Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự
Mở bài: Trong quy định của BLDS năm 2005 về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự gây ra, ta nhận thấy BLDS đã có những quy định khá chi tiết và cụ thể về khái niệm, căn cứ phát sinh, mối quan hệ . khắc phục được những tồn tại và hạn chế của BLDS năm 1995 trong cả lí luận và thực tiễn. Để hiểu rõ hơn và nhận thực rõ những căn cứ giúp giải quyết những vụ việc có liên quan xảy ra trong thực tế, ta sẽ đi vào tìm hiểu cụ thể hơn về vấn đề trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự trong cả lí luận và thực tiễn.
.
I. KHÁI NIỆM:
1.1 Định nghĩa
1.2 Đặc điểm
II. CĂN CỨ PHÁT SINH TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ:
2.1 Hành vi vi phạm nghĩa vụ dân sự
2.2 Yếu tố lỗi của người vi phạm
2.3 Một số yếu tố khác
III. NỘI DUNG CỦA TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ:
3.1 Trách nhiệm dân sự do không thực hiện nghĩa vụ giao vật hoặc không thực hiện nghĩa vụ phải thực hiện, không được thực hiện một công việc
3.2 Trách nhiệm dân sự so chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự hoặc chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự
3.3 Trách nhiệm bồi thường thiệt hại
12 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 8738 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Mở bài: Trong quy định của BLDS năm 2005 về trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự gây ra, ta nhận thấy BLDS đã có những quy định khá chi tiết và cụ thể về khái niệm, căn cứ phát sinh, mối quan hệ... khắc phục được những tồn tại và hạn chế của BLDS năm 1995 trong cả lí luận và thực tiễn. Để hiểu rõ hơn và nhận thực rõ những căn cứ giúp giải quyết những vụ việc có liên quan xảy ra trong thực tế, ta sẽ đi vào tìm hiểu cụ thể hơn về vấn đề trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự trong cả lí luận và thực tiễn.
.
I. Khái niệm:
1.1 Định nghĩa:
Quan hệ nghĩa vụ dân sự được xác lập, theo đó mối liên hệ về quyền và nghĩa vụ dân sự của các chủ thể được đảm bảo thực hiện bằng biện pháp cưỡng chế của nhà nước. Như vậy, các bên có nghĩa vụ dân sự đối với nhau kể từ khi quan hệ nghĩa vụ được xác lập nhưng trách nhiệm dân sự chỉ xuất hiện khi có một bên không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ của mình.
Về nguyên tắc, người có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm nghĩa vụ của mình trước người có quyền, hậu quả pháp lý của hành vi vi phạm, đây là trách nhiệm dân sự.
Tóm lại, trách nhiệm dân sự là một loại trách nhiệm pháp lý, là biện pháp cưỡng chế của nhà nước được áp dụng đối với người có nghĩa vụ khi họ vi phạm nghĩa vụ trước người có quyền.
1.2 Đặc điểm:
| Trách nhiệm vi phạm dân sự do vi phạm nghĩa vụ cũng là một trong
những loại trách nhiệm pháp lý nói chung nên giống như các loại trách nhiệm pháp lý khác, nó cũng có những đặc điểm chung sau:
+ Chỉ được áp dụng khi có hành vi vi phạm pháp luật và chỉ áp dụng đối với người có hành vi vi phạm đó.
+ Là một hình thức cưỡng chế của Nhà nước và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng.
+ Luôn mang đến một hậu quả bất lợi cho người có hành vi vi phạm pháp luật.
| Ngoài ra, nó còn mang một vài những đặc điểm riêng biệt sau đây:
+ Biểu hiện cụ thể của hành vi vi phạm pháp luật trong trách nhiệm dân sự là việc không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ của người có nghĩa vụ dân sự.
+ Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ bao giờ cũng liên quan trực tiếp (gắn liền) với tài sản. Lợi ích mà các bên hướng tới trong các quan hệ nghĩa vụ dân sự bao giờ cũng mang tính chất tài sản, vì vậy việc vi phạm nghĩa vụ của bên này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích vật chất của bên kia. Vậy nên, trách nhiệm dân sự của người vi phạm là phải bù đắp cho bên bị vi phạm những lợi ích vật chất.
