Tiểu luận Một tình huống thực tế về giải quyết tranh chấp nhà, đất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Trong thực tế giải quyết các tranh chấp, trong đó tranh chấp về đất đai, nhà ở là một lĩnh vực vô cùng nhạy cảm. Các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các bên, ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần của những người liên quan và trật tự xã hội mà pháp luật bảo vệ. Do vậy, việc cân nhắc thận trọng từng vụ việc, đưa chúng vào mối quan hệ tác động qua lại để xem xét thấu đáo vừa là đạo đức công vụ, vừa là trách nhiệm của các công chức thừa hành. Quyền lợi của các bên tranh chấp luôn đối nghịch nhau, quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Làm thế nào để giải quyết thấu tình đạt lý là mục đích của pháp luật, là chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Trong quá trình điều hành quản lý xã hội những năm mới giải phóng, do đặc thù của một nước vừa thoát khỏi chiến tranh, nền kinh tế nghèo nàn và lạc hậu, Nhà nước ta ở từng thời kỳ nhất định đã ban hành những chính sách để điều chỉnh các quan hệ xã hội mới phát sinh.

pdf20 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 10963 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Một tình huống thực tế về giải quyết tranh chấp nhà, đất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
1 BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG …………………… TIỂU LUẬN Một tình huống thực tế về giải quyết tranh chấp nhà, đất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu 2 A. ĐẶT VẤN ĐỀ Theo quan điểm của Nhà nước ta thì đất đai là tài nguyên vô cùng quí giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, là địa bàn phân bố dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế văn hóa xã hội và an ninh quốc phòng. Đất đai gắn liền với chủ quyền, lãnh thổ của mỗi quốc gia, của mỗi địa phương; gắn liền với cuộc sống của mỗi gia đình, mỗi con người... Trải qua bao thế hệ, nhân dân ta đã tốn bao công sức, xương máu mới tạo lập, bảo vệ được vốn đất đai như ngày nay. Pháp luật nước ta luôn đặt việc điều chỉnh các vấn đề đất đai lên hàng đầu. Nhà nước không ngừng hoàn thiện pháp luật về đất đai để phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội, với mục tiêu xây dựng đất nước. Trên cơ sở Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, Nhà nước ta đã ban hành Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 1998, năm 2001 và ban hành Luật Đất đai năm 2003 cùng nhiều văn bản pháp qui dưới luật như: Nghị quyết, Nghị định, Quyết định, Chỉ thị, Thông tư hướng dẫn... qui định về quản lý đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Quán triệt tinh thần đó, Luật Đất đai năm 2003 đã kế thừa, phát triển các quy định của Luật Đất đai năm 1993, đánh dấu một bước tiến quan trọng trọng việc xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật 3 về đất đai, thông qua việc quy định cụ thể, rõ ràng quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước- đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Công tác trong lĩnh vực quản lý nhà, đất nên tôi đã trực tiếp tham gia vào việc giải quyết các khiếu nại, tranh chấp về nhà, đất trên địa bàn tỉnh. Nhằm góp phần phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai; để việc tổ chức thực hiện pháp luật trong cuộc sống được thống nhất, có hệ thống, đảm bảo tính khoa học, trong phạm vi đề tài này, xin được đặt ra một tình huống cụ thể về tranh chấp nhà, đất trong nội bộ nhân dân để cùng nghiên cứu và tham khảo. Với thời lượng và kiến thức có hạn, rất mong nhận được sự đóng góp của quí thầy cô để đề tài được hoàn chỉnh, góp phần vào việc nghiên cứu và điều chỉnh chính sách đất đai của nhà nước ta. B. PHẦN NỘI DUNG I. Tình huống thực tế: Khu đất có diện tích 1.200m2 tọa lạc tại đường Chi Lăng, phường Phước Hiệp, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có nguồn gốc của gia tộc ông Nguyễn Văn Hai. Năm 1974, cha của ông Hai đã cho bà Nguyễn Thị Tám, ông Văn Năm và bà Nguyễn Thị Thu thuê mướn và xây cất nhà ở. Hiện bà Nguyễn Thị Tám đang quản lý và sử dụng với diện tích 120m2, trong đó bà đã cho con trai là Lê Văn Một 52m2; ông Văn Năm đang quản lý và sử dụng diện tích 200m2, trên phần đất này có một ngôi nhà tạm do cha của ông Hai xây cất; bà Nguyễn Thị Thu đang quản lý diện tích 480m2 nhưng chỉ sử dụng có 320m2, còn 160m2 vẫn để trống. Trước giải phóng, bà Nguyễn Thị Tám, ông Văn Năm và bà Nguyễn Thị Thu hằng năm có trả tiền thuê đất cho cha ông Nguyễn Văn Hai. Nhưng từ năm 1975 đến năm 1992, cả 03 người không trả tiền thuê đất nữa mà chỉ đưa tiền cúng kiến ông bà. Từ khi giá đất tại thị xã Bà Rịa tăng cao, ông Nguyễn Văn Hai đã đại diện gia tộc khiếu nại đòi bà Nguyễn Thị Tám, ông Văn Năm và bà Nguyễn Thị Thu bồi hoàn giá trị quyền sử dụng đất cho gia tộc ông tại UBND thị xã Bà Rịa. Do mảnh đất trên chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thị xã Bà Rịa. 4 Để giải quyết vấn đề này, ngày 26/02/1996, UBND thị xã Bà Rịa ban hành quyết định giải quyết số 11/QĐ-UBTX với