Bài làm A. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong mỗi chúng ta, ai cũng mong ước được sống trong một gia đình hạnh phúc. Ở đó vợ chồng sống bình đẳng, hòa thuận, thương yêu quý trọng lẫn nhau, con cái ngoan ngoãn, hiếu thảo ông bà cha mẹ. Nhưng không phải mong ước ấy lúc nào cũng trở thành hiện thực, mà trong thực tế cuộc sống vẫn còn nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh bất hạnh. Vợ chồng bất hòa, mâu thuẫn dẫn đến ly hôn, trong đó người phụ nữ luôn phải chịu nhiều phần thiệt hơn. Vấn đề bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ trong việc ly hôn là việc làm hết sức quan trọng trong xã hội ngày nay.
B. NỘI DUNG
I. Những vấn đề chung
1. Khái niệm ly hôn:
“Ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân do Tòa án công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc của chồng hoặc của hai vợ chồng” ( khoản 8, Điều 8 Luật HN&GĐ).
Ly hôn là một mặt của quan hệ hôn nhân. Nếu kết hôn là hiện tượng bình đẳng nhằm xác lập quan hệ vợ chồng, thì hiện tượng ly hôn là hiện tượng bất bình thường, là mặt trái của hôn nhân nhưng là mặt không thể thiếu được khi quân hệ hôn nhân đã thực sự tan vỡ.
2. Quyền của người phụ nữ trong ly hôn
Theo nghĩa thông thường thì quyền được hiểu là điều mà pháp luật hoặc xã hội công nhận cho họ được hưởng, được làm, được đòi hỏi. Trong khoa học luật, khái niệm quyền phụ nữ chưa được làm sáng tỏ. Để tiếp cận khái niệm về quyền phụ nữ, chúng ta không thể tách rời với việc nghiên cứu khái niệm về quyền con người.
15 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 4053 | Lượt tải: 3
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vấn đề bảo vệ quyền phụ nữ trong việc ly hôn, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
Đề số 7: Vấn đề bảo vệ quyền phụ nữ trong việc ly hôn
Bài làm
A. ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong mỗi chúng ta, ai cũng mong ước được sống trong một gia đình hạnh phúc. Ở đó vợ chồng sống bình đẳng, hòa thuận, thương yêu quý trọng lẫn nhau, con cái ngoan ngoãn, hiếu thảo ông bà cha mẹ. Nhưng không phải mong ước ấy lúc nào cũng trở thành hiện thực, mà trong thực tế cuộc sống vẫn còn nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh bất hạnh. Vợ chồng bất hòa, mâu thuẫn dẫn đến ly hôn, trong đó người phụ nữ luôn phải chịu nhiều phần thiệt hơn. Vấn đề bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ trong việc ly hôn là việc làm hết sức quan trọng trong xã hội ngày nay.
B. NỘI DUNG
I. Những vấn đề chung
1. Khái niệm ly hôn:
“Ly hôn là chấm dứt quan hệ hôn nhân do Tòa án công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của vợ hoặc của chồng hoặc của hai vợ chồng” ( khoản 8, Điều 8 Luật HN&GĐ).
Ly hôn là một mặt của quan hệ hôn nhân. Nếu kết hôn là hiện tượng bình đẳng nhằm xác lập quan hệ vợ chồng, thì hiện tượng ly hôn là hiện tượng bất bình thường, là mặt trái của hôn nhân nhưng là mặt không thể thiếu được khi quân hệ hôn nhân đã thực sự tan vỡ.
2. Quyền của người phụ nữ trong ly hôn
Theo nghĩa thông thường thì quyền được hiểu là điều mà pháp luật hoặc xã hội công nhận cho họ được hưởng, được làm, được đòi hỏi. Trong khoa học luật, khái niệm quyền phụ nữ chưa được làm sáng tỏ. Để tiếp cận khái niệm về quyền phụ nữ, chúng ta không thể tách rời với việc nghiên cứu khái niệm về quyền con người.
