MỞ ĐẦU
Trong thực tế hiện nay, cụm từ li thân đang ngày càng trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa thực sự hiểu về li thân, thậm chí họ còn cho rằng, li thân là việc bắt buộc trước khi li hôn. Thực tế, pháp luật nước ta hiện nay không hề có một quy định nào điều chỉnh vấn đề này. Nhưng thực tế cho thấy, li thân đang ngày càng gia tăng, tuy không hề có một số liệu thống kê nào. Nên nảy sinh ra nhiều vấn đề khác nhau, mà đặt ra câu hỏi cho các nhà làm luật “ Có nên quy định vấn đề li thân trong pháp luật ?”, mà cụ thể là trong luật Hôn nhân và gia đình. Do những đặc thù của li thân mà đây là một câu hỏi không dễ trả lời, và rất cần phải cân nhắc kĩ trước khi quy định cụ thể trong pháp luật. Vì vậy, trước khi trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta cần có những hiểu biết nhất định về li thân và những đặc điểm của nó. Những nội dung trên sẽ được trình bày trong bài làm của em dưới đây, trong đề tài:” Vấn đề li thân trong thực tế hiện nay tương đối phổ biến. Hãy nêu những hiểu biết của mình về li thân và quan điểm của bản thân về việc pháp luật có nên điều chỉnh vấn đề li thân hay không?” Do kiến thức của bản thân còn có hạn nên bài làm không thể tránh khỏi những sai sót nhưng em hi vọng sẽ nhận được sự góp ý, chỉ dẫn của các thày, cô giáo để bài tập của em thêm hoàn thiện. Em xin chân thành cảm ơn.
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 1
NỘI DUNG 2
I. Thế nào là li thân?. 2
II. Thực trạng li thân trên thực tế. 3
1. Li thân, giải pháp tích cực?. 4
2. Hay chỉ là sự đày đọa. 6
III. Pháp luật và li thân. 8
KẾT LUẬN 13
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 14
15 trang |
Chia sẻ: lvcdongnoi | Lượt xem: 2793 | Lượt tải: 4
Bạn đang xem nội dung tài liệu Vấn đề li thân trong thực tế hiện nay tương đối phổ biến, để tải tài liệu về máy bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
MỞ ĐẦU
Trong thực tế hiện nay, cụm từ li thân đang ngày càng trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa thực sự hiểu về li thân, thậm chí họ còn cho rằng, li thân là việc bắt buộc trước khi li hôn. Thực tế, pháp luật nước ta hiện nay không hề có một quy định nào điều chỉnh vấn đề này. Nhưng thực tế cho thấy, li thân đang ngày càng gia tăng, tuy không hề có một số liệu thống kê nào. Nên nảy sinh ra nhiều vấn đề khác nhau, mà đặt ra câu hỏi cho các nhà làm luật “ Có nên quy định vấn đề li thân trong pháp luật ?”, mà cụ thể là trong luật Hôn nhân và gia đình. Do những đặc thù của li thân mà đây là một câu hỏi không dễ trả lời, và rất cần phải cân nhắc kĩ trước khi quy định cụ thể trong pháp luật. Vì vậy, trước khi trả lời cho câu hỏi đó, chúng ta cần có những hiểu biết nhất định về li thân và những đặc điểm của nó. Những nội dung trên sẽ được trình bày trong bài làm của em dưới đây, trong đề tài:” Vấn đề li thân trong thực tế hiện nay tương đối phổ biến. Hãy nêu những hiểu biết của mình về li thân và quan điểm của bản thân về việc pháp luật có nên điều chỉnh vấn đề li thân hay không?” Do kiến thức của bản thân còn có hạn nên bài làm không thể tránh khỏi những sai sót nhưng em hi vọng sẽ nhận được sự góp ý, chỉ dẫn của các thày, cô giáo để bài tập của em thêm hoàn thiện. Em xin chân thành cảm ơn.
NỘI DUNG
Thế nào là li thân?
Hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa có một định nghĩa nào thật sự chính xác, phù hợp để giải thích thế nào là li thân. Do đó, mỗi người lại có những quan niệm riêng khác nhau về vấn đề này.
