Khu vực đô thị với nhu cầu lao động đa dạng và phong phú, vô hình chung đã tạo việc làm và thu hút được sức lao động từ nông thôn, qua đó làm tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Di cư nông thôn – đô thị đang góp phần tích cực vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo ở nông thôn hiện nay. Di cư nông thôn – đô thị không dẫn đến nông thôn hóa thành thị, càng không hẳn là sự dịch chuyển nghèo đói ra thành phố. Mặc dù lao động nhập cư có mức sống thấp hơn so với người dân thành phố, gặp nhiều khó khăn về vấn đề nhà ở, họ chưa được tiếp cận với các điều kiện giáo dục, sức khỏe, giải trí Đối với các trung tâm đô thị, di dân tự do gây trở ngại cho công tác quản lý hành chính, tăng thêm sức ép đối với hệ thống cơ sở hạ tầng vốn xuống cấp.
21 trang |
Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 3364 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tiểu luận Tác động của di dân tới đói nghèo, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Tiểu luận
Tác động của di dân tới đói nghèo MỤC LỤC
I. GIỚI THIỆU CHUNG
Di cư là một hiện tượng xã hội phổ biến và tất yếu của bất cứ một xã hội nào trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong vòng 20 năm trở lại đây, Việt Nam đã và đang chứng kiến sự gia tăng theo cấp số nhân của dòng người di cư trong nước và quốc tế. Dòng di cư phổ biến ở Việt Nam đó là di cư nông thôn – thành thị khi mà người dân đổ về thành phố lớn tìm kiếm việc làm gia tăng thu nhập cho gia đình. Đồng thời nó cũng để lại nhiều tác động đáng kể với khu vực thành thị. Hơn thế nữa, những nhà nghiên cứu đã chỉ ra giữa di cư, đói nghèo và phát triển luôn có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Di cư vừa là động cơ thúc đẩy lại vừa là kết quả của sự phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia. Di cư gắn liền với những yếu tố mang tính cốt lõi của xã hội như: xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, sức khỏe… Chính điều này đã chỉ ra các tác động cơ bản tới nơi đi và nơi đến. Tuy nhiên những đóng góp của di cư đối với Việt Nam còn chưa đồng đều. Những đóng góp tích cực của di cư đã được nhà nước nhìn nhận như một nhân tố thiết yếu giúp giảm nghèo và phát triển, nhưng vẫn còn có không ít những lo lắng từ phía chính phủ về tác động tiêu cực. Sự phân bố đói nghèo và các khu vực kém phát triển ở Việt Nam đã cho thấy rằng một trong những khác biệt này là sự khác biệt giữa nông thôn và thành thị và những người dân di cư tới cư trú ở khu vực thành thị.
Mặc dù luôn có sự phức tạp trong mối quan hệ qua lại giữa di cư, đói nghèo và phát triển nhưng có một điều dễ nhận thấy đó là không nên coi di cư như một yếu tố cản trở sự phát triển nhưng nó cũng không phải là liều thuốc chữa bệnh đói nghèo và bất bình đẳng về thu nhập. Di cư có thể đóng góp nhiều hơn cho sự tăng trưởng kinh tế cả ở cấp độ quốc gia và ở cấp độ hộ gia đình. Di cư có thể đẩy mạnh mối quan hệ giữa nơi đi và nơi đến. Không chỉ đơn thuần thông qua số tiền người di cư gửi về, mà còn thông qua việc chuyển giao kiến thức, kỹ năng vì thế làm giảm sự khác biệt giữa nông thôn – đô thị… Tuy nhiên còn tồn tại nhiều thách thức lớn đối với vấn đề này trong việc đảm bảo quyền lợi, cơ hội tiếp cận đối với người di cư. Do vậy, để trả lời câu hỏi cũng như mối băn khoăn của nhiều người về tác động của di cư tới đói nghèo: góp phần xóa đói giảm nghèo ở nông thôn hay tăng nghèo đói ở đô thị thì nhóm chúng tôi tập trung phân tích các tác động khác nhau của hiện tượng di cư tới khu vực nông thôn – đô thị nhằm làm rõ vai trò của di cư đối với sự phát triển của đất nước.
II. NỘI DUNG
2.1. Một số khái niệm liên quan:
a. Nghèo:
Hội nghị chống nghèo đói khu vực châu Á – Thái Bình Dương do ESCAP tổ chức tại Băng Cốc, Thái Lan (tháng 9/1993) đã đưa ra định nghĩa như sau: nghèo là tình trạng một bộ phận dân cư không được hưởng và thỏa mãn các nhu cầu cơ bản của con người mà những nhu cầu này đã được xã hội thừa nhận tùy theo trình độ phát triển kinh tế xã hội và phong tục tập quán của địa phương.
Hay theo tổ chức Y tế Thế Giới: Nghèo diễn tả sự thiếu cơ hội để có thể sống một cuộc sống tương ứng với các tiêu chuẩn tối thiểu nhất định. Thước đo các tiêu chuẩn này và các nguyên nhân dẫn đến nghèo nàn thay đổi tùy theo địa phương và theo thời gian. Một người là nghèo khi thu nhập hàng năm ít hơn một nửa mức thu nhập bình quân trên đầu người hàng năm (Per Capita Incomme, PCI) của quốc gia.
Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 – 2015. Hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 như sau: Hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng (từ 4.800.000 đồng/người/năm) trở xuống.
Hộ nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng (từ 6.000.000 đồng/người/năm) trở xuống;
Hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng đến 520.000 đồng/người/tháng;
Hộ cận nghèo ở thành thị là hộ có mức thu nhập bình quân từ 501.000 đồng đến 650.000 đồng/người/tháng.
