MỤC LỤC
LỜI CẢM ƠN2
MỤC LỤC3
CHƯƠNG 1: GIỚI THIỆU MULTICAST. 5
1.1. Giới Thiệu. 5
1.2. Multicast trên các lớp. 5
1.3. Địa chỉ Multicast6
1.4. IGMP. 8
1.5. Cây Phân Phối13
1.5.1 Source Tree. 13
1.5.2 Shared Tree. 14
CHƯƠNG 2: CÁC GIẢI THUẬT ĐỊNH TUYẾN MULTICAST. 16
2.1. Giải thuật Flooding. 16
2.2. Spanning Tree. 17
2.3. Reverse Path Forwarding. 17
2.4. Giải thuật Reverse Path Broadcasting (RPB)18
2.5. Reverse Path Multicast (RPM)19
2.6. Steiner Tree. 21
2.7. Core Based Tree. 21
2.8. Multicast Backbone. 22
CHƯƠNG 3: CÁC GIAO THỨC ĐỊNH TUYẾN23
3.1. Giao thức PIM . 23
3.1.1. PIM Dense Mode. 23
3.1.2. PIM Sparse Mode. 25
3.2. DVMRP. 26
3.3. Giao thức MOSPF. 28
3.3.1 Định tuyến nội miền. 29
3.3.2 Định tuyến liên vùng. 30
3.3.3 Định tuyến liên miền. 31
CHƯƠNG 4: MULTICAST TRÊN IPV6. 33
4.1 Địa chỉ Multicast IPv6. 33
4.2 Ánh xạ IPv6 Multicast đến địa chỉ Ethernet MAC34
CHƯƠNG 5: GIỚI THIỆU ỨNG DỤNG MULTITST. 36
CHƯƠNG 6: KẾT LUẬN VÀ HƯỚNG PHÁT TRIỂN39
6.1 Kết luận. 39
6.2 Hướng phát triển. 39
PHỤ LỤC40
Chú Giải Thuật Ngữ. 40
Tài Liệu Tham Khảo. 40
40 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 5502 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tìm hiểu Multitst, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KỸ THUẬT CÔNG NGHỆ
KHOA CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
MẠNG MÁY TÍNH
ĐỒ ÁN CƠ SỞ
TÌM HIỂU MULTICAST
Giáo viên hướng dẫn: Dương Thiên Tứ
Sinh viên thực hiện: Võ Chinh Phục
MSSV: 105102121
TP. HỒ CHÍ MINH
Năm 2008
LỜI CẢM ƠN
Em xin cảm ơn Khoa Công Nghệ Thông Tin trường Đại Học Kỹ Thuật Công Nghệ đã tạo điều kiện cho em thực hiện đồ án cơ sở này.
Em xin chân thành cảm ơn thầy Dương Thiên Tứ đã tận tình hướng dẫn, chỉ bảo em trong suốt thời gian thực hiện đồ án.
MỤC LỤC
Chương 1
GIỚI THIỆU MULTICAST
1.1. Giới Thiệu
IP Multicast là giao thức dùng để truyền gói tin IP từ một nguồn đến nhiều đích khác nhau trong mạng LAN hay WAN. Nhóm những thành viên muốn nhận thông tin này thì phải tham gia vào một nhóm Multicast. Với IP Multicast, ứng dụng gửi một bản sao của thông tin đến một nhóm. Thông tin này đến tất cả những người nào muốn nhận nó.
Kĩ thuật Multicast đánh địa chỉ các gói là địa chỉ nhóm thay vì địa chỉ của từng người nhận; Các gói tin này phụ thuộc vào các mạng chuyển tiếp để chuyển đến mạng cần nhận nó. Multicast là kĩ thuật đẩy thông tin, trong đó một máy chủ sẽ gửi dữ liệu đến người sử dụng mà không cần người sử dụng phải yêu cầu trước.
Chuẩn IP Multicast hỗ trợ hàng ngàn người có thể nhận thông tin đồng thời mà không ảnh hưởng đến băng thông chung. Thêm vào đó, giao thức định tuyến IP multicast cung cấp một phương thức truyền hiệu quả cho dữ liệu từ một nguồn đi qua các mạng khác nhau và không đồng nhất như là Internet. Nếu các thiết bị mạng hỗ trợ Multicast, chỉ cần gửi một gói tin duy nhất vào mạng cho nhiều người nhận.
1.2. Multicast trên các lớp
Multicast có thể được cài đặt trên cả hai lớp data-link và network. Tại lớp data-link các giao thức Ethernet, FDDI, và token ring hỗ trợ địa chỉ Multicast trong các trường mở rộng. Multicast tại lớp data-link chỉ được giới hạn trong các ứng ụng tại một mạng LAN.
Tuy nhiên, multicast cũng có thể được sử dụng tại lớp network nếu các ứng dụng multicast mở rộng ra khỏi mạng LAN hoặc phát triển trên nền Internet bao gồm các môi trường truyền khác nhau và các cấu trúc mạng khác nhau. Multicast được thực hiện ở lớp này bởi vì các lí do sau:
- Quá trình chuyển đổi địa chỉ tại ISO/OSI Layer 3-to-Layer 2
- Một máy tính thuộc một nhóm có thể đăng kí với router để chuyển tiếp thông tin nhóm đến nó.RFC 1112 định nghĩa IGMP. IGMP chỉ rõ phương thức mà một nút mạng thông báo cho mạng biết nó là thành viên của một nhóm multicast.
Multicast còn được hỗ trợ trong quá trình định tuyến thông qua liên lạc giữa các router với nhau. Có một số chuẩn cho việc truyền multicast như sau:
- RFC 1075 định nghĩa Distance Vector Multicast Routing Protocol (DVMRP)
- RFC 1584 định nghĩa giao thức Multicast Open Shortest Path First (MOSPF), một sự mở rộng của OSPF và hỗ trợ IP Multicast.
- RFC 2117 định nghĩa giao thức Protocol Independent Multicast-Sparse Mode (PIM-SM).
1.3. Địa chỉ Multicast
Một địa chỉ multicast cho phép truyền các gói tin tới một tập hợp các thành viên của cùng một nhóm. Một địa chỉ multicast định danh một nhóm các máy hoặc giao tiếp mạng đại diện cho một nhóm là một địa chỉ lớp D.
Trong gói tin multicast địa chỉ đích đến trong trường địa chỉ của gói tin IP luôn là địa chỉ lớp D và có giá trị trong khoảng 224.0.0.0 – 239.255.255.255
Trong lớp này 256 địa chỉ đầu tiên được dùng cho mục đích quản lí và các thành phần cấp thấp trong thao tác. Khoảng địa chỉ giữa được sử dụng cho các ứng dụng multicast trong nhóm, intranet hoặc Internet.Khoảng trên của lớp D được sử dụng cho các các thao tác quản lí cục bộ hoặc các ứng dụng multicast đặc biệt.
