Tiểu luận Ngân hàng - Lợi nhuận ngân hàng- hoạt đọng của ngân hàng thương mại tại Việt Nam

Chi tiết,rõ ràng, định nghĩa dễ hiểu về Ngân hàng và nguồn thu lợi nhuận của Ngân hàng. Hoạt đọng của Ngân Hàng thương MẠi tại Việt NAm Những ưu, nhược điểm về tình hình hoạt động của ngân hàng ở Việt Nam hiện nay Bài tiểu luận này nhóm mình được 9 điểm đấy nhá )

doc12 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3486 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Ngân hàng - Lợi nhuận ngân hàng- hoạt đọng của ngân hàng thương mại tại Việt Nam, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
A. Ngân hàng và lợi nhuận của ngân hàng. I. Khái quát chung về Ngân hàng. 1. Ngân hàng là gì? Ngân hàng là một tổ chức trung gian tài chính giữa hai hay nhiều bên. Thực hiện các hoạt động các hoạt động tín dụng như nhận tiền gửi, cho vay và đầu tư tài chính, các hoạt động thanh toán, phát hành các loại kỳ phiếu, hối phiếu , v.v... và một số hoạt động khác. Một số ngân hàng còn có chức năng phát hành tiền. 2. Lịch sử ra đời của ngân hàng. Những dịch vụ ngân hàng đầu tiên không dành cho đông đảo người dân bình thường. Các hoàng tộc, vương triều và một số ít nhà buôn giàu mới là đối tượng phục vụ của ngân hàng nguyên thủy. Ngân hàng là tổ chức tài chính nhận tiền gửi và cung cấp các khoản vay. Những ngân hàng đầu tiên được biết tới trong lịch sử nhân loại là các đền thờ cổ đại. Vào khoảng ba nghìn năm trước Công nguyên. Hình thức ngân hàng sơ khai được nhiều nhà sử học cho rằng đã hình thành trước khi con người phát minh ra tiền. Ban đầu, tài sản gửi tại "ngân hàng'' là các loại ngũ cốc, sau đó là gia cầm, nông sản, rồi đến kim loại quý như vàng. Đền thờ là nơi an toàn để cất trữ tài sản. Đó là các công trình được xây dựng kiên cố, thường xuyên có người tới hành lễ. Và xét về tâm linh thì ngay những tên trộm táo tợn nhất cũng có ý tránh chốn linh thiêng này. Tại Ai Cập và Mesopotamia, vàng được gửi vào các đền thờ. Nhưng những tài sản quý giá này lại ngủ yên trong đó, trong khi, ở bên ngoài xã hội, các nhóm thương nhân và hoàng tộc lại rất cần sử dụng chúng. Các nhà khảo cổ học tìm được những tàng tích cho thấy tới đầu thế kỷ 18 trước công nguyên, tại Babylon, dưới thời trị vì của Hammurabi, thầy tu trông giữ đền thờ bắt đầu cho các nhà buôn mượn tài sản cất trữ trong đền. Khái niệm ngân hàng ra đời. Như vậy ngân hàng đã có lịch sử phát triển hàng ngàn năm. Cho đến nay đã xuất hiện thêm nhiều loại ngân hàng, với các phương thức hoạt động thu lợi nhuận cũng khác nhau, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ. Sự phát triển của hệ thống ngân hàng đi liền với các hoạt động thương mại nở rộ. 3. Phân loại hệ thống ngân hàng. Hệ thống ngân hàng trung gian gồm : Ngân hàng thương mại , ngân hàng có mục đích đặc biệt , ngân hàng tiết kiệm. a . Hệ thống ngân hàng thương mại (Commercial bank system ) Cho đến thời điểm hiện nay có rất nhiều khái niệm về ngân hàng thương mại: Ở Mỹ: Ngân hàng thương mại là công ty kinh doanh tiền tệ, chuyên cung cấp dịch vụ tài chính và hoạt động trong ngành công nghiệp dịch vụ tài chính. Đạo luật ngân hàng của Pháp (1941) cũng đã định nghĩa: “Ngân hàng thương mại là những xí nghiệp hay cơ sở mà nghề nghiệp thường xuyên là nhận tiền bạc của công chúng dưới hình thức ký thác, hoặc dưới các hình thức khác và sử dụng tài nguyên đó cho chính họ trong các nghiệp vụ về chiết khấu, tín dụng và tài chính”. Ở Việt Nam, theo Luật tổ chức tín dụng khoản 1 và khoản 7 Điều 20 đã xác định "tổ chức tín dụng là doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tiền tệ, làm dịch vụ ngân hàng với nội dung nhận tiền gửi và sử dụng tiền gửi để cấp tín dụng, cung cấp các dịch vụ thanh toán" và trong các loại hình tổ chức tín dụng thì " ngân hàng thương mại là một tổ chức kinh doanh tiền tệ mà hoạt động chủ yếu và thường xuyên là nhận tiền gửi của khách hàng với trách nhiệm hoàn trả và sử dụng số tiền đó để cho vay, thực hiện các nghiệp vụ chiết khấu và làm phương tiện thanh toán". Từ những nhận định trên có thể thấy ngân hàng thương mại là một trong những định chế tài chính mà đặc trưng là cung cấp đa dạng các dịch vụ tài chính với nghiệp vụ cơ bản là nhận tiền gửi, cho vay và cung ứng các dịch vụ thanh toán. Ngoài