Có thể nói trong giai đoạn hiện nay đời sống tâm linh đang trở thành vấn đề có ý nghĩa với cuộc sống của con người. Với cuộc sống bộn bề những lo toan, căng thẳng đôi khi tìm về với giá trị tín ngưỡng truyền thống, văn hóa dân gian bản địa chính là liều thuốc an thần giúp chúng ta tự tin hơn. Vì thế tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên không chỉ là sự tưởng nhớ của con người về tổ tông mà hơn thế nó còn là một nhân tố góp phần đem lại sức mạnh nội tại cho chúng ta khi trong mỗi người đều có niềm tin rằng sẽ được phù trợ từ những người ruột thịt nhưng có quyền năng như thần thánh. Hơn dân tộc nào trên thế giới, Việt Nam hiểu được sức mạnh nội tại của truyền thống văn hóa, bản sắc văn hóa khi nó là yếu tố giúp đất nước có được những chiến thắng trước nhiều kẻ thù lớn của dân tộc. Vì thê mỗi người Việt Nam không được phép quên gốc gác, cội nguồn, biết quý trọng những gì mà cha ông đã xây dựng lên.Chúng ta cũng không thể quên được lời Bác Hồ đã nói khi người tổng kết về truyền thống của dân tộc:
23 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 12431 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt và một số quốc gia Đông Nam Á, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
A. PHẦN MỞ ĐẦU.
1. Lý do chọn đề tài.
Đông Nam Á hiện nay là khu vực có nền kinh tế phát triển khá năng động. Đây được coi là điểm đến tương đối bình yên của thế giới những năm vừa qua. Một trong những yếu tố thu hút sự chú ý của thế giới với khu vực này chính là nền văn hóa phong phú đa dạng của khu vực này. Ngày nay nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về quá trình phát triển của cư dân khu vực nhằm đưa ra những nhận định chính xác nhất về đặc điểm văn hóa nơi đây.
Việt Nam là một quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á. Chúng ta là đất nước giao thoa giữa nhiều nền văn hóa, từ Trung Quốc xuống, Ấn Độ sang và Đông Nam Á hải đảo vào nên nền văn hóa rất phong phú đa dạng. Các yếu tố văn hóa này khi vào Việt Nam đều được bản địa hóa trở thành nền văn hóa mang bản sắc của riêng chúng ta. Tuy nhiên khi nghiên cứu văn hóa Việt, có nhà nghiên cứu văn hóa đã nhận xét “Việt Nam là một Đông Nam Á thu nhỏ”. Lời nhận xét này khiến chúng ta vô cùng tự hào với bạn bè thế giới và khu vực.
Hơn nữa Việt Nam còn là quốc gia có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” nên từ ngàn xưa chúng ta luôn có thái độ trân trọng quá khứ. Mỗi người Việt Nam khi sinh ra đến lúc trở về với đất mẹ đều có niềm thành kính khi nhắc nhở về tổ tiên của gia tộc và những vị anh hùng đã có công bảo vệ xây dựng đất nước.
Do đó khi nghiên cứu về văn hóa dân gian của Đông Nam Á chúng ta không thể không nghiên cứu về yếu tố tôn giáo tín ngưỡng truyền thống của khu vực này. Bởi vì tôn giáo tín ngưỡng truyền thống chính là một yếu tố cấu thành văn hóa dân tộc, nó thể hiện suy nghĩ cách nhìn nhận của con người Đông Nam Á trong thời xa xưa là cơ sở hình thành của con người khu vực này hiện nay. Với quan điểm đó khi nghiên cứu về khu vực này chúng ta thấy các quốc gia đều có điểm chung trong tôn giáo chính là tín ngưỡng đa thần gắn liền với nó chính là tục thờ cúng tổ tiên.
2. Lịch sử vấn đề.
Có thể nói việc nghiên cứu văn hóa dân gian trong lĩnh vực tín ngưỡng dân gian đã được nhiều nước Đông Nam Á chú trọng trong những năm qua bởi giới cầm quyền đã nhận thức rõ trong giai đoạn hiện nay khi hội nhập quốc tế cái làm thành bản sắc dân tộc chính là văn hóa truyền thống. Ở Việt Nam chúng ta vấn đề này đã được đặt ra trước đổi mới với hàng loạt các công trình nghiên cứu về lễ hội, tôn giáo của các nhà nghiên cứu như GS.TS Ngô Đức Thịnh, GS Lưu Trung Vũ… Do đó về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở nước ta có khá nhiều công trình đề cập đến và có nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều luận cứ để chứng minh đây là “Đạo thờ tổ tiên”. Nhưng việc đặt tín ngưỡng tổ tiên trong chiều sâu văn hóa dân gian Đông Nam Á chưa có nhiều tài liệu viết đến ngoại trừ các sách tham khảo về Đông Nam Á của GS.TS Phạm Đức Dương, GS Đinh Gia Khánh… Vì thế người viết với mong muốn tổng hợp từ các nguồn tài liệu này để làm rõ hơn vấn đề “Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt và một số quốc gia Đông Nam Á”.
3. Giới hạn vấn đề.
Trong giới hạn một tiểu luận người viết không có tham vọng đi vào từng vấn đề cụ thể của tín ngưỡng dân gian Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung mà chỉ đi vào tìm hiểu tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên để thấy chân dung cuộc sống con người ở khu vực này. Và từ việc tìm hiểu vấn đề này cho chúng ta có thể đưa ra nhận xét đúng đắn hơn cho bức tranh văn hóa Đông Nam Á, Việt Nam trong giai đoạn hội nhập thế giới. Đây là điều người viết mong muốn đạt được.
4. Phương pháp nghiên cứu.
Phương pháp tổng hợp: Tổng hợp từ các nguồn tài liệu nghiên cứu về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Phương pháp phân tích: Từ những đặc điểm của văn hóa tín ngưỡng Việt Nam và Đông Nam Á đưa ra những nhận xét, đánh giá.
5. Bố cục tiểu luận.
A. Phần mở đầu.
B. Phần nội dung.
I. Khái quát môi trường tự nhiên – văn hóa và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của một số quốc gia Đông Nam Á.
II. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt.
III. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở một số quốc gia Đông Nam Á khác.
IV. Nhận xét chung.
C. Phần kết luận.
B. PHẦN NỘI DUNG.
I. Khái quát môi trường tự nhiên – văn hóa và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của một số quốc gia Đông Nam Á.
