Năm 1802 , sau khi làm chủ cả nước , Gia Long chính thức xây dựng nhà nước theo chế độ quân chủ chuyên chế, trung ương tập quyền với mức độ ngày càng cao hơn. Đế có được một lực lượng quân sự hùng mạnh, Gia Long và các vua sau đó như Minh Mạng, Thiệu Trị thực hiện ban bố nhiều chính sách khác nhau về quân sự : tuyển bổ, biên chế, luyện tập,vu khí nhằm bảo vệ sự an toàn cho hoàng gia, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, chống lại các cuộc xâm lược từ bên ngoài. Có thể nói rằng nay từ buổi đầu các vua nhà Nguyễn đã ý thức được vấn đề cần phải xây dựng một lực lượng quân đội vững mạnh cho triều đại của mình. Nhưng quân đội nhà Nguyễn càng ngày càng lạc hậu do các vị vua sau này không quan tâm mấy đến việc võ bị. Dưới thời Tự Đức, công tác quốc phòng của nhà Nguyễn có sự tương phản rõ rệt với các triều trước.
17 trang |
Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 4809 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Một số vấn đề về quân đội triều Nguyễn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tiểu luận
Một số vấn đề về quân đội triều Nguyễn
MỤC LỤC
A. MỞ ĐẦU 2
B. NỘI DUNG 4
Chương 1: Khái quát về triều Nguyễn 4
Chương 2: Một số vấn đề về quân đội triều Nguyễn 6
2.1.Tổ chức 7
2.1.1. Đơn vị và cấp chỉ huy 7
2.1.2. Binh lính ở Kinh Đô 9
2.1.3. Việc tuyển lính và số quân 9
2.1.4 Binh khí và luyện tập 11
2.2. Thành lũy 13
C. KẾT LUẬN 14
TÀI LIỆU THAM KHẢO 16
A.MỞ ĐẦU
Năm 1802 Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn, lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Gia Long, nhà Nguyễn được thành lập. Một trong những thành quả Gia Long đạt được sau nhiều năm nội chiến với Tây Sơn là quân đội tương đối mạnh với trang bị và tổ chức kiểu phương Tây. Sau khi quản làm chủ toàn bộ quốc gia, nhà Nguyễn xây dựng quân đội hoàn thiện hơn, chính quy hơn. Quân chính quy đóng tại kinh thành và những nơi xung yếu; các địa phương đều có lực lượng vũ trang tại chỗ làm nhiệm vụ trị an. Quân chính quy có 14 vạn người, ngoài ra còn có quân trừ bị. Quân đội còn được tổ chức thành 4 binh chủng: bộ binh, tượng binh, thủy binh và pháo binh, trong đó bộ binh và thuỷ binh được chú trọng xây dựng để tác chiến độc lập. Trình độ chính quy thống nhất cao. Ngoài vũ khí cổ truyền, quân chính quy được trang bị hoả khí mua của phương Tây như đại bác, súng trường, thuyền máy, thuốc nổ...Các loại súng thần công, đại bác được đúc với kích thước, trọng lượng thống nhất; thành luỹ, đồn to nhỏ cũng được quy định cho từng cấp với số lượng quân nhất định.
Sự quan tâm tới khoa học quân sự phương Tây của Gia Long được xem là do tình thế bắt buộc thì với Minh Mạng lại hoàn toàn tự nguyện. Minh Mạng lấy phương Tây làm kiểu mẫu cho việc tổ chức quân đội, hướng đến việc quân cần tinh nhuệ, không cần nhiều. Phương thức tác chiến được các học giả Mãn Thanh ghi nhận là giống hệt kiểu Pháp, do trong quân đội Minh Mạng có thuê các sĩ quan huấn luyện là người phương Tây. Có thể nói, quân đội nhà Nguyễn thời bấy giờ là lực lượng quân sự tân tiến hiện đại nhất ở khu vực Đông Nam Á. Sang thời Tự Đức, công tác quốc phòng của nhà Nguyễn có sự tương phản rõ rệt với các triều trước. Một trong các lý do khiến tình hình quân đội suy sút là vấn đề tài chính. Vũ khí và trang thiết bị làm mới gần như không có. Trong bối cảnh ấy, đó là một dịp thuận lợi để cho Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Sự thật đã diễn ra là năm 1858 Pháp nổ súng đánh vào Đà Nẵng, mở đầu cho quá trình xâm lược nước ta của thực dân pháp. Để chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp triều đình đã huy động sức mạnh tối đa của quân đội và cả những vị tướng tài giỏi để kháng chiến bảo vệ nền độc lập đất nước. Nhưng với nhiều nguyên nhân khác nhau như đường lối kháng chiến không phù hợp cùng với trang thiết bị vũ khí lạc hậu …nên cuộc kháng chiến đã dần đi đến thất bại.
