Người đọc nhiều khi thấy được những ứng xử bất ngờ của nhân vật không
giống với logic sự kiện. Đó là những lời hối hận của Nguyễn Viết Sung trong
Mảnh trăng thu của Bửu Đình. Là Vĩnh Thái trong Khóc thầm, Tô Hồng
Xương trong Cười gượng, Tấn Đắc trong Từ hôn của Hồ Biểu Chánh. Là
Đệ Nhất trong Kẻ oan người ưng, Bội Nghĩa trong Hổ thầm của Nguyễn
Bửu Mộc. Là Văn trong Hai mươi tuổi của Kiều Thanh Quế. Độc thoại nội
tâm giúp các nhân vật biểu lộ được bản chất thầm kín trong tâm hồn. Qua độc
thoại nội tâm, nhân vật hiện ra sống động và gần với con người đời thường
của cuộc đời.
30 trang |
Chia sẻ: lylyngoc | Lượt xem: 3104 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tiểu thuyết Nam Bộ từ 1930 đến 1945: Đặc điểm và thành tựu, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU Trang
1. Lý do chọn đề tài 1
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 2
3. Giới hạn của vấn đề 9
4. Phương pháp nghiên cứu 11
5. Đóng góp của luận văn 12
6. Cấu trúc của luận văn 12
Chương 1: VĂN HÓA, XÃ HỘI VÀ NHỮNG THÀNH TỰU CHỦ
YẾU CỦA TIỂU THUYẾT NAM BỘ TỪ 1930 ĐẾN 1945
1.1. Văn hóa, xã hội Nam Bộ từ 1930 đến 1945 14
1.1.1. Tình hình kinh tế và chính trị 14
1.1.2. Tình hình giáo dục và văn hóa 17
1.1.3. Tình hình xuất bản và giải trí 20
1.1.4. Sự phân hóa của tầng lớp trí thức và đội ngũ cầm bút 26
1.2. Những thành tựu của tiểu thuyết Nam Bộ từ 1930 đến 1945 30
1.2.1. Vài nét về những thành tựu chủ yếu của tiểu thuyết Nam Bộ trước
1930 30
1.2.2. Những thành tựu chủ yếu của tiểu thuyết nam bộ từ 1930 đến 1945 39
§ Tiểu kết 56
Chương 2: NHỮNG CẢM HỨNG CHỦ ĐẠO -
ĐẶC ĐIỂM VÀ THÀNH TỰU
2.1. Cảm hứng đạo lí 59
2.2. Cảm hứng phê phán 73
2.3. Cảm hứng lịch sử và dân tộc 80
2.4. Cảm hứng về tình yêu 89
§ Tiểu kết 102
Chương 3: NHỮNG PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN -
ĐẶC ĐIỂM VÀ THÀNH TỰU CHỦ YẾU
3.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật 105
3.1.1. Xây dựng nhân vật qua miêu tả ngoại hình và hành động 106
3.1.2. Xây dựng nhân vật qua ngôn ngữ đối thoại 112
3.1.3. Xây dựng nhân vật qua miêu tả độc thoại nột tâm 118
3.2. Nghệ thuật kết cấu tác phẩm 123
3.2.1. Dạng kết cấu chương hồi và dạng feuilleton 124
3.2.2. Dạng kết cấu theo thời gian tuyến tính và kết cấu tâm lí 129
3.2.3. Dạng kết cấu theo hai tuyến nhân vật 136
§ Tiểu kết 138
KẾT LUẬN 137
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 140
PHỤ LỤC 148
Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết Nam Bộ 1930-1945
Nhắc đến nhân vật trong văn học là lúc nói đến con người được miêu tả, thể
hiện trong tác phẩm bằng phương tiện văn học. Trong tác phẩm văn học, đặc
biệt là thể loại tiểu thuyết, xây dựng nhân vật là vấn đề rất quan trọng mà
nhà văn quan tâm. Bởi bản chất của văn học là một quan hệ với đời sống, văn
học tái hiện đời sống qua những chủ thể nhất định, đóng vai trò như những
tấm gương của đời sống. Nhân vật trong tác phẩm không chỉ thể hiện chủ đề,
tư tưởng của tác phẩm mà còn thể hiện quan điểm nghệ thuật về con người
của một nhà văn ở những thời điểm lịch sử nhất định. Nhà văn Tô Hoài cho
rằng: “Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy trong một sáng tác”. Qủa
đúng như vậy, “Nhân vật không chỉ là nơi bộc lộ tư tưởng, chủ đề tác phẩm
mà còn là nơi tập trung các giá trị của tác phẩm. Thành bại của một đời văn,
của một tác phẩm phụ thuộc rất nhiều vào việc xây dựng nhân vật” [9, tr. 73].
Khi nhắc đến tên của tác giả hoặc tác phẩm của nhà văn, người đọc thường
nhớ đến tên của nhân vật của họ. Chẳng hạn khi nhắc đến Nam Cao, người
đọc nghĩ ngay đến các nhân vật văn học: Chí Phèo, Lão Hạc, Thứ. Nhắc đến
Vũ Trọng Phụng người ta nghĩ ngay đến Xuân Tóc Đỏ, Nghị Hách. Nhân vật
văn học vừa mang chức năng xã hội, vừa phải làm tròn chức năng văn học
của nó. Chức năng của nhân vật là khái quát những quy luật của cuộc sống
con người, thể hiện những hiểu biết, ao ước và kỳ vọng về con người. Chính
vì thế, thành công trong công cuộc xây dựng nhân vật chính là sự thành công
của tác phẩm văn học.
Nhìn chung tiểu thuyết Nam Bộ giai đoạn này sử dụng các phương thức xây
dựng nhân vật chủ yếu sau đây: xây dựng nhân vật thông qua miêu tả ngoại
hình, qua miêu tả hanh động, qua miêu tả độc thoại nội tâm của nhân vật.
Việc sử dụng thủ pháp nghệ thuật sẽ giúp nhà văn dễ thành công trong công
việc xây dựng hình tượng nhân vật. Nhân vật, vì thế trở nên sống động và trở
nên gần gũi với đời sống, tạo nên sự hấp dẫn cho người đọc.
3.1.1. Xây dựng nhân vật qua miêu tả ngoại hình và hành động
Các nhà văn Nam Bộ khi xây dựng, giới thiệu nhân vật trong tiểu thuyết
thường dùng phương pháp miêu tả ngoại hình. Nhân vật được nhận biết trước
hết qua diện mạo, cử chỉ, sắc phục, điệu đi tướng đứng. Thông qua diện mạo
bên ngoài, người đọc dễ dàng nhận biết được phần nào về tính cách, thành
phần xuất thân và số phận của nhân vật. Chỉ vài ba nét đơn sơ, dăm ba hàng
thật linh động, các tác giả đã có thể phác họa nên một chân dung thích hợp
cho mỗi vai.
