặng nề, phức tạp, ở một khía cạnh nào đó liên quan đến tình cảm thiêng liêng nhiều lúc sâu lắng trong tâm khảm không chỉ giữa những người đang tranh chấp mà vô hình chung nó liên quan đến quan hệ với người đã quá cố để lại di sản thừa kế. Quan hệ tranh chấp thoạt nhìn thì có vẻ như đơn giản, nhưng bên trong chứa chất mâu thuẫn phức tạp, nặng nề và nhiều lúc gây gay gắt, sâu sắc. Quan hệ tranh chấp thừa kế không chỉ liên quan đến một vài đương sự, nhiều vụ việc thực tế liên quan đến rất nhiều người trong gia đình, họ tộc. Nếu giải quyết không tốt nhiều lúc quan hệ tranh chấp tài sản thừa kế trở thành mối ung nhọt phá vỡ tình cảm trong gia đình, họ tộc đã được hình thành qua nhiều thế hệ. Thậm chí quan hệ tranh chấp đó có thể phá vỡ cả hệ thống tiêu chí đạo đức, mĩ tục kết tinh thành truyền thống tương thân, tương ái của từng gia đình và dòng tộc. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thân chủ mình trong tranh chấp thừa kế, Luật sư còn cần có trách nhiệm trong việc giữ gìn tình anh em, nghĩa đồng bào, tình ruột thịt, và xa hơn là tình làng nghĩa xóm, vun đắp cho tình nghĩa gia đình anh em ruột thịt và tạo cho xã hội ổn định và phát triển. Đặc điểm thứ hai: Quan hệ tranh chấp về thừa kế gắn liền với nhiều yếu tố truyền thống “gia phong”, “gia tộc”, có những quan hệ gắn với gốc rễ, cội nguồn của gia đình, họ tộc, thậm chí ở nhiều địa phương gắn với nhiều phong tục tập quán sắc tộc, quần cư, ... Yếu tố gốc gác cội nguồn thể hiện trong quan hệ thừa kế vừa cụ thể, vừa tế nhị - vì không chỉ là quan hệ pháp lý đơn thuần, mà còn mang nặng tình cảm của từng cá nhân tham gia vào quan hệ đó. Đặc điểm thứ ba: Quan hệ tranh chấp về di sản thừa kế không chỉ liên quan chủ yếu đến quan hệ tài sản và quyền tài sản, mà còn liên quan đến quyền nhân thân của các đương sự tranh chấp thừa kế. Việc thừa nhận được hưởng di sản gắn với cội nguồn, quyền nhân thân của họ. Cũng từ đó nhiều lúc liên quan đến danh dự của từng cá nhân trong xã hội. Có nhiều trường hợp đương sự không chỉ đơn thuần được hưởng di sản của người để lại thừa kế, mà qua đó để khẳng định tính huyết thống, tình cảm của người quá cố đối với mình và ngược lại, bằng cách đó duy trì quan hệ gia đình với người khác, ... Đặc điểm thứ tư: Quan hệ tranh chấp về thừa kế, bao giờ cũng liên quan đến tài sản và quyền tài sản, thường di sản là những tài sản có giá trị lớn hoặc di sản có ý nghĩa về tinh thần ... Di sản càng có giá trị lớn về kinh tế, có ý nghĩa lớn về mặt tinh thần thì tranh chấp càng gay gắt và đó là quy luật. Hơn nữa, do những hạn chế của hệ thống pháp luật nước ta trước đây còn thiếu hoặc chưa quy định đầy đủ về thủ tục đăng ký, quản lý tài sản của công dân (đặc biệt là bất động sản), nên việc xác định nguồn gốc của di sản thừa kế trở nên khá phức tạp, khó khăn. Vấn đề khó khăn nan giải của Luật sư là xác định đúng, chính xác có phải người để lại thừa kế là chủ sở hữu đích thực tài sản đó hay không, đặc biệt là liên quan đến bất động sản. Đặc điểm thứ năm: Liên quan đến các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ thừa kế. Thực tế hệ thống pháp luật của nước ta trong lĩnh vực thừa kế, giải quyết tranh chấp thừa kế chưa đồng bộ, thậm chí có chỗ còn chưa thống nhất, còn chồng chéo, mâu thuẫn. Do điều kiện khách quan của các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, chúng ta đã không dành sự quan tâm thích đáng đối với lĩnh vực pháp luật này. Hơn nữa, do chiến tranh kéo dài, những hồ sơ gốc gác tài sản của công dân cũng thất lạc, mất mát, ... Sau khi thành lập nhà nước