Tiểu luận Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh Đắk Nông

Từ những vấn đề đã đề cập trên cần tích cực hạn chế những thất thoát lãng phí không tiết kiệm trong công tác quản lý đầu tư và xây dựng, xin đề xuất những phương hướng và giải pháp cơ bản như sau: Một là cần tăng cường mạnh hơn nữa công tác kiểm tra kiểm soát trong lĩnh vực đầu tư trên giác độ quản lý nhà nước, giảm bớt gánh nặng của Nhà nước trong việc cấp phát ngân sách cho các công trình mang tính chất sự nghiệp công cộng, nên chuyển qua các hình thức đầu tư, chuyển giao, vận hành BOT, BT, BTO., giao cho các tổ chức cá nhân thuộc các thành phần kinh tế có đủ năng lực ứng vốn đầu tư và sử dụng hình thức thu phí lệ phí để hoàn vốn, việc này sẽ tăng cường trách nhiệm hơn trong các khâu tiết kiệm chống lãng phí vì đồng vốn là do các cá nhân tổ chức bỏ ra đầu tư. Hai là cần áp dụng đấu thầu quản lý các dự án đầu tư cho các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực trình độ và có ràng buộc vào tài chính đối với cam kết hợp đồng khi trúng thầu công tác quản lý dự án của Nhà nước.

doc21 trang | Chia sẻ: tueminh09 | Ngày: 27/01/2022 | Lượt xem: 468 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tiểu luận Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh Đắk Nông, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
LỜI NÓI ĐẦU Trải qua 25 năm thực hiện chính sách đổi mới và mở cửa của Đảng và Nhà nước, nền kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa quan trọng trong nhiều lĩnh vực. Trong quá trình ấy phải nói rằng chính sách tài chính, chính sách đối ngoại và đặc biệt là chính sách đầu tư phát triển đã đóng góp rất lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đã tạo cơ sở vật chất làm tiền đề cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhằm làm nền móng cho hạ tầng cơ sở vật chất, tạo đà phát triển bền vững cho kiến trúc thượng tầng của một đất nước hiện đại, văn minh tiến kịp với sự phát triển của các nước trong khu vực và bắt kịp tốc độ phát triển như vũ bão hiện nay của các nước phát triển công nghiệp khác trên thế giới. Bước vào giai đoạn mới - giai đoạn phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đang đặt ra những yêu cầu thật sự cần thiết vào đổi mới cơ chế, chính sách đầu tư và xây dựng vừa phải phù hợp với tình hình đất nước ta vừa phải phù hợp với thông lệ quốc tế v.v... phải có những chính sách thật sự thông thoáng nhưng chặt chẽ đến mức tối thiểu cần thiết để kêu gọi vốn đầu tư phát triển của mọi thành phần: huy động vốn trong nhân dân, các tổ chức trong nước bao gồm cả tổ chức đoàn thể, công hội, doanh nghiệp và một bộ phận khá quan trọng là các nhà đầu tư nước ngoài. Một trong những định hướng cơ bản trong đổi mới chính sách tài chính là nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng vốn đầu tư được xem là trọng tâm của chương trình đổi mới kinh tế tài chính, nhất là trong điều kiện nước ta đang thiếu vốn, cho nên việc sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư là một yêu cầu hàng đầu. Vì vậy, nâng cao hiệu quả đầu tư phải được đặt ra như một tiêu chuẩn cho mọi hoạt động đầu tư, mặt khác nâng cao hiệu quả đầu tư phải là mục tiêu chi phối mọi hoạt động và quyết định phát triển kinh tế trên tất cả các lĩnh vực, có nghĩa là phải xác định rằng việc huy động vốn đã khó nhưng việc sử dụng vốn như thế nào cho có hiệu quả thì càng khó hơn. Đây là một vấn đề nóng bỏng xảy ra trong quá trình thực hiện và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản. Yêu cầu đặt ra tương đối rộng khả năng khái quát, phân tích, đánh giá và vận dụng thực tiễn có hạn tôi không có tham vọng đề cập đến tất cả các vấn đề để làm thế nào nâng cao hiệu quả vốn đầu tư thuộc mọi lĩnh vực mà nội dung chính của tiểu luận chỉ đề cập đến một khía cạnh vào việc quản lý đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh Đắk Nông. Từ đó có những ý kiến đề xuất trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản tại địa phương nhằm nâng cao hiệu quả và phần nào hạn chế những thất thoát trong lĩnh vực này. PHẦN THỨ NHẤT NỘI DUNG TÌNH HUỐNG Đắk Nông là một tỉnh mới thành lập ngày 01/01/2004 theo Nghị quyết số 22/2003/QH 11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội khoá XI trên cơ sở chia tách tỉnh Đắk Lắk. Toàn tỉnh có có một thị xã Gia Nghĩa và 7 đơn