Khái niệm quyền con người
Quyền con người là một thuật ngữ khá phổ biến. tuy nhiên, trong các văn bản pháp luật quốc tế cũng như pháp luật quốc gia chưa có một định nghĩa chính thức về quyền con người. Trên cở sở tìm hiểu ý kiến của các nhà khoa học, tôi xin đưa ra ý kiến về quyền con người: “Quyền con người là những đặc quyền, quyền tự nhiên của con người được pháp luật công nhận, điều chỉnh, do cá nhân con người nắm giữ trong mối liên hệ với Nhà nước và với những cá nhân con người khác”. Nội dung quyền con người, theo phương pháp tiếp cận khoa học pháp lí có thể được chia thành các nhóm chính:
+ Các quyền tự do dân chủ về chính trị: quyền tham gia quản lí Nhà nước và xã hội; quyền bình đẳng nam nữ; quyền tự do tín ngưỡng; quyền tự do ngôn luận……
+ Các quyền dân sự: quyền tự đo đi lại cứ trú trong nước; quyền đi ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước; quyền bất khả xâm phạm về thân thể; quyền được an toàn , bí mật về thư tín, điện thoại; quyền khiếu nại, tố cáo….
+ Các quyền kinh tế - xã hội: quyền lao động, quyền tự do kinh doanh, sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế; quyền học tập, quyền nghiên cứu, quyền được bảo vệ sức khỏe, quyền được bảo hộ hôn nhân và gia đình ….
Khái niệm về quyền phụ nữ
Trên cơ sở quyền con người tôi cho rằng khái niệm quyền phụ nữ cần phải được nghiên cứu trong mối quan hệ khăng khít với quyền con người. Quyền phụ nữ là một khái niệm chỉ các quyền con người của phụ nữ. Phụ nữ là một nhóm xã hội đặc biệt, dễ bị tổn thương. Do đó, việc xác định và ghi nhận các quyền con người cho họ, đặc biệt đảm bảo trên cơ sở của tiêu chí bình đẳng là cần thiết, phụ nữ cũng như nam giới họ phải được hưởng tất cả những quyền con người mà pháp luật ghi nhận và bảo vệ.
II. Những quy định pháp luật về bảo vệ quyền phụ nữ trong ly hôn
1. Pháp luật thời phong kiến
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử pháp luật Việt Nam thì xã hội phong kiến xưa đã coi trọng vấn đề hôn nhân gia đình, các quy định về hôn nhân gia đình chiếm một vị trí quan trọng trong các văn bản pháp luật. Những điều luật này ít nhiều đã đề cập đến một số quyền lợi của người phụ nữ trong xã hội và trong gia đình.
1.1. Quốc triều hình luật
Trong hôn nhân, người phụ nữ cũng có thể yêu cầu ly hôn (đâm đơn kiện). Điều 322 Quốc triều hình luật ghi: "con rể lăng mạ cha mẹ vợ, đem thưa quan, cho ly dị". Ngoài ra, người vợ còn được phép xin ly hôn trong trường hợp chồng không chăm nom, săn sóc vợ trong 5 tháng (và trong 1 năm nếu vợ đã có con). Nếu vợ đem đơn đến công đường thì bộ luật cho phép cưỡng bức ly hôn. Khi ly hôn, con cái thường thuộc về chồng, nhưng nếu muốn giữ con, người vợ có quyền đòi chia một nửa số con.
Điều 167 - Hồng Đức thiện chính thư - quy định rõ hình thức thuận tình ly hôn: Giấy ly hôn được làm dưới hình thức hợp đồng, người vợ và người chồng mỗi bên giữ một bản làm bằng. Vậy là, bên cạnh sự ưng thuận của cha mẹ hay các bậc tôn thuộc rất quan trọng thì sự ưng thuận của hai bên trai - gái cũng là một thành tố được nhà lập pháp chú ý đến.