mới và sau khi giải phóng miền nam, những quy định pháp luật về chuyển dịch tài sản và quản lý tài sản (đặc biệt là bất động sản) từ chế độ cũ sang chế độ mới cũng thay đổi và khác biệt về bản chất. Đặc điểm thứ sáu: Nói đến thừa kế là liên quan đến Luật Hôn nhân – Gia đình, Luật Hôn nhân – Gia đình của nhà nước Việt nam dân chủ cộng hòa mới có hiệu lực từ năm 1961 nhưng do đất nước bị kẻ thù chia cắt nên luật này chỉ mới có hiệu lực ở miền Bắc. Đến năm 1980, khi Quốc hội chung của cả nước thống nhất mới có Nghị quyết về áp dụng văn bản quy phạm luật thống nhất chung cho cả nước trong đó có Luật hôn nhân – Gia đình. Do đặc thù lịch sử đó, quan hệ Hôn nhân – Gia đình ở nước ta trong giai đoạn lịch sử vừa qua là phức tạp, cùng với sự chuyển dịch dân số, con người từ vùng này sang vùng khách trong điều kiện chiến tranh làm cho quan hệ hôn nhân – gia đình càng phức tạp. Đặc điểm thứ bảy: Liên quan đến quan hệ thừa kế : Trên đất nước chúng ta có 54 dân tộc anh em cùng chung sống, mỗi dân tộc có truyền thống và tập quán riêng, liên quan đến thừa kế. Thậm chí cùng là một dân tộc nhưng ở mỗi vùng, miền, địa phương lại tồn tại tập quán riêng về thừa kế mà tại địa phương đó đã thành thông lệ, ví dụ như quyền thừa kế của con trai trưởng, hoặc thừa kế theo huyết thống dấu ấn chế độ mẫu hệ ... hoặc tồn tại ý thức trong một số người quan niệm “trọng nam, khinh nữ” trong quan hệ thừa kế. Những quan điểm phong kiến ở nhiều nơi “ăn sâu, bám rễ” và là nguyên nhân gây nên sự tranh chấp về thừa kế. Đặc điểm thứ tám: Đây là đặc thù gây không ít khó khăn trong giải quyết tranh chấp về thừa kế, đó là do trình độ pháp lý của dân chưa cao, nhiều người dân không hiểu biết những quy định của pháp luật thừa kế. Họ không biết họ có quyền gì và như thế nào. Thậm chí, những quy định về di chúc để lại thừa kế họ cũng không biết, những quy định của pháp luật chia thừa kế theo pháp luật họ cũng không nắm được. Những đặc thù này gây những phức tạp nhất định trong việc giải quyết các tranh chấp về thừa kế. 2. KỸ NĂNG CẦN THIẾT CỦA LUẬT SƯ KHI NHẬN BẢO VỆ QUYỀN, LỢI ÍCH CHO THÂN CHỦ TRONG CÁC VỤ TRANH CHẤP VỀ THỪA KẾ 2.1 Luật sư cần biết rõ về thân chủ : Do đòi hỏi nghề nghiệp Luật sư trước hết phải biết về thân chủ, đây là cả một vấn đề khoa học và nghệ thuật lớn. Để bảo vệ lợi ích cho thân chủ, Luật sư không thể không biết rõ về thân chủ của mình, đặc biệt trong các vụ việc tranh chấp về thừa kế. Bằng cách gì và như thế nào để có được những thông tin đầy đủ khách quan, chuẩn xác về thân chủ, điều đó phụ thuộc cách tiếp cận và khả năng khai thác của từng cá nhân Luật sư. Luật sư cần lưu ý, thân chủ có thể là tổ chức, pháp nhân được thừa kế theo di chúc của người để lại di sản thừa kế. Trước hết, trong vụ việc tranh chấp thừa kế, Luật sư cần có đầy đủ thông tin về gốc gác, gia đình của chính thân chủ, những gì liên quan đến nhân thân của thân chủ. Xác định chuẩn xác quan hệ gia đình, dòng tộc của thân chủ với người để lại thừa kế... Xác định quan hệ của thân chủ với người hoặc số người đang có tranh chấp về di sản thừa kế là đương sự của vụ án. Tìm hiểu và có đánh giá chuẩn xác quan hệ giữa họ với nhau. Xác định quan hệ thân chủ của mình với những người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ việc tranh chấp. Xác định chuẩn xác quan hệ thân chủ với người làm chứng (nếu có) trong vụ tranh chấp. Bằng cách nào đó xác định nét chữ, bút tích, thói quen, sở thích, ý muốn của thân chủ. Ngoài ra, Luật sư cần tìm hiểu, cần biết về đạo đức, lối sống, quan hệ xã hội, nghề nghiệp, vị trí