1. Khái niệm.
Tín ngưỡng là một bộ phận của ý thức xã hội, là một yếu tố thuộc lĩnh vực đời sống tinh thần, là hệ quả của các quan hệ xã hội được hình thành trong quá trình lịch sử, văn hóa – là biểu hiện niềm tin dưới dạng tâm lý xã hội vào cái thiêng liêng thông qua hệ thống lễ nghi thờ cúng của con người và cộng đồng trong xã hội.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là bộ phận của ý thức xã hội, là một loại hình tín ngưỡng dân gian được hình thành từ thời nguyên thủy với niềm tin thiêng liêng rằng tổ tiên đã chết sẽ che chở phù giúp cho con cháu được thể hiện thông qua lễ nghi thờ phụng. Nó là sự phản ánh hoang đường quyền hành của người đứng đầu thị tộc phụ hệ, gia đình phụ quyền được duy trì và phát triển trong xã hội có giai cấp sau này là sự biết ơn, tưởng nhớ và tôn thờ những người có công sinh thành tạo dựng, bảo vệ cuộc sống như kỵ, cụ, ông, bà, cha, mẹ, tổ nghề, thành hoàng, Tổ quốc.
2. Môi trường tự nhiên và văn hóa.
Khu vực Đông Nam Á bao gồm Đông Nam Á lục địa và Đông Nam Á hải đảo trải rộng trên một diện tích 4362000 km2. Tuy nhiên khu vực văn hóa thì rộng hơn nhiều. Chúng ta có hai Đông Nam Á. Đông Nam Á hiện đại gồm 11 quốc gia và Đông Nam Á tiền sử - một nền văn minh lúa nước được phân bố từ Nam Trường Giang đến Madagasca và Hawai ngày nay. Đông Nam Á có thể bao gồm miền chân núi Hymalaya và Thiên Sơn. Hai dãy núi này được xem như mái nhà của khu vực. Hầu hết các con sông lớn của khu vực đều bắt nguồn từ hai dãy núi này và lưu vực các con sông đó đã trở thành những đồng bằng màu mỡ và đầy ắp phù sa.
Về cảnh quan địa mạo vùng này có nét đặc biệt đó là sự chênh lệch về rộng hẹp khá lớn giữa bình nguyên và núi rừng đồng thời là sự chênh lệch về cao thấp khá nhỏ giữa bình nguyên và mặt biển. Chính sự kiến tạo địa lý cộng với các đặc điểm khí hậu gió mùa nóng ẩm, mưa nhiều đã làm cho khu vực này sớm trở thành quê hương của cây lúa nước, từ đó sáng tạo ra nền văn hóa, văn minh lúa nước. Đời sống tinh thần của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước Đông Nam Á có những nét đặc trưng như: có tính chất tương đối đồng nhất về nhân văn cộng đồng nó được biểu hiện qua cơ cấu tổ chức làng xóm, xã thôn với những quy định chung, tập tục chung được biểu hiện ở ý thức bảo tồn tín ngưỡng cổ xưa, những nguyên lý triết học cổ xưa mà khởi nguyên của chúng ta là những tín ngưỡng sùng bái vật giáo nguyên thủy, quan niệm hợp nhất giữa vũ trụ và tiểu vũ trụ, những mối giao hòa giữa vật với tâm.
Ở vị trí ngã tư đường từ Đông sang Tây và nằm kề hai nền văn minh sớm được thiết chế chặt chẽ là Trung Hoa và Ấn Độ nên Đông Nam Á ảnh hưởng và tiếp nhận văn hóa từ ngoài vào rất nhiều và đó là lẽ đương nhiên. Nhưng trong quá trình tiếp nhận văn hóa ngoại lai, Đông Nam Á luôn lựa chọn, thích nghi một cách chủ động và do có bản lĩnh nên vẫn giữ được bản sắc của mình. Chính điều đó tạo cho Đông Nam Á một bức tranh văn hóa phong phú, đa dạng và rất nhiều đặc sắc.
3. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.
Cùng sinh ra và lớn lên trong một khu vực địa lý, cùng có chung một cơ tầng văn hóa là nông nghiệp lúa nước cư dân Đông Nam Á đều có chung một yếu tố tín ngưỡng bản địa như nhau. Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, tín ngưỡng phồn thực… Xuất phát từ quan niệm “vạn vật hữu linh”, cư dân Đông Nam Á cho rằng mỗi người sinh ra đều có một nhóm hồn nhất định. Hồn theo cư dân Đông Nam Á có quan hệ mật thiết với cuộc đời mỗi người. Nếu hồn thoát khỏi xác con người sẽ chết. Nhưng chết không có nghĩa là hết. Quan niệm này là cơ sở cho việc ra đời tín ngưỡng thờ cúng người đã mất và trước hết và quan trọng nhất là thờ cúng ông bà tổ tiên gia đình, dòng họ. Việc thờ cúng vừa có ý nghĩa nhớ về cội nguồn, biết ơn cội nguồn, thể hiện lòng ước muốn sự phù hộ độ trì cho người sống.
Việc thờ cúng này thể hiện mối quan hệ tâm linh giữa những người đang sống và những người đã chết. Đó là sợi dây bền vững xuất phát từ tình cảm cộng đồng nối quá khứ với hiện tại và tương lai nên tính liên tục trong sự đứt đoạn của các cộng đồng tộc người từ gia đình – họ hàng – làng nước. Vì thế thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng phổ biến trong nhiều dân tộc trên thế giới. Biểu tượng về thờ cúng, tổ tiên là những hình ảnh đẹp đẽ mà con cháu nghĩ về tổ tiên và tiến hành nghi lễ linh thiêng để nói lên sự ngưỡng mộ tôn vinh của con cháu tổ tiên luôn là hình ảnh về những người tài giỏi, có công có đức. Nơi thờ tổ tiên thường có bài vị, ảnh.
