Tiểu luận Những tác động của việc Việt Nam tham gia vào cộng đồng an ninh ASEAN

Qua các phân tích, mặc dù vẫn còn những thách thức không nhỏ khi Việt Nam tham gia vào ASC nhưng những lợi ích mà ASC đem lại vẫn là mặt chính đ ể bảo đảm an ninh và tồn vong của Việt Nam. Nhận thức được những lợi ích to lớn này, Việt Nam đã tham gia tích cực vào quá trình xây dựng ASC nhằm biến cộng đồng này thành hiện thực trước năm 2015. Qua đó, chính sách đối ngoại của Việt Nam cũng có những bước thay đổi tích cực như nâng cao mức độ việc tập hợp lực lượng trong khu vực và chính sách kết hợp đối ngoại với an ninh quốc phòng. Trong Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới, Đảng cộng sản đã xác định cùng với sức mạnh bên trong thì việc hợp tác với ASEAN là y ếu tố quyết định việc đảm bảo an ninh, phát triển của Việt Nam trong tình hình hiện nay: “Với những thuận lợi đó, đồng thời biết khai thác những lợi thế của nước ta và ASEAN, mở rộng quan hệ quốc tế, chúng ta có khả năng giữ vừng hòa bình, ổn định, để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước”.

pdf20 trang | Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 2883 | Lượt tải: 4download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Những tác động của việc Việt Nam tham gia vào cộng đồng an ninh ASEAN, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
[1] Tiểu luận Những tác động của việc Việt Nam tham gia vào cộng đồng an ninh ASEAN [2] MỤC LỤC Tóm tắt ___________________________________ Error! Bookmark not defined. Lời mở đầu ________________________________ Error! Bookmark not defined. 1. Cộng đồng an ninh ASEAN là gì? ___________________________________ 6 1.1. Mục đích, nguyên nhân thành lập ASC _______________________________ 6 1.2. Tính chất: ______________________________________________________ 8 1.3. Nhận xét ______________________________________________________ 9 2. Lợi ích với an ninh quốc gia và thách thức khi Việt Nam tham gia vào ASC __ 10 2.1. Lợi ích _______________________________________________________ 10 2.2. Thách thức ____________________________________________________ 16 3. Ý nghĩa của việc tham gia Cộng đồng an ninh ASEAN với chính sách đối ngoại của Việt Nam. _____________________________________________________ 17 Kết luận _________________________________________________________ 19 [3] TÓM TẮT Bài viết có nội dung đề cập đến một vấn đề còn tương đối mới trong chính sách đối ngoại của Việt Nam là lợi ích, thách thức và những tác động của việc Việt Nam tham gia vào cộng đồng an ninh ASEAN (ASC) lên chính sách đối ngoại của Việt Nam. Cộng đồng này mới được thành lập với tư cách là một trong ba trụ cột của cộng đồng ASEAN từ năm 2003 và có kế hoạch sẽ trở thành hiện thực vào năm 2015. ASC được thành lập với mục đích tạo dựng một môi trường hòa bình, phát triển và liên kết an ninh giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á với nhau trước những thách thức về mặt an ninh kể cả về mặt truyền thống lẫn phi truyền thống gia tăng tại khu vực sau sự kiện 11/9. Mặc dù là cộng đồng an ninh nhưng ASC lại không tập trung vào hợp tác quân sự mà là một cơ chế an ninh toàn diện, hợp tác trên tất cả các mặt từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh. ASC cũng có những đặc điểm khác với những tổ chức hợp tác an ninh khác khi đề cao yếu tố không xâm phạm độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia thành viên. Mặc dù có tính toàn diện nhưng ASC vẫn có nhiều điểm hạn chế mà nổi bật là tính không ràng buộc của cơ chế này do chịu ảnh hưởng của những đan xen về mặt lợi ích giữa các quốc gia thành viên và các nước lớn có trong khu vực. Ngay khi ASC được thành lập, Việt Nam đã là một thành viên và có những đóng góp tích cực cho việc hình thành và phát triển của ASC. Xét một cách tổng thể, ASC đem lại một môi trường hòa bình, phát triển trong khu vực, một điều cực kì quan trọng với an ninh, phát triển của Việt Nam. Cụ thể hơn, những công cụ mà ASC sở hữu cũng tăng cường việc đảm bảo an ninh cho Việt Nam. Đó là những công cụ tuy không mới như TAC (Hiệp ước thân hữu và hợp tác ở Đông Nam Á) hay SEANWFZ (Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân) nhưng được ASC tăng cường sức mạnh bằng việc kêu gọi sự tham gia của các nước lớn. Đây là điều hết sức thuận lợi với an ninh của Việt Nam vì an ninh với các nước lớn bao giờ cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong khi Việt Nam chưa nhận được một sự [4] đảm bảo nào về mặt an ninh thông qua các cam kết song phương của các nước lớn. ASC cũng có những biện pháp để giải quyết vấn đề biển Đông vốn rất phức tạp với an ninh Việt Nam bằng việc đưa ra cơ chế tập thể các nước ASEAN đàm phán với Trung Quốc để cho ra đời Bộ các quy tắc ứng xử của cac bên ở biển Đông (COC). Đây là một cơ sở pháp lí cực kì quan trọng nhằm giải quyết một cách cơ bản lâu dài những