Tóm tắt Luận án Thực hiện pháp luật về dân chủ ở cấp xã theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Để bảo đảm nâng cao hiệu quả THPL về dân chủ ở cấp xã theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, luận án đề xuất 06 quan điểm có tính chỉ đạo và 05 nhóm giải pháp cơ bản: Một là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã; Hai là, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương trong việc THPL về dân chủ ở cấp xã. Ba là, nâng cao chất lượng, phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ CBCC cấp xã, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong quá trình THPL về dân chủ ở cấp xã. Bốn là, nâng cao nhận thức pháp luật, sự tham gia chủ động, tích cực hơn nữa của các tầng lớp nhân dân vào hoạt động THPL về dân chủ ở cấp xã. Năm là, bảo đảm các điều kiện cần thiết về kinh tế, chính trị, văn hóa và pháp luật cho việc THPL về dân chủ ở cấp xã.

doc25 trang | Chia sẻ: toanphat99 | Lượt xem: 2159 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Tóm tắt Luận án Thực hiện pháp luật về dân chủ ở cấp xã theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang xây dựng là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Về bản chất, đó chính là Nhà nước luôn tôn trọng và đề cao các quyền dân chủ của nhân dân, xây dựng và thực hiện nền dân chủ XHCN. Giữa thực hiện dân chủ và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN có mối liên hệ mật thiết, gắn bó hữu cơ, tác động qua lại và bổ sung cho nhau. Dân chủ và thực hiện dân chủ là một trong những đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền; là một trong những điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa, xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền XHCN. Dân chủ XHCN là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Ngược lại, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN là sự bảo đảm có tính chất nền tảng cho việc thực hiện dân chủ; bởi lẽ, chức năng của Nhà nước pháp quyền là phục vụ nhân dân, giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ các quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Hơn nữa, chỉ Nhà nước pháp quyền XHCN mới có cơ chế, các biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân. Có thể nói, một nền dân chủ thực sự với việc phát huy đầy đủ các quyền dân chủ của nhân dân chỉ có thể có được trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Quyền dân chủ của nhân dân được thể hiện trực tiếp và cụ thể nhất là dân chủ ở cấp xã. Dân chủ ở cấp xã là một khâu quan trọng trong hệ thống cơ chế dân chủ, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Sau khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 30-CT/TƯ về Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và các văn bản liên quan, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để triển khai quan điểm chỉ đạo của Đảng, trong đó có Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp nhằm không ngừng phát huy dân chủ; đưa dân chủ ở cấp xã thực sự đi vào mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội ở các xã, phường, thị trấn trên phạm vi cả nước. Quá trình thực hiện pháp luật (THPL) về dân chủ ở cấp xã đã và đang làm chuyển biến đáng kể nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và các tổ chức quần chúng về vai trò, tầm quan trọng của việc thực hiện dân chủ, phát huy mạnh mẽ quyền dân chủ của các tầng lớp nhân dân; góp phần tích cực, hiệu quả vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC), xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc THPL về dân chủ ở cấp xã trên phạm vi cả nước nói chung, ở từng địa phương nói riêng còn bộc lộ những hạn chế, nhược điểm nhất định. Đảng ta đã chỉ rõ: “Quyền làm chủ của nhân dân ở một số nơi, trên một vài lĩnh vực còn bị vi phạm. Việc thực hành dân chủ còn mang tính hình thức; có tình trạng lợi dụng dân chủ gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội”. Một bộ phận CBCC các cấp, trong đó có cấp xã, bị thoái hóa, biến chất, quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu dân. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân cũng như đội ngũ CBCC cấp xã chưa thực sự làm tròn vai trò, trách nhiệm của mình trong tổ chức THPL về dân chủ ở cấp xã; một bộ phận nhân dân thiếu kiến thức pháp luật nên chưa thực sự phát huy các quyền dân chủ của mình. Đây là một trong những nguyên nhân làm phát sinh tình trạng người dân tụ tập khiếu kiện, tố cáo vượt cấp, kéo dài khi quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được giải quyết thỏa đáng, dứt điểm ngay từ cấp xã. Từ những lý do trên cho thấy, việc củng cố, phát triển các vấn đề lý luận về THPL về dân chủ ở cấp xã, đánh giá thực trạng, nguyên nhân để từ đó, đề ra các giải pháp bảo đảm THPL về dân chủ ở cấp xã theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là một vấn đề có tầm quan trọng và mang tính cấp thiết. Đó cũng là lý do tác giả chọn vấn đề “Thực hiện pháp luật về dân chủ ở cấp xã theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” làm đề tài luận án Tiến sỹ luật học. 2. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu của luận án - Mục đích của luận án là trên cơ sở nghiên cứu làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và đánh giá thực trạng THPL về dân chủ ở cấp xã theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, luận án đề xuất các quan điểm và giải pháp bảo đảm THPL về dân chủ ở cấp xã theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay. - Để thực hiện mục đích trên luận án có những nhiệm vụ sau: Một là, nghiên cứu làm sáng tỏ cơ sở lý luận của việc THPL về dân chủ ở cấp xã theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, bao gồm: khái niệm, đặc trưng, hình thức, nội dung, các điều kiện bảo đảm THPL theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; những yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN đối với THPL về dân chủ ở cấp xã. Hai là, nghiên cứu, khảo sát, điều tra xã hội học về THPL về dân chủ ở cấp xã trên địa bàn 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong cả nước; từ đó làm sáng tỏ, đánh giá những kết quả đạt dược, hạn chế và nguyên nhân của thực trạng THPL về dân chủ ở cấp xã ở Việt Nam trong những năm qua. Ba là, đề xuất, luận giải quan điểm và giải pháp bảo đảm THPL về dân chủ ở cấp xã theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam 3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu của luận án - Đối tượng nghiên cứu của luận án là các vấn đề lý luận và thực tiễn về THPL về dân chủ ở cấp xã theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam dưới góc độ Lý luận và Lịch sử Nhà nước và pháp luật. - Phạm vi nghiên cứu của luận án: + Về không gian: Luận án nghiên cứu, đánh giá thực trạng THPL về dân chủ ở cấp xã trên địa bàn 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam Việt Nam, bao gồm các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Quảng Ninh, Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định, Đắl Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau; các thành phố: Hải Phòng, Hồ Chí Minh và Cần Thơ. + Về thời gian: Luận án nghiên cứu pháp luật và đánh giá thực trạng THPL về dân chủ ở cấp xã từ năm 1998 đến nay (2014). 4. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận án - Cơ sở lý luận của luận án là quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về nhà nước và pháp luật, về vai trò của quần chúng nhân dân, về dân chủ nói chung; tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, về dân chủ và thực hiện dân chủ ở cấp xã nói riêng. - Phương pháp nghiên cứu của luận án: Để thực hiện mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu, luận án đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu: phân tích - tổng hợp, lịch sử - cụ thể, logic, thống kê - so sánh, khái quát hóa, hệ thống hóa... để nghiên cứu các vấn đề lý luận; sử dụng phương pháp điều tra xã hội học để thu thập các thông tin, số liệu thực tế phục vụ cho việc phân tích, đánh giá thực trạng, nguyên nhân của vấn đề nghiên cứu và luận chứng tính khả thi của các giải pháp mà luận án đề xuất. 5. Đóng góp khoa học mới của luận án - Luận án đã đưa ra được khái niệm và xác định được đặc điểm của chủ thể, nội dung, các hình thức THPL về dân chủ ở cấp xã theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. - Phân tích và chỉ ra được nội dung của mối quan hệ giữa THPL về dân chủ ở cấp xã và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đối với THPL về dân chủ ở cấp xã ở Việt Nam. - Trên cơ sở kết quả điều tra xã hội học trên địa bàn 19 tỉnh, thành phố trong cả nước, luận án đã chỉ ra và luận giải có sức thuyết phục các kết quả, hạn chế và nguyên nhân của thực trạng THPL về dân chủ ở cấp xã theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam từ năm 1998 đến nay. - Luận án đề xuất được sáu quan điểm và bốn nhóm giải pháp toàn diện, có tính khả thi nhằm bảo đảm THPL về dân chủ ở cấp xã theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam hiện nay. 6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án - Về phương diện lý luận, kết quả và đóng góp mới của luận án góp phần làm sáng tỏ và phong phú thêm những vấn đề lý luận về THPL nói chung, về THPH trên một lĩnh vực cụ thể nói riêng. - Về phương diện thực tiễn, luận án có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu, giảng dạy môn Lý luận Nhà nước và pháp luật trong phạm vi các vấn đề có liên quan. Các kết quả nghiên cứu của luận án có thể được các cơ quan hữu quan của các tỉnh, thành phố sử dụng làm luận cứ khoa học, tài liệu tham khảo phục vụ việc xây dựng các giải pháp cụ thể để nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả THPL về dân chủ ở cấp xã đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. 7. Kết cấu của luận án Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án được kết cấu thành 4 chương, 12 tiết. NỘI DUNG CHÍNH CỦA LUẬN ÁN Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CẦN TIẾP TỤC NGHIÊN CỨU THPL nói chung, THPL về dân chủ ở cấp xã (xã, phường, thị trấn) nói riêng là chủ đề pháp luật quan trọng, thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học ở nước ngoài và ở trong nước. Tổng quan tình hình nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy, các tác giả, nước ngoài đã có nhiều cuốn giáo trình, sách, bài viết luận bàn về vấn đề THPL nói chung, đề cập tương đối đa dạng vấn đề dân chủ, dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, dân chủ ở địa phương..., trong đó nổi lên sự khẳng định quyền lực nhà nước là quyền lực gốc của nhân dân, một nền dân chủ phải có sự chế ước lẫn nhau giữa các chủ thể trong xã hội và phải được bảo đảm thực thi bằng pháp luật. Một số công trình bàn sâu về các tiêu chí của nền dân chủ, về tác động của tăng trưởng kinh tế đối với việc thực thi dân chủ, đánh giá về triển vọng của một nền dân chủ trong thế giới ngày nay. Sự tổng quan tình hình nghiên cứu ở trong nước cho thấy, từng vấn đề riêng lẻ như THPL, dân chủ, dân chủ ở cấp xã, THPL về dân chủ ở cấp xã... đều đã được các nhà nghiên cứu, các tác giả đề cập, luận bàn tương đối đầy đủ. Song, nếu đặt các vần đề đó một cách lôgíc, hệ thống trong một tên đề tài khoa học “Thực hiện