công tác thân chủ của mình. Đồng thời, cần phải tìm hiểu quan hệ gia đình, thái độ đối xử của thân chủ với người thân, với những người khác mà hân chủ có quan hệ. Qua tìm hiểu, để Luật sư biết rõ mình đang bảo vệ quyền, lợi ích cho thân chủ mình là ai, tạo ra sức mạnh nội tâm trong công việc. 2.2 Luật sư cần nắm vững yêu cầu của thân chủ trong vụ tranh chấp tài sản: Tưởng đây là vấn đề đơn giản, nhưng qua thực tế hành nghề Luật sư, không phải Luật sư nào cũng nắm vững và hiểu yêu cầu đích thực của thân chủ. Hiểu yêu cầu của thân chủ, là nắm bắt được cốt lỗi mục đích và giới hạn cuối cùng của yêu cầu có thể đạt được, đồng thời tìm hiểu khả năng thỏa hiệp giải quyết bằng hòa giải. Để nắm được đầy đủ, chi tiết yêu cầu của thân chủ, Luật sư có thể tìm hiểu, nghiên cứu qua : 2.2.1 Tiếp xúc, gặp gỡ với thân chủ : Đây cũng là nghệ thuật, đòi hỏi Luật sư phải hiểu biết về khoa học tâm lý, và văn hóa giao tiếp. Bằng thái độ chân tình tìm hiểu xem thân chủ của mình mong muốn đạt được gì, qua tiếp xúc, gặp gỡ họ có thể bộc bạch tất cả. Cách tiếp xúc, gợi chuyện của Luật sư với thân chủ còn phụ thuộc vào thân chủ là bị đơn dân sự hay nguyên đơn dân sự. Nếu thân chủ là nguyên đơn dân sự trong vụ tranh chấp, thì cách đặt vấn đề, gợi mở phải phù hợp với yêu cầu của thân chủ, trường hợp thân chủ lại là bị đơn dân sự trong vụ việc tranh chấp, thì Luật sư phải tìm hiểu xem lý do tranh chấp, mức độ tranh chấp, giới hạn của tranh chấp, nội dung phần yêu cầu của thân chủ đối với nguyên đơn, thái độ và quan điểm chủ quan của thân chủ về hướng giải quyết tranh chấp. 2.2.2 Tìm hiểu yêu cầu của thân chủ qua đơn từ : Đối với thân chủ là nguyên đơn dân sự, Luật sư cần nghiên cứu kỹ đơn kiện của thân chủ. Qua nghiên cứu đơn khởi kiện để xác định xem thời hiệu khởi kiện còn không, yêu cầu cụ thể của thân chủ gồm những gì : Di sản, quyền tài sản, và tìm hiểu xem ngoài ra thân chủ có yêu cầu gì khác không. Qua tiếp xúc và qua đơn, Luật sư phải nắm vững được mục đích thực tế, mục đích xâu xa của thân chủ qua vụ kiện. Qua đơn của thân chủ, Luật sư có thể nắm bắt nỗi niềm, dự cảm của thân chủ mình. Từ đó để Luật sư hiểu thêm về các luận cứ mà thân chủ dựa vào đó đưa ra yêu cầu. Nghiên cứu đơn của thân chủ hoàn chỉnh lại đơn, mở rộng phạm vi, yêu cầu hoặc sơ bộ giới hạn yêu cầu ... Việc nghiên cứu kỹ đơn của thân chủ nhằm xác định đúng yêu cầu của thân chủ, sẽ giúp cho Luật sư tìm những căn cứ pháp lý và căn cứ thực tế chứng minh cho yêu cầu chính đáng của thân chủ và sẽ không có những trục trặc khi phiên tòa diễn ra. Tránh được trình trạng : “ông nói gà, bà nói vịt”, giữa thân chủ và Luật sư. Đối với thân chủ là bị đơn dân sự, đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình, Luật sư phải nắm bắt căn cứ phản tố của thân chủ và những yêu cầu mà thân chủ có thể đưa ra độc lập đối với nguyên đơn. Tìm hiểu những trăn trở, băn khoăn của thân chủ, qua đơn phản tố. Luật sư có thể nắm bắt được tinh thần mà thân chủ mình muốn giải quyết trong vụ việc, mức độ thỏa hiệp, những giới hạn không thể chấp nhận thỏa hiệp, những vấn đề về nguyên tắc mang tính sống còn trong giải quyết tranh chấp và chủ định của thân chủ về hướng giải quyết vụ tranh chấp. Chuẩn bị tốt khâu này, tại phiên tòa sẽ không có những trục trặc bất ngờ có thể xảy ra giữa Luật sư và thân chủ là bị đơn dân sự. 2..2.3 Nghiên cứu và thu thập chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích cho thân chủ : Với trách nhiệm đầy trọng trách bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình, trước khi mở phiên tòa