Khi một router trong một subnet nhận được một gói tin multicast lớp 3, nó có thể ánh xạ một địa chỉ IP multicast này thành một địa chỉ multicast lớp 2, có thể là một địa chỉ Ethernet MAC. Tại nơi nhận thiết bị giao tiếp mạng có thể dễ dàng đọc địa chi lớp 2 này bằng phần cứng. Nếu địa chỉ nhận được là địa chỉ Multicast thì gói tin sẽ được chuyển tiếp lên lớp trên.
Ánh xạ IP Multicast đến địa chỉ Ethernet MAC
Khối địa chỉ Ethernet MAC bắt đầu với địa chỉ 01:00:5E dạng thập lục phân. Trong khoảng từ 0100.5e00.0000 đến 0100.5e7f.ffff là địa chỉ dành cho IP Multicast.
Quá trình chuyển đổi địa chỉ từ IP qua địa chỉ lớp 2 xảy ra bằng cách ánh xạ trực tiếp địa chỉ IP tới địa chỉ MAC Ehernet, lấy 23 bit trọng số thấp trong địa chỉ IP chuyển thành 23 bit có trọng số thấp trong địa chỉ Ethernet.
Bởi vì có 5 bit của địa chỉ IP bị mất trong quá trình ánh xạ, do đó địa chỉ nhận được không phải là duy nhất. Trong thực tế, 32 nhóm địa chỉ IP được ánh xạ vào cùng một địa chỉ Ethernet.
Địa chỉ 224.1.1.1 và 225.1.1.1 cùng ánh xạ vào địa chỉ MAC. Nếu một máy đăng ký vào nhóm A (224.1.1.1) và một máy khác đăng ký vào nhóm B (225.1.1.1), thì chúng sẽ nhận được cả hai thông điệp từ A và B. Trong trường hợp này tính hiệu quả của multicast bị giới hạn.
Quá trình định tuyến
Gửi thông tin chỉ cần một lần duy nhất tới nhiều người có thể tiết kiệm rất nhiều băng thông. Các thông điệp chỉ được nhân bản khi đi qua các router, và chỉ xảy ra khi router đó là router chuyển tiếp thay router có chứa nhóm cần gửi.
Các router có khả năng multicast chỉ chuyển tiếp các gói tin multicast khi mà có các máy thuộc nhóm multicast nằm trong mạng của nó. Các máy sử dụng giao thức IGMP để thông báo cho router biết các nhóm multicast nào mà nó tham gia. Nếu các thành viên của nhóm trong cùng một phân đoạn mạng đều rời khỏi nhóm đó thì router sẽ không chuyển tiếp các gói tin đến phân đoạn mạng này nữa.
Router chỉ nhân bản gói tin IP multicast khi có quá trình rẽ nhánh trong đường đi, còn lại các trường hợp khác router chỉ gửi một gói tin duy nhất cho mỗi mạng.
Các giao thức định tuyến cho multicast như: DVMRP, MOSPF, và PIM.
1.4. IGMP
Làm thế nào một router biết được các máy cần nghe multicast traffic? Để nhận multicast traffic từ một nguồn, cả nguồn và các máy nhận đầu tiên phải gia nhập (join) vào một nhóm multicast. Nhóm này được xác định thông qua địa chỉ multicast. Một host có thể tham gia vào một nhóm multicast bằng cách gửi các yêu cầu đến router gần nhất. Tác vụ này được thực hiện thông qua giao thức IGMP (Internet Group Management Protocol).
- IGMPv1 được định nghĩa trong RFC1112
- IGMPv2 được định nghĩa trong RFC2236.
i. IGMPv1
Khuôn dạng thông điệp
- Version: Xác định phiên bản của IGMP được gán bằng 1.
- Type: Loại thông điệp, trong IGMPv1 thì có 2 loại thông điệp được sử dụng giữa host và router:
Membership Report: Thông điệp đăng ký tham gia vào nhóm multicast được gởi từ host đến router.
Membership Query: Thông điệp truy vấn được gởi từ router đến các host để kiểm tra xem các host có muốn nhận multicast traffic hay không.
- Checksum: Trường này gồm 16 bit, và chứa tổng số bit của thông điệp.
- Group Address: Trường này chứa địa chỉ nhóm multicast khi thông điệp Membership Report được gởi, bằng không khi dùng trong thông điệp Membership Query.
Quá trình Query-Response
IGMP sử dụng mô hình truy vấn – trả lời (Query - Response) cho phép các router multicast xác định nhóm multicast hoạt động (có host tham gia vào nhóm multicast) trên nhánh mạng.
Trong mô hình này, Host H1, H2 đăng ký vào nhóm multicast 224.1.1.1, host H3 đăng ký vào nhóm multicast 224.2.2.2 . Router A là IGMPv1 Querier và chức năng của nó là gởi thông điệp Membership Query đến tất cả các host trong nhánh mạng. Router B chỉ lắng nghe và ghi nhận việc trả lời từ các host.
1. Cứ mỗi 60 giây, Router A gởi thông điệp Membership Query đến tất cả các host trên nhánh mạng.
2. Tất cả router sẽ nhận được thông điệp này, và các host(H2) đã đăng ký vào nhóm multicast phải trả lời lại bằng thông điệp Membership Report, thông báo cho router biết rằng trên nhánh mạng có host muốn nhận gói tin từ nhóm 224.1.1.1.
3. Host H1 cũng lắng nghe đến nhóm 224.1.1.1, do đó nó biết được H2 đã gởi thông điệp Membership Report đến router, và hủy(suppress) thông điệp của nó. Cơ chế này (Report Suppression) làm giảm được lưu lượng trên nhánh mạng.
4. Host H3 cũng nhận được thông điệp Membership Query và nó cũng trả lời lại thông điệp Membership Report đến nhóm mà nó đã đăng ký 224.2.2.2.
Kết quả của quá trình Query-Response là Router A biết được các máy muốn nhận gói tin từ nhóm 224.1.1.1 và 224.2.2.2 trên nhánh mạng. Ngoài ra, Router B cũng lắng nghe được trên toàn bộ quá trình và cũng biết các thông tin như router A.
Cơ chế Report Suppression
Cơ chế giúp giảm số lưu lượng IGMP trên một nhánh mạng đến mức tối thiểu.
- Khi một host nhận thông điệp Membership Query, host bắt đầu đếm ngược thời gian trả lời (report-timer) đối với nhóm multicast mà nó tham gia vào. Mỗi report-timer được khởi tạo ngẫu nhiên từ 0 đến thời gian trả lời tối đa. Mặc định là 10 giây.
- Sau thời gian đó, host gởi thông điệp Membership Report kết hợp với report-timer đến nhóm multicast.
