TỰ CHỌN NGHỀ Ở HỌC SINH THPT
bài viết của Ths. Phùng Đình Dụng - Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM đăng trên Tạp chí Giáo dục số 244 kỳ 2 (8/2010)
Chọn nghề là một bước ngoặt trọng đại của cuộc đời mỗi người. Chọn nghề đúng không chỉ phát huy được năng lực nghề của cá nhân mà còn tiết kiệm rất nhiều chi phí, mang lại nhiều lợi ích cho gia đình và xã hội. Trước đây, tri thức ít biến động, số lượng ngành nghề giới hạn, người học dễ dàng chọn cho mình một nghề để làm việc suốt cuộc đời. Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, số lượng ngành nghề ngày một đa dạng hơn, lớp trẻ có khuynh hướng “nhảy việc” ngày một nhiều. Đối với học sinh Trung học phổ thông, các em thường thiếu thông tin và định hướng nghề một cách đầy đủ, dẫn đến chọn nghề không phù hợp với đặc điểm bản thân. Bài viết này giới thiệu cách đơn giản giúp bạn phác thảo bức tranh xu hướng nghề của mình. Từ đó, bạn có thể chọn nghề phù hơp hơn.
6 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 3187 | Lượt tải: 1
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tự chọn nghề ở học sinh THPT, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
TỰ CHỌN NGHỀ
Th.s Phùng Đình Dụng
Chọn nghề là một bước ngoặt trọng đại của cuộc đời mỗi người. Chọn nghề đúng
không chỉ phát huy được năng lực nghề của cá nhân mà còn tiết kiệm rất nhiều chi
phí, mang lại nhiều lợi ích cho gia đình và xã hội. Trước đây, tri thức ít biến động,
số lượng ngành nghề giới hạn, người học dễ dàng chọn cho mình một nghề để làm
việc suốt cuộc đời. Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, số lượng ngành nghề
ngày một đa dạng hơn, lớp trẻ có khuynh hướng “nhảy việc” ngày một nhiều. Đối
với học sinh Trung học phổ thông, các em thường thiếu thông tin và định hướng
nghề một cách đầy đủ, dẫn đến chọn nghề không phù hợp với đặc điểm bản thân.
Bài viết này giới thiệu cách đơn giản giúp bạn phác thảo bức tranh xu hướng nghề
của mình. Từ đó, bạn có thể chọn nghề phù hơp hơn. Tuy nhiên, để chọn nghề một
cách khoa học và hợp lý, bạn vẫn cần đến các công cụ trắc nghiệm và nhà tư vấn
hướng nghiệp chuyên nghiệp.
1. Tự đánh giá bản thân
Tự đánh giá là một quá trình nhìn nhận lại mình một cách nghiêm túc để biết
được sở thích, cá tính, năng lực của bản thân cũng như phát hiện những thế
mạnh, những điểm yếu… liệu có phù hợp với ngành, nghề mình dự định
chọn hay không. Tự đánh giá còn giúp bạn hiểu rõ về bản thân, tạo sự tự tin
trong việc chọn nghề, và là bước hết sức quan trọng giúp bạn chọn đúng
nghề. Sau đây là vài gợi ý giúp bạn tự hiểu rõ bản thân mình.
1.1 Đánh giá kinh nghiệm cá nhân
Khám phá kinh nghiệm bản thân nhằm giúp bạn hiểu rõ thế mạnh của mình
ở những lĩnh vực nào trong học tập, vui chơi hay trong cuộc sống. Tất cả
những kinh nghiệm này có thể gợi mở cho bạn biết được xu hướng nghề của
bạn trong tương lai. Hãy lấy giấy và bút, sau đó, liệt kê tất cả những thành
tích mà bạn có được bằng cách trả lời các câu hỏi như: Tôi làm tốt việc gì?
Tôi học tốt môn nào? Người khác nhận xét tôi thế nào? Tôi làm (việc …)
một cách nhẹ nhàng, thoải mái...