pháp luật về dân chủ ở cấp xã theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, thì có thể nhận thấy rằng, các công trình nghiên cứu về dân chủ ở cơ sở phần nhiều mang tính lý luận; các công trình nghiên cứu vấn đề THPL về dân chủ ở cấp xã mới chỉ dừng lại ở cấp độ luận văn thạc sĩ và gắn với một địa bàn cụ thể là một huyện hay một tỉnh, chưa có một công trình nào nghiên cứu lý luận và khảo sát thực tiễn vấn đề THPL về dân chủ ở cấp xã ở cấp độ luận án tiến sĩ và trên phạm vi quốc gia. Hơn thế nữa, THPL về dân chủ ở cấp xã theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thì càng là vấn đề mới, chưa được triển khai nghiên cứu một cách thấu đáo, toàn diện và hệ thống. Từ đó, có thể khẳng định rằng, cho đến nay vẫn chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện, có hệ thống cả về mặt lý luận cũng như khảo sát thực tiễn vấn đề THPL về dân chủ ở cấp xã theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Đó cũng là lý do tác giả chọn vấn đề “Thực hiện pháp luật về dân chủ ở cấp xã theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” làm đề tài luận án tiến sĩ luật học với mong muốn khỏa lấp khoảng trống nói trên. Chương 2 CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VIỆC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ DÂN CHỦ Ở CẤP XÃ THEO YÊU CẦU XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM 2.1. NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VỚI YÊU CẦU THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ DÂN CHỦ Ở CẤP XÃ 2.1.1. Khái niệm, các đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam 2.1.1.1. Khái niệm Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam Nhà nước pháp quyền là nhà nước quản lý theo pháp luật và đề cao quyền của con người, quyền của công dân. Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân là cách thức cơ bản để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Đó là Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, tăng cường pháp chế, xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật nhằm thực hiện các quyền tự do dân chủ và lợi ích hợp pháp của công dân, ngăn ngừa mọi sự tùy tiện, lạm dụng quyền từ phía Nhà nước và các cán bộ viên chức nhà nước, ngăn ngừa hiện tượng dân chủ cực đoan vô kỉ luật, kỉ cương, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước. Đó là Nhà nước mà tất cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức đều phải hoạt động theo pháp luật, chịu trách nhiệm trước nhân dân về các hoạt động của mình. Mọi công dân đều có nghĩa vụ chấp hành hiến pháp và pháp luật, phải sống và làm việc theo pháp luật. 2.1.1.2. Các đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Từ thực tiễn nhận thức lý luận, tiếp thu có chọn lọc các giá trị có tính phổ quát của nhà nước pháp quyền nói chung cũng như từ thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở nước ta, có thể khái quát năm đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam theo quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam như sau: 1) Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân; 2) Nhà nước pháp quyền XHCN được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật và bảo đảm cho Hiến pháp, các đạo luật luôn giữ vị trí tối thượng trong điều chỉnh các quan hệ thuộc tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; 3) Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; nâng cao trách nhiệm pháp lý giữa Nhà nước và công dân; thực hành dân chủ, đồng thời tăng cường kỷ cương, kỷ luật; 4) Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; 5) Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, đồng thời bảo đảm sự giám sát của nhân dân, sự phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận. 2.1.2. Những yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đối với việc THPL về dân chủ ở cấp xã Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đang đặt ra cho công tác THPL về dân chủ ở cấp xã ở nước ta trong giai đoạn hiện nay những yêu cầu sau: Thứ nhất, trong THPL về dân chủ ở cấp xã phải khẳng định bản chất dân chủ của Nhà nước ta - Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Thứ hai, phải luôn luôn bảo đảm tính tối cao của pháp luật; Thứ ba, phải luôn quán triệt nguyên tắc thực hành nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; Thứ tư, phải luôn bảo đảm các cơ chế, chính sách và biện pháp nhằm thực hiện đầy đủ quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân; Thứ năm, phải bảo đảm quyền con người theo quy định của Hiến pháp. 2.2. KHÁI NIỆM, CHỦ THỂ, NỘI DUNG, HÌNH THỨC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ DÂN CHỦ Ở CẤP XÃ THEO YÊU CẦU XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM 2.2.1. Khái niệm THPL về dân chủ ở cấp xã 2.2.1.1. Khái niệm dân chủ, dân chủ ở cấp xã Dân chủ (democracy) là thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp; trong đó, demos có nghĩa là dân, kratos có nghĩa là quyền uy, sự cai trị. Như vậy, theo nghĩa gốc, dân chủ có nghĩa là quyền uy của dân; là trạng thái tổ chức xã hội, trong đó, quyền lực thuộc về dân. Dân chủ là hình thức tổ chức thiết chế chính trị của xã hội dựa trên việc thừa nhận nhân dân là nguồn gốc của quyền lực, thừa nhận nguyên tắc bình đẳng và tự do. Dân chủ cũng được vận dụng vào các tổ chức và hoạt động của những tổ chức và thiết chế xã hội nhất định. Trong tiếng Việt, thuật ngữ dân chủ cũng được cấu thành từ hai yếu tố dân và chủ; có nghĩa dân là chủ hay quyền làm chủ của dân. Dân chủ ở cấp xã là biểu hiện cụ thể của nền dân chủ XHCN, là sự đảm bảo nguyên tắc toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân tại địa bàn xã, phường, thị trấn trên cơ sở thực hiện quyền được biết, quyền được bàn và quyết định, quyền được tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định và quyền giám sát đối với những nội dung có liên quan tới đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của người dân ở xã, phường, thị trấn bằng những hình thức nhất định, phù hợp với các nguyên tắc, quy định của pháp luật. 2.2.1.2. Khái niệm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã Pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã là tổng thể các quy định về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết liên tịch của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các văn bản pháp quy của các chính quyền địa phương nhằm cụ thể hóa các quy định về thực hiện dân chủ ở cấp xã sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể ở từng địa phương. 2.2.1.3. Khái niệm THPL về dân chủ ở cấp xã THPL về dân chủ ở cấp xã là quá trình triển khai các hoạt động đưa những quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã đi vào thực tiễn đời sống xã hội cơ sở, trở thành những hành vi pháp luật thực tế hợp pháp của chính quyền, CBCC cấp xã, cán bộ thôn, tổ dân phố, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và nhân dân địa phương nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân; thu hút nhân dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội; kiểm tra, giám sát các hoạt động của chính quyền cấp cơ sở; góp phần giữ gìn trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn. 2.2.2. Chủ thể THPL về dân chủ ở cấp xã Chủ thể của hoạt động THPL về dân chủ ở cấp xã theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, tổ chức, cộng đồng dân cư, cá nhân tham gia vào quá trình THPL về dân chủ ở cấp xã ở nước ta hiện nay. Căn cứ vào Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, có thể phân chia chủ thể THPL về dân chủ ở cấp xã ở nước ta hiện nay thành 03 nhóm chủ thể: 1) Chủ thể lãnh đạo THPL về dân chủ ở cấp xã; 2) Chủ thể tổ chức THPL về dân chủ ở cấp xã; 3) Chủ thể trực tiếp THPL về dân chủ ở cấp xã. Sự phân chia này chỉ mang tính chất tương đối vì trên thực tế, nhiều khi chức năng, nhiệm vụ của các chủ thể nói trên có thể có sự đan xen, lồng ghép vào nhau trong quá trình thực hiện. 2.2.3. Nội dung THPL về dân chủ ở cấp xã Quá trình triển khai, đưa các nguyên tắc, quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã đi vào đời sống xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn ở nước ta hiện nay theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam phải bảo đảm thực hiện các nội dung sau đây: - Thực hiện quyền được biết các nội dung liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân ở xã, phường, thị trấn; - Thực hiện quyền được bàn và quyết định, thể hiện trên hai phương diện: nội dung nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; nội dung nhân dân bàn và biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định; - Thực hiện quyền được tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; - Thực hiện quyền giám sát đối với tất cả các nội dung mà họ được công khai để biết, được bàn và quyết định trực tiếp, được bàn và biểu quyết, được tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định. 2.2.4. Các hình thức THPL về dân chủ ở cấp xã Cũng như trong THPL nói chung, THPL về dân chủ ở cấp xã có các hình thức cơ bản là: tuân theo pháp luật, thi hành pháp luật, sử dụng pháp luật và áp dụng pháp luật. Tuân theo pháp luật trong THPL về dân chủ ở cấp xã là hình thức THPL, trong đó, các chủ thể pháp luật tự kiềm chế để không thực hiện những hành vi, hoạt động mà pháp luật về dân chủ ở cấp xã nghiêm cấm, không cho phép thực hiện. Thi hành pháp luật trong THPL về dân chủ ở cấp xã là hình thức THPL, trong đó, các chủ thể pháp luật thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ pháp lý của mình bằng những hành động tích cực được quy định trong Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Sử dụng pháp luật trong THPL về dân chủ ở cấp xã là hình thức THPL mà các chủ thể pháp luật thực hiện quyền chủ thể của mình, nghĩa là thực hiện những hành vi mà pháp luật về dân chủ ở cấp xã cho phép. Hình thức áp dụng pháp luật được thực hiện đối với những nội dung nhân dân bàn, biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định. 2.3. MỐI QUAN HỆ GIỮA THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ DÂN CHỦ Ở CẤP XÃ VÀ XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN VIỆT NAM Giữa THPL về dân chủ ở cấp xã và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam có mối quan hệ hữu cơ, gắn bó mật thiết với nhau; đồng thời, tác động lẫn nhau trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam theo định hướng XHCN. Sự hiện diện của nền dân chủ là một trong những tiêu chí, đặc trưng cơ bản của nhà nước pháp quyền. Không thể coi là xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam nếu không xây dựng nền dân chủ XHCN và thực hành dân chủ, đặc biệt là THPL về dân chủ ở cấp xã; bởi vậy, THPL về dân chủ ở cấp xã là đòi hỏi tất yếu, khách quan của tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, là sự thể hiện sinh động bản chất dân chủ thực sự của Nhà nước ta. Ngược lại, việc thiết lập nền dân chủ XHCN nói chung, xây dựng và ban hành pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã nói riêng chỉ có thể được triển khai và bảo đảm thực hiện bởi Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. 