Trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Mọi sự vật, sự việc luôn luôn có hai mặt của nó: mặt tốt và mặt xấu. Tài sản cũng vậy, ngoài ý nghĩa đáp ứng nhu cầu, lợi ích về mặt vật chất cho con người thì tài sản còn tiềm ẩn các nguy cơ, rủi ro nhất định mà chính con người cũng có thể bị thiệt hại do chính tài sản mang lại, dù có ý thức ngăn chặn, phòng ngừa đến mấy con người cũng khó có thể kiểm soát được. Xuất phát từ lý do này, dưới góc độ khoa học pháp lý, nguồn nguy hiểm cao độ đã được biết đến với nhận định là sự tiềm ẩn nguy cơ gây ra thiệt hại. Trên cơ sở đánh giá sự tiềm ẩn nguy cơ này với sự nhận định mối liên quan giữa hành vi của con người với thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ, luật dân sự quy định về vấn đề bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (một trong các trường hợp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng) A. KHÁI QUÁT VỀ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG. I. Khái niệm. II. Đặc điểm. III. Ý nghĩa. B. BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO NGUỒN NGUY HIỂM CAO ĐỘ GÂY RA. I. Cơ sở lý luận. 1. Nguồn nguy hiểm cao độ. 2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. 3.Điều kiện làm phát sinh trách nhiệm dân sự do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. 3.1. Có thiệt hại xảy ra. 3.2.Có hoạt động gây thiệt hại trái pháp luật của nguồn nguy hiểm cao độ. 3.3. Có mối quan hệ nhân quả giữa hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ và thiệt hại xảy ra. II. Cơ sở thực tiễn. 1.Thực tiễn áp dụng về việc bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. 2. Những bất cập và phương hướng hoàn thiện pháp luật dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

doc22 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3713 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
ĐẶT VẤN ĐỀ Mọi sự vật, sự việc luôn luôn có hai mặt của nó: mặt tốt và mặt xấu. Tài sản cũng vậy, ngoài ý nghĩa đáp ứng nhu cầu, lợi ích về mặt vật chất cho con người thì tài sản còn tiềm ẩn các nguy cơ, rủi ro nhất định mà chính con người cũng có thể bị thiệt hại do chính tài sản mang lại, dù có ý thức ngăn chặn, phòng ngừa đến mấy con người cũng khó có thể kiểm soát được. Xuất phát từ lý do này, dưới góc độ khoa học pháp lý, nguồn nguy hiểm cao độ đã được biết đến với nhận định là sự tiềm ẩn nguy cơ gây ra thiệt hại. Trên cơ sở đánh giá sự tiềm ẩn nguy cơ này với sự nhận định mối liên quan giữa hành vi của con người với thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ, luật dân sự quy định về vấn đề bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (một trong các trường hợp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng) GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ A. KHÁI QUÁT VỀ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG. I. Khái niệm. Khi một chủ thể có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại tới quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể được pháp luật bảo vệ thì chủ thể gây thiệt hại có thể phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi do hành vi của mình gây ra. Bồi thường trách nhiệm ngoài hợp đồng còn gọi là trách nhiệm dân sự do gây thiệt hại. Điều 604 BLDS 2005 quy định: “ 1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. 2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.” Theo quy định tại Điều 604 BLDS thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi người có hành vi trái pháp luật có lỗi gây thiệt hại cho các lợi ích hợp pháp được pháp luật bảo vệ. Ngoài ra, có những trường hợp đặc biệt người gây thiệt hại có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại kể cả khi họ không có lỗi. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một trách nhiệm pháp lý đặc biệt, phát sinh khi thỏa mãn các điều kiện do pháp luật quy định. Theo quy định tại Điều 604 BLDS năm 2005 thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi thỏa mãn các điều kiện sau đây: - Có thiệt hại xảy ra; - Có hành vi gây thiệt hại trái pháp luật; - Người gây thiệt hại có lỗi; - Mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại do hành vi trái pháp luật là căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trong trường hợp này, trách nhiệm được hiểu là nghĩa vụ của người gây thiệt hại phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại là một loại quan hệ dân sự, trong đó người xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác mà gây ra thiệt hại thì phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại. Thiệt hại bao gồm những thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Việc xác định thiệt hại về vật chất tương đối cụ thể, rõ ràng nhưng việc xác định thiệt hại về tinh thần là vấn đề hết sức khó khăn. II. Đặc điểm. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trách nhiệm mang tính chất tài sản, dựa vào sự cưỡng chế của Nhà nước hoặc thỏa thuận của các bên chủ thể. Đó là loại trách nhiệm tài sản nhằm khôi phục thiệt hại của người bị thiệt hại do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng. Hậu quả pháp lý của việc áp dụng này luôn mang đến những bất lợi về tài sản do người gây ra thiệt hại để bù đắp những tổn thất mà họ gây ra cho chủ thể khác. Chủ thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể là những công dân hay các pháp nhân. Người bị thiệt hại và người ra gây thiệt hại là các bên tham gia vào quan hệ bồi thường thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường có thể là liên đới, riêng rẽ hoặc theo phần tùy theo điều kiện, hoàn cảnh và đối tượng bị thiệt hại. III. Ý nghĩa. Việc pháp luật quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có ý nghĩa rất quan trọng. Khi một người gây thiệt hại thì họ phải có trách nhiệm khắc phục những hậu quả mà mình đã gây ra cho người bị thiệt hại. Những quy định của pháp luật sẽ bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của những chủ thể bị xâm hại. Khi một chủ thể có hành vi gây thiệt hại cho chủ thể khác thì đồng nghĩa các lợi ích hợp pháp của các chủ thể bị gây thiệt hại sẽ bị xâm hại. Đó có thể là những lợi ích về vật chất hoặc tinh thần. Những thiệt hại dù ít hay nhiều cũng đều ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của các chủ thể bị thiệt hại. Do đó, pháp luật quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là nhằm khắc phục những hậu quả về tài sản, phục hồi lại tình trạng tài sản của người bị thiệt hại trong phạm vi, khả năng nhất định, bảo đảm lợi ích của người bị thiệt hại. Giải quyết việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là áp dụng một biện pháp trách nhiệm dân sự, được thể hiện trong một bản án dân sự hay một quyết định dân sự trong một bản án hình sự. Về nguyên tắc thì thiệt hại được bồi thường một cách toàn bộ và kịp thời. Như vậy, quyền và lợi ích của các chủ thể mới được bảo vệ. Ngoài ra, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng không chỉ nhằm bảo đảm việc đền bù tổn thất đã gây ra mà còn giáo dục cho mọi người về ý thức trách nhiệm tuân thủ pháp luật, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác. B. BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO NGUỒN NGUY HIỂM CAO ĐỘ GÂY RA. I. Cơ sở lý luận. 1. Nguồn nguy hiểm cao độ. BLDS 2005 quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ tại Điều 623. Trên cơ sở quy định của BLDS 2005, tòa án nhân dân Tối cao ban hành Nghị quyết số 03/2006/NQ – HĐTP, ngày 8/7/2006 hướng dẫn các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong BLDS 2005, trong đó có hướng dẫn về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định” (khoản 1 Điều 623 BLDS 2005). Như vậy, Điều 623, BLDS 2005 cũng như hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2006/NQ – HĐTP không đưa ra khái niệm nguồn nguy hiêm cao độ mà chỉ liệt kê các đối tượng được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Qua quy định trên, ta có thể hiểu “Nguồn nguy hiểm cao độ là những vật chất nhất định do pháp luật quy định luôn tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại cho con người, con người không thể kiểm soát một cách tuyệt đối” (trích Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập 2, Lê Đình Nghị (chủ biên), Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2009). Nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại phải được hiểu là chính sự hoạt động tự thân (tự tại) của nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, mà không có tác động bởi hành vi có lỗi của con người. VD: tai nạn ô tô xảy ra do cấu tạo máy móc của xe; bình hóa chất bị nổ khi đang vận chuyển… Theo quy định tại Điều 623 BLDS 2005 thì có các loại nguồn nguy hiểm cao độ sau đây: – Phương tiện giao thông vận tải cơ giới: “Phương tiện giao thông vận tải cơ giới đường bộ gồm: xe ô tô, máy kéo, xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự kể cả xe cơ giới dành cho người tàn tật…” (khoản 18, Điều 3, Luật Giao thông đường bộ 2008). Tuy nhiên, phương tiện giao thông vận tải cơ giới không chỉ giới hạn ở đường bộ mà còn có phương tiện giao thông vận tải cơ giới đường sắt, đường thủy và đường hành không. Tùy từng trường hợp cụ thể để xác định phương tiện giao thông vận tải cơ giới nào là nguồn nguy hiểm cao độ. Về vấn đề này pháp luật Việt Nam chưa có quy định rõ. Trên thực tế, có những loại phương tiện nằm ngoài “sự kiểm soát” của pháp luật khi quy định về “nguồn nguy hiểm cao độ”, chẳng hạn như xe đạp điện, xe Babetta, Java hay máy thi công, máy xúc, máy ủi… - có thể coi đây là những loại xe tương tự theo sự liệt kê tại khoản 18, Điều 3, Luật Giao thông đường bộ 2008. Theo Bộ luật Hàng hải: “Tàu biển là tàu hoặc cấu trúc nổi di động khác chuyên dùng hoạt động trên biển” (Điều 11, Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005), tàu biển cũng được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Đối với phương tiện giao thông vận tải đường thủy nội thì tại khoản 