[Tóm tắt] Luận án Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954)

Với kết cấu 4 chương 8 tiết, luận án “Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân địa phương trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)” đã phân tích, làm sáng tỏ các nhân tố ảnh hưởng, chi phối sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hải Dương về xây dựng LLVTĐP, khái quát và hệ thống hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang địa phương. Đặc biệt, từ việc phục dựng lại quá trình Đảng bộ tỉnh Hải Dương thực hiện những chủ trương của Đảng, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng LLVTĐP phát triển về mọi mặt: chính trị - tư tưởng, tổ chức, biên chế, trang bị vũ khí, huấn luyện tác chiến trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với cả ưu điểm, hạn chế, luận án đã rút ra những kinh nghiệm lịch sử. Việc tổng kết những bài học kinh nghiệm lịch sử là vấn đề lớn và khó, đòi hỏi sự nghiên cứu rất công phu, gắn liền với công tác tổng kết toàn diện cuộc kháng chiến. Với sự nỗ lực cố gắng của bản thân, tác giả đã bước đầu tổng kết và nêu lên một số kinh nghiệm cơ bản. Do thời gian và khả năng nghiên cứu còn hạn chế, những kinh nghiệm đó chưa thể bao quát, tổng kết toàn bộ các vấn đề về sự lãnh đạo công tác xây dựng lực lượng vũ trang địa phương của Đảng bộ tỉnh, đòi hỏi đề tài cần tiếp tục nghiên cứu, thảo luận, làm rõ thêm. Tác giả kính mong nhận được sự góp ý của các nhà khoa học, nhà chuyên môn, các đồng nghiệp để luận án được hoàn thiện với chất lượng tốt hơn.

docx27 trang | Chia sẻ: builinh123 | Lượt xem: 1499 | Lượt tải: 0download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu [Tóm tắt] Luận án Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương trong kháng chiến chống Pháp (1946-1954), để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN NGUYỄN THU QUYÊN ĐẢNG BỘ TỈNH HẢI DƯƠNG LÃNH ĐẠO XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG ĐỊA PHƯƠNG TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP (1946-1954) Chuyên ngành: Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam Mã số: 62 22 56 01 DỰ THẢO TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ LỊCH SỬ Hà Nội, 2014 Công trình được hoàn thành tại: Khoa Lịch sử - Trường Đại học KHXH & NV - ĐHQG Hà Nội Người hướng dẫn khoa học: PGS. TS. Vũ Quang Hiển Giới thiệu 1: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . Giới thiệu 2: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . Luận án sẽ được bảo vệ trước Hội đồng cấp cơ sở chấm luận án tiến sĩ họp tại . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . vào hồi giờ ngày tháng năm MỞ ĐẦU 1. Lý do chọn đề tài Đất nước Việt Nam trải dài từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau hiên ngang nhìn ra Thái Bình Dương với thế đứng vững vàng hôm nay là thành quả của mồ hôi, xương máu của bao thế hệ người Việt đã dựng xây và chiến đấu. Trong phần lớn các cuộc chiến tranh, Việt Nam luôn phải đối đầu với quân xâm lược có tiềm lực mạnh, thiện chiến. Bài học thành công trong sự nghiệp giữ nước của dân tộc là:“Dựa vào dân, xây dựng lực lượng vũ trang từ nhân dân, thực hiện chiến tranh nhân dân và nghệ thuật quân sự toàn dân, cả nước đánh giặc”. Lực lượng vũ trang, trong đó có lực lượng quân đội thường trực bao giờ cũng giữ vai trò nòng cốt của sức mạnh giữ nước. Lực lượng vũ trang nhân dân địa phương, bộ phận của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, gồm bộ đội địa phương và dân quân tự vệ "là công cụ bảo vệ nhân dân, bảo vệ Đảng và chính quyền, góp phần giữ gìn an ninh trật tự xã hội, xây dựng địa phương vững mạnh, làm nòng cốt của chiến tranh nhân dân ở địa phương, phối hợp chặt chẽ với Bộ đội chủ lực trong hoạt động tác chiến”. Mỗi thứ quân đều có vị trí tác dụng, đặc điểm và quy luật hoạt động riêng. Hải Dương- vùng đất trung tâm của đồng bằng Bắc Bộ, là “phên dậu” phía đông của kinh thành Thăng Long xưa và thủ đô Hà Nội ngày nay. Trải qua các thời kỳ lịch sử, Hải Dương luôn có vị trí chiến lược trong thế phòng thủ và phát triển kinh tế- xã hội chung của đất nước. Ngay từ khi mới thành lập, Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã chú trọng lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Lực lượng vũ trang địa phương cùng nhân dân tỉnh Hải Dương đã có những đóng góp to lớn trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam. Hiện nay, những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình khu vực, thế giới, đặc biệt là vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo ở biển Đông đã và đang đặt ra những yêu cầu mới, không kém phần thử thách, khó khăn đối với công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Chính vì vậy, những kinh nghiệm về xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân phải được ứng dụng và phát triển để xây dựng một LLVT ngày càng vững mạnh, phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ của tình hình mới. Do đó, một công trình tổng kết một cách toàn diện và hệ thống những chủ trương, chính sách của Đảng bộ tỉnh Hải Dương trong quá trình lãnh đạo xây dựng LLVTĐP giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), đánh giá những thành công, hạn chế, nghiêm túc tìm ra nguyên nhân để rút ra bài học kinh nghiệm cho hiện tại và tương lai là một việc làm hết sức cần thiết, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn. Đối với tỉnh Hải Dương, việc nghiên cứu một cách toàn diện và hệ thống quá trình Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo xây dựng LLVTĐP qua các thời kì lịch sử chưa có nhiều tác giả đề cập đến.Vì những lí do đó, tác giả xin chọn đề tài: “Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954)” làm Luận án Tiến sĩ Lịch sử, chuyên ngành Lịch sử ĐCSVN với mong muốn được cung cấp thêm một số tư liệu, góp phần làm đầy lên những nhận thức khoa học liên quan đến công tác xây dựng lực lượng vũ trang địa phương trong chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, làm phong phú thêm kho tàng lịch sử địa phương; đồng thời, phục vụ công tác giảng dạy môn Lịch sử nói chung và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng. 2. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu Mục đích nghiên cứu Luận án làm sáng tỏ sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hải Dương trong xây dựng LLVTĐP thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), từ đó bước đầu tổng kết một số kinh nghiệm có giá trị tham khảo, cung cấp thêm luận cứ khoa học cho công tác xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng trong giai đoạn hiện nay. Nhiệm vụ nghiên cứu Phân tích và làm rõ những nhân tố ảnh hưởng, chi phối quá trình Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo xây dựng LLVTĐP trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954). Phân tích chủ trương và quá trình Đảng bộ tỉnh Hải Dương chỉ đạo thực hiện xây dựng LLVTĐP trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954). Nhận xét những ưu điểm, hạn chế và rút ra những kinh nghiệm lịch sử từ quá trình Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo xây dựng LLVTĐP (1945 - 1954). 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu - Toàn bộ hoạt động lãnh đạo xây dựng LLVT của Đảng bộ tỉnh Hải Dương về chính trị tư tưởng, tổ chức biên chế, rèn luyện, huấn luyện, phối hợp chiến đấu... Phạm vi nghiên cứu Về nội dung khoa học: Luận án tập trung nghiên cứu về: Những yếu tố có tác động đến việc lãnh đạo LLVTĐP tỉnh Hải Dương. Những chủ trương của Đảng về xây dựng LLVTĐP. Quá trình thực hiện chủ trương của Đảng trên địa bàn tỉnh: các chính sách, biện pháp quan trọng của Đảng bộ tỉnh Hải Dương đề ra nhằm xây dựng LLVTĐP phát triển về mọi mặt. Về không gian: Luận án nghiên cứu trong phạm vi toàn bộ địa bàn tỉnh Hải Dương bao gồm các huyện thị trong toàn tỉnh và một số tỉnh lân cận như Hải Phòng, Hưng Yên, Thái Bình để có cái nhìn so sánh từ đó rút ra những nét riêng của Đảng bộ tỉnh Hải Dương trong lãnh đạo xây dựng LLVTĐP. Về thời gian: Luận án nghiên cứu quá trình Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo xây dựng LLVTĐP trong khoảng thời gian từ khi bắt đầu có chính quyền cách mạng (9/1945) đến khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược kết thúc (7/1954). Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu thực hiện luận án, tác giả có sử dụng một số tài liệu, tư liệu liên quan trước năm 1945 và sau năm 1954. 4. Cơ sở lý luận, nguồn tài liệu và phương pháp nghiên cứu Cơ sở lý luận: Luận án nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm lớn của Đảng cũng như các chủ trương, chính sách về xây dựng LLVT nói chung và LLVTĐP nói riêng. Nguồn tài liệu Tài liệu thành văn: Các văn kiện của Đảng, các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, báo cáo của Đảng bộ tỉnh Hải Dương...là những tài liệu gốc của luận án. Các sách chuyên khảo, luận án, đề tài nghiên cứu khoa học, kỷ yếu hội thảo khoa học, tham luận, các công trình khoa học đã xuất bảnvề LLVT, LLVTĐP. Tài liệu không thành văn qua buổi phỏng vấn trực tiếp nhân chứng lịch sử. Đây là nguồn tư liệu đối chứng, làm phong phú, sâu sắc thêm các nội dung của luận án trong bối cảnh công tác lưu trữ tư liệu địa phương thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp còn nhiều hạn chế. Phương pháp nghiên cứu Dựa trên cơ sở lý luận chung của chủ nghĩa Mác-Lênin, tác giả sử dụng các phương pháp phổ quát của khoa học lịch sử như phương pháp lịch sử, phương pháp logic và kết hợp chặt chẽ hai phương pháp đó, đồng thời còn sử dụng một số phương pháp khác như: phương pháp phân tích, tổng hợp, đối chiếu, thống kê, phỏng vấn nhân chứng lịch sử 5. Đóng góp khoa học của luận án Trên cơ sở xác định rõ mục tiêu nghiên cứu, đặt ra và giải quyết các nhiệm vụ nghiên cứu, luận án có những đóng góp mới sau: Về tư liệu:Góp phần sưu tầm, hệ thống hóa sử liệu thuộc lĩnh vực xây dựng LLVT của Đảng trong kháng chiến chống Pháp 1945-1954, trong đó, có những sử liệu mới được khai thác tại các trung tâm lưu trữ, bổ sung thêm tư liệu lịch sử Đảng thời kỳ này. Về nội dung: Thứ nhất, luận án phân tích, làm rõ các nhân tố ảnh hưởng, chi phối sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hải Dương về xây dựng LLVTĐP trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (9/1945-10/1954) Thứ hai, khái quát và hệ thống hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển LLVTĐP trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (9/1945-10/1954) Thứ ba, phục dựng lại quá trình Đảng bộ tỉnh Hải Dương thực hiện những chủ trương của Đảng, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng LLVTĐP phát triển về mọi mặt: chính trị - tư tưởng, tổ chức, biên chế, huấn luyện tác chiến, phối hợp chiến đấutrong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (9/1945-10/1954) với cả ưu điểm, hạn chế, từ đó rút ra những kinh nghiệm lịch sử. Thứ tư, luận án có thể làm tài liệu phục vụ công tác giáo dục truyền thống của LLVTND tỉnh Hải Dương, làm tài liệu tham khảo cho công tác nghiên cứu giảng dạy trong các nhà trường Quân đội, công tác giáo dục quốc phòng cho các đối tượng trên địa bàn tỉnh Hải Dương. 6. Cấu trúc của luận án Ngoài phần mở đầu, danh mục công trình khoa học của tác giả liên quan đến luận án, tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án được cấu trúc thành 4 chương 8 tiết: Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu Chương 1: Chủ trương và sự chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương của Đảng bộ tỉnh Hải Dương giai đoạn đầu kháng chiến (9/1945-12/1949) Chương 2: Sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hải Dương đối với xây dựng lực lượng vũ trang địa phương giai đoạn đẩy mạnh kháng chiến đến thắng lợi (1/1950-10/1954) Chương 3: Nhận xét và kinh nghiệm lịch sử CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU 1.1. Các nhóm công trình nghiên cứu 1.1.1. Nhóm các công trình nghiên cứu về lực lượng vũ trang Tác phẩm Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tập II (1945-1954), do Bộ Quốc Phòng - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam chủ trì nghiên cứu biên soạn, Nxb QĐND ấn hành năm 1994 đã trình bày quá trình diễn biến, các quy luật, những kinh nghiệm phong phú và quý báu của cuộc kháng chiến, sự lãnh đạo đúng của Đảng cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, một số công trình chuyên sâu về xây dựng LLVT trên từng mặt công tác như: Song Hào, Xây dựng Đảng trong lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb QĐND, Hà Nội, 1968 đã khẳng định: Đảng cộng sản Việt Nam là người sáng lập, tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện lực lượng vũ trang. Sự lãnh đạo của Đảng quyết định sự trưởng thành và thắng lợi của lực lượng vũ trang. Tướng Navarre, Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương (1953-1954) xuất bản 2 tác phẩm: Đông Dương hấp hối và Thời điểm của những sự thật. (Nxb Plong, Pari, 1956). Tác giả đã cung cấp cho người đọc nhiều tư liệu, cách đánh giá tình hình, những khó khăn và sự bất đồng trong chính giới Pháp về vấn đề Đông Dương. Một số học giả nước ngoài không phải là người Pháp cũng có các công trình viết về cuộc chiến tranh Đông Dương (1945-1954). Có thể kể tới cuốn Cuộc chiến dài ngày của nước Mỹ và Việt Nam(1950-1975) của C.G.Herring, cuốn Tại sao Việt Nam ? của L.A.Patti, Điện Biên Phủ - cuộc đối đầu mà nước Mỹ muốn quên đi của R.Simpson, Điện Biên Phủ một góc địa ngục của B.Fall, cuốn Nước Mĩ và Đông Dương từ Roosevelt đến Nixon của P.A.Poole Vũ Quang Hiển (2000), Đảng lãnh đạo xây dựng căn cứ du kích ở Đồng bằng Bắc Bộ trong kháng chiến chống Pháp, Luận án tiến sĩ Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lưu tại thư viện Quốc gia, Hà Nội. Đây là một công trình nghiên cứu có tính chất chuyên khảo về căn cứ du kích ở đồng bằng Bắc Bộ dưới góc độ lịch sử. Nguyễn Hoàng Nhiên (2006), Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam về chính trị trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược(1945-1954), luận án tiến sĩ Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam đã nghiên cứu sâu sự lãnh đạo của Đảng về xây dựng QĐND vững mạnh về chính trị trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đánh giá kết quả và những kinh nghiệm. Khi hòa bình lập lại, rất nhiều nhà khoa học lịch sử đã công bố những bài nghiên cứu sâu về LLVT trên các tạp chí uy tín như: Nguyễn Hữu An (1994), “Xây dựng LLVTND theo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh”, Tạp chí lịch sử Đảng (6, tr.3-7); Vũ Quang Hiển (2000), “Phong trào chiến tranh du kích ở Đồng bằng Bắc Bộ phối hợp với chiến dịch Hòa Bình trong Đông – Xuân 1951 – 1952”, Tạp chí nghiên cứu Lịch sử (6, tr. 18 – 22); Vũ Quang Hiển (2000), “Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng lực lượng DQDK và chiến tranh du kích”, Tạp chí nghiên cứu lịch sử (3, tr. 3-10). 1.1.2. Nhóm các công trình nghiên cứu có liên quan đến LLVTĐP Nguyễn Quyết, Mấy kinh nghiệm công tác quân sự địa phương ở Quân khu ba, Nxb QĐND, Hà Nội, 1978. Tác giả đã tổng kết một số kinh nghiệm chính về công tác quân sự địa phương ở quân khu qua các thời kì lịch sử. Từ năm 1991 đến năm 2008, Bộ tư lệnh Quân khu ba đã cho ra 4 tập sách về Những trận đánh điển hình của lực lượng vũ trang Quân khu trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ (Nxb QĐND ấn hành vào các năm 1991, 1994, 1997, 2008). Tác phẩm là nguồn tài liệu sinh động, thiết thực để học tập và kế thừa trong xây dựng và phát triển nền lý luận, nghệ thuật quân sự Việt Nam cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Lịch sử Đảng bộ Quân khu 3, Tập 1,Thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-5.1955), Nxb QĐND, Hà Nội, 2008 là một công trình lịch sử có giá trị đã phân tích và làm rõ vai trò, sự lãnh đạo của Liên khu ủy và những đóng góp xứng đáng của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc trong địa bàn Liên khu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. 1.1.3. Nhóm các công trình nghiên cứu về sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hải Dương trong xây dựng lực lượng vũ trang địa phương Lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp trên địa bàn Hải Hưng (1945-1954), Bộ CHQS Hải Hưng xuất bản năm 1988 là một công trình khoa học lịch sử quân sự của cả hai tỉnh Hải Dương và Hưng Yên (khi chưa tách). Tác phẩm đã dựng lại một cách tương đối và có hệ thống lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên một vùng đồng bằng đông dân, nhiều của, có vị trí chiến lược về nhiều mặt, nằm sâu trong vùng địch chiếm đóng. Hải Dương, Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975), Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh Hải Dương biên soạn, Nxb QĐND ấn hành năm 2001 là một công trình khoa học lịch sử của địa phương, đã dựng lại cuộc đấu tranh oanh liệt của Đảng bộ, nhân dân, LLVT tỉnh Hải Dương qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. 1.2. Đánh giá kết quả nghiên cứu và những vấn đề luận án cần tiếp tục làm sáng tỏ 1.2.1. Những kết quả đạt được Thứ nhất, những tác phẩm trên đã cung cấp một cái nhìn khái quát về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam nói chung và của nhân dân Hải Dương nói riêng. Thứ hai, ở những mức độ khác nhau, các tác phẩm đã cung cấp những vấn đề lý luận và thực tiễn bức tranh chung về sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự trưởng thành của LLVTND Việt Nam trong chiến đấu và chiến thắng. Thứ ba, các công trình lịch sử thuộc nhóm 2 và nhóm 3 ít nhiều đã đề cập đến chủ trương của Đảng bộ tỉnh Hải Dương trong việc xây dựng LLVTĐP. Thứ tư, các tác phẩm đã phần nào đánh giá được tầm quan trọng của sự lãnh đạo xây dựng LLVTND nói chung và LLVTĐP của Đảng, trên cơ sở đó khẳng định vai trò quan trọng của LLVTĐP. Thứ năm, các tác phẩm đã đề cập đến nhiều khía cạnh có giá trị to lớn về lý luận và thực tiễn, đồng thời khái quát và nêu lên những kinh nghiệm lớn của Đảng và Hồ Chủ tịch về đấu tranh vũ trang và xây dựng LLVT cách mạng trong thời kì tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, trong hai cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược. 1.2.2. Những nội dung chưa làm sáng tỏ Những nhân tố ảnh hưởng, chi phối đến quá trình Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo xây dựng LLVTĐP trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945- 1954). Chủ trương và quá trình Đảng bộ tỉnh Hải Dương chỉ đạo thực hiện xây dựng LLVTĐP về mọi mặt trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945- 1954). Đánh giá những ưu điểm, hạn chế và rút ra những kinh nghiệm lịch sử từ quá trình Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo xây dựng LLVT địa trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945- 1954). CHƯƠNG 2: CHỦ TRƯƠNG VÀ SỰ CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG ĐỊA PHƯƠNG CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH HẢI DƯƠNG TRONG GIAI ĐOẠN ĐẦU KHÁNG CHIẾN (9/1945-12/1949) 2.1. Những nhân tố ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hải Dương trong xây dựng lực lượng vũ trang địa phương 2.1.