Trọng tài thương mại – một hình thức giải quyết tranh chấp thương mại

I – Khái quát về tranh chấp thương mại và các hình thức giải quyết tranh chấp thương mại .1 1. Tranh chấp thương mại .1 2. Các hình thức giải quyết tranh chấp thương mại 2 II – Trọng tài thương mại – một hình thức giải quyết tranh chấp thương mại .2 1. Khái niệm trọng tài thương mại .2 2. Thẩm quyền của trọng tài thương mại 2 3. Đặc trưng của giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại .3 4. Các hình thức trọng tài thương mại 3 5. Các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại .5 6. Trình tự giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại .8 7. Ưu điểm và nhược điểm của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại .12 III – Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại ở nước ta hiện nay .13 1. Thực trạng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại ở nước ta hiện nay 13 2. Một số phương hướng để phát triển hoạt động trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại 15

doc17 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 5100 | Lượt tải: 1download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Trọng tài thương mại – một hình thức giải quyết tranh chấp thương mại, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề bài 08: Trọng tài thương mai – một hình thức giải quyết tranh chấp thương mại. MỤC LỤC Lời mở đầu …………………………………………………………………………………...1 Nội dung ……………………………………………………………………………………...1 I – Khái quát về tranh chấp thương mại và các hình thức giải quyết tranh chấp thương mại …………………………………………………………………………………...1 1. Tranh chấp thương mại …………………………………………………………….1 2. Các hình thức giải quyết tranh chấp thương mại …………………………………2 II – Trọng tài thương mại – một hình thức giải quyết tranh chấp thương mại………….2 1. Khái niệm trọng tài thương mại…………………………………………………….2 2. Thẩm quyền của trọng tài thương mại……………………………………………..2 3. Đặc trưng của giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại………………...3 4. Các hình thức trọng tài thương mại………………………………………………..3 5. Các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại……………….5 6. Trình tự giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại………………………….8 7. Ưu điểm và nhược điểm của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại ………………………………………………………………….12 III – Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại ở nước ta hiện nay…………….13 Thực trạng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại ở nước ta hiện nay……………………………………………………………………………..13 Một số phương hướng để phát triển hoạt động trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại ……………………………………………………………15 Kết luận ………………………………………………………………..…………………….16 Danh mục tài liệu tham khảo ………………………………………………………………16 Lời mở đầu Trong quá trình các bên tiến hành hoạt động kinh doanh, thương mại không tránh khỏi phát sinh những mâu thuẫn, bất đồng, tranh chấp. Đặc biệt trong điều kiện kinh tế phát triển, hoạt động thương mại ngày càng đa dạng thì các tranh chấp về kinh doanh, thương mại cũng phát sinh ngày càng nhiều, đa dạng và phức tạp hơn. Để giải quyết các tranh chấp thương mại các bên có thể lựa chọn nhiều hình thức khác nhau trong đó có hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại. So với các hình thức khác, trọng tài thương mại có những đặc trưng riêng, ngày càng phát huy hiệu quả trong việc giải quyết tranh chấp thương mại. Đặc biệt khi mà Việt Nam đã gia nhập WTO thì trọng tài thương mại là một phương thức được các bên thường xuyên lựa chọn trong giải quyết các tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài. Nhận thức rõ vai trò của trọng tài thương mại Quốc hội đã ban hành Luật trọng tài thương mại 2010 thay thế cho Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003. Trong phạm vi bài tập này, em xin được làm rõ một số vấn đề liên quan đến hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại. Nội dung I – Khái quát về tranh chấp thương mại và các hình thức giải quyết tranh chấp thương mại. 1. Tranh chấp thương mại Tranh chấp thương mại hay tranh chấp kinh doanh là thuật ngữ quen thuộc trong đời sống kinh tế xã hội ở các nước trên thế giới. Khái niệm này mới được sử dụng rộng rãi và phổ biến ở nước ta trong mấy năm gần đây cùng với sự nhường bước của khái niệm tranh chấp kinh tế. Có thể hiểu tranh chấp thương mại là những mâu thuẫn (bất đồng hay xung đột) về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quá trình thực hiện các hoạt động thương mại. Như vậy tranh chấp thương mại phải hội đủ các yếu tố sau đây: Thứ nhất, tranh chấp thương mại trước hết là những mâu thuẫn (bất đồng) về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong mối quan hệ cụ thể. Thứ hai, những mâu thuẫn (bất đồng) đó phải phát sinh từ hoạt động thương mại. Thứ ba, những mâu thuẫn (bất đồng) đó phát sinh chủ yếu giữa các thương nhân. Có thể thấy rằng tranh chấp là hệ quả tất yếu trong hoạt động kinh doanh và nếu không được giải quyết có thể dẫn đến sự mất ổn định trong xã hội. Chính vì vậy việc giải quyết tranh chấp thương mại là một nhu cầu tất yếu trong hoạt động kinh doanh, thương mại. 2. Các hình thức giải quyết tranh chấp thương mại. Giải quyết tranh chấp thương mại có thể được hiểu là cách thức, phương pháp hay các hoạt động để điều chỉnh những bất đồng, xung đột để khắc phục và loại trừ những mâu thuẫn phát sinh nhằm bảo vệ quyền và các lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh doanh. Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, tồn tại bốn phương thức giải quyết tranh chấp thương mại cơ bản, bao gồm: Thương lượng; Hòa giải; Trọng tài thương mại; Tòa án. Thương lượng, hòa giải và trọng tài thương mại là các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại không mang ý chí quyền lực nhà nước mà chủ yếu được giải quyết dựa trên nền tảng ý chí tự định đoạt của các bên tranh chấp hoặc phán quyết của bên thức ba độc lập (được các bên lựa chọn) theo thủ tục linh hoạt, mềm dẻo. Trong khi đó tòa án lại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại mang ý chí quyền lực nhà nước được tòa án tiến hành theo thủ tục nghiêm ngặt, chặt chẽ. II – Trọng tài thương mại – một hình thức giải quyết tranh chấp thương mại. 1. Khái niệm trọng tài thương mại. Theo khoản 1 Điều 3 Luật trọng tài thương mại 2010 thì “Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này”. Tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài nếu trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp các bên có thỏa thuận trọng tài. Tùy theo sự lựa chọn của các bên, việc giải quyết tranh chấp có thể được tiến hành tại Hội đồng trọng tài do trung tâm trọng tài tổ chức hoặc tại Hội đồng trọng tài do các bên thành lập theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định. 2. Thẩm quyền của trọng tài thương mại. Trọng tài thương mại được thành lập để giải quyết các tranh chấp thương mại. Nhưng tranh chấp thương mại cũng chỉ có thể thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại nếu các bên tranh chấp có thỏa thuận trọng tài và thỏa thuận trọng tài này có hiệu lực. Như vậy một tranh chấp sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại khi có các điều kiện sau: Thứ nhất, tranh chấp được gửi đến trọng tài thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài được quy định tại Điều 2 Luật trọng tài thương mại 2010, bao gồm: + Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; + Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại. + Tranh chấp giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài. Thứ hai, giữa các bên tranh chấp phải có thỏa thuận trọng tài và thỏa thuận này có hiệu lực. 3. Đặc trưng của giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại. Thứ nhất, đây là một hình thức giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba – Hội đồng trọng tài, làm trung gian giúp các bên tìm kiếm giải pháp tối ưu nhằm loại trừ tranh chấp. Thứ hai, trọng tài thương mại là một tổ chức phi chính phủ, hoạt động theo Luật trọng tài thương mại 2010. Thứ ba, cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là sự kết hợp giữa hai yếu tố thỏa thuận và tài phán. Thứ tư, thủ tục tố tụng trọng tài thương mại rất linh hoạt, phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên hơn so với tòa án. Thứ năm, phán quyết của trọng tài có giá trị chung thẩm và có hiệu lực bắt buộc thi hành. Như vậy phán quyết của trọng tài không thể bị kháng cáo trước bất kỳ cơ quan, tổ chức nào. Các bên chỉ có quyền yêu cầu tòa án hủy quyết định trọng tài khi có những căn cứ hủy phán quyết trọng tài (quy định tại Điều 68 Luật trọng tài thương mại). Trong trường hợp này tòa án cũng không xem xét lại nội dung giải quyết của trọng tài mà chỉ hủy phán quyết của trọng tài khi có sai xót về tố tụng. Thứ sáu, có sự hỗ trợ từ tòa án trong việc bảo đảm thực thi các quyết định của trọng tài. 4. Các hình thức trọng tài thương mại. Trọng tài thương mại tồn tại dưới hai hình thức là trọng tài vụ việc và trọng tài thường trực. a/Trọng tài vụ việc. Trọng tài vụ việc là phương thức trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập để giải quyết vụ tranh chấp giữa các bên và trọng tài sẽ tự chấm dứt sự tồn tại khi giải quyết xong vụ tranh chấp. Trọng tài vụ việc có những đặc trưng cơ bản sau đây: Trọng tài vụ việc chỉ được thành lập khi phát sinh tranh chấp và tự chấm dứt hoạt động (tự giải thể) khi giải quyết xong tranh chấp. Trọng tài vụ việc không có trụ sở thường trực, không có bộ máy điều hành và không có danh sách trọng tài viên riêng. Trọng tài viên được các bên chọn hoặc chỉ định có thể là người có tên trong hoặc ngoài danh sách trọng tài viên của bất cứ trung tâm trọng tài nào. Trọng tài vụ việc không có quy tắc tố tụng dành riêng cho mình. Quy tắc tố tụng để giải quyết vụ tranh chấp do các bên thỏa thuận xây dựng hoặc thỏa thuận lựa chọn bất kỳ một quy tắc tố tụng phổ biến nào (thường là quy tắc tố tụng của các trung tâm trọng tài có uy tín ở trong nước và quốc tế). So