Trong thời đại công nghiệp hóa – hiện đại hóa ngày nay, việc xuất hiện ngày càng nhiều các khu công nghiệp, khu chế xuất được coi là những bước tiến đáng kể cho nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, đi kèm với nó còn có những ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều khía cạnh khác của xã hội, một trong số đó là vấn nạn ô nhiễm môi trường. Thực tế đó đã đòi hỏi các nhà làm luật, các cơ quan hữu quan cần phải siết chặt các chính sách về đảm bảo an toàn môi trường cũng như những biện pháp xử phạt thích đáng mỗi khi có những thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra.
Trong BLDS, trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) ngoài hợp đồng là một trong những chế định quan trọng, được quy định tại chương XXI của bộ luật. Trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng được hiểu là trách nhiệm của người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho người khác về tài sản, sức khỏe, tính mạng, các quyền nhân thân mà trước đó giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại không có giao kết hợp đồng hoặc giữa họ có giao kết hợp đồng nhưng hành vi gây thiệt hại không thuộc hành vi vi phạm hợp đồng.
Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường là một trong các trường hợp cụ thể của bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và được quy định tại Điều 624 BLDS .
17 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 5717 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tìm hiểu 3 vụ việc có tranh chấp về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
A. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong thời đại công nghiệp hóa – hiện đại hóa ngày nay, việc xuất hiện ngày càng nhiều các khu công nghiệp, khu chế xuất được coi là những bước tiến đáng kể cho nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, đi kèm với nó còn có những ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều khía cạnh khác của xã hội, một trong số đó là vấn nạn ô nhiễm môi trường. Thực tế đó đã đòi hỏi các nhà làm luật, các cơ quan hữu quan cần phải siết chặt các chính sách về đảm bảo an toàn môi trường cũng như những biện pháp xử phạt thích đáng mỗi khi có những thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra.
B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
I – CƠ SỞ LÝ LUẬN
Trong BLDS, trách nhiệm bồi thường thiệt hại (BTTH) ngoài hợp đồng là một trong những chế định quan trọng, được quy định tại chương XXI của bộ luật. Trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng được hiểu là trách nhiệm của người có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho người khác về tài sản, sức khỏe, tính mạng, các quyền nhân thân mà trước đó giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại không có giao kết hợp đồng hoặc giữa họ có giao kết hợp đồng nhưng hành vi gây thiệt hại không thuộc hành vi vi phạm hợp đồng.
Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường là một trong các trường hợp cụ thể của bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và được quy định tại Điều 624 BLDS:
“Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi”.
Có thể hiểu hành vi gây ô nhiễm môi trường là hành vi tác động và gây ô nhiễm đến các yếu tố của môi trường, làm tổn hại đến các yếu tố nguyên thủy của môi trường dẫn đến thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác (Theo Điều 2, Luật Bảo vệ môi trường). Theo Điều 624 BLDS đã trích dẫn ở trên, người gây ô nhiễm môi trường dù có lỗi hoặc không có lỗi đều có trách nhiệm BTTH. Trách nhiệm BTTH do hành vi gây ô nhiễm môi trường cần có đủ 3 điều kiện sau:
+ Có hành vi gây ô nhiễm môi trường. Hành vi đó đã tác động đến các yếu tố của môi trường gây ra ô nhiễm.
+ Hành vi gây ô nhiễm môi trường có mối quan hệ nhân quả với môi trường bị ô nhiễm và thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra.
+ Những thiệt hại về môi trường do hành vi xâm phạm môi trường gây ra xác định được chắc chắn dựa trên những thiệt hại đã xảy ra.
Thỏa mãn 3 điều kiện trên, người có hành vi xâm phạm môi trường phải BTTH.
Tuy nhiên, trách nhiệm BTTH do làm ô nhiễm môi trường có nhiều điểm khác biệt với các hành vi gây thiệt hại khác. Ở các hành vi gây thiệt hại khác, khi hành vi gây thiệt hại chấm dứt, thì thiệt hại xác định được tính đến thời điểm hành vi gây thiệt hại chấm dứt. Còn với hành vi gây ô nhiễm môi trường, ngay cả khi bị chấm dứt rồi thì hậu quả của nó vẫn tiếp tục diễn ra, gây thiệt hại nghiêm trọng cho những chủ thể khác. Do đó việc xác định một cách chính xác thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường gây ra là rất khó, dẫn đến thực tiễn xét xử các vụ việc liên quan đến vấn đề này còn gặp nhiều khó khăn và lúng túng. Sau đây, nhóm chúng tôi xin đi sâu tìm hiểu một số vụ việc sau.
