Vấn đề cấp dưỡng một lần theo pháp luật về hôn nhân và gia đình hiện hành

I. Khái quát chung về cấp dưỡng 1. Khái niệm cấp dưỡng 2. Đặc điểm của cấp dưỡng II. Vấn đề cấp dưỡng một lần theo pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành 1. Cơ sở phát sinh, chấm dứt quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng một lần 2. Vấn đề cấp dưỡng một lần theo pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành 3. Mục đích, ý nghĩa của việc cấp dưỡng một lần 4. Ưu, nhược điểm của chế định cấp dưỡng một lần được ghi nhận trong Luật hôn nhân và gia đình hiện hành III. Phương hướng hoàn thiện pháp luật hôn nhân và gia đình về vấn đề cấp dưỡng một lần

doc12 trang | Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 4700 | Lượt tải: 6download
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vấn đề cấp dưỡng một lần theo pháp luật về hôn nhân và gia đình hiện hành, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỤC LỤC TRANG LỜI MỞ ĐẦU 1 PHẦN NỘI DUNG 1 I. Khái quát chung về cấp dưỡng 1 1. Khái niệm cấp dưỡng 1 2. Đặc điểm của cấp dưỡng 1 II. Vấn đề cấp dưỡng một lần theo pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành 2 1. Cơ sở phát sinh, chấm dứt quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng một lần 2 2. Vấn đề cấp dưỡng một lần theo pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành 4 3. Mục đích, ý nghĩa của việc cấp dưỡng một lần 7 4. Ưu, nhược điểm của chế định cấp dưỡng một lần được ghi nhận trong Luật hôn nhân và gia đình hiện hành 8 III. Phương hướng hoàn thiện pháp luật hôn nhân và gia đình về vấn đề cấp dưỡng một lần 9 KẾT LUẬN 10 LỜI MỞ ĐẦU Quan hệ giữa các thành viên trong gia đình hình thành từ quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng. Xuất phát từ những quan hệ đó, mà giữa các thành viên trong gia đình có sự gắn bó chặt chẽ, sâu sắc về tình cảm và trách nhiệm đối với nhau. Chăm sóc, nuôi dưỡng lẫn nhau vừa là quyền vừa là trách nhiệm của các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên trong gia đình không phải lúc nào nghĩa vụ nuôi dưỡng cũng thực hiện được và để đảm bảo cuộc sống bình thường của người được nuôi dưỡng thì nghĩa vụ cấp dưỡng được đặt ra. Thông thường, nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện theo định kỳ. Trong trường hợp đặc biệt, nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng có khả năng thực tế và người được cấp dưỡng cũng đồng ý thì nghĩa vụ cấp dưỡng có thể được thực hiện một lần. Vậy vấn đề cấp dưỡng một lần được quy định như thế nào trong Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện hành? Bài tập dưới đây chúng em xin tìm hiểu về vấn đề trên. PHẦN NỘI DUNG I. Khái quát chung về cấp dưỡng 1. Khái niệm cấp dưỡng : Theo điều 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, cấp dưỡng được định nghĩa: “Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, là người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, là người gặp khó khăn túng thiếu theo quy định của luật này”.. 2. Đặc điểm của cấp dưỡng: Từ khái niệm cấp dưỡng cho thấy cấp dưỡng là một quan hệ pháp lý có nhũng đặc điểm cơ bản sau: - Quan hệ cấp dưỡng là một loại quan hệ pháp luật về tài sản gắn liền với nhân thân vì nó có những lợi ích liên quan đến tài sản. - Quan hệ cấp dưỡng chỉ phát sinh giữa các thành viên trong gia đình trên cơ sở hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng. Điều này được thể hiện ở điều 50, Luật hôn nhân và gia đình 2000 thì nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha mẹ và con, giữa anh chị em với nhau, giữa vợ và chồng, giữa ông bà và cháu. - Nghĩa vụ cấp dưỡng giữa các thành viên trong gia đình có đặc điểm là có đi có lại. Nhưng