Tư tưởng của Khổng tử - Hàn Phi Tử, điểm giống và khác nhau giữa 2 ông

LỜI NÓI ĐẦU Ngay từ khi xã hội loài người xuất hiện, cuộc sống thực tế buộc con người phải cố kết thành cộng đồng, và để xã hội tồn tại phát triển cần phải có sự quản lý, song ở buổi ban đầu thì mới chỉ là sự quản lý mang tính bản năng. Chỉ đến khi loài người phát triển tới một trình độ cho phép thực hiện phân công lao động xã hội, tách lao động trí óc khỏi lao động chân tay, thì mới manh nha ra đời các tư tưởng quản lý. Trải qua các thời kỳ, với sự phát triển của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đã xuất hiện các nhà tư tưởng chuyên nghiên cứu về triết học và vận dụng nó vào việc quản lý xã hội . II. NỘI DUNG A. CÁC TƯ TƯỞNG “ĐỨC TRỊ” VÀ “PHÁP TRỊ” CỦA KHỔNG TỬ VÀ HÀN PHI TỬ. I. Khổng Tử với tư tưởng “Ái nhân”. II. Tư tưởng “Pháp trị” của Hàn Phi Tử 1. Cuộc đời Hàn Phi 2. Lý luận pháp trị của Hàn Phi a) "Thế" trong quản lý b) "Thuật" trong quản lý c) Pháp luật trong quản lý B. SỰ GIỐNG VÀ KHÁC NHAU GIỮA TƯ TƯỞNG CỦA KHỔNG TỬ VÀ HÀN PHI TỬ. [B]1. Tư tưởng quản lý của Khổng Tử. 2. Tư tưởng quản lý của Hàn Phi Tử. 3. Sự giống và khác nhau giữa tư tưởng của Khổng Tử và Hàn Phi Tử, sự vận dụng trong thực tiễn.[/B] III. KẾT LUẬN Vận dụng hài hoà tư tưởng “Đức trị” và “Pháp trị” trong quá trình đổi mới quản lý ở Việt Nam đã mang lại những kết quả bước đầu rất quan trọng, vừa bảo vệ được thành quả cách mạng, giữ vững được định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa tạo được sự phát triển mới về chất. Tuy nhiên quá trình đổi mới còn rất gay go, phức tạp, một mặt đó là sự nghiệp chưa từng có trong lịch sử, phải vừa làm vừa học hỏi, vừa điều chỉnh ., mặt khác phải cảnh giác chống lại âm mưu phá hoại của kẻ thù và chống lại căn bệnh quan liêu, tham nhũng từ chính trong hệ thống quản lý

doc15 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 23498 | Lượt tải: 5download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Tư tưởng của Khổng tử - Hàn Phi Tử, điểm giống và khác nhau giữa 2 ông, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
I. LỜI NÓI ĐẦU Ngay từ khi xã hội loài người xuất hiện, cuộc sống thực tế buộc con người phải cố kết thành cộng đồng, và để xã hội tồn tại phát triển cần phải có sự quản lý, song ở buổi ban đầu thì mới chỉ là sự quản lý mang tính bản năng. Chỉ đến khi loài người phát triển tới một trình độ cho phép thực hiện phân công lao động xã hội, tách lao động trí óc khỏi lao động chân tay, thì mới manh nha ra đời các tư tưởng quản lý. Trải qua các thời kỳ, với sự phát triển của khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đã xuất hiện các nhà tư tưởng chuyên nghiên cứu về triết học và vận dụng nó vào việc quản lý xã hội. Ở Việt Nam, dưới các triều đại phong kiến cũng đã xuất hiện các tư tưởng quản lý, nhưng chủ yếu là quản lý hành chính, quản lý xã hội. Những tư tưởng quản lý đó được vận dụng vào thực tiễn và đã có những chính sách, cơ chế nhất định. Cùng với sự phát triển của xã hội, những tư tưởng quản lý ngày càng hoàn thiện, phù hợp với quy luật khách quan và thực tiễn kinh tế - xã hội của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử. Đặc trưng chính của tư tưởng quản lý ngày nay mà chúng ta vận dụng chủ yếu vẫn dựa trên sự kết hợp giữa hai tư tưởng quản lý chính là tư tưởng đức trị và tư tưởng pháp trị. Đại diện tiêu biểu cho hai tư tưởng này là Khổng Tử với tư tưởng “ái nhân” và Hàn Phi Tử với tư tưởng Pháp trị. II. NỘI DUNG A. CÁC TƯ TƯỞNG “ĐỨC TRỊ” VÀ “PHÁP TRỊ” CỦA KHỔNG TỬ VÀ HÀN PHI TỬ. I. Khổng Tử với tư tưởng “Ái nhân”. Khổng Tử (551 - 479 TCN) là người nước Lỗ, tên là Khâu, tự là Trọng Ni. Ông xuất thân trong một gia đình quý tộc sa sút. Thời thanh niên ông đã từng làm chức quan nhỏ, quản lý kho và trông coi trâu, dê. Vì hiểu lễ nhà Chu nên Lỗ Chiêu Công đã phái ông đến học lễ ở sử quan vương thất nhà Chu. Sau đó, vì nước Lỗ nổi loạn, Khổng Tử sang nước Tề, nhưng chưa được trọng dụng. Sau này ông lại trở về nước Lỗ dạy học và chỉnh lý văn hóa điển tịch. Thời Lỗ Định Công, Khổng Tử làm Trung đô tể, sau đó nhận chức Đại tư khấu, rồi Nhiếp tướng sự (Tướng quốc thứ nhì). Tuy nhiên ở nước Lỗ cũng như các nước khác ông đã từng đến như Vệ, Tống, Tần, Sái, Sở,... ông không tìm được một vị minh quân để thực hiện chủ trương chính trị của mình nên sau đó ông đành về quê viết sách và dạy học. Ta biết rằng, xã hội ở cuối thời Xuân Thu có nhiều biến động, quyền hành thiên tử nhà Chu rơi vào tay người khác, thiên tử không thể thống lĩnh được chư hầu, các giai cấp trong xã hội mâu thuẫn sâu sắc, đặc biệt là mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị và nhân dân lao động. Vua quan tìm mọi cách đàn áp, bóc lột nhân dân; chính sách cai trị là dùng chính và hình. Là một nhà tư tưởng, một người tham gia vào việc quản lý đất