Trong nhiều năm qua vấn đề nghiên cứu về triều Nguyễn luôn là vấn đề quan tâm của các giới nghiên cứu lịch sử, của các nhà sư học và đã có rất nhiều nhận định và đánh giá khác nhau về triều Nguyễn. Nhưng dù sao đi nữa cái mà chúng ta thấy rất rõ là triều Nguyễn đã để lại cho Huế nói riêng và cho đất nước Việt Nam một quần thể di sản kiến trúc đồ sộ, một nền văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc.
“Chưa có một thời kỳ lịch sử nào để lại cho dân tộc ba di sản văn hoá được thế giới công nhận và tôn vinh với những giá trị mang ý nghĩa toàn cầu như vậy”. [8]
Vậy nên việc nghiên cứu, học tập về triều Nguyễn là một việc làm hết sức có ý nghĩa, nhằm làm sáng tỏ hơn về triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam. Vì vậy tôi chọn vấn đề “ Một số vấn đề về quân đội triều Nguyễn” để làm đề tài cho bài tiểu luận của mình.
B. NỘI DUNG
Chương 1
KHÁI QUÁT VỀ TRIỀU NGUYỄN
Năm 1802, nhà Nguyễn thành lập. Đất nước thống nhất dưới sự thống trị của một vương triều. Các vua Gia Long (1802-1819), Minh Mạng (1920-1940), Thiệu Trị( 1941- 1947), Tự Đức (1848-1883) kế tiếp nhau xây dựng và củng cố đât nước trong bối cảnh chế độ phong kiến đang đi vào khủng hoảng và suy tàn.
“Tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802), sau khi đánh bại triều đại Tây Sơn do vua Cảnh Thịnh (tức Nguyễn Quang Toản), đứng đầu, Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Gia Long, định đô ở Thuận Hóa (Huế), phục hồi lại chính quyền phong kiến của các chúa Nguyễn trước đó đã bị phong trào Tây Sơn lật đổ (1777), mở đầu triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Ngay sau khi đánh bại triều đại Tây Sơn, vua Gia Long bắt tay ngay vào việc xây dựng chế độ quân chủ quan liêu chuyên chế. Chế độ đó ngày càng được củng cố chặt chẽ, đặc biệt dưới triều vua Minh Mạng (1820-1840)”.[4,299]
Nhà Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng cai trị Việt Nam trong lịch sử Việt Nam . Được thành lập sau khi hoàng đế Gia Long lên ngôi năm 1802 sau khi đánh bại nhà Tây Sơn và sụp đổ hoàn toàn khi hoàng đế Bảo Đại thoái vị vào năm 1945, tổng cộng là 143 năm. Triều đại Nhà Nguyễn là một triều đại đánh dầu nhiều thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là cuộc xâm lược của người Pháp giữa thế kỷ 19.
Nhà Nguyễn có thể được chia ra hai giai đoạn riêng biệt: Giai đoạn độc lập và giai đoạn bị đế quốc Pháp xâm lăng và đô hộ. Giai đoạn độc lập (1802-1858) là giai đoạn mà các vua nhà Nguyễn đang nắm toàn quyền quản lý đất nước, kéo dài 56 năm và trải qua 4 đời vua, Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Gia Long và con trai Minh Mạng (1820-1841) đã cố gắng xây dựng Việt Nam theo kiểu Nho giáo. Từ thập niên 1830, giới trí thức Việt Nam (đại diện tiêu biểu là Nguyễn Trường Tộ) đã đặt ra yêu cầu học hỏi phương Tây để phát triển công nghiệp - thương mại, nhưng họ chỉ là thiểu số. Đáp lại, vua Minh Mạng và những người kế tục Thiệu Trị (1841-1847) và Tự Đức (1847-1883) chọn chính sách đã lỗi thời là coi trọng phát triển nông nghiệp (dĩ nông vi bản) và ngăn cản Thiên chúa giáo, tôn giáo từ phương Tây.
