Tóm tắt Luận án Lối sống tiêu cực của một bộ phận giới trẻ Việt Nam hiện nay dưới lăng kính học thuyết hành vi con người của Freud

Để giảm thiểu lối sống tiêu cực coi thường pháp luật của một bộ phận giới trẻ còn cần tăng cường các biện pháp răn đe, xử phạt nghiêm minh, ngăn chặn sớm những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật; tạo sân chơi lành mạnh cho giới trẻ. Đặc biệt, cần có sự nhìn nhận đúng mức, khoan dung hơn và khoa học hơn về đồng tính luyến ái, song không khuyến khích và không cho phép hôn nhân đồng tính mà tăng cường giáo dục giới trẻ để giảm thiểu tình trạng đồng tính luyến ái.

doc27 trang | Chia sẻ: toanphat99 | Lượt xem: 3280 | Lượt tải: 2download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tóm tắt Luận án Lối sống tiêu cực của một bộ phận giới trẻ Việt Nam hiện nay dưới lăng kính học thuyết hành vi con người của Freud, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
về tâm lý đám đông, về tình dục đồng giới. Từ đó tìm ra căn nguyên hành vi lối sống tiêu cực của một bộ phận giới trẻ Việt Nam, đề xuất một số giải pháp mang tính định hướng nhằm xây dựng lối sống lành mạnh cho giới trẻ. - Nghiên cứu tập trung vào lối sống tiêu cực phổ biến của một bộ phận giới trẻ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Tuy nhiên, do có nhiều lối sống khác nhau trong đó có nhiều dạng biểu hiện của lối sống khác nhau và học thuyết Freud lại rất rộng lớn, đề cập tới nhiều vấn đề, nên luận án chỉ tập trung đi sâu vào ba lối sống tiêu cực điển hình, với những dạng biểu hiện được lựa chọn mà có thể vận dụng các luận thuyết phù hợp của học thuyết hành vi con người của Freud để phân tích, lý giải. Đó là: + Lối sống hành xử bạo lực coi thường pháp luật với dạng biểu hiện được lựa chọn là hành xử bạo lực. + Lối sống hời hợt, a dua đua đòi với dạng biểu hiện được lựa chọn là đua xe trái phép, luận án gọi là vấn nạn đua xe trái phép. + Lối sống buông thả bản thân với dạng biểu hiện được lựa chọn là đồng tính luyến ái. 4. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 4.1. Cơ sở lý luận Nghiên cứu dựa trên quan điểm và cơ sở lý luận của đường lối chính sách của Đảng Cộng sản Việt Nam; tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh thiếu niên, kế thừa có chọn lọc các đánh giá, các tổng kết có độ tin cậy cao của các nghiên cứu trước đây. 4.2. Phương pháp nghiên cứu Luận án sử dụng: Phương pháp phân tích và tổng hợp để đánh giá tổng quan các nghiên cứu về lối sống tiêu cực của một bộ phận giới trẻ hiện nay và các nghiên cứu về học thuyết Freud ở Việt Nam; Phương pháp lịch sử - lôgic để nghiên cứu đánh giá và phân tích những luận thuyết cơ bản của học thuyết Freud. Đồng thời, luận án vận dụng quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử để phân tích, đánh giá, vận dụng học thuyết Freud để lý giải lối sống tiêu cực của một bộ phận giới trẻ hiện nay. 5. ĐÓNG GÓP MỚI VỀ KHOA HỌC CỦA LUẬN ÁN 1. Nghiên cứu xác định được nguyên nhân nội sinh dẫn đến hành vi của một số lối sống tiêu cực của một bộ phận giới trẻ Việt Nam hiện nay, khác biệt với các nghiên cứu về thanh thiếu niên trước đây chỉ nghiên cứu nguyên nhân ngoại sinh với các tác động ngoại cảnh. 2. Lần đầu tiên có một nghiên cứu vận dụng học thuyết Freud để phân tích, lý giải tâm lý hành vi của lối sống tiêu cực của giới trẻ, khác với các nghiên cứu trước đây ở Việt Nam chỉ nghiên cứu vận dụng học thuyết Freud trong văn học nghệ thuật, tôn giáo, tâm linh, tính cách dân tộc. 3. Làm sâu sắc hơn tính khoa học cho các giải pháp của Đảng và Nhà nước ta nhằm giảm thiểu lối sống tiêu cực của giới trẻ. Các giải pháp mang tính định hướng trong luận án, có thể tương tự như các giải pháp hiện có, song nó được xây dựng trên cơ sở của một học thuyết nổi tiếng về hành vi con người là học thuyết Freud. 6. Ý NGHĨA LÝ LUẬN VÀ Ý NGHĨA THỰC TIỄN CỦA LUẬN ÁN 1. Góp phần nghiên cứu về giới trẻ Việt Nam, trong đó nghiên cứu sâu về căn nguyên hình thành ba lối sống tiêu cực của một bộ phận giới trẻ đang là bức xúc lớn của xã hội hiện nay, đó là: Hành xử bạo lực coi thường pháp luật; Vấn nạn đua xe trái phép; Đồng tính luyến ái. 2. Góp phần nghiên cứu, đánh giá về học thuyết Freud ở Việt Nam, một học thuyết phổ biến rộng rãi trên thế giới song gần đây mới được quan tâm nhiều hơn ở Việt Nam. 3. Luận án có thể làm tài liệu tham khảo cho các nghiên cứu về giới trẻ Việt Nam và về học thuyết Freud ở Việt Nam. 7. KẾT CẤU LUẬN ÁN Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, các ấn phẩm đã công bố của nghiên cứu sinh, luận án có kết cấu 4 chương, 11 tiết. CHƯƠNG 1 TỔNG QUAN CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN TỚI NỘI DUNG ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 1.1. NHỮNG NGHIÊN CỨU VỀ GIỚI TRẺ VÀ LỐI SỐNG CỦA GIỚI TRẺ VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ ĐỔI MỚI 1.1.1. Các tổng kết đánh giá về thanh thiếu niên hiện nay Các tổng kết đánh giá của Đảng, của Đoàn chỉ rõ mặt mạnh và mặt yếu kém của thanh niên Việt Nam trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Trong đó, vấn đề đạo đức lối sống, tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội của thanh thiếu niên là bức xúc lớn của xã hội. 1.1.2. Điều tra xã hội học về thanh thiếu niên Đã có nhiều cuộc điều tra khảo sát xã hội học như: Điều tra khảo sát về thực trạng văn hóa thanh niên (2002) và Cuộc điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam (Survey Assessment of Vietnamese Youth – SAVY1, SAVY2 - 2003, 2010). Các cuộc điều tra này chỉ cung cấp những con số về thực trạng tình hình mà chưa đi sâu vào tìm hiểu lối sống của giới trẻ, đặc biệt chưa có những phân tích, lý giải tìm nguyên nhân dẫn đến lối sống của họ. 1.1.3. Nghiên cứu về thanh thiếu niên và lối sống của thanh thiếu niên trong thời kỳ đổi mới Các nghiên cứu về thanh niên khá phong phú. Bước đầu các nghiên cứu đã phân tích nguyên nhân dẫn đến những hạn chế tiêu cực trong lối sống của một bộ phân giới trẻ hiện nay. Tuy nhiên, các nghiên cứu mới chỉ đưa ra các nguyên nhân ngoại cảnh tác động dẫn đến hành vi tiêu cực đó như thiếu sự giáo dục của gia đình và nhà trường, ảnh hưởng của văn hóa phẩm ngoại lai, của internet mà chưa đi sâu vào căn nguyên gốc rễ bên trong dẫn đến các hành vi tiêu cực nói trên. Cụ thể hơn, chưa có một nghiên cứu nào vận dụng học thuyết Freud, học thuyết nổi tiếng về tâm lý hành vi con người, để phân tích hành vi lối sống tiêu cực của một bộ phận giới trẻ Việt Nam hiện nay. 1.2. TỔNG QUAN CÁC NGHIÊN CỨU VỀ HỌC THUYẾT FREUD Ở VIỆT NAM 1.2.1. Sự tiếp nhận và đánh giá chung tình hình nghiên cứu học thuyết Freud ở Việt Nam Ở miền Bắc Việt Nam trước năm 1975, việc nghiên cứu triết học phương Tây nói chung và học thuyết Freud nói riêng chưa được phổ biến, nếu không muốn nói là chưa hề được triển khai. Chính vì vậy, học thuyết Freud rất xa lạ với giới trí thức miền Bắc Việt Nam vào thời gian này. Từ năm 1990, sau Nghị quyết số 01-NQ/TW của Bộ Chính trị trong nhiệm kỳ Đại hội VI về Công tác Văn hoá Tư tưởng thì cách nhìn nhận về triết học phương Tây, trong đó có học thuyết Freud, đã có những bước đột phá, cởi mở hơn rất nhiều. Triết học phương Tây nói chung và học thuyết Freud nói riêng, được nhiều người nghiên cứu và có điều kiện lan tỏa, hòa chung vào dòng triết học vốn có trước đây ở Việt Nam. Một khối lượng lớn các tác phẩm của Freud và nghiên cứu về học thuyết Freud được xuất bản. Đã có tới 16 tác phẩm trong tổng số 35 tác phẩm của Freud được dịch ra tiếng Việt. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu về học thuyết Freud của các học giả trong và ngoài nước cũng được xuất bản. 1.2.2. Các nghiên cứu đi sâu về nội dung học thuyết hành vi con người của Freud và vận dụng lý luận của học thuyết này vào thực tiễn cuộc sống 1.2.2.1. Các nghiên cứu đi sâu về nội dung học thuyết hành vi con người của Freud Có nhiều tác phẩm của các học giả trong nước và ngoài nước nghiên cứu về nội dung học thuyết Freud. NCS đí sâu phân tích 3 tác phẩm được coi là rất cơ bản và sâu sắc, đó là: Freud đã thực sự nói gì của David Stafford - Clrak (1966), Freud và tâm phân học của Phạm Minh Lăng (2000), Học thuyết và tâm lý học Freud. của Phạm Minh Hạc (2013). Trong Freud đã thực sự nói gì, D.Stafford - Clrak đã tổng hợp một cách khoa học toàn bộ công trình nghiên cứu trong suốt cuộc đời của Freud vào một cuốn sách không quá nhiều trang. Hơn thế nữa, tác giả đãgiúp người đọc hiểu rõ hơn những tư tưởng trong các tác phẩm của Freud. Trong Freud và tâm phân học, Phạm Minh Lăng tập trung phân tích những vấn đề cơ bản nhất, cốt lõi nhất của học thuyết Freud. Đó là: lý thuyết về vô thức, lý thuyết về tính dục và lý thuyết về cơ cấu nhân cách toàn diện hay tâm lý học về cái tôi. Cùng với ba vấn đề lớn nêu trên, Phạm Minh Lăng cũng đề cập tới các nghiên cứu khác của Freud về giấc mơ, về mặc cảm Ơdipe và gợi ý một số khả năng ứng dụng học thuyết Freud vào thực tế xã hội. Trong Học thuyết và tâm lý học S.Freud Phạm Minh Hạc cho người đọc thấy bức tranh toàn cảnh về học thuyết Freud. Tác giả tổng hợp học thuyết Freud với những nét cô đọng nhất với các vấn đề: khái niệm năng lượng, lực, xung; giấc ngủ và giấc mơ; vô thức và ý thức; bản năngTừ đó, tác giả giới thiệu: tâm lý học sâu thẳm (tâm lý học miền sâu) và tâm lý học động, là những vấn đề mới của Tâm lý học đương đại. Tác giả nêu lên mối liên hệ giữa chủ nghĩa Marx và học thuyết Freud đã được nhiều học giả trên thế giới quan tâm nghiên cứu. 1.2.2.2. Các nghiên cứu vận dụng học thuyết hành vi con người của Freud vào thực tiễn cuộc sống Trên thế giới đã có rất nhiều nghiên cứu vận dụng học thuyết Freud vào phân tích, lý giải các hiện tượng trong đời sống xã hội, trong bệnh học, trong tâm lý con người, trong văn hóa nghệ thuậtLĩnh vực nghiên cứu này được gọi chung là nghiên cứu vận dụng học thuyết Freud. Ở Việt Nam cho đến nay, những nghiên cứu mang tính vận dụng học thuyết Freud vào thực tiễn cuộc sống mà chủ yếu trong văn học nghệ thuật mới chỉ dừng lại ở mức độ nhỏ lẻ qua các bài báo trên các tạp chí. Chỉ có một số công trình mang tính tổng hợp như: Phân tâm học áp dụng vào việc nghiên cứu các ngành học vấn của Vũ Đình Lưu (1969) và một chùm tác phẩm về nghiên cứu vận dụng học thuyết Freud của học giả Đỗ Lai Thúy (2003-2007). NCS phân tích sâu hai tác phẩm này như là đại diện cho nhóm các nghiên cứu vận dụng học thuyết Freud vào thực tiễn cuộc sống. 1.3. GIÁ TRỊ THAM KHẢO CỦA CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU TRONG TỔNG QUAN VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ LUẬN ÁN SẼ TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU 1.3.1. Giá trị tham khảo của các công trình nghiên cứu trong tổng quan 1.3.1.1. Giá trị tham khảo của các công trình nghiên cứu về lối sống của giới trẻ Một số nghiên cứu nêu trong tổng quan, dưới các góc độ khác nhau đã cố gắng xác định nguyên nhân dẫn đến lối sống tiêu cực của một bộ phận giới trẻ nêu trên. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ mới tập trung vào xem xét các tác động ngoại cảnh. Cho đến nay, chưa có một nghiên cứu nào đi sâu vào tìm hiểu nguyên nhân nội sinh từ trong mỗi con người. Cụ thể hơn, cho đến nay chưa có một nghiên cứu nào vận dụng những tư tưởng và luận điểm của học thuyết Freud - học thuyết nổi tiếng về tâm lý hành vi con người để tìm nguyên nhân sâu xa, gốc rễ của lối sống tiêu cực của một bộ phận giới trẻ đang lan tràn hiện nay. 1.3.1.2. Giá trị tham khảo của các công trình nghiên cứu về học thuyết Freud và vận dụng học thuyết Freud vào thực tiễn cuộc sống Cho đến nay ở Việt Nam, đã có nhiều nghiên cứu về học thuyết Freud và bắt đầu cũng đã có các nghiên cứu vận dụng học thuyết Freud vào các lĩnh vực khoa học xã hội, văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, chưa có một nghiên cứu nào vận dụng ưu thế mạnh nhất của học thuyết Freud là xuất phát từ gốc rễ sâu thẳm của tâm lý nhân cách con người để lý giải tâm lý hành vi của lối sống tiêu cực của một bộ phận giới trẻ Việt Nam. 1.3.2. Những vấn đề luận án tiếp tục nghiên cứu Từ tên gọi của đề tài luận án, có thể thấy được hướng nghiên cứu của luận án chọn là nghiên cứu vận dụng học thuyết Freud vào thực tiễn cuộc sống. Luận án chọn cách tiếp cận mà ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào lựa chọn là nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ - nguyên nhân nội sinh của hành vi dẫn đến lối sống tiêu cực của một bộ phận giới trẻ nhìn từ các luận thuyết cơ bản của học thuyết Freud, đó là: vô thức, libido, bản năng eros, thanatos, tính dục, đồng tính luyến ái, tâm lý đám đông. CHƯƠNG 2 LỐI SỐNG TIÊU CỰC CỦA MỘT BỘ PHẬN GIỚI TRẺ VIỆT NAM HIỆN NAY VÀ KHÁI LƯỢC HỌC THUYẾT HÀNH VI CON NGƯỜI CỦA FREUD 2.1. LỐI SỐNG TIÊU CỰC CỦA MỘT BỘ PHẬN GIỚI TRẺ VIỆT NAM HIỆN NAY 2.1.1. Về phạm trù “giới trẻ” và phạm trù “lối sống” NCS phân tích và chọn lựa định nghĩa tổng quát và phổ dụng nhất của phạm trù “giới trẻ” và phạm trù “lối sống” để mặc định xuyên xuốt quá trình nghiên cứu trong luận án. 2.1.2. Những biểu hiện của lối sống tiêu cực của một bộ phận giới trẻ Việt Nam hiện