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội Điều kiện tự nhiên: Hải Dương là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh. Với vị trí là “trấn thứ nhất trong 4 kinh trấn, đứng đầu phên dậu phía Đông“ của kinh thành Thăng Long, là địa bàn chiến lược án ngữ các đường thủy bộ chủ yếu để tiến vào Thăng Long cũng như rút chạy của những đội quân xâm lược nên Hải Dương luôn giữ vai trò trọng yếu trong các cuộc chiến tranh bảo vệ nền độc lập tự chủ của dân tộc. Điều kiện kinh tế - xã hội:Với thế mạnh cơ bản và truyền thống kinh tế là cây lúa nước trồng hai vụ, hàng năm không những tự túc đủ lương thực mà còn xuất khẩu hàng vạn tấn, Hải Dương có đủ điều kiện xây dựng nền kinh tế tự cung tự cấp trong kháng chiến, vừa đảm bảo đời sống tối thiểu của nhân dân, vừa đảm bảo hậu cần cho các LLVT đánh lâu dài, càng đánh càng mạnh trong vòng vây bốn phía của thực dân Pháp. Truyền thống dựng nước và giữ nước: Cũng như nhân dân cả nước, trong quá trình dựng nước và giữ nước, đồng bào Hải Dương có một sức mạnh vô địch được hun đúc từ mấy ngàn năm trước. Sức mạnh của truyền thống đó đã lập nên biết bao chiến công hiển hách trong quá trình chống thiên tai (lũ lụt, hạn hán), chống nạn ngoại xâm từ phương Bắc và phương Tây. 2.1.2. Khái quát về xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh Hải Dương trước năm 1945 Đảng bộ tỉnh Hải Dương được thành lập vào ngày 10/6/1940 tại nhà cụ Lê Thị Thạnh ở Tạ Xá (xã Hợp Tiến, huyện Nam Sách). Từ khi mới ra đời, Đảng bộ tỉnh đã coi việc xây dựng LLVTĐP là nhiệm vụ trọng tâm. Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, tháng 7/1940, đội tự vệ Tạ Xá (Nam Sách) gồm 53 người (cả nam và nữ) được thành lập. Ngoài đội tự vệ ở Tạ Xá (Nam Sách), hầu hết những nơi có cơ sở cách mạng đều lựa chọn người khoẻ mạnh, hăng hái đưa vào tự vệ. Do vậy, lực lượng tự vệ trong tỉnh phát triển rất nhanh. Chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng hội viên tự vệ đã lên trên 100 người. Cuối tháng 4/1945, Hội nghị cán bộ Việt Minh toàn tỉnh được triệu tập tại Hội Xuyên (Gia Lộc), quyết định thành lập Ban cán sự Việt Minh tỉnh. Tại Bắc Mã, hai tiểu đội tự vệ tập trung được thành lập. Đây là đơn vị tự vệ thoát ly đầu tiên của tỉnh. Ngày 9/6/1945, đội vũ trang tuyên truyền của chiến khu được đổi tên là du kích cách mạng quân (sau đổi là du kích Đông Triều). Đầu tháng 8/1945, khí thế cách mạng ở Hải Dương đã lên cao và sục sôi hơn bao giờ hết. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và Mặt trận Việt Minh, các đoàn thể cứu quốc và quần chúng nhân dân đã vùng dậy khởi nghĩa, đưa HD trở thành một trong bốn tỉnh lị giành chính quyền sớm nhất cả nước. 2.1.3. Chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang địa phương của Đảng LLVT ở các địa phương sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ đã được tăng cường đáng kể về số lượng. Thực hiện đường lối toàn dân đánh giặc, tháng 2/1947, Bộ Quốc phòng ra thông tư quy định mọi công dân Việt Nam từ 18 đến 45 tuổi vào dân quân, đồng thời quy định nhiệm vụ của DQTV cùng các đội du kích ở địa phương. Trong thời gian này, cùng với sự thành lập Phòng DQ ở Bộ Quốc phòng, Ban DQ khu, các tỉnh đội, huyện đội, đại đội và tiểu đội được thành lập. Từ ngày 3 đến 6/4/1947, BTVTW Đảng triệu tập Hội nghị cán bộ TW lần thứ hai. Thực hiện chủ trương của Đảng, đến giữa năm 1947, lực lượng DQ tự vệ đã phát triển tới gần 3 triệu người. Để thúc đẩy phong trào đấu tranh của lực lượng DQDK, tháng 4/1948, theo chỉ thị của BTVTW Đảng, Hội nghị DQ toàn quốc lần thứ hai được triệu tập. Đảng cũng chỉ rõ: trước mắt cũng như sau này, bất kể trong tình huống nào cũng phải xây dựng LLVTĐP, đặc biệt là DQTV thật vững mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt của phong trào toàn dân đánh giặc, toàn dân làm quốc phòng ở địa phương. 2.2. Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương 2.2.1. Xây dựng LLVTĐP trong giai đoạn củng cố bảo vệ chính quyền, chuẩn bị thực lực kháng chiến (9/1945-12/1946) Củng cố kiện toàn cơ quan chỉ huy quân sự các cấp: Để tăng cường và thống nhất lãnh đạo, chỉ huy LLVT và xây dựng tiềm lực quốc phòng trên các địa bàn, ngày 2/3/1946, phiên họp thứ nhất Quốc hội khoá đầu tiên quyết định thành lập "Toàn quốc kháng chiến uỷ viên Hội" gọi tắt là "Quân sự uỷ viên Hội" do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Chủ tịch (Cuối năm 1946 đổi là Uỷ ban kháng chiến toàn quốc). Đây là cơ quan chỉ đạo, chỉ huy LLVT toàn quốc. Thực hiện quyết định của Quốc hội, cơ quan chỉ đạo, chỉ huy LLVT và xây dựng tiềm lực quân sự, quốc phòng ở tỉnh Hải Dương được nhanh chóng xây dựng, củng cố, kiện toàn. Xây dựng LLVT và bán vũ trang: Cuối tháng 8/1945, sau khi tham gia giành chính quyền ở các huyện phía Bắc và Đông Bắc tỉnh, đội du kích Đệ tứ chiến khu Đông Triều được đổi tên là Quân giải phóng theo quyết định của cấp trên. Đây là bước phát triển mới của LLVT cách mạng tỉnh Hải Dương. Thực hiện sắc lệnh ngày 2/9/1945 của chính phủ, tổ chức và lực lượng công an được thành lập, chính quyền cách mạng có thêm một công cụ chuyên chính để trấn áp thù trong, cùng bộ đội, tự vệ và toàn dân sẵn sàng chống giặc ngoài. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Chiến khu 3 đã cải tổ, đổi tên các chi đội Vệ quốc đoàn thành ba trung đoàn Vệ quốc đoàn, Trung đoàn 44 Vệ quốc đoàn đóng tại Hải Dương, Hưng Yên. Từ cuối tháng 5 đến tháng 10/1946, thực hiện các chỉ thị của Đảng và của Khu uỷ 3, tỉnh Hải Dương triển khai nhiều biện pháp xây dựng LLVT về chính trị - tư tưởng. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong các LLVTĐP: Thực hiện chủ trương của xứ ủy Bắc Kỳ, đầu tháng 10/1945, Tỉnh ủy Hải Dương đã họp hội nghị mở rộng tại thị xã Hải Dương gồm các đảng viên giữ cương vị lãnh đạo chốt ở các huyện, trưởng các ban ngành đoàn thể. Công tác xây dựng Đảng được các cấp từ tỉnh tới xã đặc biệt coi trọng nhất là việc phát triển Đảng ở các xã còn nhiều khó khăn, phát triển đảng viên trong LLVT, vùng đồng bào công giáo. 2.2.2. Xây dựng lực lượng vũ trang địa phương những năm đầu kháng chiến (12/1946-12/1949) Thành lập cơ quan chỉ huy Quân sự tỉnh – Liên chi bộ Tỉnh đội: Tháng 3/1947, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà quyết định đổi tên Bộ Tổng Chỉ huy quân đội quốc gia thành Bộ Tổng Chỉ huy quân đội quốc gia và DQTV, thành lập các ban chỉ huy tỉnh đội, huyện đội, xã đội DQ thuộc uỷ ban kháng chiến các cấp. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ Hải Dương, ngày 27/3/1947, tại thôn Phù Tải, xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện đã diễn ra Hội nghị thành lập Tỉnh đội và Liên chi bộ Tỉnh đội Hải Dương. Đồng thời với việc thành lập Tỉnh đội Hải Dương, Tỉnh uỷ Hải Dương quyết định thành lập Liên chi bộ Tỉnh đội gồm 7 Chi bộ: 5 Chi bộ Đại đội là C1, C2, C3, C4, C5; 1 Chi bộ nữ Mê Linh và 1 Chi bộ Tỉnh đội bộ. Chủ trương xây dựng LLVTĐP của Đảng bộ tỉnh: Chủ trương xây dựng LLVTĐP được thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ II (Tháng 4/1947) của Đảng bộ tỉnh Hải Dương: “Vừa đánh vừa bảo toàn lực lượng và phát triển lực lượng. Phải xây dựng Tiểu đoàn bộ đội tỉnh, mỗi huyện thành lập một đại đội, xã phải phát triển dân quân du kích và lập đơn vị du kích tập trung...Phải đẩy mạnh lối đánh du kích tiêu diệt, tiêu hao lực lượng địch...không cho chúng lấn chiếm ra vùng tự do của ta, tiến lên đánh vận động; đẩy mạnh công tác phá hoại đường giao thông, công sở ở thị xã, thị trấn ven đường giao thông...”[5, tr. 40].Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II, Liên chi bộ Tỉnh đội lãnh đạo, chỉ đạo các chi bộ quân sự và các đơn vị LLVTND tỉnh phối hợp với cấp uỷ, chính quyền cơ sở vừa củng cố, xây dựng LLVT. Giữa tháng 2/1948, trước tình hình âm mưu mới của địch, Đảng bộ Hải Dương triệu tập Đại hội đại biểu lần thứ III tại đình thôn Xuyên Hử, xã Đông Xuyên, huyện Ninh Giang. Đại hội chỉ rõ: “đẩy mạnh xây dựng LLVTĐP mạnh cả về số lượng và chất lượng”. Chỉ đạo xây dựng lực lượng Dân quân du kích Về tổ chức – biên chế: Từ tháng 1/1947, theo chỉ thị của Bộ Quốc phòng, DQ phải được tổ chức thành một hệ thống. Đến hội nghị DQ toàn quốc (tháng 4/1948), tổ chức DQ đã thực sự được kiện toàn và thống nhất trong từng khu, từng tỉnh. Cán bộ DQ có tinh thần trách nhiệm cao, không ngại hy sinh, chịu đựng gian khổ, thiếu thốn, cố gắng hết sức gây cơ sở nội thành, biến hậu phương địch thành nơi hoạt động của ta, đặc biệt là cán bộ ở ven đường số 5. Về biên chế, DQ trong tỉnh được chia ra làm 3 hàng: DQ du kích thoát ly sinh sản gọi là du kích tập trung, DQ du kích không thoát ly sinh sản “ tức du kích địa phương” và DQTV.Nhiệm vụ của DQDK:Từ 18 đến 45 tuổi, DQ bắt buộc phải canh gác ngày đêm, đề phòng tàu bay hay phòng địch tiến đến, giúp vào đội trật tự. Ngoài các DQ này, có một đội trật tự chuyên trách việc canh gác hoa màu dưới quyền điều khiển của một đội trưởng. Trang bị và cấp dưỡng:Du kích tập trung tỉnh, huyện do chính phủ cấp sinh hoạt phí. Vũ khí một phần được trang bị sẵn, một phần do chính quyền và các đoàn thể địa phương cung cấp, một phần lấy được của địch (ở các huyện tiền tuyến). DQDK và tự vệ xã trang bị cấp dưỡng đều tự túc. Đặc biệt, Hải Dương có xưởng quân khí. Đến năm 1949 xưởng đã sản xuất được 36800 quả lựu đạn, 19600 quả mìn. Vấn đề tự cấp tự túc cho DQDK ở Hải Dương còn nhiều hạn chế. Công tác chính trị - tư tưởng: Ban chính trị của tỉnh Hải Dương gồm 4 tiểu ban: tiểu ban tuyên truyền (nghiên cứu, biên tập, tòa soạn, ấn loạt, ca kịch kiêm triển lãm lưu động), tiểu ban huấn luyện, tiểu ban địch vận, tiểu ban văn thư. Đặc biệt trong thời kì luyện quân lập công, ban chính trị kèm thêm ban thi đua và ban tăng gia sản xuất. Công tác rèn luyện, huấn luyện tác chiến: Trong các kỳ luyện quân lập công, công tác huấn luyện được đặc biệt chú trọng, đặt thành một vấn đề chính trong việc gây dựng và trưởng thành của phong trào DQ. Số lớp huấn luyện của tỉnh ngày một tăng. Mức độ trung bình mỗi tháng mở 50 lớp. Trong hình thức tác chiến, DQDK Hải Dương có hai cách đánh phổ biến là địa lôi và địa thổ. Cùng với bước tiến của cuộc kháng chiến, hai cách đánh này đã có sự biến đổi rõ rệt và trở thành một cách đánh mẫu để DQDK tỉnh bạn sang học tập. Xây dựng làng xã chiến đấu:Xuất phát từ đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, từ truyền thống đánh giặc của tổ tiên ta trong các cuộc chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã xác định làng xã chiến đấu có vị trí chiến lược hết sức trọng yếu. Cuối năm 1949, Hải Dương đã xây dựng được 146 làng chiến đấu, trong đó có nhiều làng chiến đấu kiểu mẫu. Chỉ đạo xây dựng bộ đội địa phương Về tổ chức-biên chế: Tỉnh đội Hải Dương đã tổ chức thống nhất các đơn vị “chủ lực tỉnh”, “chủ lực huyện”, “du kích tập trung” thành các đơn vị BĐĐP tỉnh và huyện, bao gồm các đại đội: Bạch Đằng, 126, 29, Quốc Tuấn và một trung đội. Mỗi huyện có từ một trung đội đến một đại đội du kích thoát ly huyện. Tháng 12/1949: Hải Dương có1306 bộ đội, đứng thứ 5 trong 11 tỉnh của Liên khu III về thành tích phát triển số lượng BĐĐP. Về trang bị vũ khí: vũ khí cho BĐĐP chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên công binh xưởng được lập nên ở phía Nam có khả năng sản xuất tới 7 vạn mìn, lựu đạn, địa lôi, thủy lôiVề cấp dưỡng: mức sinh hoạt của BĐĐP hết sức thiếu thốn với mức phụ cấp 180đ/tháng, ăn luân phiên bữa cháo, bữa cơm. Đến tháng 9/1949 BĐĐP tỉnh được ăn gạo khao quân theo chỉ thị của Hồ Chủ Tịch. Quần áo mỗi bộ đội được lĩnh 1 năm 2 bộ, đa số không có chăn và áo trấn thủ. BĐĐP đau ốm nặng đều do quân y viện điều dưỡng. Việc tự cấp tự túc: tỉnh đã tự túc được hơn 