Giai đoạn bị Pháp xâm lăng và đô hộ (1858-1945) là giai đoạn kể từ việc quân Pháp đánh Đà Nẵng và kết thúc sau khi hoàng đế Bảo Đại thoái vị. Tháng 8 năm 1858, Hải quân Pháp đổ bộ tấn công vào cảng Đà Nẵng và sau đó rút vào xâm chiếm Sài Gòn. Tháng 6 năm 1862, vua Tự Đức ký hiệp ước nhượng ba tỉnh miền Đông cho Pháp. Năm 1867, Pháp chiếm nốt ba tỉnh miền Tây kế tiếp để tạo thành một lãnh thổ thuộc địa Cochinchine (Nam kỳ). Sau khi củng cố vị trí vững chắc ở Nam Kỳ, từ năm 1873 đến năm 1886, Pháp xâm chiếm nốt những phần còn lại của Việt Nam qua những cuộc chiến phức tạp ở Bắc Kỳ. Giai đoạn này kết thúc khi Bảo Đại tuyên bố thoái vị năm 1945.
Chương 2
MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ QUÂN ĐỘI TRIỀU NGUYỄN.
Ngay từ sớm, Nguyễn Ánh đã phong vương, đặt quan lại cho những người theo phò tá mình. Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn và trở thành hoàng đế Gia Long, ông lại tiếp tục kiện toàn lại hệ thống hành chính và quan chế của chính quyền mới. Nhà Nguyễn về cơ bản vẫn giữ nguyên hệ thống quan chế và cơ cấu chính quyền trung ương giống như các triều đại trước đó. Đứng đầu nhà nước là vua, nắm mọi quyền hành trong tay. Giúp vua giải quyết giấy tờ, văn thư và ghi chép có Văn thư phòng (năm 1829 đổi là Nội các). Về việc quân quốc trọng sự thì có 4 vị Điện Đại học sĩ gọi là Tứ trụ Đại thần, đến năm 1834 trở thành viện Cơ mật. Ngoài ra còn có Tông nhân phủ phụ trách các công việc của Hoàng gia.
Bên dưới, triều đình lập ra 6 Bộ, đứng đầu mỗi bộ là quan Thượng Thư chịu trách nhiệm chỉ đạo các công việc chung của Nhà nước, các bộ gồm: Bộ Lại, Bộ Hộ, Bộ Lễ, Bộ Binh, Bộ Hình và Bộ Công. Bộ Binh là bộ trông coi mọi việc về quân đôi : giữ việc binh nhung, quân cấm vệ, xe ngựa, đồ nghí trượng, khí giới, giữ việc biên giới, lính thú, nhà trạm, phố xá, nơi hiểm yếu, việc khẩn cấp, tuyển dụng chức võ. Theo nhà sử học Trần Trọng Kim viết thì Bộ Binh có chức năng đó là:
“ coi việc thuyên bổ võ chức, giảng duyệt quân lính, sai khiến quân đi thú hoặc đi đánh dẹp, kén chọn binh lính, xét người có công người có lỗi về việc binh”. [2,147]
Quân đội nhà Nguyễn là hệ thống tổ chức các lực lượng vũ trang của triều đình nhà Nguyễn bắt đầu từ triều vua Gia Long đến hết triều vua Tự Đức (1802-1883). Trên danh nghĩa, nhà Nguyễn tiếp tục thống lĩnh lực lượng này cho đến năm 1945, nhưng sau khi người Pháp lập cuộc bảo hộ thì quân đội của triều đình Huế không còn thuộc quyền chỉ huy của hoàng đế Việt Nam nữa mà phụ thuộc quân đội Pháp.
2.1.Tổ chức.
2.1.1 Đơn vị và cấp chỉ huy.