nội dung: Bảo đảm quyền lưu cư cho các hộ bà Nguyễn Thị Tám, ông Văn Năm và bà Nguyễn Thị Thu và buộc các hộ này phải đền bù cho gia tộc ông Nguyễn Văn Hai theo đơn giá tại quyết định số 31/QĐ-UBT ngày 17/01/1995 của UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Đồng thời buộc bà Nguyễn Thị Thu phải giao trả lại phần đất trống 160m2 chưa sử dụng cho gia tộc ông Nguyễn Văn Hai; ông Nguyễn Văn Năm có trách nhiệm bồi hoàn giá trị căn nhà đã có sẵn khi được thuê đất. Tuy nhiên, quyết định trên chưa được thi hành do hai bên tiếp tục khiếu nại. Ngày 23/4/1997, UBND thị xã Bà Rịa lại tiếp tục ban hành quyết định số 40/ QĐ-UBTX để cưỡng chế việc thi hành quyết định số 11/ QĐ- UBTX ngày 26/ 02/ 1996. Do có đơn khiếu nại, ngày 28/ 6/ 1997, UBND thị xã Bà Rịa có công văn số 140/ CV-UBTX về việc tạm ngưng thi hành quyết định cưỡng chế để thẩm tra, xem xét lại vụ việc. Ngày 30/ 12/ 1997, UBND thị xã Bà Rịa ban hành quyết định giải quyết số 95/ QĐ-UBTX điều chỉnh một phần nội dung quyết định số 11/ QĐ- UBTX giảm giá đền bù 30% cho các hộ bà Nguyễn Thị Tám, ông Văn Năm và bà Nguyễn Thị Thu nhưng cả 03 hộ đều không đồng ý với cách giải quyết của UBND thị xã Bà Rịa. Ngày 18/ 02/ 1998, bà Nguyễn Thị Tám, ông Văn Năm và bà Nguyễn Thị Thu cùng đứng đơn khởi kiện hành chính tại Tòa án nhân dân thị xã Bà Rịa đối với 02 quyết định số 11/ QĐ-UBTX và quyết định số 95/ QĐ-UBTX của Uỷ ban nhân dân thị xã Bà Rịa. Đại diện những người khởi kiện cho rằng không nhận được quyết định số 11/ QĐ-UBTX của Uỷ ban nhân dân thị xã Bà Rịa. Họ yêu cầu được lưu cư và không phải đền bù cho gia tộc ông Nguyễn Văn Hai vì hàng năm họ đã nộp thuế sử dụng đất cho Nhà nước. Mặt khác, họ đã quản lý và sử dụng diện tích đất nêu trên ổn định, lâu dài. Đại diện gia tộc, ông Nguyễn Văn Hai khẳng định việc giải quyết của UBND thị xã Bà Rịa là đúng đắn và yêu cầu giữ nguyên quyết định. Đề nghị 03 hộ phải bồi hoàn giá trị căn nhà và giá trị quyền sử dụng đất, thực hiện quyết định của UBND thị xã Bà Rịa. Ông Lê Văn Một là con của bà Nguyễn Thị Tám yêu cầu được tiếp tục quản lý và sử dụng 52m2 đất và đồng ý đền bù cho gia tộc ông Nguyễn Văn Hai. 5 Tại quyết định hành chính sơ thẩm số 05/ QĐ-TAND về lô đất tọa lạc tại đường Chi Lăng, phường Phước Hiệp, thị xã Bà Rịa nêu cụ thể: - Bà Nguyễn Thị Tám quản lý sử dụng 120m2 và phải bồi thường giá trị quyền sử dụng đất cho gia tộc ông Nguyễn Văn Hai 20.000.000đ. - Ông Văn Năm quản lý sử dụng 200m2 và phải bồi thường giá trị quyền sử dụng đất cho gia tộc ông Nguyễn Văn Hai 35.000.000đ, giá trị căn nhà là 5.000.000đ. Tổng cộng là 40.000.000đồng. - Bà Nguyễn Thị Thu quản lý và sử dụng 480m2 và phải bồi thường giá trị quyền sử dụng đất cho gia tộc ông Nguyễn Văn Hai 55.000.000đ. Bà Nguyễn Thị Tám, ông Văn Năm và bà Nguyễn Thị Thu phải nộp 50.000đ án phí hành chính sơ thẩm. Bên khởi kiện đã không đồng ý với quyết định của Tòa án. Ngày 25/ 8/ 1998, bà Nguyễn Thị Tám, ông Văn Năm và bà Nguyễn Thị Thu nộp đơn kháng cáo xin xét xử theo thủ tục phúc thẩm. II. Nguyên nhân và hậu quả của vụ việc: 1. Nguyên nhân: Kể từ sau khi Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực, thì quyền sử dụng đất của công dân được pháp luật bảo hộ. Do đó đất đai trở thành tài sản có giá trị thiết thực đối với đời sống người dân. Cùng với tác động của thị trường về nhà cửa, đất đai thì đất đai càng chứng tỏ giá trị của nó trên thị trường bất động sản. Cũng từ đây, việc khiếu nại tranh chấp đất đai ngày càng gia tăng, kéo dài và trở thành cơn sốt như: đòi lại nhà, đất cũ, nhà đất do Nhà nước quản lý, đất gia tộc, đất dòng họ, đất thừa kế... đã trở thành một vấn đề tranh chấp, khiếu nại về đất đai hết sức đa dạng và phức tạp, rất khó khăn cho cán bộ thụ lý. Các tranh chấp này thường không đủ chứng cứ khẳng định tính pháp lý của đất tranh chấp hoặc có nhiều chứng cứ pháp lý về đất tranh chấp mà pháp luật tại thời điểm giải quyết tranh chấp không quy định cụ thể, dẫn đến việc vận dụng giải quyết không thống nhất, không đúng tinh thần ổn định tình hình quản lý và sử dụng đất đai của Đảng và Nhà nước(Theo qui định tại điều 83, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008). Trong trường hợp trên, 03 hộ tranh chấp không hề có giấy tờ gì chứng minh nguồn gốc đất một cách hợp pháp, họ chỉ có giấy của cha ông Nguyễn Văn Hai thỏa thuận đồng ý cho 03 hộ bà Nguyễn Thị Tám, ông Văn Năm và bà Nguyễn Thị Thu thuê mướn diện tích đất nêu trên để xây nhà ở trước giải phóng. 