Có người cho rằng, vợ chồng chỉ được coi là li thân khi họ không cùng chung sống trong một nhà. Những cũng có ý kiến cho rằng, ngay cả khi vợ chồng sống chung một nhà vẫn có thể li thân. Li thân ở đây được hiểu là giữa hai bên không có sinh hoạt vợ chồng. Vậy liệu trên thực tế, có những gia đình khi xảy ra bất hòa, người vợ bỏ sang nhà mẹ đẻ, vài ngày sau khi nguôi giận lại trở về nhà, có được coi là li thân. Liệu rằng, hai vợ chồng không chung sống với nhau ít nhất bao nhiêu lâu thì có thể được coi là li thân?
Hiện nay, Luật Hôn nhân và gia đình nước ta hoàn toàn không có chế định về li thân. Vì luật không hề quy định nên không có một định nghĩa chính xác về li thân, cũng không có cơ quan, tổ chức nào đứng ra giải quyết cho li thân theo hướng ra quyết định hoặc bản án công nhận cho li thân. Trong quy định về căn cứ cho li hôn cũng không có quy định là vợ chồng phải sống li thân một thời gian rồi mới được li hôn như nhiều người lầm tưởng. Hay nói cách khác, quyết định li thân và cách thức li thân hoàn toàn phụ thuộc vào hai bên vợ chồng. Có thể hiểu đơn giản li thân là sự sống riêng giữa vợ và chồng, như là không ăn chung, ở chung, không sinh hoạt vợ chồng. Mục đích của li thân, theo quy định của luật pháp các nước là để giảm thiểu những căng thẳng, xung đột gay gắt giữa vợ và chồng hoặc tránh những việc đáng tiếc có thể xảy ra. Đồng thời để các bên có thời gian suy ngẫm, ăn năn, hối cải, khắc phục lỗi lầm, sửa đổi tính tình, tha thứ cho nhau… để vợ chồng đoàn tụ, tiếp tục chung sống. Li thân không làm chấm dứt mối quan hệ pháp lí giữa vợ và chồng nên trong thời gian sống li thân, các bên vẫn có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đối với con chung và tài sản.
Mặt khác, nếu qua quá tình li thân mà tình trạng vợ chồng vẫn trầm trọng, vợ hoặc chồng vẫn chứng nào tật ấy, không cảm thông, tha thứ cho nhau, không khắc phục lỗi lầm, không dung hòa…khi ấy, các bên có thể xin li hôn.
Như vậy, li thân là để hướng đến sự đoàn tụ chứ không phải để hướng đến li hôn. Với ý nghĩa đó, li thân không phải là bước đệm để li hôn. Tuy nhiên, nếu sau một thời gian li thân mà các bên vẫn không thể nào đoàn tụ được, lúc đó, li thân sẽ là cơ sở để tòa án xem xét giải quyết cho li hôn.
Thực trạng li thân trên thực tế.
Khác với li hôn, có thể dễ dàng thống kê số vụ li hôn trên thực tế qua các tòa án, bởi tòa án chính là cơ quan ra quyết định li hôn, chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng, li thân rất khó thống kê được trên thực tế. Người ta chỉ có thể đưa ra nhận đinh rằng ngày nay, số các cặp vợ chồng li thân không hề nhỏ, dựa trên những kinh nghiệm thực tế và nghiên cứu xã hội của mình chứ không hề có một con số thống kê cụ thể.
Thực tế này xuất phát từ chính đặc điểm của li thân. Li thân hoàn toàn do hai bên vợ chồng tự thỏa thuận với nhau, không cần đến sự cho phép hay chờ quyết định của bất cứ cơ quan nhà nước nào và cũng không hề có sự điều chỉnh của pháp luật nên sự kiện li thân có thể diễn ra và kết thúc bất cứ lúc nào.
Xu hướng chọn một cuộc sống li thân đang có xu hướng xuất hiện ngày một nhiều tại khu vực thành thị. Càng là những người có trình độ học vấn, có chức vụ cao thì càng hay chọn giải pháp li thân khi gặp những trục trặc trong quan hệ vợ chồng. Thường đó là những vướng mắc như con cái, tài sản, danh tiếng…không cho họ đủ can đảm đi đến một kết cục đổ vỡ nhanh chóng. Theo tiến sĩ xã hội học Hoàng Bá Thịnh, hiện nay li thân đang khá phổ biến, thậm chí còn nhiều hơn các ca li hôn. Tuy nhiên, hiện tượng này, chỉ xảy ra ở những cặp vợ chồng ngoài 30 tuổi. Nhóm tuổi này thường có cuộc sống, thu nhập ổn định, thành đạt, họ không muốn li hôn vì sợ ảnh hưởng đến địa vị, uy tín, con cái. Khác với các nước phương Tây, người Việt Nam thường li thân nhưng vẫn sống chung nhà, mọi giao tiếp chỉ là chiếu lệ. Họ ngại việc phải chuyển ra hai nơi sống khác nhau trước mặt mọi người và đặc biệt là với con cái của họ. Họ có thể giải thích nhưng rất khó để tâm lí của những đứa trẻ như vậy bị ảnh hưởng. Trước mặt người thân, bạn bè, hàng xóm họ vẫn tỏ ra thương yêu nhau.