+ Trách nhiệm dân sự được áp dụng với người có hành vi vi phạm nhưng cũng có thể được áp dụng đối với người khác.
+ Hậu quả bất lợi mà người vi phạm nghĩa vụ dân sự phải gánh chịu là việc bắt buộc phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại nhằm để thỏa mãn quyền lợi chính đáng của người bị vi phạm, khắc phục hậu quả vật chất cho người bị vi phạm.
Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự là sự cưỡng chế của nhà nước buộc bên vi phạm nghĩa vụ phải tiếp tục thực hiện đúng nghĩa vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm nghĩa vụ của mình gây ra cho phía bên kia.
II. Căn cứ phát sinh trách nhiệm dân sự:
Điều 302, BLDS quy định:
“1. Bên có nghĩa vụ mà không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.
2. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ dân sự do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.”
Như vậy, căn cứ chính làm phát sinh nghĩa vụ dân sự là hành vi vi phạm nghĩa vụ của người có nghĩa vụ trước người có quyền, ngoài ra yếu tố lỗi cùng một vài yếu tố khác cũng góp phần làm căn cứ phát sinh nghĩa vụ dân sự.
2.1 Hành vi vi phạm nghĩa vụ dân sự:
Yếu tố hành vi làm căn cứ phát sinh trách nhiệm dân sự bao gồm việc không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng:
+ Hành vi không thực hiện nghĩa vụ được hiểu là theo quan hệ nghĩa vụ được xác lập, người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ trước người có quyền nhưng người có nghĩa vụ đã không thực hiện. Hành vi ấy được biểu hiện thông qua một số trường hợp sau:
Ø Người có nghĩa vụ không thực hiện việc chuyển giao tài sản nếu đối tượng của nghĩa vụ được các bên thỏa thuận là tài sản và theo đó bên có nghịa vụ phải chuyển giao tài sản cho bên có quyền.
Ø Người có nghĩa vụ không thực hiện công việc theo thỏa thuận với bên có quyền hoặc theo quy định của pháp luật.
+ Hành vi thực hiện không đúng nghĩa vụ được hiểu là theo quan hệ nghĩa vụ được xác định, người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ theo nội dung xác định cụ thể (thực hiện đúng đối tượng, đúng thời gian, địa điểm....) nhưng người có nghĩa vụ đã không thực hiện đúng hoặc thực hiện không đầy đủ nội dung của nghĩa vụ theo thỏa thuận với người có quyền hoặc theo quy định của pháp luật.
Về nguyên tắc, người thực hiện không đúng nghĩa vụ hoặc không thực hiện nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước người có quyền hoặc phải bồi thường thiệt hại, nhưng để đảm bảo quyền lợi cho người có nghĩa vụ, khi xác định hành vi vi phạm nghĩa vụ của người có nghĩa vụ để buộc người có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình cần lưu ý:
● Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ dân sự không thực hiện được hoàn toàn là do lỗi của người có quyền.
● Nghĩa vụ dân sự không thể thực hiện được do sự kiện bất khả kháng. Theo Khoản 1, Điều 161 BLDS quy định, ta có thể hiểu, một sự kiện chỉ được coi là bất khả kháng nếu đó là một sự kiện khách quan làm cho người có nghĩa vụ không biết trước và cũng không thể tránh được. Người có nghĩa vụ không thể khắc phục được khó khăn do sự kiện đó gây ra dù rằng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết mà khả năng cho phép. Sự kiện bất khả kháng có thể bao gồm các sự kiện liên quan đến thiên tai (lũ lụt, động đất, núi lửa...), chiến tranh, bạo loạn...