6 Một nguyên nhân nữa dẫn đến tranh chấp kéo dài là do sự không thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật về đất đai và các tài sản khác gắn liền với đất như nhà ở, công trình kiến trúc, cây lâu năm... Do sự hiểu biết pháp luật của cán bộ thụ lý còn hạn chế, tinh thần trách nhiệm đối với công việc chưa cao vì lý do kinh tế. Mặt khác, chính quyền các cấp chưa quan tâm đúng mức đến công tác giải quyết tranh chấp đất đai, chưa thường xuyên tổ chức việc tập huấn nghiệp vụ, cập nhật văn bản mới của Chính phủ về giải quyết tranh chấp đất đai. 2. Hậu quả: Việc giải quyết không thỏa đáng, khi ban hành quyết định số 11/ QĐ- UBTX, UBND thị xã Bà Rịa đã không gửi đến các bên có tranh chấp trong vụ kiện nên bà Nguyễn Thị Tám, ông Văn Năm và bà Nguyễn Thị Thu không biết kết quả giải quyết để thi hành đã phần nào làm mất uy tín của cán bộ công chức và UBND thị xã Bà Rịa, làm giảm niềm tin và gây bất bình trong nhân dân. Bên cạnh đó, nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại là do phương án giải quyết không nhất quán, chưa đúng pháp luật nên vụ việc phải kéo dài, giải quyết đi giải quyết lại nhiều lần gây tốn kém tiền của công sức của người dân cũng như của Nhà nước, làm cho hiệu lực quản lý của Nhà nước không phát huy được tác dụng tích cực, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội. Mặt khác, việc thụ lý của Tòa án cũng không đúng thẩm quyền vì đây là quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, không phải là quyết định hành chính nên việc Tòa án nhân dân thị xã Bà Rịa thụ lý giải quyết theo thủ tục giải quyết các vụ án hành chính là chưa đúng qui định của pháp luật. Cần lưu ý rằng, trong mọi trường hợp giải quyết tranh chấp đất đai không dẫn đến một khiếu nại hành chính. Chỉ có những khiếu nại được qui định tại điều 138, Luật Đất đai năm 2003 và điều 162, Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ mới dẫn đến việc công dân, tổ chức khởi kiện quyết định hành chính. Đây là một thực trạng mà thời gian trước đây, nhiều vụ việc Toà án điạ phương đã thụ lý, xét xử sai thẩm quyền mà các cơ quan kiểm sát và Chánh án Tòa án cấp trên cũng không phát hiện ra để thực hiện quyền kháng nghị. Một số vụ việc khi chuyển đến Toà cấp xét xử phúc thẩm hoặc Toà án nhân dân tối cao thì mới được phát hiện có vi phạm trong thủ tục tố tụng. Do đó, hậu quả là nhiều vụ án bị hủy và đình chỉ giải quyết do vi phạm trình tự, thủ tục tố tụng. Vụ việc lại được trả về địa phương để giải quyết lại. Tình trạng này gây mất lòng tin và mất nhiều thời gian, công sức của người dân. Tuy nhiên, ở giác độ bài viết này, tôi không phân tích việc thụ lý giải quyết của cơ quan tài phán mà chỉ đi sâu phân tích ở giác độ giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước. 7 III. Xây dựng các phương án và lựa chọn phương án giải quyết vụ việc: 1. Các tiêu chuẩn để xây dựng phương án: Vụ việc phải được giải quyết theo đúng qui định của pháp luật. Đảm bảo pháp chế XHCN, sự nghiêm minh và công bằng của pháp luật. Vụ việc phải được giải quyết dứt điểm. Giữ được đạo lý và mối quan hệ đoàn kết trong cộng đồng dân cư làng xã của người Việt Nam. 2. Các phương án giải quyết: Từ vụ tranh chấp nêu trên, xin đề ra một số phương án giải quyết như sau: 2.1. Phương án 1: Giữ lưu cư và công nhận nhà đất đó thuộc quyền quản lý sử dụng của các hộ bà Nguyễn Thị Tám, ông Văn Năm và bà Nguyễn Thị Thu và không phải bồi hoàn giá trị quyền sử dụng đất cho gia tộc ông Nguyễn Văn Hai. Bác đơn xin tranh chấp của ông Nguyễn Văn Hai vì căn cứ vào Quyết định số 111/ CP ngày 14/ 4/ 1997 của Hội đồng Chính phủ và căn cứ vào Khoản 2, Điều 2, Luật Đất đai năm 1993 qui định: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Công văn số 647/ CV. TCĐC của Tổng cục địa chính hướng dẫn: “Nếu nhà xây dựng trước năm 1980 thì công dân được công nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà hợp pháp”. Trong trường hợp tranh chấp nhà đất nêu trên, 03 hộ bà Nguyễn Thị Tám, ông Văn Năm và bà Nguyễn Thị Thu xây dựng từ trước năm 1975 và sử dụng ổn định cho đến nay. Theo các quy định trên thì 03 hộ bà Nguyễn Thị Tám, ông Văn Năm và bà Nguyễn Thị Thu sẽ được công nhận quyền sử dụng nhà, đất hợp pháp. UBND thị xã Bà Rịa đã thừa nhận chưa giao quyết định số 11/ QĐ. UBTX ngày 26/ 12/ 1996 cho 03 hộ. Do vậy, cần hủy quyết định số 95/ QĐ. UBTX và sửa quyết định số 11/ QĐ. UBTX của UBND thị xã Bà Rịa theo hướng 03 hộ được quản lý sử dụng toàn bộ khu đất đã thuê trước đây và tiến hành đăng ký kê khai theo qui định. Đồng thời không phải đền bù giá trị quyền sử dụng đất cho gia tộc ông Nguyễn Văn Hai nhưng phải đền bù giá trị căn nhà. Còn ông Lê Văn Một đang 8 sử dụng diện tích 52m2 thì phải bồi hoàn giá trị quyền sử dụng đất cho gia tộc ông Nguyễn Văn Hai. Tuy nhiên, gia tộc ông Nguyễn Văn Hai sẽ tiếp khiếu vì không đồng ý với cách giải quyết nêu trên. 2.2 Phương án 2: Giữ lưu cư và công nhận nhà, đất đó thuộc quyền quản lý sử dụng của các hộ bà Nguyễn Thị Tám, ông Văn Năm và bà Nguyễn Thị Thu và buộc các hộ này phải bồi hoàn giá trị nhà và giá trị quyền sử dụng đất cho gia tộc ông Nguyễn Văn Hai theo thỏa thuận giữa các đương sự. Nếu không tự thỏa thuận được, áp dụng đơn giá của Quyết định số 31/ QĐ. UBT ngày 17/ 01/ 1995 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đồng thời buộc bà Nguyễn Thị Thu phải giao trả lại cho gia tộc ông Nguyễn Văn Hai 160m2 đất trống chưa sử dụng vì UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có Quyết định số 333/ QĐ. UBT ngày 04/ 4/ 1991 ban hành bảng qui định việc giải quyết một số vấn đề tranh chấp về quyền sử dụng đất