giải quyết các vụ việc tranh chấp về thừa kế, Luật sư theo quy định của luật tố tụng dân sự, có thẩm quyền nghiên cứu hồ sơ vụ việc, trong đó có việc nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có liên quan. Thân chủ (đương sự của vụ án) ngoài nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Thẩm phán, đồng thời để Luật sư có đủ điều kiện chứng minh, lập luận bảo vệ lợi ích của mình, họ cần có nghĩa vụ cung cấp những chứng cứ, tài liệu của vụ việc cho Luật sư của mình. Trong quá trình nghiên cứu tài liệu, chứng cứ, Luật sư cần chủ động đề xuất yêu cầu của mình đối với thân chủ trong việc cung cấp chứng từ, phát hiện và chủ động đề nghị thân chủ thu thập thêm chứng cứ khách quan (nếu thấy chưa đủ hoặc chưa thuyết phục). Trong trường hợp hồ sơ có những chứng cứ không đảm bảo, thiếu tính trung thực, không thiết phục, thì Luật sư nên chủ động yêu cầu thân chủ cung cấp các chứng cứ bổ sung, thay thế bằng những chứng cứ, tài liệu có tính khách quan và thuyết phục hơn. Trong một vài trường hợp, xét thấy cần thiết. Luật sư có thể tự mình giúp thân chủ thu thập và cung cấp chứng từ, tài liệu cho Tòa án và cho chính mình để có đủ căn cứ lập luận bảo vệ lợi ích cho thân chủ. Luật sư cần hệ thống một cách khoa học hồ sơ vụ án qua việc tổng hợp, phân tích khách quan các chứng từ, đặc biệt là các chứng từ quan trọng có thể làm thay đổi nội dung vụ án theo hướng có lợi cho thân chủ mình. 2.2.4 Giúp đỡ, tiếp xúc với người làm chứng và những người có quyền và lợi ích liên quan: Luật sư với trách nhiệm nghề nghiệp và bằng quyền hạn mà pháp luật cho phép có thể tiếp xúc với các nhân chứng và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan của vụ việc tranh chấp thừa kế vì lợi ích của thân chủ. Bằng nghệ thuật giao tiếp, và trình độ chuyên môn, Luật sư có thể nắm bắt thêm những vấn đề liên quan đến vụ việc. Tìm hiểu quan hệ của họ với thân chủ của mình. Nắm bắt ý kiến của những người mình tiếp xúc, làm việc, để có thể định cho mình phương pháp, cách thức và đề xuất hướng giải quyết vụ việc vì quyền lợi, lợi ích của thân chủ phù hợp với pháp luật, thấu tình đạt lý. 2.3 Luật sư cần xác định rõ di sản tranh chấp thừa kế : Như đã nêu ở đặc điểm thứ tư, mục I của bày này, quan hệ tranh chấp thừa kế liên quan trực tiếp đến tài sản thừa kế và thường là những tài sản vừa có giá trị kinh tế, vừa có ý nghĩa tinh thần. Nên để bảo vệ một cách có hiệu quả quyền và lợi ích của thân chủ, Luật sư phải xác định rõ tài sản đang tranh chấp thừa kế. Di sản này là tài sản riêng của người chết và phần tài sản của người chết trong tài sản chung của người khác – tính từ thời điểm mở thừa kế. Luật sư phải xác định được đó là di sản thừa kế hợp pháp của người để lại thừa kế. Trong trường hợp cần thiết phải tra tìm cội nguồn, tập hợp các chứng cứ, tài liệu cần thiết để chứng minh cho tài sản đó là di sản đang tranh chấp của thân chủ mình, thì Luật sư nên dành công sức, thời gian thích đáng cho xác minh điều đó. Đối với pháp luật nước ta, quyền sử dụng đất cũng thuộc di sản thừa kế và được để lại thừa kế. Ngoài ra, di sản thừa kế còn có thể là quyền tài sản (ví dụ: lợi ích từ bản quyền tác giả, tác phẩm, quyền phát minh, sáng chế, quyền sở hữu công nghiệp, ...) Khi xác định di sản tranh chấp, Luật sư cần xác định rõ : giá trị di sản tranh chấp, di sản là bất động sản hay động sản, nơi có di sản tranh chấp, người quản lý di sản, các loại di sản, số lượng, chủng loại (nếu là vật, hàng hóa, sản phẩm, cổ phiếu, ...). Nếu cần phải định giá di sản, thì nói rõ với thân chủ, đề nghị