tranh chấp trên khu vực này mà nếu chỉ mình Việt Nam giải quyết thì rất khó thành công. Nhằm giải quyết các nguy cơ an ninh phi truyền thống, ASC cũng đưa ra một loạt công cụ mà tiêu biểu là Công ước ASEAN chống khủng bố, các cơ chế chống tội phạm xuyên quốc gia. Đây là những vấn đề có tính vượt ra ngoài biên giới quốc gia và đương nhiên Việt Nam cần một cơ chế an ninh có tính tập thể như ASEAN để giải quyết. Bên cạnh những mặt lơi ích to lớn, chúng ta cũng phải nhìn nhận những thách thức mà Việt Nam gặp phải khi tham gia vào cộng đồng này. Đó là những thách thức đến từ sự khác biệt về mặt ý thức hệ, lơi ích quốc gia, sự e ngại của các nước ASEAN về những vấn đề an ninh tiềm tàng trong quan hệ giữa Việt Nam với những nước lớn như Mỹ và Trung Quốc. Mặc dù vẫ còn những thách thức song những thời cơ vẫn là nổi trội hơn. Do vậy, tác động của việc Việt Nam tham gia vào ASC lên chính sách đối ngoại của Việt Nam là tương đối đáng kể. Đó là việc Việt Nam nâng tầm mức độ tập hợp lực lượng trong khu vực. Nếu như trước kia chỉ là trong lĩnh vực kinh tế thì giờ đây đã thêm cả lĩnh vực an ninh, chính trị - lĩnh vực hết sức nhạy cảm nhưng cũng chứng tỏ xu hướng hợp tác sâu hơn với các nước trong khu vực của Việt Nam. Ngoài ra, đó còn là việc Việt Nam sẽ tăng cường chính sách kết hợp đối ngoại với an ninh quốc phòng, đưa đối ngoại thực sự trở thành vành đai phòng thủ đầu tiên trước những đe dọa an ninh từ bên ngoài. [5] LỜI MỞ ĐẦU Những năm đầu thế kỉ 21, đặc biệt sau sự kiện 11/9, mặc dù vẫn ở trong tình thế hòa bình, tập trung phát triển kinh tế nhưng một loạt thách thức mới đã nảy sinh, đe dọa an ninh của Việt Nam. Trong Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới ra đời năm 2003, Đảng cộng sản Việt Nam đã nhận định “tình hình thế giới trong thời gian tới còn diễn biến phức tạp hơn” với ảnh hưởng của Cuộc chiến chống khủng bố do Mĩ đứng đầu, kinh tế thế giới không ổn định. Ngay trong khu vực Đông Nam Á cũng “tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định” do hoạt động của các nhóm khủng bố, xung đột trong nội bộ các nước khu vực, can thiệp của các nước lớn vào khu vực, ASEAN có nguy cơ bị chia rẽ, tình hình an ninh của hai nước có chung biên giới với Việt Nam là Lào và Campuchia cũng “có khả năng phức tạp hơn”. Ngoài ra, Đảng cộng sản còn nhận định “các hành động xâm hại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta vẫn sẽ tiếp diễn”. Đứng trước các nguy cơ đe doạn an ninh đó, cùng năm 2003, Việt Nam là một trong số các nước đã kí vào Tuyên bố hòa hợp ASEAN II và thông qua việc thành lập Cộng đồng an ninh ASEAN. Việc Việt Nam tham gia vào một cơ chế an ninh khu vực như ASC là một điều còn khá mới mẻ nhưng rõ ràng là có ý nghĩa lớn với chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia của Việt Nam nhất là khi phải đối đầu với một loạt nguy cơ mới nảy sinh. Từ đó đến nay, mặc dù thời gian không phải là dài nhưng cũng đủ để đánh giá những tác động ban đầu của việc tham gia ASC lên chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việc tham gia ASC đem lại lợi ích hay thách thức gì cho Việt Nam? Với tư cách là một phần của ASC, chính sách đối ngoại của Việt Nam có những thay đổi như thế nào? [6] 1. Cộng đồng an ninh ASEAN là gì? Cộng đồng an ninh ASEAN là một trong 3 trụ cột để xây dựng Cộng đồng ASEAN với tầm nhìn ASEAN đến năm 2020. Khái niệm cộng đồng an ninh ASEAN được nêu ra tại Tuyên bố Hoà hợp ASEAN II (Hay còn gọi là Tuyên bố Bali II) năm 2003. Một năm sau, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Lộ trình hành động của ASC nằm trong Chương trình hành động Vientiane nhằm hiện thực hóa Cộng đồng an ninh ASESAN. Năm 2007, ASEAN đã quyết định đẩy nhanh quá trình thành lập ASC sớm 5 năm (năm 2015 so với mục tiêu ban đầu là 2020). 1.1. Mục đích, nguyên nhân thành lập ASC Theo Mục 1, Tuyên bố hòa hợp ASEAN II, thì mục đích của việc thành lập ASC là rất rõ ràng: ASC được thành lập nhằm đưa việc hợp tác chính trị và an ninh giữa các nước ASEAN lên một tầm cao mới và đảm bảo rằng các quốc gia trong khu vực chung sống hòa bình với nhau và với các quốc gia khác trên thế giới trong một môi trường chính nghĩa, dân chủ và hòa thuận. Các thành viên của ASC chỉ nên sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp trong khu vưc và xem an ninh của nước mình có liên kết với an ninh của thành viên khác bởi mối liên kết địa lí và việc chia sẻ tầm nhìn và mục đích chung. Như vậy, có 2 mục đích chính của việc thành lập ASC là (1) xây dựng một khu vực Đông Nam Á hòa bình và phát triển (2) tăng cường mối liên kết giữa các quốc gia trong khu vực, đặc biệt là mối liên kết về an ninh . Nguyên nhân khiến cho các nước ASEAN phải thúc đẩy thành lập ASC là vì vào đầu thế kì 21, khu vực Đông Nam Á phải đối phó với một loạt các yếu tố mới nảy sinh trong khi các cơ chế hợp tác an ninh khác trong khu vực như