Con người sinh sống và tồn tại trên thế giới này cần phải có những lợi ích vật chất để đáp ứng nhu cầu ăn, mặc, ở của mình. Để duy trì và phát triển cuộc sống, con người ngày càng tạo ra nhiều của cải vật chất cho mình và cho xã hội. Tuy nhiên, là một quy luật tất yếu của cuộc sống, con người sinh ra rồi sẽ phải chết đi. Từ đó phát sinh nhu cầu dịch chuyển tài sản của người chết cho người còn sống. Nó đã tồn tại như một yêu cầu khách quan của xã hội và được hiểu là việc thừa kế tài sản.
Khi Nhà nước ra đời, mỗi Nhà nước đều sử dụng một công cụ hữu ích để quản lý xã hội là pháp luật. Là một quan hệ ra đời và tồn tại từ rất lâu trong đời sống xã hội, thừa kế đã được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật dân sự, một ngành luật điều chỉnh mối quan hệ về tài sản mang tính chất ngang giá và giữa các chủ thể bình đằng về địa vị pháp lý. Để làm rõ hơn về thừa kế, chúng em xin chọn đề số 09 Tìm hiểu 03 vụ việc có tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất ở để làm rõ hơn một vài vấn đề quan trọng có liên quan đến vấn đề này
16 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 2689 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tìm hiểu 3 vụ việc có tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất ở, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề Bài
Đề số 9 : Tìm hiểu 03 vụ việc có tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất ở
Yêu cầu :
Có địa chỉ rõ ràng
Mô tả nội dung vụ việc
Những tranh chấp đó đã được Tòa án nào giải quyết hay chưa được Tòa án giải quyết?
Ý kiến của nhóm về cách giải quyết của Tòa án đối với từng vụ việc
Nếu vụ việc chưa được Tòa án giải quyết thì nhóm hãy nêu ra cách giải quyết vụ việc của mình
Lời nói đầu
Con người sinh sống và tồn tại trên thế giới này cần phải có những lợi ích vật chất để đáp ứng nhu cầu ăn, mặc, ở của mình. Để duy trì và phát triển cuộc sống, con người ngày càng tạo ra nhiều của cải vật chất cho mình và cho xã hội. Tuy nhiên, là một quy luật tất yếu của cuộc sống, con người sinh ra rồi sẽ phải chết đi. Từ đó phát sinh nhu cầu dịch chuyển tài sản của người chết cho người còn sống. Nó đã tồn tại như một yêu cầu khách quan của xã hội và được hiểu là việc thừa kế tài sản.
Khi Nhà nước ra đời, mỗi Nhà nước đều sử dụng một công cụ hữu ích để quản lý xã hội là pháp luật. Là một quan hệ ra đời và tồn tại từ rất lâu trong đời sống xã hội, thừa kế đã được điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật dân sự, một ngành luật điều chỉnh mối quan hệ về tài sản mang tính chất ngang giá và giữa các chủ thể bình đằng về địa vị pháp lý. Để làm rõ hơn về thừa kế, chúng em xin chọn đề số 09 Tìm hiểu 03 vụ việc có tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất ở để làm rõ hơn một vài vấn đề quan trọng có liên quan đến vấn đề này
Do điều kiện thời gian cũng như trình độ am hiểu về vấn đề còn hạn chế, nên bài viết chắc chắn không thể tránh khỏi những thiếu sót. Chúng em kính mong nhận được những ý kiến phê bình, đánh giá của các thầy cô giáo cũng như các bạn để đề tài này được hoàn thiện hơn và đem lại những kinh nghiệm quý báu cho chúng em trong những lần viết sau. Chúng em cũng xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo trong tổ bộ môn đã giảng giải trong các tiết học và trong các giờ tư vấn để giúp chúng em hoàn thành tốt bài tập này.
B. Nội dung
I. Cơ sở lý luận
Thừa kế tài sản là một quan hệ xã hội có từ lâu đời và đã được các quy phạm pháp luật dân sự điều chỉnh, từ đó phát sinh quyền thừa kế.
Theo nghĩa rộng, quyền thừa kế được hiểu là một chế định pháp luật bao gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh mối quan hệ về việc dịch chuyển tài sản từ người chết cho những người còn sống khác theo ý chí của hộ và được thể hiện tring di chúc hoặc theo ý chí của Nhà nước được thể hiện trong các quy phạm pháp luật.
Theo nghĩa hẹp, quyền thừa kế được hiểu là một quyền năng dân sự chủ quan của chủ thể có quyền để lại di sản thừa kế hoặc có quyền hưởng di sản thừa kế của người chết để lại theo ý chí của người chết đó hoặc theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, dưới góc độ khoa học pháp lý, quyền thừa kế còn được hiểu là một quan hệ pháp luật dân sự. Quan hệ pháp luật dân sự về thừa kế là quan hệ về thừa kế được các quy phạm pháp luật dân sự điều chỉnh.
