Tìm hiểu các hình thức khuyến mại và thực tiễn áp dụng_ Đh Luật Hà Nội 2011

MỤC LỤC Trang A. LỜI MỞ ĐẦU: 1 B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ: 1 I. KHÁI NIỆM VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA KHUYẾN MẠI: 1 II. CÁC HÌNH THỨC KHUYẾN MẠI THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH: 2 1. Đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu cho khách hàng dùng thử mà không phải trả tiền: 3 2. Tặng hàng hoá cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiề:. 3 3. Giảm giá được áp dụng trong thời gian khuyến mại đã được đăng ký hoặc thông báo: 4 4. Bán hàng có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ để khách hàng được hưởng một hay một số lợi ích nhất định: 4 5. Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố: 5 6. Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình có tính chất may rủi: 6 7. Tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên: 6 8. Các hình thức khuyến mại khác: 7 II. THỰC TIỄN ÁP DỤNG VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ CÁC HÌNH THỨC KHUYẾN MẠI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY : 7 1. Thực tiễn áp dụng các hình thức khuyến mại ở Việt Nam hiện nay: 7 2. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về các hình thức khuyến mại ở Việt Nam hiện nay: 13 2.1. Xem xét hủy bỏ quy định nghĩa vụ nộp 50% giá trị giải thưởng đã công bố vào ngân sách nhà nước trong trường hợp không có người trúng thưởng. 13 2.2. Cần có quy định để phân biệt hình thức hàng mẫu và hình thức quà tặng: 14 2.3. Các quy định về hạn mức tối đa giá trị hàng hóa dùng khuyến mại: 14 2.4. Một số quy định khác cần bổ sung hoàn thiện: 15 III. KẾT THÚC VẤN ĐỀ: 15 TÀI LIỆU THAM KHẢO 16

doc16 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 5178 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tìm hiểu các hình thức khuyến mại và thực tiễn áp dụng_ Đh Luật Hà Nội 2011, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
A. LỜI MỞ ĐẦU: Trong nền kinh tế thị trường các hoạt động về thương mại và giải quyết các tranh chấp về thương mại có một vai trò đặc biệt quan trọng. Luật Thương mại (LTM) đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua lần đầu vào ngày 10 - 5 - 1997 và ngày 14- 6- 2005 Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 7. Từ đó đến nay đã có rất nhiều văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành. Nhằm liên hệ với thị trường và công chúng, thương nhân ngày càng quan tâm đến các “Kinh tế thuyết phục” khác nhau thông qua hoạt động khuyến mại, quảng cáo, trưng bày, hội chợ thương mại… Trong pháp luật Việt nam, các hoạt động này được gọi chung là Xúc tiến Thương mại (XTTM). Và hiệu quả đạt được trong tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, XTTM là công cụ cạnh tranh lợi hại, có khả năng mạng lại lợi ích thương mại to lớn cho thương nhân, đồng thời có ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích đối thủ cạnh tranh và của nguời tiêu dùng. Một trong những hoạt động XTTM phải kể đến hoạt động khuyến mại. Vậy pháp luật về XTTM quy định về khuyến mại. Hình thức của nó như thế nào và được áp dụng trong thực tiễn ra sao? Sau đây chúng ta hãy cùng làm rõ. B. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ: I. KHÁI NIỆM VÀ ĐẶC ĐIỂM CỦA KHUYẾN MẠI: Khuyến mại là khái niệm được ghi nhận trong pháp luật thương mại. Theo đó, căn cứ Khoản 1 Điều 88 LTM năm 2005 quy định “Khuyến mại là hoạt động xúc tiến thương mại của thương nhân nhằm xúc tiến việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định”. Khuyến mại là một hình thức xúc tiến thương mại biểu hiện qua việc dành cho khách hàng những lợi ích nhất định để tăng sự nhận biết của khách hàng, kích thích khách hàng mua sản phẩm và các trung gian nỗ lực bán hàng, cung ứng dịch vụ. Khoản 1 Điều 88 là biểu hiện cho quyền tự do kinh doanh của thương nhân được pháp luật bảo hộ. Đây là cơ sở pháp lý để thương nhân tự do hoạt động khuyến mại, thu hút sự chú ý của khách hàng đối với sản phẩm của mình bằng cách dành cho khách hàng những lợi ích nhất định. Mặt khác, thương nhân cũng ý thức được hoạt động đó của mình phải trong khuôn khổ pháp luật quy định nhằm hướng tới một thị trường năng động, lành mạnh. Đây chính là phương tiện điều chỉnh của pháp luật thương mại đối với hoạt động khuyến trong nền kinh tế ở nước ta. Là một hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến mại cũng có những đặc điểm chung của xúc tiến thương mại ở chỗ: khuyến mại cũng thuộc nhóm hành vi thương mại không trực tiếp sinh lợi. Bởi lẽ, xúc tiến thương mại không phải là quan hệ trao đổi hàng hóa, dịch vụ mà chỉ là những biện pháp hỗ trợ nhằm tạo ra cơ hội cho việc mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ nhằm dem lại hiệu quả ở tác dụng kích thích nhu cầu của khách hàng, tác động tới thái độ và hành vi mua sắm của khách hàng để thông qua đó thỏa mãn nhu cầu lợi nhuận của thương nhân. Bên cạnh đó, khuyến mại có những đặc điểm cơ bản sau: - Chủ thể thực hiện hành vi khuyến mại là thương nhân. Theo Khoản 1 Điều 6 LTM năm 2005 thì: “Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh.”