Mặc dù ẩn dụ là đối tượng nghiên cứu quen thuộc của Ngôn ngữ và Văn
học, nhưng những quan niệm và cách tiếp cận vấn đề của Ngôn ngữ học tri
nhận có thể giúp đi tới những kết luận có ý mới. Đó là xu hướng thiên về tư
cách miền nguồn nhưng vẫn có thể là miền đích của miền “đồ ăn”; hệ thống
ánh xạ đến và đi liên quan tới miền “đồ ăn” có sự chuyển hóa về giá trị tri
nhận chứ không đơn giản một chiều hoặc nối tiếp cơ học. Ẩn dụ ý niệm “đồ
ăn” là một minh chứng cho vai trò tư duy, tri nhận của ẩn dụ ý niệm, đồng thời
góp phần mở rộng vùng ứng dụng của lí thuyết Ngôn ngữ học tri nhận, tìm ra
những ẩn dụ có giá trị với nhận thức và giao tiếp của con người./
29 trang |
Chia sẻ: toanphat99 | Lượt xem: 3215 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tóm tắt Luận án Ẩn dụ ý niệm miền “đồ ăn” trong Tiếng Việt, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Ngữ liệu tiếng Anh dùng để đối chiếu trong luận án được trích xuất từ
kho Ngôn ngữ khối liệu Anh (British National Corpus), một công cụ tra cứu
văn bản tại website
4. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp phân tích, miêu tả
- Thủ pháp thống kê, phân loại
- Phương pháp điều tra xã hội học
- Phương pháp so sánh
5. Đóng góp mới của luận án
5.1. Về lí luận
Các kết quả nghiên cứu của luận án sẽ góp phần củng cố lí thuyết của
ngôn ngữ học tri nhận ở Việt Nam.
Luận án sẽ góp phần chứng minh ẩn dụ tri nhận không chỉ là hình thái tu
từ của thi ca mà còn là vấn đề của tư duy.
5.2. Về thực tiễn
Luận án là công trình vận dụng lí thuyết Ngôn ngữ học tri nhận vào thực
tiễn tiếng Việt để phân tích, đánh giá ngữ liệu văn bản học và ngôn ngữ sinh hoạt.
Luận án đặt ý niệm “đồ ăn”, ẩn dụ ý niệm “đồ ăn” trong mối quan hệ với
văn hóa Việt Nam, dùng văn hóa để lí giải các tiên ước tri nhận; ngược lại, thông
qua ẩn dụ ý niệm để nhận diện các yếu tố văn hóa.
Kết quả nghiên cứu của luận án còn có thể sử dụng như một ví dụ về văn
hóa Việt Nam để truyền bá, giới thiệu hoặc ứng dụng vào việc giảng dạy,
nghiên cứu về ẩn dụ, văn hóa Việt Nam hoặc giảng dạy tiếng Việt.
Tóm lại, luận án là công trình bậc tiến sĩ đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu
chuyên sâu về ẩn dụ ý niệm miền “đồ ăn” theo quan điểm ngôn ngữ tri nhận.
6. Cấu trúc của luận án
Ngoài Phần mở đầu và Kết luận, Tài liệu tham khảo và Phụ lục, luận án
gồm 4 chương:
- Chương 1: Tổng quan về đề tài nghiên cứu và cơ sở lí thuyết
- Chương 2: Miền ý niệm “đồ ăn” trong tiếng Việt
- Chương 3: Ánh xạ ẩn dụ, pha trộn miền ý niệm “đồ ăn” với các miền ý
niệm khác trong tiếng Việt
- Chương 4: Hệ thống ẩn dụ ý niệm “đồ ăn” trong tiếng Việt
Chương 1
TỔNG QUAN VỀ ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU
VÀ CƠ SỞ LÍ THUYẾT
1.1. Tổng quan về đề tài nghiên cứu
1.1.1. Sơ lược về Ngôn ngữ học tri nhận và nghiên cứu ẩn dụ ý niệm
Trên thế giới, những nghiên cứu về ẩn dụ ý niệm xuất hiện cùng với sự
hình thành của Ngôn ngữ học tri nhận những năm 70 của thế kỉ XX. Công trình
đầu tiên đánh dấu khuynh hướng này chính là Metaphors We Live By (Chúng ta
sống trong ẩn dụ) [149] của G. Lakoff và M. Johnson xuất bản năm 1980. Tác
giả khẳng định “Hệ thống ý niệm thông thường của chúng ta, dựa vào đó chúng ta
vừa suy nghĩ vừa hành động, chủ yếu có tính ẩn dụ trong bản chất”.
Các tác giả như G. Lakoff, M. Johnson, Z. Kovecses, G. Fauconnier, M.
Turner, C. Fillmore đã đưa ra một số lí thuyết, khái niệm mới như nghiệm
thân, khung tri nhận, ẩn dụ ý niệm, ánh xạ, miền ý niệm, không gian tinh thần,
pha trộn ý niệm
Các ứng dụng thực hành về ẩn dụ ý niệm về các đối tượng tri nhận như
cảm xúc [140], không-thời gian [155], tình dục [134]thu được những kết quả
rộng khắp trên các lĩnh vực thi ca [143], [151], giáo dục [127], báo chí [141],
điện ảnh, chính trị [137] và đặc biệt là ngôn ngữ thường ngày; trong các ngôn
ngữ ngoài tiếng Anh, chẳng hạn như tiếng Ma-rốc [125], tiếng Trung [161]
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy mối quan hệ mật thiết giữa ẩn
dụ ý niệm và văn hóa, trong sự ràng buộc giữa con người – ngôn ngữ – xã hội,
coi ẩn dụ ý niệm là cánh cửa tìm hiểu tâm trí, tư duy con người cũng như các
đặc trưng xã hội.
Ở Việt Nam, Ngôn ngữ học tri nhận chính thức được xướng danh trong
Ngôn ngữ học tri nhận nhìn từ lý thuyết đại cương đến thực tiễn tiếng Việt
[101] của Lý Toàn Thắng và được định vị bởi nhiều học giả Lý Toàn Thắng;
Trần Văn Cơ [12], [15]; Nguyễn Đức Tồn [112]; Nguyễn Thiện Giáp [28];
Nguyễn Văn Hiệp [40]
Ẩn dụ ý niệm trở thành đối tượng nghiên cứu được quan tâm đặc biệt
trong nghiên cứu tri nhận ở Việt Nam. Các công trình đề cập đến đối tượng này
chia thành hai hướng: nghiên cứu trọng tâm về ẩn dụ ý niệm như các nghiên
cứu của Phan Thế Hưng (2010); Võ Kim Hà (2011); Hà Thanh Hải (2011);
Trịnh Thị Thanh Huệ (2012); Trần Thị Phương Lý (2012); Nguyễn Thị Bích
Hạnh (2014); Phạm Thị Hương Quỳnh (2015); và nghiên cứu về vấn đề tri
nhận khác trong đó có một phần nội dung dành cho ẩn dụ ý niệm như luận án
của Ly Lan (2012); Nguyễn Ngọc Vũ (2012); Trần Bá Tiến (2013); Vi Trường
Phúc (2013); Huỳnh Ngọc Mai Kha (2015); Nguyễn Thu Quỳnh (2015)
Trong khuôn khổ và mục tiêu của luận án, chúng tôi chỉ trình bày dưới
đây vấn đề có liên quan trực tiếp nhất tới đề tài, đó là tình hình nghiên cứu ẩm
thực trong Ngôn ngữ học tri nhận trong và ngoài nước.
1.1.2. Tình hình nghiên cứu ẩm thực trong Ngôn ngữ học tri nhận
1.1.2.1. Tình hình nghiên cứu trên thế giới
Trên thế giới, ngay từ cuốn sách kinh điển đầu tiên [149], G. Lakoff và
M. Johnson trong hệ thống các ẩn dụ ý niệm thường gặp đã nhắc đến ẩn dụ:
“IDEAS ARE FOOD” (tr.47)
Tác giả Kovecses khi nêu những miền nguồn và miền đích phổ biến trong
cuốn Metaphor: A Practical Introduction [141] cũng đã liệt kê miền nguồn
“Cooking and Food” [tr.20], và nhắc tới các các ẩn dụ ý niệm liên quan.
Ngoài ra, các ẩn dụ ý niệm trong tiếng Anh SEX IS EATING [134], THE
NEED FOR INFORMATION-IS-HUNGER, THINKING IS EATING [139];
tiếng Ma-rốc: TEMPERAMENT IS FOOD, LEARNING IS EATING,
UNDERSTANDING IS TASTING
Trong khả năng bao quát của chúng tôi, ẩn dụ ý niệm “đồ ăn” trên thế
giới đã được quan tâm ở mức độ nhất định và gọi tên nhiều ẩn dụ thú vị.
1.1.2.2. Tình hình nghiên cứu ở Việt Nam
Nằm trong xu hướng bắc cầu từ Ngôn ngữ học truyền thống sang Ngôn
ngữ học tri nhận, luận văn [100] của Đinh Phương Thảo (2008) sau khi nghiên
cứu trường từ vựng thức ăn về hệ thống, cấu trúc, đặc điểm ngữ nghĩa đã dành
chương 3 đề cập tới một số ẩn dụ ý niệm liên quan đến thức ăn: THỜI GIAN
LÀ THỨC ĂN, CON NGƯỜI LÀ THỨC ĂN.
Luận văn [9] của Trần Thị Quế Chi (2011) cũng nhắc tới ẩn dụ ý niệm
liên quan đến ăn uống: TÌNH DỤC LÀ ĂN UỐNG.