với trọng tài thường trực, trọng tài vụ việc có một số ưu thế sau: Có thể giải quyết nhanh chóng vụ tranh chấp và ít tốn kém, với việc lựa chọn hình thức trọng tài này các bên sẽ không phải trả thêm các khoản chi phí hành chính cho các trung tâm trọng tài. Quyền lựa chọn trọng tài viên của các bên đương sự không bị giới hạn bởi danh sách trọng tài viên sẵn có như hình thức trọng tài thường trực mà có thể lựa chọn bất kỳ trọng tài viên nào trong và ngoài danh sách trọng tài viên của bất kỳ trung tâm trọng tài nào. Các bên tranh chấp có quyền rộng rãi trong việc xác định quy tắc tố tụng để giải quyết tranh chấp giữa các bên. Trong khi đó ở hình thức trọng tài thường trực, các bên chủ yếu bị ràng buộc bởi quy tắc tố tụng của chính trung tâm trọng tài mà các bên lựa chọn. b/Trọng tài thường trực. Trọng tài thường trực là phương thức trọng tài hoạt động thường xuyên, liên tục với hình thức tổ chức, trụ sở ổn định, có danh sách trọng tài viên và quy tắc tố tụng cố định. Ở Việt Nam, trọng tài thường trực được tổ chức dưới dạng các trung tâm trọng tài. Các trung tâm trọng tài có một số đặc trưng cơ bản sau: Thứ nhất, các trung tâm trọng tài là tổ chức phi chính phủ, không nằm trong hệ thống các cơ quan nhà nước. Các trung tâm trọng tài không phải được thành lập bởi nhà nước và được cấp kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước mà được thành lập theo sáng kiến của các trọng tài viên sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, hoạt động theo nguyên tắc tự trang trải. Nó không nhân danh quyền lực nhà nước là nhân danh người thứ ba độc lập ra phán quyết. Tuy là tổ chức phi chính phủ nhưng các trung tâm trọng tài luôn đặt dưới sự quản lý và hỗ trợ của nhà nước. Thứ hai, các trung tâm trọng tài có tư cách pháp nhân, tồn tại độc lập với nhau. Giữa các trung tâm trọng tài không tồn tại quan hệ phụ thuộc cấp trên, cấp dưới như hệ thống các cơ quan tài phán nhà nước. Chính điều này đã dẫn đến sự đặc thù của tố tụng trọng tài trong việc áp dụng nguyên tắc xét xử một lần. Thứ ba, tổ chức và quản lý ở các trung tâm trọng tài rất đơn giản, gọn nhẹ. Cơ cấu tổ chức chức của trung tâm trọng tài gồm ban điều hành và các trọng tài viên của trung tâm. Thứ tư, mỗi trung tâm trọng tài tự quyết định về lĩnh vực hoạt động và có quy tắc tố tụng riêng. Mỗi trung tâm trọng tài tự xác định về lĩnh vực hoạt động của mình tùy thuộc vào khả năng của đội ngũ trọng tài viên và phải được ghi rõ trong điều lệ của trung tâm trọng tài. Mỗi trung tâm trọng tài đều có những quy tắc tố tụng riêng và khi giải quyết tranh chấp hội đồng trọng tài hoặc trọng tài viên duy nhất phải tuân thủ quy tắc tố tụng này. Thứ năm, hoạt động xét xử của trung tâm trọng tài được tiến hành bởi các trọng tài viên của trung tâm. Mỗi trung tâm trọng tài đều có danh sách riêng về trọng tài viên của trung tâm và các bên đương sự chỉ được lựa chọn trọng tài viên trong danh sách trọng tài viên của trung tâm trọng tài. So với trọng tài vụ việc, trọng tài thường trực có một số ưu điểm sau: Trọng tài thường trực tồn tại dưới dạng các trung tâm trọng tài do đó có tính ổn định cao hơn so với trọng tài vụ việc. Trong các trung tâm trọng tài đều có danh sách trọng tài viên riêng, việc này tạo điều kiện cho các bên đương sự dễ dàng lựa chọn hoặc chỉ định trọng tài viên tham gia hội đồng trọng tài hoặc trọng tài viên duy nhất giải quyết vụ tranh chấp. Bởi không phải thương nhân nào cũng có những hiểu biết cần thiết về các trọng tài viên do đó trong hình thức trọng tài vụ việc, nhiều đượng sự sẽ gặp khó khăn để có thể lựa chọn trọng tài viên tham gia giải quyết tranh chấp 5. Các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại. Việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng hình thức trọng tài thương mại phải tuân theo những nguyên tắc sau: a/ Nguyên tắc thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng trọng tài các vụ tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh trong hoạt động thương mại. Như vậy việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đòi hỏi phải có sự thỏa thuận của các bên. Các bên có thể thỏa thuận trọng tài trước hoặc sau khi có tranh chấp. Thỏa thuận trọng tài có thể có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng nhưng phải được xác lập dưới dạng văn bản (Điều 16 Luật trọng tài thương mại). Trọng tài không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại nếu không có thỏa thuận trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài vô hiệu. Theo Điều 18 Luật trọng tài thương mại 2010, thỏa thuận trọng tài vô hiệu trong những trường hợp sau: Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài quy định tại Điều 2 của Luật này. Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự. Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 của Luật này. Một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu. Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật. b/Nguyên tắc trọng tài viên độc lập, vô tư, khách quan. Để có thể giải quyết tranh chấp một cách công bằng, trọng tài viên phải có đủ các điều kiện nhất định để đảm bảo rằng họ độc lập, vô tư, khách quan trọng việc giải quyết tranh chấp. Tiêu chuẩn trọng tài viên được quy định tại Điều 20 Luật trọng tài thương mại: “Điều 20. Tiêu chuẩn Trọng tài viên 1. Những người có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể làm Trọng tài viên: a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật dân sự; b) Có trình độ đại học và đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên; c) Trong trường hợp đặc biệt, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, tuy không đáp ứng được yêu cầu nêu tại điểm b khoản này, cũng có thể được chọn làm Trọng tài viên. 2. Những người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây không được làm Trọng tài viên: a) Người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên, công chức thuộc Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra, Cơ quan thi hành án; b) Người đang là bị can, bị cáo, người đang chấp hành án hình sự hoặc đã chấp hành xong bản án nhưng chưa được xóa án tích. 3. Trung tâm trọng tài có thể quy định thêm các tiêu chuẩn cao hơn tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này đối với Trọng tài viên của tổ chức mình”. Tất cả những quy đinh trên đều nhằm đảm bảo khi tham gia giải quyết tranh chấp thương mại, trọng tài viên thực sự là người thứ ba độc lập, vô tư, không liên quan đến các bên có tranh chấp cũng như không có bất kỳ lợi ích nào dính dáng đến vụ tranh chấp đó. Theo khoản 1 Điều 42 Luật trọng tài thương mại 2010 thì trọng tài viên phải từ chối giải quyết vụ tranh chấp, các bên có quyền yêu cầu thay đổi trọng tài viên vụ tranh chấp trong các trường hợp sau: Trọng tài viên là người thân thích của một bên hoặc đại diện của bên đó. Trọng tài viên có lợi ích trong vụ tranh chấp. Có căn cứ rõ ràng cho thấy trọng tài viên không vô tư, khách quan trong khi làm nhiệm vụ. Khi giải quyết tranh chấp, trọng tài viên hay các trọng tài viên phải căn cứ vào các tình tiết của vụ tranh chấp, phải xác minh sự thật nếu thấy cần thiết và phải căn cứ vào các chứng cứ mà mình thu thập được. Trọng tài viên không bị chi phối bởi bất cứ tổ chức, cá nhân nào trong việc đưa ra phán quyết. c/ Nguyên tắc trọng tài viên phải căn cứ vào pháp luật. Đây là một nguyên tắc rất quan trọng trong mọi thủ tục tố tụng nói riêng cũng như giải quyết mọi vấn đề của đời sống xã hội. Để giải quyết tranh chấp một cách công bằng, hợp lý, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên, trọng tài viên phải căn cứ vào pháp luật, đây chính là tư tưởng chỉ đạo đối với trọng tài viên. Nếu trọng tài viên không căn cứ vào pháp luật, nhận hối lộ hoặc có hành vi vi phạm đạo đức trọng tài viên thì các bên có quyền yêu cầu thay đổi trọng tài. d/ Nguyên tắc trọng tài viên phải tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Tranh chấp thương mại chỉ được giải quyết bằng trọng tài nều có thỏa thuận trọng tài. Như vậy quyền hạn của hội đồng trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp thương mại là do các bên giao cho họ. Do đó trọng tài viên phải tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Các bên tranh chấp được bảo đảm tối đa quyền tự do định đoạt trên nhiều phương diện trong quá trình giải quyết. Các bên có quyền thỏa thuận việc chọn hình thức trọng tài nào, chọn trọng tài viên, chọn địa điểm giải quyết vụ tranh chấp, thỏa thuận về thời hạn thực hiện các thủ tục cần thiết cho việc giải quyết tranh chấp, thỏa thuận về thời gian mở phiên họp giải quyết… Có thể thấy rằng, chỉ có trong tố tụng trọng tài – hình thức giải quyết tranh chấp do các bên lựa chọn, các bên mới có quyền thỏa thuận nhiều vấn đê như vậy và trọng tài viên bắt buộc phải tuân theo. e/ Nguyên tắc giải quyết một lần. Yêu cầu của việc giải quyết tranh chấp thương mại là nhanh chóng, dứt điểm, tránh dây dưa kéo dài làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Để đảm bảo yêu cầu đó, thủ tục trọng tài rất đơn giản, ngắn gọn, không nhiều giai đoạn xét xử như tố tụng tòa án. Trọng tài là tổ chức phi chính phủ, trọng tài thương mại không có cơ quan cấp trến nên phán quyết trọng tài có giá trị chung thẩm, không bị kháng cáo kháng nghị. Tố tụng trọng tài chỉ có một trình tự giải quyết, tức là các tranh chấp thương mại chỉ được giải quyết một lần tại trọng tài. Nếu quyết định của trọng tài không bị tòa án hủy bỏ thì nó có giá trị bắt buộc thi hành đối với các bên. 6. Trình tự giải quyết tranh chấp tại trọng tài thương mại. a/ Đơn kiện. Để giải quyết vụ tranh chấp tại trung tâm trọng tài, nguyên đơn phải làm đơn kiện gửi đến đúng trung tâm trọng tài mà các bên đã thỏa thuận lựa chọn. Đối với giải quyết tranh chấp tại hội đồng trọng tài do các bên thành lập, nguyên đơn phải gửi đơn kiện cho bị đơn. Đơn khởi kiện gồm các nội dung chủ yếu sau: Ngày, tháng, năm viết đơn; Tên và địa chỉ của các bên; Tóm tắt nội dung vụ tranh chấp; Các yêu cầu của nguyên đơn; Trị giá tài sản mà nguyên đơn yêu