Dưới triều Nguyễn về mặt tổ chức quân đội, trên hết có 5 phủ đô đốc chỉ huy 5 quân ( trung quân, hậu quân, tiền quân, tả quân, hữu quân). Đứng đầu mỗi phủ Đô đốc có chức đô thống chưởng phủ sự, rồi đến các chức Thống chế, Chưởng vệ. Năm phủ đô đốc đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của nhà vua. Vua nắm quyền tối hậu về việc điều động và chỉ huy quân đội.
Quân đội được chia làm 3 loại: Thân binh, cấm binh, tinh binh. Thân binh có nhiệm vụ bảo vệ nhà vua. Cấm binh bảo vệ hoàng thành, Tinh binh bao gồm cả bộ binh, thủy binh, tượng binh. Quân đội được tổ chức ngày càng hoàn thiện hơn.
“Sang thời Minh Mạng, tổ chức binh chế được hoàn thiện gồm đủ các binh chủng: bộ binh, pháo binh,thủy binh, tượng binh” . [6,22]
Tuy nhiên pháo binh và tượng binh còn là binh chủng phụ thuộc, chưa chở thành một binh chủng hoàn chỉnh và mạng như bộ binh và thủy binh. Bộ binh có kinh binh và cơ binh, chia làm các doanh ( Mỗi doanh có 2500 người, vệ 500 người, đội 50 người, thập 10 người và ngũ 5 người. Kinh binh do thống chế chỉ huy. Mỗi vệ binh có 2 khẩu thần công, 200 súng diềm thương và 21 lá cờ. Cơ binh là lính đóng ở các tỉnh do các lãnh binh, chánh và phó quản cơ chỉ huy. mỗi cơ có 10 đội được chia thành thập và 10 ngũ.
Đến thời Minh Mạng thì tượng binh đã thực sự trở thành một binh chủng mạnh trong quân đội triều Nguyễn và được phân bố như sau:
“+Bắc Thành: 3 cơ, mỗi cơ 10 đội, 750 lính, 110 thớt voi.
+Gia Định Thành: 10 đội, 500 lính, 75 thớt voi.
+Bình Định: 4 đội, 200 lính, 300 thớt voi.
+Nghệ An, 3 đội, 150 lính, 21 thớt voi.
+Quảng Bình, Quảng Ngãi, Thanh Hóa: mỗi tỉnh 2 đội, 100 lính, 15 thớt voi.
+Quảng Trị, Phú Yên, Bình Hòa, Bình Thuận, Ninh Bình: mỗi tỉnh 10 đội, 50 lính, 7 thớt voi.
+Kinh Đô: 3 vệ, mỗi vệ 10 đội, 15.000 lính, 150 thớt voi” [6, 22]
Thủy binh được chia là 3 doanh, có 15 vệ. Tổng chỉ huy là thủy binh sư đô đốc thống Doanh thì do đô thống và vệ do chưởng vệ chỉ huy.
Trên các binh chủng này có 4 quan đô thống chỉ huy. Đứng đầu 4 đô thống là Bộ thống trung quân.
Đơn vị nhà binh nhỏ nhất gọi là ngũ gồm năm người có ngũ trưởng đứng đầu. Hai ngũ là một thập, tức 10 người có cai chỉ huy. Năm thập là một đội, tức 50 lính, có chánh suất đội chỉ huy và phó suất đội phụ tá. Tập hợp 10-12 đội là một vệ hay một cơ, tức khoảng 500-600 lính. Vệ thì có vệ úy, còn gọi là chưởng vệ hay chánh vệ (còn gọi là lãnh binh) chỉ huy và phó vệ hiệp tá. Cơ thì có quản cơ và phó quản cơ. Một doanh là năm đến tám vệ, khoảng 2.500-4.800 lính.
Các vị tướng chỉ huy tập trung lo phần chiến thuật và luyện tập trong khi chiến lược và tổng điều hành thì thuộc Bộ Binh, một trong sáu thành phần của Lục bộ trong triều.
Quân đội nhà Nguyễn có tổ chức chặt chẽ, có quy củ, từng bước đi vào chính quy hóa từ tổ chức đến trang bị, là một đội quân khá mạnh ở vùng Đông Nam Á lúc bấy giờ.