ra, ngân hàng thương mại còn cung cấp nhiều dịch vụ khác nhằm thoả mãn tối đa nhu cầu về sản phẩm dịch vụ của xã hội. b . Hệ thống ngân hàng có mục đích đặc biệt. Về cơ bản thì loại ngân hàng này cũng huy động như NHTM nhưng có điều nó cho vay với đối tượng thu hẹp (theo mục đích như tên gọi) và đôi khi có cả sự hỗ trợ từ phía chính phủ . c . Ngân hàng tiết kiệm. Ngân hàng này huy động chủ yếu từ tiền tiết kiệm của nhân dân và ko phát hành phiếu nợ và hầu như không vay của các ngân hàng khác và ngân hàng thương mại. (trừ trường hợp đặc biệt như khủng hoảng tài chính ). Và hầu hết đối tượng vay lại là những người gửi tiết kiệm tại ngân hàng này và cho vay có đảm bảo . Ở Việt Nam hầu như chưa có hình thức này, một số ngân hàng trên thế giới như: Nation savings bank (ngân hàng tiết kiệm quốc gia của Anh)….. Ngoài cách phân loại trên, ở Việt Nam còn có cách phân loại như sau: Dựa trên hoạt động, chia thành Ngân hàng thương mại và Ngân hàng đầu tư. Ở đây không nhắc đến Ngân hàng trung ương vì Ngân hàng Trung Ương (Central Bank hoặc State bank) chỉ quản lý, giám sát các Ngân hàng thương mại, thực hiện các chính sách tiền tệ, không có chức năng kinh doanh nên không đề cập. Ngân hàng thương mại: Khái niệm đã nêu ở trên, về phân loại: - Ngân hàng bán lẻ: chủ yếu hướng đến phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ (ở Việt nam, tiêu biểu là các ngân hàng Sacombank, ACB, DongA, Techcombank...). - Ngân hàng bán sỉ: hướng đến đối tượng là các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn đa quốc gia Ngân hàng đầu tư: Thực hiện các hoạt động như bảo lãnh phát hành cổ phiếu, trái phiếu; tự doanh; tạo lập thị trường; tư vấn cho các doanh nghiệp về các hoạt động trên thị trường vốn như mua bán, sáp nhập doanh nghiệp...Ngoài ra, các ngân hàng đầu tư còn cung cấp các khoản tài trợ cho doanh nghiệp, nhưng dưới hình thức góp vốn cổ phần chứ không phải khoản vay. Loại hình Ngân hàng này ở VN không có, các hoạt động của ngân hàng đầu tư được tực hiện bởi các công ty chứng khoán và các quỹ đầu tư. Tiêu biểu cho loại hình này có các Ngân hàng như Lehman Brothers (đã phá sản), Goldman Sachs, JP Morgan Chase... Có một loại hình ngân hàng hiện nay cũng chưa có ở VN (hình như chỉ có Standard Chartered Bank Việt Nam mới cung cấp dịch vụ này), đó là private banking. Đây là dịch vụ quản lý tài sản cho các cá nhân và gia đình giàu có nên rất kén chọn khách hàng. Tiêu biểu cho loại hình này là ING Private Banking. 4. Chức năng. Những chức năng cơ bản của ngân hàng đa năng ngày nay: Chức năng ủy thác. Chức năng tín dụng Chức năng lập kế hoạch đầu tư Chức năng thanh toán Chức năng tiết kiếm Chức năng quản lý tiền mặt Chức năng ngân hàng đầu tư và bảo lãnh Chức năng môi giới Chức năng bảo hiểm 5. Các phòng ban chính của một ngân hàng gồm: Tín dụng cá nhân. Tín dụng doanh nghiệp. Dịch vụ khách hàng cá nhân. Dịch vụ khách hàng doanh nghiệp. Kinh doanh tiền tệ. Thẻ. Thanh toán quốc tế. Kế toán tổng hợp. Thẩm định giá. Đầu tư tài chính. Kiểm toán nội bộ. Phòng nghiên cứu phát triển. Phòng maketting. Phòng quản lí tín dụng Phòng pháp chế Phòng quan hệ quốc tế Phòng thu hồi nợ. II. Lợi nhuận ngân hàng cùng các dịch vụ thu lợi nhuận. 1. Sơ lược về lợi nhuận ngân hàng Ngân hàng có hai nghiệp vụ chủ yếu: nhận gửi và cho vay. Trong nghiệp vụ nhận gửi, ngân hàng trả lợi tức cho người nhận tiền; còn trong nghiệp vụ cho vay, ngân hàng phải thu lợi tức của người đi vay. Về nguyên tắc, lợi tức cho vay phải cao hơn lợi tức nhận gửi. Chênh lệch giữa lợi tức cho vay và lợi tức nhận gửi sau khi trừ đi những chi phí về nghiệp vụ kinh doanh ngân hàng cộng với các thu nhập khác về kinh doanh tư bản tiền tệ hình thành nên lợi nhuận ngân hàng. 2. Các dịch vụ thu lợi nhuận. a. Các dịch vụ truyền thống. - Thực hiện trao đổi ngoại tệ. Lịch sử cho thấy rằng một trong những dịch vụ ngân hàng đầu tiên được thực hiện là trao đổi ngoại tệ - một nhà ngân hàng đứng ra mua, bán một loại tiền này, chẳng hạn USD lấy một lại tiền khác, chẳng hạn Franc hay Pesos và hưởng phí dịch vụ. Sự trao đổi đó là rất quan trọng đối với khách du lịch vì họ sẽ cảm thấy thuận tiện và thoải mái hơn khi có trong tay đồng bản tệ của quốc gia hay thành phố họ đến. Trong thị trường tài chính ngày nay, mua