lại không mang tính chất đồng thời và tuyệt đối. - Quan hệ cấp dưỡng là một quan hệ phát sinh, bởi nó chỉ phát sinh khi có những điều kiện xác định. II. Vấn đề cấp dưỡng một lần theo pháp luật hôn nhân và gia đình hiện hành 1. Cơ sở phát sinh, chấm dứt quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng một lần. a. Cơ sở phát sinh quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng một lần Nghĩa vụ cấp dưỡng phát sinh dựa trên quan hệ huyết thống và quan hệ hôn nhân xuất phát từ sự đoàn kết, đùm bọc, thương yêu lẫn nhau trong đời sống gia đình giữa những người thân thuộc gần. Vì vậy nghĩa vụ cấp dưỡng một lần phát sinh giữa cha mẹ và con, giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa vợ và chồng. Sự tồn tại của các quan hệ thân thuộc hoặc quan hệ vật chất là điều kiện cần cho việc xác lập quyền yêu cầu cấp dưỡng. Quyền này chỉ được xác lập một cách hoàn hảo một khi có các điều kiện đủ liên quan đến tình trạng kinh tế của người yêu cầu cấp dưỡng và của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. - Tình trạng kinh tế của người yêu cầu cấp dưỡng một lần. Không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Ở góc độ luật Hôn nhân và Gia đình, không có khả năng lao động được hiểu theo nghĩa: tình trạng của người đã làm tất cả những gì có thể được trong phạm vi sức lực, trí lực, kĩ năng của mình mà vẫn không thể có được thu nhập cần thiết cho mình và cho cuộc sống của gia đình mình. Còn vấn đề tài sản, không nhất thiết yêu cầu người cấp dưỡng phải hoàn toàn không có tài sản. Người yêu cầu cấp dưỡng một lần có thể có tài sản gốc, nhưng không sinh lợi hoặc có sinh lợi và đã được khai thác theo khả năng của chủ sở hữu nhưng không đủ để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu của gia đình mình. Người có yêu cầu cấp dưỡng cũng có thể có thu nhập thường xuyên hay không thường xuyên do lao động, thậm chí có hưởng trợ cấp (mất sức, thương tật…) và đã huy động tất cả các nguồn thu nhập của mình mà vẫn không thoả mãn được các yêu cầu chi tiêu tối thiểu cho cuộc sống hàng ngày của mình và của gia đình mình. - Tình trạng của người được yêu cầu cấp dưỡng một lần. Có khả năng và điều kiện cấp dưỡng : Nghị định số 70 đã dẫn, điều 16 khoản 1 quy định rằng: người có khả năng thực tế để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định tại các điều 51, 52, 53 của luật Hôn nhân và Gia đình là người có thu nhập thường xuyên nhưng còn tài sản sau khi đã trừ đi chi phí thông thường cần thiết cho cuộc sống của người đó. Trên đây là những yêu cầu đối với việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nói chung, nghĩa vụ cấp dưỡng một lần nói riêng. Cũng cần phải nhấn mạnh thêm rằng chỉ khi có những điều kiện sau nữa thì mới phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng một lần : + Có thoả thuận giữa người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó và người có nghĩa vụ cấp dưỡng. + Có yêu cầu của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và được toà án chấp nhận. + Có yêu cầu của người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó và được toà án chấp nhận trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng thường xuyên có các hành vi phá tán tài sản hoặc cố tình trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng mà hiện có tài sản để thực hiện cấp dưỡng một lần. + Theo yêu cầu của người trực tiếp nuôi con khi vợ chồng ly hôn mà có thể trích từ phần tài sản được chia của bên có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. b. Cơ sở chấm dứt quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng một lần Trong trường hợp cấp dưỡng một lần thì tất cả những người có nghĩa vụ cấp dưỡng không còn có trách