Trong lịch sử pháp luật thế giới, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một trong những chế định có sớm nhất của pháp luật dân sự.Trải qua các thời kỳ lịch sử và ở những nước khác nhau quy định về người phải bồi thường cũng như mức độ bồi thường cũng có sự khác biệt.Vấn đề này phụ thuộc vào quan điểm giai cấp, điều kiện kinh tế -xã hội của mỗi quốc gia.
Pháp luật dân sự Việt Nam cũng quan tâm tới vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Những thiệt hại đó có thể là xâm phạm về tài sản; sức khỏe, tính mạng; danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Trong đó trách nhiệm bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín là một vấn đề đáng quan tâm bởi tính thời sự cũng như những vướng mắc của vấn đề chưa được giải quyết.Chính bởi lý do đó, trong bài viết sau đây sẽ phân tích cụ thể về vấn đề “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.”. Một số vấn đề lý luận và thực tiễn.
23 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 4872 | Lượt tải: 2
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
PHẦN MỞ ĐẦU.
Trong lịch sử pháp luật thế giới, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một trong những chế định có sớm nhất của pháp luật dân sự.Trải qua các thời kỳ lịch sử và ở những nước khác nhau quy định về người phải bồi thường cũng như mức độ bồi thường cũng có sự khác biệt.Vấn đề này phụ thuộc vào quan điểm giai cấp, điều kiện kinh tế -xã hội của mỗi quốc gia.
Pháp luật dân sự Việt Nam cũng quan tâm tới vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Những thiệt hại đó có thể là xâm phạm về tài sản; sức khỏe, tính mạng; danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác. Trong đó trách nhiệm bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín là một vấn đề đáng quan tâm bởi tính thời sự cũng như những vướng mắc của vấn đề chưa được giải quyết.Chính bởi lý do đó, trong bài tiểu luận này, em xin được chọn đề tài: “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.” để hiểu rõ hơn về vấn đề.
PHẦN NỘI DUNG
A.CƠ SỞ LÝ LUẬN
I.Khái niệm trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác là một trong những loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.Vậy bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì?
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng còn gọi là trách nhiệm dân sự do gây thiệt hại. Đây là một trong những chế định quan trọng trong luật dân sự.Theo quy định tại Điều 281 BLDS năm 2005 thì một trong những căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ dân sự là sự kiện “gây thiệt hại do hành vi trái pháp luật”. Đây cũng là căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Trách nhiệm được hiểu là bổn phận, nghĩa vụ của người gây thiệt hại phải bồi thường cho người bị thiệt hại.Nhà làm luật trong trường hợp này đã đồng nghĩa trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với “ nghĩa vụ phát sinh do hành vi trái pháp luật”. Điều 604 BLHS đã xác định sự đồng nghĩa này bằng quy định “người nào do lỗi cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến tính mạng sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.
Như vậy có thể nêu lên khái niệm về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác đó là: một loại quan hệ dân sự trong đó người xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà gây ra thiệt hại phải bồi thường những thiệt hại do mình gây ra.
II.Khái niệm danh dự, nhân phẩm, uy tín.
Pháp luật Việt Nam có nhiều quy định nhằm bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân và bảo vệ danh dự, uy tín của tổ chức.Tuy nhiên, trong toàn bộ các quy định hiện hành không nêu khái niệm danh dự, nhân phẩm, uy tín. Bởi vậy, trước hết, cần phải xác định thế nào là danh dự, nhân phẩm, uy tín. Có nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm danh dự, nhân phẩm, uy tín, nhưng ta có thể hiểu như sau:
Danh dự: Đối với cá nhân, danh dự là sự đánh giá của xã hội đối với một cá nhân về các mặt đạo đức, phẩm chất chính trị và năng lực của người đó. Danh dự của một con người được hình thành từ những hành động và cách cư xử của người đó, từ công lao và thành tích mà người đó có được.
Đối với tổ chức, danh dự là sự đánh giá của xã hội và sự tín nhiệm của mọi người đối với hoạt động của tổ chức đó.
Nhân phẩm là phẩm giá con người, là giá trị tinh thần của một cá nhân với tính cách là một con người.
Uy tín: đối với cá nhân, uy tín là giá trị về mặt đạo đức và tài năng được công nhận ở một cá nhân thông qua hoạt động thực tiễn của mình tới mức mà mọi người trong một tổ chức, một dân tộc cảm phục tôn kính và tự nguyện nghe theo.
Đối với tổ chức, uy tín là những giá trị tốt đẹp mà tổ chức đạt được trong quá trình hoạt động và được mọi người công nhận.
Với những nội dung nói trên thì danh dự, nhân phẩm, uy tín của mỗi cá nhân có mối quan hệ gắn bó và tác động qua lại lẫn nhau. Nó gắn liền với nhân thân của mỗi người, không thể chuyển giao cho người khác. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của mỗi cá nhân được hình thành dần dần trong cuộc sống, nghề nghiệp, quan hệ xã hội của họ.Tùy theo nhân cách, lối sống, thái độ ứng xử, tài năng, đạo đức mà ảnh hưởng của họ đối với xã hội cũng khác nhau.Do đó uy tín, danh dự, nhân phẩm của mỗi người có những cấp độ khác nhau. Mặc dù vậy, danh dự, nhân phẩm và uy tín của mỗi cá nhân là thiêng liêng về mặt tinh thần và cần được bảo vệ như nhau.
III.Cơ sở pháp lý của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự ,nhân phẩm, uy tín của người khác.
Cơ sở của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín được quy định tại Điều 611 của BLDS là xuất phát từ nguyên tắc chung của hiến pháp năm 1992 (Điều 12) và các nguyên tắc cơ bản được quy định tại chương I BLDS, trong đó phải kể đến các nguyên tắc được quy định tại các Điều 9,10,24. Điều 9 quy định : “ tất cả các quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”.Điều 10 quy định : “.. Việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm dến lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng, quyền lợi ích hợp pháp của người khác”. Các nguyên tắc được quy định tại các điều này là nhằm cấm các chủ thể “không được xâm phạm” vào các quan hệ đó. Nếu chủ thể nào “xâm phạm” sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế với mục đích khôi phục những hậu quả do hành vi trái pháp luật gây ra. Đây chính là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp dồng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng nhằm khôi phục tình trạng ban đầu của người bị thiệt hại.