Đây là hình ảnh một thiếu nữ Nam Bộ trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh: “Cô
Xuân Hương ở nhà một mình, cô đốc phách gia dịch đứa vô phân mấy bình
bông, đứa làm cỏ ngoài sau vườn. Cô mặc áo lụa trắng, quần lãnh đen, đầu gở
sơ, chơn mang guốc, tai đeo một đôi bông lớn, tay trái đeo một chiếc vàng
nhận hột xoàn, cô không trang điểm, không dồi phấn thoa son, mà vì cô có
sắc sẵn, cô lại có duyên ngầm, tướng đi dịu dàng, gương mặt sáng rỡ bởi vậy
ai thấy cô cũng đều trầm trồ khen thầm là gái đẹp” (Một đời tài sắc, nhà in
Đức Lưu Phương, Sài Gòn, 1935, tr. 31). Qua một số dòng miêu tả, tác giả đã
vẽ lên chân dung của nhân vật. Xuân Hương là hình ảnh thiếu nữ Nam Bộ
thuộc gia đình khá giả. Mặc dù cô không trang điểm phấn son nhưng vẫn toát
lên một vẽ đoan trang, hiền thục. Còn đây là một hình ảnh người phụ nữ có
học thức: “Cô Nhung chắp tay cúi đầu chào mỗi người, cô có cái dáng yểu
điệu, cái vóc thanh nhã. Lại thêm gò má ửng hồng, hai môi như thoa son đỏ,
chơn mày cong vòng lại nhỏ rứt, miệng chúm chím cười rất có duyên” (Tại
tôi, nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn, 1938, tr. 20). Hay hình ảnh của cô Hảo
(Cười gượng) được Hồ Biểu Chánh đặc tả: “Tuy là con nhà nghèo, thường
ngày phải nấu cơm, xách nước, rửa bát, quét nhà, đến mùa làm ruộng lại còn
phải phụ mẹ mà cấy gặt, song cô đã sẵn có dung nhan tuấn tú, nước da trắng
đỏ, cặp mắt sáng ngời, gò má như miếng bầu, chơn mày như bán nguyệt, bàn
tay dịu nhiễu mà ngón lại thon như mũi viết, mái tóc đen thui mà hơi quăn
như như dợn sóng, tướng đi yểu điệu, tiếng nói trong ngần. Bởi vậy dù cô
lam lũ mà săc không phai, hết thảy đờn bà trong làng ai cũng trầm trồ khen
cô là gái đẹp. Cô đã có sắc, mà lúc còn nhỏ nhờ có cha kềm dạy, nên cô lại
biết chữ nho, biết làm thi nôm, sự học thức ấy làm cho cao phẩm giá của cô,
bởi vậy những con nhà nghèo, hoặc con hương chức nhỏ trong làng không có
một mặt nào dám gắm ghé” (Cười gượng, Nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn,
1935, tr.5). Chân dung của cô Thường (Người vợ hiền) được Nguyễn Thới
Xuyên miêu tả: “Cô Thường là cô dâu mới, vốn con nhà giàu, to xương, hình
vóc không được dịu dàng. Đầu nhỏ, cổ cao, tay chơn lớn hơn của đàn ông,
xem bấy nhiêu cũng đủ hiểu người không thông minh, không có xảo thủ
trong những việc tỉ mỉ, không phải cái bàn chơn để đi dày nhỏ nhẹ, không
phải cái bàn tay cầm kim gọn gang ở trên các khuôn thêu, cũng không phải
cái bàn tay vuốt ve chồng trong lúc buồn rầu, mơn trớn trong mấy cơn đau
yếu… nhưng mà thật da trắng, môi dày tóc huyền, trông cũng là khà đẹp”
(Người vợ hiền, Báo Phụ nữ tân văn xb, Sài Gòn, 1931, tr.13). Những hình
ảnh này mang tính ước lệ của văn chương cũ về quan ddierm tả người nhưng
lại pha lẫn nghệ thuật tả chân trong tiểu thuyết phương Tây ở cái nhìn khá chi
tiết. Hình ảnh vua Gia Long (Gia Long tẩu quốc) cho thấy sự kết hợp giũa
cách miêu tả ước lệ truyền thống và lối tả chân hiện đại: “Lúc bấy giờ trong
nhà ấy có một thanh niên trạc chừng mười tám tuổi, xem diện mạo tỏ ra một
người phong tuấn dật, cốt cách phi thường, sống mũi thẳng mà cao, tròng mắt
lonh lanh, hiện ra mấy ánh hào quang chói sáng, trán cao mày rậm, mặt trắng
môi hồng, hình dạng chắc chắn khôi ngô xem ra có vẻ anh hùng khí tượng,
thật là một tướng mạo đường hoàng, dung nghi tề chỉnh. Đầu bịt một khăn
vàng, mình mặc một cái vỏ bào trắng, chơn mang một đôi võ hài đen, chói ra
nhấm nháp” (Gia Long tẩu quốc, nhà in Xưa Nay, Sài Gòn, 1930, tr. 3). Vua
Gia Long được miêu tả vừa có những nét tướng mạo của chân mạng đế
vương, phi thường vừa có nét của con người bình thường.
Cách xây dựng nhân vật thông qua miêu tả loại hình của nhân vật không phải
là mới. Thủ pháp này được thể hiện khá phổ biến trong văn học thời kỳ trung
đại. Các nhà văn Nam Bộ khi sử dụng thủ pháp này đã có nhiều cách tân
đáng kể. Nếu như trong văn học cổ việc miêu tả nhân vật thông qua ngoại
hình với những chi tiết có tính ước lệ, thể hiện tính cách phi phàm của nhân
vật thì trong tiểu thuyết Nam Bộ giai đoạn này đã đổi khác. Các chi tiết bình
thường nhỏ nhặt làm nên hình hài và tính cách nhân vật được nhà văn chú
trọng. Nhân vật được miêu tả từ nhiều yếu tố nhỉ như: mái tóc, hàm răng,
điệu cười, ánh mắt, tướng đị, quần áo, trang sức cùng những cử chỉ nhỏ nhặt
của một con người bình thường. Do vậy, nhân vật trong tiểu thuyết đã thoát
khỏi tính ước lệ kiểu “Râu hùm hàm én mày ngài, Vai năm tấc rộng thân
mười thước cao” (Truyện Kiều) để trở về với khuôn mẫu của cuộc đời thực.