nước, Khổng Tử luôn mong muốn một xã hội có tôn ti, trật tự; có trên có dưới; vua ra vua, tôi ra tôi; mọi người sống vui vẻ, hoà thuận; thiên hạ thái bình; xã hội công bằng, không có người quá giàu, không có người quá nghèo. Để có được xã hội đó, dưới góc độ quản lý, ông quan tâm nhiều đến quan hệ giữa con người và con người tức là quan hệ giữa người quản lý và người bị quản lý. Ở đây ông đề cao chữ Nhân mà sau đó ông nâng lên thành đạo (đạo Nhân). Theo ông, con người sinh ra vốn sẵn tính thiện, có bản chất con người (Đức - Nhân), nhưng do hoàn cảnh, năng lực và phấn đấu nên được đặt ở vị trí khác nhau: là người thống trị và bị trị, hay nói cách khác là tầng lớp vua, quan và nhân dân lao động. Là người quản lý, cai trị giỏi thì vua quan phải làm cho nhân dân tin tưởng và phục tùng. Muốn vậy, người quản lý phải có nhân. Theo ông "Nhân là yêu người" (nhân giả ái nhân). Trong gia đình thì trọng hiếu đễ, yêu trẻ, kính già; ngoài xã hội thì mọi người yêu thương, giúp đỡ nhau. Cụ thể hơn, người có Nhân là người "mình muốn lập thân thì cũng giúp người lập thân, mình muốn thông đạt cũng giúp người thông đạt" (Luận ngữ, ung dã). Mặt khác lại cần phải "Điều mình không muốn thì đừng (đem ra) đối xử với người khác" (Luận ngữ, Vệ linh công). Ông đã phân tích 5 đức tính cơ bản để người quản lý đạt đến chữ Nhân là: cung, khoan, tín, mẫn, huệ: "cung kính thì không bị khinh nhờn, nhân hậu thì được lòng người, thành tín thì được người ta tín nhiệm, cần mẫn thì thành công, từ huệ thì sử dụng được người". Điều đó có nghĩa là khi có Nhân thì người quản lý sẽ có quan hệ tốt đẹp với cả trên và cả dưới, có thể khiến người khác tuân theo, công việc quản lý sẽ đạt kết quả tốt. Đối với nhân dân, giai cấp bị trị, ông nhận ra rằng chữ Nhân cũng rất quan trọng. Ta biết rằng, trong xã hội lúc bấy giờ, mâu thuẫn xã hội rất gay gắt, nhân dân thường hay chống đối lại giai cấp thống trị. Theo ông, cái gốc của sự phản kháng là vì chưa thấm nhuần được đạo Nhân. Do đó, dân chúng cũng phải hiểu rõ được tư tưởng "yêu người", học được đạo hiếu đễ của điều Nhân. Khi đó, họ sẽ không phạm thượng làm loạn. Ông nói: "con người làm người hiếu thuận với cha mẹ, kính yêu huynh trưởng mà lại thích xúc phạm bề trên, ít có người như vậy, con người không thích xúc phạm bề trên mà lại làm loạn, hạng người đó cũng chưa từng có" (Luận ngữ, học nhi). Nguyên nhân khác là do họ bị đối xử tàn tệ: "người bất nhân mà bị ghét thái quá sẽ sinh loạn" (Thái bá). Ông phản đối chế độ "Pháp trị" và thấy rằng nhân dân cũng có nhu cầu được đối xử một cách nhân ái: "Dân cần nhân đức còn khẩn thiết hơn cả cần nước" (Luận ngữ, Vệ linh công). Tóm lại, Nhân đức là nguyên tắc chung gắn kết giữa người quản lý và người bị quản lý nhằm đạt hiệu quả xã hội cao. Xuất phát từ nhận thức như vậy, Khổng Tử đã đề ra chính sách quản lý là "Đức trị", tức là bổ sung Đức và Lễ vào chỗ thiếu chủa chính sách dùng chính và hình lúc bấy giờ. Ông nói: "Dùng chính pháp để dẫn dụ dân, dùng hình phạt để chỉnh tề dân, dân chỉ tạm thời khỏi mắc tội lỗi nhưng không có liêm sỉ. Nếu như dùng đạo đức để dẫn dụ dân, sửa lễ giáo để chỉnh tề dân, chẳng những dân có liêm sỉ mà còn trừ bỏ được ác tâm mà lòng người quy phục" (Luận ngữ, Vi chính). Muốn vậy, mọi người đều phải học và thực hành đạo Nhân: "Người quân tử học đạo (Nhân) thì yêu người, kẻ tiểu nhân học đạo (Nhân) thì dễ sai khiến" (Dương hóa). Người cai trị lại càng phải thực hiện tốt điều Nhân để dân chúng noi theo: "Người quân tử ăn ở nhân hậu với người thân thì dân vui vẻ bắt chước theo điều Nhân" (Luận ngữ, Thái bá). Theo ông, để thực hiện Đức trị thì phải có những chính sách để quan tâm đến dân chúng như: biết lo cho dân: "Vì lợi ích của dân làm lợi cho dân", phải tiết kiệm "trị lý một nước có ngàn cỗ binh xa nên tiết kiệm chi dùng và thương yêu dân", sai khiến dân phải hợp thời: "Sai khiến dân chúng nên theo thời gian nhất định" (Luận ngữ, Học nhi). Đối với việc cử người tham gia quản lý đất nước theo ông phải cử "hiền tài", lựa chọn những người có năng lực, tài đức, không phản bội nguyên tắc thân nhân của nhà Chu. Để làm rõ vị trí, vai trò của người quản lý, Khổng Tử đã đề ra thuyết "chính danh". Khi Tử Lộ hỏi nếu được vua nước Vệ mời ra làm chính sự thì phải làm việc gì trước, Khổng Tử trả lời: "phải chính danh". Ông nói: "Danh không chính thì lời nói không thuận lý; lời nói không thuận thì sự việc không thành; sự việc không thành thì lễ nhạc, chế độ không kiến lập được; lễ nhạc chế độ không kiến lập được thì hình phạt không trúng; hình phạt không trúng thì dân không biết đặt tay vào đâu. Cho nên người quân tử đã dùng cái danh thì tất phải nói ra được; đã nói điều gì tất phải làm được". Điều gọi là "chính danh" tức là phải đặt tên đúng sự vật, gọi sự vật bằng đúng tên của nó khiến danh đúng với thực chất sự