Tìm hiểu một số qui định của pháp luật về nhượng quyền thương mại

Nhượng quyền thương mại là loại hình kinh doanh mới du nhập vào Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ trước và cũng chỉ trong những năm gần đây nhượng quyền thương mại mới được bàn đến nhiều trên các trang báo và trong các nghiên cứu của giới kinh doanh cũng như của giới luật gia nước ta. Trong đánh giá chung thì nhượng quyền thương mại được coi là hình thức đầu tư và kinh doanh của tương lai tại Việt Nam bởi những lợi thế của nó như tiết kiệm chi phí nhập cuộc cho những bên nhận quyền, dễ dàng nhân rộng và mở rộng hệ thống phân phối cho bên nhượng quyền Tuy nhiên để hoạt động này phát triển một cách có hiệu quả thì cần có hành lang pháp lí vững chắc và ổn định. Đáp ứng yêu cầu đòi hỏi đó pháp luật Việt Nam đã có một số qui định về vấn đề chuyển nhượng quyền thương mại. Để làm rõ hơn về vấn đề này, em đã lựa chọn đề tài “Tìm hiểu một số qui định của pháp luật về nhượng quyền thương mại”.

doc17 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3296 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tìm hiểu một số qui định của pháp luật về nhượng quyền thương mại, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
A. LỜI MỞ ĐẦU Nhượng quyền thương mại là loại hình kinh doanh mới du nhập vào Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ trước và cũng chỉ trong những năm gần đây nhượng quyền thương mại mới được bàn đến nhiều trên các trang báo và trong các nghiên cứu của giới kinh doanh cũng như của giới luật gia nước ta. Trong đánh giá chung thì nhượng quyền thương mại được coi là hình thức đầu tư và kinh doanh của tương lai tại Việt Nam bởi những lợi thế của nó như tiết kiệm chi phí nhập cuộc cho những bên nhận quyền, dễ dàng nhân rộng và mở rộng hệ thống phân phối cho bên nhượng quyền…Tuy nhiên để hoạt động này phát triển một cách có hiệu quả thì cần có hành lang pháp lí vững chắc và ổn định. Đáp ứng yêu cầu đòi hỏi đó pháp luật Việt Nam đã có một số qui định về vấn đề chuyển nhượng quyền thương mại. Để làm rõ hơn về vấn đề này, em đã lựa chọn đề tài “Tìm hiểu một số qui định của pháp luật về nhượng quyền thương mại”. B. NỘI DUNG I. Tìm hiểu chung về nhượng quyền thương mại 1. Khái niệm nhượng quyền thương mại NQTM, hiểu theo nghĩa chung nhất, là việc một bên (bên nhượng quyền) trao cho bên kia (bên nhận quyền) một số quyền nhất định để đổi lấy một khoản tiền. Tuy nhiên, việc trao quyền này không có nghĩa là bên nhượng quyền trở thành chủ sở hữu của những quyền này, mà chỉ được phép khai thác những quyền này trong một khoảng thời gian xác định mà thôi. Quyền này có thể bao gồm tên thương mại, nhãn hiệu hàng hóa/dịch vụ, phương thức kinh doanh…Bên nhận quyền được khai thác những quyền này dưới sự hướng dẫn và kiểm soát của bên nhượng quyền. Để đổi lại, bên nhận quyền thường phải trả cho bên nhượng quyền tiền phí tham gia hệ thống nhượng quyền ban đầu và tiếp tục trả tiền phí nhượng quyền trong suốt quá trình khai thác quyền thương mại theo hợp đồng. Dưới góc độ pháp lý, trên thế giới đã có nhiều định nghĩa về NQTM được đưa ra. Luật sở hữu công nghiệp của Mêhicô có hiệu lực từ tháng 6/1991 qui định: “Nhượng quyền thương mại tồn tại khi với một li-xăng cấp quyền sử dụng một thương hiệu nhất định, có sự chuyển giao kiến thức công nghệ hoặc hỗ trợ kĩ thuật để một người sản xuất, chế tạo, hoặc bán sản phẩm, hoặc cung cấp dịch vụ đồng bộ với các phương pháp vận hành, các hoạt động thương mại, hoặc hành chính đã được chủ thương hiệu thiết lập, với chất lượng, danh tiếng, hình ảnh của sản phẩm, hoặc dịch vụ đã tạo dựng được dưới thương hiệu đó”. Uỷ ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (Federal Trade Comission – FTC), lại coi NQTM là: “Thoả thuận giữa các bên, theo đó, bên nhượng quyền có