MỞ ĐẦU
Lý do chọn đề tài
Xuất phát từ 3 lý do sau mà chúng tôi đã lựa chọn đề tài này để nghiên cứu:
1.1 Thưởng trà - nét ẩm thực độc đáo của văn hoá Việt
Trà là quốc thủy của người Việt, là tinh chất của nền văn minh lúa nước, trà đi vào tâm hồn Việt một cách tự nhiên, tĩnh lặng. Văn hóa trà Việt không chỉ thể hiện là một thứ thức uống phổ biến trong đời sống sinh hoạt của con người mà còn trở thành một thứ quan trọng và thiêng liêng trong phong tục tập quán, là thú vui thanh cao, niềm tự hào của người Việt.
Người Việt Nam đã có thói quen dùng trà tự bao đời nay, không một gia đình nào dù ở nông thôn hay thành thị, dù giàu có hay bần hàn mà lại không có trong nhà một bộ ấm chén pha trà. Một thói quen không biết có từ bao giờ và đã tạo thành một nếp sống văn hóa của gia đình người Việt, mỗi khi nhà có khách đến chơi bao giờ việc đầu tiên cũng là pha một ấm trà mới, mời khách rồi sau đó vừa uống trà vừa bàn chuyện. Trà đã là một thứ thức uống quen thuộc, góp phần tạo nên điểm nhấn “vị ẩm” trong nghệ thuật ẩm thực của người Việt, một thứ nghệ thuật chất chứa tính triết lý và nhân sinh sâu sắc.
1.2 Thưởng trà – tinh hoa ẩm thực đất Hà thành
Hà Nội là mảnh đất ngàn năm văn hiến, là nơi tụ hội của nhân tài cả nước, là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của toàn dân tộc. Văn hóa thưởng trà của người Hà Nội là hội tụ đỉnh cao của nền văn hóa trà Việt. Đặt trong nhịp sống hiện đại ngày hôm nay, văn hóa thưởng trà của người Hà Nội đã có những thay đổi, chuyển biến. Bên cạnh việc lưu giữ được những nét văn hóa của cha ông thì cũng đã có sự du nhập của phong cách thưởng trà mới. Điều này đã khiến cho bức tranh văn hóa thưởng trà của người Hà Nội thêm sinh động.
1.3 Thưởng trà - những giá trị văn hoá truyền thống của Hà Nội cần được bảo tồn
Có thể nói, trong thời gian gần đây sự xuất hiện ngày càng đậm đặc các phong cách thưởng trà khác nhau trên địa bàn Hà Nội, khiến cho mảng màu về phong cách thưởng trà truyền thống đang bị phai nhạt dần trong bức tranh văn hóa trà Việt. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc xây dựng hình ảnh một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Một thực tế là sức lan tỏa của những phong cách thưởng trà ngoại nhập đang dần dần lấn sân so với phong cách thưởng trà truyền thống. Do đó “tìm hiểu văn hóa thưởng trà của người Hà Nội” để thấy được những bước chuyển mình, những nét đặc sắc trong văn hóa thưởng trà nơi đây nhằm có những định hướng bảo lưu những giá trị văn hóa thưởng trà truyền thống đặc sắc và tinh tế đó.
Hơn nữa, Việt Nam được coi là quê hương của cây chè, là nơi sáng tạo ra thứ trà sen hảo hạng nổi tiếng sánh ngang cùng ba nền văn hóa trà lớn của nhân loại (Chanoyu của Nhật Bản, Kungfu của Trung Quốc và Panyaro của Triều Tiên). Tuy nhiên, đỉnh cao là vậy nhưng nền văn hóa trà của Việt Nam đến hiện nay chưa có những bước phát triển vượt bậc như các lĩnh vực khác. Vì vậy tìm hiểu về văn hóa thưởng trà của người Hà Nội nhằm nêu ra những giá trị truyền thống còn bảo lưu được đến ngày hôm nay, những vấn đề mới phát sinh trong hiện tại. Nhằm có những cách nhìn đa chiều để hướng đến phát triển nền văn hóa trà tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Khóa luận nghiên cứu về văn hóa thưởng trà của người Hà Nội từ xưa đến nay để đem đến một cái nhìn tổng quan thành một hệ thống. Và đặc biệt chuẩn bị hướng tới kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, chúng tôi muốn đóng góp một chút sức mình nhằm góp phần lưu giữ và phát huy vẻ đẹp truyền thống của một Hà Nội hào hoa, phong nhã.
Tất cả những lí do trên cùng sự hướng dẫn tận tình của TS Nguyễn Văn Thắng, tôi đã mạnh dạn lựa chọn vấn đề: “Tìm hiểu văn hóa thưởng trà của người Hà Nội” làm đề tài khóa luận tốt nghiệp đại học của mình.
2. Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Văn hóa thưởng trà là một bộ phận cấu thành nên văn hóa ẩm thực. Vấn đề này đã được rất nhiều người đề cập đến. Trong kho tàng văn hóa trà thế giới có rất nhiều những chuyên luận viết và ngợi ca về trà.
Từ những công trình đã nghiên cứu, chúng tôi xin có cái nhìn tổng quan mang tính khái lược nhóm thành những vấn đề nghiên cứu theo các hướng sau:
Đề cập đến nền văn hóa trà Trung Hoa. Trước hết, là cuốn “Trà kinh” của Lục Vũ, đây là cuốn chuyên khảo đầu tiên về trà trên thế giới. Đây được coi là cuốn bách khoa thư về trà lâu đời nhất đời Nhà Đường và có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến các đời sau này. Một số tác giả như Vũ Thế Ngọc với cuốn “Trà Kinh – nghệ thuật thưởng trà trong lịch sử và văn hóa phương Đông”. Đây là một cuốn sách cũng có thể coi là vô cùng giá trị. Ông đã có một cách nhìn hết sức tinh tế, trên cơ sở kế thừa những kiến thức trong cuốn “Trà Kinh” của Lục Vũ, Vũ Thế Ngọc đã phát triển nghiên cứu về lịch sử cây chè, nghệ thuật thưởng trà và văn hóa phương Đông. Trong đó có một chương bàn về “Trà Việt” tương đối hay. Nói chung, đó là sự tổng hợp những kiến thức về văn hóa trà phương Đông có giá trị to lớn đối với những người có mong muốn tìm hiểu về văn hóa trà. Ngoài ra còn công trình “Trà văn hóa đặc sắc Trung Hoa” của Đông A Sáng, đây cũng là kết quả kế thừa từ “Trà Kinh” của Lục Vũ. Cuốn sách ca ngợi nền văn hóa trà Trung Hoa, từ việc nói về lịch sử cây chè, mạn đàm về danh trà, trà cụ, nước, trà và những vai trò của trà trong cuộc sống người Trung Hoa.
Đề cập đến nghệ thuật trà đạo Nhật Bản. Đầu tiên là cuốn Trà Thư của Kakuro Okakura viết bằng tiếng Anh và xuất bản lần đầu năm 1906 tại Mỹ, cuốn sách đã được dịch ra rất nhiều các thứ tiếng khác nhau trên thế giới. Cuốn sách là niềm tự hào của người Nhật về nghệ thuật Trà Đạo. Trong đó là việc giới thiệu hết sức tỉ mỉ bằng một văn phong vô cùng thu hút từ cách nhìn tổng quan về Trà Đạo đến cách thực hành, nghệ thuật thưởng ngoạn, nói về chất đạo và thiền trong trà, các môn phái trà và trà sư, Tác giả Nguyễn Bá Hoàn với hai công trình “Trà Đạo” và “Trà luận – Tinh hoa văn hóa phương Đông”, cả hai công trình này đều là sự ngưỡng mộ và kính trọng của tác giả đối với Thiền và Đạo, cùng cảm hứng từ cuốn “Trà Thư” của Kakura Okakuro. Đó là những trang viết có giá trị cho người Việt Nam có thể tham khảo và hiểu hơn về trà đạo Nhật Bản từ triết lý cho đến văn hóa Trà Đạo của người Nhật.
Các công trình viết về Văn hóa trà Việt. Một điều không thể phủ nhận được rằng, mặc dù Việt Nam là quê hương của cây chè nhưng những chuyên khảo về trà của người Việt đến tận thời điểm này vẫn còn là những ẩn số. Có chăng chỉ là một vài công trình nghiên cứu ở tầm khái luận, bài báo và những bài viết mang tính cảm nhận cá nhân. Đầu tiên là cuốn “Văn hóa trà xưa và nay” do Tổng Công ty chè Việt Nam xuất bản, cuốn sách chỉ là tập hợp những bài viết của cá nhân nhằm tôn vinh Trà Việt, điểm lại sự xuất hiện của trà trong những trước tác của vĩ nhân Việt Nam, và mới chỉ bước đầu tìm hiểu về văn hóa trà thế giới. Nhưng nhìn chung còn rất sơ sài, chưa tạo được sự gắn kết giữa các phần để tạo được cảm hứng cho độc giả. Ngoài ra, năm 2008 GS Đỗ Ngọc Quỹ đã xuất bản cuốn “Khoa học văn hóa trà Thế giới và Việt Nam”. Cuốn sách tìm hiểu về lịch sử phát triển văn hóa trà thế giới và Việt Nam, khoa học sản xuất chè, phong tục tập quán uống chè, công dụng và giá trị tinh thần (phi vật thể) của trà.
Ngoài ra còn một số báo cáo khoa học cấp khoa của sinh viên nghiên cứu về trà Hà Nội. Như báo cáo khoa học năm 2006, Khoa Việt Nam học của hai sinh viên là Vũ Thị Như Trang và Trần Thị Hương Trà với đề tài “Trà với người Hà Nội”. Báo cáo có đề cập đến trà Hà Nội xưa và nay, nêu ra được thực trạng và một số giải pháp. Tuy nhiên, báo cáo chưa thật sự nghiên cứu đúng hướng và sâu sắc theo tên của đề tài đưa ra, không tạo thành một hệ thống kiến thức khiến người đọc không nắm bắt được ý tưởng của tác giả. Ngoài ra, phải kể đến báo cáo khoa học năm 2008, Khoa Việt Nam học của tác giả Trần Thị Kim Hoa với đề tài “Trà Hà Nội dưới góc nhìn văn hóa”. Báo cáo đã nêu ra được quá trình phát triển của văn hóa trà Hà Nội từ truyền thống đến hiện đại, có sự khảo sát thực tế tại một số quán trà trên địa bàn Hà Nội, và đặt địa điểm nghiên cứu sâu là Lư Trà quán. Để từ đó thấy được thực trạng phát triển của trà Hà Nội hiện nay và đề ra những giải pháp cho quá trình phát triển trà Hà Nội.