nhiệm cấp dưỡng cho người được cấp dưỡng. Tuy nhiên pháp luật lại không ghi nhận nghĩa vụ cấp dưỡng hoàn toàn chấm dứt sau khi đã cấp dưỡng một lần. Ngoài cơ sở phát sinh, chấm dứt quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng một lần nói trên, thì Nghị định 70 đã dẫn còn quy định các trường hợp được cấp dưỡng bổ dung tại điều 19: + Người được cấp dưỡng một lần lâm vào tình trạng khó khăn trầm trọng do bị tai nạn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà người đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có khả năng thực tế để cấp dưỡng ở mức độ cao hơn thì phải cấp dưỡng bổ sung. + Trường hợp người được cấp dưỡng chết mà không có tiền chôn cất. + Người sử dụng tiền cấp dưỡng một lần một cách có chừng mực đến khi cạn kiệt mà vẫn không có khả năng lao động để tự nuôi mình thì có quyền yêu cầu tiếp tục cấp dưỡng. 2. Nội dung vấn đề cấp dưỡng một lần theo pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện nay Về phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, Điều 54 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định như sau: “Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kì hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần”. Trước đây, trong Nghị quyết số 01/NQ – HĐTP ngày 20/11/1988 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình có quy định: “Nếu người nuôi con và người có nghĩa vụ đóng góp phí tổn nuôi con có khả năng thì tòa án có thể quyết định giao ngay một lần số tiền hoặc tài sản đóng góp nuôi con. Mặc dù số tiền đóng góp nuôi con có thể được giao một lần nhưng nếu sau đó hoàn cảnh thay đổi, người được giao nuôi con vẫn có quyền yêu cầu án xét lại mức đóng góp phí tổn nuôi con”. Trong những trường hợp đặc biệt, nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng có khả năng thực tế và người được cấp dưỡng cũng đồng ý thì xin cấp dưỡng có thể một lần. Nghị định 70/2001 của Chính phủ có nêu rõ những trường hợp được áp dụng việc cấp dưỡng một lần. Khoản 2 Điều 18 Nghị định 70/2001/NĐ – CP quy định như sau: “Việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo phương thức cấp dưỡng một lần" quy định tại Điều 54 của Luật hôn nhân và gia đình được thực hiện trong các trường hợp sau: - Do người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận với người có nghĩa vụ cấp dưỡng, - Theo yêu cầu của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và được tòa án chấp nhận, - Theo yêu cầu của người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó và được tòa án chấp nhận trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng thường xuyên có các hành vi phá tán tài sản hoặc cố tình trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng mà hiện có tài sản để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng một lần. - Theo yêu cầu của người trực tiếp nuôi con khi vợ chồng ly hôn mà có thể trích tự phần tài sản được chia của bên có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Khi thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo phương thức cấp dưỡng một lần gặp phải khó khăn và phức tạp là việc xác định khoản cấp dưỡng. Việc xác định khoản cấp dưỡng trong phương thức này luôn mang tính tương đối so với nhu cầu của người được cấp dưỡng và khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Về việc xác định mức cấp dưỡng, dù là một lần hay định kì đều phải dựa vào các tiêu chí chung để đánh giá nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng, được thiết lập tại Nghị định số 70 đã dẫn, khoản 2 Điều 16 quy định: “Nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng theo quy định tại các điều 51, 52 và 53 của Luật này được xác định căn cứ vào mức sinh hoạt trung bình tại địa phương