1.2 Tự khám phá tính cách, sở thích
Giảng viên Trường Cán bộ quản lý giáo dục Tp.HCM
Điều này hết sức quan trọng đối với việc chọn lựa nghề nghiệp. Nếu bạn
không xác định bạn thuộc loại “típ” (type) người nào thì sẽ khó có thể có
được một quyết định nghề phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều trung
tâm tư vấn hướng nghiệp, một số trang web trực tuyến… giúp bạn xác định
được điều này bằng những trắc nghiệm khách quan như trắc nghiệm trí
thông minh IQ test, Raven test, trắc nghiệm phong cách học tập, Trắc
nghiệm John Holland…[3,4,5]. Kết quả của các trắc nghiệm này giúp bạn
hiểu rõ hơn về tính cách của bản thân. Nếu không có điều kiện đến các trung
tâm tư vấn hướng nghiệp hay vào các trang web có trắc nghiệm trực tuyến,
bạn hãy tự xác định mình thiên về lĩnh vực nào theo sự phân loại của tiến sĩ
John Holland.
Bạn đọc kỹ 6 nhóm sở thích sau đây và chọn cho mình 2 nhóm sở thích phù hợp
nhất với bạn.
R (Realistic - Thực tế): Bạn là người có khả năng về kỹ thuật, công
nghệ, hệ thống; thích làm việc với đồ vật, máy móc, động, thực vật hoặc
làm các công việc ngoài trời. Ngành nghề phù hợp: Các ngành về kiến
trúc, an toàn lao động, xây dựng, thủy sản, kỹ thuật, máy tàu thủy, lái xe,
huấn luyện viên, nông - lâm nghiệp, cơ khí (chế tạo máy, luyện kim, tự
động...), điện - điện tử, địa lý - địa chất (đo đạc, vẽ bản đồ địa chính), dầu
khí, hải dương học, quản lý công nghiệp; ...
I (Investigative - Khám phá): Bạn là người có khả năng về quan sát,
học hỏi, khám phá, phân tích đánh giá và giải quyết các vấn đề. Ngành
nghề phù hợp: Các ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên (Toán, Lý,
Hóa, Sinh, Địa lý, Địa chất, ...); khoa học xã hội (Nhân học, Tâm lý, Địa
lý ...); Y - Dược; khoa học công nghệ (CNTT, Môi trường, Điện, vật lý kỹ
thuật, Xây dựng...), nông - lâm (nông học, thú y ...)
A (Artistic - Nghệ thuật): Bạn là người có khả năng về nghệ thuật, về
trực giác, khả năng tưởng tượng cao, thích làm việc trong các môi trường
mang tính ngẫu hứng, không khuôn mẫu. Ngành nghề phù hợp: Các
ngành về văn chương; báo chí (bình luận viên, dẫn chương trình.. .); điện
ảnh; sân khấu; mỹ thuật; ca nhạc; múa; kiến trúc; thời trang, hội họa, giáo
viên dạy Sử/Anh văn, bảo tàng, bảo tồn, ...
S (Social – Xã hội): Bạn là người có khả năng về ngôn ngữ, thích làm
những việc như giáo viên/giảng viên, cung cấp thông tin, chăm sóc, giúp
đỡ, hoặc huấn luyện cho những người khác. Ngành nghề phù hợp: Sư
phạm; giảng viên, huấn luyện viên điền kinh; tư vấn - hướng nghiệp; công
tác xã hội, sức khỏe cộng đồng, thuyền trưởng, thư viện, bác sỹ chuyên
khoa, thẩm định giá, nghiên cứu quy hoạch đô thị, kinh tế gia đình, tuyển
dụng nhân sự, cảnh sát, xã hội học, ...
E (Enterprise – Điều hành): Bạn là người có khả năng về kinh doanh,
mạnh bạo, dám nghĩ dám làm, có thể gây ảnh hưởng, thuyết phục người
khác; có khả năng diễn thuyết, lãnh đạo hoặc quản lý. Ngành nghề phù
hợp: Các ngành về quản trị kinh doanh (quản lý khách sạn, quản trị nhân
sự...), thương mại, marketing, kế toán-tài chính, luật sư, dịch vụ khách
hàng, tiếp viên hàng không, thông dịch viên, kỹ sư công nghiệp (ngành
Kỹ thuật Hệ thống công nghiệp), bác sĩ cấp cứu, quy hoạch đô thị, bếp
trưởng (nấu ăn), báo chí (phóng viên, biên tập viên...) ...
C (Conventional – Hành chính): Bạn là người có khả năng về số học,
thích thực hiện những công việc chi tiết, thích làm việc với dữ liệu, theo
chỉ dẫn của người khác hoặc làm công việc văn phòng. Ngành nghề phù
hợp: Các ngành về hành chính, quản trị văn phòng, kế toán, kiểm toán,
thư ký, thống kê, thanh tra ngành, người giữ trẻ, điện thoại viên ...