Không đi theo lí thuyết tri nhận nhưng luận án [80] của Ngô Minh Nguyệt
có thể coi là công trình chuyên sâu nhất về đối tượng nghiên cứu ẩm thực. Tuy
nhiên, luận án này quá thiên về tiếng Hán; các tìm tòi và kết luận về tiếng Việt
còn ít.
1.1.3. Đánh giá chung
Đến nay ở Việt Nam chưa có một nghiên cứu độc lập nào tập trung tìm
hiểu một cách thấu đáo, trọn vẹn về ẩn dụ ý niệm miền “đồ ăn”, những nghiên
cứu đã có là nền tảng cơ sở và là sự gợi mở để chúng tôi triển khai đề tài “Ẩn dụ
ý niệm miền "đồ ăn" trong tiếng Việt”.
1.2. Cơ sở lí thuyết
Ngôn ngữ học tri nhận là một trào lưu nghiên cứu đặt ngôn ngữ trong mối
quan hệ với tâm lí. Với sự quan tâm của nhiều học giả trong và ngoài nước, các
vấn đề lí thuyết Ngôn ngữ học tri nhận ngày càng được phát triển và phổ biến
rộng rãi, nhiều khái niệm của khoa học tri nhận đã trở nên quen thuộc. Trong
khuôn khổ của luận án, chúng tôi chỉ trình bày những vấn đề lí thuyết là cơ sở
trực tiếp cho quá trình nghiên cứu, các vấn đề khái quát căn bản, được coi là hệ
thống tri thức nền của khoa học tri nhận nói chung, Ngôn ngữ học tri nhận nói
riêng sẽ không được đề cập ở đây.
1.2.1. Tính nghiệm thân
Nguyên lí cốt lõi của Ngôn ngữ học tri nhận là “Dĩ nhân vi trung”, tính
nghiệm thân là giả thuyết được nhiều tác giả quan tâm như Lakoff và Johnson
(1980), Margaret Wilson (2002), Tim Rohrer (2007), Lawrence Sapiro (2011).
Một cách khái quát, thân thể con người là yếu tố ảnh hưởng đến kinh nghiệm, là
cơ sở kích hoạt các ý niệm tạo thành ẩn dụ; mặt khác các kinh nghiệm đã có cũng
chi phối cách nhận thức thế giới, chế biến các kinh nghiệm mới của con người.
1.2.2. Ý niệm và ẩn dụ ý niệm
1.2.2.1. Ý niệm
Ý niệm (concept) là đơn vị cơ bản của Ngôn ngữ học tri nhận, có đặc
trưng miêu tả, đặc trưng tình cảm, ý chí và hình tượng. Hệ thống ý niệm không
có ranh giới rõ rệt, cấu trúc ý niệm là cấu trúc trường-chức năng gồm có trung
tâm và ngoại vi. Ý nghĩa của ý niệm là tổng hòa hình bóng-hình nền.
Có bốn kiểu mô hình tri nhận thường gặp trong quá trình ý niệm hóa: mô
hình mệnh đề, mô hình sơ đồ hình ảnh, mô hình ẩn dụ, mô hình hoán dụ.
1.2.2.2. Ẩn dụ ý niệm
Ẩn dụ ý niệm là sự ý niệm hóa một miền tinh thần qua một miền tinh thần
khác, được gọi là sự ánh xạ (mapping) có hệ thống từ một miền nguồn sang một
miền đích nhằm tạo nên một mô hình tri nhận (mô hình ẩn dụ) giúp lĩnh hội
miền đích cụ thể, hiệu quả hơn.
Ngôn ngữ học tri nhận phân biệt ẩn dụ ý niệm và ẩn dụ ngôn ngữ (chỉ là
hình thức của ẩn dụ ý niệm); và coi so sánh là thể yếu của ẩn dụ. Ẩn dụ được
phân loại thành: ẩn dụ cấu trúc; ẩn dụ bản thể và ẩn dụ định hướng.
1.2.3. Miền, miền nguồn, miền đích và ánh xạ
1.2.3.1. Miền
Miền hay miền ý niệm là bộ tập hợp các ý niệm gần gũi về nội dung tinh
thần như các thực thể tri nhận, các thuộc tính, các quan hệ. Mỗi miền ý niệm cũng
gồm nhiều nhóm ý niệm thuộc các phạm trù khác nhau và tồn tại các điển dạng.
1.2.3.2. Miền nguồn, miền đích
Miền nguồn (source domain) và miền đích (target domain) là thuật ngữ
quy chiếu tới các miền ý niệm trong cấu trúc ẩn dụ ý niệm. Miền nguồn thường
cụ thể, trực quan, dễ nhận biết; miền đích có xu hướng trừu tượng, khó xác
định, mới mẻ với nhận thức hoặc kinh nghiệm.
Miền ý niệm có tính độc lập tương đối, còn miền nguồn-đích gắn chặt với
ẩn dụ ý niệm.
1.2.3.3. Ánh xạ
Ánh xạ (mapping) là sự phóng chiếu giữa những yếu tố của miền nguồn
và những yếu tố tương ứng của miền đích. Bản chất của ánh xạ là cố định, đơn
tuyến và cục bộ. Cơ chế của ánh xạ là được kích hoạt căn cứ vào cơ thể,kinh
nghiệm và tri thức.
Thuyết pha trộn ý niệm là một cách nhìn khác hơn về ánh xạ. Đó là sự
tích hợp của bốn không gian tinh thần với quan hệ ánh xạ đa chiều.
1.2.4. Điển mẫu
Điển mẫu (prototype) là khái niệm gắn với phạm trù tri nhận và sự phạm
trù hóa. Đó là thành viên điển hình, ở vị trí trung tâm của phạm trù, đó là thí dụ
tốt nhất, nổi bật nhất.
1.2.5. Mô hình tri nhận
Mô hình tri nhận (cognitive model) những cách thức chung để ý niệm hóa
thế giới khách quan.
Có bốn kiểu mô hình tri nhận:
- Mô hình mệnh đề.
- Mô hình sơ đồ hình ảnh.
- Mô hình ẩn dụ.
- Mô hình hoán dụ.
1.2.6. Pha trộn ý niệm
Pha trộn ý niệm là sự tích hợp của bốn không gian tinh thần (không gian
chung, không gian nhập 1 – 2, không gian pha trộn) với quan hệ ánh xạ đa
chiều. Trong mô hình pha trộn ý niệm, các yếu tố nhất định được đánh dấu, làm
nổi bật, tương tác và tạo thành một cấu trúc ý niệm mới trong không gian pha
trộn.
Tiểu kết
Chương 2
MIỀN Ý NIỆM “ĐỒ ĂN” TRONG TIẾNG VIỆT
Dẫn nhập
2.1. Về quan niệm “đồ ăn”
Quan niệm về “đồ ăn” trong luận án là: vật do con người tạo ra để đưa
vào nuôi sống cơ thể hàng ngày [nói khái quát].
2.2. Tổ chức của miền ý niệm “đồ ăn”
2.2.1. Ý niệm “đồ ăn”
2.2.1.1. Khái niệm hạt nhân của ý niệm “đồ ăn”
Khái niệm “đồ ăn” gồm 17 thành tố cấu tạo thành hai bậc, được hình
thành nhờ các kích thích mang tính kinh nghiệm, cụ thể:
- Bậc 1: Thực thể đồ ăn, Mùi vị, Tính chất, Hình thức, (Hoạt động) Chế
biến, (Hoạt động) Ăn.
- Bậc 2: Đồ dùng bày biện, Công thức, Nguyên liệu , Gia vị, Đồ dùng,
Trình bày, Vật dụng, Cảm giác, Trạng thái, Sự kiện, Chủ thể.
2.2.1.2. Các giá trị ngoại vi của ý niệm “đồ ăn”
Ý niệm có cấu trúc trường-chức năng được tổ chức theo mô hình trung
tâm và ngoại vi. Nếu như ở trung tâm là một khái niệm hạt nhân thì ở ngoại vi
là một dải các yếu tố văn hóa thống nhất với nhau tạo thành trường giá trị của ý
niệm, gồm: Văn hóa dân tộc, Văn hóa nhóm xã hội, Văn hóa cá nhân, Văn hóa
vùng, Văn hóa tộc người.
2.2.2. Các nhóm ý niệm của miền ý niệm “đồ ăn”; điển mẫu
2.2.2.1. Các nhóm ý niệm của miền ý niệm “đồ ăn”
Trên cơ sở các căn cứ đã phân tích về thành tố của ý niệm “đồ ăn”, chúng
tôi tiến hành khảo sát, đối chiếu hai từ điển [85], [121] và hệ thống hóa được
910 đơn vị biểu thị phương diện khác nhau của miền “đồ ăn”; chia thành 5
nhóm: Thực thể, Đặc điểm, Đồ dùng, Hoạt động, Cảm giác, cảm nhận.
Giữa chúng cũng có mối liên hệ mật thiết theo kiểu kết chuỗi, do sự kích
thích của thành tố trung tâm nhóm này tới thành tố trung tâm của nhóm kia.
2.2.2.2. Điển mẫu
Điển dạng là thành viên điển hình một tập hợp, đó là thí dụ tốt nhất.
Thông qua khoanh vùng ngữ liệu và điều tra xã hội học, 5 điển dạng của
miền ý niệm “đồ ăn” được xác định là: Cơm, Mặn, Bát, Ăn, Đói.