Thừa kế là một chế định quan trọng trong luật dân sự Việt Nam. Chế định về thừa kế có 57 Điều (từ Điều 631 - Điều 681) được quy định tại chương XXII, XXIII, XXIV và XXV. Theo Điều 631 Bộ luật Dân sự 2005 về quyền thừa kế của các nhân : Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Quyền sử dụng là một trong ba quyền của quyền sở hữu. Theo Điều 192, BLDS 2005 quy định: Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản
Xã hội ngày càng phát triển, con nguời ngày càng sản xuất ra nhiều của cải vật chất cho mình và cho xã hội. Từ đó dẫn đến con người ngày càng chú ý hơn đến vấn đề thừa kế tài sản. Và việc tranh chấp thừa kế là điều không thể tránh khỏi. Trong đó tranh chấp thừa kế về quyền sử dụng đất là khá phổ biến. Sau đây nhóm chúng em xin được làm rõ vấn đề về tranh chấp thừa kế về quyền sử dụng đất thông qua 3 vụ việc sau.
II. Các vụ án trên thực tế
1. Vụ việc thứ nhất
Tóm tắt nội dung vụ việc
Ngày 20 tháng 2 năm 2006, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lí số 24/2006 - PTDS ngày 23.1.2006 do có kháng cáo của các bên đương sự đối với các bản án sơ thẩm số 51 ngày 08 tháng 12 năm 2005 của Tòa án nhân dân huyện Đông Anh. Bản án đã xét xử vụ tranh chấp thừa kế giữa:
Nguyên đơn : Anh Nguyễn Đức Đạt, sinh năm 1957. Cư trú tại Xóm Hậu, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Bị đơn :
Anh Nguyễn Đức Điệp, sinh năm 1940. Cư trú tại số nhà 15, ngõ 64, phố Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Anh Nguyễn Đức Tiến, sinh năm 1953. Cư trú tại Xóm Hậu, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Nội dung vụ việc như sau:
Nguyên đơn : Anh Nguyễn Đức Đạt trong đơn khởi kiện ngày 20.4.2005 và lời khai trình bày
Ông Nguyễn Đức Đán (chết năm 2001) và vợ là bà Hoàng Thị Thạo (chết năm 1973) sinh được 8 người con gồm: Anh Nguyễn Đức Điệp, Nguyễn Đức Cương, Nguyễn Đức Tiến, Nguyễn Đức Đỉnh, Nguyễn Đức Đạt, Nguyễn Đức Tùng (liệt sĩ chưa có vợ con), anh Nguyễn Đức Sơn (chết chưa có vợ con) và chị Nguyễn Thị Mùi.
Khi ông bà còn sống cùng gia đình ở trên thổ đất diện tích 1.500m2 tại xóm Hậu, xã Uy Nỗ, Đông Anh, Hà Nội. Các con trưởng thành đều được ông bà xin đất làm nhà cho ra ở riêng. Khi anh Tiến lấy vợ, ông bà cho anh Tiến nhà trên diện tích đất khoảng 500m2, còn ông bà vẫn ở trên nhà cũ với diện tích đất khoảng 600m2, còn lại 300m2 ông Đán nói rằng để chia cho 4 người là: anh Đạt, chị Mùi, anh Cương, anh Đỉnh. Nhưng đến năm 2002 anh Tiến làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã kê khai cả 300m2 đất này và đã được chấp nhận cấp sổ đỏ. Bởi vậy anh Đạt đề nghị Tòa án xét xử buộc anh Tiến và anh Điệp phải trả lại phần đất 300m2 này để chia cho 4 người.
Phía bị đơn:
Anh Nguyễn Đức Hiệp và anh Nguyễn Đức Tiến nhất trí lời khai của anh Đạt về quan hệ huyết thống, nhưng không nhất trí yêu cầu của nguyên đơn về chia thừa kế theo luật, hoặc theo di chúc miệng khi còn sống. Ngày 28.8.1999 ông Đán đã có văn bản giao toàn bộ tài sản nhà, đất của ông bà cho anh Điệp là con trưởng được thừa hưởng để làm nơi thờ cúng tổ tiên theo tập quán của dòng họ Nguyễn Đức. Với lí do này ngày 30.11.2005 anh Điệp có đơn phản tố yêu cầu được chấp nhận di chúc của ông Đán để lại.
Về nguồn gốc đất, tài sản như sau: Ngôi nhà cổ của ông Đán, bà Thạo trên diện tích 902m2 là do các cụ để lại, năm 1992 nhà bị cháy, vợ chồng anh Điệp bỏ tiền cùng ông Đán làm lại nhà, để mở cổng đi ông Đán và anh Tiến có đổi lại một phần diện tích đất để đẹp nhà. Trên bản đồ năm 1994 diện tích đất mang tên ông Đán là 840m2, diện tích đất mang tên anh Tiến là 620m2. Ngày 20.8.1999 ông Đán đã lập văn bản để cho anh Điệp được thừa hưởng nhà đất này để làm nơi thờ cúng tổ tiên.