II – MỘT SỐ VỤ VIỆC CỤ THỂ
1. Vụ việc 1
1.1. Tóm tắt vụ việc
* Chủ thể:
- Bên gây thiệt hại: Công ty Cổ phần bánh mứt kẹo Hà Nội
Bên bị thiệt hại: các hộ dân khu M14, ngõ 91 Nguyễn Chí Thanh.
* Nội dung vụ việc:
Vụ việc diễn ra vào tháng 7 năm 2008. Nội dung vụ việc như sau:
- Phản ánh của bên bị gây thiệt hại :
Theo phản ánh của người dân, trong rất nhiều tháng, xí nghiệp sử dụng than bùn để nướng bánh dẫn đến việc hàng trăm người dân phải hít khí độc thải ra. Hàng tối, xe tải của Xí nghiệp Môi trường Hà Nội lại chở xỉ than đi đổ dẫn đến không khí xung quanh rất ngột ngạt, khó thở. Xí nghiệp dùng những chiếc quạt gió to để sấy khô sản phẩm, nhưng lại tạo ra luồng hơi nóng xả vào các hộ dân. Cây cối cũng bị héo vàng rụng lá. Các hộ gia đình sát cạnh nhà máy có nhiều trẻ 4 tháng và bà già 70 tuổi nên bị ảnh hưởng sức khỏe nặng nề do hàng ngày phải hít một lượng khí than đậm đặc thải ra. Tiếng ồn chạy máy như công trường ầm ầm suốt 24/24.
Người dân mong muốn lãnh đạo Công ty CP Bánh mứt kẹo Hà Nội cho xây dựng ống khói của lò nướng bánh cao hơn các ngôi nhà trong khu dân cư, đồng thời bố trí vận chuyển than vào thời điểm, vị trí thích hợp để tránh ảnh hưởng đến người dân khu vực.
- Phản ánh của bên có hành vi gây ô nhiễm môi trường:
Ông Vũ Thế Nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bánh mứt kẹo Hà Nội cho biết: Xí nghiệp Bánh kẹo Hà Nội được xây dựng tại địa điểm này vào năm 1993. Lúc đó ở đây còn là khu đất trống, hầu như chưa có hộ dân nào sinh sống. Đến nay thì công ty lại nằm giữa các hộ dân cư, vì vậy không tránh khỏi những ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân. Tuy nhiên, tình trạng không đến nỗi như các hộ dân phản ánh. Vì thực chất, cả năm công ty mới tăng sản xuất vào 2 dịp Lễ Trung thu và Tết cổ truyền. Khi sản lượng lên cao thì công ty cũng chỉ làm đến 10 - 11h đêm. Bà con phản ánh tiếng ồn chạy máy như công trường ầm ầm suốt 24/24h là không đúng.
Ông Nghiệp còn nhấn mạnh - đây là một công ty sản xuất bánh kẹo có tiếng nên thường xuyên được sự kiểm tra, giám sát về vệ sinh môi trường, chưa từng bị phê phán hay xảy ra vi phạm. Gần đây nhất là ngày 22 – 7 - 2008, Trung tâm Y tế dự phòng TP Hà Nội đã kiểm tra và có kết quả: Số mẫu không đạt tiêu chuẩn vệ sinh về bụi, tiếng ồn, hơi khí độc đều bằng 0.
Tuy nhiên, ông Nghiệp cũng thừa nhận: Hiện tại công ty chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải vì lượng nước thải ra trong quá trình sản xuất rất ít và công ty chuẩn bị di dời lên khu công nghiệp Quốc Oai.
- Phản ánh của Đoàn kiểm tra môi trường:
Trước hết, theo ghi nhận của Phóng viên báo An ninh Thủ đô, thì tại khu vực sản xuất của công ty, đường đi trong các phân xưởng đều trơn nhầy mỡ, công nhân khi thao tác làm nhân các loại bánh nướng, bánh dẻo đều không có găng tay, khẩu trang... Toàn bộ lượng nước thải trong quá trình sản xuất không qua xử lý đổ thẳng xuống hệ thống thoát nước chung. Phía cổng sau của công ty nằm cách nhà dân khoảng gần 2m, từng bao lớn rác thải của chính công ty bịt kín lối ra. Các bức tường của công ty không được xây kín, mái được lợp bằng tôn, hệ thống ống khói của xưởng sản xuất không cao hơn các ngôi nhà trong khu dân cư nên vẫn có mùi khét nồng của mỡ cháy và khí các bon. Có tiếng ồn phát ra.