Các nhân vật được nhà văn miêu tả thực như những con người đang hiện diện
đâu đó trong cuộc sống. Chẳng Bửu Đình đã miêu tả Kiều Tiên (Mảnh trăng
thu) như sau: “Một người đàn bà trạc chừng hai mươi ba, hai mươi bốn,
khuôn mặt tròn, khóe mắt rất đen, mà trong sáng long lanh, mũi nhỏ ngay
thẳng như nét kẻ, hai má hơi tóp, miệng nhỏ mà hai cái môi đỏ như son. Cái
đẹp ấy dường như một bức tranh chiều hôm, nửa còn ánh mặt trời chiếu
xuống hồng hồng, nửa còn bóng mặt trăng soi vào vòng vàng chứa chan
muôn mối tình cảm, muôn nỗi sầu tư. Càng trông càng thấy vẻ đẹp, mà đẹp
một cách sâu sắc, đẹp một cách đậm đà. Trong vẻ đẹp ấy có hơi lộ ra sự ảo
não, nỗi thương sầu của người trong cuộc” (Mảnh trăng thu, nhà in Xưa Nay,
Sài Gòn 1931, tr. 36). Kiều Tiên hiện lên dưới ngòi bút của tác giả là cô gái
xinh đẹp, thanh tú. Không những thế, tác giả còn gợi cho người đọc dự cảm
về một con người tài hoa nhưng bạc phận. Đó là một vẻ đẹp trầm lắng của
tấm lòng nhiều tâm sự, uẩn tình. Kiều Tiên cũng là hình ảnh dễ bắt gặp ở
những cô gái mới lớn, đi học, tiếp thu văn hóa mới của xã hội hiện đại nhưng
vẫn giữ được nét truyền thống ở các mặt công dung ngôn hạnh: “Tôi từ giã
trường học lầm này là lần cuối cùng, vì tôi dâng lời mẹ già về ở nhà để chăm
lo việc tề gia nội trợ. Mẹ tôi đã dặn rằng: cho con học để cho biết lẽ không
dại, phải trái xưa nay để tạo thành con ra một người đàn bà tốt, chớ không
phải là làm cô giáo, bà đốc, cô mụ, bà thầy đâu…. Lời mẹ tôi dạy như thế
thật hợp lòng tôi” (sđđ, tr. 38). Sự dung hòa giữa vẻ đẹp hiện tại và vẻ truyền
thống nơi nhân vật Kiều Tiên không khác bao nhiêu so với nhân vật Mai
trong tiểu thuyết Nửa chừng xuân của Khái Hưng. Cái mới của nhân vật này
không chỉ biểu hiện ở quan niệm, hành động mà còn thể hiện ở dáng vẻ bên
ngoài, chẳng hạn như hình ảnh cô Vân trong tiểu thuyết Khóc thầm của Hồ
Biểu Chánh: “Cô vân hình vóc chắc chắn, mạnh mẽ, bộ đi đứng gọn gang,
bặt thiệp, nước da trắng gương mặt tròn, ăn nói bải buôi, tư cách thanh nhã.
Cô mặc chiếc màu nước biển, áo may khéo lại mày hợp với nước da nên làm
cho vẻ đẹp của cô càng đẹp hơn nữa” (Khóc thầm, nhà in Nguyễn Văn Của,
Sài Gòn, 1935, tr. 35). Còn đây là hình ảnh của Tám Lọ, người giúp việc cho
Thành Trai trong tiểu thuyết Mảnh trăng thu: “Tám lọ thân hình vạm vỡ, hai
con mắt tròn vo, trán rộng, má bầu, miệng lớn, mũi to, mặc áo vải trắng, quần
đen, tác độ mười chín hai mươi tuổi. Con mắt sáng như con mèo lúc ban
đêm, cái lưng nó lớn mà hai cái vai bằng, tướng coi mạnh dạn và lanh lợi
lắm” (sđđ, tr. 275). Qua cách miêu tả, tác giả đã cho người đọc thấy Tám Lọ
là người thông minh, lanh lợi và hết mực trung thành với chủ.
Một só nhân vật trong tiểu thuyết Nam Bộ được nhà văn miêu tả qua sự quan
sát, nhận xét và đánh giá của một nhân vật khác. Lần đầu xuất hiện, cô Hạnh
(Kẻ oan người ưng, được nhà văn Nguyễn Bữu Mộc giới thiệu ngoại hình
qua con mắt của Đệ Nhứt: “Đệ Nhứt thấy một cô tác chừng 17, 18 tuổi, cổ
đeo sợi dây chuyền vàng Tây, mình mặc quần lãnh trắng, áo tím than, chơn
mang giày cao gót, tay cặp cây dù màu trứng gà, thẳng bước đến thầy mà
miệng cười chúm chím thì thầy không biết là ai, nên ngó sững” (Kẻ oan
người ưng, nhà in Nguyễn Văn Viết, Sài Gòn, 1932, tr. 2). Lúc đó nhân vật
hiện lên trước mắt người đọc có vẻ khách quan hơn, thật hơn.
Cách miêu tả chân dung nhân vật trong tiểu thuyết Nam Bộ ngày càng theo
hướng cụ thể hóa, cá thể hóa. Nhiều nhân vật điển hình trong tiểu thuyết Nam
Bộ đã được các nhà văn xây dựng. Người đọc sẽ không thể quên được hình
ảnh của những bà Án, bà Phủ, bà Cả, bà Hội đồng đầu thế kỷ XX. Những
nhân vật thuộc tầng lớp trên này không khác mấy so với các nhân vật trong
tiểu thuyết miền Bắc. Đó là những con người ít học, độc ác, tham lam, sẵn
sàng dùng mọi thủ đoạn để bóc lột tá điền. Người đọc cũng không thể nào
quên được những hoàn cảnh, những hình ảnh đáng thương như anh nông dân
Trần Văn Sửu, anh Cai Tuần Bưởi, chị Ba Thời trong tiểu thuyết Hồ Biểu
Chánh; hình ảnh vợ chồng Năm Vạn trong tiểu thuyết Nguyễn Bửu Mộc
v.v… Hình ảnh của Trần Văn Sửu trong tiểu thuyết Cha con nghĩa nặng của
nhà văn Hồ Biểu Chánh là hình ảnh khá tiêu biểu cho người tá điền ở Nam
Bộ: “Anh mặc một cái áo vải đen nhụt nhụt, một cái quần vắn lai đứt tả tơi,
đầu bịt trùm một cái khăn rằn, miệng ngậm trầu một búng, tay mặt cầm một
khúc cây cóc, tay trái xách một xâu hai con cá lóc với ba bốn con cá rô…”
(Cha con nghĩa nặng, nhà in Đức Lưu Phương, Sài Gòn, 1938, tr. 45). Cuộc
đời lam lũ của người tá điền làm thuê, cuốc mướn hiện rõ trên từng chi tiết
nhỏ qua trang phục và công việc.
Có thể thấy, cách miêu tả nhân vật trong tiểu thuyết Nam Bộ đã chịu ảnh
hưởng của lối tả chân trong tiểu thuyết của phương Tây. Lối tả chân xuất hiện
trong tiểu thuyết của Nam Bộ một phần là do chính đặc trưng của thể loại
tiểu thuyết văn xuôi quy định. Các tiểu thuyết bằng thơ thời kỳ trung đại khó
có khả năng này. Thơ đường bị bó buộc bằng niêm luật, câu chữ, hơn nữa
khả năng diễn giải không phải là thế mạnh của thơ. Với thể văn xuôi, khả
năng miêu tả hết sức thuận lợi. Có thể nói mặt mạnh của văn xuôi là khả năng
miêu tả vô cùng lớn. Do khả năng bao quát cuộc sống một cách rộng lớn nên
thế giới nhân vật của các tác phẩm văn xuôi thường đa dạng hơn, đầy đặn
hơn so với tác phẩm thơ. Nhân vật trong tác phẩm văn xuôi có thể được miêu
tả một cách kỹ càng từ chân dung ngoại hình cho đến suy tư thầm kín bên
trong, từ hành trạng cho đến quá trình phát triển, từ quan hệ này đến quan hệ
khác. Tiểu thuyết viết bằng văn xuôi khi khắc họa chân dung nhân vật đã có
nhiều lợi thế và khả năng, một trong số đó là có khả năng miêu tả con người
như bản chất vốn có của nó.