vật. Ông cho rằng ở xã hội loạn lạc như bấy giờ, bề tôi giết vua, con giết cha... thì chỉ cần đem những con người và sự việc không phù hợp với lễ đã quy định để đính chính, sửa chữa lại thì sẽ xây dựng được trật tự xã hội. Khi vua có danh phận vua, tôi có danh phận tôi, cha có danh phận cha, con có danh phận con thì "danh chính ngôn thuận", thiên hạ thái bình. II. Tư tưởng “Pháp trị” của Hàn Phi Tử 1. Cuộc đời Hàn Phi Theo "Sử ký" của Tư Mã Thiên, Hàn Phi là một công tử nước Hàn, học rộng, biết cả đạo Nho, đạo Lão, nhưng thích nhất học thuyết pháp gia và có tư tưởng mới về pháp trị. Ông thuộc tầng lớp quý tộc nhưng có tinh thần tiến bộ, trọng những kẻ sĩ giỏi pháp thuật, chê bọn quý tộc cũ là cổ hủ, vô dụng. Ông là người có lòng yêu nước rất cao, quan tâm sâu sắc đến công việc cai trị - quản lý. Lý luận cai trị của ông sắc bén, duy lý, thậm chí đến mức lạnh lùng, tàn nhẫn. Hàn Phi để lại cho đời các tác phẩm của ông gồm khoảng một vạn chữ, 300 năm sau ngày Hàn Phi mất, Lưu Hướng thu thập được 50 thiên. 2. Lý luận pháp trị của Hàn Phi Chúng ta có thể thấy tư tưởng quản lý của phái pháp gia là một hệ thống lý thuyết khá đầy đủ, sắc bén về quản lý trong bối cảnh lịch sử quân chủ phong kiến thời Xuân Thu - Chiến Quốc. Xuyên suốt và nổi bật qua tác phẩm Hàn Phi Tử là các tư tưởng về thế, thuật cai trị và pháp luật với tư cách là một công cụ hữu hiệu nhất để quản lý đất nước. Trị nước trong chế độ quân chủ chủ yếu được coi là công việc của một người, đó là vua. Tuy nhiên, trong lý luận cai trị của Hàn Phi, ông đã có sự phân chia các loại chủ thể khác nhau và các công cụ để các chủ thể đó thực hiện chức năng của mình: đó là vua và bầy tôi, tức là các bậc quan lại. Vua chủ yếu trị quan, các quan mới là người trị dân. Vua chủ yếu dùng "thuật", các quan chủ yếu nắm giữ pháp luật: "phàm cái thuật trị nước là cái nhà vua nắm lấy, pháp luật là cái mà các quan phải làm thầy" (Thuyết nghi). Như vậy, quan niệm về cai trị - tức quản lý - của Hàn Phi đã có một bước tiến đáng kể khi ông phân loại chủ thể quản lý cũng như các phương pháp, công cụ quản lý khác nhau giữa các loại chủ thể đó. Cách phân loại này cho phép ông đi sâu hơn, chặt chẽ hơn khi phân tích chức năng cai trị của từng loại chủ thể. Đối với vua, Hàn Phi đề cao Thế và Thuật; với quan lại, ông chủ yếu tập trung bàn về pháp (pháp luật). Thưởng phạt là công cụ hữu hiệu mà các chủ thể đều phải dùng - dĩ nhiên pháp luật, thưởng phạt đều do vua đề ra và nắm giữ. Điều đó cho thấy, cho dù có sự phân định chủ thể cai trị thì Hàn Phi - người tôn thờ chế độ quân chủ - vẫn chủ yếu coi công việc cai trị là công việc của nhà vua. Theo Hàn Phi, để cai trị được đất nước, trước hết, ông vua phải có Thế, tức là cái uy, cái danh, cái vị thế của quyền lực tối cao; đồng thời phải có Thuật, tức là có "kỹ năng", cách thức (cả kỹ thuật và cả tâm thuật) để điều khiển quan lại dưới trướng và quản lý muôn dân. Hàn Phi viết: "Vị vua sáng suốt sở dĩ lập được công, thành được danh là nhờ có 4 điều: một là thiên thời, hai là lòng người, ba là kỹ năng, bốn là cái thế và địa vị" (Công danh). a) "Thế" trong quản lý Thế và địa vị là quyền uy tối cao của nhà vua. Để đề cao "Thế" trong cai trị, theo Hàn Phi "cái uy không thể cho mượn, cái quyền không thể chung với người khác" (Hữu độ). Biểu hiện của cái uy, cái quyền - tức là biểu hiện của Thế - ở chỗ, nhà vua là người duy nhất đề ra luật pháp, nhà vua nắm giữ thưởng phạt. "Kẻ làm vua nếu tự mình dùng hình phạt và ân đức thì bầy tôi sợ cái uy của nhà vua mà chạy theo cái lợi của họ" (Hai cái cán). "Thế" theo Hàn Phi không phải là do đức mà có, cũng không phải chỉ bằng pháp luật hà khắc, dã man. Hàn Phi là người thực dụng và nguyên tắc nên khi nói về "Thế" và điều kiện để có được "Thế", ông đồng thời đề cao pháp luật và thưởng phạt: "pháp luật công bằng, thưởng phạt công minh, cho nên, điều sửa chữa được sai lầm của người trên, trị được cái gian của kẻ dưới... thống nhất đường lối của dân không gì bằng pháp luật" (Hữu độ). Thưởng phạt dùng để tạo nên "Thế", nhưng "Thế" cũng chính là yếu tố nhất thiết phải có để sử dụng pháp luật và thưởng phạt có hiệu quả. Theo ông, "các bậc thánh nhân dùng làm đạo trị nước có ba điều một là lợi, hai là uy, ba là danh. Nói chung lợi là cái để giành được dân; uy là cái để thi hành mệnh lệnh, danh là cái để trên lẫn dưới đều theo" (Nguỵ sử). Mối quan hệ giữa pháp luật và "Thế" cũng vậy, trong chương Nạn thế, ông viết: "nếu họ (tức vua) giữ pháp luật ở vào cái thế thì trị an, nếu họ từ bỏ pháp luật, gạt bỏ cái thế thì loạn". Trong lý thuyết của mình, Hàn Phi bàn nhiều đến thưởng phạt như là yếu tố hàng đầu tạo nên "Thế" của nhà vua. Thưởng phạt "nâng cao uy quyền của vua" và "sử dụng hết năng lực" của bầy tôi. Dù có vẻ hơi nghiệt ngã và tàn nhẫn khi nói về thưởng phạt, nhưng Hàn Phi