Cùng là yếu tố mang tính lễ nghi là sự thực hành một loạt động tác của người được quyền thờ cúng. Đó là hoạt động dưới dạng hành lễ được quy định do quan niệm, phong tục, tập quán cho mỗi cộng đồng dân tộc. Nghi lễ cúng được thực hiện bởi người trưởng gia đình dòng họ và các động tác dâng lễ vật, khấn lễ. Thờ và cúng là hai yếu tố tác động qua lại thống nhất với nhau trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Sự thờ và tôn thờ chính là nội dung còn hành động cúng là hình thức biểu hiện của nội dung thờ. Ý thức tôn thờ, thành kính, biết ơn tưởng nhớ hi vọng sự trợ giúp, tránh sự trừng phạt của tổ tiên là nội dung cốt yếu của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Nếu không có thờ mà chỉ có cúng thì bản thân tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên không có hồn thiêng, không có sự hấp dẫn nội tại và dễ trở thành nhạt nhẽo vô vị. Sự “cúng” tuy chỉ là hình thức biểu đạt song nó tôn vẻ linh thiêng, huyền bí, mờ ảo tạo nên sức hấp dẫn, nó chính là hương vị màu sắc keo dính thỏa mãn niềm tin tôn giáo, đáp ứng nhu cầu của chủ thể tôn giáo.
Tục thờ cúng tổ tiên dần dần được mở rộng không chỉ thờ những người có công sinh dưỡng đã khuất mà còn tôn thờ những người có công khai phá mảnh đất đã nuôi dưỡng con người hay những người đã tạo nên những nghề nuôi sống con người gắn bó thế hệ này và thế hệ khác. Lúc này tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong quá trình tiếp biến văn hóa diễn ra liên tục thì ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập và phương Tây đã tác động mạnh mẽ lên những mặt của các thành tố văn hóa bản địa. Mặc dù vậy, dưới những tác động này tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên không những bị phai nhạt lãng quên còn hết sức phong phú đa dạng về hình thức biểu hiện lẫn nội dung và gắn với nhiều tôn giáo khác. Chính vì vậy thờ cúng tổ tiên luôn là một nét văn hóa đặc trưng trong văn hóa tín ngưỡng của nhiều dân tộc Đông Nam Á.
II. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt.
Ở nước ta với niềm tin rằng tổ tiên ông bà sẽ phù hộ độ trì cho con cháu và về phần mình, con cháu phải tỏ lòng biết ơn và tưởng nhớ đến người sinh thành ra mình hầu hết các dân tộc đều có tục thờ cúng tổ tiên. Nhưng điển hình nhất là người Việt. Trên cơ tầng Đông Nam Á ông cha ta đã tiếp nhận ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa ở hai phương diện đó là sự mô phỏng dòng họ phụ hệ, hệ thống các nghi lễ phức tạp. Ngày giỗ các cụ trong nhà con cháu phải có mặt thể hiện lòng trung thành với tổ tiên sau đó cùng thụ lộc tạo bầu không khí ấm cúng. Đây chính là nét đặc trung trong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt thể hiện mối quan hệ duy trì sâu sắc.
Theo phép ứng xử của người Việt khi ông bà, cha mẹ còn sống thì con cháu phải vâng lời và phụng dưỡng chu đáo khi các cụ qua đời thì phải thờ cúng tỏ lòng tôn kính. Đó vừa là tín ngưỡng vừa là đạo lý của người Việt. Người Việt là một trong những dân tộc có tục thờ cúng tổ tiên sâu đậm và sớm nhất, nó gần như trở thành một tôn giáo: Đạo ông bà. Nguyễn Đình Chiểu trong Lục Vân Tiên đã viết:
Thà đui mà giữ đạo nhà
Còn hơn sáng mắt ông cha không thờ.
Khác với những người phương Tây coi trọng ngày sinh, trong tục thờ cúng tổ tiên người Việt coi trọng hơn cả là ngày mất bởi lẽ người ta tin rằng đó là ngày con người đi vào cõi vĩnh hằng. Ngoài ngày giỗ thì việc cúng tổ tiên còn được tiến hành đều đặn vào ngày sóc vọng, dịp lễ tết... để cầu tổ tiên phù hộ. Tục thờ cúng tổ tiên được mở rộng từ trong gia đình, dòng họ, làng xã mà còn mở rộng cả nước. Trong nhà thờ gia tiên thì trong nước người Việt thờ vua Hùng. Mảnh đất Phong Châu nơi đóng đô của các vua Hùng khi xưa trở thành đất Tổ. Ngày 10 – 3 là ngày giỗ tổ. Từ nhiều thế kỷ dân tộc ta đã có câu:
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3.
Giỗ Tổ Hùng Vương được quy định là ngày Quốc giỗ từ thời vua Lê Thánh Tông niên hiệu Hồng Đức (1470 - 1497) và ngày nay được nhà nước công nhận là quốc giỗ. Thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng hết sức quan trọng không chỉ đối với người Việt. Bởi lẽ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là bộ phận cúa ý thức xã hội, là loại hình tín ngưỡng dân gian được hình thành từ thời nguyên thủy với niềm tin thiêng liêng rằng tổ tiên đã chết sẽ che chở phù giúp cho con cháu, được thể hiện thông qua nghi lễ thờ phụng. Nó là sự phản ánh đức tin tâm linh về quyền hành của người đứng đầu thị tộc phụ hệ, gia đình phụ hệ được duy trì và phát triển trong xã hội có giai cấp sau này, là sự biết ơn tưởng nhớ về tôn thờ những người có công sinh thành tạo dựng và bảo vệ cuộc sống.
Trước đây vấn đề này đã được nhiều nhà nghiên cứu chú ý đề cập đến. Do tính chất quan trọng nên từ lâu nó đã trở thành đối tượng nghiên cứu không chỉ của học giả trong nước mà còn của các học giả nước ngoài đặc biệt là người Pháp. Họ coi đây là tín ngưỡng rất sâu sắc, thống nhất trong toàn dân, phát triển bền vững qua các thời đại. Trong thời kỳ Pháp thuộc, các học giả Việt nam cũng công bố một số công trình về tục thờ cúng tổ tiên như Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính, Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh. Sau hòa bình lập lại, vấn đề này ít được chú ý hơn. Điều này do hạn chế của hoàn cảnh lịch sử khách quan do Việt Nam vừa bước ra khỏi cuộc kháng chiến trường kì 9 năm vô cùng gian khổ ác liệt nên cần phải dồn sức tái thiết đất nước, nhiệm vụ đặt lên hàng đầu lúc này là nhiệm vụ chính trị thống nhất đất nước. Nhưng ở miền Nam cũng có một số tác phẩm liên quan đến vấn đề này: Xã hội Việt Nam của Lương Đức Thiệp (1950), Nếp cũ của Toan Ánh (1963)... Sau khi miền Nam được giải phóng hoàn toàn, đất nước thống nhất. Cùng với sự đổi mới về kinh tế, chính sách tôn giáo của ta cũng mềm dẻo hơn nên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên được khôi phục lại và phát triển mạnh mẽ. Gần đây có một số công trình nghiên cứu về tục thờ cúng tổ tiên được công bố như các sách về địa lý: Địa chí Ninh Bình, Địa chí Vĩnh Phúc, Tín ngưỡng làng xã – Vũ Khánh (1994), Phong tục thờ cúng trong gia đình Việt Nam – Toan Ánh (1996)... và nhiều luận án khoa học tại các trường đại học cũng đang được chú ý về vấn đề này.