nay Đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, mã số KX03.16/06-10, Thực trạng và xu hướng biến đổi lối sống của thanh niên Việt Nam trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế đã tổng hợp và phân chia 4 xu hướng sống tiêu cực của giới trẻ với các cấp độ khác nhau như sau: - Ích kỷ, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, thiếu nhiệt tình và niềm tin. - Hời hợt, a dua đua đòi, chạy theo các trào lưu “thời thượng”, tiếp thu thiếu chọn lọc ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài. - Lối sống buông thả bản thân với các dạng: buồn chán, thất vọng; tự gây thương tích, tự tử; sống thác loạn, nghiện hút; lệch lạc về hành vi tình dục, có hành vi tình dục không bình thường, đồng tính luyến ái. - Hành xử bạo lực bất chấp pháp luật, kỷ cương. Nghiên cứu sinh đồng tình với cách phân định về lối sống tiêu cực của đề tài đưa ra. Do mục tiêu luận án không đi sâu nghiên cứu các xu hướng sống tiêu cực, mà chỉ phân tích đánh giá căn nguyên của chúng, nên luận án tiếp thu, kế thừa phân định này của đề tài và lấy đó làm cơ sở để nghiên cứu phân tích. Để làm sâu sắc hơn biểu hiện lối sống tiêu cực của một bộ phận giới trẻ như đã nêu ở trên, NCS cập nhật bổ sung và phân tích thêm các số liệu mới và những thông tin mới có đến năm 2014 và nửa đầu năm 2015. Các phân tích cùng với các số liệu được thể hiện tóm tắt trong các tiết sau: 2.1.2.1. Biểu hiện của lối sống ích kỷ, thờ ơ vô cảm, thiếu trách nhiệm, thiếu nhiệt tình và thiếu niềm tin 2.1.2.2. Biểu hiện của lối sống hời hợt, a dua đua đòi theo các trào lưu “thời thượng” tiếp thu thiếu chọn lọc văn hóa từ bên ngoài 2.1.2.3. Biểu hiện của lối sống buông thả bản thân 2.1.2.4. Biểu hiện về lối sống hành xử bạo lực, coi thường luật pháp 2.2. KHÁI LƯỢC HỌC THUYẾT HÀNH VI CON NGƯỜI CỦA FREUD 2.2.1. Bối cảnh lịch sử, tiền đề khoa học và tiền đề lý luận của học thuyết hành vi con người của Freud 2.2.1.1. Bối cảnh lịch sử Sigmund Freud (1856 -1939) sinh ngày 6 tháng 5 năm 1856 tại Freiberg, vùng Moravia thuộc nước Áo (nay thuộc Cộng hòa Sec) là trung tâm văn hoá chính trị của Châu Âu thời bấy giờ. 2.2.1.2. Tiền đề khoa học và tiền đề lý luận Freud đã chịu ảnh hưởng và kế thừa nhiều tư tưởng triết học khác nhau của các triết gia trước và cùng thời với ông như: Darwin (1809-1882), G.W. Leibniz (1646-1716),Schopenhauer(1788-1860), J.Goethe (1749-1832),Von Helmholtz (1821-1894), Nietzsche (1844-1900), F.Brentano (1838-1917). 2.2.2. Quá trình hình thành và phát triển học thuyết hành vi con người của Freud Cả cuộc đời mình với hơn 60 năm làm khoa học, S. Freud đã dành hết tâm huyết cho việc xây dựng, củng cố và phát triển một học thuyết nổi tiếng mang tên ông. Quá trình đó được chia làm 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (1881-1896); Giai đoạn 2 (1896-1920); Giai đoạn 3 (1920 -1939). 2.2.3. Những luận thuyết chính của học thuyết hành vi con người của Freud Học thuyết Freud được tổ hợp từ nhiều các luận thuyết khác nhau, trong khuôn khổ của luận án, NCS không thể đi sâu vào tất cả các khía cạnh nội dung của học thuyết mà chỉ tập trung vào 4 luận thuyết chính về tâm lý hành vi con người có liên quan tới luận án. 2.2.3.1. Luận thuyết về vô thức Luận thuyết về vô thức là chìa khóa đi tới mọi vấn đề của học thuyết Freud. Khám phá về vô thức của Freud được coi là một cuộc cách mạng trong nhận thức về bản chất hành vi con người, bởi trước đó, từ người dân bình thường tới các nhà khoa học và các triết gia vẫn đề cao ý thức và coi ý thức như phần tư duy chủ yếu dẫn đến mọi hành vi của con người. Freud cho rằng, phần chính của tâm lý con người được ẩn chứa trong cõi vô thức. Vô thức nằm dưới lớp vỏ ngoài mà không lộ diện ra, với nhiều lý do, nó không những dấu kín với người bên ngoài mà nó còn dấu kín với chính bản thân người đó. Vô thức xâm nhập vào hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống xã hội loài người. Vô thức có một sức mạnh cực kỳ to lớn, nó gắn kết tất cả những gì thuộc về sự tồn tại và phát triển xã hội. Chính nhờ những khám phá ra vô thức, hiểu thấu quan hệ của vô thức với ý thức mà người ta đã vận dụng học thuyết Freud để nghiên cứu các trạng thái tâm lý hành vi con người, tâm lý hành vi nhóm người. 2.2.3.2. Luận thuyết về cấu trúc bộ máy tư duy con người Freud chia bộ máy tư duy của con người thành ba hệ thống: Vô thức (unconscius), tiền ý thức (preconscius) và ý thức (conscius). Ý thức là phần tinh thần liên hệ trực tiếp với thế giới bên ngoài. Tiền ý thức là phần tinh thần đi ra từ vô thức nhưng chưa đến được ý thức và do đó chưa trở thành ý thức. Vô thức tách rời hẳn ý thức, nó là thành phần chính, là thành phần chủ đạo và có mối quan hệ khăng khít với các hệ thống khác trong bộ máy tư duy của con người. Freud đã so sánh cấu trúc này với hình tượng của một tảng băng trôi. Trong tảng băng trôi đó, phần nổi nhìn thấy được trên mặt nước là ý thức chỉ chiếm một phần rất nhỏ của tảng băng, phần chìm dưới nước không nhìn thấy được chiếm phần vô cùng lớn của tảng băng là vô thức. Phần rất nhỏ nằm giáp ranh giữa vô thức và ý thức và vẫn chìm dưới nước là tiền ý thức. Trên nền 3 hệ thống vô thức, tiền ý thức, ý thức nêu ở trên, Freud cấu trúc bộ máy tư duy của con người với ba thành tố vô cùng quan trọng là cái ấy (id), cái tôi (ego), cái siêu tôi (super ego). Cái ấy (id): Nằm hoàn toàn trong vô thức, theo sơ đồ cấu trúc bộ máy tư duy nó nằm ở phần dưới nước của tảng băng trôi. Cái ấy (id) là thành phần sinh học (biological component) của tư duy. Nó là bản năng tính dục, có ngay từ lúc con người mới sinh, nó thể hiện những lực lượng nguyên thủy của sự sống. Các hành động của cái ấy đều dựa trên nguyên tắc khoái lạc (pleasure principle). Cái tôi (ego): Trong mô hình cấu trúc bộ máy tư duy con người, cái tôi nằm ở phần trên cái ấy. Cái tôi nằm trong cả phần ý thức, tiền ý thức và một phần vô thức. Cái tôi là thành phần tâm lý (psychological component) của bộ máy tư duy. Cái tôi bị chi phối bởi nguyên lý thích ứng với thực tại. Cái tôi thể hiện trong hoạt động ý thức như tri giác, ngôn ngữ và những hoạt động trí tuệ cho phép kiểm soát kiềm chế hành vi cá nhân trong quan hệ với ngoại cảnh. Cái tôi nhận biết được thế giới xung quanh và nhận ra rằng, phải kìm hãm những khuynh hướng sai lệch của cái ấy, để ngăn ngừa mọi xung đột với luật lệ xã hội. Cái siêu tôi (superego): Trong mô hình cấu trúc bộ máy tư duy con người, cái siêu tôi nằm trong cả ba hệ thống vô thức, tiền ý thức và ý thức. Cái siêu tôi là thành phần xã hội (social component) của bộ máy tư duy. Cái siêu tôi là sự phát triển tinh thần cao hơn cả mà con người có thể đạt được. Lương tâm, đạo đức của con người hoàn toàn phụ thuộc vào sự phát triển của cái siêu tôi. Cái siêu tôi đấu tranh để cho các hành vi được hoàn thiện bằng cách xác định giá trị hành vi hoặc tỏ thái độ đối với hành vi là đúng hay sai. Cái siêu tôi buộc cái tôi phù hợp không chỉ về thực tế mà còn về lý tưởng của mình và về đạo đức. Khi 3 thành tố trong bộ máy tư duy con người là cái ấy, cái tôi và cái siêu tôi hòa hợp với nhau thì lúc ấy cá nhân ở trạng thái an bình và hạnh phúc. Khi cái tôi để cho cái ấy vi phạm các luật lệ của đạo đức, lương tâm và các luật lệ của xã hội thì cái siêu tôi sẽ gây ra cảm giác lo lắng, bất an và cảm thấy có tội lỗi. Từ đó chúng ta càng thấy rõ cái ấy, cái tôi, cái siêu tôi cực kỳ quan trọng trong vai trò điều khiển tâm lý hành vi tính cách con người. 