7, Điều 3, Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004 quy định: “phương tiện thủy nội địa (sau đây gọi là phương tiện) là tàu, thuyền và các cấu trúc nổi khác, có động cơ hoặc không có động cơ, chuyên hoạt động trên đường thủy nội địa”. Đối với tàu bay là phương tiện trong hoạt động vận chuyển hàng không thì: “Tàu bay là thiết bị được nâng giữ trong khí quyền nhờ tác động tương hỗ với không khí, bao gồm máy bay, trực thăng, tàu lượn, khí cầu và các thiết bị bay khác, trừ thiết bị được nâng giữ trong khí quyển nhờ tác động tương hỗ với không khí phản lại từ bề mặt trái đất”. (khoản 1, Điều 13, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006). Đối với phương tiện giao thông vận tải đường sắt. Khoản 20, Điều 3, Luật Đường sắt 2005 quy định: “Phương tiện giao thông đường sắt là đầu máy, toa xe, toa xe động lực. phương tiện chuyên dùng di chuyển trên đường sắt”. Tuy nhiên, nếu các phương tiện chuyên dùng thô sơ di chuyển trên đường sắt thì không coi là nguồn nguy hiểm cao độ. – Hệ thống tải điện: dây truyền dẫn điện, mô tơ, máy phát điện, cầu dao…; nhà máy công nghiệp như nhà máy công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ; phương tiện giao thông vận tải cơ giới chỉ được coi là nguồn nguy hiểm cao độ khi nó “đang hoạt động”, điều đó có nghĩa là nếu nó đang ở trạng thái tĩnh thì không tạo nguy hiểm cho những người xung quanh. Hoạt động là “Vận động vận hành để thực hiện chức năng nào hoặc gây tác động vào đó: Máy móc hoạt động bình thường theo dõi hoạt động của cơn bão”. Như vậy, phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang “hoạt động” có nghĩa là có sự vận hành của các loại tài sản này. Đối với phương tiện giao thông vận tải cơ giới: Hoạt động của xe cơ giới có thể là hoạt động di chuyển (cơ học hoặc điều khiển) hoặc không di chuyển nhưng thiết bị đang được vận hành, VD: xe nổ máy nhưng chưa di chuyển. Đối với hệ thống tải điện: Phải có dòng điện chạy qua. Đối với nhà máy công nghiệp: Phải đang trong quá trình vận hành, sản xuất. – Vũ khí: vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn, công cụ hỗ trợ… – Chất cháy, chất nổ là chất lỏng, chất khí, chất rắn… dễ gây ra cháy nổ. Chất cháy có đặc tính tự bốc cháy khi tiếp xúc với oxi trong không khí, nước hoặc dưới tác động của các yếu tố khác ở nhiệt độ cao hoặc không cao (diêm, photpho, lưu huỳnh, xăng dầu…). Chất nổ với khả năng gây nổ mạnh, nhanh tỏa nhiệt và ánh sáng (thuốc nổ, thuốc pháo, thuốc súng…). – Chất độc là những chất có độc tính cao, rất nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của con người, động vật, cũng như đối với môi trường xung quanh; các chất có thể gây hư hại, bệnh, hoặc tử vong cho các cơ thể, thường bằng các phản ứng hóa học hoặc các hoạt tính khác trên phạm vi phân tử, khi một số lượng vừa đủ được cơ thể sinh vật hấp thụ vào (VD: các chất độc bảng A như Aconitin và các loại muối của nó, kẽm photpho, nicotin…). – Chất phóng xạ là “chất ở thể rắn, lỏng hoặc khí có hoạt động phóng xạ riêng lớn hơn 70KBO/KG. Chất phóng xạ là nhân tố sát thương của vũ khí hạt nhân gồm những đồng vị không bền của các nguyên tố hóa học (urani, radi…), có khả năng phát ra những chùm tia phóng xạ không nhìn thấy gây bệnh hoặc gây nhiễm xạ đối với người, động vật và môi trường sống. – Thú dữ là động vật bậc cao, có lông mao, có tuyến vú, nuôi con bằng sữa, lớn, rất dữ, có thể làm hại người. VD: hổ, báo, sư tử, gấu… Cẩn phân biệt giữa vật nuôi gây thiệt hại trong trường hợp nó hung dữ (VD: chó, mèo, vật nuôi khác bị bệnh dại cắn người…) với thiệt hại do thú dữ được coi là nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Nếu vật nuôi trong gia đình bị dại gây thiệt hại thì thuộc trường hợp bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra, còn thiệt hại do thú dữ gây ra sẽ thuộc trường hợp thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Thú dữ gây thiệt hại để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phải đang chịu sự quản lý của một chủ thể nhất định, nếu không có sự quản lý (ở môi trường tự nhiên, thiên nhiên hoang dã) thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng không phát sinh, mặc dù tài sản này thuộc sở hữu của Nhà nước. VD: đàn voi dữ ở trong rừng bỗng nhiên vào làng có người dân sinh sống, gây thiệt hại về người và phá hại hoa màu, tài sản… Với ý nghĩa luôn tiềm ẩn nguy cơ, khả năng gây thiệt hại cho con người và thế giới xung quanh của nguồn nguy hiểm cao độ nên BLDS quy định: “Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật”. Quy định này đòi hỏi chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ, người được giao trông coi, chiếm hữu, sử dụng, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ phải tuyệt đối tuần thủ các quy định của pháp luật trong từng trường hợp, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. Việc xác định người xung quanh và người không được coi là người xung quanh của nguồn nguy hiểm cao độ có ý nghĩa về mặt