bán ngoại tệ thường chỉ do các ngân hàng lớn nhất thực hiện bởi vì những giao dịch như vậy có mức độ rủi ro cao, đồng thời yêu cầu phải có trình độ chuyên môn cao. - Chiết khấu thương phiếu và cho vay thương mại. Ngay ở thời kỳ đầu, các ngân hàng đã chiết khấu thương phiếu mà thực tế là cho vay đối với các doanh nhân địa phương những người bán các khoản nợ (khoản phải thu) của khách hàng cho ngân hàng để lấy tiền mặt. Đó là bược chuyển tiếp từ chiết thương phiếu sang cho vay trực tiếp đối với các khách hàng, giúp họ có vốn để mua hàng dự trữ hoặc xây dựng văn phòng và thiết bị sản xuất. - Nhận tiền gửi. Cho vay được coi là hoạt động sinh lời cao, do đó các ngân hàng đã tìm kiếm mọi cách để huy động nguồn vốn cho vay. Một trong những nguồn vốn quan trọng là các khoản tiền gửi tiết kiệm gửi tiết kiệm của khách hàng – một quỹ sinhlợi được gửi tại ngân hàng trong khoảng thời gian nhiều tuần, nhiều tháng, nhiều năm, đôi khi được hưởng mức lãi suất tương đối cao. Trong lịch sử đã có những kỷ lục về lãi suất, chẳng hạn các ngân hàng Hy Lạp đã trả lãi suất 16% một năm để thu hút các khoản tiết kiệm nhằm mục đích cho vay đối với các chủ tàu ở Địa Trung Hải với lãi suất gấp đôi hay gấp ba lãi suất tiết kiệm. - Bảo quản vật có giá trị: Ngay từ thời Trung Cổ, các ngân hàng đã bắt đầu thực hiện việc lưu giữ vàng và các vật có giá khác cho khách hàng trong kho bảo quản. Một điều hấp hẫn là các giấy chứng nhận do ngân hàng ký phát cho khách hàng (ghi nhận về các tài sản đang được lưu giữ) có thể được lưu hành như tiền – đó là hình thức đầu tiên của séc và thẻ tín dụng. Ngày nay, nghiệp vụ bảo quản vật có giá trị cho khách hàng thường do phòng “Bảo quản” của ngân hàng thực hiện. - Tài trợ các hoạt động của Chính phủ. Trong thời kỳ Trung Cổ và vào những năm đầu cách mạng Công nghiệp, khả năng huy động và cho vay với khối lượng lớn của ngân hàng đã trở thành trọng tâm chú ý của các Chính phủ Âu – Mỹ. Thông thường, ngân hàng được cấp giấy phép thành lập với điều kiện là họ phải mua trái phiếu Chính phủ theo một tỷ lệ nhất định trên tổng lượng tiền gửi mà ngân hàng huy động được. Các ngân hàng đã cam kết cho Chính phủ Mỹ vay trong thời kỳ chiến tranh. Ngân hàng Bank of North America được Quốc hội cho phép thành lập năm 1781, ngân hàng này được thành lập để tài trợ cho cuộc đấu tranh xóa bỏ sự đô hộ của nước Anh và đưa Mỹ trở thành quốc gia có chủ quyền. Cũng như vậy, trong thời kỳ nội chiến, Quốc hội đã lập ra một hệ thống ngân hàng liên bang mới, chấp nhận các ngân hàng quốc gia ở mọi tiểu bang miễn là các ngân hàng này phải lập Quỹ phục vụ chiến tranh. - Cung cấp các tài khoản giao dịch. Cuộc cách mạng công nghiệp ở Châu Âu và Châu Mỹ đã đánh dấu sự ra đời những hoạt động và dịch vụ ngân hàng mới. Một dịch vụ mới, quan trong nhất được phát triển trong thời kỳ này là tài khoản tiền gửi giao dịch (demand deposit) – một tài khoản tiền gửi cho phép người gửi tiền viết séc thanh toán cho việc mua hàng hóa và dịch vụ. Việc đưa ra loại tài khỏan tiền gửi mới này được xem là một trong những bước đi quan trọng nhất trong công nghiệp ngân hàng bởi vì nó cải thiện đáng kể hiệu quả của quá trình thanh toán, làm cho các giao dịch kinh doanh trở nên dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn và an toàn hơn. - Cung cấp dịch vụ ủy thác. Từ nhiều năm nay, các ngân hàng đã thực hiện việc quản lý tài sản và quản lý hoạt động tài chính cho cá nhân và doanh nghiệp thương mại. Theo đó ngân hàng sẽ thu phí trên cơ sở giá trị của tài sản hay quy mô họ quản lý. Chức năng quản lý tài sản này được gọi là dịch vụ ủy thác (trust service). Hầu hết các ngân hàng đều cung cấp cả hai loại: dịch vụ ủy thác thông thường cho cá nhân, hộ gia đình; và ủy thác thương mại cho các doanh nghiệp. Thông qua phòng Ủy thác cá nhân, các khách hàng có thể tiết kiệm các khoản tiền để cho con đi học. Ngân hàng sẽ quản lý và đầu tư khoản tiền đó cho đến khi khách hàng cần. Thậm chí phổ biến hơn, các ngân hàng đóng vai trò là người được ủy thác trong di chúc quản lý tài sản cho khách hàng đã qua đời bằng cách công bố tài sản, bảo quản các tài sản có giá, đầu tư có hiệu quả, và đảm bảo cho người thừa kế hợp pháp việc nhận được khoản thừa kế. Trongphòng ủy thác thương mại, ngân hàng