luôn thống nhất một điểm: thưởng phạt phải chắc chắn, công bằng, nghiêm minh; thưởng phải hậu, phạt phải nặng. Thưởng phạt không những tạo nên "Thế" của vua mà còn tạo nên "Thế" của nước, Hàn Phi viết: "Nêu cao phép tắc cai trị thì nước nhỏ cũng giàu. Nếu việc thưởng phạt được tôn trọng và chắc chắn thì dân tuy ít cũng mạnh" (Sức tà). Chính sách thưởng phạt không phải ngẫu nhiên mà được Hàn Phi đề cập nhiều và có phần cực đoan như thế. Điều đó xuất phát từ quan niệm bản chất con người là vì tư lợi, con người sẵn sàng làm tất cả hoặc không làm gì cả nếu có lợi cho bản thân họ. Vì thế, một mặt, để dùng được người, để "sử dụng hết năng lực" của họ, không gì bằng đem lại cái lợi cho họ, tức dùng phần thưởng; mặt khác, để loại bỏ được những yếu tố gây loạn cho xã hội thì phải dùng hình phạt nặng. Người ta cho rằng Hàn Phi là con người lạnh lùng và "ít có giọng thương dân", nhưng tìm hiểu sâu về mục đích của thưởng phạt, phân tích về cách thức áp dụng thưởng phạt ta mới thấy tư tưởng tiến bộ và tấm lòng yêu dân của ông. Những ý tưởng của ông về chế độ thưởng phạt trong cai trị, ngoại trừ những yếu tố cực đoan, rất có giá trị trong thực tiễn quản lý. Hình phạt không phải để trừng trị dân mà chính là lo lắng cho dân, "làm lợi cho dân và tiện cho thứ dân" - đối tượng quản lý. Ông viết: "kẻ bị phạt nặng là những bọn trộm cướp, và kẻ được thương yêu lo lắng là dân lành" (Lục phản). Để đề cao tác dụng của việc áp dụng hình phạt nặng, ông còn nhấn mạnh: "vì vậy cho nên con đường dùng hình phạt nhẹ nếu như không phải là làm cho nước loạn thì cũng là chăng bẫy lừa dân vậy. Cái này mới có thể gọi là làm thương tổn đến dân" (Lục phản). Dĩ nhiên chính sách thưởng phạt của Hàn Phi là thái quá song ông quan tâm lớn hơn đến tính mục đích của cai trị, đó là yên dân, là mạnh nước. Ở thời ông, và so với chính sách Đức trị thì tư tưởng về chính sách thưởng phạt của ông vẫn có tính khả thi hơn trong việc cai trị và xác lập nên "Thế" của nhà vua. Quan niệm về "Thế" của Hàn Phi, do vậy, sâu sắc hơn, cụ thể hơn quan niệm về "Thế" của Thận Đáo - người tiền bối của ông trong trường phái pháp gia. b) "Thuật" trong quản lý "Thuật" chủ yếu là nói về cách thức cai trị của vua chúa đối với bầy tôi, tức là "thuật" dùng để trị quan chứ không phải để trị dân, như Hàn Phi đã giải thích: "Thuật là nhân tài năng mà giao cho chức quan, theo cái danh mà trách cứ cái thực; nắm quyền sinh quyền sát trong tay mà xét khả năng của quần thần. Đó là cái mà bậc vua chúa phải nắm trong tay". Thuật theo Hàn Phi có hai nghĩa: kỹ thuật, là cách thức, biện pháp để tuyển, dùng, kiểm tra khả năng của quan lại; tâm thuật, tức những mưu mô để chế ngự quần thần không cho họ biết suy nghĩ, tình cảm thực của mình. Hàn Phi viết: "Không dùng quan lại thạo việc, không điều tra để xác minh, không hiểu rõ quy tắc tiêu chuẩn mà chỉ cậy vào trí thông minh thì óc vất vả lo nghĩ mà vẫn không có cái thuật để biết được điều gian" (Nạn tam). Như vậy, trong việc cai trị của các bậc vua chúa, mối lo nhất là kẻ gian, điều quan tâm nhất là dùng người. "Thuật" trong tư tưởng của Hàn Phi bao gồm: trừ gian, dùng người và thuật vô vi. - Trừ gian: Là các thuật để loại trừ bọn gian thần. Hàn Phi quan niệm bản chất con người là tư lợi nên địa vị, quyền lực của nhà vua là mục tiêu lợi dụng, giành giật của nhiều người. Ông phân ra thành 8 loại gian thần gồm hai hạng: kẻ thân thích vua và quần thần. Cả hai đều đánh vào tình cảm, dục vọng và điểm yếu của vua để lung lạc, che dấu, tự do hoành hành; chúng ngăn cản và hãm hại trung thần. Hàn Phi đưa ra nhiều thuật để nhận biết kẻ gian, kiềm chế hạng người tư lợi có địa vị cao và loại trừ những kẻ gian tà không cải hóa được. Ông phân loại quần thần để có cách xử lý với từng đối tượng: nếu là người hiền, có thể bắt vợ con, thân thích của họ làm con tin; nếu là kẻ tham lam, cho họ chức tước bổng lộc hậu hĩ để mua chuộc họ khỏi làm phản; nếu là kẻ gian tà thì phải trừng phạt; còn nếu không cải hóa được thì phải trừ họ đi (Bát kinh). Những thuật trừ gian của Hàn Phi quả thật thâm hiểm và tàn bạo - mà chính bản thân Hàn Phi cũng là nạn nhân của thuật trừ gian khi bị Lý Tư hãm hại - thế nhưng, điều đáng quý bù lại trong tư tưởng của ông là, ông có những thuật rất sắc bén và hữu ích về việc dùng người trong quản lý. - Dùng người: Nguyên tắc cơ bản của thuật dùng người theo phái pháp gia là thuyết hình danh- tức là muốn đánh giá một người hoặc một sự vật thì phải xét cái thực đã làm (hình) và tên gọi của việc (danh) có phù hợp hay không. Trong thiên Nạn nhi, Hàn Phi viết: "Dùng quy tắc hình danh hợp nhau mà thu phục bầy tôi thì không được nghe lời giới thiệu của người khác mà phải đích thân xét xem người mình muốn dùng có xứng đáng không vì người giới thiệu có thể vì tình riêng, vì tư lợi, vì muốn kéo bè đảng mà đề cử hạng bất tài, vô đức. Mà trong đời, kẻ có tài chưa nhất định đã đáng tin, kẻ có đức lại chưa nhất định có tài, cho nên việc bổ nhiệm người, nếu không có thuật thì sẽ bại". Hàn Phi nhấn mạnh việc dùng người phải rất thận trọng. Ông đưa ra 7 thuật chủ yếu mà vua chúa dùng là: "1. Xem xét và so sánh các đầu mối. 2. Phạt chắc chắn để nâng cao uy quyền. 