Có những cặp vợ chồng quyết định li thân để trong khoảng thời gian đó nhìn nhận lại bản thân và những vấn đề bất đồng một cách toàn diện và nghiêm túc. Nhưng cũng có những cặp vợ chồng họ không quyết định vì lí do trên mà đơn giản họ đã không thể sống chung với nhau, nhưng sợ những điều tiếng, ảnh hưởng đến công việc mà họ đi đến li thân.
Có thể nói, li thân, xét về nhiều khía cạnh thì có cả ưu và nhược điểm, mà nếu có thể tận dụng những ưu điểm đó thì hoàn toàn có thể giữ vững được mái ấm gia đình.
Li thân, giải pháp tích cực?
Xa nhau một thời gian để cùng bình tĩnh nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện và nghiêm túc, biết đâu hai bên có thể lật ngược được ván cờ hôn nhân? Do đó, nhiều cặp vợ chồng chọn li thân là giải pháp thử nghiệm trước khi kí tên vào đơn xin li hôn.
Một công tình nghiên cứu sau khi li hôn ở nước Anh cho thấy, có 5 người li hôn thì có đến 4 người cảm thấy cuộc chia tay của mình là quá vội vàng. 84% số người được hỏi cho rằng thủ tục li hôn bây giờ quá nhanh, đến nỗi họ chưa có thời gian để kiểm nghiệm xem quyết định của mình là đúng hay sai. Số liệu trên tuy không được nghiên cứu ở nước ta, và có lẽ thủ tục li hôn của chúng ta cũng không nhanh chóng như các nước phát triển như Anh, nhưng có thể thấy, trên thực tế, không ít các đôi vợ chồng sau khi li hôn mới nhận ra đó chỉ là nóng giân tức thời, và hoàn toàn có thể hàn gắn với nhau. Các nhà nghiên cứu sau li hôn cho thấy, đa số các vụ li hôn, cả hai người trong cuộc đều thấy cái giá phải trả vè mặt tinh thần, tình cảm với bản thân, cha mẹ, anh chị em, họ hàng và nhất là với con cái. Có những vụ li hôn do bi kịch gia đình thực sự, nhưng cũng có những cuộc li hôn do những nguyên nhân nhiều khi rất vụn vặt và nếu bình tĩnh thì hoàn toàn có thể giải quyết được, tránh gây ra đổ vỡ. Vì vậy, li thân trước khi quyết định li thân là một phương án khá hợp lí. Nhiều người đã gọi đây là “Li thân thử nghiệm”.
Li thân thử nghiệm là vợ chồng tránh tiếp xúc với nhau một thời gian. Có thể ở riêng hai nơi, có thể là vẫn ở chung một nhà nhưng không chung phòng, đặc biệt là không nói chuyện, cãi vã nhau. Khoảng thời gian đó để hai người bình tĩnh nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện và nghiêm túc.
Quy luật tâm lý đã chỉ ra rằng, tất cả mọi tình cảm của con người đều đi theo chiều hướng suy giảm dần theo thời gian. Sự tức giận cũng không nằm ngoài quy luật đó. Nỗi tức giận có thể tới 10 phần, nhưng sau thời gian thử nghiệm, nó sẽ giảm xuống còn hai đến ba phần. Đặc biệt, trong thời gian này, nếu cả hai bên có sự trợ giúp về tâm lý, có thể là anh chị em trong gia đình, hay bạn bè thân thiết, hoặc những chuyên gia tâm lí thì khả năng đổ vỡ sẽ giảm đi ít nhiều.
Tuy nhiên, không nên li thân quá lâu, nếu qua một khoảng thời gian mà hai bên, sau khi suy nghĩ chín chắn, thấy rằng không thể tiếp tục chung sống với nhau thì hai bên nên đi đến li hôn để “giải thoát” cho nhau.