. Thương nhân được phép tự mình tổ chức thực hiện việc khuyến mại, cũng có thể lựa chọn thương nhân làm dịch vụ khuyến mại cho doanh nghiệp trên cơ sở hoạt động dịch vụ khuyến mại giữa các bên thương nhân có nhu cầu khuyến mại và thương nhân kinh doanh dịch vụ. - Các hình thức khuyến mại là dành cho khách hàng những lợi ích nhất định. Lợi ích đó có thể là vật chất như quà tặng, hàng mẫu để dùng thử, mua hàng giảm giá…, có thể là lợi ích phi vật chất như được cung ứng dịch vụ miễn phí. - Khách hàng được khuyến mại là người tiêu dùng, các trung gian phân phối như đại lý bán hàng. Theo Điều 1 Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khái niệm người tiêu dùng được hiểu là người mua, sử dụng hàng hóa dịch vụ cho mục đích tiêu dùng sinh hoạt của các cá nhân, gia định, tổ chức - Mục đích khuyến mại của thương mại là xúc tiến bán hàng hay cung ứng dịch vụ. Để thực hiệc mục đích này, khuyến mại hướng tới là tác động tới khách hàng để họ mua sản phẩm, sử dụng dịch vụ, giới thiệu sản phẩm mới hay kích thích trung gian phân phối chú ý hơn nữa đến hàng hóa của doanh nghiệp. Từ đó tăng thị phần của doanh nghiệp trên thị trường hàng hóa, dịch vụ Như vậy, bản chất của khuyến mại là hoạt động của chủ thể là thương nhân thông qua việc dành cho khách hàng những lợi ích nhất định với công cụ đa đạng như quà tặng, hàng mẫu, giảm giá…nhằm mục tiêu kích thích, lôi kéo hành vi quyết định mua hàng, sử dụng dịch vụ doanh nghiệp, đích của cùng là tăng thị phần trong thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước cũng như quốc tế. II. CÁC HÌNH THỨC KHUYẾN MẠI THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH: Một trong những điểm mới của LTM năm 2005 về hoạt động khuyến mại là việc sửa đổi một số hình thức khuyến mại trước đây quy định lại LTM năm 1997 và bổ sung các hình thức khuyến mại đã diễn ra trên thực tế nhưng chưa có pháp luật nào điều chỉnh. Theo Điều 92 LTM năm 2005, các hình thức khuyến mại được đa dạng hơn. Nội dung các hình thức khuyến mại được quy định chi tiết tại Nghị định 37/2006/NĐ-CP ngày 04/04/2006. Nội dung cơ bản các hình thức khuyến mại được quy định như sau: 1. Đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu cho khách hàng dùng thử mà không phải trả tiền: Luật thương mại năm 1997 chỉ quy định việc khuyến mại thông qua việc đưa qua hàng mẫu để khách hàng dùng thử không phải trả tiền, LTM 2005 đã bổ sung hành vi cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử mà không phải trả tiền. Bản chất hàng mẫu là thương nhân dành cho khách hàng dùng thử để kiểm nghiệm chất lượng ưu việt của sản phẩm đó so với sản phẩm cùng loại đang được sử dụng. Do vậy, hàng mẫu, dịch vụ mẫu không đi kèm với việc mua hàng hoá tại thời điểm nhận quà hay nhận dịch vụ mẫu mà thương nhân muốn hướng tới sự chú ý của khách hàng và sẽ mua trong tương lai. Cần phân biệt trường hợp nếu đưa hàng hay dịch vụ khuyến mại đi cùng với mua hàng thì có thể coi đây là quà tặng. Theo Nghị định số 37/2006/NĐ-CP, hàng mẫu, dịch vụ cung ứng cho khách hàng dùng thử phải là sản phẩm kinh doanh hợp pháp mà thương nhân đang bán nay cải tiến tốt hơn hoặc sẽ bán, sẽ cung ứng dịch vụ trên thị trường. Đồng thời, thương nhân thực hiện chương trình khuyến mãi theo hình thức này phải chịu trách nhiệm về chất lượng của hàng mẫu, dịch vụ mẫu và phải thông báo cho khách hàng đầy đủ thông tin liên lạc đến việc sử dụng dịch vụ mẫu, hàng mẫu. Thương nhân không được thu tiền dưới bất kỳ hàng mẫu nào liên quan đến hàng mẫu khuyến mại, kể cả việc đổi hàng cũ lấy hàng mới khuyến mại. Pháp luật khuyến mại cũng không quy định hạn mức tối đa giá trị hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại và hạn mức thời gian thực hiện khuyến mại như các hình thức khuyến mại khác. Quy định trên đây của pháp luật về khuyến mại nhằm đảm bảo lợi ích thương nhân dành cho khách hàng phải thực là hàng mẫu, dịch vụ mẫu theo đúng nghĩa tự nhiên của nó đem lại lợi ích hữu dụng cho khách hàng nhận khuyến mại. 2. Tặng hàng hoá cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiề:. Thương nhân có thể thực hiện chương trình khuyến mãi bằng hình thức tặng hàng hoá, tặng cung ứng dịch vụ cho khách hàng không thu tiền. Với tặng quà, từng điều kiện cụ thể của chương trình khuyến mại mà có thể tặng kèm theo bán hàng, cung ứng dịch vụ của thương nhân khuyến mại (Ví dụ: mua một nồi inox tặng một chảo chống dính) hoặc không gắn liền với việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, (Ví dụ: trong chương trình tổ chức gặp mặt khách hàng trung thành với sản phẩm của doanh nghiệp, thương nhân đã khuyến mại tặng quà các khách hàng sản phẩm nào đó mà không liên quan đến việc mua hàng hoá, sử dụng dịch vụ) nhằm tăng thêm uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp. Hàng được dùng làm quà tặng có thể là hàng hoá, dịch vụ thuộc diện kinh doanh của thương nhân hoặc có thể của thương nhân khác kinh doanh. Pháp luật về khuyến mại quy định hạn mức tối đa tổng giá trị hàng hoá dịch vụ dùng để tặng trong một chương trình khuyến mại không được quá 50% tổng giá trị hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại, không quy định hạn mức tối đa gía trị của đơn vị hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại. Đồng thời pháp luật về khuyến mại còn quy định thương nhân phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hoá, chất lượng dịch vụ tặng cho khách hàng và phải thông báo cho khách hàng đầy đủ thông tin liên quan đến việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó. 3. Giảm giá được áp dụng trong thời gian khuyến mại đã được đăng ký hoặc thông báo: Để đảm bảo môi trường cạnh tranh một cách lành mạnh trong nền kinh tế, bảo về lợi ích của thương nhân thực hiện khuyến mại, lợi ích của người tiêu dùng và của thương nhân khác, Nghị định số 37/2006/NĐ-CP đã quy định cụ thể điều kiện của việc bán hàng cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, giá cung ứng dịch vụ trước đó thông qua quy định mức giảm tối đa, thời hạn tối đa thực hiện khuyến mại như sau: + Về hạn mức giảm giá theo đơn giá: Mức giảm tối đa hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại trong thời gian khuyến mại tại bất kỳ thời điểm nào không được vượt quá 50% giá hàng hoá, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mại; còn mức giảm giá theo cả đợt khuyến mại thì hạn mức tối đa của tổng giá trị hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại trong một chương trình khuyến mại không được vượt quá 60% tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại (Điều 6; khoản 1 Điều 9 và khoản 2 Điều 5 Nghị định 37/2006/NĐ-CP). + Không được giảm giá bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ trong trường hợp giá bán hàng hóa, giá cung ứng dịch vụ thuộc diện Nhà nước quy định giá cụ thể. + Không được giảm giá hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ xuống thấp hơn mức giá tối thiểu trong trường hợp giá bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ trong diện Nhà nước quy định khung giá hoặc quy định giá tối thiểu. + Tổng thời gian thực hiện chương trình khuyến mãi bằng giảm giá đối với một loại nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ không được vượt quá 90 ngày trong một năm; một chương trình khuyến mãi không được vượt quá 45 ngày; Không được lợi dụng hình thức khuyến mại nêu trên để bán phá giá hàng hoá, dịch vụ. Mục đích của quy định hạn chế nêu trên nhằm ngăn chặn tình trạng phá giá thị trường, làm thất thu thuế cho Nhà nước. Tuy nhiên, liên quan đến quy định về hạn mức tối đa này cũng có bất cập, gây khó khăn nhất định cho công tác quản lý. 4. Bán hàng có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ để khách hàng được hưởng một hay một số lợi ích nhất định: Theo hình thức khuyến mại này khách hàng có thể được hưởng lợi ích nhất định từ việc mua hàng, sử dụng dịch vụ kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ. Phiếu mua hàng thường có ý nghĩa giảm giá hoặc có mệnh giá nhất định để thanh toán cho những lần mua sau trong hệ thống bán hàng của thương nhân hoặc trong cơ sở kinh doanh khác mà thương nhân có sự liên kết. Ví dụ: thương nhân khuyến mại khách hàng khi mua hàng, sử dụng dịch vụ một thẻ giảm giá (có danh sách hệ thống các cơ sở kinh doanh của thương nhân hoặc của thương nhân khác theo liên kết hỗ trợ chương trình khuyến mại đó. Phiếu sử dụng dịch vụ có thể cho phép sử dụng dịch vụ miễn phí theo điều kiện do nhà cung ứng dịch vụ đưa ra. Tuy nhiên, bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ để khách hàng được hưởng lợi ích nhất định phải đảm bảo được hai điều kiện sau: Thứ nhất, giá trị tối đa của phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ được tặng kèm theo một đơn vị hàng hoá được bán, dịch vụ được cung ứng trong thời gian khuyến mại không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại đó trong thời gian khuyến mại. Thứ hai, nội dung của phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ phải bao gồm các thông tin liên quan đến các quy định tại Điều 97 LTM năm 2005 như sau: Tên của hoạt động khuyến mại; giá bán hàng hoá, giá cung ứng dịch vụ khuyến mại và các chi phí có liên quan để giao hàng hoá, dịch vụ được khuyến mại cho khách hàng, tên, địa chỉ, số điện thoại của thương nhân thực hiện khuyến mại; thời gian khuyến mại, ngày bắt đầu, ngày kết thúc và địa bàn hoạt động khuyến mại; điều kiện kèm theo chương trình khuyến mại và nội dung cụ thể của các điều kiện (nếu có). Sự quy định trên của pháp luật nhằm đảm bảo khuyến mại được công khai, minh bạch, rõ ràng, tránh được những lạm dụng trong thực tế gây thiệt hại cho lợi ích của khách hàng. 5. Bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu dự thi cho khách hàng để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố: Khác với hình thức bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng dịch vụ, việc bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu dự thi cho khách hàng có thể mang lại giải thưởng hoặc không mang lại lợi ích cụ thể cho khách hàng, phụ thuộc vào kết quả dự thi của họ. Theo quy định của pháp luật, khuyến mại thông qua hình thức bán hàng, cung ứng dịch vụ có kèm theo phiếu dự thi cho khách hàng để chọn ra người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố cần đáp ứng các điều kiện sau: Nội dung phiếu dự thi phải bao gồm các thông tin liên quan được quy định tại Điều 97 LTM năm 2005 là thông tin phải thông báo công khai, gồm: Nội dung của chương trình thi không được trái với truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục của Việt Nam; việc tổ chức thi và mở thưởng phải được thông báo công khai, có sự chứng kiến của đại diện khách hàng và phải được thông báo cho Sở Thương mại nơi tổ chức thi, mở thưởng; thương nhận thực hiện khuyến mại phải tổ chức thi và trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng mà thương nhân đã công bố. Sự quy định này nhằm đảm bảo chương trình khuyến mại thực sự nghiêm túc và sự kiểm soát của cơ quan chức năng. 6. Bán hàng, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham dự các chương trình có tính chất may rủi: Đây là hình thức khuyến mại mới được bổ sung tại Luật thương mại năm 2005 trên cơ sở luật hoá một hình thức khuyến mại đã xảy ra trong thực tiễn thời gian qua nhưng chưa có pháp luật điều chỉnh. Để bảo vệ quyền lợi của khách hàng, Nghị định số 37/2006/NĐ-CP đã đưa ra các yêu cầu cụ thể