Có thể nói rằng thời gian tiến hành Hội nghị Giơnevơ là thời gian khá có lợi cho Việt
Nam vì lúc đó ta đang trên đà chiến thắng ở chiến trường, có lợi thế là phe thắng trận.
Tuy nhiên bất lợi cho ta là sự thiếu kinh nghiệm trên bàn đàm phán, khâu nghiên cứu còn
chưa hiệu quả và phải đối phó với những nước lớn nhiều trải nghiệm. Do đó nếu nói rằng
ngày 8 tháng 7 năm 1954 là một ngày phù hợp để diễn ra Hội nghị thì cũng không hoàn
toàn đúng, nhưng xét về thời cơ thì rõ ràng đó là một cơ hội mà nếu Việt Nam không nắm
bắt thì có l ẽ sẽ không có cơ hội thứ 2, vì vậy là không thể trì hoãn. Giả sử như lúc đó Việt
Nam đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho Hội nghị, có đầy đủ các thông tin nghiên cứu và có những
kinh nghiệm trên bàn đàm phán, thì có l ẽ Việt Nam có thể biết được phần nào những tính
tóan của các bên tham gia Hội nghị, lường trước được những bước đi của họ mà đưa ra
những chính sách đối phó hợp lý, kiên quyết giữ vững lập trường của mình để giành được
nhiều mục tiêu đề ra hơn như giành được nhiều vùng giải phóng càng tốt, kể cả bên Lào
và Campuchia, rút ngắn thời hạn tổng tuyển cử. Nếu như lúc đó Việt Nam có thể đấu
tranh để giành được vùng đất sâu xuống phía Nam và chỉ để cho Pháp vùng tập kết là 6
tỉnh vùng Nam kỳ là thuộc địa cũ của Pháp, thì có l ẽ thời điểm hòa bình và thống nhất ở
Việt Nam và 2 nước anh em sẽ đến sớm hơn. Bởi vì khi đó, với vùng đất quá nhỏ bé, lợi
ích cũng nhỏ bé, khả năng can thiệp của Mỹ vào Việt Nam sẽ là rất ít, đồng thời việc cô
lập Pháp trong một khu đất nhỏ như vậy, Việt Nam sẽ dễ dàng tiêu diệt Pháp với những
trận đánh mà không sợ Mỹ sẽ giúp đỡ Pháp vì lúc đó, Pháp đã hết khả năng lợi dụng đối
với Mỹ.
10 trang |
Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 3837 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tiểu luận Phân tích và đánh giá vai trò của Việt Nam dân chủ cộng hòa trong đàm phán hiệp định Giơ-Ne-vơ, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tiểu luận
Phân tích và đánh giá vai trò của Việt Nam dân chủ
cộng hòa trong đàm phán hiệp định Giơ-ne-vơ
TÓM TẮT NỘI DUNG CHÍNH
Hội nghị Giơnevơ đã kết thúc cách đây 54 năm. Thời gian đã qua lâu nhưng những dư
âm của Hội nghị vẫn còn cho đến giờ. Rõ ràng kết quả đã chứng minh Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa đã không đạt được hết những mục đích đề ra. Câu hỏi được đặt ra là do đâu mà
chúng ta không thể đạt được hết mục tiêu đề ra? Tuy vậy, ta cũng đã đạt được một số
thắng lợi nhất định. Vậy, những thắng lợi đó là gì? Chúng ta đã được các nước lớn công
nhận quyền độc lập dân tộc cơ bản, được đề ra thời hạn tổng tuyển cử thống nhất đất
nước. Đó là 2 thắng lợi cơ bản nhất, có tính chất quyết định nhất với nước ta. Song,
những thắng lợi ấy là quá nhỏ nhoi so với những thiệt thòi của ta. Hội nghị diễn ra trong
bối cảnh không có lợi cho ta: thời gian chưa thích hợp, điều kiện chưa cho phép, lại thêm
toan tính thâm độc của các nước tham gia cùng với sự tin tưởng quá mức của ta vào 2
nước Liên Xô và Trung Quốc. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của ta.
Bài nghiên cứu sẽ đi sâu tìm hiểu nguyên nhân này, cụ thể hóa những thắng lợi và cuối
cùng là rút ra bài học kinh nghiệm cho ngoại giao Việt Nam sau này.
LỜI NÓI ĐẦU
Thế kỷ 21, xu hướng toàn cầu hóa đã bao trùm cả thế giới, đòi hỏi các quốc gia phải linh
họat trong đường lối chính sách của mình. Đất nước Việt Nam đang trên đà phát triển và
hội nhập, vai trò của Ngoại Giao Việt Nam ngày càng được đề cao và giữ một vị thế quan
trọng trong chính sách của Nhà Nước.
Là những người Việt Nam trẻ sống trong một đất nước hòa bình và thống nhất, chúng tôi
muốn quay lại quá khứ để tìm hiểu những bước thăng trầm của Ngoại Giao Việt Nam,
đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh. Một mốc lịch sử quan trọng đánh dấu bước ngoặt
mới của Ngoại Giao Việt Nam đã lên tầm quốc tế đó là chiến thắng Điện Biên Phủ và
Hội Nghị Giơnevơ 1954. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào bàn đàm phán quốc
tế, là một bước tiến quan trọng nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức. Ngày nay, khi
nhìn nhận lại Hội nghị Giơnevơ, vẫn còn nhiều câu hỏi được đặt ra trong giới học giả.
Một số ý kiến cho rằng Hội nghị Giơnevơ là thất bại lớn của Việt Nam: ví dụ như nữ luật
gia người Pháp L.A. Be-le-xa viết: “Nếu chúng ta đi sâu vào chi tiết các cuộc thương
lượng, chúng ta sẽ nhận thấy rằng các điều khoản của hiệp định chỉ để nhằm làm thỏa
mãn các cường quốc...” , một số ý kiến khác cho rằng Hội nghị Giơnevơ là thắng lợi của
ngoại giao Việt Nam, như Hồ Chí Minh đã từng tuyên bố trong lời kêu gọi ngày
22/07/1954: “ Hội nghị Giơnevơ đã kết thúc, Ngoại giao ta đã thắng lợi to…” .