4000 bộ đội, do dân đóng góp và bộ đội tự lo liệu. Công tác chính trị-tư tưởng: đến năm 1949 tỉ lệ Đảng viên trong BĐĐP chiếm 15% trong tổng quân số, thường xuyên mở lớp bổ túc văn hóa cho cán bộ chiến sĩ. Công tác rèn luyện, huấn luyện tác chiến và phối hợp chiến đấu: tỉnh đội chỉ đạo thực hiện tốt cuộc vận động “rèn cán chỉnh quân” của TW Quân ủy. Trường quân chính tỉnh thường xuyên mở lớp huấn luyện cho BĐĐP. Công tác thương binh-bệnh binh: được coi trọng. Tỉnh thường xuyên tổ chức “Tuần lễ thương binh”, xây dựng 2 trại chăm sóc thương binh, thành lập “Hội giúp binh sĩ bị nạn”. Tiểu kết chương 2 Những vấn đề nghiên cứu ở chương 2 đã nêu rõ quan điểm của Đảng về công tác xây dựng LLVT ba thứ quân, khái quát quá trình Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo xây dựng LLVTĐP trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền. Trọng tâm của chương là nghiên cứu, làm rõ chủ trương của Đảng và sự chỉ đạo thực hiện của Đảng bộ tỉnh Hải Dương trong xây dựng LLVTĐP từ sau Cách mạng tháng Tám/1945 đến tháng 12/1949. Đó cũng là cơ sở, tiền đề cho nội dung nghiên cứu của chương 3. CHƯƠNG 3: ĐẢNG BỘ TỈNH HẢI DƯƠNG LÃNH ĐẠO XÂY DỰNGLỰC LƯỢNG VŨ TRANG ĐỊA PHƯƠNG TRONG GIAI ĐOẠN TIẾN CÔNG CHIẾN LƯỢC, ĐƯA KHÁNG CHIẾN TỚITHẮNG LỢI HOÀN TOÀN(1/1950 ĐẾN 10/1954) 3.1. Đặc điểm tình hình và chủ trương của Đảng bộ 3.1.1. Đặc điểm tình hình, yêu cầu mới trong xây dựng lực lượng vũ trang địa phương Đặc điểm tình hình và yêu cầu mới trong xây dựng lực lượng vũ trang địa phương: Từ tháng 12/1949, Đảng bộ tỉnh Hải Dương bước vào một giai đoạn vô cùng khó khăn. Các cuộc càn quét và hành động khủng bố tàn bạo kết hợp với dụ dỗ, mua chuộc của địch đã khiến phong trào kháng chiến ở Hải Dương gặp muôn vàn khó khăn. Cơ sở kháng chiến trong nhân dân bị đổ vỡ phần lớn. Một bộ phận LLVT cùng một số lớn cán bộ, đảng viên bị bật đất, chạy dài sang các địa phương khác. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, nhân dân hoang mang, dao động, mất lòng tin vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến. Có thể nói, Đảng bộ và quân dân Hải Dương đứng trước tình hình cực kỳ khó khăn, đòi hỏi phải tìm ra biện pháp giải quyết những vấn đề cấp bách chưa hề được chuẩn bị, chưa có tiền lệ kể từ đầu kháng chiến. Chủ trương của Đảng:Trước những thay đổi bất ngờ trong chiến lược của địch, ngay từ đầu năm 1950, Đảng đã triệu tập Hội nghị Toàn quốc lần thứ ba. Trong báo cáo tại hội nghị, Đảng nhấn mạnh: “Nhiệm vụ quân sự cụ thể và cần kíp của ta nói chung là: một phương diện chiến đấu để tiêu diệt sinh lực của địch, một phương diện gấp rút bồi dưỡng và xây dựng lực lượng”. Riêng về xây dựng lực lượng, Đảng chỉ rõ: “chú ý vừa xây dựng bộ đội chủ lực, vừa xây dựng bộ đội địa phương, dân quân dựa vào điều kiện cấp dưỡng, trang bị và cán bộ cần thiết”. 3.1.2. Chủ trương của Đảng bộ tỉnh Hải Dương Quán triệt nội dung Hội nghị TW Đảng lần thứ 3 và Hội nghị cán bộ toàn Liên khu, căn cứ tình hình cụ thể của địa phương, ngày 1/5/1950, Tỉnh uỷ Hải Dương triệu tập Hội nghị cán bộ toàn tỉnh tại Đèo Voi (Đông Triều, Quảng Yên). Hội nghị quyết định: lấy 5 xã khu Hà Đông huyện Thanh Hà làm căn cứ chỉ đạo kháng chiến, các đơn vị, các cơ quan, các địa phương, các cán bộ phải trở về nội địa lãnh đạo phong trào. Từ ngày 1/8 đến ngày 10/8/1950, Tỉnh uỷ tổ chức Hội nghị mở rộng tại Dồi Thần (đền Từ Hạ, xã Thanh Bính, huyện Thanh Hà) tiếp tục giải quyết nhiều vấn đề về lãnh đạo, chỉ đạo phong trào kháng chiến nhưng chú trọng hơn về công tác quân sự, nhất là công tác xây dựng căn cứ du kích, xây dựng các đơn vị BĐĐP. Hội nghị Dồi Thần đã đánh dấu sự trưởng thành của Tỉnh uỷ Hải Dương trong sự chuyển hướng chỉ đạo đúng đắn đối với cuộc kháng chiến của quân và dân trong tỉnh.Từ đây, Đảng bộ tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt trong việc phục hồi và xây dựng LLVTĐP. 3.2. Chỉ đạo thực hiện 3.2.1. Kiện toàn tổ chức, biên chế Đối với DQDK: Bước sang giai đoạn mới, vấn đề xây dựng DQDK được Đảng bộ tỉnh hết sức chú trọng. Tổ chức DQDK một cách rộng rãi, chú trọng tổ chức bí mật, không được thoát ly địa phương. Muốn xây dựng DQDK nhất thiết phải huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật và giáo dục chính trị. Biên chế DQDK phải linh động, có thể từng tiểu tổ, từng tiểu đội đến nhiều trung đội, không biên chế thành đại đội.Tổ chức DQDK phải căn cứ trên cơ sở kinh tế và chính trị, lấy đoàn thể quần chúng làm cơ sở, tổ chức dân quân, đơn vị tổ chức cơ sở là chòm xóm. Về nhiệm vụ của Dân quân du kích, Tỉnh ủy nhận định: DQDK là lực lượng võ trang, có tính chất giai cấp của nhân dân lao động, không thoát ly sinh sản, do Đảng tổ chức và lãnh đạo. Về biên chế, tổ chức, Tỉnh ủy chỉ đạo:Đơn vị tổ chức cần dựa theo địa dư thôn, xã, số lượng du kích hợp lý cho việc lãnh đạo. Tuỳ theo phong trào cao thấp để ấn định cho thích hợp, từ tổ ba người, năm người đến tiểu đội, phân đội, trung đội. Việc sử dụng lực lượng, chỉ huy tác chiến sẽ tuỳ theo trình độ từng nơi. Tùy theo thôn xóm to nhỏ để tổ chức DQ thành từng tiểu đội (6 đến 10 người) đến từng phân đội. Đối với BĐĐP: Đểkiện toàn tổ chức BĐĐP về mọi mặt, tháng 4/1950, Tỉnh uỷ Hải Dương quyết định thành lập Tiểu đoàn bộ đội Quốc Tuấn làm nòng cốt cho chiến tranh du kích ở các địa phương, đồng thời kiện toàn 3 đại đội tỉnh với quân số 150 người 1C, đại đội huyện 180 người. Ngoài ra, tỉnh sử dụng C12 một C tân binh mới xây dựng cùng các huyện. Mỗi huyện 1 đại đội dân công làm nhiệm vụ tiếp vận vũ khí để đảm bảo giao lưu giữa Việt Bắc và Tả Ngạn (Liên khu III). Thi hành chỉ thị Mặt trận 5, tỉnh xây dựng 1 đại đội chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ giao thông qua đường 5, phục vụ chung cho các tỉnh thuộc khu Tả Ngạn (S20).Thời kì này, việc trang bị vũ khí cho BĐĐP và DQDK được thực hiện từ 3 nguồn: một là nguồn viện trợ do TW cấp, hai là nguồn vũ khí cướp lấy của địch, ba là đẩy mạnh hoạt động sáng tạo tự chế tạo vũ khí của các chiến sĩ. Về cấp dưỡng:BĐĐP được cấp trung bình 800gam/ngày/người. Quần áo chiến sĩ được cấp 2 bộ quần áo dài, 2 quần đùi/năm, 3 năm được cấp 1 áo trấn thủ, 1 chăn, 1 màn. Các loại quân trang