đối với hình thức khuyến mại này, theo đó, việc mở thưởng chương trình khuyến mại mang tính may rủi phải được tổ chức công khai theo thể lệ đã công bố với sự chứng kiến của khách hàng. Trong trường hợp giá trị giải thưởng từ 100 triệu đồng trở lên, thương nhân có trách nhiệm thông báo đến Sở Thương mại nơi tổ chức khuyến mại chậm nhất 07 ngày làm việc trước khi thực hiện khuyến mại. Trong trường hợp việc trúng thưởng được xác định trên cơ sở bằng chứng trúng thưởng kèm theo hàng hoá, thương nhân thực hiện khuyến mại phải thông báo thời gian và địa điểm thực hiện việc đưa bằng chứng trúng thưởng vào hàng hoá đến Sở Thương mại nơi tổ chức khuyến mại theo thời gian luật định. Mặt khác, Nghị định số 37/2006/NĐ-CP còn quy định: riêng chương trình khuyến mại mang tính may rủi có phát hành vé số dự thưởng phải đảm bảo vé số dự thưởng phải in đủ nội dung về số vé phát hành, số lượng từng loại giải thưởng, giá trị từng loại giải thưởng, địa điểm phát thưởng, thời gian, địa điểm mở thưởng và các nội dung liên quan quy định tại Điều 97 LTM năm 2005. Việc mở thưởng chỉ áp dụng cho các vé số đã được phát hành. Trong trường hợp không có người trúng thưởng, thương nhân có nghĩa vụ trích nộp 50% giá trị giải thưởng đã công bố vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc trích nộp ngân sách như vậy là thiếu tính khả thi và thiếu các căn cứ để xác định tính toán quy đổi quà là hiện vật khuyến mại ra tiền và nhiều trường hợp hàng hoá, dịch vụ đó chưa tiêu thụ hết, doanh thu của đợt khuyến mại, chưa đảm bảo theo dự kiến nhưng lại phải trích nộp 50% giá trị giải thưởng đã công bố không có người trúng thưởng là bất lợi cho doanh nghiệp. Thiết nghĩ nên chăng bỏ quy định này sẽ tiện cho các cơ quan quản lý và không ảnh hưởng đến lợi ích doanh nghiệp. Nếu cho rằng giữ quy định trên nhằm tránh được những gian dối trong khuyến mại thì chưa có sức thuyết phục. Pháp luật cần có cơ chế khác để kiểm soát sự gian dối của thương nhân. 7. Tổ chức chương trình khách hàng thường xuyên: Hình thức này áp dụng với khách hàng trung thành với sản phẩm của doanh nghiệp. Nội dung của hình thức này là thương nhân trên cơ sở số lượng hoặc giá trị mua hàng hoá, dịch vụ thể hiện qua các phiếu, thẻ thanh toán đủ điều kiện là khách hàng thường xuyên để tặng quà cho họ. Quy định hình thức khuyến mại này là cơ sở pháp lý để thương nhân khích lệ kịp thời lòng trung thành của khách hàng và qua đó taoj được mối quan hệ thương mại bền vững với khách hàng là một trong những yếu tố quyết định sự tồn tại, phát triển của hình thức khuyến mại. 8. Các hình thức khuyến mại khác: Các hình thức khuyến mại như được nêu tại khoản 8 Điều 92 LTM năm 2005 : “là tổ chức cho khách hàng tham gia chương trình văn hoá, nghệ thuật, giải trí…nhằm mục đích thương mại”. Còn có những hình thức khuyến mại khác mà luật thương mại 2005 chưa thể dự liệu, liệt kê cụ thể tại Điều 92 nhưng được bổ sung tại Nghị định số 37/2006/NĐ-CP “khuyến mại hàng hoá, dịch vụ thông qua Internet và các phương tiện điện tử khác”. Ngoài ra còn có các hình thức khuyến mại không thuộc các trường hợp trên là hướng “mở” cho thương nhân tự quyết định cách thức khuyến mại khác phù hợp hoàn cảnh cụ thể của kinh doanh, trên cơ sở được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo sự kiểm soát của cơ quan chức năng và lành mạnh hoá môi trường kinh doanh. Trên đây là những hình thức khuyến mãi được quy định trong pháp luật khuyến mại ở nước ta. Trên thực tế hoạt động khuyến mại thương nhân có thể kết hợp đồng thời nhiều hình thức trong cùng một chương trình. Ví dụ: chương trình khuyến mại mang tên: “ Tuần lễ VNPT” do Vinaphone thực hiện vào cuối năm 2009 gồm các hình thức khuyến mại như: tặng 50% giá trị thẻ nạp cho thuê bao di động trả trước; giảm giá cho thuê bao di động hoà mạng mới. Mặt khác, có khi trong chương trình khuyến mại lại xuất hiện sự kết hợp của quảng cáo - một trong những hình thức XTTM khác nhằm tạo ra những ấn tượng. hấp dẫn, gây chú ý của nhiều khách hàng hơn thể hiện tính năng động của thương nhân trong hoạt động khuyến mại. II. THỰC TIỄN ÁP DỤNG VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ CÁC HÌNH THỨC KHUYẾN MẠI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY : 1. Thực tiễn áp dụng các hình thức khuyến mại ở Việt Nam hiện nay: Hoạt động khuyến mại trong thời gian gần đây ngày càng tăng về số lượng và chất lượng, hình thức tổ chức phong phú đa dạng, góp phần tích cực đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp và lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng. Cụ thể với hình thức khuyến mại tặng quà: Ðể giành thị phần, các hãng sữa đưa ra rất nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn cho người tiêu dùng. Công ty sữa Namyang của Hàn Quốc với hai sản phẩm là XO - sữa dành cho các bà mẹ mang thai và cho con bú, Star Science - sữa dành cho trẻ với nhiều độ tuổi khác nhau, tuy mới vào thị trường Việt Nam hơn 2 năm, nhưng đã chiếm được thị phần không nhỏ. Mới đây, công ty còn đưa ra một chương trình khuyến mại hấp dẫn dành cho khách hàng như: mua 1 hộp sữa sẽ được tặng một con thú thông minh, mua 4 hộp được tặng ba lô đi học cho trẻ hoặc xoong quấy bột, với khách hàng mua 12 hộp được tặng ba lô khổ to hoặc đàn organ đồ chơi; máy ép trái cây; máy xay sinh tố. Sữa Meiji của Nhật Bản cũng khuyến mãi lớn như: đổi 4 nắp hộp sữa của Meiji được một chiếc kèn, đổi 12 nắp hộp sữa được một balô, đổi 16 nắp được một hộp tô màu, 20 nắp được một đàn điện tử, 48 nắp được một xe đạp có