2.2.3. Cấu trúc hình bóng-hình nền của miền ý niệm “đồ ăn”
Hình nền rộng nhất, chủ đạo trong sự tạo thành các ý niệm “đồ ăn” chính
là nền “đồ ăn”. Các ý niệm tạo hình bóng trên nền này có “món ăn”, các nguyên
liệu “lương thực”, “thực phẩm”, “gia vị”. Các vùng nền “tính chất”, “mùi vị”,
“đặc điểm” có sự giao thoa với hình nền “đồ ăn”. Hai vùng nối tiếp vào biên
giới của nền đồ ăn là “hoạt động với đồ ăn” (cơ sở của ý niệm về “chế biến”,
“thưởng thức” đồ ăn) , “vật dụng liên quan đến đồ ăn” (bao gồm các ý niệm về
vật dụng “chế biến”, “bày biện”, “thưởng thức”). Cuối cùng là vùng “con
người”, là nơi để các ý niệm về “con người”, “cảm giác”, “trạng thái” liên quan
đến món ăn đổ bóng lên.
2.3. Mô hình tri nhận miền ý niệm “món ăn”
2.3.1. Mô hình mệnh đề
Mô hình mệnh đề là cấu trúc tri thức về quan hệ giữa ý niệm với ý niệm,
được biểu hiện bằng mệnh đề ngôn ngữ. Một số mô hình mệnh đề tiêu biểu về
miền ý niệm “đồ ăn”.
(1) Mệnh đề bộc lộ chức năng
- Cơm tẻ là mẹ ruột
- Quà ngon chả giò, quà no bánh đúc.
(2) Mệnh đề khái quát đặc điểm
- Đũa tre một chiếc khó cầm/ Nằm đêm nghĩ lại, thương thầm bạn xưa
- Vuông bánh chưng tám góc
(3) Mệnh đề thể hiện đánh giá
- Một trăm đám cưới không bằng hàm dưới cá trê.
- Nhất phao câu, nhì đầu cánh
(4) Mệnh đề tổng kết kinh nghiệm
- Cau phơi tái, gái đoạn tang, chim ra ràng, gà mái ghẹ
- Chim ngói mùa thu, chim cu mùa hè
(5) Mệnh đề thể hiện cách ứng xử
- Ăn cỗ đi trước, lội nước đi sau
- Nhiều tiền mua thịt, ít tiền mua xương
2.3.2. Mô hình sơ đồ hình ảnh
Mô hình sơ đồ hình ảnh là các mô hình cấu trúc hóa kiến thức về không
gian, hình dạng hoặc sự dịch chuyển bằng hình ảnh. Ví dụ:
2.3.3. Mô hình ẩn dụ
Mô hình ẩn dụ là mô hình ý niệm hóa, giải thích, suy luận về các sự vật
trừu tượng thông qua một miền ý niệm khác cụ thể hơn, trực quan hơn, gần gũi
hơn. Với miền ý niệm “đồ ăn”, ẩn dụ cũng có vai trò quan trọng như với mọi ý
niệm khác.
mâm
món ăn
bát
đũa
người ăn
Hình 2.3.2a. Sơ đồ hình ảnh “mâm cơm”
2.3.4. Mô hình hoán dụ
Mô hình hoán dụ là mô hình cấu trúc lại trên cơ sở một mô hình khác
thuộc cùng một miền ý niệm dựa trên hiệu lực điển dạng của thực thể.
Ví dụ: ăn cơm là ăn cơm cùng các loại thức ăn khác, tương tự như nấu
cơm, mâm cơm, bữa cơm Đây là một hoán dụ BỘ PHẬN THAY THẾ CHO
CHỈNH THỂ.
Tiểu kết
- Cơm
- Canh
- Xào
- Kho
- v.v
Cơm
(- Canh
- Xào
- Kho
- v.v)
(1) Các thành tố của chỉnh thể
Hoán dụ
(2) Bộ phận thay thế cho chỉnh thể
Hình 2.3.4a. Mô hình tri nhận hoán dụ “cơm”
2
4
CƠM
1
VẬT CHẤT
3
3A - Cái thiết yếu
3B – Thù lao, bổng lộc
3C – Thành quả
3D – Tài sản
ĐỒ ĂN
2A – Thức ăn nói chung
2B – (Quả cây)
nhỏ/cùi
GIA ĐÌNH 4A – Lập gia đình
4B – Quan hệ vợ chồng
4C – Vợ/chồng
5 – Thuốc phiện
6 – Chuyện hàng ngày
7 – (Mụn) sần
8 – (Nhạc cụ)
nhỏ
9 – Ăn trộm
Hình 3.1.1. Mô hình tỏa tia
của “Cơm”
Chương 3
ÁNH XẠ ẨN DỤ, PHA TRỘN MIỀN Ý NIỆM “ĐỒ ĂN”
VỚI CÁC MIỀN Ý NIỆM KHÁC TRONG TIẾNG VIỆT
Dẫn nhập
3.1. Sự vận động ý niệm của các điển dạng
3.1.1. Mô hình tỏa tia của “Cơm”
3.1.2. Mô hình tỏa tia của “Ăn”
ĂN
1
NẠP NĂNG
LƯỢNG
2A- Nhai
2B- Tham gia
hoạt động có ăn
uống 2
2C- Đồ
dùng khi
ăn
TIẾP
NHẬN 3
3A- Thu
nạp
3B- Tiêu thụ 3C- Thụ hưởng
3D- Hứng chịu
3E- Giành đoạt
3G-Hấp thu,
ngấm
4
HÒA HỢP
4A- Vừa khớp
4B- Hòa hợp
5
LAN
RA
5A- Làm tiêu hao
5A- Mở rộng
phạm vi 6
7
8
Thực
hiện
Tương
đương
Quan hệ
thân xác
Hình 3.1.2. Mô hình tỏa tia của “Ăn”
3.1.3. Mô hình tỏa tia của “Mặn”
3.1.4. Mô hình tỏa tia của “Bát”
3.1.5. Mô hình tỏa tia của “Đói”
Nhận xét: Những đặc điểm các điển mẫu có thể coi là đặc điểm chung của
năm nhóm ý niệm trong miền“đồ ăn”, các xu hướng vận động của ý niệm cũng
định hướng cho việc nghiên cứu: tìm hiểu các miền nguồn làm cơ sở tri nhận cho
các miền đích “đồ ăn” có tính trực quan thấp (“mùi vị” là một ví dụ), tìm hiểu sự
ánh xạ từ các miền nguồn “đồ ăn” tới các miền đích đã được khoanh vùng thông
qua các nghĩa phái sinh trong các mô hình tỏa tia (tiền bạc, con người).
Hình 3.1.3. Mô hình tỏa tia của
“Mặn”
1
MẶN
2
CAO HƠN
BÌNH
THƯỜNG
2A- Nhiều muối
2B- Tham lam vật chất
2C- Tình cảm sâu đậm
2D- Hình thức đẹp
Có thịt cá
3
4 Quan hệ thân
xác
1
BÁT
Đồ dùng
trong bữa ăn 2
3
Lượng
(thức ăn.v.v..)
4 VẬT
CHẤT
4A- Cái ăn,
nguồn sống
4b- Tiền bạc
Hình 3.1.4. Mô hình tỏa tia của “Bát”
1
ĐÓI
2
SỰ
THIẾU
THỐN 2B- Thiếu những
thứ thiết yếu
2A- Thiếu lương
thực
Hình 3.1.5. Mô hình tỏa tia của “Đói”
3.2. Ánh xạ ẩn dụ giữa miền ý niệm “đồ ăn” với các miền ý niệm khác
3.2.1. Miền ý niệm “đồ ăn” là miền đích
3.2.1.1. Ánh xạ từ miền nguồn thực thể tới miền ý niệm “đồ ăn”
“Thực thể” là cái có sự tồn tại độc lập, là cái có thật, có thể nhận biết
bằng giác quan, là cái tự mình xác định vị thế hoặc hoạt động trong thực tại,
không phải phụ thuộc vào cái gì khác.
Các đối tượng thuộc miền hoạt động, mùi vị, cảm giác được tạo một hình
ảnh tượng trưng trong tâm trí con người, và các đặc điểm khác của thực thể cũng
theo đó ánh xạ tới và được biểu hiện cụ thể trong các phát ngôn, giao tiếp. Có
một hình dạng giúp cho sự nhận diện đối tượng (thấy ngon, thấy thơm), đo đếm
(mùi nặng, vị mạnh) biến đối tượng vô hình thành hữu hình để chống đỡ
(chống đói), thay đổi (xóa đói, khử chua) Hình dạng này không nhất định là
hình tròn, hình vuông, hình hộp hay hình cầu, chỉ cần đó là một “thể” cố định, có
khả năng xác định vị trí trong không gian.
Sự ánh xạ từ miền nguồn “thực thể”, (kéo theo là miền “vật chứa” và “vật
chất”) giúp ý niệm hóa về các “hoạt động”, “mùi vị”, “cảm giác” liên quan tới “đồ
ăn”, tạo thành lớp các ẩn dụ bản thể (ẩn dụ thực thể, ẩn dụ vật chất, ẩn dụ vật chứa).
3.2.1.2. Ánh xạ từ miền nguồn không gian tới miền ý niệm “đồ ăn”
Đối với miền ý niệm “đồ ăn”, có ba nhóm ý niệm “hành động”, “đặc
điểm, tính chất”, “cảm giác, cảm nhận” mang tính trừu tượng có xu hướng trở
thành miền đích của các ánh xạ từ miền nguồn “không gian”.