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin đựơc làm rõ hai luận điểm: Những nguyên
nhân dẫn tới những thất bại của Việt Nam trong Hội nghị Giơnevơ, bên cạnh đó Việt
Nam có đạt được những thắng lợi gì. Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm và một số
đánh giá nhận định của các học giả.
I. Tình hình chung:
1. Bối cảnh quốc tế
Trong bối cảnh quốc tế vào thời gian này thì ta vừa phải đối mặt với những khó khăn
đồng thời cũng có những thuận lợi nhất định góp phần tạo nên thành công của hội nghị
Giơnevơ.
Chiến sự tại Triều Tiên kết thúc với việc kí kết hiệp định quân sự tại hội nghị Bàn Môn
Điếm.Theo đó, các bên tham chiến lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới quân sự tạm thời mà
không có một giải pháp chính trị để đi tới thống nhất đất nước. Các nước lớn, trong đó có
Liên Xô và Trung quốc đã ca ngợi đây là một “mẫu mực trong giải quyết tranh chấp xung
đột” . Điều này gây ra bất lợi đối với Việt Nam đó là các nước lớn có xu hướng giải quyết
vấn đề Việt Nam theo kiểu giải quyết vấn đề Triều Tiên, dẫn đến nguy cơ đất nước bị
chia cắt. Thêm vào đó, trong thời gian này Mỹ chủ trương đưa lực lượng quân sự tiếp cận
Nam Trung Hoa và Đông Dương, đồng thời, tăng cường viện trợ để giúp Pháp khỏi bỏ
chạy vội vã khỏi Đông Dương. Hành động trên của Mỹ đã báo hiệu sự sẵn sàng “hất
cẳng” Pháp ra khỏi Việt Nam của Mỹ, điều này nâng cao khả năng chiến sự kéo dài tại
Việt Nam trong điều kiện lực lượng của ta chưa sẵn sàng.
Năm 1953, Stalin qua đời, Khrutxốp lên nắm quyền tại Liên Xô, thúc đấy xu thế hoà
hoãn Đông Tây. Trung Quốc đang bị các nước đế quốc bao vây, do vậy, họ cũng muốn
theo đuổi chính sách chung sống hoà bình với các nước để tập trung phát triển kinh tế, ổn
định tình hình trong nước. Điều này dẫn đến khả năng Liên Xô và Trung Quốc sẽ có
những thoả hiệp với Anh, Pháp, Mỹ gây bất lợi cho ta.
Cuối năm 1953, đầu năm 1954, khi chiến tranh lạnh đã đến điểm cao thì xuất hiện xu thế
hòa hoãn giữa các nước lớn chính bởi vậy mà họ có đủ bình tĩnh để ngồi lại với nhau
trong hội nghị Beclin cùng đi đến thỏa thuận triệu tập tai Giơnevơ. Tuy nhiên xu thế hòa
hoãn giữa các nước cũng là một bất lợi cho ta vì như vậy các nước sẽ dễ dàng thỏa thuận
với nhau. Một thuận lợi phải kể đến là lúc bấy giờ Pháp đứng trước những thất bại quân
sự to lớn trên chiến trường Đông Dương, thêm vào đó là chính sách lệ thuộc vào Mỹ
khiến tình hình chính trị Pháp càng thêm rối ren. Điều đó khiến Pháp chịu ngồi lại để bàn
bạc đàm phán với ta. Khi nhắc đến sự thuận lợi của bối cảnh quốc tế trong hội nghị
Giơnevơ ta không thể không nhắc tới sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân quốc tế như
nhiều nước Á, Phi độc lập và ngay cả những người dân yêu chuộng hòa bình trên chính
đất Pháp đã lên tiếng mạnh mẽ đòi Pháp sớm chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương để
nhân dân ba nước này được hòa bình tự do và mưu cầu hạnh phúc.
2. Bối cảnh trong nước và khu vực Đông Nam Á
Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc với thắng lợi thuộc về ta. Đây là nhân
tố quan trọng để ta có được thế mạnh trên bàn đàm phán, tạo thế mạnh để ta đấu tranh đòi
đi đến những thoả thuận có lợi cho ta. Tuy nhiên, hội nghị Giơnevơ là lần đầu tiên ta
tham gia một hội nghị quốc tế lớn, có sự tham gia của các nứơc lớn, các nước đế quốc với
những tính toán riêng của họ, ta còn chưa hiểu biết hết tình hình quốc tế và những lợi ích
riêng của các bên. Nó tạo ra nhiều điều bất lợi cho ta trong quá trình đàm phán.
II. Tính toán của các bên tham gia Hội Nghị ( Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc).
Các nước lớn khi tham gia Hội nghị đều có những tính toán riêng của mình. Đầu tiên phải
nói tới Pháp. Pháp đang sa lầy trong chiến tranh Việt Nam. Pháp muốn lôi kéo cả Anh và
Pháp vào Hội nghị để tránh bất lợi cho mình. Trung Quốc tham gia Hội nghị là muốn
đảm bảo an ninh, mở rộng tầm ảnh hưởng, nâng cao vị thế và vai trò trong khu vực và thế
giới. Liên Xô thì muốn chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương để có thể củng cố ảnh hưởng
ở Đông Âu. Chỉ riêng Mỹ là không có ý định tham gia Hội nghị để có thể dễ dàng can
thiệp vào Đông Dương sau này. Tuy nhiên, các nước đều muốn Mỹ phải tham gia để bảo
vệ lợi ích của mình, tránh Mỹ can thiệp vì sẽ gây bất lợi cho mình.