nhạc. Không chỉ có vậy, để khuyến khích người tiêu dùng tìm đến sản phẩm của hãng, nhất là với những gia đình có mức thu nhập không cao, gần đây công ty Meiji còn đưa ra chương trình khuyến mãi kéo dài từ tháng 2 đến hết tháng 8/2005 như: đổi 2 nắp hộp sữa lấy một bình giữ nhiệt, 4 nắp hộp lấy một bình giữ nhiệt đôi, 6 nắp hộp lấy một màn chống muỗi, 8 nắp hộp lấy một yếm địu trẻ, 12 nắp hộp lấy một xe đẩy và 20 nắp hộp lấy một chiếc nôi điện. Trên thực tế, người tiêu dùng đã quá quen với những hình thức khuyến mãi kiểu này và họ không thể bỏ tiền ra để chạy đua với các nhà sản xuất. Chị Lan - một khách hàng cho biết: Tôi vẫn thường xuyên mua sữa cho gia đình, thỉnh thoảng vẫn thấy có các đợt khuyến mãi, nhưng tôi vẫn chỉ mua để đủ dùng thôi, bao giờ hết thì mua tiếp cho đảm bảo chất lượng. Hơn nữa, để được nhận quà khuyến mãi hay trúng thưởng cũng không phải dễ dàng. Chẳng hạn, công ty Namyang đưa ra chương trình khuyến mãi mua 12 hộp được tặng 1 ba lô khổ to hoặc 1 đàn oocgan đồ chơi; 1 máy ép trái cây; 1 máy xay sinh tố. Thế nhưng để được nhận những phần quá có “giá trị” lớn vài ba trăm nghìn đồng này người tiêu dùng phải bỏ ra một số tiền khá lớn có khi đến vài triệu đồng bởi giá một hộp sữa XO và Science của Namyang cũng khoảng trên 100 nghìn đến hơn 200 nghìn đồng. Và thực chất hầu hết khách hàng đều không hề biết nhãn hiệu và chất lượng các sản phẩm quà tặng mà mình sẽ nhận được như thế nào, giá trị thực của nó là bao nhiêu. Ðó là chưa kể đến những mặt hàng đó là hàng tồn hay được mua dưới một số hình thức khác thì giá trị của nó còn rẻ hơn nhiều. Còn nếu theo cách thông thường, dùng hết mới mua tiếp thì người tiêu dùng phải mất công để dành nắp hộp gần một năm, mà trong khi đó đợt khuyến mãi chỉ kéo dài có ba tháng, không đủ thời gian cho khách hàng có thể nhận khuyến mãi. Ðó mới chỉ là hình thức khuyến mãi về hiện vật, còn đối với các mặt hàng sữa khuyến mãi kèm luôn quà tặng thì phải rất cẩn thận trước khi mua. Chủ yếu đây đều là hàng đã được sản xuất từ vài năm trước, sắp đến ngày hết hạn sử dụng. Do hàng bán chậm, các nhà sản xuất không muốn phải thu hồi lại sản phẩm trước khi bỏ đi, nên đã tung ra thị trường những đợt khuyến mãi mua 2 tặng 1, thêm quà tặng hay giảm giá để thu hút khách hàng, nhưng điều này lại rất có hại cho người tiêu dùng. Sản phẩm sữa Sunny được bày bán tại siêu thị Marko cũng có chương trình tặng quà kèm theo khi mua sữa nhưng sản phẩm này đã được sản xuất từ năm 2003 và đến 2006 là hết hạn sử dụng. Với hình thức khuyến mại giảm giá: Hàng điện tử, điện máy là những sản phấm dù sản xuất trong nước hay nhập khẩu nguyên chiếc thì đều có giá rất cao nên khuyến mại giảm giá là cơ hội cho nhiều người có những sản phẩm tốt phục vụ đời sống với giá phải chăng. Tuy nhiên, với mục đích tận dụng sức mua của người tiêu dùng trùng vào thời điểm doanh nghiệp xả hàng cuối năm, hàng loạt các chương trình khuyến mãi rất có lợi cho khách hàng được giới thiệu và quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, có những chương trình giảm giá kỷ lục cho sản phẩm, tặng quà có giá trị cao…Điển hình như trung tâm điện máy Ideas (TPHCM), trong ngày đầu tiên của năm mới 2010 đã đưa mức giảm giá cao nhất lên đến 50% cho hàng chục nghìn sản phẩm từ chương trình khuyến mãi có tên “Ngũ niên lập thành - Ngũ lộc nghinh xuân”. Trong đó, giảm “sốc”  nhất là chủng loại tivi LCD khi mua tivi LCD 40 inch 40X450 của Sony giá chỉ còn 44,9 triệu đồng/máy kèm theo phiếu mua hàng trị giá 5 triệu đồng (giá trước khuyến mãi 79,9 triệu đồng). Riêng tivi LCD Samsung 32B350 từ 6,99 triệu đồng/máy giảm xuống còn 5,4 triệu đồng/máy…Để tạo sự chú ý với công chúng, có doanh nghiệp đã nghĩ tới việc kết hợp làm từ thiện trong chương trình khuyến mãi, như chương trình Đấu giá từ thiện “Phúc lộc vẹn toàn” của Best Carings được thực hiện trong tháng 1/2010 tại Hà Nội và TPHCM. Khách hàng tham gia đấu giá sản phẩm với mức khởi điểm bằng 30% giá niêm yết. Và số tiền chênh lệch của giá khởi điểm và giá người thắng cuộc được khuyên  góp cho Hội cứu trợ trẻ tàn tật Việt Nam. Một trong những chiêu hút khách luôn được sự chú ý của người dân đó là những băng - rôn, quảng cáo của nhiều siêu thị điện máy nói chung rất ấn tượng như: “Giảm giá lớn nhất”, “Giá “sốc” chưa từng có”, “Khuyến mãi lớn nhất trong năm”…Tuy nhiên, rất nhiều khách hàng khẳng định, mức giá khuyến mãi mà họ đưa ra cũng không có gì gọi là “sốc” như quảng cáo hoặc những sản phẩm giảm giá là những hàng tồn, hàng lạc hậu, khó bán…Kinh nghiệm của những chuyên gia và người tiêu dùng thông minh cho thấy, không bao giờ mua ngay những sản phẩm mà chưa được kiểm chứng về giá và chất lượng. Theo họ, việc tham khảo nhiều nơi là cần thiết, không nên chỉ nghĩ tới khuyến mãi, nhất là đối với đồ điện tử, điện máy thì số seri, chất lượng và chế độ hậu mãi là điều rất quan trọng. Chẳng hạn như: sản phẩm mua rồi nếu vì lý do nào đó có được đổi hay trả lại không? Chương trình bảo hành ra sao… thậm chí ngay cả khâu tư vấn lựa chọn sản phẩm cũng không thể xem thường vì nó thể hiện tính chuyên nghiệp trong kinh doanh sản phẩm. Với hình thức khuyến mại tặng phiếu mua hàng: Nhiều người vốn rất hào hứng với các chương trình khuyến mại về hàng hóa, dịch vụ và thường nhân đó làm cơ hội để mua sắm nhiều hơn. Tuy nhiên, khuyến mại cũng có muôn hình vạn vẻ, không ít người sau khi mất công đi mua hàng khuyến mại phải than thở: "Thà đừng ham khuyến mại còn hơn". Chị Diễm Nhi, giáo viên tiếng Anh trường Việt - Úc (TP HCM) cho biết, trước