à Qua những khái niệm trên ta có thể thấy được nghèo là sự thiếu thốn cả về vật chất và phi vật chất, tình trạng thiếu thốn về nhiều phương diện như: thu nhập thiếu do bị thiếu cơ hội tạo thu nhập, thiếu những nhu cầu cơ bản hàng ngày của cuộc sống, thiếu tài sản để tiêu dùng lúc bất trắc xảy ra và dễ bị tổn thương trước những mất mát. Định nghĩa của tổ chức y tế TG đã chỉ ra một cách khái quát những đặc điểm tiêu biểu để làm căn cứ xác định nghèo. Đồng thời định nghĩa trên cũng nêu ra những chỉ báo quan trọng trong việc xác định các mức độ nghèo, thuận lợi cho công tác phân tích đánh giá mức sống của các hộ gia đình theo từng khu vực nông thôn – thành thị.
b. Xóa đói giảm nghèo:
Xóa đói giảm nghèo là kết quả của việc thực hiện tổng thể các biện, pháp chính sách của nhà nước và xã hội hay là của chính những đối tượng thuộc diện nghèo đói nhằm tạo điều kiện để họ tăng thu nhập, đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu trên cơ sở chuẩn nghèo theo quy định của từng địa phương, khu vực, quốc gia.
Xóa đói giảm nghèo luôn được coi là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của mỗi quốc gia nói chung và đối với Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên nó không tách biệt ra khỏi hệ thống các chính sách ban hành về nhiều mặt kinh tế - chính trị - xã hội… Vì vậy, với xu hướng di dân ngày càng mạnh mẽ như hiện nay thì tầm quan trọng của xóa đói giảm nghèo càng được nâng cao rõ rệt. Thêm vào đó, di dân và xóa đói giảm nghèo đều góp phần không nhỏ vào sự phát triển xã hội. Xóa đói giảm nghèo là kết quả mà di dân mang lại nhưng cũng là động cơ thúc đẩy di dân.
c. Di cư:
Chưa có một định nghĩa chuẩn nào về di cư nhưng theo tổ chức di cư quốc tế (IMO) định nghĩa di cư là sự dịch chuyển dân số bao gồm bất kỳ sự dịch chuyển nào của một người hay một nhóm người kể cả qua biên giới quốc gia hay trong một quốc gia. Là một sự di chuyển nào của con người, bất kể độ dài, thành phần hay nguyên nhân bao gồm di cư của người tị nạn, người lánh nạn, người di cư kinh tế và người di chuyển vì mục đích khác (trong đó có đoàn tụ gia đình).
à Định nghĩa này đã chỉ ra phạm vi cần thiết để xác định các loại hình di cư, nguyên nhân di cư. Đồng thời với định nghĩa trên nó đưa ra cái nhìn bao quát nhất về loại hình di cư hiện tại ở Việt Nam, điều này giúp cho việc phân loại tác động của di cư tới nơi đi và nơi đến thêm rõ ràng và dễ nhận diện hơn.
2.2. Đói nghèo và nguyên nhân di dân:
Phần lớn (khoảng 70%) những người di cư trong nước là vì lý do kinh tế, bao gồm cả di cư tìm việc làm và cải thiện điều kiện sống. Tuy nhiên động cơ di cư của cá nhân và hộ gia đình không mang tính một chiều mà thường lồng ghép với các yếu tố khác. Có thể thấy động cơ này lý giải phần lớn xu hướng di cư trong nước ở Việt Nam. Thậm chí với tiêu chí động cơ kinh tế có thể xác định các yếu tố cụ thể, chẳng hạn như tăng thu nhập với vai trò là một chiến lược đối phó nhằm tăng khả năng cải thiện kinh tế. Di cư trong khu vực nông thôn đóng góp một phần không nhỏ vào di cư trong nước, chiếm 47% dòng di dân được thống kê trong cuộc điều tra năm 1999. Minh chứng khảo sát về di dân từ các khu vực nông thôn vào thành phố Hà Nội đã chỉ ra rằng có tới 90% người lao động di chuyển vào thành phố tìm việc làm là do những khó khăn về kinh tế ở quê nhà (Hoàng Văn Chức, 2004). Phân tích kết quả điều tra 1300 người di cư của Bộ Lao Động và Thương Binh Xã Hội cho thấy đại bộ phân dân nhập cư vào Hà Nội thông qua con đường di dân tự do mà động lực chủ yếu là sức ép về kinh tế. Khoảng 90% dân di cư tạm thời ở Hà Nội báo cáo rằng họ vào thành phố chỉ là để tìm kiếm việc làm để cải thiện thu nhập hộ gia đình. Trong khi đó, có đến hơn một nửa số những người nhập cư vào Hà Nội với mục đích định cư lâu dài không phải vì lý do khó khăn kinh tế của gia đình. Ngoài ra những nguyên nhân khác như hôn nhân, đoàn tụ gia đình, học tập và sức hút của đô thị chỉ chiếm một tỷ lệ thấp so với nguyên nhân đói nghèo (kinh tế). Chỉ có một bộ phận rất nhỏ dân nhập cư, khoảng 5% số người được hỏi, di chuyển vào thành phố Hà Nội qua con đường tuyển dụng lao động chính thức. (Trung Tâm Dân Số & Nguồn Lao Động, 2007). Hay như trong một nghiên cứu của tác giả Nguyễn Ngọc Diễm (2005): “Đi làm ăn xa – phương thức tăng thu nhập gia đình” là một minh chứng tiêu biểu cho việc người di cư từ nông thôn ra đô thị chủ yếu vì cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất còn thấp, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, nhưng lại bị chi phối bởi điều kiện khí hậu khắc nghiệt, hoạt động nông nghiệp chưa được tiếp cận nhiều với máy móc kỹ thuật hiện đại, tận dụng sức người lớn trong khi hiệu quả sản xuất không cao, cộng thêm bệnh dịch làm thu nhập bấp bênh, yếu tố việc làm không đáp ứng được nhu cầu của phần đông dân cư. Những khó khăn xung quanh đời sống mưu sinh đã là động cơ thúc đẩy họ tìm phương án cho thu nhập cũng như cải thiện đời sống của họ. Quan sát biểu đồ thu được từ cuộc điều tra ý kiến của các hộ gia đình có người đi di cư cho ta thấy:
Hình 1. Lý do di cư (ĐVT: %)
Nguồn: IOM - 2008
Rõ ràng đa phần người dân đi di cư là vì lý do kinh tế do họ không hài lòng về thu nhập, điều kiện sống (37%) cũng như công việc ở quê nhà và hy vọng có nhiều cơ hội việc làm tốt hơn ở thành phố (23.3%). Số liệu ở biểu đồ trên chỉ ra nguyên nhân không có đất ở (18.2%) được xếp sau 2 nguyên nhân trên. Kết hợp các lý do kể trên cho thấy nguyên nhân nghèo đói (thiếu thốn về mặt thu nhập, kinh tê, việc làm) giải thích cho việc di cư, do đó cần được xem như là mục đích chính hay động lực chính của việc di cư. Xếp thứ hai ngay sau lý do kinh tế là giáo dục, với 13,3% tổng số người di cư ra thành phố để học tập. Rõ ràng giáo dục không chỉ là một yếu tố của chọn lọc di cư như đã nêu ở trên mà còn là nguyên nhân trực tiếp của di cư. Thực tế thì nhiều người di cư sau khi học xong đã quyết định ở lại để sống và làm việc ở thành phố chứ không trở lại quê hương, khi khoảng cách về cơ hội và điều kiện sống giữa các khu vực thành thị và nông thôn ngày càng gia tăng. Các lý do di cư khác chiếm tỷ lệ không đáng kể, bao gồm các vấn đề gia đình (hôn nhân, đoàn tụ gia đình, sống với người thân) chiếm 3,5%. Một số ít người (gần 3%) di cư do bị thu hút bởi lối sống đô thị.