nơi người được cấp dưỡng cư trú, bao gồm các chi phí thông thường cần thiết về ăn, ở, mặc, học, khám chữa bệnh và các chi phí thông thường cần thiết khác để đảm bảo cuộc sống của người được cấp dưỡng”. Nghĩa là sau khi đã xác định được mức chi tiêu (mức cấp dưỡng hàng tháng, quý, năm) thì sẽ thu được cho số năm cần cấp dưỡng để có được số tiền cấp dưỡng một lần. Khi áp dụng phương thức cấp dưỡng một lần, thông thường khoản cấp dưỡng tương đối lớn. Chính vì thế khoản cấp dưỡng này cần được quản lí chu đáo, nhằm tránh mất mát, thất thoát dẫn tới quyền lợi của người được cấp dưỡng không được đảm bảo. Vì vậy việc quản lí tài sản trong trường hợp này cũng phải được thực hiện theo cách hết sức chặt chẽ như sau: Theo yêu cầu của người có nghĩa vụ cấp dưỡng, khoản cấp dưỡng một lần có thể gửi tại ngân hàng được giao cho người được cấp dưỡng, người giám hộ của người được cấp dưỡng quản lí, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Người được giao quản lí khoản cấp dưỡng một lần có trách nhiệm bảo quản tài sản đó như đối với tài sản của chính mình và chỉ được trích ra để bảo đảm các nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng ( theo khoản 3, 4 - Điều 18 Nghị định 70/CP). Thông thường cấp dưỡng một lần được thực hiện xong, nghĩa vụ của người cấp dưỡng cũng chấm dứt. Tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định người được cấp dưỡng vẫn có quyền yêu cầu cấp dưỡng tiếp. Theo quy định tại Điều 19 Nghị định 70/2001/NĐ-CP thì: “Trong trường hợp người được cấp dưỡng một lần lâm vào tình trạng khó khăn trầm trọng do bị tai nạn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, mà người đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có khả năng thực tế để cấp dưỡng ở mức cao hơn, thì phải cấp dưỡng bổ sung theo yêu cầu của người được cấp dưỡng”. Như vậy, theo quy định của pháp luật, mặc dù việc cấp dưỡng đã được thực hiện một lần nhưng nếu người được cấp dưỡng không may lâm vào tình trạng khó khăn trầm trọng do bị tai nạn hay mắc bệnh hiểm nghèo thì họ vẫn có quyền yêu cầu cấp dưỡng, bất kể người được cấp dưỡng là ai. Trước đây trong Nghị quyết số 01/NQ-HĐTP ngày 20/1/1988 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình có quy định: “Nếu nguời nuôi con và người có nghĩa vụ đóng góp phí tổn nuôi con có khả năng thì tòa án có thể quyết định giao ngay một lần số tiền hoặc tài sản đóng góp nuôi con. Mặc dù số tiền đóng góp nuôi con có thể được giao một lần, nhưng nếu sau đó hoàn cảnh thay đổi, người được giao nuôi con vẫn có quyền yêu cầu tòa án xét lại mức đóng góp phí tổn nuôi con”. Thông thường cấp dưỡng một lần được thực hiện xong, nghĩa vụ cấp dưỡng của người cấp dưỡng sẽ chấm dứt. Tuy nhiên trong một số trường hợp nhất định như đã phân tích ở trên, người được cấp dưỡng vẫn có quyền yêu cầu cấp dưỡng tiếp. Điều này là cần thiết để đảm bảo cuộc sống của người được cấp dưỡng trong những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhất là đối với con chưa thành niên, cha mẹ già yếu. Điều 54 – Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 còn quy định: “Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết”. Quy định này nhằm đảm bảo tính khả thi của việc cấp dưỡng. Đối với các trường hợp cấp dưỡng giữa vợ và chồng khi li hôn thì phổ biến theo phương thức cấp dưỡng một lần. Thông thường một bên chồng hoặc bên vợ tự nguyện chu cấp cho bên kia một khoản tiền nhằm giảm bớt khó khăn cho họ sau khi li hôn. Trong trường hợp nhiều người có nghĩa vụ cấp dưỡng cho một người và một trong những người có nghĩa vụ thực hiện việc cấp dưỡng một lần, thì tất cả những người có nghĩa vụ cấp dưỡng cũng không còn có trách nhiệm cấp dưỡng cho người được cấp dưỡng một lần. 