Nếu cuối cùng không tìm ra giải pháp thì lúc ấy li hôn không phải là quá muộn, và hơn nữa, sau này, hai bên sẽ không phải suy nghĩ, hay ân hận vì những quyết định quá nhanh của mình.
Hay chỉ là sự đày đọa
Những câu hỏi được đặt ra khi hai vợ chồng quyết định li thân đó chính là liệu thời gian li thân có hàn gắn được tình cảm của họ. Với những mâu thuẫn đã và đang tồn tại, hoặc công khai hoặc âm ỉ như thế, liệu khi li thân người ta có đủ tỉnh táo để nhìn nhận lại cuộc hôn nhân khi mà mỗi khi nghĩ đến đối phương là chỉ thấy những điểm đáng ghét hơn là đáng yêu. Hay trong thời gian li hôn những người trong cuộc có được phép thiết lập một mối quan hệ khác hay vẫn phải giữ phận sự là chồng, là vợ, là cha, là mẹ của mình.
Nhiều người không cho rằng li thân là một giải pháp tích cực mà họ cho rằng ngay trong khoảng thời gian li thân, tưởng rằng họ có thể tĩnh tâm mà suy nghĩ, lại không hề yên ả, thậm chí nặng nề, ngột ngạt, mà nhiều người ví đó là “ trời trước bão”. Trời trước bão luôn phẳng lặng, bình yên nhưng lại rất ngột ngạt, khó chịu mà người ta chỉ mong bao ập đến ngay lập tức.
Nếu như trước khi li hôn, khi gặp những vấn đề bất đồng, hai bên có thể trực tiếp trao đổi, thậm chí, nếu có to tiếng thì cũng giúp giải tỏa được ức chế và bày tỏ được quan điểm của mình. Tuy nhiên, khi li hôn, hai bên không hề có những cuộc “trao đổi” như vậy, nên khó có thể hiểu được cho nhau.
Theo ý kiến cá nhân thì nếu như li thân mà họ sống ở hai nơi khác nhau thì có vẻ mọi chuyện đơn giản hơn, nhưng một khi họ sống trong cùng một nơi mà phải bao bọc chuyện li thân này với chính những người trong gia đình và những người xung quanh thì cuộc sống của họ sẽ biến thành cuộc sống hai mặt. Họ sẽ phải tỏ ra như những gia đình hạnh phúc trước mặt mọi người, thậm chí giả vờ yêu thương nhau trước mặt chính con cái của mình. Khi đó, cuộc sống sẽ trở nên hết sức căng thẳng, họ buộc phải sống cùng những chiếc mặt nạ khó chịu, dai dẳng. Và khi đó, họ sẽ không thể đạt đến cái mục đích mà vì nó họ tiến hành li thân đó là hàn gắn, mà thậm chí tình hình còn căng thẳng hơn trước.
Và một vấn đề nữa cần hết sức cân nhắc khi hai vợ chồng li thân đó chính là con cái. Những đứa con sẽ cảm thấy như thế nào nếu chứng kiến cảnh bố mẹ li thân. Nếu bố mẹ li thân và sống ở hai nơi khác nhau thì đứa trẻ, đặc biệt là khi còn nhỏ, sẽ không thể nhận thấy sự khác nhau giữa li thân và li hôn. Do đó, những ảnh hưởng tiêu cực của li thân trong trường hợp này đến con cái cũng không khác li hôn nhiều, nhất là khi thời gian li thân lâu dài.
