Về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội Liên minh Châu Âu (EU) là một trong những trung tâm quan trọng hàng đầu trên thế giới. EU hiện là nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP năm 2010 đạt 16,1 nghìn tỷ USD (chiếm 26% GDP toàn thế giới). Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người toàn EU đạt 32.700 USD/năm[1]. EU là đối tác thương mại lớn nhất thế giới với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2009 đạt 3.200 tỷ USD (không tính thương mại nội khối), chiếm khoảng 17% kim ngạch xuất nhập khẩu của thế giới (Mỹ đứng thứ hai với 14% và Trung Quốc 11,6%). Tổng vốn các nước EU đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 40% toàn thế giới năm 2007. Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế, năm 2010, FDI của EU trên toàn thế giới chỉ đạt 107 tỷ Euro, so với 281 tỷ Euro của năm 2009. Năm 2009, cả khối đã cung cấp 49 tỷ Euro viện trợ phát triển (ODA) cho các nước (chiếm 60% tổng ODA của các nước trên thế giới). Theo số liệu sơ bộ năm 2010, ODA do EU cung cấp đã tăng khoảng 4,5 tỷ Euro so với năm 2009, lên tới tổng số 53,8 tỷ Euro. Như vậy, EU là nhà tài trợ ODA lớn nhất trên thế giới, cung cấp hơn một nửa viện trợ chính thức trên toàn cầu. EU còn là trung tâm hàng đầu thế giới về khoa học công nghệ, sở hữu công nghệ nguồn trong nhiều lĩnh vực tiên tiến, là nơi có nhiều phát kiến khoa học có tính cách mạng.
Mặc dù không sánh ngang với sức mạnh kinh tế song về chính trị, EU cũng là một trong những đối tác có “sức mạnh mềm”, có tiềm lực quốc phòng và tầm ảnh hưởng lớn hàng đầu trên thế giới với 2 Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, 2 cường quốc hạt nhân, 4/8 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G8), 4/20 nước Nhóm G20 với cách tiếp cận hòa bình, đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế.
LỜI NÓI ĐẦU
CHƯƠNG I. THIẾT LẬP QUAN HỆ NGOẠI GIAO
1.1. Tình hình thế giới và khu vực những năm 80 và đầu thập kỷ 90:
1.2. Tình hình Việt Nam, EU và quan hệ Việt Nam với một số nước Tây Âu:
1.2.1. Tình hình Việt Nam:
1.2.2. Tình hình EU:
1.2.3. Quan hệ Việt Nam với các nước Tây Âu:
1.3. Thiết lập quan hệ ngoại giao:
CHƯƠNG II. QUAN HỆ VIỆT NAM - EU QUA CÁC THỜI KỲ
2.1. Quan hệ Việt Nam - EU giai đoạn 1990 - 1995: bước đi ban đầu.
2.2. Giai đoạn 1995 - 2010: xây dựng và phát triển một quan hệ toàn diện.
2.2.1. Tình hình thế giới, khu vực, EU và Việt Nam:
2.2.2. Quan hệ Việt Nam - EU:
2.2.3. Một số vấn đề lớn, có tác động quan trọng đến quan hệ Việt Nam - EU:
CHƯƠNG III. TRIỂN VỌNG QUAN HỆ VIỆT NAM - EU ĐẾN NĂM 2020.
3.1. Xu hướng phát triển của tình hình quốc tế đến năm 2020:
3.3. Đại hội XI, công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế của ta và nhu cầu đẩy mạnh quan hệ với các đối tác lớn, trong đó có EU :
3.4. Triển vọng quan hệ Việt Nam - EU đến năm 2020:
KẾT LUẬN
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.
BẢN ĐỒ CHÂU ÂU
154 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3098 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu Triển vọng quan hệ Việt Nam - Eu đến năm 2020, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
nghiệp đầu tư nước ngoài, xây dựng những chính sách ưu tiên đối với các tập đoàn xuyên quốc gia, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các dự án nước ngoài...). Khẩn trương cải cách triệt để hệ thống doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hoá nhằm huy động các nguồn vốn trên các thị trường tài chính, kể cả thị trường quốc tế, triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư... tại Việt Nam cũng như tại các nước thành viên EU.
- Trong những năm tới, việc thu hút đầu tư của các nước EU sẽ gặp khó khăn do khủng hoảng nợ công và tình hình suy giảm kinh tế ở các nước EU. Từ đó, đòi hỏi ta phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn để thu hút đầu tư từ các nước EU. Đối với những nước đã đầu tư khá mạnh vào Việt Nam như Hà Lan, Pháp, Anh, Luxembourg, Đan Mạch... ta cần xác định mục tiêu nâng cao dòng đầu tư từ các nước này vào Việt Nam là một trong những giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh tiến độ công nghiệp hóa. Để tăng cường thu hút vốn đầu tư từ các nước này, bên cạnh việc hoàn thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách đầu tư nước ngoài, ta cần hỗ trợ và tạo điều kiện thực hiện thuận lợi nhất cho các dự án FDI của các nước này, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực mà các nước này có tiềm năng như công nghiệp chế tạo, năng lượng, hóa chất, xây dựng, dịch vụ chất lượng cao. Đối với những nước chưa có hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, ta cần đẩy mạnh chương trình xúc tiến đầu tư bằng cách có thể tổ chức hội thảo theo khu vực các nước trong cộng đồng EU nhằm giới thiệu hệ thống luật pháp, chính sách, hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, danh mục các dự án mà Việt nam kêu gọi đầu tư được nước bạn quan tâm, đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp hai bên tìm kiếm cơ hội đầu tư lẫn nhau. Bên cạnh thu hút từ các nước EU vào Việt Nam, ta cũng cần đẩy mạnh thu hút đầu tư của cộng đồng người Việt Nam tại các nước EU theo hướng tiếp tục tăng cường chính sách ưu đãi khuyến khích Việt kiều đầu tư về nước, đặc biệt trong các ngành công nghệ thông tin, giáo dục, y tế, nghiên cứu phát triển, du lịch.
3. Về hợp tác phát triển:
- Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, ta cần tiếp tục tranh thủ nguồn ODA từ EU và hướng vào các mục tiêu phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của ta cũng như ưu tiên của EU như xóa đói giảm nghèo, phát triển y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường, cải thiện kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính, quản lý nhà nước, xây dựng thể chế kinh tế và hỗ trợ phát triển giai đoạn sau gia nhập WTO, thực hiện các cam kết WTO, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, đào tạo nghề, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giải quyết các vấn đề xã hội...
- Trong điều kiện ODA từ EU cho Việt Nam có thể giảm dần trong những năm tới (do trình độ phát triển ngày càng cao hơn của Việt Nam), cần có kế hoạch vận động, tranh thủ tối đa và sử dụng hiệu quả hơn ODA của EU, tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam và phù hợp với ưu tiên viện trợ của EU như xóa đói giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu...
4. Về lĩnh vực văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật...:
- Trong thời gian qua, tuy chú trọng phát triển quan hệ với EU nhưng ta chưa tận dụng, tranh thủ được hết sự hỗ trợ của EU, chưa khai thác hết được thế mạnh của EU, đặc biệt là về khoa học công nghệ. Vì vậy, trong thời gian tới, các Bộ, ngành của ta cần nghiên cứu và đề xuất những yêu cầu cụ thể đối với phía EU để có thể tranh thủ và tận dụng hết sự hỗ trợ của EU trong phát triển các lĩnh vực này. Trước mắt, cần vận động ký Hiệp định khung hợp tác khoa học - kỹ thuật với EU và thành lập một Tổ công tác chuyên về khoa học - kỹ thuật để góp phần thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này.
- Riêng về văn hoá và giáo dục đào tạo, đây là các lĩnh vực thuộc thẩm quyền riêng của các nước thành viên EU, ta cần đặc biệt chú trọng để thu hút sự hỗ trợ của các nước thành viên tăng cường giao lưu giữa các trung tâm nghiên cứu của Việt Nam và các nước thành viên với nội dung tập trung vào các lĩnh vực giảng dạy ngôn ngữ, đào tạo cao học về quản lý kinh tế, luật pháp, y tế, hàng không, cấp học bổng cho nghiên cứu sinh Việt Nam, mở trường đào tạo tại Việt Nam.