Bên cạnh đó ở nước ta, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín là quyền hiến định, được quy định trong văn bản pháp luật có hiệu lực cao nhất là Hiến pháp.Theo Hiến pháp năm 1992, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín là một trong những quyền cơ bản của công dân. Quyền này được quy định rõ nhất tại Điều 71 Hiến pháp 1992 (sửa đổi) như sau: “Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm. Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật. Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân”. Cùng với Điều 71, quy định tại Điều 72 và Điều 73 Hiến pháp 1992 cũng nhằm bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân.
Có ý kiến cho rằng chỉ xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, tài sản mới gây hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân, tổ chức và cần phải bảo vệ. Ý kiến này hoàn toàn không chính xác. Mặc dù danh dự, nhân phẩm, uy tín là những giá trị nhân thân không trị giá được bằng tiền, tuy nhiên, xâm phạm đến những giá trị này có thể ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của chủ thể bị xâm phạm.Thiệt hại mà chủ thể bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín phải gánh chịu bao gồm cả thiệt hại vật và tổn thất tinh thần. Tổ chức bị xâm phạm danh dự, uy tín có thể bị giảm thu nhập, thậm chí bị tuyên bố phá sản; cá nhân bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín cũng có thể bị giảm thu nhập, ảnh hưởng đến hoạt động nghề nghiệp, đến các mối quan hệ xã hội, thậm chí đến sức khoẻ, tính mạng. Rõ ràng, hậu quả mà chủ thể bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín phải gánh chịu cũng rất nghiêm trọng. Đây chính là cơ sở để bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín.
Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín được quy định cụ thể hơn trong các văn bản pháp luật của nhiều ngành luật khác nhau tạo thành một hệ thống các quy định pháp luật về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín.
Pháp luật dân sự đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ quyền đối với danh dự, nhân phẩm, uy tín. Có thể nói, pháp luật dân sự quy định chi tiết, cụ thể và đầy đủ nhất về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín được quy định trong Bộ luật dân sự năm 2005 (Điều 31, Điều 37, Điều 38, Điều 611) và các văn bản luật khác như Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 (Điều 21), Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (Điều 204, Điều 205), Luật báo chí năm 1999 (Điều 9).
Trong Bộ luật dân sự năm 2005, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín được quy định tại Điều 37 “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.” .Đặc biệt là Điều 611 BLDS quy định một cách cụ thể,chi tiết về thiệt hại do danh dự nhân phẩm uy tín bị xâm hại.
Cá nhân, tổ chức bị xâm phạm quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ. Sau khi xem xét hành vi xâm phạm quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có thể ra quyết định (đối với Toà án là bản án, quyết định) với một hoặc một số nội dung: công nhận quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình; buộc bên xâm phạm quyền phải chấm dứt hành vi vi phạm; buộc bên xâm phạm quyền phải xin lỗi, cải chính công khai; buộc bên xâm phạm quyền phải thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bên xâm phạm quyền phải bồi thường thiệt hại.
B.TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO XÂM PHẠM DANH DỰ, NHÂN PHẨM, UY TÍN CỦA NGƯỜI KHÁC.
I.NHỮNG QUY ĐỊNH CỦA LUẬT DÂN SỰ VỀ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO XÂM PHẠM DANH DỰ, NHÂN PHẨM, UY TÍN CỦA NGƯỜI KHÁC.
1.Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Xuất phát từ những quy định, những nguyên tắc của pháp luật nói chung và luật dân sự nói riêng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác phát sinh khi có điều kiện sau:
- Có thiệt hại xảy ra:
Thiệt hại là những tổn thất thực tế được tính thành tiền, do việc xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, tài sản của cá nhân, tổ chức
+ Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm uy tín bị xâm hại bao gồm chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút do danh dự, nhân phẩm,uy tín bị xâm hại.
+ Thiệt hại do bị tổn thất về tinh thần. Bộ luật Dân sự quy định: Toà án có thể buộc người xâm hại "bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại, người thân thích gần gũi của nạn nhân".
Những quy định này chỉ định hướng nhưng chưa có tính định lượng trong việc bồi thường thiệt hại. Bởi vậy, Toà án là người phải xác định trong trường hợp nào được bồi thường, bồi thường bao nhiêu, bồi thường cho ai...
- Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật:
Quyền được bảo vệ danh dự, uy tín, nhân phẩm là một quyền tuyệt đối của mọi công dân, tổ chức. Mọi người đều phải tôn trọng những quyền đó của chủ thể khác, không được thực hiện bất cứ hành vi nào "xâm phạm" đến các quyền đó. Bởi vậy, Điều 611 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.Việc "xâm phạm" mà gây thiệt hại có thể là hành vi vi phạm pháp luật hình sự, hành chính, dân sự, kể cả những hành vi vi phạm đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, vi phạm các quy tắc sinh hoạt trong từng cộng đồng dân cư...
- Có lỗi của người gây thiệt hại.
Người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm dân sự khi họ có lỗi. Xét về hình thức lỗi là thái độ tâm lý của người có hành vi gây thiệt hại, lỗi được thể hiện dưới dạng cố ý hay vô ý.
Lỗi là một trong bốn điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói riêng và trách nhiệm dân sự nói chung.Con người phải chịu trách nhiệm khi họ có lỗi, có khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình. Bởi vậy, những người không có khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình sẽ không có lỗi trong việc thực hiện các hành vi đó.
Tuy nhiên, có trường hợp người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của họ hoặc thiệt hại do lỗi cố ý của người bị thiệt hại, thì không phải bồi thường.
- Có mối liên hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật:
Thiệt hại xảy ra là kết quả của hành vi trái pháp luật hay ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân của thiệt hại xảy ra. Điều này được quy định tại Điều 611 Bộ luật Dân sự dưới dạng: "Người nào... xâm phạm... mà gây thiệt hại... thì phải bồi thường". Ở đây chúng ta có thể thấy hành vi đó có mối liên hệ giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật.