- Nếu host nghe một host khác gởi thông điệp Membership Report, thì nó hủy thông điệp Membership Report và report – timer. Bằng cách đó, triệt tiêu được việc gởi thông điệp đến nhóm multicast.
IGMPv1 Querier
Nếu tất cả router trên một nhánh mạng đều gởi thông điệp Membership Query thì gây ra lãng phí băng thông mạng. Do đó cần phải có 1 router là IGMPv1 Querier. IGMPv1 dựa trên các giao thức định tuyến (PIM, DVMRP, …) để chỉ định 1 router (Designated Router) cho nhánh mạng.
Các host có thể gởi một hay nhiều thông điệp Membership Report (unsolicited report) tham gia vào các nhóm multicast ở bất kỳ thời điểm nào mà không cần phải chờ thông điệp Membership Query kế tiếp từ router.
IGMPv1 không có cơ chế để cho phép một host rời khỏi một nhóm, khi host đó không còn quan tâm đến nội dung của nhóm multicast đó. Thay vào đó, router sẽ kết luận là một cổng giao tiếp của nó không còn thuộc về một nhóm multicast, nếu router không nhận được Membership Report trong ba chu kỳ truy vấn liên tiếp. Điều này có nghĩa là, ở chế độ mặc định, các multicast traffic vẫn gửi vào một phân đoạn mạng trong ba chu kỳ truy vấn liên tiếp sau khi tất cả các thành viên của nhóm không còn lắng nghe multicast traffic nữa.
Ngoài ra, do cơ chế Report Suppression nên các router không giữ một danh sách đầy đủ các host thành viên cho từng nhóm multicast. Thay vào đó, nó cần phải lưu những nhóm multicast nào đang tồn tại trên những cổng của nó.
ii. IGMPv2
Khuôn dạng thông điệp
- Type: Trong IGMPv2 có 4 loại thông điệp được sử dụng giữa host và router
Membership Query (0x11): có hai dạng:
+ General Query: Dùng để xác định các nhóm multicast hoạt động. General Query được biểu thị bởi giá trị 0 trong Group Address.
+ Group-Specific Query: Dùng để xác định một nhóm multicast cụ thể chứa các thành viên. Group-Specific Query chứa địa chỉ của nhóm đang được truy vấn.
Version 1 Membership Report (0x12): Loại thông điệp này dùng để tương thích với phiên bản IGMPv1.
Version 2 Membership Report (0x16)
Leave Group (0x17): Loại thông điệp này được dùng khi một host muốn rời khỏi nhóm multicast.
- Maximum Response Time: Chỉ dùng trong thông điệp Membership Query, nó chỉ định thời gian tối đa (đơn vị 1/10 giây) mà 1 host có thể chờ để trả lời 1 thông điệp truy vấn. Giá trị mặc định là 100 (10 giây).
- Checksum: Trường này gồm 16 bit, và chứa tổng số bit của thông điệp.
- Group Address: Khi một thông điệp General Query được gởi đi, trường này được gán giá trị là 0 để phân biệt với thông điệp Group-Specific Query. Khi thông điệp Membership Report hoặc Leave Group gởi đi thì trường này chứa giá trị nhóm multicast được gởi đến.
Quá trình Leave
Nhờ thông điệp Leave Group, Group-Specific Query và Maximum Response Time mà IGMPv2 giảm được việc các router vẫn gửi truy vấn đến các nhánh mạng dù các host không quan tâm đến gói multicast.
Trong mô hình này host H2, H3 đang là thành viên của nhóm 224.1.1.1, host H2 muốn rời khỏi nhóm:
- H2 gởi thông điệp Leave Group đến địa chỉ all-router (224.0.0.2) thông báo cho tất cà các router trên nhánh mạng biết nó muốn rời khỏi nhóm.
- Router A (IGMP Query Router) lắng nghe thông điệp Leave Group từ host H2. Tuy nhiên, Router A chỉ lưu danh sách các nhóm thành viên hoạt động trên nhánh mạng (không có host nào cụ thể). Do đó, Router A gởi thông điệp Group-Specific Query để xác định host đến nhóm 224.1.1.1
- Host H3 vẫn là thành viên của nhóm 224.1.1.1, do đó nó nhận thông điệp và trả lời lại bằng thông điệp Membership Report thông báo cho router biết rằng trên nhánh mạng vẫn còn Host tham gia vào nhóm.
Host H3 là thành viên cuối cùng của nhóm 224.1.1.1, và bây giờ H3 cũng muốn rời khỏi nhóm:
- H3 gởi thông điệp Leave Group đến địa chỉ all-router (224.0.0.2)
- Router A lắng nghe thông điệp Leave Group từ host H3 và gởi thông điệp Group-Specific Query để xác định host đến nhóm 224.1.1.1
- Và bây giờ không còn thành viên nào trong nhóm 224.1.1.1 trên nhánh mạng. Do đó, không có host trả lời thông điệp Group-Specific Query. Router A đợi 1 giây, sau đó lại gởi một thông điệp khác mà vẫn không nhận được thông điệp trả lời. Lúc này, Router ngừng việc chuyển gói tin multicast đến nhánh mạng này.
IGMP Query Router
Không như phiên bản IGMPv1 phải phụ thuộc vào các giao thức định tuyến, IGMPv2 sử dụng địa chỉ IP trong thông điệp General Query để chọn IGMP Query Router
- Các router gởi thông điệp General Query đến tất cả các router còn lại trong mạng (224.0.0.1) kèm theo địa chỉ cổng của nó trong trường địa chỉ Source IP của thông điệp.
- Khi một router nhận được thông điệp General Query, router sẽ so sánh địa chỉ Source IP với địa chỉ cổng của nó. Router có địa chỉ IP nhỏ nhất trên nhánh mạng được chọn là IGMP Query Router.
- Cứ sau 250s (querier-timer) các router lại thực hiện quá trình chọn ra 1 IGMP Query Router mới.
iii. IGMPv3
IGMP v3 là một dự thảo sơ bộ. Nó giới thiệu bổ sung bản tin Group - Source Report cho phép một host có thể quyết định nhận lưu lượng từ các nguồn riêng biệt của một nhómMulticast.
Một bản tin Group - Source Report cho phép một host chỉ ra địa chỉ IP của các nguồn riêng biệt mà nó muốn nhận. Một bản tin Exclusion Group - Source Report cho phép một host nhận dạng chính xác các nguồn mà nó không muốn nhận. Cuối cùng, bản tin Leave Group đã giới thiệu trong IGMPv2 đã nâng cao thành bản tin Group-Source Leave.
Đặc điểm này cho phép một host dời khỏi toàn bộ nhóm hay chỉ ra các địa chỉIP riêng biệt của cặp (nguồn, nhóm) mà nó muốn rời khỏi.