vị hành chính cấp huyện : Cư Jút, Đắk Mil, Đắk R’Lấp, Tuy Đức, Krông Nô, Đắk Song và Đắk Glong. Diện tích tự nhiên là 6.514,38 km2 dân số gần 480 nghìn người với 31 dân tộc anh em cùng chung sống. Đây là một tỉnh Tây nguyên nằm trong chiến lược ưu tiên phát triển nhanh của Trung ương, đồng thời là một tỉnh mới thành lập nên được Chính phủ quan tâm đầu tư, nhiều công trình dự án có tầm vóc quốc gia như: khai khoáng, thuỷ điện, công nghiệp với quặng bôxít có trữ lượng 4,5 tỷ tấn, đây là thế mạnh mà Chính phủ thực hiện việc đầu tư phát triển tại Đắk Nông. Do đó tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản tại Đắk Nông là một yêu cầu cấp thiết. Thực tế trong khi theo dõi thực hiện công tác quản lý nhà nước về nguồn vốn đầu tư xây dựng tại tỉnh Đắk Lắk (cũ) và tình hình sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước tại tỉnh Đắk Nông hiện nay. Tôi xin nêu một số tình huống để làm rõ thêm những vướng mắc cần quan tâm tháo gỡ. Về lĩnh vực đầu tư phát triển, việc đầu tư cụ thể vào dự án phát triển nào cần phải được xem xét kỹ lưỡng, căn cứ vào nhu cầu, giá cả thị trường, mức độ tiêu thụ, và nhất là tính toán được hiệu quả kinh tế tài chính và xã hội trước khi đầu tư, không nên đầu tư theo “phong trào”, hay “ai có gì mình có nấy” điển hình như việc đầu tư vào nhà máy đường, gạch tuy nen tại huyện Cư Jút hiện nay đều bị thua lỗ, chẳng hạn nhà máy đường đưa vào hoạt động lỗ bình quân 5 tỷ đồng mỗi năm và mỗi đêm ngủ dậy là phải trả lãi cho Ngân hàng là 30 triệu đồng, việc đầu tư như vậy đã gây lãng phí và thất thoát hàng chục tỷ đồng của Nhà nước. Hoặc việc chủ trương đầu tư không đồng bộ, đầu tư phần trên trước, sau đó mới đầu tư các phần bên dưới, cho nên có khi một con đường đã có phần mặt bê tông nhựa hoàn chỉnh nhưng lại bị đào bới lên nhiều lần để đầu tư đường ống cấp thoát nước, đường thông tin bưu điện (đường Hai Bà Trưng) tại thị xã Gia Nghĩa... gây ra rất nhiều lãng phí và tốn kém tiền bạc của Nhà nước. Trong công tác đền bù giải tỏa: Điển hình là dự án Bệnh viện đa khoa tỉnh; phương án đền bù giải tỏa đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông phê duyệt lần đầu (năm 2004) là 2,06 tỷ đồng, sau đó phải bổ sung thêm 1,47 tỷ đồng; hay dự án trục đường Bắc - Nam số tiền đền bù theo quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi là 40,2 tỷ đồng nhưng khi đề nghị quyết toán công trình hoàn thành (năm 2005) là 51 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do quản lý không tốt cho nên một số đối tượng lợi dụng quy hoạch để làm nhà, xây bể nướctrông chờ hưởng lợi cá nhân về tiền đền bù giải tỏa, mặt khác do việc lập phương án đền bù giải toả chậm nên chính sách về đền bù có thay đổi, làm thất thoát và lãng phí vốn đầu tư của nhà nước hàng tỷ đồng. Qua báo cáo công tác thanh tra kiểm tra của các cơ quan chức năng ở tại địa phương, việc lãng phí thất thoát trong đầu tư và xây dựng chiếm trên 10% tổng mức nguồn vốn đầu tư và được tổng kết qua một số mặt công tác sau: - Lãng phí và thất thoát do khâu chủ trương đầu tư và lập kế hoạch đầu tư không đúng hướng và không tập trung dứt điểm để đưa nhanh công trình vào khai thác sử dụng, phát huy hiệu quả - loại lãng phí này chiếm khoảng 30% trong tổng thất thoát cho đầu tư hàng năm. - Lãng phí thất thoát do giai đoạn chuẩn bị đầu tư, trong các công tác khảo sát, lập dự án đầu tư, tiền khả thi, khả thi không đầy đủ, kỹ lưỡng và tài liệu thu thập không chính xác, lãng phí do công tác giải phóng mặt bằng đình trệ, kéo dài thời gian xây dựng, loại này chiếm vào khoảng 10% tổng thất thoát. - Lãng phí thất thoát trong giai đoạn thực hiện đầu tư, bao gồm lãng phí do công tác khảo sát thiết kế, công tác thẩm định hồ sơ thiết kế, sử dụng công nghệ thiết bị lạc hậu, tân trang từ thiết bị cũ, thất thoát trong công tác đấu thầu, chỉ định thầu do thông thầu, ép giá và công tác giám sát nghiệm thu chiếm khoảng 40% tổng thất thoát. - Công tác thanh quyết toán công trình cũng gây lãng phí thất thoát khoảng 10% trong tổng thất thoát. - Các công tác khác như giám định quá trình đầu tư, trách nhiệm của người quản lý nhà nước vào quá trình xây dựng công trình, quá trình quản lý vận hành cũng gây ra những thất thoát lãng phí chiếm khoảng 10% tổng thất thoát. ¶¶¶ PHẦN THỨ HAI PHÂN TÍCH MÔ TẢ TÌNH HUỐNG I/ Về chủ trương đầu tư và công tác