pháp lý trong việc xác định người bị nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại do sự hoạt động được hưởng bồi thường theo trách nhiệm dân sự hay theo chế độ bảo hiểm xã hội đối với công chức, viên chức bị nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại trong khi thực hiện nhiệm vụ hoặc điều khiển, vận hành, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ. Nguyên tắc bồi thường khi bị thiệt hại là bị thiệt hại bao nhiêu thì được hưởng bồi thường bấy nhiêu và được hưởng toàn bộ khoản tiền bồi thường thiệt hại một lần và kịp thời. Nếu người bị thiệt hại được xác định không phải người xung quanh nhưng lại bị chính nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại thì không được hưởng bồi thường theo trách nhiệm dân sự, mà được hưởng chế độ đối với công chức, viên chức bị nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại trong khi đang thực hiện nhiệm vụ liên quan đến việc sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ. Nhà nước có rất nhiều ưu đãi đối với trường hợp này, như xem xét về hưu sớm, hưởng trợ cấp suốt đời, hưởng chính sách của Nhà nước về thương binh, bệnh binh và trong trường hợp người này chết thì người thân được hưởng tiền tử tuất và các chế độ ưu đãi khác của Nhà nước theo quy định của pháp luật. 2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Điều 623 BLDS năm 2005 quy định: “2. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác. 3. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây: a) Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; b) Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 4. Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại. Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại”. Quy định trên cho ta thấy phân biệt trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra rất quan trọng trong việc xác định việc ai là người phải bồi thường. – Nếu nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho người khác trong trường hợp chủ sở hữu đang trực tiếp chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ, kể cả trong trường hợp chủ sở hữu của nguồn nguy hiểm cao độ ko có lỗi. – Nếu chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường thiệt hại trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Việc chuyển giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ được thực hiện theo quy định của pháp luật (Nhà nước giao cho các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước), hoặc theo hoạt động hợp pháp (cho thuê, mượn). Nếu nguồn nguy hiểm cao độ “giao” cho người sử dụng theo nghĩa lao động thì không được coi là “chuyển giao”. Người chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp (thuê, mượn) nguồn nguy hiểm cao độ là người “chuyển giao” cho người có nghĩa vụ lo động phải bồi thường do nguồn nguy hiểm cao độ đó gây ra. Người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cho người khác, kể cả khi không có lỗi. Nguyên tắc xác định người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra không áp dụng trong các trường hợp: + Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại. VD: tàu đang chạy, nhưng có người vẫn lao vào để tự tử… + Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ hoặc người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không có lỗi khi nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho người khác, thì vẫn có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra theo trách nhiệm dân sự, nhưng người này không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu chủ sở hữu hoặc người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ mà có lỗi vô ý hoặc cố ý để nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho người khác, thì ngoài trách nhiệm dân sự là bồi thường toàn bộ thiệt hại, họ còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy, chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ dù có lỗi hay không có lỗi đều có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cho người khác. Sự khác biệt giữa hành vi có lỗi hoặc không có lỗi khi chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho người khác được thể hiện ở những loại trách nhiệm pháp lý khác nhau. – Vậy trong trường hợp khi nguồn nguy hiểm cao độ của chủ sở hữu bị trộm, cướp dưới các hình thức thuộc hành vi chiếm đoạt trái pháp luật thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại? Tại khoản 4, Điều 623 BLDS quy định về trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại. Theo quy định này, trách nhiệm của chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ không phát sinh khi nguồn nguy hiểm cao độ của chủ sở hữu bị người khác chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại cho người thứ ba. Nhưng trong trường hợp chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại. Sự kiện này thường phát sinh trong xã hội và phổ biến ở trường hợp chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ tuy đã biết hoặc trong