Tuy nhiên, việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra trong nhiều trường hợp rất khó khăn. Do đó cần phải xem xét, phân tích, đánh giá tất cả các sự kiện liên quan một cách thận trọng, khách quan và toàn diện. Từ đó mới có thể rút ra được kết luận chính xác về nguyên nhân, xác định đúng trách nhiệm của người gây thiệt hại.
2.Nguyên tắc bồi thường.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một chế định độc lập của pháp luật dân sự.Chế định này bao trùm cả trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong quan hệ nhân thân. Do đó, nghiên cứu các nguyên tắc tính bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm phải dựa trên các cơ sở các nguyên tắc của chế định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Từ việc phân tích về lý luận cũng như thực tiễn và cơ sở pháp lý của nó, có thể nói nguyên tắc bồi thường trong trường hợp xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là :
a./.Phải bồi thường toàn bộ và kịp thời các thiệt hại về vật chất đã xảy ra và bù đắp một phần những tổn thất tinh thần bằng một lượng giá trị vật chất nhất định.
Đây là nguyên tắc chung, bao trùm và là một nguyên tắc bao trùm, hợp lý, phù hợp với tập quán, đạo đức của nhân dân ta là gây thiệt hại thì phải bồi thường. Bồi thường toàn bộ các thiệt hại vật chất là bồi thường tất cả các thiệt hại vật chất đã xảy ra. Còn bồi thường kịp thời là phải bồi thường đúng lúc người thiệt hại đang cần để dùng vào việc hạn chế hoặc khắc phục thiệt hại. Do đó,việc bồi thường đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng là rất quan trọng, nhằm phát huy tối đa có hiệu quả của việc bồi thường.
Nguyên tắc bồi thường toàn bộ, kịp thời không làm triệt tiêu nguyên tắc tự định đoạt, tự do thỏa thuận mà BLDS 2005 đã quy định. Vì vậy các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường thiệt hại so với thực tế, hay lựa chọn các phương thức bồi thường (bằng tiền, hiện vật, thực hiện một công việc…) cho phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của mỗi bên. Tuy nhiên sự thỏa thuận này phải dưạ trên cơ sở thực sự tự nguyện, không trái các nguyên tắc pháp luật và đạo đức xã hội thì thỏa thuận đó mới có giá trị pháp lý.
b./. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu do lỗi vô ý gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài .
Dưới góc độ lý thuyết, thì các hành vi vi phạm pháp luật do lỗi cố ý là thể hiện sự “chống đối” xã hội cao hơn so với các hành vi do lỗi vô ý. Do đó nguyên tắc này không đặt vấn đề giảm bồi thường do lỗi cố ý mà chỉ xem xét khả năng giảm bồi thường trong trường hợp người gây thiệt hại do lỗi vô ý. Đây là nguyên tắc cụ thể, bổ sung cho nguyên tắc nêu trên nhằm vừa bảo đảm tính khả thi của các quyết định buộc bồi thường ,vừa căn cứ vào mức độ lỗi để đảm bảo tính hợp lý khi buộc bồi thường. Tuy nhiên quy định này mới chỉ định tính chứ chưa định lượng. Tức là chưa quy định cụ thể việc giảm mức bồi thường là bao nhiêu. Cho nên, việc quyết định giảm mức bồi thường trong từng vụ việc cụ thể phải căn cứ vào điều kiên, hoàn cảnh, mức độ lỗi của người gây thiệt hại. Mặt khác phải xem xét thiệt hại đó lớn hay nhỏ ?Nếu thiệt hại không lớn thì dù người gây thiệt hại chỉ có lỗi vô ý cũng phải chịu toàn bộ thiệt hại mà mình đã gây ra. Nhưng nếu thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của nạn nhân thì cần phải xem xét khả năng giảm mức bồi thường, đảm bảo tính khả thi của việc bồi thường. Việc xem xét thiệt hại có quá lớn so với khả năng kinh tế hay không, không thể chỉ nhìn vào hoàn cảnh kinh tế, thu nhập hiện tại của đương sự mà còn phải tính đến khả năng thu nhập về sau của đương sự.
c./.Khi ấn định mức độ bồi thường cũng phải dựa trên nguyên tắc : mỗi công dân phải tự chịu trách nhiệm về chính hành vi của mình.
Do đó khi quyết định mức độ bồi thường phải xem xét đến lỗi của hai bên (người gây thiệt hại và người bị thiệt hại. Nếu hai bên đều có lỗi, đặc biệt khi người bị thiệt hại có lỗi nặng thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường thiệt hại do phần lỗi của mình gây ra, chứ không phải bồi thường toàn bộ thiệt hại. Phần thiệt hại do chính lỗi của người bị thiệt hại thì không bắt người gây thiệt hại phải bồi thường.
Có những trường hợp ban đầu kẻ vi phạm chỉ có ý định xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín nhưng quá trình diễn biến kẻ vi phạm đã gây thiệt hại cả vể sức khỏe, tự do….thì thiệt hại gây ra càng lớn và mỗi vụ án đều có tình tiết, điều kiện, hoàn cảnh của các bên là rất khác nhau. Do đó không thể quy định một mức độ bồi thường chung chung cho tất cả các vụ án, mà trách nhiệm của thẩm phán phải xem xét kỹ từng trường hợp cụ thể. Trong khi vận dụng cần lưu ý phân biệt những điều kiện để giảm mức bồi thường với việc tạm hoãn thi hành án.
Mục đích của việc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung và bồi thường do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm nói riêng không chỉ bù đắp tổn thất, mà còn giáo dục mọi người ý thức tuân thủ pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Bởi lẽ, hậu quả của việc áp dụng trách nhiệm này luôn mang đến những bất lợi về tài sản cho người gây thiệt hại. Do đó các nguyên tắc bồi thường được đặt ra càng chính xác, càng hợp lý bao nhiêu thì càng phát huy tác dụng tích cực bấy nhiêu.
3. Xác định thiệt hại và mức độ bồi thường khi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Điều 611 BLDS quy định:
“1.Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm,thiệt hại do danh dự,uy tín của pháp nhân chủ thể khác bị xâm phạm bao gồm:
a.Chi phí hợp lý để hạn chế khắc phục thiệt hại
b.Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
2.Người bị xâm phạm danh dự,nhân phẩm, uy tín của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy đinh tại khoản 1 điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần người đó phải gánh chịu. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì không quá mười tháng lương do nhà nước quy định.”