Quan hệ nhân thân giữa vợ và chồng sau khi ly hôn hoàn toàn chấm dứt, hai bên đều có quyền kết hôn với người khác mà không bị pháp luật ngăn cấm.
Bộ luật nhà Lê đã quy định khá đầy đủ các quan hệ hôn nhân và gia đình song quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong nhiều trường hợp không được quy định, hạn chế tác động điều chỉnh của các quy phạm pháp luật. Hậu quả pháp lí của li hôn không được quy định mà giải quyết theo phong tục tập quán.
1.2. Bộ luật Gia Long
Điều 15 Xuất thê Hộ luật hôn nhân có quy định:
“- Phàm dù vợ ở trong 7 điều nên bỏ, cũng không nên bỏ, và đối với chồng không có trạng thái nghĩa tuyệt, mà tự tiện bỏ vợ thì phạt 80 trượng. Dù phạm 7 điều là không có con, dâm dật, không thờ cha mẹ chồng, nói nhiều, trộm cắp, ghen tuông, ác tật. Nhưng có 3 điều không bỏ để tang 3 năm, trước nghèo sau giàu, có người cưới cũng không ưng mà bỏ thì giảm hai bực tội, cho về đoàn tụ.
Nghĩa tuyệt là ân tình chồng vợ đi trái ngược nhau làm cho mất đứt nghĩa. Điều luật này quy định cũng tương tự như trong Quốc triều hình luật. Tuy người vợ phạm thất xuất nhưng cũng không được bỏ khi người vợ ở trong tam bất khứ. Nếu người chồng thẳng tình bỏ thì giảm hai bực, phạt 60 trượng cho về đoàn tụ.
- Nếu phạm nghĩa tuyệt nên li dị mà không li dị thì phạt 80 trượng. Nếu vợ chồng không cùng ăn ý vui vẻ mà cả hai muốn li dị thì không có tội. (tình thế đã đến li dị khó kéo lại hòa hợp). Quy định này thể hiện sự tôn trọng ý chí của cả hai vợ chồng, đồng thời cũng thể hiện sự bình đẳng của người phụ nữ với chồng trong việc yêu cầu ly hôn.
- Nếu chồng không có ý li dị mà vợ theo trai, chồng bỏ thì phạt vợ 100 trượng.
Người đàn bà đáng nghĩa phải theo chồng, Chồng có thể bỏ vợ nhưng vợ thì không được tự mình tuyệt giao với chồng. Quy định này thể hiện sự bất bình đẳng của người phụ nữ trong việc yêu cầu ly hôn khi việc ly hôn không có đầy đủ ý chí của hai bên. Như vậy, quyền lợi của người phụ nữ trong trường hợp này không được đảm bảo.
- Trường hợp chồng đem gả bán, nhân đó vợ trốn tự cải giá thì phạt thắt cổ (giam chờ). Nếu chồng bỏ vợ đi biệt trong ba năm, trong thời gian ấy, không báo quan biết, rồi bỏ đi thì bị phạt 80 trượng, tự ý cải giá thì phạt 100 trượng. Bề thiếp thì giảm hai bực….”
Trường hợp chồng đi biệt xứ xa không tin tức, không biết sống chết thế nào, cũng phải đợi 3 năm mới báo quan ty biết, để xử theo lí. Nếu trong hạn 3 năm không báo quan mà trốn đi thị phạt 80 trượng, tự tiện cải giá thì phạt 100 trượng. Việc chồng đi không về và việc phản bội chồng hoàn toàn khác nhau. Nhưng nếu còn trốn thì có thể trở về, chứ còn cải giá thì là chấm dứt rồi. Cho nên tội có nặng nhẹ khác nhau.
2. Pháp luật Việt nam từ sau Cách mạng Tháng 8 đến nay
2.1 Luật hôn nhân gia đình 1959 và Luật hôn nhân gia đình 1986
Các quy định trong hai luật này còn khá sơ sài nhưng cũng đã phần nào thể hiện được sự quan tâm của các nhà làm luật đến việc bảo vệ quyền của người phụ nữ trong ly hôn.