1.5. Cây Phân Phối
Các router hỗ trợ multicast tạo ra các cây phân phối để quản lý các con đường của lưu lượng IP multicast đến tất cả các máy nhận. Hai loại cây phân phối cơ bản là cây nguồn (Source tree) và cây chia sẻ (Shared tree).
1.5.1 Source Tree
Cây nguồn là dạng cây phân phối đơn giản nhất với gốc là nguồn dữ liệu multicast và các nhánh là đường dẫn tới máy nhận dữ liệu. Do loại cây này sử dụng đường đi ngắn nhất nên còn có tên là SPT (Shortest Path Tree).
Mô hình sau là ví dụ một SPT đối với nhóm 224.1.1.1 có gốc là nguồn gởi Host A, và các máy nhận Host B, C.
Kí hiệu (S,G) là một SPT trong đó S là địa chỉ IP của nguồn và G là địa chỉ nhóm multicast, như trong hình sẽ là (192.1.1.1, 224.1.1.1).
(S,G) có nghĩa là một SPT riêng biệt tồn tại cho mỗi nguồn gởi đến mỗi nhóm. Chẳng hạn như host B cũng gởi lưu lượng đến nhóm 224.1.1.1 và host A và C là các máy nhận, thì tồn tại một SPT và được ký hiệu (192.2.2.2, 224.1.1.1).
1.5.2 Shared Tree
Không có gốc từng nguồn như các cây nguồn, các cây chia sẻ sử dụng một gốc chung duy nhất tại một điểm đã chọn trên mạng. Gốc của cây chia sẻ được gọi là điểm hẹn (RP, Rendezvous Point).
Trong mô hình sau là ví dụ shared tree đối với nhóm 224.2.2.2 với gốc được chỉ định tại Router D. Khi sử dụng cây chia sẻ, nguồn phải gửi lưu lượng của nó tới gốc và sau đó lưu lượng này được chuyển tiếp theo các nhánh của cây đến các máy nhận dữ liệu.
Trong ví dụ này, lưu lượng multicast từ nguồn gởi host A và host D đến gốc (Router D) sau đó xuống shared tree đến các host nhận B và C. Bởi vì tất cả các nguồn trong nhóm multicast sử dụng một shared tree, do đó kí hiệu (*, G) đại diện cho cây. Trong đó, * có nghĩa là tất cả các nguồn (all sources) và G đại diện cho một nhóm multicast. Do đó, trong ví dụ shared tree được ký hiệu là (*, 224.2.2.2).
Do các thành viên của nhóm có thể tham gia hoặc rời khỏi nhóm bất cứ lúc nào nên các cây phân phối phải cập nhật động.
Giải pháp sử dụng source tree có ưu điểm tạo ra đường dẫn tối ưu giữa nguồn dữ liệu và các host nhận dữ liệu, giảm thiểu sự trễ khi truyền dẫn các lưu lượng multicast. Tuy nhiên, các router phải duy trì các thông tin về đường dẫn cho từng nguồn. Với mạng có hàng ngàn nguồn dữ liệu và hàng ngàn nhóm thì vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng đối với các router đặc biệt là vấn đề tiêu thụ không gian lưu trữ các bảng định tuyến multicast.
Giải pháp sử dụng shared tree không gặp phải vấn về bộ nhớ cần thiết cho bảng định tuyến nhưng trong một số trường hợp cụ thể đường dẫn giữa nguồn và đích không tối ưu gây trễ trong quá trình phân phát dữ liệu. Lựa chọn điểm hẹn là vấn đề quan trọng nhất khi áp dụng giải pháp này cho mạng multicast.
Chương 2
CÁC GIẢI THUẬT ĐỊNH TUYẾN MULTICAST
2.1. Giải thuật Flooding
Trong giải thuật này khi router nhận được một gói multicast, đầu tiên nó kiểm tra xem gói tin này đã nhận được trước đó chưa.
- Nếu là lần đầu tiên, router sẽ gởi gói tin đến tất cả các cổng của nó, ngoại trừ cổng mà đã gởi gói tin đến.
- Nếu gói tin đã được nhận, router sẽ loại bỏ gói tin này. Bằng cách này, chắc chắn rằng tất cả các router sẽ nhận được ít nhất là một gói tin.
: (Source ) nguồn gởi.
: Router.
: Nhánh mạng con có tham gia vào nhóm (Group members).
: Nhánh mạng con không tham gia vào nhóm.
: Đường chuyển gói chấp nhận
: Đường các gói bị loại bỏ
Mặc dù giải thuật này đơn giản nhưng có một số bất lợi. Giải thuật flooding tạo ra một số lượng lớn các gói trùng lắp và lãng phí băng thông mạng. Hơn nữa, để các router nhận biết được một gói mà nó nhận được có phải là lần đầu hay không, nó cần phải lưu lại các gói mà đã nhận trước đó, gây tốn bộ nhớ của router.
2.2. Spanning Tree
Giải thuật Spanning Tree được đánh giá là tốt hơn giải thuật Flooding. Trong giải thuật này, một nhóm trong mạng được chọn để xác định cấu trúc cây, như vậy chỉ có một con đường hoạt động giữa hai router bất kỳ.
Từ cây này mở rộng cho tất cả các nút trong mạng nó được gọi là “cây bao trùm”.
Khi một router nhận được một gói multicast, nó sẽ chuyển các gói trên tất cả các đường mà thuộc cây bao trùm ngoại trừ con đường đã các gói, bảo đảm rằng các gói multicast đến tất cả các routers trong mạng.
Rõ ràng, các thông tin mà một router cần giữ là một biến boolean cho mỗi cổng mạng cho dù con đường đó có thuộc cây bao trùm hay không.
: Đường chuyển gói tin
: Cây bao trùm.
2.3. Reverse Path Forwarding
Các router thường phải thực hiện một phép kiểm tra trên tất cả các gói multicast mà nó nhận. Reverse Path Forwarding (RPF) là một công cụ để đảm bảo rằng các gói tin không bị đưa ngược trở về cây multicast ở một vị trí bất kỳ nào đó.
Khi một gói tin được nhận trên một cổng của router, ví dụ cổng S1 của router, địa chỉ nguồn của gói sẽ được kiểm tra.
Sau đó router sẽ so sánh địa chỉ nguồn này với một entry trong bảng định tuyến unicast.
Nếu cột out-going interface của bảng định tuyến cũng đúng bằng cổng nhận gói multicast, gói multicast sẽ được xử lý và chuyển ra các nhánh của cây.
Nếu cổng là không so trùng, điều này có nghĩa là có một ai đó đã đưa gói vào một vị trí không mong đợi, chuyển gói tin ngược về root. Gói tin lúc này sẽ bị loại bỏ.