Thông qua những nghiên cứu trên chúng ta có thể thấy rằng nhìn từ góc độ văn hóa, tục thờ cúng tổ tiên của người Việt mang nhiều yếu tố tích cực. Nó thể hiện tình cảm trân trọng và biết ơn đối với những người có công với cộng đồng, những tổ phụ của ngành nghề. Tục lệ này còn là mối dây liên kết chặt chẽ cá nhân với cộng đồng, tạo nên sức mạnh tổng hợp làm nên sức sống của dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Nằm ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có đầy đủ những đặc trưng . kể trên. Tuy nhiên Việt Nam có những nét đặc thù riêng biệt. Việt Nam nằm ở phía Đông trên bán đảo Đông Dương thuộc khu vực Đông Nam Á, Đông và Đông Nam giáp biển Đông và Thái Bình Dương, phía Bắc giáp Trung Quốc. Phía Tây giáp Lào và Tây Nam giáp Campuchia. Việt Nam được coi là đầu cầu nối liền Đông Nam Á với Trung Quốc và Ấn Độ. Về địa lý Việt Nam không phải là quốc gia rộng lớn trong khu vực nhưng địa hình khá đặc biệt kéo dài 15 vĩ độ có nét đặc thù về cảnh quan địa lý khác với cảnh quan trong khu vực. Rừng núi chiếm 2/3 diện tích, đồng bằng chiếm phần nhỏ, sông ngòi dày đặc. Việt Nam lại có đường bờ biển dài 2000km, khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa với những hệ động thực vật tiêu biểu của Đông Nam Á nên người ta gọi Việt Nam là Đông Nam Á thu nhỏ.
Ảnh hưởng của nền văn hóa người Việt đến tục thờ cúng tổ tiên.
Việt Nam sinh ra và lớn lên trong khu vực lịch sử văn hóa Đông Nam Á nhưng chúng ta hiểu biết ít về khu vực do đó không thể hiểu sâu về mình nhất là những vấn đề sâu sa như cội nguồn dân tộc, đời sống văn hóa truyền thống.
Cách tổ chức sản xuất và đời sống của người Việt.
Với đặc thù vị trí địa lý như vậy, Việt Nam tạo nên nền sản xuất nông nghiệp với phương thức canh tác lúa nước tiểu canh và chăn nuôi tiểu gia sức gia cầm. Điều này khác hẳn với Trung Hoa cũng là canh tác nông nghiệp nhưng căn bản là nông nghiệp khô quảng canh, chăn nuôi đại gia súc với đồng cỏ lớn.
Làm lúa nước phải chăm lo đến thủy lợi. Nước cho cây lúa là việc hàng đầu. Môi trường nước ở đây là kết quả tổng thể của đặc điểm địa lý, địa hình, khí hậu. Chính yếu tố này tạo thành sắc thái riêng trong tập quán sinh hoạt của cư dân Việt. Yếu tố nước ảnh hưởng trực tiếp vào hoạt động thờ cúng tổ tiên đó là chén nước lã không thể thiếu trên bàn thờ gia đình Việt Nam. Cư dân nông nghiệp lúa nước có cuộc sống định cư, những người sống gần nhau thành xóm làng. Để thắt chặt cộng đồng mà chủ yếu dựa trên quan hệ làng xóm có lối sống “bán anh em xa mua láng giềng gần” khá lỏng lẻo người ta đã áp dụng quan hệ thân tộc bằng cách dùng các danh từ chỉ quan hệ gia đình làm các đại từ nhân xưng trong xã hội.
Tính cộng đồng và tính tự trị là hai đặc trưng bao trùm nhất của làng xã. Biểu tượng truyền thống của tính cộng đồng là ngôi đình – cây đa – bến nước. Trong đó ngôi đình là biểu tượng khái quát nhất, tập trung nhất của làng xã về mọi phương diện. Tính tự trị của người Việt được thể hiện qua biểu tượng truyền thống là lũy tre làng. Bên trong lũy tre làng, mỗi làng xã Việt Nam như một quốc gia thu nhỏ được tổ chức chặt chẽ có kỷ luật.
Nói chung lối sống và cách ứng xử như vậy đã là những cơ sở cho tinh thần tương thân tương ái đùm bọc lẫn nhau nhưng cũng đạm tính gia trưởng cục bộ địa phương góp phần làm trì trệ xã hội phương Đông trước cuộc sống hiện đại.
Cách tổ chức gia đình và xã hội.
Gia đình chính là đơn vị sản xuất kinh tế xã hội nhỏ nhất. Điều này có nghĩa là mô hình đại gia đình không phù hợp với nền kinh tế nông nghiệp lúa nước tiểu canh của Việt Nam. Vì thế mô hình đại gia đình phụ hệ trưởng tộc với hai yếu tố tôn pháp và quyền trưởng nam của trung Hoa khó áp dụng vào Việt Nam.
Tuy nhiên mô hình cơ cấu này có đặc điểm ưu việt là nó có tính quy củ chặt chẽ rõ ràng gần như một pháp chế. Nét ưu việt này đã được truyền thống Việt Nam tiếp nhận thâu tóm để tạo ra đặc thù phụ hệ gia trưởng cho cơ cấu gia đình của mình. Hình thức thờ cúng phổ biến ở đây là trong từng tiểu gia đình thành viên của dòng tộc mà vai trò chủ yếu là gia trưởng.