khác tùy theo khả năng của tỉnh. Tỉnh ủy chỉ đạo LLVT tích cực sản xuất tự túc để giảm bớt gánh nặng đóng góp cho nhân dân. 3.2.2. Xây dựng chính trị - tư tưởng Đối với DQDK: Tuân theo sắc lệnh chính phủ, DQDK phải thực hiện tốt 10 điều kỉ luật. Đặc biệt, Đảng bộ đã chỉ đạo việc mở hội nghị du kích chiến tranh toàn tỉnh từ ngày 5 đến ngày 10/4/1953 thông qua "Đề án xây dựng và tác chiến của Dân quân du kích Hải Dương"chỉ rõ: phải tích cực xây dựng bồi dưỡng , giáo dục chăm lo đời sống du kích, mang lại quyền lợi thực tế cho du kích và trang bị cho du kích những hiểu biết về đấu trang giai cấp. Đối với BĐĐP:Ban tuyên huấn tỉnh đội cùng trung đoàn 42 đã cho ra tờ “Trung dũng tập san”, lấy đó làm công cụ tuyên truyền, giáo dục của LLVTĐP. Ban tuyên huấn của tỉnh thường xuyên mở lớp bồi dưỡng lí luận nâng cao lập trường giai cấp, học các chính sách lớn của ĐảngNhờ vậy tinh thần và ý chí chiến đấu của bộ đội được nâng cao. 3.2.3. Huấn luyện tác chiến, phối hợp chiến đấu và chăm sóc thương binh, liệt sĩ Công tác huấn luyện tác chiến Đối với DQDK:Vấn đề xây dựng củng cố làng chiến đấu thời gian này được coi trọng hơn. Rào lũy đã được tu bổ đúng mức với nhu cầu tác chiến, không những phục vụ cho DQ mà còn phục vụ tốt cho BĐCL và BĐĐP tỉnh. Ở Thanh Miện, du kích xã Chi Lăng đã cải biến địa hình trên đê thành những giao thông, hầm ụ tác chiến và hầm bí mật đạt được nhiều kết quả. Tỉnh phát động một tháng trao đổi kinh nghiệm chiến đấu cho DQDK; đi sâu vào các kĩ thuật đánh mìn, chông, cạm bẫy, địa lôi, cách làm quân báo, các phương thức chống càn và chiến thuật phục kích. Đối với BĐĐP: Công tác huấn luyện được đặc biệt coi trọng với những hương châm “học đến đâu hành đến đấy". Tỉnh ủy liên tiếp mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chỉ huy, công tác tham mưu và tổ chức trao đổi kinh nghiệm chiến đấu về 4 quy trình chống quân cơ động và 5 kinh nghiệm luồn càn cho các phân đội súng cối, trung liên và phân đội trinh sát. Công tác phối hợp chiến đấu: Trên cơ sở những chủ trương và biện pháp nhằm xây dựng LLVTĐP đã đề ra, Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã tích cực thực hiện và đạt được nhiều thành quả trong việc chỉ đạo BĐĐP cùng DQDK phối hợp tác chiến trong các chiến dịch. LLVT 3 thứ quân càng đánh, càng trưởng thành vững mạnh, chiến đấu khăng khít, bổ trợ cho nhau cùng với nhân dân tạo nên nhiều ng lợi quan trọng, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp. Công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, liệt sĩ: Trong giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến, tỉnh ủy Hải Dương luôn quan tâm và đẩy mạnh công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh và các gia đình liệt sĩ. Các tuần lễ thương binh luôn được tỉnh phát động trong những dịp kỉ niệm ngày thương binh liệt sĩ để vận động nhân dân quyên góp, ủng hộ, động viên thăm hỏi những gia đình thương binh liệt sĩ, đồng thời hết sức tạo mọi điều kiện thuận lợi cho anh em thương binh học nghề khi ra trại chuẩn bị đời sống mới. Tiểu kết chương 3 Nội dung nghiên cứu chương 3 đã làm rõ những vấn đề như: tình hình mới của cuộc kháng chiến, yêu cầu mới đối với công tác xây dựng lực lượng vũ trang, chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang địa phương của Đảng, quá trình Đảng bộ tỉnh Hải Dương chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương phát triển mạnh, đưa kháng chiến đến thắng lợi. Từ những kết quả nghiên cứu của 2 chương là cơ sở để tác giả nhận xét, đánh giá và rút ra những kinh nghiệm lãnh đạo công tác xây dựng lực lượng vũ trang địa phương của Đảng bộ tỉnh Hải Dương trong kháng chiến chống thực dân Pháp ở chương 4. CHƯƠNG 4: NHẬN XÉT VÀ KINH NGHIỆM LỊCH SỬ 4.1. Ưu điểm và hạn chế của Đảng bộ tỉnh Hải Dương 4.1.1. Ưu điểm Nắm vững chủ trương đường lối chiến lược của Đảng, Đảng bộ Hải Dương đã lãnh đạo LLVTĐP vượt qua mọi hy sinh gian khổ, lập nên những thành tích vẻ vang, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ công tác quân sự địa phương. Những thành tựu to lớn thể hiện ở những kết quả cụ thể sau: Một là, Đảng bộ đã lãnh đạo xây dựng LLVTĐP phù hợp với các giai đoạn phát triển và yêu cầu của cuộc kháng chiến Hai là, Dựa vào nhân dân, vừa xây dựng, vừa chiến đấu, vừa chiến đầu, vừa xây dựng. Ba là, Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện song coi trọng xây dựng về chính trị Bốn là, Chú trọng xây dựng lực lượng dự bị, công tác tuyển quân và chính sách hậu phương quân đội. Thắng lợi to lớn của Đảng bộ và quân dân Hải Dương bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: Thứ nhất, sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, sự chỉ đạo chiến lược tài tình của Tổng Quân ủy - Bộ Tổng tư lệnh, là sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Khu ủy - Bộ tư lệnh Khu. Thứ hai, Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã nắm vững đường lối kháng chiến của Đảng, bám sát chủ trương, phương châm hoạt động của từng thời kỳ. Thứ ba, Truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh quật cường, khối đoàn kết một lòng, sự thông minh, sáng tạo trong chiến đấu của quân và dân Hải Dương 4.1.2. Hạn chế Thành công đạt được là hết sức to lớn nhưng trong quá trình xây dựng LLVTĐP, Đảng bộ tỉnh Hải Dương cũng có một số hạn chế sau: Một là, Đảng bộ tỉnh chưa linh hoạt, còn nặng về hình thức trong xây dựng lực lượng vũ trang giai đoạn đầu. Hai là, Đảng bộ tỉnh chưa nhanh nhạy trong kiện toàn tổ chức Cơ quan chỉ huy Quân sự tỉnh. Ba là, trong giai đoạn đầu chưa nắm bắt và tận dụng thời cơ để chiến đấu kiện toàn tổ chức biên chế sau chiến đấu. Bốn là, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chỉ huy chưa được quan tâm đúng mức. Nguyên nhân của những hạn chế trên: Một là, do vị trí trọng yếu của Hải Dương trong cuộc chiến đấu ở vùng sau lưng địch với thế cài răng lược nên thường xuyên gay go ác liệt và phức tạp. Hai là, do sự non yếu về trình độ quân sự của các cấp ủy Đảng tỉnh Hải Dương 4.2. Một số kinh nghiệm lịch sử Những năm tháng chiến đấu, Hải Dương không chỉ có thành tích và truyền thống mà có cả thăng trầm, thua thiệt. Điều đó đã đem lại cho địa phương những suy nghĩ trăn trở, những kinh nghiệm từ cuộc chiến đấu quyết liệt một thời đã qua để rút ra những bài học lịch sử cho xây dựng và bảo vệ địa phương và Tổ quốc trong thời kì mới với những điều kiện mới. 4.2.1. Luôn quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng vào tình hình thực tế của địa phương. 