Năm 2002, anh Tiến được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ngày 28.4.2002, gia đình họp thống nhất giao cho anh Điệp quyền sử dụng nhà đất, đến năm 2004 anh Điệp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Quyết định của Toàn án sơ thẩm
Từ nội dung trên, án sơ thẩm đã quyết định
Áp dụng các Điều 649, 651, 652 khoản 2 Điều 653, Điều 654, 655, 659 và khoản 1 Điều 670 BLDS.
Áp dụng khoản 1 Điều 136 luật Đất đai.
Áp dụng nghị định 70CP về án phí, lệ phí Tòa án.
Quyết định
Không chấp nhận yêu cầu của anh Đạt về việc thực hiện di chúc miệng của ông Nguyễn Đức Đán.
Chấp nhận một phần yêu cầu của anh Điệp về việc thực hiện di chúc của ông Nguyễn Đức Đán để lại ngày 20.8.1999.
Xác định bà Hoàng Thị Thạo chết năm 1973 đã hết thời điểm mở thừa kế. Di sản thừa kế được chia theo di chúc của ông Đán để lại ngày 20.8.1999.
Xác định di sản của vợ chồng ông Đán và bà Thạo để lại hiện do vợ chồng anh Điệp và vợ chồng anh Tiến quản lí sử dụng trị giá 2.439.800.000 đồng.
Xác định di sản (tài sản riêng) của ông Đán và bà Thạo để lại hiện tại do vợ chồng anh Điệp quản lí sử dụng gồm: Một nhà 5 gian trị giá 300 triệu đồng, cây lâm lộc trên đất: 1.780.000 đồng; 61m2 đất trị giá 152.500.000 đồng tổng cộng là 454.280.000 đồng.
Ghi nhận sự tự nguyện của vợ con anh Điệp không yêu cầu thanh toán công sức làm nhà 5 gian, chuyển nhượng 61m2 đất ở.
Di sản bà Thạo hết thời hiệu khởi kiện nên giao cho anh Điệp, anh Tiến tiếp tục quản lí, sử dụng không được chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, cầm cố.
Di sản của ông Đán để mở thừa kế theo di chúc và anh Điệp được hưởng toàn bộ di sản ông Đán để lại.
Giao hiện vật cho các bên như sau
Giao cho anh Điệp sử dụng 840m2 đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu 5 gian nhà, 1 cây mít và các cây lâm lộc tổng cộng 2.402.080.000 đồng. So với kỷ phần được hưởng còn thừa 321.266.000 đồng là giá trị 128.5m2 đất là di sản thừa kế đã hết thời hiệu của bà Thạo.
Giao cho anh Tiến tiếp tục quản lý 123m2 đất trong tổng số 620m2 đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trị giá 429.000.000 đồng là phần di sản hết thời hiệu của bà Thạo.
Gia đình anh Tiến tiếp tục sở hữu tài sản riêng trên đất gồm nhà, bếp, các công trình phụ, cây lâm lộc và sử dựng 497m2 đất.
Bác tất cả các yêu cầu khác của các đương sự. Án phí dân sự sơ thẩm mà anh Đạt phải chịu là 4.400.000 đồng; anh Điệp phải chịu 7.000.000 đồng.
Nhận xét của nhóm
Quyết định của Tòa án sơ thẩm là chính xác. Để giải quyết vụ việc này, Tòa án đã áp dụng các quy định của pháp luật dân sự và cả luật đất đai. Trong vụ việc này, đầu tiên Tòa án áp dụng quy định tại Điều 649, 651, 652, khoản 2 Điều 653 và Điều 654, 655, 659 để xác định di chúc của ông Đán lập vào ngày 20.8.1999 là hợp pháp và nó phát sinh hiệu lực ngay sau thời điểm ông Đán chết. Di chúc miệng của ông Đán không phát huy hiệu lực vì nó được lập trước cả thời điểm lập di chúc bằng văn bản vào tháng 8 năm 1999, trong khi ông Đán tới năm 2001 mới chết( di chúc miệng được lập từ khi bà Thạo còn sống, tức là trước năm 1973). Theo quy định tại Điều 651 BLDS năm 2005 về di chúc miệng: " Sau ba tháng, kể từ thời điểm lập di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ."
Như vậy, di chúc miệng của ông Đán trước đó mặc nhiên bị hủy bỏ, Tòa án bãi yêu cầu của anh Đạt về việc chia di sản của ông Đán theo di chúc miệng là đúng pháp luật.
Theo khoản 1 Điều 670 BLDS 2005 quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng: "Trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lí để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lí để thờ cúng." Như vậy, ông Đán để lại cho anh Điệp 840m2 đất dùng vào việc thờ cúng tổ tiên. Theo quy định này của pháp luật, Tòa án đã quyết định phần đất này giao cho anh Điệp quản lí theo di chúc của ông Đán là đúng.