Còn những cặp cha mẹ li thân mà vẫn chung sống cùng nhà và vẫn tỏ ra yêu thương nhau trước mặt con cái thì một khi đứa trẻ có thể cảm nhận được hay phát hiện ra sự thực về mối quan hệ gượng ép của bố mẹ thì sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến tâm lí. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, khi bố mẹ li thân “bí mật”, bố hay mẹ không thể giải quyết mâu thuẫn với đối phương nên chuyển sang xỉa xói nhau hay trút giận lên đầu con cái thì tình hình càng trở nên nghiêm trọng. Đứa trẻ, sống trong căn nhà bức bách đó, khi nhận ra rằng, tất cả những gì bố mẹ chúng đối xử với nhau chỉ là một vở kịch thì chúng sẽ hụt hẫng, sụp đổ niềm tin và cảm thấy bị lừa dối bởi chính cha mẹ của mình, ảnh hưởng xấu đến cách nhìn nhận của con trẻ về xã hội và hôn nhân sau này. Theo tiến sĩ xã hội học Hoàng Bá Thịnh thì:” Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lí của người con. Vì khi cha mẹ - những người thân cận, đáng tin nhất mà còn lừa dối thì sẽ chẳng còn gì đáng tin nữa. Và như vậy giải pháp li thân trở thành quyết định sai lầm lớn, còn nguy hiểm hơn cả li hôn”
Một khi đã ảnh hưởng đến tâm lí thì nó sẽ chi phối đến hành động của đứa trẻ, các em sẽ sống khác biệt hơn những đứa bạn sống trong gia đình bình thường. Có thể là e dè, lầm lũi hơn hoặc tỏ ra chống đối, ngỗ ngược và có hành vi gây hấn với những người xung quanh, hay có những em lại tìm đén những cuộc sống viễn tưởng, tức là một thế giới khác không có thực. Ảnh hưởng rất lớn đến hình thành nhân cách và cuộc sống sau này của trẻ.
Do đó, nếu cha mẹ quyết định li thân, dù trong trường hợp nào cũng cần chuẩn bị tâm lý cho trẻ, và nên thành thật với trẻ, chuyện trò để trẻ có thể hiểu được phần nào nguyên nhân và mục đích của việc li thân, để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ. Dù li thân, nhưng trên thực tế, hai bên vẫn đang có quan hệ vợ chồng, và vì thế vẫn phải có trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con như trước đây.
Pháp luật và li thân
Như đã nói đến ở trên, hiện nay, luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam 2000 chưa hề có những chế định về li thân. Tuy nhiên, do tình hình li thân trong thực tế hiện nay ngày càng ra tăng, kéo theo nhiều vấn đề khác nhau, tích cực có, tiêu cực có, nên nhiều người đã đặt ra câu hỏi, liệu pháp luật có nên điều chỉnh vấn đề li thân hay không?
Theo ý kiến cá nhân, thiết nghĩ việc điều chỉnh vấn đề li thân trong pháp luật là cần thiết, tuy nhiên cần phải nghiên cứu kĩ về những đặc thù của li thân để đảm bảo tính khả thi của các điều luật cũng như đảm bảo tính tích cực, răn đe của pháp luật mà không làm ảnh hưởng đền quyền tự do hôn nhân của công dân.
Đặc thù của li thân đó là rất khó nắm bắt và quản lí trên thực tế. Nếu như li hôn là hai người hoàn toàn chấm dứt với nhau quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản thì những quan hệ này rất khó quy định đối với li thân. Liệu rằng, khi li thân thì họ có quyền và nghĩa vụ nhân thân với nhau hay không; hay các vấn đề liên quan đến quan hệ tài sản như nuôi dưỡng, cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại trong trường hợp con chưa thành niên có hành vi trái pháp luật sẽ được giải quyết như thế nào. Và nếu như họ có một khoảng thời gian li thân tương đối dài, và sau này quay lại với nhau, thì tài sản mà hai bên làm ra trong thời kì li thân đó có được coi là tài sản chung? Mặt khác trên thực tế, nhiều vợ, hoặc chồng sống trong giai đoạn li thân cảm thấy rất bực bội khi người chồng hoặc người vợ ngang nhiên quan hệ với một người phụ nữ hoặc đàn ông khác. Vậy liệu luật có cho rằng họ đã vi phạm quy định một vợ một chồng? Có rất nhiều vấn đề được đặt ra và đòi hỏi các nhà làm luật thật sự cần cân nhắc rất kĩ.