Cả Anh, Pháp và Mỹ đều muốn chia cắt Việt Nam càng về phía Bắc càng tốt vì như thế
vùng được giải phóng sẽ nhỏ, lực lượng sẽ yếu hơn. Trung Quốc cũng muốn Việt Nam bị
chia cắt như Triều Tiên để có thể mở rộng biên giới xuống phía Nam và dẹp mối họa sau
này. Các nước đã thỏa thuận ngầm là sẽ chọn vĩ tuyến 17 có lợi cho chúng. Đoàn ta cũng
nhận thấy rằng phân chia vùng tập kết theo hướng Bắc-Nam là có lợi hơn nhưng đề ra
mục tiêu là vĩ tuyến 13.
Phái đoàn ta giữ vững lập trường là tổ chức tổng tuyển cử nhằm đưa đến một đất nước
Việt Nam tự do, độc lập, thống nhất và dân chủ. Nhưng đoàn Pháp và Mỹ lại không
muốn giải quyết vấn đề này, không muốn đưa ra giải pháp chính trị. Mục tiêu chính của
Trung Quốc là tìm một giải pháp hoà bình cho vấn đề Đông Dương. Liên Xô muốn sớm
giải quyết xung đột bằng hòa bình, không muốn chiến tranh lan rộng vì sẽ ảnh hưởng đến
chủ trương làm giảm tình hình căng thẳng trên thế giới của Liên Xô. Do vậy, cả hai nước
này đã ủng hộ Việt Nam và đưa ra vấn đề này tại Hội nghị. Song, họ không đưa ra cụ thể
thời hạn tổng tuyển cử. Việt Nam đề nghị thời hạn 6 tháng. Phía Pháp thì muốn khoảng
trên dưới 2 năm. Sự kéo dài thời gian tổng tuyển cử sẽ có lợi cho các nước, do đó họ đã
bắt tay nhau để thỏa thuận cho lợi ích của mình.
Như vậy, trên thực tế thì có vẻ là Trung Quốc và Liên Xô rất tích cực ủng hộ lập trường
của Việt Nam. Tuy vậy, mọi hành động đó đều là vì lợi ích của họ là chính. Họ có thể sẵn
sàng hy sinh quyền lợi của đồng minh để đạt được mục đích. Thái độ của Anh, Pháp, Mỹ
là theo đuổi các ý đồ , mục đích riêng nhắm tới mảnh đất Đông Dương và khu vực ảnh
hưởng của mình. Họ đi đến thống nhất là ngăn cản sự thống nhất của Việt Nam, chia cắt
đất nước ta, chia rẽ đồng bào ta. Trung Quốc và Liên Xô thì không muốn gây chiến với
các nước này và để bảo vệ lợi ích của mình nên đã đàm phán sau lưng ta, hướng Việt
Nam dần theo ý đồ của các nước khác.
III. Sức ép trên bàn đàm phán Giơnevơ và sự nhận thức của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
trong Hội nghị Giơnevơ:
Trên bàn đàm phán hiệp định Giơnevơ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoàn toàn không
phát huy được thế mạnh cũng như vai trò của mình, ngược lại, còn phải chịu sức ép lớn
từ các nước lớn tham gia vào Hội nghị này trong suốt thời gian từ khi bắt đầu Hội nghị
cho đến thương lượng các vấn đề và ký kết Hiệp định.
1. Thời điểm họp Hội nghị Giơnevơ
Ngay sau khi hiệp ước Bàn Môn Điếm về vấn đề giải quyết chiến tranh Triều Tiên, 4-8-
1953, Liên Xô đã gửi công hàm cho các nước lớn Mỹ, Anh , Pháp để triệu tập một Hội
Nghị gồm 5 nước lớn Mỹ - Anh – Pháp – Liên Xô và Trung Quốc để tìm biện pháp giải
quyết tình trạng căng thẳng ở Viễn Đông. Đến ngày 8-5-1954, Hội Nghị Giơnevơ được
khai mạc ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1 ngày. Vậy đây có phải là thời điểm thích
hợp cho ta để diễn ra một Hội nghị quốc tế về Đông Dương hay không? Mặc dù mang đà
chiến thắng trên chiến trận nhưng lúc này ta vẫn chưa có sự chuẩn bị chu đáo cho Hội
nghị. Do đó, đây không hẳn là thời điểm thích hợp cho ta, vì Đảng và Chính Phủ ta đã
nhận định “căn cứ vào so sánh lực lượng giữa ta và địch lúc này, điều kiện thương lượng
hòa bình chưa chín muồi” . Tuy nhiên, Hội Nghị vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch của các
nước đã bàn từ trước và ta buộc phải ngồi vào bàn đàm phán. Đây là một điều hoàn toàn
bất lợi cho ta khi chưa có sự chuẩn bị về mọi mặt cho Hội Nghị, hơn thế nữa ta chưa có
nhiều kinh nghiệm trên bàn đàm phán quốc tế, do đó khó khăn là điều không tránh khỏi.
Một điều đáng nói, Hội Nghị này là Hội Nghị Giơnevơ ngoài giải quyết vấn đề Triều
Tiên còn giải quyết chiến tranh ở Đông Dương nhưng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và
hai nước bạn là Lào và Campuchia lại không có quyền xác định ngày, giờ khai mạc cũng
như thời gian thương lượng của Hội Nghị mà phải chịu sự sắp đặt đã được tính toán trước
của các nước lớn. Như vậy, ngay từ đầu khi bước vào Hội nghị là ta đã phải chịu sự sắp
đặt từ các nước lớn.