2.1.2 Binh lính ở Kinh Đô.
Quân đóng ở kinh thành Huế thì được chia thành ba hạng: thân binh, cấm binh và tinh binh. Thân binh dùng để bảo vệ vua. Cấm binh để canh giữ và chăm sóc kinh thành. Tinh binh được giao việc trấn giữ khu vực ngoài kinh thành. Ngoài ra còn có thuộc binh trong các phủ đệ của các vương tôn, hoàng tử và đại thần dùng hầu hạ chứ không phải việc quốc sự. Nhà sử học Trần Trọng Kim ghi lại về việc tổ chức quân đội ở Kinh Thành và các trấn thì :
“Ở chỗ Kinh Thành thì đặt ra than binh, cấm bính, tinh binh. Lính than binh mỗi vệ có 500 người và có 50 người tập quân nhạc. Ở các tỉnh thì đặt ra lính cơ, lính mộ. Lại đặt biền binh ban lệ, nghĩa là các binh lính chia làm 3 phiên, 2 phiên về quán , còn một phiên ở tại ban lưu thay đổi cho nhau”.[2, 175]
Thân binh gồm các vệ Cẩm Y, vệ Kim Ngô, vệ Tuyển Phong và doanh Vũ Lâm.
Cấm binh gồm các doanh Thần Cơ, doanh Thần Phong, doanh Long Vũ, doanh Hổ Uy, doanh Hùng Nhuệ, vệ Kỳ Vũ, vệ Kinh Tượng (tượng binh), vệ Thượng Tứ (kỵ binh), vệ Long Thuyền (chuyên chở thuyền vua), viện Vũ Bị (lính dùng súng), viện Thượng Trà (dâng nước), đội Tư Pháo (chế thuốc súng), đội Tài Thụ (trồng cây), đội Giáo Dưỡng, vệ Võng Thành (lo bẫy săn cho vua), đội Thượng Thiện (bếp núc) và đội Phụng Thiện.
Tinh binh gồm có ba doanh của Kinh kỳ thủy sư, vệ Giám Thành, vệ Thủ Hộ, vệ Dực Hùng, ty Lý Thiện (bánh trái để cúng tế), thự Hòa Thanh (ca nhạc), thự Thanh Bình (múa).
2.1.3 Việc tuyển lính và số quân.
Để duy trì lực lực lượng và xây đựng một quân đội hùng mạnh để ổn định tình hình chính trị xã hội trong nước và chống lại các thế lực bên ngoài, triều Nguyễn đã rất chú trọng đến việc tuyển lính. Tuy nhiên căn cứ vào tình hình kinh tế, chính trị, dân số…mà chính sách tuyển lính của triều Nguyễn có sự khắc nhau ở các địa phương, các vùng về số lượng. Theo như Trần Trọng kim ghi lại thì các chính sách về binh chế và việc tuyển lính dưới thời Gia Long (vua Thế Tổ) :
“ Khi vua Thế Tổ đánh được Tây Sơn rồi, ngài ban thưởng cho các tướng sĩ, tặng phong và làm đền thờ những người tử trận, còn những người lính già nua thì cho về quê quán. Đặt ra phép giản binh: Lệ định các trấn, từ Quảng Bình vào đến Bình Thuận cứ ba tên đinh kén lấy một tên lính; từ Biên Hòa trở vào thì cứ 5 tên đinh kén lấy một tên lính; tự Hà Tĩnh trở ra đến 5 nội trấn ở Bắc Thành thì cứ 7 tên đinh kén lấy một tên lính. Còn 6 ngoại trấn là Tuyên Quang, Hưng Hóa, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Yên, thì cứ 1o tên đinh kén lấy một tên lính”. [2, 175].
.Nếu lấy trung bình là tám suất đinh lấy một lính, căn cứ trên số tráng đinh năm 1847 là 1.024.388 thì có khoảng 128.000 lính trên toàn quốc. Áp dụng phép "Biền binh định lệ" tức luân phiên cho lính về quê làm ruộng thì số quân hiện dịch là khoảng 4-50 nghìn.