Thứ nhất, trong luật cần có một định nghĩa chính xác, cụ thể về li thân. Thế nào mới được coi là li thân và liệu rằng li thân có cần đến sự cho phép của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hay có nên quy định thời gian tối thiểu và tối đa của li thân. Theo ý kiến của bản thân, rất cần thiết có một định nghĩa cụ thể về li thân. Và không nên quy định việc li thân phải có sự đồng ý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bởi khác với li hôn, hai bên dù li thân nhưng họ vẫn có những quyền và nghĩa vụ không có sự thay đổi mấy so với trong thời kì hôn nhân, bởi trên thực tế, pháp luật vẫn coi họ là vợ chồng. Hơn nữa, mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng có những nguyên nhân, lí do khác nhau dẫn đến quyết định li hôn, những nhà chức trách không thể hiểu được hết những lí do đó, nên họ không thể quyết định là tình trạng gia đình đó đã đến mức cần li thân hay chưa, điều đó nên phụ thuộc hoàn toàn vào hai bên vợ chồng. Do li thân là để hai bên có thời gian nhìn nhận lại những vấn đề bất đồng giữa hai bên nên thực tế sẽ có những cặp vợ chồng sau một khoảng thời gian ngắn đã có thể hàn ngắn lại hôn nhân, nhưng cũng có những cặp vợ chồng lại cần nhiều thời gian hơn, nên không thể quy định thời gian tối thiểu của thời kì li thân. Nhưng đối với thời gian tối đa, liệu có nên quy định hay không? Nhiều cặp vợ chồng đã có khoảng thời gian li thân khá lâu nhưng vẫn chưa thể quay lại quan hệ vợ chồng như xưa. Do nhiều lí do, nhưng thường là do họ không muốn li hôn, bởi có thể ảnh hưởng đến công việc hay danh tiếng của họ, và vì thế, không thể bắt buộc họ, sau một khoảng thời gian nhất định phải li hôn, hoặc quay về sống chung. Hơn nữa, việc xác định thời gian li thân trên thực tế là vô cùng khó khăn, bởi như đã nói ở trên, việc li thân có thể diễn ra mà không cần đến sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên không thể xác định được chính xác thời gian li thân để làm căn cứ cho việc xem xét thời gian tối đa và thời gian tối thiểu.
Thứ hai, quyền và nghĩa vụ của các bên có như đang trong thời kì hôn nhân hay không? Về vấn đề này, theo ý kiến cá nhân, pháp luật nên có những quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của hai bên vợ chồng khi li thân, có thể là như trong thời kì hôn nhân, do đó, hai bên vẫn cần phải tuân thủ chế độ một vợ một chồng và vẫn có quyền và nghĩa vụ với bên kia, với con chung, bố mẹ, tài sản chung,…. Cần có những quy định này để tránh tình trạng nhiều cặp vợ chồng tuy chưa li hôn nhưng một hoặc cả hai bên vẫn có quan hệ như vợ chồng với một người khác, hay lợi dụng việc li thân để trốn tránh trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Khi có những quy định này, thì khi một trong hai người vợ hoặc chồng gửi đơn kiện đến tòa án về việc đang trong thời gian li thân mà người kia lại có quan hệ như vợ chồng với một ai khác( hay không làm tròn bổn phận, trách nhiệm của mình, …) thì Tòa án có thể dựa vào những quy định trên, yêu cầu hai bên vợ chồng chứng minh là họ đang li thân và người khác có quan hệ như vợ chồng với một người khác( hay không làm tròn bổn phận, trách nhiệm, …) và đưa ra quyết định giải quyết vụ việc.
Thứ ba, một vấn đề khác về li thân cần xem xét có nên quy định trong luật hay không đó chính là quan hệ tài sản giữa hai bên. Liệu li thân có cần thiết phải phân chia tài sản chung hay không? Thiết nghĩ, điều này là không bắt buộc và cũng không là cơ sở để xác định li thân, tuy nhiên nếu có yêu cầu chính đáng của hai bên vợ chồng thì Tòa án có thể phân chia tài sản chung thành tài sản riêng cho hai bên. Tuy nhiên, do về mặt pháp lý thì hai vợ chồng khi li thân thì vẫn trong thời kì hôn nhân bởi họ chưa li hôn, quan hệ vợ chồng giữa họ chưa chấm dứt, nên theo quan điểm cá nhân, quan hệ tài sản giữa vợ và chồng khi li thân không có gì thay đổi so với quan hệ tài sản trong hôn nhân.