Tuy nhiên, những tác phẩm và các công trình nghiên cứu trên phần thì thiên về nghiên cứu các nền văn hóa trà lớn trên thế giới như Nhật Bản, Trung Hoa. Còn những chuyên khảo về Trà Việt vẫn đang là một câu bỏ ngỏ. Một số báo cáo nghiên cứu về văn hóa trà Hà Nội thì chưa thật sự nghiên cứu thành một hệ thống rõ ràng, hoặc có nghiên cứu thì chỉ mới trên phương diện cảm tính, chưa có những số liệu cụ thể để minh chứng cho tình hình phát triển văn hóa thưởng trà của người Hà Nội. Tính đến thời điểm hiện nay, chưa có một tác giả nào nghiên cứu vấn đề về văn hóa thưởng trà của người Hà Nội theo một quá trình xuyên suốt từ xưa đến nay, để thấy được hệ giá trị đặc sắc của nó. Vì vậy mà quá trình tìm hiểu về văn hóa thưởng trà của người Hà Nội cần được nghiên cứu thành một hệ thống kiến thức để thấy được quá trình phát triển, bước chuyển mình của văn hóa thưởng trà của người Hà Nội từ xưa đến nay, đồng thời rút ra được những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần đặc sắc nhất còn được bảo lưu, và phát triển thêm mới trong xã hội hiện nay.
3. Đối tượng nghiên cứu
Như tên đề tài đã nêu rõ, đối tượng nghiên cứu của khóa luận này là văn hóa thưởng trà của người Hà Nội.
4. Phạm vi nghiên cứu
Trong khóa luận này, chúng tôi xin giới hạn phạm vi nghiên cứu của mình là tìm hiểu về văn hóa thưởng trà của người Hà Nội theo một quá trình lịch sử từ xưa đến nay, thông qua việc khảo sát trên địa bàn Hà Nội (tính trên địa bàn Hà Nội đến trước tháng 8 năm 2008).
Trong quá trình khảo sát để thực hiện đề tài, chúng tôi đã tiến hành tìm hiểu ở hầu khắp các quán trà với những phong cách khác nhau trên địa bàn Hà Nội và lấy trọng tâm là Hiên Trà Trường Xuân (13 Ngô Tất Tố).
5. Nhiệm vụ nghiên cứu
Tìm hiểu vị trí, vai trò của văn hóa thưởng trà của người Hà Nội trong nền văn hóa trà Việt.
Làm rõ bước chuyển mình của văn hóa thưởng trà của người Hà Nội từ xưa tới nay, những giá trị văn hóa truyền thống còn được bảo lưu, những giá trị văn hóa mới được hình thành.
6. Nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu
6.1. Nguồn tài liệu
Khóa luận đã sử dụng tổng hợp nhiều nguồn tài liệu. Trước hết là những tác phẩm đề cập tới vấn đề văn hóa trà nói chung vì chưa có chuyên luận nào viết đầy đủ và sâu sắc về văn hóa thưởng trà của người Hà Nội. Bên cạnh đó, khóa luận cũng tham khảo một số trang báo điện tử viết về văn hóa trà, đặc biệt là trang http://www.traviet.org, đây là chuyên trang điện tử của câu lạc bộ Trà Việt, đã cung cấp một nguồn tư liệu khá quan trọng cho khóa luận. Ngoài ra, khóa luận còn sử dụng rất nhiều tư liệu thu thập được từ quá trình điền dã nghiêm túc của người viết.
6.2. Phương pháp nghiên cứu
Để hoàn thành khóa luận, trong quá trình viết chúng tôi đã sử dụng một số phương pháp sau:
Phương pháp liên ngành
Trong một chừng mực nhất định, chúng tôi sử dụng phương pháp liên ngành để có cơ sở khoa học xác đáng lý giải và đưa ra những nhận định khoa học cần thiết.
Phương pháp dân tộc học
Phương pháp dân tộc học bao gồm các phương pháp nghiên cứu như phân tích – tổng hợp, thống kê, bảng biểu giúp tác giả tổng hợp được những kiến thức liên ngành để hoàn thiện khóa luận. Nghiên cứu so sánh được tác giả áp dụng để so sánh giữa nguyên liệu trà, trà cụ, cách thức pha chế, quá trình thưởng thức của người Hà Nội so với một số quốc gia khác trên thế giới như Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Ngoài ra còn có cách thức mô tả để diễn tả bằng ngôn từ toàn bộ quá trình chuẩn bị nguyên liệu, cách thức pha chế cũng như cách thức thưởng thức các thức trà. Từ đó thấy được phong cách độc đáo, tinh tế, phong nhã và hết sức lịch lãm của người Hà Thành.
Phương pháp điền dã
Đây là phương pháp được tác giả thực hiện một cách triệt để nhất. Vì để có được những kết quả cụ thể, có những cách nhìn khách quan về tình hình thưởng trà ở Hà Nội hiện nay.
Chúng tôi đã tiến hành khảo sát thực địa tại phần lớn các quán trà nổi tiếng tại Hà Thành với nhiều phong cách khác nhau. Từ đó, đi đến quyết định lựa chọn Hiên Trà Trường Xuân làm địa điểm nghiên cứu chuyên sâu.
7. Đóng góp của khóa luận
Đề tài được thực hiện sẽ có những đóng góp sau:
Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu một cách hệ thống, chuyên sâu về văn hoá thưởng trà Hà Nội trong cái nhìn lịch đại theo mạch vận động của thời gian từ truyền thống đến hiện nay.
Khẳng định nét tinh hoa đã tạo thành giá trị văn hoá ẩm thực đặc sắc trong văn hoá thưởng trà của người Hà Nội.
Chỉ ra những nét văn hoá mới đang được hình thành, từ đó cho thấy bức tranh văn hoá thưởng trà của người Hà Nội đang được tô thêm màu sắc mới.
Góp phần khẳng định chất thanh lịch của người Tràng An thông qua văn hoá thưởng trà xưa và nay.
8. Bố cục của khóa luận
Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục và tài liệu tham khảo, phần nội dung của khóa luận bao gồm ba chương.
Chương 1: Văn hóa thưởng trà của người Hà Nội xưa.
Chương 2: Văn hóa thưởng trà của người Hà Nội nay.
Chương 3: Những giá trị đặc sắc trong văn hóa thưởng trà của người Hà Nội.
75 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 4569 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tìm hiểu văn hóa thưởng trà của người Hà Nội, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
gian của những quán trà là điểm đến phù hợp nhất đối với họ
2.2 Pha chế
Để có được một ấm trà ngon nhiều người vẫn tự tay mình pha chế rất cẩn thận theo sở thích của mình cùng những người bạn thưởng trà. Các cụ xưa đã có câu “trà nô, tửu tướng”, uống rượu thì có thể cần người hầu rượu, nhưng uống trà phải tự tay mình pha chế thì mới cảm nhận hết được chất của trà. Chúa Trịnh Sâm ngày xưa có thể coi là người toàn tài, sống trong thời đại thịnh trị của đất nước cùng với các nhân kiệt đất Việt khác như Nguyễn Du, Lê Quý Đôn… Nhưng Trịnh Sâm vẫn thường tự tay pha trà, kể cả việc pha trà và mời trà các quan trong triều và tự gọi mình là Trà Nô. Ngày nay việc pha chế một ấm trà có phần đơn giản và dễ dãi hơn trong cách nghĩ của mọi người.
2.2.1 Trà, nước, trà cụ
Người Hà Nội vốn cầu kỳ và cẩn trọng nên vẫn tuân thủ những cách thức pha chế riêng đối với từng loại trà. Đối với từng loại trà sẽ có một loại ấm pha trà, chén thưởng trà riêng và nhiệt độ sôi của nước rất riêng.
Theo quan sát của chúng tôi tại gian phòng pha chế các loại trà của Hiên Trà Trường Xuân, các loại ấm chén được sắp đặt rất ngăn nắp, các loại trà cũng được cất trong những hộp hoặc chai lọ khác nhau tùy theo đặc tính của từng loại trà.
Đối với trà ướp hương đều được để trong những hộp đựng bằng thủy tinh và đậy kín, mỗi khi mở ra lấy trà phải lấy thật nhanh và nhẹ nhàng tránh sự tản hương của trà. Không lấy trà trước gió quạt làm phai nhạt hương trà. Không đặt các hộp đựng trà gần nơi có nhiệt độ nóng, tránh ánh sáng trực tiếp làm hư hại trà.
Ấm chén khi tiến hành pha chế phải được ngâm trong dầm đựng nước sôi để cho chén và ấm được nóng đều. Đặc biệt riêng ấm trà phải được ngâm vào một chiếc bát để khách có thể thường xuyên rót nước sôi lên nắp ấm giữ cho ấm trà được nóng lâu.
Tất cả các loại trà cụ đều được chăm sóc cẩn thận, không có mùi lạ, những chiếc chén thưởng trà luôn luôn sạch bóng không để lại những vệt trà cũ. Khi mọi thứ đã chuẩn bị hoàn tất thì sẽ tiến hành pha trà.
2.2.2 Pha trà
Nghệ nhân Trường Xuân chủ Hiên Trà Trường Xuân nói “muốn có ấm trà ngon chỉ cần chế biến trong 7 phút, nhưng nếu không học thì cả đời cũng không làm được”. Đây không chỉ là kinh nghiệm pha trà mà còn là cách giáo dục đức kiên nhẫn của con người. Mọi sự muốn thành đều phải trải qua những giai đoạn học hỏi và rèn luyện vất vả.
Theo quan sát của chúng tôi tại Hiên Trà Trường Xuân, những nhân viên phục vụ trà tại đây luôn luôn có thể giúp khách cách thức pha chế trà để đạt được những ấm trà ngon nhất. Những động tác pha chế rất thành thục, từ việc cho trà vào ấm, rót nước tráng trà (riêng trà ướp hương không nên tráng), rót nước mời khách tất cả đều là những động tác nhẹ nhàng, đẹp mắt. Để có một ấm trà ngon thì việc pha chế một lượng trà nhất định trong một ấm trà sẽ quyết định đến độ đậm nhạt của chén trà. Bên cạnh việc pha trà mời khách những nhân viên này có thể giúp những ẩm khách có nhu cầu muốn học cách rót trà, hay châm nước vào trà sao cho hợp lí với một thái độ hết sức nhiệt tình và niềm nở.