trong đó có nêu: “trường hợp người sử dụng đất hợp pháp cho người khác sử dụng phần đất này từ trước ngày giải phóng Miền nam; người sử dụng mới có công cải tạo, chăm sóc và làm đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước, khi có tranh chấp mà hai bên không tự thương lượng được thì người sử dụng mới phải bồi hoàn thành quả lao động và kết quả đầu tư cho chủ cũ theo qui định của UBND tỉnh”. Hơn nữa tại thời điểm xảy ra tranh chấp, Luật Đất đai đã công nhận quyền sử dụng đất là tài sản thừa kế, mặc dù ông Nguyễn Văn Hai không có giấy tờ hợp pháp về nguồn gốc khu đất tranh chấp nhưng theo những nhân chứng sống lâu năm tại khu vực này cho biết là do cha ông là Nguyễn Văn Phái khai khẩn trước năm 1960 và có cho các hộ bà Nguyễn Thị Tám, ông Văn Năm và bà Nguyễn Thị Thu thuê mượn để ở trước 1975 (có giấy thỏa thuận thuê mướn đất giữa các bên). Đồng thời, tại cuộc hoà giải bà Nguyễn Thị Tám, ông Văn Năm và bà Nguyễn Thị Thu cũng thừa nhận có thuê đất của gia tộc ông Nguyễn Văn Hai. Như vậy, ông Nguyễn Văn Hai được quyền thừa kế theo qui định của pháp luật. Từ năm 1975 đến khi xảy ra tranh chấp, Nhà nước không có quyết định quản lý phần nhà, đất cho thuê của gia tộc ông Nguyễn Văn Hai và cũng không có quyết định nào giao cho 03 hộ trên quản lý sử dụng. Do đó, việc giải quyết theo hướng buộc 03 hộ bồi hoàn thành quả lao động và kết quả đầu tư cho chủ cũ là hợp lý. Theo phương án này, các hộ bà Nguyễn Thị Tám, ông Văn Năm và bà Nguyễn Thị Thu sẽ không hoàn toàn nhất trí, nhưng các hộ này đều công nhận có 9 thuê đất đang tranh chấp của gia tộc ông Nguyễn Văn Hai. Do đó, nếu xét thời điểm trước năm 1980( Hiến pháp được ban hành), các hộ nêu trên chỉ có quyền chiếm hữu, sử dụng, không có quyền định đoạt. Việc đóng thuế cho Nhà nước là nghĩa vụ của tất cả những người sử dụng đất. Điều này không có nghĩa là công nhận quyền sử dụng hợp pháp diện tích nhà, đất đang thực tế sử dụng. Tại khoản 1, mục III, Thông tư số 83/ TT-TCT ngày 7/ 10/ 1994 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành chi tiết pháp lệnh về thuế nhà, đất quy định: “...người đang trực tiếp sử dụng đất phải kê khai nộp thuế đất. Việc kê khai nộp thuế đất này không có nghĩa là thừa nhận tính hợp pháp về quyền sử dụng đất”. Các hộ không thể căn cứ nghĩa vụ nộp thuế hàng năm để chứng minh cho mình có quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất nêu trên. Đây thực sự là vấn đề khó khăn cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc giải quyết vụ việc. Như đã phân tích ở trên, nguyên nhân là do sự chồng chéo trong các qui định của pháp luật, sự vận dụng giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể còn phụ thuộc vào ý chí của các cơ quan công quyền và sự công tâm của cán bộ Nhà nước. Vấn đề ở đây là lựa chọn các phương án giải quyết như thế nào cho đúng pháp luật. 3. Chọn phương án giải quyết: Theo tôi, các phần đất hiện 03 hộ đang sử dụng nêu trên là của gia tộc ông Nguyễn Văn Hai nhưng đã cho thuê từ trước giải phóng. Sau năm 1975, những hộ thuê đất này và ông Nguyễn Văn Hai cũng không đăng ký, đóng thuế cho Nhà nước. Mặc nhiên, ông Nguyễn Văn Hai đã từ bỏ quyền quản lý, sử dụng diện tích đất nêu trên. Theo quy định, đây là đất cho thuê từ trước năm 1975 nên căn cứ khoản 2, mục I, Quyết định 111/ CP ngày 14/ 4/ 1977 của Hội đồng Chính phủ ban hành chính sách cải tạo và quản lý xã hội chủ nghĩa đối với nhà đất cho thuê ở các đô thị các tỉnh phía Nam qui định: “Nhà nước quản lý toàn bộ nhà cho thuê của các chủ là cá nhân, công ty, đoàn hội, tôn giáo... trừ trường hợp nhân dân lao động có ít diện tích cho nhau thuê để ở hoặc cho ở nhờ. Riêng đối với những chủ nhà là cá nhân có ít nhà cho thuê để ở, diện tích cho thuê dưới 150m2 ở các tỉnh, dưới 200m2 ở thành phố Hồ Chí Minh, hoặc thu tiền cho thuê nhà hằng năm dưới 600đ ở các Tỉnh và dưới 800đ ở thành phố Hồ Chí Minh thì trước mắt chủ nhà vẫn được tạm thời cho thuê nhưng phải chấp hành đầy đủ những qui định thống nhất về đăng ký, hợp đồng giá cho thuê, điều lệ bảo quản sửa chữa, quyền lưu trú của người thuê”. Đồng thời, căn cứ vào khoản 2, điều 2, Luật Đất đai năm 1993 qui định: “Nhà nước không thừa nhận 10 việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Căn cứ vào qui định trên thì diện tích cho thuê của gia tộc ông Nguyễn Văn Hai vượt quá qui định cho phép. Tổng diện tích cho thuê là 800m2, như vậy diện tích đất trên sẽ do nhà nước quản lý. Gia tộc ông Nguyễn Văn Hai đã bị Quyết định 111/ CP ngày 14/ 4/ 1977 của Hội đồng Chính phủ tác động điều chỉnh làm mất quyền sử dụng diện tích 800m2 đất. Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là vào thời điểm sau năm 1977, Nhà nước đã không quản lý bằng một quyết định hành chính nào. Mặc khác, đến năm 1992, nhà nước ta mới có chính sách kê khai đất đai, lập sổ bộ địa chính và đóng thuế sử dụng đất. Đồng thời, gia tộc ông Nguyễn Văn Hai có tranh chấp đất với các hộ nêu trên. Trong đơn xin giải quyết tranh chấp, ông Nguyễn Văn Hai chỉ yêu cầu các hộ bà Nguyễn Thị Tám, ông Văn Năm và bà Nguyễn Thị Thu bồi hoàn thành quả lao động và kết quả đầu tư cho chủ cũ chứ không đòi lại đất của 03 hộ nêu trên. Chính vì vậy, Uỷ ban nhân dân thị xã Bà Rịa quyết định giữ quyền lưu cư cho bà Nguyễn Thị Tám quản lý sử dụng diện tích 120m2, ông Văn Năm quản lý và sử dụng diện tích 200m2; bà Nguyễn Thị Thu quản lý sử dụng diện tích 480m2 nhưng buộc bà Nguyễn Thị Thu trả lại phần đất 160m2 cho gia tộc ông Nguyễn Văn Hai và buộc các hộ bồi hoàn giá trị nhà và giá trị quyền sử dụng đất cho chủ cũ theo giá qui định tại Quyết định số 31/ QĐ. UBT ngày 17/ 01/ 1995 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có giảm giá 30% là chưa đúng pháp luật. Bởi vì, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành Quyết định số 333/ QĐ. UBT ngày 04/ 4/ 1991 ban hành bảng qui định việc giải quyết một số vấn đề tranh chấp về quyền sử dụng đất trong đó có đề cập: “trong trường hợp chủ sử dụng mới đã sử dụng đất 25 năm trở lên, đã đóng góp tiền hoặc hoa lợi cho chủ cũ khi sử dụng phần đất này trước khi làm nghĩa vụ với Nhà nước thì có thể xem xét công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp cho chủ sử dụng mới”. Trong mối quan hệ trên, các hộ bà Nguyễn Thị Tám, ông Văn Năm và bà Nguyễn Thị Thu trên danh nghĩa là thuê đất của gia tộc ông Nguyễn Văn Hai nhưng lại không thực hiện nghĩa vụ trả tiền thuê đất mà chỉ đưa tiền tượng trưng để cúng ông, bà nên không thể xem là đã đóng góp tiền hoặc hoa lợi cho chủ cũ khi sử dụng phần đất này trước khi làm nghĩa vụ với Nhà nước. Qua phân tích các tình huống nêu trên, tôi chọn cách giải quyết được đề cập tại phương án 2: Công nhận quyền sử dụng hợp pháp cho các hộ bà Nguyễn Thị Tám, ông Văn Năm và bà Nguyễn Thị Thu (Trong đó, có cả phần diện tích 11 đất mà bà Tám đã cho con là Lê Văn Một) nhưng phải bồi hoàn giá trị căn nhà và quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Văn Hai theo giá qui định tại Quyết định số 31/ QĐ. UBT ngày 17/ 1/ 1995 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trước khi ban hành quyết định giải quyết tranh chấp theo luật định, cần thiết phải mời các bên có quyền và nghĩa vụ liên quan đến để tổ chức hoà giải và công khai hướng giải quyết vụ việc, giải thích cho họ hiểu rõ quyền và nghĩa vụ, các qui định của pháp luật về nội dung tranh chấp để xem xét lại lần cuối các chứng cứ pháp lý mà các bên cung cấp, đối chiếu những tài liệu có trong hồ sơ, ghi nhận ý kiến phản hồi của các bên; đồng thời giải thích rõ các qui định của pháp luật để tạo được sự thống nhất cao khi quyết định được ban hành. Cách làm như vậy, vừa đáp ứng được yêu cầu của ông Nguyễn Văn Hai và đây cũng là quyền lợi chính đáng mà ông được hưởng, vừa bảo đảm quyền lưu cư của 03 hộ gia đình đã sống ổn định nhiều năm. Cách giải quyết này, có thể sẽ không nhận được sự đồng tình cao của 03 hộ gia đình nêu trên nhưng xét về mặt bản chất, nó vừa phù hợp các qui định của pháp luật, vừa phù hợp với đạo lý của dân tộc. Xét về mặt xã hội, cách giải quyết này sẽ ổn định tình hình tranh chấp đất đai, nhà ở trên địa bàn, giảm thiểu các tác động xấu về mặt xã hội do tranh chấp trong nội bộ nhân dân gây ra. 4. Tổ chức thực hiện: Sau khi Uỷ ban nhân dân thị xã Bà Rịa ban hành quyết định giải quyết tranh chấp, việc tống đạt các quyết định đến từng đương sự phải được ký nhận hoặc phải bảo đảm rằng họ đã nhận được quyết định. Giao cho Uỷ ban nhân dân phường Phước Hiệp, Phòng Tài nguyên - Môi trường thị xã Bà Rịa trong thời hạn 30 ngày có trách nhiệm mời các cơ quan liên quan, các bên đương sự đến trụ sở để công bố nội dung quyết định, giải thích những vấn đề đương sự thắc mắc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Tất cả các trình tự nêu trên phải được lập biên bản theo đúng qui định của pháp luật. Hướng dẫn các bên lập thủ tục kê khai đất đai, làm nghĩa vụ tài chính với Nhà nước để được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, báo cáo kết quả thực hiện về Uỷ ban nhân dân thị xã Bà Rịa để theo dõi. Đồng thời, nội dung quyết định giải quyết tranh chấp phải dành cho các bên liên quan quyền giải quyết tranh chấp lần cuối cùng là của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để các đương sự được biết. IV. Một số nhận xét và kiến nghị cụ thể: 1. Nhận xét chung: 12 Đất đai thuộc sở hữu toàn dân có nghĩa là đất đai không thuộc quyền sở hữu của một tổ chức hay một cá nhân công dân nào. Các tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân chỉ là chủ thể của quyền sử dụng đất. Đất đai là thuộc về toàn dân do Nhà nước đại diện làm chủ sở hữu. Quyền sở hữu toàn dân đối với đất đai ở đây là quyền sở hữu duy nhất và tuyệt đối. Tính chất tuyệt đối và duy nhất thể hiện ở chỗ quyền sở hữu toàn dân bao trùm tất cả đất đai, bất kỳ là đất đó hiện đang do ai sử dụng và không cho phép bất cứ hình thức sở hữu nào khác tồn tại. Việc sử dụng đất của các tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân phải đảm bảo đúng quy hoạch, kế hoạch, mục đích sử dụng đất, tiết kiệm, có hiệu quả và bảo vệ môi trường. Đó chính là nguyên