cầu; Trọng tài viên được nguyên đơn lựa chọn (bắt buộc là trọng tài viên trong danh sách nếu giải quyết tại trung tâm trọng tài). Đơn kiện phải được gửi đến trọng tài trong thời hiệu khởi kiện mà pháp luật quy định đối với từng loại tranh chấp. Đối với những tranh chấp mà pháp luật không quy đinh thời hiệu khởi kiện thì thời hiệu khởi kiện vụ tranh chấp bằng trọng tài là 2 năm kể từ ngày xảy ra tranh chấp. Tố tụng trọng tài bắt đầu từ khi trung tâm trọng tài nhận được đơn kiện của nguyên đơn hoặc từ khi bị đơn nhận được đơn kiện của nguyên đơn. b/Tự bảo vệ của bị đơn. Nếu các bên không có thỏa thuận khác trong thời hạn 30 ngay kể từ ngày nhận được đơn kiện và những tài liệu kèm theo, bị đơn phải gửi bản tự bảo vệ cho trung tâm trọng tài (đối với giải quyết tranh chấp tại trung tâm trọng tài) hoặc cho bị đơn (đối với giải quyết tranh chấp tại hội đồng trọng tài do các bên lựa chọn). Nội dung của bản tự bảo vệ gồm: Ngày, tháng, năm viết bản tự bảo vệ; Tên và địa chỉ của bị đơn; Lý lẽ, chứng cứ bảo vệ, phản bác một phần hay toàn bộ nội dung đơn kiện của nguyên đơn, ý kiến của bị đơn về thẩm quyền của trọng tài và thỏa thuận trọng tài. Trọng tài viên mà bị đơn lựa chọn. Theo yêu cầu của bị đơn, thời hạn bị đơn phải gửi bản tự bảo vệ kèm theo chứng cứ có thể dài hơn 30 ngày nhưng phải trước ngày hội đồng trọng tài mở phiên họp. c/ Thành lập hội đồng trọng tài. Thành phần của hội đồng trọng tài có thể bao gồm một hoặc nhiều trọng tài viên theo sự thỏa thuận của các bên. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về số lượng trọng tài viên thì hội đồng trọng tài bao gồm ba trọng tài viên. Việc thành lập hội đồng trọng tài được tiến hành theo quy định tại Điều 40, Điều 41 Luật trọng tài thương mại 2010: “Điều 40. Thành lập Hội đồng trọng tài tại Trung tâm trọng tài Trong trường hợp các bên không có thoả thuận khác hoặc quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài không quy định khác, việc thành lập Hội đồng trọng tài được quy định như sau: 1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện và yêu cầu chọn Trọng tài viên do Trung tâm trọng tài gửi đến, bị đơn phải chọn Trọng tài viên cho mình và báo cho Trung tâm trọng tài biết hoặc đề nghị Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên. Nếu bị đơn không chọn Trọng tài viên hoặc không đề nghị Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên, thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản này, Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên cho bị đơn; 2. Trường hợp vụ tranh chấp có nhiều bị đơn thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện do Trung tâm trọng tài gửi đến, các bị đơn phải thống nhất chọn Trọng tài viên hoặc thống nhất yêu cầu chỉ định Trọng tài viên cho mình. Nếu các bị đơn không chọn được Trọng tài viên, thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản này, Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên cho các bị đơn; 3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày các Trọng tài viên được các bên chọn hoặc được Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định, các Trọng tài viên này bầu một Trọng tài viên khác làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài. Hết thời hạn này mà việc bầu không thực hiện được, thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản này, Chủ tịch Trung tâm trọng tài chỉ định Chủ tịch Hội đồng trọng tài; 4. Trường hợp các bên thỏa thuận vụ tranh chấp do một Trọng tài viên duy nhất giải quyết nhưng không chọn được Trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bị đơn nhận được đơn khởi kiện, thì theo yêu cầu của một hoặc các bên và trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài sẽ chỉ định Trọng tài viên duy nhất”. “Điều 41. Thành lập Hội đồng trọng tài vụ việc Trường hợp các bên không có thoả thuận khác, việc thành lập Hội đồng trọng tài vụ việc được quy định như sau: 1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bị đơn nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn phải chọn Trọng tài viên và thông báo cho nguyên đơn biết Trọng tài viên mà mình chọn. Hết thời hạn này, nếu bị đơn không thông báo cho nguyên đơn tên Trọng tài viên mà mình chọn và các bên không có thoả thuận khác về việc chỉ định Trọng tài viên, thì nguyên đơn có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền chỉ định Trọng tài viên cho bị đơn; 2. Trường hợp vụ tranh chấp có nhiều bị đơn, thì các bị đơn phải thống nhất chọn Trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện của nguyên đơn và các tài liệu kèm theo. Hết thời hạn này, nếu các bị đơn không chọn được Trọng tài viên và nếu các bên không có thoả thuận khác về việc chỉ định Trọng tài viên, thì một hoặc các bên có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền chỉ định Trọng tài viên cho các bị đơn; 3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày được các bên chọn hoặc được Tòa án chỉ định, các Trọng tài viên bầu một Trọng tài viên khác làm Chủ tịch Hội đồng trọng tài. Trong trường hợp không bầu được Chủ tịch Hội đồng trọng tài và các bên không có thoả thuận khác thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền chỉ định Chủ tịch Hội đồng trọng tài; 4. Trong trường hợp các bên thoả thuận vụ tranh chấp do một Trọng tài viên duy nhất giải quyết nhưng không chọn được Trọng tài viên trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bị đơn nhận được đơn khởi kiện, nếu các bên không có thoả thuận yêu cầu một Trung tâm trọng tài chỉ định Trọng tài viên, thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án có thẩm quyền chỉ định Trọng tài viên duy nhất; 5. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của các bên quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 của Điều này, Chánh án Tòa án có thẩm quyền phải phân công một Thẩm phán chỉ định Trọng tài viên và thông báo cho các bên”. d/ Chuẩn bị giải quyết. Thứ nhất, nghiên cứu hồ sơ, xác minh sự việc: Trên cơ sở đơn kiện, chứng cứ của nguyên đơn, bản tự bảo vệ và các tài liệu, chứng cứ của bị đơn, các trọng tài viên phải nghiên cứu kỹ hồ sơ và các văn bản pháp luật có liên quan đến vụ kiện để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất. Hội đồng trọng tài có quyền gặp các bên để nghe ý kiến hoặc tìm hiểu sự việc từ người thứ ba với sự có mặt của các bên. Thứ hai, thu thập chứng cứ: hội đồng trọng tài có quyền yêu cầu các bên cung cấp chứng cứ có liên quan đến vụ tranh chấp. Các bên có nghĩa vụ phải cung cấp chứng cứ cho yêu cầu của mình hoặc cho sự việc mà mình nêu ra. Trong trường hợp cần thiết hội đồng trọng tài có thể tự mình thu thập chứng cứ, mời giám định theo yêu cầu của một bên hoặc các bên và phải thông báo cho bên kia biết. e/ Hòa giải. Hòa giải là việc các bên tự thương lượng giải quyết tranh chấp với nhau mà ko cần có quyết định của trọng tài. Trong tố tụng trọng tài, hòa giải ko phải là nguyên tắc, là thủ tục bắt buộc song hội đồng trọng tài vẫn phải tôn trọng việc tự hòa giải của các bên. Nếu các bên tự hòa giải được với nhau thì theo yêu cầu của các bên, hội đồng trọng tài sẽ đình chỉ tố tụng. Các bên cũng có thể yêu cầu hội đồng trọng tài tiến hành hòa giải. Trong trường hợp hòa giải thành thì các bên có thể yêu cầu hội đồng trọng tài lập biên bản hòa giải thành và ra quyết định công nhận hòa giải thành. Quyết định công nhận hòa giải thành của hội đồng trọng tài là chung thẩm và có giá trị như phán quyết trọng tài. f/ Tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp và quyết định trọng tài. Thời giai tổ chức phiên họp giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận, nếu các bên không có thỏa thuận thì chủ tịch hội đồng trọng tài quyết định thời gian mở phiên họp giải quyết. Về nguyên tắc, phiên họp giải quyết vụ tranh chấp không công khai do đó có thể đảm bảo những bí mật trong kinh doanh cũng như uy tín của các bên. Các bên có thể trực tiếp thạm dự phiên họp giải quyết tranh chấp hoặc ủy quyền cho người đại diện của mình, có thể mời nhân chứng, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Các bên hoặc đại diện của các bên phải tham gia phiên họp giải quyết vụ tranh chấp nếu không yêu cầu hội đồng trọng tài giải quyết vắng mặt họ. Trường hợp các bên không yêu cầu hội đồng trọng tài giải quyết vắng mặt họ mà vắng mặt không có lý do thì sẽ được giải quyết theo Điều 56 Luật trọng tài thương mại. Theo quy định tại Điều 57, các bên cũng có thể yêu cầu hội đồng trọng tài hoãn phiên họp giải quyết tranh chấp nếu có lý do chính đáng. Toàn bộ diễn biến của phiên họp giải quyết tranh chấp do hội đồng trọng tài lập biên bản. Kết thúc quá trình giải quyết tranh chấp, hội đồng rọng tài phải đưa ra quyết định trọng tài. Quyết định trọng tài được biểu quyết theo nguyên tắc đa số, ý kiến của thiểu số được ghi vào biên bản phiên họp. Nếu vụ tranh chấp do trọng tài viên duy nhất giải quyết thì trọng tài viên này quyết định. Quyết đinh trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày công bố, các bên phải thi hành trừ trường hợp quyết định này bị tòa án hủy theo quy định của pháp luật 5. Ưu điểm và nhược điểm của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại. a/ Ưu điểm. - Việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài thương mại đề cao ý chí tự do thỏa thuận giữa các bên tranh chấp. Trước hết, các bên tranh chấp có thể tự do thỏa thuận giải quyết bằng trọng tài các vụ tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh trong hoạt động thương mại. Khác với việc giải quyết tranh chấp tại tòa án, khi có tranh chấp phát sinh, bên có quyền và lợi ích hợp pháp bị vi phạm có quyền đệ đơn yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết mà không cần có sự thỏa thuận trước, còn việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại đòi hỏi có sự thỏa thuận của các bên. Thứ hai, trong quá trình giải quyết tranh chấp, các bên có tranh chấp được đảm bảo tối đa quyền tự do định đoạt ví dụ như lựa chọn trung tâm trọng tài, hình thức trọng tài, trọng tài viên, địa điểm, thời