3. Thưởng chắc chắn đề dùng hết năng lực. 4. Nghe mọi người và bắt người dưới chịu trách nhiệm về điều đã nói. 5. Ra mệnh lệnh đáng ngờ và dùng mánh khoé để sai khiến. 6. Tập hợp những hiểu biết sự thực. 7. Đảo ngược lời nói và đảo ngược công việc" (Nội trữ thượng, thất thuật) Dùng người, theo Hàn Phi là phải "soi sáng sự thưởng phạt", phải "dùng công việc để sử dụng người, đó là then chốt của còn hay mất, trị hay loạn" (Bát thuyết). Tuy nhiên, dùng công việc cũng phải có kỹ thuật tỷ mỉ, không chỉ nghe người ta nói mà phải xem người ta làm và "phàm lời nói, việc làm phải lấy công dụng làm tiêu chuẩn". Việc giao chức vụ phải đi theo thứ tự từ chức nhỏ đến chức lớn, giao việc phải đúng khả năng, không kiêm nhiệm, không can thiệp vào nhau. Ông luôn đề cao tính mục đích của công việc, trong mọi việc làm, theo ông "phải có mục đích rõ ràng, nhìn theo đích mà hành động" (Dụng nhân). Đích đó chính là công dụng - "việc làm lấy công dụng làm đích" (Vấn biện) Tuy kỹ thuật hóa cai trị đến mức tinh vi như vậy, nhưng Hàn Phi vẫn thừa nhận yếu tố con người là yếu tố quyết định sự thành bại của quản lý. Các quy tắc trên là dành cho hạng vua chúa bình thường, còn hạng minh chủ có pháp thuật có thể tự biến hoá làm ra quy tắc mới. Vì thế, Hàn Phi cũng bàn nhiều đến thuật vô vi trong quản lý. - Thuật vô vi: Thuật trừ gian, dùng người chỉ là những kỹ thuật pháp trị, còn vô vi, dường như đạt đến mức độ nghệ thuật của sự cai trị. Nếu như "vô vi" của Khổng Tử là tài đức của vua soi sáng cho dân theo; "vô vi" của Lão Tử là sự giảm thiểu chính quyền để dân sống tự do, tự nhiên như bản tính của họ thì "vô vi" của Hàn Phi trở thành một thuật cai trị của vua chúa. Hàn Phi viết: "Tiên vương cho ba cái đó (mắt, tai, trí óc) là không đủ nên không ỷ vào tài năng của mình mà dựa vào pháp độ, xét kỹ việc thưởng phạt, tiên vương chỉ giữ cái cốt yếu, nên pháp độ giảm đi, mà không bị vi phạm; một mình họ chế ngự trong bốn bề, khiến cho kẻ thông minh không thể gian trá được, kẻ miệng lưỡi không thể nịnh bợ được, kẻ gian tà không biết dựa vào đâu được; dù cho kẻ ở ngoài xa ngàn dặm cũng không dám đổi lời, kẻ thân cận như các lang trung cũng không dám che dấu cái tốt, tô điểm cái xấu... cho nên công việc cai trị ít, ngày giờ dư, được vậy là do vua biết dùng quyền thế để trị nước" (Hữu Độ). Như vậy, Thế và Thuật của trường phái pháp gia đến Hàn Phi trở nên sâu sắc hơn, kỹ lưỡng hơn so với các bậc tiền bối như Thận Đáo, Thân Bất Hại..., nhưng đó mới chỉ là hai chân của cái kiềng ba chân làm nên thuyết pháp trị của ông. Yếu tố quan trọng nhất, nổi bật nhất trong tư tưởng của Hàn Phi nói riêng, của trường phái Pháp gia nói chung, đó là pháp với nghĩa là pháp luật trong cai trị đất nước. c) Pháp luật trong quản lý Pháp luật nổi bật lên trong tư tưởng của Hàn Phi như là một công cụ hữu hiệu nhất để quản lý - cai trị xã hội. Với Hàn Phi, pháp luật là cái quy, cái củ, tức là tiêu chuẩn để phân biệt đúng sai, phải trái; để duy trì trật tự xã hội trong một khuôn khổ. Hàn Phi viết: "Pháp luật công bằng, hình phạt công minh, cho nên, điều sửa chữa được sai lầm của người trên, trị được cái gian của kẻ dưới, trừ được loạn, sửa được điều sai, thống nhất đường lối của dân không gì bằng pháp luật" (Hữu độ). Mặc dù pháp luật thời Hàn Phi rất sơ sài, nhưng những tư tưởng của ông về pháp luật lại rất cụ thể, sâu sắc và rất có giá trị. Là người tôn thờ chế độ quân chủ, với Hàn Phi, pháp luật dĩ nhiên là do vua đặt ra, tuy vậy nó không được tuỳ tiện mà phải tuân theo các nguyên tắc sau: - Pháp luật phải kịp thời, hợp thời Tư tưởng chung của Hàn Phi là lý luận phải hợp thời mới có ích. Với pháp luật cũng vậy, Hàn Phi viết: "Thời thay mà pháp luật không đổi thì nước loạn, đời đã thay đổi mà cấm lệnh không biến thì nước bị chia cắt. Cho nên thánh nhân trị dân thì pháp luật theo thời mà đổi, cấm lệnh cũng với đời mà biến" (Tân độ). Tính kịp thời của pháp luật với Hàn Phi không chỉ ở ý nghĩa chung chung mà rất cụ thể: "Bậc vua chúa sáng trị nước thì dựa theo thời tiết của năm mà làm ra của cải, tính thuế khóa sao cho giàu nghèo được đều..." (Lục phản). Quy tắc lập pháp từ chỗ mơ hồ, siêu hình "theo tính người và phép trời" của Quản Trọng trở nên rõ ràng, khả thi trong tư tưởng của Hàn Phi. - Pháp luật phải công khai, dễ biết, dễ thi hành Khác với một số tư tưởng gia thời cổ đại quan niệm pháp luật phải bí mật mới dễ cai trị, trường phái Pháp gia cho rằng: pháp luật phải công khai để ai cũng biết mà