Trong gia đình Việt yếu tố dân chủ chất phác trong gia đình người Việt khá lớn. Điều này thể hiện ở vai trò của người phụ nữ trong gia đình Việt có vị trí khá cao. Đặc trưng này có một nguồn gốc ý thức hệ xã hội sâu sa đó là chế độ Mẫu hệ tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung đồng thời cũng có nguồn gốc từ thực tiễn canh tác, vai trò kinh tế, gia đình.
Với nét đặc trưng về cách tổ chức gia đình và xã hội trên ta thấy gia đình Việt có tính chất và cơ cấu như một chỉnh thể hòa đồng trong tương quan dân chủ có mối quan hệ duy trì chặt chẽ trên cơ sở huyết thống hơn là một chỉnh thể của bộ máy quy củ nếu ta so sánh với gia đình Trung Quốc. Điều này cắt nghĩa tại sao tục thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam chưa bao giờ là độc quyền gia trưởng hoặc trưởng nam trong gia đình người Việt.
Cách tổ chức sinh hoạt văn hóa tinh thần.
Người Việt Nam sống bằng canh tác nông nghiệp lúa nước nên sự gắn bó với thiên nhiên càng lâu dài và bền chặt. Từ sự phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau của tư duy tổng hợp và trong lĩnh vực tín ngưỡng là tín ngưỡng đa thần. Trong sự sùng bái tự nhiên đó có tục thờ thần động vật và thờ thần thực vật. Nếp sống tính cách hòa hiếu ủa loại hình văn hóa nông nghiệp lúa nước dẫn đến người Việt tục thờ các con vật hiền như: hươu, nai… riêng cư dân nông nghiệp lúa nước Việt Nam còn thờ một số động vật dưới nước như rắn, cá sấu…
Từ quan niệm “vạn vật hữu linh” là thực sự thờ từng bộ phận của thiên nhiên dẫn đến sùng bái con người là một tất yếu khách quan. Trong con người có cái vật chất và tinh thần. Cái tinh thần khó nắm bắt nên người ta đã thần thánh hóa nó bằng quan niệm linh hồn. Theo quan niệm của người Việt Nam, người chết tuy không còn là một thực thể hữu hình song nó vẫn tồn tại ở dạng khác với mức độ cao hơn và người ta coi đó là cuộc sống chính, bất diệt là nhân thần. Và mối quan hệ giữa người sống và người đã chết không phải là mối quan hệ bình thường mà ở mức độ cao hơn đó là bằng tâm linh và thông qua thờ cúng.
2. Ảnh hưởng của các tôn giáo đối với tục thờ cúng tổ tiên của người Việt.
Cùng với tồn tại xã hội đã nêu trên, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt – cư dân trồng lúa nước vùng châu thổ còn chịu ảnh hưởng tác động sâu sắc từ các tín ngưỡng khác đặc biệt là tôn giáo ngoại nhập.
2.1. Ảnh hưởng của Phật giáo.
Triết lý nhân sinh của Phật giáo đã ảnh hưởng khá sâu đậm tới lối sống nếp nghĩ của người Việt. Phương châm “tự độ độ tha, tự giác giác tha” nhắc nhở con người sống không phải vì mình mà còn phải vì người khác trong cộng đồng. Cộng đồng có ý nghĩa nhất với mỗi con người là gia đình. Trong gia đình cha mẹ là người có công sinh thành dưỡng dục. Phận làm con phải biết thờ phụng cha mẹ, tổ tiên. Người Việt tin đạo Phật thể hiện lòng biết ơn cha mẹ bằng việc:
Đêm đêm khấn nguyện Phật trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.
Ảnh hưởng Phật giáo trong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt trước tiên được biểu hiện trong phương diện thời gian. Ngoài ngày kỵ nhật hay trong nhà có chuyện vui buồn đột xuất hoặc những biến cố… người Việt đều tiến hành thờ cúng tổ tiên. Về phương diện nghi lễ thì quy định bất thành văn nhưng được người Việt tuân thủ đó chính là khi tiến hành thờ cúng tổ tiên người Việt luôn khấn “Nam mô a dì đà Phật” ba lần sau đó mới khấn tổ tiên. Về mặt nghi thức thì ảnh hưởng qua lại của Phật giáo và tục thờ cúng tổ tiên được biểu hiện ở hình thức cầu siêu hoặc rước chân nhang lên chùa. Sở dĩ thờ tục thờ cúng tổ tiên được người Việt vận dụng ảnh hưởng Phật giáo là do tục thờ cúng tổ tiên của người Việt có một xuất phát điểm là hướng về cội nguồn. Khi đem Phật giáo vào tục thờ cúng tổ tiên và ngược lại là người Việt chỉ muốn tìm đến chỗ dựa tinh thần có tính chất hệ thống cho tâm linh của người đã khuất và người đang sống.
2.2 Ảnh hưởng của Nho giáo.
Cùng với Phật, Nho giáo đã ảnh hưởng khá lớn tới đời sống tinh thần trong đó có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt. Nó ảnh hưởng trong cả một quá trình lịch sử lâu dài và phức tạp. Ảnh hưởng ấy được biểu hiện rõ trên hai phương diện: tục thờ cúng mang yếu tố cộng đồng và nó được biểu hiện ở những nghi thức thờ cúng và tang tế.
Sở dĩ người Việt chấp nhận Nho giáo vào tục thờ cúng tổ tiên của mình là bởi vì ý thức cội nguồn trong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt, mối giao hòa tâm linh trong niềm tôn kính và tiếc thiêng cao độ với người đã khuất khi gặp trong Nho giáo chữ “hiếu, kính, nhân”… Và khi thâu tóm Nho giáo vào lĩnh vực này người Việt đã tìm đến chỗ dựa tinh thần, hành động.
Nội dung và nghi lễ thờ cúng của người Việt mang đậm tinh thần Nho giáo. Bị thẩm thấu và khúc xạ qua yếu tố văn hóa bản địa, tinh thần Nho giáo và sự biến đổi phù hợp với tâm thức người đọc. Người Việt thờ cúng tổ tiên không khiên cưỡng nặng nề mà nó mang tính dung dị, đời thường giàu tính thực tiễn. Ở những gia đình không có con trai con gái được quyền thừa tự, được phần hương hỏa để thờ cúng tổ tiên. Trong dân gian lưu truyền câu ca đề cao tính bình đẳng của người phụ nữ trong việc thờ cúng:
Phụ mẫu em cũng như phụ mẫu chàng
Hai bên phụ mẫu tạc bốn chữ vàng thờ chung.