thẩm phán thụ lý vụ việc yêu cầu thành lập hội đồng định giá tài sản. Nếu di sản cần được giám định thì tương tự như vậy, cần đề nghị trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền. Trong khi xác định giá trị, số lượng, địa điểm liên quan đến di sản tranh chấp, Luật sư không nên quên là xác định luôn nghĩa vụ (có thể có) của người để lại thừa kế. Vì vấn đề thực hiện nghĩa vụ của người để lại thừa kế sẽ liên quan đến trách nhiệm, lợi ích của thân chủ. 2.4 Luật sư cần xác định rõ quan hệ pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích của thân chủ trong tranh chấp thừa kế : 2.4.1 Căn cứ vào quy định của pháp luật, Luật sư cần xác định rõ quyền của thân chủ trong quan hệ hưởng thừa kế đối với di sản tranh chấp: Trước hết, phải xác định rõ thời điểm mở thừa kế, tức là thời điểm người có tài sản để lại thừa kế chết. Luật sư phải xác định, thân chủ có nằm trong diện bị pháp luật cấm không được hưởng di sản hay không. Theo bộ Luật Dân sự bao gồm: những người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, có hành ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó. Những người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản. Những người bị kết án vì hành vi cố ý xâm phạm tính mạng của người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người đó có quyền hưởng, ở đây Luật sư càn phải tìm hiểu lý lịch tư pháp của thân chủ mình, không chủ quan khi xác minh về thân chủ. Những người có hành vi lừa đảo, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc, giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, .. thì Luật sư cần phải yêu cầu giám định chữ viết, để có cơ sở xác định đúng sự thật khách quan của sự việc. Luật sư lưu ý, nếu chia di sản theo di chúc, mà thân chủ có thể thuộc số người như nói trên, trong trường hợp người để lại do sản thừa kế đã biết rõ hành vi đó của họ, nhưng vẫn cho hưởng di sản thừa kế, thì quyền hưởng di sản thừa kế đó là quyền hợp pháp. Luật sư cũng cần nắm vững, nếu thân chủ của mình là cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc, thì cơ quan tổ chức đó phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế. Nếu thân chủ là người sinh ra còn sống sau thời điểm thừa kế, nhưng thành thai trước khi người để lại thừa kế chết, là người có quyền hợp pháp hưởng quyền thừa kế theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật. 2.4.2 Bảo vệ quyền, lợi ích cho thân chủ trong các vụ việc tranh chấp thừa kế theo di chúc : Trước hết, Luật sư cần xác định rõ di chúc đó có hợp pháp hay không về điều kiện người lập di chúc, hình thức di chúc, nội dung di chúc, hiệu lực pháp luật của di chúc, những quy định của di chúc có người làm chứng, có di chúc không cần có người làm chứng, di chúc có chứng nhận của công chức nhà nước hoặc chức thực của UBND xã, phường, các thủ tục lập di chúc tại phòng công chứng và UBND xã, phường, thị trấn và quy định của pháp luật về những người không được chứng nhận, chứng thực di chúc, ... Đặc biệt, Luật sư cần lưu ý khi di chúc có phần không hợp pháp mà phần đó có phần không có hiệu lực pháp luật. Hoặc trong trường hợp khi người để lại di sản thừa kế có nhiều bản di chúc đối với tài sản, thì chỉ có bản di chúc sau cùng mới có hiệu lực pháp luật. Trong trường hợp thân chủ của mình là người thừa kế không phụ thuộc di chúc – tức là những người con chưa thành niên, cha mẹ, vợ chồng, hoặc là con của người để lại di sản thừa kế đã thành niên mà không có khả năng tự lao động kiếm sống, thì họ được hưởng 2/3 kỷ phần được hưởng di sản theo pháp luật. Nếu như người