Theo kết luận của đoàn kiểm tra, Công ty CP Bánh mứt kẹo Hà Nội đã không chấp hành đúng nội dung nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và những yêu cầu đối với Công ty kèm theo Quyết định phê chuẩn số 626/KHCN & MT - QLMT ngày 5/5/1998 do Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cấp. Hiện tại, Công ty vẫn chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Nước thải sản xuất (nước vệ sinh dụng cụ, thiết bị) bị ô nhiễm bởi chất hữu cơ, vượt tiêu chuẩn cho phép hơn 2 lần.
UBND quận Đống Đa cho biết, thời vụ sản xuất vào ngày lễ tết, Công ty sử dụng nhiên liệu than đá để nướng bánh nên có phát sinh khí thải. Quá trình đốt nhiên liệu này gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.
* Cách giải quyết của cơ quan có thẩm quyền:
- Theo ông Phan Đức Thọ, Bí thư Chi bộ 35 (cùng tổ dân phố với hộ dân M14), đây chỉ là ý kiến của một số hộ dân ngách 17/91 chứ chưa phải là ý kiến của tất cả các hộ dân.
- Phó Chủ tịch UBND phường Láng Hạ - ông Nguyễn Cảnh Quang cho biết: cho đến thời điểm ngày 12 – 9 - 2008, UBND phường Láng Hạ chưa nhận được bất cứ thông tin phản ánh, cũng như đơn thư khiếu nại nào của các hộ dân cư sống gần Công ty CP Bánh mứt kẹo Hà Nội. Nếu nhận được đơn thư khiếu nại với chữ ký của các hộ dân, UBND phường sẽ yêu cầu Công ty nhanh chóng tiến hành các biện pháp xử lý chất thải, đảm bảo môi trường sinh hoạt trong sạch cho người dân, nếu không, Công ty sẽ phải ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh và UBND phường sẽ báo cáo UBND thành phố để có hướng xử lý theo quy định của pháp luật.
1.2. Nhận xét vụ việc
Theo Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường 2005:
…“6. Thải khói, bụi, khí có chất hoặc mùi độc hại vào không khí; phát tán bức xạ, phóng xạ, các chất ion hoá vượt quá tiêu chuẩn môi trường cho phép;
7. Gây tiếng ồn, độ rung vượt quá tiêu chuẩn cho phép”…
Hành vi của công ty đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật về môi trường, tác động đến môi trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sức khoẻ của những người dân sống xung quanh đó mà người già và trẻ em là đối tượng ảnh hưởng đầu tiên. Phản ánh của người dân là hoàn toàn chính xác và việc BTTH cho họ là đáng được đáp ứng.
Theo lời giải thích của ông Nghiệp: “Hiện tại công ty chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải vì lượng nước thải ra trong quá trình sản xuất rất ít và công ty chuẩn bị di dời lên khu công nghiệp Quốc Oai. Nếu đầu tư hệ thống nước thải trong một thời gian ngắn là rất lãng phí.” Với lời giải thích như vậy, ông Nghiệp không chỉ là người thiếu ý thức, thiếu văn hoá mà còn vô trách nhiệm và coi thường luật pháp. Với tư cách là Phó tổng giám đốc, hơn ai hết ông Nghiệp phải là người nắm rõ các quy định về việc xử lý chất thải, giảm thiểu tiếng ồn theo quy định và tiêu chuẩn của nhà nước. Nhưng không những không thực hiện mà ông Nghiệp còn không nhận trách nhiệm, đưa ra kết quả không chính xác về thực trạng ô nhiễm. Hành vi của ông Nghiệp nói riêng và của ban lãnh đạo công ty bánh mứt kẹo Hà Nội nói chung không chỉ đáng phê phán và còn cần phải bị xử phạt nghiêm khắc.
Bên cạnh đó, vai trò của những người có thẩm quyền trong vụ việc này còn nhiều điểm không thoả đáng.
+ Thứ nhất, rõ ràng việc gây ô nhiễm môi trường của cơ sở sản xuất này là có tồn tại, phản ánh của người dân là chính xác. Vậy tại sao khi Cục Cảnh sát môi trường phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường - CATP Hà Nội tiến hành điều tra và khảo sát về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, công tác chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường tại Công ty CP Bánh mứt kẹo Hà Nội, thì lại không có biên bản nào ghi nhận các thông số vượt quá mức quy định?
+ Thứ hai, sự việc đã diễn ra hàng tháng trời, chẳng lẽ ông Phan Đức Thọ (Bí thư Chi bộ 35) và ông Nguyễn Cảnh Quang (Phó Chủ tịch UBND phường Láng Hạ) là những người sống và chịu trách nhiệm quản lý khu vực đó lại không hề biết để kịp thời phản ánh và cảnh cáo cơ sở sản xuất?