2.4. NHỮNG ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM THPL VỀ DÂN CHỦ Ở CẤP XÃ THEO YÊU CẦU XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHXN VIỆT NAM 2.4.1. Điều kiện về kinh tế Điều kiện kinh tế có ảnh hưởng rất mạnh mẽ, quan trọng tới công tác THPL về dân chủ ở cấp xã thông qua việc tác động đến thái độ, nhận thức của các chủ thể pháp luật về vai trò, tầm quan trọng của pháp luật về dân chủ ở cấp xã; từ đó, tác động đến chất lượng và hiệu quả của hoạt động THPL trong lĩnh vực này. Bởi vậy, bảo đảm các điều kiện kinh tế là sự bảo đảm có tính chất nền tảng, là điều kiện tiên quyết cho việc thực hiện thành công pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. 2.4.2. Điều kiện về chính trị Điều kiện chính trị với các yếu tố như môi trường chính trị - xã hội, cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, ý thức chính trị của chủ thể THPL về dân chủ ở cấp xã, trình độ phát triển của nền dân chủ... có ảnh hưởng mạnh mẽ tới chủ thể của hoạt động THPL về dân chủ ở cấp xã. Vậy nên, để có thể thực hiện thắng lợi pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thì nhất thiết phải bảo đảm các điều kiện về chính trị cho hoạt động này. 2.4.3. Điều kiện về văn hóa - xã hội Các điều kiện văn hóa - xã hội bao giờ cũng thuộc về một môi trường văn hóa - xã hội nhất định và gắn liền với một phạm vi không gian - xã hội nhất định, nơi các cá nhân và cộng đồng người tổ chức các hoạt động sống, lao động, sinh hoạt; cùng nhau tạo dựng, thừa nhận và chia sẻ các giá trị văn hóa, lối sống, phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng và lễ nghi... Không gian văn hóa đó không thể tồn tại ở đâu khác ngoài địa bàn xã, phường, thị trấn. Với những mặt, những khía cạnh và biểu hiện cụ thể của mình, yếu tố văn hóa - lối sống có ảnh hưởng hết sức quan trọng đối với công tác THPL về dân chủ ở cấp xã. 2.4.4. Điều kiện về pháp luật Điều kiện pháp luật là tổng thể những nhân tố tạo nên đời sống pháp luật của xã hội ở từng giai đoạn phát triển nhất định. THPL về dân chủ ở cấp xã trước hết đòi hỏi pháp luật về dân chủ ở cấp xã phải được hoàn thiện. Đó là căn cứ để các chủ thể pháp luật THPL. Song, ý thức pháp luật, các yếu tố thuộc hệ thống tổ chức, quản lý xã hội truyền thống cũng có ảnh hưởng nhất định đến việc THPL về dân chủ ở cấp xã. 2.5. THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ DÂN CHỦ Ở ĐỊA PHƯƠNG TẠI MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI VÀ GIÁ TRỊ THAM KHẢO CHO VIỆT NAM Sự khảo sát vấn đề THPL về dân chủ ở địa phương tại Cộng hòa Pháp, Liên bang Nga, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy, bằng cách này hay cách khác, mức độ ít hay nhiều, tính chất rộng rãi hay hạn hẹp, các quốc gia khác nhau trên thế giới đều hướng tới một xây dựng, thực hiện nền dân chủ nhất định tùy thuộc vào trình độ nhận thức về dân chủ, sự phát triển của nền dân chủ, truyền thống lịch sử, quy định của pháp luật, nhu cầu thực tiễn đặt ra đối với mỗi quốc gia qua từng giai đoạn lịch sử khác nhau. Hầu như các nhà nước khác nhau trên thế giới không xây dựng, ban hành một đạo luật riêng về thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhưng những quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, ở địa phương thì có được đề cập trong Hiến pháp và những đạo luật khác. Từ việc tìm hiểu vấn đề thực hiện pháp luật về dân chủ ở địa phương tại một số nước trên thế giới, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm có giá trị tham khảo đối với Việt Nam, như chúng ta có thể tham khảo, nghiên cứu mô hình này của Hàn Quốc, không nên chia nhỏ các đơn vị hành chính, mà tùy thuộc tình hình thực tế có thể mở rộng, sáp nhập các đơn vị hành chính lại với nhau để dễ bề quản lý và có điều kiện phục vụ các nhu cầu của nhân dân tốt hơn trên cơ sở tôn trọng ý kiến của nhân dân địa phương; hoặc muốn giảm hỗ trợ ngân sách của nhà nước trung ương cho địa phương thì phải tăng quyền tự quyết cho chính quyền địa phương nhằm kích thích quyền tự chủ, tự quản theo xu thế hiện nay của nhiều quốc gia trên thế giới. Chương 3 THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ DÂN CHỦ Ở CẤP XÃ THEO YÊU CẦU XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN VIỆT NAM TỪ NĂM 1998 ĐẾN NAY 3.1. THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VỀ THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở CẤP XÃ Từ sự khảo sát quá trình hình thành, phát triển của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã, phân tích những nội dung chính của các văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã; đánh giả những thành tựu, ưu điểm và tồn tại, hạn chế của pháp luật về dân chủ ở cấp xã ở Việt Nam nhìn từ góc độ xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, có thể khẳng định rằng: việc Nhà nước ta xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã là một phát kiến lớn, một phương thức hay, hữu hiệu nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở một cách thực chất nhất. Với sự ra đời của Quy chế thực hiện dân chủ ở xã (Nghị định số 29/1998/NĐ-CP, Nghị định số 79/2003/NĐ-CP) và Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp, lập quy Nhà nước ta đã tạo ra một công cụ pháp lý về thực hiện dân chủ, trao cho các tầng lớp nhân dân ở cơ sở những quyền dân chủ thực sự: quyền được biết; quyền được bàn và quyết định trực tiếp, bàn và biểu quyết để cấp có thẩm quyền quyết định; quyền được tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; quyền giám sát. Tuy nhiên, pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã hiện hành vẫn đang bộc lộ các tồn tại, hạn chế nhất định. 3.2. THỰC TRẠNG THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ DÂN CHỦ Ở CẤP XÃ THEO YÊU CẦU XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN Ở NƯỚC TA TỪ NĂM 1998 ĐẾN NAY 3.2.1. Những thành tựu, kết quả đạt được trong THPL về dân chủ ở cấp xã ở nước ta Tuân theo pháp luật về dân chủ ở cấp xã chưa làm phát sinh quan hệ pháp luật, bởi vậy, luận án chỉ tập trung đánh giá thực trạng THPL ở nước ta trên ba phương diện: thi hành, sử dụng và áp dụng pháp luật. Trên phương diện thi hành pháp luật, nhìn chung, chính quyền cấp xã trên phạm vi cả nước đã nhanh chóng triển khai công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã; qua đó, đã giúp nâng cao trình độ kiến thức, hiểu biết pháp luật của đội ngũ CBCC cấp xã; ý thức pháp luật của nhân dân cũng được nâng lên ở những mức độ nhất định; thực hiện việc niêm yết, thông báo những nội dung công khai để nhân dân biết ở mức độ tốt và khá. Trên phương diện sử dụng pháp luật, phần lớn người dân xã, phường, thị trấn đã có ý thức cao, tích cực hưởng ứng, nhiệt tình tham gia THPL về dân chủ ở cấp xã. Nhân dân đã chủ động tiếp cận thông tin đối với những nội dung công khai để nhân dân biết; những nội dung nhân dân bàn và quyết định, nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định, nhìn chung, đã được nhân dân thực hiện ở mức độ khá tốt. Phần lớn nhân dân ở các địa phương đã thực hiện quyền giám sát theo quy định của pháp luật về dân chủ ở cấp xã ở mức độ “tốt” và “khá”. Điều này được ghi nhận bởi 79.63% CBCC cấp xã và 71.49% người dân trả lời phiếu thu thập ý kiến. Trên phương diện áp dụng pháp luật, về cơ bản, Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cả nước đã thực hiện tương đối tốt việc ra quyết định công nhân hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố; Ủy ban nhân dân cấp xã đã kịp thời ra quyết định công nhận đối với việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, theo quy định của pháp luật, đã kịp thời ra quyết định công nhận đối với việc bầu, bãi nhiệm thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Dưới tác động của việc triển khai THPL về dân chủ ở cấp xã, hoạt động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân các địa phương và lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn cả nước đã dần đi vào nề nếp, ổn định và tuân theo các quy chế, quy định, quy trình cụ thể. Có được những thành tựu, kết quả quan trọng trên nhiều mặt trong việc thực hiện pháp luật về dân chủ ở cấp xã là do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân cơ bản sau đây: Thứ nhất, Đảng và Nhà nước đã đưa ra được đường lối, chính sách pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân. Thứ hai, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp. Thứ ba, sự vào cuộc mạnh mẽ, tâm huyết của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức cấp xã. Thứ tư, sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia chủ động, tích cực của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn xã, phường, thị trấn. 3.2.2. Những hạn chế, bất cập trong THPL về dân chủ ở cấp xã - Trong thi hành pháp luật, công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã vẫn chưa đáp ứng được sự mong đợi của đội ngũ CBCC cấp xã và các tầng lớp nhân dân. Hệ quả kéo theo của hạn chế nêu trên là kiến thức, hiểu biết của một bộ phận nhân dân các địa phương về nội dung của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã còn thấp. Ở một số địa phương, việc thông báo, niêm yết những nội dung công khai để nhân dân biết mới chỉ đạt kết quả ở mức độ trung bình hoặc kém. - Trong sử dụng pháp luật, vẫn còn một bộ phận đáng kể người dân thực hiện quyền được bàn và quyết định trực tiếp, quyền tham gia ý kiến trước cơ quan có thẩm quyền quyết định và thực hiện quyền giám sát mới chỉ đạt kết quả ở mức độ trung bình hoặc kém. Nếu so sánh với việc thực hiện các nội dung khác thì việc thực hiện nội dung kiểm tra, giám sát là khâu yếu hơn cả. - Trong áp dụng pháp luật, một số các cơ quan có thẩm quyền vẫn còn chậm trễ trong việc ra quyết định công nhận đối với những việc dân bàn và biểu quyết; còn có hiện tượng né tránh, không thực hiện hoặc làm trái các quy định về thực hiện dân chủ ở cấp xã; có hiện tượng đe dọa, trù dập người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị có liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cấp xã Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập, song kết quả điều tra xã hội học tập trung và chỉ ra ba nguyên nhân cơ bản sau: a) Một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở còn xem nhẹ vai trò của việc THPL về dân chủ ở cấp xã nên công tác lãnh đạo chưa sâu sát, sự chỉ đạo còn mang tính hình thức, đối phó. b) Một bộ phận trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức cấp xã chưa nhận thức đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc triển khai THPL về dân chủ ở cấp xã nên chưa tận lực, tận tâm. c) Nhiều người dân thiếu hiểu biết pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã nên chưa chủ động, tích cực tham gia vào quá trình này. 3.3. ĐÁNH GIÁ CHUNG VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ DÂN CHỦ Ở CẤP XÃ ĐÁP ỨNG YÊU CẦU XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM 3.3.1. Đánh giá chung về tình hình THPL về dân chủ ở cấp xã ở nước ta từ năm 1998 đến nay Hoạt động THPL về dân chủ ở xã, phường, thị trấn trên phạm vi cả nước nói chung, ở từng địa phương nói riêng đã đạt được những thành tựu, kết quả quan trọng trên nhiều phương diện, từ tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã cho đến những kết quả quan trọng trong thực hiện các nội dung cụ thể về quyền dân chủ của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, kết quả đã đạt được, việc THPL về dân chủ ở cấp xã ở nước ta cũng còn bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định, như nhận thức, trách nhiệm về thực hiện dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân chưa đầy đủ; một số nội dung cụ thể THPL về dân chủ ở cấp xã mới chỉ đạt kết quả ở mức độ trung bình hoặc kém. Điều đó cũng có nghĩa là việc THPL về dân chủ ở cấp xã chưa thực sự đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. 