quản lý danh mục đầu tư chứng khoán và kế hoạch tiền lương cho các công ty kinh doanh. Ngân hàng đóng vai trò như những người đại lý cho các công ty trong hoạt động phát hành cổ phiếu, trái phiếu. Điều này đòi hỏi phòng ủy thác trả lãi hoặc cổ tức cho chứng khoán của công ty, thu hồi các chứng khoán khi đến hạn bằng cách thanh toán toàn bộ cho người nắm giữ chứng khoán. b. Các dịch vụ ngân hàng mới phát triển gần đây. - Cho vay tiêu dùng. Trong lịch sử, hầu hết các ngân hàng không tích cực cho vay đối với cá nhân và hộ gia đình bởi vì họ tin rằng các khoản cho vay tiêu dùng nói chung có quy mô rất nhỏ với rủi ro vỡ nợ tương đối cao và do đó làm cho chúng trở nên có mức sinh lời thấp. Đầu thế ký này, các ngân hàng bắt đầu dựa nhiều hơn vào tiền gửi của khách hàng để tài trợ cho những món vay thương mại lớn. Và rồi sự cạnh tranh khốc liệt trong việc giành giật tiền gửi và cho vay đã buộc các ngân hàng phải hướng tới người tiêu dùng như là một khách hàng trung thành tiềm năng. Cho tới những năm 1920 và 1930, nhiều ngân hàng lớn do Citicorp và Bank of America dẫn đầu đã thành lập những phòng tín dụng tiêu dùng lớn mạnh. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, tín dụng tiêu dùng đã trở thành một trong những loại hình tín dụng có mức tăng trưởng nhanh nhất. Mặc dầu vậy, tốc độ tăng trưởng này gần đây đã chậm lại do cạnh tranh về tín dụng tiêu dùng ngày càng trở nên gay gắt trong khi nền kinh tế đã phát triển chậm lại. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn tiếp tục là nguồn vốn chủ yếu của ngân hàng và tạo ra một trong số những nguồn thu quan trọng nhất. - Tư vấn tài chính: Các ngân hàng từ lâu đã được khách hàng yêu cầu thực hiện hoạt động tư vấn tài chính, đặc biệt là về tiết kiệm và đầu tư. Ngân hàng ngày nay cung cấp nhiều dịch vụ tư vấn tài chính đa dạng, từ chuẩn bị về thuế và kế hoạch tài chính cho các cá nhân đến tư nhân về các cơ hội thị trường trong nước và ngoài nước cho các khách hàng kinh doanh của họ. - Quản lý tiền mặt. Qua nhiều năm, các ngân hàng đã phát hiện ra rằng một số dịch vụ mà họ làm cho bản thân mình cũng có ích đối với các khách hàng. Một trong những ví dụ nổi bật nhất là dịch vụ quản lý tiền mặt, trong đó ngân hàng đồng ý quản lý việc thu và chi cho một công ty kinh doanh và tiến hành đầu tư phần thặng dư tiền mặt tạm thời vào các chứng khoản sinh lợi và tín dụng ngắn hạn cho đến khi khách hàng cần tiền mặt để thanh toán. Trong khi các ngân hàng có khuynh hướng chuyên môn hóa vào dịch vụ quản lý tiền mặt cho các tổ chức, hiện nay có một xu hường đang gia tăng về việc cung cấp các dịch vụ tương tự cho người tiêu dùng. Sở dĩ khuynh hướng này đang lan rộng là do các công ty môi giới chứng khoán, các tập đoàn tài chính khác cũng cấp cho người tiêu dùng tài khoản môi giới với hàng loạt dịch vụ tài chính liên quan. - Dịch vụ thuê mua thiết bị. Rất nhiều ngân hàng tích cực cho khách hàng kinh doanh quyền lựa chọn mua các thiết bị, máy móc cần thiết thông qua hợp đồng thuê mua, trong đó ngân hàng mua thiết bị và cho khách hàng thuê. Ban đầu các qui định yêu cầu khách hàng sử dụng dịch vụ thuê mua thiết bị phải trả tiền thuê (mà cuối cùng sẽ đủ để trang trải chi phí mua thiết bị) đồng thời phải chịu chi phí sửa chữa và thuế. Năm 1987, quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu cho phép ngân hàng quốc gia sở hữu ít nhất một số tài sản cho thuê sau khi hợp đồng thuê mua đã hết hạn. Điều đó có lợi cho các ngân hàng cũng như khách hàng bởi vì bới tư cách là một người chủ thực sự của tài sản cho thuê, ngân hàng có thể khấu hao chúng nhằm làm tăng lợi ích về thuế. - Cho vay tài trợ dự án. Các ngân hàng ngày càng trở nên năng động trong việc tài trợ cho chi phí xây dựng nhà máy mới đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao. Do rủi ro trong loại hình tín dùng này nói chung là cao nên chúng thường được thực hiện qua một công ty đầu tư, là thành viên của công sở hữu ngân hàng, cùng với sự tham gia của các nhà thầu, là thành viên của công ty sở hữu ngân hàng, cùng với sự tham gia của các nhà đầu tư khác để chia sẻ rủi ro. Những ví dụ nổi bật về loại hình công ty đầu tư này là Bankers Trust Venture Capital anh Citicorp Venture…. - Bán các dịch vụ bảo hiểm. Từ nhiều năm