Việc UBND quận Đống Đa ra Công văn số 29/TB-UBND-TNMT yêu cầu Công ty nhanh chóng tiến hành các biện pháp xử lý chất thải là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, bên cạnh đó nên yêu cầu Công ty phải BTTH về sức khoẻ cho người dân tuỳ theo mức độ ảnh hưởng mà hành vi gây ô nhiễm môi trường gây ra. Trong vụ việc này, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn phải có trách nhiệm trong việc hướng dẫn người dân đòi lại quyền lợi cho mình, đó là việc đòi BTTH bởi những thiệt hại về sức khỏe đó là hết sức nghiêm trọng.
2. Vụ việc 2
2.1 Tóm tắt vụ việc
* Chủ thể
- Bên gây thiệt hại: 7 nhà máy thép là Công ty CP Thép Việt Nhật, Công ty CP Thép Cửu Long Vinashin, Công ty TNHH Thép VSC-POSCO (VPS), Công ty CP Thép Vạn Lợi, Công ty LD sản xuất Thép VinaAusteel, Công ty TNHH ống thép Việt Nam (Vinapipe) và Công ty sản xuất thép Úc SSE đóng trên địa bàn phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng.
- Bên bị thiệt hại:
+ Trường THCS Quán Toan (quận Hồng Bàng, Hải Phòng)
+ 86 học sinh và 1 giáo viên Trường THCS Quán Toan
* Thiệt hại xảy ra:
Bà Đỗ Thị Hải, Hiệu trưởng trường THCS Quán Toan cho biết, sáng 27 - 10 - 2009, có 26 học sinh của trường THCS bị ngất vì ngộ độc không khí phải cấp cứu. Ngay hôm sau, 28 – 10 - 2009, lại có thêm 46 học sinh và 1 giáo viên lại bị ngất tại lớp học và sân trường phải cấp cứu. Sáng 12 – 12 - 2009, tiếp tục có 9 học sinh của trường bị ngất. Ngày 19 – 12 - 2009, nhà trường lại phải đưa thêm 5 học sinh nhập viện cấp cứu.
Trong vòng hơn một tháng, 4 lần liên tiếp gần 90 lượt thầy và trò của trường học này phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Và cũng từng ấy lần, Nhà trường phải ra quyết định tạm đóng cửa để bảo vệ sức khoẻ cho cả thầy và trò.
* Nội dung vụ việc
Bà Nguyễn Thị Dung, một người dân ở khu vực này cho biết, sáng ra không khí ở đây khét nồng nặc, rất tức ngực, khó thở.
Chủ tịch UBND phường Quán Toan Đỗ Việt Hưng thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường nặng nề do các nhà máy thép xả ra.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng thì không khí tại 4 điểm xung quanh Trường THCS Quán Toan có các khí thải đioxit lưu huỳnh (SO2), cacbon monoxit (CO), nitơ... là những khí thải độc hại. Ông Phùng Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hải Phòng cho biết: Kết quả đo khí thải đioxit lưu huỳnh (SO2) tại sân trường Quán Toan đều cao gấp 2 – 3 lần so với tiêu chuẩn cho phép,
Như vậy, 7 doanh nghiệp sản xuất thép tại khu vực này đã xả khí thải độc hại gây ảnh hưởng đến môi trường không khí, đặc biệt là khu vực trường học.
* Sự can thiệp của cơ quan chức năng:
Chiều 19 – 12 - 2009, ông Bùi Quang Sản, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Hải Phòng cho biết: Thành phố đã ra công văn khẩn yêu cầu bắt buộc tạm dừng hoạt động của 6 nhà máy sản xuất thép ở khu vực Quán Toan (trừ Công ty Thép Vạn Lợi) và ra quyết định xử phạt hành chính đối với một số nhà máy vi phạm nhưng các nhà máy kịch liệt phản đối quyết định này. Đối với các gia đình có người bị hại, họ cũng chỉ có đơn yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm ô nhiễm môi trường để con em họ đi học trở lại chứ không hề có yêu cầu bồi thường nào đối với thiệt hại về sức khỏe mà họ đã phải gánh chịu.
2.2 Giải quyết của nhóm
Hành vi xả khí thải độc hại ra ngoài môi trường mà không xử lý của 7 doanh nghiệp sản xuất thép đóng trên địa bàn phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng là hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.
Là những cơ sở sản xuất, kinh doanh nên các doanh nghiệp trên phải có trách nhiệm “giảm thiểu và xử lý bụi, khí thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường; bảo đảm không để rò rỉ, phát tán khí thải, hơi, khí độc hại ra môi trường; hạn chế tiếng ồn, phát sáng, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường xung quanh và người lao động…” (Trích Điều 37, Luật Bảo vệ môi trường 2005).