Mặc dù danh dự, nhân phẩm, uy tín là những giá trị nhân thân không trị giá được bằng tiền, tuy nhiên, xâm phạm đến những giá trị này có thể ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của chủ thể bị xâm phạm. Thiệt hại mà chủ thể bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín phải gánh chịu bao gồm cả thiệt hại vật và tổn thất tinh thần.
a.Thiệt hại về vật chất.
Thiệt hại về vật chất là những tổn thất vật chất cụ thể, có thể cảm nhận được bằng các giác quan, có thể tính toán được bằng tiền. Những thiệt hại đó là :
-Chi phí phải bỏ ra do xâm phạm thân thể, sức khỏe khi bị làm nhục, bị hiếp dâm, bị cưỡng dâm….có thể gồm các khoản dành cho chữa trị vết thương, do bị truyền bệnh (các khoản thuốc men, khám, chữa, tiêm, viện phí…) chi phí cho việc bồi dưỡng, hồi phục sức khỏe
-Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút do danh dự, nhân phẩm,uy tín bị xâm phạm.
-Phí tổn tàu xe của nạn nhân và người thân nạn nhân (đi khám chữa bệnh, đi xác nhận, hoặc đi theo giấy triệu tập của cơ quan điều tra)
-Chi phí thu hồi một ấn phẩm hay đăng lời cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng để khôi phục lại những thiệt hại.
-Chi phí thuê luật sư , thu thập chứng cứ…
*Theo quy định của BLDS 2005 cũng như hướng dẫn tại nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP thì khái niệm “chi phí hợp lý” chỉ mang tính định tính, không mang tính định lượng. Việc xác định thế nào là chi phí hợp lý cho từng vụ án là thuộc trách nhiệm của thẩm phán giải quyết vụ án. Bởi lẽ mỗi vụ án có đặc thù riêng, không vụ nào giống vụ nào, cho nên thiệt hại của từng vụ án cụ thể là hoàn toàn khác nhau. Vì vậy xem xét, đánh giá chi phí nào là chi phí hợp lý phải đặt ra trong bối cảnh không gian, thời gian và diễn biến của từng vụ án cụ thể (ví dụ : chi phí đi lại cho thu hồi một ấn phẩm, hay giá trị ngày công, số thuốc theo đơn phải mua ở ngoài …không thể cao hơn mức giá trung bình ở địa phương tại thời điểm đó. Mức giá trung bình được coi là là chi phí hợp lý. Nếu người bị thiệt hại đưa ra một mức giá quá cao hơn so với mức trung bình ở địa phương thì không hợp lý. Nếu các chi phí không liên quan trực tiếp đến hành vi gây thiệt hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì cũng không được coi là chi phí hợp lý của vụ án (ví dụ trong trường hợp ngay sau diễn ra hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người bị hại đi đường bị tai nạn phải nằm viên, thì các chi phí trong thời gian nằm viện không phải là chi phí hợp lý để người gây thiệt hại phải bồi thường )
*Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút : cần chú ý đây là những khoản có thực, không được suy đoán. Trước khi có hành vi gây thiệt hại họ vẫn có thu nhập bình thường, ổn định nhưng từ khi có hành vi xâm phạm đến quan hệ nhân thân này thì khoản thu nhập đó không còn hoặc bị giảm sút
Vì vậy khoản thu nhập bị mất chính là khoản thu nhập không thu được của nạn nhân :
- Nếu trước khi bị xâm phạm, người bị thiệt hại có thu nhập ổn định từ tiền lương trong biên chế, tiền công trong hợp đồng lao động thì căn cứ vào mức lương, tiền công của tháng liền kề trước khi người đó bị xâm phạm nhân với thời gian điểu trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại.
- Nếu trước khi bị thiệt hại, người bị thiệt hại có làm việc và hằng tháng có thu nhập thực tế nhưng mức thu nhập hằng tháng khác nhau, thì lấy mức thu nhập của 6 tháng liền kề (nếu chưa đủ 6 tháng thì lấy của tất cả các tháng) trước khi bị xâm phạm rồi nhân với thời gian điều trị để xác định khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại.
- Nếu trước khi có hành vi gây thiệt hại, mà người gây thiệt hại có thu nhập thực tế nhưng không ổn định và không xác định được, thì áp dung mức thu nhập trung bình của người lao động cùng loại nhân với thời gian điều trị để xác định mức thu nhập thực tế của người bị thiệt hại.