2.2.3.Rót trà
Pha trà và rót trà đều là nghệ thuật, đòi hỏi bàn tay người mời trà thực sự am tường về các đặc tính của trà để chỉ trong những động tác rót trà cũng khiến cho người thưởng trà cảm nhận được nét đẹp, hương vị thơm ngon của chén trà như chính tấm lòng của người rót trà vậy.
Chúng tôi rất may mắn khi đến tìm hiểu tại Hiên Trà Trường Xuân đã có dịp nói chuyện với nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng – chủ Hiên Trà Trường Xuân hiện nay. Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng niềm đam mê và những kiến thức của anh về nền văn hóa trà Việt đã giúp chúng tôi có những hiểu biết vô cùng quý giá. Anh nói về cách rót trà “không được rót hết nước trong ấm trà để các tuần trà không bị vênh nhau về độ đậm nhạt. Chú ý ngay sau khi rót xong một tuần trà thì phải châm nước vào ngay để giữ cho ấm trà luôn nóng và khỏi bị kiệt trà”.
Hiện nay, không mấy người sử dụng chén tống để chuyên trà sang các chén quân nữa vì làm như vậy sẽ bị nguội trà. Nên người ta thường để các chén trà sát miệng nhau và rót đều thành một vòng tròn khép kín. Lúc đầu miệng ấm kề với miệng chén rồi lên cao dần dần, rồi lại hạ thấp xuống, chỉ nghe thấy tiếng nước róc rách mà không bị bắn ra ngoài. Lượng nước trong các chén phải ngang bằng nhau về lượng cũng như độ đậm nhạt.
2.3. Thưởng trà
Thú pha trà với thú thưởng trà không những tương đương với nhau mà còn có mối liên hệ hữu cơ. Trong truyền thuyết, chúa Trịnh Sâm rất yêu trà và ông thường tự tay pha trà cho mình uống. Ông rất tâm đắc với câu “trà nô tửu tướng”; tức là người uống rượu có phong cách như vị tướng, còn người uống trà phải có phong thái điềm đạm, khiêm tốn như một người nô bộc giỏi giang. Và người uống trà nên tự tay mình pha trà để thấy hết cái phong nhã và vị thơm khi thưởng thức trà.
Người Hà Nội sành trà không thích người khác pha trà cho mình. Ngày xưa các cụ chỉ dùng những người hầu trà nhiều nhất đến mức gẩy than trong hỏa lò. Còn tất cả mọi công đoạn phải tự tay mình làm thì mới hợp với khẩu vị thưởng thức của bản thân.
Nhưng hiện nay, phần vì đối tượng thưởng trà đã khác xưa hoàn toàn, phần vì sức ép về thời gian khiến cho mọi việc đều trở nên đơn giản hóa. Việc thưởng trà cũng đã giản lược đi rất nhiều.
2.3.1 Đối tượng thưởng trà
Đối tượng thưởng trà của người Hà Nội hiện nay là tất cả những người sống trên địa bàn Hà Nội (tính đến trước tháng 8 năm 2008).
Theo quan sát của chúng tôi tại một số quán trà nổi tiếng ở Hà Nội số lượng giới trẻ đến quán thưởng trà ngày càng đông. Nhất là những dịp cuối tuần hoặc ngày lễ nào đó trong năm thì phần lớn các quán trà đều kín chỗ.
Theo kết quả của 150 phiếu điều tra phát tại Hiên Trà Trường Xuân thu về được như sau:
Về đối tượng
Người già : 28 phiếu chiếm 18.7%
Trung niên: 47 phiếu chiếm 31.3%
Người trẻ: 75 phiếu chiếm 50%
Như vậy chúng ta thấy rằng số lượng giới trẻ tuổi đến Hiên Trà Trường Xuân ngày càng nhiều. Khi hỏi chuyện thì thấy rằng rất nhiều người trong số họ có những hiểu biết về kiến thức văn hóa trà Việt. Đây là một tín hiệu cho sự khởi sắc của nền văn hóa trà Việt nói chung và văn hóa thưởng trà của người Hà Nội nói riêng.
Trong số những bạn trẻ đến thưởng trà tại Hiên Trà Trường Xuân phần lớn đều là học sinh, sinh viện hoặc những người mới ra trường đi làm. Đối tượng người trẻ là những khách thường xuyên đến quán nhất.
Bên cạnh những đối tượng đã nêu thì có đối tượng là người nước ngoài đến với Hiên Trà Trường Xuân cũng rất nhiều. Họ là những người ở nước ngoài sang Việt Nam du lịch hoặc những người làm việc tại Hà Nội. Nhưng phần lớn những người nước ngoài đến với Hiên Trà là những du khách vì họ được giới thiệu bởi các phương tiện thông tin đại chúng về một Hiên Trà Trường Xuân – quán trà truyền thống còn sót lại trên đất Hà Thành thời điểm hiện nay.
Với mỗi nhóm đối tượng đến với quán trà lại có những sở thích và thói quen thưởng thức các loại trà khác nhau. Đối với những người nước ngoài đến với Hiên Trà Trường Xuân phải đến 70% số người này thích thưởng thức trà bổ dưỡng. Người lớn tuổi thích thưởng trà mộc, trung niên và người trẻ thích thưởng trà ướp hương. Nam giới thường thích uống trà chát (trà mộc), phụ nữ lại thích uống trà bổ dưỡng,…
2.3.2 Không gian thưởng trà
Nếu như ngày xưa các cụ chuộng thưởng trà tại gia với những bàn trà đặt ở những không gian thoáng đãng có cây cảnh, chim cảnh để vừa thưởng trà vừa giao hòa lòng mình với thiên nhiên. Nhưng ngày nay, không gian tại các gia đình ở Hà Nội bị thu hẹp đi rất nhiều. Chỉ còn rất ít những gia đình dành một khoảng sân nhỏ để đặt bàn trà. Phần lớn nhu cầu không gian thưởng trà được lựa chọn là các quán trà. Cũng bởi một phần tại các quán trà sẽ phục vụ rất nhiều loại trà phù hợp với sở thích riêng của mỗi người, mỗi lứa tuổi. Ngoài ra, đến với các quán trà người ta có thể gặp những người cùng chung sở thích nói chuyện, đàm đạo về một lĩnh vực nào đó.
Mục đích của cuộc thưởng trà sẽ quyết định đến không gian thưởng trà nhất định. Muốn có một không gian yên tĩnh để đàm phán công việc hay ngồi nghe tiếng nhạc du dương khi lòng đang chống chếnh, quán trà sẽ là địa điểm chúng ta nghĩ đến trong lúc này.
Ngoài ra thời điểm thưởng trà cũng là yếu tố quyết định đến không gian thưởng trà. Những người Hà Nội hoài cổ thường thích dậy từ sáng sớm tinh mơ ngồi thưởng trà độc ẩm để ngắm cảnh đất trời khi đang còn yên tĩnh chưa bị tiếng xe máy, ô tô và khói bụi phá tan sự yên tĩnh. Và thời điểm thưởng trà này dù muốn hay không thì chúng ta cũng không thể ra quán thưởng trà được. Thời điểm buổi chiều sau khi tan sở hoặc buổi tối sau bữa ăn mọi người sẽ muốn ngồi lại bên nhau thưởng thức ấm trà nóng cùng gia đình người thân hoặc bạn bè.
Theo kết quả khảo sát tại Hiên Trà Trường Xuân chúng tôi có những kết quả như sau:
Câu hỏi: Nếu được lựa chọn, quý vị sẽ chọn không gian thưởng thức trà nào sau đây?
Không gian thưởng trà
Người Già
Trung niên
Giới trẻ
Số Lượng
(Người)
Tỉ lệ
(%)
Số lượng
(Người)
Tỉ lệ
(%)
Số lượng
(Người)
Tỉ lệ
(%)
28
100
47
100
75
100
Quán trà
9
32.1
27
57.5
65
86.7
Tại nhà
17
60.7
16
30
6
8
Khác
2
7.2
4
8.5
4
5.3
Thông qua kết quả khảo sát chúng ta thấy được nhu cầu về không gian thưởng trà giữa các nhóm đối tượng là hoàn toàn khác nhau.
Nhóm người già thì thích thưởng trà tại nhà chiếm 60.7% trong tổng số 28 người được hỏi, chỉ có 32.1% là thích không gian thưởng trà tại quán. Điều này thật dễ hiểu vì người già họ là những những người sống trầm tĩnh hơn, hay có thói quen thưởng trà vào buổi sáng sớm tinh mơ hoặc đêm khuya trong những bầu không gian yên tĩnh tại gia đình.
Nhóm trung niên thì có tới 57.5% trong tổng số 47 người được hỏi thích thưởng trà tại quán trà, và có 30% thích thưởng trà tại gia. Và chỉ 8.5% người thích thưởng trà tại những không gian khác. Nhóm đối tượng này họ lựa chọn không gian là quán trà một phần vì sở thích thưởng trà nhưng phần lớn họ lựa chọn đây làm địa điểm bàn bạc về công việc. Chính vì vậy, vẫn có số lượng lớn người trong độ tuổi này lựa chọn không gian quán trà làm nơi thưởng trà.
Giới trẻ rất thích thưởng trà tại quán với số lượng 86.7% trong tổng số 75 người được hỏi. Bởi đến đây họ được gặp gỡ bạn bè cùng trang lứa, có thể nói chuyện vãn, hay tâm sự những chuyện tình cảm, cuộc sống, học hành. Đây là lứa tuổi sôi nổi nhất, nhiệt tình nhất và cũng năng động nhất nên đôi khi họ lựa chọn các quán trà cũng là để học hỏi, giao lưu những kiến thức về trà, về văn hóa đất nước.
2.3.3. Phương thức thưởng trà
Nghệ thuật thưởng trà của người Hà Nội được sinh ra và ngày càng khẳng định vị thế của mình trong văn hóa trà Việt.Về cơ bản các phương thức thưởng trà trong nghệ thuật thưởng trà của người Hà Nội vẫn bảo tồn vẹn nguyên những phương thức thưởng trà trong văn hóa trà Việt. Đó là những hình thức độc ẩm, đối ẩm và quần ẩm.
Câu hỏi: Quý vị thường thưởng trà theo những phương thức nào dưới đây?