nay, các ngân hàng đã bán bảo hiểm tín dụng cho khách hàng, điều đó bảo đảm việc hòan trả trong trường hợp khách hàng vay vốn bị chết hay bị tàn phế. Trong khi các quy định ở Mỹ cấm ngân hàng thương mại trực tiếp bán các dịch vụ bảo hiểm, nhiều ngân hàng hi vọng có thể đưa ra các hợp đồng bảo hiểm cá nhân thông thường và hợp đồng bảo hiểm tổn thất tài sản như ôtô hay nhà cửa trong tương lai. Hiện nay, ngân hàng thường bảo hiểm cho khách hàng thông qua các liên doanh hoặc các thỏa thuận đại lý kinh doanh độc quyền theo đó một công ty bảo hiểm đồng ý đặt một văn phòng đại lý tại hành lang của ngân hàng và ngân hàng sẽ nhận một phần thu nhập từ các dịch vụ ở đó. - Cung cấp các kế hoạch hưu trí. Phòng ủy thác ngân hàng rất năng động trong việc quản lý kế hoạch hưu trí mà hầu hết các doanh nghiệp lập cho người lao động, đầu tư vốn và phát lương hưu cho những người đã nghỉ hưu hoặc tàn phế. Ngân hàng cũng bán các kế hoạch tiền gửi hưu trí (được biết như IRAS và Keogle) cho các cá nhân và giữ nguồn tiền gửi cho đến khi người sở hữu các kế hoạch này cần đến. - Cung cấp các dịch vụ môi giới đầu tư chứng khoán. Trên thị trường tài chính hiện nay, nhiều ngân hàng đang phấn đấu để trở thành một “bách hóa tài chính” thực sự, cung cấp đủ các dịch vụ tài chính cho phép khách hàng thỏa mãn mọi nhu cầu tại một địa điểm. Đây là một trong những lý do chính khiến các ngân hàng bắt đầu bán các dịch vụ môi giới chứng khoán, cung cấp cho khách hàng cơ hội mua cổ phiếu, trái phiếu và các chứng khoán khác mà không phải nhờ đến người kinh doanh chứng khoán. Trong một vài trường hợp, các ngân hàng mua lại một công ty môi giới đang hoạt động (ví dụ Bank of America mua Robertson Stephens Co.) hoặc thành lập các liên doanh với một công ty môi giới. - Cung cấp dịch vụ quỹ tương hỗ và trợ cấp. Do ngân hàng cung cấp các tài khoản tiền gửi truyền thống với lãi suất quá thấp, nhiều khách hàng đã hướng tới việc sử dụng cái gọi là sản phẩm đầu tư (investment products) đặc biệt là các tài khoản của quỹ tương hỗ và hợp đồng trợ cấp, những loại hình cung cấp triển vọng thu nhập cao hơn tài khoản tiền gửi dài hạn cam kết thanh toán một khoản tiền mặt hàng năm cho khách hàng bắt đầu từ một ngày nhất định trong tương lai ( chẳng hạn ngày nghỉ hưu). Ngược lại, quỹ tương hỗ bao gồm các chương trình đầu tư được quản lý một cách chuyên nghiệp nhằm vào việc mua cổ phiếu, trái phiếu và các chứng khoán phù hợp với mục tiêu của quỹ (ví dụ: Tối đa hóa thu nhập hay đạt được sự tăng giá trị vốn). B. Hoạt động của ngân hàng thương mại ở Việt Nam hiện nay. I. Khái quát ngân hàng thương mại ở Việt Nam. 1.Khái niệm Ngân hàng thương mại : Theo Luật Tổ chức tín dụng số 02/97/QH 10 ngày 12/12/97 định nghĩa ngân hàng thương mại là loại hình Tổ chức Tín dụng được thực hiện toàn bộ hoạt động ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác có liên quan. Trong đó, hoạt động ngân hàng là hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng với nội dung thường xuyên là nhận tiền gửi, sử dụng tiền này để cấp tín dụng và cung ứng các dịch vụ thanh toán. 2. Các chức năng của ngân hàng thương mại. a. Chức năng trung gian tín dụng Chức năng trung gian tín dụng được xem là chức năng quan trọng nhất của ngân hàng thương mại Khi thực hiện chức năng trung gian tín dụng, NHTM đóng vai trò là cầu nối giữa người thừa vốn và người có nhu cầu về vốn. Với chức năng này, ngân hàng thương mại vừa đóng vai trò là người đi vay, vừa đóng vai trò là người cho vay và hưởng lợi nhuận là khoản chênh lệch giữa lãi suất nhận gửi và lãi suất cho vay và góp phần tạo lợi ích cho tất cả các bên tham gia: người gửi tiền và người đi vay. b. Chức năng trung gian thanh toán Ở đây NHTM đóng vai trò là thủ quỹ cho các doanh nghiệp và cá nhân, thực hiện các thanh toán theo yêu cầu của khách hàng như trích tiền từ tài khoản tiền gửi của họ để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ hoặc nhập vào tài khoản tiền gửi của khách hàng tiền thu bán hàng và các khoản thu khác theo lệnh của họ. Các NHTM cung cấp cho khách hàng nhiều phương tiện thanh toán tiện lợi như séc, ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu, thẻ rút tiền, thẻ thanh toán, thẻ tín dụng… Tùy theo nhu cầu, khách hàng có thể chọn cho mình