Theo khoản 1 Điều 633 BLDS: Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. và Điều 645 BLDS về thời hiệu khởi kiện về thừa kế: Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Như vậy, về phần di sản của bà Thạo đã hết thời hiệu để khởi kiện về thừa kế, cho nên di sản đó giao cho anh Điệp, anh Tiến tiếp tục quản lí, sử dụng không được chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, cầm cố. Quyết định của Tòa án đã bảo vệ lợi ích hợp pháp cho các bên đương sự, giải quyết được tranh chấp về đất ở giữa anh Đạt với anh Điệp và anh Tiến.
2. Vụ việc thứ hai
Tóm tắt nội dung vụ việc
Nguyên đơn: Ông Lâm Ngọc Lắm, sinh năm 1943; trú tại: Hoa Kỳ (ông Lắm uỷ quyền cho ông Lâm Ngọc Hiệu, sinh năm 1928; trú tại ấp Long Hoà 2, xã Long Phú, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ nay là tỉnh Hậu Giang
Bị đơn: Bà Lâm Thị Mịnh, sinh năm 1927; trú tại: ấp 2, thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ (bà Mịnh uỷ quyền cho con là anh Nguyễn Phước Hành, sinh năm 1961; trú tại: ấp 2, thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ nay là ấp 2 đường Nguyễn Trung Trực, thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang).
Nhận thấy
Cụ Lâm Ngọc Hậu (chết năm 1975) có vợ là cụ Hồ Thị Hứng (chết năm 1990), đều không để lại di chúc. Hai cụ có 5 con là bà Lâm Thị Mịnh, bà Lâm Thị Kỉnh, ông Lâm Ngọc Hiệu, ông Lâm Ngọc Lắm, bà Lâm Ngọc Ảnh. Tài sản của cụ Hậu và cụ Hứng là 1 căn nhà không số trên 76 m2 đất ở tại ấp 2, thị trấn Long Mỹ, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ (cũ). Từ năm 1985 nhà, đất do anh Nguyễn Phước Hành (con trai bà Mịnh) quản lý và sử dụng. Trong quá trình quản lý và sử dụng anh Hành có sửa chữa nhỏ.
Bà Mịnh, ông Lắm, ông Hiệu, bà Ảnh và bà Kỉnh đều thống nhất chia thừa kế theo pháp luật căn nhà không số trên 76 m2 đất ở tại ấp 2 và nhất trí thanh toán tiền sửa chữa nhà cho anh Hành. Tuy nhiên ngoài phần nhà đất trên bà Mịnh còn khai: Cụ Hậu và cụ Hứng còn có một căn nhà do bà Kình quản lý và số ruộng đất do bà Ảnh và ông Hiệu quản lý.do đó bà yêu cầu phải đưa só tài sản này vào di sản thừa kế của hai cụ để chia.
Theo ông Hiệu, bà Kỉnh, bà Ảnh, ông Lắm khai: Căn nhà mà bà Kỉnh đang quản lý là do bà Kỉnh mua và đã dỡ nhà cũ xây nhà mới như hiện nay; đất ruộng là của ông Hiệu, bà Ảnh mua sau giải phóng và ông Hiệu và bà Ảnh đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên không phải là di sản của cụ Hậu, cụ Hứng.
Giải quyết của tòa án
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 17/DSST 26-7-1994, Toà án nhân dân tỉnh Cần Thơ (cũ) đã quyết định: Chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của ông Lâm Ngọc Hiệu; Giao căn nhà nói trên cho ông Lâm Ngọc Hệu quản lý theo yêu cầu của bà Kỉnh, bà Ảnh, ông Lắm thuộc đồng sở hữu 4 người. Đồng thời, Ông Lâm Ngọc Hiệu diện đại cho 4 người đồng sở hữu (bà Kỉnh, bà Ảnh, ông Lắm kể cả ông Hiệu) để trả tiền tu sửa 4.059.369 đồng cho anh Nguyễn Phước Hành lúc giao trả nhà và giao cho bà Lâm Thị Mịnh 9.683.251 đồng bằng 1/5 phần thừa kế; Bác yêu cầu phản tố của bà Lâm Thị Mịnh. Ngoài ra, Toà án cấp sơ thẩm còn quyết định về án phí, tuyên quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 23-8-1994 bà Mịnh kháng cáo đòi quyền lợi của mình từ phần đất của ông Hiệu và bà Kình.
Ngày 14-01-1995 anh Hành kháng cáo bổ sung cho rằng phần định giá của Phòng nông nghiệp huyện ngày 06-10-1993 và phần định giá của Phòng công nghiệp huyện Long Mỹ có sự chênh lệch, như vậy, là việc định giá chưa hợp lý đề nghị xem xét lại.