Hệ thống ánh xạ này tạo thành ẩn dụ định hướng ý niệm “đồ ăn” trong
tiếng Việt. Ví dụ: những trải nghiệm phương vị của con người cộng với các yếu
tố văn hóa đã được vận dụng để tri nhận về “mùi vị”, như sự gia tăng mùi vị
tương ứng với định hướng lên (ngọt lên, mặn lên, đậm lên) còn sự giảm nhẹ
tương ứng với định hướng xuống (nhạt đi, loãng ra); tạo thành ĐẬM (MÙI VỊ)
LÀ LÊN, NHẠT (MÙI VỊ) LÀ XUỐNG.
3.2.2. Miền ý niệm “đồ ăn” là miền nguồn
3.2.2.1. Ánh xạ từ miền nguồn “đồ ăn” tới miền ý niệm “thời gian”
Trong hệ thống ánh xạ từ miền “đồ ăn” đến miền “thời gian” các thành tố
được kích hoạt bao gồm các món ăn, sự kiện hoạt động để ý niệm hóa cho các
đơn vị và sự tuần hoàn của thời gian. Ví dụ, trong miền nguồn “đồ ăn”, các món
ăn phổ biến nổi bật bao gồm có món thường ngày (cơm, quà sáng), các món
gắn với mùa (cốm, thịt đông, kem), các món ăn truyền thống trong các dịp
quen thuộc (bánh chưng, bánh trôi – bánh chay, bánh nướng – bánh dẻo).
3.2.2.2. Ánh xạ từ miền nguồn “đồ ăn” tới miền ý niệm “con người”
Trong xu hướng nhận thức về “con người”, miền ý niệm “đồ ăn” cũng
được huy động hầu hết các tiểu vùng để giúp cấu trúc hóa các ý niệm liên quan:
món ăn, gia vị, đặc điểm, hoạt động:
Những ánh xạ này không khó bắt gặp trong ngôn ngữ hàng ngày: lẩu
thập cẩm trong đầu, nghiên cứu chay, món ăn tinh thần (món ăn~ tư tưởng,
sản phẩm tư tưởng); xào ý tưởng, tiêu hóa lí luận (hoạt động ~ tư duy); giả
thuyết ngon ăn, bài học khó nhằn (đặc điểm~ tư tưởng); đói chữ, ngán lí
thuyết (cảm giác~ sản phẩm tinh thần
3.2.2.3. Ánh xạ từ miền nguồn “đồ ăn” tới các miền đích “tự nhiên, xã hội”
Hiện thực tự nhiên và xã hội bao gồm tất cả những yếu tố thực thể và phi
thực thể, trực quan và trừu tượng, tồn tại trong thời gian hoặc không gian, hoặc
cả không-thời gian Sự xác lập hệ thống ánh xạ này dựa trên sự tương đồng về
hướng của các chiếu xạ từ miền “đồ ăn” tới các ý niệm thuộc miền tự nhiên, xã
hội. Chẳng hạn, các sự vật tự nhiên, xã hội đều có thể được nhìn nhận thông
qua các thực thể thuộc ý niệm “đồ ăn”: cà bát, mận cơm, quả mâm xôi, bông so
đũa, đậu đũa, vùng lòng chảo/bánh xe, mũ nồi, mâm pháo, đĩa hát
3.3. Pha trộn miền ý niệm “đồ ăn” với các miền ý niệm khác
3.3.1. Mô hình ẩn dụ ba miền không gian pha trộn
Các cấu trúc ý niệm kép thường đem lại một ý niệm hoàn toàn mới, là
kiểu “dồn nén” ý niệm trong một không gian tinh thần pha trộn như các ý niệm
kép có liên quan tới miền “đồ ăn”. Về mặt ngôn ngữ, các cấu trúc này có thể ở
dạng danh từ-danh từ (cơm bụi, da bánh mật), hay danh từ-tính từ (tin sốt dẻo)
hay danh từ-động từ (bánh vẽ, đậu lướt ván); hoặc động từ-động từ (ngủ
nướng), tính từ-danh từ (đứt bữa), động từ-danh từ (muối mặt)
3.3.2. Mô hình ẩn dụ bốn miền không gian pha trộn
Miền ý niệm “đồ ăn” có sự hoạt động pha trộn ý niệm theo mô hình 4
miền như (nấu cháo điện thoại, chế biến gỗ) hoặc các thành ngữ ẩn dụ (vợ
chồng như đũa có đôi; bát đũa xô nhau; rổ rá cạp lại).
3.3.3. Mô hình ẩn dụ phức hợp
Các mô hình pha trộn nhiều khi cũng chỉ tồn tại ở dạng khái quát, các ẩn
dụ thực tiễn luôn phong phú, đa dạng hơn nhiều như sự xuất hiện của các mô
hình phức hợp liên quan đến ẩn dụ ý niệm “đồ ăn”: ẩn dụ - hoán dụ, ẩn dụ trùng
phức.
3.4. Cơ chế ánh xạ ẩn dụ giữa miền ý niệm “đồ ăn” và các miền ý niệm khác
3.4.1. Cơ chế ánh xạ ẩn dụ dựa trên tri thức
Trong miền “đồ ăn” tri thức cung cấp cho con người những hiểu biết về
các món ăn, các loại đồ dùng, các kiểu chế biến, các đặc điểm mùi vị, cảm
giác Tri thức về “đồ ăn” cho biết các hệ quả, chức năngcủa đồ ăn và các
yếu tố liên quan. Ánh xạ ẩn dụ thông thường, trước nhất sẽ được kích hoạt bởi
các tri thức, giống như Lakoff nhận xét trong [152]: “Mặc dù phần lớn hệ thống
ý niệm của chúng ta là ẩn dụ, một phần đáng kể của nó là phi ẩn dụ. Hiểu biết
ẩn dụ được căn cứ vào sự hiểu biết phi ẩn dụ”.
3.4.2. Cơ chế ánh xạ ẩn dụ dựa trên kinh nghiệm
Sự tương đồng trong của các kinh nghiệm trong trí não con người như
những liên hệ ngầm, khi một ý niệm là đối tượng tri nhận, các thành tố đặc
trưng sẽ được huy động, mỗi thành tố đặc trưng sẽ kết nối với những kinh
nghiệm tương tự ở một miền ý niệm nào đó, nếu kết nối đó được cấu trúc hóa,
chúng ta sẽ có một ẩn dụ.
Các dạng kinh nghiệm tri nhận bao gồm kinh nghiệm thuộc lĩnh vực vật
lí, kinh nghiệm thuộc lĩnh vực tâm lí, kinh nghiệm thuộc lĩnh vực văn hóa.
3.4.2.1. Kinh nghiệm thuộc lĩnh vực vật lí
Cơ chế của ánh xạ có thể là kinh nghiệm thuộc lĩnh vực vật lí, biểu hiện
của cơ chế này có thể các ánh xạ được kích hoạt dựa trên kiểu dáng, hình dạng,
màu sắc, đường nét, kích thước (nói chung là các thuộc tính có thể tri giác
bằng mắt) của các món ăn, đồ dùng; hoặc diễn biến, quá trình, cách thức của
các hoạt động trong mối liên hệ với miền “đồ ăn”
Ví dụ, trong kinh nghiệm của người Việt bữa ăn có “kích cỡ” nhỏ hơn
bữa cỗ, lớn hơn nữa là bữa tiệc. Bởi vậy, khi nói: “Lễ hội pháo hoa là một bữa
tiệc màu sắc” có hàm chứa kinh nghiệm vật lí về kích cỡ, được hiểu là sự kiện
đó có quy mô lớn, phong phú.
3.4.2.2. Kinh nghiệm thuộc lĩnh vực tâm lí
Kinh nghiệm thuộc lĩnh vực tâm lí là những trải nghiệm về tinh thần như
cảm giác, ý chí, tình cảm, nhận thức Cơ chế ánh xạ dựa trên kinh nghiệm tâm
lí là những tương ứng giữa miền nguồn với miền đích, kết nối các trải nghiệm
tinh thần đó.
- Rằng hay thì thật là hay/ Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào
- Thuộc như cháo chảy
3.4.2.3. Kinh nghiệm thuộc lĩnh vực văn hóa
Văn hóa là thực tiễn được sáng tạo bởi con người, do con người tạo ra và
chi phối lối sống, nếp nghĩ của các cộng đồng cùng chia sẻ những giá trị văn
hóa. Điều này có quan hệ chặt chẽ với thế giới tinh thần của con người, chẳng
hạn người Việt Nam và người Hàn Quốc, Trung Quốc đều có thói quen ăn thịt
chó, nhưng chỉ có người Việt mới có quan niệm về “số vận” (đen-đỏ) gắn với
món ăn này. Cơ chế ánh xạ dựa trên kinh nghiệm văn hóa được thể hiện rất
phong phú, đa dạng.
- Ăn trông nồi, ngồi trông hướng
- Đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành
3.4.3. Cơ chế ánh xạ ẩn dụ dựa vào cơ thể
Với quan niệm “Dĩ nhân vi trung”, con người được lấy làm thước đo thế
giới, đương nhiên, cơ chế ánh xạ không thể tách rời yếu tố cơ thể. Đặc điểm cơ
thể được sử dụng làm căn cứ ánh xạ bao gồm cả cấu tạo cơ thể và các trải
nghiệm sinh lí.
Cấu tạo cơ thể người là căn cứ quan trọng cho các ánh xạ không gian. Với
người Việt, các định hướng gắn với đặc điểm cơ thể rất rõ: đầu ~ trên, chân ~
dưới Các ánh xạ được kích thích dựa trên cơ chế này hầu hết là ánh xạ định
hướng: “Ăn trên ngồi trốc” hoặc “Lên mâm lên bát”.