2.2.3.3. Luận thuyết về năng lực tính dục Libido Theo Freud, libido giống như sự đói ăn nói chung, con người đói ăn tức là nhu cầu tiêu thụ thức ăn cần được thoả mãn, cũng vậy con người khát dục khi có nhu cầu nhục dục cần được thoả mãn. Xung lực libido chính là sự tạo ra khoái lạc nhục dục do nhu cầu tình dục muốn được thoả mãn. Nó là năng lượng nguyên thuỷ, liên hệ trực tiếp với xung năng tình dục nói chung và tạo nên nguồn năng lượng vốn có ngay từ khi mới sinh ra và tồn tại cho đến đến tuổi già. Thúc đẩy gây ra các cảm xúc khoái lạc đòi được thỏa mãn và thúc đẩy tạo ra hành vi ứng xử của con người đều từ bản năng tính dục libido. Vào cuối đời, trong tác phẩm Nền văn minh và sự bất ổn của nó (1929), Freud đã nghiên cứu mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội và nguồn gốc văn minh của nhân loại. Freud thừa nhận rằng, tất cả các bản năng có ý nghĩa căn bản trong sự quyết định tiến trình đời sống cá nhân mỗi con người, trong đó bản năng quan trọng nhất là libido - loại bản năng hoang sơ nhất. 2.2.3.4. Luận thuyết về xung lực bản năng Trong mô hình cấu trúc bộ máy tư duy con người của Freud, các xung lực bản năng này đều nằm trong cái ấy của vô thức. Freud cho rằng, toàn bộ sức mạnh tác động ở phía sau những nhu cầu cấp bách của cái ấy là xung lực, nói cách khác, xung lực bắt nguồn từ những nhu cầu cơ thể. Có nhiều xung lực được Fredud đề cập tới trong nghiên cứu, nhưng cuối cùng ông chỉ chọn hai xung lực bản năng cơ bản nhất là eros được gọi là bản năng sống và xung lực phá huỷ thanatos được gọi là bản năng chết. Freud tin rằng, mọi hành vi của con người đều được thúc đẩy bởi hai xung lực này. Tóm lại, vô thức, libido và các xung lực bản năng eros, thanatos cùng với cấu trúc cái ấy (id), cái tôi (ego), cái siêu tôi (superego) là những vấn đề trung tâm của học thuyết Freud. Đây là đóng góp hết sức to lớn của Freud, nó đặt nền móng cho lời giải về động lực thúc đẩy hành vi con người và mở rộng ra là động lực phát triển xã hội. Bởi lẽ đó, người ta gọi học thuyết Freud là học thuyết về hành vi con người là học thuyết về con người. 2.2.4. Những luận đề được hình thành trên cơ sở các luận thuyết cơ bản của học thuyết hành vi con người của Freud Luận đề về tâm lý học đám đông được Freud nghiên cứu dựa trên sự phát triển những quan điểm của Gustave Le Bon (1841-1931) trong tác phẩm Tâm lý học đám đông (1895); của Mc. Dougall (1871-1938), trong tác phẩm Tâm lý nhóm (1920). Theo cách phân tích của Freud, người ta hiểu thêm bản chất gốc rễ sâu xa dẫn đến tâm lý hành vi của đám đông là từ vô thức, từ libido, từ cái tôi và từ các xung lực bản năng. Luận đề về tình dục đồng giới được Freud bàn đến rất sâu khi nghiên cứu về tính dục nói chung và các khuynh hướng tình dục bất bình thường trong đó có tình dục đồng giới. CHƯƠNG 3 VẬN DỤNG HỌC THUYẾT HÀNH VI CON NGƯỜI CỦA FREUD ĐỂ PHÂN TÍCH NHỮNG BIỂU HIỆN LỐI SỐNG TIÊU CỰC CỦA MỘT BỘ PHẬN GIỚI TRẺ VIỆT NAM HIỆN NAY 3.1. HÀNH XỬ BẠO LỰC TỪ GÓC NHÌN CỦA XUNG LỰC BẢN NĂNG EROS VÀ THANATOS 3.1.1. Một số quan điểm về vấn đề bạo lực của giới trẻ Đã có nhiều nghiên cứu về lối sống bạo lực của giới trẻ theo các góc nhìn khác nhau là: Bạo lực giới trẻ dưới góc nhìn của lý thuyết hành vi; Bạo lực giới trẻ dưới góc nhìn của lý thuyết tiến triển nhận thức;Bạo lực ở giới trẻ dưới góc nhìn của lý thuyết tính cách. 3.1.2. Hành xử bạo lực từ góc nhìn của luận thuyết xung lực bản năng eros và thanatos của Freud Eros là thuật ngữ gốc Hy Lạp được Freud sử dụng để biểu thị sự ham muốn, đòi hỏi sự sinh tồn và ông gọi đó là bản năng sống. Bản năng sống eros giúp duy trì sự tồn tại của con người, nó hướng tới những hành động nhằm duy trì sự sống như hô hấp, ăn uống, tình dục và các hành động đáp ứng toàn bộ những nhu cầu của cơ thể. Mở rộng ra, eros hướng tới thỏa mãn các ham muốn dục vọng và sự sống còn. Ham ăn, ham uống, ham sắc dục, ham của cải vật chất, ham tiền bạc, ham danh lợi... đều là những thứ ham muốn nằm trong cái eros. Thanatos cũng là một từ gốc Hy lạp được Freud sử dụng để chỉ trạng thái tâm lý “muốn hủy hoại” (death wish) muốn đập phá mọi thứ bất chấp cái chết để giải quyết những bế tắc, những căng thẳng trong cuộc sống và ông gọi đó là bản năng chết thanatos. Sự biểu lộ ở mức độ thấp của thanatos là tính tự ái, nóng giận, nổi khùng; ở mức độ cao hơn là sự ghen tức, đố kị dẫn tới hành vi hãm hại lẫn nhau. Mức độ tột cùng của thanatos là thù oán, giận dữ, muốn chém giết đồng loại như một thứ bản năng dã thú, bản năng súc vật. Trong rất nhiều trường hợp bản năng eros là tiền đề, là động lực cho bản năng thanatos. Sự ham muốn, sự đòi hỏi quá mức của eros sẽ thúc đẩy và dẫn tới sự giành giật và hành động hãm hiếp, cướp của, chém giết, của bản năng thanatos. Xem xét từ gốc rễ của hai bản năng eros và thanatos dễ dàng nhận thấy rằng, hành vi dã man của Lê Văn Luyện được xuất phát từ thói ham chơi, ham có nhiều tiền để được sung sướng, giàu có. Chính cái ham muốn từ bản năng eros đó đã thúc đẩy Luyện, mặc dù Luyện mới chỉ là trẻ vị thành niên. Sự thúc đẩy này lan truyền, cộng hưởng với bản năng thanatos cũng nằm trong cái ấy làm cho cái thanatos có xung lực mạnh mẽ dồn lên cái tôi thúc ép cái tôi hành động. Cái tôi bị thúc đẩy mạnh mẽ vượt lên khỏi tiền ý thức tới phần ý thức là phần nổi trên mặt của bộ máy tư duy. Các hành động sau đó của Luyện gần như là theo ý thức, phải giết người để có vàng, có tiền, thôi thúc hắn hành động mà không hề run sợ, không hề mảy may nghĩ đến cái chết của người khác. Lúc này cái thanatos hoàn toàn chế ngự hắn. Hắn đi mua dao chọc tiết lợn, bình tĩnh chờ tới sáng mới lạnh lùng ra tay hành động giết ba