2.4. Giải thuật Reverse Path Broadcasting (RPB)
Giải thuật RPB là sự cải biến của giải thuật Spanning Tree. Trong giải thuật này, thay vì xây dựng một cây bao trùm toàn mạng, thì chỉ xây dựng cho mỗi nguồn. Dựa trên giải thuật này khi một router nhận được một gói multicast từ con đường “L” và từ nguồn “S”, router sẽ kiểm tra nếu con đường “L” thuộc con đường ngắn nhất từ nguồn “S”, gói tin sẽ được gởi tới các con đường ngoại trừ đường “L”. Ngược lại, gói tin sẽ bị loại bỏ.
Nếu một router không nằm trên con đường ngắn nhất giữa nút nguồn và router lân cận, gói tin sẽ bị loại bỏ tại router lân cận.
Giải thuật này hiệu quả và dễ dàng thực hiện. Hơn nữa các gói được gởi thông qua con đường ngắn nhất từ nguồn gởi đến nút rất nhanh.
Giải thuật RPB không cần cơ chế để ngừng quá trình chuyển tiếp. Các router không cần biết cây bao trùm toàn mạng và các gói được chuyển trên nhiều cây bao trùm nên lưu lượng được phân phối trên nhiều nhánh, mạng được tận dụng tối đa.
Tuy nhiên, giải thuật RPB có một thiếu sót là: Nó không lưu thông tin thành viên nhóm multicast khi xây dựng cây phân phối.
- Truncated Reverse Path Broadcasting (TRPB)
Giải thuật TRPB được đề xuất để khắc phục một số hạn chế của giải thuật RPB. Như đã biết, bằng cách sử dụng giao thức IGMP, một router có thể xác định xem các thành viên của nhóm multicast, có trong 1 nhánh mạng hay không.
Nếu nhánh mạng này là một lá của cây multicast (không có router nào kết nối tới nó) thì router sẽ xén bớt trong cây bao trùm. Nó được đánh dấu lại và cũng tương tự như giải thuật RPB gói tin sẽ không được gởi đến router lân cận nếu router không thuộc con đường ngắn nhất từ router lân cận đến nút nguồn.
Mặc dù, thành viên nhóm multicast được sử dụng trong giải thuật TRPB và lá (nhánh mạng con) được cắt bớt từ cây bao trùm, tuy nhiên nó không loại trừ những lưu lượng không cần thiết trên các lá mà không có nhóm thành viên multicast.
2.5. Reverse Path Multicast (RPM)
Giải thuật RPM là sự cải tiến của giải thuật RPB và TRPB. RPM xây dưng cây phân phối chỉ gồm:
- Nhánh mạng chứa những thành viên nhóm multicast (Active Branch).
- Những router trên con đường ngắn nhất đến nhánh mạng chứa các thành viên nhóm multicast.
Gói multicast đầu tiên sẽ được gởi đi theo giải thuật TRPB. Những router nào không có liên kết với bất kỳ router nào trong cây TRPB thì được gọi là router lá.
Nếu một router lá nhận gói tin và nó không có nhóm thành viên nào trên nhánh mạng, nó sẽ gởi một thông điệp “Prune” ngược về các router mà nó đã nhận gói tin. Thông điệp “Prune” thông báo cho router trước đó (upstream) là không nên gởi gói tin trên con đường này, những router upstream phải lưu lại thông điệp “Prune”.
Nếu router upstream nhận được thông điệp từ tất cả các router con của nó trong cây TRPB, thì nó lại một gởi thông điệp prune về router cha trong cây TRPB cho biết rằng gói tin không cần gởi đến nó. Những thông điệp “prune” sẽ xén bớt cây TRPB ban đầu kết quả là gói multicast chỉ được chuyển đến những con đường dẫn đến nút đích (nhóm thành viên).
Nhóm thành viên và mô hình mạng có thể thay đổi theo mỗi lần xén bớt cây phân phối. Do đó, trong giải thuật RPM các thông tin prune trong router được bỏ đi theo chu kỳ và gói multicast kế tiếp được gởi đến tất cả các router lá. Đây là mặt hạn chế của giải thuật RPM. Cần không gian bộ nhớ tương đối để lưu thông tin của mỗi gói tin là điều trở ngại khác làm cho giải thuật này không được mở rộng (và do đó không phù hợp với mô hình mạng lớn).
2.6. Steiner Tree
Trong các giải thuật trước (RPB, TRPB, và RPM) con đường ngắn nhất giữa nút nguồn và các nút đến được dùng để chuyển gói multicast, đảm bảo các gói được chuyển càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, giải thuật nào cũng cần tốn nhiều tài nguyên mạng. Trong hình cây RPB, C là nút nguồn; A,D là các nút đến.
Dễ dàng nhận thấy cây thứ hai sử dụng ít con đường hơn. Dù cây này chậm hơn so với cây RPB (vì các gói cần phải qua 3 hop để đến được D thay vì 2 hop trong cây RPB ), nhưng sử dụng ít con đường hơn. Loại cây này được gọi là Steiner Tree. Mặc dù Steiner Tree giảm được số lượng con đường để xây dựng cây phân phối, nhưng khó khăn trong việc tính toán được cây này do đó làm cho nó thiếu thực tế. Cây dễ thay đổi khi một nút tham gia hoặc rời nhóm multicast, do đó Steiner Tree không ổn định.
2.7. Core Based Tree
Không như các giải thuật trước, Core Based Tree (CBT) tạo cây phân phối riêng cho mỗi nhóm. Nói cách khác, cây được dùng để chuyển tiếp gói multicast cho một nhóm riêng biệt, là một cây đơn bất chấp vị trí của nút nguồn.
Một router đơn, hay một tập router, được chọn làm core router của cây phân phối.
Tất cả thông điệp đến một nhóm multicast thì được chuyển tiếp như thông điệp unicast hướng tới core router cho đến khi chúng đến được một router thuộc về các cây phân phối tương ứng.
Sau đó, gói tin được chuyển tiếp đến tất cả các cổng thuộc cây phân phối ngoại trừ các cổng mà nó đã tới.
Trong giải thuật này các router multicast lưu giữ ít thông tin hơn so với các giải thuật khác. CBT cũng tiết kiệm băng thông mạng, vì nó không gởi tràn các gói trên toàn bộ mạng. Tuy nhiên, sử dụng cây đơn cho mỗi nhóm có thể dẫn đến lưu lượng tập trung và tắt nghẽn xung quanh core router, gây ra chậm trễ trong việc chuyển các gói tin.
2.8. Multicast Backbone
Multicast trên Internet diễn ra trên Multicast Backbone(MBone). MBone là tập hợp những router có khả năng chuyển tiếp lưu lượng multicast (mrouter) và các host được kết nối với nhau.