Diễn đàn an ninh khu vực (ARF), các cơ chế hợp tác an ninh song phương chưa thể hiện tính hiệu quả. Các yếu tố mới đó là: [7] Thứ nhất là mối liên kết giữa các quốc gia trong khu vực có nguy cơ bị phá vỡ do chịu ảnh hưởng của việc điều chỉnh chiến lược của các nước lớn với khu vực sau Chiến tranh lạnh và đặc biệt là sau sự kiện 11/9. Để thực hiện cuộc chiến chống khủng bố, từ sau năm 2001, Mĩ liên tục tập hợp lực lượng trong cuộc chiến chống khủng bố của họ (mà thực chất là thực hiện mục đích bá quyền nước lớn) và các nước Đông Nam Á cũng là những mục tiêu để Mỹ lôi kéo vì nhiều nước trong khu vực đã hoặc đang là đồng minh quân sự của Mĩ như Indonesia, Singapore, Thái Lan hay Philippines và chính các nước này cũng phải đối phó với nguy cơ khủng bố trong nước mình. Xác định khu vực Đông Nam Á là khu vực có vị trí địa chính trị cực kì quan trọng, những năm đầu thế kỉ 21, Trung Quốc cũng liên tục gia tăng ảnh hưởng lên các nước ASEAN với những hành động như: Năm 2003, dồn dập Trung Quốc nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược với ASEAN, tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác của ASEAN, đồng thời thể hiện vai trò chủ đạo trong việc đẩy mạnh hợp tác Đông Á. Năm 2004, Trung Quốc đã nâng cao vai trò của mình trong Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) bằng việc thúc đẩy lập Hội thảo Chính sách An ninh ARF dành cho các quan chức quốc phòng. …1 Các nước lớn khác như Nhật Bản, Nga hay EU cũng đều muốn lôi kéo các nước ASEAN vào vòng ảnh hưởng của họ. Nhật Bản có chính sách “hướng về châu Á” mà trọng tâm là khu vực Đông Nam Á. Nhật Bản gia tăng ảnh hưởng của họ chủ yếu bằng hình thức kinh tế với việc thúc đẩy hợp tác kinh tế- thương mại, tăng cường cung cấp ODA cho các nước trong khu vực. EU có chính sách “châu Á mới” nhằm tăng sự hiện diện tại khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng, Nga cũng muốn trở lại sau khi mất ảnh hưởng vào thời kì đầu sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh. Thứ hai, ngay trong khu vực Đông Nam Á vẫn tồn tại những yếu tố gây bất ổn như mâu thuẫn về biên giới, lãnh thổ giữa các quốc gia (đặc biệt là mâu thuẫn ở khu 1 Ths. Luận Thuỳ Dương, “Hướng tới cộng đồng an ninh ASEAN: Triển vọng cộng đồng và vai trò của Việt Nam”, Tham luận tại Hội thảo quốc tế “Cộng đồng ASEAN trong bối cảnh mới”, 8/2007 [8] vực biển Đông), tình hình bất ổn ở một số nước như Thái Lan, Campuchia, Indonesia… Thứ ba là nguy cơ của các mối đe dọa an ninh phi truyền thống như các vấn đề như nạn khủng bố, tình trạng buôn lậu vũ khí, ma tuý, phụ nữ và trẻ em; đại dịch bệnh SARs, cúm gia cầm… đã khiến các nước ASEAN nhận thấy, cần phối hợp hành động vì đây là những vấn đề xuyên quốc gia và chỉ có thể giải quyết bằng các giải pháp khu vực. 2 1.2. Tính chất: Tính chất quan trọng nhất của ASC là cơ chế này có tính chất hợp tác an ninh toàn diện. Hợp tác an ninh trong khuôn khổ ASC không dừng lại ở lĩnh vực quân sự, chính trị như những cơ chế hợp tác an ninh khác trên thế giới mà trải rộng ở cả lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội. Kế hoạch hành động của ASC bao gồm 5 lĩnh vực hoạt động chính, bao gồm (i) hợp tác chính trị, (ii) xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, (iii) ngăn ngừa xung đột, (iv) giải quyết xung đột, và (v) kiến tạo hòa bình sau xung đột. Cả năm lĩnh vực này không chỉ thuần túy mang tính chất chính trị - an ninh mà còn có cả các yếu tố kinh tế, văn hóa. Việc ASC có tính an ninh toàn diện là cần thiết nhằm đối phó với các nguy cơ an ninh phi truyền thống mà sẽ có tác động mạnh mẽ lên an ninh của các nước thành viên nói riêng và của cả khu vực nói chung, đồng thời cũng làm giảm bớt tính an ninh của ASC, qua đó giảm sự nghi ngại của các nước lớn. Thứ hai là tính phi quân sự của ASC. ASC được khẳng định “không phải một khối phòng thủ, một liên minh quân sự hay một chính sách đối ngoại chung”. Mục đích chính của ASC là vì hòa bình, phát triển và thịnh vượng trong khu vực Đông Nam Á và cả châu Á – Thái Bình Dương chứ không phải liên kết quân sự nhằm mục đích phòng thủ. Điều này giúp tránh các nước lớn nghi ngờ về việc các nước ASEAN có thể sử dụng ASC như một hiệp ước an ninh tập thể nhằm mục đích chống lại một nước lớn nào đó. Đây là điều hết sức cần thiết vì việc tránh sự chú ý của các nước lớn vào khu vực là cách tốt nhất để hạn chế sự can thiệp của họ. Nhất là khi khu vực Đông 2 Nguyễn Thu Mỹ, “Cộng đồng an ninh ASEAN từ ý tưởng đến hiện thực”, Tạp chí Cộng Sản điện tử, [9] Nam Á là một khu vực có vị trí địa-chính trị chiến lược và tất cả các nước lớn đều có những lợi ích không nhỏ tại đây. Thứ ba, ASC không xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ của các quốc gia thành viên. Đây là nguyên tắc cơ bản, không chỉ có ở ASC mà là của tất cả các hoạt động của ASEAN. Mục 2, phần A, Tuyên bố hòa hợp ASEAN khẳng