Như vậy khoảng thời gian đương sự bị mất việc làm hoặc tạm nghỉ việc, không được hưởng lương. Đây là khoản thu nhập bị mất. Cần chú ý trong một số trường hợp như đối với hoạt động khám chữa bệnh của một bác sỹ, có kẻ loan tin đồn thất thiệt là bác sỹ đó bị HIV, tay nghề kém, đạo đức tồi...dẫn đến khách hàng từ chối không đến khám chữa bệnh, mọi người xa lánh, mất thể diện với đồng nghiệp. Nếu dẫn đến khách hàng không đến rồi không thể hành nghề tiêp thì đây là khoản thu nhập bị mất. Nhưng nếu chỉ là giảm lượng khách hàng thì tính đến khoản thu nhập bị mất. Hay trong trường hợp đối với hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người sản xuất kinh doanh mà gây thiệt hại cho sản xuất kinh doanh của người đó thì thiệt hại phải bồi thường có thể là toàn bộ giá trị lô hàng không bán được (đây là thu nhập bị mất) hoặc mức lợi nhuận bị chênh lệch, nếu như trước đây sản xuất đến đâu bán được sản phảm đến đó nay sản phảm bán chậm lại, phải thu hẹp sản xuất lại thì đây là thu nhập bị giảm sút
Thu nhập bị giảm sút là khoản thu nhập chênh lệch của người bị hại trước khi có hành vi gây thiệt hại và sau khi có hành vi gây thiệt hại. Ví dụ như trường hợp do sức khỏe bị sa sút nên người bị hại phải làm một việc khác có thu nhập ít hơn hoặc trường hợp do có kẻ vu khống đương sự là người có nhiều tiền án, tiền sự về tội trộm cắp tài sản, lừa đảo….nên xí nghiệp không tin tưởng và sắp xếp một công việc khác cho đương sự, công việc này có thu nhập thấp hơn, khả năng thăng tiến trong công việc thấp, thì khoản thu nhập giảm sút là độ chênh lệch giẵ thu nhập trước đó với thu nhập hiện thời
Có thể nói khi khi tính đến thiệt hại bị mất hoặc bị giảm sút phải tính đến tất cả các thu nhập thường xuyên và ổn định. Do đó đối với người làm công trong cơ quan, xí nghiệp không chỉ tính đến và căn cứ vào mức lương mà phải xem xét tất cả các thu nhập khác như tiền thưởng chung cho tất cả các nhân viên trong đơn vị, ví dụ tiền thưởng tháng 13, tiền phúc lợi chia đều cho cả cơ quan. Có ý kiến cho rằng khoản tiền thưởng, tiền phúc lợi không buộc phải bồi thường. Có thể thấy rằng thực tế hiện nay thì khoản tiền “phần mềm này (tiền ăn trưa, tiền phúc lợi…) là một khoản thu nhập giá trị và có nơi còn cao hơn cả “phần cứng”. Do đó, nếu khoản thuộc “phần mềm” đương sự có thu nhập thường xuyên, ổn định thì đã cấu thành một khoản thu nhập quan trọng của đương sự. Khi họ mất việc làm hay phải chuyển việc, thì các khoản thu nhập đó không còn là do lỗi của kẻ có hành vi gây thiệt hại. Vì vậy mà buộc người gây thiệt hại phải bồi thường cả khoản này nữa là hợp lý và công bằng.
b.Ngoài thiệt hại về vật chất, người gây thiệt hại còn phải bồi thường một khoản về “tinh thần”.
Xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín còn gây ra những thiệt hại về tinh thần. Đây là những khoản thiệt hại phi vật chất, không mang tính chất kinh tế và tài sản. Do đó về nguyên tắc không thể dùng hình thức bồi thường thiệt hại mà có thể khắc phục được toàn bộ thiệt hại về tinh thần. Muốn hạn chế, khắc phục phải dùng nhiều biện pháp như chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi cải chính, công khai…
Tuy vậy biện pháp buộc người gây thiệt hại về tinh thần bằng một số tiền nhất định có tác động an ủi, động viên làm dịu đi nỗi đau của họ, sẽ góp phần giảm bớt những thiệt hại tinh thần mà họ phải gánh chịu. Đây là khoản tiền bù đắp về tinh thần. Những dạng tổn thất tinh thần có thể gồm :
- Sự đau đớn về thể xác.
Đau đớn về thể xác cần được xác định là một dạng là một thiệt hại về tinh thần: bởi lẽ những cảm giác đau đớn mà nạn nhân phải gánh chịu không nằm trong khái niệm thiệt hại vật chất và trước đây chưa được xem xét để người gây thiệt hại phải bồi thường. Nhưng từ khi có BLDS 2005 và các vắn bản hướng dẫn có quy định bồi thường thiệt hại tinh thần phải coi những cảm giác đau đớn về thể xác là thiệt hại tinh thần
Đau đớn về thể xác có thể xảy ra khi : nạn nhân đang bị thủ phạm dùng bạo lực tấn công ( hành hạ, ngược đãi, làm nhục…); cảm giác đau đớn khi phải gánh chịu ca phẫu thuật.
- Sự đau đớn về tinh thần.
Đó là cảm giác ê chề, uất ức, nhục nhã, bức bối, hoặc sự vò xé nội tâm khi bị xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín ….Ở trạng thái ức chế cao có thể gây nên những bất ổn về tâm thần sau này như có thể gây ra những cơn mê sảng, hoảng hốt trong khi ngủ, nặng có thể trở thành bệnh lý.
Tóm lại cảm giác đau đớn về xác thịt lẫn đau đớn về tinh thần, vì nó là những hiện tượng có thật mà nạn nhân phải chịu đựng.
- Thiệt hại do mất khả năng vui chơi, giải trí
Từ các hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm gây nên những tổn thương của các bộ phận cơ thể làm mất khả năng thực hiện các chức năng của con người hoặc gây nên nhưng bệnh tật làm mất khả năng sinh đẻ hoặc những khó chịu trong đời sống tình dục, sức khỏe suy giảm ….làm cho họ lo lắng, suy nghĩ buồn chán, suy giảm niềm vui, niềm lạc quan trong cuộc đời, gây ra các khoảng trống trong cuộc đời
Nếu có hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín kéo dài, có thể dẫn đến ức chế cao tạo ra sự khủng hoảng suy sụp về tâm lý, tình cảm của người bị hại…và nặng còn có thể đưa đến trạng thái bệnh lý về tâm thần. Làm giảm hoặc mất đi niềm vui, niềm lạc quan, và các trạng thái như đã nêu ở trên là một loại thiệt hại về tinh thần
- Các thiệt hại về thẩm mỹ, mất khả năng hoạt động xã hội nghề nghiệp
Có thể xuất phát từ các hành vi làm nhục, hành hạ người khác ….gây nên những biến dạng mặt mũi, hay những tổn hại, thiếu hụt chức năng….Những thiệt hại đó đương nhiên gây ra những thiệt hại vật chất như số tiền phải bỏ ra để chữa trị, khám….Đồng thời nó còn để lại những “di chứng” về tinh thần. Những hậu quả về thẩm mỹ là đặc biệt quan trọng với phụ nữ chưa xây dựng gia đình hoặc còn vị thành niên hay đối với một số người làm nghề đòi hỏi phải giao tiếp nhiều hay hoạt động trong lĩnh vực văn háo nghệ thuật (người mẫu, diễn viên, ca sỹ…) có thể gây nên những đảo lộn trong nghề nghiệp, đảo lộn điều kiện sống
Những mất mát về thẩm mỹ, mất mát khả năng vui chơi giải trí,hoạt động xã hội nghề nghiệp…là một mất mát tinh thần tổn hại dai dẳng, kéo dài cả cuộc đời. Nó “đau một cách âm ỷ” không gì có thể sánh được, không dễ “xóa” được vết sẹo tinh thần này. Vì vậy, các thiệt hại này cần được xem xét một cách độc lập với thiệt hại vật chất.