trách nhiệm hỗ trợ đáng kể cho bên nhận quyền trong việc điều hành doanh nghiệp và kiểm soát chặt chẽ phương pháp điều hành doanh nghiệp của bên nhận quyền. Đồng thời bên nhượng quyền phải license nhãn hiệu cho bên nhận quyền để phân phối sản phẩm/dịch vụ theo nhãn hiệu hàng hóa của bên nhượng quyền và yêu cầu bên nhận quyền thanh toán một khoản phí tối thiểu”. Tại Điều 284 Luật Thương mại 2005, pháp luật Việt Nam đã lần đầu tiên đưa ra một định nghĩa chính thức về NQTM. Theo đó: “NQTM là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây: 1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền; 2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.” Mặc dù các cách định nghĩa đưa ra có thể không hoàn toàn giống nhau, song tất cả đều gặp nhau ở những dấu hiệu bản chất của NQTM. Đó là: Thứ nhất, đối tượng của NQTM (quyền thương mại, tiếng Anh là franchise) là sự kết hợp các yếu tố bao gồm: tên thương mại, nhãn hiệu hàng hoá/dịch vụ, bí quyết, bí mật kinh doanh, phương thức quản lý…; Thứ hai, các bên trong quan hệ NQTM là các chủ thể độc lập với nhau về tư cách pháp lý; Thứ ba, các bên sẽ cùng nhau khai thác các giá trị thương mại của quyền thương mại, và trong quá trình khai thác chung đó, bên nhượng quyền có sự kiểm soát, hỗ trợ đối với bên nhận quyền và điều này dẫn đến sự thống nhất trong hoạt động kinh doanh của các bên. 2. Đặc điểm của nhượng quyền thương mại - Về chủ thể của NQTM: Chủ thể của quan hệ NQTM bao gồm bên nhượng quyền và bên nhận quyền. Các chủ thể này có thể là cá nhân hoặc pháp nhân, là công dân trong nước hoặc người nước ngoài. Trong thực tế, đa số các bên tham gia quan hệ NQTM là thương nhân. Tuy nhiên, cũng có khi họ không phải là thương nhân, đặc biệt là khi NQTM diễn ra trong các lĩnh vực như nông nghiệp, thủ công và hành nghề tự do (ví dụ: hoạt động của nhà tư vấn về hôn nhân được thực hiện bởi một bên nhận quyền). Có thể có hai bên hoặc nhiều bên tham gia vào quan hệ NQTM. Bên nhượng quyền và bên nhận quyền có tư cách pháp lý độc lập với nhau và tự chịu trách nhiệm đối với những rủi ro trong hoạt động kinh doanh của mình. - Đối tượng của nhượng quyền thương mại là quyền thương mại. Quyền thương mại được hiểu là quyền tiến hành kinh doanh hàng hoá, dịch vụ theo cách thức của bên nhượng quyền quy định, cùng với đó là việc được sử dụng nhãn mác, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo…của bên nhượng quyền. Trong quan hệ nhượng quyền thương mại, nội dung cốt lõi chính là việc bên nhượng quyền cho phép bên nhận quyền được sử dụng quyền thương mại của mình trong kinh doanh. - Giữa Bên nhượng quyền và Bên nhận quyền luôn tồn tại một mối quan hệ hỗ trợ mật thiết. Đây là một đặc điểm giúp chúng ta tìm thấy sự khác biệt của nhượng quyền thương mại với các hoạt động thương mại khác. Trong nhượng quyền thương mại luôn tồn tại mối quan hệ hỗ trợ mật thiết giữa Bên nhượng quyền và Bên nhận quyền, nếu không có điều đó, thì đã thiếu đi một điều kiện tiên quyết để xác định hoạt động đấy có phải là nhượng quyền thương mại hay không. Mục đích và cũng là yêu cầu của nhượng quyền thương mại là việc nhân rộng một mô hình kinh doanh đã được trải nghiệm thành công trên thương trường. Chính vì vậy, đối với nhượng quyền thương mại thì cần phải bảo đảm được tính đồng nhất về các yếu tố liên quan trực tiếp đến quy trình kinh doanh đó như: chất lượng hàng hoá, dịch vụ; phương thức phục vụ; cách thức bài trí cơ sở kinh doanh (từ hình ảnh bên ngoài cho đến khu vực bên trong của cơ sở); việc sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, biểu tượng kinh doanh, tên thương mại của Bên nhượng quyền; hoạt động quảng bá, khuyến mại; đồng phục của nhân viên; các ấn phẩm của cơ sở kinh doanh…Tính đồng nhất trong các mắt xích của một hệ thống nhượng quyền thương mại chỉ có thể