3.3.2. Một số bài học kinh nghiệm về THPL về dân chủ ở cấp xã theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam Từ thực tiễn THPL về dân chủ ở cấp xã, nhìn từ góc độ yêu cầu của công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau: 1) Sự quan tâm, lãnh đạo sâu sát của Đảng từ Trung ương đến xã, phường, thị trấn là nhân tố có tính chất nền tảng, bảo đảm cho thành công của công tác THPL về dân chủ ở cấp xã; 2) Sự chỉ đạo, quản lý, điều hành quyết liệt của Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương là khâu then chốt, bảo đảm sự vận hành có hiệu quả hoạt động THPL về dân chủ ở cấp xã; 3) Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp cho công tác THPL về dân chủ ở cấp xã; 4) Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ CBCC cấp xã là yếu tố mở đường, lôi cuốn sự hăng hái, nhiệt tình của nhân dân địa phương tham gia THPL về dân chủ ở cấp xã; 5) Muốn cho việc THPL về dân chủ ở cấp xã đạt hiệu quả, kết quả cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN thì nhất thiết phải làm tốt công tác tư tưởng, chú trọng công tác vận động, tuyên truyền nhân dân; 6) THPL về dân chủ ở cấp xã cần sự linh hoạt, sáng tạo xuất phát từ đặc điểm, tình hình thực tế ở từng địa phương, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; 7) Tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát, khen thưởng kịp thời đối với các đơn vị, cá nhân có thành tích tốt và xử lý nghiêm minh đối với những sai phạm trong THPL về dân chủ ở cấp xã. Chương 4 QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ DÂN CHỦ Ở CẤP XÃ THEO YÊU CẦU XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM 4.1. QUAN ĐIỂM BẢO ĐẢM THPL VỀ DÂN CHỦ Ở CẤP XÃ THEO YÊU CẦU XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN VIỆT NAM Việc nâng cao hiệu quả hoạt động THPL về dân chủ ở cấp xã theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam cần dựa trên các quan điểm có tính chất chỉ đạo sau đây: 1) Quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng và thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã; 2) Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, chính quyền các cấp ở địa phương; 3) THPL về dân chủ ở cấp xã phải gắn với yêu cầu xây dựng chính quyền cấp xã trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; 4) THPL về dân chủ ở cấp xã là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; 5) Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương; 6) THPL về dân chủ ở cấp xã phải gắn với phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. 4.2. CÁC GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM THPL VỀ DÂN CHỦ Ở CẤP XÃ THEO YÊU CẦU XÂY DỰNG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN VIỆT NAM 4.2.1. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã Nhà nước cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã theo hướng xây dựng, ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn trong đó phải: Kế thừa, tiếp thu được những quy phạm pháp luật phù hợp, đã được thực tiễn kiểm nghiệm trong quá trình thực hiện những năm qua; Bổ sung thêm các hình thức công khai những nội dung nhân dân phải được biết; Mở rộng hơn nữa nội dung các quyền dân chủ của nhân dân, trao cho nhân dân địa phương quyền được bàn và quyết định trực tiếp nhiều hơn; Tăng thêm các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp của nhân dân ở xã, phường, thị trấn; Quy định cụ thể, rõ ràng thẩm quyền, chức năng của các cấp cao hơn, như cấp tỉnh, cấp huyện, trong việc theo dõi, kiểm tra và đánh giá việc chính quyền cấp xã triển khai THPL về dân chủ ở cấp xã; Quy định cụ thể trách nhiệm cá nhân của những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cấp xã trong tổ chức THPL về dân chủ ở cấp xã... 4.2.2. Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương trong việc THPL về dân chủ ở cấp xã Thứ nhất, các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn cần quán triệt sâu sắc và nâng cao hơn nữa nhận thức về dân chủ và thực hiện dân chủ ở cấp xã. Thứ hai, sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng cần được thể hiện bằng các chỉ thị, nghị quyết cụ thể và sâu sắc về công tác THPL về dân chủ ở cấp xã; đồng thời, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết đó từ phía chính quyền các cấp, nhất là cấp xã. Thứ ba, với vai trò là nòng cốt, hạt nhân lãnh đạo, các cấp ủy Đảng cần có cơ chế động viên, lôi cuốn cả hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống chính trị cơ sở, tham gia vào công tác THPL về dân chủ ở cấp xã. Thứ tư, yêu cầu đặt ra là phải nghiêm túc, kịp thời trong việc triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về dân chủ ở cấp xã từ phía các cấp ủy Đảng, chính quyền cấp xã. Thứ năm, quán triệt sâu sắc phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” trong hoạt động THPL về dân chủ ở cấp xã; phải có sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa hai vế “Đảng lãnh đạo” và “Nhà nước quản lý” thì mới đạt được mục tiêu “nhân dân làm chủ”. 