4.2.2. Xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện song phải lấy xây dựng chính trị làm gốc 4.2.3. Xây dựng quan hệ đoàn kết quân – dân, thực hiện tốt công tác động viên tuyển quân và chính sách hậu phương quân đội 4.2.4. Giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng bộ, không ngừng củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo trong lực lượng vũ trang Tiểu kết chương 4 Trong nội dung nghiên cứu của chương 4, tác giả đưa ra những bàn luận, nhận xét, đánh giá quá trình Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo công tác xây dựng lực lượng vũ trang địa phương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên cả 2 mặt ưu và khuyết. Đồng thời, rút ra một số kinh nghiệm lãnh đạo công tác xây sựng lực lượng vũ trang địa phương, có kinh nghiệm thuộc ngành tuyên huấn hoặc các cơ quan chuyên môn làm công tác tuyên truyền cổ động, có kinh nghiệm đặc thù trong hoàn cảnh chiến tranh, có kinh nghiệm mang tính phổ biến, có thể vận dụng thiết thực trong lãnh đạo công tác xây dựng lực lượng vũ trang của Đảng bộ tỉnh Hải Dương hiện nay. KẾT LUẬN Trải qua chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, LLVTND Hải Dương trưởng thành lớn mạnh không ngừng. Đó là kết quả phấn đấu rèn luyện thường xuyên, bền bỉ, theo đường lối xây dựng LLVTND của Đảng, trực tiếp là sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự nuôi dưỡng đùm bọc của chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, truyền thống chống giặc ngoại xâm, Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã sớm xác định nhiệm vụ xây dựng LLVT là vấn đề quan trọng trong toàn bộ hoạt động lãnh đạo của Đảng bộ, đồng thời khai thác mọi tiềm năng của vùng đất giàu của, giàu người, giàu chiến công để lãnh đạo xây dựng LLVT phù hợp với hoàn cảnh địa phương. Trong giai đoạn từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1949, LLVT Hải Dương có sự phát triển đáng kể cả về cơ cấu tổ chức đến trang bị, biên chế và chất lượng chiến đấu bao gồm ba lực lượng: BĐĐP, DQTV, dự bị động viên. Các LLVT tỉnh thường xuyên nhận được sự chăm lo, lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy Đảng, đã nhanh chóng mở rộng lực lượng, đáp ứng tốt yêu cầu chiến đấu góp phần quan trọng bảo vệ địa phương, tham gia lao động sản xuất xây dựng kinh tế, huấn luyện quân chi viện cho các chiến trường. Hệ thống cơ quan quân sự từ tỉnh xuống xã đã được củng cố và mở rộng, xứng đáng là cơ quan tham mưu đắc lực cho Tỉnh ủy và các cấp ủy Đảng trong xây dựng LLVT. Quá trình Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo xây dựng LLVTĐP trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (9/1945 đến 10/1954) đã để lại nhiều kinh nghiệm quý, có giá trị vận dụng vào sự nghiệp củng cố quốc phòng, xây dựng LLVT trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Những kinh nghiệm trên đang được Đảng bộ Hải Dương tiếp tục kế thừa vào điều kiện cụ thể của địa phương hiện nay để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng LLVTND, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với kết cấu 4 chương 8 tiết, luận án “Đảng bộ tỉnh Hải Dương lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân địa phương trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954)” đã phân tích, làm sáng tỏ các nhân tố ảnh hưởng, chi phối sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Hải Dương về xây dựng LLVTĐP, khái quát và hệ thống hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang địa phương. Đặc biệt, từ việc phục dựng lại quá trình Đảng bộ tỉnh Hải Dương thực hiện những chủ trương của Đảng, lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng LLVTĐP phát triển về mọi mặt: chính trị - tư tưởng, tổ chức, biên chế, trang bị vũ khí, huấn luyện tác chiếntrong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với cả ưu điểm, hạn chế, luận án đã rút ra những kinh nghiệm lịch sử. Việc tổng kết những bài học kinh nghiệm lịch sử là vấn đề lớn và khó, đòi hỏi sự nghiên cứu rất công phu, gắn liền với công tác tổng kết toàn diện cuộc kháng chiến. Với sự nỗ lực cố gắng của bản thân, tác giả đã bước đầu tổng kết và nêu lên một số kinh nghiệm cơ bản. Do thời gian và khả năng nghiên cứu còn hạn chế, những kinh nghiệm đó chưa thể bao quát, tổng kết toàn bộ các vấn đề về sự lãnh đạo công tác xây dựng lực lượng vũ trang địa phương của Đảng bộ tỉnh, đòi hỏi đề tài cần tiếp tục nghiên cứu, thảo luận, làm rõ thêm. Tác giả kính mong nhận được sự góp ý của các nhà khoa học, nhà chuyên môn, các đồng nghiệp để luận án được hoàn thiện với chất lượng tốt hơn. DANH MỤC CÔNG TRÌNH KHOA HỌC CỦA TÁC GIẢ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN Nguyễn Thu Quyên (2010), "Một số bài học rút ra từ chiến dịch phản công Việt Bắc Thu Đông năm 1947", Tạp chí Khoa học Quân sự (7/133), tr. 77 - 81. Nguyễn Thu Quyên (2013), "Trận đánh trường Con Gái - Chiến công đặc sắc của quân dân tỉnh Hải Dương trong những ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược", Kỷ yếu hội thảo khoa học dành cho nghiên cứu sinh, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 304 – 309. Nguyễn Thu Quyên (2014), Phong trào tiếng sấm đường 5, Bài giảng Elearning – đạt giải nhất cấp ngành giáo dục tỉnh Hải Dương, Đề tài đang dự thi cấp Bộ. Nguyễn Thu Quyên (10/2014), "Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh Hải Dương vững mạnh toàn diện", Tạp chí Giáo dục Lý luận (220), tr. 84 – 85. Nguyễn Thu Quyên (2014), "Địa lôi - cách đánh độc đáo tạo nên “Sấm đường 5” của lực lượng vũ trang Hải Dương trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954)", Tạp chí Lịch sử Đảng (11), tr. 70 – 72.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docxdang_bo_tinh_hai_duong_lanh_dao_xay_dung_luc_luong_vu_trang_dia_phuong_trong_khang_chien_chong_phap.docx
Luận văn liên quan