MBone thuộc phần trên cùng của Internet đóng vai trò như một mạng ảo. Trong MBone các nhánh mạng có hỗ trợ multicast được kết nối với nhau bằng một liên kết ảo là “tunnels”. Nhờ tunnels này mà các thông điệp multicast được chuyển tiếp đến các phần Internet không hỗ trợ chuyển tiếp multicast.
Khi chuyển tiếp qua tunnels, các gói IP được đóng gói trong một gói IP khác (IP over IP) khi đó chúng như các gói unicast thông thường chuyển tiếp giữa các router.
Chương 3
CÁC GIAO THỨC ĐỊNH TUYẾN
3.1. Giao thức PIM
Protocol Independent Multicast (PIM) là một giao thức định tuyến có thể được dùng để chuyển các multicast traffic. PIM hoạt động độc lập với các giao thức định tuyến IP vì vậy PIM sử dụng bảng định tuyến IP và không giữ các bảng multicast routing. Cần chú ý là bảng unicast routing cũng không phụ thuộc vào các giao thức định tuyến vì nhiều giao thức định tuyến có thể đóng góp vào cùng một bảng định tuyến. PIM có thể hoạt động ở hai chế độ:
- PIM Dense Mode
- PIM Sparse Mode
3.1.1. PIM Dense Mode
Các PIM router có thể được cấu hình theo kiểu Dense Mode (còn gọi là PIM -DM) nếu các host tham gia vào multicast group nằm ở khắp nơi trên tất cả các subnet. Địa chỉ multicast nguồn trở thành gốc của cây và cây multicast được xây dựng từ nguốn đến đích. Cơ chế này còn được gọi bằng ký hiệu (S,G) trong đó đường đi từ nguồn đến các thành viên trong nhóm là duy nhất và được xác định.
Cây multicast được xây dựng bằng cách cho phép phát tán các traffic từ nguồn đến tất cả các router trong mạng. Cây sẽ phát triển từ trên xuống dưới. Trong một thời gian ngắn, các traffic không cần thiết sẽ được lưu chuyển giống như trong broadcast traffic gọi là quá trình Flooding.
Khi các router nhận được traffic cho một nhóm, router sẽ quyết định nó có các máy nhận muốn nhận dữ liệu hay không? Nếu là muốn, router sẽ duy trì tình trạng im lặng và để dòng traffic tiếp tục.
Nếu không có host nào đăng ký cho nhóm multicast đó (thông qua IGMP), router sẽ gửi thông điệp Prune đến các router láng giềng của nó (theo hướng về gốc của cây) gọi là quá trình Pruning.
Nhánh của cây sau đó sẽ bị loại bỏ (prune) sao cho các traffic không cần thiết sẽ không được phát tán về hướng đó.
PIM-DM sẽ nhận biết các thiết bị láng giềng bằng cách trao đổi các gói hello. Thông tin láng giềng này được dùng để xây dựng cây đến tất cả các láng giềng. Sau đó, các nhánh của cây sẽ lần lượt được loại bỏ. Nếu một dòng multicast bắt đầu, cây sẽ được xây dựng, cây sẽ chỉ tồn tại khi các thành viên tích cực còn tồn tại. Nếu một host mới đăng ký tham gia nhóm, nhánh của phân đoạn mạng đó sẽ được đính thêm vào cây.
3.1.2. PIM Sparse Mode
PIM Sparse Mode (PIM-SM) dùng một giải pháp khác. Cây multicast không mở rộng đến router cho đến khi nào một host đã tham gia vào một nhóm. Cây multicast được xây dựng bằng các thành viên ở các node lá và mở rộng ngược về root.
PIM - SM cũng hoạt động dựa trên ý tưởng cấu trúc shared-tree, trong đó gốc của cây không nhất thiết là nguồn của multicast. Thay vào đó, root là router PIM-SM thường được đặt ở trung tâm của mạng. Router làm gốc này gọi là Rendezvous Point (RP). Cây từ điểm RP đến các thành viên thật ra là một cây con của cây từ nguồn đến các thành viên.
Nếu một router ở bất kỳ đâu trong mạng có thể đăng ký với RP, cấu trúc cây này sẽ hoàn tất. Chế độ spare-mode còn được gọi là Shared tree. Các dòng multicast được mô tả như (*,G) bởi vì cây luôn cho phép bất cứ nguồn nào gửi đến một nhóm.
Khi một host tham gia vào một nhóm multicast dùng IGMP, router cục bộ sẽ chuyển các thông điệp Membership report về gốc của cây multicast. Mỗi router dọc theo đường đi sẽ thêm nhánh đó vào cây dùng chung shared-tree. Quá trình loại bỏ nhanh chỉ thực hiện khi một thành viên của nhóm bị xóa ra khỏi một nhóm.
3.2. DVMRP
Distance Vector Multicast Routing Protocol (DVMRP) là Giao thức định tuyến multicast theo vectơ khoảng cách. Trong giao thức này, bộ định tuyến nhận gói multicast sẽ xác định các mrouter được kết nối với nó có cần nhận gói này hay không (nghĩa là các mrouter này có máy là thành viên của nhóm).DVMRP gửi gói đến tất cả các bộ định tuyến được kết nối và đợi trả lời. Bộ định tuyến có máy không là thành viên của nhóm sẽ trả về một thông điệp “xén bớt”, nhờ đó tránh việc gởi các thông tin tiếp theo cho bộ định tuyến này.
Sự khác nhau giữa PIM-DM và DVMRP được định nghĩa như sau:
- Cisco IOS không hỗ trợ DVMRP, tuy nhiên nó hỗ trợ kết nối đến một mạng DVMRP.
- DVMRP dùng giao thức định tuyến của chính nó, tương tự như RIPv2. Nó gửi cập nhật mỗi 60 giây và xem 32 hop là giới hạn trên cùng. DVMRP dùng giao thức định tuyến của riêng nó nên tốn thêm phí tổn nếu so sánh với PIM-DM.
- DVMRP dùng các thông điệp Probe để tìm router láng giềng, dùng địa chỉ nhóm là 224.0.0.4.
- DVMRP dùng cây broadcast thu gọn, là một dạng tương tự như SPT với vài nhánh bị loại bỏ.
Giải thuật DVMR xây dưng cây phân phối dựa trên giải thuật TRPB
Đầu tiên gói tin được gởi đến tất cả các router trong mạng.
Sau đó, những thông điệp “Prune” xén bớt các nhánh mạng không dẫn đến nhóm thành viên tham gia multicast.
Router C là một nút lá vì vậy nó gửi về thông điệp “Prune” về router B
Router X,Y cũng là nút lá thông điệp “Prune” gửi về router E, bây giờ router E trở thành nút lá, nó lại gởi thông điệp “Prune” về router cha là D
Một thông điệp mới “graft” để ghép lại nhánh đã xén trước đó của cây phân phối trong trường hợp có máy tham gia vào nhóm multicast. Thông điệp “graft” được gởi lại router cho đến khi tạo được một nút trên cây phân phối.