lập kế hoạch đầu tư : Để chuẩn bị cho một kế hoạch dài hạn vào phát triển kinh tế của địa phương theo kế hoạch 5 năm, trên cơ sở thế mạnh tiềm năng của mình, từng tỉnh sẽ định hướng cho nền kinh tế của địa phương mình theo hoạch định tổng thể của cả nước, trong đó việc xác định kế hoạch đầu tư qua từng năm được xác định. Hàng năm ngân sách trung ương và địa phương phải chi khoản hơn 500 tỷ đồng cho việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng xã hội và phúc lợi công cộng tại Đắk Nông, trong khi nguồn vốn hạn hẹp mà nhu cầu đầu tư vùng nào, ngành nào cũng rất cần và cấp thiết, do đó vốn đầu tư được bố trí dàn trãi, mỗi nơi một ít không đủ đề đầu tư dứt điểm cho công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng ngay. Một công trình có quy mô nhỏ mà phải kéo dài đầu tư nhiều năm cũng gây ra không ít thất thoát và hiệu quả sử dụng của đồng vốn đầu tư không được phát huy, mặt khác phải sử dụng nhiều người nhiều phương tiện vào tham gia quản lý các hoạt động đầu tư và quản lý nhà nước, hoạt động tư vấn, xây dựng, các ban bệ gây tốn kém ngân sách nhà nước. II/ Trong các hoạt động triển khai đầu tư: A/ Giai đoạn chuẩn bị đầu tư: 1/ Khảo sát lập dự án tiền khả thi: Công tác điều tra khảo sát, thu thập tài liệu nghiên cứu tính toán tiền khả thi là một khâu quan trọng trong quá trình đầu tư, làm tốt và đánh giá thật kỹ lưỡng sẽ đem lại hiệu quả và tránh những tốn kém trong quá trình đầu tư, đây cũng là giai đoạn tốn kém tiền của nhiều nhất, thời gian dài nhất và quan trọng nhất trước khi đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn. Thực tế công tác này tại địa phương hầu hết các chủ đầu tư dự án đều xem nhẹ, làm qua loa chiếu lệ để kịp đáp ứng với yêu cầu thời gian triển khai đầu tư nếu chậm trễ sẽ bị “cắt ” vốn, do đó chất lượng của công tác này đối với một số dự án tiền khả thi là không chính xác, gây hậu quả trong quá trình đầu tư phải bổ sung sửa đổi, làm kéo dài thời gian thi công xây dựng vừa tốn kém vừa thiếu hiệu quả và quan trọng là mất cơ hội đầu tư, với loại này cũng gây tốn kém và tổn thất rất lớn vào thời gian và tài chính. 2/ Công tác lập dự án đầu tư : Trong lập dự án đầu tư, một số chủ đầu tư còn coi nhẹ bước tính toán đến hiệu quả kinh tế tài chính của dự án, đối với các dự án đầu tư thuần tuý vào sản xuất kinh doanh không mang nhiều ý nghĩa vào phục vụ xã hội, nhà đầu tư không tính toán đến các chỉ tiêu lợi nhuận và so sánh các phương án đầu tư để chọn lựa phương án tối ưu nhất. Hoặc với một số dự án đầu tư phục vụ lợi ích cộng đồng, chủ đầu tư chỉ quan tâm đến việc có công trình nhưng chưa đề cập sâu đến hiệu quả sử dụng cho nên có một số công trình xây dựng xong chỉ sử dụng được vài ba lần trong năm như sân vận động, rạp chiếu bóng ..., những việc này cũng gây ra lãng phí trong XDCB. 3/ Công tác giải phóng mặt bằng : Có dự án đầu tư đã nhiều năm nhưng vẫn không thể đưa vào sử dụng được do công tác điều tra và giải phóng mặt bằng không thực hiện được, chẳng hạn như có một số công trình giao thông, thoát nước trong thành phố đã được đầu tư sáu năm qua nhưng do mặt bằng không giải toả được. Vì vậy đến nay vẫn chưa được nghiệm thu thông tuyến thậm chí có một số đường ống thoát nước không giải toả, xây dựng được ống thoát hạ lưu gây ngập úng và hư hỏng, một số đường phố chính phải duy tu bảo dưỡng thường xuyên gây lãng phí công quỹ Nhà nước. B/ Giai đoạn thực hiện đầu tư: 1/ Công tác khảo sát thiết kế: Hiện nay, thực hiện cơ chế mở, cạnh tranh trong kinh doanh đã có những mặt tích cực của nó, tuy nhiên cũng không tránh khỏi những cạnh tranh thiếu lành mạnh, ồ ạt dẫn đến chất lượng kém gây tác hại đến lãng phí tiền của, một số doanh nghiệp tư vấn vào khảo sát thiết kế chạy theo lợi nhuận, không chú ý đến chất lượng sản phẩm khảo sát thiết kế, đến khi đưa vào thực thi xây dựng công trình mới phát hiện sai sót rồi bổ sung hoặc đập phá, có những công trình được thiết kế rất “phóng tay”, sử dụng nhiều sắt thép quá mức cần thiết, sử dụng vật liệu đắt tiền để tính toán chi phí thiết kế tăng lên (do hiện nay chi phí thiết kế được tính trên tỷ lệ % so với giá trị dự toán công trình). Vấn đề này cũng gây ra nhiều lãng phí tốn kém trong công tác xây dựng. 2/ Công tác thẩm định hồ sơ thiết kế dự toán : Thực tế cho thấy nhiều hồ sơ thiết kế dự toán