Ánh xạ có sinh lí học dựa trên sự liên hệ giữa những cảm giác sinh lí của
cơ thể với đồ ăn và cảm giác sinh lí của cơ thể với các đối tượng khác(Ví dụ:
“Đói văn hóa đọc”; “Trái tim đập cồn cào cơn đói”)
Tiểu kết
Chương 4
HỆ THỐNG ẨN DỤ Ý NIỆM “ĐỒ ĂN” TRONG TIẾNG VIỆT
Dẫn nhập
4.1. Phân loại ẩn dụ ý niệm “đồ ăn” trong tiếng Việt
4.1.1. Ẩn dụ bản thể ý niệm “đồ ăn” trong tiếng Việt
“Ẩn dụ ý niệm bản thể cho phép người nói hình dung những kinh nghiệm
của mình dưới dạng các thực thể, vật chất, và vật chứa nói chung, không cần
định rõ thêm loại thực thể, vật chất hay vật chứa”[144; tr.328]
4.1.1.1 Ẩn dụ thực thể ý niệm “đồ ăn”
a. HOẠT ĐỘNG LIÊN QUAN ĐẾN ĐỒ ĂN LÀ THỰC THỂ
Đồ ăn là sản phẩm do con người tạo ra dùng để ăn, hoạt động liên quan
đến đồ ăn bao gồm giai đoạn chế biến, giai đoạn thưởng thức. Ẩn dụ thực thể
làm nổi bật tính hoàn chỉnh của các hoạt động này như một vật riêng biệt, có
thể tương tác với con người trong cả không gian và thời gian.
- Nghĩ đến ăn là sợ.
- Bây giờ no đủ, người ta coi trọng nhìn, không coi trọng ăn.
Thực thể này có thể chiếm chỗ, là tác nhân của những cảm xúc hay tích
cực hoặc tiêu cực, có thể định loại hoặc định lượng, có thể tồn tại các phương
diện khác nhau để con người suy luận, đánh giá
b. MÙI VỊ CỦA ĐỒ ĂN LÀ THỰC THỂ
Mùi vị không phải là một đối tượng có thể nắm bắt dễ dàng, lại mang tính
chủ quan tương đối. Bởi vậy ý niệm hóa mùi vị thông qua ẩn dụ thực thể là một
cách thức tri nhận đắc dụng. Mùi vị có thể được nhận diện (thấy thơm, nghe
mặn mặn), có hoạt động, có ảnh hưởng trong cuộc sống.
- Cay xé lưỡi.
- Và người ta cho hồ tiêu vào, để thêm cái cay nóng có mực thước
(Thạch Lam)
c. CẢM GIÁC VỚI ĐỒ ĂN LÀ THỰC THỂ
Cảm giác về đồ ăn mang tính chủ quan, nhờ ẩn dụ thực thể, người Việt có thể
tri nhận về cảm giác đó như những vật xác định, sinh động, gần gũi, dễ nhận diện
(thấy đói, thấy no, thấy thèm, thấy chán) và có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống.
- Đói cào ruột
- Mẹo đánh gục cơn đói khi giảm béo.
- Chán ăn kéo dài gây suy nhược cơ thể.
* Đáng chú ý, với quan niệm con người cũng là thực thể, ẩn dụ ý niệm thực thể
chính là bậc trên của nhân hóa, hay nhân hóa là một tiểu loại tiêu biểu nhất của
ẩn dụ thực thể.
4.1.1.2. Ẩn dụ vật chất ý niệm “đồ ăn” trong tiếng Việt
a. HOẠT ĐỘNG LIÊN QUAN ĐẾN “ĐỒ ĂN” LÀ CHẤT LỎNG
Hoạt động liên quan đến đồ ăn chỉ tồn tại trên trục thời gian, không thể tri
giác bằng mắt, không phải là vật chất. Trong tri nhận của người Việt, ý niệm
này đã được bản thể hóa như một dạng chất lỏng:
- Các ông cứ chìm trong ăn nhậu chả mấy mà rước bệnh vào thân.
- Anh giám đốc mới nổi bắt đầu bị tiệc tùng cuốn đi liên miên.
b. MÙI VỊ ĐỒ ĂN LÀ CHẤT LỎNG, CHẤT KHÍ
Mùi vị của đồ ăn cũng là một ý niệm trừu tượng, khó nắm bắt mặc dù có
thể tri giác bằng giác quan (khứu giác, vị giác). Trong tiếng Việt, bằng ẩn dụ ý
niệm, mùi vị được cấu tạo bằng những “chất” nhất định: chất lỏng và chất khí.
- Phố gì chỉ mắt liếc ngang/Cũng nghe vị ngọt chứa chan miệng rồi?
- Chén vừng vừa rang xong bốc mùi thơm phưng phức
c. CẢM GIÁC VỀ ĐỒ ĂN LÀ CHẤT LỎNG
Cảm giác về đồ ăn được tri nhận như các thực thể một cách tượng trưng,
Các đặc tính của chất lỏng thường được sử dụng để vật chất hóa cảm giác mà
không cần có một hình dạng cụ thể như: lan, chìm, đầy
- Cơn đói nhấn chìm cả đầu óc.
- [] cái cảm giác đói đã lan ra cả khắp người như nước triều tràn lên
bãi cát. (Đói – Thạch Lam)
4.1.1.3. Ẩn dụ vật chứa ý niệm “đồ ăn” trong tiếng Việt
Ẩn dụ vật chứa được xem như hệ quả của ẩn dụ thực thể và ẩn dụ vật chất
(còn gọi là chất chứa – container substance). Do đó, có thể thấy ẩn dụ này trong ý
niệm “đồ ăn” tương ứng với ẩn dụ thực thể và ẩn dụ vật chất, bao gồm ba nhóm:
a. HOẠT ĐỘNG LIÊN QUAN ĐẾN ĐỒ ĂN LÀ VẬT CHỨA
- Trong bữa ăn phải tránh dùng những từ ngữ không tốt lành.
- Khi vào bữa, Bác bưng bát cơm trắng, gắp thêm mấy miếng thức ăn
ngon để mời cụ cố (Chuyện về những bữa cơm của Bác Hồ)
b. CẢM GIÁC VỀ ĐỒ ĂN LÀ VẬT CHỨA
- Làm sao để thoát khỏi cơn thèm chua khi thai nghén.
- Ở trong sự no đủ, người ta nhìn cuộc sống dễ dàng quá.
c. MÙI VỊ CỦA ĐỒ ĂN LÀ VẬT CHỨA
- “Người tình” là kỉ niệm về mối tình Chợ Lớn với mùi thức ăn vây quanh.
- Một góc Sapa chìm trong mùi đồ nướng.
4.1.2. Ẩn dụ định hướng ý niệm “đồ ăn” trong tiếng Việt
“Ẩn dụ ý niệm định hướng cho phép người nói xác lập một tập hợp các ý
niệm đích mạch lạc bằng một số định hướng không gian cơ bản của con người,
chẳng hạn trên-dưới, trong-ngoài, trung tâm-ngoại vi, và tương tự” [144, tr.328]
4.1.2.1. Định hướng lên-xuống
a. ĐỒ ĂN ĐƯỢC HÌNH THÀNH LÀ LÊN, ĐỒ ĂN BỊ HỦY HOẠI LÀ XUỐNG
Đồ ăn được hình thành đa phần phải thông qua chế biến, bày biện, chế
biến xong đồ ăn cần được thưởng thức trong thời hạn nhất định, quá thời hạn đó
thì hương vị, giá trị giảm đi, đồ ăn bị biến chất, phân hủy. Hai quá trình này đối
lập nhau, được ẩn dụ định hướng bằng cặp đối lập lên-xuống: ĐỒ ĂN ĐƯỢC
HÌNH THÀNH LÀ LÊN, ĐỒ ĂN BỊ HỦY HOẠI LÀ XUỐNG.
- Những thứ đó cứ đem nướng đại lên ăn, và ăn như thế, tưởng là tởm,
nhưng chẳng sao hết, mà lại ngon là đằng khác (Chuột thịt – Vũ Bằng)
- [] đợi dầu nóng thì cho hành tím vào phi lên [] (555 món ăn Việt Nam)
Ngược lại, đồ ăn đã chế biến nếu không được sử dụng ngay sẽ bị mất
ngon hay ôi, thiu, được tri nhận gắn với định hướng “xuống”: nguội đi, ôi đi,
thiu đi, hỏng đi, vữa ra, rữa đi
b. ĐỒ ĂN TỐT LÀ LÊN
Theo quan niệm của người Việt, đồ ăn là thứ giá trị, đem lại cho con
người sức khỏe về thể chất, cảm giác thỏa mãn các giác quan, là biểu tượng của
sự no đủ, từ đó ta có ẩn dụ ĐỒ ĂN TỐT LÀ LÊN.
- Trứng cá hồi là món ăn thượng hạng.
- Thời xưa, chuối ngự Nam Định là sản vật cung tiến.
Tương tự, đồ dùng tốt, quý là hướng lên còn đồ dùng thường, xấu thì
hướng xuống:
- Đũa mốc chòi mâm son.
- Ai ơi! đừng phụ bát đàn/ Nâng niu bát sứ vỡ tan có ngày
Một điều đáng lưu ý, đồ ăn ngon/ bổ/ quý hơn thì xếp hạng trên, đồ ăn
kém hơn thì xếp hạng dưới, nhưng trên thang độ đánh giá tất cả đều nằm ở phía
dương tính, phía tích cực. Các món ăn “xoàng” nhất cũng là món ăn bình dân,
đồ ăn thường ngày chứ không có gì thấp kém, bỏ đi.
c. ĐẬM MÙI VỊ LÀ LÊN, NHẠT MÙI VỊ LÀ XUỐNG
ẩn dụ định hướng ĐẬM MÙI VỊ LÀ LÊN, NHẠT MÙI VỊ LÀ XUỐNG, là
một ẩn dụ phái sinh của NHIỀU HƠN LÀ LÊN, ÍT HƠN LÀ XUỐNG. Những ví
dụ thường gặp của ẩn dụ này như: ngọt lên, cay nồng, nhạt đi, loãng ra
- Phơi ngoài nắng, nước cứ bốc hơi, nên tương từ từ mặn lên (Cách làm
tương cổ truyền).