được bảo đảm khi giữa Bên nhượng quyền và Bên nhận quyền luôn duy trì mối quan hệ mật thiết với nhau trong suốt thời gian tồn tại quan hệ nhượng quyền thương mại. Tính mật thiết của mối quan hệ giữa Bên nhượng quyền và Bên nhận quyền thể hiện từ ngay sau khi các bên hình thành nên quan hệ nhượng quyền thương mại. Kể từ thời điểm đó, Bên nhượng quyền phải tiến hành việc cung cấp tài liệu, đào tạo nhân viên của Bên nhận quyền. Không chỉ vậy, mà cùng với sự lớn mạnh và phát triển theo thời gian của hệ thống, Bên nhượng quyền phải thường xuyên trợ giúp kỹ thuật, đào tạo nhân viên của Bên nhận quyền đối với những ứng dụng mới áp dụng chung cho cả hệ thống. - Luôn có sự kiểm soát của Bên nhượng quyền đối với việc điều hành công việc của Bên nhận quyền. Quyền kiểm soát của Bên nhượng quyền đối với việc điều hành hoạt động kinh doanh của Bên nhận quyền được pháp luật đa số các quốc gia trên thế giới thừa nhận. Theo đó, Bên nhượng quyền có thể định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra việc thực hiện các quyền thương mại của Bên nhận quyền. Sự hỗ trợ của Bên nhượng quyền đối với Bên nhận quyền như đã nói ở trên sẽ trở nên vô nghĩa và thiếu đi tính thực tế nếu như Bên nhượng quyền không có quyền năng kiểm soát hoạt động điều hành kinh doanh của Bên nhận quyền. Quyền năng này của Bên nhượng quyền đã thực sự tạo nên chất kết dính quan trọng trong việc xây dựng tính thống nhất của hệ thống nhượng quyền thương mại và sự ổn định về chất lượng hàng hoá và dịch vụ. II. Những vấn đề pháp lí cơ bản về nhượng quyền thương mại 1. Quy định về hợp đồng nhượng quyền thương mại Bên cạnh những quy định thông thường của một hợp đồng, hợp đồng NQTM còn có các quy định khác thể hiện đặc trưng của hoạt động NQTM. Đó là các quy định về đối tượng hợp đồng (quyền thương mại), hình thức hợp đồng, nội dung hợp đồng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, và các quy định khác (như thời hạn hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, thời gian suy nghĩ lại, chuyển giao quyền thương mại, …). Do đặc trưng của hoạt động NQTM thể hiện mối quan hệ chặt chẽ với vấn đề sở hữu trí tuệ và cạnh tranh, nên các quy định về hợp đồng NQTM được đặt trong mối quan hệ với pháp luật về sở hữu trí tuệ và pháp luật cạnh tranh. Theo các Điều 5, 6 và 7 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP, chủ thể tham gia hợp đồng NQTM bao gồm bên nhượng quyền và bên nhận quyền. Để có thể tham gia quan hệ NQTM cả hai bên phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định. Về hình thức hợp đồng, theo quy định tại Điều 285 Luật Thương mại, hợp đồng NQTM phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương, bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Việc quy định như vậy đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng của hợp đồng NQTM, tạo căn cứ vững chắc cho các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, và tạo thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp. Quy định về nội dung hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, theo quy định tại các Điều 286, 287, 288, 289 Luật Thương mại 2005, các bên sẽ có những quyền và nghĩa vụ cơ bản sau: Bên nhượng quyền có ba quyền cơ bản là: thứ nhất, nhận tiền nhượng quyền; thứ hai, tổ chức quảng cáo cho hệ thống NQTM; thứ ba, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất hoạt động của bên nhận quyền nhằm bảo đảm sự thống nhất của hệ thống NQTM và sự ổn định về chất lượng hàng hoá/dịch vụ. Đi đôi với quyền, bên nhượng quyền cũng có những nghĩa vụ nhất định. Đó là: thứ nhất, cung cấp tài liệu hướng dẫn về hệ thống NQTM cho bên nhận quyền; thứ hai, đào tạo ban đầu và cung cấp trợ giúp kỹ thuật thường xuyên cho bên nhận quyền để điều hành hoạt động theo đúng hệ thống NQTM; thứ ba, thiết kế và sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ bằng chi phí của bên nhận quyền; thứ tư, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ đối với đối tượng được ghi trong hợp đồng NQTM; thứ năm, đối xử bình đẳng với các bên nhận quyền trong hệ thống NQTM. Bên nhận quyền có quyền: thứ nhất, yêu cầu bên nhượng quyền cung cấp đầy đủ sự trợ giúp kỹ thuật có liên quan đến hệ thống NQTM; thứ hai, yêu cầu bên nhượng quyền đối xử bình đẳng giữa các bên nhận quyền trong hệ thống NQTM. Bên cạnh đó cũng phải chịu nhiều ràng buộc từ phía bên nhượng quyền và các nghĩa vụ đặt ra đối với bên nhận quyền cũng nhiều hơn, bao gồm: thứ nhất, trả tiền nhượng quyền và các khoản thanh toán khác theo hợp đồng NQTM; thứ hai, đầu tư đủ cơ sở vật chất, nguồn tài chính và nhân lực để tiếp nhận các quyền mà bên nhượng quyền chuyển giao; thứ ba, chấp nhận sự kiểm soát, giám sát và hướng dẫn của bên nhượng quyền, tuân thủ các yêu cầu về thiết kế, sắp xếp địa điểm bán hàng, cung ứng dịch vụ của bên nhượng quyền; thứ tư, giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền, kể cả sau khi hợp đồng NQTM kết thúc hoặc chấm dứt; thứ năm, ngừng sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh và các quyền sở hữu trí tuệ khác (nếu có) hoặc hệ thống của bên nhượng quyền khi kết thúc hoặc chấm dứt hợp đồng NQTM; thứ sáu, điều hành hoạt động phù hợp với hệ thống NQTM; thứ bảy, không được nhượng quyền lại trong trường hợp không có sự chấp thuận của bên nhượng quyền. Nhìn chung, các quy định của pháp luật Việt Nam về quyền và nghĩa vụ cơ bản của các bên trong hợp đồng NQTM là tương đồng với quy định của pháp luật các nước. Theo khoản 2 Điều 13 và Điều 16 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP quy định những điều kiện để bên nhượng quyền và bên nhận quyền được đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn các bên chỉ được phép chấm dứt khi có những lý do chính đáng, đồng thời cho phép bên nhận quyền được sửa chữa những sai phạm khi vi phạm nghĩa vụ không cơ bản trong hợp đồng. Các quy định này đã tương đối bao quát các trường hợp có thể xảy ra, nhằm đảm bảo quyền và lợi chính đáng cho các bên khi tham gia hợp đồng NQTM. Mặt khác, theo quy định tại Khoản 4 Điều 289 Luật Thương mại, sự ràng buộc giữa bên nhượng quyền và bên nhận quyền vẫn tiếp tục ngay cả sau khi hợp đồng đã chấm dứt. Theo đó, bên nhận quyền phải giữ bí mật về bí quyết kinh doanh đã được nhượng quyền sau khi hợp đồng nhượng quyền thương mại kết thúc hoặc chấm dứt. Khi tham gia vào hợp đồng nhượng quyền thương mại, bên nhượng quyền phải chuyển giao cho bên nhận quyền công nghệ, bí quyết kinh doanh, là điều kiện tiên quyết để làm nên thành công cho bên nhượng quyền. Khi hợp đồng NQTM kết thúc, công việc kinh doanh của bên nhượng quyền có thể gặp rủi ro nếu có một bên không có lợi ích liên quan (bên nhận quyền cũ) biết được bí quyết kinh doanh của mình. Do đó, đây là quy định cần thiết để bảo vệ lợi ích chính đáng cho bên nhượng quyền, đem lại sự an tâm cho bên nhượng quyền khi tham gia vào hoạt động NQTM. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam mới chỉ dừng lại ở những quy định mang tính chất khung, định hướng cho các bên. Việc xác định cụ thể và thực hiện các quyền và nghĩa vụ này như thế nào là tùy thuộc vào sự thoả thuận của các bên trong hợp đồng. Trên thực tế, cách hiểu về việc thực hiện như thế nào cho đúng nghĩa vụ của các bên rất dễ dẫn đến bất đồng và làm nảy sinh tranh chấp, hoặc cũng có thể dẫn đến việc không đảm bảo được quyền và lợi ích chính đáng của các bên. 2. Quy định về việc cung cấp thông tin về hệ thống nhượng quyền thương mại Quy định của pháp luật Việt Nam về việc cung cấp thông tin về hệ thống NQTM, về cơ bản là tương đồng với pháp luật các nước, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế (Luật mẫu về thông tin NQTM năm 2002 của UNIDROIT). Theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP, ít nhất 15 ngày làm việc trước khi ký kết hợp đồng, bên nhượng quyền có trách nhiệm cung cấp bản sao hợp đồng NQTM mẫu và bản giới thiệu về NQTM của mình cho bên dự kiến nhận quyền, nếu các bên không có thoả thuận khác. Đây là thời gian phù hợp để bên dự kiến nhận quyền có thể xem xét và cân nhắc về việc có tham gia vào hệ thống nhượng quyền hay không. Nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên nhượng quyền còn được đặt ra sau khi hợp đồng đã được ký kết, trong suốt quá trình kinh doanh, nếu như bên nhượng quyền có những thay đổi quan trọng trong hệ thống NQTM mà có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh theo phương thức NQTM của bên nhận quyền. Nội dung bản giới thiệu về NQTM rất quan trọng đối với bên dự kiến nhận quyền trong việc đi đến quyết định có tham gia vào hệ thống NQTM của bên nhượng quyền hay không. Chính vì thế mà nội dung này được pháp luật quan tâm điều chỉnh và được quy định khá chi tiết trong thông tư 09/2006/TT-BTM, Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 35/2006/NĐ-CP bổ sung thêm nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên nhượng quyền thứ cấp cho bên dự kiến nhận quyền thứ cấp trong trường hợp quyền thương mại đã cấp là quyền thương mại chung. Theo đó, ngoài những thông tin trên, bên nhượng quyền thứ cấp còn phải cung cấp thêm thông tin về bên nhượng quyền đã cấp quyền thương mại cho mình; nội dung của hợp đồng nhượng quyền thương mại chung; và cách xử lý các hợp đồng nhượng quyền thương mại thứ cấp trong trường hợp chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại chung. Các quy định của pháp luật Việt Nam về thông tin NQTM có thể được coi là một công cụ để tạo ra một môi trường pháp luật an toàn cho tất cả các bên tham gia hợp đồng NQTM, và cho mối quan hệ giữa họ với các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên vẫn còn một số điểm hạn chế như chưa qui định cụ thể về nội dung thông tin cần cung cấp. Dẫn đến việc cần phải cung cấp những nội dung gì, mức độ cụ thể đến đâu thì không có đáp án chính xác. Điều này có thể sẽ dẫn đến khó khăn cho các bên tham gia khi thực hiện. Thêm vào đó các qui định về thông tin cần cung cấp dường như chưa nhằm mục đích quảng cáo cho bên nhượng quyền mà chủ yếu nhằm phục vụ mục đích thống kê, quản lý nhà nước. 3. Quy định về đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại Trước khi tiến hành hoạt động NQTM, bên nhượng quyền phải đăng ký hoạt động này với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thông qua những thông tin đăng ký, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ quyết định doanh nghiệp có đủ khả năng để hoạt động NQTM hay không. Nghị định số 35/2006/NĐ-CP và Thông tư số 09/2006/TT-BTM quy định cụ thể về hồ sơ đăng ký, thủ tục tiếp nhận hồ sơ, thời hạn trả lời của cơ quan tiến hành đăng ký, thủ tục tiến hành đăng ký vào Sổ đăng ký hoạt động NQTM, thủ tục đăng ký lại khi thương nhân chuyển địa chỉ trụ sở chính sang tỉnh khác, thủ tục thay đổi thông tin đăng ký trong hoạt động NQTM, thủ tục xoá đăng ký hoạt động NQTM. Nhìn chung, những quy định của pháp luật về thủ tục đăng ký hoạt động NQTM là tương đối đơn giản và minh bạch theo hướng đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các thương nhân, nhưng vẫn đảm bảo sự quản lý của Nhà nước đối với hoạt động này. Hạn chế của qui định này là chưa đề cập đến các trường hợp hợp NQTM từ Khu chế xuất, Khu phi thuế quan,… ra nước ngoài và ngược lại phải đăng ký tại cơ quan nào và chưa có quy định chính thức về mức lệ phí phải nộp khi đăng ký hoạt động NQTM. Những thiếu sót nêu trên sẽ dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp khi muốn tiến hành