được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền vào xây dựng thẩm định nhưng công tác này còn có nhiều sai sót. Có công trình trong dự toán lập khối lượng thừa hoặc thiếu rất lớn, việc thẩm định kém dẫn đến việc thanh toán khống khối lượng trong các công trình đấu thầu với giá trúng thầu cao dẫn đến giá thanh toán cao sẽ rất lãng phí và thất thoát ngân sách ... Về phương diện thẩm định hồ sơ thiết bị vật tư phụ tùng và các dây chuyền công nghệ nhập ngoại, đây là vấn đề gây lãng phí rất lớn đối với đầu tư trong nước trong những năm gần đây, một mặt do trình độ tiếp cận với sự phát triển nhanh của nền công nghệ của các nuớc tiên tiến, hơn nữa lượng thông tin đối với thị trường ngoài nước còn hạn hẹp và thiếu, nên nhiều dự án đã nhập vào nước những dây chuyền sản xuất lạc hậu, tân trang lại máy móc thiết bị thuộc thế hệ cũ. Điển hình là dây chuyền chế biến đường, xi măng lò đứng của Trung Quốc, hệ thống chế biến gỗ ván lạng của Pháp là những bài học đắt giá vào vấn đề này. 3/ Công tác đấu thầu, chỉ định thầu: Việc quản lý và hướng dẫn công tác đấu thầu còn nhiều bất cập, trên thực tế vấn đề trong sạch trong đấu thầu là rất khó, việc công bố giá trần của dự toán đã giúp các nhà thầu liên minh hoặc thông thầu với nhau nhằm làm giảm ít nhất so với giá trị dự toán công trình, mà lẽ ra phần tiết kiệm đó là phần hưởng lợi của Nhà nước trong mục tiêu của đấu thầu. Hoặc quy định chưa nghiêm trong việc xác định khả năng tài chính cũng như năng lực của các nhà thầu trong xét thầu, do đó có nhiều doanh nghiệp không lành mạnh về tài chính, mất khả năng cân đối thanh toán, nợ nần nhiều nhưng được quyết định trúng thầu với giá thấp nhất, khi thực hiện hợp đồng thì kéo dài, không đủ tài chính để thực hiện công trình cũng gây ra bê trễ, giảm chất lượng và dẫn đến tổn thất tiền của nhà nước. 4/ Công tác giám sát, giám định và nghiệm thu : Công tác giám sát thi công công trình còn nể nang, đại khái, không thực hiện đúng quy trình công tác, dựa vào đó các nhà thầu thay đổi chủng loại vật tư vật liệu so với cam kết trong hợp đồng và đấu thầu, gây giảm chất lượng giảm tuổi thọ công trình, và đó cũng là một nguyên nhân gây thất thoát lớn trong công tác quản lý giám sát đầu tư xây dựng. Công tác giám định của cơ quan quản lý chất lượng tại địa phương chưa thực hiện hết chức năng đã được quy định trong Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của chính phủ, về quản lý chất lượng công trình XDCB phải thường xuyên thực hiện giám định, đột xuất kiểm tra, theo dõi thực hiện công tác nghiệm thu từng giai đoạn theo điểm dừng kết cấu bộ phận công trình. Tuy nhiên trên thực tế hoạt động này vẫn còn chiếu lệ, nên dẫn đến chất lượng công trình làm dối, làm ẩu gây lãng phí. Công tác nghiệm thu: có nhiều hội đồng nghiệm thu được tổ chức chỉ là hình thức “cưỡi ngựa xem hoa”, không đi sâu vào nghiệm thu chất lượng, khối lượng thực hiện công trình, kiểm soát các chứng chỉ chứng nhận nguồn gốc của các loại vật liệu, nhật ký công trình và các nghiệm thu giai đoạn,... do đó việc đánh giá chất lượng và tính toán khối lượng thường thiếu chính xác và đa số là tăng so với thực tế. Phần này cuối cùng cũng do Nhà nước gánh chịu. C. Giai đoạn kết thúc đầu tư: 1/ Công tác thanh quyết toán công trình dự án: - Công tác thanh toán vốn đầu tư: đây là vấn đề có liên quan trực tiếp đến tiền bạc dự án, nếu xử lý kịp thời và thuận lợi cho chủ đầu tư giải ngân nhanh sẽ thúc đẩy tiến độ thi công, đồng thời thanh toán đúng chế độ văn bản quy định sẽ tránh được thất thoát và lãng phí của Nhà nước, trong lĩnh vực này từ lâu đã có quy định cụ thể nhằm tránh những tình trạng trên, nhưng thực tế việc này vẫn xảy ra những vấn đề thất thoát do khâu kiểm soát còn sai sót, vận dụng chế độ chính sách không phù hợp, thanh toán vượt dự toán (kế hoạch) được ghi, cũng có trường hợp đơn vị thanh toán vốn đòi hỏi nhiều thủ tục rườm rà không thuộc phạm vi trách nhiệm của mình theo dõi quản lý như dự án, giấy phép đầu tư, cấp đất, thiết kế thẩm định, giấy phép kinh doanh,... vì hiển nhiên những vấn đề này phải đầy đủ thì mới thực hiện đầu tư cho đến bước thanh toán vốn được, sự nhũng nhiễu này cũng gây ra khó khăn và dẫn đến bê trễ tiến độ xây dựng lãng phí thời gian tiền bạc. - Công tác quyết toán vốn đầu tư hoàn thành: là khâu cuối cùng tổng hợp toàn bộ của quá trình đầu tư. Do đó, việc