Nếu bạn chọn nghề phù hợp với sở thích của mình, bạn sẽ có thể phát huy được
những thế mạnh của mình, thổi bùng lên ngọn lửa đam mê…
Bây giờ, hãy đối chiếu giữa kinh nghiệm và sở thích, bạn sẽ thấy có nhiều điểm
tương đồng với nhau. Nếu không có nhiều điểm tương đồng, hãy tự đánh giá lại
một cách cẩn thận. Chúng ta sẽ quay lại kết quả này ở phần sau.
1.3 Kết quả học tập
Hãy liệt kê điểm trung bình của các bộ môn chính ở trường phổ thông của
bạn (Toán, Lý, Hoá, Văn, Sinh, Sử, Địa, Ngoại ngữ). Kết quả này có thể dự
đoán cho bạn có thể thi vào trường nào (công lập, tư thục…), hệ gì (đại học,
cao đẳng,…). Nếu điểm trung bình của bạn tương đối tốt, hãy mạnh dạn
chọn hệ đại học, còn ngược lại, bạn cũng nên tự lượng sức mình. Kết quả
học tập cũng là cơ sở để bạn quyết định thi vào trường có “tỷ lệ chọi” bao
nhiêu…
1.4 Tự xác định phong cách học tập
Mỗi học sinh đều có một kiểu tư duy nổi bật. Kiểu tư duy đó quy định phong cách
học tập của riêng mỗi học sinh. Mỗi học sinh sẽ có cách thu nhận, xử lý và sắp xếp
thông tin/kiến thức mới khác nhau bằng trực quan, lắng nghe, thực hành hay liên
tưởng. Và đôi khi cũng có sự kết hợp của vài cách thức trên lại với nhau. Hiểu
phong cách học tập của bản thân sẽ giúp bạn học tập hiệu quả hơn.
Có nhiều cách phân loại phong cách học tập. Cách phân loại sau đây đã được nhóm
nghiên cứu của tiến sĩ Phan Thị Tố Oanh điều chỉnh và thí điểm thành công tại
nhiều trường phổ thông của thành phố Hồ Chí Minh[1]. Hãy tự đánh giá xem mình
thuộc loại phong cách học tập nào sau đây.
Học bằng nhìn/hình ảnh
Những người có phong cách này thường dễ tiếp thu kiến thức bằng phương tiện
trực quan như bảng đen, dàn bài chi tiết, điệu bộ, cử chỉ, khuôn mặt, cơ thể, tranh
ảnh minh hoạ, bản biểu, sơ đồ, phim video, trình chiếu phim trong, tài liệu, . . . Họ
thường học bằng việc nhìn và suy nghĩ những việc xảy ra trong thực tế cuộc sống.
Họ thích làm việc cùng với người khác, cùng trao đổi ý kiến, và mất một thời gian
khởi động lâu mới có thể bắt nhịp cùng với giáo viên và bạn bè. Cách để nhận biết
những người có phong cách học tập là họ hay sử dụng các công cụ trực quan như
tranh, sơ đồ, bản đồ, hình hoạ, sơ đồ trí tuệ, . . . để hiểu vấn đề. Họ thường đặt câu
hỏi: Nó như thế nào? Tại sao lại thế? Làm bằng cách nào?...
Học bằng lời/lắng nghe
Người học dễ tiếp thu kiến thức bằng lời, do vậy rất thích nghe các bài thuyết
giảng bằng lời, lắng nghe các cuộc thảo luận, trò chuyện và trao đổi, lắng nghe bài
diễn văn, bài đọc, băng ghi âm, . . . Cụ thể là những người có phong cách học tập
này thường thích nghiên cứu, đọc nhiều lý thuyết, thích nghe ý kiến của các
chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn. Khi học một điều gì mới, họ thường thích
có cơ hội làm quen với môn học mới này bằng cách đọc về nó, điều tra về nó và
suy nghĩ về nó. Họ thường đặt câu hỏi: “Ai biết gì về nó?”