Receiver 2 tham gia vào nhóm multicast, do đó router Y gởi thông điệp “graft” đến router E, router gởi lại thông điệp trả lời cho Y, và gởi thông điệp “graft” đến router D, router gởi gói trả lời và bắt đầu gởi gói tin.
Giải thuật bị hạn chế không phù hợp với mô hình mạng lớn vì các quá trình Flood và Prune.
3.3. Giao thức MOSPF
Multicast Open Shortest Path First (MOSPF) là giao thức xác định đường đi ngắn nhất. Bộ định tuyến MOSPF xây dựng bản đồ của mô hình mạng, bao gồm vị trí các nút, các đường đi và xác định đường đi tốt nhất để đến các mrouter khác.
Hoạt động cơ bản của MOSPF:
- MOSPF dùng địa chỉ nhóm LSA, được phát tán trên toàn vùng của router. Cùng với unicast OSPF, tất cả các MOSPF router trong một area phải có cùng cơ sở dữ liệu liên kết sao cho tất cả các router MOSPF trong một area có thể tính toán cùng một thuật toán SPT.
- Thuật toán SPT được tính toán theo yêu cầu. Khi gói tin multicast đầu tiên của nhóm đến.
- Thông qua quá trình tính toán, tất cả các router biết các thành viên nhóm ở đâu dựa trên các thành viên nhóm LSAs.
- Sau vài phép tính toán SPF là hoàn tất, các hàng sẽ được đưa vào bảng định tuyến multicast.
- Cũng giống như định tuyến unicast OSPF, cây đường đi ngắn nhất là không bị vòng lặp và tất cả các router biết các cổng upstream/downstream. Kết quả là không cần phép kiểm tra RPF.
3.3.1 Định tuyến nội miền
MOSPF sử dụng một loại LSA OSPF gọi là LSA thành viên nhóm để thông báo sự tồn tại của thành viên nhóm trong các mạng. LSAs thành viên nhóm được phát flood định kỳ trong cả vùng giống như LSA OSPF. Nó sử dụng thuật toán Dijkstra để tính toán cây đường đi ngắn nhất cho tất cả các cặp nhóm mạng- nguồn.
Ở đây, vùng 1 có các thành viên của nhóm A,B trong khi vùng 2 chỉ chứa các thành viên của nhóm A. Các router nối trực tiếp với các thành viên tạo ra các LASs thông báo sự tồn tại của các thành viên trong mạng. LAS thành viên nhóm không truyền qua giữa vùng 1 và vùng 2. Khi tất cả router trong vùng biết vị trí của tất cả các thành viên trong cấu hình mạng, ta có thể thiết lập cây mạng – nguồn cho chuyển tiếp Multicast.
Trong mô hình trên, nguồn S1 nằm trong vùng 1 bắt đầu gửi lưu lượng Multicast tới nhóm B ( S1,B). Khi dữ liệu tới router trong vùng, nó thực hiện tính toán Dijkstra và tính toán cây đường đi ngắn nhất cho S1. Cây này nối tất cả thành viên nhóm B, và sử dụng cho chuyển tiếp tất cả lưu lượng mulitcast cho nhóm.
Trong vùng 2, nguồn S2 bắt đầu gửi lưu lượng Multicast tới nhóm A. Router trong vùng sử dụng thông tin thành viên nhóm trong cơ sở dữ liệu MOSPF để thực hiện các phép tính và xác định cây đường ngắn nhất (Shortest path tree-SPT) cho mạng nguồn chứa S2. Lưu lượng được chuyển tới (S2,A) như minh họa.
3.3.2 Định tuyến liên vùng
Để truyền lưu lượng Multicast giữa các vùng, router biên vùng MOSPF (MOSPF area border router - MABR) sử dụng một cờ ‘Wildcard Receiver’. Máy thu Wildcard thiết lập cờ ‘Wildcard Receiver’ trong LAS router. Cờ này tương đương với LSA thành viên nhóm wildcard thông báo rằng nó có một thành viên được kết nối trực tiếp cho tất cả các nhóm.
Các MABR kết nối các vùng với vùng đường trục (vùng 0). MABR luôn nằm trong cây đường đi ngắn nhất của bất kỳ nguồn kích hoạt nào trong vùng không phải đường trục.
Trong mô hình này, MABR1 được thêm vào SPT cho lưu lượng (S1,B) và MABR2 được thêm vào (S2,A). Điều này khiến lưu lượng nguồn trong vùng tới router biên sao cho nó có thể được chuyển tới vùng đường trục. Thêm vào đó, có khái niệm LAS thành viên tóm tắt mới (new Summary Membership LSA) dùng để tóm tắt thông tin thành viên nhóm. Nó gắn với vùng đường trục vùng 0, do vậy các router trong vùng đường trục biết sự tồn tại của các thành viên trong các vùng khác.
Trong vùng trên, sự tồn tại của các thành viên của nhóm A và B trong vùng 1 được đưa tới vùng đường trục qua MABR1 thông qua LSA thành viên tóm tắt. Hơn nữa, MABR2 đưa dạng bản tin đó vào vùng đường trục, LSA này chỉ ra rằng vùng 2 có các thành viên nhóm A. Router vùng đường trục sử dụng thông tin trong bản tin để biết MABR nào thuộc SPT của nguồn nào.
Lưu lượng (S2,A) đang chuyển từ vùng 2 sang vùng đường trục (vùng 0) qua MABR2. Các router trong đường trục chuyển tiếp lưu lượng này tới MABR1 để chuyển tới vùng 1. Router trong vùng 1 thực hiện tính toán Dijkstra cho lưu lượng (S2,A) để thiết lập SPT (S2,A) trong vùng 1 để định tuyến lưu lượng tới các thành viên của nhóm A như minh họa.
Trong trường hợp nhóm Multicast không có thành viên, lưu lượng vẫn được đẩy tới MABR do kết quả của kỹ thuật Wildcard Receiver. Điều đó khiến băng tần trong vùng được sử dụng không hiệu quả.
3.3.3 Định tuyến liên miền
Cơ bản lưu lượng liên miền giống như lưu lượng liên vùng.
Khi lưu lượng vào từ một miền khác thông qua router biên AS Multicast (MASBR), lưu lượng này được chuyển qua đường trục tới MABR dựa vào LAS thành viên nhóm rút gọn.
Nhờ vậy lưu lượng Multicast cho nhóm A và nhóm B xuất phát từ ngoài AS được chuyển tiếp như mô hình trên. Kỹ thuật wildcard receiver tự động đẩy lưu lượng nguồn trong vùng. Vì vậy MASBR chuyển được lưu lượng ra ngoài.