Trong trường hợp nhiều người cùng có hành vi gây thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín cho một hoặc một số người thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường liên đới toàn bộ thiệt hại. Trách nhiệm của bồi thường của từng người gây thiệt hại được xác định trên cơ sở lỗi của họ. trong trường hợp không xác định được lỗi của mỗi người thì họ phải chịu trách nhiệm bồi thường bằng nhau cho toàn bộ thiệt hại
Về phương thức bồi thường thì tùy từng trường hợp cụ thể mà áp dụng bồi thường một lần hoặc bồi thường theo tháng, quý cho đến khi thiệt hại được khắc phục. Trong trường hợp phải bồi thường trong một thời gian dài thì khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế, thì người gây thiệt hại hoặc người bị thiệt hại có thể yêu cầu tòa ánh hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức đổi bồi thường.
II.Thực tiễn về vấn đề trách nhiệm bồi thường danh dự, nhân phẩm,uy tín của người khác và giải pháp hoàn thiện:
1.Thực tiễn:
Những năm gần đây, số lượng những vụ việc xâm phạm quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín được giải quyết tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tăng lên đáng kể, đặc biệt là số vụ việc được giải quyết theo thủ tục tố tụng tại Toà án. Mặc dù những vụ việc này chủ yếu được giải quyết tại các thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và phần lớn liên quan đến cá nhân, tổ chức hoạt động văn học, nghệ thuật, tuy nhiên, điều này cũng chứng tỏ mức độ nhận thức cao hơn của cá nhân, tổ chức về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín. Sau đây xin được nêu vài ví dụ điển hình về vấn đề này.
a.Ví dụ 1:
Vụ việc ca sĩ Phương Thanh kiện blogger Cogaidolong (Lê Nguyễn Hương Trà) vì hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của Phương Thanh. Ngày 16/10/2007, ca sĩ Phương Thanh đã khởi kiện blogger Cogaidolong (Lê Nguyễn Hương Trà) trước Toà án nhân dân quận Tân Bình (thành phố Hồ Chí Minh) vì blogger đã xúc phạm danh dự của Phương Thanh. Theo Phương Thanh, bài viết về liveshow “Mưa” và bài viết “Chuyện của…Cờ” trên blog của Hương Trà viết về cô với nội dung “sai sự thật, xúc phạm tới danh dự, hạ uy tín”. Ca sĩ Phương Thanh cho rằng trong bài viết “Mưa”, Hương Trà viết “bảo vệ mở rộng cửa cho khán giả nhào vào. Ghế trống đầy…” là không đúng sự thật, hơn nữa hạ uy tín của một ca sĩ tên tuổi như cô. Blogger Hương Trà lại cho rằng bài viết về liveshow “Mưa” là đúng sự thật, vì tối đó trời mưa rất lớn, nơi biểu diễn không có mái che nên khán giả bị ướt, bảo vệ phải mở cửa cho khán giả vào để tránh mưa chứ không phải để miễn mua vé. Còn bài viết “Chuyện của…Cờ” không phải viết về Phương Thanh mà viết theo lối phóng tác. Về vụ việc này, có những quan điểm khác nhau xoay quanh vấn đề mấu chốt: blogger Hương Trà có xâm phạm quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín của ca sĩ Phương Thanh hay không. Đây cũng chính là khó khăn dẫn đến vụ việc kéo dài, chưa được giải quyết.
b.Ví dụ 2:
Sự "bùng phát" hành vi phát tán hình ảnh khỏa thân của những người mẫu, diễn viên, ca sĩ đang có xu hướng lan rộng. Hành vi này không chỉ bôi nhọ nhân phẩm, danh dự người bị tán phát mà làm tổn hại tinh thần của công chúng. Nguy hiểm hơn, nó đang "vẽ đường" tạo tiền lệ xấu làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới văn hóa, đạo lý của người Việt Nam, cần phải lên án và xử lý nghiêm khắc. Hành vi này từng làm điên đảo nhiều người đẹp nổi tiếng ở phương Tây và họ thẳng thắn kiện ra tòa. Thế mà cái tưởng như không thể dung nhập đó đã “tuyên bố” sự có mặt ngay trong “thị trường nội địa” và nạn nhân là những người mẫu, ca sĩ, diễn viên là những người của công chúng.
Dù bất kỳ trường hợp nào, khi vẻ đẹp bị dung tục hóa, hạ xuống dưới sự tầm thường thì vẻ đẹp ấy đã đi ngược lại với những gì vốn có của nó. Phải xem xét tính chất nguy hiểm của hành vi này khi nó không chỉ xâm phạm nhân phẩm, danh dự của người bị tán phát mà sâu xa hơn, hành vi ảnh hưởng và có nguy cơ bào mòn giá trị đạo đức, văn hóa, lối sống của cộng đồng.
Hoa hậu Hà Kiều Anh khi vào vai diễn nhân vật Kiều Nguyệt Nga, đạo diễn có yêu cầu cô thực hiện cảnh tắm suối. Đây là thao tác nghề nghiệp trong điện ảnh, và để vào vai có sức thuyết phục, đương nhiên, cả khi tắm suối, cô cũng phải diễn xuất thật tự nhiên. Nhưng hậu cảnh quay, cả Hà Kiều Anh và diễn viên Mỹ Uyên đã bị kẻ xấu lợi dụng, tung hình để ngực trần, ngâm mình dưới dòng nước lạnh... đưa lên mạng Internet. Cùng với đó là những câu bình phẩm, đánh giá hết sức khó nghe. Sự việc diễn ra, dư luận đặt câu hỏi, ai là kẻ tán phát ảnh hoa hậu, diễn viên Hà Kiều Anh và diễn viên Mỹ Uyên lên mạng, bôi nhọ nhân phẩm, danh dự của họ? Việc các cô trở thành nạn nhân, bị kẻ xấu lợi dụng, tán phát hình ảnh lên mạng thì ai bảo vệ quyền lợi cho họ? Câu trả lời này bẵng đi 2 năm nay vẫn chưa có giải đáp. Người tán phát ảnh vẫn bặt vô âm tín và hậu quả là những tai tiếng khó gì xóa nổi trong tâm thức dư luận.