- Cứ nghĩ đến cốm thôi, người ta cũng đã thấy ngát lên mùi thơm dịu hiền
của lúa non xanh (Cốm Vòng – Vũ Bằng)
d. NO LÀ LÊN, ĐÓI LÀ XUỐNG
- Bụng nó trống rỗng cả ngày nay
- Ăn một miếng bánh mà thấy lưng dạ.
- Em đầy bụng lắm, không muốn ăn gì.
4.1.2.2. Định hướng ra-vào
Định hướng ra-vào quy chiếu trên cơ thể, khi áp dụng trong sự tri nhận về
miền “đồ ăn” tạo thành ẩn dụ định hướng TIẾP NHẬN ĐỒ ĂN LÀ VÀO, ĐÀO
THẢI ĐỒ ĂN LÀ RA: ăn được hiểu là “đưa đồ ăn vào trong cơ thể” (ăn vào
ấm bụng, nuốt vào). Cơ sở của tri nhận này là cấu tạo cơ thể biệt lập với môi
trường xung quanh của con người, được giới hạn bằng bề mặt làn da, có thể
phân định rõ trong-ngoài (ruột để ngoài da). Ngược lại, sự từ chối, thải loại đồ
ăn/sản phẩm tiêu hóa đồ ăn được định hướng ra (nhè ra, ói ra, bĩnh ra)
4.1.3. Ẩn dụ cấu trúc
“Ẩn dụ ý niệm cấu trúc cho phép người nói hiểu miền đích dưới dạng cấu
trúc của miền nguồn. Cách hiểu này dựa trên một bộ những tương ứng ý niệm
giữa các thành tố của hai miền” [144; tr.329]
4.1.3.1. THỜI GIAN LÀ ĐỒ ĂN
Thời gian là hình thức tồn tại cơ bản nhất của vật chất, thời gian không thể
tự mình có biểu hiện hình thức, hoặc cho phép tri giác bằng bất cứ giác quan nào.
Trong mối quan hệ với “đồ ăn”, thời gian là một yếu tố hiện diện trong
toàn bộ các hoạt động, các giai đoạn từ nguyên liệu đến thực phẩm. Người Việt
đôi khi quên đi thời gian cơ học mà sống trong thời gian ẩm thực của mình:
mùa cốm, mùa rươi, tết bánh trôi bánh chay
Thời gian cũng là một đồ ăn, có hương vị, kích thích các cảm giác:
- Có còn mong được nhìn thấy mình ở bên kia quãng đời nhiều đắng cay
(Nguyễn Phong Việt)
- Của ong bướm này đây tuần tháng mật. (Xuân Diệu)
4.1.3.2. CON NGƯỜI LÀ ĐỒ ĂN
Miền ý niệm “đồ ăn” cũng được huy động hầu hết các tiểu vùng để giúp
cấu trúc hóa các ý niệm liên quan đến con người. Công thức tư duy tổng quát
nhất của ẩn dụ này đó là CON NGƯỜI LÀ ĐỒ ĂN.
- Hắn đúng là một đối thủ khó nhằn.
- Sếp sẽ luộc hết mấy đứa cứng đầu.
Ẩn dụ phái sinh từ công thức tư duy tổng quát trên là CON NGƯỜI LÀ
VẬT DỤNG LIÊN QUAN ĐẾN ĐỒ ĂN:
- So bó đũa, chọn cột cờ
- Tiếc thay chiếc đọi bịt vàng/ Đem ra đong cám lỡ làng duyên em
Các ẩn dụ bậc dưới là:
a. NGOẠI HÌNH CỦA CON NGƯỜI LÀ HÌNH THỨC ĐỒ ĂN
- Da bánh mật.
- Eo bánh mì.
- Gió xuân tốc dải yếm đào/ Anh trông thấy oản anh vào thắp hương
* NGƯỜI CÓ NGOẠI HÌNH ĐẸP LÀ ĐỒ ĂN NGON:
- Nhìn em kia ngon quá!
- Trông ngọt nước như thế sao mà nhịn được.
* NGOẠI HÌNH ĐẸP LÀ “DINH DƯỠNG” CHO THỊ GIÁC:
- Cô em ấy trông ngon mắt đấy!
- No mắt với chân dài trong “Đêm nhan sắc”.
* NGOẠI HÌNH CON NGƯỜI LÀ VẬT DỤNG LIÊN QUAN ĐẾN MÓN ĂN.
- Chân vòng kiềng
- Đít lồng bàn
b. TINH THẦN CỦA CON NGƯỜI LÀ ĐỒ ĂN
Ẩn dụ này cấu trúc hóa tất cả các trạng thái của con người thành đồ ăn,
kéo theo là các hoạt động, cảm giác về đồ ăn chính là hoạt động tinh thần, cảm
giác tinh thần.
(b1) TÌNH CẢM CỦA CON NGƯỜI LÀ ĐỒ ĂN
- Nhà vách nát, mưa luồn gió tạt/Nhớ đến mình chua chát lòng qua
- Trái tim đập cồn cào cơn đói/ Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn (Xuân Quỳnh)
* DIỄN TIẾN TÌNH CẢM LÀ HOẠT ĐỘNG VỚI ĐỒ ĂN.
- Chồng giận thì vợ bớt lời/ Cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê.
- Họ cố gắng hâm nóng tình cảm, hi vọng không phải chia lìa.
Ngoài ra, còn ẩn dụ TÌNH YÊU LÀ ĐỒ ĂN, và QUÁ TRÌNH YÊU
ĐƯƠNG LÀ HOẠT ĐỘNG LIÊN QUAN ĐẾN ĐỒ ĂN. Ẩn dụ này tương hợp
với ẩn dụ khái quát CON NGƯỜI LÀ ĐỒ ĂN tạo ra một ẩn dụ mới về tình dục
NGƯỜI TÌNH LÀ ĐỒ ĂN, HOẠT ĐỘNG TÌNH DỤC LÀ ĂN UỐNG.
- Chắc hắn chén cô ta lâu rồi.
- Hắn huênh hoang rằng trong xóm ấy đàn bà con gái chả con ai là gã
chưa biết mùi.
* THAY ĐỔI ĐỐI TÁC YÊU ĐƯƠNG LÀ ĐỔI MÓN.
- Có oản anh tình phụ xôi/ Có cam phụ quýt có người phụ ta
- Tình nhân chỉ là gia vị lạ lẫm anh ta muốn thêm vào món canh hạnh phúc
* TÌNH YÊU KHÔNG CÓ QUAN HỆ TÌNH DỤC LÀ ĂN CHAY.
- Vợ báo tin có bầu cũng có nghĩa chồng chuẩn bị bước vào thời kì “chay tịnh”
- Bây giờ nói chuyện ngoại tình chay, ngoại tình tư tưởng có ma nó tin.
(b2) TƯ TƯỞNG CỦA CON NGƯỜI LÀ ĐỒ ĂN
Trong nhận thức của người Việt, tư tưởng có thể được tri nhận như các
loại đồ ăn. Nói về tư tưởng, người Việt thường dùng các đặc tính chỉ trạng thái,
tính chất của đồ ăn để miêu tả.
- Sách là món ăn không thể thiếu cho tinh thần.
- Suy nghĩ của cậu ta thật sống sượng.
* HOẠT ĐỘNG TƯ TƯỞNG LÀ HOẠT ĐỘNG LIÊN QUAN ĐẾN ĐỒ ĂN.
- Tôi không thể tiêu hóa được mớ lí thuyết này.
- Sao lúc nào anh cũng mớm lời cho nó thế?
c. THÂN PHẬN CON NGƯỜI LÀ ĐỒ ĂN
Với sự năng động của miền ý niệm “đồ ăn”, quan hệ xã hội, địa vị, thân
phận của con người cũng được cấu trúc lại trên cơ sở miền nguồn này. Món ăn,
cách thức ăn cũng là một biểu tượng của địa vị xã hội.
- Ăn mày đòi xôi gấc.
- Chàng ơi giận thiếp làm chi/ Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng.
* HOÀN CẢNH CỦA CON NGƯỜI LÀ TƯƠNG QUAN GIỮA ĐỒ ĂN, ĐỒ DÙNG.
- Tiếc thay hạt gạo tám xoan/ Thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà
- Tiếc cho con tôm rằn nấu với ngọn rau má
* QUAN HỆ GIỮA CON NGƯỜI LÀ QUAN HỆ GIỮA CÁC ĐỒ ĂN, ĐỒ DÙNG
- Cơm tấm ăn với cá kho/Chồng xấu vợ xấu những lo mà gầy
- Cơm trắng ăn với chả chim/Chồng đẹp vợ đẹp những nhìn mà no
d. PHẨM CHẤT CỦA CON NGƯỜI LÀ ĐỒ ĂN
Phẩm chất con người thường được cấu trúc bằng các ý niệm chỉ tính chất,
mùi vị của đồ ăn, hoặc qua các đồ dùng, vật dụng trong nấu nướng và ăn uống.