Về quyền yêu cầu xin ly hôn, cả hai luật đều quy định bình đẳng giữa hai vợ chồng. Một trong hai người hoặc cả hai người nhận thấy tình trạng hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì đều có thể nộp đơn xin ly hôn và được Toà án nhân dân sẽ xử cho ly hôn.
Về hạn chế quyền yêu cầu ly hôn, cả hai luật đều đưa ra quy định khá giống nhau: “Trong trường hợp vợ có thai, chồng chỉ có thể xin ly hôn sau khi vợ đã sinh con được một năm. Điều hạn chế này không áp dụng đối với việc xin ly hôn của người vợ.” (điều 41 Luật hôn nhân gia đình 1986).
Việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn
Các quy định về việc này giữa hai luật cũng khá giống nhau và đều được quy định trên cơ sở đảm bảo quyền bình đẳng giữa vợ và chồng và bắt buộc phải xem xét tới lợi ích của con cái. Nội dung chính bao gồm:
- Khi ly hôn, việc giao con chưa thành niên cho ai trông nom, nuôi dưỡng, giáo dục phải căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.
- Về nguyên tắc, con còn bú được giao cho người mẹ nuôi giữ.
- Người không nuôi giữ con có nghĩa vụ và quyền thăm nom, chăm sóc con và phải đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con. Nếu trì hoãn hoặc lẩn tránh việc đóng góp, thì Toà án nhân dân quyết định khấu trừ vào thu nhập hoặc buộc phải nộp những khoản phí tổn đó.
- Vì lợi ích của con, khi cần thiết, có thể thay đổi việc nuôi giữ con hoặc mức đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con.
Các quy định về việc chia tài sản sau khi ly hôn cũng được xây dựng trên cơ sở bình đẳng giữa vợ và chồng. Nhà làm luật đã nhấn mạnh thêm việc bảo vệ quyền cho người phụ nữ khi ly hôn trong quy định: “Khi chia tài sản, phải bảo vệ quyền lợi của người vợ…”
2.2. Luật hôn nhân gia đình 2000
Khoản 1 điều 85 Luật hôn nhân và gia đình 2000 thể hiện sự bình đẳng giữa vợ và chồng trong việc yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Nhà nước bằng pháp luật không thể cưỡng ép nam nữ phải yêu nhau và kết hôn với nhau thì cũng không thể bắt buộc vợ chồng vợ chồng phải chung sống với nhau, phải duy trì quan hệ hôn nhân khi tình cảm yêu thương gắn bó giữa họ đã hết và mục đích của hôn nhân đã không thể đạt được. Việc giải quyết ly hôn là tất yếu đối với quan hệ hôn nhân đã thực sự tan vỡ, điều đó có thể có lợi cho vợ chồng, con cái và các thành viên khác trong gia đình. Quyền tự do ly hôn là quyền chính đáng và bình đẳng giữa vợ chồng.
- Luật HN&GĐ năm 2000 quy định:” Trong trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới mười hai tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn”. Bảo vệ quyền lợi người phụ nữ, nhà làm luật đã hạn chế quyền ly hôn của người chồng”. ( Khoản 2, Điều 85 Luật HN&GĐ).
- Đảm bảo cho người phụ nữ khi giải quyết vấn đề chia tài sản chung theo luật định. Khoản 2 Điều 95 Luật HN&GĐ quy định: “Việc chia tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc sau đây:
a) Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;
b) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình…”. Như vậy bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ trở thành nguyên tắc chung khi chia tài sản vợ chồng trong ly hôn.