Hành vi vi phạm pháp luật này không chỉ dẫn đến hậu quả là làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe của giáo viên và học sinh Trường THCS Quán Toan, đồng thời làm ảnh hưởng đến hoạt động của trường, phải cho học sinh nghỉ học nhiều ngày vì không đảm bảo an toàn khi đến lớp. Vì vậy, với thiệt hại này, các doanh nghiệp đã vi phạm pháp luật dân sự, quy định tại Điều 624 BLDS và phải chịu BTTH.
Thiệt hại xảy ra đối với con người ở đây là dễ dàng xác định được, nhưng các cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng chỉ có biện pháp tạm đình chỉ hoạt động cũng như xử phạt hành chính 7 doanh nghiệp thép gây ô nhiêm môi trường mà không có những biện pháp buộc 7 doanh nghiệp trên phải BTTH về sức khỏe của học sinh, giáo viên Trường THCS Quán Toan.
Theo ý kiến nhóm, 7 doanh nghiệp sản xuất gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm BTTH như sau :
- Bồi thường tiền viện phí, thuốc thang, tiền bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe cho 86 học sinh trường THCS Quán Toan bị ngộ độc không khí cùng tiền chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của cha, mẹ, người chăm sóc 86 em học sinh này trong thời gian điều trị.
- Bồi thường tiền viện phí, tiền thuốc thang, tiền bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe cùng phần thu nhập thực tế bị mất đi khi nằm viện của 1 giáo viện trường THCS Quán Toan bị ngộ độc không khí cùng tiền chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc giáo viên này trong thời gian điều trị.
- Bồi thường một khoản tiền nhất định cho trường THCS Quán Toan, do trường phải tạm thời đóng cửa để bảo vệ sức khỏe của giáo viên học sinh, gây khó khăn cho nhà trường, đặc biệt là làm cho chất lượng giảng dạy và kết quả học tập của học sinh giảm sút; thanh toán thu nhập thực tế bị mất đi cho những giáo viên nhà trường trong những ngày trường đóng cửa.
- Đồng thời phải bồi thường do ảnh hưởng của khí thải độc hại cho cuộc sống của người dân sống xung quanh khu vực các doanh nghiệp sản xuất.
Ngoài phải chịu trách nhiệm BTTH, 7 doanh nghiệp phải có trách nhiệm sau đây để giảm thiểu ô nhiêm môi trường:
- Cải tiến những biện pháp xử lý khí thải ra môi trường đạt những tiêu chuẩn cho phép.
- Có biện pháp di dời cơ sở ra nơi cách xa khu dân cư.
3. Vụ việc thứ 3
3.1. Tóm tắt vụ việc
* Chủ thể
- Bên gây thiệt hại: Công ty Vedan Việt Nam.
- Bên chịu thiệt hại: Nhà nước và người dân các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, trong đó đã có 7.000 người dân nộp đơn kiện.
* Nội dung vụ việc
Từ phản ánh của người dân địa phương về tình trạng lén lút xả nước thải không qua xử lý ra môi trường, sau hơn 3 tháng theo dõi, ngày 13 – 9 - 2008, đoàn kiểm tra liên ngành Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đã bắt quả tang Công ty Vedan đóng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai xả một lượng nước thải lớn chưa qua xử lý ra sông Thị Vải. Theo ước tính, Vedan có thể xả nước thải tới 5.000 m3/ngày ra sông. Lĩnh vực hoạt động của Công ty Vedan là sản xuất bột ngọt, tinh bột, nước đường, xút (NaOH), axit (HCl), phân bón… Theo các nhà chuyên môn, trong quá trình sản xuất các sản phẩm này, nước thải (hay chất thải nói chung) của công ty có chứa nhiều chất gây ô nhiễm môi trường, vượt quá nhiều lần tiêu chuẩn cho phép.
* Thiệt hại xảy ra
Việc làm của công ty Vedan không phải mới diễn ra trong một vài ngày mà đã kéo dài 14 năm, gây thiệt hại vô cùng to lớn cho môi trường sống cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân nơi đây.
Đại diện Công ty Vedan cho biết, thông qua phân tích số liệu, các nhà khoa học của Vedan đã đưa ra mức độ thiệt hại trên lưu vực sông Thị Vải, do Vedan gây ra là 65%. Còn trước đó, Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã đưa ra con số thiệt hại do Vedan gây ra là 89%. Do không thống nhất về mức độ thiệt hại, cuối cùng, 2 bên đi đến thống nhất phương án xác định "đóng góp" của Vedan đối với sông Thị Vải bằng cách lấy trung bình cộng giữa 89% + 65% chia đôi là 77%. Vùng ảnh hưởng của Vedan trên sông Thị Vải đã kết luận gồm chín xã của ba tỉnh thành là Đồng Nai, Vũng Tàu, TP.HCM dọc sông Thị Vải.