đây, chị từng nhận được tờ rơi quảng cáo của một số cửa hàng kinh doanh kính mắt, đồng hồ trên đường Lý Tự Trọng, quận 1, TP HCM với nội dung “tặng phiếu mua hàng đặc biệt trị giá 200.000 đồng khi khách hàng mua bất kỳ một sản phẩm nào tại cửa hàng”. Khi chị đến mua hàng thì nhận thấy không có một sản phẩm nào trị giá 200.000 đồng, mà rẻ nhất cũng phải 500.000 đồng. “Không lẽ tôi đã mua một chiếc kính thời trang rồi, lại bỏ ra thêm ít nhất 300.000 đồng bù vào phiếu mua hàng được tặng để mua thêm một chiếc kính mới, thà như quần áo còn có thể mua vài ba chiếc cùng lúc. Khuyến mại thế này thì cũng bằng không, lại làm khách thêm bực mình vì trót hy vọng để rồi thất vọng”, chị Nhi bức xúc kể lại. Mới đây, hãng thời trang công sở Eva de Eva tung ra chương trình khuyến mại duy nhất trong năm là giảm giá 50% tất cả sản phẩm, nhưng thời gian khuyến mại khá “keo”, chỉ trong vòng 7 tiếng đồng hồ, không rơi vào ngày nghỉ, lại bắt đầu từ 5h, khiến không ít khách hàng có ý định đi mua hàng hiệu giảm giá đành bỏ cuộc. Thông lệ, khung giờ vàng được các đơn vị kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lựa chọn thường là vào các giờ cao điểm có đông khách mua sắm như giờ tan sở buổi trưa hoặc chiều. Thế nhưng Eva de Eva lại chọn khung giờ vàng bắt đầu từ 5h và đưa ra giải thưởng là phiếu mua hàng trị giá 500.000 đồng cho năm khách hàng đến sớm nhất. “Thế thì khác gì đánh đố. Đằng nào cửa hàng cũng phải khuyến mại, sao không chọn khung giờ hợp lý hơn một chút, để nếu có trúng thưởng thì khách hàng cũng vui vẻ hơn, không cảm thấy bị giải thưởng hành”, nhiều người nhận xét. Bên cạnh đó, cửa hàng không khuyến mại đến hết ngày như thông thường, mà chỉ áp dụng đến 12h. Khá nhiều chị em công sở đi mua hàng ngày hôm đó cho biêt, 11h họ mới xong việc và rời cơ quan đi mua sắm, khi chọn xong đồ, chuẩn bị thanh toán thì quá 12h, vậy là không được hưởng khuyến mại. Nhân viên bán hàng của Eva de Eva giải thích, đây là quy định của công ty, chứ không phải họ buôn bán tự do mà có thể xê dịch khung "giờ vàng" cho khách. Ngoài ra, nhiều cửa hàng, shop, kể cả những thương hiệu nổi tiếng vẫn thường tung ra các chiêu khuyến mại “mập mờ”, nếu không nói là đánh lừa khách khi mức giảm giá sản phẩm trên thực tế và trên thông báo không đồng nhất.  Hình thức khuyến mại với phiếu dự thưởng: Bên cạnh khuyến mại của các hàng hóa, dịch vụ, nhiều hình thức khuyến mại từ ngân hàng cũng “đánh đố” khách hàng không kém. Chẳng hạn như để được cộng thưởng lãi suất thêm từ 0,03 đến 0,05%, khách hàng phải gửi tiền ít nhất từ 500 triệu đồng đến vài tỷ đồng và cam kết không được rút trước hạn, hay để được nhận các seri dự thưởng nhằm quay thưởng vào cuối kỳ của nhà băng, nếu khách hàng gửi dưới 10 triệu đồng thì thời hạn phải từ 9 tháng trở lên… Chị Thúy, nhân viên một công ty xuất nhập khẩu về sản phẩm giấy và bột giấy tại Hà Nội kể, tháng 4 vừa rồi chị có tham gia chương trình khuyến mại có tên "Ngôi nhà hạnh phúc" của Ngân hàng Á Châu (ACB). Thể lệ chương trình là khách hàng gửi tiền từ 30 triệu đồng trở lên, thời hạn ít nhất 3 tháng, sẽ nhận được một thẻ cào trúng thưởng ngay tại chỗ và một số series dự thưởng để quay số vào cuối kỳ. Khách hàng được phép rút tiền trước hạn sau 15 ngày gửi, nhưng sẽ không được tham dự quay thưởng vào cuối kỳ. Hôm đó, chị Thúy trúng chiếc bàn là hiệu Philip khi cào thẻ. Sau hơn một tháng, vì cần tiền làm ăn, chị Thúy ra ngân hàng xin rút lại số tiền thì được nhân viên ACB yêu cầu là phải hoàn trả lại phần thưởng thì mới được rút, trong khi chị Thúy đã trót gửi chiếc bàn là ấy về quê cho người nhà. "Biết thế tôi không tham gia khuyến mại nữa mà gửi tiết kiệm thường còn hơn", chị Thúy chặc lưỡi. Hình thức khuyến mại tổ chức các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí: 6 tháng đầu năm 2008, trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã diễn ra 2 hội chợ triển lãm là Hội chợ Công nghiệp - Thương mại - Xuất nhập khẩu Thái Bình 2008 từ ngày 26/4 đến 02/5/2008 tại Nhà Văn hoá lao động tỉnh Thái Bình và Hội chợ Công nghiệp - Thương mại - Xuất nhập khẩu Thái Bình 2008 từ ngày 26/4 đến 02/5/2008 tại Nhà Văn hoá lao động tỉnh Thái Bình. Số lượng gian hàng tại các hội chợ triển lãm tương đối lớn và tăng lên qua các kỳ hội chợ, doanh số bàn hàng khoảng từ 1,5 – 2 tỷ đồng/1 hội chợ, nhiều doanh nghiệp tìm kiếm được bạn hàng, đối tác, ký kết hợp đồng, biên bản ghi nhớ. Thương nhân và doanh nghiệp tham gia hội chợ khá đa dạng, ngoài sự có mặt của các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại Thái Bình, còn có các doanh nghiệp và một số thương nhân của Trung Quốc cũng tham gia hội chợ với các mặt hàng như quần áo, giầy dép, đồ gốm sứ ... Mặt hàng tham gia hội chợ triển lãm phong phú đa dạng, thu hút được sự chú ý của khách đến thăm quan. Lượng khách hàng đến hội chợ khá đông, các hoạt động phụ trợ diễn ra trong thời gian tổ chức hội chợ triển lãm phong phú đa dạng như hội thảo, lớp học, ca nhạc thời trang, chăm sóc khách hàng ... thu hút được sự chú ý, tham gia của khách hàng và của nhân dân. Công tác an ninh, phòng cháy, chữa cháy được đảm bảo an toàn, không có trường hợp cháy nổ xẩy ra tại các kỳ hội chợ triển lãm. Ở Thái Bình nói riêng, trên cả nước nói chung, tình hình khuyến mại đã và đang được chú ý và tăng cường phát triển hơn trước rất nhiều, đặc biệt là từ khi Việt Nam gia nhập WTO thì điều đó càng trở nên hết sức cần thiết. Trên thị trường hiện nay, hai nhóm mặt hàng được đưa ra khuyến mại lớn là hàng may mặc và hàng điện tử-điện