Thế nhưng xét cho kỹ, các nhà văn Nam Bộ vẫn còn nhiều những hạn chế
trong việc xây dựng chân dung nhân vật. Người cầm bút Nam Bộ vẫn chưa
thực sự có sự đa dạng hóa trong cách miêu tả, chưa thực sự có khả năng cá
biệt hóa nhân vật của mình qua hình dáng bên ngoài. Khi miêu tả nhân vật
nữ, các nhà văn thường gặp nhau ở một số cách miêu tả cụ thể. Chẳng hạn
khi tả người phụ nữ thì nhất thiết: làn da phải trắng, nét môi phải hồng, ngón
tay phải thon dài, hàm răng phải đều đặn, cặp mắt phải long lanh, cử chỉ dọng
nói phải nhỏ nhẹ v.v… Người đọc khó có thể tìm thấy một chân dung nhân
vật kiểu như Chí Phèo, Thị Nở của nhà văn Nam Cao trong tiểu thuyết Nam
Bộ. Cách miểu tả nhân vật trong tiểu thuyết Nam Bộ nhiều khi lặp lại mang
tính công thức có thể khiến người đọc dễ nhàm chán. Các nhà văn Nam Bộ
khi xây dựng nhân vật cũng thường xác định tính cách và phẩm chất nhân vật
thông qua tên gọi. Tên gọi của nhân vật phần nào cho thấy bản chất con
người của nhân vật mà nhà văn muốn xây dựng. Những cái tên lắm lúc gợi
cho người đọc đoán biết được những tính cách và phẩm chất nhân vật. Chẳng
hạn những cái tên của nhân vật như : Hảo (Cười gượng), Hạnh (Kẻ oán người
ưng), Quý (Mẹ ghẻ con ghẻ), gợi nhớ những người con gái có phẩm hạnh tốt;
thị Bần, thằng Bỉ, thằng Cực, con Lượm (Mạng nhà nghèo) gợi lên hình ảnh
đói khổ, cơ cực của các nhân vật; Đặng Thiên Tường (Tham ắt phải thâm) là
cái tên người đời thường gọi Đặng Trường Phước, nghĩa là “người thương
tiền hơn, chớ không thương ai hết”; Thiện Tâm (Hòn máu bỏ rơi), Hữu Nhơn
(Tại tôi), Lê Quý Hữu (Hổ thầm), là những người tốt bụng luôn giúp những
người nghèo khó, những người kém may mắn; Bội Nghĩa (Hổ thầm) có bản
chất lừa thầy phản bạn; Diệt Tộc (Mạng nhà nghèo) là người giết vợ trước,
giết vợ sau và giết cả cha của mình v.v…
3.1.2. Xây dựng nhân vật qua ngôn ngữ đối thoại
Thủ pháp xây dựng nhân vật qua miêu tả hành động và đối thoại được các
nhà văn Nam Bộ chú ý. Thủ pháp này thường thấy trong văn học cổ, thế
nhưng nếu nhà văn khéo léo sử dụng thì vẫn phát huy hiệu quả cao. Nhưng
nếu quá lạm dụng và chỉ chú ý đến hành động nhân vật mà bỏ qua đời sống
tâm lý thì nhân vật dễ trở thành loại “nhân vật chức năng” của văn học cũ.
Loại nhân vật chức năng thường ít có đời sống nội tâm, phẩm chất và đặc
điểm của nhân vật thường là cố định, ít thay đổi trong toàn bộ câu chuyện,
nhân vật thường rơi vào tình trạng khô cứng, một chiều. Thủ pháp miêu tả
hành động và lời nói sẽ bổ sung cho những thủ pháp nghệ thuật khác để tạo
nên hiệu quả nghệ thuật. Nhân vật không chỉ đơn thuần là độc thoại mà phải
hành động, phải đối thoại. Hành động làm nên chân dung của nhân vật. Nhân
vật tồn tại qua hành động.
Phương pháp xây dựng nhân vật qua miêu tả hành động và lời nói góp phần
đáng kể vào việc thể hiện tính cách nhân vật. Những hành động của nhân vật
được các tác giả miêu tả rất sinh động, lắm lúc gây cho ngừơi đọc những cảm
giác hồi hộp, thích thú. Tiểu thuyết Nam Bộ thường miêu tả về hành động,
cốt truyện thường phiêu lưu, ly kỳ. Nhân vật trong tiểu thuyết thường là nhân
vật phiêu lưu trên những không gian rộng lớn với những bất trắc của cuộc
đời, những cuộc chia ly và gặp gỡ kỳ thú. Đó là những cuộc phiêu lưu của
Trần Văn Sửu (Cha con nghĩa nặng ), của Quý (Mẹ ghẻ con ghẻ), của Ba Lân
(Lời thề trước miễu), của Hai Phục (Nợ đời), của Hai Cường, Lê (Sống thác
với tình), của Nguyễn Ánh (Gia Long tẩu quốc, Gia Long phục quốc), của Lý
Thường Kiệt (Việt Nam Lý Thường Kiệt), của Như Hoa (Thói đời đen bạc,
tình nghĩa đổi thay) v.v… Việc xây dựng cốt truyện, nhân vật thiên về phiêu
lưu hành động trong tiểu thuyết Nam Bộ là chịu ảnh hưởng một phần từ trong
truyền thống văn học Nam Bộ và từ văn học nước ngoài. Trong truyền thuyết
văn học Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên là tác phẩm chứa nhiều yếu tố phiêu
lưu ly kỳ nơi cốt truyện và nhân vật. Những tiểu thuyết nước ngoài có ảnh
hưởng đến tiểu thuyết Nam Bộ phần lớn là những cuốn tiểu thuyết có cốt
truyện phiêu lưu, nhiều hành động. Chẳng hạn như các tiểu thuyết Trung Hoa
( Tam quốc chí, Thuỷ hử, Đông chu liệt quốc, Càng Long du Giang Nam
v.v…), và tiểu thuyết Pháp ( La comte de monte Cristo, Sans famille, En
famille, Les misérables v.v…). những tác phẩm của Hồ Biểu Chánh thời ký
đầu chủ yếu được phóng tác từ một số tiểu thuyết có cốt truyện và nhân vật
phiêu lưu trong văn học Pháp. Về sau này hầu hết các tiểu thuyết Nam Bộ
dều có cốt truyện và nhân vật thiên về hành động, phiêu lưu.
Thủ pháp miêu tả nhân vật qua hành động dễ thấy nhất là trong các tiểu
thuyết trinh thám võ hiếp, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết phong tục xã hội
hơn là tiểu thuyết tâm lý. Chẳng hạn các nhân vật như Thành Mai, Minh
Đường, Tam Lọ, Nguyễn Viết Sung (Mảnh trăng thu, Cậu Tám Lọ), Hùng
Minh, Anh Phong Thiện (Tôi có tội) thường được các nhà văn chú trọng dùng
thủ pháp miêu tả hành động để thể hiện tính cách và chân dung.
Các tác giả cũng chú ý và dụng công miêu tả nhân vật qua đối thoại. Ngôn
ngữ đối thoại của nhân vật trong tiểu thuyết Nam Bộ cũng đậm đà chất hiện
thực cuộc sống. Có thể thấy, thế mạnh của tiểu thuyết Nam Bộ là đối thoại.