Theo thống kê của các Hội Nông dân (HND) về thiệt hại cụ thể của các địa phương: huyện Cần Giờ, TP.HCM có 839 hộ với 2.123ha diện tích nuôi trồng thủy hải sản tại xã Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.HCM) bị ảnh hưởng với tổng thiệt hại ước tính 107 tỷ đồng. HND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã xác định được 1.134 hộ dân tại 3 xã Phước Hòa, Tân Phước, Mỹ Xuân và thị trấn Phú Mỹ (thuộc huyện Tân Thành) bị thiệt hại ước tính hơn 191 tỷ đồng. Riêng tỉnh Đồng Nai vẫn chưa đưa ra con số chính thức
* Giải quyết của cơ quan có thẩm quyền
Ngày 6 tháng 10, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với Vedan với tổng số tiền phạt là 267,5 triệu đồng, buộc truy nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp là 127,2 tỉ đồng. Công ty Vedan Việt Nam còn bị buộc áp dụng các hình phạt bổ sung khác như: tháo gỡ toàn bộ hệ thống và thiết bị xả “chui”; dừng xả nước thải ra sông…
Bên cạnh các biện pháp hành chính đó, 7.000 người dân đã nộp đơn kiện nhưng vụ án dân sự này bị đùn đẩy giữa cơ quan hành chính và cơ quan xét xử nên đến nay vẫn “án binh bất động”. Vì vậy, việc thỏa thuận đền bù đang được xúc tiến. Vedan còn phải bồi thường thiệt hại cho hàng nghìn người dân ở các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. HCM… Dựa trên danh sách đơn thư và thống kê thiệt hại ban đầu, lãnh đạo các hội nông dân đưa ra số tiền mà Vedan phải hỗ trợ tổng cộng là 569 tỷ đồng. Cụ thể, HND tỉnh Đồng Nai đề nghị Vedan hỗ trợ 120 tỷ đồng (trước đó là 300 tỷ đồng), HND TP.HCM đề nghị 153 tỷ đồng (trước đó là 325 tỷ đồng), HND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đề nghị 296 tỷ đồng (trước đó là 600 tỷ đồng). Tuy nhiên phía Vedan chưa đồng ý và cho rằng số tiền trên là không thỏa đáng. Hiện nay các cuộc thương lượng giữa HND và ban lãnh đạo công ty đang diễn ra, và trong lúc đó, người dân vẫn phải đợi tiền “hỗ trợ”.
3.2. Nhận xét của nhóm
Mức thiệt hại mà số lượng nước thải của công ty đổ ra sông là rất lớn. Không kể mức phạt hành chính quá nhẹ tay mà dư luận đang xôn xao thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân của công ty Vedan Việt Nam chưa được giải quyết hợp lý.
Hành vi của công ty Vedan Việt Nam đã gây thiệt hại nghiêm trọng không chỉ làm ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, tài sản của người dân các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. HCM nên việc những hộ dân nơi đây yêu cầu phía Vedan bồi thường là hoàn toàn có căn cứ và hợp lý.
Trách nhiệm của Công ty Vedan Việt Nam trong trường hợp này là phải BTTH đã gây ra. Tuy nhiên, phía Vedan không đồng ý bồi thường mà chỉ "hỗ trợ thiệt hại”. Vì bản chất của hỗ trợ là sự giúp đỡ, nặng về tình cảm hơn là pháp lý. Trong khi đó, bồi thường là nghĩa vụ phải thực hiện để khắc phục hậu quả do sự vi phạm pháp luật gây ra... Vedan phải bồi thường, đây là trách nhiệm chứ không phải việc công ty này giúp đỡ những người dân khắc phục thiệt hại. Và bồi thường phải khác với “hỗ trợ”, khác khoản tiền chỉ có chưa đến 3 triệu đồng/người, để so với mức thiệt hại về sức khỏe ảnh hưởng đến người dân và con cháu của họ sau này.