hoàn cảnh có thể biết được một người không có quyền sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ nhưng vẫn giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ và người này đã gây thiệt hại cho người thứ ba. Xác định trách nhiệm dân sự do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, để có căn cứ áp dụng các quy phạm pháp luật trong việc xác định chủ thể bồi thường thiệt hại. Trên thực tế luôn phát sinh và tồn tại những sự kiện mà theo đó nếu không có căn cứ để xác định, thì rất có thể còn có sự nhầm lẫn trong việc xác định trách nhiệm dân sự do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra với trách nhiệm dân sự do hành vi trái pháp luật gây ra. Đối với một phương tiện cơ giới đang hoạt động mà gây ra thiệt hại, thì trong trường hợp này trách nhiệm bồi thường được xác định do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; ngược lại trong trường hợp khác thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại đó lại thuộc về người có hành vi trái pháp luật gây ra. Việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra hay do hành vi trái pháp luật gây ra, luôn luôn phải dựa trên các điều kiện phù hợp để xác định các loại trách nhiệm dân sự đó. Nếu xác định sai loại trách nhiệm này, sẽ dẫn đến việc xác định trách nhiệm không đúng chủ thể phải bồi thường thiệt hại. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là một loại trách nhiệm dân sự về tài sản. Trách nhiệm dân sự này không cần điều kiện lỗi. 3.Điều kiện làm phát sinh trách nhiệm dân sự do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Người có hành vi trái pháp luật có trách nhiệm bồi thường những thiệt hại do mình gây ra cho người bị thiệt hại theo nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời. Mức bồi thường thiệt hại mà người có hành vi trái pháp luật phải thực hiện đối với người bị thiệt hại, dựa trên những thiệt hại thực tế xác định được và theo quy định của pháp luật hoặc các bên thỏa thuận về mức bồi thường thiệt hại, với điều kiện thỏa thuận đó không trái pháp luật và không trái đạo đức xã hội. 3.1. Có thiệt hại xảy ra. Thiệt hại được hiểu là sự giảm bớt những lợi ích vật chất của một người xác định được trên thực tế và những thiệt hại gián tiếp chắc chắn xảy ra. Thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ là do sự hoạt động của các phươn tiện cơ giới…, do vậy những thiệt hại gây ra cho người bị hại là tài sản, sức khỏe, tính mạng. Trách nhiệm dân sự do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra không có trách nhiệm do xâm phạm danh dự, nhân phẩm. Cũng giống như trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong những trường hợp riêng biệt nói riêng, thiệt hại được coi là điều kiện tiền đề, điều kiện cơ sở để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nếu không có thiệt hại thì không bao giờ phát sinh trách nhiệm bồi thường. 3.2.Có hoạt động gây thiệt hại trái pháp luật của nguồn nguy hiểm cao độ. Thiệt hại liên quan đến các loại nguồn nguy hiểm cao độ rất đa dạng và do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, chỉ áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra khi thỏa mãn hai dấu hiệu sau: Thứ nhất: Những vật được coi là nguồn nguy hiểm cao độ phải đang trong trạng thái vận hành, hoạt động như: phương tiện giao thông vận tải cơ giới đang tham gia giao thông trên đường; cháy, chập hệ thống tải điện; nhà máy công nghiệp đang hoạt động… Trường hợp thiệt hại xảy ra khi nguồn nguy hiểm cao độ đang ở trạng thái “tĩnh”, không hoạt động thì không thể coi là thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, ví dụ: xe ô tô dừng đỗ trên đỉnh dốc nhưng theo quán tính trượt xuống chân dốc gây thiệt hại; cột điện bị đổ trong lúc đang thi công, chưa có điện; thú dữ chết thối rữa gây dịch bệnh… Thứ hai: thiệt hại phải do chính sự tác động của bản thân nguồn nguy hiểm cao độ hoặc do hoạt động nội tại của nguồn nguy hiểm gây ra. Không phải mọi thiệt hại do vật gây ra đều có sự tác động của con người, điều này bác bỏ quan điểm vật là vô tri vô giác, vì vậy chúng không thể gây thiệt hại nếu không có sự tác động của con người. Nhiều trường hợp, hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ nằm ngoài sự kiểm soát của con người. Việc xác định thiệt hại là do “tác động của người” hay “tác động của vật” có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Những trường hợp thiệt hại có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ do hành vi của con người gây ra thì chỉ cần áp dụng nguyên tắc chung của trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Hầu hết các vụ tai nạn, thiệt hại đều có sự tham gia của vật với vai trò trung gian như là công cụ, phương tiện mà con người sử dụng để gây thiệt hại (đặt mìn để đánh cá; dùng súng sát thương người khác; lái xe phóng nhanh, vượt ẩu gây tai nạn; dùng chất độc để đầu độc người khác; dùng nguồn điện để gài bẫy trộm…) Những trường hợp này thiệt hại hoàn toàn do hành vi có chủ ý của con người chứ không phải do tự thân nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại. Trường hợp thiệt hại xảy ra do hoạt động nội tại của nguồn nguy hiểm cao độ, hoàn toàn độc lập và nằm ngoài sự quản lý, kiểm soát của con người thì sẽ áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra (xe ô tô đang chạy đột nhiên mất phanh, mất lái hoặc nổ lốp gây ra thiệt hại; cháy nổ trong nhà máy do trục trặc kỹ thuật…). Hoạt động gây thiệt hại của nguồn nguy hiểm cao độ phải có tính trái pháp luật. Có nhiều trường hợp do đặc tính của nguồn nguy hiểm cao độ mà việc gây thiệt hại của những phương tiện này không bị coi là trái pháp luật. Ví dụ: Tàu đang chạy trên đường ray nhưng có người cố tình lao vào để tự tử…, để bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, những thiệt hại trên đường sắt do tàu hỏa gây ra cho các chủ thể khác không bị coi là trái pháp luật và ngành đường sắt không có trách nhiệm bồi thường. Bên cạnh đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra cũng loại trừ các trường hợp thiệt hại xảy ra do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng, tình thế cấp thiết (Khoản 3, Điều 623 BLDS). Nói chung, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là trách nhiệm đối với sự kiện gây thiệt hại trái pháp luật của nguồn nguy hiểm cao độ chứ không phải thiệt hại do hành vi của con người. 3.3. Có mối quan hệ nhân quả giữa hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ và thiệt hại xảy ra. Điều kiện này đòi hỏi hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ là nguyên nhân tất yếu, nguyên nhân có ý nghĩa quyết định dẫn đến thiệt hại và thiệt hại xảy ra là kết quả của hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ. Thiệt hại xảy ra phát sinh trách nhiệm bồi thường, tuy nhiên để có thể phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì thiệt hại xảy ra phải trực tiếp do bản thân nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại. Nếu thiệt hại do hành vi trái pháp luật của con người gây ra mà có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ thì không áp dụng Điều 623 để giải quyết mà đây là trường hợp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thông thường do hành vi trái pháp luật của con người gây ra. Điều kiện về lỗi không có ý nghĩa đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, kể cả khi chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ không có lỗi vẫn phải bồi thường trừ trường hợp do pháp luật qui định. II. Cơ sở thực tiễn. 1.Thực tiễn áp dụng về việc bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Nguồn nguy hiểm cao độ luôn tạo ra mối nguy hiểm cho những người xung quanh, mặc dù chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa nhưng không thể kiểm soát một cách tuyệt đối khả năng gây thiệt hại của nguồn nguy hiểm cao độ. BLDS đã quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ là một “loại trác nhiệm dân sự nâng cao”. Trên thực tế việc giải quyết các vụ kiện về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra gặp rất nhiều khó khăn do các quy định của pháp luật còn một số hạn chế. Sau đây là một số trường hợp cụ thể về vấn đề bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. – Trường hợp 1: Anh Phạm Văn Nam ở Hà Nội làm nghề chuyển phát thư báo cho bưu điện. Trong một lần anh Nam được bưu điện giao xe ô tô để chuyển bưu phẩm đến một địa chỉ ở Phố Huế, khi đang di chuyển thì có một xe máy do phóng nhanh vượt ẩu, đi ngược chiều đã đâm vào xe ôtô do anh Nam điều khiển, người điều khiển xe máy ngã ra đường bị thương nặng, xe máy bị hư hỏng hoàn toàn. Để xác định ai là người phải bồi thường trong trường hợp này ta cần phải hiểu rõ các vẫn đề sau: - Tại điều 617 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình, nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường. - Theo quy định tại điều 623 Bộ luật Dân sự thì chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây: Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ được chuyển giao cho người khác theo nghĩa vụ lao động: Nếu thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong quá trình người lao động quản lý, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo nhiệm vụ được giao thì trách nhiệm bồi thường thuộc về chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ. Nếu người được giao quản lý, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo nghĩa vụ lao động nhưng lại sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ vào mục đích khác không theo nhiệm vụ mà gây thiệt hại thì họ phải tự chịu trách nhiệm. Trường hợp này, bưu điện đã giao cho xe ô tô cho anh Nam để chuyển bưu phẩm, anh Nam có trách nhiệm sử dụng, quản lý. Vậy bưu điện nơi anh Nam làm việc có trách nhiệm bồi thường khi có thiệt hại xảy ra, nếu như anh đi đúng luật an toàn giao thông. Ở đây, người điều khiển xe máy đã phóng nhanh, vượt ẩu, đi ngược chiều đâm vào xe ôtô do anh Nam lái, người lái xe máy bị thương, xe