Học bằng thực hành
Người học có phong cách học tập này thường dễ tiếp thu kiến thức khi giáo viên sử
dụng các công cụ thực hành trong quá trình giảng dạy như làm thí nghiệm, làm bài
tập thực hành, bài tập thiết kế mô hình, làm một đề án, làm một cuộc điều tra
phỏng vấn, . . . Điều đó có nghĩa là người học dễ dàng tiếp thu kiến thức khi họ
được tham gia vào một hoạt động tìm tòi và khám phá nào đó, họ không thích ngồi
một chỗ trong thời gian lâu và cũng rất dễ xao lãng việc học, không tập trung vào
việc học khi nhu cầu tham gia vào thực hiện hoạt động tìm tòi và khám phá không
được đáp ứng. Những hoạt động này cần có sự hướng dẫn và giám sát của giáo
viên. Khi học một điều gì mới, người học rất thích được dạy không chỉ lý thuyết,
quy luật mà còn dạy cho họ cách vận dụng lý thuyết và quy luật đó. Họ thích làm
việc trong một cơ chế rõ ràng và thực tế. Họ thích có kiến thức nền tảng và biết
cách vận dụng những kiến thức đó vào thực tế, vào công việc. Họ thường đặt câu
hỏi: “Làm thế nào để vận dụng nó và ta có thể làm gì với nó?”
Học bằng liên tưởng, tưởng tượng
Những người có phong cách học tập này thường dễ tiếp thu kiến thức khi giáo viên
sử dụng các công cụ liên tưởng hoặc tưởng tượng trong quá trình giảng dạy như
cho các bài tập, các câu hỏi vận dụng kiến thức để liên tưởng đến một điều gì đó,
bài tập thiết kế mô hình, . . . nghĩa là những dạng bài tập yêu cầu học sinh vận
dụng trí tưởng tượng và sáng tạo. Khi học một điều gì mới, người học rất thích làm
sai và khám phá ra điều gì đó cho chính họ. Họ dễ dàng điều chỉnh để thay đổi. Họ
thích đi tìm hiểu một tình huống khác với cái mà họ đã học, thích đưa nó vào một
tình huống khác ngoài mong đợi và thích liều lĩnh. Họ thường đặt câu hỏi “Làm
thế nào chúng ta có thể vận dụng nó tốt nhất trong tình huống này?”
2. Tìm hiểu kiến thức về nghề
Khi quyết định chọn nghề, bạn cần nhớ rằng quyết định của bạn phải phù hợp với
thực tiễn của các ngành nghề hiện có trong xã hội. Một khi bạn quyết định chọn
nghề nào đó, cần tìm hiểu đầy đủ thông tin về nó, đối chiếu thông tin đó với những
thông tin về bản thân. Chẳng hạn, bạn dự định chọn nghề Y. Những thông tin cần
tìm hiểu về nghề này như có bao nhiêu chuyên ngành, đặc điểm của từng chuyên
ngành, phạm vi công việc của từng chuyên ngành… Kế tiếp, hãy theo các bước chỉ
dẫn trên để xác định đặc điểm cá nhân của mình có khả năng thi vào và khả năng
làm việc phù hợp với ngành Y hay không.
Các thông tin về ngành nghề, khối thi, các bạn có thể tham khảo trong cuốn
“Những điều cần biết về tuyển sinh đại học” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phát hành
hằng năm.
Tóm lại, quy trình tự chọn nghề có thể tóm tắt theo sơ đồ sau:
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. T.s Phan Thị Tố Oanh (chủ nhiệm) – Nghiên cứu một số trắc nghiệm tâm
lý và phương hướng vận dụng chúng vào tư vấn hướng nghiệp cho học
sinh Trung học phổ thông – Đề tài cấp Bộ mã số B2004 – 54 – 04
2. T.s Phan Thị Tố Oanh (chủ nhiệm) - Thực trạng và biện pháp đẩy mạnh
công tác hướng nghiệp tại các trường THPT ở các tỉnh đồng bằng sông
Cửu Long - Đề tài cấp Bộ mã số B2001 – 54 – 01
3.
4.
5.
Kinh nghiệm
bản thân
Tính cách,
Sở thích
Kết quả
học tập
Phong cách
học tập
Phù hợp với lĩnh vực nghề nào Phù hợp với Khối thi nào, hệ gì
Quyết định ngành gì,
trường nào, hệ gì…
Thông tin về tuyển sinh
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Tự chọn nghề ở học sinh thpt.pdf