Do đó, di cư là sự lựa chọn duy lý của cá nhân hay đòi hỏi của cuộc sống?
Trong nghiên cứu của tác giả Đặng Nguyên Anh về Di Dân và quản lý di dân (1999) đã cho rằng: “Cái gốc sâu xa của di dân là đói nghèo. Hiện tại cả nước có hơn 8000 xã thì 1700 xã thuộc diện rất nghèo, 600 xã chưa có đường ra thị tứ và hàng nghìn thôn bản vẫn chưa biết ánh sáng điện. Thu nhập tính trên đầu người ở nông thôn vẫn chỉ bằng 1/5 thành phố. Chi li ra, người nông dân nghèo hàng năm chỉ cầm trong tay hai triệu đồng. Học hành, ăn ở, đau ốm đã hết sạch nói gì đến tích lũy, mua sắm. Cứ nghĩ năm qua cả nước được mùa lương thực, 33.8 triệu tấn. Làm một phép tính đơn giản, bớt ra 4 triệu xuất bán ra nước ngoài và lấy số thóc đó chia cho 77 triệu người, chắc ai cũng no ấm, còn gì mà phải lo lắng? Song thực tế được mùa mà vẫn phải lo lắng. Nông dân chỉ biết kêu trời, ngoài hạt thóc biết trông vào đâu? Một gánh ra có ngọn, không mua đủ tập sách cho con đi học. Hai sọt cà chua không mua nổi cho con cái áo ấm…Liệu người dân ở nông thôn có còn đủ kiên nhẫn và yên tâm ở lại miền quê khi mà thiên tai, đói nghèo luôn là khó khăn treo lơ lửng trong cuộc sống hàng ngày. Liệu di cư có phải là sự lựa chọn hay là con đường bắt buộc để mưu sinh?”
Bênh cạnh những yếu tố về mặt kinh tế và nhân khẩu học của di cư, môi trường tự nhiên cũng dần được coi là tác nhân đã và đang tác động trực tiếp cũng như gián tiếp tới xu thế di cư trong nước, ngoài nước. Các nhà nghiên cứu về di cư trong và ngoài nước đánh giá rằng tác động lớn của sự thay đổi khí hậu đối với con người chính là việc khiến họ phải di chuyển. Trên phạm vi toàn cầu, những điều kiện khí hậu ven biển, xói mòn, hiện tượng lụt lột, mực nước biển gia tăng và mùa màng thất bát là nguyên nhân khiến hàng triệu người đã phải rời khỏi nơi cư trú của mình. Các số liệu khoa học về sự biến đổi khí hậu toàn cầu cho thấy Việt Nam sẽ là một trong những nước chịu thiệt hại nặng nhất của sự thay đổi khí hậu. Chính vì thế mà một số nhóm người thuộc một số vùng như người nghèo, người dân tộc thiểu số, phụ nữ nông thôn, người già và trẻ em sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Di cư sẽ trở thành một trong những phương thức giúp người dân đương đầu và thích nghi với những thay đổi này bằng cách di chuyển tạm thời hoặc di chuyển lâu dài tới địa điểm khác nhằm đảm bảo sự an toàn và ổn định cuộc sống. Đã có nhiều bằng chứng cho thấy người dân buộc phải di cư trong nước do những điều kiện thay đổi về môi trường, khí hậu khiến cuộc sống họ nghèo đói. Chẳng hạn nghiên cứu ở khu ven biển miền Trung phía Bắc Việt Nam cho thấy cuộc sống và thu nhập của người dân bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về đất đai, điều kiện khí hậu, nguồn nước, nhiều người dân đã buộc phải di cư trong nước và coi đây là một phương thức thay thế cho việc mất thu nhập. Ngoài ra phân tích trong điều tra mức sống hộ gia đình năm 2004 và 2006 cho thấy có một mối quan hệ giữa thiên tai, đói nghèo, những thay đổi đột biến trong sản xuất (các cú sốc trong sản xuất) với các xu thế di cư mùa vụ, di dân tự do trong nước. Vì vậy, mặc dù xã hội luôn thay đổi và trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau nhưng nguyên nhân kinh tế vẫn là nguyên nhân cốt lõi thúc đẩy người dân đi di cư.
2.3. Tác động của di dân trong xóa đói giảm nghèo ở nơi đi
Tác động của di cư có thể được xem xét ở các cấp độ khác nhau, từ cấp độ bản thân người di cư, gia đình họ, bạn bè cùng trang lứa, cộng đồng nơi đi/nơi đến cho đến các cấp độ cao hơn như quốc gia hay quốc tế. Trong giới hạn phạm vi của chủ đề, chúng tôi chỉ tập trung xem xét tác động của di cư tới khu vực nông thôn – đô thị, đặc biệt trong mối liên hệ giữa di cư và đói nghèo.
a. Tiền gửi về:
Tiền gửi là một phần thu nhập của người di cư kiếm được tại nơi đến, gửi về nhà, hầu hết là các khu vực nông thôn và nghèo hơn. Vì thế tiền gửi là một trong những tác động trực tiếp tích cực của sự dịch chuyển lao động trong nước. Do thường xuyên cần tiền mặt để trả cho những dịch vụ kinh tế và xã hội khác nhau của gia đình, tiền gửi về nhà (từ người di cư) tạo nên một nguồn tài chính quan trọng để trang trải những chi phí đó.