Mật độ ngôn ngữ đối thoại trong tiểu thuyết rất lớn khiến cho câu văn giàu
nhạc tính, diễn biến câu chuyện vận động nhanh, nhiều kịch tính, nhiều bất
ngờ. Các nhà văn đã đem vào trong tác phẩm của mình gần như nguyên vẹn
những câu nói thường ngày, những đoạn đối thoại sinh động đậm chất
phương ngữ của vùgn Nam Bộ. Điều đó tạo nên những thành công của tiểu
thuyết trong việc khắc hoạ chân dung nhân vật, khắc hoạ chân dung của
những con người Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX từ thành thị cho tới thôn quê.
Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết rất đa dạng với những kiểu đối thoại và
giọng điệu khác nhau. Các nhà văn Nam Bộ đặc biệt chú ý trong việc lựa
chọn ngôn ngữ cảu nhân vật làm sao để phù hợp với trình độ, thành phần xuất
thân, tính cách của nhân vật. Vì thế ngôn ngữ đối thoại đã góp phần xây dựng
nhân vật cũng như cá thể hoá nhân vật.
Đây là những lời đối thoại của thị Lựu (Cha con nghĩa nặng) với chống là
Trần Văn Sửu:
“Thị Lựu đi chơi về, bước vô buồng thấy chồng nằm với con thì hỏi rằng:
- Làm giống gì vô nằm sầm sầm đó?
- Thằng nhỏ khóc ta vô dỗ nó chớ. Đi đâu dữ vậy?
- Đi đâu hỏi làm chi? Không cho đi chơi đi bời gì sao?
- Ta hỏi cho biết vậy mà.
- Tao không muốn mày hỏi. Đi ra ngoài. Vô nằm trên gối ta đây rồi
dính mồ hôi, hôi rình ai mà chịu cho được.
- Khéo nói hôn! Tưởng ta là trâu chó gì đây hay sao mà nên hôi.
- Không phải trâu chó, mà cái hôi kỳ cục lắm, không ai chịu được” (tr.
36)
Đợi vợ sắp tắt đèn đi vô buồng, anh ta mới mò mà đi theo. Anh ta vừa khoát
mùng leo lên giường thì thị Lựu nói rằng:
- Ra ngoài ngủ với sắp nhỏ nà! Lọ dọ đi đâu đó?
- Để tao nằm tao nói chuyện một chút.
- Chuyện gì? Sao hồi nãy không nói, để ta đi ngủ rồi vô làm rộn đó?
- Nói giống gì sao không nói đi?
- Họ nói với tao một chuyện kỳ quá.
- Chuyện gì?
- Tao nói lại mày nghe, như không có thì thôi, còn nếu có thì mày phải
chịu, chớ đừng có chối nghe hôn?
- Ai biết chuyện gì đâu mà phải chịu.
- Như tao hỏi mà có thì mày phải chịu chớ.
- Chuyện gì cũng vậy, hễ có thì tao chịu, chớ sợ ai mà chối.
- Ờ, thôi để tao nói cho mà nghe. Bữa nay tao đi gặt, có hai người nói
với tao rằng mày lấy Hương hào Hội, có hôn?
Thị Lựu vừa nghe nói thì vùng ngồi dậy hỏi rằng:
- Quân nào bày chuyện đó?
- Người ta nói thiếu gì.
- Mà thằng nào nói với mầy đó kìa. Mầy phải nói tên nó cho tao biết,
đặng tao đến nhà nó tao đào nát ông nát cha nó cho nó biết mặt tao. Tao
lấy Hương hào Hội hồi nào, tao có đem lên bàn thờ cha nó tao lấy hay
sao nên nó ngó thấy mà nó dám nói như vậy hử? Thằng nào nói xấu
cho tao đó, mầy phải chỉ tên nó ra cho mau.
- Thôi đừng có nóng. Người ta nói như vậy, nếu mầy không có thì thôi,
chớ chửi người ta làm chi” (tr. 56).
Qua đoạn trích, tác giả đã cho thấy được phần nào tính cách của hai nhân vật
là thị Lựu và Trần Văn Sửu. Thị Lựu là người dữ dằn, chua ngoa, đanh đá và
thô lỗ thể hiện qua những lời nói với chồng. Khi nghe Trần Văn Sửu hỏi thị
về chuyện người ta đồn ầm lên là thị thông dâm với Hương hào Hội, Lựu
không chịu là phải, còn muốn “đào nát ông nát cha” đứa nào dám phao tin.
Thị biết là chuyện thị ngoại tình đã bị phát giác nhưng thị vẫn tìm cách chối
phủi. Còn Trần Văn Sửu ch thấy sự thật thà và hiền lành cả trong lời nói và
hành động. Trong cách nói của Sửu có vẻ gì đó rất vị nể vợ. Đó cũng là điều
khiến cho cách nói năng, hành động của thị Lựu có phần lấn lướt so với Sửu.
Hay chỉ vài dòng đối thoại sau đây giữa bà Hai Tăng và cô Phục trong tác
phẩm Nợ đời của Hồ Biểu Chánh đã cho thấy điều đó:
“Bà biến sắc, môi tái xanh, bà vùng đứng dậy gọn gằng, bà bước lại hỏi con
Phục rằng:
- Mầy nói lấy cậu Hai, mà cậu Hai nào?
- Cậu Hai ở trong nhà đây.
- Hả! Mầy nói sao? Tổ tiên mầy, mầy hư, mầy thúi, mầy làm đĩ lấy trai
ở đâu cho có chửa bụng thè lè, rồi bây giờ mày nói xán xả cho cháu tao
hả? Cháu tao như rồng như phụng, còn mầy là quân ăn mày, mầy rửa
đít cho nó cũng chưa được, sao mầy dám nói như vậy?
Bà và nói và xỉ trong mặt con Phục. Nó sợ quá nên đưa hai tay bụm mặt. Bà
giận, bà liền giựt cây chổi lông gà máng theo cây cột gần đó, bà áp đập loạn
xạ trên đầu trên vai nó. Con Phục chạy vô trong mà tránh đòn. Bà vừa rượt
theo và mắng om sòm rằng: ‘Đồ đĩ chó! Mầy phải ra khỏi nhà tao liền bây
giờ đây. Đi. Đi cho tao mau, tao không chứa nữa’” (Nợ đời, nhà in Đức Lưu
Phương, Sài Gòn, 1936, tr.41).
Hai Phục là con gái của vợ chồng hương Thân. Khi cha mẹ mất, Phục về
sống với vợ chồng Cai tuần Kim. Được một thời gian thì bà Hai Tăng là thím
của Phục đón cô lên Sài Gòn nuôi. Bà Hai Tăng đón Phục về nuôi không phải
vì thương cháu đói khổ mà vì muốn Phục giúp việc nhà. Từ ngày về sống với
thím, Phục bị đối xử rất tệ bạc. Khi bà Hai Tăng biết Phục đã mang thai với
cháu mình là Hai Hùng, không cần suy xét, bà đã đánh đập và chửi mắng
Phục thậm tệ. Đoạn đối thoại trên đã phần nào cho thấy được bản tính của bà
Hai Tăng. Nhân vật Hai Tăng được tác giả khắc họa là người ít học, lỗ mãng
và ích kỷ. Những lời lẽ thô lỗ trên rất phù hợp với tính cách của bà Hai Tăng.