Theo đánh giá của tướng Pháp de Courcy trong thời gian Pháp xâm chiếm Việt Nam, năm 1885, quân đội chính qui "An Nam" có vào khoảng 70.000 người, trong số đó 12 ngàn tuyển mộ từ các vùng quanh kinh thành Huế. Ngoài ra, theo ông, cũng phải kể đến "vô số" các toán dân quân thành lập và đóng tại các thành phố lớn, cũng như tại hầu hết các làng. Các đội dân quân này tuy nhiên trang phục rách rưới, vũ trang nghèo nàn, và thiếu tổ chức.
“ Việc thi tuyển chủ yếu căn cứ theo tầm vóc và sức mạnh. Ai xách quả tạ nặng 100 cân bằng một tay đi được 30 trượng thì xếp hạng ưu; đi 24 trượng thì hạng thứ ưu; đi 20 trượng thì hạng bình; 16 trượng là hạng thứ bình; 10 trượng là hạng thứ” [5, 119].
Triều Minh Mạng lại lập thêm đội "Giáo dưỡng binh" để con các võ quan theo học cùng được lãnh lương hầu đào tạo giới trẻ. Học trình kéo dài sáu năm.
Khi còn giao chiến với lực lượng Tây Sơn quân đội nhà Nguyễn có thu nạp một số sĩ quan và binh lính ngoại quốc trong số đó có người ở lại nhận quan tước vào triều Gia Long như Jean-Baptiste Chaigneau và Philippe Vannier, giúp huấn luyện quân sĩ theo phương thức Âu châu. Sang triều Minh Mạng thì đa số chọn hồi hương và quân đội nhà Nguyễn mất đi nguồn kiến thức tân tiến về chiến thuật và chiến cụ.
Ngoài ra, nhà Nguyễn còn sử dụng những người mắc tội để xung quân, làm đồn điền tại những miền biên viễn như trấn Gia Định hay trấn Tây Thành (Campuchia). Tại Gia Định, lực lượng này chủ yếu gồm những người mắc tội ở miền Bắc hay miền Trung Việt Nam, gọi là quân Thanh Thuận, An Thuận, Hồi Lương và Bắc Thuận. Thanh Thuận và An Thuận là những người tham gia cuộc nổi loạn tại Thanh Hóa, Nghệ An trong thập kỷ 1810. Hồi Lương là những tội phạm cũ, nay được tha, được đưa vào quân đội để chuộc tội. Bắc Thuận là những người trốn tránh lao dịch, bỏ làng xã, không có tên trong sổ bạ ở Bắc Thành (Bắc Bộ), được tuyển mộ vào quân ngũ, tức là khác với những binh lính quân dịch thông thường. Các đơn vị Hồi Lương và Bắc Thuận là những toán quân tích cực tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi sau này.
2. 1.4 Binh khí và luyện tập.
Để nâng cao trình độ cũng như khả năng tác chiến của binh lính, triều Nguyễn ngay từ buổi đầu giành được vương triều từ tay Tây Sơn thì các vua Nguyễn hết sức chăm lo đến việc trang bị binh khí và hiện đại hóa binh khí, thường xuyên tổ chức diễn tập đánh trận để rền luyện binh lính. Binh khí của quân đội dưới triều Nguyễn nhìn chung có nhiều loại khác nhau và chức năng, công dụng của các loại binh khí đó cũng có sự khác nhau, binh khí phần lớn vẫn là gươm, giáo, mã tấu… và một số loại hiện đại hơn như sung nhỏ hoặc sung đại bác.
“ Những binh khí thì dung gươm giáo, mã tấu , và lại có sung lớn bằng đồng gọi là sung đại bác, súng nhỏ gọi là súng thạch cơ điểu thương, nghĩa là bắn thì nổ bằng máy lửa.” [2, 176]
Triều Minh Mạng thì mỗi vệ (500-600 lính) có 2 khẩu thần công và 200 khẩu thạch cơ điểu thương với tỷ số 4 tay súng cho mỗi 10 lính. Sang triều Tự Đức thì mỗi đội (50 lính) có 5 khẩu điểu thương nên tỷ số rút thành 1 tay súng cho mỗi 10 lính. Hằng năm thì tập bắn chỉ một lần và mỗi tay súng chỉ có quyền bắn 6 viên đạn. Ai bắn hơn số ấy phải bồi thường.