5. Về bộ máy, cán bộ:
- EU không phải là một quốc gia cũng như không phải là một tổ chức quốc tế mà là một thực thể rất đặc thù và phức tạp. Vì vậy, để có thể triển khai công tác vận động (thương mại, dân chủ nhân quyền...) đúng đối tượng, đúng cách thức, khai thác tốt hiệu quả tiềm năng quan hệ với EU phục vụ công cuộc phát triển đất nước trong giai đoạn mới, ta cần coi trọng và sớm đề ra chủ trương và kế hoạch xây dựng, đào tạo một đội ngũ cán bộ, chuyên gia có trình độ và hiểu biết sâu sắc về EU, đặc biệt là cơ chế hoạt động, vận hành, ra quyết định của các thể chế của EU, nhất là Nghị viện Châu Âu, Ủy ban Châu Âu, Cơ quan đối ngoại EU.. để có thể tham mưu trong quan hệ của ta với EU. Một số biện pháp cụ thể: (i) tranh thủ các chương trình sẵn có của EU như Chương trình thăm EU (EU Visitor Programme) để cử cán bộ ta tham gia, làm quen với các thể chế EU; (ii) đề xuất khả năng cử cán bộ ta tham gia với kinh phí ta chi làm việc thực tập tại các thể chế của EU như Nghị viện Châu Âu (ưu tiên Tiểu ban nhân quyền, Tiểu ban hợp tác phát triển), Ủy ban Châu Âu (ưu tiên Tổng Vụ thương mại), Cơ quan đối ngoại EU...; (iii) Ccử cán bộ ta tham dự các khóa đào tạo ngắn hạn, hội thảo, hội nghị chuyên môn do EU tổ chức về ần đào tạo tập trung vào các lĩnh vực như tranh chấp thương mại, kinh tế, luật pháp quốc tế, nhân quyền và các chuyên ngành sâu.
- Vai trò của Nghị viện Châu Âu sau Hiệp ước Lisbon là rất quan trọng ta cần tranh thủ. Một số nước đã sẵn sàng bỏ kinh phí và xây dựng được cơ chế lobby (như đối với Quốc hội Mỹ nhưng ở mức thấp hơn) để tác động vào quá trình ra chính sách của EU. Đây là cách làm ta có thể tham khảo nhằm thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích của ta trong quan hệ với EU (các vụ việc tranh chấp thương mại, dân chủ nhân quyền, vấn đề Biển Đông...)
- Trong tương lai, khi quan hệ ta với EU phát triển sâu rộng hơn, cần tính đến khả năng thành lập Phái đoàn của Việt Nam bên cạnh EU tách riêng với Đại sứ quán ta tại Bỉ như hiện nay.
KẾT LUẬN
Việc thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - EU là phù hợp với các tính toán chiến lược và lợi ích nhiều mặt của cả hai bên trong bối cảnh tình hình quốc tế chuyển biến thuận lợi hơn. Với việc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, cản trở chính trong quan hệ hai bên được dỡ bỏ, EU đã nhanh chóng tiến tới thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, tạo dựng nền tảng cho một mối quan hệ lâu dài, bền vững Việt Nam - EU.
Hai mươi năm không phải là một quãng thời gian dài đối với một quan hệ ngoại giao. Quan hệ Việt Nam - EU thiết lập năm 1990 tuy chưa lâu song đã trở thành một trong những quan hệ quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế thương mại và hợp tác phát triển, cũng như là cặp quan hệ có nhiều ý nghĩa về mặt chính trị đối ngoại. Khác với quan hệ với một số đối tác hàng đầu khác như Trung Quốc, Mỹ thường có những giai đoạn sóng gió do va chạm lợi ích thì quan hệ với EU, một đối tác lớn toàn cầu, nhìn chung khá thuận lợi. Hai mươi năm xây dựng quan hệ thì cũng là hai mươi năm quan hệ phát triển, lúc nhanh lúc chậm và có thách thức nhưng chiều hướng cơ bản là ổn định, bền vững theo hướngvà ngày càng mở rộng và, đi vào chiều sâu.
Việt Nam và EU đều có những mục tiêu và tính toán chiến lược trong việc thúc đẩy phát triển quan hệ hai bên. Mục tiêu xuyên suốt của EU trong quan hệ với Việt Nam là ủng hộ một Việt Nam đổi mới, hội nhập khu vực và quốc tế, trở thành thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, không rơi vào ảnh hưởng của các nước lớn và dần “chuyển hóa“ theo các giá trị phương Tây, phù hợp với các lợi ích nhiều mặt của EU cũng như cho phép EU phát huy hơn vai trò và tiếng nói trong khu vực. Trong khi đó, Việt Nam quan hệ với EU là nhằm triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa; tranh thủ sự hỗ trợ về hợp tác phát triển, kinh tế, thương mại, đầu tư, khai thác thế mạnh khoa học kỹ thuật của EU phục vụ quá trình phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế theo lộ trình của ta.
Tính chất của quan hệ hợp tác Việt Nam - EU thay đổi qua từng giai đoạn song hợp tác giai đoạn sau bao giờ cũng chặt chẽ và ở mức độ cao hơn giai đoạn trước. Trước khi thiết lập quan hệ chính thức, hợp tác hai bên chủ yếu dưới hình thức viện trợ nhân đạo, quan hệ giữa “bên cho và bên nhận“.
Đến giai đoạn 1990 - 1995, quan hệ Việt Nam - EU đã có những bước đi ban đầu mở ra một hướng hợp tác mới về kinh tế thương mại, viện trợ phát triển. Trong giai đoạn này, EU đã bước đầu khẳng định được chỗ đứng quan trọng, góp phần vào sự phát triển nhiều mặt của Việt Nam.
Kể Giai đoạn từ khi ký Hiệp định khung năm 1995 đến nay, quan hệ Việt Nam - EU đã phát triển hết sức nhanh chóng. Hàng loạt các lĩnh vực hợp tác được thiết lập và mở rộng, các lĩnh vực hợp tác ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu. Với mốc hoàn tất đàm phán và ký tắt Hiệp định PCA năm 2010, quan hệ Việt Nam - EU đã chuyển sang một giai đoạn phát triển mới giữa hai „“đối tác“ " bình đẳng, hợp tác cùng có lợi.
Ở bất cứ giai đoạn nào, quan hệ Việt Nam - EU cũng đã có những đóng góp tích cực không chỉ về quan hệ đối ngoại mà còn về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Sự kiện EU thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam trước khi Trung Quốc, Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam và trước khi Việt Nam gia nhập ASEAN đã cho thấy vai trò tiên phong quan trọng của EU trong việc giúp Việt Nam phá vỡ thế bao vây, cô lập về ngoại giao, góp phần tạo dựng cục diện cân bằng chiến lược trong quan hệ Việt Nam với các đối tác và trung tâm thế giới. Quan hệ với EU đã mở ra cho Việt Nam một thị trường xuất khẩu mới có tầm quan trọng hàng đầu, không chỉ thay thế thị trường truyền thống Liên Xô và các nước XHCN cũ đã không còn từ sau năm 1991, mà còn giúp Việt Nam duy trì thường xuyên 1/5 xuất khẩu của ta ra thế giới. Điều này đặc biệt có ý nghĩa không chỉ về kinh tế, mang lại nguồn thu lớn về ngoại tệ, giúp cân bằng ngân sách mà còn có ý nghĩa quan trọng về mặt xã hội tạo ra công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo và giúp ta hội nhập kinh tế quốc tế một cách bền vững, giúp các doanh nghiệp của ta làm quen với các phương thức kinh doanh tiên tiến, hiện đại của thế giới, tạo điều kiện cho kinh tế ta tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Là một thực thể có tiếng nói quan trọng hàng đầu trên thế giới, sự ủng hộ của EU đối với tiến trình hội nhập quốc tế của ta là rất quan trọng. EU là đối tác lớn nhất sớm kết thúc đàm phán WTO, tạo điều kiện cho ta gia nhập WTO, đánh dấu việc nước ta tham gia đầy đủ các định chế kinh tế toàn cầu, giúp mở rộng thị trường xuất khẩu, đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ hơn các thể chế theo hướng hiện đại giai đoạn hậu WTO. Viện trợ phát triển của EU dành cho Việt Nam liên tục trong suốt hơn hai mươi năm đã góp phần tạo ra những chuyển biến tích cực về kinh tế xã hội ở Việt Nam, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa. Là nhà cung cấp viện trợ phát triển tiên phong hàng đầu thế giới, cách tiếp cận và sự ủng hộ của EU trong lĩnh vực này đã có những tác động tích cực đến các đối tác khác cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam.