gian giải quyết… - Thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đơn giản, nhanh chóng, các bên có thể chủ động về thời gian, địa điểm giải quyết tranh chấp, không cần qua nhiều cấp xét xử như ở tòa án. Do đó sẽ hạn chế được tốn kém về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp. Còn việc giải quyết tranh chấp của tòa án thì phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định mang tính hình thức của pháp luật tố tụng dân sự sẽ làm mất thời gian, trở ngại cho các bên tranh chấp vì tính chất của hoạt động kinh doanh, thương mại đòi hỏi mọi thủ tục phải rất linh hoạt và mềm dẻo. - Việc các bên tranh chấp được tự do lựa chọn trọng tài viên, thành lập Hội đồng trọng tài giải quyết vụ việc sẽ phát huy được tính dân chủ, khách quan trong quá trình tố tụng. Trọng tài viên được các bên lựa chọn là người có nhiều kinh nghiệm, am hiểu sâu sắc vấn đề tranh chấp để từ đó họ có thể giải quyết tranh chấp nhanh chóng, chính xác. - Việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài không được công khai, nội dung tranh chấp và danh tính của các bên được giữ kín sẽ giúp các bên đảm bảo bí mật kinh doanh, giữ được uy tín. Đây là một trong những lý do khiến các nhà kinh doanh ưa chuộng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. - Tố tụng trọng tài không bị ràng buộc về mặt lãnh thổ, các bên có quyền tự do lựa chọn bất kỳ trung tâm trọng tài nào, điều này tạo điều kiện rất lớn cho các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp. Trong khi giải quyết tranh chấp bằng toà án các bên buộc phải lựa chọn tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc (nếu bị đơn là cá nhân) hoặc nơi bị đơn có trụ sở (nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức) hoặc tòa án nơi có bất động sản (đối với những tranh chấp về bất động sản). - Quyết định của trọng tài có giá trị chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày công bố và không bị kháng cáo kháng nghị và có thể được cưỡng chế thi hành nếu quyết định này là hợp pháp. Điều đó sẽ đáp ứng yêu cầu khôi phục nhanh những tổn thất về tiền, hàng cho các bên. Với những ưu điểm như vậy, việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại đã ngày càng trở thành một phương thức hữu hiệu được các bên lựa chọn đặc biệt là với những tranh chấp thương mại giữa các cá nhân, tổ chức kinh doanh của Việt Nam với nước ngoài. b/Nhược điểm. Bên cạnh những ưu điểm nêu trên thì phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại cũng bộc lộ những nhược điểm. Đây chính là nguyên nhân khiến cho việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vẫn còn hạn chế ở nước ta hiện nay. - Việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài rất nhanh chóng theo nguyên tắc giải quyết một lần nên đôi khi quyết định của trọng tài không đảm bảo được tính chính xác, khách quan. Trong khi việc giải quyết tranh chấp tại tòa án có thể qua nhiều cấp xét xử, đảm bảo cho quyết định của tòa án được xem xét một cách toàn diện, chính xác, đúng pháp luật. - Chi phí cho việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại ở nước ta hiện nay lớn hơn rất nhiều so với việc giải quyết tranh chấp tại tòa án do đó gây khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc lựa chọn phương thức giải quyết này. III – Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại ở nước ta hiện nay. 1. Thực trạng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại ở nước ta hiện nay. Sự ra đời của Pháp lệnh trọng tài 2003 và mới đây là Luật trọng tài thương mại 2010 đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động trọng tài ở Việt Nam. Hiện nay ở Việt Nam có 7 trung tâm trọng tài đó là: Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VIAC (tại Hà Nội và chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh). Trung tâm Trọng tài thương mại thành phố Hồ Chí Minh – TRACENT (tại thành phố Hồ Chí Minh) Trung tâm Trọng tài Quốc tế Thái Bình Dương – PIAC (tại thành phố Hồ Chí Minh). Trung tâm Trọng tài thương mại Quốc tế Á Châu (tại Hà Nội). Trung tâm Trọng tài thương mại Hà Nội (tại Hà Nội). Trung tâm Trọng tài thương mại Cần Thơ (tại Cần Thơ). Trung tâm trọng tài thương mại Viễn Đông (tại Hà Nội) Trong số các trung tâm trọng tài nói trên thì trung tâm trọng tài VIAC là uy tín nhất, được ưu tiên lựa chọn trong việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại. Hiện tại ở VIAC có 120 trọng tài viên được đánh giá là các luật sư, chuyên gia có trình độ cao trong lĩnh vực của mình. Tuy nhiên trong thực tế cho đến nay số lượng các vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài thương mại còn rất hạn chế. Theo thống kê của Trung tâm trọng tài quốc tế VIAC, trong năm 2007 trong khi Tòa án Hà Nội xét xử gần 9.000 vụ án trong đó có khoảng 300 vụ án kinh tế và Tòa án thành phố Hồ Chí Minh phải xử gần 42.000 vụ án các loại trong đó có 1.000 vụ án kinh tế thì VIAC chỉ tiếp nhận khoảng 30 vụ. Tính trung bình mỗi trọng tài viên chỉ xử 0,25 vụ một năm. Đối với các tranh