phương thức thanh toán phù hợp. Nhờ đó mà các chủ thể kinh tế không phải giữ tiền trong túi, mang theo tiền để gặp chủ nợ, gặp người phải thanh toán dù ở gần hay xa mà họ có thể sử dụng một phương thức nào đó để thực hiện các khoản thanh toán. Do vậy các chủ thể kinh tế sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí, thời gian, lại đảm bảo thanh toán an toàn. Chức năng này vô hình chung đã thúc đẩy lưu thông hàng hóa, đẩy nhanh tốc độ thanh toán, tốc độ lưu chuyển vốn, từ đó góp phần phát triển kinh tế. c. Chức năng tạo tiền Tạo tiền là một chức năng quan trọng, phản ánh rõ bản chất của ngân NHTM. Với mục tiêu là tìm kiếm lợi nhuận như là một yêu cầu chính cho sự tồn tại và phát triển của mình, các NHTM với nghiệp vụ kinh doanh mang tính đặc thù của mình đã vô hình chung thực hiện chức năng tạo tiền cho nền kinh tế. Chức năng tạo tiền được thực thi trên cơ sở hai chức năng khác của NHTM là chức năng tín dụng và chức năng thanh toán. Thông qua chức năng trung gian tín dụng, ngân hàng sử dụng số vốn huy động được để cho vay, số tiền cho vay ra lại được khách hàng sử dụng để mua hàng hóa, thanh toán dịch vụ trong khi số dư trên tài khoản tiền gửi thanh toán của khách hàng vẫn được coi là một bộ phận của tiền giao dịch, được họ sử dụng để mua hàng hóa, thanh toán dịch vụ… Với chức năng này, hệ thống NHTM đã làm tăng tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả của xã hội. 3. Các nghiệp vụ của Ngân hàng thương mại a. Nghiệp vụ nguồn vốn : Ngân hàng thương mại sử dụng những biện pháp và công cụ cần thiết mà luật pháp cho phép để huy động các nguồn tiền nhàn rỗi trong xã hội làm nguồn vốn tín dụng để cho vay đối với nền kinh tế. Kết quả của nghiệp vụ nguồn vốn là tạo ra nguồn vốn đáp ứng các nhu cầu của nền kinh tế. Thành phần nguồn vốn gồm: Vốn điều lệ và các quỹ : Vốn điều lệ và các quỹ của ngân hàng được gọi là vốn của ngân hàng, là nguồn vốn khởi đầu và được bổ sung trong quá trình hoạt động. Vốn huy động : Vốn huy động là nguồn vốn chủ yếu của ngân hàng thương mại, được huy động từ dân cư và các tổ chức kinh tế bằng nhiều hình thức: tiền gửi không kì hạn của đơn vị, cá nhân; tiền gửi tiết kiệm không kì hạn hoặc có kì hạn; phát hành kì phiếu, trái phiếu; các khoản tiền gửi khác. Vốn đi vay: Nguồn vốn đi vay có vị trí quan trọng trong tổng nguồn vốn , bao gồm: - Vốn vay trong nước: vay ngân hàng trung ương và các ngân hàng thương mại khác. - Vốn vay Ngân hàng nước ngoài. Vốn tiếp nhận: Đây là các nguồn tiếp nhận từ các tổ chức tài chính ngân hàng, từ Ngân Sách Nhà nước... để tài trợ theo các chương trình, dự án về phát triển kinh tế xã hội, cải tạo môi sinh... theo đúng đối tượng và mục tiêu đã được xác định. Vốn khác: Đó là các nguồn vốn phát sinh trong quá trình hoạt động của ngân hàng ( đại lý, chuyển tiền,..., các dịch vụ ngân hàng ). b. Nghiệp vụ sử dụng vốn Nghiệp vụ cho vay và đầu tư là nghiệp vụ sử dụng vốn quan trọng nhất, quyết định đến khả năng tồn tại và hoạt động của ngân hàng thương mại. Thành phần tài sản có ( Assets ) của ngân hàng gồm: Dự trữ ( Reserves ): Dự trữ là một bộ phận cần thiết và tất yếu đối với mọi Ngân hàng. Vấn đề bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng nhằm giữ vững lòng tin của khách hàng là hết sức quan trọng. Muốn có được sự tin cậy từ phía khách hàng, trước hết phải đảm bảo khả năng thanh toán làm sao để đáp ứng được nhu cầu rút tiền của khách hàng. Muốn vậy, các ngân hàng phải để dành một phần nguồn vốn, không sử dụng nó để sẵn sàng cho nhu cầu thanh toán, phần vốn này gọi là dự trữ. Dự trữ bao gồm :dự trữ bắt buộc theo luật định mà ngân hàng thương mại phải gửi vào ngân hàng trung ương và các khoản tiền mà ngân hàng thương mại dự trữ để thanh toán ( tiền trong két ). Cấp tín dụng ( Credit ): Số nguồn vốn còn lại sau khi đã để dành một phần dự trữ, các ngân hàng thương mại có thể dùng để cấp tín dụng cho các đơn vị, tổ chức kinh tế. Đây là hoạt động chủ yếu và quan trọng nhất đối với ngân hàng. Đầu tư: Đây là khoản mục mang lại thu nhập đáng kể cho các ngân hàng thương mại sau khoản mục cho vay. Ngân hàng đầu tư dưới các hình thức : hùn vốn, mua cổ phần, cổ phiếu, mua trái phiếu chính phủ ... Tài sản có khác: Chủ yếu là tài sản cố định - cơ sở vật chất để