- Bảo vệ thiên chức làm mẹ của người phụ nữ, Luật HN&GĐ năm 2000 quy định quyền ưu tiên việc nuôi con cho người mẹ trong trường hợp ly hôn:” Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác”.( Khoản 2 Điều 92). Pháp luật trước năm 1945 và pháp luật chính quyền miền Nam đã không quy định vấn đề này. Ưu tiên người phụ nữ nuôi con khi ly hôn chỉ được quy định trong luật HN&GĐ năm 1959:” người vợ sẽ nuôi con nếu con còn bú”. Kế thừa luật năm 1959, Luật HN&GĐ năm 1986 cũng quy định tương tự. Nhưng quy định trong Luật HN&GĐ năm 2000 là phù hợp hơn cả bởi vì thiên chức làm mẹ gắn liền với việc nuôi con.
III. Thực trạng bảo vệ quyền phụ nữ trong ly hôn ở Việt Nam hiện nay
Để bảo vệ quyền phụ nữ Luật HN&GĐ đã ghi nhận nguyên tắc bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Nguyên tắc được cụ thể hóa trong nhiều quy phạm pháp luật gia đình. Tuy nhiên thực tiễn áp dụng còn nhiều vướng mắc.
- Theo quy định Luật HN&GĐ việc chia tài sản ly hôn phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp của vợ và con. Khi chia có tính đến công sức đóng góp tài sản tạo lập, duy trì phát triển tài sản( Điều 95). Nhưng hiện nay việc xác định tài sản chung vợ chồng còn gặp nhiều khó khăn, quyền lợi của người phụ nữ chưa được đảm bảo. Ví dụ: Trường hợp của chị L.T.O ở Vĩnh Long là một hoàn cảnh đau thương điển hình. Lấy nhau từ những năm 1980, vợ chồng chị O có hai mặt con. Vợ chồng chị O tham gia buôn bán phụ tùng xe máy với những chuyến hàng đánh từ Cambodia về Sài Gòn rồi toả đi khắp các tỉnh phía nam. Nào ngờ, khi đột xuất từ Cambodia về, chị phát hiện ra chồng mình cặp bồ. Bị đẩy vào đường cùng, chị O đã quyết định ly dị và xây dựng lại cuộc đời với hai con. Khi bị toà gọi đến về việc phân chia tài sản, chị mới ngã ngửa ra vì tất cả mọi tài sản từ nhà xưởng, đất đai, cửa hàng đều đứng tên chồng chị, ngoại trừ chiếc xe máy mới mua còn đứng tên chị. Những năm tháng khó khăn dù bụng mang dạ chửa, một mình buôn ngược, bán xuôi từ Cambodia, các tỉnh thành phía nam. Bao nhiêu năm chắt chiu, kham khổ là thế, nhưng ở giữa cửa công lý, nếu không có chứng cớ nào chứng minh đó là tài sản của chung thì chị sẽ mất trắng. Xác định rõ được công sức đóng góp, tạo dựng tài sản của vợ chồng khá phức tạp, đòi hỏi các nhà lập pháp nghiên cứu sâu vấn đề này, tạo điều kiện bảo vệ quyền phụ nữ trong chia tài sản khi ly hôn.