tắc pháp lý xuyên suốt trong quá trình quản lý, sử dụng đất, phản ánh đặc trưng của quyền sở hữu toàn dân đối với đất đai của Nhà nước Tính chất, đặc điểm của quan hệ sở hữu làm nền tảng cho chế độ sở hữu về đất đai khi xác định đất đai là sở hữu toàn dân, được xác lập dựa trên hai phương diện chủ yếu của quan hệ đất đai. Đó là : - Đất đai là lãnh thổ của quốc gia, là tài nguyên vô giá không thể thay thế được của quốc gia. Đó là kết quả của quá trình chinh phục, chế ngự tự nhiên, chống giặc ngoại xâm của cả dân tộc Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do đó, Nhà nước và mọi tổ chức, công dân phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn nguồn tài nguyên quốc gia quý báu này. - Đất đai là tư lịêu sản xuất đặc biệt, là kết quả của đầu tư lao động, vốn, công sức cải tạo của người lao động cụ thể. Vì vậy, người sử dụng đất không thể là một khái niệm chung chung mà phải hết sức cụ thể và được hưởng các lợi ích thiết thực. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất hiện nay được quy định cụ thể tại điều 105, 106 và 107, Luật Đất đai năm 2003. Qua nhiều lần bổ sung và sửa đổi, đến nay, Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2004 về cơ bản đã và đang được xã hội đồng tình hưởng ứng. Ngoài việc kế thừa các văn bản Luật trước đó, Luật Đất đai 2003 và các văn bản hướng dẫn dưới luật như Nghị định 181/2004/NĐ-CP, Nghị định 197/2004/NĐ-CP, Nghị định 84/2007/NĐ-CP và gần đây nhất là Nghị định 69/2009/NĐ-CP…đã phát triển nhiều nội dung phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, qua triển khai thực hiện Luật Đất đai năm 2003 và từ việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại của công dân liên quan đến đất đai ở địa phương vẫn còn nhiều bất cập so với thực tế, gây khó khăn trong quá trình giải quyết tranh chấp, khiếu nại, dẫn đến tình trạng tồn đọng đơn còn nhiều, khó giải quyết cần được điều chỉnh cho phù hợp. Mặc dù các cơ quan chức năng của tỉnh và một số huyện có cố gắng nhưng nhìn chung chưa có chuyển biến tích cực. 13 Các quyết định hành chính vẫn tiếp tục bị khiếu nại hoặc khởi kiện theo thủ tục giải quyết các vụ án hành chính tại Tòa án các cấp. Các quyết định giải quyết tranh chấp đất đai lần cuối đôi lúc không thể thực hiện. Điều này có thể có những nguyên nhân khách quan như sự bất cập và không hệ thống của các văn bản qui phạm pháp luật nhưng mặt khác nó cũng xuất phát từ những yếu kém chủ quan của đội ngũ cán bộ công chức trong các cơ quan hành pháp. Trong thời gian tới, cần xem đây là vấn đề mấu chốt để giải quyết tốt hơn các tranh chấp, khiếu nại, khắc phục ngay những tồn tại nhằm tăng cường kỷ luật hành chính trong các cơ quan công quyền. Đối với vụ việc trên, tuy chưa phải là một vụ tranh chấp phức tạp, khó giải quyết nhưng do đặc thù kéo dài nhiều năm và xử lý không dứt điểm làm cho các bên tham gia quan hệ phải chờ đợi, theo đuổi việc giải quyết tranh chấp, làm mất nhiều công sức, tiền của của xã hội (Vụ việc này đến năm 2003 mới được giải quyết dứt điểm). Trên quan điểm đúng đắn, khoa học, Nhà nước ta coi đất đai là tài nguyên vô cùng quí giá thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý. Nhà nước tôn trọng quyền sử dụng đất ổn định, hợp pháp của người sử dụng đất. Căn cứ các tình tiết và quá trình giải quyết của các cơ quan chức năng, đối chiếu với các qui định pháp luật về đất đai thì lựa chọn phương án bảo đảm quyền lưu cư của các hộ gia đình đã liên tục sử dụng đất ổn định có bồi hoàn cho chủ sử dụng đất cũ là phương án có thể chấp nhận được. Mặc dù vậy, vấn đề băn khoăn là việc Nhà nước chấp nhận một số trường hợp đòi lại đất cũ đã liên tục sử dụng ổn định làm xáo trộn cuộc sống một bộ phận không nhỏ dân cư, gây tâm lý bất an đối với những người chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cần xem xét thận trọng, có bước đi đúng đắn khi ban hành các chính sách nhằm khắc phục những sai lầm trước đây, do trình độ quản lý còn hạn chế, Nhà nước ta đã ban hành những qui định chưa phù hợp để giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại như Nghị quyết 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội; Nghị quyết 755/2005/NQ- UBTVQH11 ngày 02/4/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định 197/2005/NĐ-CP ngày 10/10/2005 của Chính phủ quy định việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà đất trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN trước ngày 01/7/1991. 2. Một số kiến nghị trong việc giải quyết các tranh chấp, khiếu nại hành chính về lĩnh vực quản lý đất đai.: Trong quá trình quản lý nhà nước về đất đai trên phạm vi toàn quốc nói chung, ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng, thì việc giải quyết các tranh chấp, khiếu nại về nhà, đất đang là vấn đề cấp thiết. Các tranh chấp, khiếu nại liên 14 quan đến đất đai, nhà ở chiếm hơn 90% tổng số vụ khiếu nại, tố cáo. Trên địa bàn tỉnh, tranh chấp đất đai hiện nay đang là vấn đề hết sức bức xúc, phức tạp. Các khiếu kiện hết sức đa dạng cả nội dung lẫn hình thức, gây không ít khó khăn cho cán bộ thụ lý giải quyết. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật của nước ta chưa hoàn chỉnh, còn nhiều bất cập so với thực tế quản lý của Nhà nước ta hiện nay. Do đó, thực trạng tranh chấp đất đai và việc giải quyết tranh chấp đất đai kéo dài không dứt điểm. Xin đề ra một số kiến nghị sau: - Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xét xử các khiếu nại quyết định hành chính về lĩnh vực quản lý đất đai. Cụ thể đối với quy định về quyền khiếu nại (lần 2) tại Điều 46 Luật Khiếu nại, tố cáo ( luật sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại, tố cáo ngày 29/11/2005) có nêu: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết quy định tại Điều 43 của Luật Khiếu nại, tố cáo mà khiếu nại không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án…”. Tuy nhiên, theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính (năm 2006) thì tại Khoản 2 quy định: “ Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện để Toà án giải quyết vụ án hành chính về khiếu kiện quy định tại khoản 17 Điều 11 của Pháp lệnh này trong các trường hợp sau đây: a) Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết khiếu nại lần đầu, nhưng người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết đó và không tiếp tục khiếu nại đến Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ”… Như vậy, về thủ tục quy định quyền khiếu nại, khiếu kiện đã có sự mâu thuẫn giữa Luật Khiếu nại, tố cáo và Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Đây là một thực tế có xung đột pháp luật đã và đang diễn ra làm hạn chế quyền khiếu kiện của công dân, tổ chức. - Bộ Tài nguyên-Môi trường và Tổng Thanh tra cần có bảng tổng kết hàng năm một số vụ giải quyết tranh chấp, khiếu nại điểm, nêu các cách làm hay của một số tỉnh thành điển hình để UBND các tỉnh rút kinh nghiệm. Đặc biệt cập nhật ngay các văn bản pháp luật còn hiệu lực thi hành, không còn hiệu lực thi hành để làm căn cứ cho UBND các tỉnh giải quyết tranh chấp, khiếu nại. - Phối hợp ngành Tòa án tổ chức hội thảo về các vi phạm trong các quyết định hành chính về hình thức lẫn nội dung để rút kinh nghiệm cho công tác giải 15 quyết tranh chấp, khiếu nại, ban hành các quyết định giải quyết khiếu nại đúng pháp luật. (Mẫu hóa hình thức các quyết định giải quyết khiếu nại để không bị cơ quan xét xử tuyên hủy do vi phạm về hình thức trong các vụ kiện hành chính tại Tòa án). - Giải quyết các vụ tranh chấp đất đai phải khách quan, dân chủ, đúng pháp luật. Muốn vậy, cần nâng cao phẩm chất đạo đức, bồi dưỡng trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ nhất là kiến thức pháp luật về đất đai…cho cán bộ làm công tác thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo để thực hiện tốt công tác tham mưu, đề xuất giải quyết vụ việc. - Tăng cường trách nhiệm và vai trò của chính quyền cơ sở trong việc thực hiện Pháp lệnh Hòa giải ở cơ sở. Cần chú ý đề cao biện pháp hướng dẫn, thuyết phục cũng như các cách thức, phương pháp khác của hoạt động hoà giải cơ sở. Thường xuyên kiểm tra để kịp thời ngăn chặn và giải quyết dứt điểm các vụ tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai ngay từ cơ sở và khi mới phát sinh. Cần lưu ý rằng, trong mọi trường hợp việc giải quyết tranh chấp đất đai không dẫn đến một khiếu nại hành chính. - Kiểm tra việc khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm các nội dung kết luận của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo việc giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân. Kết quả giải quyết các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp đơn thư tồn đọng mới phát sinh. - Thường xuyên tổ chức các cuộc thanh tra về trách nhiệm Thủ trưởng trong cơ quan hành chính, nhằm kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các sai phạm trong việc thực hiện công vụ của cán bộ, công chức có trách nhiệm. Kiểm tra việc chấn chỉnh về tổ chức và tăng cường cơ sở vật chất cho công tác tiếp công dân, tổ hòa giải ở cơ sở, Ban Thanh tra nhân dân... công tác đôn đốc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của thủ trưởng các cấp các ngành; công tác tuyên truyền việc phổ biến giáo dục pháp luật có liên quan đến giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của công dân nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, nhất là việc thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở theo Nghị định 79. - Rà soát toàn bộ các công văn chỉ đạo của UBND tỉnh chưa được thực hiện, chậm thực hiện. Tình trạng kỉ luật hành chính bị buông lỏng, bệnh nể nang còn nặng nề, thái độ điều hành không rõ ràng của các vị công chức lãnh đạo cũng gây mất lòng tin trong quần chúng nhân dân. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến kỷ luật hành chính bị buông lỏng. Đề nghị cần chấn chỉnh từ phía bên trong, từ trên xuống dưới, từ những người có trách nhiệm để tiến tới kỷ luật hành chính được tăng cường. Từ đó, kiểm điểm trách nhiệm và hậu quả pháp lý 16 đối với từng cá nhân cán bộ công chức nếu cố ý làm sai, gây thất thóat ngân sách Nhà nước do phải bồi thường lỗi chậm giải quyết khiếu nại. - Kiểm tra tình hình, kết quả thực hiện các quyết định đã có hiệu lực pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc chỉ đạo giải quyết các vụ khiếu kiện phức tạp, kéo dài, có dấu hiệu oan sai hoặc vi phạm pháp luật được dư luận quan tâm; các quyết định, bản án đã có hiệu lực pháp luật cần tổ chức thực hiện nghiêm túc, vừa tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước, vừa thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật; việc xem xét xử lý những tổ chức và cán bộ mà qua kiểm tra phát hiện thấy thiếu trách nhiệm, tiêu cực trong giải quyết làm chậm trễ hoặc né tránh việc thi hành các thông báo, kết luận của cấp có thẩm quyền. Cần tăng cường trong việc xem xét xử lý đối với người có hành vi móc nối, kích động khiếu kiện, gây mất trật tự an ninh, vi phạm pháp luật. - Ban hành qui trình tiếp nhận, xử lý và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng luật, quy định rõ trách nhiệm của UBND các cấp, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trong việc giải quyết và tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chú trọng trong việc đối thoại với nhân dân trong xem xét giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo để có kết luận chính xác, tránh oan sai. - UBND các cấp cần rà soát lại các vụ giải quyết tranh chấp, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của mình, những quyết định đã có hiệu lực pháp luật để có kế hoạch xem xét giải quyết và tổ chức thực hiện dứt điểm nhằm hạn chế đơn thư tồn đọng, quyết định có hiệu lực pháp luật không tổ chức thực hiện được. 17 C. KẾT LUẬN Trong thực tế giải quyết các tranh chấp, trong đó tranh chấp về đất đai, nhà ở là một lĩnh vực vô cùng nhạy cảm. Các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các bên, ảnh hưởng đến đời sống vật chất và tinh thần của những người liên quan và trật tự xã hội mà pháp luật bảo vệ. Do vậy, việc cân nhắc thận trọng từng vụ việc, đưa chúng vào mối quan hệ tác động qua lại để xem xét thấu đáo vừa là đạo đức công vụ, vừa là trách nhiệm của các công chức thừa hành. Quyền lợi của các bên tranh chấp luôn đối nghịch nhau, quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia và ngược lại. Làm thế nào để giải quyết thấu tình đạt lý là mục đích của pháp luật, là chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Trong quá trình điều hành quản lý xã hội những năm mới giải phóng, do đặc thù của một nước vừa thoát khỏi chiến tranh, nền kinh tế nghèo nàn và lạc hậu, Nhà nước ta ở từng thời kỳ nhất định đã ban hành những chính sách để điều chỉnh các quan hệ xã hội mới phát sinh. Những qui phạm đó có những qui định phù hợp, có những qui định mà nay xem xét lại chưa phù hợp với quá trình phát triển đời sống xã hội. Điều này cũng xuất phát từ đặc thù khách quan của Nhà nước ta. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào từng bước ổn định, xem xét thận trọng từng trường hợp Nhà nước quản lý chưa đúng, có bước đi phù hợp để hạn chế những hậu quả trước đây, do điều kiện kinh tế – xã hội đã tác động không nhỏ đến việc giải quyết các vấn đề xã hội, trong đó có tranh chấp đất đai. Với thời lượng và khả năng có hạn, thông qua tiểu luận tôi đã trình bày một tình huống thực tế về giải quyết tranh chấp nhà, đất trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Kính mong được các quý thầy cô đóng góp ý kiến để nâng cao trình độ nghiệp vụ ngày càng tốt hơn. NGƯỜI THỰC HIỆN: LÊ TÀI 18 Vũng Tàu, ngày 30/01/2005 MỤC LỤC Trang A. Đặt vấn đề 1 B. Phần nội dung 2 I. Tình huống thực tế 2 II. Nguyên nhân và hậu quả vụ việc 3 1. Nguyên nhân 4 2. Hậu quả 4 19 III. Xây dựng các phương án 5 1. Tiêu chuẩn xây dựng phương án 5 2. Các phương án giải quyết 5 2.1. Phương án 1 5 2.2 Phương án 2 6 3. Chọn phương án giải quyết 7 4. Tổ chức thực hiện 9 IV. Một số nhận xét và kiến nghị 10 1. Nhận xét chung 10 2. Kiến nghị 12 C. Kết luận 14 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hiến pháp năm 1980, 1992; 2. Luật Đất đai năm 1987, 1993, 2003; 3. Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998, 2004, 2005; Nghị định 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ 4. Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 1998, 2006; 20 5. Quyết định số 111/CP ngày 14/4/1997 của Hội đồng Chính phủ ban hành chính sách cải tạo và quản lý XHCN đối với nhà đất cho thuê ở các tỉnh phía nam; 6. Nghị quyết 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội; Nghị quyết 755/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02/4/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định 197/2005/NĐ-CP ngày 10/10/2005 của Chính phủ quy định việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà đất trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN trước ngày 01/7/1991 7. Thông tư số 83/TC-TCT ngày 07/10/1994 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành chi tiết Pháp lệnh về thuế nhà, đất.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdftieuluan_3pdf_6726.pdf