2. Đấu tranh cho Lào và Campuchia
Trong số 9 bên tham gia Hội Nghị, được chia làm 2 phe rõ rệt: phía Việt Nam Dân Chủ
cộng hòa có Liên Xô, Cộng Hòa Dân chủ Trung Quốc và phía Pháp có Mỹ, Anh, và 3
chính quyền thân với Pháp ở Việt Nam, Lào và Campuchia. Điều đáng chú ý là trong khi
đại diện 3 chính phủ liên kết được tham gia với tư cách là thành viên chính thức, có vị thế
hợp pháp thì đại diện của lực lượng kháng chiến Pathét Lào và Khơ-me Itsarak lại không
được tham dự. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa luôn kiên quyết đấu tranh cho họ được
quyền tham dự hội nghị Giơnevơ và ta luôn giữ vững lập trường này trong suốt các phiên
họp toàn thể 8, 10 và 18/05. Nhưng cuối cùng ta vẫn không thành công. Vì vậy đoàn Việt
Nam tại Hội nghị không chỉ đương đầy với Mỹ, Anh, Pháp mà còn phải đương đầu với 3
quốc gia liên kết, bởi vì quân tình nguyện của ta đều có mặt ở Lào và Campuchia. Lực
lượng của ta trên bàn đàm phán quá yếu mà lực lương của đối phương thì quá mạnh như
chúng ta cũng đã thấy tỷ lệ 1 chọi 6 thật sự là quá bất lợi cho ta, chưa kể là Trung Quốc
và Liên Xô, tuy ủng hộ Việt Nam Dân chủ cộng hòa nhưng họ cũng có những tính toán
riêng khác với quan điểm của ta . Các nước Mỹ, Anh, Pháp không ủng hộ việc tham gia
Hội Nghị của 2 lực lượng vì họ muốn cô lập Việt Nam trên bàn đàm phán. Như vậy ta
không đạt được thế chủ động trong việc quyết định thành phần tham dự Hội nghị mà
ngược lại thành phần tham dự do các nước lớn quyết định và ta cũng không đạt được sự
nhất trí ủng hộ của đồng minh nhất là Liên Xô và Trung Quốc. Kết quả là ta không đạt
được mục tiêu đề ra là đấu tranh để lực lượng kháng chiến Lào và Campuchia được tham
dự Hội nghị. Sự chênh lệch quá lớn về cán cân lực lượng đã khiến cho Việt Nam Dân
Chủ Cộng Hoà phải gồng mình lên đối phó với các nước lớn.
Thêm vào nữa, Ngoại giao Việt Nam đã không đạt được mục đích của mình khi đấu tranh
để dành được hai vùng tập kết tại Lào và 1 vùng tại Campuchia. Trong Hội nghị này, do
ta không nắm được thế chủ động cũng như bị sức ép quá lớn và thiếu kinh nghiệm, cho
nên chỉ có thể giành được 2 vùng tập kết cho Lào, còn Campuchia thì không được gì cả.
Đây là tổn thất rất lớn cho Campuchia mà sau này Campuchia nghi ngờ ta là đã bán đứng
họ trên bàn bàn đàm phán, gây chia rẽ tình đoàn kết của ba nước Đông Dương. Việc này
làm chia rẽ nội bộ ba nước Đông Dương và đúng vào ý đồ của các nước: Trung Quốc
không muốn có một thế lực liên kết giữa ba nước Đông Dương, đó sẽ là trở ngại cho
Trung Quốc muốn bành trướng thế lực xuống phía Nam, đồng thời như vậy sẽ làm tăng
nguy cơ về biên giới phía Nam của Trung Quốc; Mỹ và Pháp cũng vậy, sự liên kết lực
lượng 3 nước Đông Dương sẽ ngăn cản lợi ích của họ ở đây. Do đó chúng âm mưu chia
rẽ sự đoàn kết Đông Dương
3. Thời hạn Tổng tuyển cử bị lùi lại
Các nước đã lấy mô hình giải quyết vấn đề Triều Tiên làm tiền đề để giải quyết vấn đề
Đông Dương, họ chủ yếu giải quyết vấn đề quân sự. Nhưng trong Hiệp định này ta đòi
giải quyết cả vấn đề chính trị, đề nghị thời hạn tổng tuyển cử thống nhất đất nước là 6
tháng. Điều này rất phù hợp với luật Quốc tế để công nhận một quốc gia độc lập. Tuy
nhiên các nước lớn phản đối rất kịch liệt, đặc biệt là Pháp. Pháp cương quyết là chỉ tổng
tuyển cử sau 2 năm kể từ khi ký kết hiệp định. Còn Liên Xô, bạn đồng minh của ta đưa ra
đề nghị là có thể tiến hành tổng tuyển cử trong năm 1955. Trong cuộc họp tại Liễu Châu
giữa chủ tịch Hồ Chí Minh và thủ tướng Chu Ân Lai từ ngày 3/7/1954, ta giữ vững đề
nghị là 6 tháng. Sau đó cuộc gặp mặt của Chu Ân Lai với tướng Pháp Ghi-éc-na
19/07/1954 để bàn về việc tổng tuyển cử của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bên Trung
Quốc đã đưa ra đề nghị “tổng tuyển cử cứ nên hoãn lại 2 năm, còn thời hạn xác định sẽ
do đại biểu hai miền Nam - Bắc thỏa thuận” . Cuối cùng , các nước đã tự động sắp đặt
xác định thời hạn tổng tuyển cử của Việt Nam là 2 năm và đề nghị của Việt Nam bị bác
bỏ. Như vậy, một lần nữa ta lại phải nhân nhượng trên bàn đàm phán, ta phải chịu sự sắp
đặt của các nước lớn, ta hoàn toàn nằm trong thế bị động và chỉ một mình bảo vệ ý kiến
của mình mà không có đồng minh. Càng về sau thì ý đồ thâm độc của các nước lớn càng
được bộc lộ rõ là họ không bao giờ muốn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà mau chóng
thống nhất đất nước mà điển hình là Trung Quốc và Pháp đã “đi đêm” với nhau để mặc
cả trên lưng Việt Nam về thời hạn tổng tuyển cử của Việt Nam càng lâu càng tốt nhằm
thực hiện mục đích của mình. Ở đây thì lợi ích của họ đã gặp nhau, Trung Quốc thì
không hề muốn có một quốc gia khác mạnh hơn mình nhằm đe doạ an ninh về phía nam,
hơn nữa Trung Quốc luôn muốn thể hiện tử tưởng bá quyền, một nước mạnh đối với Việt
Nam nói riêng và khu vực Đông Dương nói chung. Mặc dù Trung Quốc và Liên Xô cùng
là khối XHCN nhưng trong Hiệp định này thì tinh thần quốc tế vô sản được thể hiện quá
ít mà ngược lại tinh thần dân tộc được đẩy lên trên hết. Còn Pháp, ý đồ của Pháp ở Việt
Nam còn được thể hiện rõ khi ông Mendes France đánh cược bằng chính chiếc ghế thủ
tướng của mình rằng ông sẽ ký được Hiệp định với những lợi ích tối đa cho Pháp, trong
đó có việc “trì hoãn tối đa thời hạn tổng tuyển cử ở Việt Nam” . Hơn nữa thì việc trì hoãn
này rất phù hợp với lợi ích của Anh và Mỹ đã đưa ra trong lập trường 7 điểm của họ. Qua
đó càng cho ta thấy được đây là sự thất bại trong chính sách ngọai giao của ta thời đó.