đăng ký, đồng thời gây vướng mắc trong quản lý nhà nước về hoạt động này. 4. Quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động nhượng quyền thương mại Pháp luật Việt Nam đã quy định những hành vi bị coi là vi phạm pháp luật hành chính trong hoạt động nhượng quyền thương mại và chế tài xử lý đối với chúng, nhằm đảm bảo một môi trường lành mạnh cho hoạt động nhượng quyền thương mại phát triển. Cụ thể nghị định số 35/2006/NĐ-CP quy định các hành vi vi phạm pháp luật hành chính trong hoạt động NQTM của cả bên nhượng quyền và bên nhận quyền, bao gồm: kinh doanh NQTM khi chưa đủ điều kiện quy định; NQTM đối với những hàng hoá, dịch vụ cấm kinh doanh; vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin trong hoạt động NQTM; thông tin trong bản giới thiệu về NQTM có nội dung không trung thực; vi phạm quy định về đăng ký hoạt động NQTM; vi phạm quy định về thông báo trong hoạt động NQTM; không nộp thuế theo quy định của pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; không chấp hành các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi tiến hành kiểm tra, thanh tra; vi phạm các quy định khác của Nghị định số 35/2006/NĐ-CP. Tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm, chế tài áp dụng có thể bao gồm xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính, phải bồi thường thiệt hại nếu hành vi vi phạm gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác. Nhưng các qui định này vẫn có hạn chế là chỉ mang tính nguyên tắc, chưa đủ cụ thể để áp dụng trong thực tiễn Như vậy, pháp luật điều chỉnh hoạt động NQTM mới chỉ hình thành và đang phát triển ở bước đầu. Những quy định còn ở mức mang tính chất khung, và còn nhiều vấn đề chưa được đề cập tới. Những hạn chế của pháp luật làm thị trường Việt Nam giảm đi sự hấp dẫn, dù rất nhiều tiềm năng. Trong thời gian tới, cần tiếp tục có những sửa đổi và hoàn thiện pháp luật, để tạo thuận lợi cho hoạt động NQTM phát triển và đem lại lợi ích cho nền kinh tế. III. Hướng hoàn thiện các qui định về nhượng quyền thương mại 1. Cần có những quy định pháp luật cụ thể hơn, chi tiết hơn để điều chỉnh hoạt động nhượng quyền thương mại NQTM là một hoạt động có tính chất rất phức tạp và dễ phát sinh tranh chấp. Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đây là một hoạt động còn khá mới mẻ, các doanh nghiệp còn thiếu nhiều kinh nghiệm, nên việc tiến hành hoạt động này càng gặp nhiều khó khăn và dễ nảy sinh tranh chấp hơn. Thực tế cho thấy ở những nước mà hoạt động NQTM phát triển thì đi kèm theo đó là hệ thống pháp luật quy định đầy đủ, chi tiết về hoạt động này. Do đó, các quy định của pháp luật về NQTM của Việt Nam không nên chỉ dừng lại ở mức độ các quy định khung. Cần phải tiếp tục bổ sung, quy định cụ thể và làm rõ hơn nữa một số vấn đề cần thiết, để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các doanh nghiệp khi tiến hành kinh doanh NQTM một cách thuận lợi và tránh những rủi ro không đáng có. 2. Phải giải quyết được mối quan hệ giữa nhượng quyền thương mại và cạnh tranh bằng một văn bản pháp luật riêng Hiện nay, hệ thống pháp luật Việt Nam đã có các văn bản pháp luật điều chỉnh hoạt động NQTM, hoạt động chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và hoạt động cạnh tranh. Tuy nhiên, việc áp dụng phối hợp các văn bản này không phải lúc nào cũng thực hiện được trong thực tiễn. Về nguyên tắc, Luật Cạnh tranh có thể hỗ trợ điều chỉnh hoạt động NQTM. Những quy định về vấn đề hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh mang tính định tính như: thỏa thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ; thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh... luôn đúng với tất cả mọi ngành kinh tế. Nhưng khi bắt đầu đi vào lĩnh vực NQTM, do đây là một hoạt động phức tạp với nhiều đặc thù riêng, việc