Ngày 14 - 4 - 2008, Vedan đề xuất 5 tiêu chí để người dân được hỗ trợ thiệt hại. Thứ nhất, có thiệt hại thực tế xảy ra. Thứ hai, địa điểm là nơi trực tiếp ảnh hưởng nước thải Vedan. Thứ ba, tài sản bị thiệt hại là tài sản hợp pháp như đất phải có “giấy đỏ” hoặc đăng ký kê khai, nếu nuôi trồng và đánh bắt thì có xác nhận chính quyền, pháp nhân phải có đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp thì có giấy phép, dự án. Thứ tư, các hộ dân đó không thuộc diện chuyển đổi nghề nghiệp từ năm 1996 đến 1997. Thứ năm, áp dụng cho những hộ dân không hội đủ các điều kiện trên nhưng thuộc diện khó khăn đặc biệt phải trợ cấp thường xuyên. BLDS chỉ quy định trách nhiệm BTTH mà không hề quy định điều kiện để được BTTH, bởi vậy, việc làm trên của công ty Vedan là hoàn toàn bất hợp lý, vô căn cứ. Ông Nguyễn Văn Rảnh, Chủ tịch HND TP.HCM thì “Không thể chấp nhận rằng người dân được hỗ trợ phải hội đủ các tiêu chí mà Vedan đưa ra. Để được hỗ trợ, người dân chỉ cần đáp ứng tiêu chí thứ nhất và thứ hai”. Công ty Vedan phải bồi thường số tiền tương ứng với mức thiệt hại đã gây ra cho người dân mà không được xét các điều kiện kèm theo khác.
III – MỘT SỐ Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VỀ THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
1. Thực trạng
Chỉ qua việc tìm hiểu 3 vụ việc làm ô nhiễm môi trường trên, ta đã thấy cả về pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật về BTTH ngoài hợp đồng có nhiều vấn đề.
Môi trường của chúng ta đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, từ nguồn nước, trong lòng đất cho đến bầu không khí xung quanh… Có những làng ung thư cả trăm người đều bị chết vì bệnh này như ở Lâm Thao, (Phú Thọ), trong đó nghi phạm là Công ty hóa chất phân đạm Supe Photphat Lâm Thao; có những con sông đã, đang bị bức tử như sông Thị Vải, sông Thị Tính do vỡ bờ bao hồ chứa nước thải của Công ty TNHH San Miguel Pure Foods VN, hay như sông Hiến ở Cao Bằng do nạn khai khai thác vàng bừa bãi… Gần đây là vụ việc của công ty Tung Kuang ở Hải Dương xả trộm nước thải chưa qua xử lý xuống sông Cầu Giẽ cũng đang làm xôn xao dư luận.
Nhung dù cho dư luận có bất bình ra sao thì người dân, những người sống trong môi trường ô nhiễm, gánh chịu hậu quả nặng nề và trực tiếp chỉ được hưởng tiền đền bù dưới danh nghĩa “hỗ trợ” hay “ đền bù hoa màu” ít ỏi mà thôi. Hơn nữa, mặc dù thiệt hại là to lớn, nghiêm trọng như vậy nhưng rất ít vụ việc được đưa ra Tòa án dân sự, chỉ dừng lại ở việc phạt hành chính và đền bù, hỗ trợ cho người dân theo thỏa thuận giữa các bên. Như vụ Vedan, người dân không được BTTH mà chỉ được “hỗ trợ” mỗi người chưa đến 3 triệu đồng. Người dân chỉ biết khiếu nại lên các cấp chính quyền chờ giải quyết, còn việc đòi bồi thường thì thật là khó khăn.
Có nhiều vụ việc trong thực tế không phải chỉ có một công ty, một tổ chức gây thiệt hại mà là nhiều chủ thể. Chẳng hạn như trên một con sông có nhiều nhà máy cùng xả nước thải, xung quanh khu vực đất bị ô nhiễm có nhiều nhà máy hóa chất cùng hoạt động… Vì vậy, việc xác định mức độ BTTH giữa các bên rất khó khăn.
Thời gian đền bù không được xác định cụ thể nên tiến độ rất chậm chạp. Điều 605 BLDS quy định: “Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ toàn bộ và kịp thời” nhưng trong thực tế điều này rất khó thực hiện. Đó là do đặc thù, ô nhiễm môi trường ảnh hường trên phạm vi rộng, tác động đến nhiều người và thời gian lâu dài. Thiệt hại là rất lớn và phải xác định cả về sau nữa. Vụ việc của Công ty Vedan Việt Nam đã được phát hiện ngay từ năm 2008 nhưng đến nay thậm chí vẫn chưa thống nhất được mức độ thiệt hại và người dân chắc chắn chưa được đền bù.