mạng người, trong đó có đứa trẻ 18 tháng tuổi, truy sát chặt đứt cánh tay một bé gái 6 tuổi rồi cướp đi hàng chục lạng vàng theo cái khát khao của bản năng eros thôi thúc hắn. Bằng cách phân tích tương tự, có thể lý giải hành động giết người cướp của dã man của Nguyễn Đức Nghĩa chặt đầu và phân xác nạn nhân là bạn tình của hắn đều bắt nguồn từ cái eros và thanatos. Gần đây nhất (vụ thảm sát ở Bình Phước tháng 7/2015), hành động giết một lúc 6 mạng người cực kỳ tàn độc của Nguyễn Hải Dương cũng đều bắt nguồn từ cái eros và thanatos để thỏa mãn tiền và tình. Dạng bạo lực của một bộ phận giới trẻ gây ra các vụ án, từ bình thường tới trọng án, bắt nguồn từ tình trạng nghiện game, nghiện rượu, nghiện ma túy đều có thể lý giải từ bản năng eros và thanatos của Freud. Ví dụ như trường hợp nghiện ma túy, trước hết bản năng eros, bản năng của ham muốn dục vọng trong con người nghiện ma túy thôi thúc họ. Họ muốn có được cảm giác ngây ngất, thăng hoa của ma túy, từ đó thúc đẩy bản năng thanatos vốn dĩ luôn tồn tại trong họ trỗi dậy. Đó là nguyên nhân đẫn đến hành vi bạo lực cướp của, giết người, giết cả người ruột thịt như ông bà, cha mẹ, chỉ vì vài trăm ngàn đồng đủ cho một tép heroin để đã cơn nghiện, trong khi họ vẫn hoàn toàn tỉnh táo. Từ đó chúng ta đủ thấy, nếu con người không chịu tu dưỡng bản thân, không được giáo dục tử tế, không tự ý thức rằng được cần phải biết tự kiềm chế dục vọng thì xung lực của hai bản năng eros và thanatos mạnh mẽ và nguy hiểm biết nhường nào. 3.2. VẤN NẠN ĐUA XE TRÁI PHÉP TỪ GÓC NHÌN TRIẾT HỌC CỦA TÂM LÝ HỌC ĐÁM ĐÔNG CỦA FREUD 3.2.1. Những nghiên cứu về tâm lý đám đông được Freud tiếp thụ Freud rất đồng tình với quan điểm của Gustave Le Bon và của Mc. Dougall về tâm lý đám đông. Ông tiếp thụ những luận điểm chính của hai tác giả này và phát triển theo các luận thuyết về vô thức, libido, xung lực bản năng eros của mình. 3.2.2. Freud với Tâm lý học đám đông và nhìn nhận vấn nạn đua xe trái phép dưới góc nhìn Triết học về Tâm lý học đám đông của Freud Cũng giống như G. Le Bon và Mc Dougall, Freud cho rằng, hành động chung của đám đông và hành vi của từng cá nhân trong đám đông đều xuất phát từ bản năng vô thức. Liên hệ với đám đông đua xe trái phép chúng ta dễ dàng nhận thấy, khi cùng tham gia và bị cuốn hút vào đám đông đua xe thì những cá nhân tham gia không còn đủ lý trí để điều khiển ý thức mà họ hoàn toàn bị vô thức chi phối, điều khiển. Freud đồng tình với Le Bon về ba nguyên nhân quyết định sự xuất hiện những tính cách riêng của tâm lý đám đông. Đó là: Tâm lý đám đông được hình thành dưới áp lực của số đông; Do tính lây lan hay lây nhiễm trong đám đông; Do tính dễ bị gợi ý hay tính dễ bị ám thị của cá nhân trong đám đông. Liên hệ với đám đông đua xe trái phép tự phát, chúng ta dễ dàng nhận ra những nguyên nhân đó là hoàn toàn đúng. Với nguyên nhân thứ nhất, đúng là, nếu chỉ với vài người có cùng sở thích muốn tìm cảm giác mạnh, cảm giác say tốc độ cao, cảm giác yêng hùng của đua xe gặp nhau thì chưa chắc đã tạo ra được nhóm đua xe. Nhưng khi có thêm nhiều người có cùng sở thích đua xe thì độ phấn khích càng gia tăng và đến một lúc nào đó khi có sự khởi xướng, cuộc đua xe sẽ bột phát khởi động. Càng có thêm người tham gia đua xe, sự phấn khích càng cuồng nhiệt. Họ cậy có số đông cùng tham gia đua xe mà thấy mình có sức mạnh dường như là vô địch, không còn sợ cảnh sát giao thông, không còn sợ tới nguy hiểm tính mạng. Các hành động la hét, nẹt pô, rú ga, bốc cao đầu xe, lạng lách, đánh võng, v.v. đều là những hành động xuất phát từ tâm lý của đám đông. Với nguyên nhân thứ hai, đó là sự lây nhiễm hay lây lan trong đám đông. Trong đám đông đua xe trái phép, chúng ta dễ dàng thấy tính lây lan, lây nhiễm nhanh chóng lan tỏa từ những người đến tham gia có chủ đích tới những người hiếu kỳ thích được xem đua xe rồi bị lôi cuốn vào đám đông đua xe, từ đó số lượng người tham gia mỗi lúc một gia tăng. Trong đám đông đua xe, người ta bắt chước nhau từng lời nói, từng cử chỉ, từng hành động. Họ không còn ý thức được các hành động của mình nữa, dường như họ bị lây nhiễm lan truyền lẫn nhau. Họ phấn khích đến tột độ chẳng quan tâm tới những người trong đám đông đua xe gặp nạn như đâm đầu vào cột điện, va húc nhau đổ xe giữa đường hoặc tông xe vào người đi đường. Với nguyên nhân thứ ba, đó là do dễ bị gợi ý (suggestubility) hay dễ bị ám thị của những người trong đám đông. Từ chỗ bản thân họ là những người dễ bị gợi ý, dễ bị lôi cuốn, họ lại được một cá nhân hay một nhóm người cầm đầu, khởi xướng khích lệ, như Freud gọi là những ông thầy thôi miên thì họ lao vào tham gia đua xe một cách điên cuồng và mê muội. Một sự gợi ý được đưa ra từ người cầm đầu đám đua xe hay một tiếng gào thét hò la của người bên cạnh sẽ tác động ngay vào bộ não của cá nhân, ngay lập tức gợi ý đó biến thành hành động chung của cả đám đông đua xe. Từ đó, hàng chục, hàng trăm người đua xe ào ạt như cơn lốc, hò la, lao xe như điên dại trên đường phố. Đúng như Le Bon đã nhận định và Freud cũng đồng tình, khi đó, dù là đốt cháy một tòa lâu đài hay thực hiện những hành động điên cuồng khác, như cướp bóc cửa hàng, đập phá, đốt xe ô tô, đám đông cũng sẵn sàng làm một cách dễ dàng, họ tin tưởng hoàn toàn vào sự gợi ý một cách mù quáng. Khi đã hòa vào đám đông đua xe, mọi cá nhân có những hành động như những con thú trong một bầy đàn và cả đám đông trông như một đàn thú ô hợp chạy trên đường, đúng như Freud đánh giá về đám đông. 3.3. ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI VỚI CÁCH NHÌN NHẬN CỦA FREUD 3.3.1. Đồng tính luyến ái trên thế giới và ở Việt Nam Hiện tượng đồng tính luyến ái (ĐTLA) được thấy ở rất nhiều quốc gia, nhiều nhất là ở các quốc gia phát triển châu Âu và Bắc Mỹ. Cho đến nay đã có 20 quốc gia công nhận hôn nhân đồng tính. Trong đó châu Âu có 13 nước, châu Mỹ có 4 nước và mới đây, ngày 15/6/2015 quốc hội Mỹ đã thông qua luật cho phép hôn nhân đồng giới trên tất cả các bang của nước Mỹ (những năm trước đây chỉ có 22 bang cho phép hôn nhân đồng tính). Hà Lan là quốc gia đầu tiên cho phép hôn nhân đồng tính vào năm 2001. Không có quốc gia nào ở châu Á công nhận hôn nhân đồng tính. Hiện tượng ĐTLA và một số lượng không lớn hôn nhân đồng tính ở Việt Nam đang có xu hướng phát triển mạnh gây bức xúc cho xã hội và các cơ quan pháp luật. Tuy nhiên, trong kỳ họp Quốc hội vào tháng 6/2015, vấn đề cho phép hay không cho phép hôn nhân đồng tính đã dược bàn thảo sơ bộ, song chưa có kết luận chính thức. 3.3.2. Một số nghiên cứu, đánh giá về đồng tính