Tại bản án phúc thẩm số 07/DSPT ngày 18-01-1995, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định: Huỷ toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm số 17/DSST ngày 26-7-1994 của Toà án nhân dân tỉnh Cần Thơ và giao hồ sơ vụ kiện về Toà án nhân dân tỉnh Cần Thơ để điều tra xét xử lại.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 19/DSST ngày 31-8-1996, Toà án nhân dân tỉnh Cần Thơ (cũ) đã quyết định: Bà Mịnh được hưởng căn nhà tại ấp 2, thị trấn Long Mỹ; Anh Hành đại diện cho bà Mịnh giao lại cho Lâm Ngọc Hiệu, Lâm Ngọc Lắm, Lâm Thị Kỉnh, Lâm Thị Ảnh mỗi người 9.736.320 đồng; Bác yêu cầu phản tố đòi chia thừa kế của bà Mịnh đối với căn nhà và đất của ông Hiệu và bà Kỉnh, bà Ảnh đang ở và canh tác.
Ngày 06-9-1996 ông Hiệu, bà Ảnh kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm vì cho rằng nếu chia như vậy sẽ gây thiệt hại đến quyền lợi cử ông bà. Ngày 12-9-1996 bà Mịnh kháng cáo.
Tại bản án phúc thẩm số 107/DSPT ngày 27-5-1997, Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định: Công nhận di sản của ông Lâm Ngọc Hậu và bà Hồ Thị Hứng là căn nhà tại ấp 2, thị trấn Long Mỹ. Bà Lâm Thị Mịnh được quyền sở hữu căn nhà nói trên và có trách nhiệm hoàn lại cho ông Lâm Ngọc Hiệu, ông Lâm Ngọc Lắm, bà Lâm Thị Kỉnh, bà Lâm Thị Ảnh mỗi người 9.736.320 đồng. Tách yêu cầu phản tố của bà Mịnh về việc yêu cầu chia thừa kế nhà đất mà ông Hiệu, bà Ảnh, bà Kỉnh đang quản lý sử dụng để giải quyết thành vụ án khác nếu có yêu cầu.
Ngày 04-9-1997 ông Lâm Ngọc Lắm khiếu nại. Tiếp đó, ngày 11-8-1997 bà Lâm Thị Ảnh, ông Lâm Ngọc Hiệu khiếu nại.
Tại Công văn số 84 ngày 30-6-1997, Toà án nhân dân tỉnh Cần Thơ đề nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao xem xét lại bản án phúc thẩm. Tại Quyết định kháng nghị số 05/KN-DS ngày 14-01-1998, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị bản án phúc thẩm.
Tại Kết luận số 134/KL-DS ngày 30-6-1998, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhận xét: việc kháng nghị là không cần thiết.và đề nghị Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử theo trình tự giám đốc thẩm.
Tại Quyết định số 24/UBTP-DS ngày 27-8-1998 Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã quyết định tậm đình chỉ giải quyết vụ việc.
Tại phiên toà giám đốc thẩm, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ bản án dân sự phúc thẩm số 107/DSPT ngày 27-5-1997 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh và bản án dân sự sơ thẩm số 19/DSST ngày 31-8-1996 của Toà án nhân dân tỉnh Cần Thơ (cũ) để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Nhận xét của nhóm
Trong quá trình giải quyết vụ án bà Lâm Thị Mịnh có yêu cầu phản tố, lẽ ra Toà án cấp sơ thẩm phải căn cứ vào khoản 1, Điều 31 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự để buộc bà Mịnh phải nộp tiền tạm ứng án phí rồi mới thụ lý giải quyết yêu cầu phản tố của bà Mịnh mới đúng. Nhưng Toà án cấp sơ thẩm không yêu cầu bà Mịnh nộp tiền tạm ứng án phí và đã thụ lý giải quyết yêu cầu của bà Mịnh là vi phạm thủ tục tố tụng.
Về giá trị nhà đất: Tại phiên toà sơ thẩm ngày 31-8-1996 toàn bộ các đương sự đều thoả thuận giá trị căn nhà là 54.000.000 đồng nhưng Toà án cấp sơ thẩm vẫn áp dụng giá do hội đồng định giá năm 1994 để giải quyết vụ án là không phù hợp. Sau khi xét xử sơ thẩm ông Lâm Ngọc Hiệu, bà Lâm Thị Ảnh kháng cáo không đồng ý với bản án sơ thẩm vì giá Hội đồng định giá đã định có sự chênh lệch so với giá thị trường. Tại phiên toà phúc thẩm các đương sự vẫn tiếp tục cho rằng giá do Toà án định giá năm 1994 là không phù hợp với thực tế và ông Hiệu chấp nhận nhận nhà đất và thanh toán tiền cho các thừa kế khác với giá 60 cây vàng (tương đương 300.000.000 đồng) nhưng Toà án cấp phúc thẩm vẫn áp dụng giá do Hội đồng định giá từ năm 1994 để giải quyết là không phù hợp. Hơn nữa, cho đến nay giá nhà đất đã có biến động rất lớn. Do đó, cần định giá lại thì mới đảm bảo quyền lợi của các đương sự, và phù hợp với thực tế.