tiến hành hoạt động ngân hàng. Ngoài ra còn có các khoản thuộc tài sản Có khác như : các khoản phải thu, các khoản khác... c. Các nghiệp vụ trung gian khác của ngân hàng : Dịch vụ ngân hàng ngày càng phát triển và có vị trí xứng đáng trong giai đoạn phá triển hiện nay của Ngân hàng Thương mại. Các hoạt động này gồm: - Các dịch vụ thanh toán, thu chi hộ cho khách hàng ( chuyển tiền, thu hộ séc, dịch vụ cung cấp thẻ tín dụng, thẻ thanh toán...) - Nhận bảo quản các tài sản quí giá, các giấy tờ, chứng thư quan trọng của dân chúng. - Bảo quản, mua bán hộ chứng khoán theo uỷ nhiệm của khách hàng. - Kinh doanh mua bán ngoại tệ, vàng, bạc, đá quý. - Tư vấn tài chính, giúp đỡ các công ty, xí nghiệp phát hành cổ phiếu, trái phiếu...v..v 4. Các hình thức tín dụng của ngân hàng thương mại: a. Căn cứ theo thời hạn cho vay : - Cho vay ngắn hạn : Loại cho vay này có thời hạn đến 12 tháng và được sử dụng để bù đắp sự thiếu hụt vốn lưu động của các doanh nghiệp và các nhu cầu chi tiêu ngắn hạn của cá nhân. - Cho vay trung hạn : Là loại cho vay có thời hạn trên 12 tháng đến 5 năm. Tín dụng trung hạn chủ yếu được sử dụng để đầu tư mua sắm tài sản cố định, cải tiến đổi mới thiết bị, công nghệ, mở rộng sản xuất kinh doanh, xây dựng các dự án mới có qui mô nhỏ và thời gian thu hồi vốn nhanh. - Cho vay dài hạn : Loại cho vay này có thời hạn trên 5 năm. Tín dụng dài hạn được sử dụng để cấp vốn cho xây dựng cơ bản như đầu tư xây dựng các xí nghiệp mới, các công trình thuộc cơ sở hạ tầng, cải tiến và mở rộng sản xuất có qui mô lớn. b. Căn cứ theo tính chất đảm bảo của vốn vay : - Tín dụng có đảm bảo không bằng tài sản: Là tín dụng không có tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bảo lãnh của người thứ ba, mà việc cho vay chỉ dựa vào phương án vay vốn khả thi, uy tín của bản thân khách hàng hoặc của người bảo lãnh . - Tín dụng có đảm bảo bằng tài sản: Là tín dụng có tài sản cầm cố, thế chấp hoặc bảo lãnh của người thứ ba. Sự bảo đảm này là căn cứ pháp lý để ngân hàng có thêm một nguồn thu nợ thứ hai, bổ sung cho nguồn thu nợ thứ nhất thiếu chắc chắn. c. Căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay : Căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay thì tín dụng ngân hàng được chia làm hai loại sau : - Tín dụng đầu tư kinh doanh: Được dùng để cấp phát vốn cho các nhà doanh nghiệp và các chủ thể kinh tế khác để tiến hành sản xuất và kinh doanh. - Tín dụng tiêu dùng: Là hình thức cấp tín dụng cho các cá nhân để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng như : Mua sắm nhà cửa, xe cộ, các hàng hoá bền chắc như máy giặt, tủ lạnh và các nhu cầu bình thường hàng ngày. Đây là loại tín dụng có khả năng sinh lời khá lớn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của ngân hàng. II. Thực trạng hoạt động ngân hàng thương mại Việt Nam Năm 1997, cả nước có bốn ngân hàng quốc doanh, 51 ngân hàng cổ phần (bao gồm ngân hàng cổ phần nông thôn) và 23 chi nhánh ngân hàng nước ngoài (kể cả ngân hàng liên doanh). Pháp lệnh ngân hàng ngày 23/5/1990 của hội đồng Nhà nước Việt Nam xác định: "Ngân hàng thương mại là tổ chức kinh doanh tiền tệ mà họat động chủ yếu và thường xuyên là nhận tiền kí gửi từ khách hàng với trách nhiệm hoàn trả và sử dụng số tiền đó để cho vay, thực hiện nghiệp vụ chiết khấu và làm phương tiện thanh toán" Tính đến nay, theo số liệu của Tổng cục thống kê thì hiện Việt nam có: 5 Ngân hàng thương mại lớn (Ngân hàng Ngoại thương, Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Công Thương, Ngân hàng Đầu tư Phát triển, Ngân hàng Xuất nhập khẩu), Ngân hàng chính sách, Ngân hàng phát triển; 6 Ngân hàng liên doanh; 36 Ngân hàng thương mại cổ phần; 46 chi nhánh Ngân hàng nước ngoài; 10 Công ty tài chính; 13 Công ty cho thuê tài chính; 998 Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở. Các đơn vị trên đều có chức năng cho vay, là chức năng chính của ngân hàng. Dân số nước ta hiện nay ước khoảng 86 triệu người, GDP khoảng 65 tỷ USD, số lượng các ngân hàng này hiện này được xem là đông đảo với một thị trường tài chính nhỏ như Việt Nam. Hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có sự tăng trưởng rất nhanh trong những năm qua với tốc độ tăng trưởng bình quân 35%/năm. Bên cạnh sự tăng trưởng, hiệu