Ước tính số tiền gửi từ người di cư trong nước và kiều bào nước ngoài (di dân quốc tế) ở Việt Nam năm 2007 là 5,5 tỷ USD với lượng tiền gửi của người di cư trong nước chiếm tỷ trọng ngày càng tăng. Hơn một nửa số người di cư trong cuộc điều tra di cư năm 2004 cho biết có gửi tiền về gia đình mình tại nơi đi. Một nghiên cứu về sự khác biệt về giới chỉ ra rằng nhìn chung nam giới gửi nhiều tiền về gia đình hơn phụ nữ di cư. Tuy nhiên, nhìn chung số tiền gửi chiếm 10% thu nhập của nam giới trong khi đó tỷ lệ này là 17% đối với nữ giới. Hơn nữa phụ nữ thường có xu hướng gửi tiền cho nhiều thế hệ trong khi nam giới thướng có xu hướng chăm sóc người trong cùng thế hệ.
Có khoảng 6,6 triệu lao động di cư trong nước đã gửi về quê cho người thân khoảng 40.000 tỉ đồng/năm, tương đương 2 tỉ USD, lượng tiền gửi về quê của người lao động di cư chủ yếu ở mức 5-20 triệu đồng/năm và tỉ lệ nhóm gửi dưới 5 triệu đồng và trên 20 triệu đồng đều ở mức 14%.
Về người nhận tiền gửi, cuộc điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam năm 2004 cho thấy trong năm 2004, 88,7% các hộ gia đình Việt Nam có nhận một vài loại hình tiền gửi. Các nghiên cứu khác về di cư tại Việt Nam cũng đưa ra các kết quả tương tự về tỷ lệ cao nhận được tiền gửi của các hộ gia đình có người di cư. Ví dụ, qua những số liệu có tính đại diện toàn quốc của các cuộc Điều tra Mức sống Dân cư Việt Nam (VLSS) năm 2002 và 2004, Nguyễn (2008) cũng tìm thấy tỷ lệ các hộ gia đình di cư nhận được tiền gửi về từ người nhà của họ cao như vậy (78,2% trong VLSS 2002 và 86,3% trong VLSS 2004). Điều này cho thấy tác động to lớn của di cư trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam .
b. Vai trò của tiền gửi về
Tiền gửi về của người di cư trong nước cho gia đình họ có vai trò quan trọng. Một nửa số tiền được gửi về quê để lo cho con cái học hành và được coi như sự đầu tư lâu dài cho tương lai của người lao động di cư. Một phần tiền chuyển về để mua sắm tài sản cho gia đình như xe máy, tủ lạnh, tivi...cho người thân trong gia đình đầu tư vào sản xuất để tăng thêm thu nhập và cải thiện cuộc sống.
Việc gửi tiền phổ biến và việc sử dụng tiền gửi là một số chỉ báo về đóng góp của người di cư trong nước vào sự giàu có của các địa phương có người di cư trong quá trình phát triển gần đây của Việt Nam. Những dòng thu nhập như vậy được chuyển từ những nơi có nhiều cơ hội việc làm tới các vùng nông thôn với ít cơ hội việc làm. Nó góp phần vào việc phân chia lại của cải trên phạm vi cả nước và đóng góp vào việc xóa đói giảm nghèo cho những khu vực kém phát triển hơn ở Việt Nam.
Bảng 1-Tỷ lệ đóng góp của tiền gửi về vào tổng thu nhập của các loại hộ gia đình
Loại hộ
Bất kể tỉ lệ nào
Ít nhất 10%
Ít nhất 25%
Ít nhất 50%
Ít nhất 75%
100%
Nghèo
20.4
33.0
39.8
51.6
69.8
86.1
TB
20.2
20.4
20.1
18.1
5.1
7.5
TB – khá
19.8
16.4
12.4
10.0
9.7
6.3
Khá
20.3
16.9
15.5
11.5
7.4
0.0
Giàu
19.3
13.2
12.2
8.9
7.9
0.0
Tổng số
100
100
100
100
100
100
Nguồn: Di cư lao động và phát triển ở Việt Nam 2006 (ILO)
Tiền gửi về có ảnh hưởng lớn đến thu nhập của hộ gia đình và rất cần thiết trong việc trang trải nợ nần, chi phí học hành cho con cái, sức khỏe và các khoản chi khác. Dựa vào kết quả nghiên cứu của viện nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) về tác động kinh tế - xã hội của di cư nông thôn – thành thị ở Việt Nam đã thống kê được mục đích sử dụng tiền gửi về nhà của người đi di cư như sau:
Hình 2. Mục đích sử dụng tiền gửi của các hộ gia đình có người di cư ở nông thôn
Nguồn:(Lê Bạch Dương- Nguyễn Thanh Liêm, Từ nông thôn ra thành phố)
Hầu hết hộ gia đình nhận được tiền gửi (80%) dùng tiền đó để trang trải chi phí hàng ngày. Ưu tiên thứ hai là để dùng cho chăm sóc sức khỏe (khoảng 17%), trong khi giáo dục của con cái nhận được ít sự đầu tư hơn. Mục đích thứ ba của việc sử dụng tiền gửi là để đầu tư vào sản xuất. Một tỷ lệ nhỏ hơn cho biết họ dùng tiền đó vào những việc khác như sửa chữa/xây mới nhà cửa, mua sắm các đồ dùng có giá trị..., nhằm làm tăng địa vị của gia đình họ trong cộng đồng vì tiền nhận được hàng năm là không đủ để nhiều hộ có thể làm như vậy. Ngoài ra, rất ít hộ gia đình sử dụng tiền cho các mục đích xã hội, như đóng góp vào các hoạt động cộng đồng hay giúp đỡ người thân/họ hàng. Sự chuyển dịch lao động thông qua di cư là một tiềm năng quan trọng góp phần làm giảm sức ép lao động – việc làm ở nông thôn, tạo nguồn thu nhập, góp phần ổn định xã hội.