Chịu ảnh hưởng của Nho giáo sâu sắc song tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt vẫn có nét đặc thù mang bản sắc văn hóa Việt Nam.
2.3 Ảnh hưởng của Đạo giáo.
Không chỉ chịu ảnh hưởng, tác động của Phật giáo, Nho giáo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt còn chịu ảnh hưởng khá sâu đậm của Đạo giáo. Ngay từ đầu Đạo giáo du nhập vào nước ta mang đậm tính chất phương sĩ ma thuật vốn có nguồn gốc từ những tín ngưỡng sa man giáo và ma thuật ở Trung quốc. Trên cơ sở tín ngưỡng bản địa có tính đa thần và giàu chất trực quan người Việt tìm đến và tin vào ma thuật của Đạo giáo như những phương tiện hữu hiệu nhằm đáp ứng nhu cầu tình cảm tâm linh của họ.
Người Việt suy tôn những người có công xây dựng và bảo vệ cuộc sống của cộng đồng thành thánh như: Thánh Gióng, Trần Quốc Tuấn… Trong nghi thức thờ cúng tổ tiên thì các đồ cúng lễ như rượu, vàng mã hay lễ thức gọi hồn người chết mang màu sắc Đạo giáo. Chính tính huyền bí, thoát tục của Đạo giáo góp phần làm cho ý thức về tổ tiên có tính chất thiêng liêng tạo nên sức hấp dẫn nội tại.
2.4 Ảnh hưởng của Thiên chúa giáo.
Thiên chúa giáo là tôn giáo gia nhập vào Việt Nam khá muộn hơn so với tam giáo. Để tồn tại và phát triển, Thiên chúa giáo đã hòa giải những xung đột, canh tân để hòa với tôn giáo bản địa. Tuy nhiên người Việt có tinh thần khoan dung và cởi mở. Họ tin thần, thánh, chúa đều phù hộ độ trì cho con người và khi tin họ thờ phụng theo quan niệm và nghi thức riêng. Hơn nữa trong tâm thức người Việt, hình ảnh Đức Mẹ không xa là với tục thờ Mẫu, thờ Giesu không mâu thuẫn với thờ người đã hy sinh cống hiến đời mình cho lợi ích cộng đồng.
Như vậy tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt không những chỉ chịu ảnh hưởng của các tôn giáo ngoại nhập mà còn có sự ảnh hưởng ngược lại chính là sự bản địa hóa Việt hóa chính các tôn giáo đó. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đóng vai trò quan trọng trong sự dung hợp các tôn giáo ở Việt Nam.
3. Tâm thức dân gian đối với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt.
3.1 Quan niệm của người Việt về tổ tiên.
Khái niệm về tổ tiên của người Việt rất phong phú, quan niệm sâu sắc nhưng cũng mang tính sinh hoạt đời thường “chim có tổ, người có tông”. Tục thờ cúng tổ tiên của người Việt chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc nhưng nó mang nét khu biệt: vai trò người phụ nữ được coi trọng, người Việt Nam nhớ đến cả ông và bà.
Quan niệm về tổ tiên của người Việt không bó gọn trong phạm vi gia đình. Những người sáng tạo hay phát huy các ngành nghề được gọi là tổ. Cả dân tộc Việt Nam chung một tổ:
Hồng Bàng là tổ nước ta
Nước ta khi ấy gọi là Văn Lang
Theo phép ứng xử của người Việt khi ông bà cha mẹ còn sống phải phụng dưỡng, nghe lời dạy bảo. Khi mất đi thì phải thờ cúng. Như vậy tổ tiên ở đây không phải là cái gì thuộc về quá khứ. Tổ tiên luôn tồn tại bên cạnh con cháu, luôn có sự liên lạc mật thiết qua sự thờ cúng.
3.2 Ảnh hưởng của tín ngưỡng nguyên thủy đối với với việc thờ cúng tổ tiên của người Việt.
Với quan niệm vạn vật hữu linh thì con người với tư cách là một sinh vật có nhận thức thì thể xác là hữu hình, linh hồn là vô hình theo ý nghĩa hết sức trìu tượng. Linh hồn là bất diệt. Khi người ta chết là cơ thể chuyển từ trạng thái động sang trạng thái tĩnh theo triết lý âm dương thì cõi dương sang cõi âm. Đó là thế giới bên kia, thế giới vĩnh hằng.
Khởi thủy, tục thờ cúng tổ tiên của người Việt chỉ nằm trong ý tưởng : một là chết không phải là hết mà về với tổ tiên sống cuộc sống có ý nghĩa hơn, hai là tưởng nhớ người đã khuất. Tuy nhiên từ ý tưởng này để hình thành tục thờ cúng tổ tiên mang đặc thù Việt Nam là cả một quá trình phát triển rất lâu đời và bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau nổi bật là yếu tố hoàn cảnh sống, môi trường sống, lịch sử hình thành. Đây là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến tục thờ cúng tổ tiên. Tất cả những yếu tố này hoạt động, chi phối, ảnh hưởng qua lại góp phần tạo nên tục thờ cúng tổ tiên tương đối định hình như ngày nay.
3.3 Quan hệ của tục thờ cúng tổ tiên với các tục lệ khác.
Nói chung tục thờ cúng tổ tiên bên cạnh việc tưởng nhớ tổ tiên nó còn bao hàm các tục lệ khác như : hệ thống thờ các anh hùng liệt sỹ có công, thờ chủ tịch Hồ Chí Minh, thờ những vị tổ có công giúp dân giúp nước, thờ thổ công, tao quân... Điều này đã khiến phạm vi quy mô của tục thờ tổ tiên được mở rộng.
Từ thờ cúng tổ tiên đến thờ Thành hoàng và thờ Tổ Hùng Vương.
Sự gắn bó cá nhân, gia đình, dòng họ, làng xã, đất nước là nét cố hữu của đời sống tinh thần người Việt. Điều này được thể hiện trước hết ở sự thờ cúng tổ tiên như một hệ thống nhiều cấp, nhiều khâu. Trong tục lệ này người Việt mở rộng ra phạm vi xã hội là có hệ thống thờ những người có công với cộng đồng đó là những người khai sinh ra đất nước hay mở rộng thiết lập địa bàn cư trú. Đó là hệ thống thờ thành hoàng làng và cao hơn nữa là thờ tổ của đất nước: vua Hùng.