chấp giữa các bên Việt Nam với các bên nước ngoài chủ yếu được giải quyết tại các Trung tâm trọng tài quốc tế như Trung tâm trọng tài quốc tế Singapore (119 vụ), Hiệp hội trọng tài Mỹ (621 vụ), Tòa án Trọng tài quốc tế bên cạnh Phòng thương mại quốc tế ICC (599 vụ), Hiệp hội Trọng tài thương mại và kinh tế Trung Quốc (1118 vụ)Trung tâm trọng tài quốc tế Hồng Kông (448 vụ). Như vậy có thể nhận thấy rằng tuy phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại không phải là một chế định quá mới mẻ nhưng các doanh nghiệp Việt Nam chưa có thói quen sử dụng trọng tài thương mại như là một trong những phương thức cơ bản để giải quyết các tranh chấp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đó là mạng lưới trọng tài của chúng ta lại quá thưa thớt, chỉ có 7 trung tâm trong cả nước và các trọng tài viên cũng rất hạn chế về số lượng cũng như trình độ. Hoạt động của các trung tâm trọng tài chỉ dựa vào nguồn vốn tự có của các nhà sáng lập, nguồn thu từ các vụ tranh chấp nhưng số lượng tranh chấp được giải quyết tại trung tâm trọng tài lại quá ít ỏi khiến cho nguồn thu hạn hẹp làm hạn chế khả năng phát triển của các trung tâm trọng tài. Nguyên nhân thứ hai đó là do những hạn chế trong pháp luật về trọng tài thương mại. Luật trọng tài thương mại 2010 mới được triển khai thi hành nên vẫn chưa tạo được sự chú ý, được các tổ chức, cá nhân kinh doanh biết đến nhiều. Công tác tuyên truyền, giới thiệu những quy định mới của Luật trọng tài thương mại 2010 so với Pháp lệnh trọng tài chưa được tiến hành thường xuyên trên phạm vi rộng. Trong khi đó Pháp lệnh trọng tài thương mại 2003 sau một thời gian thi hành đã bộc lộ khá nhiều hạn chế, bất cập dẫn đến tâm lý ngần ngại, dè dặt, chưa thực sự tin tưởng vào cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại của các doanh nghiệp. Tuy Luật trọng tài thương mại 2010 đã được ban hành với rất nhiều quy định mới nhưng vẫn chưa thực sự làm thay đổi cách nhìn của các doanh nghiệp. 2. Một số phương hướng để phát triển hoạt động trọng tài trong giải quyết tranh chấp thương mại. Để hoạt động trọng tài thực sự có hiệu quả và phổ biến trong thực tế, trong thời gian tới cần phải có những hoạt động tích cực từ phía nhà nước cũng như các trung tâm trọng tài, cụ thể là: Chính phủ cần phải ban hành những văn bản pháp luật quy định chi tiết và hướng dấn thi hành Luật trọng tài thương mại 2010 để các cá nhân, tổ chức kinh doanh và các trung tâm trọng tài dễ dàng thực hiện. Cùng với hoạt động ban hành các văn bản quy phạm pháp luật là hoạt động tuyên truyền, giới thiệu một cách sâu rộng để xã hội đặc biệt là các doanh nghiệp biết đến cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại. Các cơ quan nhà nước thực hiện quản lý nhà nước về trọng tài cần phải đẩy mạnh các hoạt động nhằm giúp hoạt động trọng tài thương mại đạt hiệu quả như phối hợp với các dự án nước ngoài để nâng cao năng lực trọng tài viên, thành lập một số trung tâm trọng tài điểm. Bên cạnh những biện pháp hỗ trợ của nhà nước nói trên, để khẳng định vị trí và tạo niềm tin thì các trung tâm trọng tài cũng cần chủ động, tích cực hơn trong việc mở rộng danh sách trọng tài viên, đặc biệt chú ý tới các chuyên gia có uy tín và trình độ chuyên môn cao, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của các trọng tài viên hiện có. Mỗi trung tâm trọng tài cũng cần tăng cường hợp tác với các tổ chức trọng tài trong và ngoài nước để học hỏi kinh nghiệm và có thể nhận được sự hỗ trợ khi cần thiết. Kết luận Qua những phân tích, đánh giá ở trên có thể thấy rằng trọng tài thương mại là một hình thức giải quyết tranh chấp thương mại có rất nhiều ưu điểm vượt trội tuy nhiên thì việc giải quyết tranh chấp thương mại bằng hình thức trọng tài ở nước ta hiện nay còn rất hạn chế. Hi vọng rằng cùng với sự ra đời của Luật trọng tài thương mại 2010 và bằng các biện pháp cụ thể sẽ khắc phục được những hạn chế, đồng thời tiếp tục phát huy hơn nữa ưu điểm vốn có của trọng tài thương mại đưa hoạt động trọng tài ngày càng có hiệu quả, phổ biến trong giải quyết các tranh chấp thương mại và phù hợp với yêu cầu của xã hội. Danh mục tài liệu tham khảo Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật thương mại (tập 2), Nxb.CAND, Hà Nội, 2009. Bùi Ngọc Cường (chủ biên), Giáo trình luật thương mại (tập 2), Nxb. Giáo dục, 2008. Nguyễn Thị Khế (chủ biên), Luật thương mại và giải quyết tranh chấp thương mại, Nxb. Tài chính, Hà Nội, 2002. Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế và Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam. Trọng tài và các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn, Hà Nội, 2003. Nguyễn Đình Thơ, Hoàn thiện pháp luật về trọng tài thương mại của Việt Nam trong điều kiện hội nhập quốc tế, Luận án tiến sĩ luật học, trường Đại học Luật Hà Nội, 2007. Luật trọng tài thương mại năm 2010. website: www.viac.org.vn

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docTrọng tài thương mại – một hình thức giải quyết tranh chấp thương mại.doc