- Giọng chua như giấm/mẻ
- Lanh chanh như hành không muối
- Ăn không biết trở đầu đũa
4.1.3.3. CUỘC ĐỜI LÀ BỮA ĂN
Cuộc đời rộng lớn và phức tạp, khó nhìn nhận từ một góc độ duy nhất,
bởi vậy, các công cụ tri nhận được huy động để cấu trúc hóa ý niệm này rất
nhiều. Ẩn dụ sử dụng miền nguồn “đồ ăn” cũng rất thường gặp trong trường
hợp này, cấu trúc ánh xạ này tạo thành ẩn dụ CUỘC ĐỜI LÀ BỮA ĂN
a. ĐẶC ĐIỂM CUỘC ĐỜI LÀ ĐẶC ĐIỂM ĐỒ ĂN
Những đặc điểm của đồ ăn về mùi vị, trạng thái của đồ ăn có thể đem đến cho
con người các trạnh thái, cảm nhận giống như những trải nghiệm về cuộc sống.
- Cuộc đời là những chiếc bánh ngọt ngào
- Láo nháo như cháo với cơm
b. SỰ VẬT, HIỆN TƯỢNG KHÁCH QUAN LÀ ĐỒ ĂN
b1. Thời tiết
- Mùa hè nóng chảy mỡ, mùa đông thì lạnh như kem.
- Hà Nội tháng Sáu nóng như một con ngỗng ngập trong chảo mỡ
(Đôi giày đỏ đã mất – Dương Bình Nguyên)
b2. Xã hội
- Ai hưởng lợi khi nồi cơm tại chức bung nở?
- Đề tài khoa học không phải là miếng bánh để chia đều cho tất cả mọi người
b3. Tài sản cá nhân
- Bát ăn bát để
- Cơm ai đầy nồi nấy
b4. Kinh tế
- Hàng khủng mùa khuyến mại, giá mềm như bún, bán đắt như tôm tươi.
- Miếng bánh 30 nghìn tỉ, chưa ăn đã thấy lo.
b5. Thể thao
- Villa đã sút trúng góc bánh chưng.
- Một cơ hội ngon ăn đã bị bỏ lỡ.
b6. Chính trị, quân sự
- Bắc Kinh thèm khát biển Đông
- Chiếc bánh Trung Quốc sau Thế chiến bị chia năm sẻ bảy.
b7. Văn hóa
- Chương trình Táo quân năm nay là một nồi lẩu thập cẩm vô vị.
- Gameshow truyền hình đã là bữa ăn nhàm chán và nguội lạnh.
c. HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI CỦA CON NGƯỜI LÀ HOẠT ĐỘNG LIÊN
QUAN ĐẾN ĐỒ ĂN
Hoạt động xã hội của con người là sự tương tác giữa các cá nhân trong
môi trường sống, bao gồm nhiều giai đoạn được ẩn dụ hóa bằng các công đoạn
trong nấu nướng, thưởng thức đồ ăn. Sự ánh xạ đó tạo nên ẩn dụ HOẠT ĐỘNG
XÃ HỘI CỦA CON NGƯỜI LÀ HOẠT ĐỘNG LIÊN QUAN ĐẾN ĐỒ ĂN.
c1. CHUẨN BỊ HOẠT ĐỘNG LÀ VIỆC BẾP NÚC
- Chuyện bếp núc nghề văn.
- Mấy việc lông gà vỏ tỏi chẳng ai chịu nhúng tay vào
c2. THỰC HIỆN HOẠT ĐỘNG LÀ TIẾN HÀNH CHẾ BIẾN
- Sắp đến lượt mình lên thớt rồi
- Công thức chiến thắng đã sẵn sàng, chỉ còn chờ các cầu thủ xung trận.
c3. PHƯƠNG TIỆN HOẠT ĐỘNG LÀ ĐỒ DÙNG TRONG CHẾ BIẾN
- Mổ gà dao trâu
- Cháo đổ mặt mâm
c4. CÁCH THỨC HOẠT ĐỘNG LÀ CÁCH CHẾ BIẾN
- Toàn nghe hơi nồi chõ thì giải quyết được gì.
- Cuốn sách của ông giáo sư ấy đã bị đồng nghiệp luộc lại, bây giờ
nghiên cứu kiểu ăn xổi nhiều lắm rồi.
c5. LÀM CHO TỐT ĐẸP HƠN LÀ THÊM GIA VỊ
- Cần thêm muối cho kịch bản này.
- Ba cái thể loại cổ tích ngày nay chủ yếu là thêm mắm dặm muối thôi.
c6. ỨNG XỬ TRONG HOẠT ĐỘNG LÀ THAO TÁC CHẾ BIẾN
- Thừa bát gạt xuống mâm
- Giận cá chém thớt
c7. CÔNG VIỆC KHÓ KHĂN LÀ CHẾ BIẾN BỊ CẢN TRỞ
- Phi vụ này không dễ mà nuốt trôi
- Lại bị đứa nào đâm bị thóc, chọc bị gạo rồi
c8. CÔNG VIỆC THUẬN LỢI LÀ CÓ ĐỒ ĂN SẴN
- Neymar được đồng đội chuyền một đường như dọn cỗ
- Mấy bộ phim giải trí cứ vơ tạm mấy kịch bản mì ăn liền là xong.
c9. CÓ KẾT QUẢ LÀ HOÀN THÀNH MÓN ĂN
- Đúng là một vụ ngon ăn
- Không biết có nên cơm cháo gì không hay là toi cơm cả lượt.
c10. THU NHẬN KẾT QUẢ LÀ THƯỞNG THỨC MÓN ĂN
- Tận hưởng hương vị chiến thắng cùng bia X.
- Tôi sẽ từ từ nhấm nháp những ngày vui vẻ, nhẹ nhõm này.
Đánh giá chung
Hệ thống ẩn dụ ý niệm “đồ ăn” tiếng Việt luận án xác lập được gồm 49 ẩn dụ,
chia thành nhiều tầng bậc, ẩn dụ phân tầng nhiều nhất là CON NGƯỜI LÀ ĐỒ ĂN
với 6 bậc bao hàm lẫn nhau. Các ẩn dụ ý niệm mới là đơn vị thể hiện phương thức
tri nhận, các ẩn dụ ngôn ngữ chỉ là hình thức bề ngoài. Hơn nữa, các ẩn dụ quy ước
mới có giá trị tri nhận cao, là cơ sở để định hướng các ánh xạ mới, tương tự.
4.2. Đặc điểm ẩn dụ ý niệm “đồ ăn” trong tiếng Việt
4.2.1. Ẩn dụ ý niệm “đồ ăn” trong tiếng Việt mang tính văn hóa
Ẩn dụ ý niệm đồ ăn trong sự ánh xạ cục bộ, chỉ lựa chọn các yếu tố nổi
bật, quen thuộc để chiếu tới miền đích đã sàng lọc để tạo nên những ẩn dụ mang
dấu ấn văn hóa đậm đặc nhất. So sánh với tiếng Anh và ẩm thực Anh có thể
thấy được điều đó.
Ví dụ, người Việt có rất nhiều ẩn dụ sử dụng ý niệm cơm, biểu thị nhiều ý
niệm khác nhau trong hiện thực đời sống.
- Chàng ơi phụ thiếp làm chi/ Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng
- Cơm ai đầy nồi nấy.
Trong khi đó, người Anh sử dụng ý niệm bánh (các loại) để ẩn dụ hóa các
vấn đề trong đời sống một cách phổ biến.
- One’s bread anh butter [bánh mì và bơ của một người] ~ công việc cung
cấp tiền nuôi sống một người: He’s written one or two novels but journalism is
his bread and butter. (Anh ấy đã viết được một hay hai cuốn tiểu thuyết nhưng
nghề làm báo mới là bánh mì và bơ của anh ta).
- Have the bun in the oven [có bánh ở trong lò] ~ mang thai: I hear you
had a bun in the oven (Tôi nghe tin bạn đã có thai)
4.2.2. Ẩn dụ ý niệm “đồ ăn” trong tiếng Việt mang tính nữ
Ý niệm về người phụ nữ và đồ ăn tồn tại gần gũi, song đôi trong tư duy
văn hóa người Việt, và những mối liên hệ tương đồng có tính bản chất, phổ quát
giữa hai đối tượng này được hình thành một cách tự nhiên, vô thức tạo nên dấu
ấn giới tính trong ẩn dụ ý niệm “đồ ăn” trong tiếng Việt.
a. Ngoại hình
- (Ngực) Một ngàn xôi, ba ngàn lá
b. Đặc điểm, tính cách
- Nhan sắc/ vẻ đẹp mặn mà
c. Thân phận
- Âu cũng là chuyện bóc bánh trả tiền thôi.
4.2.3. Ẩn dụ ý niệm “đồ ăn” trong tiếng Việt mang tính ổn định về tư duy
và tính sáng tạo trong văn học
Là một ý niệm cơ bản, khi trở thành các công cụ tri nhận ẩn dụ, “đồ ăn”
vẫn giữ được tính sâu bền về mặt tư duy, đồng thời có khả năng vận dụng linh
hoạt với các thể loại ngôn ngữ văn học.
Qua điều tra xã hội học, đặc điểm tri nhận người Việt về ý niệm “đồ ăn”
và ẩn dụ ý niệm “đồ ăn” kết quả thực sự tập trung: với 20 câu thành ngữ, cách
diễn đạt thông dụng thì tỉ lệ dao động ở 90% người dùng chọn cách hiểu đúng.
Trong văn học, những cách diễn đạt mới mẻ dựa trên cơ sở ẩn dụ ý niệm
“đồ ăn” không khó bắt gặp.