Theo số liệu điều tra Mức sống dân cư Việt Nam năm 1998, trên 23% hộ gia đình nhận được tiền gửi về, số tiền này chiếm 38% chi tiêu của hộ gia đình.
Một nghiên cứu Viện Xã Hội Học (IOS, 1998) tiền gửi về của người di cư chiếm khoảng 60-70% tổng thu nhập bằng tiền của các nông hộ.
Những khoản chi thường xuyên nhất là tiêu pha hàng ngày, trả nợ, học hành, chăm sóc sức khỏe và kiến thiết nhà cửa.
Bảng: Chi tiêu trung bình theo đầu người của các nhóm hộ gia đình
ĐVT: Nghìn đồng
Tính theo bình quân đầu người
Hộ nhận tiền gửi
Hộ không nhận tiền gửi
Chi tiêu cho lương thực
264.012
258.879
Chi tiêu cho giáo dục
72.991
89.564
Chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe
224.179
149.613
Chi tiêu cho sản xuất
344.067
308.483
Chi tiêu cho điện/nước
20.576
21.690
Chi tiêu cho giải trí/lễ hội/
du lịch
18.656
17.670
Nguồn: Tác động kinh tế - xã hội của di cư ở Việt Nam, 2008, ISDS
So sánh chi tiêu trung bình theo đầu người giữa các nhóm hộ gia đình. Như ta thấy, trong ngân sách chi tiêu hàng tháng của hộ gia đình, hộ nhận được tiền gửi về thường tiêu nhiều hơn hộ không nhận trong hầu hết tất cả các loại chi tiêu.
Dòng tiền gửi của người dân di cư trong nước cho thấy quyết định di cư không chỉ dựa vào các mục đích và các nhu cầu chưa được đáp ứng của cá nhân người di cư mà các quyết định này có thể bị tác động bởi các chiến lược của hộ gia đình muốn nâng cao tối đa thu nhập hoặc giảm thiểu rủi ro bằng cách phân tán các nguồn thu nhập.
Như vậy, các số liệu trên cho thấy tiền gửi về chủ yếu được dùng cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày (lương thực), phát triển vốn con người (giáo dục và chăm sóc sức khỏe), và các hoạt động sản xuất. Một số tài liệu cho rằng hộ có thành viên di cư có xu hướng chi tiêu nhiều hơn hộ không có thành viên di cư; và trong số những hộ có thành viên di cư, hộ nhận được tiền gửi về thường chi tiêu nhiều hơn hộ không nhận được tiền gửi.
Đúng vậy, so với thu nhập từ nông nghiệp khoản tiền người di cư dành dụm được hành tháng là không nhỏ. Ở mỗi gia đình, khi các thành viên khi ra đô thị kiếm việc làm, kinh tế của các gia đình đó ở nông thôn được cải thiện rõ rệt. Bên cạnh đó họ không ra định cư lâu dài ở thành phố mà vẫn giữ đất đai canh tác ở quê và tham gia các hoạt động nông nghiệp, nhưng vẫn có thể ra thành phố tìm việc làm tạm thời trong các dịp nông nhàn. Điều đó cho thấy rằng tiền của người di cư gửi cho người ở lại phần nào giải quyết được khó khăn trước mắt, cải thiện cuộc sống. Di dân nông thôn - đô thị còn có những tác động quan trọng góp phần thay đổi cuộc sống gia đình ở nông thôn. Người nông dân vốn gắn bó với đồng ruộng, ít ra khỏi quê, họ thiếu cơ hội tiếp cận với cuộc sống văn minh đô thị. Trong khi đó, những người di cư hàng ngày tiếp xúc với cuộc sống mà ở đó có mức sống cao, điều kiện sinh hoạt vật chất và tinh thần đầy đủ, trình độ dân trí cao, con người hiểu biết... Do đó, lối sống đô thị ít nhiều ảnh hưởng tới người di dân và chính họ sẽ là những người truyền tải những nét văn hoá: trong giao tiếp, trong sinh hoạt hàng ngày của người đô thị về nông thôn. Xét ở một khía cạnh nào đó, người di cư thông qua quá trình di chuyển đã và đang gián tiếp chuyển về nông thôn lối sống đô thị có chiều hướng tích cực, làm thay đổi diện mạo cuộc sống ở các vùng quê.
Rõ ràng tác động của di cư thường rất đa dạng và phức tạp. Đặc biệt cũng rất khó để lượng hóa được các tác động này do quá trình phát triển nhanh, dù sự phát triển không đồng đều đang diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam.
Di cư nông thôn – thành thị được coi là một chiến lược tồn tại và phát triển. Quả vậy, so với thu nhập một nắng hai sương, mùa màng thất thu cùng với giá nông sản rẻ nơi quê nhà thì khoản tiền kiếm được từ các công việc làm thuê trên thành phố cũng là khoản tiền không nhỏ. Hơn nữa nó đóng góp phần đáng kể vào cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống, tạo vốn kiến thiết cho kinh tế hộ gia đình nông thôn hiện nay. Bên cạnh những lợi ích về mặt kinh tế, người lao động nông thôn từ thành phố trở về còn mang theo những tri thức và nhận thức mới gắn liền với nhịp sống văn minh của thành phố. Khách quan mà nói di cư đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Di cư mùa vụ đến các thành phố lớn thực sự là việc cung cấp một nguồn lao động dồi dào trái lại là biện pháp tăng thu nhập và nâng cao mức sống, tạo sự khởi sắc cho khu vực nông thôn, góp phần vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo. Chính vì thế khi nghiên cứu tác động di cư tới khu vực nông thôn thì cần đặc biệt lưu ý tới nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng để chỉ ra tính 2 mặt của vấn đề này.
2.4. Tác động của di dân tới đói nghèo ở nơi đến
Cùng với sự biến đổi nhanh chóng của xã hội, người ta thấy mối liên hệ nông thôn – đô thị đã trở nên thường xuyên hơn và đặc biệt dòng chảy của những người di dân tự do từ khu vực nông thôn vào đô thị tìm kiếm việc làm đã tăng lên nhanh chóng. Không chỉ vậy, di cư lao động nông thôn – đô thị dưới nhiều hình thức khác nhau giờ đây đã trở thành một phần quan trọng trong chiến lược sinh tồn của nhiều hộ gia đình nông dân.