Quan hệ với EU đã giúp chúng ta triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại đổi mới đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với các nước, tạo thế cho ta trong quan hệ với các đối tác lớn khác, góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Các thách thức trong quan hệ Việt Nam - EU thời gian tới không nằm ngoài những thách thức đã xuất hiện trong hai mươi năm qua, chủ yếu là vấn đề dân chủ nhân quyền và tranh chấp thương mại. Mặc dù quy mô và tính chất phức tạp của các thách thức này dự báo sẽ tăng lên song cơ bản hai bên sẽ có khả năng giải quyết ổn thỏa trên cơ sở quan hệ chính trị tốt đẹp và các cơ chế đối thoại, hợp tác đã được hai bên thiết lập.
Nhìn về phía trước, quan hệ Việt Nam - EU có nhiều triển vọng tươi sáng. Với vai trò và vị thế ngày càng tăng của cả hai bên; ý chí chính trị của Lãnh đạo cấp cao; các khuôn khổ pháp lý được thiết lập như PCA và sắp tới là FTA; tính bổ sung tương hỗ giữa hai nền kinh tế; chia sẻ nhiều điểm đồng trong các vấn đề toàn cầu; truyền thống quan hệ lịch sử lâu dài và tốt đẹp sẽ giúp quan hệ Việt Nam - EU tiếp tục phát triển mạnh mẽ phục vụ lợi ích của cả hai bên và góp phần vào hòa bình, ổn định, an ninh và thịnh vượng của khu vực và thế giới./.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Sách tiếng Việt:
“ Cục diện thế giới đến 2020”, Nhà xuất bản chính trị quốc gia
“Giáo trình quan hệ kinh tế quốc tế”, Nhà xuất bản chính trị quốc gia
“Ngoại giao Việt Nam hiện đại vì sự nghiệp Đổi mới (1975-2002)”, Học viện quan hệ quốc tế
“Quan hệ kinh tế quốc tế”, Học viện ngoại giao
“Liên minh Châu Âu - chặng đường 50 năm phát triển”, Tạp chí Cộng sản
“Triển vọng phát triển quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU”, Tạp chí Cộng sản
“Quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu từ 1995 tới nay”, Đàm Huy Hoàng, Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu
“Những điều chỉnh chính sách khoa học và công nghệ của EU”, Đinh Công Tuấn và Hồ Thanh Hương, Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu
“Quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên minh Châu Âu: một bước ngoặt lịch sử”, Tạp chí Nghiên cứu Châu Âu
Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2010 “Xây dựng hệ thống hợp tác an ninh toàn diện mới ở Châu Âu: Thách thức và Triển vọng,
Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2007 “Quan hệ Việt Nam - Tây Âu giai đoạn 1975 - 1995”
Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2004 “Vị trí, vai trò của Liên minh Châu Âu đầu thế kỷ 21”
Tiếng nước ngoài:
“The European Union - Politics and Policies”, Fourth Edition, John McCornmick
University Association for Contemporary European Studies (UACES)
“Freedom, security and justice for all”, European Commission
“The EU in the world - The foreign policy of the European Union”, European Commission
“Smartening the EU’s soft power”, Hugh Richardson, Head of the Delegation of the European Commission to Japan
“Why China sees the EU as a counterweight to America”, Dingli Shen
“Development of European Military Capabilities”, European Union
“Willing and able? EU defence in 2020”, Daniel Keohane and Tomas Valasek
“Making globalisation work for everyone”, European Commission
“Better off in Europe”, European Commission
The European Union and Asian countries, Georg Wiessala, Sheffield Academic Press, 2002
Georg Wiessala, "Distant neighbours - The new Asia strategy of the European Union and the Union’s relationship with China", European Union Studies Association (EUSA), 1997
“Access to European Union - Law, economics, policies”, 18th updated edition, Nicholas Moussis
Civitas EU Facts: www.civitas.org.uk
European Commision:
Council of Ministers:
European Parliament:
Political Groups Online: http:// www.europarl.eu.int/groups
European Court of Justice:
European Central Bank:
Delegation of the European Commission to the USA:
BBC News Online:
EUObserver:
EurActiv:
European Voice:
The Economist:
European Voice:
CIA - The World Fact Books: https://www.cia.govCác tạp chí nước ngoài:
Common Market Law Review
Comparative European Politics
European Foreign Affair Review
European Journal of International Relations
European Journal of Political Research
European Union Politics
Foreign Affairs
International Organisation
Journal of Common Market studies
Journal of European Integration
Journal of European Public Policy
Journal of European Social Policy
NGÀY THIẾT LẬP QUAN HỆ NGOẠI GIAO GIỮA
CÁC NƯỚC THÀNH VIÊN EU VỚI VIỆT NAM
STT
Tên nước
Ngày lập quan hệ
Cộng hòa Séc
2.2.1950
Cộng hòa Slovakia
2.2.1950
Cộng hòa Hungary
3.2.1950
Romania
3.2.1950
Cộng hòa Ba Lan
4.2.1950
Cộng hòa Bungaria
8.2.1950
Vương quốc Thụy Điển
11.1.1969
Vương quốc Đan Mạch
25.11.1971
Cộng hòa Áo
11.12.1972
Cộng hòa Phần Lan
25.01.1973
Đại công quốc Luxembourg
15.11.1973
Vương quốc Bỉ
22.03.1973
Cộng hòa Italia
23.03.1973
Vương quốc Hà Lan
9.4.1973
Cộng hòa Pháp
12.04.1973
Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland
1.9.1973
Cộng hòa Malta
14.1.1974
Cộng hòa Bồ Đào Nha
4.7.1975
Cộng hòa Liên bang Đức
23.09.1975
Cộng hòa Síp
29.11.1975
Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ
7.6.1976
Vương quốc Tây Ban Nha
23.5.1977
Cộng hòa Latvia
12.02.1992
Cộng hòa Estonia
20.02.1992
Cộng hòa Lithuania
18.3.1992
Cộng hòa Slovenia
7.6.1994
Ireland
5.4.1996
ĐẠI SỰ KÝ QUAN HỆ VIỆT NAM - EU (1990 - 2011)
THỜI GIAN
SỰ KIỆN
1990
Hội nghị Ngoại trưởng EU thông qua quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ở cấp Đại sứ (22/10)
Việt Nam và Cộng đồng Châu Âu chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (28/11/1990)
Ủy ban châu Âu và Chính phủ Việt Nam thỏa thuận về chương trình giúp người Việt Nam ra đi bất hợp pháp được phép quay trở về Việt Nam tái hòa nhập trên nguyên tắc hồi hương tự nguyện với nội dung cho vay tín dụng, đào tạo nghề và xây dựng dự án nhỏ (12/1990)
1992
EP thông qua nghị quyết tăng cường quan hệ giữa EU và 3 nước Đông Dương, cụ thể đẩy mạnh quan hệ về mọi mặt với Việt Nam
Ký Hiệp định dệt may giữa Việt Nam và Cộng đồng Châu Âu.