máy bị hỏng hoàn toàn. Nếu cơ quan công an xác định nguyên nhân gây tai nạn là hoàn toàn do lỗi cố ý của người điều khiển xe máy thì bưu điện nơi anh Nam làm việc không phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp 2: Gia đình anh Nguyễn Văn A (50tuổi) và chị Phạm Thị H (47tuổi) trú tại xã Duy Tân, Duy Tiên, Hà Nam. Trong ngôi nhà này còn có cha mẹ anh Lịch tuổi đã ngoài 80, đi lại rất khó khăn và 2 đứa con nhỏ của vợ chồng anh bị nhiễm chất độc da cam, với thân thể ốm yếu, quặt quẹo. Trước đây anh làm thợ hàn điện, nhưng do sức khỏe ngày một giảm sút nên bỏ nghề, vợ anh bán rau ở chợ. Hoàn cảnh kinh tế khó khăn, vợ chồng anh vay mượn tiền của người thân mua một con trâu để đi cày ruộng thuê cho bà con trong thôn kiếm thêm tiền nuôi sống gia đình. Tiền kiếm được từ việc đi cày thuê đã tăng thêm thu nhập cho gia đình anh. Ngày 15/10/2009 anh A dắt trâu ra đồng làm việc, khi đi ngang qua đoạn đường điện bắt ngang qua làng, con trâu của anh A bị vướng vào đoạn dây điện bị đứt buông xuống đường, và con trâu bị điện giật chết. Anh A đã lên công an xã báo cáo vụ việc trên, đòi bồi thường cho con trâu nhà mình và yêu cầu chi nhánh điện phải sửa chữa lại ngay đường điện này. Không còn trâu để đi cày, thu nhập chỉ trông đợi vào tiền bán rau của chị H, cuộc sống gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Trong trường hợp này, hệ thống dây dẫn điện ở đây có dòng điện chạy qua, vậy đây được coi là nguồn nguy hiểm cao độ (khoản 1, Điều 623 BLDS 2005). Theo quy định tại Điều 623 BLDS 2005, chủ thể phải bồi thường ở đây là chi nhánh điện quản lý đường điện này, chi nhánh điện này đã không tuân thủ các quy định bảo quản, trông giữ, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ dẫn đến thiệt hại cho con trâu nhà anh A. Về vụ việc này, công an xã Duy Tân, Duy Tiên, Hà Nam đã có biên bản hiện trường về vụ con trâu nhà anh A bị điện giật chết, có đầy đủ chữ ký xác nhận của đại diện chính quyền và công xã Duy Tân, chi nhánh điện Hà Nam. Theo biên bản, vào sáng ngày 15/10/2009, anh A lùa trâu ra đồng, con trâu đi vướng vào sợi dây điện và bị điện giật chết. Theo điều tra, đoạn đường này đang sửa chữa đường điện, chi nhánh điện đã tháo những đoạn dây điện cũ bị hỏng và lắp thêm dây điện mới, nhưng do làm việc thiếu trách nhiệm nên khi chi nhánh điện này làm việc xong vẫn còn rất nhiều dây điện lằng nhằng buông thõng xuống đường. Những đoạn dây điện này không biết có điện hay không tất cả nhưng đều đã hỏng và lộ cả lõi thép bên trong, rất nguy hiểm. Điều bức xúc là đã hơn một năm trôi qua mà Chi nhánh Điện Hà Nam vẫn không đền bù thiệt hại làm cho gia đình anh A, đã nghèo lại càng thêm khốn khó”. Khi xảy ra sự việc con trâu bị điện giật chết, ông Thọ là trưởng công an xã cùng đại diện các cơ quan liên quan có mặt tại hiện trường làm biên bản, Chi nhánh Điện Hà Nam đã ký biên bản nhận sai sót và chịu trách nhiệm bồi thường. Từ đó, ông Thọ nghĩ rằng, sự việc đã được giải quyết ổn thỏa, không ngờ Chi nhánh Điện Hà Nam vẫn chưa đền bù thiệt hại cho nhà anh A. Với một gia đình nghèo khó như hộ anh Nguyễn Văn A thì chính quyền xã Duy Tân, Duy Tiên, Hà Nam cần có động thái can thiệp để chi nhánh điện Hà Nam bồi thường thiệt hại về con trâu bị điện giật chết; tạo điều kiện cho họ làm ăn, ổn định cuộc sống… và phải hoàn thiện đường điện nguy hiểm trên để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra. 2. Những bất cập và phương hướng hoàn thiện pháp luật dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Mặc dù Bộ luật dân sự năm 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành bộ luật này (như Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP) đều đã quy định khá rõ ràng về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, tuy nhiên vẫn còn nhiều quy định bất cập, gây ra những tranh cãi, quan điểm khác nhau trên thực tế áp dụng. - Thứ nhất: Về khái niệm thế nào là nguồn nguy hiểm cao độ. Điều 623, BLDS 2005 cũng như hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2006/NQ – HĐTP không đưa ra khái niệm nguồn nguy hiểm cao độ mà chỉ liệt kê các đối tượng được coi là nguồn nguy hiểm cao độ, vì vậy không đầy đủ, thậm chí không thống nhất với các quy định trong các văn bản pháp luật khác. Vì vậy, pháp luật nên đưa ra tiêu chí chung để được coi là nguồn nguy hiểm cao độ chứ không chỉ liệt kê những vật được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. - Thứ hai: Về điều kiện áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, khi nào áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại nói chung và khi nào áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra dẫn đến có những cách hiểu và áp dụng không thống nhất trên thực tế. Nhiều người nhận định rằng cứ thấy thiệt hại có liên quan đến nguồn nguy hiểm cao độ là áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, bất kể nguyên nhân gây thiệt hại là do con người hay do tự thân nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Ví