4.2.3. Nâng cao chất lượng, phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong quá trình THPL về dân chủ ở cấp xã Hiệu quả của hoạt động THPL về dân chủ ở cấp xã cao hay thấp, có thực sự phát huy được quyền làm chủ của nhân dân hay không phụ thuộc chủ yếu vào sự thực thi chức năng, nhiệm vụ được giao của đội ngũ CBCC cấp xã. Chính vì vậy, nâng cao trình độ kiến thức pháp luật, phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ CBCC cấp xã, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong quá trình THPL về dân chủ ở cấp xã là một giải pháp không thể thiếu. Đối với giải pháp này, cần tập trung làm tốt các nội dung sau: 1) Tăng cường tập huấn chuyên đề, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã cho đội ngũ CBCC cấp xã; 2) Phát huy vai trò nòng cốt, tính tích cực chính trị - xã hội của mỗi CBCC cấp xã trong quá trình THPL về dân chủ ở cấp xã. 3) Xây dựng và đảm bảo thực thi chế tài khen thưởng - kỷ luật công bằng, nghiêm minh trong THPL về dân chủ ở cấp xã. 4.2.4. Nâng cao nhận thức pháp luật, sự tham gia chủ động, tích cực hơn nữa của nhân dân vào hoạt động THPL về dân chủ ở cấp xã Nội dung giải pháp này bao gồm: 1) Tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã trong các tầng lớp nhân dân nhằm cung cấp, trang bị cho mỗi người dân những thông tin, kiến thức, hiểu biết pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã, đặc biệt là các quyền dân chủ của nhân dân; 2) Đổi mới cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Về bản chất, cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là xương sống, là trụ cột của quá trình thực hiện pháp luật về dân chủ ở cấp xã. Trong giai đoạn hiện nay cần bổ sung thêm về “dân quyết định” vào phương châm nói trên, nghĩa là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân quyết định”. 4.2.5. Bảo đảm các điều kiện cần thiết về kinh tế, chính trị, văn hóa cho việc THPL về dân chủ ở cấp xã Về kinh tế, các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa, dành sự đầu tư kinh phí thỏa đáng cho hoạt động THPL về dân chủ ở cấp xã; quan tâm cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ CBCC cấp xã; chăm lo phát triển kinh tế hộ gia đình, cải thiện thu nhập, nâng cao mức sống cho các tầng lớp nhân dân ở xã, phường, thị trấn. Về chính trị, tiếp tục giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn; nâng cao ý thức chính trị, tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong việc tham gia THPL về dân chủ ở cấp xã. Về văn hóa - xã hội, chủ động phát huy các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ hoạt động THPL về dân chủ ở cấp xã; khắc phục các hủ tục lạc hậu, lỗi thời đang tác động tiêu cực đến hoạt động này. Về pháp luật, cùng với việc Nhà nước tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã; các cấp chính quyền địa phương cần tiến hành rà soát, điều chỉnh, ban hành mới các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật dưới luật và cơ chế pháp lý liên quan đến hướng dẫn THPLvề dân chủ ở cấp xã. KẾT LUẬN Dựa trên hệ thống các khái niệm, phạm trù khoa học Lý luận về nhà nước và pháp luật, luận án đã xây dựng, phân tích được cơ sở lý luận của việc THPL về dân chủ ở cấp xã theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, như: khái niệm, các đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; những yêu cầu của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đối với việc THPL về dân chủ ở cấp xã; khái niệm, chủ thể, nội dung, hình thức THPL về dân chủ ở cấp xã theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; từ đó, phân tích mối quan hệ giữa THPL về dân chủ ở cấp xã và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Luận án cũng đã tập trung phân tích những điều kiện bảo đảm THPL về dân chủ ở cấp xã theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; tìm hiểu vấn đề THPL về dân chủ ở địa phương tại một số nước trên thế giới và những giá trị tham khảo cho Việt Nam. Từ cơ sở lý luận, luận án đã đi sâu phân tích, đánh giá một cách toàn diện thực trạng hệ thống pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã từ năm 1998 đến nay, đánh giá những thành tựu, ưu điểm và tồn tại, hạn chế của pháp luật về dân chủ ở cấp xã ở Việt Nam nhìn từ góc độ Nhà nước pháp quyền XHCN. Đồng thời, luận án cũng tập trung phân tích, đánh giá được thực trạng THPL về dân chủ ở cấp xã ở nước ta từ năm 1998 đến nay trên cả hai phương diện: những thành tựu, kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập trong THPL về dân chủ ở cấp xã, chỉ ra nguyên nhân của thực trạng dựa trên kết quả ĐTXHH do chính tác giả thực hiện. Luận án đã rút ra được 07 bài học kinh nghiệm THPL về dân chủ ở cấp xã theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Để bảo đảm nâng cao hiệu quả THPL về dân chủ ở cấp xã theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, luận án đề xuất 06 quan điểm có tính chỉ đạo và 05 nhóm giải pháp cơ bản: Một là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cấp xã; Hai là, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Nhà nước, các cấp chính quyền địa phương trong việc THPL về dân chủ ở cấp xã. Ba là, nâng cao chất lượng, phát huy vai trò nòng cốt của đội ngũ CBCC cấp xã, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong quá trình THPL về dân chủ ở cấp xã. Bốn là, nâng cao nhận thức pháp luật, sự tham gia chủ động, tích cực hơn nữa của các tầng lớp nhân dân vào hoạt động THPL về dân chủ ở cấp xã. Năm là, bảo đảm các điều kiện cần thiết về kinh tế, chính trị, văn hóa và pháp luật cho việc THPL về dân chủ ở cấp xã.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • doctom_tat_tv_6666.doc
Luận văn liên quan