1993
Chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam Võ Văn Kiệt tới Ủy ban Châu Âu
Ủy viên quan hệ đối ngoại Ủy ban Châu Âu Hans Van de Broek thăm Việt Nam
1994
Đoàn Bộ trưởng Ngoại giao, Đoàn Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và hai đoàn Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam thăm Ủy ban Châu Âu và một số nước Tây Bắc Âu
Ký Hiệp định viện trợ kỹ thuật Việt Nam - EU trợ giúp Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường với 16 triệu ECU cho 5 dự án (tháng 11)
1995
Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh thăm Nghị viện Châu Âu (tháng 2)
Bộ trưởng Ngoai giao Nguyễn Mạnh Cầm thăm EU và ký Hiệp định hợp tác giữa Việt Nam - EC (gọi tắt là Hiệp định khung 1995) thiết lập khuôn khổ pháp lý cho quan hệ hai bên (17/7)
Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Manuel Marin, Đại diện cấp cao đầu tiên của EU đến Việt Nam (tháng 9)
1996
Ủy ban Châu Âu thành lập Phái đoàn đại diện thường trực và cử Đại sứ - Trưởng Phái đoàn tại Việt Nam
Họp UBHH Việt Nam - EC lần I (9/1996)
1997
Việt Nam tham gia Hiệp định hợp tác ASEAN - EU
2000
Tổng bí thư Lê Khả Phiêu thăm Uỷ ban Châu Âu (5/2000)
2001
Bắt đầu đối thoại nhân quyền Việt Nam - EU cấp chuyên viên
2002
Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức Ủy ban Châu Âu tháng 9/2002
2003
Triển khai Hiệp định Thương mại và tiếp cận thị trường (sửa đổi Hiệp định Dệt may năm 1992, bổ sung thêm yếu tố tiếp cận thị trường)
Đối thoại nhân quyền Việt Nam - EU được nâng lên cấp Vụ trưởng Bộ Ngoại giao và cấp Đại sứ EU và được tổ chức 1 năm 2 lần
2004
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh thăm EU tháng 3/2004
Ủy viên phụ trách về An toàn thực phẩm, Y tế công cộng và Bảo vệ người tiêu dùng Ủy ban Châu Âu David Byrne thăm Việt Nam (1/2004)
Đặc phái viên của EU phụ trách về vấn đề ASEM Hans Van Den Broek thăm Việt Nam (7/2004)
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Romano Prodi và Ủy viên thương mại Ủy ban Châu Âu Pascal Lamy làm việc tại Việt Nam nhân dịp Hội nghị ASEM 5 (10/2004)
Hội nghị cấp cao Việt Nam - EU lần thứ nhất tại Hà Nội bên lề hội nghị ASEM5
Việt Nam và Ủy ban Châu Âu ký Thỏa thuận về việc Việt Nam gia nhập WTO, kết thúc đàm phán song phương.
Ký thỏa thuận dỡ bỏ hạn ngạch dệt may cho Việt Nam (có hiệu lực từ 1/1/2005) dù Việt Nam chưa là thành viên WTO
2005
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thăm Nghị viện Châu Âu (3/2005)
Ủy viên thương mại Ủy ban Châu Âu Peter Mandelson tham dự cuộc họp tư vấn ASEAN - EU tại Hạ Long và làm việc với Việt Nam (4/2005)
Chính phủ Việt Nam thông qua Đề án tổng thể về quan hệ Việt Nam - EU và Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển quan hệ Việt Nam - EU đến 2010 và định hướng tới 2015 (14/6/2005)
Tổng Vụ trưởng đối ngoại Ủy ban Châu Âu Eneko Landaburu thăm Việt Nam (10/2005)
Ủy viên phụ trách về An toàn thực phẩm, Y tế công cộng và Bảo vệ người tiêu dùng Ủy ban Châu Âu M. Kyprianou (11/2005)
Nghị viện Châu Âu ra nghị quyết về tình hình nhân quyền tại Việt Nam (12/2005)
Hội đồng Châu Âu thông qua các quy định mới về GSP (6/2005) có hiệu lực từ 1/1/2006 đến 31/12/2008, theo đó hàng hóa Việt Nam tiếp tục được hưởng GSP như trước và không có mặt hàng nào, kể cả giày dép, bị đưa ra khỏi danh sách được hưởng GSP mới
2006
Ủy ban Châu Âu áp thuế chống bán phá giá đối với giầy mũ da của Việt Nam
Ủy viên đối ngoại Ủy ban Châu Âu Benita Ferrero-Waldner thăm Việt Nam (4/2006)
Chủ tịch Ủy ban tự do dân sự, tư pháp và nội vụ kiêm Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Nghị viện Châu Âu quan hệ với Đông Nam Á và ASEAN Harmut Nassauer thăm Việt Nam (5/2006)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Ủy ban Châu Âu (9/2006)
Ủy ban Châu Âu quyết định áp thuế chống bán phá giá ở mức 10%, thời hạn 2 năm đối với Việt Nam (16,5% đối với Trung Quốc (10/2006)
2007
Ủy ban Châu Âu thông qua Chiến lược hợp tác với Việt Nam giai đoạn 2007 - 2013 (28/3/2007)
EU kết thúc đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jose Manuel Barroso thăm chính thức Việt Nam (11/2007)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Jose Manuel Barroso tuyên bố khởi động đàm phán Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện (PCA)
2008
Bắt đầu đàm phán PCA (6/2008)
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm thăm Ủy ban Châu Âu (9/2008)
Nghị viện Châu Âu ra nghị quyết về tình hình nhân quyền Việt Nam (10/2008)
Cơ chế COREPER của EU đã họp và thống nhất đưa hàng hóa thuộc mục XII của Việt Nam ra khỏi danh sách được hưởng GSP giai đoạn 2009 - 2011 (11/6)
2009
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Uỷ viên đối ngoại Ủy ban Châu Âu Benita Ferrero-Waldner nhân dịp dự Hội nghị FMM 9 (5/2009)
Nghị viện Châu Âu ra nghị quyết về tình hình nhân quyền Việt Nam (11/2009)
2010
Ủy viên thương mại Ủy ban Châu Âu Karel de Gucht thăm Việt Nam (3/2010) và chính thức đề nghị Việt Nam xem xét đàm phán FTA Việt Nam - EU
Đoàn các Nghị sỹ Nghị viện Châu Âu quan hệ với Đông Nam Á và ASEAN thăm Việt Nam (3/2010)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Herman Van Rompuy bên lề Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Washington (4/2010)
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm Ủy ban Châu Âu (18/6)
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng thăm Nghị viện Châu Âu (7/2010)
Bộ trưởng Ngoại giao Hungary János Martonyi thay mặt Đại diện cấp cao EU về Chính sách đối ngoại và an ninh dự Hội nghị PMC và ARF 17 tại Việt Nam (7/2010)
Ủy viên thương mại Ủy ban Châu Âu Karel de Gucht dự Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN tại Việt Nam (9/2010)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Ủy ban Châu Âu (10/2010)
Ký tắt Hiệp định PCA (4/10/2010)
Đoàn công tác liên ngành do Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm Nghị viện Châu Âu (11/2010)
Ủy ban Châu Âu bãi bỏ thuế chống bán phá giá đối với xe đạp Việt Nam (7/2010)
2011
Ủy ban Châu Âu bãi bỏ thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da của Việt Nam (3/2011)
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm gặp Bà Catherine Ashton, Đại diện cấp cao của EU về Chính sách đối ngoại và an ninh bên lề Hội nghị Bộ trưởng ASEM (6/2011)
Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm Ủy ban Châu Âu (7/2011)
Họp Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - EU (10/2011)
ĐẠI SỰ KÝ NHẤT THỂ HÓA LIÊN MINH CHÂU ÂU
1951: Hiệp ước Paris thành lập Cộng đồng than thép Châu Âu (ECSC), tổ chức tiền thân của EU, với 6 thành viên sáng lập là Bỉ, Pháp, Italia, Luxembourg, Hà Lan và Tây Đức.
1957: Hiệp ước Roma thành lập Cộng đồng năng lượng nguyên tử Châu Âu (Euratom) và Cộng đồng kinh tế Châu Âu (EEC).
1967: Hiệp ước sát nhập (Merger Treaty) gắn kết các cộng đồng Châu Âu (ECSC, EEC, EURATOM) bắt đầu có hiệu lực.
1973: Kết nạp Đan Mạch, Ireland và Anh.
1979: Hội đồng Châu Âu họp tại Paris đã cho ra đời Hệ thống tiền tệ Châu Âu (EMS).
1979: Bầu cử Nghị viện Châu Âu trực tiếp lần thứ nhất.
1981: Kết nạp Hy Lạp.
1986: Kết nạp Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
1987: EU bắt đầu triển khai kế hoạch xây dựng "Thị trường nội địa thống nhất Châu Âu".
1992: Hiệp ước Maastricht (Hiệp ước Liên minh Châu Âu) thành lập liên minh kinh tế và tiền tệ vào cuối thập niên 1990, với một đơn vị tiền tệ chung và một Ngân hàng trung ương độc lập; thành lập một liên minh chính trị bao gồm việc thực hiện một chính sách đối ngoại và an ninh chung để tiến tới có chính sách phòng thủ chung, tăng cường hợp tác về cảnh sát và tư pháp. Hiệp ước này đánh dấu một bước ngoặt trong tiến trình nhất thể hóa Châu Âu và bắt đầu có hiệu lực từ 1993.
1995: Kết nạp Áo, Phần Lan và Thuỵ Điển.
1997: Hiệp ước Amsterdam sửa đổi và bổ sung Hiệp ước Maastricht.