Nhân vật Hai Tăng được tác giả khắc hoạ là người ít học, chua ngoa, lỗ mãng
và ích kỷ. Những lời lẽ thô lỗ trên rất phù hợp với tính cách của bà Tăng.
Còn đây là đoạn đối thoại giữa Hội đồng Nghĩa và anh nông dân Sáu Bội
trong tiểu thuyết phóng sự Đồng quê của Phi Vân:
“- Bẩm chủ, tôi xin mướn ruộng chớ không lãnh ruộng giao.
- Ấy, việc mướn chác thì mình biết với nhau, còn giấy tờ thì mình phải
làm như vậy cho đúng phép. Phỏng như là tờ mướn rồi nửa chừng mày
bỏ trốn có phải lòng dòng tao thêm không? Làm như vậy mày lãnh làm
công, rồi có muốn trốn, ruộng của tao, bất quá tao gặt lúa trừ. Tao ngừa
như vậy, tá điền tao đứa nào cũng làm kiểu đó, mà có đứa nào kêu ca gì
đâu! Bây dựt của tao thì có, chớ tao, điền ruộng mênh mông, chẳng đời
nào tao thèm dựt của bây!
- Bẩm chủ, còn tiền lấy thêm? Hai chục đồng, tôi đâu có hỏi gì đâu?
- Mày quê lắm. Tiền đó tao buộc phải vay, tới mùa tao đong lúa trừ.
Tao tín mỗi giạ năm cắc. Phải vay mới có mà ăn đặng làm chớ, không
lẽ mày cạp đất mà cày ruộng sao?
- Nhưng…giá lúa bây giờ đến hai đồng một giạ!
- Thì hai đồng bây giờ. Đây ra giêng còn tới bốn tháng nữa. Chừng đó
giá lúa lên cao tao nhờ, sụt tao chịu. Tao dám cho như vậy mà mầy còn
chê mắc chê rẻ…thôi không bằng lòng để ruộng lại đó cho tao” (Đồng
quê, Nxb Văn nghệ TP. HCM, 1988, tr.114 – 115).
Qua đoạn đối thoại sinh động, tác giả đã khắc hoạ được chân dung các nhân
vật “rặt” Nam Bộ là Điền chủ Nghĩa và anh nông dân Sáu Bội. Sáu Bội là tá
điền nghèo khổ đi mướn đất của Điền chủ Nghĩa. Điền chủ Nghĩa biết được
hoàn cảnh khó khăn của Sáu Bội đã dùng thủ đoạn khôn khéo, tinh vi để chèn
ép, bóc lột sức lao động của gia đình anh. Lời lẽ của Sáu thật thà, chất phác
bao nhiêu thì lời lẽ của Nghĩa được tác giả miêu tả khôn ngoan, thủ đoạn bấy
nhiêu.
Rõ ràng thông qua những đoạn đối thoại và hành động của nhân vật, chân
dung của nhân vật hiện ra rõ hơn, đầy đủ hơn. Nếu như cách miêu tả ngoại
hình của nhân vật mới chỉ tạo nên hình dáng bên ngoài thì việc thể hiện đối
thoại và hành động đã tạo nên cái hồn của nhân vật. tính cách của nhân vật
qua đó cũng được thể hiện rõ hơn.
Tiểu thuyết Nam Bộ ngày càng khai thác có hiệu quả những lời đối thoại của
nhân vật. Những lời thoại nhân vật xuất phát từ chính những suy nghĩ, từ diễn
biến tâm lý, tính cách bên trong của nhân vật, vì vậy đã hạn chế được sự ghép
của tác giả. Nhân vật thoát khỏi tình trạng là cái loa phát ngôn của tác giả để
phát triển tự nhiên. Đó là một trong những cách tân đáng kể trong nghệ thuật
xây dựng nhân vật nói riêng và nghệ thuật tiểu thuyết nói chung.
3.1.3. Xây dựng nhân vật qua miêu tả độc thoại nội tâm
Việc dùng thủ pháp độc thoại nội tâm là một trong những phương thức hữu
hiệu để khắc hoạ tính cách nhân vật. Muốn sử dụng thành công thủ pháp
nghệ thuật này, nhà văn cần có sự am hiểu sâu sắc các quy luật tâm lý của
con người. Khi nhà văn để cho nhân vạt mình độc thoại, nhân vật sẽ bộc lộ
suy nghĩ về những vấn đề thầm kín thuộc về bản thân và những người xung
quanh. Những suy nghĩ này không phải bao giờ cũng có điều kiện để bộc
bạch, tỏ bày. Chỉ khi nhân vật tự đối diện với bản thân mình thì mới bộc lộ.
Những suy nghĩ của nhân vật về bản thân, về các mối quan hệ với những
nhân vật khác, về những sự việc của quá khứ, hiện tại và tương lai, sẽ giúp
người đọc hiểu hơn về nhân vật. Qua độc thoại nội tâm, nhân vật có dịp bộc
lộ những góc khuất thầm kín của đời sống tâm hồn, nhân vật trở nên sống
động, phức tạp, vì thế trở nên thật hơn, đời hơn. Trong văn học trung đaik,
nhà văn ít hú ý đến việc miêu tả đời sống tâm lý của nhân vạt, vì vậy nhân vật
nhiều khi trở nên đơn giản. Nhân vật trong văn học trung đại được các nhà
văn miêu tả chủ yếu qua những hành động, những lời đối thoại. Lời nói của
nhân vật chủ yếu là lời của tác giả. Lắm khi, nhân vật bị biến thành cái loa
phát ngôn của tác giả. Nhân vật ít có cơ hội phát triển theo hướng “nội tại”,
mà phải nương theo hoàn cảnh khách quan, bị điều kiện khách quan chi phối.
Tiểu thuyết Nam Bộ đang từng bước cách tân theo hướng ngày càng chú ý
nhiều hơn đến thủ pháp độc thoại nội tâm. Có thể thấy, việc chú ý đến thủ
pháp độc thoại nội tâm của nhân vật trong tiểu thuyết Nam Bộ là một chuyển
biến lớn trong nghệ thuật so với thời kỳ văn học trung đại.
Đây là một đoạn độc thoại nội tâm của Nguyễn Viết Sung (Mảnh trăng thu)
sau cuộc tiếp xúc với Minh Đường, cảm giác sợ bị lật tẩy những việc làm sai
trái trước đó luôn ám ảnh y: “Giọng nói của người này lạ lắm, khong biết vì ý
gì? Nó làm ta thiếu chút nữa muốn điên? Nó hỏi nhiều câu thình lình, khó trả
lời cho trôi được. Hay nó là lính kín? Hay là quả con Kiều Tiên lúc này đang
tìm kiếm cách báo thù cho chồng? Ta không biết sợ ai, mà ta chỉ lo đàn bà
con gái trong những sự báo thù…Đàn bà tuy yếu ớt nhưng mà có mãnh lực
ghê lắm. Nếu quả lời thằng này là thì thật tại ta vô ý, không đề phòng trước.