Về phía những người có thẩm quyền hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều tiêu cực, thiếu trách nhiệm là nguyên nhân khiến cho các cá nhân, đơn vị và tổ chức có hành vi vi phạm trở nên coi thường pháp luật, biến những đòi hỏi bồi thường chính đáng của người bị thiệt hại trở nên vô vọng, như “con kiến kiện củ khoai”. Có nhiều trường hợp tồn tại sự ô nhiễm trong một thời gian dài, có thể trực tiếp mắt thấy tai nghe mà không cần dùng đến phương tiện kỹ thuật nhưng vẫn bị làm ngơ, mà có thanh kiểm tra thì kết quả vẫn là không tồn tại ô nhiễm. Kết quả là người dân vẫn chỉ biết than trời. Đó là lý do mà người dân chỉ biết gửi đơn thư khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền mong cho môi trường được cải thiện hơn chứ ít khi “dám” đòi bồi thường những thiệt hại mà họ đã phải gánh chịu.
Về phía pháp luật, theo thống kê, hệ thống pháp luật nước ta có đến 300 văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó quan trọng nhất là Bộ luật dân sự, Luật bảo vệ môi trường, Luật tài nguyên nước… nhưng những quy định quan trọng vẫn bị thiếu, ngôn từ có khi rất chung chung, thiếu cụ thể nên gây nên nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau. Những vấn đề về thẩm định mức độ thiệt hại, thời hiệu, thời hạn bồi thường không có quy định chặt chẽ khiến việc xử lý chậm chạp, kéo dài. Đó không chỉ là vấn đề về quy định của pháp luật mà còn là về chất lượng của cơ quan tiến hành thẩm tra, kiểm định.
2. Giải pháp
Trước hết, ta có thể thấy được vai trò của cơ quan chức năng là rất quan trọng. Nếu họ quan tâm một cách sát sao, kiểm tra thường xuyên thì thiệt hại không thể nghiêm trọng đến mức đó. Thêm vào đó, thái độ kiên quyết và sự nhiệt tình của cán bộ công chức sẽ giúp cho người dân rất nhiều trong việc đòi lại quyền lợi cho mình. Mặt khác cũng cần nghiêm khắc xử lý những cán bộ có hành vi bao che, thiếu trách nhiệm đã gián tiếp tiếp tay cho nạn ô nhiễm hoành hành.
Pháp luật cần được bổ sung, hoàn thiện những quy định đó, về thời hạn, thời hiệu bồi thường, về những tiêu chuẩn đo lường hay thẩm định để việc giải quyết nhanh chóng, đem lại lợi ích kịp thời cho người dân.
Cần có thêm các biện pháp cưỡng chế, kiên quyết yêu cầu phía gây thiệt hại phải bồi thường, không để tiếp diễn tình trạng “kéo dài thời gian” như ở vụ Vedan.
Việc phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho mỗi người dân cũng là công việc cần tiến hành rộng rãi để họ biết cách bảo vệ, đấu tranh cho quyền lợi của mình cũng như bảo vệ môi trường xung quanh.
C. KẾT THÚC VẤN ĐỀ
Ô nhiễm môi trường dẫn đến biến đổi khí hậu – Ngày nay đó không chỉ còn là vấn đề của từng khu công nghiệp, từng địa phương hay từng quốc gia nữa, mà đã và đang trở thành vấn nạn chung của toàn cầu. Trên đây là một trong số rất ít những tình huống thực tế đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường, theo đó là các giải pháp hoàn thiện một số điều luật liên quan đến môi trường của nhóm chúng tôi. Hy vọng trong tương lai, các nhà làm luật, các cơ quan hữu quan không ngừng có những biện pháp khắc phục và xử lý nghiêm hơn các trường hợp vi phạm, góp phần giảm thiểu nhiều nhất các thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ luật dân sự 2005.
2. Luật Bảo vệ môi trường 2005.
2. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật dân sự Việt Nam, Tập II, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007.
3. TS. Phùng Trung Tập, Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về tài sản, sức khỏe và tính mạng, Nxb. Hà Nội, 2009.
MỤC LỤC
Trang
A. Đặt vấn đề…………………………………………………………………….…1
B. Giải quyết vấn đề
I/ Cơ sở lý luận……………………………………………………………………...1
II/ Một số vụ việc cụ thể
1. Vụ việc 1………………………………………………………………………....2
2. Vụ việc 2…………………………………………………………………………6
3. Vụ việc 3………………………………………………………………………..10
III/ Một số ý kiến đóng góp về thực trạng và giải pháp
1. Thực trạng………………………………………………………………………13
2. Giải pháp………………………………………………………………………..15
C. Kết thúc vấn đề………………………………………………………………....15
Danh mục tài liệu tham khảo……………………………………………………....16
Mục lục
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Tìm hiểu 3 vụ việc có tranh chấp về bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường.doc