- Việc yêu cầu cấp dưỡng sau khi ly hôn còn nhiều khó khăn, bất cập. Thực tế khoản tiền cấp dưỡng sau khi ly hôn là "nợ khó đòi" đối với cả cơ quan thi hành án và phía bên kia. Để đảm bảo quyền lợi cho người con chưa thành niên sau khi cha, mẹ ly hôn, Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định về: Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con khi ly hôn:" Khi ly hôn, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Mức cấp dưỡng cho con do cha, mẹ thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết". Bên không trực tiếp nuôi dưỡng thì áp dụng hướng dẫn quy định tại Nghị quyết số 02/2000/NĐ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 của hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Theo đó khi áp dụng Điều 92 thì: "người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Đây là nghĩa vụ của cha, mẹ; do đó, không phân biệt người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay không, người không trực tiếp nuôi con vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Đa phần thì người phụ vợ sẽ được nuôi con, còn người chồng sẽ chịu trách nhiệm cấp dưỡng. Trong thực tiễn, hầu hết các trường hợp sau khi ly hôn vấn đề cấp dưỡng chưa bảo đảm quyền lợi của người phụ nữ sau khi ly hôn. Chưa nói đến trường hợp khoản tiền cấp dưỡng sau khi ly hôn là "nợ khó đòi" đối với một số trường hợp; cả trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng thực hiện việc cấp dưỡng theo đúng quy định của bản án mà tòa án đã tuyên thì cũng chưa đáp ứng được "nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng". Xin được viện dẫn một vài trường hợp cụ thể:
Trường hợp 1: Anh T và chị M được tòa xử cho ly hôn, bản án tòa tuyên chị M được nuôi con; cháu N lúc đó 12 tuổi và buộc anh T cấp dưỡng nuôi con mỗi tháng 150.000 đồng từ tháng 6/2002 đến khi cháu N tròn 18 tuổi;
Quy định của tòa án về mức cấp dưỡng là căn cứ vào mức thu nhập, giá cả thị trường tại thời điểm xét xử vụ án; Khi ly hôn hầu hết con còn ở tuổi rất nhỏ có trường hợp 14; 15 năm sau mới đủ 18 tuổi. Mức cấp dưỡng lại "bất di bất dịch" trong khi thị trường đầy biến động, giá cả leo thang đến chóng mặt. Mức cấp dưỡng đã và đang trở thành gánh nặng cho những người trực tiếp nuôi dưỡng con sau khi ly hôn, ở đây là chị M.
Đấy là chưa kể những trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Cơ quan thi hành án và cơ quan tổ chức trả tiền lương, tiền công lao động cho người có nghĩa vụ cấp dưỡng không thực hiện việc khấu trừ khoản cấp dưỡng để chuyển trả cho người được cấp dưỡng theo như quy định của khoản 2 -3 Điều 20 Nghị định 70/2001/NĐ-CP nêu trên thì gánh nặng lại chồng lên vai người trực tiếp nuôi dưỡng con sau khi ly hôn;
Trường hợp 2: chị L khi ly hôn toàn án giao con nhỏ cho chị trực tiếp nuôi dưỡng, con lớn ở với bố. Khi người bố kết hôn đứa con lớn của chị "chạy luôn về ở với mẹ''... Chẳng có người mẹ nào từ chối con mình trong trường hợp đó. Sáu năm sau khi ly hôn chị không nhận được một đồng cấp dưỡng nào của chồng.
Do các quy định về cấp dưỡng còn chung chung, chưa có quy định cụ thể về mức cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn, cơ chế quản lý và thi hành lỏng lẻo, dẫn đến việc người phụ nữ phải chịu thiệt thòi sau ly hôn.
- Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, trong 5 năm (2003 - 2008), các tòa án đã thụ lý và giải quyết sơ thẩm 352.047 vụ ly hôn, trong đó có đến 186.954 vụ vợ bị chồng đánh đập, ngược đãi, chiếm 53,1% trong số các nguyên nhân dẫn đến ly hôn. Cha mẹ ly hôn, người bị tổn thương nhất vẫn là đứa con. Vấn đề giao con cho ai cũng rất quan trọng, nó ảnh hưởng đến tương lai của đứa trẻ sau này.
Xét một trường hợp sau đây:
Đầu năm 2002, anh Đào Bá Trường và chị Lương Thị Thuỳ kết hôn. Cuối năm 2002, chị Thuỳ sinh được một cháu trai là Đào Bá Thành. Hai vợ chồng sống hạnh phúc được hơn một năm thì nảy sinh mâu thuẫn do anh Trường thường xuyên la cà hàng quán, lấy tài sản trong nhà đi đánh bạc. Khi thua bạc, anh Trường thường đánh vợ con, đã có lần chị Thuỳ phải đi cấp cứu, chính quyền địa phương phải can thiệp. Chị Thuỳ đã nhiều lần nhờ người thân, làng xóm khuyên can nhưng anh Trường vẫn không từ bỏ được tệ đánh bạc và hành hạ vợ con.