kiểm tra rà soát lại toàn bộ từ đầu để xác định giá trị hoàn thành, công nợ, chất lượng, đánh giá quá trình đầu tư, và trình phê duyệt quyết toán hoàn thành. Trong công tác này thường cũng có những sai sót khi kiểm tra quyết toán, sai sót vào thủ tục đầu tư nhưng nếu không kịp thời điều chỉnh cũng dẫn đến thất thoát vốn Nhà nước. D. Triển khai hoạt động sử dụng dự án đầu tư: 1/ Giám định đầu tư: Trong quá trình thực hiện đầu tư dự án, cần phải thực hiện bước kiểm tra bằng phương pháp giám định, nếu kiểm tra phát hiện dự án đầu tư triển khai không đúng hướng hoặc có nhiều biến động khách quan của xã hội tác động lên quá trình đang đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cần phải có ngay những kiến nghị cần thiết để đánh giá lại sự đúng đắn, hiệu quả thực tế của dự án để điều chỉnh kịp thời hoặc ngừng đầu tư để tránh việc thua lỗ lớn. Thực chất công tác này những năm qua chưa được triển khai giám sát, vì vậy có khá nhiều dự án vượt vốn, xây dựng xong không mang lại hiệu quả thua lỗ sau đầu tư gây lãng phí thất thoát nặng nề, hiện nay Nhà nước đã có quan tâm và chính thức đưa vào thực hiện trong Nghị định 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. 2/ Trách nhiệm của các tổ chức cá nhân được giao trong quá trình thực hiện đầu tư và sử dụng dự án công trình sau đầu tư: Nhà nước chưa có quy định ràng buộc cụ thể vào vấn đề trách nhiệm của chủ đầu tư với trách nhiệm của người quản lý điều hành dự án hoàn thành đưa vào sản xuất, sử dụng do đó việc điều hành dự án theo ý muốn chủ quan của người quản lý thực hiện xây dựng sẽ có những vấn đề khác biệt với người trực tiếp quản lý sử dụng, dẫn đến việc thay đổi sửa chữa sau khi nghiệm thu cho phù hợp cũng gây đến những tổn hao tài sản tiền bạc Nhà nước. *** Nguyên nhân dẫn đến những vấn đề gây thất thoát lãng phí trong quá trình đầu tư và xây dựng như đã trình bày ở trên có thể được nêu như sau : 1/ Đất nước ta trải qua một thời gian dài xây dựng kinh tế trên cơ sở một nền hành chính tập trung quan liêu bao cấp, những vấn đề thụ động ỷ lại trong cung cách quản lý đã có phần nào ảnh hưởng đến sự trì trệ trong phong cách khi bước sang thời kỳ đổi mới tư duy và nhận thức vào kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Cơn lốc kinh tế thị trường đã làm cho nhiều thành phần xã hội kéo theo việc làm giàu, bất chấp các quy định và pháp luật của nhà nước gây ra những hậu quả thất thoát lãng phí trong đầu tư. 2/ Hệ thống văn bản pháp quy hiện hành của nhà nước đôi khi chậm được sửa đổi thay thế cho phù hợp với phát sinh mới, chậm trong hướng dẫn thực hiện, hoặc chưa có những quy định cụ thể bằng văn bản một số vấn đề cần quản lý. Các văn bản đôi lúc cũng có quy định chồng chéo. Biện pháp chế tài, quy định cụ thể trách nhiệm, xử phạt vào vi phạm hành chính và truy tố hình sự trong vấn đề gây thất thoát lãng phí trong đầu tư và xây dựng cũng chưa được đề cập đến. 3/ Đội ngũ cán bộ công chức viên chức và các tổ chức, cá nhân tham gia trong quá trình quản lý nhà nước, trực tiếp tham gia công tác đầu tư và xây dựng, tiếp nhận vận hành sau đầu tư còn có nhiều hạn chế về năng lực, trình độ, kiến thức vào quản lý vào quy trình đổi mới, kiến thức khoa học kỹ thuật tiên tiến của nền công nghiệp hiện đại trên thế giới; cập nhật thông tin hệ thống văn bản pháp quy trong điều hành quản lý của Nhà nước, các thông tin kinh tế trong và ngoài nước. Bên cạnh đó phẩm chất đạo đức thoái hoá, thiếu kiên định của một số cá nhân thực hiện chức trách của nhà nước giao phó trong cơn lốc của sự phát triển nền kinh tế thị trường. 4/ Vai trò thanh tra, kiểm tra của một số Sở chuyên ngành chưa thực hiện tròn trách nhiệm được giao, còn có những ý kiến không thống nhất trong việc tham mưu các vấn đề tồn tại với cấp thẩm quyền trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng. Các vấn đề thắc mắc của các đối tượng thực hiện công tác này chưa được các ngành thẩm quyền hướng dẫn xử lý cụ thể trong từng lĩnh vực của mình phụ trách mà còn chồng chéo, đổ lỗi cho nhau. PHẦN THỨ BA PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ TÌNH HUỐNG Để hạn chế tối đa những biểu hiện dẫn đến việc thất thoát lãng phí trong quá trình quản lý đầu tư & xây dựng cơ bản. Bản thân tôi xin mạnh dạn đề đạt các phương án giải quyết nguyên nhân gây ra lãng phí như đã phân tích ở trên: I/- XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN 1/ Phương án 1: Tăng cường biện pháp Tuyên truyền Giáo dục - Cần phải giáo dục đường lối chính sách của Đảng đến mọi người dân, các tổ chức, cá nhân những kiến thức căn bản và nhận thức vào vấn đề đầu tư & xây dựng phát triển cơ sở vật chất cho xã hội, trong đó việc gây thất thoát, lãng phí như một tệ nạn và cần được thường xuyên hạn chế bằng việc theo dõi, giám sát theo phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. - Nhà nước cần phải có chính sách cụ thể hoá, cần ban hành kịp thời các văn bản còn thiếu trong quản lý nhà nước vào đầu tư & xây dựng để tạo cơ sở pháp lý cho mọi người cùng hiểu biết và áp dụng, tuân thủ. - Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức nhà nước tham gia vào công tác quản lý đầu tư & xây dựng cần có trình độ nhất định đáp ứng ngang tầm với nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật vào hành vi của mình; phải thường xuyên được học tập, nâng cao kiến thức khoa học, nắm bắt kịp thời sự phát triển kỹ thuật của thế giới, có đạo đức và nhiệt tình cách mạng. Ưu điểm của phương án này: Đắk Nông là một tỉnh miền núi cho nên mặt bằng dân trí chưa cao, mặt khác vì là một tỉnh mới thành lập nên đội ngũ cán công chức, viên chức đa số còn ít kinh nghiệm trong công tác. Vì vậy, tăng cường tuyên truyền giáo dục là một biện pháp rất cần thiết trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản. Nhược điểm: phương án này đòi hỏi phải có thời gian tương đối dài. 2/ Phương án 2: Tăng cường Biện pháp chế tài Phạt tiền nếu vi phạm hành chính và xử lý hình sự nếu vi phạm có thất thoát, ảnh hưởng lớn đến công quỹ của nhà nước, cụ thể: - Phạt tiền nếu vi phạm hành chính chưa đến mức truy tố như sau: + Chủ trương đầu tư sai lầm, có ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội và thực tế làm thất thoát, lãng phí đến công quỹ nhà nước đã bỏ ra để đầu tư nhưng chưa đến mức độ phải truy tố. + Kế hoạch đầu tư hàng năm không thực hiện đúng theo Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ đối với các dự án phân theo nhóm A, B, C có quy định thời hạn hoàn thành và giải quyết đủ vốn tương xứng với giá trị công trình để đưa vào sử dụng ngay không để kéo dài lãng phí. + Dự án đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước giao cho các Chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm: Phạt nếu do không nghiên cứu kỹ lưỡng giai đoạn chuẩn bị gây ra lãng phí thất thoát như không có hiệu quả đối với dự án sản xuất kinh doanh, thua lỗ hoặc đầu tư công cộng nhưng không có hiệu quả sử dụng. + Người có thẩm quyền thẩm định và quyết định phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt thiết kế kỹ thuật tổng dự toán công trình sử dụng vốn Nhà nước nhưng gây ra thất thoát như đã nói trên. + Người làm chậm trễ tiến độ thi công do công tác giải phóng mặt bằng để kéo dài thời gian xây dựng gây lãng phí. + Thực hiện công tác khảo sát, thiết kế nhưng không điều tra khảo sát kỹ, tính toán thừa thiếu khối lượng, kém chất lượng công trình hay thiết kế lãng phí để đẩy cao chi phí thiết kế cũng phải chịu trách nhiệm xử phạt bằng tiền. + Người thẩm định thiết bị, vật tư, phụ tùng thay thế và các dây chuyền công nghệ nhập ngoại nhưng gây hậu quả làm lãng phí do công nghệ lạc hậu, cũ kỹ, không phù hợp, chất lượng sản phẩm sản xuất ra không đạt tiêu chuẩn quy định gây tồn đọng không tiêu thụ được thì cũng phải chịu trách nhiệm phạt tiền. + Người có thẩm quyền trong công tác đấu thầu, chỉ định thầu vi phạm vấn đề này gây thất thoát ngân sách thì cũng phải chịu trách nhiệm phạt tiền. + Cán bộ giám sát công trình không làm hết chức năng theo quy định dẫn đến chất lượng công trình kém, khối lượng công trình không chính xác so với thực tế và thiết kế thì cũng phải chịu trách nhiệm phạt tiền. - Người có thẩm quyền thuộc cơ quan giám định chất lượng địa phương nếu không làm tròn trách nhiệm kiểm tra, giám định thì cũng phải chịu trách nhiệm phạt tiền. - Trong công tác thanh quyết toán công trình nếu gây ra thất thoát do chấp nhận thanh toán sai chế độ, tăng so với dự toán được duyệt, gây lãng phí, thất thoát thì cũng phải chịu trách nhiệm phạt tiền. + Chủ đầu tư công trình trong quá trình quản lý dự án công trình gây thất thoát, lãng phí nếu phát hiện thì cũng phải chịu trách nhiệm phạt tiền. Trường