- Tỉnh dậy
tháng Tư
ngượng ngùng lưỡi dao
pha những thớ buồn ba chỉ (Tỉnh dậy tháng tư – Phan Huyền Thư)
- Từ lâu tôi ít khi buồn, tôi bằng lòng với Hà Nội ngổn ngang xưa và nay,
cũ lẫn mới, nhộn nhạo như chiếc chân giò lợn nướng dở ở hàng cơm làm món
giả cầy. (Đôi giày đỏ đã mất – Dương Bình Nguyên).
Nếu xét theo giá trị tri nhận, có thể phân loại các cấu trúc ngôn ngữ mới
trong văn học là ẩn dụ sáng tạo, còn các ẩn dụ quen thuộc trong đời sống hoặc
thành ngữ, tục ngữ là ẩn dụ quy ước. Các ẩn dụ quy ước vốn bị coi là ẩn dụ
“chết” nhưng lại có giá trị tri nhận cao hơn, quan trọng hơn với nhận thức và là
cơ sở để sáng tạo nên các hình thức biểu hiện mới.
Tiểu kết
KẾT LUẬN
Ẩn dụ không đơn thuần là các phương tiện trang trí ngôn từ mà là công cụ
tư duy, là cách thức tri nhận thế giới của con người, phản ánh đặc trưng văn hóa
dân tộc. Quan niệm đó của Ngôn ngữ học tri nhận chính là cơ sở ban đầu để luận
án nghiên cứu ẩn dụ ý niệm miền “đồ ăn” trong tiếng Việt. Vận dụng hệ thống lí
thuyết Ngôn ngữ học tri nhận, qua 4 chương của luận án, hình ảnh tổng thể của ẩn
dụ ý niệm miền “đồ ăn” tiếng Việt được phác họa trên một số phương diện cơ bản
như sau.
1. Miền ý niệm trung tâm “đồ ăn” bao gồm các nhóm được hình thành dựa
trên 17 thành tố nghĩa của ý niệm “đồ ăn”. Cấu trúc của miền gồm 5 nhóm lớn với
5 điển dạng tương ứng: thực thể - cơm; hoạt động – ăn; đặc điểm – mặn; đồ dùng
– bát; cảm giác – đói. Mỗi nhóm có số lượng thành viên khác nhau, có đặc điểm
tri nhận khác nhau. Mô hình tri nhận khái quát của miền “đồ ăn” bao gồm mô hình
mệnh đề, mô hình sơ đồ hình ảnh, mô hình ẩn dụ và mô hình hoán dụ. Các mô
hình này giúp cho người Việt tri nhận cụ thể, rành mạch về “đồ ăn” sử dụng trong
giao tiếp và tư duy.
Trong miền ý niệm đồ ăn, các vùng món ăn, nguyên liệu, vật dụng là là
các sự vật khách quan, tri nhận cụ thể, sinh động; các vùng hoạt động, cảm
giác, đặc điểm trừu tượng hơn, khó nắm bắt hơn. Đặc tính phi thực thể này của
hoạt động, cảm giác, đặc điểm tiềm ẩn khả năng trở thành miền đích cao, do
nhu cầu hình thành các mô hình tri nhận cụ thể, gần gũi. Đặc điểm này có thể
vừa lí giải vừa minh chứng cho luận điểm cho Z. Kovecses về vai trò miền
nguồn phổ biến của “đồ ăn”.
2. Thông qua các điển dạng, sự vận động ý niệm trong miền “đồ ăn” được
định hình, các thành tố nghĩa mới có sự biến chuyển xa dần nghĩa nguyên mẫu,
chuyển nghĩa theo kiểu hoán dụ hoặc chuyển miền ý niệm tạo thành ẩn dụ. Các sơ
đồ tỏa tia của điển dạng cũng cho thấy giá trị tri nhận của mỗi ý niệm là khác nhau,
các đơn vị có sự vận động ý niệm đơn giản cũng dự báo xu hướng trở thành ý niệm
đích, và ngược lại, các ý niệm có hệ thống ý nghĩa phong phú chứa đựng khả năng
trở thành miền nguồn tốt.
Mở rộng vùng nghiên cứu, miền “đồ ăn” được xác định tư cách nguồn/đích
với các miền ý niệm khác nhau. Cụ thể, các miền nguồn thực thể (kèm theo là vật
chất, vật chứa) và không gian là miền nguồn chiếu xạ tới miền đích “đồ ăn”.
Miền nguồn “đồ ăn” lại có vai trò cấu trúc lại cho các miền ý niệm đích ‘thời
gian”, “con người”, “tự nhiên và xã hội”. Tương quan giữa miền nguồn-đích
giúp xác định bản chất của ánh xạ: ánh xạ từ miền nguồn thực thể là ánh xạ bản
thể hóa, ánh xạ từ miền nguồn không gian là ánh xạ định hướng, ánh xạ từ miền
nguồn “đồ ăn” tới các miền đích khác là ánh xạ cấu trúc hóa.
Như vậy, “đồ ăn” vừa có thể là miền nguồn, vừa có thể là miền đích. Khi là
miền đích, “đồ ăn” được các miền thực thể, không gian giúp tri nhận lại, hệ
thống, cụ thể hơn; trên cơ sở đó, “đồ ăn” lại giúp cung cấp nền tảng tri nhận cho
các miền đích khác. Ánh xạ tới miền đích “đồ ăn” và từ miền nguồn “đồ ăn” tới
các miền đích khác không nối tiếp hay ngược chiều nhau mà khác biệt về bản
chất và giá trị. Miền “đồ ăn” là miền tiếp nhận các ánh xạ, chuyển hóa các cấu
trúc tri nhận, trở nên giàu có về giá trị để làm cơ sở tri nhận lại các miền ý niệm
khác: thời gian, con người
3. Bên cạnh hệ thống ánh xạ hai miền, ý niệm “đồ ăn” còn có sự hòa trộn
với các miền ý niệm khác theo mô hình ba/bốn miền không gian tinh thần và
mô hình phức hợp. Sự đa dạng về hệ thống ánh xạ cho thấy tính phức tạp của
nhận thức và tư duy trong thực tiễn chứ không sao phỏng đơn giản.
Các cơ chế ánh xạ nổi trội là tri thức, kinh nghiệm và cơ thể, mỗi cơ chế
có biểu hiện riêng nhưng nhìn chung đều đa dạng và có sự xuyên thấm lẫn
nhau, khó tách bạch tuyệt đối.
Hệ thống và cơ chế ánh xạ ẩn dụ “đồ ăn” cho thấy động lực chính tạo
thành ẩn dụ chính là tương quan giữa các ý niệm về cấu trúc tri nhận: các ý
niệm có cấu trúc cố định, cụ thể sẽ có xu hướng ánh xạ tới các “điểm” tương
ứng trong ý niệm đích để tái lập một cấu trúc tri nhận thích hợp, hoặc cùng ánh
xạ tới miền pha trộn để hình thành một ý niệm mới – chứ không phải sao chép
các mô hình hay dựa trên sự tương đồng.
4. Hệ thống ẩn dụ ý niệm tiếng Việt khái quát trên cơ sở các miền nguồn-
đích và ánh xạ tương ứng được phân loại thành 3 dạng: ẩn dụ bản thể, ẩn dụ
định hướng, ẩn dụ cấu trúc. Mỗi ẩn dụ lại phân nhánh và chia thành nhiều tầng
bậc khác nhau, tổng số ẩn dụ ý niệm luận án thống kê được là 49; ẩn dụ có ít
tầng bậc nhất là 1 bậc và nhiều nhất là 6.
Đặc điểm riêng biệt của ẩn dụ ý niệm “đồ ăn” tiếng Việt là tính văn hóa,
tính nữ, tính ổn định về tư duy hài hòa với tính linh hoạt trong ngôn ngữ văn học.
5. Trong khuôn khổ của luận án, còn một số vấn đề chúng tôi chưa có
điều kiện để tìm hiểu, nghiên cứu thật triệt để như: sự phạm trù hóa, biểu tượng
hóa các ý niệm thuộc miền “đồ ăn”; mở rộng đối chiếu ẩn dụ - hoán dụ; đi sâu
vào một lĩnh vực ngôn ngữ hoặc phạm vi tác giả, tác phẩm cụ thể; hoặc so sánh
với các ngoại ngữ để tìm ra sự tương đồng, dị biệt Đó là những định hướng
nghiên cứu có thể nối tiếp luận án này trong tương lai.
Những kết quả nghiên cứu ẩn dụ ý niệm “đồ ăn” có thể vận dụng trong
tìm hiểu, thực hành và giảng dạy tiếng Việt, truyền bá và so sánh văn hóa
Mặc dù ẩn dụ là đối tượng nghiên cứu quen thuộc của Ngôn ngữ và Văn
học, nhưng những quan niệm và cách tiếp cận vấn đề của Ngôn ngữ học tri
nhận có thể giúp đi tới những kết luận có ý mới. Đó là xu hướng thiên về tư
cách miền nguồn nhưng vẫn có thể là miền đích của miền “đồ ăn”; hệ thống
ánh xạ đến và đi liên quan tới miền “đồ ăn” có sự chuyển hóa về giá trị tri
nhận chứ không đơn giản một chiều hoặc nối tiếp cơ học. Ẩn dụ ý niệm “đồ
ăn” là một minh chứng cho vai trò tư duy, tri nhận của ẩn dụ ý niệm, đồng thời
góp phần mở rộng vùng ứng dụng của lí thuyết Ngôn ngữ học tri nhận, tìm ra
những ẩn dụ có giá trị với nhận thức và giao tiếp của con người./.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- tom_tat_tieng_viet_8555_2973.pdf