Lựa chọn
Người già
Trung niên
Giới trẻ
Số lượng
(Người)
Tỉ lệ
(%)
Số lượng
(Người)
Tỉ lệ
(%)
Số lượng
(Người)
Tỉ lệ
(%)
28
100
47
100
75
100
Độc ẩm
19
67.9
13
27.7
15
20
Đối ẩm
5
17.9
25
53.2
39
52
Quần ẩm
4
14.2
9
19.1
21
28
Thông qua kết quả khảo sát chúng tôi nhận thấy rằng tỷ lệ người già thích độc ẩm nhiều hơn so với người trung niên và giới trẻ. Với 67.9% trong tổng số phiếu được hỏi ở đối tượng người già lựa chọn phương thức độc ẩm. Riêng đối với giới trẻ và người trung niên họ lại lựa chọn cách đối ẩm và quần ẩm phù hợp vì nó phù hợp với sự sôi nổi trong tính cách của họ.
Nhưng theo như những người phục vụ ở một số quán trà tại Hà Nội chia sẻ thì những năm gần đây tỉ lệ giới trẻ đi uống trà một mình (độc ẩm) ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Nói tóm lại, thông qua quá trình khảo sát tại một số quán trà và đặc biệt là khảo sát bằng hệ thống bảng hỏi tại Hiên Trà Trường Xuân đã đem lại kết quả một cách khách quan về bức tranh phát triển của văn hóa thưởng trà ở Hà Nội hiện nay.
Tiểu kết chương 2
Văn hóa thưởng trà của người Hà Nội hiện nay đã có những thay đổi lớn so với thời xưa, có những thứ vốn rất được nâng niu và cầu kỳ thì nay dần bị “mòn” theo thời gian. Đây cũng là điều khiến cho không ít người tâm huyết với trà Việt phải nhức lòng. Hy vọng phục dựng một nền văn hóa trà truyền thống với những nét tinh tế thể hiện diện mạo con người Hà Nội hào hoa, lịch lãm. Tuy nhiên cũng không thể không khẳng định sự phát triển đa dạng của văn hóa trà Hà Nội hiện nay. Một bức tranh đa màu sắc, nhưng những “gam màu dân tộc” đang nhạt dần đi thay vào đó là những gam màu của phong cách trà ngoại nhập. Điều này cũng đáng phải quan tâm và chú ý. Bởi chính những hình ảnh ngoại nhập này sẽ lấn át, thay thế dần trong tâm thức những người dân đất Việt. Thật tai hại nếu như những thức uống nhanh chóng trong những cốc giấy, cốc nhựa dùng một lần dần chiếm lĩnh thị trường và khiến cho người ta lãng quên những búp trà quý giá mà các cụ xưa luôn nâng niu trân trọng.
Chúng ta phải nhìn nhận khách quan về một hiện trạng hiện nay đó là đi khắp các tuyến phố trên địa bàn thành phố Hà Nội, thật khó có thể tìm ra một quán trà vẫn giữ được nét truyền thống như Hiên Trà Trường Xuân, Lư trà quán… Bởi sự xuất hiện của quá nhiều và áp đảo của các quán trà ngoại nhập. Thậm chí bây giờ chúng ta vào một quán cà phê cũng có thể gọi một ấm trà những chỉ là một ấm trà thường không hương vị và nhạt nhẽo đến rầu lòng. Sự tồn tại của nhiều quán trà mang phong cách khác nhau cùng tồn tại trên địa bàn thành phố Hà Nội có mặt tích cực là khiến cho việc tiếp xúc đa phương đa minh được tốt hơn nhưng cũng vì thế mà tạo nên sự lai căng, hỗn tạp, làm nhiều người không biết đâu là trà truyền thống đâu là trà ngoại lai. Và điều này đã làm cho không ít người thực tâm với trà phải xót xa, trăn trở.
Tuy nhiên, sự thay đổi diện mạo văn hóa trà Hà Nội là một sự thay đổi tất yếu không tránh khỏi, để bảo lưu được những giá trị tốt đẹp và tinh tế ấy cần có nhiều hơn nữa những tấm lòng, những trái tim tâm huyết với trà Việt mà đỉnh cao là văn hóa thưởng trà của người Hà Nội. Chúng ta có quyền tin tưởng vào một tương lai phát triển của nền văn hóa trà Việt vì đến thời điểm hiện tại thế hệ trẻ Việt Nam nói chung, giới trẻ Hà Nội nói riêng đã có nhiều người với vốn kiến thức hiểu biết sâu rộng và tâm huyết chân thành với trà.
CHƯƠNG 3
NHỮNG GIÁ TRỊ ĐẶC SẮC TRONG VĂN HÓA THƯỞNG TRÀCỦA NGƯỜI HÀ NỘI
Hà Nội_mảnh đất địa linh nhân kiệt, mảnh đất của những con người hào hoa, phong nhã, cốt cách thanh cao, của những thú chơi tinh tế và độc đáo. Nói đến văn hóa trà Việt thì không thể không nhắc đến nghệ thuật thưởng trà của người Hà Nội. Với những con người nơi đây, từ cách pha trà, mời trà đến thưởng trà từ lâu đã trở thành một thú chơi thanh tao, quý phái, mang đậm chất nhân sinh phương Đông.
Văn hóa thưởng trà của người Hà Nội từ xưa tới nay đã trải qua rất nhiều thăng trầm cùng những năm tháng lịch sử của dân tộc, có lúc thăng lúc trầm. Nhưng không ai biết rõ nó đã ăn sâu bám rễ vào tâm thức của người dân đất Việt từ bao giờ nữa. Chỉ biết rằng trà theo ta suốt cuộc đời. Từ những ngày bố mẹ mừng một sinh linh bé nhỏ chào đời cả làng xóm đều đến chơi uống chén trà mừng cho sự xuất hiện của một con người. Cho đến khi dựng vợ gả chồng cũng không thể thiếu được chén trà mời anh em họ hàng, làng xóm chung vui với hạnh phúc. Và đến tận khi về với tổ tiên làm người thiên cổ thì người Việt Nam cũng được tẩm liệm cùng trà. Như vậy, khẳng định vai trò và sức sống mãnh liệt của trà trong đời sống của người dân Việt Nam.
Văn hóa thưởng trà của người Hà Nội đã lưu giữ và phát huy được hệ thống những giá trị văn hóa cả về vật chất lẫn tinh thần.
3.1 Những giá trị văn hóa vật chất
Những giá trị văn hóa vật chất được bảo lưu trong nghệ thuật thưởng trà của người Hà Nội còn tồn tại đến ngày hôm nay có thể coi là tinh hoa, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Những giá trị văn hóa vật chất ở đây là những bí quyết sao tẩm các loại trà, các loại trà cụ, và cách thức pha chế trà hết sức cầu kỳ và công phu.
3.1.1 Nguyên liệu
Nguyên liệu trà là sản phẩm đặc sắc của các vùng trà nổi tiếng ở Việt Nam. Người Hà Nội không chỉ thưởng thức trà mộc mà còn thổi vào trong trà cái sắc hồn riêng của mảnh đất này để tạo nên những đỉnh cao trong nghệ thuật thưởng trà Việt Nam.
Trà nguyên chất
Trà nguyên chất là loại trà không tẩm ướp với bất kì một loại hương hoa nào. Những người sành trà Hà Nội xưa chỉ hứng thú với loại trà này. Nhưng để có được chén trà ngon cũng tốn biết bao nhiêu công phu. Thời điểm hái ngọn chè tươi mới cũng phải được chú ý. Chè phải được hái lúc sáng sớm, khi mặt trời lên là không hái nữa. Chè hái để héo rồi được sao chế bằng phương pháp thủ công. Loại trà thượng hạng là trà một lá (gồm chồi và một lá non nhất), loại trà ngon hai lá (gồm chồi và hai lá gần chồi nhất), loại trà ba lá (gồm chồi và ba lá gần chồi nhất, được liệt vào hàng thứ phẩm).
Trà “móc câu” là loại trà chỉ được hái đọt non nhất nên sau khi sao sẽ quăn lại giống như hình móc câu. Song người sành trà lại cho rằng phải gọi là “trà mốc cau” mới đúng vì trà tròn cánh, trôi tay, có mốc trắng như mốc cây cau. Còn trà sao suốt là phương pháp sao trà bằng nhiệt, tách nước bằng tay với ngọn lửa liên tục, đảo đều trên chảo gang.
Những thức trà ngon ấy đều được gọi chung là trà Thái, nhưng thực ra những thứ bán trên thị trường hiện nay cũng có nguồn gốc rất khác nhau. Để chọn mua được những loại trà thật đáng tin thì người sành trà Hà Nội phải đến một số địa chỉ tin cậy mới mong mua được trà ngon đúng với từng địa danh.
Trà ướp hương
Trong số các loại trà thì trà ướp hương được đánh giá cao nhất. Hà Nội được coi là nơi khởi điểm của cách uống trà ướp hương hoa. Vì vậy mà loại trà quý này không được bày bán rộng rãi như các loại trà mộc. Trà ướp hương hội tụ đỉnh cao cái tinh tế, phong cách nho nhã, thanh lịch của người Tràng An. Những loại hoa được chọn để ướp trà phải là hoa quý, thanh tao như hoa ngâu, hoa sói, hoa sen, hoa nhài, hoa cúc,… Trong đó hoa sen là thứ hoa cao quý nhất, được lựa chọn nhiều nhất và ướp trà ngon nhất.
Theo Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 - 1791) thì “cây hoa sen mọc từ dưới bùn đen mà không ô nhiễm mùi bùn, được khí thơm trong của trời đất nên củ sen, hoa sen, tua, lá,… đều là những vị thuốc hay”. Điều này cũng được nhà sư Hạnh Châu (chùa Vân Trì – Từ Liêm – Hà Nội) lý giải: “Bởi quan niệm về hoa sen trong đạo Phật của người Á Đông. Hoa sen vốn dĩ là thứ hoa thanh cao mọc từ bùn lầy, điều đó tương tự chữ Danh, mà người quân tử rất coi trọng vậy”. Hương hoa sen là những gì tinh túy của đất trời tụ lại. Vì vậy, ướp trà sen là sản vật quý giá, xưa kia chỉ dành cho hàng vương tôn công tử, gia đình quyền quý.