Di dân làm cho thành phố tập trung nhiều người nghèo hơn, nhưng nó cũng là nơi biểu hiện niềm hy vọng của người dân muốn thoát khỏi đói nghèo. Ảnh hưởng tích cực của di dân đó là một phần trong số những người di cư lên thành thị sẽ có cơ hội tốt hơn nơi thành thị, do thu nhập cao hơn, nhiều việc làm hơn, phục vụ tốt hơn, nhiều cơ hội giáo dục. Tất nhiên, di dân cũng đặt ra những thách thứclớn. Người dân quê đến thành phố thường có cuộc sống nghèo nàn. Họ ở những nơi ô nhiễm và nguy hiểm. Dù rằng đa số người nghèo ở nước ta là nông dân, người nghèo thành thị chỉ chiếm khoảng 15%, nhưng nghèo khổ đô thị đang trở thành một hiện tượng đặc biệt phức tạp. Hơn 60% dân di cư ở độ tuổi 15 - 29 thiếu việc làm đang đổ về thành phố, khu công nghiệp. Họ không nhà ở, hộ khẩu… Nhìn chung, dân di cư gặp khó khăn chủ yếu về nhà ở, tìm việc làm. Dù biết trước là sẽ gặp khó khăn, song hầu hết dân di cư đều quyết tâm tìm cuộc sống mới ở nơi di chuyển đến. Vấn đề sẽ bức thiết hơn khi quá trình đô thị hoá được đẩy mạnh với mức gia tăng dân số cao trong vòng 20 năm tới: dân nghèo di cư không hộ khẩu sẽ tràn vào thành phố và một bộ phận đông đảo người dân ven đô không thích ứng kịp sự biến đổi sẽ trở thành người nghèo ngay trên quê hương mình.Các thành phố lớn, trung tâm đô thị thu hút một lượng đáng kể lao động nông thôn vào các thành phố. Nhưng bên cạnh những con đường và khu phố mới đang mọc lên, người ta cũng thấy ngày càng nhiều “khu ổ chuột” và “xóm liều” có chiều hướng gia tăng như một đáp ứng tự nhiên với trào lưu di dân tự do và quá trình phân tầng xã hội của cư dân đô thị. Dòng di dân vào thành phố tìm việc làm đang tăng lên đã trở thành nỗi lo ngại chung của cơ quan chức trách cũng như người dân vì một mặt, thành phố cần phải đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng nguồn nhân lực cho quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa, nhưng mặt khác, quy mô và cơ sở hạ tầng của thành phố quá nhỏ bé, khó có thể đáp ứng số lượng di dân quá đông. Sẽ không khó để tìm được những người di cư tạm thời vì đa phần họ ở trong những khu trọ tồi tàn ở các phường, dãy phố mới hình thành dọc theo đê sông Hồng hoặc các làng ven đô đang trong quá trình đô thị hóa.
Mặc dù công việc họ làm rất đa dạng nhưng nói chung đó là những công việc nặng nhọc, thu nhập bấp bênh và không ổn định. Trong một nghiên cứu cho thấy có tới 52% số lao động làm nghề vận chuyển hàng hóa ở các chợ trung tâm, xe ôm, giúp việc...còn lại là làm nghề bán rong, bưng bê....Đặc điểm công việc và thu nhập bấp bênh buộc người lao động phải tiết kiệm tới mức tối đa chi dùng hàng ngày để có tiền gửi về nhà. Do đó giải pháp tối ưu đối với họ là tìm kiếm những nơi ở với giá rẻ nhất và khoảng cách di chuyển tới nơi làm việc gần nhất. Chính vì thế họ đã tìm đến những khu ổ chuột và xóm liều trong thành phố vì chỉ có ở đây họ mới có thể tìm thấy chỗ và các dịch vụ khác với giá rẻ mạt nhất. Đồng thời cần thiết phải phân biệt hai dòng di dân vào đô thị: Một là dòng di chuyển vào thành phố lâu dài và dòng di dân mùa vụ tạm thời để tìm kiếm việc làm. Dòng di cư thứ nhất không chịu quá nhiều sức ép của những khó khăn kinh tế. Một bộ phận nhỏ trong số họ thường là những người được tuyển dụng chính thức vào làm việc trong các công sở, một bộ phận khác di cư vào thành phố vì những lý do phi kinh tế (đoàn tụ gia đình, hôn nhân, học tập...) và một bộ phận di chuyển do sức hút của đô thị. Đại bộ phận những người lao động di chuyển mùa vụ đã ngay từ đầu đứng bên lề của đời sống đô thị với thu nhập thấp và đời sống bấp bênh. Họ rất dễ bị tổn thương do không có khả năng tìm được việc làm tốt hơn, không có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ đảm bảo đời sống như giáo dục cho con em, chăm sóc y tế và an ninh trật tự của chính quyền nơi cư trú. Như vậy nhìn từ khía cạnh này, ta thấy có một mối liên hệ chặt chẽ giữa di dân tự do và đói nghèo ở đô thị.
Mặt khác, sự gia tăng nhanh chóng của những người nhập cư gây thêm áp lực đối với các cơ sở hạ tầng của đô thị. Những năm trở lại đây, Hà Nội tuy đã được Nhà nước chú ý đầu tư về cơ sở hạ tầng, về điều kiện nhà ở nhưng vẫn thiếu và không đồng bộ. Thực tế quỹ nhà ở, công trình công cộng mới xây dựng mặc dù tăng nhanh nhưng không đáp ứng được nhu cầu đô thị hóa (trường học, chăm sóc sức khỏe, cấp thoát nước, điện sinh hoạt và vệ sinh môi trường đô thị). Các vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn khi thêm vào đó khối lượng lớn người di cư ngoại tỉnh tới Hà Nội.
Hình 4. Tỷ lệ và số lượng người di cư đến Hà Nội qua các năm
(Nguồn: Số liệu thống kê dân số Hà Nội qua các năm.)