Không thể tiếp tục duy trì quan hệ vợ chồng, tháng 8/2006, chị Thuỳ làm đơn đề nghị Toà án giải quyết cho ly hôn và xin được nuôi con. Anh Trường đồng ý ly hôn nhưng không đồng ý để chị Thuỳ nuôi con vì đứa bé mang họ của anh.
Vấn đề pháp lý đặt ra trong tình huống nói trên là nguyện vọng xin được nuôi con của chị Thuỳ sẽ được giải quyết như thế nào khi giải quyết ly hôn.
Quyền bình đẳng của cha mẹ trong nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con chung :
Theo nguyên tắc chung về quan hệ giữa vợ và chồng được quy định tại Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì vợ, chồng bình đẳng với nhau, có nghĩa vụ và quyền ngang nhau về mọi mặt trong gia đình. Trên cơ sở quy định này có thể hiểu, người cha và người mẹ bình đẳng với nhau trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái. Do đó, anh Trường, chồng chị Thuỳ không thể đưa ra lý do là do đứa con mang họ của anh nên anh có quyền nuôi con sau khi ly hôn. Pháp luật không chấp nhận lý do này làm căn cứ để giải quyết yêu cầu được nuôi con khi ly hôn.
Bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ và trẻ em khi giải quyết ly hôn :
Khi giải quyết ly hôn, quyền bình đẳng của cha mẹ trong nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng là một căn cứ quan trọng để Toà án có thẩm quyền xem xét, quyết định việc giao con chung cho người vợ hay người chồng nuôi dưỡng. Do đó, theo khoản 2 Điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định, vợ, chồng thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con.
Trong trường hợp này, đến thời điểm anh Trường và chị Thuỳ ly hôn thì cháu Đào Bá Thành, con chung của anh chị đã được 4 tuổi. Do đó, việc quyết định giao cháu cho anh Trường hay chị Thuỳ nuôi dưỡng sẽ được giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Như vậy, cơ sở để quyết định việc giao cháu Thành cho anh Trường hay chị Thuỳ là việc đánh giá toàn diện về hoàn cảnh kinh tế, đạo đức, lối sống..., anh Trường và chị Thuỳ ai sẽ là người có khả năng bảo đảm nuôi dưỡng, chăm sóc cháu Thành tốt hơn để cháu được phát triển toàn diện về thể lực, trí lực, đạo đức, tư cách.
Trong vụ việc này, nguyên nhân dẫn đến ly hôn là do anh Trường đam mê cờ bạc (tệ nạn xã hội) và có hành vi thường xuyên đánh đập vợ con. Vì vậy có cơ sở để khẳng định rằng, việc giao cháu Thành cho người có tư cách đạo đức, lối sống như anh Trường nuôi là không bảo đảm cho cháu bé được nuôi dưỡng, phát triển lành mạnh. Tuy nhiên, để Toà án có thể đi đến nhận định như trên, chị Thuỳ cần thu thập các bằng chứng để chứng minh trước Toà án về vấn đề này.
IV. Một số giải pháp bảo vệ quyền phụ nữ trong việc ly hôn
Sau nhiều năm thực hiện Luật HN&GĐ, bên cạnh những thành tưu đạt được thì vẫn còn tồn tại nhiều khiếm khuyết. Dưới đây là một số giải pháp bảo vệ quyền phụ nữ trong việc ly hôn:
Hoàn thiện pháp luật
Pháp luật cần phải quan tâm hơn đến quyền lợi của nữ giới, quyền của người vợ, người mẹ có một chỗ ở sau khi ly hôn để có thể ổn định cuộc sống, tạo điều kiện chăm sóc con cái và giúp những đứa trẻ sẽ đỡ bị tổn thương, thiệt thòi trong giai đoạn đang học tập và trưởng thành.
Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến Luật HN&GĐ
Nhiều phụ nữ ở nông thôn nhất là vùng sâu, vùng xa chưa hiểu rõ về pháp luật dẫn đến việc không bả vệ được quyền lợi bản thân. Chính vì vậy công tác tuyên truyền giáo dục phải được tiếp tục đẩy mạnh. Thông qua các hoạt động phát thanh, truyền huyền, các cuộc thi tìm hiểu HN&GĐ, hội thảo…
Nâng cao chất lượng xét xử
Hiện nay, một các vụ xét xử chưa bảo vệ quyền phụ nữ, nguyên nhân là do năng lực thẩm phán chưa đáp ứng yêu cầu đào tạo, khả năng xét xử, kiến thức pháp luật…Vì vậy cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ có chuyên môn, có kiến thức pháp luật về hôn nhân gia đình.
Thực hiện xã hội hóa bảo vệ quyền phụ nữ
Bảo vệ quyền phụ nữ không chỉ là trách nhiệm của nhà nước mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Nhà nước ban hành pháp luật tuyên truyền phổ biến pháp luật, các tổ chức xã hội cất tiếng nói khi phụ nữ mất quyền lợi.
C. KẾT LUẬN
Thực tế cuộc sống, người phụ nữ chưa được hưởng hết những quyền cơ bản khi ly hôn. Làm thế nào để tiến tới một xã hội bình đẳng giữa nam và nữ, đó là trách nhiệm của mỗi người và toàn thể xã hội. Các ngành chức năng, cấp chính quyền cũng đã dành không ít tiền của, công sức cho mục tiêu bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình. Song có lẽ trách nhiệm cao nhất chính là sự tự học tập nâng cao hiểu biết, nhận thức về giới và bình đẳng giới ở mỗi người, nhằm tạo lập một gia đình hạnh phúc, tiến bộ.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Luật hôn nhân và gia đình 2000
Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội,
ThS. Trần Thị Huệ, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 với việc bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ, Tạp chí Luật học. Trường Đại học Luật Hà Nội, Số Đặc san 3/2004, tr. 29-35
ThS. Nguyễn Thị Lan, Quyền của phụ nữ theo quy định của luật hôn nhân và gia đình năm 2000, Tạp chí Luật học. Trường Đại học Luật Hà Nội, Số Đặc san 3/2004, tr. 46-49
Bùi Thị Mừng, Bảo vệ quyền của người phụ nữ đối với tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng theo luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000, Tạp chí Luật học. Trường Đại học Luật Hà Nội, Số Đặc san 3/2004, tr.59-62
Bảo vệ quyền phụ nữ theo luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 : Luận văn thạc sĩ luật học / Bùi Thị Mừng; Người hướng dẫn khoa học: TS. Đinh Trung Tụng
MỤC LỤC
A. ĐẶT VẤN ĐỀ…………………………………………………………….….1
B. NỘI DUNG…………………………………………………………………...1
I. Những vấn đề chung…………………………………………………….…....1
1. Khái niệm ly hôn……………………………………………………………..1
2. Quyền của người phụ nữ trong ly hôn…………………………………...…1
II. Những quy định pháp luật về bảo vệ quyền phụ nữ trong ly hôn……..…2
1. Pháp luật thời phong kiến………………………………………………...…3
2. Pháp luật Việt nam từ sau Cách mạng Tháng 8 đến nay……………….…5
III. Thực trạng bảo vệ quyền phụ nữ trong ly hôn ở Việt Nam hiện nay…..7
IV. Một số giải pháp bảo vệ quyền phụ nữ trong việc ly hôn………………12
C. KẾT LUẬN…………………………………………………………………13
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO……………………………………..14
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Vấn đề bảo vệ quyền phụ nữ trong việc ly hôn.doc