2000: Hiệp ước Nice tập trung vào vấn đề cải cách thể chế để tiếp nhận các thành viên mới, đồng thời tăng cường vai trò của Nghị viện Châu Âu, thành lập Lực lượng phản ứng nhanh (RRF).
2002: đồng Euro đã chính thức được lưu hành tại 12 quốc gia thành viên (còn gọi là khu vực đồng Euro).
2004: Đợt mở rộng quan trọng nhất của EU. Kết nạp thêm 10 thành viên mới là Síp, Séc, Slovenia, Hungaria, Latvia, Lithuania, Malta, Ba Lan, Slovakia và Estonia.
2007: Kết nạp Bungaria và Rumania.
1/12/2009: Hiệp ước Lisbon bắt đầu có hiệu lực. Hiệp ước Lisbon được các nước EU ký ngày 13/12/2007 tại Lisbon (Bồ Đào Nha) có tên gọi đầy đủ là Hiệp ước sửa đổi Hiệp ước Liên minh Châu Âu và Hiệp ước thành lập Cộng đồng Châu Âu, thay thế cho “Hiến pháp Châu Âu” mà các nước EU đã soạn thảo nhưng bị bác bỏ trong các cuộc bỏ phiếu ở Pháp và Hà Lan năm 2005, đã đưa đến các thay đổi quan trọng của EU về cơ cấu và hoạt động theo hướng nâng cao tính hiệu quả, minh bạch và dân chủ của các thể chế Châu Âu. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình nhất thể hóa Châu Âu.
BẢN ĐỒ CHÂU ÂU
NỘI DUNG CHÍNH CỦA HIỆP ĐỊNH PCA
PCA gồm 8 chương, 65 điều và các phụ lục đính kèm là một Hiệp định khung, điều chỉnh toàn bộ quan hệ của ta với EU cũng như với các nước thành viên EU. Hiệp định này quy định các nguyên tắc cơ bản của quan hệ Việt Nam - EU đồng thời cũng xác định nội dung, phạm vi và hình thức hợp tác trong từng lĩnh vực cụ thể:
- Chương 1. Bản chất và Phạm vi quy định các nguyên tắc chung của quan hệ Việt Nam - EU, xác định các mục tiêu hợp tác, bao gồm cả hợp tác trong các tổ chức quốc tế, trên phương diện song phương và khu vực - khu vực.
- Chương 2. Hợp tác phát triển nhắc lại các nguyên tắc, khẳng định tiếp tục hợp tác phát triển, xác định mục tiêu giảm nghèo, phát triển bền vững và hội nhập và quy định hình thức hợp tác cụ thể: hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực, hỗ trợ tài chính, trao đổi kinh nghiệm về sử dụng hiệu quả viện trợ.
- Chương 3. Hòa bình và An ninh: cam kết hợp tác hai bên trong các lĩnh vực chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống buôn bán bất hợp pháp súng nhỏ, vũ khí nhẹ, chống khủng bố và hợp tác pháp luật (kể cả trừng phạt các tội ác nghiêm trọng chống loài người) trong khuôn khổ nghĩa vụ và trách nhiệm đã cam kết trong các điều ước quốc tế mà hai bên đã tham gia.
- Chương 4. Thương mại và Đầu tư: do ta và EU đã đồng ý tổ chức các hoạt động kỹ thuật chuẩn bị mở đàm phán Hiệp định thương mại tự do song phương (FTA) Việt Nam - EU vào cuối 2010, chương này chủ yếu quy định về các nguyên tắc cơ bản trong thương mại, đầu tư mà không đi vào cụ thể như FTA. Vì vậy, chương này chủ yếu xác nhận các nguyên tắc chung như thúc đẩy trao đổi thương mại ở mức cao nhất phù hợp với lợi ích chung, đảm bảo tiếp cận thị trường của nhau, có thể dự đoán được, hợp tác hướng tới xóa bỏ rào cản thương mại, khẳng định vai trò của thương mại đối với phát triển, nhất là các chương trình ưu đãi như GSP, đãi ngộ đặc biệt và khác biệt, tính đến trình độ phát triển của mỗi bên và đối thoại, thông tin cho nhau về chính sách thương mại và liên quan. Chương này còn quy định cam kết hợp tác trong các lĩnh vực cụ thể như phát triển thương mại, vệ sinh an toàn thực phẩm, hải quan, đầu tư, chính sách cạnh tranh, dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ, sự tham gia của các thành phần kinh tế, tham vấn... với hình thức chủ yếu là tham vấn, đối thoại, trao đổi thông tin và tạo thuận lợi cho nhau.
- Chương 5. Hợp tác Tư pháp khẳng định cam kết hợp tác trong các lĩnh vực chống tội phạm có tổ chức, chống rửa tiền, chống ma túy, bảo vệ dữ liệu cá nhân phù hợp với quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong các điều ước quốc tế mà hai bên tham gia.
- Chương 6. Hợp tác trong phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực khác: chương này gồm các quy định cụ thể xác định nội dung, phạm vi và hình thức hợp tác trong 25 lĩnh vực mà ta và EU cùng quan tâm, với nội dung chủ yếu khẳng định tầm quan trọng của lĩnh vực hợp tác, cam kết về phạm vi, mức độ và hình thức hợp tác, trong đó đáng chú ý nhất là lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, chống biến đổi khí hậu, di cư, ngăn ngừa giảm nhẹ thiên tai, khắc phục hậu quả chiến tranh, công nghệ thông tin, năng lượng, du lịch, văn hóa, quy hoạch đô thị...
- Chương 7. Thể chế quy định về chức năng và hoạt động của Ủy ban hỗn hợp, cơ chế điều phối hai bên thi hành Hiệp định.
- Chương 8. Các điều khoản cuối cùng: gồm các quy định về việc thực hiện Hiệp định.
Ngoài ra, PCA còn có các Phụ lục đính kèm gồm 03 Tuyên bố chung (về các vấn đề hợp tác sớm công nhận Quy chế Kinh tế thị trường cho Việt Nam, danh sách cơ quan được tiếp cận thông tin về ngân hàng liên quan tới chống rửa tiền và tài trợ khủng bố và về việc thực thi nghĩa vụ) và 01 Tuyên bố của phía EU khẳng định cam kết sẽ tiếp tục dành Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho ta.
NHỮNG THAY ĐỔI CỦA EU THEO HIỆP ƯỚC LISBON
- Hiệp ước Maastricht thành lập EU năm 1993 quy định EU được tổ chức theo 3 trụ cột, gồm: 1/ Trụ cột các Cộng đồng Châu Âu (European Communities), chịu trách nhiệm trong các lĩnh vực chính sách kinh tế, xã hội và môi trường. Đây là trụ cột duy nhất có tư cách pháp nhân. Trụ cột này bao gồm Cộng đồng Châu Âu (European Community – EC), Cộng đồng Than Thép Châu Âu (ECSC - tồn tại đến năm 2002 thì hết hạn) và Cộng đồng nguyên tử năng (EURATOM). Trong trụ cột này, thẩm quyền quyết định các lĩnh vực chính sách được trao cho các thể chế EU (các nước thành viên không còn thẩm quyền quyết định mà phải chấp nhận và áp dụng các đạo luật được các thể chế EU quy định); 2/ Trụ cột Chính sách đối ngoại và an ninh chung (CFSP) liên quan đến các vấn đề chính sách đối ngoại và quân sự; 3/ Trụ cột các vấn đề Tư pháp và Nội vụ (JHA), chịu trách nhiệm các lĩnh vực chính sách về hợp tác cảnh sát và tư pháp hình sự. Đối với 2 trụ cột sau của EU, nguyên tắc chi phối là “hợp tác liên Chính phủ” (các nước thành viên có tiếng nói quyết định). Trên cơ sở hợp nhất 3 trụ cột, Hiệp ước Lisbon đã xóa bỏ cấu trúc của Hiệp ước Maastricht, thay vào đó phân định rõ ràng thẩm quyền giữa các thể chế EU và các nước thành viên đối với khoảng 50 lĩnh vực chính sách. Cụ thể như sau:
+ Các lĩnh vực EU có thẩm quyền gồm: chính sách thương mại, thuế quan, chính sách tiền tệ trong khu vực Euro, chính sách cạnh tranh trong thị trường nội địa, bảo tồn nguồn sinh vật biển trong chính sách ngư nghiệp chung. Nguyên tắc cơ bản là EU có thẩm quyền khi được các nước thành viên trao cho. Trong các lĩnh vực có thẩm quyền, chỉ có EU mới được xây dựng chính sách và luật pháp liên quan áp dụng cho toàn bộ EU. Tuy nhiên EU cũng có quyền trao lại cho các nước thành viên các thẩm quyền đã được trao.