Mặt khác, tại thời điểm Toà án cấp sơ thẩm, phúc thẩm xét xử vụ án thì ông Lâm Ngọc Lắm đang định cư ở Mỹ, nhưng đến nay ông Lắm có thay đổi nơi định cư hay không? Do đó, cần phải xác định rõ thêm về nơi định cư của ông Lắm thì mới có cơ sở giải quyết vụ án theo quy định tại nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27-7-2006 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01-7-1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia.
Hơn nữa, do thời gian tạm đình chỉ vụ án đã lâu (từ năm 1998) cho đến nay chưa xác định được có việc thay đổi về việc tham gia tố tụng của các đương sự và yêu cầu của các đương sự hay không? Cho nên khi giải quyết lại vụ án cần xác minh thêm các vấn đề này để giải quyết vụ án đúng pháp luật.
Ngoài ra, quá trình giải quyết vụ án bà Mịnh khai ngoài căn nhà đang tranh chấp thì di sản của cụ Hậu, cụ Hứng còn có nhà đất do bà Kỉnh, ông Hiệu, bà Ảnh quản lý, sử dụng và yêu cầu đưa vào di sản thừa kế của cụ Hậu, cụ Hứng để chia. Toà án cấp sơ thẩm bác yêu cầu của bà Mịnh. Lẽ ra, nếu có đủ căn cứ để xác định nhà đất ông Hiệu, bà Kỉnh, bà Ảnh không phải là di sản của hai cụ thì phải bác yêu cầu của bà Mịnh (như án sơ thẩm) mới đúng. Toà án cấp phúc thẩm chưa xác minh làm rõ lại tách yêu cầu của bà Mịnh để giải quyết thành vụ án khác là chưa giải quyết hết các yêu cầu của đương sự.
Do đó, nhóm đồng ý với những quyết định của viện kiểm sát nhân dân tối cao. Bản án sơ thẩm và phúc thẩm bị hủy là do: Toà án cấp sơ thẩm không buộc bị đơn nộp tiền tạm ứng án phí khi bị đơn có yêu cầu phản tố là vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 31 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự; Cần tiến hành định giá lại di sản thừa kế; Cần xác định lại nơi cư trú hiện thời của nguyên đơn, việc tham gia tố tụng của các đương sự và yêu cầu của họ.
3, Vụ việc thứ ba
Tóm tắt nội dung vụ việc
Nguyên đơn: Bà Đinh Thị Minh, 63 tuổi;
Bị đơn: Bà Nguyễn Thị Nho, 56 tuổi;
Cả nguyên đơn và bị đơn đều trú tại xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây.Cụ Pháp và cụ Tùng thường trú tại xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây sinh được 5 người con gồm: Ông Đinh Thế Luật (chết năm 1992), có vợ là bà Đỗ Thị Nga và con trai là anh Đinh Thế Chấn; Bà Đinh Thị Minh 63 tuổi; Bà Đinh Thị Gái 61 tuổi; Ông Đinh Thế Lệ (bộ đội hy sinh năm 1974); Bà Đinh Thị Năm 52 tuổi.Cụ Pháp, cụ Tùng chết để lại 2 khối tài sản:
Khối tài sản thứ nhất do bà Nguyễn Thị Nho (vợ ông Lệ) quản lý tại xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây gồm 4 gian nhà tre, lợp lá, vách đất và 3 gian nhà tranh, bếp trên diện tích 825,2m2 đất, trong đó 521,2m2 là đất ở, 304m2 đất ao. Nhà, bếp do lâu ngày cũ nát. Năm 1994, bà Nho đã tháo dỡ, xây lại như hiện nay.
Khối tài sản thứ hai do anh Đinh Thế Chấn (con trai cả ông Luật, bà Nga) quản lý gồm 5 gian nhà tranh tre lợp lá, 3 gian 1 trái bếp tranh tre trên diện tích 14 thước = 317,7m2.
Theo bà Minh, bà Gái, bà Năm và anh Chấn khai: trước khi mất, hai cụ không để lại di chúc, tài sản trên chưa chia cho ai, nay yêu cầu được chia thừa kế theo pháp luật.
Theo bà Nho khai: vợ chồng bà được bố mẹ chồng cho ở riêng từ năm 1961, nhà do bố mẹ chồng làm từ trước, trên diện tích đất 2 sào 1 thước.