thi hành. Hàn Phi nói nhiều về điều này, trong thiên Hữu độ, ông viết: "pháp luật rõ ràng thì người trên được tôn trọng mà không bị xâm lấn", và ông phân tích cụ thể hơn trong thiên Thủ đạo: "pháp luật rõ ràng thì người hiền không cướp của kẻ kém, người mạnh không thể hiếp kẻ yếu, người đông không thể hung bạo với kẻ ít". Hàn Phi cho rằng, pháp luật không chỉ công khai mà còn phải dễ biết, dễ hiểu, nghĩa là phải thống nhất, cố định và đơn giản "pháp luật không gì bằng thống nhất và chắc chắn, khiến cho dân biết nó". Ông còn viết: "Những điều mà những kẻ sĩ sâu sắc mới có thể hiểu được thì không thể đưa ra làm lệnh, vì dân không phải tất cả đều sâu sắc" (Bát thuyết), và "pháp luật gọn thì việc kiện tụng của dân ít đi". - Pháp luật phải công bằng, bênh vực kẻ yếu và số ít Đây là tư tưởng tiến bộ của Hàn Phi nói riêng, của trường phái Pháp gia nói chung trong bối cảnh chế độ quân chủ phong kiến "hình phạt không tới trượng phu, phần thưởng không tới thứ dân". Phái Pháp gia chủ trương pháp luật công bằng. Quản Trọng nhấn mạnh "vua tôi, sang hèn đều theo pháp luật" một cách "chí công vô tư". Hàn Phi đề cập rất cụ thể vấn đề này, ông viết: "Pháp luật công bằng thì quan lại không làm điều gian" (Sức lệnh). Trong thiên Thủ đạo, Hàn Phi rất tâm huyết: "cho nên, trị nước thì minh định pháp luật, đặt ra hình phạt nghiêm khắc để cứu loạn cho quần chúng, trừ hoạ cho thiên hạ, khiến cho kẻ mạnh không lấn kẻ yếu, đám đông không hiếp đáp số ít,(...) biên giới không bị xâm phạm, vua tôi thân nhau, cha con bảo vệ nhau, không lo bị giết hay bị giặc cầm tù, đó cũng là cái công cực lớn vậy". Nhận thức về vai trò của pháp luật trong cai trị đến mức "pháp luật hỏng thì nước loạn" và phân tích sâu sắc, kỹ càng như thế về các nguyên tắc sử dụng pháp luật của Hàn Phi thực sự đã làm cho chúng ta phải giật mình. Sống cách chúng ta hơn 2000 năm, trong một chế độ cai trị cổ đại, vậy mà những tư tưởng của Hàn Phi về pháp luật dường như vẫn mang ý nghĩa thời sự đối với sự nghiệp quản lý hiện đại, ở bất cứ quốc gia nào. B. SỰ GIỐNG VÀ KHÁC NHAU GIỮA TƯ TƯỞNG CỦA KHỔNG TỬ VÀ HÀN PHI TỬ. 1. Tư tưởng quản lý của Khổng Tử. Qua phân tích tư tưởng quản lý của Khổng Tử ta nhận thấy rằng: - Xã hội thời Xuân Thu, Chiến Quốc là xã hội phân chia giai cấp, mâu thuẫn giữa các tầng lớp xã hội nhất là giai cấp thống trị và bị trị rất gay gắt. Để giải quyết mâu thuẫn đó, Khổng Tử luôn quan tâm đến việc giải quyết mối quan hệ giữa vua quan và nhân dân lao động, hay nói cách khác là quan hệ giữa người quản lý và người bị quản lý. Quan điểm của Khổng Tử là con người về bản chất vốn có tính thiện nên phải dùng "Đức trị" nghĩa là dùng chữ "Nhân" để đối xử với nhau. Khi con người yêu thương, hoà thuận với nhau thì xã hội sẽ có trật tự, thiên hạ thái bình, sản xuất phát triển. - Để thực hiện được "Đức trị" thì bản thân người quản lý phải là người có tài, đức; phải biết lo cho dân; quan tâm đến lợi ích của dân. Mặt khác, chính sách cai trị phải mềm dẻo, dùng lễ, giáo là chủ yếu; giảm nhẹ hình phạt, không nên dùng vũ lực để đàn áp nhân dân. Chính vì vậy mà họ phản đối chiến tranh xâm lược, ủng hộ phương thức hoà bình để giữ chính quyền. Là người chủ trương "Đức trị", trong thời gian làm Đại tư khấu, Khổng tử đã đặt ra nhiều chính sách nhằm giúp đỡ người nghèo khổ, lập ra các quy tắc về lễ tiết. Sau 3 năm xã hội trở nên có trật tự và nề nếp đạo đức tốt (người đi ngoài đường thấy của rơi không nhặt, kẻ gian phu không có, hình pháp đặt ra không dùng đến). Sau khi làm Nhiếp tướng sự, ông đã giúp nhà vua quản lý đất nước, làm nước Lỗ thịnh trị và có kỷ cương nhanh sau 3 tháng. Do vua nước Lỗ không phải là vị minh quân, không biết dùng người nên kết quả đạt được không kéo dài nhưng nó cũng phần nào cho ta thấy tác dụng thực tiễn của chủ trương đó. Tuy nhiên ta cũng thấy rằng, tư tưởng của Khổng Tử còn nhiều điểm bảo thủ, thiếu dân chủ và ảo tưởng. Là người đại diện cho giai cấp thống trị nên nhìn chung tư tưởng của ông vẫn phục vụ cho giai cấp thống trị. Khẩu hiệu "yêu người" của ông là khẩu hiệu siêu giai cấp, khó có thể thực hành trong xã hội lúc bấy giờ. Nó chỉ có tác dụng trấn an tinh thần nhân dân, để điều hoà mâu thuẫn giai cấp sâu sắc lúc bấy giờ, làm cho dân chúng phục vụ cho lợi ích lâu dài của giai cấp thống trị. Việc Khổng Tử dùng "danh" để quy định "thực" mà không phải dùng "thực" làm giàu cho "danh" của thuyết "chính danh" là tư tưởng bảo thủ, chống lại quy luật khách quan của xã hội. Tư tưởng Đức trị cũng có mặt hạn chế mà căn bản là từ xuất phát điểm của tư tưởng. Khẩu hiệu "ái nhân" là khẩu hiệu ảo tưởng, không thể thực hiện được ở xã hội có giai cấp (như bấy giờ). Đối với giai cấp thống trị, "ái nhân" chỉ nhằm điều hoà mâu thuẫn sâu sắc lúc bấy giờ, làm xoa dịu dân chúng, thủ tiêu ý chí đấu tranh của nhân dân lao