Ta giết luôn nó đi thì… Mà không được, nếu giết luôn nó thì sao kỏi lôi thôi
lớn, pháp luật đâu có bỏ qua, chắc là khó dễ cho ta lắm. Để cho Kiều Tiên
sống thì thêm một mối lo, còn nguy hiểm cho ta hơn là bọn trinh thám, vì nó
dùng bọn trai làm vi cánh mà vẽ đường…” (tr. 319). Những tính toán thiệt
hơn để che giấu tội lỗi của Nguyễn Viết Sung được thể hiện qua các lập luận
của hắn. Qua những dòng độc thoại, Sung hiện lên là một kẻ hiểm ác, sẵn
sàng bất chấp thủ đoạn để đạt được mục đích. Sung là một kẻ hãnh tiến, luôn
có những bao biện cho hành vi tội ác của mình: “Tuy là ta lo ngại như vậy
chớ ai làm gì được ta! Ta dám đố cả bọn trinh thám, ta dám đố cả loài người,
ai giỏi làm bại lộ mưu cơ ta thì ta cho là tài. Những bọn mưu trí tầm thường
kia thì làm gì ta nổi, nhưng ta cũng cần phải trừ những đứa dám nhúng tay
vào sự bí mật của ta…Ở đời khôn sống mống chết, mạnh được yếu thua, ai
biết đề phòng, hạ tay lợi hại trước thì người ấy được. Để cho bọn ngu, không
kiến thức cứ kêu Trời kêu Phật đi, kêu muôn ngàn năm không làm gì ta được.
Trời đâu? Phật đâu? Trời Phật chỉ ở trong lòng kẻ khờ nhát, kẻ hèn yếu, chớ
với người cứng cỏi thì không có bao giờ…Miễn là ta đạt được mục đích, dầu
có phải hại ai mà thành công thì ta cũng hại, ai chết kệ ai! Ở đời này mà đạo
đức thì là đồ dại...” Hương hào Sung lấy làm đắc chí, mỉm cười…(sđd,
tr.320). Rõ ràng những cử chỉ thân thiện của Sung với mọi người bề ngoài
hoàn toàn đối lập với suy nghĩ và hành động của y. Những đoạn độc thoại đã
làm nổi bật bản chất thật con người Sung: khôn ngoan, ma mãnh, độc ác và
hãnh tiến, sẵn sàng ám hại những người vô tội miễn là có lợi cho hắn.
Độc thoại nội tâm là thủ pháp nghệ thuật giúp nhà văn thám hiểm chiều sâu
con người bên trong của nhân vật, từ đó giúp người đọc thấy được bản chất,
thế giới tâm hồn, trí tuệ và những diễn biến tâm lý nhân vật không biểu lộ ra
ngoài. Khảo sát tiểu thuyết Nam Bộ, so với đối thoại, độc thoại nội tâm xuất
hiện chưa thật nhiều lắm, nhưng mỗi khi thủ pháp này xuất hiện, nó đều tỏ rõ
giá trị đắc dụng trong việc phản ánh thế giới nội tâm hết sức phong phú và
phức tạp của con người. Những đoạn độc thoại của anh nông dân Trần Văn
Sửu trên đường chạy trốn sau khi vô tình giết chết người vợ trắc nết là Thị
Lựu đã làm nổi bật lên hoàn cảnh đáng thương và bản chất hiền lành của anh:
“Mình ôi! Mình là chi mà tồi tệ dữ vậy? Vợ chồng ở với nhau mấy năm nay,
mình cũng biết tôi thương mình, tôi cưng mình lắm chớ. Việc nặng, việc nhẹ
tôi dành làm ráo, tôi không chịu để cho mình làm. Tôi xin mình ở nhà coi nhà
với sắp nhỏ mà thôi. Mình sung sướng như vậy, còn gì nữa. Sao mình không
nghĩ cái bụng tôi, mình lén trai gái với Hương hào Hội làm gì. Mình thấy nó
giàu có, quần lãnh áo lụa mình mê hay sao?... Tôi nghèo chơ tôi có để mình
chịu đói bữa nào hay sao? Tôi thường nói với mình, để tôi rang sức làm cho
có tiền nhiều đặng vợ con sung sướng. Tội nói như vậy là ý tôi muốn có tiền
đặng cho mình bận quần hàng áo nhiễu, đi giày đi dép, đeo vòng đeo vàng.
Tôi nói đó là nói thiệt, chớ không phải gạt mình… Sao mình không thương
tôi, mình lấy Hương hào Hội chi vậy? Mà như mình có lỡ dại, thì hôm tôi hỏi
đó mình nói thiệt với tôi. Tôi thương mình lắm, nếu mình chịu thiệt, thì chắc
tôi rầy bậy bạ rồi thôi, chớ tôi không nỡ đánh đập mình. Sao tôi hỏi mình lại
chối, rồi mình còn mắng chửi tôi? Đến chừng tôi bắt được chánh án rồi…mà
mình còn leo lẻo, mình chửu tôi, mình thách đố tôi, mình các dao muốn chém
tôi, làm tôi giận mất trí khôn nên tôi xô mình té mà chết” (Cha con nghĩa
nặng, sđd, tr. 125). Những lời trần tình, phân giải mộc mạc của Trần Văn Sửu
như đang đối thoại với người chết cho thấy sự hối hận, ăn năn. Những dòng
độc thoại đó làm cho người đọc không khỏi cảm thương cho số phận của
Sửu. Bản chất của Sửu vốn hiền lành, thương vợ con, nhưng hành động phản
bội của vợ đã vượt quá sự chịu đựng của anh khiến anh lỡ tay giết vợ. Mặc
dù đoạn độc thoại này vẫn còn mang bóng dáng ngôn ngữ của chính Hồ Biểu
Chánh, chưa thực sự là của nhân vật, nhưng nó là những điểm sáng trong tác
phẩm góp phần phơi mở vào thế giới nội tâm của Trần Văn Sửu, một nhân
vật đặc sắc của tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh không lẫn vào đâu được.
Độc thoại thường xuất hiện khi nhân vật mâu thuẫn với hoàn cảnh. Những
tiếng nói bên trong của nhân vật, những điều nhân vật suy tư nhiều hơn gấp
mấy lần những lời được nói ra bao giờ cũng vang lên trong một tình huống cụ
thể. Chẳng hạn đó là khi nhân vật Văn trong Đứa con của tội ác của Kiều
Thanh Quế đã tự dằn vặt mình bằng những độc thoại trước cuộc sống buông
thả, vô nghĩa của bản thân. Có lúc nhân vật tự biẹn hộ cho bản thân như
Nguyễn Viết Sung, Huệ trong Mảnh trăng thu, Hùng Minh trong Tôi có tội.