Cụ Tùng (mẹ chồng) cùng em gái út là bà Năm ở với vợ chồng bà, còn cụ Pháp ở với vợ chồng ông Luật. Năm 1963, ông Lệ (chồng bà) đi bộ đội. Năm 1974, hy sinh ở chiến trường. Năm 1966, cụ Pháp ốm nặng. Ngày 27-01-1966 âm lịch, cụ Pháp có nhờ con rể là ông Đỗ Sĩ Tiếp viết di chúc phân chia nhà đất trên cho hai người con là ông Luật và ông Lệ, di chúc hai cụ đã điểm chỉ, nhưng ông Luật, bà Nho và ông Tiếp không đồng ý ký vào bản di chúc và di chúc đó không qua xã chứng thực. Tháng 02-1966 ( âm lịch) cụ Đinh Thế Pháp chết và vợ là cụ Phan Thị Tùng chết tháng 07-1972 (âm lịch). Khi bố mẹ chồng ốm đau, bà là người trông nom nuôi dưỡng chính, khi hai cụ qua đời, bà cùng vợ chồng ông Luật đứng lo mai táng, còn các bà con gái tuy có đóng góp chỉ một ít báo hiếu với cha mẹ. Nay, bà Minh đã thay mặt các bà Gái, bà Năm để kiện lên tòa án nhân dân huyện Phúc Thọ để giải quyết việc tranh chấp di sản thừa kế của cha mẹ mình là cụ Pháp và cụ Tùng .
Giải quyết của tòa án
Tại Bản án sơ thẩm số 01 ngày 26- 02-1997, Toà án nhân dân huyện Phúc Thọ quyết định:
Giấy văn thư đề ngày 27-01-1966 của cụ Đinh Thế Pháp là không hợp pháp.
Xác định hàng thừa kế theo pháp luật gồm: 5 người là: Ông Đinh Thế Luật, ông Đinh Thế Lệ, bà Đinh Thị Minh, bà Đinh Thị Gái, bà Đinh Thị Năm.
Khối di sản sau khi trừ các khoản chi phí còn lại trị giá 58.000.000 đồng chia cho 5 kỷ phần, mỗi kỷ phần là 11,6 triệu đồng.
Khối di sản được chia như sau
Khối di sản do anh Chấn đang quản lý, sau khi trừ chi phí mai táng số tiền còn lại tương ứng với các kỷ phần kia. Như vậy, số đất ở anh Chấn đang quản lý không phải chia cho ai nữa, vẫn để nguyên anh Chấn quản lý là 317,7m2
Khối di sản bà Nho đang quản lý, sẽ chia cho 4 người.
Bà Đinh Thị Minh: 144m2 đất có bề mặt trục đường làng dài 6m tính từ ngõ xóm kéo vào.
Bà Đinh Thị Gái: 144m2 đất có bề mặt trục đường làng dài 6m tính tiếp theo giáp đất bà Minh kéo vào.
Bà Đinh Thị Năm : 144m2 đất có bề mặt trục đường làng dài 6m tính tiếp theo giáp đất bà Gái kéo vào.
Bà Nguyễn Thị Nho: 393m2 đất còn lại.
Các kỷ phần không phải thanh toán tiền chênh lệch di sản: Bà Minh, bà Gái, bà Năm, mỗi bà phải chịu 504.000 đồng tiền án phí; Bà Nho chịu 580.000 đồng; Anh Chấn chịu 580.000 đồng.
Ngày 05-03-1997, bà Nguyễn Thị Nho có đơn kháng cáo, không đồng ý chia đất, vì trước khi mất, bố mẹ chồng đã có di chúc giao lại nhà đất cho bà.
Ngày 10-03-1997, bà Đinh Thị Minh, đại diện cho bà Gái kháng cáo, yêu cầu ngoài số đất được hưởng bà Nho phải thanh toán chênh lệch tài sản cho chị em bà.
Tại Bản án phúc thẩm số 47 ngày 24-04-1997, Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây quyết định:
Bác yêu cầu đòi chia di sản thừa kế của bà Đinh Thị Minh, Đinh Thị Gái và Đinh Thị Năm đối với khối di sản của cụ Đinh Thế Pháp và Phan Thị Tùng để lại.
Bà Minh, bà Gái, bà Năm mỗi người phải nộp 187.450 đồng.
Hoàn trả cho bà Minh, bà Nho mỗi người 50.000 đồng dự phí kháng cáo.
Sau khi có Bản án phúc thẩm, bà Minh, bà Gái, bà Năm, anh Chấn có nhiều đơn khiếu nại cho rằng tại biên bản định giá của cấp sơ thẩm, bà Nho, anh Chấn đồng ý. Nhưng Toà án cấp phúc thẩm căn cứ vào khung giá đất, tính giá đất giảm xuống, xác định giá trị di sản không còn, bác yêu cầu chia thừa kế của các bà là không đúng. Đề nghị xét xử lại và xin nhận bằng hiện vật.
Tại Quyết định số 33 ngày 01-11-1999, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã kháng nghị Bản án phúc thẩm nêu trên.