+ Các lĩnh vực EU có thẩm quyền chia sẻ với các nước thành viên gồm: thị trường nội địa, một phần chính sách xã hội, gắn kết kinh tế, xã hội và lãnh thổ, nông nghiệp và thủy sản, môi trường, bảo vệ người tiêu dùng, giao thông, năng lượng, nội vụ - tư pháp - an ninh, y tế cộng đồng, một phần của việc nghiên cứu, phát triển công nghệ và không gian, một phần hợp tác phát triển và viện trợ nhân đạo. Đây là các lĩnh vực EU và các nước thành viên cùng có thẩm quyền ban hành chính sách và luật pháp liên quan. Các nước thành viên sẽ thực hiện quyền của mình đến giới hạn mà EU chưa thực hiện các quyền đó hoặc khi EU không thực hiện các quyền đó nữa.
+ Các lĩnh vực các nước thành viên vẫn giữ quyền tự quyết gồm: chính sách công nghiệp, văn hoá, du lịch, giáo dục, bảo vệ dân sự...
- Với Hiệp ước Lisbon, EU đã trở thành một chủ thể có tư cách pháp nhân. Kể từ ngày Hiệp ước Lisbon có hiệu lực (1/12/2009), EU thay thế và thừa kế tư cách pháp nhân (với đầy đủ các quyền và nghĩa vụ pháp lý) từ Cộng đồng Châu Âu Từ ngày 1/12/2009, khái niệm Cộng đồng Châu Âu (EC) được thay thế bởi Liên minh Châu Âu (EU) (vd: “quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Cộng đồng Châu Âu” sẽ được thay bằng “quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu”, cho dù đề cập đến quan hệ này vào thời điểm ngay cả trước khi khái niệm EU lần đầu tiên ra đời năm 1992 theo Hiệp ước Maastricht).
. EU đã trở thành một chủ thể có đầy đủ năng lực pháp lý, được đàm phán, ký kết, tham gia các điều ước quốc tế; có tư cách pháp lý trở thành thành viên của các tổ chức quốc tế (EU hiện đang vận động trở thành thành viên của các tổ chức, trong đó có Liên hiệp quốc). Tư cách pháp nhân của EU cũng cho phép EU kế thừa hoặc thiết lập mới các cơ quan đại diện ngoại giao tại các nước thứ ba (tại các nước, Phái đoàn Ủy ban Cộng đồng Châu Âu được đổi tên thành Phái đoàn Liên minh Châu Âu, thay mặt cho toàn bộ EU trong quan hệ ngoại giao với nước thứ ba, thay thế cho cơ chế Chủ tịch luân phiên và Troika đã có. Tuy nhiên, trong các lĩnh vực EU không có thẩm quyền, chẳng hạn về lãnh sự, thì sẽ tiếp tục áp dụng cơ chế Chủ tịch luân phiên). Với tư cách pháp nhân, EU sau Hiệp ước Lisbon sẽ “hiện hữu” rõ ràng, dễ hiểu hơn trong quan hệ với các đối tác cũng như các tổ chức quốc tế, cho phép EU hoạt động hiệu quả và nhất quán hơn.
- Một trong những cải tổ quan trọng nâng cao tính hiệu quả của EU là cơ chế bỏ phiếu đa số kép (double majority voting). Hiện nay, Hội đồng Bộ trưởng thông qua các quyết định theo cơ chế đồng thuận hoặc cơ chế bỏ phiếu “sức nặng” (weighted voting), chủ yếu dựa vào dân số của các nước thành viên. Các nước có số phiếu nhiều nhất là Đức, Anh, Pháp, Ý với 29 phiếu mỗi nước, nước có số phiếu ít nhất là Malta với 3 phiếu. Tổng số phiếu của cả 27 nước là 345 phiếu. Để thông qua một quyết định của EU, số phiếu cần đạt ít nhất là 255/345 phiếu. Hiệp ước Lisbon quy định mở rộng các lĩnh vực chính sách được bỏ phiếu theo cơ chế bỏ phiếu đa số kép, bắt đầu từ ngày 1/11/2014. Theo cơ chế này, quyết định của Hội đồng Bộ trưởng sẽ được thông qua khi 55% số nước thành viên EU (18/27 nước) đại diện cho 65% dân số EU ủng hộ. Cơ chế bỏ phiếu đa số kép này dân chủ hơn (vì dựa trên đa số 65% dân chúng ủng hộ), đảm bảo quyền lợi cho các nước nhỏ tốt hơn, vừa nhanh chóng và hiệu quả hơn (vì chỉ cần 55% nước thành viên ủng hộ). Hiệp ước Lisbon loại trừ khả năng phủ quyết của nước thành viên trong một số lĩnh vực trong đó có chống biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và hỗ trợ nhân đạo. Việc quyết định lĩnh vực chính sách nào khác được áp dụng cơ chế bỏ phiếu đa số kép sẽ phải được sự đồng thuận của tất cả 27 nước và được Quốc hội các nước thành viên thông qua. Các lĩnh vực tiếp tục được thông qua theo cơ chế đồng thuận sẽ gồm thuế, quốc phòng, chính sách đối ngoại, an ninh xã hội.
Quyết định được Hội đồng Bộ trưởng (đại diện cho Chính phủ các nước) thông qua sẽ tiếp tục được trình lên EP (đại diện cho người dân) thông qua theo hình thức đa số đơn giản (simple majority). Như vậy, một quyết định của EU khi được cả Hội đồng Bộ trưởng và EP thông qua sẽ đảm bảo đầy đủ tính hợp pháp kép (double legitimacy) của cả hai cơ quan quyền lực của EU (sự đồng ý gián tiếp cả của Chính phủ cũng như người dân EU).
Các thể chế chính của EU sau Hiệp ước Lisbon:
a/ Nghị viện Châu Âu:
- Yêu cầu chính trị chủ yếu của việc cải tổ EU là nhằm tăng cường tính dân chủ, làm cho người dân gần gũi, có lợi ích, qua đó ủng hộ EU hơn (hay nói cách khác, các Chính phủ có được sự ủng hộ, đồng thuận hơn của Quốc hội quốc gia và công dân của mình trong các vấn đề EU). Hiệp ước Lisbon đã tăng cường đáng kể, nhiều hơn bất kỳ thể chế khác, quyền lực và vai trò của EP, thể chế dân cử duy nhất của EU. Trong lĩnh vực lập pháp, EP ngày nay có vai trò ngang bằng với Hội đồng Bộ trưởng, đồng quyết định (codecision) với Hội đồng Bộ trưởng trong khoảng 50 vấn đề thuộc các lĩnh vực tự do, an ninh và tư pháp, chính sách nông nghiệp chung, triển khai chính sách thương mại chung... Nếu trước đây, thủ tục đồng quyết định của EP đối với các đạo luật của EU chủ yếu mang tính hình thức (Hội đồng Bộ trưởng chỉ xem đấy là ý kiến tham vấn) thì nay đây là thủ tục pháp lý bắt buộc (ordinary legislative procedure) trong quy trình thông qua các quyết định của EU, do vậy làm cho EP có quyền lực tương đương với Hội đồng Bộ trưởng trong lĩnh vực lập pháp.
- EP còn được trao thẩm quyền đồng quyết định việc phân bổ ngân sách chung hàng năm của cả khối cùng với Hội đồng Bộ trưởng (trước đây, Hội đồng Bộ trưởng là cơ quan quyết định chi ngân sách “bắt buộc” của EU, một phần chủ yếu trong toàn bộ ngân sách của EU). Đây là một thực quyền quan trọng của EP, làm tăng đáng kể vai trò của EP, khi ngân sách hoạt động hàng năm của EU lên tới hàng trăm tỷ Euro (ngân sách giai đoạn 2007 - 2013 của EU lên đến 864,3 tỷ Euro, trong đó năm 2010 khoảng 123 tỷ Euro). Tại cuộc họp gần đây (tháng 11/2010), với thẩm quyền mới của mình, EP và các nước thành viên đang tranh cãi về ngân sách năm 2011 và hai bên vẫn chưa đạt được tiếng nói chung về vấn đề này.