Từ bảng số liệu ta có thể thấy, quy mô và tốc độ của lượng người di dân vào Hà Nội qua các năm ngày càng tăng, chẳng hạn năm 2001 tỷ lệ người di cư vào Hà Nội là người là 0.59% thì đến năm 2007 là 1.36% và con số đó đã là 1.55% vào năm 2010. Như vậy, xu thế chung trong những năm tới là số lượng người lao động ngoại tỉnh vào Hà Nội vẫn tăng lên một cách nhanh chóng. Hiện tượng này, nếu không có sự quản lý, điều tiết sẽ gây ra những vấn đề phức tạp trong đời sống kinh tế xã hội cho thủ đô trong những năm tới.
Nổi bật ở một số khía cạnh như nhà ở và môi trường ở, nước sinh hoạt và hệ thống cấp thoát nước trong khu vực nội thành. Theo báo cáo thực trạng tình hình dân cư và những biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý dân cư trên địa bàn Thành phố Hà Nội ngày 17/12/2009 của UBND thành phố, số người các tỉnh về lao động tự do ở Hà Nội là 79.639 người (không kể số sinh viên tạm trú thuê nhà trọ, người sống lang thang tại địa bàn công cộng). Điều tra cho thấy, 51,5% số người di cư tạm thời đang phải thuê nhà để ở, số còn lại cũng phải cư trú dưới các hình thức tạm bợ tại nơi làm việc hay cư trú bất hợp pháp tại nơi công cộng hay trong các xóm liều. Thuật ngữ “xóm liều” xuất hiện gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng thường được dùng để chỉ những khu vực do người di cư và những thị dân nghèo lấn chiếm những khu vực bỏ hoang trong thành phố để làm nơi cư trú và làm việc. Những người sống ở đây thường bất chấp các quy định của pháp luật, sống trong ngôi nhà tồi tàn và tạm bợ, bản thân họ cũng ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội so với khu dân cư khác.
Đặc điểm cư trú tập trung của người nhập cư trong thành phố ảnh hưởng tới tình trạng xuống cấp cục bộ của hạ tầng khu vực. Lấy ví dụ như cấp bách về nhà ở cho người mới nhập cư vào Hà Nội hoặc những người lao động tạm thời khiến trên địa bàn thành phố đã hình thành dịch vụ cho thuê nhà ở. Do thu nhập thấp nên đa phần người di cư tạm thời phải ở trong những khu nhà rẻ tiền, chất lượng thấp, công trình vệ sinh thiếu thốn. Hình thức cư trú quần tụ và tập trung đông ở một số khu vực của những người di cư nghèo trong những nhà trọ rẻ tiền, điều kiện vệ sinh thấp kém là nguy cơ gây ra những ổ dịch bệnh. Thêm vào đó, vì lợi ích kinh tế, số đông các chủ trọ cho thuê nhà không hạn định về số lượng người thuê, dẫn tới tình trạng xuống cấp cục bộ của hạ tầng khu vực, khó khăn cho việc cấp thoát nước. Điển hình là một số khu nhà trọ tạm thời, xây cất ngay bên bờ kênh thoát nước của các phường Phúc Xá, Phúc Tân (Hoàn Kiếm), Hoàng Cầu (Đống Đa).
Hình thức cư trú của người di cư cũng gây những vấn đề khó khăn trong việc quản lý xã hội. Theo số liệu thống kê về hiện trạng người cư trú ở quận Thanh Xuân, năm 2008 số người di cư cư trú ở nơi công cộng là 156 người (3,1%), tới năm 2009 tăng lên 188 người (3,4%). Một số ít những người di cư ngoại tỉnh mang theo cả gia đình tới sống cư trú bất hợp pháp ở một số địa bàn trong thành phố, hình thành nên những xóm liều. Theo báo cáo số 426/PC13 về tình hình quản lý người lao động tự do ngoại tỉnh thì tính đến hết năm 2009 đã có 769 trường hợp người lao động tự do đưa cả gia đình, vợ chồng, con cái ra Hà Nội. Năm 2009, Hà Nội có 14 xóm liều với 4907 người tập trung chủ yếu ở các phường ven đê quận Hoàn Kiếm và 2 phường thuộc quận Thanh Xuân trong đó người di cư ngoại tỉnh là 742 người, chiếm 13,4%. Đặc biệt, hai xóm liều ở khu vực Thanh Xuân Bắc số lượng dân ngoại tỉnh là 399 người, chiếm tới 19,2%. Những xóm liều, xóm nhảy dù này là những tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự rất nhức nhối ở thủ đô mà chúng ta đã và đang nỗ lực giải quyết.
Ví dụ như gầm cầu Long Biên, bãi rác Thành Công, bến xe Gia Lâm và các nhà trọ dưới mức tồi tàn rải rác ở khắp các thành phố là nơi người lao động phổ thông thường thuê trọ như một thế giới riêng của những người lao động ngoại tỉnh và dân nghèo đô thị (Giá trọ một ngày từ ba đến năm nghìn đồng). Không kể tình trạng ô nhiễm nặng từ rác thải và nước tù đọng, không có hệ thống cung cấp nước sạch, dịch bệnh lây nhiễm tràn lan. Đây cũng là nơi trú ngụ của nhiều băng nhóm tội phạm có hoạt động liên quan đến tệ nạn xã hội, mại dâm… Mấy năm gần đây, số lượng các nhà hàng, khách sạn, các tụ điểm mát xa, vũ trường… ngày càng tăng lên địa bàn thành phố, thu hút một số lượng lớn người di cư các tỉnh khác tới làm việc. Hiện nay, Hà Nội có 5496 tiếp viên phục vụ trong các nhà hàng nhưng có tới 3809 người là lao động di cư (61,1%), trong đó, 84,1% số tiếp viên bắt đầu đến thành phố từ năm 2004. Nhiều tiếp viên ngoại tỉnh (27,5%) sống ngay tại các cơ sở làm việc, gây khó khăn cho vấn đề quản lý các tệ nạn xã hội. Hiện tượng tiếp viên nhà hàng kèm theo các hoạt động mãi dâm là phổ biến trên địa bàn thành phố. Có 16,2% tiếp viên làm trong các nhà hàng đã có biểu hiện mãi dâm. Số gái mại dâm hầu hết chỉ học cấp II trở xuống, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, muốn ra thành phố để thay đổi cuộc sống. Đây cũng là vấn đề đặt ra cho các cấp quản lý trật tự xã hội trong thành phố.