Tính toán của các bên ở đây là sự trì hoãn thời gian tổng tuyển cử của ta để kéo dài lợi
ích của họ ở Đông Dương, như họ đã làm với Triều Tiên. Như vậy lợi ích của các nước
lớn gặp nhau, chẳng có cớ gì mà họ lại không thỏa thuận với nhau để cùng hưởng lợi ích
cả. Nhưng tại sao Liên Xô lại không đấu tranh cho ta? Bởi vì lúc này Liên Xô đang thực
hiện chính sách đối ngoại “ba hòa” của mình, muốn tạo dựng mối quan hệ quốc tế tốt đẹp
với các bên, do đó còn lưỡng lự với việc ủng hộ và đấu tranh cho vấn đề của Đông
Dương.
4. Giới tuyến quân sự
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn phải chịu sức ép từ các nước lớn về vấn đề phân chia
giới tuyến quân sự. Ngay trước khi diễn ra Hội nghị, Pháp đã đưa ra giải pháp nhằm chia
cắt Việt Nam tại vĩ tuyến 18, Anh và Mỹ đưa ra đề nghị tại vĩ tuyến 17 trong lập trường 7
điểm của mình (29/06/1954). Trong cuộc họp giữa chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng
Chu Ân Lai tại Liễu Châu, Bác đã khẳng định “ vĩ tuyến 13 là hợp lý, vĩ tuyến 17 là
không thể chấp nhận được vì ít nhất ta cũng giành được vĩ tuyến 16” . Nhưng Thủ tướng
Chu Ân Lai đã khuyên Hồ Chí Minh nên chấp nhận thượng sách là hòa, không nên đòi
hỏi quá nhằm tránh mở rộng chiến tranh và Mỹ sẽ can thiệp trực tiếp . Như vậy, để không
gây “mất lòng” các anh lớn và sự “đe dọa” mở rộng chiến tranh như Thủ tướng Chu Ân
Lai nói, Việt Nam đành phải nghe theo sự phân định của các nước lớn mà không biết
rằng đó là kết quả mà các nước lớn đã “bắt tay với nhau”: giới tuyến quân sự được đặt ở
vĩ tuyến 17. Các nước đã đi đêm với nhau để mặc cả trên lưng ta nhằm đem lại lợi ích
cho chính mình nhất là Trung Quốc và Liên Xô. Lại thêm một lần nữa ta đánh mất độc
lập tự chủ của mình, ta phải nhân nhượng trên bàn đàm phán. Hơn thế, ta đã bị Liên Xô
và Trung Quốc “cảnh cáo” ta rằng Mỹ sẽ can thiệp trực tiếp vào chiến trường Việt Nam
nhưng trên thực tế ta có thể thấy là Mỹ không thể can thiệp trực tiếp ngay lúc này được vì
sau chiến tranh Triều Tiên, Mỹ đã đụng đầu với 2 nước lớn trong khối XHCN là Liên Xô
và Trung Quốc, thiệt hại quá nhiều và Mỹ không dám có thêm chiến tranh lúc này nữa,
Mỹ cần có thời gian để hồi phục. Ở vĩ tuyến 17 thì thật sự quá khó khăn cho ta để ta có
thể mau chóng tiến hành tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Do đó vì sự thiếu nhận thức
tình hình của ta mà ta đã phải chịu thiệt trong vấn đề phân chia giới tuyến quân sự không
có lợi cho mình lúc bấy giờ. Ta thấy đây là một bước lùi trong quá trình đấu tranh Ngoại
giao của Việt Nam trên bàn đàm phán Giơnevơ. Bộ phận nghiên cứu về tình hình của ta
chưa phát huy được hết khả năng của mình, ta cũng chưa hiểu hết ý đồ xấu xa của các
nước lớn đối với ta trong Hiệp định này là gì? Hầu hết các nước này đều không muốn
Việt Nam thống nhất đất nước, đặc biệt là Trung Quốc đã dùng Việt Nam như là một
quân cờ để đem lại lợi ích cho mình mà sẵn sàng hy sinh lợi ích của đồng minh. Điều này
đã cho thấy Ngoại giao Việt Nam thời kỳ này còn quá non trẻ so với tình hình thế giới và
tầm vĩ mô như vậy nên ta mới mắc phải những sai lầm nghiêm trọng, quá “ngây thơ” khi
nghe theo lời của Trung Quốc và Liên Xô.