Còn theo nghệ nhân Trường Xuân (Hiên Trà Trường Xuân – 13 Ngô Tất Tố) “muốn trà ngon, chỉ hái những búp trà loại một tôm hai lá, phải hái nhanh nhẹ nhàng, không để búp trà bị nhàu nát”. Loại trà ngon là sau khi sao phải có một lượng nước nhất định 5 – 7%. Trà hái xong không được ướp hương ngay mà phải để trong chum đát, đậy lá chuối từ 2 – 3 năm nhằm giảm độ chát và cánh trà phồng lên hút được nhiều hương hơn. Chính cái công đoạn bảo quản trà trong chum mấy năm liền không bị mốc hoặc hư hại đã là một nghệ thuật vô cùng quý báu chỉ có những người con được gia đình nối nghiệp mới được học những bí quyết này. Một cân trà cần ướp từ 1000 – 1200 bông sen mà phải là thứ sen đầm Đông Trị, Thủy Sứ, làng Quảng Bá, Hồ Tây (sen ở đây to và thơm hơn những nơi khác). Sen phải hái trước lúc bình minh, tách lấy phần hạt gạo rồi rải cứ một lớp trà, một lớp gạo sen. Sau cùng phủ một lớp giấy bản. Ướp liên tục 5 – 6 lần. Mỗi lần ướp xong lại sấy khô rồi ướp tiếp. Vì công phu như vậy nên mỗi cân trà ướp hương sen có giá trị bằng 2 -3 chỉ vàng. Và vì công phu là thế nên một ấm trà sen có thể uống hàng chục tuần trà, nước trong rồi mà hương sen vẫn còn thơm ngát.
Cũng là trà ướp hương nhưng cụ Nguyễn Tuân lại ca ngợi kiểu ướp trà bằng cách bỏ trà mạn vào bông sen mới chớm nở rồi buộc lại – ngông đến thế là cùng. Tuy nhiên với cách này trà không để được lâu, hay bị mốc và dễ bị mất hương, cách này chỉ có thể dùng cho một lượng trà rất ít và phải sử dụng ngay.
Trà bổ dưỡng
Trà Việt Nam xưa kia thường có hai loại: Trà mộc, Trà ướp hoa. Những năm gần đây xuất hiện thêm loại Trà bổ dưỡng (còn gọi là Trà thuốc). Mỗi loại trà có một hương vị riêng. Ví như, Trà bổ dưỡng thường có vị ngọt của cam thảo, mật ong, táo tàu hoặc lá cỏ ngọt mang lại, tạo cho chén trà vị ngọt thanh nhã. Cách pha trà bổ dưỡng mỗi nơi mỗi khác, nhưng đơn giản nhất là dùng một vị thuốc cho một chén trà (như Mật ong long nhãn trà, Mật ong tâm sen trà…), hoặc cầu kỳ hơn là một bài thuốc cho một chén trà (như trà Tiêu Dao, trà Bát Bảo…). Với loại Trà này, mỗi nghệ nhân lại có một cách pha rất khác nhau, tạo thành những vị đặc biệt khác nhau, ví dụ như Hiên Trà Trường Xuân thường dùng mật ong để pha thành các loại trà bổ dưỡng: mật ong Long nhãn trà, mật ong Huyền sâm trà, mật ong Nhân sâm trà, mật ong Tâm sen trà, mật ong Bạc hà trà.
3.1.2 Trà Cụ
Ấm pha trà
Trà cụ là những dụng cụ pha trà rất cầu kỳ. Trà cụ đầu tiên cần phải có là ấm pha trà. Tương truyền ngày xưa, đối với dân sành trà luôn luôn phải có hai ấm đồng, bên trong có đủ năm kim hỏa thì nước mới mau sôi, hai ấm thay nhau giữ cho nước sôi trên lò than hoa hoặc than tàu. Than không được dùng loại ẩm hay xốp vì như vậy sẽ sinh nhiều khói, ấm pha trà phải là thứ ấm đất sét có màu đỏ sậm vừa nhỏ, vừa sinh cho đủ một tuần trà. Dân gian còn lưu truyền hai câu thơ điểm tên những loại ấm trà nổi tiếng của Trung Hoa:
“Thứ nhất Thế Đức gan gà
Thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần”
Mua được ấm ưng ý đã là cả một nghệ thuật. Miệng ấm và vòi ấm phải nằm trên một đường thẳng. Thả úp ấm vào chậu nước, ấm phải nổi đều, cân nhau. Mua ấm về không được dùng ngay mà phải đun sôi qua nước bã trà nhiều lần cho hết hơi đất và hơi lửa. Khi rửa ấm trà thì không được sử dụng hóa chất, chỉ rửa bằng nước sạch rồi úp vào tủ chè cho khô.
Ấm có các loại ấm theo số lượng người thưởng trà: ấm độc ẩm, ấm đối ẩm hay ấm quần ẩm…
Chén thưởng trà
Chén thưởng trà thường là chén sứ cho trà nổi nước, nhất là trà xanh. Chén thì luôn luôn được rửa thật sạch bóng, không bao giờ để vương lại một ngấn nước đậm màu. Trái với ấm, chén thì có sự phân biệt chén thưởng trà theo mùa; có chén tống, chén quân…
Một số loại trà cụ khác
Dầm đựng nước nóng để ngâm ấm và chén trước khi thưởng trà được làm từ đất nung trông rất đẹp mắt.
Kẹp chén, thìa xúc chè đều được làm bằng gỗ thơm hoặc bằng tre khô để khỏi bị ảnh hưởng đến hương vị của trà.
Khay trà được làm bằng gỗ hoặc đất nung với những hoa văn rất ấn tượng. Nếu khay bằng gỗ còn được trang trí bởi những khảm trai trông rất sang trọng và quý phái.
Ngoài ra còn có tăm thông vòi ấm khi bị tắc bã trà, thìa khuấy trà làm bằng gỗ,…
3.1.3 Pha chế
Cách thức pha chế một ấm trà của người Hà Nội hết sức cầu kì. Cho dù là pha mời khách hay pha cho mình thưởng thức đều được tiến hành hết sức cẩn trọng và nâng niu chất chứa tình yêu và niềm đam mê đối với từng búp trà trong tay.
Trước khi pha trà, ấm, chén phải được ngâm qua nước sôi để giữ nước trà được nóng lâu.
Thứ nước để pha trà được người Hà Nội ưa chuộng nhất vẫn là thứ nước mưa hứng giữa trời hoặc nước giếng đá ong.
Khi lấy trà cho vào ấm phải dùng thìa gỗ hoặc thìa tre múc trà tránh việc tiếp xúc trực tiếp tay vào những búp trà khô sẽ làm hư hại hương vị của trà. Trà cho vào ấm cỡ khoảng 1/3 ấm là vừa. Để đạt được ấm trà ngon phải luôn luôn giữ ấm trà và chén trà ở độ nóng cao nhất.
Khi châm nước đầu thì rót vào thật nhanh rồi rót bỏ đi ngay. Sau đó châm nước lần hai thì đổ nước cao hơn miệng ấm để nước trong ấm trào ra khỏi miệng ấm mang theo những bụi bẩn của trà ra ngoài hết. Khi rót trà ta đưa các chén để khít miệng lại với nhau thành vòng tròn rồi đưa vòi ấm quay đều các chén một lượt đi, lại một lượt lại để trà ở mỗi chén có độ đậm nhạt như nhau.
Cách pha trà như vậy không hẳn là quá phức tạp mà người sành trà phải nắm được đặc tính của từng loại trà để pha chế cho phù hợp.
Như vậy, chúng ta thấy rằng những giá trị văn hóa vật chất được bảo lưu trong nghệ thuật thưởng trà của người Hà Nội đã đem lại niềm tự hào cho người dân Việt Nam về một nền văn hóa trà với đỉnh cao là thú thưởng trà lịch lãm và phong lưu của người Hà Thành.
3.2 Những giá trị văn hóa tinh thần
Bên cạnh những giá trị văn hóa vật chất còn bảo lưu và phát triển được đến ngày hôm nay thì những giá trị văn hóa tinh thần từ nghệ thuật thưởng trà của người Hà Nội rất đáng được nâng niu và trân trọng.
“Trà không chỉ đem cái thanh cao, cái thoát tục cho con người, mà còn giúp con người xóa bỏ hết mọi ưu tư trần tục để thanh thản sống và làm việc cho mục đích cao cả của mình”. Người ta không sử dụng từ uống trà trong văn hóa thưởng trà của người Hà Nội, mà người ta sử dụng từ “thưởng trà” nó mang đến một cảm giác trân trọng chén trà và trân trọng chính những người thưởng trà.
Nói đến giá trị văn hóa tinh thần chúng ta không thể bỏ qua yếu tố tâm linh vì yếu tố này cũng xây đắp lên hệ giá trị vô cùng to lớn.
Trên ban thờ tổ tiên chúng ta, trong các giỗ kỵ ông cha ta thời còn rất gần đây, các tuần rượu, tuần trà (tam trà, nhị tửu) không bao giờ thiếu được. Phải chăng đó là một biểu hiện của lòng biết ơn nguồn cội và là sức thẩm thấu của nền văn hóa trà tự bao đời nay.
Hình ảnh những chén trà được thờ ở ban Tam Bảo tại một số ngôi chùa ở Hà Nội như chùa Vân Trì Và chùa Đình Quán (Phú Diễn – Từ Liêm – Hà Nội). Đây là một hình thức thờ cúng thể hiện sự nhớ ơn tổ tiên. Bởi theo tục truyền đức Bồ Đề Lạt Ma, người Ấn Độ đã du nhập Phật Giáo dyana vào Trung Hoa khoảng 520 qua trường phái chan (đầu tiên được gọi là chan na), sau này trở nên seon bên Hàn Quốc, zen bên Nhật Bản, thiền ở Việt Nam, một hôm ngủ gật nhân lúc ngồi định tâm. Thức giấc, hổ thẹn, ngài cắt hai mí mắt vứt xuống đất. Hai mí này mọc rễ, đâm chồi lớn lên thành một loại cây có lá hình mí mắt mà người đời hái về dùng để giữ trí óc luôn được tỉnh táo. Chính vì vậy mà đến hiện nay, khi đến một số ngôi chùa chúng tôi nhận thấy rằng chỉ có những ngôi chùa tu thiền thì mới có ấm trà được đặt thờ ở ban Tam Bảo.
Ngoài ra cách thưởng trà liên quan chặt chẽ với nếp sống của các vị thiền sư, phù hợp nguyên tắc luôn tỉnh thức và quan sát của môn phái Thiền được gọi là Thiền Trà. Hiện nay, tại Hà Nội chỉ còn tồn tại hai ngôi chùa có tổ chức Thiền Trà; đó là chùa Đình Quán (Phú Diễn – Từ Liêm), tổ chức không định kỳ; chùa Vân Trì (Phú Diễn – Từ Liêm), ở đây những buổi Thiền Trà được tổ chức một cách định kỳ.