định: “ASC ghi nhận chủ quyền của các quốc gia thành viên nhằm theo đuổi chính sách đối ngoại và sự sắp xếp phòng thủ riêng”. Với điều này, ASC đã bảo đảm tính đa dạng trong thống nhất của các thành viên ASEAN. Trong phạm vi lãnh thổ của mình, các quốc gia có hoàn toàn chủ quyền về việc hoạch định chính sách an ninh – đối ngoại. Điều này vừa trấn an các nước khu vực vừa đảm bảo sự các nước lớn không mất quyền lợi trong khu vực khi vẫn có thể có thể có những thỏa thuận riêng về hợp tác an ninh – chính trị với từng nước. Thứ tư, ASC không có tính bắt buộc. ASC không có mục đích hòa nhập chính sách an ninh của các nước thành viên mà chỉ yêu cầu các nước thành viên liên kết an ninh của nước mình với an ninh của cả khu vực. Các công cụ chính của ASC là ZOPFAN, SEANWFZ, TAC, DAC I và DAC II đều là những chuẩn mực không có tính ràng buộc mà chủ yếu có tính kêu gọi. 1.3. Nhận xét Qua các phân tích về mục đích thành lập và tính chất của ASC cho thấy, ASC thực sự là một cộng đồng an ninh có tính chất toàn diện. (1) ASC đã tính toán được cả lợi ích của các nước trong khu vực và các nước lớn khi không làm mất đi chủ quyền của các quốc gia thành viên đồng thời không khiến lợi ích của các nước lớn bị ảnh hưởng. Thậm chí, với việc thành lập cộng đồng ASEAN, các nước lớn có thể yên tâm về việc an ninh ở Đông Nam Á sẽ được đảm bảo và chuyển hướng chú ý về an ninh sang các khu vực chiến lược khác của họ trên thế giới. (2). Mục đích chính của ASC là vì một Đông Nam Á hòa bình, phát triển nên yếu tố hợp tác an ninh toàn diện được đặt lên hàng đầu. Có thể thấy rõ là mặc dù là cộng đồng an ninh nhưng ASC không đặt nặng vấn đề hợp tác quân sự mà tập trung vào hợp tác chống lại các nguy cơ an ninh phi truyền thống, trong đó có cả an ninh kinh tế, văn hóa – xã hội. Các nước ASEAN đều hiểu rằng, trong thời đại ngày nay thì không thể tách rời các yếu tố văn [10] hóa – xã hội, kinh tế khỏi an ninh và chỉ có việc hợp tác cùng nhau phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội thì các nước ASEAN mới có thể đảm bảo an ninh nước mình được. Tuy nhiên, ASC vẫn còn rất nhiều điểm hạn chế mà lớn nhất là do tính không ràng buộc. Vì đặc điểm này, khả năng đưa ASC trở thành một cơ chế hữu hiệu nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến an ninh, xung đột trong khu vực là không cao. Ngoài ra, do ASC nhấn mạnh việc “liên kết an ninh” và tôn trọng độc lập chủ quyền quốc gia nên ASC không phải là một cơ chế giúp các quốc gia giải quyết xung đột trong nước hay xung đột với một nước khác ngoài khu vực mà chỉ nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực. Do đó, các nước ASC không thể trông đợi vào ASC như một công cụ để giải quyết các mâu thuẫn ngay trọng nội bộ nước mình hay một nước khác. 2. Lợi ích với an ninh quốc gia và thách thức khi Việt Nam tham gia vào ASC 2.1. Lợi ích Có thể thấy mục đích, tính chất của ASC tương đối phù hợp với chính sách đối ngoại của Việt Nam. Đó là các điểm đồng nhất về quan điểm an ninh toàn diện đã được Việt Nam khẳng định tại phương châm chỉ đạo của Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là “xây dựng sức mạnh tổng hợp về chính trị, tư tưởng, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại”3; chính sách “hoà bình, hợp tác và phát triển”, “nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực; giải quyết các bất đồng và tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình”4. Hơn nữa, do tính phi quân sự và tính tôn trọng độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ các nước thành viên của ASC, Việt Nam có thể yên tâm tham gia các hoạt động của Cộng đồng này mà không lo sợ chủ quyền của mình bị xâm phạm hay khiến cho các nước lớn nghi ngại về việc Việt Nam gia nhập một liên minh quân sự. Những điểm tương đồng như vậy là cơ sở cho lợi ích mà Việt Nam được hưởng khi tham gia 3 Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, Nxb CTQG, H. 2003 4 Đảng cộng sản Việt Nam, Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần X [11] vào ASC thông qua một loạt công cụ mới mà ASC đưa ra để bảo đảm an ninh quốc gia của Việt Nam. Thứ nhất, tất cả các công cụ mà ASC đưa ra trong chương trình hành động có mục đích cuối cùng là giúp tạo dựng môi trường Đông Nam Á hòa bình, phát triển. Đây là yếu tố sống còn với an ninh của Việt Nam vì Việt Nam có mối liên hệ chặt chẽ về địa lý, kinh tế, an ninh với các nước trong khu vực. Khi hòa bình ở Đông Nam Á bị phá vỡ thì có thể sẽ kéo theo phản ứng dây chuyền, đe dọa trực tiếp đến an ninh của Việt Nam. Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới chỉ rõ: “lấy việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế-xã hội là lợi ích cao nhất của Tổ quốc”. Đối với Việt Nam, môi trường quan trọng nhất không gì khác ngoài khu vực Đông Nam Á. Khi và chỉ khi, Đông Nam Á có hòa bình thì an ninh của Việt Nam mới được đảm bảo. Thứ hai, thông qua các chuẩn mực, cơ chế của ASC, Việt Nam có cơ hội ràng buộc các nước lớn vào việc đảm bảo an ninh của Việt Nam. Trong chương trình hành động, ASC không tạo ra những công cụ mới mà tiếp tục sử dụng các chuẩn mực về an ninh đã có tại khu vực. Tuy nhiên, giá trị của ASC ở chỗ: khi các chuẩn mực riêng lẻ tồn tại một cách thống nhất thì an ninh ở khu vực Đông Nam Á sẽ được đảm bảo bằng một cơ chế rõ ràng và có khả năng duy trì hòa bình, ổn định trong một thời gian dài. Đây là điều các nước lớn mong muốn và họ có thể chuyển hướng chú ý ra an ninh ở những khu vực khác, quan trọng hơn với họ. Với tư cách là một phần của ASC, an ninh của Việt Nam cũng có cơ sở được đảm bảo về mặt pháp lý dựa trên những cam kết của các nước lớn. Công cụ quan trọng nhất (“key code of conduct5”) của ASC là Hiệp ước thân hữu và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC). Hiệp ước này có giá trị như một Bộ quy tắc ứng xử nhằm thực hiện chính sách “ngoại giao phòng ngừa” của ASEAN không chỉ trong phạm vi các nước ASEAN mà còn với cả các nước ngoài khu vực. Từ khi ASC ra đời một loạt nước lớn đã tham gia vào Hiệp ước này như Trung Quốc, Ấn Độ (2003)6, Nhật Bản (2004)7, Nga (2004)8. Trong kế hoạch hành động, ASC sẽ tăng 5 “Declaration of ASEAN Concord II”, ASEAN, 6 "Instrument of Accession to the Treaty of Amity and Cooperation in Southeast Asia", [12] cường sức mạnh của TAC bằng việc kêu gọi sự tham gia của các nước lớn khác vào hiệp ước này (2 nước lớn còn lại là Mỹ và Anh). Với an ninh của Việt Nam, hiệp ước này có giá trị cực kì quan trọng vì hiện nay Việt Nam chưa có một hiệp ước an ninh song phương nào với các nước lớn. Trên thực tế, một hiệp ước như vậy rất khó có thể đạt được vì tính nhạy cảm của những hiệp ước an ninh, có thể gây nghi ngại cho các nước lớn và các nước trong khu vực về một liên minh quân sự giữa Việt Nam và nước lớn đó. Trong khi đó, ở bất kì thời điểm, hoàn cảnh như thế nào thì mối đe dọa lớn nhất với an ninh Việt Nam vẫn đến từ các nước lớn. Do đó, với TAC, Việt Nam có cơ sở pháp lí quan trọng để buộc các nước lớn sẽ phải “tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, thống nhất lãnh thổ…không chịu sự can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ, giải quyết các tranh chấp bằng hình thức hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực.” 9 của Việt Nam (vì Việt Nam là một bên tham gia TAC). Một công cụ cũng hết sức quan trọng khác của ASC là SEANWFZ (Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân). Mục đích của hiệp ước này là nhằm không cho phép các nước tham gia vào hiệp ước hay các nước tham gia hiệp ước cho phép một nước khác sử dụng lãnh thổ của mình để “phát triển, sản xuất, sở hữu hay kiểm soát vũ khí hạt nhân, xây dựng nhà máy, vận chuyển vũ khí hạt nhân dưới bất kì hình thức nào, thử hay sử dụng vũ khí hạt nhân”10. Đối tượng chính của Hiệp ước này không phải là các nước trong khu vực mà là các nước có sở hữu vũ khí hạt nhân. Hiện nay, cả 5 nước lớn có vũ khí hạt nhân đều chưa tham gia vào SEANWFZ nhưng Trung Quốc, Nga đã bày tỏ thái độ sẵn sàng ủng hộ Hiệp ước này.11 Các nước lớn khác cũng đang xem xét việc tham gia Hiệp ước. Do đó, ASC quyết định sẽ “giải quyết các vấn đề còn tồn tại để thúc đẩy các nước có sở hữu vũ khí hạt nhân sớm kí 7 "Japan Instrument of Accession to the Treaty of Amity and Cooperation in Southest Asia", 8 "Instrument of Accession to the Treaty of Amity and Cooperation in Southeast Asia by Russian Federation" 9 “Treaty of Amity and Cooperation in Southeast Asia”, 10 “Treaty on the Southeast Asia Nuclear Weapon-Free Zone”, Article 3, 11 “Russia, China Stands for Nuclear-free Zone in Southeast Asia”, People’s Daily Online, [13] kết nghị định thư kèm theo Hiệp ước Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ)”12. Với việc ASC giúp thúc đẩy các nước lớn tham gia vào hiệp ước, Việt Nam có cơ hội sử dụng SEANWFZ như một công cụ tránh mối đe dọa từ vũ khí hạt nhân mà các nước những nước sở hữu vũ khí hạt nhân (chủ yếu là các nước lớn) có thể sử dụng để chống lại Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam không phải chịu một mối đe dọa trực tiếp nào từ vũ khí hạt nhân nhưng nguy cơ về việc các nước lớn sử dụng vũ khí hạt nhân hay dùng hạt nhân làm công cụ đe dọa là chiến lược trong tương lai là hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là khi tình hình khu vực, thế giới sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp. Ngoài ra, với việc sử dụng SEANWFZ, Việt Nam sẽ tránh việc rơi vào một cuộc chạy đua hạt nhân hết sức tốn kém, vừa không thể đảm bảo an ninh của Việt Nam mà vừa gây những hậu quả nghiêm trọng về mặt kinh tế. Bài học từ việc CHDCND Triều Tiên phải rơi vào cuộc chạy đua hạt nhân trước mối đe dọa từ các nước lớn vì không có một cơ sở pháp lí nào ràng buộc các nước lớn không tấn công họ bằng vũ khí hạt nhân cho thấy, một hiệp định phi hạt nhân hóa khu vực là hết sức cần thiết không chỉ cho an ninh mà cả cho sự phát triển của Việt Nam. Thứ ba, liên quan trực tiếp đến vấn đề biển Đông, một vấn đề hết sức nhạy cảm đối với an ninh, chủ quyền của Việt Nam, ASC đưa ra một loạt cơ chế như “thành lập nhóm làm việc ASEAN – Trung Quốc về việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử giữa các bên về vấn đề biển Đông (DOC), thành lập cơ chế giám sát việc thực hiện DOC và làm việc nhằm tiến tới việc cho ra đời Bộ luật về ứng xử giữa các bên ở biển Đông (COC)”. 