5. Ký kết Hiệp định
Hiệp định Giơnevơ được ký kết vào ngày 21/07/1954, tuy nhiên Mỹ lại không ký kết
Hiệp định mà ra một tuyên bố riêng rằng “Mỹ tôn trọng những điều khoản của Hiệp
định” . Đây cũng là tính toán của Mỹ, khi Mỹ không thể ngăn cản Hội Nghị Giơnevơ
diễn ra thì Mỹ đã không ký kết vào Hiệp định vì như thế sẽ dễ dàng cho Mỹ trong việc
can thiệp vào Đông Dương sau này. Như vậy việc Mỹ không ký vào Hiệp định cũng là
một sự thất bại của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà vì như thế Mỹ sẽ không bị ràng buộc
bởi Hiệp định, gây khó khăn cho ta về sau này.
Qua những phân tích ở trên, ta thấy được rằng sức ép và sự áp đặt của các nước lớn mà
Việt Nam đã phải chịu là quá nặng nề. Trong suốt quá trình đàm phán, Việt Nam đã bị bịt
mắt dắt đi và bị lấy đi sự tự chủ của mình trên bàn đàm phán do ta quá thiếu kinh nghiệm
cũng như quá nhẹ dạ cả tin vào đồng minh. Như bác Lưu Văn Lợi đã nói Ngoại giao của
ta trong thời kì này là “Ngoại giao từ trong rừng ra”, ta chưa có sự chuẩn bị cũng như
chưa nắm bắt được tình hình thế giới, đồng thời ta chưa hiểu được độc lập dân tộc là vô
cùng quan trọng, chưa phát huy được vai trò của mình trong Hội nghị. Có thể nói Hội
nghị Giơnevơ chỉ là họp trên danh nghĩa là có một Hội Nghị như thế để giải quyết vấn đề
ở Đông Dương chứ cốt lõi là những toan tính của các nước lớn. So sánh với Hiệp định Sơ
bộ thì trong Hiệp định Giơnevơ ta đã không phát huy được tính độc lập tự chủ của dân
tộc. Tuy nhiên, không hẳn Việt Nam không giành được chiến thắng gì trong Hội Nghị,
những thắng lợi mà ta đạt được cũng có ý nghĩa rất quan trọng đối với tình hình của Việt
Nam lúc đó.
IV. Những thắng lợi mà Việt Nam giành được trong Hội Nghị Giơnevơ
Tại hội nghị Giơnevơ, một trong những điểm đạt được sự nhất trí cao nhất của các bên đó
là việc công nhận các quyền dân tộc cơ bản của nước Việt Nam. Đây là một trong những
điểm cơ bản nhất, khẳng định vị trí pháp lí bình đẳng của Việt Nam, được các nước lớn
thừa nhận.
Theo kết quả của Hội nghị, vĩ tuyến 17 được lấy làm vĩ tuyến quân sự tạm thời. Điều này
tạo ra thời kì hoà bình độc lập ở miền Bắc. Đây là điều có ý nghĩa lớn cho ta để xây dựng
một cơ sở vững mạnh cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, là chỗ dựa để ta đi đấu tranh đi
đến thống nhất đất nước. Miền Bắc trở thành căn cứ địa cách mạng.
Hội nghị Giơnevơ được tổ chức sau khi hội nghị Bàn Môn Điếm về chiến tranh Triều
Tiên kết thúc. Theo đó nước Triều Tiên lấy vĩ tuyến 38 làm gianh giới quân sự tạm thời.
Kết quả đó trở thành mẫu mực trong giải quyết tranh chấp khu vực và được quốc tế ca
ngợi. Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai từng tuyên bố: “cuộc đình chiến ở Triều Tiên
có thể làm mẫu mực cho các cuộc xung đột khác” . “Các cuộc xung đột khác” được hiểu
là cuộc chiến tranh ở Đông Dương. Do vậy, các nước lớn tham dự Hội nghị Giơnevơ chỉ
mong muốn đi đến một Hiệp định đình chiến ở Việt Nam. Tuy nhiên đoàn Việt Nam đã
đề nghị bàn cả về vấn đề quân sự và chính trị, cuối cùng đã được Hội nghị chấp nhận. Kết
quả, không chỉ có một Hiệp định đình chiến theo kiểu kết quả của Hội nghị Bàn Môn
Điếm về chiến tranh Triều Tiên được kí kết, mà còn bao gồm cả một giải pháp chính trị,
quy định 2 miền sẽ tổ chức tổng tuyển cử trong cả nước sau 2 năm để thống nhất tổ quốc.
Nó tạo ra cơ sở pháp lí để ta đấu tranh đòi thống nhất đất nước sau này.
Kí kết hiệp định Giơnevơ đồng nghĩa với việc chấm dứt chiến sự. Điều này giúp ta thoát
khỏi nguy cơ lấn sâu vào chiến tranh trong điều kiện chưa cho phép. Có thể nói kết quả
mà đoàn Việt Nam đạt được tại bàn đàm phán đã phán ánh đúng tương quan lực lượng
quân sự tại chiến trường Đông Dương lúc đó. Điều này còn chưa tính đến việc tuy ta
thắng lớn ở Điện Biên Phủ nhưng, tinh thần chiến đấu còn cao nhưng do dốc hết toàn lực
cho Điện Biên Phủ nên tiềm lực cuốc kháng chiến đã tiêu hao, sức lức bộ đội đã mệt mỏi,
vũ khí trang thiết bị còn phải bổ xung nhiều, số lượng thương vong cũng không phải là
nhỏ, không thể đánh lớn ngay sau đó được. Hơn nữa, quân Pháp tuy thất bại lớn ở Điện
Biên Phủ nhưng còn lực lượng đằng sau, đế quốc Mĩ đang có mưu đồ can thiệp trực tiếp
vào Đông Dương. Về so sánh tương quan lực lượng, tổng số quân Pháp và ngụy vẫn lớn
hơn so với quân chủ lực của ta. Do vậy chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “có người thấy
thắng luôn muốn đánh bừa, đánh đến cùng, họ chỉ thấy cây mà không thấy rừng, chỉ thấy
Pháp mà không thấy âm mưu của Mỹ…họ đề ra khẩu hiệu quá cao…việc gì họ cũng
muốn mau, không biết đấu tranh cho hoà bình là gian khổ và phức tạp” .