Người của công chúng” không phải khi nào cũng có đủ điều kiện để thanh minh, hơn nữa, nhiều khi người ta còn coi “thanh minh là thú tội” - đó là uẩn khúc của nhiều ca sĩ, diễn viên, người mẫu mà họ khó giãi bày.Những sự kiện, những vấn đề tiêu cực liên quan đến họ, cũng đồng thời làm tổn thương lòng ái mộ của công chúng.Đấu tranh, bảo vệ nhân phẩm, danh giá trước hết phải là nghĩa vụ, quyền của chính người trong cuộc. Hầu hết các trường hợp bị tán phát đều bày tỏ trạng thái sốc và không thể ngờ tới. Để truy xét hay tìm ra manh mối kẻ tán phát chưa hẳn là việc khó làm nhưng thực tế, chúng ta cũng chưa xử lý việc này. Hầu như lâu nay, khi lẻ tẻ có những vụ bị phát tán hình ảnh khỏa thân lên mạng chẳng thấy người gây ra hành vi nhận trách nhiệm. Có lẽ điều này đã dẫn đến tâm lý ngại không muốn khơi ra, coi như chuyện đã rồi, làm sao càng nhanh “chìm” dư luận càng tốt và các cô tự nhận bài học để mình thận trọng hơn. Đây cũng chính là tâm lý chung của các ca sĩ, người mẫu, diễn viên khi rơi vào chuyện đã rồi và lý do tế nhị này khiến những kẻ thực hiện hành vi vô đạo đức vẫn không bị lật tẩy và chúng vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật để chờ cơ hội... thực hiện tiếp!
Khi nạn nhân không tự mình viết đơn tố cáo, đề nghị cơ quan pháp luật điều tra, xử lý thì những vụ việc như trên chỉ dừng lại ở quan hệ dân sự, các bên tự giải quyết. Nhưng hành vi tán phát đã làm ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa nói chung. Trong khi đó, các văn bản pháp luật của Nhà nước ta đã quy định rõ việc xử lý những người vi phạm các quyền về nhân thân, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư của công dân. Nếu xâm phạm danh dự, nhân phẩm thì phải bồi thường một khoản tiền bù đắp tổn thương về tinh thần cho người bị xâm hại, tối đa bằng 10 tháng lương tối thiểu. Nếu việc xâm phạm gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh ra bệnh tật... thì mức bồi thường cao nhất bằng 60 tháng lương tối thiểu. Điều 31 Bộ luật Dân sự quy định: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được người đó đồng ý hoặc thân nhân của người đó đồng ý nếu người đó đã chết”. Nếu vi phạm đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì xử lý theo quy định Bộ luật Hình sự hiện hành, có thể bị truy cứu về tội “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” với các chế tài nghiêm khắc.
Quy định pháp lý là như vậy, nhưng hiếm thấy trường hợp quay phim, chụp ảnh khỏa thân (trường hợp không được người đó đồng ý), rồi tán phát lên mạng bị xử lý. Trong tình trạng việc tán phát ảnh đang gia tăng đến mức báo động như hiện nay, nếu vẫn giữ nguyên tiền lệ “đen ai người chịu”, không tố giác, đưa ra xử lý trước pháp luật, hẳn những kẻ có hành động bậy bạ, làm mất danh dự, nhân phẩm người khác vẫn có môi trường thuận lợi để tiếp tục.
3.Ví dụ3:
Tòa án nhân dân quận Tân Bình đã từng xử một vụ việc về trách nhiệm bồi thường khi xúc phạm danh dự, uy tín của pháp nhân.Bị đơn là Công ty sản xuất vật liệu xây dựng Hacomax.Công ty này đã bị một bài báo đưa tin sai sự thật về việc công ty có sản xuất và bán một số vật liệu kém chất lượng là hàng nhái, hàng giả nhãn hiệu của các cơ sở có uy tín khác.Vụ việc trở nên nghiêm trọng khi tin đồn này đã làm giảm một số lượng khách hàng đáng kể của công ty dẫn đến lượng tiêu thụ sản phẩm bị giảm sút so với mức ổn định trước đó. Do đó Công ty sản xuất vật liệu xây dựng đã kiện Tòa soạn báo đã đăng tải thông tin đó phải bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến uy tín, danh dự của Công ty. Sau khi làm rõ sự việc Tòa án đã buộc tòa soạn báo phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty.
Trên đây là những ví dụ điển hình về thực trạng xâm phạm danh dự,nhân phẩm, uy tín của người khác.Qua những ví dụ trên ta có thể thấy được vấn đề này đang ngày càng trở nên phổ biến. Những ví dụ trên đây là những ví dụ chúng ta gặp rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày nhưng đã mấy ai biết cách bảo vệ mình khi bị xâm phạm danh dự,nhân phẩm, và uy tín của cá nhân cũng như tổ chức. Khi bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, bên bị xâm phạm thường chấp nhận hoặc thoả thuận với bên xâm phạm để giải quyết với yêu cầu bên xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm, vấn đề bồi thường hầu như không được đặt ra.Nguyên nhân của tình trạng này là tâm lý sợ “vạch áo cho người xem lưng” của các bên, thậm chí bên bị xâm phạm không muốn những người khác biết chuyện của mình, cho dù đó là chuyện không đúng sự thật.Qua đây có thể thấy được thực trạng của vấn đề này:
*Về tích cực:
Không thể phủ nhận trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm,uy tín của người khác đã được pháp luật quan tâm và bảo vệ.Cụ thể vấn đề trách nhiệm bồi thường đã được đề cập trong các văn bản pháp luật mà cụ thể là Điều 611 BLDS quy định rõ ràng xác định thiệt hại và mức độ bồi thường Điều này đã tạo điều kiện cho các cơ quan có thẩm quyền dễ dàng hơn trong việc xác định thiệt hại và mức bồi thường.
Trong những năm gần đây mức độ nhận thức của cá nhân, tổ chức về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín đã cao hơn nhiều so với những năm trước đây.Nhiều vụ kiện ra tòa để đòi người xâm phạm xin lỗi, cải chính nhằm khôi phục lại danh dự uy tín cho cá nhân và tổ chức đã được giải quyết để bảo vệ quyền lợi cho các chủ thể.
*Về hạn chế:
Bên cạnh đó vấn đề trách nhiệm bồi thường vẫn còn có những mặt hạn chế. Xuất phát từ những điểm chưa hoàn thiện của các quy định về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nên, các cơ quan, tổ chức gặp phải một số vướng mắc khi giải quyết loại việc này.
Thứ nhất, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền gặp khó khăn trong xác định hành vi xâm phạm quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín.
Thứ hai, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền gặp khó khăn trong xác định mức bù đắp tổn thất tinh thần.Khái niệm thiệt hại vật chất đã được quy định rõ trong khoản 2 Điều 310 Bộ luật Dân sự, nhưng thiệt hại về tinh thần thì chưa được Bộ luật Dân sự quy định cụ thể. Khoản 3 Điều 310 chỉ quy định: “Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền cho người bị hại”.
Vấn đề đặt ra, thế nào là thiệt hại về tinh thần và căn cứ để ấn định mức bồi thường thiệt hại?
Thực tế, bên bị xâm phạm quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín thường chứng minh tổn thất tinh thần và yêu cầu được bồi thường nhưng mức bồi thường trong bản án, quyết định của Toà án lại rất nhỏ so với tổn thất mà bên bị xâm phạm phải ghánh chịu. Chính vì vậy, bên bị xâm phạm không thấy thoả đáng; bản án, quyết định của Toà án không mang tính thuyết phục, thậm chí còn gây khiếu kiện kéo dài.
2.Giải pháp hoàn thiện những quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Nguyên tắc tính mức bồi thường danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là những quy định chung nhất,có tính chất chỉ đạo điều chỉnh toàn bộ quan hệ bồi thường thiệt hại. Do đó khi giải quyết bồi thường trong từng vụ án cụ thể phải quán triệt hai nguyên tắc tính bồi thường thiệt hại để vận dụng cho phù hợp với từng vụ án.
Để người dân hiểu được phạm vi quyền lợi của mình được pháp luật dân sự bảo vệ, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền pháp luật. Nhưng đê đáp ứng với tình hình thực tiễn hiện nay, đối với những vấn đề mới được BLDS 2005 quy định, cần hướng dẫn cho các tòa án khi điều tra xét xử không nên thụ động chờ đương sự đề xuất cái gì thì mới hỏi cái đó mà nên chủ đông hỏi đương sự thiệt hại những gì ? và hỏi vào các khoản mà pháp luật cho phép bồi thường đương sự có yêu cầu không ? nhất là vấn đề bồi thường thiệt hại về tinh thần, nhiều người chưa biết thì chú ý giải thích các quyền yêu cầu đó đó cho họ. Nếu đương sự có yêu cầu thì phải xem xét.
Liên ngành cần phải có hướng dẫn cụ thể về các khoản thiệt hại vật chất ( trong các vụ án xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín ).Đối với thiệt hại tinh thần, tuy khó có thể đưa ra các tiêu chí cụ thể để nhận thức đánh giá về mức độ thiệt hại tinh thần , làm cơ sở cho các quyết định bồi thường.Nếu có thể đưa ra được một barem xác định mức độ bồi thường thiệt hại tinh thần thì việc áp dụng sẽ thống nhất hơn.
Như đã nêu ở trên trong quy định của pháp luật chưa nêu rõ thế nào là thiệt hại về tinh thần và căn cứ để ấn định mức bồi thường thiệt hại?Vì vậy, để tránh tùy tiện khi xét xử thì ngoài những thiệt hại thực tế tính ra được thành tiền, đối với những thiệt hại về tinh thần do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín chỉ nên bồi thường có tính chất tượng trưng. Người bị thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín sau khi đã được người gây thiệt hại xin lỗi, cải chính công khai thì sự thiệt hại về tinh thần trong các trường hợp thông thường có thể coi là đã được khôi phục. Làm việc đó chính là đề cao giá trị của con người, khôi phục con người trở lại vị trí cao cả của nó.
Ngoài ra, do trong Bộ luật Dân sự chỉ xác định thiệt hại danh dự, nhân phẩm, uy tín mà không coi đây là một trường hợp riêng biệt của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Vì vậy thiết nghĩ, cần đưa trường hợp này vào mục 3 của Chương V phần thứ ba của Bộ luật Dân sự, trong đó phải có điều luật quy định rõ thế nào là danh dự, nhân phẩm, uy tín và những hành vi nào bị coi là xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín và phải bồi thường.
Việc giải quyết bồi thường thiệt hại trong quan hệ danh dự, nhân phẩm, uy tín là một vấn đề mới ,thực tiễn còn ít, thiết nghĩ cần trực tiếp nghiên cứu sâu hơn và có sự tổng kết thực tiễn một cách toàn diện .
KẾT BÀI
Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín được thừa nhận trong Hiến pháp thể hiện sự tôn trọng của chúng ta đối với quyền này; đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong việc ban hành các quy định cụ thể để bảo vệ quyền này.Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín được quy định cụ thể hơn trong các văn bản pháp luật của nhiều ngành luật khác nhau tạo thành một hệ thống các quy định pháp luật về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín.
Pháp luật dân sự đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ quyền đối với danh dự, nhân phẩm, uy tín. Có thể nói, pháp luật dân sự quy định chi tiết, cụ thể và đầy đủ nhất về quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín. Đặt trong bối cảnh hiện nay khi xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu cuộc sống ngày càng cao cả về vật chất lẫn tinh thần. Do đó bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân nói chung và quyền được bảo vệ danh dự nhân phẩm uy tín của con người nói chung là một vấn đề rất quan trọng trong cơ chế bảo đảm quyền dân sự của các chủ thể.Vì vậy vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác cần được quan tâm một cách đúng đắn hơn nữa để bảo đảm quyền lợi cho các chủ thể.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn.doc