Bằng cách ngắm hoa họ hoặc thanh tịnh nơi trà thất, họ thanh tịnh nhãn căn; lắng nghe tiếng nước sôi trong ấm đồng, họ thanh tịnh nhĩ căn; khi nhấm nháp từng ngụm trà nhỏ từ chén trà thơm ngon, họ thanh tịnh khẩu vị và thiệt căn; khi tiếp xúc với những trà cụ trong sự tĩnh giác, họ thanh tịnh được xúc giác và thân căn; khi thâm tâm và lục văn thanh tịnh, họ thoát khỏi mọi ràng buộc của phiền muộn vì vậy mà họ trở nên thanh thản. Có lẽ đó chính là nghệ thuật thưởng thức trà quý giá nhất mà con người có thể có được.
Thời đại ngày nay cho dù vui hay buồn khách cũng không thể từ chối được một chén trà do chủ nhân dâng mời bằng hai tay. Dâng trà là một ứng xử văn hóa phổ quát biểu hiện sự lễ độ, lòng mến khách. Thưởng trà cũng là một ứng xử văn hóa, uống từng ngụm nhỏ để cảm nhận hết cái thơm ngọt của trà, cái hơi ấm thoát ra từ hai bàn tay nâng chén trà ủ nóng bàn tay trong mùa đông lạnh giá. Động thái thưởng trà khiến cho người ta tĩnh tâm, như ăn có nhai làm có nghĩ.
Những giá trị tinh thần được rút ra từ văn hóa thưởng trà của người Hà Nội
3.2.1 Thưởng trà để tận hưởng tinh hoa trời đất
Khi nhắc đến văn hóa trà Việt chắc hẳn ai cũng hình dung ngay đến đỉnh cao là nghệ thuật ướp hương trà của người Hà Nội. Một trong những nét tinh tế nhất của những nét tinh tế. Vì chẳng có một quốc gia nào có thể có đặc sản trà sen giống của Việt Nam, và cũng chẳng có vùng nào trên đất nước Việt Nam có thể có được thứ sen như sen Hồ Tây để ướp hương trà. Đất trời chiều lòng người người Hà Nội nổi tiếng hào hoa, phong nhã:
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.
Người Tràng An xưa thanh lịch mà không kiêu kì, hào hoa phong nhã mà không kiêu ngạo. Họ đẹp trong từng cử chỉ, hành động, trong lề lối của cuộc sống, trong những sản vật mà họ làm ra. Không một nơi nào trên mảnh đất Việt Nam lại có được nhiều sản vật có giá trị và ghi vào dấu ấn như mảnh đất Kinh thành.
Thưởng trà ngắm hoa đầu xuân là một thói quen riêng của các bậc tao nhân mặc khách chốn kinh thành xưa. Trước tết, đích thân các cụ đi chọn mua hoa đào, cúc, mai trắng, thủy tiên ở tận vườn, chuẩn bị loại trà ngon nhất. Sáng mồng một, con cháu giành riêng cho cụ những phút giây đầu tiên để tịnh tâm và ngắm hoa thưởng trà, sau đó mới là cả đại gia đình cùng ngồi quanh bàn trà chúc thọ cụ và nghe lời dặn dò.
Uống trà thưởng hoa quý như hoa quỳnh, hoa trà cũng là cái thú của nhiều người Tràng An. Đó cũng là hình thức hội trà quanh chậu hoa quý vào tối hoa mãn khai của những người cao tuổi, đàm đạo thế sự, văn chương và dặn dò lớp con cháu.
Trà ngũ hương chỉ giới hạn cho năm người. Khay uống trà ngũ hương thửa 5 chỗ trũng để 5 loại hoa đang độ đượm hương nhất: cúc, sói, nhài, sen ngâu. Úp các chén kín hoa, bưng khay để lên nồi nước sôi cho hương hoa bám vào lòng chén. Pha trà mạn thật ngon, rót đều ra các chén, mỗi người tham gia phải đoán hương trà trong chén trà của mình và cũng nhận xét. Sau mỗi chén trà, người chủ nhà lại hoán vị hương để ai cũng được thưởng thức hết cái tinh thúy của hội trà ngũ hương.
Cách thức sao tẩm để tạo ra thứ trà sen độc nhất vô nhị luôn là niềm tự hào của những con người Thăng Long. Dù có đi đến tận phương trời nào thì cách thưởng trà ướp hương của người Hà Nội vẫn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng ẩm khách. Thưởng trà ướp hương là một cách tận hưởng hương hóa, tinh túy của đất trời. Một sự kết hợp thật tinh tế và kỳ diệu. Những búp trà từ vùng sương mù quanh năm bao phủ tinh sạch và quý hiếm kết hợp với hương sen “báu vật” của Hồ Tây để tạo nên thứ trà sen thể hiện được sự khéo léo, tỉ mỉ và công phu của người Tràng An.
Người Hà Nội dù ở thời đại nào cũng muốn tìm cho mình một không gian thật thanh tịnh và thoải mái để có thể ngồi thưởng trà độc ẩm hay cùng quần ẩm với hội bạn trà đàm đạo thế sự. Người Hà Thành xưa chọn bàn trà đặt ở gian chính của nhà trong bầu không khí mát mẻ, sạch sẽ hoặc đặt bàn trà tại góc vườn có thiên nhiên cây cỏ với tiếng chim hót. Vừa thưởng trà vừa đắm mình cùng thiên nhiên là một cách khiến cho lòng thanh thản nhẹ nhàng hơn. Đó là sự lựa chọn không gian thưởng trà của người Hà Nội xưa. Còn hiện nay không ít người lại lựa chọn không gian thưởng trà là các quán trà vì tại đây người ta có thể gặp những người bạn tâm giao, những người có cùng niềm tâm huyết với trà, có cùng sở trường thưởng trà trong khi cuộc sống tất bật xô bồ.
Như vậy, cách thức lựa chọn các loại trà và cách ướp hương các loại trà, chọn không gian thưởng thức. Cùng sự tinh tế trong cách thức thưởng thức trà đã nâng tầm và khẳng định nhiều lần hơn nữa về những con người Hà Nội hào hoa, thanh lịch.
3.2.2 Thưởng trà để kết nối tâm giao
Nhà văn Nguyễn Tuân sinh thời có nói: “Chỉ có người tao nhã, cùng một thanh khí mới có thể cùng nhau ngồi bên một ấm trà”. Hay như trong bài “mời trà” của quan họ Bắc Ninh:
“Mấy khi khách đến chơi nhà
Đốt than quạt nước pha trà người xơi
Trà này quý lắm người ơi
Mỗi người một chén cho tôi vừa lòng”.
Vậy người bạn tri kỷ cùng ta uống trà, hẳn phải là người bạn hiền, chỉ cần đưa mắt là có thể hiểu lòng nhau, lấy gì mà mua cho được ở cõi đời còn lắm bon chen và phiền muộn này. Có duyên phận lắm mới được cùng nhau hạnh ngộ với người tri kỉ bên chén trà quý là vậy.
Thú thưởng trà vào sớm mai là thói quen của nhiều người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng. Có người thích độc ẩm, có người thích đối ẩm, song ẩm, tứ ẩm hoặc quần ẩm. Có bình trà ngon gọi bạn hiền đến cùng thưởng thức, đó là nét văn hóa từ bao đời nay của ông cha ta.
Thỉnh thoảng có khách đến chơi hoặc lúc rảnh hàng xóm hay rủ nhau sang nhà uống trà. Chủ mời khách phải đưa chén bằng cả hai tay. Mời trà cũng là một hành vi biểu hiện phong độ thanh nhã và hiếu khách của hầu hết các gia đình Việt Nam. Kỵ nhất là mời khách bằng một chén trà nguội, hay những chiếc chén trà bị hoen ố nước trà cũ. Chén trà mời khách thể hiện những tình cảm tối thiểu nhất, không thể tùy tiện coi thường, dù không nhất thiết phải bằng thứ trà thượng hảo hạng. Với mục đích giải khát thì có thể uống trà theo cách riêng của mỗi người. Uống trà là một cách biểu thị sự tâm đắc, trình độ văn hóa và cảm tình cùng người đối thoại. Trong ấm trà ngon, người cùng thưởng trà tâm đầu ý hợp, dưới ánh trăng thanh gió mát, ngắm khung cảnh tĩnh mịch của núi rừng mà luận bàn thế sự thì không còn gì thú vị hơn nữa. Chỉ có những tao nhân mặc khách mới thưởng thức trọn vẹn cái phong vị của cách uống trà này, chứ không phải như kẻ phàm phu tục tử bưng ly trà to đùng lên uống ừng ực, người ta gọi là “ngưu ẩm” hay là uống như trâu uống nước.
Cũng như uống rượu, người Hà Thành quan niệm thưởng trà ngon phải có bạn hiền. Vừa nhâm nhi chén trà nóng vừa bàn chuyện đời, chuyện người, chuyện thế sự thời cuộc,… vừa lắng nghe suy ngẫm, vừa triết lý vừa gật gù, vừa tranh luận vừa bày tỏ… Cũng có khi vừa kết hợp thưởng trà, nghe nhạc và ngắm trăng, thưởng hoa,… Không có gì có thể thanh thản hơn bằng những phút giây thả mình vào không gian yên tĩnh chung quanh, bên chén trà tỏa hương, bên những người bạn thân thiết nhất.
Ngay từ thời xa xưa, trà Việt đã tham gia vào lĩnh vực ngoại giao, không phải ở vị trí “trà nước thù tạc” mà với vai trò giới thiệu tâm hồn người Việt Nam phẩm chất con người Việt Nam trên trường quốc tế. Đó là bài thơ của Cung Định Vương Trần Thủ tiễn Ngưu Lượng trưởng đoàn sứ giả của nhà Minh sang nước ta:
“An Nam tể tướng bất năng thi
Không bả trà âu tống khách quy”.
Tạm dịch là
“Tế tướng nước Nam thơ chẳng giỏi
Bình trà suông tiễn khách ra về”.
Thế đấy tể tướng nước Nam chẳng có vàng bạc, lụa là gì cả, đến thơ cũng chẳng có. Chỉ có bình trà suông tiễn khách ra về. Nhưng đây mới là điều đáng quý, bởi chỉ có bình trà đã thể hiện được hết tấm lòng của người dân nước Nam, coi nhau như thân cận, quý mến và trân trọng nên mới được tặng bình trà.