3. Mục đích, ý nghĩa của việc cấp dưỡng một lần Việc thực hiện phương thức cấp dưỡng một lần nhằm mục đích đảm bảo cho người được cấp dưỡng có thể có được cơ sở vật chất ổn định trong những điều kiện tối thiểu trong suốt thời kì cấp dưỡng mà không phải lo lắng về việc người có nghĩa vụ cấp dưỡng tìm cách phá tán, trốn tránh, trì hoãn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Đồng thời, bảo đảm việc thi hành nghĩa vụ cấp dưỡng nhanh, gọn, có hiệu quả. Số tiền cấp dưỡng một lần trong chừng mực nào đó mang ý nghĩa của việc trợ cấp trọn gói. Chuyển giao số tiền trợ cấp trọn gói, người có nghĩa vụ cấp dưỡng trên nguyên tắc, coi như đã hoàn thành nghĩa vụ cấp dưỡng của mình, người có quyền yêu cầu cấp dưỡng từ đó về sau không được quyền đòi hỏi thêm, trừ trường hợp quy định tại Nghị định 70/2000 đã dẫn. Cấp dưỡng một lần cho người thân thuộc khác không phải là thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng trong một lần rồi chấm dứt luôn nghĩa vụ đó mà là việc cấp dưỡng thực hiện trong một lần cho một khoảng thời gian nhất định (khoảng 5, 10 năm). Riêng đối với trường hợp cấp dưỡng cho vợ (chồng) sau khi li hôn, việc cấp dưỡng một lần có thể được coi như một biện pháp bù đắp trọn gói những thiệt hại (phát sinh từ sự kiện li hôn) đối với cuộc sống vật chất của người được cấp dưỡng. 4. Ưu, nhược điểm của chế định cấp dưỡng một lần được ghi nhận trong Luật hôn nhân và gia đình hiện hành a. Những ưu điểm của phương thức cấp dưỡng một lần - Phương thức cấp dưỡng một lần giúp giảm thiểu đáng kể sự trốn tránh trách nhiệm của người có nghĩa vụ cấp dưỡng theo định kỳ, góp phần bảo vệ quyền lợi của người được cấp dưỡng, ngăn chặn những hành vi phá tán tài sản, trốn tránh, trì hoãn… Khi mà việc cấp dưỡng chỉ diễn ra một lần thì chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được việc người có nghĩa vụ cấp dưỡng đã thực hiện đúng nghĩa vụ của mình hay chưa bằng việc theo dõi hoặc cưỡng chế thực hiện. - Một ưu điểm nữa của phương thức cấp dưỡng một lần là giúp cho các cán bộ thi hành án có thể thực hiện được nhiệm vụ của mình một cách dễ dàng hơn. - Có một ví dụ cho thấy sự vất vả của những con người trên. Đó là câu chuyện kể về một cán bộ thi hành án đã phải đi một chặng đường dài đến hơn 60 km để có thể lấy được 10 kg sắn, đây là mức cấp dưỡng định kỳ mà một người đàn ông phải cấp dưỡng cho con mình sau khi ly hôn. Chúng ta có thể thấy được những bất cập mà phương thức cấp dưỡng theo định kỳ đem đến. Nếu như thực hiện phương thức cấp dưỡng một lần thì có thể chấm dứt tình trạng trên. Thay vì phải đi thành nhiều lần thì giờ đây họ chỉ phải thực hiện nhiệm vụ cưỡng chế đó một lần. Điều này sẽ tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc, sức khỏe, đảm bảo việc thi hành nghĩa vụ cấp dưỡng nhanh, gọn, hiệu quả. b. Những nhược điểm của phương thức cấp dưỡng một lần. Phương thức này, ngoài những ưu điểm kể trên thì nó còn có những nhược điểm rất lớn – là nguyên nhân chính của việc nó không được ưu tiên áp dụng trên thực tế. Nhược điểm đầu tiên mà chúng ta cần phải nhắc đến đó là khi áp dụng phương thức cấp dưỡng một lần, thông thường khoản cấp dưỡng sẽ tương đối lớn. Điều này gây ra hai khó khăn, một cho người có nghĩa vụ cấp dưỡng, một cho bên được cấp dưỡng. Khó khăn đầu tiên, vì là một khoản có giá trị tương đối lớn, nên không phải bất cứ người có nghĩa vụ cấp dưỡng nào cũng có ngay một lúc khoản cấp dưỡng đó để mà giao nộp. Khó khăn thứ hai đặt ra là vấn đề quản lý khoản cấp dưỡng đó, vì nó liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người được cấp dưỡng. Nếu như vấn đề trên không được thực hiện tốt, khoản cấp dưỡng bị mất mát, thất thoát thì sẽ dẫn tới hậu quả là quyền