Đất nước ta giáp với biển, có nhiều cảng nước sâu, rất thuận tiện cho việc tầu thuyền ra vào neo đậu. Vì vậy nguy cơ rất lớn trước sự xâm lược của các thế lực bên ngoài bằng đường biển. Nhận thức được điều đó các vua triều Nguyễn đã chú trọng đến việc xây đựng binh lực, xây dựng đồn, tăng cường lực lượng thủy binh và tàu chiến …để xem xét, rà soát tàu ngoại quốc đi lại và bảo vệ nền hòa bình cho đất nước.
“Ở các cửa bể đều làm đồn đặt súng để phòng giữ và để xem xét tầu bè noại quốc đi lại.
Nước Việt Nam ta có nhiều bể cần phải giữ gìn, bởi vậy vua Thế Tổ lưu tâm đến việc binh thuyền: Lấy người ở gần bể về doanh Quảng Đức và doanh Quảng Nam làm 6 vệ thủy quân đóng tại Kinh Thành. Còn ở các hải khẩu, mỗi nơi có một cơ lính thủy coi giữ. Nhà vua lại làm một thứ thuyền lớn ngoài bọc đồng, để đi lại tuần phòng ở miền bể” [2, 176]
2.2 Thành lũy.
Dưới bất kỳ một triều đại nào của lịch sử cổ trung đại thì việc đào hào, xây thành được xem là một việc làm hết sức cần thiết được các vua chúa đầu tư xây dựng. Quan trọng nhất, hoành tráng nhất, đồ sộ nhất thường là kinh thành ( kinh đô) nơi mà vua và hoàn thân quốc thích sống. Dưới chế độ phong kiến thì kinh thành được xem như là biểu tượng hoành tráng của một vương triều. Ngoài ra dưới triều Nguyễn hệ thống thành quách còn được xây dựng ở các địa phương, các tỉnh, tthường là những nơi có địa thế quân sự hiểm yếu, địch khó tấn công và khó rút lui.
Bắt đầu từ triều Gia Long, nhà Nguyễn cho xây một số thành quách áp dụng phép kiến trúc Vauban với chủ ý phòng thủ như kinh thành Huế (1805-1832); Bắc Thành (Hà Nội) (1805); Gia Định(Sài Gòn) (1832).
“Kiến trúc Vauban vốn du nhập Việt Nam từ thế kỷ trước do Olivier de Puymanel (sử Việt thường gọi là Nguyễn Văn Tín) đem đến”.
Nhưng đến thời Nguyễn thì được áp dụng rộng rãi. Ở những thị trấn nhỏ hơn nhưng có giá trị chiến lược triều đình cũng cho xúc tiến xây cất thành lũy phòng ngự trong số đó có Thanh Hóa (1804), Bắc Ninh (1805), Quảng Ngãi (1807), Khánh Hòa (1810), Bình Định (1817), Sơn Tây (1822), Nghệ An (1831), Hải Dương, Hưng Yên (1832), Nam Định (1833), và Điện Hải (Đà Nẵng) (1847). Xét về mặt chiến lược thì cách xây cất có tính cách khoa học nhưng vị trí và phương hướng còn bị tri phối bởi thuật phong thủy.
Những thành lũy này phản ảnh chiến thuật coi trọng thế "thủ" hơn thế "công" của triều đình nhà Nguyễn.