Chẳng hạn, trường hợp kiện cáo về việc chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự giữa bà Nguyễn Thị Linh và ông Trần Nhật Hiển là một ví dụ cho tình huống nghĩa vụ dân sự không thể thực hiện được do sự kiện bất khả kháng, đồng thời bên có quyền (bà Linh) có lỗi, dẫn tới hậu quả đáng tiếc. Ngày 18 tháng 6 năm 2007, bà Linh đề nghị cơ sở gia công giày dép Hiển Hằng của ông Hiển sản xuất 300 đôi giày bata, với giá 80.000 đồng/đôi, trong thời hạn 2 tháng. Nguyên vật liệu để sản xuất số giày trên sẽ do bà Linh cung cấp. Tuy nhiên, sau 1 tháng kể từ ngày hợp đồng được ký kết, bà Linh vẫn không chuyển hết số nguyên vật liệu cho ông Hiển. Để thực hiện hợp đồng, ông Hiển buộc phải tự mua nguyên vật liệu để gia công số sản phẩm trên. Sau 2 tháng 2 tuần, ông Hiển đã hoàn thành hợp đồng và chuyển số giày bata nói trên cho bà Linh. Tuy nhiên, trên đường vận chuyển, do điều kiện thời tiết xấu nên một số sản phẩm đã bị thất thoát và hư hỏng. Khi nhận được số hàng trên, bà Linh đã không đồng ý thanh toán đủ số tiền như đã thỏa thuận, mà thay vào đó, bà chỉ chấp nhận thanh toán cho số giày bà được nhận. Ông Hiển đã làm đơn khởi kiện lên Tòa án nhân dân thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Căn cứ vào các quy định về nghĩa vụ dân sự và trách nhiệm dân sự của Bộ luật dân sự 2005, Tòa án nhân dân thành phố Vĩnh Yên đã yêu cầu bà Linh phải thanh toán đầy đủ giá thành của toàn bộ số sản phẩm bà đã đặt, đồng thời phải hoàn trả cho ông Hiển số tiền ông mua nguyên vật liệu. Từ vụ việc trên, có thể thấy các quy định của pháp luật dân sự về hành vi vi phạm nghĩa vụ dân sự - một trong các căn cứ làm phát sinh trách nhiệm dân sự - đã góp phần giải quyết các tranh chấp trên thực tế phát sinh trong cuộc sống hàng ngày.
2.2 Yếu tố lỗi của người vi phạm:
Theo Khoản 1, Điều 308 BLDS quy định: “Người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự, thì phải chịu trách nhiệm dân sự khi có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.” Như vậy, nếu không có thỏa thuận hoặc pháp luật không quy định khác thì chỉ khi nào người vi phạm nghĩa vụ dân sự có lỗi mới phải bồi thường thiệt hại. Việc đương nhiên bị coi là có lỗi ở đây là khi người đã xác định là có nghĩa vụ mà không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện nghĩa vụ đó không đầy đủ.
Xét một cách tổng quát thì, khi một người có đủ nhận thức và điều kiện để lựa chọn cách xử sự sao cho xử sự đó phù hợp với pháp luật, tránh thiệt hại cho chủ thể khác nhưng vẫn thực hiện hành vi gây thiệt hại thì người đó bị coi là có lỗi. Vậy nên, lỗi là thái độ tâm lý của người có hành vi gây thiệt hại, phản ánh nhận thức của người đó đối với hành vi và hậu quả của hành vi mà họ đã thực hiện.
Trong yếu tố lỗi bao gồm lỗi cố ý gây thiệt hại và tội vô ý gây thiệt hại:
+ Cố ý gây thiệt hại là trường hợp một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra. Nếu họ mong muốn thiệt hại xảy ra từ việc thực hiện hành vi thì lỗi của họ là lỗi cố ý trực tiếp. Còn nếu họ không mong muốn thiệt hại xảy ra nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra thì lỗi của họ là lỗi cố ý gián tiếp.
+ Vô ý gây thiệt hại là trường hợp một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được. Nếu họ cho rẳng thiệt hại không xảy ra thì lỗi của họ được xác định là lỗi vô ý cẩu thả. Còn nếu họ cho rằng có thể ngăn chặn được thiệt hại thì lỗi đó được xác định là lỗi vô ý vì quá tự tin.