động, bảo vệ lợi ích của bản thân họ. Chính vì vậy mà Đức trị không thể thực hiện được một cách đầy đủ và triệt để ở xã hội bấy giờ. Tuy có một số nhược điểm như vậy nhưng nhìn chung thuyết "Đức trị" của Khổng Tử cũng có giá trị to lớn, được nhiều nhà quản lý sau đó kế thừa và thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Trải qua các thời đại phát triển của xã hội, tư tưởng "Đức trị" không ngừng được bổ sung, hoàn thiện và được kết hợp với các tư tưởng khác như "Pháp trị" trở thành tư tưởng quản lý chủ đạo của Trung Hoa và ảnh hưởng tới các nước phương Đông. Hơn nữa, những tư tưởng triết học và tư tưởng quản lý của Khổng Tử đã có ảnh hưởng to lớn trong quần chúng nhân dân như một tôn giáo - Khổng giáo. Nó đã được vận dụng cả ở Nhật Bản và nhiều nước khác trong đời sống kinh tế - xã hội, trải qua trên 2000 năm cho đến thời đại ngày nay vẫn không bị phai mờ. Trong điều kiện chuyển sang nền kinh tế hiện đại, càng ngày người ta càng nhận thức vai trò của nhân tố con người thì tư tưởng "Đức trị" lại càng có giá trị và được vận dụng một cách mềm dẻo, linh hoạt trong việc quản lý kinh tế - xã hội, mang lại hiệu quả cao. 2. Tư tưởng quản lý của Hàn Phi Tử. Học thuyết pháp trị của trường phái Pháp gia với sự cấu thành ba yếu tố: Thế - Thuật - Pháp đã đánh dấu một bước phát triển sớm và hết sức có giá trị của lý luận quản lý - cai trị. Những quan niệm về Thế dù có phần mơ hồ, nhưng chính sách dùng thưởng phạt trong cai trị là một chính sách đúng đắn và mang tính khả thi trong điều kiện lịch sử cụ thể thời đó, đặc biệt khi có chiến tranh, giặc dã. Song, Hàn Phi quá đề cao việc thưởng phạt và chủ trương thưởng phạt quá tàn bạo, sẽ không đạt hiệu quả cao trong điều kiện hòa bình. Về Thuật, bên cạnh những ý tưởng thâm độc, tàn nhẫn về việc trừ gian, Hàn Phi đã có những nhận thức tiến bộ, sắc sảo trong chính sách dùng người. Dùng công việc để sử dụng người, công việc thì phải lấy công dụng làm chuẩn, công dụng là đích của việc dùng người v.v.. là những quan niệm đúng đắn, có giá trị. Tuy nhiên, tư tưởng về pháp luật mới thật sự là những đóng góp to lớn của trường phái Pháp gia đối với lý luận cai trị - quản lý từ cổ chí kim. Quan niệm về vị trí, vai trò, chức năng, cách thức áp dụng pháp luật trong cai trị của Pháp gia phần lớn cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Đối với nước ta, trong quản lý xã hội nói chung, quản lý kinh tế nói riêng đã có thời kỳ dài chúng ta coi nhẹ vai trò của công cụ pháp luật. Từ khi bước sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chúng ta đã có sự quan tâm ngày càng đúng mức hơn về vai trò, chức năng của pháp luật trong quản lý. Những tư tưởng của trường phái Pháp gia về một hệ thống pháp luật công bằng, công khai, thống nhất, gọn nhẹ, dễ hiểu, biến đổi theo thời... vẫn là những ý tưởng mà việc xây dựng hệ thống pháp luật hiện nay ở nước ta phải thực hiện để phát huy ngày càng cao hiệu quả của quản lý. 3. Sự giống và khác nhau giữa tư tưởng của Khổng Tử và Hàn Phi Tử, sự vận dụng trong thực tiễn. Tư tưởng quản lý theo xu hướng Đức trị của Khổng tử và Pháp trị của Hàn Phi Tử là hai tư tưởng chính thời cổ Trung Hoa. Khổng Tử với tư tưởng coi bản chất con người là thiện, muốn xây dựng xã hội phải chăm lo cải thiện đời sống, trong quản lý xã hội phải biết thu phục nhân tâm, biết chọn người hiền tài và phải luôn luôn chú trọng lòng nhân ái. Hàn Phi Tử với quan điểm coi bản chất con người là ác nên phải dùng các chế định pháp luật để răn đe, uốn nắn tính xấu của con người và phải có chế độ quản lý độc tài để tạo lập kỷ cương cho xã hội. Hai xu hướng quản lý tuy có khác nhau nhưng luôn luôn đặt con người với tư cách là đối tượng quản lý trong tổng thể toàn xã hội, vạch ra lôgic của quá trình xã hội theo các mức từ thấp đến cao là "an dân, trị quốc, bình thiên hạ", kết hợp đức trị với pháp trị là đạo lý của người quản lý mà cho tới ngày nay tư tưởng Đức trị và Pháp trị vẫn còn được in đậm nét trong phong cách quản lý của nhiều nước châu Á và được các học giả phương Tây đánh giá cao và nó cũng ảnh hưởng tới phong cách quản lý của các nước phương Tây. Tư tưởng Pháp trị và Đức trị là hai trường phái quản lý khác nhau xong hai vấn đề này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Pháp luật là một biện pháp để khẳng định một chuẩn mực đạo đức; ngược lại đạo đức là những nguyên tắc, chuẩn mực, định hướng giá trị được xã hội thừa nhận, có tác dụng chi phối, điều chỉnh hành vi con người trong quan hệ với người khác, nhưng nhiều khi rất cần sự hỗ trợ của pháp luật. Bởi vì nếu không kết hợp với tính nghiêm minh, khoa học của pháp luật thì giáo dục đạo đức trở thành vô nghĩa. Ở nước ta, Hồ Chí Minh bằng tấm gương đạo đức của bản thân đã chinh phục được trái tim và khối óc của nhân dân cả nước, thuyết phục được các sĩ phu yêu nước cũ điển