áp dụng lại trở nên khó khăn. 3. Cần tiếp tục hoàn thiện các quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên nhượng quyền Thứ nhất, cần có văn bản hướng dẫn cụ thể những nội dung cần cung cấp trong Bản giới thiệu về nhượng quyền thương mại. Việc miêu tả cụ thể các thông tin cần cung cấp là cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng. Các quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin của bên nhượng quyền phải đủ cụ thể, chi tiết để bên dự kiến nhận quyền có thể đánh giá hệ thống nhượng quyền. Mặt khác, các quy định này cũng phải đảm bảo không can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của bên nhượng quyền, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của bên nhượng quyền. Thứ hai, khi quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin về hệ thống NQTM, cần quan tâm hơn đến yếu tố quảng bá cho bên nhượng quyền. Mặt khác, phải cân đối giữa mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài và mục tiêu bảo vệ bên nhận quyền - thường là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. 4. Cần bổ sung thêm một số trường hợp chấm dứt hợp đồng nhượng quyền thương mại trước thời hạn và quy định rõ hơn sự ràng buộc giữa các bên sau khi hợp đồng chấm dứt Cần tiếp tục hoàn chỉnh các quy định về chấm dứt hợp đồng NQTM trước thời hạn, đảm bảo bao quát được tất cả những trường hợp có thể xảy ra. Ví dụ, trường hợp bên nhượng quyền là cá nhân chết mà không có người thừa kế, bên nhượng quyền là tổ chức bị phá sản, giải thể theo quy định của pháp luật… Đây là những trường hợp có thể xảy ra mà pháp luật chưa đề cập đến. Đồng thời với việc bổ sung này, pháp luật cũng cần phải giải quyết hậu quả pháp lý sau khi hợp đồng chấm dứt sao cho có lợi nhất đối với cả các bên và nền kinh tế. 5. Cần quy định về xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động nhượng quyền thương mại cụ thể hơn, để có thể áp dụng được trong thực tiễn Cần quy định rõ các chế tài trong các văn bản pháp luật. Nếu có riêng một văn bản pháp luật về NQTM, ví dụ Luật về NQTM, thì phải quy định rõ các chế tài dân sự, hành chính, hình sự. Cách thiết kế này tương tự như kỹ thuật lập pháp trong việc xây dựng Luật Sở hữu trí tuệ (2005) và các văn bản hướng dẫn thi hành. C. KẾT LUẬN NQTM là một hoạt động phức tạp, có liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau. Pháp luật nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã có sự quan tâm điều chỉnh hoạt động NQTM. Các vấn đề về NQTM được điều chỉnh khá toàn diện, những quy định này đã tạo một môi trường pháp lý cho hoạt động NQTM phát triển, đảm bảo quyền, lợi ích của các bên và sự ổn định của nền kinh tế. Tuy nhiên đây mới chỉ là những qui định bước đầu, trong thời gian tới khi hoạt động NQTM diễn ra ngày càng nhộn nhịp sẽ nảy sinh càng nhiều vấn đề hơn. Khi đó một yêu cầu đặt ra là các qui định của pháp luật cần phải được bổ sung, thay đổi để thích ứng được với điền kiện thực tế. Qua việc nghiên cứu vấn đề này cộng với việc tiếp thu chọn lọc kinh nghiệm pháp luật của các nước trên thế giới, các kiến nghị được đưa ra nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật về NQTM. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Giáo trình thương mại Trường đại học Luật Hà Nội Luật thương mại năm 2005 Nghị định 35/2006/NĐ-CP Thông tư 09/2006/TT_BTM Pháp luật về hợp đồng trong thương mại và đầu tư những vấn đề pháp lí cơ bản, TS. Nguyễn Thị Dung chủ biên Nhượng quyền thương mại – Bản chất và mối quan hệ với hoạt động chuyển giao công nghệ, hoạt động li-xăng, Nguyễn Bá Đình, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp – Văn phòng quốc hội số 2/2006

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docTìm hiểu một số qui định của pháp luật về nhượng quyền thương mại.doc
Luận văn liên quan