hợp những vi phạm trên gây ra thiệt hại nghiêm trọng thì truy tố trách nhiệm hình sự. Ưu điểm của phương án này: Giải quyết nhanh, dứt khoát việc gây ra lãng phí thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản, thể hiện kỷ cương phép nước trong quản lý đầu tư. Nhược điểm: Phương án này mang tính chất giải quyết tình thế, chưa giải quyết tận gốc nguyên nhân gây ra lãng phí thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản. 3/ Phương án 3: Cải cách hành chính trong đầu tư xây dựng cơ bản và thực hiện cơ chế “một cửa, một dấu” đối với các đơn vị quản lý đầu tư. Triển khai việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, loại bỏ những thủ tục hành chính rườm rà, những thủ tục dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây phiền hà cho nhân dân, tổ chức. Rà soát và hệ thống hóa các cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, để loại bỏ và sửa đổi những văn bản không còn hiệu lực, chồng chéo của các ngành các cấp. Trọng tâm trước mắt là các lĩnh vực về quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng, cấp giấy chứng nhận kinh doanh nhằm nâng cao năng lực quản lý. Đẩy mạnh việc phân cấp quản lý theo đúng các quy định hiện hành, giữa các ngành các cấp chính quyền địa phương. Xây dựng và thực hiện các cơ chế thanh tra, kiểm tra tài chính thực hiện dân chủ công khai minh bạch về tài chính. Thực hiện mô hình “một cửa, một dấu” trong quản lý đầu tư là: Khi tổ chức và công dân có nhu cầu giải quyết một công việc nào đó, chỉ cần đến liên hệ với một đầu mối và nhận lại kết quả cũng tại đầu mối đó còn việc giải quyết thuộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước với nhau. Khó khăn khi thực hiện phương án này: Cải cách hành chính là công việc nhạy cảm, khó khăn, bởi vì: Cải cách hành chính gặp trở ngại lớn do đụng chạm đến lợi ích cục bộ của nhiều cá nhân và tổ chức trong cơ quan quản lý hành chính tại địa phương. Mặt khác do nhận thức và trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ thừa hành nhiệm vụ còn nhiều hạn chế cần phải có chính sách đào tạo nâng cao. II/- LỰA CHỌN PHƯƠNG ÁN Thực tế hiện nay, cả 3 phương án đã nêu ở trên đều là những yêu cầu cấp bách cần làm. Tuy nhiên để chọn một phương án tối ưu nhất để ưu tiên thực hiện, qua phương án xử lý tình huống trên tôi chọn phương án 3 (Cải cách hành chính trong đầu tư xây dựng cơ bản và thực hiện cơ chế “một dấu, một cửa” đối với các đơn vị quản lý đầu tư). Vì những lý do sau: Mục tiêu của cải cách hành chính là nhằm xác định một nền hành chính trong sạch, có đủ năng lực, sử dụng đúng quyền lực và từng bước hiện đại hóa để quản lý có hiệu lực và hiệu quả công việc của nhà nước, thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh, đúng hướng phục vụ đời sống nhân dân, xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật trong xã hội. Đặc biệt là khi thực hiện được mô hình “một cửa, một dấu” sẽ được nhân dân đồng tình ủng hộ. Bởi vì: Người dân không phải đi lại nhiều lần, không phải đến nhiều nơi để liên hệ, đỡ tốn kém mà thời gian giải quyết lại nhanh hơn; Giảm bớt hiện tượng nhũng nhiễu, phiền hà người dân thông qua việc tách riêng khâu nhận hồ sơ và khâu thụ lý hồ sơ. Người thụ lý hồ sơ không tiếp xúc với dân, như vậy quan hệ giữa người nộp và người thụ lý hồ sơ độc lập với nhau; Các quy trình thủ tục rõ ràng, công khai được niêm yết tại nơi tiếp dân đã giúp người dân một tâm trạng thoải mái, giải tỏa được những thắc mắc do sự thiếu minh bạch, rõ ràng trước đây; Phương thức tổ chức “một cửa, một dấu”, công khai, thuận tiện, đã tạo sự gần gủi hơn giữa cơ quan chính quyền với nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân giám sát các hoạt động giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan chính quyền theo hướng “dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”. Đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm và trình độ chuyên môn của cán bộ, công chức trong qúa trình thực thi nhiệm vụ. ¶¶¶ PHẦN THỨ TƯ PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ 1/ Phương hướng, giải pháp Từ những vấn đề đã đề cập trên cần tích cực hạn chế những thất thoát lãng phí không tiết kiệm trong công tác quản lý đầu tư và xây dựng, xin đề xuất những phương hướng và giải pháp cơ bản như sau: Một là cần tăng cường mạnh hơn nữa công tác kiểm tra kiểm