Kí kết hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương giúp ta giữ được quan
hệ tốt đẹp với Liên Xô và Trung Quốc. Điều này có ý nghĩa chiến lược đối với ta trong
hoàn cảnh lúc đó. Liên Xô và Trung Quốc là lực lượng giúp đỡ ta rất nhiều. Trận Điện
Biên Phủ thành công một phần là do sự giúp đỡ to lớn từ hai nước này. Hơn nữa, nếu
không có sự giúp đỡ từ phía Liên Xô và Trung Quốc, ta sẽ gần như bị cô lập trong cuốc
chiến chống Pháp và can thiệp Mỹ ở trong nứơc và trên trường quốc tế.
So sánh với Hiệp định Sơ bộ 1946, Việt Nam đã đạt được nhiều thành công hơn trong
Hiệp định Giơnevơ, đó là ta đã giành được độc lập cho miền Bắc, là bước đệm cho việc
thống nhất đất nước.
V. Kết luận
1. Một số đánh giá và nhận định về Hội Nghị Giơnevơ:
a. Nhận xét chung cho bài nghiên cứu:
Như vậy, bài nghiên cứu của chúng tôi đã phần nào làm sáng tỏ được nguyên nhân của sự
thất bại của Việt Nam trong Hội nghị Giơnevơ 1954, có thể chia nó ra làm 2 lý do cơ bản:
thứ nhất là lý do khách quan, đó là do những tính toán và sức ép của các nước lớn trong
Hội nghị Giơnevơ về vấn đề Đông Dương; thứ hai là lý do chủ quan : do ta thiếu sót
trong khâu chuẩn bị, một mặt là bị hạn chế về thời gian, mặt nữa là do tình hình nghiên
cứu của chúng ta còn kém, chưa phát huy được hết khả năng của mình trong quá trình
đàm; là sự thiếu kinh nghiệm trong đàm phán của Việt Nam trong Hội nghị Giơnevơ, do
Việt Nam lần đầu tiên tham gia Hội nghị mang tầm cỡ đa phương quốc tế, nên những trải
nghiệm là chưa có. Ta chưa nhận thức rõ về tình hình thế giới và quan hệ quốc tế giữa
các nước lớn lúc bấy giờ, không nhận biết được những âm mưu tính toán của họ, do đó
mà ta chưa kết hợp được lợi ích dân tộc và xu thế của thời đại. Chúng ta đã không giữ
vững được độc lập tự chủ của mình mà lại quá tin tưởng vào hai bạn đồng minh là Liên
Xô và Trung Quốc đã dẫn tới những lợi dụng của các nước này với Việt Nam trên bàn
đàm phán. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng không bỏ qua những chiến thắng mà Việt Nam
đã đạt được trong Hội nghị này, đó là những nỗ lực đấu tranh của đoàn Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa trên chiến trường đối ngoại. Tuy không phát huy được thế thắng trên mặt
trận Điện Biên Phủ, nhưng những gì mà Việt Nam đạt được qua đấu tranh ngoại giao ở
Hội Nghị Giơnevơ cũng đã phần nào giúp Việt Nam xây dựng một cơ sở vững chắc cho
việc thực hiện mục tiêu cuối cùng là độc lập thống nhất đất nước.
b. Một số nhận định và đánh giá về Hội nghị Giơnevơ qua con mắt các nhà nghiên cứu:
Qua bài nghiên cứu trên ta có thể thấy Việt Nam đã phải hy sinh và chịu nhiều thiệt thòi
trong Hội Nghị Giơnevơ. Có rất nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đàm phán trong Hiệp
định Giơnevơ chưa thể hiện được hết vấn đề Việt Nam mong muốn. Xét về mặt quân sự,
Hội nghị Giơnevơ là một thất bại của Việt Nam vì nó chưa phản ánh đúng thế trận Việt
Nam là bên thắng trận. Như PGS Bùi Đình Thanh đánh giá: "Kết quả của Hội nghị Giơ-
ne-vơ chưa phản ánh đúng, đầy đủ thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong kháng chiến,
mà đã có những sự nhân nhượng…” . Nếu đứng trên lập trường là bên thắng trận, Việt
Nam hoàn toàn có thể đấu tay đôi với Pháp trên bàn đàm phán, và chắc chắn những gì ta
đạt được sẽ nhiều hơn thế. Không những vậy, “Nếu chúng ta đi sâu vào chi tiết các cuộc
thương lượng, chúng ta sẽ nhận thấy rằng các điều khoản của hiệp định chỉ để nhằm làm
thỏa mãn các cường quốc..., vì muốn bảo vệ quyền lợi của mình ở khu vực Đông Nam Á
mà các cường quốc đã tự quy định phần lớn các điều khoản trong Hiệp định, không cần
tính đến phản ứng của các nước Đông Dương. Không còn sự lựa chọn nào khác, các nước
Đông Dương phải nhượng bộ trước các áp lực rất lớn này” theo L.A. Belexa - nữ luật gia
Pháp. Vì vậy, "Hiệp định Giơ-ne-vơ là kết quả của sự thỏa thuận giữa các cường quốc"
(L.A. Belexa).