Nhiều người lầm tưởng li thân là bắt buộc trước li hôn. Nếu như pháp luật quy định là bắt buộc, tức là, hai bên vợ chồng muốn li hôn thì phải trải qua một thời kì thử thách là li thân. Quy định trên có những ưu điểm đó là tạo điều kiện cho vợ chồng có một khoảng thời gian suy nghĩ lại về những bất đồng dẫn đến đổ vỡ hôn nhân, và có thể sau thời gian đó, họ sẽ hàn gắn được hôn nhân. Tuy nhiên, hạn chế khi quy định vấn đề này, đó chính là có thể sẽ cản trở hai bên xây dựng cuộc sống mới nếu như họ cảm thấy hoàn toàn không thể tiếp tục chung sống, hay làm nảy sinh những vấn đề khác như hai bên li thân sẽ sống ở hai nơi khác nhau hay vẫn sống chung một nhà, nếu sống ở hai nơi khác nhau thì có thể gây khó khăn cho một trong hai bên, khi phải tìm nơi ở trong thời kì li thân, và vấn đề con cái; hoặc thời gian bắt buộc ấy là bao lâu. Chúng ta lại gặp khó khăn với những quy định về thời gian, thời gian tối thiểu? Thời gian tối đa?. Do đó, pháp luật có thể quy định về mối quan hệ giữa li thân và li hôn như sau. Sau khi xem xét tình hình hôn nhân, Tòa án có thể đưa ra sự lựa chọn cho hai bên, có thể lựa chọn giải pháp li thân trong khoảng thời gian tối thiểu và tối đa là bao nhiêu, hay tiếp tục các thủ tục trình tự li hôn như thông thường. Các bên có thể lựa chọn phương án li thân sau một khoảng thời gian suy nghĩ, và thỏa thuận với nhau về các vấn đề khác như việc nuôi dưỡng, chăm nom con cái, cha mẹ, … hay nơi ở của hai bên, …. Tòa án sẽ chấp nhận những sự lựa chọn đó và ra quyết định. Có thể đơn giản coi việc li thân cũng là một biện pháp với mục đích tương tự như hòa giải. Tuy nhiên, do những đặc thù của việc li thân mà trong khi bước hòa giải là một bước bắt buộc trong thủ tục li hôn thì bước li thân lại chỉ là bước mang tính lựa chọn. Do đó, Tòa án khi xử li hôn có thể tư vấn, giải thích cho các cặp vợ chồng về vấn đề này. Nếu sau khoảng thời gian li thân mà hai bên quyết định quay lại với nhau thì Tòa án sẽ vô hiệu đơn xin li hôn trước đây. Nếu hai bên vẫn đi đến quyết định li hôn thì Tòa án tiếp tục xử lí theo trình tự luật định thông thường, tuy nhiên, có thể bỏ qua bước hòa giải.
Như vậy, theo ý kiến bản thân, pháp luật nên điều chỉnh vấn đề li thân, tuy nhiên, cần hết sức mềm dẻo linh hoạt. Có thể đưa vào pháp luật khái niệm li thân, quyền và nghĩa vụ của các bên khi li thân, hay thay đổi một chút về mối quan hệ giữa vấn đề li thân và li hôn như đã nêu ở trên.
Nói chung, vấn đề li thân rất phức tạp, mà các nhà làm luật, một khi đã quyết định điều chỉnh vấn đề này cần phát huy những ưu điểm của việc li thân, và quan trọng là phải đảm bảo quyền tự quyết của hai bên vợ chồng, không nên chỉ nhìn thấy những điểm hạn chế của li thân mà áp đặt ý chí chủ quan lên quan hệ đó.
KẾT LUẬN
Khi xây dựng hôn nhân, chắc chắn, cả hai bên đều mong muốn có được một cuộc sống hạnh phúc, nhưng do nhiều nguyên do mà cuộc sống ấy không được như họ mong muốn, và để giải thoát cho nhau, nhiều cặp vợ chồng đã quyết định li thân, li hôn. Li thân đang ngày càng phổ biến và càng có nhiều ảnh hưởng đến đời sống xã hội, đòi hỏi pháp luật cần có sự điều chỉnh. Hi vọng rằng, trong tương lai, pháp luật Việt Nam, đặc biệt là luật Hôn nhân và gia đình sẽ có những quy định điều chỉnh vấn đề li thân vừa đảm bảo được tính răn đe của pháp luật, vừa không làm ảnh hưởng đến quyền tự quyết của công dân, góp phần tích cực vào việc xây dựng nên những gia đình Việt Nam văn hóa của thời đại mới.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
Giáo trình Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam, Trường ĐH Luật Hà Nội.
Trang web: www.vietbao.vn.
Trang web: www.lawsoft.thuvienphapluat.vn
Trang web: www.docjax.com.
Trang web: www.diemtin.com.
Và nhiều trang web khác có các bài viết về thực trạng li thân hiện nay.
MỤC LỤC
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- Bài tập học kỳ- Vấn đề li thân trong thực tế hiện nay tương đối phổ biến Hãy nêu những hiểu biết của mình về li thân và quan điểm của bản thân về việc.doc