Các cụ xưa uống trà không chỉ để thưởng thức hương vị thơm ngon kỳ thú, mà bên ấm trà người ta còn tìm một mối tri kỷ tri âm, luận bàn thế sự, giãi bày những quan điểm về mọi mặt của đời sống xã hội…
Thưởng trà là một thú vui phong lưu, tao nhã, là một cách bồi bổ, di dưỡng tinh thần của người Hà Thành. Một chén trà mà chứa đựng bao điều sâu xa. Đúng như cụ Nguyễn Tuân đã từng nhận xét: “Trong một ấm trà ngon, người ta thấy có một mùi thơ và một vị triết lý”. Bên ấm trà người ta thấy toát lên cái tinh thần “Vạn biến như lôi, nhất tâm thiền định”, tức là lấy cái trong sáng tĩnh lặng của cõi lòng để chế ngự cái vạn biến của đất trời, lấy cái thanh cao để vượt lên cái tục của đời thường.
Người Hà Nội tinh tế lắm, hiểu được triết lí sâu xa của trà, hiểu được “tính” trà nên dù có bận rộn với cuộc sống thế nào thì chén trà vẫn là nơi khởi điểm của tình thân, khởi điểm của tình tri kỉ. Mỗi khi đi xa thường mang theo một chút sắc hồn riêng của Hà Thành. Gia đình nào có người đi sinh sống ở phương xa cứ hễ đến dịp lễ tết người ở nhà lại gói gém gửi đi những gói trà mộc, trà sen đặc sản Hà Thành làm quà. Dường như những sản vật này là những sợi dây vô hình thít chặt tình thương yêu của con người, nối liền khoảng cách về không gian và thời gian.
Xu hướng hiện nay của nhiều doanh nhân Hà Thành là lựa chọn quán trà để vừa thưởng trà vừa bàn bạc công việc. Bởi theo họ, quán trà có sự yên tĩnh giúp con người tỉnh táo quyết định những công việc, những hợp đồng quan trọng, không bị men của bia rượu làm cho chếnh choáng thiếu kiểm soát bản thân dẫn đến những tình huống éo le khi làm việc. Không gian tại các quán trà vừa ấm cúng lại tạo cảm giác thoải mái như thưởng trà trong chính ngôi nhà của mình vậy. Nên rất nhiều người lựa chọn thưởng trà để bàn chuyện công việc, nơi để cùng bạn bè tâm tình về những khúc mắc, vui buồn trong cuộc sống.
Không có gì có thể thanh đạm và lịch thiệp hơn khi ngồi quanh nhau bên một chén trà nóng trong một không gian ấm cúng. Đây chính là một trong những điều kiện tuyệt vời nhất để góp phần vào việc xây dựng môi trường sống nhân ái, hài hòa. Xây dựng một hình ảnh thủ đô ngàn năm tuổi với những con người tinh tế, sâu sắc trong lối sống, hiểu biết và trân trọng trà _ một tặng phẩm cao quý của đất trời.
3.2.3 Thưởng trà để sống với thế giới tâm linh, chiêm nghiệm về cuộc sống, nhân sinh
Những người Hà Nội trầm lặng hay uống trà. Hà Nội không phải là mảnh đất trồng trà nhưng có lẽ hiểu về trà nhất vẫn là người Hà Nội. Này là trà cúc, trà sen, trà mộc, trà ngâu. Này là trà bạch ngọc hoa, trà hoa mộc. Này là huyền sâm trà, hoàng cúc trà… hàng mấy chục loại trà khác nhau cho người tao ngộ thưởng lãm trong mỗi dịp khác nhau. Người miền Nam bận rộn mưu sinh, người miền Trung hiền lành vất vả, có miền nào như miền Bắc, làm việc đấy, vội vàng đấy, tất bật đấy, nhưng mỗi ngày đều trôi qua bằng dáng vẻ tao nhã, thanh lịch. Có lẽ bởi miền Bắc có trà, bởi người Hà Nội có thú thưởng trà.
Thưởng trà là một cách để con người có thể lắng lòng, tĩnh tại chiêm nghiệm về những sự việc đã trôi qua, ngẫm nghĩ về ngày hôm qua để rút ra những cách nhìn nhận về cuộc sống. Thông thường để sống được với thế giới tâm linh, chiêm nghiệm về cuộc sống nhân sinh thì người thưởng trà sẽ sử dụng phương thức độc ẩm.
Các nhà sư muốn tu thiền được tĩnh tâm thường thưởng trà độc ẩm và tu thiền một mình trong thiền đường hoặc trà thất. Những buổi sớm mai ở chùa những vị sư vẫn có thói quen dậy rất sớm để tụng kinh, thưởng trà ngắm trăng và chuẩn bị đón chào một ngày mới.
Trà không chỉ đem cái thanh cao, cái thoát tục cho con người, mà còn giúp con người xóa bỏ hết mọi ưu tư trần tục để thanh thản sống và làm việc cho mục đích cao cả của mình. Trần Nguyên Đán, ông ngoại của Nguyễn Trãi, đã bất lực trước âm mưu hành động tiếm quyền, tàn sát trung thần của Hồ Quý Ly, đã nhờ trà đem lại thăng bằng, thanh thản cho tâm hồn mình:
“Chiều bãi hoán trà liên tục lự
“Nhàn phi đố giản huấn đồng mông
Tạm dịch là:
“Tàn chầu mượn chén trà khuây muộn
“Sách mọt bày ra dạy trẻ thơ
Đến Nguyễn Trãi đã tìm đến trà như một người bạn tâm giao cùng với “thơ” và “trăng” để đưa con người ẩn mình xa thế lụy. Bộ ba “trà”, “thơ” và “trăng” đã nhiều lần có mặt trong thơ Nguyễn Trãi để nói lên chí hướng, tâm tư ông:
“Cởi tục trà thường pha nước tuyết,
“Tìm thanh, trong vắt tịn chè mai
Cởi tục là cởi bỏ những ưu phiền thế tục; pha nước tuyết là nước trong nhất, trong như tuyết; chè mai là chè hồng mai, thứ chè của các thiền gia.
Và:
“Chè mai đêm nguyệt dậy xem bóng
“Phiến sách, ngày xuân ngồi chấm câu
“Xem bóng, xem áo” là các ẩn ngữ của người đời xưa nói về xem lại mình có phải hổ thẹn với “bóng” mình và cái “áo” mình đang mặc không, tức là kiểm điểm lại bản thân mình.
Đấy là cách mà những bậc quân vương mượn trà để giãi bày tấm lòng, để rửa lòng tục và giữ tâm được an bình. Họ vừa uống trà, vừa làm thơ, vịnh thơ, bình thơ,… hay vừa uống trà vừa nói chuyện. Trước cảnh thiên nhiên trong sạch, lòng người hướng đến sự nhẹ nhàng và tĩnh lặng hơn, tâm hồn thư thái hơn…
Chính vì vậy mà thưởng trà đã được nâng lên thành văn hóa. Văn hóa trà là một bộ phận của nền văn hóa dân tộc. “Văn hóa trà vừa hữu hình vừa vô hình, vừa là văn hóa vật thể vừa là văn hóa phi vật thể. Văn hóa trà thể hiện tâm hồn con người – tâm hồn thanh cao yêu cái đẹp”.[9;12]
Theo Phạm Đình Hổ trà “thú vị ở chỗ tính nó sạch sẽ, hương nó thơm tho. Buổi sáng gió mát buổi chiều trăng trong với bạn rượu làng thơ cùng làm chủ khách mà ung dung pha ấm trà tàu ra thưởng thức thì có thể tỉnh được mộng trần, rửa được lòng tục” [10;33]. Và vì vậy mà lý giải được tại sao khi trong lòng chống chếnh người ta luôn muốn tìm đến với trà để khỏa lấp những phiền muộn, cho đầu óc thư thái, thanh thản mong quyết định mọi chuyện thật sáng suốt.
Người Hà Thành cẩn trọng trong lối sống, tỉ mỉ trong cách dạy dỗ các thê hệ con cháu nên những người con đất Hà Thành dù có sống trong hoàn cảnh nào, môi trường nào thì vẫn mang trong mình nếp sống giản dị mà không hèn mọn, kín đáo mà không khép mình. Có phải chăng do trong cuộc sống của người Hà Nội có chất trà? Thưởng trà là cách để cho người ta chiêm nghiệm về cuộc sống, có thời gian để tu tâm dưỡng tính. Cách thể hiện sự trân trọng từng búp trà, nghệ thuật ướp hương trà như một bí quyết chỉ có thể truyền cho người thân thực sự tin cậy trong gia đình nghệ nhân.
Trên bàn thờ của các gia đình Hà Nội xưa thường có bộ ấm chén pha trà nhỏ tượng trưng cho lòng biết ơn tổ tiên. Ngày mồng một đầu năm, sau khi thắp hương khấn vái tổ tiên xong, các cụ thường hạ ấm trà xuống cùng con cháu thưởng trà để tỏ lòng thành kính, cầu mong một năm mới nhiều tài lộc. Những giây phút thưởng trà đầu năm là thời khắc thiêng liêng nhất đối với mọi người trong gia đình, đây là giây phút hồi tưởng lại những sự kiện của một năm cũ và cầu mong về một năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc.
Nếu như đặt chân lên mảnh đất Sài Gòn sẽ không hiếm hình ảnh người dân nơi thành phố này ngồi vừa đọc báo vừa nhâm nhi ly cà phê mỗi buổi sáng và cũng như vậy, cũng chẳng khó khăn gì để thấy hình ảnh người Hà Nội ngồi thưởng trà, ngắm nhìn cảnh thiên nhiên hoặc nghe một bản nhạc Trịnh sâu lắng. Đó là đặc trưng văn hóa riêng của từng vùng. Một sự lựa chọn rất Hà Thành, một mảnh đất “địa linh” với những con người tinh tế, sâu sắc và lắng đọng.
Phương thức trà độc ẩm chỉ phù hợp với những ai khi trong lòng mang những tâm trạng sầu muộn, cần có những phút giây lắng đọng và suy tư. Khi đó người ta sẽ tìm đến với trà. Ấm trà độc ẩm thường rất nhỏ xinh chỉ vừa một chén trà cho một người thưởng thức. Màu sắc của ấm luôn luôn là những gam màu trầm như màu xám, nâu sậm để phù hợp với tâm trạng của người thưởng thức. Sẽ không muốn thưởng thức một ấm trà to tướng hay màu men với hoa văn màu mè khi ngồi thưởng trà một mình. Lúc này, người ta thường cần một sự tĩnh lặng tuyệt đối cả về không gian để có thể sống với thế giới tâm linh và chiêm nghiệm về cuộc sống, nhân sinh.