lạnh. Theo ghi nhận của phóng viên, đến hầu như tất cả các quầy hàng tại Trung tâm thương mại đều đã đồng loạt giảm giá. Bên cạnh đó, các shop đều trang hoàng đẹp hơn, treo biển “giảm giá” rất nổi bật, bắt mắt. Để thu hút khách hàng, Cty thời trang Phi Hà với hệ thống 10 shop thời trang tại Hà Nội có nhiều chương trình khuyến mại đặc biệt: giảm giá tất cả các mặt hàng từ 30-70% (tại Tràng Tiền Plaza) hoặc tặng phiếu nhận quà trị giá 100.000 đồng tại shop Valentino (tại Vincom Citi Tower). Các mặt hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc, Hồng Công giảm “chóng mặt” tới hơn 50%: sơ-mi nam giảm từ 335.000 đồng/chiếc còn 195.000 đồng/chiếc, áo nỉ giảm từ 495.000 đồng/chiếc còn 195.000 đồng/chiếc. “Việc giảm giá các mặt hàng được coi như một món quà tặng khách mùa Giáng sinh năm nay”- Chị Nông Thị Điệp, nhân viên một shop thời trang tại Tràng Tiền Plaza cho biết. Còn tại Vincom Citi Tower, các quầy hàng thời trang cũng rất sôi động bởi lượng khách tăng đáng kể mặc dù đang là đầu tuần - thời điểm siêu thị ít khách nhất. Để hút khách, Cty May 10 tặng khách một chiếc cà vạt trị giá 60.000 đồng khi mua một áo sơ-mi. Chị Phạm Thị Huệ - Phụ trách shop YISHION, hãng độc quyền phân phối thời trang Hồng Công tại Việt Nam cho biết: Các mặt hàng đều giảm 15% giá bán so với trước đây. Nhóm hàng điện tử - điện lạnh tại Hà Nội lại khuyến mại, giảm giá theo cách không giảm giá bán mà thay vào đó là quà tặng giá trị lớn. Điều này dường như đi ngược lại tâm lý chờ đợi giảm giá các mặt hàng này của người tiêu dùng khi VN gia nhập WTO. Tuy nhiên, giá trị quà tặng rất lớn, tới vài triệu đồng. Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội- hoạt động khuyến mại, giảm giá vốn là biện pháp thường được các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tung ra trong dịp cuối năm nhằm thu hút người tiêu dùng, đồng thời quảng bá, khuếch trương thương hiệu. Nay với việc Việt Nam trở thành thành viên của WTO, chắc chắn trong thời gian tới những hoạt động khuyến mại, giảm giá sẽ rất rầm rộ bằng nhiều hình thức phong phú như thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, theo ông Phú, vấn đề là các cơ quan quản lý phải kiểm soát được hoạt động khuyến mại, giảm giá, tránh tình trạng lợi dụng “chiêu” thức này để cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Mặt khác một số nơi lợi dụng danh nghĩa khuyến mại, giảm giá để tiêu thụ các mặt hàng cũ, hàng tồn và hàng sắp hết hạn sử dụng. Ông Ngô Thanh Tuấn - Phụ trách kinh doanh của Trung tâm mua sắm điện tử Nano - cho rằng, thông qua các chương trình khuyến mại, giảm giá người hưởng lợi không phải chỉ là người tiêu dùng, mà còn là nhà sản xuất nhờ tăng doanh số. Để kích cầu, thu hút người tiêu dùng, Trung tâm đã thường xuyên tổ chức các đợt bán hàng khuyến mại, hàng giảm giá, trong đó có mặt hàng giảm từ 30-50%. Vì vậy trong đợt “đại hạ giá” vừa qua, lượng hàng bán ra của Trung tâm tăng gấp 2 - 3 lần so với ngày thường. Tuy nhiên, theo ông Tuấn các mặt hàng giảm mạnh thường là hàng tồn, hàng lỗi mốt. Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hoàng, cho biết: Việc tổ chức chương trình “Tuần bán hàng khuyến mại” lần đầu tiên tại Hà Nội là mục đích giúp các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá các sản phẩm. Người tiêu dùng có điều kiện mua sắm hàng hóa có chất lượng với giá cả hợp lý hoặc có kèm một số chương trình khuyến mại. Đây còn là thời điểm tốt để khách du lịch nước ngoài và các tỉnh đến tham quan và mua hàng hóa trong dịp này. Tuy nhiên cần phải giám sát chặt chẽ hoạt động này để tránh những trường hợp khuyến mại không trung thực, ảnh hưởng đến lợi ích của người tiêu dùng. “Việc khuyến mại nếu được quản lý chặt chẽ và các doanh nghiệp làm đúng thì đó là điều đáng khuyến khích, vì đó là một cách giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu và thu hút được nhiều khách hàng đối với sản phẩm của mình” - Ông Hoàng nhấn mạnh. Như vậy, hoạt động khuyến mại là một hoạt động có vai trò rất lớn trong kích cầu tiêu dùng, tuy nhiên hoạt động này cần được các cấp có thẩm quyền kiểm soát chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo chất lượng hàng hoá cũng như việc cạnh tranh không lành mạnh, để ổn định thị trường mà doanh thu vẫn tăng. 2. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về các hình thức khuyến mại ở Việt Nam hiện nay: Pháp luật về khuyến mại ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, đặc biệt nổi lên những vấn đề như: việc hiểu và vận dụng các hình thức khuyến mại theo quy định của pháp luật và các quy định về hạn mức tối đa giá trị hàng hóa… Do đó, nhóm em xin đóng góp một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về khuyến mại ở nước ta trong thời gian tới. 2.1. Xem xét hủy bỏ quy định nghĩa vụ nộp 50% giá trị giải thưởng đã công bố vào ngân sách nhà nước trong trường hợp không có người trúng thưởng. Khoản 4 Điều 96 LTM 2005 quy định: Đối với hình thức khuyến mại bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ kèm theo việc tham gia các chương trình mang tính may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua bán hàng hóa, dịch vụ và sự trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ giải thưởng đã công bố, thương nhân phải trích 50% giá trị giải thưởng đã công bố vào ngân sách nhà nước trong trường hợp không có người trúng thưởng. Quy định này không đảm bảo được quyền lợi cho các thương nhân. Bởi số hàng hóa các thương nhân sử dụng cho khuyến mại tương ứng với số lượng hàng hóa cần