Bao trùm lên những độc thoại là giọng điệu hoài nghi. Trong nghệ thuật, nhất
là trong tư duy tiểu thuyết, sự hoài nghi luôn phù hợp với tinh thần “luôn
luôn có sự nhận thức đánh giá lại mọi thứ” (M.Bakhtin). Tiếng nói nhân vật
dường như được chẻ ra làm hai tiếng nói tranh cãi nhau. Cô Huệ (Cậu Tám
Lọ) được nhà văn miêu tả là nhân vật phản diện với “khuôn mặt hơi vuông,
mắt nhỏ, mày thưa, miệng rộng…” rất gần với mẫu hình con người phản trắc
trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh. Thế nhưng so với Hồ Biểu Chánh thì Bửu
Đình đã tiến một bước dài khi miêu tả nhân vật trong thế giằng co giữa thiện
và ác, phải và trái thông qua độc thoại nội tâm. Khi Huệ nhận ra Minh Đường
không đáp lại tấm chân tình của mình thì rất giận. Vì tình yêu cô đã bất chấp
mọi thủ đoạn: từ việc dè bỉu, bôi xấu cho đến việc đánh cắp nhẫn quý để đẩy
Kiều Tiên ra khỏi nhà bà Cai tổng Tạ. Nhận được tin Thành Trai đi cưới vợ,
Huệ đã rơi vào tâm trạng hụt hẫng, có lúc cô tính chuyện phá đám cưới của
Minh Đường với Kiều Tiên. Những độc thoại cho thấy những giằng xé trong
tâm hồn Huệ: “Nếu ta cứ ngồi trên sông nầy mãi, than vãn thở dài mãi thì
thân ta thêm tiều tuỵ mà không bổ ích gì. Ta đã có công học vấn, ta đã có
chút tư tưởng, sao ta lại không dùng cách gì để ngăn cản cuộc hôn nhơn kia,
kiếm thế làm cho hai đàng không chung cùng với nhau được” (sđd tr.8). Cảm
xúc, suy nghĩ, cách xử sự của nhân vật trong mối lien hệ với hoàn cảnh khiến
thế giới nội tâm của con người được phơi lộ đầy mâu thuẫn và phức tạp. Huệ
đi từ những suy nghĩ thù hận sang những băn khoăn, rồi lòng thương lại bao
trùm lên ý nghĩ của cô, chi phối việc làm và hành động của cô. Sau cuộc gặp
của Huệ với Minh Đường, cô nhận ra một sự thật là Minh Đường không hề
yêu cô, suy nghĩ của Huệ đã có sự thay đổi: “Cũng lạ lùng lắm! Khi ta lên xe
về đây, óc ta vẫn nuôi một sự oán giận, toan phá cuộc nhơn duyên của Minh
Đường, mà bây giờ ta lại cho sự ấy là một sự độc ác nhứt mà một người con
gái, một người đờn bà không nên làm. Làm cho những người đáng thương
phải khổ sở tức là đem mình xuống vực tội lỗi không đáy. Hễ mình chỉ vì
mình, chỉ vì muốn lợi ích cho mình thì thạt là hèn; sao mình lại hạ mình
xuống như thế? Người ta thường hay nói rằng mình hay ích kỷ, hay tật đố,
sao mình không làm sao để cho họ tự biết rằng họ nói như vậy là sai lầm!”
(sđd tr.104). Nhân vật Huệ, có thể nói, là một trong những nhân vật khá tiêu
biểu cho dạng nhân vật “thức tỉnh” trong tiểu thuyết Nam Bộ giai đoạn này.
Có rất nhiều nhân vật đã tự vấn bằng những dòng độc thoại nội tâm. Lắm lúc
nhân vật có những hành động khác với dự tính ban đầu, sau khi qua một quá
trình suy ngẫm bằng độc thoại.
Người đọc nhiều khi thấy được những ứng xử bất ngờ của nhân vật không
giống với logic sự kiện. Đó là những lời hối hận của Nguyễn Viết Sung trong
Mảnh trăng thu của Bửu Đình. Là Vĩnh Thái trong Khóc thầm, Tô Hồng
Xương trong Cười gượng, Tấn Đắc trong Từ hôn…của Hồ Biểu Chánh. Là
Đệ Nhất trong Kẻ oan người ưng, Bội Nghĩa trong Hổ thầm…của Nguyễn
Bửu Mộc. Là Văn trong Hai mươi tuổi của Kiều Thanh Quế. Độc thoại nội
tâm giúp các nhân vật biểu lộ được bản chất thầm kín trong tâm hồn. Qua độc
thoại nội tâm, nhân vật hiện ra sống động và gần với con người đời thường
của cuộc đời.
Tóm lại, thế giới nhân vật trong tiểu thuyết Nam Bộ giai đoạn 1930 – 1945
đã có sự vận động theo quỹ đạo hiện đại hoá: từ việc mô tả con người tài tử
giai nhân bằng bút pháp ước lệ, tượng trưng của thời kỳ trung đại chuyển
sang miêu tả con người đời thường, bình thường bằng lối tả thực của thời kỳ
hiện đại. Tâm lý nhân vật ngày càng được các nhà văn chú ý nhiều. Nhân vật
được sọi chiếu từ nhiều khía cạnh từ ngoại hình, hành động cho đến chiều sâu
đời sống tâm lý, tâm linh bên trong. Nhân vật vì thế mà trở nên thật hơn, gần
hơn với cuộc đời. Tất cả mọi nỗ lực của những người cầm bút Nam Bộ đã
đẩy nghệ thuật xây dựng nhân vật lên một bước so với thời kỳ trước 1930.
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU Trang
1. Lý do chọn đề tài 1
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề 2
3. Giới hạn của vấn đề 9
4. Phương pháp nghiên cứu 11
5. Đóng góp của luận văn 12
6. Cấu trúc của luận văn 12
Chương 1: VĂN HÓA, XÃ HỘI VÀ NHỮNG THÀNH TỰU CHỦ
YẾU CỦA TIỂU THUYẾT NAM BỘ TỪ 1930 ĐẾN 1945
1.1. Văn hóa, xã hội Nam Bộ từ 1930 đến 1945 14
1.1.1. Tình hình kinh tế và chính trị 14
1.1.2. Tình hình giáo dục và văn hóa 17
1.1.3. Tình hình xuất bản và giải trí 20
1.1.4. Sự phân hóa của tầng lớp trí thức và đội ngũ cầm bút 26
1.2. Những thành tựu của tiểu thuyết Nam Bộ từ 1930 đến 1945 30
1.2.1. Vài nét về những thành tựu chủ yếu của tiểu thuyết Nam Bộ trước
1930 30
1.2.2. Những thành tựu chủ yếu của tiểu thuyết nam bộ từ 1930 đến 1945 39
§ Tiểu kết 56
Chương 2: NHỮNG CẢM HỨNG CHỦ ĐẠO -
ĐẶC ĐIỂM VÀ THÀNH TỰU
2.1. Cảm hứng đạo lí 59
2.2. Cảm hứng phê phán 73
2.3. Cảm hứng lịch sử và dân tộc 80
2.4. Cảm hứng về tình yêu 89
§ Tiểu kết 102
Chương 3: NHỮNG PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN -
ĐẶC ĐIỂM VÀ THÀNH TỰU CHỦ YẾU
3.1. Nghệ thuật xây dựng nhân vật 105
3.1.1. Xây dựng nhân vật qua miêu tả ngoại hình và hành động 106
3.1.2. Xây dựng nhân vật qua ngôn ngữ đối thoại 112
3.1.3. Xây dựng nhân vật qua miêu tả độc thoại nột tâm 118
3.2. Nghệ thuật kết cấu tác phẩm 123
3.2.1. Dạng kết cấu chương hồi và dạng feuilleton 124
3.2.2. Dạng kết cấu theo thời gian tuyến tính và kết cấu tâm lí 129
3.2.3. Dạng kết cấu theo hai tuyến nhân vật 136
§ Tiểu kết 138
KẾT LUẬN 137
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 140
PHỤ LỤC 148
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- lv_ngon_ngu_hoc_18__1488.pdf