Với đặc diểm thành phần dân cư và loại hình nghề nghiệp phức tạp cho nên khó khăn lớn nhất đối với thành phố là quản lý người nhập cư. Nhất là những đối tượng sống tự do, không khai báo hộ khẩu thường trú. Một số đối tượng phạm pháp ở các tỉnh, lợi dụng cơ hội này, đến trà trộn vào những người lao động, tăng thêm sự phức tạp của an ninh trật tự trong thành phố. Có một số ít những người di cư lao động đến qua tiếp xúc với lối sống đô thị cũng mắc vào các tệ nạn cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp,… làm tăng tính chất phức tạp cho việc quản lý dân cư trên địa bàn thành phố. Những diễn biến phức tạp của tình hình an ninh trật tự nói chung có ảnh hưởng trực tiếp tới công tác quản lý người lao động tự do ngoại tỉnh.
Bên cạnh đó những người sống ở đây không được hưởng những lợi ích về mặt phúc lợi xã hội: không mua bảo hiểm y tế, không được đến những trung tâm khám chữa bệnh định kỳ, tiêm chủng phòng ngừa bệnh… Trẻ em không có trường học và lớp mẫu giáo, không được tiếp cận với các hoạt động vui chơi, giải trí, phát triển trí tuệ do trái tuyến, cha mẹ không có đủ khả năng chi phí cho giáo dục và thường bị phân biệt đối xử, tách biệt so với trẻ em thành phố. Một nghiên cứu mới đây năm 2008 của Viện Nghiên Cứu Phát Triển cũng chỉ ra rằng phần lớn những người di dân tạm thời chưa nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ phía chính quyền nơi ở. Theo dõi biểu đồ so sánh tỷ lệ người được nhận hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương giữa di cư lâu dài và tạm thời sẽ thấy rõ điều này:
Hình 3 - Tỷ lệ người được nhận hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương
Nguồn: Nghiên cứu tác động di cư nông thôn – thành thị 2008 của ISDS
Hơn nữa, tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp ở Hà Nội thực tế đã tồn tại nay lại được bổ sung thêm do tình trạng di dân ngoại thành vào thành phố, điều đó làm cho số người có nhu cầu giải quyết việc làm mỗi năm tăng nhanh, gây nên sức ép về việc làm tại thành phố ngày càng tăng. Đồng thời đây cũng là nguyên nhân dẫn tới những mặt tiêu cực khác phát sinh, tạo ra gánh nặng về mặt kinh tế xã hội cho thành phố.
Với những bất cập trên ta có thể thấy mục tiêu lớn nhất trong việc giải quyết vấn đề di dân tự do là phải bằng mọi biện pháp chủ động hạn chế tới mức thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực đối với các vấn đề kinh tế –xã hội và an ninh trật tự tại địa bàn.
III. KẾT LUẬN
Trên thực tế di cư nông thôn – đô thị là một chiến lược tồn tại và phát triển của hộ gia đình nông dân. Tình trạng nghèo đói ở khu vực nông thôn là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm gia tăng lượng người nhập cư từ nông thôn ra thành thị hiện nay.
Những miền quê sống chủ yếu bằng nghề nông đang là xuất phát điểm của các dòng di cư ra thành phố. Công việc nặng nhọc những vẫn có khoản tiền để gửi về cho gia đình. Nguồn tiền mà họ gửi về cho gia đình được sử dụng cho các mục đích khác nhau, từ việc chăm lo sức khỏe cho người thân, học hành của con cái, đến kiến thiết nhà cửa, đầu tư cho sản xuất, hoặc thậm chí để cho trả những khoản nợ của người thân. Điều cần nói là, mặc dù chưa có một con số thống kê nào về lượng tiền và lưu lượng hàng luân chuyển do cư dân thành phố gửi về nông thôn, di cư nông thôn – đô thị đang góp phần đáng kể vào việc cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống, tạo vốn kiến thiết cho việc phát triển kinh tế hộ gia đình nông thôn hiện nay đóng góp vào công tác xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn. Đồng thời, việc di chuyển tới đô thị làm việc để tạo nguồn vốn đầu tư cho sản xuất, để học hỏi và tiếp nhận những kiến thức cần thiết nhằm tạo ra sự phát triển toàn diện cho bản thân và con, em mình ở nông thôn, di dân nông thôn - đô thị trong tương lai vẫn tiếp tục diễn ra và có xu hướng gia tăng.
Khu vực đô thị với nhu cầu lao động đa dạng và phong phú, vô hình chung đã tạo việc làm và thu hút được sức lao động từ nông thôn, qua đó làm tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Di cư nông thôn – đô thị đang góp phần tích cực vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo ở nông thôn hiện nay. Di cư nông thôn – đô thị không dẫn đến nông thôn hóa thành thị, càng không hẳn là sự dịch chuyển nghèo đói ra thành phố. Mặc dù lao động nhập cư có mức sống thấp hơn so với người dân thành phố, gặp nhiều khó khăn về vấn đề nhà ở, họ chưa được tiếp cận với các điều kiện giáo dục, sức khỏe, giải trí… Đối với các trung tâm đô thị, di dân tự do gây trở ngại cho công tác quản lý hành chính, tăng thêm sức ép đối với hệ thống cơ sở hạ tầng vốn xuống cấp.
Vì vậy, bằng những chính sách ổn định, cụ thể cần tạo điều kiện để người lao động nhập cư ổn định cuộc sống, bình đẳng và được hưởng đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của người công dân, khuyến khích mặt tích cực của lao động nhập cư đồng thời có những giải pháp ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực của di cư có thể tạo ra tại địa bàn đô thị vốn đang phải đương đầu với nhiều vấn đề bức xúc về các tệ nạn xã hội, môi trường, sự quá tải cơ sở hạ hầng… nhằm phục vụ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, công bằng và ổn định của thành phố cũng như ở nông thôn.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- di_dan_doi_ngheo_1__0629.doc