MOSPF thì phù hợp cho những mạng nhỏ. Khi có nhiều máy bắt đầu gửi lưu lượng multicast, các routers phải thực hiện một số tính toán Dijkstra, làm tốn tài nguyên CPU. Cisco IOS không hỗ trợ MOSPF.
Chương 4
MULTICAST TRÊN IPV6
4.1 Địa chỉ Multicast IPv6
Trong IPv6, 8 bit đầu định nghĩa cho địa chỉ multicast. Mỗi địa chỉ multicast sử dụng một định dạng tiền tố (prefix) là 1111 1111 (FF trong hệ Hex).
Sau tiền tố này là 2 trường: flag và scope, mỗi trường dài 4 bit. 112 bit còn lại là Group ID.
- Trong trường flag, bit T xác định địa chỉ là vĩnh viễn (0) hay tạm thời (1). RFC 3306 thêm vào cờ P (prefix), cờ này cho phép nhóm địa chỉ bao gồm cả tiền tố unicast. Cờ R biểu thị địa chỉ RP được gắn vào nhóm địa chỉ. Khi địa chỉ RP được gắn vào, cờ R,P và T được gán giá trị là 1.
- Trường scope xác định phạm vi của nhóm địa chỉ, có các giá trị như sau:
Giá trị thập phân
Giá trị nhị phân
Phạm vi địa chỉ
0
0000
Dự trữ
1
0001
Phạm vi nút nội bộ
2
0010
Phạm vi liên kết nội bộ
5
0101
Phạm vi trang nội bộ
8
1000
Phạm vi tổ chức nội bộ
14
1110
Phạm vi toàn cầu
15
1111
Dự trữ
- Group ID gồm 112 bít thực hiện chức năng định danh các nhóm multicast. Trong một phạm vi scope, có nhiều nhóm multicast (nhóm multicast các router, nhóm multicast mọi node, nhóm multicast mọi máy chủ DHCP…).
Giá trị các bít Group ID sẽ định danh các nhóm multicast. Trong một phạm vi, số định danh này là duy nhất. Lưu lượng có địa chỉ đích multicast sẽ được chuyển tới các máy thuộc nhóm multicast xác định bởi Group ID, trong phạm vi xác định bởi Scope.
Tuy nhiên, để có thể truyền đi trên mạng tới đích, lưu lượng dữ liệu phải chứa thông tin địa chỉ IP (lớp network) và địa chỉ lớp link-layer (địa chỉ MAC trong trường hợp kết nối Ethernet) tương ứng. Để có được ánh xạ 1-1 từ một địa chỉ IPv6 multicast tới một địa chỉ Ethernet multicast MAC duy nhất, số lượng bít của Group ID được khuyến nghị là 32 bít.
4.2 Ánh xạ IPv6 Multicast đến địa chỉ Ethernet MAC
Để thực hiện được multicast trên mạng Ethernet, sử dụng giao thức TCP/IP, cần có hai phần: Multicast mức Hardware/Ethernet (lớp link-layer) và IP Multicast.
Cần phải ánh xạ được giữa một địa chỉ IPv6 multicast (1 nhóm các host) tới một địa chỉ duy nhất Ethernet Multicast. Chính vì mục đích này, RFC 3513 khuyến nghị chỉ lấy 32 bít cuối trong số 112 bít cấu trúc địa chỉ IPv6 multicast làm group ID, các bít khác đều thiết lập giá trị bằng 0.
Gắn 16 bit tiền tố 33-33 (giá trị hexa) với 32 bit cuối của địa chỉ ipv6 multicast tương ứng.
Để nhận được các gói tin ipv6 multicast trên một đường link Ethernet, card mạng Ethernet cần phải lưu trữ thêm các địa chỉ MAC multicast cần thiết trong một bảng lưu trữ. Khi nhận được một khung Ethernet có địa chỉ MAC cần thiết, nó sẽ chuyển tiếp tới lớp cao hơn để tiếp tục xử lý. Mỗi một dòng trong bảng lưu trữ chứa một địa chỉ Ipv6 multicast đang được host nghe lưu lượng và địa chỉ MAC multicast tương ứng.
Chương 5
GIỚI THIỆU ỨNG DỤNG MULTITST
Multitst là ứng dụng cho phép gửi và nhận thông điệp theo giao thức multicast.
Giao diện chính
Các chức năng của chương trình:
- Menu Socket: Để lấy giá trị Socket.
- Menu Sendto: Gởi thông điệp đến các máy trong nhóm multicast. Cần khái báo địa chỉ nhóm multicast cần gởi đến và port tương ứng. Nhập nội dung muốn gởi vào Data.
- Menu Bind:
- Menu SockOpts:
IP_ADD_MEMBERSHIP: Cho phép một máy tham gia vào nhóm multicast, chọn setsockopt() để gán giá trị Socket đã lấy ban đầu.
IP_DROP_ MEMBERSHIP: Cho phép rời khỏi nhóm multicast.
IP_MULTICAST_LOOP: Cho phép hoặc không cho phép việc xác nhận những gói tin multicast đã gởi (mặc định được cho phép).
IP_MULTICAST_TTL: Thời gian tồn tại những gói tin đã gởi.
IP_MULTICAST_IF: Thay đổi interface dùng để gởi gói tin multicast.
-Menu Ping:
Nhập tên host cần ping, chọn socket() để gán giá trị socket
Chương 6
KẾT LUẬN VÀ HƯỚNG PHÁT TRIỂN
6.1 Kết luận:
Kết quả đạt được:
- Hiểu được cách hoạt động, các giải thuật cũng như các giao thức của multicast.
- Ứng dụng được phần mềm Multitst và cấu hình được các giao thức.
Thiếu sót:
- Chưa thực hiện được nhiều ứng dụng mở rộng.
6.2 Hướng phát triển:
Áp dụng xây dựng hội thảo truyền hình, phân phối thông tin trên Internet.
PHỤ LỤC
Chú Giải Thuật Ngữ:
CBT: Core Based Tree
IGMP: Internet Group Management Protocol
DVMRP: Distance Vector Multicast Routing Protocol
MOSPF: Multicast extensions to Open Shortest Path First
OSPF: Open Shortest Path First
PIM: Protocol Independent Multicast
PIM-DM: Protocol Independent Multicast - Dense Mode
PIM-SM: Protocol Independent Multicast - Sparse Mode
RIP: Routing Information Protocol
RPB: Reverse Path Broadcast
RPF: Reverse Path Fordwarding
RPM: Reverse Path Multicast
ST: Steiner Tree
TRPB: Truncated Reverse Path Broadcast
MBone: Multicast Backbone
Tài Liệu Tham Khảo:
[1] Beau Williamson - Cisco.press.ccie.developing.ip.multicast.networks
[2] T. Maufer, C. Semeria - Introduction to IP Multicast Routing
[3] www.cisco.com
[4] www.ipmulticast.com
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Tìm hiểu Multitst.doc