quả hoạt động của các Ngân hàng thương mại cũng được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là khối ngân hàng thương mại cổ phần. Năm 2007, tỷ lệ ROA trung bình của toàn hệ thống đạt 1,51%, ROE đạt 16,42% so với mức trung bình trong khu vực lần lượt là 1,18% và 16,47%. Tỷ lệ NPL của toàn hệ thống ngân hàng trong đã giảm từ 14% trong năm 2006 xuống 3% trong năm 2007, tính theo chuẩn quốc tế (IFRS) tỷ lệ này lần lượt là 30% năm 2006 và 6% năm 2007. Bên cạnh những mặc tích cực, NHTM ở Việt Nam hiện vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế: - Tuy tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh nhưng hiện vẫn cao hơn nhiều so với mức 0,06% của các chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. - Tình trạng “ngân hàng hóa” còn thấp. Từ năm 2003 đến năm 2007, có 11 ngân hàng nông thôn được phép chuyển đổi thành ngân hàng đô thị. Hệ thống ngân hàng thương mại phải được khuyến khích và tạo điều kiện mở rộng mạng lưới hoạt động rộng rãi khắp các cụm dân cư từ thành thị đến nông thôn, tạo ra những con kênh chằng chịt thu hút những đồng tiền tiết kiệm cho đầu tư phát triển, một mặt giúp cho đồng tiền tiết kiệm và nhàn rỗi của dân cư càng ít bị bất động hóa càng tốt, mặt khác đưa nguồn tín dụng cần thiết cho những người thật sự cần nó, không phải chỉ ở các thành thị mà còn ở các vùng nông thôn nghèo. Hệ thống ngân hàng thương mại của chúng ta từ ngày được sinh ra cho đến nay hầu như đang bị “đô thị hóa” hoàn toàn, và tình trạng đô thị hóa đó không phải vì lợi ích chung của toàn nền kinh tế. Phải chăng chính hiện tượng này cũng là một tác nhân quan trọng làm tăng sự phân hóa giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn? - Các ngân hàng liên tục phá vỡ đồng thuận Từ khi chính phủ đồng ý cho thực hiện lãi suất thoả thuận thì Hiệp hội Ngân hàng đã phải ba lần can thiệp bằng cách yêu cầu các Ngân hàng cam kết áp trần lãi suất huy động, tránh cuộc đua lãi suất trong toàn hệ thống.Tuy nhiên, các mức đồng thuận 11%, 12% và 14% lần lượt đều bị các ngân hàng phá vỡ. Sau các cơn sốt, Hiện nay, tình hình lãi suất huy động và cho vay trên thị đã ổn định trở lại, lãi suất huy động chủ yếu từ 14% trở xuống, lãi suất cho vay giảm về 18 – 20%. - Về năng lực cạnh tranh: Với những nỗ lực trong thời gian qua năng lực cạnh tranh của NHTMVN đã có bước cải thiện đáng kể nhưng vẫn chưa đủ mạnh để cạnh tranh bình đẳng với các ngân hàng nước ngoài về quy mô số vốn lẫn hệ số an toàn vốn…. Kết Luận Ngân hàng đã có quá trình hình thành và phát triển lâu dài, và nắm giữ vai trò rất quan trọng, đặc biệt là trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Hệ thống ngân hàng, tài chính như "hệ thần kinh" chi phối hoạt động của nền kinh tế đất nước. Qua đề tài: “ Ngân hàng , lợi nhuận và hoạt động ngân hàng thương mại tại Việt Nam hiện nay”, em đã trình bày những khái niệm cơ bản về ngân hàng, quá trình phát triển, hoạt động và các dịch vụ sinh lợi nhuận, hoạt động của ngân hàng thương mại ở Việt Nam hiện nay. Chỉ ra một mặt tích cực và tiêu cực trong hoạt động của ngân hàng thương mại ở nước ta. Để nâng cao hiệu quả, các ngân hàng cần chú trọng đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, cần nâng cao công cụ quản trị, đảm bảo tính an toàn của hệ thống tín dụng, nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng quy mô về tài chính và phấn đấu đạt các chuẩn quốc tế để nâng cao lợi nhuận, đưa ra những dự báo, chiến lược thông minh, hiệu quả, giúp Chính phủ giải quyết khó khăn, duy trì đà tăng trưởng. Hi vọng rằng, bài tiểu luận sẽ giúp các bạn có thêm những kiến thức cơ bản về ngân hàng, và hoạt động của ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Dù đã cố gắng nhưng chắc rằng vẫn còn nhiều thiếu sót. Rất mong nhận được nhiều sự đóng góp ý kiến của cô và các bạn. Em xin chân thành cảm ơn! Danh Mục Tài Liệu Tham Khảo: - Trang wed: www.saga.vn. - Trang wed: www.sinhviennganhang.com - Tiền tệ - ngân hàng, Nguyễn Ninh Kiều, NXB Thống Kê, (1998) [75-85] - Giáo Trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác- Lê Nin ,NXB Chính trị quốc gia (296 - 297).

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docTI7874U LU7852N.doc
  • docL7901i M7903 2727847u.doc
Luận văn liên quan