Tuy vậy, xét về mặt Ngoại giao thì Hội nghị Giơnevơ là một thắng lợi to lớn cho Việt
Nam. Bởi vì qua Hội nghị này, Việt Nam đã được các nước lớn thừa nhận là một quốc
gia độc lập có chủ quyền, như thế ta mới được ngồi vào bàn đàm phán và ký kết một
Hiệp định quốc tế. Đồng thời từ Hội nghị Giơnevơ, Việt Nam được thế giới biết đến
nhiều hơn, do đó vị thế và vai trò của Việt Nam cũng được nâng lên rõ rệt. Vì vậy, đây là
một chiến thắng to lớn của Ngoại giao Việt Nam
2. Bài học
Từ những ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Khoan, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thông qua
những nghiên cứu của nhóm, rút ra được những bài học sau Hội Nghị Giơnevơ là:
1. Luôn luôn giữ vững độc lập tự chủ, trong mọi trường hợp lợi ích dân tộc là tối cao.
2. Kết hợp các mặt trận, tạo nên sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi
3. Không đặt niềm tin qua nhiều vào các nước đồng minh, mà phải “dựa vào sức mình là
chính” như lời chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.
4. Đào tạo đôi ngũ cán bộ chuyên môn về ngoại giao, nắm bắt nhanh nhạy về tình hình
thế giới cũng như trong nước. Đẩy mạnh vai trò của ban nghiên cứu về Ngoại Giao để
cung cấp thông tin kiệp thời và nhanh chóng cho Đảng và Chính phủ để đề ra đường lối
chủ trương thích hợp.
Thông qua Hội nghị Giơnevơ, Việt Nam đã có được những bài học rất quý giá. Có vấp
ngã mới có thể đứng thẳng lên, mặc dù Việt Nam không thành công hoàn toàn trong Hội
nghị nhưng Giơnevơ cũng vẫn là một thắng lợi lớn của ngoại giao Việt Nam. Từ những
bài học trên, Ngoại giao Việt Nam cũng đã có nhiều kinh nghiệm và trưởng thành hơn
trong các cuộc đàm phán sau này, cụ thể như trong Hội nghị Paris, Việt Nam đã hoàn
thành một cách xuất sắc mục tiêu của mình, giành lại tự do, độc lập và toàn vẹn cho đất
nước, cho dân tộc Việt Nam.
3. Lật lại vấn đề
Có thể nói rằng thời gian tiến hành Hội nghị Giơnevơ là thời gian khá có lợi cho Việt
Nam vì lúc đó ta đang trên đà chiến thắng ở chiến trường, có lợi thế là phe thắng trận.
Tuy nhiên bất lợi cho ta là sự thiếu kinh nghiệm trên bàn đàm phán, khâu nghiên cứu còn
chưa hiệu quả và phải đối phó với những nước lớn nhiều trải nghiệm. Do đó nếu nói rằng
ngày 8 tháng 7 năm 1954 là một ngày phù hợp để diễn ra Hội nghị thì cũng không hoàn
toàn đúng, nhưng xét về thời cơ thì rõ ràng đó là một cơ hội mà nếu Việt Nam không nắm
bắt thì có lẽ sẽ không có cơ hội thứ 2, vì vậy là không thể trì hoãn. Giả sử như lúc đó Việt
Nam đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho Hội nghị, có đầy đủ các thông tin nghiên cứu và có những
kinh nghiệm trên bàn đàm phán, thì có lẽ Việt Nam có thể biết được phần nào những tính
tóan của các bên tham gia Hội nghị, lường trước được những bước đi của họ mà đưa ra
những chính sách đối phó hợp lý, kiên quyết giữ vững lập trường của mình để giành được
nhiều mục tiêu đề ra hơn như giành được nhiều vùng giải phóng càng tốt, kể cả bên Lào
và Campuchia, rút ngắn thời hạn tổng tuyển cử. Nếu như lúc đó Việt Nam có thể đấu
tranh để giành được vùng đất sâu xuống phía Nam và chỉ để cho Pháp vùng tập kết là 6
tỉnh vùng Nam kỳ là thuộc địa cũ của Pháp, thì có lẽ thời điểm hòa bình và thống nhất ở
Việt Nam và 2 nước anh em sẽ đến sớm hơn. Bởi vì khi đó, với vùng đất quá nhỏ bé, lợi
ích cũng nhỏ bé, khả năng can thiệp của Mỹ vào Việt Nam sẽ là rất ít, đồng thời việc cô
lập Pháp trong một khu đất nhỏ như vậy, Việt Nam sẽ dễ dàng tiêu diệt Pháp với những
trận đánh mà không sợ Mỹ sẽ giúp đỡ Pháp vì lúc đó, Pháp đã hết khả năng lợi dụng đối
với Mỹ.
Bên cạnh giải pháp là Hội nghị Giơnevơ thì còn cách nào lúc đó có thể giải quyết được
vấn đề Đông Dương hay không? Trước đó, Việt Nam với thế thắng trận đã đề nghị Pháp
đàm phán tay đôi nhưng Pháp kiên quyết không chấp thuận, Việt Nam cũng đã không
kiên quyết bắt ép Pháp đấu tay đôi với ta. Do vậy, Hội nghị Giơnevơ là không thể tránh
khỏi và đó cũng là biện pháp duy nhất để giải quyết vấn đề Đông Dương bằng con đường
Hòa bình theo như chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và mong muốn của nhân dân ba
nước Đông Dương.
Hội Nghị Giơnevơ là một cuộc đấu tranh ngoại giao phức tạp và gay go, vì nền Ngoại
Giao nhỏ bé của ta phải đối phó với những nền Ngoại Giao lớn mạnh và trải nghiệm trên
thế giới. Tuy nhiên chúng ta luôn giữ vững lập trường và kiên trì theo đuổi nó. Hội Nghị
Giơnevơ đã đánh dấu một bước tiến quan trọng cho Ngoại Giao Việt Nam ra tầm quốc tế,
Ngoại Giao đa phương. Thông qua Hội Nghị, Việt Nam đã đạt được những bài học kinh
nghiệm quý báu, từ đó xây dựng nền Ngoại Giao Việt Nam thêm trưởng thành và lớn
mạnh hơn.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- tieu_luan_nhom2_d33_2406.pdf