để lại di chúc không cho họ hưởng di sản thừa kế, hoặc cho họ hưởng ít hơn 2/3 kỷ phần theo pháp luật, trừ trường hợp họ bị pháp luật cấm được hưởng quyền thừa kế. Trường hợp thân chủ của Luật sư là người được hưởng di sản di tặng của người để lại thừa kế, thì cần lưu ý, thân chủ không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng. Người được hưởng di sản di tặng không được hưởng di sản đó chỉ trong trường hợp toàn bộ di sản để lại không đủ thanh toán nghĩa vụ của người để lại tài sản di tặng, thì phần tài sản di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ của người quá cố. Đặc biệt Luật sư cần lưu ý, trong khi bảo vệ quyền, lợi ích cho thân chủ của mình trong các vụ việc thừa kế theo di chúc, thì việc giải thích nội dung di chúc có tầm quan trọng nhất định: pháp luật đòi hỏi người công bố di chúc cùng những người thừa kế phải cùng nhau giải thích di chúc trong trường hợp nội dung di chúc không rõ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, cần lưu ý quan hệ của người để lại di chúc với những người thừa kế theo di chúc, trong đó có thể có thân chủ của mình. Khi những người này không thể nhất trí với nhau về nội dung di chúc, thì coi như người chết không để lại di chúc và lúc đó di sản được chia thừa kế theo pháp luật. Pháp luật quy định giải thích nội dung di chúc như vậy, có thể có những người trong số những người thừa kế theo di chúc không muốn nhận nội dung di chúc, hoặc có ý kiến khác để di chúc vô hiệu nhằm vị lợi ích cá nhân (có thể họ sẽ hưởng phần lời hơn nếu di sản chia thừa kế theo pháp luật). Trong trường hợp đó, để bảo vệ lợi ích cho thân chủ, Luật sư cần chứng minh tính rõ ràng của di chúc, tính lôgic do quan hệ giữa người để lại di chúc với những người thừa kế có tên trong di chúc. 2.4.3. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ trong vụ việc tranh chấp thừa kế theo pháp luật. Để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho thân chủ trong trường hợp tranh chấp thừa kế. Luật sư cần xác định đúng thân chủ của mình thuộc diện thừa kế, hàng thừa kế nào theo pháp luật. Khoản 3 Điều 679 Bộ luật Dân sự quy định nguyên tắc thừa kế theo pháp luật: “ Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, truất quyền hưởng thừa kế hoặc từ chối nhận di sản”. Theo quy định của BLDS, di sản được chia theo pháp luật được áp dụng trong một số trường hợp sau: Không có di chúc, di chúc không hợp pháp, những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, cơ quan tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế, những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản thừa kế hoặc họ từ chối quyền hưởng di sản. Trong trường hợp chia thừa kế theo di chúc, còn những phần di sản không được định đoạt trong di chúc, phần di sản liên quan đến phần di chúc, phần di sản liên quan đến phần di chúc không có hiệu lực, hoặc phần di sản bị từ chối không hưởng hoặc của cá nhân được chỉ định làm người thừa kế chết cùng thời điểm với người thành lập di chúc hoặc phần di sản thuộc di chúc của tổ chức, cơ quan mà họ không tồn tại vào thời điểm thừa kế, thì những phần di sản đó được chia theo pháp luật. Luật sư lưu ý, phần nghĩa vụ trong các trường hợp nếu trên (nếu có) thì cũng được chia theo pháp luật phù hợp với tỉ lệ theo kỷ phần những ai được hưởng di sản theo pháp luật. Chia thừa kế theo pháp luật là chia di sản của người để lại thừa kế thành những phần bằng nhau cho những người cùng thừa kế. Luật sư cần lưu ý Điều 680 Bộ luật Dân sự quy định về thừa kế thế vị. Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước người để lại di sản, thì cháu được hưởng phần di sản mà cha mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng đã chết trước người để lại di sản, thì chắt được hưởng nếu như còn sống. Chia thừa kế theo pháp luật, không chỉ bao hàm chia di sản mà còn phân chia nghĩa vụ của người để lại di sản cho người thừa hưởng thừa kế tỷ lệ nghĩa vụ theo kỷ phần di sản của người đó được hưởng. Đặc biệt, pháp luật dân sự nước ta trong chế định thừa kế đã chủ động bảo vệ lợi ích cho trẻ hoàn cảnh éo le, được nhận làm con nuôi theo quy định của con nuôi và cha mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau, ngoài ra người con nuôi cũng được hưởng di sản thừa kế của cha mẹ ở hàng thứ nhất thừa kế theo pháp luật (Điều 679- BLDS). Để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho thân chủ của mình, Luật sư cần lưu ý, nếu thân chủ sinh ra và sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản thừa kế chết sẽ là người thừa kế hợp pháp theo quy định của BLDS không phụ thuộc vào hình thức chia thừa kế theo di chúc (nếu người để lại di sản lập di chúc cho người đó được hưởng thừa kế), hay thừa kế theo pháp luật. Theo điều 638 – BLDS vào thời điểm mở thừa kế người đó chưa sinh ra, thì phần di sản được thừa kế của người đó theo di chúc hoặc theo pháp luật được giữ lại giao cho người quản lý di chúc hoặc theo pháp luật được giữ lại giao cho người quản lý di sản thừa kế, khi sinh ra còn sống thì người đó nhận lại di sản từ người quản lý di sản thừa kế. Di sản và lợi ích có được từ di sản tuân theo quy định tại các Điều 641, 642, 643 – BLDS. Trong cuộc sống hiện nay, không ít những tranh chấp thừa kế nảy sinh từ quan hệ giữa con riêng, bố dượng, mẹ kế. Trong trường hợp thân chủ là một trong những đối tượng trên, Luật sư cần tìm hiểu, thu thập mọi chứng cứ cần thiết và khách quan để chứng minh quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con. Đây là những chứng cứ quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích cho thân chủ của mình. Bởi lẽ nếu chứng minh được có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng như cha con, mẹ con thì không những được hưởng di sản của nhau mà còn được hưởng thừa kế di sản theo hàng thừa kế mà pháp luật đang quy định (Điều 679 – BLDS) và thừa kế thế vị quy định ở Điều 680 – BLDS. Trường hợp thân chủ là nguyên đơn trong tranh chấp có yêu cầu thì người được chia thừa kế theo luật do quan hệ con riêng – bố dượng, mẹ kế thì Luật sư cũng cần khách quan khai thác và thu nhập chứng minh giữa họ không có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng như cha con, mẹ con. Chỉ có những chứng cứ khách quan đó mới đủ sức thuyết phục và bảo vệ quyền lợi cho thân chủ của mình với tư cách là nguyên đơn dân sự trong các vụ tranh chấp thừa kế. 3. KỸ NĂNG CỦA LUẬT SƯ TẠI PHIÊN TÒA GIẢN QUYẾT VỤ VIỆC VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ Do những đặc thù của quan hệ tranh chấp về thừa kế (như đã nêu phần một), Luật sư cần phải lập kế hoạch bảo vệ, dự kiến các tình huống, đặt trước những câu hỏi để làm sáng tỏ những vấn đề chính của vụ án. Tại các phiên tòa giải quyết các vụ việc loại này Luật sư cần hết sức bình tĩnh, tự tin để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của mình. Hiển nhiên, Luật sư có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhiều thân chủ trong một vụ án, miễn sao quyền và lợi ích của họ không đối lập nhau. Để đạt được mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ, trước hết Luật sư phải tuân thủ những quy định, thủ tục của phiên