- EP còn có vai trò quan trọng trong việc cùng quyết định nhân sự của bộ máy hành pháp EU, qua đó có khả năng tác động đến toàn bộ khuynh hướng hoạt động của EU về sau. Nếu như trước đây, EP chỉ việc thông qua và hợp pháp hóa đề cử của Hội đồng Châu Âu (European Council) đối với các chức vụ chủ chốt của bộ máy hành pháp (EC) thì nay EP có quyền lựa chọn (thông qua việc bỏ phiếu) đối với các chức vụ Chủ tịch EC và các Ủy viên EC do Hội đồng Châu Âu lựa chọn và giới thiệu. Bên cạnh việc lựa chọn các cá nhân Lãnh đạo EC, EP còn có quyền thông qua hoặc không thông qua bộ máy Lãnh đạo EC như một tập thể (gồm Chủ tịch EC và các Ủy viên EC). Việc lựa chọn các Lãnh đạo EC cũng sẽ phải phù hợp và căn cứ vào xu hướng chính trị của bầu cử EP (Chủ tịch EC hiện nay là Ông J. M. Barosso thuộc Đảng dân chủ xã hội trung hữu, xu hướng chính trị thắng thế qua cuộc bầu cử EP tháng 6/2009 vừa qua), qua đó EP có thể chính trị hóa việc lựa chọn Lãnh đạo EC và bầu cử EP, làm cho cử tri quan tâm hơn đến các cuộc bầu cử EP hơn là hiện nay người dân thờ ơ vì không thấy rõ tác động của lá phiếu của mình đối với chính trị EU nói chung cũng như đối với cuộc sống thường ngày của mình nói riêng và làm cho Chủ tịch EC phải chịu trách nhiệm một cách gián tiếp với cử tri Châu Âu.
- Hiệp ước Lisbon cũng quy định số lượng Nghị sỹ EP sẽ được điều chỉnh tăng lên 751 ghế bắt đầu từ năm 2014 (so với 736 ghế hiện nay theo Hiệp ước Nice). Mỗi nước thành viên sẽ có ít nhất 6 ghế và nhiều nhất 96 ghế. Theo cách này, các nước nhỏ sẽ được phân bổ nhiều ghế hơn trong EP so với trước.
b/ Hội đồng Châu Âu (European Council):
- Hiệp ước Lisbon quy định thành lập Hội đồng Châu Âu như một thể chế chính thức của EU, khác với trước đây Hội đồng Châu Âu (thực chất là các Hội nghị thượng đỉnh EU) tuy họp thường xuyên nhưng không được thể chế hóa Từ thập kỷ 60 của thế kỷ 20XX, các nhà Lãnh đạo các nước EU đã có các cuộc họp (không thường kỳ). Từ năm 1974, các cuộc họp trở nên thường kỳ hơn và đóng góp quan trọng vào tiến trình nhất thể hóa Châu Âu. Khái niệm “Hội đồng Châu Âu” lần đầu tiên được ghi nhận (nhưng không được thể chế hóa) tại đạo luật Nhất thể hóa Châu Âu (Single European Act) có hiệu lực ngày 1/7/1987.
. Hội đồng Châu Âu gồm Lãnh đạo 27 nước thành viên, Chủ tịch EC và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (Chủ tịch thường trực) họp định kỳ hàng Quý. Hội đồng Châu Âu là cấp chính trị cao nhất xem xét và quyết định những định hướng lớn, những vấn đề chiến lược, những ưu tiên chính trị quan trọng của EU (ví dụ như Hội đồng Châu Âu gần đây ngày 18/6/2010 đã thông qua chiến lược “Châu Âu 2020”, nêu các định hướng và mục tiêu lớn EU phấn đấu thực hiện đến năm 2020) hoặc các định hướng quan trọng trong Chính sách đối ngoại và an ninh chung (CFSP) hoặc trong liên minh kinh tế và tiền tệ (EMU). Các quyết định của Hội đồng Châu Âu được thông qua theo hình thức đồng thuận.
- Nhằm khắc phục bất cập của cơ chế Chủ tịch luân phiên, Hiệp ước Lisbon quy định một vị trí mới là Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (President of the European Council). Đây là cơ chế Chủ tịch thường trực của EU, có nhiệm kỳ 2,5 năm (tối đa 2 nhiệm kỳ), thay cho cơ chế Chủ tịch luân phiên 6 tháng giữa các nước thành viên trước đây. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu hiện nay là Ông Herman Achille Van Rompuy, nguyên Thủ tướng Bỉ Hiệp ước Lisbon không cho phép Chủ tịch Hội đồng Châu Âu được giữ một chức vụ nào của quốc gia mà mình là công dân. Vì vậy, sau khi Ông Herman Van Rompuy được bầu chọn làm Chủ tịch Hội đồng Châu Âu thì ông cũng thôi giữ chức Thủ tướng Bỉ.
, được các nhà Lãnh đạo EU bầu chọn vào ngày 19/11/2009. Chức năng chính của Chủ tịch Hội đồng Châu Âu là đại diện cho EU trên trường quốc tế (tại các Hội nghị cùng cấp Nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ), chủ trì các cuộc họp, tăng cường đồng thuận EU và điều phối các công việc của Hội đồng Châu Âu. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu cũng chịu trách nhiệm báo cáo trước EP về kết quả các cuộc họp Hội đồng Châu Âu.
c/ Hội đồng Bộ trưởng (Council of Ministers hoặc Council):
- Là đại diện (thường ở cấp Bộ trưởng) của các nước thành viên, tập hợp theo các lĩnh vực chính sách như kinh tế, tài chính, nông nghiệp... Số lượng thành viên của Hội đồng Bộ trưởng thay đổi tùy theo từng lĩnh vực, có thể đủ 27 Bộ trưởng hoặc ít hơn. Hội đồng Bộ trưởng là cơ chế chia sẻ thẩm quyền lập pháp với EP cũng như đưa ra các quyết định của EU. Chủ tịch luân phiên của EU tiếp tục chủ trì các cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng trong tất cả các lĩnh vực chính sách có sự hợp tác giữa các nước thành viên (ngoại trừ Hội đồng Đối ngoại sẽ do Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh chủ trì).
- Hiệp ước Lisbon quy định Hội đồng Bộ trưởng chia sẻ các quyền ngang bằng với EP trong nhiều lĩnh vực chính sách (nhưng không phải tất cả), khác với trước đây, Hội đồng Bộ trưởng gần như là cơ quan chính đưa ra các quyết định của EU. Cơ chế bỏ phiếu tại Hội đồng Bộ trưởng là đa số phiếu hợp lệ (qualified majority voting) trong các lĩnh vực EU có thẩm quyền chung, hoặc bỏ phiếu theo đồng thuận trong các lĩnh vực khác, ví dụ như đối ngoại. Sau Hiệp ước Lisbon, các cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng khi thông qua các đạo luật của EU sẽ được mở ra công khai cho người dân, báo chí và truyền thông được biết. Đây cũng là một bước nhằm dân chủ hóa chính trị EU.
d/ Ủy ban Châu Âu (European Commission):
- EC là cơ quan hành pháp (có giới hạn) của EU, chịu trách nhiệm đề xuất các dự thảo luật, thực thi các quyết định, đạo luật cũng như điều hành các công việc hàng ngày của EU. Trước Hiệp ước Lisbon, quyền lực hành pháp của EC về lý thuyết là do Hội đồng Bộ trưởng “trao cho”, và như vậy cũng có nghĩa là Hội đồng Bộ trường có quyền “lấy lại” nếu muốn (mặc dù trong thực tế không xảy ra). Hiệp ước Lisbon đã luật hóa quyền lực hành pháp của EC, cho phép EC được thực thi các quyền hành pháp của mình theo luật, không phải theo sự trao quyền của Hội đồng Bộ trưởng như trước. EC vẫn giữ vai trò trung tâm trong tam giác quyền lực của EU (gồm Hội đồng Bộ trưởng, EP và EC). Tuy nhiên, những điều chỉnh ở các thể chế khác đã có những tác động đến EC như việc thành lập Cơ quan đối ngoại EU (dẫn đến việc giải thể Tổng Vụ đối ngoại của EC. Các Phái đoàn EU tại nước ngoài sẽ báo cáo và chịu sự chỉ đạo của Cơ quan đối ngoại EU, khác với hiện nay các Phái đoàn báo cáo và chịu sự chỉ đạo của EC. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn có ý nghĩa hoạt động của Cơ quan đối ngoại EU sẽ tách khỏi EC vì người đứng đầu Cơ quan đối ngoại EU cũng đồng thời là Phó Chủ tịch EC) hoặc việc thành lập vị trí Chủ tịch Hội đồng Châu Âu sẽ có tác động (chia sẻ quyền lực) nhất định đến vai trò của Chủ tịch EC mặc dù điều này đến nay chưa thể hiện rõ.