lợi của người được cấp dưỡng không được đảm bảo. Đây có lẽ là nhược điểm lớn nhất của phương thức này. Một nhược điểm nữa của phương thức này theo chúng em có liên quan đến vấn đề tình cảm. Như chúng ta đều biết thì nghĩa vụ cấp dưỡng phát sinh khi giữa người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng với nhau. Có nghĩa là giữa họ có quan hệ thân thuộc, có mối ràng buộc tình cảm. Nếu như áp dụng phương thức cấp dưỡng một lần, theo như một số quy phạm đạo đức thì không cho thấy đó là một cách đúng đắn để duy trì mối quan hệ tình cảm gắn bó giữa những người thân thuộc với nhau. Liệu rằng tình cảm của con đối với cha, cha mẹ đối với con… có thể duy trì một cách tốt đẹp được hay không nếu như giữa họ chỉ ràng buộc với nhau bởi một lần thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Có thể chắc chắn rằng: sẽ có ảnh hưởng không tốt đối với những mối quan hệ đó nếu như sử dụng phương thức cấp dưỡng một lần. III. Phương hướng hoàn thiện pháp luật hôn nhân và gia đình về vấn đề cấp dưỡng một lần Vấn đề cấp dưỡng một lần phải phù hợp với thực tế hôn nhân và gia đình, phải rõ ràng, toàn diện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành áp dụng. Nghĩa vụ cấp dưỡng được xây dựng trên nghĩa vụ tự nhiên đã và đang tồn tại trong đời sống con người. Do đó để nghĩa vụ cấp dưỡng đi vào đời sống thì các quy định về cấp dưỡng một lần phải phù hợp với thực tế quan niệm và cách xử sự của con người trong lĩnh vực này. Pháp luật về cấp dưỡng phải là pháp luật tự nhiên thì người dân mới nhìn nhận pháp luật như công cụ bảo vệ công lí và chủ động thực hiện. Các quy định về cấp dưỡng phải rõ ràng, dễ hiểu và đơn nghĩa để việc thi hành dễ dàng, thuận lợi và đúng pháp luật. Việc cấp dưỡng một lần phải được quy định rõ ràng để tránh tình trạng ngươì phải cấp dưỡng trốn tránh việc cấp dưỡng và ảnh hưởng đến lợi ích của người được cấp dưỡng. Cần có văn bản quy định thời gian tối đa tạm ngừng cấp dưỡng, nhằm đảm bảo quyền lợi của người được cấp dưỡng, đồng thời tăng tính khả thi của việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Và cần có thêm văn bản dưới luật hướng dẫn về các biện pháp cưỡng chế thi hành án bảo đảm pháp luật được thi hành một cách nghiêm chỉnh và bảo vệ quyền lợi cho người được cấp dưỡng. Đây cũng là cơ sở pháp lí để toà án giải quyết các vấn đề yêu cầu của cấp dưỡng một lần.    Nâng cao ý thức mỗi cá nhân trong xã hội: Tính thực thi của pháp luật phụ thuộc rất lớn vào ý tức tự nguyện của cá nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng. Thực tế cho thấy nghĩa vụ cấp dưỡng chủ yếu được thể hiện trên sự tự nguyện của bên có nghĩa vụ, nhiều khi sự tự nguyện đó còn vượt lên trên cả phạm vi chủ thể tham gia quan hệ cấp dưỡng và trật tự nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật. Từ thực tế đó có thể khẳng định rằng ý thức tự nguyện của cá nhân đã tác động tích cực tới quan hệ cấp dưỡng, làm cho quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng đi vào đời sống. Vì vậy để ý thức của mỗi cá nhân được nâng cao thì phải tuyên truyền vận động và giải thích để mọi người hiểu và làm theo. KẾT LUẬN Có thể nói, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đã quy định về vấn đề cấp dưỡng một lần khá cụ thể, linh hoạt và mềm dẻo. Phương thức cấp dưỡng một lần đảm bảo cho người được cấp dưỡng có thể có được cơ sở vật chất ổn định trong những điều kiện tối thiểu trong suốt thời kì cấp dưỡng mà không phải lo lắng về việc người có nghĩa vụ cấp dưỡng tìm cách phá tán, trốn tránh, trì hoãn thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Các file đính kèm theo tài liệu này:

  • docVấn đề cấp dưỡng một lần theo pháp luật về hôn nhân và gia đình hiện hành.doc