tòa. Luật sư phải tôn trọng pháp luật và chỉ được phép sử dụng những biện pháp mà pháp luật cho phép để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Khi tham gia phiên tòa, Luật sư cần chứng tỏ mình là người có văn hóa pháp đình; phẩm chất đó được thể hiện một cách cụ thể trong tác phong đi đứng, tư thế ngồi, trong lời ăn tiếng nói, thậm chí từ ánh mắt nhìn. Luật sư cần nhã nhặn, khiêm nhường nhưng không khum núm, kiên định giữ nguyên tắc nhưng không kiêu căng, ngạo mạng; lập luận hùng hồn có sức thuyết phục, phủ định những ý kiến khác, nhưng không gây căng thẳng. Đặc thù của quan hệ tranh chấp thừa kế – thường là quan hệ những người bà con ruột thịt, cùng họ tộc. Do vậy khi bảo vệ quyền lợi cho thân chủ, Luật sư cần tránh là tổn thong đến tình cảm của các đương sự có quyền lợi đối lập, mâu thuẫn với quyền, lợi ích của thân chủ mình. Ngay cả khi trong phần thẩm vấn, sau khi Hội đồng xét xử hoặc kiểm sát viên hỏi, đến lượt mình Luật sư cần phải bình tĩnh, khéo léo đặt ra các câu hỏi cho các đối tượng cần thiết phải thẩm vấn nhằm xác định một cách đầy đủ các tình tiết của vụ án và bình tĩnh lắng nghe sư trình bày của họ, tránh nôn nóng, phủ định và tránh đưa câu hỏi dồn ép một ai gây sự căng thẳng không cần thiết. Tuy nhiên, cũng như đối với bất kỳ một vụ án nào, với vụ việc tranh chấp thừa kế thi phần tranh luận tại phiên tòa là hết sức quan trọng đặc biệt đối với luật sư. Khi đã qua phần thẩm vấn tại phiên tòa, ở phần tranh luận, Luật sư bằng kiến thức hiểu biết pháp luật, qua nghiên cứu hồ sơ, thu nhập chứng cứ, lập luận lôgic bài bảo vệ sẽ có tính khoa học, có sức thuyết phục cao đóng góp những ý kiến của mình đánh giá chứng cứ, đặc biệt Luật sư cần phải đề xuất hướng giải quyết vụ án trên cơ sở khách quan, đúng pháp luật vì lợi ích cho thân chủ của mình. Hơn hết tất cả các giai đoạn tố tụng, phàn tranh luận là thời điểm Luật sư thể hiện tài năng và bản lĩnh nghề nghiệp. Luật sư cần phải có chiến lược và sách lược đúng đắn trong một quy trình Hội đồng xét xử tiến hành xét xử. Sự bình tỉnh, tự tin, ứng biến mau lẹ, lập luận sắc bén là con đường đưa Luật sư đến kỹ năng như dự đoán, tổng hợp, phân tích và quyết định thì mới hoàn thành được sứ mệnh của mình. Lưu ý, nếu trong giai đoạn tranh luận mà có tình huống mới chưa được dự kiến trước hoặc tình tiết mới của vụ án xuất hiện thì Luật sư nên bàn bạc với thần chủ rồi sau đó mới phát biểu gợi ý, hướng dẫn hoặc giúp đỡ thần chủ bày tỏ ý kiến. Trường hợp cần thiết thì đề nghị Hội đồng xét xử cho thẩm vấn lại hoặc đề nghị hoãn phiên tòa để tiến hành điều tra lại hoặc điều tra bổ sung. Khi chủ tọa phiên tào tuyên án, Luật sư phải chú ý lắng nghe bản án, hi cần thiết thì hướng dẫn thân chủ kháng cáo đúng hạn. Với tư cách là người trợ giúp pháp lý đắc lực nhất, Luật sư đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ công lý, ở đó Luật sư một mặt bảo vệ quyền lợi của thân chủ thông qua việc tham gia tích cực trong các giai đoạn tố tụng, mặt khác việc đưa ý kiến hợp lý, hợp tình của luật sư sẽ tăng thêm niềm tin của các thành viên Hồi đồng xét xử trong việc đưa ra các phán quyết để giải quyết tranh chấp phù hợp với pháp luật và hợp lẽ công bằng. Trong vụ việc tranh chấp thừa kế, sự tham gia của Luật sư không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng cho thân chủ của mình phù hợp với pháp luật và thuần phong mỹ tục của dân tộc mà còn từ đó góp phần ổn định và phát triển xã hội.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfky_nang_cua_luat_su_trong_thua_ke_7493.pdf
Luận văn liên quan