- Chủ tịch EC sẽ do Hội đồng Châu Âu chỉ định và được EP bỏ phiếu thông qua. EP cũng có quyền xem xét và thông qua Lãnh đạo của EC như một tập thể (như trình bày ở trên).
- Mỗi nước sẽ tiếp tục có 1 Ủy viên EC Hiệp ước Nice quy định giảm số Ủy viên xuống còn 17 Ủy viên. Tuy nhiên, EU đã phải thỏa hiệp giữ số Ủy viên như hiện nay là 27 người để đổi lại sự đồng ý của các cử tri Ireland trong cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý thông qua Hiệp ước Lisbon (cử tri Ireland lo ngại số Ủy viên bị giảm sẽ ảnh hưởng đến các nước nhỏ như Ireland trong EU).
(tổng cộng là 26 Ủy viên phụ trách các lĩnh vực chính sách theo sự phân công của Chủ tịch EC).
e/ Đại diện cấp cao của Liên minh về chính sách đối ngoại và an ninh (High Representative of the Union in Foreign Affairs and Security Policy):
- Hiệp ước Lisbon đã có thay đổi quan trọng nhằm tăng cường tính thống nhất và nhất quán về đối ngoại của EU thông qua việc thiết lập vị trí Đại diện cấp cao của Liên minh về chính sách đối ngoại và an ninh (trong bản dự thảo Hiến pháp Châu Âu năm 2003 gọi là Bộ trưởng Ngoại giao EU), kết hợp vị trí của Đại diện cấp cao của Liên minh về chính sách đối ngoại và an ninh (được thành lập theo quy định của Hiệp ước Amsterdam) với vị trí Ủy viên phụ trách đối ngoại của EC. Vị Đại diện cấp cao này (hiện là Bà Catherine Ashton, cựu Ủy viên EC về Thương mại) sẽ do Hội đồng Châu Âu chỉ định và phải được sự đồng ý của Chủ tịch EC và chấp thuận của EP, sẽ đồng thời là Phó Chủ tịch (cao cấp) của EC (nhưng không điều hành công việc của EC), chủ trì các cuộc họp của Hội đồng Đối ngoại, đại diện cho EU tại các diễn đàn quốc tế (ở cấp Bộ trưởng), trình bày các quan điểm và chính sách chung của EU với các đối tác quốc tế (công việc trước đây do các Ngoại trưởng Troika EU đảm trách). Giúp việc cho Đại diện cấp cao sẽ có Cơ quan đối ngoại của EU.
- Cơ chế Đại diện cấp cao giúp EU “hiện hữu” hơn, có tiếng nói rõ ràng, đại diện và bảo vệ cho lợi ích chung của EU trên trường quốc tế trong những lĩnh vực EU được giao thẩm quyền. Các đối tác của EU cũng có “địa chỉ” rõ ràng hơn khi cần đối thoại với EU, khác với trước đây thường khá lúng túng khi cần tìm “đầu mối” đối ngoại của EU Henry Kissinger, cựu Ngoại trưởng Mỹ, có câu hỏi nổi tiếng thường được trích dẫn khi nói về rắc rối về đại diện có thẩm quyền của EU trên thế giới “tôi sẽ cần gọi cho ai nếu muốn nói chuyện với Châu Âu?”.
.
f/ Tăng cường tiếng nói của công dân EU:
- Công dân EU có thể đề xuất yêu cầu EC dự thảo các đạo luật về bất cứ lĩnh vực nào nếu thu thập được ít nhất 1 triệu chữ ký ủng hộ. Hiệp ước Lisbon cũng công nhận vai trò quan trọng của việc đối thoại với công dân, các tổ chức dân sự với các thể chế của EU (nhất là EC). Riêng về các vấn đề xã hội, sẽ có các cơ chế tham vấn, trong đó có họp ở cấp cao, giữa các tổ chức xã hội với các thể chế của EU. Các biện pháp này làm phong phú hơn nội hàm “công dân Châu Âu”, làm gia tăng các quyền mà công dân Châu Âu được hưởng trong chính trị EU.
- Cùng với việc thông qua Hiệp ước Lisbon, EU cũng thông qua Hiến chương về các quyền cơ bản. Mặc dù không phải là một cấu thành của Hiệp ước Lisbon song Hiến chương cũng đã quy định rõ các nguyên tắc của EU về đảm bảo các quyền và giá trị, tự do, đoàn kết và an ninh và có giá trị pháp lý ràng buộc với tất cả các nước thành viên EU.
g/ Tăng cường vai trò Quốc hội các nước thành viên:
Trước đây, vai trò Quốc hội các nước thành viên đối với EU chủ yếu dừng lại ở việc giám sát hoạt động của Chính phủ mình, mà không tham gia trực tiếp vào các hoạt động ở cấp EU. Với Hiệp ước Lisbon, Quốc hội các nước thành viên lần đầu tiên có thể có tiếng nói trực tiếp đối với hoạt động lập pháp của EU. Các dự thảo luật do EC đề xuất phải được gửi tới Quốc hội các nước thành viên cùng lúc với việc đệ trình lên Hội đồng Bộ trưởng và thời gian góp ý dành cho Quốc hội các nước thành viên là 8 tuần. Quốc hội các nước thành viên sẽ xem xét dự luật nhằm đảm bảo vấn đề được giải quyết đúng cấp (thuộc phạm vi quốc gia hay khu vực) phù hợp với nguyên tắc phân chia thẩm quyền (principle of subsidiarity) quy định trong Hiệp ước Lisbon. Nếu 1/3 Quốc hội các nước có ý kiến phản đối, dự luật phải được rà soát lại và có giải trình từ EC. Trường hợp đa số các Quốc hội phản đối, Hội đồng Bộ trưởng hoặc EP có thể quyết định hủy bỏ dự luật.
MỘT SỐ THUẬT NGỮ VIẾT TẮT
ASEAN (Association of Southeast Asian Nations): Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
ASEM (Asia - Europe Meeting): Hội nghị cấp cao Á - Âu
EU (European Union): Liên minh Châu Âu
EC (European Communities): Cộng đồng Châu Âu
EC (European Commission): Ủy ban Châu Âu
ECSC (European Coal and Steel Community): Cộng đồng than thép Châu Âu
CNXH: Chủ nghĩa xã hội
PCA (Framework Agreement on Partnership and Cooperation): Hiệp định khung về đối tác và hợp tác
FTA (Free Trade Agreement): Hiệp định tự do thương mại
EP (European Parliament): Nghị viện Châu Âu
EMS (European Monetary System): Hệ thống tiền tệ Châu Âu
ECB (European Centreal Bank): Ngân hàng Trung ương châu Âu
ECU (European Currency Unit): Đơn vị tiền tệ Châu Âu
EURATOM (European Atomic Energy Community): Cộng đồng năng lượng nguyên tử Châu Âu
EEC (European Economic Community): Cộng đồng kinh tế Châu Âu
EMU (Economic and Monetary Union): Liên minh kinh tế và tiền tệ Châu Âu
EMI (European Monetary Union): Liên minh tiền tệ Châu Âu
NGO (Non - governmental Organization): Tổ chức phi chính phủ
FDI (Foreign Direct Investment): Đầu tư trực tiếp nước ngoài
MFN (Most Favoured Nation): Quy chế tối huệ quốc
NATO (North Atlantic Treaty Organization): Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương
ODA (Official Development Assistance): Viện trợ phát triển chính thức
SNG: Cộng đồng các quốc gia độc lập
TBCN: Tư bản chủ nghĩa
WB (World Bank): Ngân hàng thế giới
WTO (World Trade Organization): Tổ chức thương mại thế giới
MỤC LỤC
ppppppppppppppppppppppppđppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppppp
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Luận án tiến sỹ- Triển vọng quan hệ việt nam - eu đến năm 2020.doc