tiêu thụ. Thương nhân thực hiện hoạt động khuyến mại khi doanh số bán hàng của họ không đạt như mong muốn, như vậy nếu họ còn phải mất chi phí cho việc khuyến mại thì điều này không thực tế. Nhiều vấn đề cũng nảy sinh khi hàng hóa khuyến mại là hiện vật mà việc nộp ngân sách nhà nước lại tính bằng giá trị. Do đó, gây khó khăn cho việc định giá sản phẩm do ảnh hưởng của thị trường vào từng giai đoạn cụ thể. Một đặc điểm cũng phải nói đến ở hình thức khuyến mại này là việc trúng thưởng dựa trên sự may rủi của khách hàng. Do đó, việc một số giải thưởng không có người trúng thưởng cũng là tất yếu. Vì thế, việc hạn chế sự gian lận của thương nhân khi thực hiện hoạt động khuyến mại này theo quy định của pháp luật có lẽ là không thỏa đáng. Thiết nghĩ, để hạn chế sự gian lận của hoạt động khuyến mại này phải bắt đầu từ khi thương nhân nộp đơn đăng ký hoạt động khuyến mại, các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại phải kiểm tra tính trung thực của giải thưởng. Quy định này phần nào chỉ mang tính “chữa cháy” chứ không đủ sức hạn chế hành vi gian lận nếu nó xảy ra trên thực tế. Qua những lợi ích và hạn chế mà điều luật mang lại như đã phân tích, các nhà làm luật nên xem xét bãi bỏ quy định này. 2.2. Cần có quy định để phân biệt hình thức hàng mẫu và hình thức quà tặng: Thực tế việc thực hiện các quy định về hình thức khuyến mại còn gặp nhiều sự nhầm lẫn từ các thương nhân. Cụ thể là hình thức hàng mẫu và quà tặng. Theo Điều 7, Điều 8 Nghị đinh 37/2006/NĐ-CP quy định về hình thức hàng mẫu là: đưa hàng mẫu, cung ứng dịch vụ mẫu để khách hàng dùng thử và không phải trả tiền; hình thức quà tặng là: tặng hàng hóa cho khách hàng, cung ứng dịch vụ không thu tiền. Nếu theo các quy định như trên thì ở cả hai hình thức này, khách hàng đều được sử dụng hàng hóa, dịch vụ mà không phải trả tiền, không phải phụ thuộc vào bất kỳ điều kiện nào. Vì thế các nhà lập pháp cần đưa ra các quy định cụ thể hơn để giúp thương nhân phân biệt rõ hai hình thức này. 2.3. Các quy định về hạn mức tối đa giá trị hàng hóa dùng khuyến mại: Theo LTM 2005 và Nghị định 37/2006/NĐ-CP thì hạn mức tối đa giá trị hàng hóa đối với hình thức khuyến mại “giảm giá” là 50% và hạn mức tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại cũng không được vượt quá 50% tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ trước khuyến mại. Như vậy, nếu vi phạm các quy định này, doanh nghiệp đã vi phạm các quy định về xúc tiến thương mại. Tuy nhiên theo Điều 13, 14 Luật cạnh tranh 2004 thì việc “giảm giá” của thương nhân trong thời gian khuyến mại cũng có thể là “bán hàng hóa, dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh” nếu doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường. Khi các doanh nghiệp vừa có vị trí thống lĩnh thị trường thực hiện hoạt động khuyến mại “giảm giá” với mức giá 50% và dưới giá toàn bộ so với các doanh nghiệp khác sẽ phải chịu sự điều chỉnh của hai văn bản luật khác nhau. Do đó việc đưa ra hạn mức tối đa đã phần nào làm phức tạp, chồng chéo giữa các ngành luật khác nhau gây nên sự khó khăn cho cơ quan quản lý khi muốn xác định và xử lý hành vi vi phạm của thương nhân. Một vấn đề khó khăn cũng tồn tại trên thực tế hiện nay khi thương nhân muốn tuân thủ các quy định về hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ. Do pháp luật không quy định cụ thể nguyên tắc, tiêu chí xác định hạn mức giá trị tối đa dùng để khuyến mại, đặc biệt đối với chương trình khuyến mại của thương nhân kinh doanh và các chương trình có kết hợp nhiều hình thức khuyến mại. 2.4. Một số quy định khác cần bổ sung hoàn thiện: Cần bổ sung thêm các quy định về trách nhiệm của cá nhân thương nhân hoặc người đại diện hợp pháp của thương nhân khi thực hiện các chương trình khuyến mại mang tính may rủi để đảm bảo tính trung thực về giải thưởng và chọn người trúng thưởng. Hiện nay pháp luật về xử lý vi phạm trong hoạt động khuyến mại còn thiếu quy định để xử lý hình sự đối với thương nhân là pháp nhân khi vi phạm pháp luật trong hoạt động khuyến mại. Một vấn đề hiện nay đang diễn ra trên thực tế là chất lượng của hàng hóa dùng cho khuyến mại không được đảm bảo. Trong các văn bản quy định chi tiết về hoạt động khuyến mại chỉ tập trung vào giá hàng hóa thương nhân sử dụng cho hoạt động khuyến mại. Vì vậy, pháp luật cần bổ sung các quy định về chất lượng, chủng loại… của hàng hóa được sử dụng cho khuyến mại nhằm tránh tình trạng lừa khách hàng đang diễn ra ở nhiều nơi như hiện nay. III. KẾT THÚC VẤN ĐỀ: So với luật Thương mại năm 1997, Luật Thương mại hiện hành khi định nghĩa về khuyến mại có bổ sung hai điểm về mục đích của khuyến mại và cách thức khuyến mại thông qua quan hệ dịch vụ. Trước đây, người ta quan niệm hoạt động thương mại chỉ là hoạt động của thương nhân trong việc buôn bán hàng hóa để kiếm lời, vì vậy nói đến thương nhân nguời ta nghĩ ngay đến các nhà buôn. Hoạt động thương mại ngày nay vô cùng quan phong phú, đa dạng, phức tạp. Trong nền kinh tế thị trường, vấn đề khách hàng luôn là vấn đề sống còn của nguời kinh doanh. Nếu hàng hóa, dịch vụ của thương nhân không được khách hàng ưa chuộng, thương nhân đó sẽ khó tồn tại, sẽ bị phá sản vì vậy : “ Khách hàng là thượng đế”, hay “khách hàng luôn đúng” đã trở thành khẩu hiệu kinh doanh của nhiều nhà kinh doanh thành đạt và muốn làm được điều đó - dịch vụ khuyến mại ngày càng được quan tâm hơn.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docTìm hiểu các hình thức khuyến mại và thực tiễn áp dụng_ Đh Luật Hn 2011.doc