C. KẾT LUẬN
Năm 1802 , sau khi làm chủ cả nước , Gia Long chính thức xây dựng nhà nước theo chế độ quân chủ chuyên chế, trung ương tập quyền với mức độ ngày càng cao hơn. Đế có được một lực lượng quân sự hùng mạnh, Gia Long và các vua sau đó như Minh Mạng, Thiệu Trị thực hiện ban bố nhiều chính sách khác nhau về quân sự : tuyển bổ, biên chế, luyện tập,vu khí…nhằm bảo vệ sự an toàn cho hoàng gia, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, chống lại các cuộc xâm lược từ bên ngoài. Có thể nói rằng nay từ buổi đầu các vua nhà Nguyễn đã ý thức được vấn đề cần phải xây dựng một lực lượng quân đội vững mạnh cho triều đại của mình. Nhưng quân đội nhà Nguyễn càng ngày càng lạc hậu do các vị vua sau này không quan tâm mấy đến việc võ bị. Dưới thời Tự Đức, công tác quốc phòng của nhà Nguyễn có sự tương phản rõ rệt với các triều trước. Một trong các lý do khiến tình hình quân đội suy sút là vấn đề tài chính. Thời kỳ Gia Long hay Minh Mạng, lấy phương Tây làm kiểu mẫu cho việc tổ chức quân đội, hướng đến việc quân cần tinh nhuệ, không cần nhiều, bỏ bớt số lượng người cầm cờ từ 40 người xuống 2 người trong đội ngũ đơn vị 1 vệ. Còn sang thời Tự Đức, vũ khí và trang thiết bị làm mới gần như không có. Về thuỷ binh, không tàu hơi nước nào được đóng mới, thuỷ quân thậm chí không đủ khả năng bảo vệ bờ biển chống hải tặc. Việc giảng dạy binh pháp không chú trọng tới sách vở phương Tây nữa mà quay trở lại với “Binh thư yếu lược” của Trần Hưng Đạo. Đời sống quân lính không được quan tâm thoả đáng, lương thực lại bị ăn bớt. Do đó tinh thần chiến đấu của quân sĩ không cao.
Nhà sử học Trần Trọng Kim đã nhận xét về việc võ bị thời Tự Đức:
“Tuy bấy giờ nước ta có lĩnh võ sinh, có quan võ tiến sĩ, nhưng mà thời đại khác đi rồi, người ta đánh nhau bằng súng nạp hậu, bằng đạn trái phá chứ không bằng gươm bằng giáo như trước nữa. Mà quân lính của mình mỗi đội có 50 người thì chỉ có 5 người cầm súng điểu thương cũ, phải châm ngòi mới bắn được, mà lại không luyện tập, cả năm chỉ có một lần tập bắn. Mỗi người lính chỉ được bắn có 6 phát đạn mà thôi, hễ ai bắn quá số ấy thì phạt.
Quân lính như thế, binh khí như thế, mà quan thì lại cho lính về phòng, mỗi đội chỉ để độ chừng 20 tên tại ngũ mà thôi. Vậy nên đến khi có sự, không lấy gì mà chống giữ được”. [2, 243].
Tóm lại, những vị vua đầu tiên đã ra sức xây tổ chức, xây dựng một quân đôi hùng mạnh với các trang thiết bị hiện đại được du nhập từ phương Tây. Nhưng về sau do quan điểm khoa học quân sự của vua quan nhà Nguyễn không hề vượt quá khuôn khổ của khoa học quân sự phong kiến. Việc không bắt kịp với thành tựu mới của khoa học phương Tây thời Tự Đức khiến quân sự Việt Nam bị lạc hậu nhiều. Quân đội ngày càng bị suy yếu,do đó khi bị người Pháp đánh năm 1858, khoảng cách về trang thiết bị giữa quân đội nhà Nguyễn và quân Pháp đã khá xa. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của triều Nguyễn trong kháng chiến chống Pháp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Đào Duy Anh. Việt Nam Văn hóa Sử cương, Nxb KHXH, Hà Nội, 2003.
2.Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, quyển 2, Nxb TP HCM,2000.
3.Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998.
4. Lương Ninh, Lịch sử Việt Nam giản yếu, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2000.
5.Nguyễn Hồng Phong( biên soạn ),Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. Huế: NXB Thuận Hóa, 1993.
6.Nguyễn Phan Quang, Việt Nam thế kỷ XIX (1802-1884), Nxb TP HCM, 2002
7.Trương Hữu Quýnh, Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ X đến 1858, Nxb ĐHSP, Hà Nội, 2004.
8. Google → Hội thảo triều Nguyễn, chúa Nguyễn: Nhìn nhận lại khách quan, khoa học, công bằng.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- tieu_luan_thay_bang_5497.docx