Ở người Việt có một nét đặc thù về thờ cúng tổ tiên: tổ tiên gia đình và tổ tiên đất nước gắn chặt với nhau trong tưởng niệm và thờ cúng. Trên thế giới ít có bộ tộc người tưởng niệm và thờ cúng những tổ tiên đầu tiên của mình như tục thờ các vua Hùng ở Việt Nam.
Trong ý thức người Việt thờ cúng tổ tiên cả nước, các vua Hùng đã khắc sâu hàng trăm năm, nếu không nói là hàng ngàn năm đó là hệ thống tôn giáo dân tộc của nước ta xuyên suốt lịch sử cho đến ngày nay. Tạo thành một hệ thống song hành với thờ cúng tổ tiên của từng gia tộc, từng gia đình cái này nương tựa cái kia không thể tách rời.
III. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở một số quốc gia Đông Nam Á khác.
Thái Lan.
Thái Lan nằm ở giữa khu vực Đông Nam Á, trải dài 1620km từ Bắc đến Nam và 775km từ Đông sang Tây. Thái Lan có biên giới phía Bắc tiếp giáp với Lào và Myanmar, phía Đông giáp với Campuchia và vịnh Thái Lan, phía Tây giáp Myanmar và Ấn Độ Dương, phía Nam giáp Malayxia. Với diện tích 513000km2, là một quốc gia có diện tích lớn thứ hai trong khu vực, dân số là 64,6 triệu người với nhiều thành phần dân tộc, nền văn hóa mang tính đa dạng, phong phú và thống nhất.
Người Thái là cư dân trồng lúa nước. Cuộc sống vật chất phụ thuộc vào việc làm ra cây lúa, hạt thóc. Ở Thái Lan luôn đề cao tính cộng đồng, tập thể. Do điều kiện sống và cách thức làm ăn như vậy nên xã hội truyền thống của người Thái Lan là cuộc sống gia đình hạt nhân mở rộng. Những đặc trưng này đã ảnh hưởng trực tiếp tới quan niệm tôn giáo của người Thái Lan. Ngay từ xa xưa người Thái cho rằng con người ta khi chết đi thì hồn vẫn lưu lại trên cõi trần. Vì vậy việc cúng bái quỷ thần là rất cần thiết trong cuộc sống làm ăn của họ. Điều này không những thể hiện sự biết ơn, lòng kính trọng với người đã khuất. Với thứ tôn giáo sơ khai đó, sau này khi người Thái bắt gặp đạo Phật thì họ dễ dàng chấp nhận và tin theo.
Người Thái không coi trọng việc thờ cúng tổ tiên mặc dù việc tế lễ tổ tiên ông bà vẫn được coi là một tín ngưỡng duy trì cho đến hôm nay. Người Thái gọi lễ cúng ông bà tổ tiên là xên pù ta, việc tế lễ được tiến hành tại đền thờ ông bà tổ tiên được người Thái làm tập trung cho cả làng xóm.
Tín ngưỡng về thờ cúng ông bà tổ tiên được người Thái coi là trí tuệ dân gian về giữ gìn môi trường sống và bản sắc văn hóa của địa phương đó. Những lệ làng này đã làm cho nơi sinh sống của cộng đồng được bình an, mọi người sống hòa thuận, đùm bọc yêu thương lẫn nhau.
Campuchia.
Campuchia nằm ở Tây nam bán đảo Đông Dương, Tây và Tây Bắc giáp Thái Lan (2100km), phía Đông giáp Việt Nam (1137km), Đông Bắc giáp Lào (492km), phía Nam giáp biển (400km). Campuchia có diện tích 181035km2 với dân số 13125000 người (2005) bao gồm các tộc: người Khmer chiếm 90%, những tộc người thiểu số khác chiếm 10%. Trong mấy thế kỷ đầu công nguyên nền văn hóa Campuchia chịu ảnh hưởng của Ấn Độ nhất là về mặt tôn giáo. Nhưng trên đó từ ngàn xưa nơi đây đã có những bản sắc văn hóa mang đậm tính chất khu vực. Ở Campuchia đạo Phật chiếm tới 80%, được coi là quốc đạo còn lại là đạo Hồi, Công giáo, Tin lành. Tuy nhiên bên cạnh các nghi thức Phật giáo ở khắp mọi nơi các tàn tích của đạo Balamon và các nghi thức thờ phụng tổ tiên còn tồn tại khá đậm nét đặc biệt ở nông thôn.
Ở Campuchia các gia đình không có bàn thờ tổ tiên đặt trong nhà. Hàng năm theo tục lệ, ông bà tổ tiên được lên thăm con cháu trong vòng 15 ngày vào tháng 9 dương lịch gọi là lễ Đôn Tà. Đây là một trong những ngày lễ lớn nhất ở Campuchia.
Như vậy người Campuchia cũng tin rằng cuộc sống không chấm dứt sau cái chết, đó là sự chia tay tạm thời của người chết với người sống. Bởi vậy con cháu thờ phụng tổ tiên không chỉ làm cho người chết khỏi giận dữ về sự thiếu thành kính của mình mà còn là sự mong muốn tổ tiên tham gia và phù trợ cho mình trong mọi việc.
Ở Philippin.
Philippin là một quần đảo bao gồm 7107 hòn đảo nằm chủ yếu ở biển Đông, biển Philippin, Sulu, Celebes. Philippin vừa là quốc gia vừa là khu vực lịch sử dân tộc học trùng với những ranh giới của quần đảo. diện tích là 300000km2, dân số là 89468677 người (2006).
Tại đây mặc dù người công giáo chiếm đa số nhưng họ vẫn có điện thờ cúng tổ tiên trong nhà. Trong đời sống tinh thần của họ có sự pha trộn của công giáo với các tín ngưỡng dân gian. Người dân có lòng tin vào linh hồn, vào cuộc sống sau cái chết. Cái chết đối với họ đơn giản như sự thay hình đổi dạng. Một người chết vẫn tiếp tục những sinh hoạt bình thường của mình trong thế giới của các linh hồn. Hầu như mọi người Philippin đều công nhận việc các linh hồn có khả năng quay trở lại trần thế vì thế họ đặt ra những lễ cầu hồn và những nghi lễ dẫn dắt linh hồn đến với cái thế giới dành riêng cho chúng.