13 Hiện nay, cơ sở để giải quyết các tranh chấp giữa các bên trên khu vực biển Đông chủ dựa trên DOC (có tính đến Hiến chương LHQ, Công ước luật biển 1982, TAC nhưng DOC là cụ thể nhất). Theo Tuyên bố cách ứng xử của các bên ở Biển Đông, các bên đồng ý tự kiềm chế, tránh những hành động có thể gây căng thẳng và xung đột tại Biển Đông; tổ chức tiếp xúc thường xuyên giữa giới quân sự hai bên; và thông tin cho nhau về những cuộc tập trận. Tuy nhiên, DOC chỉ là một tuyên bố, không có tính ràng buộc giữa các bên. Hơn nữa, các vấn đề được đề cập trong DOC cũng chỉ mang tính chung chung, nhất là 12 Annex for ASEAN Security Community Plan of Action, 13 ANNEX for ASEAN Security Community Plan of Action, [14] phạm vi điều chỉnh của DOC. DOC chỉ ghi là phạm vi trên biển Đông chứ không phải các vùng tranh chấp trên biển Đông như ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, một Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở biển Đông là hết sức cần thiết để làm rõ ràng các vấn đề còn gây tranh cãi trên biển Đông. Qua đó mới có khả năng giải quyết các tranh chấp, bảo đảm hòa bình, ổn định trên khu vực này. Việc ASC tăng cường sức mạnh cho các nước ASEAN bằng việc tạo ra nhóm làm việc chung giữa các nước ASEAN với Trung Quốc và xác định rõ việc sẽ thúc đẩy việc xây dựng COC thì rõ ràng COC có khả năng trở thành hiện thực hơn. Do vậy, Việt Nam có cơ hội để giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền trên khu vực biển Đông một cách cơ bản, lâu dài. Vì nếu chỉ một mình đàm phán việc soạn thảo COC với Trung Quốc thì Việt Nam rất khó đạt được những điều khoản thuận lợi, nhất là khi chính Việt Nam và một số nước ASEAN cũng có những tranh chấp về lãnh thổ trên vùng biển này. Việc tận dụng sức mạnh tập thể của ASEAN vừa giúp Việt Nam đối phó với Trung Quốc hiệu quả hơn, vừa hạn chế được mâu thuẫn giữa Việt Nam và các nước ASEAN cho nên tác dụng của ASC với Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề biển Đông là không hề nhỏ. Thứ tư, ASC cung cấp những công cụ giúp Việt Nam giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, bệnh tật, môi trường. Hiện nay, các nguy cơ an ninh phi truyền thống càng có ảnh hưởng mạnh mẽ lên tất cả các quốc gia chứ không chỉ riêng Việt Nam. Với đặc điểm “vô hình” và tính xuyên biên giới của an ninh phi truyền thống, một mình Việt Nam không thể đơn phương giải quyết vấn đề này. Một cơ chế hợp tác toàn diện như ASC là cơ sở để Việt Namn cùng các nước ASEAN bắt tay hợp tác giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống một cách hiệu quả nhất. Với vấn đề chống khủng bố, ASC đã thúc đẩy sự ra đời của Hiệp ước ASEAN chống khủng bố năm 2007 với mục đích nhằm “tạo ra khuôn khổ hợp tác khu vực nhằm chống, ngăn chặn và đẩy lùi khủng bố dưới mọi hình thức”14. Hiện nay, chủ nghĩa khủng bố chưa phải mối đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của Việt Nam. Tuy nhiên với việc khu vực Đông Nam Á hiện có rất nhiều nhóm khủng bố đang hoạt động 14 “ASEAN Convention on Counter Terrorism”, [15] và hoàn toàn có khả năng mở rộng địa bàn hoạt động sang Việt Nam và một số nhóm khủng bố đã từng sử dụng lãnh thổ của một số nước ASEAN để tấn công khủng bố trên lãnh thổ Việt Nam hay lợi ích của Việt Nam ở nước ngoài (như vụ đánh bom ở đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan) thì việc ngăn chặn sự di chuyển của các nhóm khủng bố, trao đổi thông tin tình báo, ngăn chặn việc các tổ chức khủng bố sử dụng lãnh thổ nước này để tấn công nước khác như trong nội dung của Hiệp ước ASEAN chống khủng bố là những biện pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo an ninh của Việt Nam trước nguy cơ khủng bố. Với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống khác, ASC cũng đã thúc đẩy các nước ASEAN hợp tác nhằm ngăn chặn những mối đe dọa này. Các lĩnh vực được ASC ưu tiên thúc đẩy các nước ASEAN giải quyết là buôn bán ma túy, buôn người, cướp biển, buôn bán vũ khí, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế và tội phạm công nghệ cao. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN tháng 12-2005, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí bổ sung hợp tác về các vấn đề an ninh năng lượng, xử lý thiên tai, phòng chống dịch bệnh nhất là dịch cúm gia cầm đang lan rộng thông qua hình thức: mở rộng hợp tác song phương và đa phương nhằm tăng cường trao đổi thông tin, trao đổi nhân sự; đào tạo, nâng cao năng lực công tác chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường phối hợp các hoạt động thực tiễn về các vấn đề an ninh phi truyền thống mới nảy sinh.15. Đây đều là những lĩnh vực hết sức mới mẻ với Việt Nam và hợp tác trong khu vực Đông Nam Á là hết sức cần thiết để Việt Nam có thể ngăn chặn, giải quyết và đẩy lùi những nguy cơ an ninh này . Như vậy, có thể thấy lợi ích mà ASC đem lại cho Việt Nam ở hai mặt: (1) ASC giúp tạo ra một môi trường hòa bình, phát triển ở khu vực Đông Nam Á, qua đó tạo môi trường, vành đai an ninh đảm bảo cho sự phát triển của Việt Nam; (2) Với yếu tố “cộng đồng”, Việt Nam tận dụng được sức mạnh chung của ASEAN trong việc giải quyết những vấn đề an ninh mà nếu chỉ có mình Việt Nam thì sẽ trở nên cực kì phức tạp, khó khăn. Với những lợi ích to lớn như vậy, chắc chắn tác động của việc tham gia vào ASC với chính sách đối ngoại của Việt Nam là không hề nhỏ. 15 Trần Văn Trình, "”An ninh phi truyền thống, một khái niệm mới và hướng hợp tác mới”, Tạp chí cộng sản điện tử, [16] 2.2. Thách thức Mặc dù ASC đem lại rất nhiều lợi ích cho an ninh quốc gia của Việt Nam nhưng không thể không xem xét đến những thách thức mà Việt Nam cần vượt qua để tham gia một cách có hiệu quả vào cơ chế này. Thách thức đầu tiên đến từ những hạn chế của ASC. Đó là tính không ràng buộc, chủ yếu có tính kêu gọi các bên tham gia vào tranh chấp giải quyết vấn đề, thực hiện ngoại giao phòng ngừa hơn là trực tiếp giải quyết vấn đề như một tổ chức an ninh. Hơn nữa, ASC vẫn tạo ra những khoảng trống để các nước lớn lợi dụng nhằm phân hóa, chia rẽ các nước ASEAN (việc tuyên bố các nước thành viên có cách bố trí phòng thủ riêng) Vì đặc điểm này, Việt Nam không thể chờ đợi ASC như một cơ chế giải quyết nhanh chóng những đe dọa an ninh mà Việt Nam gặp phải. Thứ hai, giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Á vẫn còn những khác biệt tương đối lớn về mặt chính trị, ý thức hệ cho nên vẫn tạo ra những nghi ngại trong các nước ASEAN có sự khác biệt chính trị với Việt Nam về động cơ tham gia ASC của Việt Nam. Thứ ba là sự khác biệt về lợi ích về mặt an ninh của Việt Nam với một số nước trong khu vực. Trong khi Việt Nam có chính sách cân bằng quan hệ với các nước lớn thì một số nước như Thái Lan, Philipines hay Indonesia lại có những hợp tác khá chặt chẽ với Mỹ về an ninh, một số khác lại chịu ảnh hưởng của Trung Quốc. Ngoài ra, bản thân Việt Nam cũng có những mâu thuẫn về vấn đề lãnh thổ trên biển Đông với một số nước ASEAN. Để những mâu thuẫn này không làm cản trở quá trình hợp tác của Việt Nam với các nước ASEAN cũng không hề dễ dàng. Thứ tư là những vấn đề an ninh có thể nảy sinh giữa Việt Nam và hai nước lớn là Trung Quốc và Mỹ có thể khiến các nước ASEAN khác nghi ngại trong việc hợp tác an ninh với Việt Nam. Với Trung Quốc, Việt Nam vẫn có những nguy cơ mất an ninh trong quan hệ với Trung Quốc xung quanh việc tranh chấp lãnh thổ Trung Quốc trên biển Đông. So với các nước Đông Nam Á khác thì tranh chấp trên biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn là căng thẳng, phức tạp nhất. Việt Nam cũng có những mâu thuẫn không hề nhỏ với Mỹ đến từ việc khác biệt lớn về ý thức hệ. [17] Tóm lại, mặc dù những khác biệt, mâu thuẫn trên không phải cơ bản nhưng nếu không xử lí khéo léo thì tiến trình hợp tác với các nước ASEAN trong khuôn khổ ASC có thể bị chậm lại thậm chí đổ vỡ. 3. Ý nghĩa của việc tham gia Cộng đồng an ninh ASEAN với chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việc Việt Nam tham gia vào ASC chính là một bước hội nhập sâu hơn trong tiến trình hợp tác của Việt Nam với khu vực ASEAN. Trước đó, Việt Nam chủ yếu hợp tác trong khu vực ở ASEAN ở lĩnh vực kinh tế, hợp tác trong lĩnh vực an ninh còn ở mức độ thấp. Đối với Việt Nam, hợp tác trong lĩnh vực an ninh trong khu vực Đông Nam Á là một lĩnh vực rất mới và rất nhạy cảm nhưng cũng chính vì điều đó đã chứng tỏ các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của một cộng đồng an ninh trong khu vực trong việc đảm bảo an ninh của Việt Nam. Từ đó, chính sách đối ngoại của Việt Nam đã có thay đổi khá quan trọng theo hướng hợp tác toàn diện trong khu vực Đông Nam Á thay vì chỉ “nâng cao hiệu quả và chất lượng hợp tác với các nước ASEAN”16 (nghĩa là chỉ tăng cường hợp tác trên cơ sở những lĩnh vực hợp tác sẵn có). Năm 2006, 3 năm sau khi Việt Nam tham gia vào ASC, nghị quyết đại hội Đảng lần X tuy không nói rõ vai trò của ASC với Việt Nam nhưng đã khẳng định “thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện và có hiệu quả với các nước ASEAN”. Một phần của yếu tố “toàn diện” ở đây chính là việc nâng cao mức độ hợp tác trong lĩnh vực an ninh giữa Việt Nam và ASEAN. Đằng sau việc Việt Nam tham gia vào ASC là việc Việt