luyến ái Đã có nhiều nghiên cứu về các yếu tố hình thành nên thiên hướng tình dục đồng tính, sơ bộ có thể phân theo các nhóm sau: Yếu tố gen bẩm sinh; Môi trường sống, sự giáo dục của gia đình và chấn thương tâm lý; Ảnh hưởng từ văn hóa xã hội; Vị thành niên rất dễ bị tổn thương và lây nhiễm ĐTLA. 3.3.3. Đồng tính luyến ái với cách nhìn nhận của Freud Theo Freud, con người khi sinh ra đã có bản năng tính dục nguyên thủy libido không tập trung (unfocused sexual libidinal drives) và đồng tính luyến ái là một sự lệch lạc của tính dục nguyên thủy libido. Freud gọi đồng tính luyến ái là một “đảo chiều” libido, đó là sự trở về với một đối tượng giống với chính nó, một cái gì đó khác biệt với loạn dâm là trường hợp của bệnh lý. Rất thận trọng qua nhiều nghiên cứu của chính bản thân và của các chuyên gia khác về tâm thần học, tình dục học, Freud kết luận ĐTLA không phải là bệnh lý. Freud cho rằng, đồng tính luyến ái chỉ là hậu quả của sự thoái hóa sinh lý hay tâm lý, đồng tính luyến ái thể hiện sự còi cọc phát triển tâm lý tình dục cá nhân và chức năng tình dục kém hơn trong một người trưởng thành. Ngoài ra, một cá nhân đã đạt đến giai đoạn sinh dục trưởng thành, nhưng do chấn thương tâm lý đã quay trở lại là người đồng tính, điều này được gọi là thoái trào libido (libidinal regression). Tái định hướng tình dục để cho quan hệ đồng giới trở về quan hệ khác giới là vấn đề được Freud rất quan tâm. Freud không từ chối các ý tưởng và liệu pháp tái định hướng tình dục, song ông có vẻ không lạc quan. Freud cảnh báo rằng, “Loại bỏ đồng tính luyến ái không bao giờ dễ dàng và chỉ thành công trong hoàn cảnh đặc biệt thuận lợi và thậm chí thành công, thì sau khi anh ta tiếp cận với người cùng giới một thời gian các chức năng lưỡng tính của anh ta lại được khôi phục” J.Murphy (1992), Freud and sexual orientation therapy (Freud và liệu pháp định hướng tình dục), APA,Journal of Homosexuality,23,(3), tr 132. . Ông cũng lưu ý những người có mối quan hệ gần gụi với với những người có khuynh hướng tình dục đồng giới phải thận trọng vì rất có thể bị cuốn theo xu thế này. Trong cuộc đời mình, Freud nhìn người đồng tính luyến ái với một thái độ rất khoan dung. Năm 1930, Freud đã ký vào bản kêu gọi hợp pháp hóa các hành vi tình dục đồng giới ở Đức và Áo. Khi được hỏi liệu người ta phải thực hiện để chữa bệnh đồng tính luyến ái hoặc làm cho giảm bớt đi bằng cách tăng sức ép của dư luận xã hội, ông trả lời: “Đương nhiên, sự nhấn mạnh của tôi là cần đưa về các biện pháp xã hội” J.Murphy (1992), Freud and sexual orientation therapy (Freud và liệu pháp định hướng tình dục), APA,Journal of Homosexuality,23,(3), tr 137.. Freud hiểu vai trò của xã hội là vô cùng quan trọng để giảm thiểu sự phát sinh của đồng tính luyến ái. CHƯƠNG 4 GIÁ TRỊ VÀ HẠN CHẾ TRONG HỌC THUYẾT HÀNH VI CON NGƯỜI CỦA FREUD VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP CÓ TÍNH ĐỊNH HƯỚNG, NHẰM HẠN CHẾ LỐI SỐNG TIÊU CỰC CHO GIỚI TRẺ VIỆT NAM HIỆN NAY 4.1. MỘT SỐ GIÁ TRỊ TRONG HỌC THUYẾT HÀNH VI CON NGƯỜI CỦA FREUD 4.1.1. Học thuyết Freud giúp hiểu sâu hơn về tâm lý và hành vi của con người - đó là học thuyết về con người Học thuyết Freud mang tính nhân văn rất cao, nó đi sâu tìm hiểu về y học cụ thể là thần kinh bệnh học và tâm lý nhân cách con người. Đó là những lĩnh vực khoa học xuất phát để hình thành nên học thuyết về con người. Vì vậy, người ta gọi học thuyết Freud là học thuyết về con người. 4.1.2. Học thuyết Freud ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn Học thuyết Freud ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều ngành khoa học xã hội và nhân văn như : Triết học; Sư phạm và giáo dục học; Xã hội học; Văn học nghệ thuật; Tội phạm học v.v.. Nói riêng về ảnh hưởng của học thuyết Freud tới triểt học có thể thấy, triết học về con người là trào lưu triết học lấy con người làm trung tâm của nghiên cứu. Con người ở đây được xem xét như một đối tượng của triết học mà không phải của khoa học thực nghiệm. Học thuyết Freud chính là một học thuyết của triết học về con người hay còn gọi là nhân học triết học. Luận thuyết về vô thức, libido, xung lực bản năng của Freud đưa ra không phải chỉ xem xét đơn thuần về bản năng nội tại mà gần như tất cả đời sống tinh thần của con người. Đó là một vấn đề hoàn toàn mới và còn rộng mở trong không gian và tri thức của triết học đương đại. 4.2. MỘT SỐ HẠN CHẾ TRONG HỌC THUYẾT HÀNH VI CON NGƯỜI CỦA FREUD 4.2.1. Học thuyết Freud không làm rõ vai trò của xã hội đối với tính cách, hành vi con người Freud quá nhấn mạnh nguồn gốc sinh học bên trong con người mà ít đi sâu để làm nổi lên vai trò của các yếu tố xã hội, đó là yếu tố vô cùng quan trọng đối với đời sống tâm lý và tính cách con người. 4.2.2. Học thuyết Freud phân tích chưa thật sâu vai trò của môi trường sống và giáo dục đối với hành vi con người Freud chưa chú ý nhiều tới vai trò của môi trường sống và vai trò giáo dục con người, trong khi quá đề cao tính chất sinh học trong tâm lý, hành vi con người. Đây là vấn đề làm nảy sinh nhiều tranh luận trong giới học thuật. 4.3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CÓ TÍNH ĐỊNH HƯỚNG, NHẰM HẠN CHẾ LỐI SỐNG TIÊU CỰC CHO GIỚI TRẺ VIỆT NAM HIỆN NAY 4.3.1. Nhóm giải pháp có tính định hướng Vận dụng học thuyết hành vi con người của Freud tác giả luận án đề xuất một số giải pháp có tính định hướng như sau: Một là, cần phải hướng cho giới trẻ có ý thức tự trau dồi tu dưỡng bản thân. Một nhân cách phát triển đúng đắn cần có sự hoạt động cân bằng hợp lý của 3 thành phần: cái ấy, cái tôi và cái siêu tôi. Một nhân cách phát triển toàn diện cần thực hiện đầy đủ chức năng vốn có, nghĩa là hoàn thiện chính bản thân mình đồng thời tiếp nhận các mặt tích cực của môi trường xã hội và thích nghi với hoàn cảnh xã hội tác động. Nếu nhân tố cái siêu tôi mạnh thì sự phát triển nhân cách sẽ tốt hơn. Nội dung của cái siêu tôi thay đổi tùy thuộc vào nội tại cá nhân, đồng thời tuỳ thuộc vào tác động của bên ngoài vào bộ máy tâm lý, nó không phải là cái gì khác, mà chính là ngoại cảnh, là môi trường xã hội và những phương thức nuôi dạy con cái của bố mẹ. Một người có cái siêu tôi mạnh, có nghĩa là người ấy chủ động và điều khiển được hành vi theo những nguyên tắc và chuẩn mực nhất định. Một cái siêu tôi mạnh còn được thể hiện trong sự tiếp nhận chủ động những yếu tố tích cực của các tác động ngoại cảnh, cụ thể là của môi trường xã hội, của giáo dục, mà gạt đi những tác động tiêu cực, những tác động bất lợi. Vì vậy, trước hết, cần phải giúp giới trẻ có được