dụ trong trường hợp: “Xe ô tô đang tham gia giao thông theo đúng quy định của pháp luật thì bất ngờ có người lao vào xe để tự tử và hậu quả là người này bị thương hoặc bị chết”. Ví dụ này có thể dẫn đến cách hiểu loại trừ trường hợp người bị thiệt hại cố ý lao vào xe ô tô tự tử thì mọi thiệt hại do xe ô tô gây ra đều áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Vì vậy, pháp luật cần có quy định rõ ràng về việc trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra chỉ phát sinh khi thiệt hại là do sự tác động tự thân của nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. - Thứ ba: Cần phân định rõ ràng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong trường hợp chủ sở hữu đã chuyển giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác chiếm hữu, sử dụng, cụ thể là trường hợp chuyển giao theo quan hệ lao động và chuyển giao theo quan hệ dân sự. + Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ được chuyển giao cho người khác theo nghĩa vụ lao động: Nếu thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong quá trình người lao động quản lý, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo nhiệm vụ được giao thì trách nhiệm bồi thường thuộc về chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ. Nếu người được giao quản lý, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo nghĩa vụ lao động nhưng lại sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ vào mục đích khác không theo nhiệm vụ mà gây thiệt hại thì họ phải tự chịu trách nhiệm. + Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ được chuyển giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng theo một giao dịch dân sự. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trước tiên căn cứ vào sự thỏa thuận giữa các bên khi giao kết hợp đồng. Nếu các bên không có thỏa thuận ai phải chịu trách nhiệm bồi thường thì áp dụng nguyên tắc chung của pháp luật, bên mượn, thuê… là những người chiếm hữu, sử dụng tài sản có căn cứ pháp luật, vì vậy họ có nghĩa vụ trông coi, quản lý nguồn nguy hiểm cao độ, không để tài sản mình quản lý gây thiệt hại cho người khác. Trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại khi đang thuộc quyền chiếm hữu, sử dụng của họ thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường. - Thứ tư: Pháp luật chưa có quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với những thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ trong tự nhiên gây ra cho các chủ thể khác; Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp cơ quan Nhà nước chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ thuộc sở hữu của các cá nhân, tổ chức để phục vụ lợi ích công cộng như: trưng dụng, tạm giữ… KẾT LUẬN Nguồn nguy hiểm cao độ là một loại “tài sản” hoạt động đặc biệt có khả năng gây thiệt hại cho những người xung quanh, cho nên việc bảo quản, vận hành, sản xuất phải tuân thủ theo những quy định nghiêm ngặt về an toàn kỹ thuật, trình tự, quá trình khai thác chúng. Nếu chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để người khác chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật, thì phải liên đới bồi thường cùng với người chiếm hữu hợp pháp bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Tuy nhiên, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trước tiên thuộc về chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại cho những người xung quanh. MỤC LỤC ĐẶT VẤN ĐỀ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ A. KHÁI QUÁT VỀ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG. I. Khái niệm. II. Đặc điểm. III. Ý nghĩa. B. BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO NGUỒN NGUY HIỂM CAO ĐỘ GÂY RA. I. Cơ sở lý luận. 1. Nguồn nguy hiểm cao độ. 2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. 3.Điều kiện làm phát sinh trách nhiệm dân sự do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. 3.1. Có thiệt hại xảy ra. 3.2.Có hoạt động gây thiệt hại trái pháp luật của nguồn nguy hiểm cao độ. 3.3. Có mối quan hệ nhân quả giữa hoạt động của nguồn nguy hiểm cao độ và thiệt hại xảy ra. II. Cơ sở thực tiễn. 1.Thực tiễn áp dụng về việc bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. 2. Những bất cập và phương hướng hoàn thiện pháp luật dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. KẾT LUẬN DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập 2, Nxb. CAND, Hà Nội, 2009. Lê Đình Nghị (chủ biên), Giáo trình luật dân sự Việt Nam, Tập 2, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2009. Bộ luật dân sự năm 2005 Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8/7/2006 hưỡng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Phùng Trung Tập, Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về tài sản, sức khỏe, tính mạng, Nxb. Hà Nội, 2009. Wedsite:

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docTrách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.doc
Luận văn liên quan