Tính hiện thực của cuộc sống sau cái chết này được củng cố bằng đạo Cơ đốc do đó người ta không lạ trước sự hòa hợp nhanh chóng của Cơ đốc giáo với những tín ngưỡng dân gian của người Philippin.
Singapore.
Singapore nằm ở khu vực Đông Nam Á giữa Malayxia và Indonexia với diện tích 692,7km2, dân số là 4492150 người (2006).
Cộng hòa Singapore là một quốc gia thành phố hải đảo trẻ tuổi nhiều dân tộc, đa sắc thái văn hóa được hình thành trên nền tảng dân nhập cư từ Trung Quốc, Malai, Ấn Độ và châu Âu. Người Hoa ở Singapore cũng giống như những người đồng hương mình sống trong khu vực chủ yếu theo Phật giáo, Đạo giáo và thờ cúng tổ tiên. Dưới thời thuộc địa Anh có khoảng 3% người Hoa Singapore theo Công giáo, 97% tin vào thờ cúng tổ tiên.
IV. Nhận xét.
Thờ phụng tổ tiên là sự tự ý thức về thế giới bên kia, ý thức về tông tộc, về công ơn của những người có công sinh thành, nuôi dưỡng, xây dựng và bảo vệ cuộc sống, là sự phản ánh “hư ảo” quyền uy của người gia trưởng trong gia đình, dòng họ thông qua hệ thống lễ nghi thờ cúng.
Tổ tiên thoạt đầu là tổ tiên tôtem giáo của thị tộc sau là tổ tiên theo huyết thống trong chế độ phụ quyền cũng là một lực lượng siêu nhiên được con người thờ phụng trên cơ sở niềm tin rằng tổ tiên tuy đã mất song linh hồn vẫn tồn tại có thể che chở cứu giúp con cháu hiện tại. Thờ phụng tổ tiên cũng là ý thức về cội nguồn thể hiện lòng tôn kính biết ơn những người có công sinh thành dưỡng dục. Nên đây là một loại hình tín ngưỡng dân gian mang nhiều tập tục. Tục lệ này ở Việt Nam có những sắc thái riêng so với toàn nhân loại. Và trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam thì người Việt thể hiện nhiều nét đặc trưng điển hình nhất trong thờ cúng tổ tiên.
Tính đặc thù ấy là kết quả tổng hợp từ những đặc trưng về dân tộc, tâm lý, tình cảm… trên nền tảng chung của môi trường tự nhiên Việt Nam. Tất cả những yếu tố đó lại được đặt vào trong một diễn trình lịch sử đặc biệt của Việt Nam. Điều này làm cho tục thờ cúng tổ tiên của người Việt có những nét chung của nhân loại, của khu vực nhưng vẫn mang nét riêng của mình.
Với người Việt hiện nay thờ cúng tổ tiên vẫn hoàn toàn bảo lưu được yếu tố tâm linh như ông bà. Điều này có nghĩa những giá trị tâm linh cổ xưa vẫn tồn tại đầy đủ những sức sống của nó trong nghi thức thờ cúng tổ tiên của người Việt hiện nay. Thờ cúng tổ tiên ở người Việt được “cố định” ở một chiều sâu tâm thức không phai nhạt. Người Việt có sự khẳng định con người, cá nhân, không đoạn tuyệt với “dòng giống” dù là trên phạm vi dân tộc hay phạm vi gia đình. Trong khi hướng tới tương lai người Việt không hề cắt đứt với quá khứ. Ký ức lịch sử, ký ức gia đình càng sâu đậm thì sự khẳng định con người cá nhân càng sâu sắc. Thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam như cái gì máu thịt cho dù môi trường xã hội có thay đổi thế nào đi chăng nữa.
C. PHẦN KẾT LUẬN.
Có thể nói trong giai đoạn hiện nay đời sống tâm linh đang trở thành vấn đề có ý nghĩa với cuộc sống của con người. Với cuộc sống bộn bề những lo toan, căng thẳng đôi khi tìm về với giá trị tín ngưỡng truyền thống, văn hóa dân gian bản địa chính là liều thuốc an thần giúp chúng ta tự tin hơn. Vì thế tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên không chỉ là sự tưởng nhớ của con người về tổ tông mà hơn thế nó còn là một nhân tố góp phần đem lại sức mạnh nội tại cho chúng ta khi trong mỗi người đều có niềm tin rằng sẽ được phù trợ từ những người ruột thịt nhưng có quyền năng như thần thánh. Hơn dân tộc nào trên thế giới, Việt Nam hiểu được sức mạnh nội tại của truyền thống văn hóa, bản sắc văn hóa khi nó là yếu tố giúp đất nước có được những chiến thắng trước nhiều kẻ thù lớn của dân tộc. Vì thê mỗi người Việt Nam không được phép quên gốc gác, cội nguồn, biết quý trọng những gì mà cha ông đã xây dựng lên.Chúng ta cũng không thể quên được lời Bác Hồ đã nói khi người tổng kết về truyền thống của dân tộc:
Các vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.
Tài liệu tham khảo.
1. Toan Ánh. Phong tục thờ cúng trong gia đình Việt Nam. NXB Văn hóa dân tộc. Hà Nội, 1996.
2. Phạm Đức Dương. Đông Nam Á học Việt Nam – đối tượng và phương pháp tiếp cận. Viện nghiên cứu Đông Nam Á. Hà Nội, 1995.
3. Phạm Đức Dương. Văn hóa Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á. NXB Khoa học xã hội. Hà Nội, 2000.
4. Trần Văn Giàu. Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam. NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1992.
5. Bùi Tất Niên. Gia lễ. NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1992.
6. Phan Ngọc. Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới. NXB Văn hóa Thông tin. Hà Nội, 1994.
7. Lê Xuân Quang. Thờ thần ở Việt Nam. NXB Hải Phòng, 1996.
8. Nguyễn Minh San. Tiếp cận tín ngưỡng dân dã Việt Nam. NXB Khoa học Xã hội. Hà Nội, 1994.
9. Ngô Văn Doanh. Những phong tục độc đáo Đông Nam Á. NXB Văn hóa Thông tin. Hà Nội, 1996.
10. Ngô Đức Thịnh (chủ biên). Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam. NXB Khoa học Xã hội, 2001.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- tin_nguong_tho_cung_to_tien_cu_8603.doc