soát trong lĩnh vực đầu tư trên giác độ quản lý nhà nước, giảm bớt gánh nặng của Nhà nước trong việc cấp phát ngân sách cho các công trình mang tính chất sự nghiệp công cộng, nên chuyển qua các hình thức đầu tư, chuyển giao, vận hành BOT, BT, BTO..., giao cho các tổ chức cá nhân thuộc các thành phần kinh tế có đủ năng lực ứng vốn đầu tư và sử dụng hình thức thu phí lệ phí để hoàn vốn, việc này sẽ tăng cường trách nhiệm hơn trong các khâu tiết kiệm chống lãng phí vì đồng vốn là do các cá nhân tổ chức bỏ ra đầu tư. Hai là cần áp dụng đấu thầu quản lý các dự án đầu tư cho các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực trình độ và có ràng buộc vào tài chính đối với cam kết hợp đồng khi trúng thầu công tác quản lý dự án của Nhà nước. Ba là có chính sách mở rộng đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật đi ra nước ngoài tham quan học tập những công nghệ đổi mới thường xuyên của thế giới, yêu cầu phải nâng cao kiến thức của công chức trong công tác quản lý lĩnh vực đầu tư và xây dựng, có đãi ngộ hợp lý, thưởng phạt công minh, mạnh dạn chi phí cho những đề tài nghiên cứu công nghệ phát triển đất nước. Bốn là kiện toàn lại tổ chức và hoạt động của ban chỉ đạo cải cách hành chính các cấp. Phân công trách nhiệm cho từng thành viên của ban chỉ đạo phụ trách địa bàn hoặc phụ trách từng lĩnh vực cải cách hành chính cụ thể và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về địa bàn hoặc lĩnh vực cải cách hành chính được phân công. Năm là giao cho các cơ quan chuyên môn xây dựng phương án, kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nội dung các chương trình về cải cách hành chính trong đầu tư xây dựng cơ bản. 2/ Kiến nghị và kết luận Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông xây dựng các phương án tiếp tục tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động, thu hút và khuyến khích năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ công chức. Tăng cường công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, bảo đảm đáp ứng nhu cầu của hoạt động quản lý về đầu tư xây dựng cơ bản hiệu lực, hiệu quả. Vấn đề đầu tư và xây dựng cơ bản là tiền đề xây dựng cơ sở của một quốc gia muốn vươn lên ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực và thế giới nó luôn tồn tại và phát triển. Vì vậy những vấn đề nẩy sinh trong quá trình này vẫn thường xuyên được quan tâm và đề cập nhiều ở mọi lúc mọi nơi. Đi kèm với những thành tựu có được từ công tác đầu tư này vẫn luôn luôn là tệ nạn lãng phí thất thoát phát sinh, nhưng không thể có Biện pháp nào có thể loại trừ ngay vấn nạn đó, vì vậy phương châm phải tiết kiệm chống lãng phí thất thoát trong đầu tư và xây dựng luôn tồn tại và là đề tài nóng bỏng nhiều người quan tâm. Trong tiểu luận này, bằng những kinh nghiệm và nhìn nhận chủ quan của bản thân, tôi đã lượt khảo lại một số nguyên nhân gây thất thoát trong tình hình đầu tư và xây dựng hiện nay, và mạnh dạn đề ra những phương án để hạn chế nguyên nhân đối với một số tình huống gây ra lãng phí thất thoát đó. Trong tiểu luận không tránh khỏi những sơ suất hoặc những ý kiến chủ quan, thiếu thực tế, mong quí thầy cô giáo bỏ qua và chỉ bảo để bản thân rút kinh nghiệm./. Tài liệu Tham khảo 1/ Luật Xây dựng, số 16/2003/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2003, có hiệu lực ngày 1/7/2004; 2/ Luật đấu thầu, số 61/2005/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2006; 3/ Luật Ngân sách nhà nước, số 01/2002/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 16/12/2002, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2004; 4/ Hệ thống các văn bản pháp luật. MỤC LỤC Trang - Lời nói đầu: 1-2 I/- Phần thứ nhất: Nội dung tình huống. 3-5 II/-Phần thứ hai:Phân tích tình huống 6-12 1/-Về chủ trương đầu tư và công tác lập kế hoạch đầu tư . 6 2/-Trong các hoạt động triển khai đầu tư . 6-12 III/-Phần thứ ba:Phương án xử lý tình huống .. 3-17 1/-Xây dựng phương án: 13 a-Phương án 1: . 13 b-Phương án 2: . 14-15 c-Phương án 3: . 15-16 2/- Lựa chon phương án: 16-17 IV/- Phần thứ tư: Phương hướng, giải pháp, kiến nghị . 17-19 1/- Phương hướng, giải pháp: 18-19 2/-Kiến nghị và kết luận: 19 NHẬN XÉT CỦA GIÁO VIÊN Ạe

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doctieu_luan_quan_ly_dau_tu_xay_dung_co_ban_cua_tinh_dak_nong.doc
Luận văn liên quan