Nhưng khác với luật hình sự, hành chính, luật dân sự đã quy định người có hành vi trái pháp luật bất luận hành vi đó được thực hiện với lỗi cố ý hay không. Theo Điều 308 BLDS, ta nhận thấy rằng, về nguyên tắc chung khi áp dụng trách nhiệm dân sự không cần xác định hình thức lỗi của người gây thiệt hại, đặc biệt không bao giờ phải xác định trạng thái lỗi của người đó.
2.3 Một số yếu tố khác:
a) Có thiệt hại xảy ra trong thực tế:
Nội dung của trách nhiệm bồi thường thiệt hại là việc người có nghĩa vụ phải bù đắp cho phía bên kia những tổn thất vật chất mà mình đã gây ra do việc vi phạm nghĩa vụ dân sự. Vậy nên, việc xác định có thiệt hại xảy ra hay không, thiệt hại bao nhiêu là một việc làm cần thiết và hết sức quan trọng khi áp dụng trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Thiệt hại là sự biến đổi theo chiều hướng xấu đi trong tài sản của một người được thể hiện ở những tổn thất thực tế tính được thành tiền mà người đó phải gánh chịu. Về mặt lí luận, người ta chia những thiệt hại này ra thành 2 loại:
+ Những thiệt hại trực tiếp là những thiệt hại đã xảy ra một cách khách quan trong thực tế mà mức thiệt hại dễ dàng xác định được như:
● Chi phí thực tế và hợp lý là những khoản tiền hoặc những lợi ích vật chất mà người bị thiệt hại phải bỏ ra ngoài dự tính của mình để khắc phục những tình trạng xấu do hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên kia gây ra.
● Tài sản bị hư hỏng, mất mát, hủy hoại là sự giảm sút giá trị của một tài sản hoặc sự thiếu hụt về tài sản do người có nghĩa vụ gây ra.
+ Những thiệt hại gián tiếp là những thiệt hại mà phải dựa trên sự tính toán khoa học mới xác định được mức độ thiệt hại. Thiệt hại này còn được gọi là thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút.
b) Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại đã xảy ra:
Trong khoa học pháp lý dân sự, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm nghĩa vụ dân sự và thiệt hại xảy ra được hiểu là giữa chúng có mối quan hệ nội tại, tất yếu. Trong đó, hành vi vi phạm là nguyên nhân và thiệt hại xảy ra là kết quả. Chỉ khi nào thiệt hại xảy ra là hậu quả tất yếu của một hành vi vi phạm pháp luật thì người vi phạm mới phải bồi thường thiệt hại. Vậy nên, hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại xảy ra tất yếu là hai giai đoạn gắn bó nhau của một quá trình vận động.
Mặt khác, một kết quả có thể do nhiều nguyên nhân gây ra và một nguyên nhân có thể làm phát sinh nhiều kết quả, vì vậy, nếu có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến thiệt hại thì khi xác định trách nhiệm bồi thường thuộc về ai, cần xem xét hành vi vi phạm của họ có quan hệ như thế nào với thiệt hại xảy ra. Nếu không xác định chính xác mối quan hệ này rất dễ dẫn đến những sai lầm khi áp dụng trách nhiệm dân sự.
III. Nội dung của trách nhiệm dân sự:
3.1 Trách nhiệm dân sự do không thực hiện nghĩa vụ giao vật hoặc không thực hiện nghĩa vụ phải thực hiện, không được thực hiện một công việc
- Khi các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định, theo đó người có nghĩa vụ phải thực hiện nghịa vụ giao vật thì người có nghĩa vụ phải giao vật đúng địa điểm, thời gian... Nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ giao vật, cần lưu ý:
+ Nếu vật phải giao là vật đặc định thì người có quyền được quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ phải giao đúng vật đó; nếu vật không còn hoặc bị hư hỏng thì phải thanh toán gí trị của vật.
+ Nếu vật phải giao là vật cùng loại thì bên có nghĩa vụ phải thanh toán giá trị của vật.
Nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ mà gây thiệt hại cho bên có quyền thì ngoài việc thanh toán giá trị của vật còn phải bồi thường thiệt hại cho bên có quyền.
- Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện một công việc mà mình phải thực hiện thì bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện hoặc tự mình thực hiện hoặc giao cho người khác thực hiện công việc đó và yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.
- Khi bên có nghĩa vụ không được thực hiện một công việc mà lại thực hiện công việc đó thì bên có quyền được yêu cầu bên có nghĩa vụ phải chấm dứt việc thực hiện, khôi phục tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại.
Ví dụ: ông M và ông N ký kết một hợp đồng mua bán 30 chiếc TV cho công ty của ông M. Tuy nhiên, dù ông M đã thanh toán đủ số tiền và đến hạn phải chuyển đủ số sản phẩm trên, ông N vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ này với lý do gặp khó khăn trong việc nhập hàng. Trong trường hợp này, ông M có quyền yêu cầu ông N tiếp tục và nhanh chóng thực hiện việc bàn giao đủ số TV, hoặc giao kết hợp đồng với một đơn vị khác, đồng thời yêu cầu ông N phải bồi thường những thiệt hại đã xảy ra từ hành vi không bàn giao sản phẩm.
3.2 Trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự hoặc chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự
Chậm thực hiện nghĩ vụ dân sự hoặc chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự được hiểu là khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ hoặc bên có quyền không tiếp nhận nghĩa vụ từ người có nghĩa vụ.
© Đối với việc chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự: Bên có quyền có thể gia hạn để bên có nghĩa vụ hoàn thành nghĩa vụ; nếu quá thời hạn này mà nghĩa vụ vẫn chưa được hoàn thành thì theo yêu cầu của bên có quyền, bên có nghĩa vụ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ và bồi thường thiệt hại; nếu việc thực hiện nghĩa vụ không còn cần thiết đối với bên có quyền thì bên có quyền sẽ có quyền từ chối tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Nếu bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
© Đối với việc chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ dân sự: Bên có quyền chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ thì phải bồi thường thiệt hại cho người đó và phải chịu mọi rủi ro xảy ra kể từ thời điểm chậm tiếp nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Ví dụ: ông A và bà B ký kết hợp đồng chuyên chở vật liệu xây dựng. Tuy nhiên do chậm trễ trong việc huy động phương tiện chuyên chở, ông A đã không giao số vật liệu trên đến nơi bà B yêu cầu đúng hạn. Do đó, trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này của ông A là phải thanh toán chi phí đền bù cho sự chậm trễ và bồi thường những thiệt hại xảy ra cho bà B (nếu có) do sự vi phạm nghĩa vụ của ông A mang lại.
3.3 Trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại được hiểu là một loại trách nhiệm pháp lý phát sinh khi có thiệt hại xảy ra cho bên có quyền (bên bị thiệt hại). Tuy nhiên, không phải khi nào có thiệt hại cũng làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi và chỉ khi thỏa mãn đầy đủ các căn cứ phát sinh đã phân tích ở trên: có thiệt hại xảy ra, có hành vi vi phạm nghĩa vụ, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm nghĩa vụ với thiệt hại xảy ra và có lỗi của bên vi phạm nghĩa vụ dân sự.
Theo quy định mới tại Điều 307 của BLDS năm 2005 đã quy định rõ hơn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại so với BLDS năm 1995, trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về mặt vật chất và trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về mặt tinh thần. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được bằng tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút. BLDS 2005 cũng quy định rõ trách nhiệm của người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại.
Kết luận: Tóm lại, có rất nhiều vụ việc xảy ra trong thực tế nảy sinh ra vấn đề trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự gây ra. Có thể nó do nhiều căn cứ làm phát sinh, vậy nên chúng ta cần nhận thức rõ ràng, đúng đắn cấc vụ việc ấy để giải quyết các tình huống một cách hợp lý và đúng với quy định của luật Dân sự. Ngoài ra, nội dung của trách nhiệm dân sự cũng rất phong phú và đa dạng vì thế cho nên khi gặp phải các tình huống trong thực tế ta cần dựa vào những dấu hiệu và hành vi trong thực tế do những bên vi phạm gây ra để giải quyết vụ việc một cách triệt để nhất.
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự.doc