Tại kết luận số 162 ngày 29-11-1999, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhất trí với bản kháng nghị; đề nghị xử huỷ Bản án phúc thẩm, giữ nguyên quyết định của án sơ thẩm.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 399 ngày 28-12-1999, Toà Dân sự Toà án nhân dân tối cao quyết định:
Huỷ Bản án phúc thẩm số 47 ngày 24-04-1997 của Toà án nhân dân tỉnh Hà Tây; giữ nguyên quyết định của Bản án sơ thẩm số 01 ngày 26-02-1997 của Toà án nhân dân huyện Phúc Thọ xử việc tranh chấp di sản thừa kế giữa nguyên đơn là bà Đinh Thị Minh và bị đơn là bà Nguyễn Thị Nho.
Nhận xét của nhóm
Diện tích nhà và đất mà các đương sự đang tranh chấp là di sản của cụ Đinh Thế Pháp (chết năm 1966) và cụ Phan Thị Tùng (chết năm 1972) để lại. Trong quá trình giải quyết vụ án, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm không xác minh làm rõ tờ “Giấy văn thư” do bà Nho xuất trình có phải do hai cụ Pháp và cụ Tùng để lại hay không? Dấu vân tay và chữ ký trên giấy này là của ai mà đã xác định “Giấy văn thư” này không hợp pháp là chưa có cơ sở vững chắc. Căn cứ vào những tình tiết có trong vụ việc nêu trên, nhóm nhận thấy:
Giấy văn thư (là bản di chúc theo lời khai của bà Nho), là vô hiệu. Tại Điều 665 Bộ luật Dân sự có quy định về di chúc bằng văn bản không có người làm chứng như sau: “Người lập di chúc phải tự tay viết và ký vào bản di chúc. Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 653 của Bộ luật này’’. Căn cứ vào quy định trên, di chúc chỉ hợp pháp khi thoả mãn các điều kiện sau: Di chúc là do người lập di chúc tự viết. Nội dung của di chúc thoả mãn quy định định tại Điều 653 Bộ luật Dân sự:
“1. Di chúc phải ghi rõ: Ngày, tháng, năm lập di chúc; Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; Di sản để lại và nơi có di sản; Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.
2. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc. Đồng thời, việc lập di chúc cũng phải phù hợp với quy định tại Khoản 1 Điều 652 Bộ luật Dân sự, đó là: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép; Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.”
Do đó, di chúc bằng văn bản, không có chứng thực và người làm chứng mà bà Nho đưa ra không thể coi là hợp pháp và có hiệu lực pháp luật vì không thoả mãn các điều kiện nêu trên. Vì vậy, di sản của ông Pháp phải chia theo pháp luật như sau: chia đều cho những người thùa kế theo pháp luật thuộc hạng thừa kế thứ nhất gồm ông Đinh Thế Luật, bà Đinh Thị Minh, bà Đinh Thị Gái, bà Đinh Thị Năm, ông Đinh Thế Lệ theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định.
III. Hướng hoàn thiện vấn đề trong việc thừa kế quyền sử dụng đất ở
1. Thực trạng về tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất ở:
Từ 01/7/2004 đến 30/8/2010, Toà án các cấp thụ lý giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 69.806 vụ việc tranh chấp liên quan đến đất đai, chiếm tỷ lệ 22,7%, trong đó tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất ở là 6.405 vụ việc (chiếm tỷ lệ 9,2%).
Đương sự trong các vụ việc tranh chấp đất đai ngày càng đa dạng, liên quan đến nhiều bên, chứng cứ rất phức tạp. Vì vậy, thời gian giải quyết tranh chấp kéo dài, phải qua nhiều cấp Toà án giải quyết. Tranh chấp dân sự giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm chủ yếu là các vụ án dân sự liên quan đến đất đai, trong đó từ năm 2004 đến nay, Viện kiểm sát thụ lý giải quyết 3.025 vụ án chủ yếu là các vụ tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất.
Qua số liệu thống kê nêu trên cho thấy, từ khi Luật đất đai 2003 có hiệu lực thi hành, việc tranh chấp liên quan đến đất đai vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng tăng. Tính chất tranh chấp ngày càng gay gắt, kéo dài. Nhiều vụ giải quyết không triệt để dẫn tới khiếu kiện đông người, có trường hợp dẫn đến vụ án hình sự.
Những vướng mắc khi giải quyết tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất
Các chính sách về đất đai thay đổi nhanh chóng.
Quy định không đầy đủ, không đồng bộ, không cụ thể, rõ ràng, không thật phù hợp với cuộc sống, cho nên khi các cơ quan, tổ chức áp dụng các quy định của pháp luật để giải quyết các tranh chấp đất đai gặp nhiều khó khăn.
2. Hướng hoàn thiện
Thường xuyên rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm phát hiện các quy định mâu thuẫn, không phù hợp để kịp thời sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai và các chính sách, pháp luật có liên quan.
Tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật sao cho thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết tranh chấp, khiếu kiện của nhân dân liên quan đến đất đai; đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trách nhiệm giải quyết tranh chấp, khiếu kiện của các cơ quan có thẩm quyền.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Tìm hiểu 3 vụ việc có tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất ở (8,5đ).doc