ý thức và nhất là tự ý thức tu dưỡng bản thân, tự trang bị kỹ năng sống, tự lập, tự chủ trong mọi hành động. Hai là, cần nâng cao hiệu quả giáo dục của gia đình, nhà trường và cộng đồng. Trong những tác động và ảnh hưởng của giáo dục, thì hiển nhiên các tác động từ giáo dục của cha mẹ, của gia đình là vô cùng quan trọng, nếu cha mẹ có được cái siêu tôi phát triển tốt thì đó là điều kiện thuận lợi để hình thành cái siêu tôi mạnh mẽ cho con cái. Ngược lại, cha mẹ có những khiếm khuyết trong cái siêu tôi thì con cái sẽ rất bất lợi trong phát triển nhân cách tốt. Freud nhấn mạnh: “Khi mà thiếu sự khiển trách của cộng đồng thì bản năng được thả lỏng, con người có thể làm đủ mọi hành vi ác độc, gian xảo, phản bội và tàn nhẫn, nếu xét đến trình độ văn hóa của họ thì không ai ngờ họ có thể như thế được” S.Freud (1969), Nghiên cứu phân tâm học, Nxb An Tiêm, Sài Gòn, tr. 296. . Như vậy, nếu không có hoặc thiếu đi vai trò giáo dục của cộng đồng, của xã hội thì đó là nhân tố quan trọng để những tiêu cực có điều kiện trỗi dậy và phát triển. Ngược lại, khi có sự tác động tốt từ ngoại cảnh, môi trường và giáo dục thì lối sống tiêu cực sẽ dần dần bớt đi, thay vào đó là lối sống lành mạnh. Ba là, cần phát huy lợi thế to lớn của truyền thông đại chúng. Các tác động của ngoại cảnh, của môi trường xã hội đến bộ máy tư duy con người để con người có thể cảm nhận được là do tương tác môi trường vật lý. Đó là phương tiện truyền thông với hình ảnh, âm thanh, chữ viết, giao tiếp, ứng xử rất đa dạng như: phim ảnh, băng ghi hình, loa đài, sách, báo, văn hóa phẩm, internet, v.v.. Ngày nay, phương tiện truyền thông có sức mạnh vô cùng to lớn đối với xã hội hiện đại. Người ta gọi nó là quyền lực chính trị số 2 trong một quốc gia. Truyền thông đại chúng, nhất là internet, là phương tiện cực kỳ hiệu quả trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay. Nó có tác động rất nhanh, hầu như tức thời, đến mọi thành phần giới trẻ trên cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Cần qua các phương tiện này nêu gương những điển hình tốt và giáo dục sự tự giác, kèm theo kiểm soát chặt chẽ những thông tin “đen” từ bất cứ nguồn nào có thể làm băng hoại tư tuởng và lối sống của giới trẻ. Bốn là, cần hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển và chiến lược đối với thế hệ trẻ phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội trong điều kiện toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế. Freud đã từng nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa kỷ cương quốc gia, quy tắc xã hội và tế bào của nó là con người được: “Quốc gia nào cũng có những tiêu chuẩn đạo đức cao trọng, người người phải tôn trọng nếu muốn hưởng hạnh phúc của nền văn minh. Kỷ cương trong một quốc gia thường rất nghiêm ngặt và đòi hỏi nhiều ở con người: phải có nhiều cố gắng hạn chế và tiết chế, phải từ bỏ sự thỏa mãn nhiều bản năng” S.Freud (1969), Nghiên cứu phân tâm học, Nxb An Tiêm, Sài Gòn, tr. 291. . Do đó cần thiết phải hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm phát triển thế hệ trẻ cũng như yêu cầu gi với trẻ phải tuân thủ pháp luật, tuân thủ quy tắc xã hội và quy tắc của cộng đồng. Các giải pháp mang tính định hướng nêu trên có thể gần giống những giải pháp theo cách tiếp cận khác đã có hiện nay. Nhưng sự khác biệt ở đây chính là các giải pháp đó được xuất phát từ bản chất sâu xa của học thuyết Freud, một học thuyết nổi tiếng về tâm lý hành vi con người. 4.3.2. Nhóm giải pháp nhằm giảm thiểu ba xu hướng sống tiêu cực đã được luận án nghiên cứu * Các giải pháp nhằm giảm thiểu lối sống hành xử bạo lực coi thường pháp luật của một bộ phận giới trẻ Việt Nam hiện nay Ngoài những định hướng chung cho các giải pháp giảm thiểu lối sống tiêu cực cho giới trẻ đã nêu, cần có những giải pháp cụ thể mang tính đặc thù để giảm thiểu lối sống hành xử bạo lực coi thường pháp luật, đó là: Một là, giáo dục phòng ngừa hành vi bạo lực của giới trẻ phải được đặt lên hàng đầu. Hai là, tăng cường các biện pháp răn đe, xử phạt nghiêm khắc bằng điều luật, bằng các chế tài, bằng các quy định đối với các hành vi bạo lực. Ba là, cần có các mô hình quản lý, giáo dục những người trẻ phạm tội bạo lực sau khi mãn hạn tù hoặc hết khóa giáo dưỡng về hòa nhập với cộng đồng, với gia đình. * Các giải pháp nhằm giảm thiểu vấn nạn đua xe trái phép của một bộ phận giới trẻ Việt Nam hiện nay Các giải pháp mang tính đặc thù để giảm thiểu vấn nạn đua xe trái phép là: Một là, đi sâu vào giải quyết, xử lý, ngăn chặn ngay từ khi hình thành đám đông đua xe trái phép. Hai là, tạo sân chơi lành mạnh cho giới trẻ, đưa họ tham gia vào các cuộc đua xe và các cuộc đua khác có tổ chức quy củ, lành mạnh. Ba là, cần điều chỉnh, bổ sung các điều luật, quy định chặt chẽ hơn, nghiêm minh hơn, đảm bảo tính chất răn đe và nghiêm trị đối với với hành vi đua xe trái phép. Bốn là, khai thác, phát huy điểm tích cực của tâm lý đám đông, phát huy loại hình phong trào tập thể trong giới trẻ. * Với hiện tượng đồng tính luyến ái, cần một sự nhìn nhận đúng mức và một thái độ xây dựng nhằm giảm thiểu khuynh hướng tình dục bất bình thường này Cần có thái độ xã hội đúng mức và cách nhìn nhận khoan dung với một thái độ xây dựng để giảm thiểu sự phát triển của đồng tính luyến ái: Một là, phải khẳng định rằng, quan hệ đồng tính luyến ái không phải là bệnh lý. Hai là, môi trường xã hội và sự giáo dục là yếu tố quan trọng để cho ĐTLA không phát triển hay không gia tăng. Ba là, cảm thông, khoan dung nhưng không nên có thái độ và việc làm mang tính đồng tình hay khích lệ cho các quan hệ ĐTLA. Bốn là, về phương diện luật pháp và thuần phong mỹ tục của dân tộc, không nên cho phép hôn nhân đồng tính. KẾT LUẬN Sau hơn 20 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, đất nước ta đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Mọi mặt kinh tế, xã hội, đời sống, văn hóa, đã đổi thay rõ rệt. Thế hệ trẻ Việt Nam có điều kiện thuận lợi tiếp cận nhanh với khoa học kỹ thuật, văn hóa, công nghệ tiến tiến của thế giới. Tuy nhiên, đổi mới và hội nhập cũng mang tới những khó khăn và thách thức không nhỏ cho đất nước nói chung và thế hệ trẻ nói riêng. Thế hệ trẻ, đặc biệt là lối sống của họ, rất nhạy cảm và rất dễ bị tổn thương trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài. Lối sống tiêu cực từ nước ngoài được giới trẻ Việt Nam tiếp thu bằng nhiều con đường và lan tỏa trong tư duy và lối sống của một bộ phận giới trẻ gây bức xúc cho xã hội và cũng là mối quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước ta. Đã có nhiều nghiên cứu phân tích, lý giải nguyên nhân dẫn đến hành vi lối sống tiêu cực của một bộ phận giới trẻ. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ đưa ra các nguyên nhân ngoại sinh từ các tác động ngoại cảnh tới giới trẻ, như ảnh hưởng của văn hóa phẩm ngoại lai độc hại; giáo dục bất cập của gia đình nhà trường, cộng đồng, xã hội; ảnh hưởng của môi trường bạn bè...Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào đi sâu tìm hiểu nguyên nhân nội sinh, tức là đi tìm hiểu bản năng gốc rễ trong mỗi con người đã hình thành hành vi của mình để lý giải hành vi lối sống tiêu cực của một bộ phận giới trẻ. Cụ thể hơn, cho đến nay chưa có một nghiên cứu nào vận dụng những tư tưởng và luận điểm của học thuyết Freud, một học thuyết nổi tiếng về tâm lý hành vi con người để tìm hiểu căn nguyên gốc rễ của lối sống nói chung và lối sống tiêu cực nói riêng của giới trẻ. Vận dụng học thuyết Freud vào thực tiễn cuộc sống là xu hướng mới mẻ và có rất nhiều triển vọng phát triển ở Việt Nam. Các luận điểm nổi tiếng của Freud về vô thức, về libido, về bản năng eros, thanatos, về tính dục, về giáo dục giới tính, về đồng tính luyến ái, về tâm lý học đám đông, có mối dây liên hệ rất khăng khít để từ đó có thể lý giải tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến lối sống tiêu cực của một bộ phận giới trẻ Việt Nam hiện nay. Học thuyết Freud tuy đã hiện diện ở Việt Nam, song nghiên cứu về học thuyết Freud chưa nhiều, đặc biệt là vận dụng học thuyết này vào việc xem xét một số mặt trong thực tiễn cuộc sống của giới trẻ. Luận án này cố gắng khắc phục các khiếm khuyết đó. Luận án đã chọn được ba xu hướng sống tiêu cực điển hình khái quát nhất mà có thể soi rọi từ những nội dung phù hợp của học thuyết Freud để phân tích lý giải. Với lối sống hành xử bạo lực coi thường pháp luật, từ các luận thuyết của học thuyết Freud về vô thức, về cấu trúc bộ máy tư duy với cái ấy, cái tôi, cái siêu tôi đặc biệt từ hai xung lực bản năng eros, thanatos, luận án đã vận dụng phân tích làm rõ căn nguyên dẫn đến hành vi của lối sống tiêu cực này. Có thể thấy được xuất phát điểm dẫn đến các hành vi bạo lực trong một bộ phận giới trẻ hiện nay là từ vô thức, từ cái ấy, từ xung lực của hai bản năng eros và thanatos. Đó là nguồn động lực nội sinh đưa đến các hành vi bạo lực. Với vấn nạn đua xe trái phép, từ góc nhìn của Freud về tâm lý đám đông có thể phân tích lý giải sự hình thành và phát triển của đám đông đua xe trái phép. Luận án đã làm rõ toàn cảnh và bản chất thực của đám đông ô hợp này. Điểm xuất phát dẫn đến hành động như một bầy thú điên loạn của đám đông đua xe trái phép là từ vô thức, từ libido, từ cái tôi và xung lực bản năng eros. Đó là nguồn động lực nội sinh đưa đến các hành vi đua xe trái phép. Với đồng tính luyến ái, luận án đã tổng hợp phân tích các đánh giá, cách nhìn nhận của Freud, trong đó đi sâu phân tích quan điểm của Freud cho rằng, đồng tính luyến ái là một sự lệch lạc của tính dục nguyên thủy libido, rõ hơn, đó là một biến thể của chức năng tình dục do kìm hãm lidibo. Từ phân tích đó, luận án đã làm rõ hơn, sâu xa hơn về hiện tượng đồng tính luyến ái, mà cho đến nay ở Việt Nam chưa có những phân tích theo góc nhìn của học thuyết Freud. Luận án nêu ra một số giải pháp mang tính định hướng nhằm hạn chế lối sống tiêu cực xuất phát từ tâm lý, nhân cách con người của giới trẻ. Đó là khai thác triệt để cái siêu tôi và phát triển điểm tích cực, điểm chủ động của cái tôi và hạn chế đến mức tối đa những điểm tiêu cực của cái ấy, tránh xa những ham muốn đòi hỏi của bản năng dục vọng eros của cái ấy. Đồng thời hướng giới trẻ hoàn thiện chính bản thân mình, chủ động tiếp nhận các mặt tích cực của môi trường xã hội và thích nghi với hoàn cảnh xã hội tác động. Đặc biệt, cần hướng cho giới trẻ tự xác định được ý nghĩa, giá trị sống, lựa chọn lối sống của mình và tự chịu trách nhiệm về các hành động trong lối sống của mình, hướng giới trẻ có ý thức tự trau dồi tu dưỡng bản thân; nâng cao hiệu quả giáo dục của gia đình, nhà trường và cộng đồng; phát huy lợi thế của các phương tiện truyền thông; hoàn thiện hệ thống chính sách và chiến lược đối với thế hệ trẻ phù hợp với điều kiện của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Để giảm thiểu lối sống tiêu cực coi thường pháp luật của một bộ phận giới trẻ còn cần tăng cường các biện pháp răn đe, xử phạt nghiêm minh, ngăn chặn sớm những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật; tạo sân chơi lành mạnh cho giới trẻ. Đặc biệt, cần có sự nhìn nhận đúng mức, khoan dung hơn và khoa học hơn về đồng tính luyến ái, song không khuyến khích và không cho phép hôn nhân đồng tính mà tăng cường giáo dục giới trẻ để giảm thiểu tình trạng đồng tính luyến ái. DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ CÓ LIÊN QUAN TỚI ĐỀ TÀI LUẬN ÁN 1. Nguyễn Thị Bích Hằng (2006), Quan điểm của Freud về Libido, Vô thức, Thông báo Khoa học, Trường Cao đẳng sư phạm Hà Tĩnh. (1), tr. 26-29. 2. Nguyễn Thị Bích Hằng (2007), Một vài nhận định về chủ nghĩa Freud từ lập trường phép biện chứng duy vật mác-xit, Thông báo Khoa học, Trường Cao đẳng sư phạm Hà Tĩnh. (1), tr. 29-32. 3. Nguyễn Thị Bích Hằng (2008), Sự bổ khuyết của Adler và Jung với lý luận của Freud, Thông báo Khoa học, Trường Đại học Hà Tĩnh. (1), tr. 113-115. 4. Nguyễn Thị Bích Hằng (2008), Chủ nghĩa Freud mới và ý đồ kết hợp chủ nghĩa Freud với chủ nghĩa Mác, Thông báo Khoa học Trường Đại học Hà Tĩnh. (2), tr. 92-96. 5. Nguyễn Thị Bích Hằng (2010), Từ phân tâm học đến chủ nghĩa Freud, Thông báo Khoa học số Trường Đại học Hà Tĩnh, (6),tr.95-99. 6. Nguyễn Thị Bích Hằng (2012), Quan niệm của S.Freud về động lực sinh tồn, phát triển của con người và xã hội, Tạp chí Triết học, (7), tr. 71-79. 7. Nguyễn Thị Bích Hằng (2013), Những nét tương đồng trong tư duy ở một số luận điểm của Freud và Marx, Tạp chí Triết học, (10), tr. 51-60. 8. Nguyễn Thị Bích Hằng (2014), Đồng tính luyến ái trong giới trẻ hiện nay, Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam, (5), tr. 72-79. 9. Nguyễn Thị Bích Hằng (2014), Lối sống hành xử bạo lực coi thường pháp luật của một bộ phận giới trẻ Việt Nam hiện nay dưới góc nhìn từ hai bản năng Eros và Thanatos của S.Freud, Tạp chí Triết học, (6), tr. 76- 82. 10. Nguyễn Thị Bích Hằng (2014), Đồng tính luyến ái - hiện tượng xã hội đang lan rộng trong giới trẻ hiện nay, Tạp chí Khoa học, Trường ĐH Hà Tĩnh, (4), tr. 63-70.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doctom_tat_tieng_viet_2_0888_2256.doc