Nam nâng cao mức độ trong việc triển khai tập hợp lực lượng ở khu vực Đông Nam Á. Chính sách tập hợp lực lượng ở khu vực đã được bắt đầu từ sau Nghị quyết 13 của Bộ chính trị năm 1988 và nhất là sau khi Việt Nam tham gia ASEAN năm 1995 nhưng việc tham gia vào ASC là một bước tiến lớn trong chiến lược tập hợp lực lượng của Việt Nam. Trước đó, việc hợp tác trong lĩnh vực kinh tế trong khu vực chủ yếu mới chỉ giúp tăng cường sức mạnh của Việt Nam chứ chưa giúp Việt Nam chống lại những thách thức bên ngoài. Trong khi đó, nhu cầu về an ninh tập thể với Việt Nam là hết sức cần thiết khi mà hiện nay Việt Nam không có một chỗ dựa về an ninh sau khi Liên Xô và khối các 16 Đảng cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Đại hội đảng cộng sản Việt Nam lần IX. [18] nước XHCN sụp đổ, “chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang còn nhiều hạn chế”17, chưa đủ đảm bảo cho an ninh của Việt Nam trước tình thế giới có nhiều biến động phức tạp, nhất là sau sự kiện 11/9. Mặc dù xét về mặt tính chất, ASC chưa phải một cơ chế an ninh tập thể đúng nghĩa vì ASC đã khẳng định tính phi quân sự nhưng với điều kiện của Việt Nam hiện nay, những lợi ích về mặt an ninh mà ASC đem lại cũng đủ sức thu hút Việt Nam nâng tầm việc tập hợp lực lượng trong khu vực của mình. Bên cạnh đó, việc tham gia vào ASC còn bổ sung và khẳng định chiến lược kết hợp đối ngoại với quốc phòng an ninh của Việt Nam đã được xác định tại Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới và chính sách đối ngoại được thông qua tại Đại hội X của Đảng cộng sản Việt Nam. Từ sau khi khối XHCN sụp đổ cho đến nay, việc tham gia vào ASC là sự hợp tác chặt chẽ, toàn diện nhất của Việt Nam về mặt quốc phòng, an ninh với đối ngoại. Với ASC, ngoại giao Việt Nam đã khẳng định vai trò là lớp phòng thủ đầu tiên của đất nước trước những mối đe dọa an ninh bên ngoài. Hợp tác trong ASC sẽ là cơ sở cho việc kết hợp đối ngoại với quốc phòng ở mức độ cao hơn như việc tham gia vào những cơ chế an ninh tập thể ở khu vực châu Á Thái Bình Dương như Cộng đồng an ninh Đông Á hay hợp tác an ninh quốc phòng ở với các nước lớn ngoài khu vực. 17 Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, Nxb CTQG, H. 2003 [19] Kết luận Qua các phân tích, mặc dù vẫn còn những thách thức không nhỏ khi Việt Nam tham gia vào ASC nhưng những lợi ích mà ASC đem lại vẫn là mặt chính để bảo đảm an ninh và tồn vong của Việt Nam. Nhận thức được những lợi ích to lớn này, Việt Nam đã tham gia tích cực vào quá trình xây dựng ASC nhằm biến cộng đồng này thành hiện thực trước năm 2015. Qua đó, chính sách đối ngoại của Việt Nam cũng có những bước thay đổi tích cực như nâng cao mức độ việc tập hợp lực lượng trong khu vực và chính sách kết hợp đối ngoại với an ninh quốc phòng. Trong Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới, Đảng cộng sản đã xác định cùng với sức mạnh bên trong thì việc hợp tác với ASEAN là yếu tố quyết định việc đảm bảo an ninh, phát triển của Việt Nam trong tình hình hiện nay: “Với những thuận lợi đó, đồng thời biết khai thác những lợi thế của nước ta và ASEAN, mở rộng quan hệ quốc tế, chúng ta có khả năng giữ vừng hòa bình, ổn định, để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước”. Vì vậy có thể nhận định rằng, trong tình hình hiện nay và cả trong tương lai xa, hợp tác toàn diện với ASEAN mà đặc biệt là tăng cường hợp tác trong ASC là phương cách hiệu quả, an toàn nhất trong quá trình phát triển của Việt Nam. [20] DANH MỤC THAM KHẢO Đảng cộng sản Việt Nam, Nghị quyết Đại hội đảng cộng sản Việt Nam lần IX. Đảng cộng sản Việt Nam, Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần X Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, Nxb CTQG, H. 2003 Ths. Luận Thuỳ Dương, “Hướng tới cộng đồng an ninh ASEAN: Triển vọng cộng đồng và vai trò của Việt Nam”, Tham luận tại Hội thảo quốc tế “Cộng đồng ASEAN trong bối cảnh mới”, 8/2007 Nguyễn Thu Mỹ, “Cộng đồng an ninh ASEAN từ ý tưởng đến hiện thực”, Tạp chí Cộng Sản điện tử. Trần Văn Trình, "”An ninh phi truyền thống, một khái niệm mới và hướng hợp tác mới”, Tạp chí cộng sản điện tử “Russia, China Stands for Nuclear-free Zone in Southeast Asia”, People’s Daily Online ANNEX for ASEAN Security Community Plan of Action Annex for ASEAN Security Community Plan of Action ASEAN Convention on Counter Terrorism Declaration of ASEAN Concord II”, ASEAN Instrument of Accession to the Treaty of Amity and Cooperation in Southeast Asia Instrument of Accession to the Treaty of Amity and Cooperation in Southeast Asia by Russian Federation Japan Instrument of Accession to the Treaty of Amity and Cooperation in Southest Asia Treaty of Amity and Cooperation in Southeast Asia Treaty on the Southeast Asia Nuclear Weapon-Free Zone

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • pdfbai_tap_lon_nguyenquochai_1768.pdf
Luận văn liên quan