hình là Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại và tầng lớp trí thức tân học theo Người. Thực hiện đức trị, trong suốt thời kháng chiến chống Pháp, Người chỉ xử tử có một người. Vì sao đức trị có thể thực hiện trong thời gian đó? Một là trên chiến khu, đời sống mọi người kham khổ như nhau, nên đức trị còn có tác dụng. Hơn nữa, Hồ Chí Minh lại là tấm gương sáng chói của nền đức trị đó. Nhưng Người luôn quán triệt “đức trị” phải thống nhất với “pháp trị”. Hồ Chí Minh hiểu rõ rằng, từ một nền văn hóa nông nghiệp, trải qua hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến chuyên chế và hàng trăm năm dưới chế độ thực dân cũng không kém phần chuyên chế, chúng ta không thể đi nhanh tới việc xác lập một nhà nước pháp quyền. Tư tưởng “pháp trị” của Hồ Chí Minh đặc biệt thể hiện nổi bật ở việc bảo đảm tính khoa học, hiệu lực và nghiêm minh của pháp luật. Bước vào thập niên năm mươi, để tập trung mọi khả năng cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới công tác chỉnh Đảng, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, nghiêm minh với tội hối lộ. Để bảo đảm nhà nước pháp quyền có hiệu lực mạnh, với tư tưởng ‘tìm người tài đức”, chiêu hiền đãi sĩ, cầu người hiền tài, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng đội ngũ cán bộ công chức vừa “hồng” vừa “chuyên”. “Hồng” ở đây là nói tới phẩm chất đạo đức của người cán bộ công chức, mà hàng đầu và xuyên suốt là ý thức và tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Còn “chuyên’ là nói tới năng lực thực tế của công chức Việt Nam nói chung và năng lực trong việc giữ một nhiệm vụ cụ thể trong bộ máy nhà nước nói riêng với tinh thần “làm nghề gì cũng phải học” và “làm nghề gì phải giỏi nghề đó”. Một thời gian dài chúng ta đã trị nước bằng chỉ thị và nghị quyết. Sau khi đường lối đổi mới đi vào cuộc sống, xã hội Việt Nam đã thực sự phân hóa về giai tầng, về quyền lợi, nhất là sau khi nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO, những mối quan hệ chằng chịt trong nước lại đan xen phức tạp với các mối quan hệ quốc tế, thì dứt khoát nền đức trị cổ truyền đã chấm hết vai trò lịch sử của nó, và nay chỉ một nền pháp trị cứng rắn bất vị thân mới có khả năng giải quyết đúng đắn các mối quan hệ xã hội phức tạp hiện nay. Tất nhiên một nền pháp trị mới đòi hỏi mọi công dân từ người thứ dân bình thường cho tới người lãnh đạo cao nhất của đất nước phải theo một nền đạo đức mới. Nhưng nền đạo đức mới đó là gì? Có phải chỉ tóm gọn nó trong một câu: Sống và làm việc theo pháp luật là đủ không? Cùng với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta hãy tiếp sức cùng nhau suy nghĩ, sớm đề ra một nền đạo đức mới để giáo dục giới trẻ nước nhà, vì chỉ có giáo dục từ nhỏ ngay từ tuổi mẫu giáo và tiểu học thì mới vững bền. Đối với người lớn, tính cách con người đã hình thành khó mà thay đổi, ngoài mặt thì dạ dạ vâng vâng nhưng trong đầu nghĩ gì ai mà biết được! Tất nhiên nền đạo đức mới phải kế thừa và chắt lọc những tinh hoa của truyền thống dân tộc, của nền triết học phương Đông cũng như những thành tựu vĩ đại của nền triết học phương Tây. III. KẾT LUẬN Vận dụng hài hoà tư tưởng “Đức trị” và “Pháp trị” trong quá trình đổi mới quản lý ở Việt Nam đã mang lại những kết quả bước đầu rất quan trọng, vừa bảo vệ được thành quả cách mạng, giữ vững được định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa tạo được sự phát triển mới về chất. Tuy nhiên quá trình đổi mới còn rất gay go, phức tạp, một mặt đó là sự nghiệp chưa từng có trong lịch sử, phải vừa làm vừa học hỏi, vừa điều chỉnh..., mặt khác phải cảnh giác chống lại âm mưu phá hoại của kẻ thù và chống lại căn bệnh quan liêu, tham nhũng từ chính trong hệ thống quản lý. Hiện nay, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, chúng ta phải có tư duy toàn cầu về một Quốc hội, một Chính phủ thời hội nhập. Vấn đề rộng lớn, nhưng lõi cốt là tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Chính phủ phải thật sự là công bộc của dân. Chúng ta coi việc giáo dục cán bộ, đảng viên, nhân dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là vấn đề có ý nghĩa cơ bản, lâu dài và cấp bách. Tuy nhiên, hội nhập quốc tế mà pháp luật không nghiêm thì phải trả giá đắt. Chúng ta đã có quá nhiều bài học về vấn đề này do sự kém hiểu biết về pháp luật (Việt Nam và quốc tế), non kém trong trình độ quản lý, không nghiêm và minh về pháp luật. Trước tình hình đó, việc nghiên cứu và quán triệt sâu sắc tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh về sự thống nhất giữa “đức trị” với “pháp trị” là hết sức cần thiết, vì nó tiếp tục soi sáng công cuộc đổi mới của Đảng và dân tộc ta.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docLịch sử tư tưởng quản lý- Tư tưởng của Khổng tử - Hàn Phi Tử, điểm giống và khác nhau giữa 2 ông.doc