Trong thời đại công nghiệp hiện nay, thú thưởng trà của người Hà Nội đã tạo ra một cách thư giãn giữa cuộc sống hối hả đua chen cùng tốc độ phát triển, một chiếc cầu hướng con người từ công việc lập trình máy móc đến với tình thương yêu thường trực trong trái tim, một cách cân bằng đậm chất phương Đông cho nền văn minh hiện đại rất phương Tây.
Tiểu kết chương 3
Những giá trị văn hóa đặc sắc trong văn hóa thưởng trà của người Hà Nội được đúc rút từ việc tìm hiểu về văn hóa thưởng trà của người Hà Nội xưa và nay. Những gì còn bảo lưu được đến ngày nay đều là những giá trị văn hóa đặc sắc, để cho các thế hệ sau này mãi tự hào về một dân tộc với lịch sử hào hùng, văn hóa in dấu trên mọi hoạt động của đời sống.
Văn hóa thưởng trà của người Hà Nội vừa là đỉnh cao của văn hóa trà Việt, vừa là nơi bảo lưu phát triển những giá trị văn hóa truyền thống và tiếp thu văn hóa hiện thời, những tinh hoa văn hóa của thể giới. Trong từng bước phát triển của văn hóa trà chúng ta cần giữ gìn những giá trị văn hóa cả về vật chất lẫn tinh thần. Biết nâng niu, trân trọng những kinh nghiệm của tiền nhân, đó chính là những bài học vô giá về cách thức thưởng thức cũng như cách thức tự rèn luyện bản thân. Cụ Trường Xuân từng nói: “Đừng nghĩ trà đạo Việt Nam là cái gì quá cao siêu, mà đó là đạo tu thân dưỡng tính và khao khát sự giao hòa”.
KẾT LUẬN
Nói đến văn hóa trà Việt Nam không thể không nhắc đến thú thưởng trà của người Hà Nội. Người Hà Nội thanh lịch hào hoa là vậy nên với người dân nơi đây việc pha trà cho mình hay pha trà mời khách đều rất cẩn trọng và đặt trọn cái tâm của mình đối với trà. Người Hà Nội không chỉ thưởng thức trà mộc mà còn thổi vào trong trà cái sắc hồn riêng của mảnh đất này để tạo nên những đỉnh cao trong nghệ thuạt thưởng trà Việt Nam. Đến nơi đây, trà mộc được ướp với hương của nhiều loại hoa nổi tiếng như hoa sen, nhài, sói, ngâu,… Trong đó, trà sen được coi là thức uống thanh quý vào bậc nhất của người Hà Nội. Hương trà sen thơm nhẹ mà sâu lắng, vị ngọt đậm và vị chát dịu nhẹ như được dung hòa với nhau theo một công thức bí ẩn của tự nhiên khiến cho người thưởng thức nó chỉ có thể cảm nhận được chứ không thể diễn tả được thành lời.
Tìm hiểu về văn hóa thưởng trà của người Hà Nội xưa mới thấy đây quả là một môn nghệ thuật đạt đến đỉnh cao. Không giống với trà Nhật nâng lên thành Trà Đạo, cũng không phải cách thưởng thức theo kiểu biểu diễn nghệ thuật của Trung Hoa mà là một nghệ thuật chế biến trà, để tạo nên một thức trà hết sức diệu kỳ. Trà được trồng ở nơi cao nhất, búp trà là tinh hoa của đất trời tích tụ bởi những tháng ngày mù sương và vẫn phát triển lớn mạnh được; hoa sen là thứ mọc dưới bùn lầy, nhưng lại có hương tinh sạch và thơm tho nhất. Hai thứ tưởng chừng như xa cách nhau vạn dặm, xa lạ nhau hoàn toàn nhưng dưới bàn tay tài hoa, óc sáng tạo của người dân đất Hà Thành, hai thứ này đã hợp thành một thứ “trà sen” tuyệt hảo. Thức trà này đã làm nao lòng bao người con Hà Thành khi đi xa, làm nhức lòng người khách viễn du để phải nhớ mãi khôn nguôi về một miền đất Kinh bắc này.
Ở Hà Nội hiện nay thú thưởng trà có phần huyên náo, ồn ào hơn, tấp nập hơn và phong trào hơn nhưng đó lại là dấu hiệu thật đáng mừng cho thành phố cổ kính ngàn năm tuổi này. Không chỉ là những quán cóc liêu xiêu trong câu hát thủa nào, mà còn là những quán trà được thiết kế theo kiến trúc Việt cổ điển nhưng không kém phần sang trọng, ấm cúng. Đối tượng thưởng trà không còn bị bó hẹp trong hàng vương tôn công tử, quý tộc, nho sỹ nữa. Mà người Hà Thành hiện nay rất nhiều người khi được hỏi đã ý thức được việc giữ gìn và phát triển một nền văn hóa trà tràn đầy sức sống. Những quán trà trên địa bàn Hà Nội hiện nay là nơi mọi người thường ghé lại để thưởng thức trà với những nỗi niềm riêng hoặc với những câu chuyện nhân tình thế thái bên lề cuộc sống nhộn nhịp.
Hà Nội bây giờ vẫn có những quán trà ghi dấu hình bóng của trà Việt truyền thống. Vẫn còn đó sự tinh tế, nét hào hoa và cung cách quý phái được giữ gìn và trân trọng bằng cả tấm lòng chân thành nhất. Những địa điểm như Hiên Trà Trường Xuân, Lư Trà quán… sẽ luôn là một trong những dấu ấn đậm nét của văn hóa trà Hà Nội. Du khách đến với những nơi này để nhâm nhi chén trà nóng giữa cái lạnh đầu đông, để nhớ nhung những người cũ, để suy nghĩ về sự đời, để đắm mình vào một không gian hoài cổ và tĩnh tại.
Từ một địa chỉ văn hóa trà truyền thống đặc sắc nhất ở thủ đô Hà Nội hiện nay là Hiên Trà Trường Xuân, khóa luận đã đưa ra cái nhìn tổng thể về văn hóa thưởng trà Hà Nội từ xưa đến nay để thấy được thực trạng phát triển trà tại Hà Nội. Hiện nay, cách thức pha trà đã giản tiện đi rất nhiều, nhưng đối tượng thưởng trà lại được mở rộng ra chứ không chỉ bó hẹp như xưa nữa. Một điều đáng mừng là giữa sự ồn ào, tấp nập của phố phường Hà Nội thời hiện đại thì vẫn còn rất nhiều người có tâm huyết với trà. Chủ Hiên Trà Trường Xuân - nghệ nhân trà Hoàng Anh Sướng là một người như vậy. Anh đã nguyện suốt đời mình nghiên cứu và lưu giữ hương trà Việt.
Tuy nhiên khi tìm hiểu về thực trạng những thứ còn lưu giữ được và những điều đã bị mai một trong văn hóa thưởng trà của người Hà Nội, chúng tôi muốn nêu ra một vài giải pháp để hướng đến việc lưu giữ, bảo tồn những giá trị quý báu này.
Xuất bản những ấn phẩm, những chương trình văn hóa để giới thiệu và quảng bá về trà Việt Nam.
Hình thành các câu lạc bộ trà.
Tôn vinh những nghệ nhân có công giữ gìn và phát huy văn hóa trà Việt.
Đưa nghệ thuật thưởng trà vào các lễ hội ẩm thực. Xây dựng riêng lễ hội ẩm thủy.
Xây dựng “phố trà” truyền thống.
Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về trà hàng năm.
Tổ chức các lớp học về cách thức pha chế và thưởng thức trà.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
KaKuZo OkaKuRa, Trà thư, Nxb Văn học, Hà Nội 2009.
Vũ Bằng, Thương nhớ Mười Hai, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2000.
Phan Kế Bính, Việt Nam Phong tục, Nxb Văn học, Hà Nội, 2006.
Nguyễn Thanh Bình, Hà Nội 36 góc nhìn, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2005.
Lý Khắc Cung, Hà Nội – Văn hóa và phong tục, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 2000.
Lý Khắc Cung, Văn vật ẩm thực đất Thăng Long, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2004.
Nguyễn Bá Hoàn, Trà Đạo, Nxb Thuận Hóa, Huế, 2003.
Nguyễn Bá Hoàn, Trà luận – Tinh hoa văn hóa phương Đông, Nxb tp Hồ Chí Minh, 2003.
Trần thị Kim Hoa, Trà Hà Nội dưới góc nhìn văn hóa, Báo cáo nghiên cứu khoa học khoa Việt Nam học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2008.
Phạm Đình Hổ, Vũ Trung tùy bút, Nxb Trẻ, Hà Nội, 1989.
Tế Hân – Ngọc Huy, Thiền trà và ăn chay, Nxb Hà Nội, 2008.
Lục Vũ, Trà Kinh, Nxb Văn học, Hà Nội, 2008.
Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn học, Hà Nội, 2003.
Trần Quốc Vượng – Vũ Tuân Sán, Hà Nội nghìn xưa, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1975.
Vũ Thế Ngọc, Trà Kinh – Nghệ thuật thưởng trà trong lịch sử và văn hóa phương Đông, Nxb Văn Nghệ, tp Hồ Chí Minh, 2006.
Đỗ Ngọc Quỹ – Đỗ Thị Ngọc Oanh, Khoa học văn hóa trà thế giới và Việt Nam, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội, 2008.
Vũ Tuân Sán, Hà Nội xưa và nay, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2007.
Đông A Sáng, Trà – Văn hóa đặc sắc Trung Hoa, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2004.
Băng Sơn, Thú ăn chơi người Hà Nội, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2008.
Văn hóa trà xưa và nay, Nxb Tổng công ty chè Việt Nam, 1997.
Nhất Thanh – Vũ Văn Khiếu, Đất lề quê thói, Nxb Đường Sáng, 1970.
Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2000.
Doãn Kế Thiện, Hà Nội cũ, Nxb Hà Nội, 1994.
Hoàng Đạo Thúy, Hà Nội thanh lịch, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1996.
Hoàng Đạo Thúy, Người và cảnh Hà Nội, Nxb Hà Nội, 1982.
Vũ Thị Như Trang – Trần Thị Hương Trà, Trà với người Hà Nội, Báo cáo nghiên cứu khoa học Khoa Việt Nam học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2006.
Phùng Nam Trung, Từ nghệ thuật uống trà tìm hiểu một nét văn hóa ẩm thực Việt Nam – Nhật Bản, Báo cáo nghiên cứu khoa học khoa Việt Nam học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, 2005.
Nguyễn Tuân, Vang bóng một thời, Nxb Văn Học, Hà Nội, 2002.
www.traviet.org
MỤC LỤC
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Tìm hiểu văn hóa thưởng trà của người Hà Nội.doc